Bí Kíp Thiền TôngSách Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 03: Hành đúng lời Đức Phật dạy chắc chắn được Giải thoát

✍️Mục lục: Quyển 03: Hành đúng lời Đức Phật dạy chắc chắn được Giải thoát

9 – ĐIỀU KIỆN TU THIỀN TÔNG:

Cô Phạm Thị Thùy Trang, sanh năm 1980, tại quận Một, TP. HCM, cư ngụ tại đường Nguyễn Trãi, quận Năm, TP. HCM. hỏi 1 câu:

– Xin Trưởng Ban cho chúng tôi biết các điều kiện để tu theo Thiền Tông?

Trưởng Ban trả lời:

– Các điều kiện người tu theo Thiền Tông, phải là con người có đầu óc thực tế, xem xét những hiện tượng trong vũ trụ này một cách hết sức Khoa học, không tưởng tượng, không thêu dệt, không sợ sệt, không cần đến những điều kỳ bí, không bợ đỡ bất cứ ai. Đặc biệt, không làm nô lệ cho ai, cũng đừng tán tụng người khác và cũng đừng cầu xin ai , mà phải quay trở lại mình là chính.

Các ý chí nói trên, ước định chỉ có 1 trên 1.000 người thực hiện được mà thôi! Còn bao nhiêu người không thể nào thực hiện được!

Vì sao vậy?

Vì con người chúng ta luôn luôn tìm kiếm những điều hư ảo bên ngoài, rồi tự thêu dệt thêm, tô điểm thêm, bịa ra những việc không có thật! Cốt yếu chi vì tiền, vì danh, vì lợi và vì muốn đề cao mình hoặc đề cao người khác, v.v…

Cô nên hiểu:

Đức Phật lập ra đạo có ba cái căn bản chính như sau:

Thứ nhất: Chỉ cho tất cả những ai thích tìm hiểu bản chất thật sự về con người và vạn vật. Tất cả cuộc sống trên Trái Đất này là nói hẹp; còn nói rộng là khắp trong càn khôn vũ trụ này là do nhân duyên và Nhân – Quả, bởi lực cuốn hút của Vật lý Âm – Dương, căn bản này là chung trong 1 Tam Giới, ngoài ra không có thứ gì khác.

Thứ hai: Chỉ rõ sự vận hành nơi Trái Đất này cũng như trong càn khôn vũ trụ này nó phải luân chuyển theo chu kỳ: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, không sai sót một chút nào, dù là nhỏ nhất hay lớn nhất, rất công bằng và tuyệt đối. Danh từ trong Nhà Phật gọi là Sanh – Tử – Luân hồi, đi trong sáu nẻo. Bất cứ ai, dù có cao sang, quyền uy tột đỉnh, có thần thông phép mầu đến cở nào, gọi mây, kêu gió, sai khiến thần linh, v.v… Cũng là nằm trong vòng cuốn hút của Vật lý cả!

Thứ ba: Chỉ cách vượt ra ngoài sự cuốn hút của Nhân – Quả, nhân duyên và Âm – Dương, được trở về nguồi cội của chính mình. Muốn được trở về nguồn cội của chính mình phải tu theo Pháp môn Thiền Tông, chứ trên đời này không có Pháp môn nào khác!

Vì vậy, Đức Phật được gọi là vị Giáo chủ trong cõi Ta bà Thế giới này, không ai hơn Ngài được. Bởi vậy, Đức Phật chỉ cho con người biết:

-Về vô hình:

Ai ai cũng có Phật Tánh Thanh Tịnh. Đây là thứ qúi nhất của mỗi con người, không gì qúi bằng. Nó thường hằng, Thanh Tịnh, không thể dùng ngôn từ hay mắt phàm phu mà thấy hay biết được! Muốn biết được “Nó”: Chỉ có cách là tâm Vật lý mình tập làm sao cho được tự nhiên Thanh Tịnh, tức khắc sẽ cảm nhận được ngay!

Vì chỗ thực tế và đặc biệt này, nên Ngài Xá Lợi Phất khi được “Rơi vào Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” của chính ông; ông có trình với Đức Phật chỗ kỳ diệu này.

Còn Ngài Ma Ha Ca Diếp khi cảm nhận được, không nói ra lời được, chỉ mỉm miệng cười thôi, Như Lai liền công nhận sự cảm nhận của Ngài.

Về hữu hình:

Vạn vật trên Trái Đất này nói riêng, còn khắp trong càn khôn vũ trụ nói chung, luôn luôn lúc nào cũng luân chuyển và vận hành bởi qui luật Vật lý. Nó rất trật tự, rất công bằng, qua “Công thức” Nhân – Quả và nhân duyên. Con người đã “bước vào vòng xoáy cuốn hút” của Nhân – Quả và nhân duyên rồi, không cách nào làm trái “luật tự nhiên” của Nhân – Quả và nhân duyên được! Vì vậy, chúng ta xem xét kỹ trong Thế giới này có cái gì sanh ra mà không phải do Âm – Dương sanh ra không?

Bởi vậy, Đức Phật bảo:

Vạn vật trên Trái Đất này, hay khắp trong càn khôn vũ trụ này, dù ở cõi trời nào, hay ở bất cứ cõi nào trong Lục đạo luân hồi? Dù quyền uy tột đỉnh đến đâu đi chăng nữa, giàu sang hay bần cùng hèn hạ, đối với luật nhân duyên. Nhân – Quả và lực hút Vật lý của Âm – Dương không cách nào tránh được! Vì vậy, bất cứ ai sống trong Tam Giới này, đều coi như những mớ rác trong bộ máy khổng lồ Nhân – Quả, nhân duyên, Âm – Dương, đang xay xát chúng ta mà thôi!

Ba cái căn bản trên Đức Phật dạy: duy nhất bảo chúng ta phải biết cách vượt ra sự cuốn hút Vật lý của Nhân – Quả, nhân duyên và Âm – Dương, mới trở về nguồn cội của chính chúng ta được! Nếu chúng ta không tu theo Thiền Tông, mà tu theo bất cứ thiền gì, dụng công cỡ nào, đạt thời gian bao lâu, thành tựu được những gì, cảm hóa hàng triệu người đi chăng nữa, cũng còn năm trong vòng xoáy của ba thứ trên cả!

Phần cao tột này, chỉ dành riêng cho những ai có ý chí lớn, còn người không thích tìm hiểu coi như vô phần!

Ngoài con đường Thiền Tông học, trên Trái Đất này không có con đường nào khác; dù chúng ta có làm bất cứ việc gì ở Thế gian này cũng là đi vào con đường Nhân – Quả, nhân duyên và lệ thuộc vào qui luật của Vật lý Âm – Dương cả!

Vì chúng ta hiểu sai lời Đức Phật dạy, nên:

– Có người bảo: Đức Phật là một “Đấng tối cao”!

– Có người bảo: Đức Phật hay “ban phước cho ai cầu xin đến Ngài!”

– Có người bảo: Ai muốn tu được Giác ngộ và Giải thoát, hãy cầu xin Ngài giúp cho!

– Quá sai!

Cũng vì không hiểu lời của Đức Phật dạy Giác ngộ là gì và Giải thoát là sao, nên ngày xưa cũng như hiện nay, có nhiều vị Thầy tu hồi còn nhỏ, đến khi đã hơn 100 tuổi rồi mà Giác ngộ và Giải thoát cũng không biết, nên khi lâm chung dạy đệ tử mình ghi nơi linh vị mình là “Cầu cho Giác Linh của Thầy về với cõi Phật!”

Cũng vì không hiểu Giác ngộ và Giải thoát, nên ở nước ngoài có nhiều vị bỏ ra hằng mấy chục tỷ đô Mỹ để làm phước, cầu được Giải thoát; còn trong nước ta cũng có nhiều vị bỏ ra hằng tỷ đồng để đúc chỉ 1 cây cột chùa cũng để cầu Giải thoát.

Cũng vì không biết đó, có nhiều vị muốn Giác ngộ và Giải thoát, đến tìm hỏi những vị thầy dạy dụng công hành thiền như thế này, ngồi thiền kiểu nọ, cả mấy năm trời mà không có kết quả; rồi đi nghe những vị thầy giàu óc tưởng tượng dạy:

– Lên non cao tu, để cho Phật Tánh từ trên không trung đáp vào!

– Ra đào xa tu, để Phật Tánh từ dưới biển bay lên!

– Vào rừng sâu tu, để cho Phật Tánh xuất hiện!

-Ngồi thiền dụng công ép cho tâm mình đi sâu vào Phật Tánh!

– V.v…

Vì hiểu và làm như thế, nên trong thiền sử Trung Hoa có một câu chuyện về Thiền sư Trí Hoàng như sau:

– Thiền sư Trí Hoàng, ngồi trong thiền thất tu thiền 20 năm, được coi là “vô địch”, không ai hơn được, Ngài thường giảng thiền, giảng đạo cho rất nhiều người chung quanh nghe. Những người chung quanh coi Ngài là một vị Thiền sư ngộ đạo,

phong tặng Ngài danh hiệu cao qúi là “Tôn sư Hòa thượng Thiền sư”. Vì thời đó, không ai tu thiền hơn Ngài, những lời giảng thiền, giảng đạo của Ngài thật hay, vang danh khắp một vùng rộng lớn ở nước Trung Hoa.

Cũng vì danh Ngài vang xa như vậy, nên một ngày nọ, Thiền sư Huyền Sách giả danh là một người phật tử bình thường đến hỏi về cách tu thiền của Thiền sư Trí Hoàng.

Ngài Huyền Sách hỏi:

– Thầy ở đây tu gì, dạy cho tôi được không?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Tôi ở đây, chuyên ngồi thiền và nhập định, nếu ông muốn học, tôi sẽ tận tình chỉ cho, ở đây đệ tử của tôi rất đông, người nào tu theo tôi cũng đạt trình độ ngồi thiền lâu cả, thân tâm rất sảng khoái và an lạc…

Ngài Huyền Sách hỏi tiếp:

– Hòa thượng ngồi thiền và nhập định đã trên 20 năm rồi, Hòa thượng có “thấy” được cái gì không?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Hiện giờ, mỗi khi ngồi thiền và nhập định, tâm tôi rất định và an vui.

Ngài Huyền Sách nói tiếp:

– Tôi cũng muốn học tu thiền lắm, nhưng không biết Hòa thượng dạy tu thiền có đúng là Thiền Tông của Như Lai và các vị Tổ Thiền Tông dạy không?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Chẳng lẻ số môn đồ của tôi ở đây đông như vậy, mà theo tôi học thiền tà sao? Tôi là đệ tử “chánh gốc” của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn là Tổ sư Thiền Tông đời thứ 32 đó, nếu tôi dạy thiền mà không đúng Thiền Tông của Đức Phật và Chư Tổ Thiền Tông dạy, thì đâu có nhiều người đến đây học đông như vậy?

Ngài Huyền Sách nói:

– Trước khi tôi xin làm đệ tử Hòa thượng, xin Hòa thượng cho tôi hỏi một câu, nếu Hòa thượng trả lời thuyết phục được tôi, tôi xin làm đệ tử; còn Hòa thượng trả

lời không thuyết phục được tôi, tôi xin từ giã đi nơi khác để học đạo Thiền Tông mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy.

Thiền sư Trí Hoàng bảo: Mời ông tự nhiên hỏi. Ngài Huyền Sách hỏi:
– Ở đây Hòa thượng tu thiền bằng cách nào?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Ở đây tôi thường ngồi thiền và nhập định.

Ngài Huyền Sách hỏi tiếp:

– Mỗi lần Hòa thượng ngồi thiền và nhập định được bao lâu?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Tôi có thể ngồi thiền và nhập định từ sáng đến tối hoặc có thể lâu hơn nữa, nếu tôi dụng công ngồi thiền có thể ngồi suốt 2 hay 3 ngày liền cũng được!

Ngài Huyền Sách khen và hỏi tiếp:

– Hòa thượng thật là một vị “Tổ sư ngồi thiền và nhập định”, vậy xin hỏi tiếp Hòa thượng, trong lúc Hòa thượng nhập định, có tâm nhập hay là không tâm nhập?

Thiền sư Trí Hoàng trả lời:

– Trong lúc tôi nhập định, biết mình nhập định là được, chớ nói có tâm hay không tâm là gì?

Ngài Huyền Sách nói:

– Nếu trong lúc nhập định mà thấy không có tâm nhập và thấy không tâm nhập, đó là thường định, cớ sao nói là có nhập, có xuất?

Ngài Huyền Sách “bồi” thêm câu thứ hai để Thiền sư Trí Hoàng không trả lời được:

– Nếu Hòa thượng ngồi thiền mà thấy có tâm nhập, thì: con bò, con trâu, con dê, con nai, con gà, con heo, con chó, con vịt… cũng có tâm, ắt chúng nó cũng phải được định?!

– Còn nếu, Hòa thượng ngồi thiền mà thấy không tâm nhập, thì: cây, cỏ, hoa, lá, ngói, gạch, đất, đá, cũng không tâm, đều là định cả sao?!

Nghe câu nói “khóa miệng” của ông Huyền Sách, Thiền sư Trí Hoàng, toát mồ hôi, cứng họng, đành ngậm miệng, cúi đầu, không trả được nữa lời!

Chúng ta thấy đó, một vị Thiền sư ngồi tu thiền suốt 20 năm trong thiền thất, lại là đệ tử của một vị Tổ Thiền Tông chánh thống, chỉ một câu hỏi bình thường của người hiểu Thiền Tông như Ngài Huyền Sách lại không trả lời được! Cái lỗi lớn của Thiền sư Trí Hoàng là không chịu tìm hiểu kỹ lối tu theo Thiền Tông là tu làm sao, có dụng công hay không dụng công để nhận ra Phật Tánh của chính mình, coi việc tu hành của mình có đúng với lời của Đức Phật dạy không, hay của chư Tổ Thiền Tông dạy chưa? Vì đinh ninh việc tu hành của mình là đúng với chánh pháp của Như Lai dạy, nên không cần học hỏi với ai. Bởi vậy, bị câu hỏi của Ngài Huyền Sách, hết sức chí lý lại rất bình thường mà Ngài không trả lời được, thật là xấu hổ! Một câu hỏi thực tế và rõ ràng như vậy, Thiền sư Trí Hoàng bị “bứng” ra khỏi Thiền Tông thất mà 20 năm ông dụng công ngồi tu thiền, được nhiều người phong tặng: “Tôn sư Hòa thượng Thiền sư” khoe khoang với mọi người là mình đã đạt được đạo, thấu triệt Thiền Tông!

Cái đặc biệt của Thiền sư Trí Hoàng là, khi tu hành bị người khác hỏi không đáp được đành thốt lên:

– Không ngờ, tôi ngồi hành thiền trên 20 năm trong Thiền Tông thất, dạy thiền, dạy đạo cho nhiều người, trong 20 năm tôi “làm việc ấy”, khác nào tôi “nấu cát mà muốn thành cơm”! Thật là…

Cốt truyện của Thiền sư Trí Hoàng, chúng ta quyết chí tu theo Thiền Tông để Giác ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”, cố gắng hơn là đạt được “Bí mật Thiền Tông”, sau cùng được “Rơi Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh” của chính mình, chứ chúng ta đừng “nấu cát mà muốn thành cơm” như Thiền sư Trí Hoàng đã làm hơn 20 năm, rồi tự đổ bỏ đi thật là uổng công vậy!

Nhìn sự tu hành của Thiền sư Trí Hoàng, chúng ta cố gắng tu theo Pháp môn Thiền Tông học, chắc chắn sẽ nhận ra Phật Tánh của chính mình, không phải làm những việc vô ích mà Thiền sư Trí Hoàng đã dụng công thực hành suốt hơn 20 năm! (Đây là điệp khúc thứ hai).

Chúng ta muốn Giác ngộ và Giải thoát phải tìm hiểu như sau:

Tâm là cái gì? Tánh người là sao?

Phật Tánh có mấy thứ?

Khi chúng ta hiểu rõ ràng 3 mật ý nói trên thì mới mong “tu” Giác ngộ và Giải thoát được.

Khi chúng ta nhận ra 3 mật ý nói trên rồi mà thực hiện đúng nữa, thì tâm Vật lý của chúng ta đã bắt đầu vận hành theo qui luật Phật Tánh của nó. Còn Tánh người của chúng ta cứ để cho nó tự nhiên trôi theo dòng luân hồi của nó. Sau cùng, Phật Tánh của chúng ta sẽ dần hiển lộ ra, việc chúng ta trở về quê hương chân thật của mình chỉ là thời gian mau hay là chậm mà thôi, tùy theo sự cố gắng của mỗi người vậy.

Khi chúng ta hiểu 3 phần bí yếu nói trên, chúng ta sẽ hiểu tại sao:

1 – Đức Phật dạy các kinh ban đầu vạn vật là vô thường.

2 – Kinh sau cùng là Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật dạy vạn vật là thường.

3 – Về bản thân: Không mất thời giờ đi ngồi nghe những người nói chuyện trong sanh tử luân hồi, dù chúng ta có ngồi nghe các vị ấy nói suốt cả đời rồi cũng phải bỏ đi!

– Việc làm hằng ngày không bê trể.

– Người thân không khó chịu với mình.

– Không bị người khác lừa.

– Không tin những chuyện không thuận lý, cũng gọi là mê tín, tức tin lầm.

Về xã hội:

– Không tập trung đông người làm mất trật tự xã hội.

Video (Trích đoạn)

Nguồn Thiền Tông

✍️Mục lục: Quyển 03: Hành đúng lời Đức Phật dạy chắc chắn được Giải thoát 👉  Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *