Hoa trôi trên Sóng nước
✍️ Mục lục: Hoa trôi trên Sóng nước
Chương VI:
Ở ngoại ô thành phố Sapporo có một thiền viện thuộc dòng Tào Động (Soto) tên là Chuoji, thường mở những khóa tu thiền vào lúc cuối tuần. Thất vọng với việc đi tìm đạo một cách viển vông của mình, tôi quay trở về với Phật giáo như một «giải pháp cuối cùng» và tự nhủ nếu không tìm được con
đường giải thoát, tôi sẽ không còn muốn sống nữa. Vào lúc đó cuộc thế
chiến thứ hai cũng vừa bắt đầu.
Khóa tu tại chùa Chuoji được vị sư trụ trì hướng dẫn có khoảng ba mươi
người tham dự. Khác với những vị thầy mà tôi đã gặp, thường giảng giải về
lý htuyết, vị trụ trì tại đây lại chú trọng đến sự thực hành. Ông quan niệm
việc tọa thiền (zazen) là chính, mọi thứ khác chỉ là phụ. Ông nói :
– Tọa thiền là ngõ vào con đường giải thoát, chỉ có công phu tọa thiền mới
làm cho tâm sáng suốt để nhận thức được chân tánh của nó. Ngày xưa đức
Phật Thích Ca đạt đạo giải thoát cũng nhờ ngồi thiền, trước khi hoằng pháp
tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng ngồi diện bích suốt chín năm, hiển nhiên quí vị thấy
tọa thiền quan trọng như thế nào. Do đó quí vị phải chăm chỉ tọa thiền.
Tôi không lạ gì việc ngồi tĩnh tâm theo phương pháp Kannagara-no-michi và
phát âm bằng nội lực của mình, nhưng vị trụ trì lại dạy chỉ ngồi trong yên
lặng, theo dõi hơi thở và tuyệt đối không làm gì khác. Tôi thắc mắc :
– Thưa thầy, ngồi yên lặng như thế thì được ích lời gì. Ít ra phải có một cái
gì khác nữa chứ ?
– Lúc đầu người ta chỉ cần theo dõi hơi thở để làm lắng dịu tư tưởng đã.
Đừng tưởng ngồi yên lặng như thế là dễ đâu, bà hãy tập ngồi làm sao cho thật trang nghiêm, ngồi vững vàng như trái núi, ngồi làm sao để tâm và thân
được nhất như thì mới thực sự gọi là tọa thiền.
Phương pháp ngồi thiền khởi đầu bằng việc đếm số hơi thở (sổ tức) như sau:
lúc đầu thiền sinh hít vào và đếm thầm «một», khi thở ra thì đếm «hai», cứ
thế cho đến số mười thì bắt đầu trở lại. Dĩ nhiên trong lúc đó những ý niệm
vẩn vơ có thể nẩy sinh làm sao lãng tâm trí nhưng điều quan trọng là thiền
sinh không được áp chế nó, chận đứng nó, theo đuổi nó hay bám vào nó; mà
cứ để cho nó tự động đến và đi một cách tự nhiên. Thiền sinh được dạy rất
kỹ rằng chỉ nên tập trung năng lực vào việc đếm hơi thở ra vào thong thả mà
thôi. Sau khi tọa thiền một thời gian thì các thiền sinh được nghỉ ngơi vài
phút để xoa bóp cho giãn gân cốt rồi đứng dậy đi thiền hành chung quanh
thiền đường. Sau khi việc đếm hơi thở như trên đã thuần thục thì thiền sinh
đổi cách đếm, chỉ tập trung tư tưởng để đếm mỗi khi thở ra mà thôi. Mỗi số
đếm tương ứng với cả lúc hít vào và thở ra, cho đến số mười thì bắt đầu trở
lại từ số một. Sau khi đã thực tập thuần thục cách đếm này thì họ lại đổi cách
đếm, tập trung tư tưởng để đếm mỗi khi hít vào. Đây là giai đoạn khó khăn
hơn vì mọi hoạt động tinh thần lẫn thể xác thường được thực hiện khi người
ta thở ra nên hầu hết mọi người đều vấp váp trong lúc này. Mặc dù đã từng
tu tập phương pháp tĩnh tâm rất thuần thục nhưng cũng phải mất một thời
gian tôi mới có thể đếm hơi thở một cách thoải mái, tự nhiên theo phương
pháp này.
Ngoài việc tọa thiền, vị trụ trì còn khuyên các thiền sinh nên tham cứu thêm
hai cuốn sách thiền là Bích Nham Lục và Vô Môn Quan. Bích Nham Lục là
cuốn sách do thiền sư Tuyết Đậu soạn ra và sau được thiền sư Viên Ngộ chú
giải thêm. Cuốn sách gồm một trăm công án được sắp đặt theo thứ tự nhất
định : khởi đầu là lời dẫn (Thùy thị), kế đến là công án (Tắc) với những lời
bình chú (Cử), bình xướng (Kệ), và bình giải. Thiền sư Đạo Nguyên
(Dogen), người sáng lập dòng thiền Tào Động ở Nhật, đã mang cuốn sách
này từ Trung Hoa về để làm tài liệu giảng dạy cho học trò của ông. Vô Môn
Quan là cuốn sách do thiền sư Huệ Khai (1183 – 1260) soạn ra. Cuốn sách
này sắp đặt giản dị hơn Bích Nham Lục rất nhiều, gồm bốn mươi tám công
án thiền (Tắc) và lời bình giải. Theo truyền thuyết, thiền sư Huệ Khai nhờ
công án «Vô» của Triệu Châu mà chứng đắc, do đó ông đưa công án này lên
hàng đầu trong cuốn Vô Môn Quan. Ông viết trong phần mở đầu: «Tất cả
những lời dạy của Phật đều lấy Tâm làm tông, lấy không cửa (Vô môn) là lối
vào đạo. Đã là không cửa làm sao mà vào được? Há không nghe cổ nhân
nói: «Nếu có cửa mà vào chẳng phải là đồ quí, do duyên mà có rồi trước sau
cũng thành hoạt». Những kẻ nào tìm lý trong lời, chẳng khác gì vác gậy khều trăng. Có gì liên quan đến sự thật đâu? Khi làm Thủ Chứng ở Long
Tường, nhân được chư tăng thỉnh giảng pháp, ta bèn đem công án của cổ
nhân làm viên gạch dộng cửa, tùy căn cơ mà dẫn dắt người học. Ta sao lục
những lời bình giải lại thành một tập sách đặt tên là Vô Môn Quan. Nếu là
kẻ liều lĩnh, không kể mất còn, một mình một kiếm bước thẳng vào chỗ thù
địch, dù cho Bát Tí Na Tra cũng không cản nổi. Ngay cả hai mươi tám vị tổ
ở Tây Thiên, sáu vị ở Đông Độ, chỉ nghe phong thanh cũng đủ cầu xin tha
mạng. Nếu chần chờ, ngần ngại không dũng mãnh thì chẳng khác nào đứng
cạnh cửa sổ mà canh chừng kỵ sĩ, chỉ trong chớp mắt y đã chạy mất rồi. Do
đó có bài tụng rằng: «Đường lớn không cửa. Có nghìn lối vào. Qua được cửa
này. Càn khôn lẻ bước ». Theo vị trụ trì chùa Chuoji, hai cuốn sách trên và
cuốn Chứng đạo ca của thiền sư Huyền Giác là ba cuốn sách quan trọng,
không thể thiếu của bất cứ người tu thiền nào. Hôm nay khi đặt bút viết đến
đây tôi xin ghi lại một nhận xét riêng cho những người muốn bước vào cửa
thiền.
Mặc dù tông chỉ của thiền là «Bất lập văn tự», nhưng một số người, thường
thuộc hạng trí thức, lại thích bình luận về thiền một cách sôi nổi. Họ thường
dẫn cứ những giai thoại về thiền như tổ Đơn Hà chẻ tượng Phật làm củi đốt,
tổ Lâm Tế mạnh bạo nói «Phùng Phật, sát Phật» rồi từ đó họ suy luận rộng
ra và diễn giải thiền tông theo ý riêng của họ. Đây là một trở ngại rất lớn cho
người mới bước chân vào cửa thiền, những người ham thích những gì kỳ lạ,
đầy kịch tính, hơn là tọa thiền. Họ đã vô tình biến pháp môn «Bất lập văn
tự» thành một trò chơi chữ nghĩa với những câu nói ngông cuồng, bắt chước
chư tổ như «Ba lạng vải gai», «Cây phướn trước sân», hoặc «Nói được, ba
chục gậy. Không nói được, ba chục gậy». Cùng một câu nói đó nhưng một
vị thiền sư đã giác ngộ, một vị tổ, có thể nói được; còn với những kẻ chưa
ngộ, chưa hề có kinh nghiệm tâm linh, thì đó chỉ là một sự nhắc đi nhắc lại
như con vẹt, một sự ngông cuồng, ngu xuẩn, không những gây trở ngại cho
mình mà còn làm hoang mang những người khác. Tôi xin ghi lại đây một sự
kiện xảy ra trong khóa tu thiền lúc đó. Trong các khóa tu thường có một số
người thích tham dự để bàn luận nhiều hơn là tu tập. Họ thường mang kiến
thức ra khoe khoang như một cơ hội để phô trương bản ngã. Khóa tu tại
chùa Chuoji cũng có vài người như vậy nên vị trụ trì thất vọng nói :
– Nếu quí vị chểnh mảng việc tọa thiền thì làm sao có thể đi xa hơn trên
đường giải thoát được?
Một học viên tên Yamato đã biện luận việc chểnh mảng tọa thiền của mình
bằng giai thọai về thiền như sau :
– Khi còn tu tại núi Hoành Nhạc, Mã Tổ chăm chỉ tọa thiền ngày đêm
không mỏi mệt. Một hôm thầy ông là hòa thượng Nam Nhạc hỏi : «Con tọa
thiền như thế để làm gì?». Mã Tổ trả lời: «Con cố gắng ngồi để được thành
Phật». Nam Nhạc không nói gì, chỉ lấy một miếng ngói rồi mài đi mài lại
trên hòn đá gần đó. Thấy lạ, Mã Tổ bèn hỏi: «Thầy mài ngói để làm gì
vậy?». Nam Nhạc thản nhiên trả lời: «Để làm gương soi mặt». Mã Tổ lắc
đầu: «Làm sao mài ngói mà có thể thành gương được!» Nam Nhạc cũng nói
ngay: «Làm sao ngồi mãi mà có thể thành Phật được?».
Nghe Yamato nói vậy, vị trụ trì đã trả lời :
– Các ông chỉ ham thích những lý luận suông mà không hiểu Nam Nhạc
biết rõ căn cơ của Mã Tổ lúc đó đang bị mê hoặc, cho rằng Phật tánh là một
cái gì ở bên ngoài mà ông có thể tìm được qua việc tọa thiền, nên mới dạy
như vậy để ông này tỉnh ngộ. Thật ra Nam Nhạc đâu có nói việc tọa thiền là
vô ích như mài ngói không thể thành gương mà chỉ nhấn mạnh rằng làm sao
Mã Tổ có thể thành Phật qua việc ngồi, nếu ông không bắt đầu là một ông
Phật trước đã. Nói một cách khác, tọa thiền không mang đến cho ta Phật
tánh, nó chỉ giúp cho tâm ta tĩnh lặng để ý thức được rằng Phật tánh vốn
hiện hữu trong ta. Nếu tâm ta hoàn toàn an tĩnh thì một phút ngồi thiền chính
là một phút làm Phật, còn như ngồi mà tâm vọng động, mong cầu thì có ngồi
bao lâu cũng chỉ là vô ích thôi. Nếu lúc tọa thiền thì các ông ngủ gật nhưng
sau buổi tọa thiền lại hăng say lý luận giảng giải lung tung như thế này thì
đừng nói tu một kiếp, nếu có tu hành hàng trăm kiếp cho đến ngày đức Phật
Di Lặc ra đời vẫn chẳng hiểu được gì hết. Các ông phải cố gắng công phu,
chớ sinh tâm nghi ngờ hay chấp vào những giai thoại thiền mà các ông chưa
hiểu rõ, để rơi vào ma đạo, trôi nổi trong sinh tử luân hồi, không giải thoát
được.
Nghe vị trụ trì nói vậy, tôi cảm thấy yên tâm và cố gắng chăm chỉ tọa thiền
theo phương pháp chỉ dẫn.
Trước khi đi xa hơn, tôi muốn nhắc qua về lịch sử Thiền tông Nhật Bản.
Thiền tông du nhập vào xứ tôi từ lâu, có lẽ từ khi đạo Phật truyền vào đây.
Lịch sử ghi nhận vào năm 552, quốc vương xứ Triều Tiên đã cho người
mang triều cống Nhật Bản một số kinh sách, tượng Phật và sau đó Hoàng đế
Nhật đã gửi người qua Triều Tiên, Trung Hoa để hỏi thêm về Phật pháp.
Vào năm 654, ngài Đạo Chiêu (Dosho), một đệ tử của ngài Huyền Trang
bên Trung Hoa, đã qua Nhật giảng dạy về thiền tại thành phố Nara. Sau đó
các thiền sư khác như Đạo Tuân (Dosen), Nghĩa Không (Giku), Đạo Long (Doryu), Tố Nguyên (Sogen), Nhật Ninh (Ichinei) đều lần lượt được mời
sang giảng dạy về thiền nhưng lúc đó Thiền tông vẫn chưa phát triển được
bao nhiêu. Có người cho rằng các thiền sư trên chỉ đến giảng dạy một thời
gian rồi trở về nước chứ không có ý định xây dựng, phát triển Thiền tông tại
đây. Cũng có dư luận cho rằng phương pháp giảng dạy của các thiền sư
Trung Hoa lúc đó không phù hợp với phong hóa Nhật Bản nên không được
quần chúng đón nhận nhiệt thành. Phải chờ đến khi hai vị sáng tổ của Thiền
tông Nhật Bản là ngài Vinh Tây (Eisai) và Đạo Nguyên (Dogen) qua Trung
Hoa tu học, trở về hoằng pháp thì thiền tông mới phát triển mạnh mẽ, ảnh
hưởng đến mọi sinh hoạt của người dân xứ này.
Tổ Vinh Tây (Eisai Myoan 1147 – 1215) là một vị cao tăng tu ở núi Hiei,
một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Nhật Bản lúc đó. Trước khi qua Trung
Hoa ông đã là một luận sư rất giỏi. Ông nghiên cứu nhiều kinh điển nhưng
không thỏa mãn với lời giải thích của các danh sư đương thời nên qua Trung
Hoa tìm thầy học thêm. Ông du hành nhiều nơi, theo học với các cao tăng
của Thiên Thai Tông, Chân Ngôn Tông, Tịnh Độ Tông, nhưng vẫn không
thỏa mãn cho đến khi gặp các thiền sư thuộc dòng Lâm Tế tại núi Thiên
Đồng thì bao nghi ngờ đều được giải đáp cả. Ông sống tại đây nhiều năm để
học hỏi thêm, hàng ngày theo chư tăng làm các công việc thường nhật như
chẻ củi, giã gạo, canh tác theo đúng tinh thần thiền môn là «một ngày không
làm là một ngày không ăn». Núi Thiên Đồng còn là nơi nổi tiếng sản xuất
các loại trà (hai loại trà Long Tỉnh và Thiết Quan Âm đều phát xuất từ đây)
nên hiển nhiên ông đã học được cách trồng trà. Khi trở về Nhật, ngoài việc
giảng dạy thiền, Vinh Tây còn mang hạt giống trà về trồng và khởi xướng
nghệ thuật uống trà tại đây, do đó người Nhật đã coi ông như tổ sư khai sáng
dòng Lâm Tế Nhật Bản và cha đẻ ra nghệ thuật trồng trà, uống trà.
Vinh Tây là người có công rất lớn trong việc phát triển thiền học tại Nhật.
Ông chủ trương thiền học chính là phương pháp khai phóng sức mạnh của
dân tộc. Ông soạn thảo bộ Hưng thiền hộ quốc để làm tài liệu giảng cho học
trò. Theo ông thì đạo Phật không giới hạn trong phạm vi của các tu viện mà
phải thể nhập vào đời sống của đại chúng. Một quốc gia sở dĩ hưng thịnh
được là nhờ những người trong đó biết tu tỉnh, biết sống trong tỉnh thức, biết
ý thức tinh thần trách nhiệm và đạo đức. Ông chủ trương từ giai cấp lãnh
đạo cho đến thứ dân đều phải thực tập thiền định, ngay các hiệp sĩ (Samurai)
cũng phải biết tự chủ qua phương pháp thiền tập. Ông viết : «Nhờ làm chủ
được mình mà mọi ý nghĩ, hành động của họ đều phản ảnh phần nội tâm
phong phú, nhân cách điềm đạm, đo đó người hiệp sĩ có thể tìm thấy ‘hành
trong vô hành, động trong bất động’, ung dung tự tại trước ngoại vật, ngay cả cái chết cũng không thể làm họ nao núng được ». Cuốn Hưng thiền hộ
quốc trở nên cuốn sách gối đầu giường của giai cấp hiệp sĩ lúc đó và mở
đường cho phong trào võ sĩ đạo (Bushido) sau này. Ngoài ra người ta còn
thấy ảnh hưởng của Vinh Tây trong văn học, thi ca, kịch nghệ, hội họa, nghệ
thuật cắm hoa, uống trà nữa. Chính nhờ Vinh Tây mà Thiền tông đã gắn liền
với đời sống của người dân xứ này và chính nhờ biết thực tập thiền định mà
người dân xứ này đã hun đúc được một lý tưởng quốc gia dân tộc mạnh mẽ
đến ngày nay.
Tổ Đạo Nguyên (Dogen 1200 – 1253) xuất thân trong một gia đình quí tộc.
Khi nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh dĩnh ngộ. Lúc lên bốn tuổi đã đọc
được thơ văn Trung Hoa và năm lên chín đã bắt đầu soạn thảo tài liệu về
Phật học bằng tiếng Trung Hoa. Vì cha mẹ mất sớm khi ông còn nhỏ nên
ông đã sớm suy gẫm về lý vô thường của cuộc đời. Các tác phẩm ông viết
năm lên mười tuổi đã phản ảnh rõ ràng tâm trạng này. Năm mười hai tuổi,
ông thọ giới xuất gia tại một ngôi chùa ở núi Hiei. Mặc dù còn nhỏ nhưng
ông đã có những nhận xét xác đáng. Khi thấy phần lớn các tăng sĩ chỉ chú
trọng vào việc cầu siêu, cầu an hoặc ủng hộ các gia đình thế gia vọng tộc
chứ không chú tâm vào việc tu hành để giải thoát, ông đã đặt những câu hỏi
mà các tăng sĩ lớn tuổi trong tu viện không thể trả lời. Năm mười lăm tuổi,
ông thắc mắc: «Nếu như kinh đã nói, nếu chúng sinh đều sẵn tánh Bồ Đề, thì
tại sao chư Phật phải nỗ lực mới đạt ngộ?» Vì không một vị sư nào ở núi
Hiei lúc đó có thể giải thích thỏa đáng câu hỏi trên nên Đạo Nguyên lên
đường đi khắp Nhật Bản tìm các danh sư khác để tham vấn. Lúc đó Tổ Vinh
Tây ở Trung Hoa trở về, đang truyền bá giáo lý Lâm Tế ở chủa Kenninji nên
ông tìm đến. Cuộc gặp gỡ giữa hai vị tổ Thiền tông của Nhật Bản diễn ra
như sau :
Đạo Nguyên bước vào xin gặp Vinh Tây và đặt ngay câu hỏi. Vừa nghe
xong, Vinh Tây ung dung trả lời: «Không Phật nào biết, chỉ có hàng thô lậu
biết mà thôi », ngụ ý chư Phật không còn nghĩ đến có hay không có bản tánh
Bồ Đề, chỉ có hạng người mê hoặc mới nghĩ đến những điều như thế. Vừa
nghe xong, bao thắc mắc từ bấy lâu nay đều tiêu tan cả nên Đạo Nguyên sụp
xuống lạy và xin được ở lại chùa Kenninji tu học dưới sự hướng dẫn của
Vinh Tây. Cuối năm đó tổ Vinh Tây qua đời, Đạo Nguyên tiếp tục tu học
dưới sự hướng dẫn của các đệ tử lớn của Vinh Tây. Ông đã hoàn tất một số
công án và được thiền sư Myozen, vị kế nghiệp của Vinh Tây, ấn chứng cho.
Mặc dù được thế, Đạo Nguyên vẫn cảm thấy trong lòng có nỗi bất an nên
ông tìm đường qua Trung Hoa học hỏi thêm. Ông đi khắp Trung Hoa, dừng chân ở các thiền viện nổi tiếng, tu tập dưới sự
dẫn dắt của rất nhiều vị thầy nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn cho đến
khi ông gặp Thiền sư Như Tịnh (Nyojo) thuộc dòng Tào Động chỉ cho ông
phương pháp Chỉ Quán Đả Tọa (Shikan – Taza), một hình thức tọa thiền
không tham công án cũng không theo dõi hơi thở. Ông chăm chỉ thực hành
phương pháp này ngày đêm không mệt mỏi. Một hôm trong buổi thiền tập,
Như Tịnh bắt gặp một vị tăng đang ngủ gật, ông bèn quở trách vị này không
hết lòng cố gắng rồi quay qua tăng chúng trong thiền đường, khuyên: «Các
ông phải dùng tất cả sức mạnh của mình, ngay cả hy sinh mạng sống nữa,
muốn giác ngộ hoàn toàn, các ông phải xả bỏ thân tâm». Khi nghe đến cuối
câu này, Đạo Nguyên bỗng liễu ngộ. Ông cảm thấy trong lòng sảng khoái,
hoan hỉ lạ thường; bao thắc mắc, các nỗi bất an đều tiêu tan cả. Hôm sau,
ông bước đến phòng thầy đốt một nén nhang và quì lạy. Như Tịnh vốn đã
biết rõ căn cơ Đạo Nguyên, nay nhìn thấy học trò mình đã đại ngộ qua cách
đi đứng, quì lạy nên giả vờ hỏi: «Tại sao con lại thắp nhang?» Đạo Nguyên
đáp:«Kính thưa thầy, con đã xả bỏ thân tâm». Như Tịnh bèn lập lại: «Con đã
xả bỏ thân tâm. Thân tâm thực đã xả bỏ». Đạo Nguyên bèn trách: «Xin thầy
đừng ấn chứng cho con một cách dễ dàng như vậy». Như Tịnh thản nhiên:
«Ta có ấn chứng dễ dàng thế đâu». Đạo Nguyên lắc đầu: «Xin thầy chỉ cho
con thầy không ấn chứng dễ dàng». Như Tịnh đáp: «Đây là xả bỏ thân tâm».
Đạo Nguyên cảm động quì sụp xuống lạy thầy một lần nữa. Như Tịnh hài
lòng gật đầu và nói: «Đó là xả bỏ cái xả bỏ». Mặc dù đã được thầy ấn chứng
nhưng Đạo Nguyên vẫn tiếp tục tu học với Như Tịnh thêm hai năm nữa
trước khi từ giã thầy lên đường về nước.
Tuy được coi là người đã mang giáo lý Tào Động từ Trung Hoa về truyền bá
tại Nhật nhưng thật ra Đạo Nguyên không hề có ý định thành lập môn phái.
Nếu nghiên cứu kỹ các bài giảng của ông, người ta thấy ông không hề bị
ràng buộc vào giáo lý Tào Động. Ông đã sử dụng nhiều phương pháp khác
nhau, và nếu cần, sẵn sàng vay mượn phương pháp của các dòng khác như
Lâm Tế, Hoàng Bá, Ngưu Đầu. Ông chủ trương «tùy bệnh cho thuốc», tùy
căn cơ học trò mà giảng dạy. Ông cho rằng người tu thiền có thể tạm chia ra
làm bốn loại. Loại thứ nhất là những người không có lòng tin tưởng sâu xa
nhưng nhờ duyên nghiệp mà đến với thiền. Loại thứ hai là những người chỉ
mong nhờ tu thiền mà cải thiện sức khỏe, cả thể xác lẫn tinh thần. Loại thứ
ba là những người có lòng tin, muốn đi theo con đường của đức Phật, và loại
thứ tư là những người không những đã có lòng tin mà còn có tinh thần dũng
mãnh, quyết tâm thực hiện chân ngã của mình, để đạt đến giác ngộ giải
thoát. Tùy học trò thuộc loại nào mà ông giảng dạy cho họ phương pháp tọa
thiền nào thích hợp nhất cho từng người. Đạo Nguyên là một trong những thiền sư siêu việt nhất của Nhật Bản. Ông
dạy đạo một cách mãnh liệt nhất bằng chính thái độ sống của mình. Ông viết
bộ Chánh pháp nhãn tạng (Shobogenzo) đề cập quan niệm sống, từ những
việc nhỏ nhặt, giản dị nhất như cách thực hiện phương pháp vệ sinh trong tu
viện đến những quan niệm lớn lao, trừu tượng hơn như sự tương quan giữa
con người với thiên nhiên, vũ trụ. Khi được triều đình mời vào giảng dạy,
ông hăng say cổ súy việc tu tập thiền định tại đây. Khi thấy những người
cầm quyền chỉ coi thiền như một thứ giải trí, ông lập tức bỏ đi và than: «Phật
pháp là thực hành, không phải để nói suông». Vào lúc đó, phần lớn các tăng
sĩ đều dựa vào thế lực của triều đình, việc được mời đến giảng dạy cho vua
chúa là một vinh dự rất lớn, có thể đưa đến việc triều đình cấp ruộng nương,
đất đai để lập tu viện. Thái độ bất khuất, thẳng thắn của ông đã khiến cho
các tu viện lúc đó ngần ngại không dám chứa chấp ông. Một số tăng sĩ còn
lên tiếng chỉ trích ông nữa nhưng người ta càng chỉ trích ông bao nhiêu,
danh tiếng của ông lại càng nổi lên như cồn bấy nhiêu. Ông đến tỉnh
Echizen, đích thân quyên góp tiền bạc của dân chúng để dựng một cảnh chùa
riêng, không cần đến sự giúp đỡ của triều đình. Số người kéo đến xin tu học
với ông rất đông. Ông thường nói: «Đừng chờ lúc khát mới đào giếng, đừng
chờ lúc già mới học đạo, mà phải nỗ lực tinh tấn tu hành ngay trong lúc này.
Nếu kiếp này không ngộ thì còn chờ đến kiếp nào?» Thấy uy tín của ông
mỗi ngày một lớn, triều đình cho người cầm chứng thư đến phủ dụ, trong
thư hứa sẽ cấp rất nhiều đất đai, ruộng nương cho ông nhưng ông từ chối.
Nhờ thế danh tiếng của ông lại càng nổi hơn, số người kéo đến xin xuất gia
với ông rất đông nhưng ông nói: «Không phải vào chùa mới là tu mà phải
biết tu trong mọi hoàn cảnh». Cũng như Vinh Tây, Đạo Nguyên chủ trương
thiền phải được thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày và trong kinh
nghiệm cá nhân. Khi sứ quân Tokiyori hỏi ông có cách nào giảng về thiền
một cách thật ngắn và thật dễ hiểu không, ông đã trả lời: «Đi, đứng, nằm,
ngồi đều là thiền cả». Có thể nói nhờ Đạo Nguyên mà sự giản dị, thanh khiết
và thành thật đã ảnh hưởng rất nhiêu đến người dân xứ này.
Ngày nay một số người thường phân biệt phương pháp giảng dạy giữa hai
dòng Tào Động và Lâm Tế. Họ cho rằng Tào Động chú trọng về tọa thiền
trong khi Lâm Tế chủ trương tham công an. Thật ra cả hai phái đều chú
trọng đến sự tọa thiền cũng như tham công án. Tổ Đạo Nguyên trước khi
qua Trung Hoa đã từng tu học với Tổ Vinh Tây, đã từng tham công án trong
tám năm và được ấn chứng bởi các thiền sư Lâm Tế. Sau khi học được
phương pháp Chỉ Quán Đả Tọa của phái Tào Động tại Trung Hoa, ông đã
trở về Nhật giảng dạy cho các môn đệ của mình nhưng ông đã mang theo bộ
Bích Nham Lục, gồm một trăm công án làm tài liệu giảng dạy thêm. Ngoài ra ít lâu sau ông còn soạn thêm cuốn Niêm bình tam bách tắc (Nempyo
Sambyaku Soku) gồm ba trăm công án nữa để làm sáng tỏ phương pháp
giảng dạy của mình. Ngay trong bộ sách Chánh pháp nhãn tạng của ông
cũng chứa đựng rất nhiều công án, do đó không thể nói phái Tào Động chỉ
chú trọng đến tọa thiền mà thôi. Có lẽ vì phương pháp Chỉ Quán Đả Tọa là
một phương pháp rất cao, thuộc Tối Thượng Thiền (Saijojo), những kẻ thiếu
nhiệt tâm khó lòng tu tập nên các thiền sư dòng Tào Động đã phương tiện
dẫn dắt người mới nhập môn tập đếm hơi thở (sổ tức) để cho tâm được hợp
nhất, sau đó họ giảng dạy cách tham công án để phá tung các vướng mắc của
lý trí, tư tưởng, quan niệm, thành kiến, và sau cùng mới dạy Chỉ Quán Đả
Tọa để kiến tánh.
Chỉ Quán Đả Tọa (Shikan Taza) là một phương pháp thực hành của phái
Tào Động mà tổ Đạo Nguyên đã mang từ Trung Hoa về. Đây là cách tọa
thiền không đếm hơi thở cũng như không tham công án, mà chỉ tập trung nỗ
lực vào việc ngồi mà thôi (đả tọa). Dĩ nhiên điều này rất khó vì tâm dễ bị
xao lãng nếu không được tập trung vào sự đếm hơi thở hay vào công án. Đả
tọa là cách ngồi sao cho thật ung dung, không vội vã, ngồi thoải mái vững
vàng như núi và linh mẫn như nước. Nói một cách khác, đó là một tâm trạng
tập trung cao độ nhưng không quá căng thẳng và dĩ nhiên không giải đãi. Tổ
Đạo Nguyên đã diễn tả tâm trạng này như sau: «Đó là tâm trạng của một
kiếm sĩ đang thủ thế trước một địch thủ lợi hại, ông ta phải hết sức đề cao
cảnh giác, không ngừng theo dõi từng bước đi, từng cử động nhỏ của đối
thủ. Mỗi người đều chuẩn bị xuất chiêu và sự thiếu cảnh giác, dù chỉ trong
giây phút thôi, cũng đem lại cái chết. Trong lúc đó có một đám đông người
tụ tập theo dõi cuộc đấu kiếm. Dĩ nhiên vì mắt không mù nên kiếm sĩ nhìn
thấy họ rất rõ; vì tai không điếc nên kiếm sĩ nghe rõ những lời khen chê của
họ, nhưng ông ta phải biết làm chủ tâm mình, không để ngoại cảnh chi phối
dù chỉ trong phút chốc, vì sai một giây thôi cũng đủ mất mạng rồi. Do đó
một kiếm sĩ phải biết sử dụng kiếm một cách ung dung, không quá gắng sức,
chỉ khi cần thiết mới nỗ lực xuất chiêu thôi. Chỉ Quán Đả Tọa là thế đó. Lúc
mới tập ai cũng gắng sức và căng thẳng nhưng khi công phu đã chín muồi
thì sự căng thẳng từ từ biến đi và thay bằng sự ung dung thoải mái, dĩ nhiên
vẫn có sự chú tâm đầy đủ. Giống như bực kiếm sư sử dụng kiếm không hề
gắng sức, không hề suy tính chiêu thức vì kiếm và người đã là một, thân và
tâm đã nhất như thì Chỉ Quán Đả Tọa cũng như thế, không còn phương tiện,
không còn cứu cánh mà tất cả chỉ là một. Do đó chư Phật quá khứ cũng như
vị lai đều thực hành phương pháp này vì nó biểu lộ sự sống tuyệt đối, sự
sống trong các hình thức tinh khiết nhất. Nó không dính dáng gì đến việc
phải nỗ lực, cố gắng để đạt ngộ giải thoát hay bất cứ một đối tượng nào khác. Nó hoàn toàn vô cầu, vô niệm. Thực hành thiền như thế chính là thể
hiện Chân tánh không hề ô nhiễm của mình và đó chính là Thiền Tối
Thượng Thừa ».
Vì chùa Chuoji chỉ mở các khóa tu thiền vào lúc cuối tuần nên một người
bạn đã nói với tôi rằng người ta không thể tiến bộ gì nhiều nếu chỉ tu một
cách «tài tử» vào lúc cuối tuần như vậy. Theo bà, muốn tiến nhanh hơn,
người ta cần phải tham dự những tuần lễ Nhiếp Tâm (Zazen Sessin) vì trong
tuần lễ này, thiền sinh phải nỗ lực công phu, ngày cũng như đêm, vượt qua
những trở ngại để chứng ngộ. Tôi được biết tại Maruyama có một thiền viện
thuộc dòng Lâm Tế, thường mở những tuần lễ nhiếp tâm mỗi năm hai lần.
Trong tuần lễ này, thiền sinh nỗ lực tham cứu công án và được Thiền sư
Joten, một trong những thiền sư nổi tiếng của phái Lâm Tế lúc đó, hướng
dẫn. Có ba cách tu tập : Thính tham (Sosan) là những buổi giảng chung mà
các thiền sinh phải tham dự để nghe các thiền sư dạy về phương pháp tu tập.
Độc tham (Dokusan) là sau khi nỗ lực tu tập, thiền sinh được đưa đến gặp
riêng các thiền sư vào những giờ phút qui định trước, để trình bày kiến giải
của mình cho thầy nghe. Đặc tham (Naisan) là bất cứ lúc nào học trò cần
trình bày kiến giải hay có những nghi tình, thắc mắc khẩn cấp cần phải vào
gặp riêng thầy vào những giờ phút không qui định trước. Mùa thu năm ấy,
tôi ghi tên tham dự tuần lễ nhiếp tâm tại chùa Zuryuji thuộc tình Maruyama.
Đó là một ngôi chùa cổ nằm ở ngoại ô thành phố, mái phủ đầy rong rêu,
trước cổng có treo một tấm bảng gỗ nét chữ đã phai mờ, phải nhìn kỹ mới
thấy được chữ « Zuryuji ». Thiền đường trần thiết giản dị với một tượng
Phật bằng gỗ, nét khắc đơn sơ một mạc, trên vách có một bức tranh lớn vẽ tổ
Bồ Đề Đạt Ma đang quảy chiếc dép đi về phương tây. Quanh vách là những
bục gỗ được đóng cao lên để thiền sinh tọa thiền. Chúng tôi được vị tri
khách tăng chỉ dẫn cẩn thận về cách thức đi đứng, sinh hoạt trong tuần lễ
nhiếp tâm:
– Quí vị nên biết, đây là một cơ hội hiếm có mà trong đó quí vị sẽ cố gắng
để đạt đến giác ngộ (Satori). Thời gian sắp đến rất quan trọng và đòi hỏi nỗ
lực phi thường, do đó tôi yêu cầu quí vị hãy nghỉ ngơi sớm để sáng mai khi
khóa nhiếp tâm bắt đầu, quí vị sẽ có đủ sức theo đuổi. Nếu quí vị không cố
gắng trong khóa tu này thì quí vị còn chờ đến bao giờ? Trong tuần lễ này, tất
cả mọi người phải tuyệt đối giữ im lặng, không được nói chuyện hay gây
tiếng động, làm phiền người khác. Thời khóa tu tập đã được ấn định, giờ giấc ăn ngủ, nghỉ ngơi đều có ghi rõ trong lịch trình tu học và sẽ có chuông
báo, quí vị phải tuyệt đối tuân lệnh những vị tăng phụ trách…
Khóa Nhiếp Tâm (Zazen Sassin) bắt đầu từ sáng sớm với nghi thức phổ
thông trước khi chuyển qua phần thính tham (Sosan). Thiền sư Joten, người
hướng dẫn khóa tu, là một vị tăng có nét mặt oai nghi và nghiêm khắc. Ông
im lặng chờ mọi người an tọa rồi mới đưa mắt nhìn quanh thiền đường như
để nhận diện từng người một trước khi lên tiếng :
– Trong khóa tu này quí vị phải cố gắng tìm hiểu về thiền. Có lẽ quí vị đã
từng nghe, từng đọc, từng đàm luận về thiền rồi nhưng cái thứ thiền trên
sách vở, trên đầu môi chót lưỡi đó chẳng có ích lợi gì cho quí vị cả. Càng
nói nhiều về thiền, quí vị càng dễ đắm đuối. Càng nghe nhiều về thiền, quí vị
càng thêm nhức óc nếu quí vị không thực sự tự mình cố gắng tìm hiểu xem
thiền là gì. Người ta không thể hiểu Phật pháp qua kiến văn quảng bác hay
các lý luận cao siêu được. Nếu lý luận có thể giải thích được thì đó chỉ là
một mớ kiến thức chứ chắng phải Phật pháp. Nếu quí vị không nhất quyết
một lòng tu tập thì chẳng bao giờ quí vị có thể giải thoát được.
Ông im lặng một lúc như để lời nói ăn sâu vào tâm thức mọi người rồi mới
tiếp tục :
– Trong tuần lễ Nhiếp tâm này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng công án «Vô» của
Triệu Châu như sau: Một tăng sĩ đến gặp Triệu Châu và hỏi: «Thưa thầy,
con chó có Phật tánh không?» Triệu Châu trả lời: «Vô». Bây giờ quí vị hãy
chuyên tâm vào chữ «Vô» này và tìm hiểu xem ý nghĩa của nó như thế nào.
Dĩ nhiên nghĩa đen của nó là «không» nhưng thực ra lời giải đáp của Triệu
Châu không nằm ở chỗ đó. Quí vị phải cố gắng tham cứu công án để tìm ra
cái cốt tủy của chữ “Vô” này. Quí vị sẽ thấy rằng mọi lý luận, phân tích
bằng lý trí đều vô hiệu vì ý nghĩa đích thực của nó không thể tìm kiếm được
bằng lý trí. Quí vị hãy xếp bằng, thở hít thật đều đặn và thầm đọc chữ «Vô»
ở trong tâm. Hãy cố gắng tập trung mọi năng lực trong người vào chữ «Vô»
này, đừng nghĩ đến ý nghĩa của nó, đừng tìm hiểu bằng lý luận, hãy tập
trung nỗ lực để trở thành một với nó đã. Chỉ khi nào hòa nhập được với
«Vô» rồi thì quí vị mới bắt đầu tự hỏi : «Vô là gì hay nó có thể là cái gì?» và
sau đó tập trung mọi năng lực trong người vào câu hỏi đó cho đến khi nó
bùng vỡ ra và từ đó mọi sự sẽ tự nó giải quyết. Khi đó quí vị sẽ vào độc
tham với tôi để chứng minh một cách đích thực rằng quí vị đã hiểu «Vô» là
gì. Trong khi tu tập, điều quan trọng nhất là quí vị phải giữ công án này
trong tâm, ngày cũng như đêm, sáng cũng như tối, đi, đứng, nằm, ngồi đều phải chú tâm nơi công án, không được nghĩ bất cứ một điều gì khác. Phải sử
dụng tất cả mọi năng lực trong người để giữ nó trong tâm, tuyệt đối không
được xao lãng vì một phút ngập ngừng là hỏng hết công phu rồi. Chỉ một
giây lơ đễnh quí vị có thể đi xa cả ngàn dậm, do đó trong việc tham công án,
quí vị phải hết sức đề cao cảnh giác. Phải biết gạt bỏ mọi vọng niệm mà chỉ
chuyên nhất vào chữ «Vô» mà thôi.
Một tiếng chuông vang lên báo hiệu phần thính tham đã chấm dứt. Các thí
sinh xếp bằng quay mặt vào vách và bắt đầu việc tham công án. Vì đã từng
tọa thiền từ trước nên tôi cảm thấy thoải mái ngay với cách ngồi này nhưng
không phải ai cũng như vậy. Nhiều người không quen cứ phải thay đổi cách
ngồi, co chân duỗi tay, gây trở ngại không ít cho việc tập trung của người
khác. Sau khi hơi thỏ đã điều hòa, tôi bắt đầu tập trung tư tưởng vào công
án. Vì đây là lần đầu tham công án nên trí óc của tôi chưa thuần thục, nó cứ
xoay chuyển tìm đủ mọi cách để giải công án này qua sự suy luận quen
thuộc của nó nhưng vì đã được cảnh cáo trước nên tôi cố gắng loại bỏ những
tư tưởng xáo trộn này. Thoạt nghe thì tưởng dễ nhưng thật ra đâu là việc
không dễ chút nào, tôi cứ phải phấn đấu để loại bỏ những lý luận này mãi
nên chỉ một lúc sau mồ hôi của tôi đã toát ra như tắm. Bình thường tôi có thể
ngồi thiền khá lâu, nhưng lần này chỉ khoảng tàn một nén nhang tôi đã cảm
thấy mệt mỏi vô cùng. Tôi cố gắng tập trung định lực vào chữ «Vô» nhưng
không hiểu sao đầu óc của tôi cứ muốn nổ tung lên. Mọi ngày khả năng tập
trung của tôi rất mạnh, nhưng lần này nó không theo mệnh lệnh của tôi nữa.
Hơi thở của tôi tự nhiên tán loạn, đầu óc của tôi trở nên mơ hồ. Đúng vào
lúc tôi cảm thấy gần như không kiểm soát nổi thì có tiếng gió rít ngang tai và
chiếc Tỉnh Thức Côn bằng gỗ đã đập mạnh vào lưng tôi. Tiếng vị tăng kiểm
soát (Godo) vang lên :
– Hãy cố gắng tập trung, đừng tách rời công án dù chỉ một thoáng giây.
Lạ lùng thay, cái đánh bằng Tỉnh Thức Côn có một mãnh lực kỳ lạ làm tôi
như thoát khỏi cơn mê. Tôi vội ngồi thẳng người lên, hít một hơi dài để lấy
sức rồi tiếp tục tập trung tư tưởng vào chữ «Vô». Về sau này tôi nghe nhiều
người phàn nàn về việc bị đánh bằng chiếc gậy này khi họ ngủ gật hay xao
lãng tâm thân, có người đã tỏ ra bất mãn khi bị đánh như vậy. Theo tôi thì
đây là một phương pháp rất hay nhằm mục đích làm thức tỉnh những năng
lực đang bị tán loạn hoặc hôn trầm khiến người tu tích cực trong việc tu tập
hơn. Một số nhà phê bình người Âu cho việc đánh bằng Tỉnh Thức Côn là
dã man, hung bạo, không hợp với tinh thần từ bi của Phật giáo, nhưng thật ra
điều này không đúng. Tỉnh Thức Côn chỉ là cây gậy gỗ dài khoảng một thước, một đầu dẹp trông giống như mái chèo, được chế tạo bằng gỗ mềm
nên dù có đánh mạnh cũng không thể gây thương tích cho ai được. Nên nhớ
mục đích của cây gậy này không phải để trừng phạt mà chỉ để thức tỉnh
người đang buồn ngủ, khuyến khích kẻ đang mệt mỏi, và cảnh tỉnh một
người đang xao lãng thân tâm. Vị tăng sử dụng Tỉnh Thức Côn thường là
một người nhiều kinh nghiệm, được huấn luyện cẩn thận để làm việc này và
ông rất ý thức mỗi khi vung gậy lên đánh chứ không hung hăng gây bạo
hành như nhiều người thường nghĩ. Thông thường người bị đánh chắp tay
giơ lên để tỏ lòng biết ơn và vị tăng đi kiểm soát cũng cúi đầu đáp lễ trong
tinh thần tương thân tương kính.
Một tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi thiền tập đầu tiên đã chấm dứt, tôi
nghe có nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm. Theo sự hướng dẫn của vị tăng, mỗi
người thong thả xoa nắn chân tay cho đỡ mỏi một lúc rồi sắp hàng để đi kinh
hành (Kihin) quanh thiền đường. Sau buổi kinh hành, chúng tôi được nghỉ
ngơi khoảng nửa giờ trước khi vào thiền đường tiếp tục tham cứu công án.
Vì là tuần lễ Nhiếp Tâm nên mỗi ngày có tất cả bảy buổi thiền tập như vậy
từ sáng đến khuya, trong khi các khóa thiền tập khác thường chỉ có khoảng
ba hay bốn buổi thiền tập là nhiều. Ngoài các thời khóa công phu, mọi người
được nghỉ ngơi, ăn uống hay tắm rửa nhưng họ được căn dặn phải giữ tuyệt
đối yên lặng và chú tâm vào công án. Trong ngày đầu đa số chưa quen nên
ai nấy đều mệt lả nhưng bước sang ngày thứ hai, tôi thấy nhiều người đã cố
gắng tu tập một cách kiên trì và đến ngày thứ ba thì thiền sinh chia làm hai
nhóm rõ rệt, một nhóm chăm chỉ gắng sức tham công án bất kể mệt mỏi và
một nhóm chỉ cố gắng làm sao để có thể theo kịp các thời khóa mà thôi. Về
phần tôi tuy không gặp khó khăn trong tư thế ngồi nhưng lại gặp trở ngại
trong việc tham công án, hàng trăm ý tưởng kỳ lạ cứ nảy sinh trong đầu óc
khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn bỏ cuộc. Đây là một sự lạ vì
tôi là một người đã có khả năng tập trung khá cao nhưng có lẽ cũng chưa
quen với lối tọa thiền tham công án này. Việc đưa ra một đề tài đã kích thích
khả năng lý luận của tôi, khiến đầu óc tôi cứ khổ công phấn đấu để loại bỏ
các tạp niệm này. Sự tranh chấp giữa các ý niệm lăng xăng khiến tôi cảm
thấy vô cùng mệt mỏi, nhưng lần nào cũng thế, mỗi khi sắp sửa xao lãng thì
vị tăng cầm tỉnh thức côn đã bước đến đập nhẹ vào vai tôi :
– Bà phải cố gắng chiến đấu mãnh liệt thêm nữa.
Tôi thầm nghĩ tại sao tọa thiền lại là một sự chiến đấu? Người ta há chẳng
nói thiền là ngồi yên tĩnh hay sao? Tôi đã từng ngồi yên tĩnh lặng được kia mà, tại sao trong lối tu này lại phải chiến đấu như thế? Đang mải mê suy
nghĩ thì vị tăng bước lại ghé sát vào tai tôi nói lớn:
– Đừng mất thì giờ thắc mắc làm gì, hãy tập trung vào «Vô» thôi. Đó là
điều duy nhất cần làm lúc này, chỉ vậy thôi.
Cứ thế mỗi ngày chúng tôi tiếp tục tham công án như vậy nên đầu óc của tôi
mỗi lúc một căng thẳng, hơi thở của tôi không còn nhẹ nhàng thoải mái mà
trở nên hổn hển gấp rút khác thường. Tuy nhiên tôi không phải là người duy
nhất vì hầu như ai nấy đều gặp khó khăn tương tự. Khắp thiền đường đầy
những hơi thở dồn dập nặng nề, thỉnh thoảng lại có người kêu lớn «Vô»,
«Vô» như mê sảng. Vị tăng cầm tỉnh thức côn càng ngày càng mệt nhọc hơn
trước, ông đi hết chỗ này đến chỗ khác để nhắc nhở và tùy hoàn cảnh mà
ông nhắc mỗi người một cách khác nhau. Có khi ông nói nhẹ nhàng nhưng
cũng có khi ông quát lớn và đến những ngày cuối thì gần như ai nấy đều mệt
lả, không thể kiểm soát được nữa. Thiền đường trở nên một «bãi chiến
trường» với những tiếng kêu gần như tuyệt vọng: «Vô», «Vô»… Ai nấy đều
cố gắng giữ tư thế để tránh khỏi gục xuống sàn vì kiệt sức. Tôi cố gắng tập
trung tư tưởng nhưng không thể bám víu vào chữ «Vô» được vì hầu như nó
và tôi vẫn còn một khoảng cách kỳ lạ nào đó. Tôi nắm chặt hai tay lại, vận
dụng tất cả sức bình sinh để giữ công án trong tâm nhưng càng cố gắng bao
nhiêu nó càng tuột ra bấy nhiêu. Mồ hôi toát ra như tắm, tôi nghiến chặt răng
lại nhưng năng lực trong người tôi dường như biến đâu mất hết. Tôi cảm
thấy như đang rơi vào một trạng thái kỳ lạ, không còn kiểm soát được mình
nữa.
Một tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi tập thiền đã chấm dứt, mọi người
vội vã xoa bóp chân tay và chuẩn bị cho phần độc tham (Dokusan). Vì là lần
đầu còn bỡ ngỡ, tôi không biết phải làm gì hay thu xếp để trình bày sự hiểu
biết của mình như thế nào. Chúng tôi đi dọc theo hành lang ra hậu liêu rồi
chắp tay chờ đến lượt vào độc tham với thiền sư Joten. Tôi chẳng biết mình
đã chờ đợi bao lâu vì lúc đó đầu óc tôi hết sức mệt mỏi vì tập trung quá độ,
thân thể kiệt quệ thiếu điều đứng không nổi nữa. Vị tăng phụ trách ra hiệu
cho tôi bước vào một căn phòng nhỏ ở cuối dãy. Dưới ánh nến leo lét, tôi
thấy thiền sư Joten đang ngồi yên lặng chờ đợi. Lúc đó tôi không biết phải
làm gì hay tuân theo một nghi thức nào. Bao nhiêu điều được dặn dò trước
khi vào độc tham tôi đều quên hết nhưng dường như có một động năng nào
đó thúc giục, tôi thu hết can đảm bước thẳng đến chỗ thiền sư Joten ngồi và
nói lớn:
– Bạch thầy, tâm chính là đạo.
Vừa thốt xong câu đó tôi bỗng giật mình không hiểu tại sao mình lại nói như
vậy. Đó không phải là một câu nói ngẫu nhiên, nhưng là điều mà tôi đã cảm
nhận được khi thực hành những nghi thức tẩy uế bằng nước lạnh (Misogi) ở
Hokkaido. Tôi nghĩ rằng đó là một kinh nghiệm về sự giác ngộ (Satori) qua
công phu tu tập nhiều năm mà tôi vẫn ấp ủ trong đáy lòng nhưng chưa có dịp
bày tỏ. Không hiểu sao trong giây phút bất ngờ, tôi lại thốt ra như vậy. Vừa
nghe tôi nói thế, thiền sư Joten đã nghiêm nghị trả lời ngay:
– Đó là một lý thuyết sai lầm.
Câu nói lạnh lùng làm tôi chưng hửng như vừa bị dội một gáo nước lạnh lên
người. Có thể như vậy sao? Tôi toan cãi rằng đó không phải là một lý thuyết
nhưng là sự cảm nhận, trực ngộ qua công phu tu tập từ trước của tôi nhưng
trước ánh mắt nghiêm trang của thiền sư Joten, không hiểu sao tôi lại giữ
thái độ im lặng. Thiền sư chăm chú nhìn tôi như chờ đợi phản ứng nhưng
không thấy tôi nói gì, ông khoát tay ra hiệu cho tôi lui ra. Tôi đã thất bại
trong việc trình bày kiến giải của mình về công án «Vô». Tôi bước trở về
thiền đường trong một tâm trạng chán nản và tuyệt vọng cùng cực. Tôi
không biết phải làm gì hay thế nào nữa đây. Công phu tu tập và sự cảm nhận
vẫn ấp ủ trong lòng từ trước đến nay bỗng dưng bị gạt bỏ một cách phũ
phàng không thương tiếc. Tại sao thiền sư Joten không an ủi hay ban cho tôi
một câu nói khích lệ hơn? Phải chăng thiền sư Joten, giống vị lão sư của
Thần Đạo chỉ là những người ích kỷ, lạnh lùng đầy những mưu toan, tính
toán? Tôi cảm thấy mệt mỏi rã rời, mọi sinh lực trong người gần như mất
hết. Tôi cố gắng không lộ vẻ xúc động, bước về chỗ ngồi của mình và giữ im
lặng nhưng không hiểu sao công án «Vô» lại tiếp tục ám ảnh đầu óc tôi.
Hình như có một cái gì đang phát triển trong tôi, một cảm giác rất vi tế mà
tôi không thể hiểu. Tuần lễ nhiếp tâm chấm dứt với một khóa lễ phổ thông.
Sau khóa lễ, thiền sư Joten kết thúc bằng một buổi nói chuyện ngắn:
– Trong tuần lễ nhiếp tâm này, một số lớn quí vị chưa nắm vững được ý
nghĩa của công án «Vô». Có lẽ quí vị chưa cố gắng hết sức, chưa một lòng
một dạ để sống chết với công án này. Một vài người trong quí vị đã tỏ ra hài
lòng với kinh nghiệm nhỏ nhặt đạt được trong lúc tu tập nhưng đó chỉ là
những chướng ngại mà thôi. Tu thiền phải biết đi đến chung cuộc, phải đạt
chứng ngộ mới được chứ không thể có việc đi nửa chừng. Một là quí vị ngộ,
hai là không ngộ chứ không thể lưng chừng ở giữa được. Do đó quí vị phải
biết chuyên tâm vào công án, dù các vọng niệm nổi lên cứ mặc nó mà chỉ chú tâm vào công án thôi. Một số quí vị đã mắc lỗi lầm thông thường là cố
gắng đè nén các vọng niệm đó xuống, quí vị sẽ không thể thành công như
vậy được. Chư tổ đã dạy «Cố đạt đến cái tĩnh bằng cách dẹp cái động thì cái
tĩnh lại càng quấy động hơn nữa, càng nỗ lực đè nén cái động bao nhiêu thì
kết quả lại càng ngược lại bấy nhiêu». Cái «Vô» của Triệu Châu đối với
người chưa quán triệt là một bức tường dày bằng sắt nung đỏ, không ai dám
đâm đầu vào đó nhưng nếu dũng mãnh, cố gắng tham công án ngày này qua
ngày khác không một phút ngưng nghỉ, thì quí vị sẽ thấy nó chẳng có gì ghê
gớm cả…
Vừa nghe đến đó tôi bừng tỉnh và nghĩ rằng có lẽ thiền sư Joten đã nói riêng
cho tôi về phương pháp tham công án. Suốt mấy ngày qua tôi chẳng đã nỗ
lực đè nén những vọng niệm xuống hay sao, có lẽ vì thế nên tôi rất mệt,
nhưng hiện nay tôi đã hiểu và biết đâu tôi chẳng chứng ngô được trong một
thời gian ngắn. Tự nhiên tôi nghĩ việc gì phải chờ đợi đến khóa nhiếp tâm
sang năm như vậy, tôi sẽ về nhà tập trung năng lực để giải công án này rồi
tới độc tham với thiền sư Joten để vị này ấn chứng cho. Tôi rời chùa
Zuiryuji với tâm trạng phấn khởi lạ lùng và chuẩn bị ngay một thời khóa
công phu tu tập riêng cho mình. Tôi nghĩ một khi đã nắm được bí quyết thì
thời gian chứng ngộ chẳng còn bao lâu, chắc chỉ vài tuần hay vài tháng là
nhiều. Để tham cứu công án một cách yên tĩnh, không bị ai quấy phá, tôi
quyết định tìm lên một hang động trên núi để tĩnh tu. Gia đình tôi rất ngạc
nhiên và khó chịu. Đứa con rể phàn nàn: «Mẹ đã già rồi, sao không tu ở nhà
cho thoải mái, bỏ lên núi làm gì cho mệt! Không chừng gặp loài chồn hoang
rồi trở lại việc lên đồng nhập cốt thì mệt lắm». Tôi biết thằng con rể vẫn
nghi ngờ động năng tu hành của tôi nhưng bất chấp mọi lời khuyên cản, tôi
nhất định cắt bỏ mọi ràng buộc với gia đình để tìm đạo. Tôi thương lượng
với một người tiều phu mua lại căn lều đổ nát của ông trên núi mà ông
không dùng nữa. Đó là một căn lều cỏ dột nát, bẩn thỉu, chỉ trơ trụi một tấm
mền rách và một cái bếp bằng đất thấp lè tè nhưng tôi thầm nghĩ: «Đức Phật
ngày xưa chỉ có độc một tấm bồ đoàn, ngồi dưới gốc cây bồ đề mà thành đạo
được thì một túp lều rách với một cái bếp cũ còn tiện nghi chán». Tôi lập
thời khóa công phu để tọa thiền ba lần mỗi ngày, thời giờ còn lại tôi vào
rừng nhặt củi mang xuống chợ bán, với số tiền bán củi tôi có thể mua thực
phẩm và không phải nhờ cậy gì đến gia đình nữa.
Lúc đầu tôi nghĩ mình có thể chứng ngộ trong vòng một tháng nhưng một
tháng trôi qua mà tôi vẫn chưa tiến bộ được chút nào. Tôi cố gắng nỗ lực
nhiều hơn nữa, thay vì mỗi ngày ba buổi tọa thiền, tôi gia tăng lên bốn buổi
rồi năm buổi. Thời gian tiếp tục trôi, một năm, hai năm đã qua mà tôi vẫn chưa thấy có sự thay đổi gì. Tôi có ý định trở lại tham dự khóa nhiếp tâm để
hỏi thiền sư Joten cho ra lẽ nhưng không hiểu sao tôi lại nghĩ: «Mình đã
từng tham dự khóa nhiếp tâm rồi, cũng chẳng có gì lạ, có mỗi công án «Vô»
mà giải chưa xong thì tham dự thêm mấy khóa nữa cũng chẳng lợi lộc gì».
Tôi nhất định không đến Zuiryuji mà chờ đến khi tự mình chứng ngộ được
sẽ đến độc tham với thiền sư Joten. Thời gian cứ tiếp tục trôi. Thấm thoát tôi
đã tham công án được bốn năm mà vẫn không thấy tiến bộ gì so với khi
trước. Hơn lúc nào hết, tôi bắt đầu sợ hãi và mất niềm tin. Nhiều lúc tuyệt
vọng, tôi đã nghĩ đến việc tìm cái chết. Sau cùng tôi tạm ngưng việc tham
công án cho đầu óc bớt căng thẳng rồi kiểm điểm lại hành động của mình
trong bốn năm qua. Tôi thấy mình đã có cố gắng nhưng không hiểu sao vẫn
không thể hòa nhập được với «Vô». Tôi đành kết luận có lẽ nghiệp của mình
quá nặng, không thể tu hành tiến bộ được, và muốn tiếp tục tôi phải tìm cách
giải trừ các nghiệp chướng này. Tôi không nhớ đã đọc được ở đâu một
phương pháp gọi là Lục Độ Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh
tấn, Thiền định và Trí huệ) trong đó hạnh bố thí đứng đầu và làm căn bản
cho tất cả những Ba La Mật kia. Để tiêu trừ túc nghiệp, người tu phải lập
hạnh Bố thí bằng việc cho đi tất cả những gì mình có như quần áo, thực
phẩm, nhà cửa, tài sản, và nếu cần cả thân thể của mình nữa. Trong việc tu
thiền, có năm chướng ngại là tham lam, giận tức, hôn trầm, trạo cử và nghi
hối. Nhờ thực hành bố thí mà người tu diệt trừ được lòng tham lam. Nhờ
phát tâm bố thí một cách trong sạch mà người tu sẽ nhẫn nhục, diệt trừ được
sự giận tức. Nhờ phát tâm cầu đạt đạo giải thoát mà người tu siêng năng bố
thí do đó diệt trừ được sự lười biếng, hôn trầm. Nhờ khởi tâm trong sạch,
kính trọng mọi chúng sinh, chú ý đến hành động của mình để không tạo
thêm nghiệp nữa mà người tu diệt trừ được trạo cử. Nhờ biết bố thí như trên
mà người tu đạt được phước báu vô lượng, càng được nhiều phước càng
vững tin vào sự bố thí mà người tu diệt trừ được nghi hối.
Biết bố thí là căn bản cho mọi hạnh khác. Tôi bèn quyết định thực hành bố
thí qua việc chia xẻ những cái mình có với những người chung quanh. Mặc
dù sống bằng nghề nhặt củi, lợi tức chẳng bao nhiêu nhưng tôi cố gắng ăn
thật ít, để chia xẻ thực phẩm cho những người nghèo và những đứa trẻ thiếu
ăn trong xóm. Vào lúc đó, cuộc thế chiến thứ hai đang bước vào giai đoạn
trầm trọng, hầu như mọi hoạt động đều đổ dồn vào chiến tranh. Các hãng
xưởng sản xuất khí giới hoạt động mạnh, mọi người bị động viên vào việc
sản xuất cho chiến tranh, chỉ trừ những người già yếu, bệnh tật hay trẻ nhỏ
mà thôi. Tôi gặp Kimura, một cựu quân nhân đã phục vụ trong mặt trận Mãn
Châu trở về. Ông này bị nội thương rất nặng thường thổ huyết, không thể
làm ăn gì được. Vợ ông lại mang bầu sắp sinh cũng không thể đi làm. Hai vợ chồng đã bán tất cả những gì họ có, từ đồ đạc, nhà cửa, ruộng nương để mua
thực phẩm nuôi thân và sau cùng khi không còn gì nữa, họ gạt lệ rời bỏ căn
nhà hương hỏa đã lọt vào tay kẻ khác, cất một cái chòi nhỏ ở chân núi, sống
bằng cách đi mót rau trái ngoài ruộng để sống qua ngày. Mùa mưa đến,
ruộng ngập nước không còn rau trái để mót, họ đành sống bằng cách đi ăn
xin nhưng trong tình trạng chiến tranh, ai ai cũng đói khổ, nên họ thường đói
nhiều hơn no. Biết rõ tình cảnh, tôi thường đến chia sẻ số thực phẩm ít oi
của mình với họ. Hôm đó khí trời giá lạnh, tôi bước vào căn lều dột nát trơ
trụi không có đồ đạc và thấy bà Kimura đang ôm bụng nằm rên la trong ổ
rơm dưới đất. Tôi động lòng trắc ẩn nghĩ đến cái chăn bằng nỉ đã cũ nát của
mình. Dù sao cái chăn cũ cũng còn ấm hơn nằm ổ rơm, hơn nữa bà Kimura
lại sắp sinh, làm sao một đứa bé sơ sinh có thể chịu đựng được thời tiết lạnh
cắt ruột như thế này. Tôi nảy ý định cho bà Kimura cái chăn cũ của mình
nhưng khi trở về lều, nhìn cái chăn rách tôi lại có ý tiếc không muốn cho.
Ngay lúc đó tôi thấy rõ hạt giống tham lam, bỏn xẻn vẫn còn ở trong tôi và
quyết định: «Ta phải cương quyết diệt trừ tính tham lam này». Tôi vơ vội
chiếc chăn rách và mấy cái áo cũ mang qua lều tặng cho bà Kimura. Trên
đường trở về tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái khác thường. Một cảm
giác ấm áp lạ lùng dường như nảy sinh trong tâm khiến tôi suýt kêu lớn:
«Bây giờ có lẽ ta sẽ đạt ngộ được rồi». Tôi vội vã xếp bằng tập trung tư
tưởng vào công án «Vô» và thầm nghĩ có lẽ lần này mình sẽ thành công
nhưng rồi một năm lại trôi qua, tôi vẫn không thấy mình tiến bộ chút nào.
Tôi đã khóc hết nước mắt, tôi đã thao thức nhiều đêm để tìm hiểu về số phận
hẩm hiu của mình. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì nên tội, tại sao công phu tu tập
siêng năng như vậy mà không đạt được kết quả nào? Không lẽ nghiệp của
tôi lại nặng đến như vậy hay sao? Tự nhiên ý định tìm đến cái chết bỗng nảy
sinh trong đầu óc hoang mang, tuyệt vọng của tôi. Tôi lấy một sợi dây thừng
treo lên cành cây gần đó toan thắt cổ tự tử nhưng may mắn thay khi vừa treo
xong sợi dây, tôi lại nghĩ: «Nếu ta chết đi thì sự đau khổ này có chấm dứt
không? Chắc chắn là không, nó sẽ tiếp tục theo đuổi ta qua những kiếp sau.
Nghiệp chướng đâu thể thay đổi bằng cái chết. Người ta phải gặt hái những
gì mà người ta đã gieo, không thể trốn chạy được. Có nợ thì phải trả và phải
trả cho đến hết mới thôi. Chắc chắn trên thế gian này thiếu gì những kẻ cũng
gặp khó khăn như ta, biết đâu hoàn cảnh của họ lại chẳng bi đát hơn ta nữa.
Đi tìm cái chết chỉ là một hành động nhất thời không giải quyết được gì hết.
Giải pháp duy nhất là phải nhẫn nhục chịu đựng để trả hết nghiệp. Khi hết
nghiệp thì chắc chắn sẽ giải thoát được. Dù thế nào chăng nữa ta cũng phải
đạt ngộ giải thoát, nếu không được trong kiếp này thì kiếp sao hay kiếp sau
nữa». Nghĩ thế tôi bèn bỏ ý định tự tử và từ đó trở đi, dù trong hoàn cảnh tuyệt vọng nào, không bao giờ tôi nghĩ đến việc tìm cái chết nữa. Tôi vất bỏ
sợi dây thừng rồi thắp một nén nhang, thành tâm xin xám hối những tội lỗi
đã tạo và cương quyết phát nguyện sẽ tu hành để đạt đạo giải thoát, bất chấp
mọi khó khăn trở ngại. Tôi không nhớ rõ mình đã làm những gì nhưng tôi
biết chắc chắn tương lai của tôi sẽ phải thay đổi từ khi phát nguyện này. Tôi
thành kính niệm hồng danh chư Phật, xin xám hối những lỗi lầm đã phạm và
tôi đã khóc cho đến khi ngất đi lúc nào không biết.
Tôi không biết mình mê hay tỉnh nhưng trước mắt tôi bỗng hiện ra một làn
hơi mờ đục, tụ lại thành một hình bóng vật vờ bay lượn. Hình bóng này từ từ
đông đặc lại thành một con vật lông lá xù xì, trông như con dã nhân. Con vật
này vươn mình lên cao và cao mãi cho đến khi đầu nó đụng vào những lớp
mây đang bay trên trời. Tôi tự hỏi tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ như vậy.
Tôi đã từng có dịp tiếp xúc với các cõi giới vô hình nhưng điều này vượt ra
ngoài giới hạn mà tôi hiểu biết. Tôi bèn cố gắng tập trung tư tưởng để quán
xét hiện tượng này và bất ngờ thay tôi bỗng thấy mình chính là Thái Dương
Thần Nữ. Tôi nắm rất vững quan niệm về sự giao tiếp với các thần linh trong
thiên nhiên và đã từng làm như vậy nhiều lần trong khi hành nghề cô đồng
(Miko) nhưng lần này tôi không còn thấy mình là một dụng cụ để các vị thần
nhập vào nữa, mà trở nên là một với các thần linh. Ngay lúc đó, tôi biết
mình đang kinh nghiệm được một trạng thái đặc biệt, tối cao của Thần Đạo:
Trạng thái hợp nhất với đấng Sáng Tạo hay Thái Dương Thần Nữ. Một sự
an lạc lạ lùng xâm chiếm trọn tâm hồn tôi. Phải chăng đây chính là trạng thái
mà lão sư vẫn thường nói đến, trạng thái đạt đại đạo? Tôi thấy mình tan biến
trong một biển ánh sáng lạ lùng. Trước mắt tôi hàng ngàn hình ảnh kỳ lạ đầy
màu sắc hiện ra chói lọi. Phải rồi, tôi đang chiêm ngưỡng sự tạo thiên lập địa
của Thái Dương Thần Nữ. Không ! Chính tôi là người đang sáng tạo, giữa
tôi và Thái Dương Thần Nữ không còn gì cách biệt mà là một với nhau. Tôi
thấy mình sinh hóa ra muôn loài, ra các chư thần, ra chính tôi, chính tôi đã
sinh ra tôi. Tôi đã kinh nghiệm được mình trước khi được sinh ra. Phải
chăng đó là điều mà công án «Bộ mặt thật trước khi sinh ra» đã đề cập đến?
Trong khoảnh khắc đó, mọi sự bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi reo
lớn: «Ngộ rồi (Satori), ta đã chứng ngộ rồi!» Tôi choàng dậy trong một cảm
giác kỳ lạ không thể diễn tả. Tôi thấy mình chạy nhảy chung quanh căn lều
và reo lớn như đứa trẻ được quà: «Satori! Satori! Satori!» Tôi có cảm tưởng
như toàn thế giới đang tràn ngập một niềm vui không kể xiết và rồi tôi cười,
cười mãi không thôi.
Không bút nào có thể diễn tả được cảm giác sung sướng mà tôi đã kinh
nghiệm được lúc đó. Cái thế giới đầy phiền muộn vẫn quấy phá tôi từ trước đến nay bỗng dưng thay đổi một cách bất ngờ. Tôi thấy trong người nhẹ
nhõm thoải mái như vừa trút được một gánh nặng. Phải chăng tôi đã chứng
ngộ? Phải chăng ngộ là như thế? Dĩ nhiên tôi muốn được ấn chứng về kinh
nghiệm tâm linh này. Lúc đó vào đầu mùa đông, phải đợi đến cuối xuân mới
có khóa nhiếp tâm tại Zuiryuji nhưng tôi không thể chờ đợi lâu như thế
được. Tôi vội vã lấy xe lửa đi Maruyama để gặp thiền sư Joten ngay. Ngồi
trên xe tôi đã thảo một bài thơ ngắn trình bày kiến giải của mình với hy vọng
sẽ được thiền sư Joten ấn chứng cho. Khi xe lửa đến gần Maruyama, tôi lo
lắng tự hỏi không biết thiền sư Joten có chịu tiếp tôi không? Trong các khóa
nhiếp tâm, người ta có thể xin đặc tham được nhưng hiện nay không phải
tuần lễ nhiếp tâm. Phần lớn các thiền sư đều tĩnh tu, không dễ gì có thể gặp
các ngài nếu không có hẹn trước. May mắn thay, khi vừa đến trước cửa chùa
Zuiryuji, tôi gặp thiền sư Joten đi đâu về, đang chuẩn bị mở cổng bước vào.
Tôi vội vã bước đến :
– Bạch thầy, cách đây hai năm con đã từng tham dự khóa nhiếp tâm với
thầy.
Thiền sư Joten nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên :
– Thế ư?
– Đúng thế. Con đã được thầy trao cho công án «Vô» nhưng lúc đó con đã
không giải được.
– Thì ra thế, có lẽ bà đã thay đổi nhiều nên tôi không nhận ra…
Tôi vội vã rút bài thơ trong túi ra trao cho thiền sư Joten:
– Bạch thầy, từ đó đến nay con vẫn tiếp tục tham cứu công án và có bài thơ
này, xin thầy coi qua để thẩm xét trình độ cho con.
Thiền sư Joten nhận bài thơ từ tay tôi, chăm chú đọc rồi gật đầu :
– Khá lắm! Khá lắm! Bà đã đạt được một trình độ khá cao rồi đó nhưng…
– Nhưng làm sao? Con chưa ngộ hay sao?
Thiền sư Joten ngạc nhiên nhìn tôi như không hiểu tôi vừa nói gì. Tôi hỏi
dồn :
– Như vậy là thế nào? Phải làm sao mới ngộ được?
Thiền sư Joten im lặng không trả lời. Tôi vội hỏi:
– Con vẫn nghe nói phải cắt bỏ mọi tư niệm để đạt đến trình độ vô ngã, phải
chăng tất cả mọi tư niệm đều là vọng hết?
– Không hẳn thế.
– Thế là sao? Nếu chỉ dẹp bỏ một số tư niệm thì làm sao người ta biết được
cái nào cần giữ, cái nào cần bỏ? Làm sao người ta có thể biết được cái nào là
chân cái nào là vọng? Làm sao có thể phân biệt được những tư niệm nào là
đúng hay sai, thiện hay ác, xấu hay tốt?
Tôi liên tiếp hỏi hết câu này đến câu khác, dường như bao thắc mắc vẫn tích
lũy trong tâm tôi từ trước đến nay bỗng được dịp tuôn ra như suối :
– Tại sao người ta cứ phải niệm chữ «Vô» mãi trong tâm, như thế có được
ích gì?
– Điều đó cũng giản dị thôi. Khi muối dưa người ta thường phải nén lên hũ
dưa một cái cối đá nặng để đè dưa xuống…
– À con hiểu rồi, khi người ta nhấc cái cối đá nặng đó lên thì bao nhiêu sức
mạnh bị đè nén bỗng bật lên một cách bất ngờ chứ gì?
– Phải rồi, như thế đó.
Nói xong thiền sư Joten quay lưng bước vào chùa rồi tiện tay đóng luôn
cánh cửa lại như không muốn cho tôi làm phiền ông nữa. Tôi dứng sững
trước cánh cửa đã đóng chặt, tự hỏi: Như vậy là sao? Ông có xác nhận trình
độ của tôi không? Tại sao ông lại có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao đang nói
chuyện với tôi ông lại quay lưng bỏ đi rồi đóng cửa lại như vậy? Rõ ràng
ông đã không xác nhận trình độ của tôi nhưng hình như ông cũng không phủ
nhận nó, như vậy là thế nào?
Không tìm được câu trả lời, tôi đành lủi thủi quay về với một tâm trạng vô
cùng hoang mang, chán nản.
Vài hôm sau tôi trở lại Zuiryuji một lần nữa xin đặc tham với thiền sư Joten
nhưng người ta đã từ chối lời yêu cầu của tôi một cách lễ phép. Cái cảm giáchân hoan sung sướng vừa đạt được của tôi bỗng dưng tắt ngúm như ngọn
đèn trước gió. Niềm an lạc dễ chịu chợt tan rã như mây khói, tôi lại rơi vào
trạng thái dằn vặt khó chịu như cũ. Phải chăng tôi lại đi lầm đường một lần
nữa? Phải chăng nghiệp của tôi quá nặng, không thể thoát ra được? Tôi thấy
mệt mỏi, chán nản về việc theo đuổi sự Chứng ngộ (Satori) của mình. Tại
sao có người chỉ tham dự một khóa nhiếp tâm mà đã chứng ngộ trong khi tôi
khổ công suốt mấy năm trường mà kết quả chẳng đi đến đâu? Tôi đã tìm đủ
mọi cách để đạt ngộ mà sao kết quả cứ mịt mù như vậy?
Ít lâu sau tôi được tin thiền sư Joten mở khóa nhiếp tâm tại chùa Zuiganji
thuộc tỉnh Matsushima, tôi tìm đến đó xin được đặc tham. Lần này ông chấp
thuận lời yêu cầu của tôi nhưng một lần nữa, dù tôi cố gắng thu xếp tư tưởng
để trình bày sự hiểu biết của mình thế nào, tôi vẫn không làm sao ăn nói trôi
chảy được, dường như vẫn có cái gì vướng mắc, không thông suốt trong tâm
tư tôi.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet