Đệ tửSlide

10 Đại Đệ tử của Đức Phật

Tôn giả NAN ĐÀ

Tôn giả Nan Đà là em cùng cha khác mẹ của đức Phật. Tôn giả sanh vào ngày mùng 9 tháng 4, Phật thì sanh vào ngày mùng 8 tháng 4. Phật có 32 tướng, Nan Đà chỉ có 30 tướng và thấp hơn Phật 4 lóng tay. Nan Đà là tiếng Phạn, dịch là Hỷ, cho nên gọi là Hỷ Tôn giả. Đó là tên riêng của ông.

Có kinh điển ghép tên ông với vợ mà gọi là Tôn đà la Nan Đà. Tôn đà la cũng là tiếng Phạn, dịch là Hảo ái. Tôn đà la Nan Đà là nói: Vị Nan Đà này là của Tôn đà la. Đó là nói ông Nan Đà rất yêu vợ của mình. Hai người có thể nói là gắn như keo sơn, mỗi ngày đều ở chung một chỗ, đi đứng nằm ngồi không rời nhau một khắc.

Điển tích về Tôn giả Nan Đà

Một hôm Phật đến Vương cung khất thực hóa duyên, lúc ấy vợ chồng Tôn đà la Nan Đà đang ăn cơm. Khi thấy Phật đến khất thực, Nan Đà bèn sớt bát bằng cách cầm bát sớt thêm cơm và thức ăn lên trên. Ông đem bình bát của Phật ra với đầy ắp cơm và thức ăn.

Khi ông sắp đưa bát lại cho Phật thì vợ ông nói: “Bây giờ tôi nhổ một bãi đàm trên đất, anh phải trở về trước khi đàm khô, nếu không tôi sẽ phạt anh đấy”.

Nan Đà nói: “Được mà!”

Nhưng khi ông sắp đưa bình bát cho Phật, Phật dùng thần thông lui lại sau, Nan Đà thì vẫn bước tới trước, từng bước từng bước đi đến Kỳ Hoàn tinh xá. Thực ra Vương cung cách vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc hơn 5 dặm, nhưng Phật dùng thần thông đưa ông về tinh xá, rồi bảo ông cạo tóc ngay, ép ông xuất gia. Vì ông không bỏ được cô vợ của mình nên không muốn xuất gia. Nhưng vì Phật là anh của ông nên ông đâu dám không nghe lời.

Thân xuất gia, Tâm chẳng xuất gia

Vì ông không bỏ được cô vợ của mình nên không muốn xuất gia. Nhưng vì Phật là anh của ông nên ông đâu dám không nghe lời. Ông nghĩ thầm: “Hôm nay mình xuống tóc, bữa khác mình sẽ chạy trở về”. Vì thế ông luôn luôn rình chờ cơ hội, nhưng hôm nay chờ, ngày mai chờ, chờ hoài chờ mãi mà cơ hội không đến, vì Phật và các vị La hán đều luôn có mặt ở tinh xá Kỳ Hoàn. Do đó ông càng bồn chồn thêm.

Một hôm Phật cùng các vị La hán đều đi ra ngoài thọ trai, chỉ còn lại Nan Đà ở giữ tinh xá. Ông nghĩ bụng: “Hôm nay mình có cơ hội rồi đây”.

Nhưng trước khi đi Phật bảo ông quét nhà, ông gom rác lại một chỗ, bỗng một trận gió thổi đến, rác lại bay tứ tung. Vì thế ông đóng hết các cửa lại, nhưng đóng cửa này xong thì cửa kia lại mở ra. Cứ như thế, quét tới quét lui, đóng đi đóng lại mãi, qua 2 – 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa xong.

Thấy Phật sắp về, ông nghĩ bụng: “Bất luận Phật có về hay không, mình nhứt định phải chạy về”.

Ông lại nghĩ tiếp: “Phật chỉ đi theo đường lớn, không đi theo đường nhỏ đâu, mình nên theo dường nhỏ mà chạy là thượng sách”. Thế rồi ông bỏ tinh xá theo đường nhỏ chạy về, chạy một mạch đến 2 dặm, thấy Phật từ đầu kia đi lại, ông bèn núp vào sau một thân cây lớn, định chờ Phật đi qua sẽ chạy tiếp.

Nào ngờ, ông định chạy qua bên này, lại thấy Phật đến từ hướng đó; cứ thế quanh qua tránh lại một hồi Phật thấy ông liền hỏi: “Tại sao ông không giữ nhà mà làm gì ở đây?” Nan-đà nghĩ bụng: “Ta đâu có thể nói muốn về nhà được”,

bèn thưa: “Con chờ hoài chờ mãi, chờ Phật trở về không được nên con ra đây đón, vì sợ Phật cầm bát không nổi”. Phật nói: “Chú em này thiệt là tốt quá”. Nhơn đó Phật lại đưa ông trở về tinh xá Kỳ Hoàn.

Đức Phật phương tiện độ Tôn giả Nan Đà

Trở về tinh xá, Phật biết ông vẫn không muốn xuất gia nên một hôm Phật nói với ông: “Nan Đà, ta với ông cùng lên núi chơi nhé!”

– Thưa vâng! Nan Đà đáp và nghĩ thầm: “Bận lên núi này mình có cơ hội trốn rồi đây”. Trên núi có rất nhiều khỉ, ước chừng 5 – 600 con.

Phật hỏi Nan Đà: “Này Nan Đà! Con khỉ này so với vợ ông, ai đẹp hơn?”

Nan Đà nghe Phật hỏi như vậy liền đáp ngay: “Đương nhiên là Tôn đà la đẹp hơn nhiều. Sao Phật lại đem Tôn đà la so sánh với bọn khỉ ấy?”

Phật khen: “Này Nan Đà, ông rất thông minh nên biết Tôn đà la đẹp hơn con khỉ”.

Đức Phật phương tiện độ Tôn giả Nan Đà: Lên Trời

Một hôm Phật lại nói với Nan Đà: “Nan Đà, ông chắc chưa lên trời, ta sẽ đưa ông đến đó nhé!” Đức Phật cùng Nan Đà ngồi kiết già, Phật dùng thần thông đưa Nan Đà lên cõi trời.

Lên đến cõi trời, thấy người trên đó đẹp hơn người nhơn gian gấp mấy vạn lần, nhất là Thiên nữ lại càng đẹp đẽ hơn.

Đi đến một Thiên cung có 500 vị Thiên nữ đang trang hoàng nhà cửa. Nan Đà nhìn thấy những Thiên nữ này thật là đẹp đẽ chưa thấy bao giờ bèn sanh tâm luyến ái, ông hỏi một vị cung nhơn: “Cung trời này sao không có chủ nhơn?”

Vị cung nhơn ấy đáp: “Chủ nhơn của chúng tôi chưa đến. Ông ta là em của Phật, hiện đang xuất gia tu hành theo Phật. Đợi dến khi mãn đời, ông ta sẽ sanh về đây; 500 vị Thiên nữ này đều là vợ của ông ta cả”.

Nan Đà nghe nói nghĩ bụng: “Ta nên gấp rút tu tập, không cần phải trở về nhà nữa”.

Bấy giờ Đức Phật hỏi ông: “Những Thiên nữ này có đẹp không? So với Tôn đà la ai đẹp hơn? ”

Nan Đà thưa: “Tôn đà la làm sao mà sánh được với các Thiên nữ này! Sắc đẹp của Tôn đà la so sánh với các Thiên nữ không khác nào đem sắc đẹp của con khỉ cái so sánh với sắc đẹp của Tôn đà la”.

Đức Phật nói: “Vậy thì ông muốn Thiên nữ hay muốn Tôn đà la?”

Nan Đà thưa: “Đương nhiên là con muốn Thiên nữ. Thiên nữ thiệt là đẹp đẽ vô song!”

Đức Phật nói: “Nếu muốn sanh về đây, thì khi trở về ông phải cố sức tu hành đi”. Vì thế khi trở về Nan Đà ngày đêm ngồi thiền dụng công rất tinh tấn. Nan Đà sớm tối tọa thiền, một lòng muốn làm Thiên chủ.

Đức Phật phương tiện độ Tôn giả Nan Đà: Thăm Địa ngục

Phật biết rằng phước trời hữu lậu, hưởng hết rồi sẽ đọa lạc vào ác đạo, muốn nhắc nhở ông để ông thấy rõ ý tưởng của mình không đúng, vì thế Phật mới đưa ông xuống địa ngục, cho xem núi đao rừng kiếm vạc lửa băng lạnh các thứ cảnh ngục …

Sau cùng đến một cảnh địa ngục có hai con quỷ đang nấu chảo dầu. Dầu chưa nóng sôi, mà hai con quỷ này rất lười, một con đương chụm lửa, một con đương nằm ngủ. Lửa chụm vạc dầu cháy cháy tắt tắt. Nan Đà lấy làm lạ, cảm thấy hai con quỷ này cứ chụm như thế, dầu trong vạc kia bao giờ mới sôi được?

Ông mới hỏi hai con quỷ đó: “Này, hai chú làm biếng quá, không đốt cháy mạnh lên, lửa cứ tắt hoài, hai chú làm đến bao giờ mới xong việc?”

Hai con quỷ trợn mắt nhìn một hồi mới nói: “Ông để ý chuyện này làm chi? Bọn tôi có gì phải gấp. Người tôi đợi vẫn chưa đến mà! Chờ lâu lắm mới đến kia! Bọn tôi hãy còn rảnh chán”.

Nan Đà lại hỏi: “Mấy chú chờ ai vậy?”

Hai con quỷ nói: “Ông muốn biết à? Bọn tôi nói cho ông biết: Người bọn tôi đợi là Nan Đà, em của Phật Thích Ca đấy! Ông ta theo Phật xuất gia tu hành mà lòng cứ mong hưởng phước trời với 500 Thiên nữ mãi. Ông ta sẽ sanh lên trời, ở đó từ 500 đến 1.000 năm. Sau đó ông ta quên việc tu hành lại tạo rất nhiều tội nghiệp. Khi ác nghiệp của ông ta dẫy đầy, ông ta sẽ đọa vào địa ngục này chịu tội nấu dầu”.

Nan Đà nghe nói rởn cả gai óc, đổ mồ hôi hột, nghĩ thầm: “Chà, khổ như thế này làm sao chịu nổi!” Bấy giờ ông không còn muốn tu để sanh lên trời nữa, mà quyết tâm dứt hết sanh tử, không bao lâu ông liền chứng được quả vị A la hán.

Tướng mạo của Nan Đà rất là đẹp đẽ. Phật có 32 tướng tốt, ông có 30 tướng. Nếu có người chưa quen biết Phật, có thể lầm cho ông là Phật.

Có một lần, hàng ngoại đạo lõa thể – không khác nhóm Hippy bây giờ, trai gái đều không hề mặc quần áo. Họ cho rằng hình thể thiên nhiên mới là Bản lai diện mục, tại sao phải mang thêm vào cái lớp giả bên ngoài? Cần gì phải mặc quần áo chứ? Đó là cách tuyên truyền của phái ngoại đạo lõa thể ở Ấn Độ lúc bấy giờ.

Những người ngoại đạo này đến tìm Xá lợi Phất để biện luận, ngài Xá lợi Phất dù không cao lớn nhưng lại rất thông minh, mỗi khi ngài mở miệng trình bày đều rành rẽ thấu đáo, khiến cho những người ngoại đạo này phải câm miệng hết, không nói được lời nào, mọi lý do của họ đưa ra đều không đứng vững.

Sau đó, những người ngoại đạo này nhìn thấy ngài Nan Đà cao lớn đẹp đẽ, bèn nói: “Cả đến ông Tỳ kheo nhỏ người (chỉ Xá lợi Phất) bọn ta còn nói không lại thì làm sao địch nổi vị Tỳ kheo cao lớn đẹp đẽ kia được!” Vì thế những người ngoại dạo lõa thể này đều bái ngài Nan Đà làm thầy của họ và quy y chánh pháp xuất gia tu hành. Từ đó về sau trong bọn những người này có nhiều vị thành tựu rất cao.

Đó là câu chuyện ngài Nan Đà vì thích 500 Thiên nữ mà bỏ vợ nhà, một lòng nghĩ tưởng đến việc sanh Thiên quốc; về sau lại sợ đọa địa ngục mà cố gắng tu hành. Ngài do Phật giáo hóa và cuối cùng tu thành Chánh giác.

Nguồn: Tổng hợp.


Tôn giả NAN ĐÀ
Toàn Không

Một thời đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Một hôm vào buổi sáng, Tỳ Kheo Nan Đà mặc áo sặc sỡ, đi giày viền vàng, lại vẽ mặt, trông rất kỳ đặc khác thường, ôm bình bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Khi ấy nhiều Tỳ Kheo trông thấy thế, liền đến chỗ đức Phật lễ lạy rồi nói:

– Thưa đức Thế Tôn, vừa rồi Tỳ Kheo Nan Đà choàng áo sặc sỡ, đi giày viền vàng đẹp đẽ vào thành khất thực.

Đức Phật liền bảo một Tỳ Kheo khác đi gọi Nan Đà trở lại gặp Ngài, khi Tỳ Kheo Nan Đà trở lại đến chỗ đức Phật lễ lạy rồi, đức Phật hỏi:

– Nay Thầy vì sao chưng diện đẹp đẽ như thế để vào thành khất thực?

Tỳ Kheo Nan Đà làm thinh không đáp, Đức Phật nói tiếp:

– Thế nào Nan Đà, Thầy há chẳng do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo sao?

Nan Đà thưa:

– Đúng vậy thưa Thế Tôn.

Đức Phật bảo:

– Thầy là con nhà danh giá (vọng tộc) chẳng làm (hành) đúng với người tu do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lại chưng diện tô sửa hình vóc rồi vào thành khất thực, như vậy đối với người thường (bạch y) đâu có khác gì?

Nay Thầy: chớ làm như vậy nữa; nói xong đức Phật đi vào tịnh thất.

*****

Được ít ngày sau, một số Tỳ Kheo lại đến

thưa với đức Phật:

– Tỳ Kheo Nan Đà: chẳng kham khuôn phép người tu (tu hành phạm hạnh), muốn cởi áo tu hành (pháp phục), tập lối sống (tập hạnh) tại gia.

Đức Phật bảo một Tỳ Kheo đi gọi, sau khi Tỳ Kheo Nan Đà đến lễ lạy rồi, đức Phật bảo:

– Thế nào Nan Đà, Thầy chẳng ưa tu phạm hạnh (khuôn mẫu phép tắc), muốn cởi bỏ giáo lý và cách ăn mặc của người tu (cởi pháp y), tập theo thói người thường (tập hạnh bạch y), tại sao thế?

Tỳ Kheo Nan Đà đáp:

– Thưa vâng, đức Thế Tôn! Con vì lòng dục quá nhiều (lừng lẫy), chẳng thể kìm chế được.

– Thế nào Nan Đà? Thầy không phải con nhà dòng dõi danh giá (vọng tộc), do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo sao?

– Đúng như vậy, thưa Thế Tôn! Con là dòng dõi danh giá, do lòng tin kiên cố nên xuất gia học đạo.

– Nếu là dòng dõi danh giá do lòng tin kiên cố thì Thầy chẳng nên như thế, tại sao lại bỏ chính pháp (giáo pháp tốt đẹp) muốn tập xấu xa (ô uế); người mắc vào dâm dục và uống rượu sẽ không nhàm chán. Dâm dục và uống rượu là ô uế sẽ đi vào sa ngã, người có tật này không thể đạt cứu cánh (vô vi).

Nay Thầy nhớ tu phạm hạnh (khuôn mẫu phép tắc), hướng đến đạo quả sẽ có lợi ích lớn cho Thầy.

Đức Phật nói rồi lại nghĩ: “Nan Đà ý dục quá nặng, ta phải dùng lửa trừ lửa”. Nghĩ rồi, tức thì một tay Ngài nắm cánh tay Nan Đà, chỉ trong chớp mắt đã đem Nan Đà lên núi Hương sơn. Chỗ ấy có một con khỉ mù xấu xí ở trong hang đá. Đức Phật hỏi:

– Nan Đà, Thầy có thấy con khỉ mù không?

– Thưa có thấy.

– Tôn Đà Lợi (người mà Nan Đà thương nhớ) đẹp hay con khỉ mù này đẹp?

– Làm sao mà ví được, con khỉ mù này quá xấu xí, làm sao so sánh được với Tôn Đà Lợi đẹp như tiên, nên lúc nào con cũng nhớ cô gái họ Thích.

Bấy giờ, đức Phật và Nan Đàn như trong khoảng thời gian duỗi cánh tay biến khỏi núi Hương sơn liền đến cõi Trời Đạo Lợi; lúc ấy chư Thiên (các vị Trời) tụ tập ở giảng đường Thiện Pháp, cách đó không xa có cung điện bên trong tụ tập vô số Thiên Nữ đang vui đùa.

Nan Đà nhìn thấy các Thiên Nữ đàn ca múa hát vui đùa như thế, liền thưa hỏi đức Phật:

– Đây là chỗ nào mà nhiều người đẹp đàn ca múa hát vui vẻ như thế?

Đức Phật bảo:

– Thầy tự đến đó hỏi đi.

Nan Đà liền đi đến, thấy cung điện trang trí đẹp đẽ khác thường, bên trong toàn là con gái đẹp tuyệt trần, không có một người con trai, Nan Đà liền hỏi:

– Các cô là gì mà đàn ca múa hát vui chơi đùa rỡn khoái lạc như thế?

Một cô đáp:

– Chúng tôi ở cõi Trời Đạo Lợi đây có 500 Ngọc Nữ đều chưa có chồng, chúng tôi nghe nói có đệ tử của Thế Tôn ở trần gian tên là Nan Đà con của Di Mẫu (Dì làm mẹ kế), Ngài đang ở chỗ Như Lai (Đức Phật) tu phạm hạnh; sau khi qua đời ở đó sẽ sinh về đây làm chồng (phu chủ) của chúng tôi để cùng vui thú với nhau.

Nan Đà nghe thế, trong lòng rất vui mừng, liền nghĩ: “Ta là Nan Đà, là đệ tử Thế Tôn, lại cũng là con Di Mẫu, đúng là ta rồi, các Ngọc Nữ đẹp tuyệt trần này đều sẽ là vợ ta cả”. Trong lòng mừng rỡ vô kể, Nan Đà liền chào tạm biệt các Thiên Nữ rồi trở lui tới chỗ đức Phật, Ngài hỏi:

– Thế nào Nan Đà, các Ngọc Nữ ấy nói gì?

– Họ nói: “Mỗi người chúng tôi đều chưa có chồng, lại nghe nói có đệ tử đức Thế Tôn tên Nan Đà, con Di Mẫu tu phạm hạnh, sau khi qua đời sẽ sinh đến đây, người này sẽ là chồng chúng tôi”.

– Nan Đà, ý Thầy thế nào?

– Vừa rồi khi nghe các Ngọc Nữ nói, con tự nghĩ: “Ta là đệ tử Thế Tôn, lại con Di Mẫu của Phật, các Ngọc Nữ này sẽ là vợ của ta”.

Đức Phật hỏi:

– Thế nào, Nan Đà? Cô gái Thích Tôn Đà Lợi đẹp hay 500 Ngọc Nữ kia đẹp?

Nan Đà đáp:

– Ví như con khỉ mù đối với Tôn Đà Lợi, Tôn Đà Lợi giống như con khỉ mù đối với các Ngọc Nữ đẹp tuyệt vời chưa từng thấy bao giờ, Tôn Đà Lợi không thể nào so sánh được với các Ngọc Nữ kia.

Đức Phật bảo:

– Hay thay! Nan Đà, hãy khéo tu phạm hanh, Ta sẽ tác chứng cho Thầy, khiến 500 Ngọc Nữ kia đều cấp cho Thầy.

Khi ấy đức Phật lại nghĩ: “Ta sẽ dùng nước diệt lửa cho Nan Đà”. Rồi trong khoảng thời gian như người duỗi cánh tay, Ngài lại cầm cánh tay Nan Đà biến khỏi cõi Trời, tới thẳng Địa Ngục, ngang qua bao nhiêu chỗ Địa ngục, thấy bao nhiêu cảnh khổ, làm cho Nan Đà sợ hãi, lông tóc dựng đứng. Như chỗ quỷ ngục cho trâu cày trên lưỡi tội nhân, chỗ quỷ ngục bỏ tội nhân nằm trên giường chông nhọn hoắt, chỗ tội nhân bị lửa đốt, v.v…. Tới một chỗ có cái vạc lớn trống không chẳng có tội nhân, thì dừng lại. Nan Đà thắc mắc hỏi đức Phật:

– Đây là đâu, mọi chỗ đều có chúng sanh chịu khổ, chỉ có vạc kia còn trống tội nhân là sao?

Đức Phật nói:

– Đây gọi là địa ngục A Tỳ, muốn biết rõ việc này, Thầy hãy tự đi hỏi ngục tốt đang đứng gần cái vạc đó.

Nan Đà liền đến hỏi ngục tốt:

– Đây là ngục gì mà không có tội nhân trong vạc như thế?

Ngục tốt đáp:

– Đây là địa ngục A Tỳ, Ông nên biết, nghe nói có đệ tử đức Thích Ca tên Nan Đà đang tu phạm hạnh, khi qua đời sẽ sinh lên cõi Trời, ở đó sống dục lạc sung sướng. Khi chết ở cõi Trời sẽ sinh vào địa ngục A Tỳ này, cái vạc này vì thế để trống chờ người ấy sinh đến đây chịu khổ.

Nan Đà nghe những lời nói ấy, lòng hoảng sợ, da nổi gai gà, lông tóc dựng đứng, thì nghĩ: “Cái vạc này chính là dành cho ta!” Nan Đà vội trở lại chỗ đức Phật cúi lạy mà thưa:

– Xin Thế Tôn cho con được sám hối lỗi, con đã chẳng tu phạm hạnh, mà lại xúc nhiễu Thế Tôn”.

Rồi Nan Đà liền nói kệ:

Đời người không đủ quý,
Thọ hết Trời cũng tiêu,
Địa ngục khổ chua cay,
Chỉ Niết Bàn là sướng.
Đức Phật bảo:

– Lành thay! Lành thay! Như lời Thầy nói, Niết Bàn là tịnh lạc. Nan Đà, Ta nhận cho Thầy sám hối, Như Lai nhận lời sám hối của Thầy, sau chớ phạm nữa.

Rồi trong khoảng thời gian như người duỗi cánh tay, đức Phật nắm cánh tay Nan Đà biến khỏi Địa Ngục trở về vườn Cấp Cô Độc. Lúc đó đức Phật chỉ dạy cho Tỳ Kheo Nan Đà phương pháp tu hành.

Sau khi nhận lãnh lời dạy đầy đủ, Nan Đà cúi lạy rồi lui đi đến vườn An Đà ngồi dưới gốc cây giữ chính thân nhớ nghĩ lời dạy của đức Phật, siêng năng không lười mỏi, không ngưng nghỉ. Do lòng tin kiên cố tinh tấn thiền định Chỉ (Sa ma tha: tĩnh lặng) Quán (Tỳ bà xá na: tập trung vào đề mục), tu pháp vô thượng. Như thật biết sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn thụ thân sau nữa. Lúc ấy Tôn giả Nan Đà liền đạt bậc Thánh, bậc A La Hán. Tôn giả liền đứng lên đến chỗ đức Phật, lễ lạy rồi thưa:

– Thưa đức Thế Tôn, như trước đây Thế Tôn hứa chứng cho con 500 Ngọc Nữ, nay con xin bỏ hết.

Đức Phật bảo:

– Nay Thầy sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, nay Ta sẽ bỏ lời hứa.

Rồi đức Phật bảo các Tỳ Kheo:

– Nan Đà đã đắc A La Hán, nay Nan Đà không dâm, chẳng giận, chẳng si.

LỜI BÀN:

Đọc hết bài Kinh, chúng ta thấy lúc đầu, Tôn giả Nan Đà đã sắp xả giới bỏ đạo vì sự say mê nữ sắc không còn kìm giữ được nữa.

Trước khi bàn luận vấn đề này, chúng ta cũng nên biết sơ qua lai lịch của Tôn giả Nan Đà. Ngài là Hoàng Tử, con bà Ma Ha Ba Đề (Maha Pajapati), (kế mẫu của đức Phật) và Vua Tịnh Phạn (Suddhana Gotami), cùng cha khác mẹ với đức Phật.

Trước khi đức Phật về thăm Vua cha vài ngày, Vua Tịnh Phạn đã cho tổ chức lễ thành hôn, nhận cung điện mới và phong tước cho Hoàng Tử Nan Đà rất là trọng thể.

Vài ngày sau đức Phật trở về thăm Vua cha lần đầu tiên sau khoảng 10 năm xa cách. Lúc ấy vì sự kiêu mạn của các bậc kỳ lão trong Hoàng thân, vì đức Phật muốn phá tâm cao ngạo kiêu mạn ấy, nên Ngài đã dùng thần thông bay lên không trung, phóng ánh sáng, làm thân phát ra lửa, phụt ra nước, và các phép biến hóa trên không. Bấy giờ tất cả Hoàng gia đều chứng kiến, từ già tới trẻ đều tán thán việc xảy ra chưa từng có, nên đều kính ngưỡng Ngài. Sau đó một số Hoàng thân trẻ xin xuất gia, trong đó có Hoàng Tử Nan Đà.

Câu chuyện về Hoàng Tử Nan Đà được kể rằng: “Vì sự kính phục người Anh cả vô cùng lớn lao, nên Hoàng Tử Nan Đà luôn luôn ở gần đức Phật. Sau khi đức Phật thụ thực do Vua Tịnh Phạn cúng dàng xong, đức Phật trao bình bát cho Hoàng Tử Nan Đà. Do sự kính ngưỡng, nên Hoàng Tử lặng lẽ ôm bình bát đi theo sau.

Tân nương của Hoàng Tử Nan Đà là Tôn Đà Lợi (Janapada Kalyani) nghe thuật lại thì nước mắt chảy ra, vội vã chạy theo gọi: “Hoàng Tử, Hoàng Tử! Hãy trở lại với em, hãy trở lại với em mau đi!”

Tiếng gọi đầy tình yêu thương của Tôn Đà Lợi làm cho Hoàng tử cảm kích thấm thía quay đầu nhìn lại người vợ đẹp của mình, nhưng vì sự kính ngưỡng và đang phải cầm cái bình bát của người Anh tôn quý, nên Hoàng Tử không dám trao trả bình bát cho đức Phật mà đành phải tiếp tục đi theo. Cứ thế Hoàng Tử ôm bình bát theo sau đức Phật về đến vườn Thượng Uyển là nơi đức Phật tạm ngự.

Khi tới nơi rồi, đức Phật hỏi Hoàng Tử có muốn trở thành bậc Thánh thì nên xuất gia theo Ngài tu hành. Vì đã thấy tận mắt thần thông biến hóa, vì sự kính trọng và sùng bái sâu xa đối với người Anh cả lại là một vị Phật, nên Hoàng Tử Nan Đà đã đồng ý thọ lễ xuất gia cùng với một số các Hoàng thân khác như A Nan Đà, A Na Luật, La Hầu La v.v…”

Giả thử Tôn giả Nan Đà sinh vào thời nay không có Phật, thử hỏi ai có thể có cách làm cho người sắp xả giới bỏ đạo trở lại tu hành? Thật là khó thay! Chỉ có đức Phật mới làm được thôi. Ngài đã dùng hai bước để đưa Tôn giả trở lại đời sống của người tu hành.

Trước hết Ngài dùng “lửa trị lửa” bằng hai cách: Dùng con khỉ mù xấu tệ để cho Nan Đà so sánh với Tôn Đà Lợi, sau đó Ngài dùng các Thiên Nữ để Nan Đà so sánh với người yêu không đáng giá. Đến khi này, nếu đức Phật ngừng ở đây, Nan Đà sẽ tu để được sinh cõi Trời hầu có thể cưới các Ngọc Nữ, chứ không còn nhớ tưởng cô gái họ Thích nữa. Nhưng để chắc chắn cho Nan Đà bỏ ý định cưới các Ngọc Nữ, nên đức Phật đã dùng “nước trị lửa” bằng cách đưa Nan Đà đến chứng kiến cảnh Địa Ngục vô cùng khổ sở. Lại nghe thấy biết tương lai của mình sẽ phải vào Địa Ngục đang chờ đợi, thì hoảng sợ quá, nên Nan Đà đã kịp thời nghĩ đến việc làm sai quấy tội lỗi của mình, vì đã không nghe lời đức Phật dạy. Do đó Nan Đà đã xin sám hối tội lỗi và được đức Phật tha thứ ngay.

Thiết nghĩ, đức Phật cũng chỉ muốn thế mà thôi để dìu dắt Nan Đà trở lại tu hành nghiêm túc.

Ở đây, chúng ta thấy, thông thường Đức Phật ít dùng thần thông, những khi nào cần phải có thần thông thì Ngài không ngần ngại gì mà không làm. Nghĩa là trong sự giáo hóa, Ngài tùy bệnh mà cho thuốc. Bệnh của Nan Đà quá nặng nên đức Phật đã phải dùng thần thông như thế để trị. Đúng là thuốc thần chưa từng thấy.

Ngày nay, ở vào thời mạt pháp, chúng ta chỉ được nghe nói mà không ai thấy cảnh khổ ở Địa Ngục, nên nói đến việc tu hành thì rất nhiều người cứ hờ hững lửng lơ. Lại viện ra đủ thứ lý lẽ để thoái thác hoặc trì hoãn.

Có biết đâu rằng khi sinh vào ba cõi dữ Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục, có muốn tu cũng đã muộn mất rồi. Cơ hội làm người lúc đó còn lâu lắm, thật là khổ thay! Nhưng biết làm sao được!

Bởi vậy, bây giờ có cơ hội tốt được làm người, chúng ta nên cố gắng tu, nếu chưa được giải thoát thì ít ra cũng được sinh vào cõi lành là Trời, Người, và kiếp sau sẽ có cơ hội tu tiếp vậy.

Toàn Không

✍️ Mục lục: 10 vị Đại Đệ tử của Đức Phật 👉  Xem lại

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với KênhNhóm trên Telegram

      

   

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *