Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ
✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ
15. Giảng kinh theo Thiền Tông
Nói đến giảng kinh, chúng tôi xin nêu lên một câu chuyện liên quan đến giảng kinh, giảng thiền, cho quý vị nghe.
Có vị giảng sư giảng kinh rất nổi tiếng khắp một lùng rộng lớn ở nước Trung Hoa, đến hỏi Thiền sư Huệ Hải:
– Xin cho tôi hỏi một câu được không Thiền sư?
Thiền sư Huệ Hải nói:
– Bóng trăng dưới đầm nước, mặc tình mà ông mò bắt
Giảng sư hỏi:
– Thế nào là “Yếu chỉ của Phật pháp?”
Thiền sư Huệ Hải trả lời:
– Thưa, tôi không hiểu “Yếu chỉ Phật pháp”
Giảng sư bảo:
– Sao Thiền sư tối tăm thế, Yếu chỉ Phật pháp mà không biết, xưng Thiền sư làm gì? Nên xuống giường thiền để người khác lên đảm nhận.
Thiền sư Huệ Hải hỏi lại giảng sư:
– Tôi có thể xuống giường thiền, không khi nào dám ngồi trước mặt mọi người để nói đạo nói thiền nữa, nếu giảng sư trả lời được câu hỏi của tôi.
Giảng sư nói:
– Mời Thiền sư cứ hỏi, ở đây đông người, tôi vì ông mà chỉ cho, trong các kinh điển Đại thừa mà Đức Phật đã dạy.
Thiền sư Huệ Hải hỏi:
– Ông là giảng sư, vậy ông giảng kinh gì để dạy người?
Giảng sư trả lời:
– Giảng kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Thiền sư Huệ Hải hỏi tiếp:
– Kinh này ai nói?
Giảng sư tằng hắng lên giọng nói:
– Hèn chi, thiên hạ bảo Thiền sư không hiểu kinh Phật là đúng, kinh này Phật nói, chuyện sơ đẳng của Phật giáo mà Thiền sư không biết sao?
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Trong kinh Kim Cang Đức Phật dạy: “Ai nói ta có nói kinh Kim Cang, người đó phỉ báng ta; còn nếu nói Phật không nói kinh, người đó chê bai kinh, vậy, xin giảng sư giảng nghĩa cho tôi được rõ?
Giảng sư giật mình ấp úng một hồi lâu rồi đáp:
– Chỗ này, thật tình tôi mê hẳn.
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Ông chưa bao giờ tỉnh nói chi là mê, uổng cho trong hàng giảng sư, có một vị giảng sư giảng kinh suốt mấy chục năm mà một câu kinh đơn giản không giải thích được, rất tiếc cơm tiền của đàn na thí chủ cúng dường cho ông xài, chứ không phải trả tiền công cho ông giảng kinh, giảng đạo, thật là uổng cho sự cúng dường từ bấy lâu nay của những vị tin tưởng ông!
Hai vị đối đáp rất nhiều, nhưng câu nào giảng sư cũng đều không đáp được, giảng sư biết mình còn tối tăm với đạo, đành lễ tạ cáo lui, không dám khinh thường và vô lễ với Thiền sư Huệ Hải.
Giảng sư biết mình có lỗi nên một lòng chân thật hỏi Thiền sư Huệ Hải:
– Con thật lòng xin sám hối lễ lạy Hòa thượng, xin Hòa thượng chỉ dạy thật tình cho con câu mà Hòa thượng đã nói ban đầu với con là, “Bóng trăng dưới đầm nước sâu trước mặt, mặc tình mà ông mò bắt, là ý nghĩa làm sao?”
Thiền sư Huệ Hải bảo:
– Lời nói của các Thiền sư, ví như bóng trăng dưới đầm nước, tùy ý người hỏi mà tìm tòi để hiểu, nay ông đã biết lỗi, ông hãy lui ra, khi nào thuận duyên ta sẽ vì ông mà giảng thiền độ ông.
Thiền sư Huệ Hải nói tiếp:
– Người tu hành không biết Tánh mình, tu hành chẳng nghĩa lý gì, còn giảng kinh mà không mở mắt đạo, giống như người mù tả cảnh núi non, sông hồ có trúng vào đâu? Ta gợi ý cho ông hai câu dưới đây mặc tình cho ông “mò bắt”:
– Bậc Thánh thấy mình có hội đạo, vị đó là phàm phu.
– Phàm phu thấy mình có hội đạo, người đó đã vào được bậc Thánh rồi đó.
Ông giải được hai câu này, ông đã bước vào được sân Thiền Tông rồi vậy.
Giảng sư lòng thành lễ tạ rồi lui ra.
Giảng sư tự nhủ: Trước mặt bao nhiêu người, ban đầu mình xem thường Thiền sư, kết cuộc một câu kinh, một lời kệ mình không giải thích được thật là nhục nhã! Từ trước đên giờ, mình giảng kinh kiểu gì thật là hổ thẹn!
Một giảng sư nữa:
Cũng một pháp sư giảng kinh, đó là giảng sư Đức Sơn. Vị này chuyên giảng kinh Kim Cang, là bộ kinh quý nhất và nổi tiếng nhất của Phật giáo.
Ông nghe ở núi Long Đàm có Thiền sư Sùng Tín, giảng kinh nói: “Ai biết được Tánh Người, ai hiểu được Tánh Phật, thì người đó mới tu đúng chánh pháp được. Biết được như vậy, thì tu mới thành Phật được. Không cần dụng công ngồi thiền, tìm kiếm bất cứ thứ gì, nếu dụng công tu để được, là phải bỏ vô quan tài mà chôn đi!
Thiền sư Đức Sơn bảo:
– Ai ai cũng biết, thái tử Tất Đạt Đa, ngồi thiền dưới cội Bồ Đề mới được thành đạo.
– Đức Phật nói, ta tu hành từ vô lượng kiếp đến nay, nên nay mới thành Phật.
– Xác định phần này, trong kinh nào cũng nói: Muốn thành Phật, phải tu hành ba lần vô số kiếp thì mới thành Phật được.
Còn ông Thiền sư Sùng Tín này rêu rao:
– Ai dụng công ngồi thiền mà được đạo, là bỏ mồ chôn đi!
– Ai biết được Tánh Người là gì, Tánh Phật là gì, thì tu hành thành Phật mới dễ !
Giảng sư Đức Sơn bảo:
– Như vậy, ông Thiền sư Sùng Tín này, thuyết lời của ma, chớ không phải là của Phật!
Ông gánh gánh kinh Kim Cang đến núi Long Đàm, để đối chất với Thiền sư Sùng Tín và ruồng đuổi ông Thiền sư này ra khỏi hệ thống Phật giáo.
Ông đến chân núi Long Đàm, mặt trời đã lên khá cao, tại đầu đường lên núi có một cái quán bán các thức ăn sáng, ông liền vào quán mua vài món ăn điểm tâm, để có sức lên núi, chủ quán là một bà già, ông liền gọi:
– Bà già, bà bán cho tôi ít món điểm tâm.
Bà già nhìn ông Thầy này có vẻ là một vị tu hành có trình độ, bà liền hỏi:
– Thầy gánh gánh gì vậy?
Giảng sư Đức Sơn trả lời:
– Tôi gánh kinh Kim Cang.
Bà chủ quán hỏi tiếp:
– Thầy gánh kinh đi bán hay mới thỉnh về?
Giảng sư đáp:
– Tôi là giảng sư chuyên nghiệp, bà hỏi để làm gì?
Đà chủ quán hỏi tiếp:
– Thầy giảng kinh Kim Cang được mấy lần mà gọi là chuyên nghiệp?
Giảng sư Đức Sơn bảo:
– Tôi quên không biết là bao nhiêu lần, nhưng tôi nhớ là đã trên 20 năm.
Bà chủ quán vui miệng hỏi:
– Nếu tôi hỏi Thầy chỉ một câu trong kinh Kim Cang, nếu Thầy trả lời được, tôi cúng dường cho Thầy bữa điểm tâm này, Thầy tùy ý ăn bao nhiêu cũng được, và cúng thêm Thầy số tiền cho Thầy xài một tháng, Thầy chịu không?
Giảng sư Đức Sơn mừng quá vui vẻ nói với bà lão:
– Tôi giảng kinh vùng đô thị rất nổi tiếng, ai nghe danh tôi điều kính nể, bà cứ tự nhiên hỏi đi.
Bà chủ quán nói:
– Nghe danh không bằng thấy mặt, thấy mặt nếu không nghe được lời, danh ấy chưa thể nào đúng được, kính nể người như vậy, thật tình kính nể chưa trọn vẹn, muốn được trọn vẹn phải nghe được lời vàng ý ngọc của người đó, mới có giá trị thật được.
Giảng sư Đức Sơn nói với bà chủ quán:
– Bà đừng rào đón, bà nên vào hẳn câu hỏi của bà hỏi đi, hay là bà sợ cúng dường cho tôi bữa điểm tâm này?
Bà chủ quán đáp:
– Thầy đừng vội, đây là câu hỏi của tôi trong kinh Kim Cang mà Thầy đã giảng đi giảng lại trên 20 năm:
– Quá khứ tâm bất khả đắc.
– Hiện tại tâm bất khả đắc.
– Vị lai tâm bất khả đắc.
– Kính thưa thầy, thầy điểm tâm nào?
Vừa nghe qua ba tâm mà mình xin điểm, không tâm nào điểm được. Đây là câu trong kinh Kim Cang thường lặp đi lặp lại, làm giảng sư Đức Sơn cứng họng, đỏ mặt, toát mồ hôi!
Giảng sư thầm nhủ: “Tại sao trong hội chúng, mình giảng kinh không ai hỏi mình câu này. Nếu có ai hỏi, mình có thời gian nghiền ngẫm mà đáp cho họ. Nếu không giải đáp được, ít ra mình không tự cao tự đại, để rồi xấu hổ với bà bán quán này. Giảng sư không dám nhìn bà chủ quán như lúc ban đầu. Giảng sư ví mình như một vị tướng bị cướp cờ ngã ngựa, thật là tủi nhục!”
Bà chủ quán biết, Ngài không thể giải đáp được câu hỏi này, bà lo dọn thức ăn cho Ngài dùng, để giảng sư bớt phần khó chịu, bà nói nhẹ và an ủi:
– Thôi, kính mời giảng sư dùng điểm tâm, Thầy coi câu hỏi của tôi là câu hỏi cho vui thôi, Thầy đừng bận tâm suy nghĩ, tôi rất hối hận vì hỏi một câu hỏi làm Thầy khó trả lời.
Tuy bà chủ quán nói an ủi như vậy, nhưng giảng sư Đức Sơn nghe lòng mình hết sức xấu hổ, miệng nhai thức ăn, như nhai sỏi đá, ăn xong, Ngài trả tiền, liền từ giã bà chủ quán, tuy bà chủ quán không nhận tiền, nhưng Ngài cũng để tiền trên bàn, đi nhanh lên núi để gặp Thiền sư Sùng Tín. Quá xấu hổ, không dám nhìn bà chủ quán như lúc ban đầu.
Ngài lên gặp Thiền sư Sùng Tính. Các câu hỏi của Ngài được Thiền sư Sùng Tính trả lời rất bí hiểm, Ngài không thể nào hiểu nổi. Đến khi Thiền sư Sùng Tính hỏi ngược lại Ngài, Ngài không đáp được nửa lời. Ý chí muốn ruồng đuổi Thiền sư Sùng Tính, đến đây coi như đã tiêu tan. Ngài đành lễ lại Thiền sư Sùng Tính để xin làm đệ tử!
Ngài hầu hạ Thiền sư Sùng Tính một thời gian, Thiền sư Sùng Tính thấy Ngài có lòng nhiệt tình muốn đem sự hiểu biết của mình truyền lại cho người khác, nên Thiền sư Sùng Tín thường gợi nhiều lời bí hiểm trong Nhà thiền thưởng dùng, nên Ngài đã Giác Ngộ được “Bí mật Thiền Tông”, và được Thiền sư Sùng Tín truyền Thiền Tông lại cho Ngài.
Người mà luôn lúc nào cũng nhiệt tình với đạo thiền, chắc chắn sẽ đạt đạo thiền rất nhanh. Còn người lơ lơ là là, không hết mình với đạo thiền, chắc chắn người đó không khi nào xâm nhập vào Thiền Tông học được.
Khi chưa ngộ thiền, Ngài nhiệt tình nói kinh giảng pháp, nay đã ngộ đạo thiền rồi, Ngài còn nhiệt tình hơn lúc trước, nói dọc nói ngang, vì vậy, Ngài thâu nhận nhiều đồ đệ, sau này làm rạng danh môn Thiền Tông học một thời gian dài.
Video (Trích đoạn)
✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ 👉 Xem tiếp