Dấu Chân trên Cát
✍️ Mục lục: Dấu Chân trên Cát
Chương IX:
Tôi nghỉ ngơi tại nhà Horemheb được mấy hôm nhưng hắn vẫn chưa trở về. Một buổi tối, tôi đang ngồi đọc sách thì Kepta đẩy cửa bước vào:
– Thưa y sĩ, có một người lạ muốn gặp ngài.
– Ai thế?
– Người này không chịu xưng tên, chỉ đưa ra vật này.
Kepta xòe bàn tay ra, trên tay hắn là sợi dây đeo cổ có gắn một miếng đá khắc những hình vẽ loằng ngoằng. Đây chính là vật mà Pharaoh Akhenaten đã ban cho tôi trong buổi thiết triều lần đầu nhưng sau đó tôi đã dâng hiến cho Nefer.
Tôi xúc động:
– Hãy cho cô ta vào.
Kepta dắt vào một người khoác chăn dầy phủ kín từ đầu xuống chân. Tôi run giọng hỏi dồn:
– Nefer, phải Nefer đấy không?
– Chính em đây.
– Tại sao cô lại trùm kín người bằng tấm chăn dầy như thế?
– Xin y sĩ cứu em với.
– Chuyện gì vậy?
Người con gái run rẩy bước đến gần, lúc đó tôi mới ngửi thấy một mùi hôi thối nồng nặc từ thân thể cô phát ra.
Nefer đưa tay khẽ vén tấm chăn để lộ ra một phần thân thể làm tôi hoảng hốt lùi lại. Trước mặt tôi không còn là tấm thân kiều diễm đã ám ảnh tôi suốt bao năm qua nữa mà chỉ là một khối thịt đầy máu mủ tanh hôi. Nefer ngượng ngùng đưa tay kéo tấm chăn xuống. Bàn tay với những ngón búp măng đeo đầy ngọc ngà châu báu khi xưa nay chỉ còn là miếng thịt đỏ hỏn, không một đốt nào còn nguyên vẹn.
Tôi luống cuống nói không ra hơi:
– Bệnh cùi… Cô bị bệnh cùi…
– Y sĩ cứu em với.
– Tại sao… Tại sao…
Nefer sụt sùi khóc:
– Em không biết… Mấy năm trước em thấy trong người không được khỏe rồi khắp mình mọc đầy những mụn nhọt, lở loét, ngứa ngáy vô cùng. Sau đó những ngón tay em sưng phồng lên… Em đã chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Tài sản dành dụm của em chẳng mấy chốc không cánh mà bay, em bán mọi đồ trang sức để chạy chữa nhưng vô hiệu… Sau cùng em đành trở thành kẻ hành khất lang thang ngoài chợ. Hôm qua em trông thấy y sĩ oai nghiêm ngồi trên cỗ xe đưa Pharaoh về cung, em nghĩ đến cảm tình của y sĩ đối với em ngày trước nên em tìm đến… Xin y sĩ chữa cho em…
Tôi im lặng nhìn người con gái đang run rẩy thu mình trong tấm chăn dầy mà lòng rộn ràng biết bao cảm xúc. Trái tim tưởng như chai đá của tôi lại rung động mãnh liệt hơn bao giờ hết, nhưng lần này nó không phải là sự nồng nhiệt, đam mê như xưa mà là một lòng thương xót vô bờ bến.
Tôi ngập ngừng:
– Nefer, bệnh cùi rất khó chữa…
Người con gái ngẩng mặt lên nhưng vì khuôn mặt cô vẫn giấu kín sau tấm vải phủ nên tôi không biết cô đang nghĩ gì. Có lẽ cô nghĩ tôi muốn nói đến chi phí chữa bệnh nên khẩn khoản:
– Thưa y sĩ… em chẳng còn gì để trả công chữa bệnh nhưng xin y sĩ thương xót cứu chữa giùm cho em…
– Cô đừng lo, hiển nhiên tôi phải chữa cho cô rồi nhưng tôi chỉ có thể ngăn chận không cho bệnh phát ra thêm nữa thôi.
Nefer mừng rỡ:
– Y sĩ… y sĩ… có thể chữa được sao?
– Tôi sẽ cố gắng.
Nefer òa lên khóc:
– Ngày xưa… em đã không tốt đối với y sĩ nhưng… nhưng…
– Cô không phải nói nhiều, hãy bỏ tấm chăn ra, tôi sẽ chữa cho cô.
Nefer run rẩy kéo tấm chăn phủ mặt ra. Khuôn mặt yêu kiều với làn tóc mây óng ả khi xưa không còn nữa mà chỉ là một lớp da đầy mủ bám vào chiếc sọ trắng hếu. Đôi mắt nhung huyền mời mọc ngày xưa chỉ còn là hai hố sâu hoắm, nụ cười làm bao người xao xuyến chỉ là một khối xương thịt bầy nhầy.
Tôi phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh.
– Này Nefer, tôi tiếc là chỉ có thể chữa cho cô khỏi bệnh, nhưng không thể giúp cô lấy lại vẻ đẹp ngày xưa được.
– Xin y sĩ cứu em… em không muốn chết…
– Cô đừng lo, tôi có thể chữa được bệnh này.
Sau khi xức thuốc và băng bó cho Nefer xong, tôi mệt mỏi thở dốc ra:
– Nefer, hiện nay bệnh của cô sẽ không phát ra nữa đâu, tôi đã sử dụng những liều thuốc cực mạnh để ngăn chận nó rồi… Tôi rất tiếc không thể làm gì hơn.
Nefer khép nép choàng tấm chăn lên người:
– Cám ơn y sĩ đã cứu chữa cho em. Em không biết phải nói gì hơn…
– Đây là lọ thuốc để bôi lên người. Khi cô dùng hết lọ thuốc này thì bệnh cũng sẽ thôi phát tác…
Nefer nhìn tôi, sùi sụt:
– Thưa y sĩ… em muốn xin y sĩ một ân huệ nữa…
– Cô còn muốn gì?
– Em muốn y sĩ biết rằng khi xưa tuy em có đầy ngọc ngà châu báu quí giá nhưng món em quí nhất là chiếc vòng đeo cổ bằng đá mà hoàng đế Akhenaten đã ban cho y sĩ.
Món này tuy không có giá trị hiện vật nhưng y sĩ đã tặng cho em bằng tất cả lòng chân thành nên em luôn giữ nó bên mình. Trọn đời em chỉ toàn những bán buôn, đổi chác, lừa gạt, gian dối. Chỉ riêng y sĩ đã tặng cho em một thứ mà chưa ai hiến tặng cho em… do đó em xin phép được giữ vật kỷ niệm này…
– Được rồi, cô cứ giữ nó. Tôi đã tặng cho cô kia mà…
Nefer mừng rỡ nhặt chiếc vòng rồi quay người bước ra cửa. Tôi bùi ngùi nhìn theo người con gái đã làm tôi mê đắm năm xưa mà trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả.
Thấy Kepta đang thập thò đứng nhìn, tôi lên tiếng:
– Này Kepta, suốt mười năm nay ta chỉ mong gặp lại Nefer để trả thù. Ta vẫn muốn cô ta phải đau khổ ngắc ngoải, sống không ra sống mà chết cũng chẳng ra chết. Ta đã nghĩ đến những liều độc dược ghê gớm nhất…
– Hiện nay ông chủ thấy sao?
– Gặp lại Nefer, ta thấy mình không thể giận cô ta được mà chỉ thấy thương hại. Ta không thể làm gì khác hơn là tận lực cứu chữa bằng tất cả khả năng ta có. Không hiểu sao lòng thù hận nung nấu bao năm qua đã tiêu tan mất…
Pharaoh Akhenaten nói đúng, thù hận chỉ đem lại dằn vặt đau khổ cho chính mình và kết quả chỉ là những gì trống rỗng mà thôi. Ta tiếc đã dại dột nuôi một mối hận quá lâu nên phải trả một giá đắt là sống tha hương hơn mười năm nay… Phải chi ta biết trước điều này…
Tôi mệt mỏi đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Vài hôm sau, tuy đã nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhưng lòng tôi vẫn dâng lên một nỗi buồn man mác. Sau cùng để giải trí, tôi gọi Kepta thắng ngựa để đi dạo phố. Nhưng khi vừa ra đến
phố chính thì tôi đổi ý:
– Này Kepta, có lẽ ta muốn trở về thăm quê cũ.
° ° °
Chúng tôi nhắm hướng Thebes trực chỉ. Sau một hành trình dài, tôi dừng ngựa trước bờ hồ lớn nằm ở phía đông thành phố, từ đây người ta có thể nhìn thấy những ngôi nhà san sát của Thebes, ẩn hiện dưới rặng chà là. Trong lúc tôi đang trầm ngâm ngắm cảnh quê xưa thì có tiếng cãi cọ vang lên:
– Thằng kia, ai cho phép mày đến đây câu cá?
Một đám trẻ đang hung hăng bao vây một đứa trẻ trạc mười tuổi ở gần đó. Đứa lớn hơn cả quát nạt:
– Hồ này là của chúng ta, cá trong hồ cũng thuộc quyền của chúng ta. Ai cho phép mày được đến đây câu cá?
Thằng bé kia sợ hãi, vội đưa rổ cá ra cho đám trẻ nhưng thằng bé thủ lãnh ra lệnh:
– Tịch thu luôn cả cần câu của nó nữa. Thằng bé sợ hãi, riu ríu đưa cần câu ra. Bọn trẻ kia được thể xông đến lục soát túi quần túi áo của đứa bé. Thấy vẻ mặt nó sợ hãi ngơ ngác, thằng thủ lãnh thích thú ra lệnh:
– Tụi bay lột luôn cả quần áo nó ra để trừng phạt tội câu cá tại hồ của tao.
Nghe thế tôi xúc động vô cùng. Cả một quá khứ tươi đẹp, ngây thơ và hồn nhiên hiện rõ trong tâm trí tôi.
Tôi quát lớn:
– Quân sĩ đâu, hãy đánh mấy đứa bé kia vài roi để trị tội ăn hiếp kẻ cô thế.
Binh sĩ hầu cận lập tức thi hành. Bọn trẻ hà hiếp người sợ hãi bỏ chạy, chỉ còn lại đứa bé kia ngơ ngác đứng nhìn.
Tôi mỉm cười với nó:
– Này em bé, ta đã trừng trị những đứa trẻ hung ác kia rồi.
– Tại sao ông làm thế?
– Ta không thích việc kẻ mạnh ăn hiếp người yếu.
Đứa bé nhìn tôi rồi lắc đầu:
– Nhưng ông có làm gì khác đâu, ông ỷ có binh sĩ hầu cận đánh đuổi mấy đứa kia…
Tôi giật mình trước câu nói của đứa bé. Kepta tức giận quát lớn:
– Thằng bé kia, mày có biết mày đang nói chuyện với ai không?
Ngay lúc đó có tiếng gọi vang lên:
– Tut ơi, con ở đâu?
Đứa bé đáp lại ngay:
– Mẹ ơi, con ở đây này!
Một phụ nữ tất tả chạy đến, ôm chầm đứa bé vào lòng:
– Con làm gì thế? Con không nghe lời mẹ, lại đi đánh nhau rồi sao?
– Thưa mẹ, con đâu có đánh nhau…
– Mẹ nghe trẻ khóc lóc vang xóm, chỉ sợ có đánh nhau.
Đứa bé vội chỉ tay vào chúng tôi, mách:
– Tại mấy ông này… đánh chúng nó.
Người đàn bà ngẩng đầu nhìn lên. Dưới ánh nắng rạng rỡ, tôi nhận ra đó chính là Meryt, người con gái bán rượu năm xưa.
Tôi kêu lớn:
– Meryt… phải cô Meryt đó không?
Cô ta trố mắt nhìn tôi rồi xúc động kêu lên:
– Sinuhe… Ông là… Sinuhe phải không?
– Chính tôi đây.
Kepta cũng nhận ra người xưa nên vui vẻ nhảy xuống ngựa:
– Này Meryt, có lẽ cô không ngờ ông chủ tôi lại trở về bình an vô sự…
Tôi chăm chú nhìn Meryt, trông cô vẫn dịu dàng như xưa. Trong lúc tôi đang nhìn thì Tut lên tiếng:
– Mẹ ơi, mấy ông này là ai thế? Mẹ quen họ hay sao?
Tôi ngạc nhiên:
– Cô Meryt… tôi không ngờ cô đã lập gia đình…
Meryt nhìn tôi, dường như hờn giận nhưng vẫn nhẹ nhàng nói:
– Y sĩ đi xa chắc mệt rồi, xin mời y sĩ ghé qua nhà dùng chút rượu giải khát.
Nói xong, Meryt rảo bước đi trước, tôi vội nhảy xuống ngựa đi theo. Quang cảnh Thebes vẫn như xưa, không thay đổi bao nhiêu nhưng tự nhiên tôi cảm thấy nó trở nên xa lạ thế nào. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ không để ý đến đường xá cho đến khi Meryt đưa tôi đến trước một căn nhà nhỏ thì tôi mới giật mình sửng sốt:
– Meryt… nhưng… đây là… căn nhà cũ của cha mẹ tôi…
– Thưa vâng. Em đã mua lại nó từ người chủ trước.
Tôi đẩy cửa bước vào ngôi nhà quen thuộc mà lòng vô cùng xúc động. Căn nhà được giữ y như xưa với phòng khám bệnh và chiếc hòm gỗ đựng tiền để gần đó. Meryt có vẻ bối rối:
– Em… em không có thì giờ… dọn dẹp… nên cứ để nguyên thế…
Tôi nhìn lên chiếc tủ thuốc của cha tôi và nhận ra những dụng cụ hành nghề như dao kéo, những hũ đựng dược thảo và chiếc cối xay thuốc vẫn nằm nguyên vị trí cũ. Tôi nhớ mình đã bán tất cả những thứ này để lấy tiền mua vui với Nefer nhưng tại sao chúng lại trở về đây? Meryt ngượng ngùng:
– Em… em thấy người ta bày bán rẻ… ngoài chợ nên… mua về…
Kepta tủm tỉm cười, kéo Tut ra phía sau nhà:
– Này chú bé, ta biết sau nhà chú có một cây chà là rất ngon. Chú leo lên hái cho ta ít quả chà là đi.
Trong nhà chỉ còn mình tôi và Meryt. Tôi ngượng nghịu nhìn quanh:
– Này cô Meryt… thế anh ấy… đâu rồi? Meryt nhìn tôi dường như trách móc rồi ấp úng:
– Em… em chưa lập… gia đình.
– Tại sao?
Vừa nói xong tôi ý thức ngay rằng mặc dù tôi vẫn nói câu ấy không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ nó lại vô duyên đến thế! Meryt im lặng ngượng ngùng nhìn đi chỗ khác.
Tôi ngập ngừng:
– Thế… đứa bé đó là… con ai?
Meryt hạ giọng nói nhỏ:
– Em… em đi qua sông Nile, nghe tiếng trẻ khóc và thấy một đứa bé nằm trên giỏ mây thả trôi trên sông. Chắc y sĩ cũng biết… ai cũng có lúc lầm lỡ nên có những giọt máu vô thừa nhận… nhiều người đành bỏ con vào giỏ thả trôi sông, phó thác cho thần sông Nile… Do đó em mang nó về nuôi…
Tôi ngậm ngùi nghĩ đến thân phận mình. Tôi cũng là một đứa trẻ vô thừa nhận như thế và nếu cha mẹ tôi không mang về nuôi thì chắc tôi đã nằm trong bụng cá rồi! Tôi đang xúc động thì Tut và Kepta đẩy cửa bước vào với một nắm chà là trên tay:
– Ông ăn đi, chà là trên cây nhà tôi ngon hơn ngoài chợ nhiều lắm.
Tôi bật cười:
– Ta biết chứ, cây chà là này nổi tiếng ngon nhất xóm.
Thằng bé nhìn tôi như dò xét rồi hỏi:
– Tôi nghe Kepta nói ông là một y sĩ?
– Đúng thế.
– Lớn lên tôi cũng học ngành y để trở thành y sĩ như ông vậy.
– Tốt lắm! Làm y sĩ, chú em sẽ kiếm được rất nhiều tiền.
– Không đâu! Tôi chỉ muốn trở thành y sĩ chữa bệnh cho người nghèo mà thôi.
– Tại sao em lại muốn thế?
– Mẹ tôi dạy rằng sứ mạng thiêng liêng của một y sĩ là làm dịu những nỗi đau khổ của đồng loại. Mẹ tôi còn kể rằng ngày xưa có một người y sĩ rất giỏi, chỉ chuyên phục vụ nhân loại như thế…
Meryt ngượng ngùng gạt đi:
– Thôi đi, con nói nhiều quá…
– Nhưng con chỉ kể lại chuyện người y sĩ mà mẹ vẫn kể cho con nghe hàng đêm.
– Mẹ chú kể như thế nào?
– Người y sĩ này rất giỏi, cứu nhân độ thế, làm việc tốt, khắp thành Thebes ai ai cũng biết và quí mến. Tiếc thay một hôm ông ta đi lạc đường…
Meryt lại gạt đi:
– Con hãy ra chợ mua cho mẹ một con cá để mẹ làm bữa ăn đãi khách…
Tut phụng phịu bỏ đi:
– Chút nữa về, tôi sẽ kể tiếp cho ông nghe.
Sau khi đứa bé đi khỏi, tôi quay qua Meryt, dịu dàng nói:
– Meryt… đứa trẻ nào cũng cần một người cha và nếu cô không chê trách, tôi muốn được làm cha của bé Tut để nuôi dạy cho nó nên người. Meryt cúi đầu không nói. Tôi nắm chặt tay cô gái:
– Này Meryt… tôi đã đối xử không phải với cô…
– Sinuhe, anh là một y sĩ danh giá, đang làm ngự y cho Pharaoh, còn em… em chỉ là một người bán rượu tầm thường… đâu xứng đáng gì…
– Cô đừng nói thế…
– Anh là y sĩ thủ khoa trường Khoa Học Của Sự Sống, được khắp Ai Cập kính trọng, tương lai anh đang sáng sủa…
– Meryt thân mến, tôi đã ngu dại nên bị lôi kéo vào những chuyện thị phi, tuy nhiên tôi đã học được bài học mà tôi cần phải học. Khi xưa vì thiếu hiểu biết nên tôi đã gây đau khổ cho bao nhiêu người, kể cả cô nữa; nhưng hiện nay tôi đã biết giá trị thực sự của chân hạnh phúc…
– Sinuhe, xin anh đừng nói nữa…
– Meryt ơi, những chuyện ấy đã trở thành quá khứ; nếu cô sẵn sàng bỏ qua tất cả để xây dựng một cuộc sống mới với tôi…
Ngay lúc đó có tiếng vó ngựa dồn dập trước cửa rồi Kepta lật đật bước vào. Tôi cau mày khó chịu:
– Chuyện gì thế? Ngươi không thấy ta đang bận hay sao?
Tôi chưa nói dứt câu thì cánh cửa đã mở tung và một người hầm hầm bước vào. Đó là công chúa Baketamon.
Công chúa giận dữ:
– Này Sinuhe, tại sao ngươi trở về mà không thông báo gì cho ta biết?
Tôi chưa kịp phản ứng thì công chúa Baketamon đã nói tiếp:-
Ta nghe nói anh ta đã kết thông gia với vua xứ Hitites.
Tại sao lúc đó ngươi có mặt mà không khuyên can? Sao ngươi có thể hồ đồ như thế được?
– Nhưng… nhưng… lúc đó…
– Ngươi có biết hậu quả của việc này sẽ ra sao không?
– Thưa công chúa… tôi… tôi…
– Anh ta là người lý tưởng nhưng ta thì không như thế.
Anh ta có thể từ bỏ địa vị Pharaoh để đi theo lý tưởng thờ phụng Aten nhưng công lao gây dựng Ai Cập của gia đình ta đâu thể để cho bọn Hitites hưởng thụ một cách dễ dàng vậy được. Ngươi hãy theo ta về cung, mẹ ta có việc cần nhờ đến ngươi gấp.
– Thái hậu Taiya ư? Sức khỏe… sức khỏe của bà có sao không?
– Mẹ ta vẫn khỏe nhưng chẳng vui gì.
– Tại sao?
– Làm sao mà vui được khi bao năm nay dòng họ ta đều tôn thờ các thần linh, nhất là thần Ánh Sáng (Amun) mà anh ta lại chủ trương chỉ tôn thờ thần linh độc nhất là Thái Dương (Aten) chứ không chịu phục tùng các thần linh khác.
Điều này đã gây chia rẽ trong giới giáo sĩ và các quan triều.
Việc triều chính chưa yên mà anh ta lại kết thông gia với người Hitites nữa thì thật hết chỗ nói. Ta và mẹ ta đã hết sức khuyên can nhưng vô hiệu. Có lẽ anh ta khùng điên mất rồi. Hiện nay anh ta không chịu nghe ai khuyên giải, may ra
có mình ngươi thôi.
– Tại sao?
– Tại vì những bầy tôi thân tín của anh ta đều có tham vọng cá nhân nhưng riêng ngươi thì không như thế…
Công chúa Baketamon chăm chú nhìn thẳng vào mặt tôi rồi giằn giọng:
– Này Sinuhe, hiện nay tuy ngươi không có tham vọng gì nhưng theo thời gian ai cũng thay đổi, phải không?
– Tôi… tôi không biết… Tại sao công chúa lại hỏi thế?
Công chúa Baketamon cười gằn:
– Hiển nhiên khi cờ đến tay thì ngươi cũng phải phất chứ!
– Công chúa… nói gì… tôi không hiểu…
– Ngươi không cần phải hiểu trong lúc này. Ta muốn ngươi trở về Memphis để khuyên bảo anh ta nên hòa hoãn với bọn giáo sĩ, còn nếu không được thì thẳng tay giết sạch bọn đó đi. Các quan trong triều cũng thế, thấy đứa nào có thái độ chống đối thì giết ngay để diệt trừ hậu họa…
– Điều này… tôi sợ… không được đâu…
Công chúa Baketamon lắc đầu thở dài:
– Sinuhe, ngươi làm ta thất vọng quá! Mẹ ta nói rất đúng, rằng ngươi cũng hiền lành, khờ dại như anh ta vậy.
Một người lãnh đạo quốc gia, một Pharaoh không thể có thái độ ngây thơ dại dột như thế được. Kẻ lãnh đạo phải là kẻ có mưu lược, thủ đoạn, dám làm những việc không ai dám làm. Nếu cần giết người thì giết. Nếu cần hy sinh tất cả, phải sẵn sàng không ngần ngại. Chỉ những kẻ quyết đoán như thế mới làm được việc lớn. Thôi được, ngươi hãy theo ta trở về Memphis, mẹ ta có việc nhờ ngươi.
Tôi đành theo công chúa Baketamon trở về thủ đô. Trên đường, công chúa nói năng lung tung đủ thứ chuyện nhưng tôi chẳng có lòng dạ nào mà nghe vì đầu óc chỉ nghĩ đến Meryt. Tôi chưa có dịp nói hết những điều tôi muốn nói với người con gái hiền lành, chung thủy này. Đoàn tùy tùng hộ giá tôi và công chúa vừa đến trước cung điện thì Horemheb ở đâu bước đến:
– May quá, tao đang đi tìm mày. Pharaoh muốn gặp mày gấp…
Công chúa Baketamon cau mày khó chịu:
– Sinuhe đến thăm bệnh cho mẹ ta. Ngươi hãy nói với anh ta để khi khác.
– Thưa công chúa, kẻ này được lệnh của Pharaoh phải đưa Sinuhe vào triều ngay.
Công chúa Baketamon hậm hực:
– Horemheb, lúc nào ngươi cũng chỉ biết đến anh ta mà thôi. Thôi được, sau khi Sinuhe gặp anh ta xong, ngươi hãy đưa hắn vào nội cung gặp ta.
Công chúa Baketamon vừa đi khỏi, Horemheb nói nhỏ:
– Mày trở về vừa đúng lúc…
Tôi và Horemheb cùng bước vào trong cung. Khi xưa tôi đã từng đến đây kể chuyện cho hoàng hậu Nefertiti và các cung nữ nghe nhưng lần này tôi thấy cung điện rất vắng vẻ, chỉ có Pharaoh và hoàng hậu Nefertiti đang chờ.
Vừa thấy tôi, Akhenaten đã nói:
– Ta và Nefertiti đã có với nhau sáu đứa con nhưng chẳng may hai đứa chết sớm. Lần sinh nở sau cùng, hoàng hậu gặp khó khăn, các quan ngự y nói rằng nàng không thể có con được nữa. Ta muốn nhờ ngươi khám lại cho hoàng hậu yên lòng.
Tôi bước đến khám bệnh rồi xem xét, đối chiếu với tài liệu của các quan ngự y trước khi kết luận:
– Kính thưa hoàng hậu, kẻ nầy đã xem xét rất kỹ và hoàn toàn đồng ý với kết quả chẩn đoán của các quan ngự y rằng ngài khó có con được nữa.
Hoàng hậu Nefertiti im lặng, có lẽ bà đã biết trước nhưng vẫn còn nuôi hy vọng. Akhenaten bảo vợ:
– Chúng ta đã có bốn đứa con gái xinh đẹp, cần gì phải thêm con trai nữa.
Hoàng hậu Nefertiti run giọng:
– Em biết thế nhưng… nhưng Pharaoh sẽ không có con trai nối dõi và…
Akhenaten cười lớn:
– Đó là việc của ta, nàng không cần quá lo như vậy.
Tôi hiểu cái chết của hoàng tử Teay đã gây khó khăn lớn trong việc thừa kế ngôi vị Pharaoh nên hối hận:
– Kính thưa Pharaoh, kẻ này có lỗi… đã không săn sóc cho hoàng tử…
Akhenaten lắc đầu:
– Ngươi không phải bận tâm về việc đã qua này.
Hoàng hậu Nefertiti ngập ngừng:
– Nhưng… Pharaoh vẫn có thể có con trai nối dõi nếu…
Akhenaten lắc đầu:
– Này Nefertiti, việc có con trai nối dõi không phải là điều làm ta bận tâm. Tại sao Pharaoh cứ phải là con trai?
Con gái không làm Pharaoh được sao? Ai đã đặt ra luật lệ kỳ quái này? Khi xưa Hashepsut là đàn bà mà vẫn làm Pharaoh đấy thôi! Theo ý ta. Pharaoh phải là người có đức độ, xứng đáng để chỉ huy quốc gia chứ không hẳn chỉ là kẻ được thừa kế. Ta sẽ ban hành đạo luật bãi bỏ việc thừa kế này.
Tôi và Horemheb giật mình. Đây là lần đầu tiên một vị vua dám phủ nhận truyền thống thừa kế thiêng liêng đã hiện hữu từ ngàn năm nay như vậy. Hoàng hậu Nefertiti nói nhỏ:
– Pharaoh không nên khinh xuất. Hiện nay thiếp thấy triều đinh chưa yên. Thay đổi nhiều quá chưa chắc đã có lợi.
Hơn nữa các Pharaoh thời trước vị nào cũng có rất nhiều phi tần…
Akhenaten lắc đầu:
– Này Nefertiti, nàng là người đàn bà đẹp nhất thế giới.
Dưới mắt ta, mọi phụ nữ khác đều lu mờ trước nhan sắc và đức độ của nàng. Tuy truyền thống vẫn khuyến khích Pharaoh phải có nhiều phi tần mỹ nữ nhưng ta không như vậy. Từ khi lên ngôi Pharaoh, ta đã cho tất cả cung nữ trở
về nhà. Ta không muốn họ phải sống một cuộc đời tẻ nhạt, chán chường trong cung điện rộng thênh thang này.
Lúc đó tôi mới biết tại sao cung điện lại vắng vẻ như thế.
Akhenaten giải thích thêm:
– Việc có con trai nối dõi chẳng đáng phải quan tâm. Vấn đề hiện nay là tuy nàng không thể có con được nữa nhưng tâm nàng vẫn còn mong có con. Khi tâm và thân không như nhất thì sẽ sinh phiền não rồi bệnh tật từ đó sẽ phát sinh.
Này Sinuhe, ta nói như thế có đúng không?
Tôi chưa trả lời thì hoàng hậu Nefertiti đã cương quyết:
– Pharaoh không nên quá lo lắng, thiếp có thể chấp nhận được điều này.
– Nàng đừng vội kết luận. Liệu nàng có cảm thấy thoải mái khi nhìn thấy những đứa bé trai nô đùa không? Liệu nàng có làm chủ được lòng mong muốn có một đứa con trai không? Chỉ khi nào cả tâm lẫn thân nàng thản nhiên chấp nhận, không ao ước, không mong cầu thì ta mới yên lòng.
Ngay lúc đó, một người nô lệ bước vào nói nhỏ với Pharaoh. Ông gật đầu:
– Được lắm, hãy cho Smenkere vào!
Được phép, vị tể tướng có khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ bước vào. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi và Horemheb đang đứng đó:
– Kính thưa Pharaoh, hạ thần đã điều tra được kỹ thuật rèn kiếm của người Hitites. Đó là thứ kim loại đặc biệt gọi là thép, được sản xuất từ một xứ ở phương đông tên là Trung Hoa. Những người này đã buôn bán trao đổi kỹ thuật rèn kiếm với người Do Thái. Xin Pharaoh ban chỉ thị để thần lưu dụng những thợ rèn Do Thái này.
Akhenaten chăm chú nhìn Smenkere một lúc rồi thong thả đáp:
– Phải chăng ông muốn ta khởi xướng cho rèn kiếm bằng thứ kim loại mới kia? Chúng ta đã ký hòa ước với người Hitites rồi thì cần gì phải chế tạo thêm vũ khí? Hẳn ông cũng biết ta không muốn gây chiến tranh và tránh sự giết chóc bằng mọi giá…
– Thưa Pharaoh, tuy chúng ta không muốn gây chiến tranh nhưng việc rèn đúc vũ khí vẫn là quan trọng. Hiện nay người Do Thái đã nắm được kỹ thuật này và chẳng bao lâu nữa các xứ quanh vùng đều có vũ khí bằng thứ kim loại sắc
bén ấy, nếu chúng ta không…
– Không. Ta không chấp nhận việc sản xuất vũ khí như thế. Nếu Ai Cập cho rèn kiếm bằng thứ kim loại này thì người Nubia cũng sẽ làm như thế và rồi người Hitites, người Syria, người Babylon… Nếu chúng ta thi đua sản xuất vũ khí thì không ai có thể tránh khỏi việc đao binh và như thế chỉ có bọn sản xuất vũ khí là được lợi lạc.
– Nhưng nếu các xứ kia đều có vũ khí này, chúng ta cũng cần phòng thủ…
Akhenaten lắc đầu:
– Vũ khí được chế tạo với mục đích duy nhất là phục vụ chiến tranh. Vũ khí càng sắc bén, lợi hại, người ta càng muốn gây chiến tranh để thử xem sức mạnh của vũ khí đó ra sao. Theo ta, sự phòng thủ hữu hiệu nhất là lòng dân và
sự hiểu biết. Không một quốc gia nào dám xâm lăng Ai Cập nếu mọi người dân xứ này đều cương quyết một lòng chống ngoại xâm. Không một ông vua nào dám gây chiến nếu mọi người dân đều hiểu biết rõ rệt thảm họa của chiến tranh và biết rõ tham vọng điên rồ của kẻ lãnh đạo.
– Nhưng vẫn có những kẻ chỉ huy khôn khéo biết lợi dụng tình thế để thực hiện ý đồ riêng.
Akhenaten chăm chú nhìn Smenkere rồi thong thả:
– Bất cứ kẻ chỉ huy nào cũng có những lý do riêng để biện minh cho hành động của mình nhưng họ chỉ có thể đánh lừa được một số người lười biếng, dễ dãi, không hiểu biết mà thôi. Những người này sẵn sàng chạy theo những ảo vọng điên rồ, những lý tưởng mơ hồ, những quan niệm trừu tượng hay một lý thuyết vu vơ nào đó. Con người có trí khôn thì phải biết sử dụng nó để phân biệt chứ. Không một kẻ bịp bợm nào có thể đánh lừa cả một quần chúng thông minh, không một dân tộc nào lại gây chiến với một dân tộc khác khi biết rõ hậu quả tai hại có thể xảy ra cho đất nước mình. Không, ta không chấp nhận việc sản xuất vũ khí như thế.
Smenkere im lặng, khuôn mặt nhăn nheo của ông vẫn lạnh lùng như băng đá. Horemheb vội lên tiếng:
– Thưa Pharaoh, ít ra chúng ta cũng nên nghiên cứu về kỹ thuật rèn kiếm kia để phòng khi hữu sự…
Akhenaten mỉm cười, ôn tồn nói:
– Các ông đều là những người mà ta hết sức tin tưởng sẽ giúp ta phục hưng Ai Cập. Chúng ta chỉ có thể phục hồi nền minh triết cổ xưa khi biết vượt ra khỏi các quan niệm sai lầm, các truyền thống ích kỷ tai hại, hậu quả của những trận chiến tranh kéo dài suốt bao năm nay. Nếu các ông không thay đổi đường lối suy nghĩ này thì làm sao ta có thể đòi hỏi các quan trong triều phải thay đổi? Nếu triều đình không thay đổi thì làm sao xã hội, quốc gia có thể đổi thay?
Nếu chúng ta cứ lo âu, sợ hãi, nghĩ rằng luôn luôn có một kẻ thù rình rập, chỉ chờ dịp hãm hại chúng ta thì làm sao chúng ta có thể tránh được chiến tranh.
Smenkere vội quì xuống:
– Pharaoh nói rất phải, kẻ già này đã sáng mắt ra rất nhiều.
Akhenaten gật đầu:
– Được lắm, chúng ta sẽ có dịp bàn kỹ lại chuyện này.
Hiện nay đã đến lúc ta phải thiết triều. Các ông hãy theo ta.
Chúng tôi vội vã theo Pharaoh bước ra khỏi hậu cung.
Khung cảnh triều đình vẫn như xưa nhưng không khí có vẻ căng thẳng nghiêm trọng vì một chuyện gì đó. Pharaoh Akhenaten vừa an tọa, tôi đã thấy một giáo sĩ cao lớn bước đến:
– Kính thưa Pharaoh, mấy năm nay Ai Cập bị hạn hán, mùa màng thất thu, dân tình đói khổ triền miên do hậu quả của việc sao lãng thờ cúng thần linh. Mấy năm nay, các giáo sĩ phái Amun chúng tôi chẳng nhận được chút lễ vật nào, các đền thờ thiếu người chăm sóc, khói lạnh hương tàn, cỏ hoang mọc đầy khắp đền miếu. Chúng tôi muốn xin Pharaoh đến tạ tội với chư thần, dâng cúng lễ vật để tránh cho dân tình khỏi lầm than và tránh cơn thịnh nộ của chư
thần.
Horemheb nói nhỏ vào tai tôi:
– Thằng giáo sĩ này to gan lớn mật, chắc hẳn nó phải có một lực lượng hậu thuẫn nào đó… Akhenaten thản nhiên:
– Dựa vào đâu mà ngươi cho rằng các thần linh muốn trừng phạt Ai Cập vì ta không dâng cúng lễ vật?
– Hẳn Pharaoh biết rõ, việc cúng lễ thần linh đã được ghi chép rõ ràng qua các sách vở tôn giáo từ ngàn xưa. Theo truyền thống, mỗi khi hạn hán, mất mùa, các Pharaoh phải đến đền thờ Amun dâng phẩm vật, cầu xin cho quốc gia khỏi thiên tai, hoạn nạn và được thái bình, thịnh vượng…
Akhenaten cười nhạt:
– Một quốc gia thái bình thịnh vượng, không có chiến tranh là do tài điều khiển của người lãnh đạo chứ chẳng do thần linh nào hết. Khi xưa cha ta vẫn thờ cúng Amun rất cẩn thận mà Ai Cập có thoát khỏi nạn binh đao đâu?
– Nhưng hiện nay Ai Cập đang gặp thiên tai, hạn hán, mất mùa, nếu đó không phải sự trừng trị của chư thần thì là gì?
– Thiên tai chỉ là thời tiết thay đổi, đến rồi đi, có năm lụt lội thì cũng có năm hạn hán; có năm được mùa thì cũng có năm mất mùa. Điều này chẳng do thần linh nào trừng phạt cả… Ta, Pharaoh của Ai Cập quyết định bãi bỏ các nghi thức thờ cúng quỉ thần. Thay vì dâng cúng lễ vật cho Amun, ta ra lệnh mở kho đụn, phát chẩn cho nạn nhân bị thiên tai. Vì tình trạng đói kém, ta sẽ bãi bỏ thuế khóa trong ba năm liền, và giảm thiểu quân số để cho quân sĩ trở về quê quán làm ăn.
Các quan trong triều xôn xao sửng sốt vì quyết định bất ngờ của Pharaoh. Trong mấy năm nay, Akhenaten đã cho cải tổ guồng máy hành chính nhưng không ai ngờ ông lại táo bạo đi xa đến vậy. Hiển nhiên việc giảm thuế sẽ làm giới quí tộc vốn bất mãn càng bất mãn thêm và việc giảm thiểu quân số sẽ khiến các võ quan bị mất nhiều quyền lực.
Horemheb nói nhỏ với tôi:
– Pharaoh hấp tấp quá… hỏng việc mất thôi.
Giáo sĩ trưởng phái Amun lắc đầu than:
– Nếu thế Ai Cập sẽ bị trừng phạt nặng nề…
Akhenaten dõng dạc nói:
– “Lúc nào bọn giáo sĩ các ngươi cũng mang thần linh ra để dọa nạt. Các ngươi đã biết gì về thần linh? Ai đã đặt ra luật lệ dâng cúng thần linh kỳ quái này? Thần linh nào đòi hỏi như thế? Từ bao năm nay, giới giáo sĩ các ngươi đã nắm độc quyền việc giao tiếp với thần linh nhưng ai đã cho các giáo sĩ quyền lực này? Các ngươi muốn thảo luận với ta về thần linh chăng? Thần linh nào giúp cho Ai Cập khỏi nạn chiến tranh với người Hitites hôm trước? Các ngươi muốn ta dâng cúng phẩm vật cho Amun nhưng ai sẽ là người thụ
hưởng những phẩm vật đó? Ai đã đặt ra quyền lợi riêng cho giới giáo sĩ? Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã gây dựng một nền văn minh huy hoàng cho Ai Cập nhưng tại sao hiện nay nó lại thoái hóa đến thế này? Tại sao bao năm nay dân chúng Ai Cập phải chịu đựng chiến tranh liên tiếp, lúc nào cũng lo sợ phập phồng về hiểm họa xâm lăng của người Hitites hay người Nubia? Ai đã gây ra sự sợ hãi, bất an ấy?
Phải chăng nó xuất phát từ cái tín ngưỡng xây dựng trên căn bản trừng phạt của thần linh?
Nhân danh thần linh, người ta đã làm đủ mọi chuyện tồi tệ như phê phán nhau, lên án nhau và đổ lỗi cho nhau.
Thần linh nào đã dạy con người căm thù, chém giết lẫn nhau như thế? Phải chăng chính các giáo sĩ đã đặt ra những giáo điều kỳ quái này và tiếp tục giải thích nó theo thời thế?
Gặp hạn hán, các ngươi nói là do thần linh trừng phạt rồi đòi dâng cúng phẩm vật để các ngươi hưởng thụ. Cần vật dụng xây cất đền thờ, các ngươi cổ xúy chiến tranh để chiếm đoạt tài nguyên quốc gia khác. Cần nhân công xây cất lăng tẩm, các ngươi đặt ra giai cấp nô lệ và để có nô lệ, Ai Cập phải gây chiến với các nước chung quanh dưới danh nghĩa mở mang bờ cõi. Tóm lại, chỉ có dân chúng là chịu thiệt thòi và các thần linh mang tiếng hung ác. Nếu các ngươi biết rằng mọi sự xảy ra trong thiên nhiên đều có ý nghĩa và biết được những ý nghĩa này chính là mục đích của nền tôn giáo thời cổ mà ta muốn phục hồi.
Ta muốn mọi người đều được học hỏi một nền giáo dục hoàn toàn để họ có thể tự biết mình, vì biết mình chính là biết được tất cả. Không có một sự trừng phạt hay đe dọa nào có thể chi phối những người đã tự biết mình, đã biết tự chủ hoàn toàn. Do đó thay vì phải qua trung gian của giới giáo sĩ, ta chủ trương con người cần học hỏi trực tiếp chân lý qua sự hiểu biết chính mình. Thái Dương chính là chân lý vì chân lý là những gì đẹp đẽ và có giá trị muôn đời.
Hàng ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã chiêm ngưỡng vầng Thái Dương, hiện nay chúng ta cũng nhìn vầng Thái Dương y hệt như thế, và hàng ngàn năm nữa vầng Thái Dương vẫn sáng chói rực rỡ như lúc này.
Chân lý không bao giờ đổi thay với không gian và thời gian, chỉ có những giáo điều, vốn là sự phát minh của các giáo sĩ, thì phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Điều này cũng dễ hiểu vì giáo điều chỉ là sự tưởng tượng của giới giáo sĩ, đặt ra để giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên mà họ không hiểu được mà thôi. Trời nóng hay lạnh cũng do thần linh đặt ra, trời mưa hay nắng cũng do thần linh đặt ra, nhưng chẳng bao giờ các ngươi tự hỏi thần linh đã đặt nó ra vào mục đích gì? Nếu các ngươi không hiểu được các ẩn nghĩa, các sự kiện ẩn tàng trong thiên nhiên thì không bao giờ các ngươi có thể hiểu được thần linh hết.”
Pharaoh Akhenaten ngưng nói, đưa cao chiếc vương ấn lên:
– Ta quyết định bãi trừ các trò cúng tế dị đoan, không dâng cúng thần linh mà cho mở kho phát chẩn cho nạn nhân thiên tai, bãi bỏ thuế khóa trong ba năm liền và giảm thiểu quân số, cho quân sĩ trở về quê quán làm ăn. Đây là quyết định của ta, đúng hay sai sẽ do Osiris phán quyết sau khi ta chết. Các ngươi không cần phải nhiều lời…
Một viên quan vội vã ghi chép mệnh lệnh của Pharaoh.
Không khí trong triều trở nên căng thẳng. Gã giáo sĩ trưởng phái Amun nhìn quanh như muốn tìm đồng minh nhưng mọi người e dè, chưa ai dám phản ứng gì.
Akhenaten nhìn quanh triều đình một lượt rồi lên tiếng:
– Ta biết các ông không thích thay đổi nhưng nếu lúc này ta không sắp đặt một đường lối mới, một định chế mới, một căn bản mới thì mọi việc sẽ chẳng bao giờ đổi thay được.
Hôm trước ta đã ký hòa ước với người Hitites, lúc này ta muốn từ nay Ai Cập, cũng như các nước lân cận, mãi mãi không bao giờ gặp thảm trạng chiến tranh nên ta quyết định ban hành một số luật lệ mới để chấm dứt các tệ đoan của thời xưa.
Mọi người lại giật mình, không biết Pharaoh sẽ ban hành thêm những luật gì nữa. Thấy các quan hoang mang xôn xao bàn tán, Smenkere vội bước ra dõng dạc:
– Pharaoh là người đã được thần linh lựa chọn để cai trị Ai Cập. Bất cứ ngài quyết định thế nào cũng là ý muốn của thần linh. Chúng ta phải triệt để tuân theo mệnh lệnh của ngài, kẻ nào không đồng ý hay muốn bàn luận điều gì hãy
nói thẳng ra với ta.
Một lần nữa, viên tướng già có khuôn mặt khắc khổ đã bày tỏ lập trường trung thành với Pharaoh. Akhenaten lắc đầu, lên tiếng:
– “Smenkere, ông không cần phải làm thế vì hôm nay ta muốn mọi người hiểu rõ đường lối và chủ trương của ta. Các ông cần biết rằng trong thiên nhiên, không việc gì xảy ra do sự ngẫu nhiên tình cờ mà đều có những nguyên nhân sâu xa cả. Tình trạng xáo trộn, lo âu, thù hận, sợ hãi và ghen ghét hiện nay chỉ là những phản ảnh của tư tưởng xuất phát từ nội tâm chúng ta mà thôi. Tình trạng xã hội chỉ phản ảnh tâm tình của những cá nhân sống trong đó. Nếu các cá nhân thay đổi đường lối suy nghĩ thì xã hội sẽ thay đổi theo.
Từ lâu nay ta vẫn muốn sắp đặt một thể chế mới dựa trên những điều ta đã suy nghiệm, tuy nhiên ta còn dè dặt trong việc cải tổ này vì ta biết không ai hiểu ta. Sự kiện người Hitites và Nubia liên kết để chuẩn bị chiến tranh với Ai Cập vừa qua khiến ta thấy rằng nếu không thay đổi ngay trong lúc này thì thật khó có thể đòi hỏi người các xứ kia phải thay đổi. Nếu ta còn duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh thì họ cũng phải duy trì một lực lượng quân sự không kém. Nếu ta lo sợ họ tấn công thì họ cũng lo sợ chúng ta tấn công.
Tóm lại,tất cả đều sống trong lo sợ phập phồng và mọi nỗ lực, tiềm năng quốc gia đều dồn vào việc chuẩn bị cho chiến tranh. Do đó ta quyết định sẽ thay đổi hoàn toàn cơ cấu tổ chức quốc gia để mang lại một nền thái bình thịnh vượng cho tất cả…”
Akhenaten thong thả nhìn mọi người rồi nói tiếp:
– “Tuy nhiên nếu đa số các ông đều hài lòng với hoàn cảnh hiện tại thì chẳng bao giờ sự thay đổi có thể xảy ra được. Nếu các ông chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng, chấp nhận nạn bất công, sự sợ hãi, thù hận, bạo động, cũng như hiểm họa ngoại xâm và cho rằng giải pháp duy nhất là luật của kẻ mạnh, thì sự tranh đấu sẽ tiếp diễn mãi mãi, không bao giờ chấm dứt. Nếu xã hội chỉ là một sự đấu tranh giữa kẻ thắng người thua thì chúng ta vẫn tiếp tục đi theo vết xe cũ của một vòng luẩn quẩn từ bao năm nay, không bao giờ thoát ra được. Nếu chúng ta tiếp tục bóc lột những kẻ yếu đuối, lợi dụng những kẻ khờ dại và cho rằng đời là phải thế thì chúng ta không bao giờ có thể tiến bộ được. Hiển nhiên các ông cho rằng điều này khó thực hiện vì các ông đã được giáo dục rằng đời sống là một sự tranh đấu để sống còn, mạnh được yếu thua và nhiều người đã thành công trong quan niệm này. Nếu các ông chấp nhận khuôn mẫu xã hội đó thì các ông không thể nhìn thấy rằng có một căn bản khác xây dựng trên sự tự biết mình và lòng thương xót nhân loại. Ngày nào các ông còn thành công trong sự bóc lột thì các ông không thể kinh nghiệm được sự đau khổ của kẻ bị bóc lột, nỗi hận thù của kẻ bị đối xử bất công, và những thảm cảnh mà chiến tranh mang lại. Nếu hôm trước ta không khéo léo tránh cho Ai Cập khỏi nạn chiến tranh với người Hitites thì liệu giờ này các ông còn ngồi đây hưởng thụ những tiện nghi sung sướng đó không? Nếu quân Hitites tràn vào Ai Cập thì tình trạng của các ông lúc này sẽ ra sao?”
Akhenaten ngưng nói một lúc như để mọi người suy nghĩ rồi mới tiếp tục:
– “Này các ông, chiến tranh với những đau thương thống khổ của nó chỉ là một kinh nghiệm để giúp chúng ta thay đổi đường lối suy nghĩ hiện nay; nhưng trải qua bao năm chinh chiến, chúng ta đã học được gì? Nếu thắng, chúng ta hả hê, sung sướng và thẳng tay đàn áp kẻ thua. Nếu thua, chúng ta chỉ biết căm thù, tức tối và chờ dịp phục hận. Phải chăng chiến tranh đã cho chúng ta thấy rõ những cực đoan của tâm hồn con người. Nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua cơ hội học hỏi để thực sự biết mình là ai và mục đích cao quí của
cuộc đời là gì thì có lẽ hàng ngàn năm nữa nhân loại vẫn chỉ quanh quẩn với đường lối suy nghĩ vẩn vơ này thôi.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi và ta mong các ông sẽ sát cánh cùng ta đặt một con đường mới. Theo ý ta thì Ai Cập phải trở nên một quốc gia hùng mạnh, không phải vì những đạo binh bách chiến bách thắng, không phải bằng những biên cương rộng lớn, không phải bằng những tài nguyên chiếm đoạt hay số nô lệ mang về nhưng là một quốc gia mà trong đó tất cả mọi cá nhân đều biết mình và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Ai Cập phải là một trung tâm văn minh thu hút mọi người khắp nơi tìm đến học hỏi. Ai Cập phải là một nơi mà người nghèo có chỗ trú ẩn, kẻ đói được ăn, kẻ bệnh được chữa trị. Một nơi mà mọi người đều biết chia sẻ cơm áo trong tình tương thân tương ái. Người Ai Cập sẽ không giàu có vất chất nhưng rất dồi dào về tinh thần vì tinh thần là điều mà không ai có thể cướp đoạt được. Muốn được như thế, mọi người dân Ai Cập cần bắt đầu với chính bản thân mình, phải trở thành ngọn đuốc sáng soi đường cho chính mình. Họ không thể thực hành một cách máy móc những qui tắc hay nghi thức sẵn có mà phải nỗ lực tìm kiếm không ngừng trong nội tâm. Nếu không có sự nhiệt thành này thì không thể có sự thay đổi được.
Muốn như thế, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn đường lối giáo dục vì hiện nay giáo dục chỉ chú trọng đến việc truyền trao kiến thức chuyên môn và giới hạn cho một số ít người. Điều ta muốn là một nền giáo dục về minh triết, một thứ kiến thức siêu việt qua công phu suy gẫm, để áp dụng vào đời sống. Đây không phải là một điều mới lạ vì ngàn năm xưa, tổ tiên chúng ta đã chú trọng đến nền giáo dục này nhưng theo thời gian, nó đã biến thái, trở thành những lý thuyết trừu tượng, những kiến thức khô khan, không thể áp dụng được.
Từ trước đến nay, việc giáo dục được trao cho các giáo sĩ đảm nhiệm nhưng theo thời gian, các giáo sĩ thiếu công phu hành trì đã lầm lẫn minh triết với kiến thức. Thay vì khuyến khích con người tìm tòi hiểu biết chính mình thì họ đã đưa ra những đường lối vạch sẵn dựa trên những giáo điều khô khan, những kiến thức chết. Thay vì khuyến khích việc phát triển những khả năng sẵn có thì học sinh được nhồi nhét những lý thuyết vô giá tri làm thui chột khả năng tiềm tàng của họ. Thay vì được giáo dục về đời sống thực sự thì học sinh phải lặp đi lặp lại những mẩu chuyện rời rạc nói về tinh thần bộ lạc, quốc gia hay những người đã lập công trên xương máu đồng loại. Một nền giáo dục như thế chỉ tạo tinh thần chia rẽ, hận thù và cổ súy cho chiến tranh hay đào tạo
ra những bạo chúa khát máu mà thôi.”
Vị giáo sĩ trưởng phái Amun vội lên tiếng:
– Phải chăng ngài muốn phủ nhận công lao của tiền nhân cũng như lịch sử?
Akhenaten cười nhạt:
– “Ta không ngờ giáo sĩ như ngươi cũng dám bàn chuyện lịch sử với ta. Này các ông, lịch sử là những sự kiện được ghi chép lại một cách trung thực, rõ ràng và chính xác về những biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên trên thực tế, nó chỉ là
những gì được viết lại bởi những kẻ muốn cho hậu thế nhìn họ qua một hình ảnh hay quan niệm nào đó. Phần lớn đều không đúng với sự thật và nếu có ai nghi ngờ hay bàn tán điều gì không phù hợp với quan niệm của họ thì sẽ bị trừng phạt tức thì. Tuy nhiên sự thật là điều không thể thay đổi hay bóp méo được vì nó được ghi nhận trung thực trong lòng người. Một vị minh quân không cần phải cho ghi chép công trạng của mình vì điều đó hiển nhiên rõ ràng và ai cũng biết. Chỉ có những bạo chúa, những kẻ cai trị bằng bạo lực mới lo tô điểm cho mình bằng những chiến công hiển hách để biện minh cho hành động của họ mà thôi.
Này các ông, phần lớn lịch sử được ghi chép lại bởi một thiểu số cầm quyền, không muốn hậu thế thực sự biết được họ đã làm gì, mà chỉ đưa ra những lý do chính đáng để bào chữa cho hành động của họ. Thứ lịch sử như thế không phải là sự thật. Thứ lịch sử được ghi chép trên những mồ mả, lăng tẩm lại càng không phải là sự thật. Tuy nhiên sự thật vẫn tiếp tục được lưu truyền trong dân gian qua những bài hát, bài thơ, trong những giai thoại truyền khẩu. Ta không bao giờ phủ nhận công lao khó nhọc của tiền nhân đã xây dựng Ai Cập, nhưng ta cũng không chấp nhận những lỗi lầm của tiền nhân đã gây ra cho người dân xứ này. Một người lãnh đạo phải có can đảm chấp nhận hành động của mình vì đúng hay sai sẽ do lịch sử phán quyết.
Nếu lịch sử được ghi nhận một cách trung thực thì xã hội ngày nay đã khác. Tiếc rằng lịch sử chỉ ghi chép lại chẳng mấy khi chính xác vì đa số người lãnh đạo đều có ý lừa dối thế hệ sau bằng những giai thoại mập mờ, thêu dệt những
điều này nọ để bào chữa cho hành động của họ nên thảm kịch lịch sử cứ tái diễn không ngừng. Vì các bạo chúa cho viết lại lịch sử nên thứ lịch sử đầy sai lạc đó sẽ tiếp tục khuyến khích và sản xuất thêm ra những bạo chúa khác.
Một xã hội được xây dựng trên sự áp chế, đe dọa, thù hận sẽ phá hoại tâm tính con người, hoặc sinh ra những kẻ thụ động, thờ ơ hoặc những kẻ hung ác, không có nhân tính.
Cái thứ căn bản giáo dục sai lạc này sẽ sản sinh ra những người dân ngu dốt và tập thể ngu dốt sẽ có những kẻ lãnh đạo không hiểu biết, đưa quốc gia đến chỗ bại nhược, suy vong.”
Akhenaten ngưng nói, đưa mắt nhìn quanh rồi kết luận:
– Do đó ta chủ trương phải thay đổi tất cả, không đi theo những vết xe cũ, không để cho lịch sử tái diễn những trò xưa. Ta muốn ban hành những đạo luật để sắp đặt lại cơ cấu tổ chức, phục hồi nền giáo dục về minh triết và đặt lại căn bản xã hội Ai Cập kể từ nay. Ta mong các ông hãy suy nghĩ kỹ về những điều ta vừa nói và phụ giúp ta trong việc cải tổ lớn lao này.
Thấy Pharaoh sắp chuẩn bị cho bãi triều, Horemheb vội bước ra:
– Kính thưa Pharaoh, trong biến cố vừa qua, y sĩ Sinuhe đã đóng góp công lao rất lớn. Xin Pharaoh cho xét lại tội trạng của y… Akhenaten chăm chú nhìn tôi rồi thản nhiên:
– Sinuhe quả có công lớn trong biến cố vừa qua nhưng tội trạng ngày trước của y cũng không thể bỏ qua một cách dễ dàng được. Ta quyết định bãi bỏ án tử hình cho y nhưng ta truyền lệnh y phải đến những trung tâm giáo dục của Ai Cập và dành trọn đời để nghiên cứu, học hỏi.
Cả hai chúng tôi đều giật mình, không ngờ Akhenaten lại quyết định như thế. Horemheb muốn lên tiếng nhưng Pharaoh đã giơ cao chiếc vương ấn lên:
– Đây là lệnh của ta, truyền cho Sinuhe phải đến những đạo viện để học hỏi, trau giồi thêm kiến thức. Smenkere đâu, ngày xưa ông đã tiến cử Sinuhe thì kể từ nay ông phải chịu trách nhiệm về sự học hỏi của hắn…
Smenkere ngập ngừng bước ra nói lớn:
– Kính thưa Pharaoh, kẻ này xin chịu trách nhiệm về Sinuhe. Kể từ nay hắn sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của kẻ này.
Tôi ngơ ngác chưa biết phải phản ứng ra sao thì Smenkere đã phất tay ra hiệu cho hai người lính đưa tôi ra bên ngoài. Chiều hôm đó, người sĩ quan có khuôn mặt khắc khổ đến gặp tôi:
– “Này Sinuhe, ta đã dặn ngươi rất kỹ nhưng không hiểu sao ngươi chẳng chịu nghe, cứ dính dáng vào những việc thị phi. Định mệnh của ngươi thật lạ lùng, giữa ta và cha mẹ ngươi đã có liên hệ từ trước nên ta vẫn coi ngươi như con, hướng dẫn cho ngươi hết lòng. Horemheb là bạn thâm giao nên hết sức che chở cho ngươi. Pharaoh Akhenaten cũng rất quí ngươi nhưng chẳng hiểu sao lần này ngài lại trừng phạt ngươi như thế!
Ta và Horemheb vừa vào cung xin giảm án nhưng Akhenaten đã truyền lệnh phải đưa ngươi đến Nekhen để học hỏi với các nhà chiêm tinh ngay. Ta không hiểu Akhenaten muốn gì! Ngài là một người lạ lùng hơn tất cả những người ta đã gặp. Hiển nhiên ngài có chủ đích riêng mà một kẻ nhiều kinh nghiệm như ta đây cũng không thể đoán biết được. Thôi, ngươi hãy lên đường và làm đúng
những điều Akhenaten căn dặn. Ta hy vọng một ngày nào đó ngài sẽ đổi ý.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet