Sách Tâm Linh

Đường Mây trên Đất Hoa

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa

Chương X:

Năm Dân Quốc thứ mười (1921 – 1922), Cố Phẩm Trân lên làm Đô đốc tỉnh Vân Nam. Tháng Hai, trời đổ mưa to không ngớt, trong thành nước dâng cao cả thước, phải dùng thuyền mà đi. Mỗi ngày, trên lầu các cửa thành, quân lính dùng súng thần công để bắn tan đi những đám mây lớn, nhưng không hiệu quả. Đến cuối tháng Bảy, trời lại hạn hán cả vài tháng, nước sông cạn dần đến tận đáy. Nạn hạn hán như vầy chưa từng xảy ra ở tỉnh Vân Nam. Trong mùa thu, bệnh bạch hầu lan tràn khắp tỉnh, chết cả ngàn người. Khi ấy, ta đang trú ngụ tại chùa Hoa Đình (sau đổi tên là Vân Lâu), gặp năm xấu này, mọi công việc Phật sự đều tạm đình chỉ. Sáng nọ, chúng ta cùng đi vào thành, đến trưa mới về. Trên đường, lúc tạm dừng chân nghỉ ngơi bên dưới một tàng cây, chúng ta phát hiện một gói đồ lớn. Mở ra xem thì thấy các đồ vật nữ trang quý báu như vòng xuyến, vàng ngọc, trâm vàng, chuỗi vàng, đồng hồ, tám ngàn đồng tiền tỉnh Vân Nam, hơn chục ngàn tiền Pháp. Xem xong, chúng ta gói lại, ngồi chờ chủ nhân đến nhận. Trời đã chập tối, đường về chùa lại quá xa, nên chúng ta mang gói đồ này trở về, định hôm sau sẽ trở lại và đăng báo tìm chủ nhân. Lúc băng qua sông, sắp đến chân núi, chúng ta chợt thấy một cô gái vừa nhảy xuống sông, rồi từ từ chìm xuống. Ta liền nhảy xuống cứu cô ta lên bờ, biết được rằng cô ta muốn tự tử. Chúng ta dẫn cô ta về chùa, cho y phục cùng thức ăn, nhưng cô không chịu ăn, chỉ lấy y phục thôi. Chúng ta ân cần an ủi khuyên nhủ; hồi lâu, cô ta nói rằng cô vốn họ Chu, người Trường Sa, sinh trưởng ở Vân Nam. Cha cô bán thuốc tại đường Phúc Xuân trong thành. Năm trước, có viên tướng ở địa phương họ Tôn đến nhà xin cầu hôn, hắn nói là chưa có vợ nên cha mẹ cô đều tin tưởng, chấp thuận. Hôn lễ xong, về nhà chồng thì cô mới biết được là ông ta đã có vợ. Biết mình bị lừa thì đã quá trễ. Vợ ông tánh khí hung dữ, thường đánh đập cô rất tàn nhẫn. Cha chồng cố hòa giải nhưng không được. Cha mẹ cô muốn mang cô về nhà nhưng sợ thế lực của tướng họ Tôn nên không làm gì được. Cho đến hôm nay, cầu sống không được, cầu chết cũng không xong, cô bỏ nhà trốn đi, đem theo một ít tư trang tài vật, muốn đến núi Kê Túc cầu xuất gia với ta. Vì không biết đường đến núi, nên cô ta đi lạc cả hai ngày, đánh rơi mất gói đồ mang theo, nên cô thất vọng chọn con đường chết. Ta bảo cô ta mô tả lại những vật dụng đã bị mất. Cô ta kể rõ những vật dụng bị mất, thật đúng như những vật mà chúng ta đã nhặt được bên tàng cây lớn. Ta bèn trả lại gói đồ và bảo các thầy trong chùa thuyết đại ý quy y Tam Bảo cho cô nghe.
Hôm sau, ta báo tin cho gia đình cô biết. Hai nhà họ Tôn và họ Chu cùng với gia quyến, cả thảy hơn ba mươi người, đồng đến chùa hòa giải. Khi ấy, ta thuyết pháp cho họ nghe, vợ chồng họ Tôn quỳ trước chánh điện, lập thệ sám hối những tội lỗi trước, rồi ôm nhau mà khóc. Người đến thăm chùa rất cảm động. Cả hai họ đều ở lại chùa ba ngày. Trai gái, già trẻ, đều phát tâm quy y Tam Bảo, thọ giới, rồi trở về nhà.
Năm Dân Quốc thứ mười một (1922 – 1923), ta cho sửa sang lại chùa Hoa Đình. Phía tây hồ Côn Minh có núi Bích Kê, là nơi vị thái tử thứ hai của vua A Dục ở Ấn Độ có ghé qua. Ông thấy một đàn chim phượng hoàng bay ngang qua, nên quyết định ở lại tu hành cần mẫn, rồi đạt đạo, lấy hiệu là Thần Bích Kê, nay cũng chính là tên núi. Các đỉnh núi giống như mái che, sau này được gọi là chùa Hoa Đình. Đời nhà Nguyên có Thiền sư Huyền Phong đắc pháp dưới tòa của quốc sư Trung Phong tại Tây Thiên Mục, đến đây khai sáng núi, lấy hiệu là Viên Giác.
Người sau lại đổi tên núi là Hoa Đình. Năm trước, khi ngôi chùa cổ này sắp được bán cho người ngoại quốc, ta liền nói họ Đường chuộc lại. Sau đó, ông thỉnh ta làm trụ trì, thúc đẩy việc sửa chữa. Khi xây móng, đào được dưới lòng đất chùa một viên đá cẩm thạch, có khắc chữ “Vân Lâu”, niên đại Nhân Diệt, nên ta đổi tên chùa là Vân Lâu. Viên đá này được đặt trên tháp Hải Hội của chúng xuất gia. Ta xây hạ viện chùa Vân Lâu rồi kiến lập điện đường phòng ốc, sửa chữa chùa Thái Hoa, chùa Tùng ở gần đó. Dưới chân núi, ta xây chùa Chiên Đề, đổi tên thôn thành thôn Chiên Đề. Sau núi, có một khu rừng rậm, nơi chúng ta thường đến đốn củi để mang về chùa. Một hôm, chúng tăng nhặt được một gói lớn, trong có vàng bạc, cùng hơn hai trăm ngàn đồng. Ta định đem giao cho chính phủ để dùng vào việc cứu tế dân nghèo, nhưng tăng chúng và Phật tử ngăn cản, bảo là hiện tại chùa đang thiếu thốn, nên giữ lại cho chùa. Ta bèn răn: “Theo luật nhà Phật thì người xuất gia không được giữ đồ vật rơi rớt. Nay nhặt được mà muốn giữ, tức là phạm giới. Đồ này là vật phi nghĩa, không thể giữ lại cho chùa được. Biết chùa thiếu thốn, chư vị có
thể đem tiền của mình mà cúng dường Tam Bảo, để trồng vào ruộng phước. Người xuất gia có thể đi hóa duyên nếu cần, nhưng ta nhất định không dám lấy vật nhặt được mà đem vào làm của cho chùa”. Đại chúng nghe thế, liền đồng ý đem gói đồ này giao cho chính phủ để cứu giúp dân nghèo.
Trong suốt hai năm liền, tỉnh Vân Nam liên tiếp bị nạn hạn hán, thiên tai, dân chúng đói rách, khổ sở. Lại thêm bệnh bạch hầu lan tràn, khiến vô số người chết. Từ tướng sĩ đến dân chúng, không ai không nghĩ đến ân đức họ Đường khi trước, nên họ cùng nhau bàn luận, thỉnh mời Đường Kế Nghiêu trở về Vân Nam nhậm chức đô đốc. Tướng Cố Phẩm Trân đành phải từ chức, mời Đường Kế Nghiêu trở về. Sau khi nhậm chức, họ Đường đi thẳng đến chùa, thỉnh ta lập đàn tràng cầu mưa. Ta thiết lập đàn tràng cầu nguyện. Trong ba ngày, trời đổ mưa to, (lúc ấy là tháng Năm, không phải mùa mưa), nhưng bệnh bạch hầu vẫn lan tràn.
Đường Kế Nghiêu nói: “Bạch thầy, con nghe nói rằng nếu trời đổ tuyết thì bệnh bạch hầu này sẽ hết, nhưng nay mùa xuân sắp hết, làm thế nào để có tuyết rơi?”. Ta nói: “Ta sẽ thiết lập đàn tràng nữa. Ngài hãy thành tâm cầu nguyện!”. Đường Kế Nghiêu liền ăn chay giữ giới. Ta tụng kinh lễ sám. Qua hôm sau, tuyết rơi dày cả thước. Bệnh bạch hầu đột nhiên chấm dứt. Ai ai cũng đều tán thán Phật pháp thật không thể nghĩ bàn.
Năm Dân Quốc thứ mười hai (1923 – 1924). Trong lúc sửa chữa tháp Hải Hội cho bảy chúng xuất gia, thợ vừa đào móng sâu xuống vài tấc thì phát hiện một cái hòm, trên có ghi: “Phu nhân họ Lý, người Phiên Dương, đời Gia Tĩnh thứ tư (1525 – 1526)”. Mở nắp hòm ra, ta thấy gương mặt bà hồng hào như còn sống. Lúc hỏa táng, ngọn lửa biến thành hình hoa sen. Sau đó, tro của bà được đặt vào tháp Ưu Bà Di. Tất cả ngôi mộ bên phải của chùa đều được hỏa táng. Tro được đặt hết vào trong tháp Hải Hội. Giữa những ngôi mộ có một bia tháp của Tỳ kheo Đạo Minh, niên hiệu Đạo Quang đời Thanh (1821 – 1850). Tỳ kheo Đạo Minh lúc nhỏ hai chân bị tàn tật, cha mẹ gửi vào chùa tu. Sau khi thọ giới cụ túc, thầy phát tâm lạy Đại bi Sám pháp, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm ngày đêm không mệt mỏi. Đêm nọ, thầy mơ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra bảo hãy đi tắm. Tắm xong thầy cảm thấy hai chân rất khỏe khoắn. Hôm sau, khi bước xuống giường, hai chân đi được như bình thường. Từ đó, trí huệ thầy ngày một tăng trưởng, nên cả đời luôn trì thánh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Trên nắp hòm, kiến cắn nhặm thành một tháp nhỏ hình tám cạnh, có bảy tầng, chứng minh cho sự tu trì cẩn mật của thầy.
Năm Dân Quốc thứ mười ba (1924 – 1925), ta được tám mươi lăm tuổi. Ta cho sửa sang lại tất cả tháp chư Tổ toàn núi cùng tháp  bảy vị Phật, tổng cộng là mười sáu ngôi bảo tháp. Lại cho sơn phết các tôn tượng Phật, Bồ Tát, năm trăm vị A La Hán trong tất cả chùa chiền. Nơi đại hùng bảo điện chùa Thắng Nhân, ta cho đúc ba tượng Phật bằng đồng, và sửa lại chánh điện Tây Phương, cùng vẽ ba ngôi thánh tượng.
Mùa xuân năm đó, sau kỳ truyền giới, Thiền sư Cụ Hành tự thiêu mà vãng sinh. Ta có ghi lại sự việc như sau:
“Ký thuật về hạnh nghiệp của Thiền sư Cụ Hành:

Thầy tên Nhật Biện, tự Cụ Hành, người tỉnh Hội Lý. Lúc nhỏ, cha mẹ mất sớm được gia đình họ Tăng thương tình đem về nuôi nấng, khi lớn lại gả con gái cho. Tuy gia đình nghèo cùng, túng thiếu nhưng cả tám người trong gia đình thường phát tâm đến chùa làm công quả. Năm Tuyên Thống nguyên niên, lúc ta vận chuyển Đại tạng kinh về núi, cả gia đình đến xin thọ giới quy y, ta ưng thuận. Vài tháng sau, thầy hướng dẫn toàn gia đình đến chùa cầu xin xuất gia. Mặt thầy xấu, lại không biết chữ, nhưng ban ngày thầy khổ hạnh trồng trọt rau quả, đến tối thầy lễ lạy sám hối, luôn luôn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Thầy tập tu thiền, tự học tụng kinh, không nhờ người chỉ dạy, chỉ tự lực tinh tấn cho đến năm Dân Quốc thứ tư, thầy xin ta ra ngoài tham học. Đến năm Dân Quốc thứ chín, lúc ta trụ trì chùa Vân Lâu ở Côn Minh, thầy trở lại nhận chức trồng rau sau chùa. Thầy thường lên chánh điện tụng kinh, may vá y áo cùng đệm giường gối cho tăng chúng, không chối từ gian lao khổ nhọc. Ngày ngày trồng rau, nếu có dư thừa thì thầy đem cho người khác để gieo duyên, không giữ thực phẩm riêng cho mình. Thầy rất ít nói chuyện vãn mà chỉ âm thầm tu hành. Ta nhận thấy mật hạnh của thầy thật khó ai bì kịp. Đến kỳ truyền giới trong năm, thầy cầu xin thọ giới tỳ kheo, rồi trở lại hạ viện tu hành. Đến ngày hai mươi chín tháng Ba, dùng cơm trưa xong, thầy qua chùa Thắng Nhân, ra sân sau chánh điện, tự lấy rơm rạ lót xung quanh, đắp y cà sa, ngồi xếp bằng trên đó, tay trái cầm khánh dẫn lễ, tay phải cầm dùi gõ mõ, mặt hướng về phía tây niệm Phật, rồi tự đốt rơm. Người trong chùa thấy lửa cháy rần rần nên đến gần thì thấy thầy đang ngồi bất động trong đống lửa, mà y cà sa vẫn y như cũ, chỉ có mõ là bị cháy. Họ chạy đến báo tin cho ta hay nhưng vì đang bận chuẩn bị cho kỳ truyền giới Bồ Tát vào mồng tám tháng tới, nên ta không thể xuống núi được. Ta liền mời Vương Trúc Thôn, trưởng ban tài chính và Trương Chuyết Tiên, trưởng cục thủy lợi, thay mặt ta làm lễ an táng cho thầy. Họ Vương và họ Trương thấy việc kỳ lạ này, liền thuật lại với Đề đốc họ Đường. Họ Đường dẫn toàn gia quyến đến xem thì thấy thân thầy ngồi nghiễm nhiên bất động, tay vẫn còn cầm khánh. Khi vừa lấy chiếc khánh ra khỏi tay thầy thì toàn thân thầy bỗng tan rụi thành tro bụi. Tất cả đại chúng đều sinh thâm thâm tín6. Họ Đường đề nghị rằng lễ an táng thầy Cụ Hành phải do chính phủ đảm trách trong ba ngày. Người đến chiêm lễ lên đến cả hàng chục ngàn người. Đường Kế Nghiêu đem chiếc khánh đó cùng một bản văn sơ lược tiểu sử thầy Cụ Hành, giao cho thư viện tỉnh bảo quản.”
6. Thâm thâm tín: tín tâm, niềm tin sâu sắc.
Năm Dân Quốc thứ mười bốn (1925 – 1926), sau kỳ truyền giới, ta ở lại chùa giảng kinh, rồi cho khai mở một tuần thiền thất. Năm đó, chính phủ trung ương cải đổi, bỏ đi chức đề đốc tỉnh trưởng nên Đường Kế Nghiêu từ chức, trở về ở ẩn, thường lui tới núi đàm đạo với ta. Qua năm sau, tình hình chính trị thay đổi, nhiều biến cố xảy ra. Tiên sinh Tôn Trung Sơn qua đời tại Bắc Kinh, các tướng lĩnh tranh chấp quyền bính, chia làm hai nhóm Bắc Nam, mang quân thanh toán nhau khiến cho không ai sống được an ổn. Vì các thế lực cứ tranh chấp nhau nên dân không dám ra đồng gặt hái trong mùa lúa chín vì sợ binh lính bắn lầm.
Ta bèn đến doanh trại, bàn thảo với các tướng chỉ huy nên họ ra lệnh cho quân lính không được cản trở khi có tăng chúng cùng nông dân ra đồng gặt lúa. Sau đó, chiến cuộc lan rộng, tình hình trở nên bất an, vài ngàn nông dân sợ hãi kéo đến chùa ở. Lúc đầu, mọi người cùng ăn cơm, nhưng sau phải ăn cháo, rồi cuối cùng hết gạo, chỉ uống nước thôi. Dân chúng thấy tăng chúng đồng cam cộng khổ như thế rất cảm động. Khi tình hình quân binh tạm thời an ổn thì họ trở về nhà, nhưng từ đó, dân chúng hết lòng giúp đỡ, bảo hộ chùa chiền rất thành tâm. Từ lúc ta trụ trì chùa Vân Lâu, mỗi năm đều mở kỳ truyền giới, giảng kinh, khai thiền thất. Năm nay, trong kỳ truyền giới, trước chánh điện, có những cây mai khô đột nhiên nở trăm chùm hoa, trông giống như hoa sen. Tất cả cây cỏ trong vườn trước và sau chùa tự nhiên nở hoa sen màu xanh. Trong mỗi hoa sen, có nhụy hoa giống như một tượng Phật đứng. Trương Chuyết Tiên có ghi khắc lại việc lạ lùng, hiếm có này trên đá, bằng một bài thơ.
Tháng Bảy năm đó, tướng Tưởng Giới Thạch nhận chức tổng tư lệnh đảng Cách mạng Dân Quốc, dẫn binh ra bắc chinh phạt. Ông chiếm Võ Xương, Cửu Giang, rồi dời chính phủ về Vũ Hán. Trong năm, ta vẫn truyền giới, giảng kinh, khai thiền thất, đồng thời cho xây cất thêm các điện, mái ngói, phòng ốc, cùng đúc đại hồng chung.
Năm Dân Quốc thứ mười chín (1930 – 1931), ta được chín mươi mốt tuổi. Trong kỳ truyền giới cho chư tăng, ta thỉnh Hòa thượng Văn Chất làm Yết Ma Giới sư7. Qua tháng Giêng, ta giảng kinh Phạm Võng 8.
Trong vườn Phương Trượng, có hai cây hoa Ưu Đàm lớn. Theo lời kể của các vị cổ đức thì một cây do chính tay thái tử Mân Vương trồng, còn một cây thì do tổ sư Thánh Triết trồng, vào đời Đường, đã hơn một ngàn năm. Hai cây này mọc rất chậm, mỗi năm chỉ sinh ra một hoặc hai lá thôi. Cả hai cây cao khoảng mười thước, chưa từng nở hoa. Tương truyền, một ngàn năm mới nở hoa một lần. Trong kỳ truyền giới, hai cây này đột nhiên nở hoa rộ khắp. Dân chúng xa gần đến xem, lưu luyến đạo tình. Hòa thượng Văn Chất có viết một bài kệ ngắn về việc kỳ lạ này. Ta cũng có đề một bài kệ như sau:
7. Yết Ma Giới sư: tên gọi của một trong Tam Sư, là một trong ba vị thầy trong Giáo hội Phật giáo Bắc tông. Yết Ma Giới sư là vị A Xà Lê hướng dẫn cho giới tử trong giới đàn nghi thức phát nguyện để thụ trì giới.
8. Kinh Phạm Võng nằm trong Đại Chánh Tạng, tương truyền do ngài Cưu Ma La Thập (344 –413) đời Hậu Tần dịch. Vì giáo pháp của chư Phật trùng trùng vô tận mà không chướng ngại nhau, giống như mạng lưới của Phạm Thiên vương (người cai quản cõi Phạm Thiên), do đó kinh này có tên là kinh Phạm Võng. Kinh này được xem là thuộc quyển kinh đệ nhất nói về giới luật của Đại thừa, được giới Phật giáo Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam trọng thị.

“Ưu Đàm bát la phi phàm phẩm
Tùy Phật thị hiện kim hoa,
Thế gian thải phượng xưng dương thụy,
Hiện đáo kiết tường hỷ khả gia,
Huyền sơn trượng thất lưỡng thiết thọ,
Nhân ngôn thử hủy hướng vô ba,
Định thị chủ lâm thần ủng hộ,
Cố tương nhân thọ phóng lưu hà.”
Dịch:
“Hoa Ưu Đàm Bát, vật phi phàm,
Y theo Phật thị hiện hoa vàng,
Chiếu soi điềm lành khắp thế gian,
Hiện việc tốt lành vui vẻ thay,
Hai cây phượng nơi thất núi huyền,
Người bảo cây chưa từng nở hoa,
Chắc là do thần cây ủng hộ,
Cố phóng ánh quang vì nhân thọ.”
Ta ở Cổ Sơn tu sửa tự viện, truyền giới giảng kinh, lập Phật học viện giới luật, xây am Bình Sở, am Vân Ngọa và các tự viện. Qua năm sau trong kỳ truyền giới tại Cổ Sơn, có một ông lão, tóc trắng như tuyết, dung mạo thanh cao, kỳ dị, đi thẳng vào thất, quỳ xuống cầu giới. Ta hỏi ông tên gì thì ông đáp họ Dương, người làng Đài Kiều. Lúc đó, có một vị tăng mới thọ giới tên là Diệu Tông, cũng là người làng Đài Kiều, lấy làm lạ vì làng này rất nhỏ, dân cư chỉ vài trăm người, ai cũng biết ai nhưng sao chưa từng gặp qua ông lão đó. Sau khi ta truyền giới Bồ Tát, lúc cấp giới điệp9 xong thì không thấy tông tích ông lão đâu cả. Lúc Diệu Tông trở về Đài Kiều, đi qua am thờ Long Vương trong làng thì thấy bức tượng Long Vương ngồi nghiễm nhiên, trông rất giống ông lão, bèn đến gần xem thì thấy trong tay của tượng thần có cầm tờ giới điệp. Dân chúng nghe kể truyền nhau rằng Long Vương cũng đến cầu thọ giới.
Cũng trong kỳ truyền giới đó, có học giả Trương Ngọc Đào, sáu mươi sáu tuổi, đến núi cầu giới nên ta mời ông làm quản lý trông coi kinh tạng ở Cổ Sơn. Sau kỳ truyền giới, ta thỉnh pháp sư Từ Chu lên pháp đường giảng giới Căn Bản của Bốn Phần Luật, cùng thỉnh hai vị pháp sư Tâm Đạo, Ấn Thuận làm giáo thọ.
9. Giới điệp: là giấy chứng minh do nhà nước cấp cho những người xuất gia làm tăng tại Trung Hoa và Nhật Bản thời xưa.
Năm Dân Quốc thứ hai mươi hai (1933 – 1934), quân Nhật chiếm ải Sơn Hải, làm nhân tâm lo sợ, kinh hãi. Sư đoàn thứ mười chín tại Phúc Kiến được đặt trong tình trạng báo động. Các chùa chiền tự viện toàn tỉnh vội đình chỉ việc cho khách tăng tạm trú tại chùa, chỉ có Cổ Sơn là nơi vẫn còn tiếp đãi khách tăng. Tháng Sáu, chùa xây xong công viên phóng sinh, dân chúng mang súc vật lại đó phóng sinh rất nhiều. Cư sĩ Trịnh Cầm Tiều mang tới phóng sinh một đàn ngỗng, trong đó có một con rất kỳ lạ. Nó nặng hơn mười sáu ký, khi nghe tiếng mõ khánh đánh, nó trương hai đôi cánh và ngưỡng cổ ra. Khi vào chánh điện, nó giương mắt nhìn tượng Phật suốt cả ngày. Một tháng sau, nó vào chánh điện đứng trước tượng Phật mà chết, nhưng không ngã xuống đất. Trịnh cư sĩ rất kinh ngạc, liền thỉnh chư tăng đem nó đi thiêu. Tháng Bảy, khi thiêu thì xác nó không bốc ra mùi gì hết. Một ngôi mộ được đào để chứa tro cốt của các con vật.

 Video: Trich đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *