Dấu Chân trên Cát
✍️ Mục lục: Dấu Chân trên Cát
Chương X:
Khi tôi đến Nekhen thì phong cảnh vẫn như xưa với những đồi đá trơ trụi nằm dọc theo hai bờ sông Nile. Tôi được đưa đến ngọn đồi cao nhất trên có viễn vọng đài, nơi khi xưa Akhenaten đã thảo luận về khoa chiêm tinh với quan Thiên Giám. Có lẽ đã được thông báo trước nên quan Thiên Giám đã chờ sẵn.
Sau bữa ăn tối, ông đưa tôi lên đài viễn vọng, chỉ lên bầu trời đầy tinh tú lấp lánh:
– Ta được lệnh hướng dẫn cho ngươi về khoa chiêm tinh nhưng ngươi có biết tại sao Akhenaten lại muốn ngươi đến đây học hỏi không?
– Tại sao?
– “Vào thời đại hoàng kim, các Pharaoh thường gửi con cái đến học hỏi với các giáo sĩ, đạo trưởng để được giáo dục những kiến thức cần thiết. Sự giáo dục của một Pharaoh dĩ nhiên phải khác người thường vì người lãnh đạo quốc gia cần phải có những khả năng và đức hạnh đặc biết. Tuy nhiên không phải con cái Pharaoh nào cũng có khả năng học hỏi và không phải giáo sĩ nào cũng có đức độ và khả năng truyền dạy hữu hiệu.
Theo thời gian đã có những sự dạy dỗ sai lạc của các giáo sĩ nhiều tham vọng nên đã có những Pharaoh thiếu hiểu biết. Khi những người này lên địa vị chỉ huy lãnh đạo thì họ đã để cho tham vọng cá nhân chi phối, tạo những lỗi lầm lớn lao trong lịch sử, hậu quả là văn hóa Ai Cập trở nên suy đồi. Khi người chỉ huy tham lam, không có đức độ thì làm sao trách người dưới quyền ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng mà quên bổn phận chung.
Theo thời gian, xã hội càng ngày càng suy thoái, con người càng ngày trở nên hư hỏng, chỉ biết tham lam, bóc lột lẫn nhau. Kẻ mạnh hà kiếp kẻ yếu, kẻ khôn áp chế kẻ dại.
Việc chém giết, hận thù, bạo động đã trở nên một lối sống bình thường. Từ đó trào lưu cổ xúy chiến tranh ngụy trang dưới hình thức mở mang bờ cõi đã đưa Ai Cập vào một vũng lầy. Tinh thần bè phái, bộ lạc đã tạo ra hận thù giữa người dân các nước và chiến tranh chỉ là hậu quả tất nhiên.
Đối với các Pharaoh, chiến tranh là một hình thức gia tăng quyền lợi cũng như quyền lực qua các chiến lợi phẩm, các nô lệ, các tài nguyên. Đối với các quan lại, chiến tranh giúp cho họ trở nên giàu có, sung sướng qua việc bóc lột những kẻ bại trận để chất đầy hầu bao. Đối với giới giáo sĩ, chiến tranh giúp họ nhiều tài nguyên để xây cất đền đài, thờ cúng chư thần và thêm nô lệ phục dịch. Chỉ có dân chúng thiệt thòi vì nai lưng ra phục vụ chiến tranh và bỏ bê việc trồng trọt, chăn nuôi. Nếu thắng, họ chẳng được thêm quyền lợi gì. Nếu thua, họ sẽ trở thành nô lệ hay nạn nhân chiến cuộc. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Pharaoh Akhenaten lên ngôi.
Từ nhỏ, Akhenaten đã là một đứa bé ham học hỏi và thường đến những đạo viện, trung tâm giáo dục để nghiên cứu thêm. Là người thông minh, ông đã quán triệt được những điều mà những bậc trưởng lão cả đời nghiên cứu cũng không biết. Ông đã tìm về mạch nguồn của nền tôn giáo cổ và đi khắp nơi tìm kiếm, học hỏi với các bậc đạo trưởng, những người có trách nhiệm gìn giữ nền minh triết cổ truyền. Akhenaten đã đến thụ giáo môn chiêm tinh với ta nhưng ông đã tự tìm ra những ẩn số, những bí mật trong vũ trụ mà chính ta đây cũng không hiểu. Tuy nhiên ta biết rõ những hoài bão của ông là mang những điều này ra truyền bá rộng rãi cho quần chúng để khôi phục nền minh triết cổ truyền.
Theo lời ông nói với ta, Akhenaten đã chọn ngươi làm kẻ phụ tá để thực hiện lý tưởng đó. Do đó hôm xưa ông đã truyền lệnh cho ngươi đến đây học hỏi nhưng vì lý do nào đó, ngươi đã vắng mặt nhiều năm nay, để mất đi cơ hội hiếm có này. Lần này thay vì ân xá cho ngươi, Akhenaten đã khôn khéo bắt ngươi phải đến đây học hỏi, nghiên cứu…”
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Thì ra Akhenaten đã có chủ trương từ trước. Vị quan Thiên Giám trầm ngâm một lúc rồi nói:
– “Này Sinuhe, thời gian không nhiều đâu nên ta sẽ bắt đầu việc dạy dỗ cho ngươi và ngươi phải chăm chỉ học hỏi.
Hẳn người cũng biết, từ ngàn xưa nền văn minh Ai Cập vẫn được xây dựng trên căn bản của khoa Chiêm tinh. Đối tượng của khoa này là vũ trụ hay môi trường hoạt động của muôn loài chúng sinh. Biết được các định luật của vũ trụ là biết được các yếu tố chi phối sự sinh hoạt của muôn loài. Từ đó người ta có thể suy luận ra sự tương quan giữa các sinh vật để hành động theo đúng các luật vận hành của vũ trụ.
Chiêm tinh học là một khoa học rất tinh vi, đã được nghiên cứu và bổ túc bởi các bậc đạo trưởng cả ngàn năm nay. Qui tắc của nó như sau: Vũ trụ không phải là nơi mà các thiên lực biến chuyển một cách ngẫu nhiên mà mọi sự kiện xảy ra đều chịu sự chi phối của một định luật chung.
Định luật này chỉ là sự biểu hiện của một sức mạnh thiêng liêng, mà tất cả sinh vật đều là một phần tử của cái sức mạnh thiêng liêng đó.
Con người chính là một tiểu vũ trụ so với cái đại vũ trụ bao la kia nên biết được vũ trụ chính là biết được mình. Biết được sự thiêng liêng mầu nhiệm của vũ trụ chính là ý thức được sự thiêng liêng cao quí nơi mình. Do đó việc đầu tiên của một người là học hỏi cái môi trường mình sinh sống để ý thức rõ rệt về mình và ý thức tính chất thiêng liêng nơi mình. Để cho cái tính chất thiêng liêng này nẩy nở, phát sinh trọn vẹn, mọi sinh vật phải biến hóa qua các kiếp sống, để kinh nghiệm tất cả, để thu tập mọi thứ, xuyên qua không gian và thời gian.”
° ° °
Từ đó tôi bắt đầu học hỏi về khoa Chiêm Tinh, nhờ thế tôi biết rằng đây là một khoa học rất phong phú, bao gồm căn bản của các bộ môn khoa học trên, nhất là Toán học và Hình học, vì nó là cái chìa khóa để mở cửa vào những kiến thức được ẩn giấu qua những ký hiệu, những biểu tượng huyền bí.
Nhờ nghiên cứu khoa Chiêm Tinh, tôi được biết trái đất chúng ta đang cư ngụ chỉ là một hành tinh trong hệ thống bảy hành tinh quay chung quanh mặt trời gọi là Thái Dương Hệ. Trong vũ trụ có vô số những Thái Dương Hệ tương tự như thế. Tất cả đều được sắp đặt theo những định luật thiên nhiên biến ảo và huyền diệu vô cùng.
Theo khoa Chiêm Tinh Ai Cập thì Thái Dương Hệ được cấu tạo bằng bảy chất khí căn bản, mỗi chất khí lại tạo thành một cõi giới riêng biệt. Vì thân thể con người là một tiểu vũ trụ nên nó cũng được cấu tạo bởi bảy chất khí này, nhưng phần lớn đều là những chất khí cấu tạo nên ba cõi giới thấp là Hạ giới, Trung giới và Thượng giới nên con người dễ cảm ứng với ba cõi này nhiều hơn.
Mặc dù những chất khí cấu tạo các cõi đều bao trùm một khoảng không gian chung nhưng vì chúng có sự rung động khác nhau nên mỗi cõi giới đều có chiều đo (dimesion) riêng biệt. Từ ngàn xưa, các đạo trưởng Ai Cập đã di chuyển từ cõi này qua cõi khác nhờ biết nghệ thuật làm thay đổi sự rung động các chất khí tạo nên các thể của họ. Đây là một quan niệm rất khó giải thích, nên các danh sư Ai Cập đã phải sử dụng hình vẽ, biểu tượng ví con người như một cây đàn có bảy dây, mỗi dây có một rung động riêng, tương ứng với một cõi giới. Khi người ta biết tập trung tâm thức, để nó rung động theo một dây đàn nhất định thì họ có thể chuyển tâm thức đi vào cõi giới mà họ muốn đến.
Việc di chuyển đến các cõi giới không phải là đối tượng của khoa Chiêm Tinh nên các tài liệu này chỉ nói phớt qua một cách sơ lược, nhưng vì đã được học hỏi nguyên lý này từ trường Khoa Học Của Sự Chết nên tôi có thể hiểu quan niệm này một cách rõ ràng hơn. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu được lời nhắn nhủ của đạo trưởng Ombo: “Nền minh triết của Thánh sư Thoth đã bị phân chia ra làm nhiều phần nhỏ, mỗi phần được giao cho một đạo viện, một môn phái, hay một nhóm người gìn giữ nên ít ai quán triệt được nó một cách toàn vẹn. Ta hy vọng ngươi có thể đi khắp nơi học hỏi những kiến thức này rồi tổng hợp chúng lại và phục hồi nền minh triết cổ xưa. Chỉ có thế, Ai Cập mới tìm lại được nền văn minh huy hoàng thuở trước”.
° ° °
Hôm đó tôi đang học hỏi với quan Thiên Giám thì một người khoác áo choàng màu trắng ở ngoài bước vào:
Pharaoh Akhenaten. Chúng tôi giật mình toan đứng dậy thì Akhenaten đã xua tay:
– Này quan Thiên Giám, hôm trước ta quan sát bầu trời thấy có một hiện tượng rất lạ nên muốn bàn riêng với ngươi. Ngoài ra ta muốn biết việc học hỏi của Sinuhe đã tiến bộ như thế nào.
Quan Thiên Giám cung kính:
– Pharaoh quan sát rất chính xác, hạ thần cũng đang muốn bàn với ngài về hiện tượng này.
Akhenaten quay sang tôi:
– Quan Thiên Giám cho ta biết rằng ngươi đã tiến bộ rất nhiều. Ta rất vui lòng. Chắc hẳn ngươi cũng biết ta truyền cho ngươi phải đi khắp các đạo viện, học hỏi, nghiên cứu cũng vì có mục đích riêng.
– Thưa Pharaoh. Kẻ này hết sức cảm ơn ngài đã khoan hồng…
Akhenaten thân mật ngồi xuống bên tôi, thong thả nói:
– “Này Sinuhe, khi trước ta đã bàn với ngươi về việc xây dựng một nền tảng giáo dục mới, một sự giáo dục thực sự chứ không phải chỉ nhồi nhét vài quan niệm trừu tượng hay kiến thức chuyên môn. Nền tảng giáo dục mới này là sự dạy dỗ cho con người trở nên những cá nhân biết rõ về mình, về môi trường hoàn cảnh chung quanh, ý thức sự tương quan giữa mình và môi trường ấy.
Mục đích của nền giáo dục mới này là nuôi dưỡng, vun trồng những mầm mống cao thượng sẵn có, tiềm ẩn bên trong mỗi cá nhân, để nó được phát triển một cách tự nhiên hài hòa với các định luật trong thiên nhiên. Theo ta nhận xét, phần lớn con người trải qua bao năm chinh chiến đã hư hỏng, đã đắm nhiễm các thói hư tật xấu, chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục đầy thù hận, ích kỷ nên rất khó thay đổi. Muốn đổi thay, chúng ta cần nhắm vào đối tượng mới là những trẻ ngây thơ, dễ uốn nắn, để giúp chúng thức tỉnh và phát triển những tiềm năng cao thượng sẵn có. Do đó ta có ý muốn giao cho ngươi trách nhiệm giáo dục những đứa trẻ thuộc thế hệ sau này.
Bổn phận của ngươi là khuyến khích sự phát triển tự nhiên của những trẻ còn hồn nhiên vô tư để chúng trở nên những người có lòng tốt, có lòng vị tha, biết hướng thượng.
Ta biết hoàn cảnh chung quanh cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là những người sống gần nó như cha mẹ hay vị thầy dạy dỗ nó. Những người này sẽ giúp cho đứa trẻ biết sống một cách ý thức, khôn ngoan trong mọi hoàn cảnh, và có thể sửa đổi ý nghĩa của hoàn cảnh đó nữa.
Dù cho đứa trẻ gặp hoàn cảnh bất hạnh, đau khổ nhưng nếu nó đã được giáo dục vững vàng thì những khổ đau này có thể giúp nó học thêm tính kiên nhẫn, chịu đựng và phát triển lòng thương đối với những người cùng hoàn cảnh. Dù cho nó gặp môi trường sung sướng, tốt đẹp thì nó cũng không trở thành một người ích kỷ, tự đắc hay dễ dãi với bản thân mình được. Tóm lại, một sự giáo dục chân chính sẽ giúp cho con người phát triển hoàn toàn trong mọi hoàn cảnh.
Này Sinuhe, đây là một công việc hết sức quan trọng.
Nó đòi hỏi người thầy phải có một kiến thức rộng, một tâm hồn mẫn cảm, và một lòng thương rộng lớn để có thể giúp học trò phát triển một cách hữu hiệu. Tìm được một người thầy như thế thật không dễ chút nào nên ta đã lợi dụng
hoàn cảnh khó khăn của ngươi, quan sát xem ngươi giải quyết mọi việc như thế nào, chịu đựng các thử thách ra sao, trước khi quyết định giao cho ngươi trọng trách này.”
Akhenaten im lặng một lúc rồi tiếp:
– “Này Sinuhe, từ ngàn xưa việc giáo dục vẫn được giao phó cho các giáo sĩ, những người đã hiến mình cho lý tưởng cao đẹp. Tuy nhiên theo thời gian, các giáo sĩ đã không hoàn tất nhiệm vụ này. Đa số đều mắc vào những sai lầm căn bản, không còn ý thức về cái lý tưởng cao đẹp ban đầu nữa. Phần lớn các giáo sĩ đã tổ chức thành những phe nhóm hay môn phái, sống bám vào những giáo lý khô khan, cằn cỗi như một phương tiện sinh nhai. Vì thiếu kinh nghiệm tâm linh, họ đã để cho tham vọng cá nhân chi phối và rồi đi xa hẳn mục đích cao đẹp lúc đầu.
Này Sinuhe, một vị thầy theo đúng nghĩa không phải là người có nhiều kiến thức hay ăn nói lưu loát mà phải là người bạn đồng hành của đứa trẻ, dìu dắt nó như một người ngang hàng chứ không dựa vào một uy quyền nào đó để áp chế nó. Một vị thầy giỏi phải biết đặt mình vào địa vị của đứa trẻ, phát triển cùng đứa trẻ, hiểu biết đứa trẻ, đi sâu vào những vấn đề khó khăn của nó, nhìn ngắm mọi việc xuyên qua con mắt của đứa trẻ, và hoàn toàn hiến mình cho sự giáo dục đứa trẻ ấy. Nếu một vị thầy không tiếp xúc mật thiết với đứa trẻ như thế, thì mọi sự dạy bảo chỉ là những gì hời hợt bên ngoài, một sự lặp đi lặp lại những kiến thức chết, rồi để mặc cho đứa trẻ loay hoay với những khó khăn, sợ hãi và từ đó nẩy sinh tư tưởng thù hận, tạo những hố sâu ngăn cách con người.
Ta thấy tôn giáo Ai Cập suy đồi vì các giáo sĩ chỉ thích đứng ở vị thế đầy uy quyền, đòi hỏi sự kính trọng của học trò. Họ không biết rằng sự kính trọng chân thành xuất phát từ nội tâm chứ không phải sự lặp đi lặp lại những nghi thức hay tuân theo một kỷ luật nhất định. Đó chỉ là những lễ nghi bên ngoài, một sự dối trá hay đóng kịch xuất phát từ sự sợ hãi mà thôi. Con người không ai thích những cái làm họ sợ hãi nên sự giáo dục xây dựng trên căn bản những
quyền uy, những giáo lệnh, những đe dọa… không bao giờ là sự giáo dục chân chính được.”
Câu nói vô tình của Akhenaten làm tôi nhớ đến hoàn cảnh giáo dục tại Trung Tâm Y khoa Abydos khi xưa. Lúc đó tôi đã bị đối xử tàn tệ bởi những lớp học trò đàn anh và suýt bị đuổi ra khỏi trường nếu không có sự can thiệp kịp thời của Horemheb. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu mặc dù nền y khoa Ai Cập đã tiến bộ với biết bao y sĩ tài giỏi nhưng đa số dân chúng vẫn bệnh hoạn, đau ốm lầm than vì hầu hết y sĩ chỉ lo kiếm sống bằng việc bóc lột bệnh nhân, chữa trị cho những người có thể trả tiền mà thôi.
Một nền giáo dục dựa trên sự tranh giành, bóc lột lẫn nhau như thế chỉ có thể sản xuất ra những kẻ hành nghề bằng sự đổi chác, mua bán. Đến lúc đó tôi mới thấy thán phục lý tưởng phụng sự người nghèo của cha tôi và tiếc rằng vì thiếu ý thức mà tôi đã rời xa hẳn con đường cha tôi chỉ dạy. Tôi nghĩ đến gia sản khổng lồ xây dựng trong thời gian hành nghề tại Palestine, những mánh khóe hốt bạc, những việc đổi chác, mua bán với bệnh nhân mà không khỏi hối hận về việc làm của mình. Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên Akhenaten nói tiếp:
– “Giáo dục là một phần rất quan trọng trong sự phát triển đời sống. Con người nhìn cuộc đời ra sao tùy thuộc rất nhiều ở sự giáo dục của người đó. Một vị thầy giỏi phải biết làm sao để phát triển những đức tính cao thượng, tốt đẹp nhất của học trò, không bao giờ khêu gợi, kích thích những nhược điểm hay tật xấu sẵn có của đứa trẻ. Bất cứ ai cũng đều có sẵn những tính tốt và xấu, ích kỷ cũng như vị tha. Chỉ cần được khuyến khích là những tính tình này sẽ phát triển mau chóng giống như các hạt giống được tưới nước sẽ nảy nở, tươi tốt.
Vì lý do đó, việc khuyến khích các mầm thiện, chỉ dẫn những điều tốt, để con người biết hướng thượng là điều quan trọng của việc giáo dục. Nếu khi còn nhỏ, đứa trẻ được giáo dục kỹ lưỡng về luân lý, đạo đức, được vun trồng săn sóc cẩn thận thì sau này khi trưởng thành, tiếp xúc với đủ mọi ảnh hưởng tốt xấu, nó có thể đương đầu với điều xấu vì đã phân biệt và đủ sức chống lại những cám dỗ.
Vào thời xa xưa, phần lớn Pharaoh đều là những tu sĩ được dạy dỗ cẩn thận và phát nguyện sống theo những lý tưởng phụng sự cao đẹp. Khi già yếu, họ thường chọn những người tài giỏi trong nước thay họ làm Pharaoh để tiếp
tục truyền thống phụng sự tốt đẹp này.
Theo thời gian, một số Pharaoh thiếu giáo dục đã đặt ra tục lệ thừa kế thiêng liêng để giành địa vị cho con cháu, cho người trong dòng họ nên từ đó nền giáo dục cũng thay đổi đi rất nhiều. Thay vì được hướng dẫn dạy dỗ về những điều cao thượng tốt lành để trở nên những con người chân thật thì các Pharaoh được giáo dục biệt lập trong nhung lụa, hưởng thụ những tiện nghi vật chất.
Chính lối dạy dỗ thoải mái, sung túc đó đã khiến họ trở nên thụ động. không thể tự mình giải quyết những vấn đề nan giải được nữa. Do đó họ dựa vào sự giúp đỡ của cá quan lại để tuyển lựa người từ những đạo viện. Việc lựa chọn này đã vô tình khuyến khích sự tranh đua, giành giật hơn kém. Vì căn bản giáo dục suy đồi như thế nên hầu hết quan lại đều có tham vọng riêng và hậu quả là việc cai trị được đặt trên tinh thần bộ lạc, phe nhóm, môn phái khiến tình trạng tranh cướp, chém giết lẫn nhau đã xảy ra.
Tranh giành nhau chưa đủ, họ quay qua chiếm đoạt tài sản của nước khác, gây chiến tranh khắp nơi. Cuộc chiến đã dẫn dắt con người vào những hố thẳm, phá hủy con người tận gốc rễ, làm mất đi những hạt giống thiện, những căn bản đạo đức. Phần lớn những người thành công nhờ chiến tranh chỉ biết đến chém giết, tranh cướp, giành giật như lối sống duy nhất. Nếu một quốc gia mà đa số nhân sự không còn biết phải trái, tốt xấu vì các mầm mống cao thượng đã bị thui chột thì làm sao có thể phát triển và tiến bộ cho được? Nếu cha mẹ là những người chỉ biết đến hận thù, tranh đấu thì làm sao con trẻ có thể học được lòng tha thứ, thương yêu?
Này Sinuhe, giáo dục không phải là một bức rào ngăn cách con người nhưng là một cây cầu nối liền con người với nhau. Nếu một cái cây còn non phải được che chở uốn nắn để sau này có thể chịu đựng được những đổi thay về thời tiết, những cơn mưa gió phũ phàng thì con người cũng thế.
Một đứa trẻ phải được giáo dục cẩn thận từ nhỏ để nó có đủ sức đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Thiếu giáo dục thì đứa trẻ sẽ thua trước khi lâm trận, và thiếu hiểu biết thì nó sẽ bị lôi kéo vào những sa ngã vì những ảnh hưởng xấu xa mà nó không biết phân biệt.
Này Sinuhe, giáo dục là điều quan trọng nhất trong việc đổi thay, phục hồi những đức tính cao thượng, tốt lành vẫn ẩn tàng trong tất cả mọi con người. Giáo dục là một tiến trình tổng quát và linh động chứ không thể gò bó trong những qui luật cứng ngắc hay các giáo điều vì nó là một nghệ thuật cần được phát triển từng ngày, từng giờ, từng phút. Vì giáo dục là một nghệ thuật nên những nhà giáo dục không những phải là người có kiến thức mà còn phải là những nghệ sĩ, những người có tâm hồn rộng mở với thiên nhiên, biết rung động theo nhịp điệu của thời tiết, vui buồn với thế thái nhân sinh.
Họ phải là những con người hoàn toàn tự do trong việc nuôi dưỡng huấn luyện những tâm hồn còn non dại, ngây thơ này. Một vị thầy phải biết thích nghi với sự nảy nở của đứa trẻ, phải tiếp xúc với những giai đoạn phát triển của đứa trẻ để dạy bảo và dìu dắt đúng với khả năng tiếp nhận của nó.
Này Sinuhe, ta đã cho xây cất tại Tel El Amarna những vườn cây, những con suối, những hồ nước để sau này nó trở nên một trung tâm giáo dục quan trọng của toàn vùng.
Không gì hữu ích cho con người bằng những ảnh hưởng của thiên nhiên và không đứa trẻ nào lại không thích thú những gì sống động như cây cỏ, hoa lá, chim chóc, thú vật. Theo chương trình đã vạch sẵn, ta sẽ đưa tất cả con trẻ về đây để thụ hưởng một nền giáo dục toàn vẹn, không phân biệt đứa trẻ đó phát xuất từ đâu hay gia cảnh như thế nào.
Ngày xưa, việc giáo dục chỉ dành riêng cho các gia đình quí tộc, nhưng ta không chấp nhận một sự phân biệt như thế. Đối với ta, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều phải được đối xử công bình như nhau, và ta sẽ giao phó cho ngươi trọng
trách chỉ huy trung tâm giáo dục này.” Akhenaten ngưng nói, suy nghĩ một lúc lâu trước khi tiếp tục:
– “Này Sinuhe, hẳn ngươi đã thấy rõ tầm quan trọng của nền giáo dục mà ta đang dự định cho thi hành. Nếu khi xưa các Pharaoh được giáo dục cẩn thận thì dưới sự lãnh đạo của ta, những người dạy dỗ con trẻ cũng phải được giáo dục cẩn thận như vậy và chỉ những người có đức hạnh nhất mới được tuyển chọn làm thầy giáo mà thôi. Ta không muốn các giáo sĩ đảm nhận việc giáo dục nữa vì đa số đều không hiểu giáo dục là gì. Dưới sự huấn luyện của họ, nền giáo dục đã biến thành một phương pháp để họ đạt được mục đích riêng chứ không hướng dẫn con người đạt đến những mục tiêu cao đẹp của đời sống.
Thứ tôn giáo thờ thần linh xây dựng trên nền tảng của sự sợ hãi đã khiến con người trở nên thụ động, lười biếng, trơ trơ như gỗ đá, không còn cảm xúc được nữa. Thứ giáo dục xây dựng trên nền tảng của sự áp chế này sẽ khiến đầu óc con người trở thành những khối tư tưởng được nhồi nhét trong một cái khuôn cứng ngắc, được sắp xếp trong những giáo điều riêng biệt, làm mất tự do cũng như nhân phẩm của con người khiến họ không thể thay đổi hay tiến hóa được nữa.
Này Sinuhe, mục đích của đời sống là làm sao để cho tất cả mọi sự phải trở nên linh động, phong phú, dồi dào, kể cả các sự kiện tầm thường nhất. Phải làm sao để cho tiềm lực con người được khai phóng, mở mang khiến đời sống có thêm ý nghĩa. Phải làm sao cho khả năng sáng tạo của con người có thể tuôn chảy mạnh mẽ khắp nơi. Bất cứ người nào cũng phải được hướng dẫn để cho trí thông minh được nảy nở toàn vẹn hầu sử dụng vào những mục đích vị tha, hướng thượng. Giáo dục là khai mở trái tim cũng như khối óc, tạo ra những đường hướng huy hoàng, vô tận để con người có thể xây dựng một nền văn minh tỏa rộng khắp nơi.
Khi xưa thánh sư Thoth đã dạy: “Linh hồn con người vốn vất tử thì tương lai con người phải là những gì huy hoàng, mỹ lệ vô bờ bến”. Nếu con người biết sống với đúng ý nghĩa của một con người thì tương lại nhân loại ắt phải huy hoàng chứ không thể nào khác đi được. Do đó nền giáo dục thực sự phải là một sự rèn luyện thân cũng như tâm để con người có thể tự do sống theo nhịp điệu điều hòa của những tiết điệu ẩn tàng trong họ, khiến đời sống trở thành một bản nhạc tuyệt diệu vang lừng khắp nơi. Akhenaten ngưng nói, cặp mắt ông trở nên mơ màng như đang đắm chìm trong một hình ảnh tuyệt vời nào đó.
Một lúc sau ông quay sang quan Thiên Giám, thong thả hỏi:
– Này quan Thiên Giám, có lẽ ông đã quan sát kỹ về hiện tượng kỳ lạ kia, vậy ông hãy cho ta biết dự đoán của ông như thế nào?
Quan Thiên Giám trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Kính thưa Pharaoh, theo sự suy đoán của kẻ này thì đó là một điềm xấu và nó sẽ ứng vào ngài nên kẻ này khuyên ngài hãy thận trọng. Theo sự tính toán của kẻ này thì tháng tới sẽ có nhật thực, ngôi Thái Dương sẽ bị che lấp một thời gian, các bầu tinh tú ở vị trí đối cực sẽ có dịp phát động rất mạnh rồi từ đó sẽ có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ…
Akhenaten gật đầu cắt ngang câu nói của quan Thiên Giám:
– Ta cũng biết trước hiện tượng nhật thực này, nhưng đó chỉ là những sự kiện thông thường của thời tiết, chẳng có gì đáng quan tâm. Dù sao ta cũng tin rằng việc thay đổi của các tinh tú chỉ phản ảnh những thay đổi của đời sống con người mà thôi. Nếu các tinh tú có thể chi phối con người thì hiển nhiên con người cũng có thể ảnh hưởng lên các tinh tú…
– Nhưng khi các tinh tú đối cực với ngôi Thái Dương nằm ở một vị trí nhất định nào đó thì chúng sẽ có các tác dụng hỗ tương rất mạnh, và khi ngôi Thái Dương bị che lấp, dù trong một khoảng thời gian không lâu, nó sẽ tạo cơ hội cho các ảnh hưởng kia phát động mạnh hơn. Kẻ này e ngại rằng thời gian cấp bách…
Quan Thiên Giám rụt rè chỉ lên tấm họa đồ tinh tú treo trên vách mà ông đã phân biệt các chùm sao, sự liên hệ giữa các tinh tú, các chi tiết mà ông tính toán đo lường để đưa ra những điều mà ông dự đoán. Pharaoh Akhenaten chăm chú theo dõi bản đồ rồi lẩm nhẩm tính toán một lúc trước khi lên tiếng:
– Này quan Thiên Giám, có lẽ ông tính đúng đấy…
Akhenaten chưa dứt lời thì có tiếng chân người bước vội lên cầu thang và Horemheb xuất hiện:
– Kính thưa Pharaoh, hạ thần vừa nhận được tin cấp báo…
Horemheb bước đến nói nhỏ vào tai Akhenaten. Pharaoh nhíu mày lắc đầu:
– Có chuyện như thế sao?
– Kính thưa Pharaoh, tể tướng Smenkere đã điều tra kỹ lưỡng và thông báo cho kẻ này…
Akhenaten thở dài:
– Chuyện đã thế, ta phải giải quyết cấp tốc, nếu không sẽ có những hậu qua tai hại không thể lường trước được!
Quan Thiên Giám chỉ tay lên tấm bản đồ, trên đó ghi nhận một ngôi sao vừa tắt với những dòng chữ tiên đoán điều vừa xảy ra:
– Nếu kẻ này đoán không lầm thì việc này xảy ra vào trưa hôm qua…
Trong lúc Akhenaten chăm chú theo dõi những chi tiết ghi trên tấm bản đồ thì Horemheb quay qua bên tôi nói nhỏ:
– Giáo sĩ trưởng phái Amun vừa bị ám sát. Một số quan triều ủng hộ phe nhóm Amun cũng bị giết… Hiện nay người ta đồn rằng chính Pharaoh đã cho thanh toán các phần tử đối lập. Điều này gây rối loạn khắp nơi và phe giáo sĩ đang triệu tập những phiên họp khẩn cấp để bàn kế hoạch… Ta vừa cho tăng cường quân sĩ đề phòng một cuộc phản loạn. Ngay lúc đó Akhenaten quay ra nói với Horemheb:
– Ta phải trở về Memphis ngay, ngươi hãy cho gọi Smenkere đến gặp ta. Chuyện này phải giải quyết cấp tốc chứ không thể để lâu được.
Quan Thiên Giám vội vã lên tiếng:
– Xin Pharaoh hãy bảo trọng, sự việc sắp xảy ra lành ít dữ nhiều…
Akhenaten thản nhiên gật đầu:
– Ngươi hãy yên chí, ta biết giữ mình.
Sau khi Akhenaten và Horemheb đi khỏi, vị quan Thiên Giám già ngồi trầm ngâm, suy nghĩ một lúc rất lâu rồi lên tiếng:
– “Dù Pharaoh có đề phòng cẩn thận nhưng ta vẫn thấy có điều chi không ổn. Ta thường quan sát sự thay đổi biến chuyển của các bầu tinh tú rất kỹ và bàn với Pharaoh. Mọi lần chúng ta thường đi đến một kết luận chung, nhưng lần này ta thấy Pharaoh có vẻ chủ quan hơi nhiều.
Này Sinuhe, từ ngàn xưa, nhờ nghiên cứu về khoa Chiêm Tinh, người Ai Cập đã biết ba động lực quan trọng phát xuất từ ba hành tinh thuộc chùm sao Thần Nông (Orion) có ảnh hưởng rất lớn đến những thay đổi trên mặt địa cầu. Vào những ngày giờ nhất định, ba bầu tinh tú này thường rọi xuống địa cầu những luồng thần lực rất mạnh, do đó các bậc trưởng lão Ai Cập đã cho xây cất ba Kim Tự Tháp nằm ở ba vị trí tương ứng với ba bầu tinh tú kia, để chiêu cảm các động lực thiêng liêng đó.
Từ ngàn xưa, người Ai Cập đã thực hành các buổi lễ điểm đạo huyền bí cho những bậc đạo trưởng trong những Kim Tự Tháp này. Đến thời Pharaoh Narmer, người đã thống nhất Ai Cập và thành lập một chính quyền trung ương, thì ông đã dựa theo qui tắc của ba nguồn thần lực kia mà tổ chức một guồng máy điều hành quốc gia gồm ba động lực chính: Pharaoh, vị lãnh đạo tối cao của dân Ai Cập; các giáo sĩ, lo việc tinh thần và thờ phụng thần linh; các võ quan, chỉ huy lực lượng quân sự có bổn phận gìn giữ an ninh, luật pháp trong nước.
Sự liên hệ và hỗ tương của ba động lực này sẽ giúp đỡ cho việc phát triển nền văn minh Ai Cập. Trải qua hàng ngàn năm nay, việc tổ chức quốc gia theo qui tắc này vẫn không thay đổi nhưng hiện nay ta thấy giữa Pharaoh và giới giáo sĩ đã có những rạn nứt, càng ngày càng trở nên căng thẳng, trầm trọng. Ta lo rằng việc này sẽ đưa đến những hiềm khích và một biến chuyển lớn sẽ xảy ra.”
– Pharaoh có biết như thế không?
– Hiển nhiên Akhenaten có chủ trương riêng, do đó lần này chúng ta không đồng ý với nhau. Theo sự nhận xét của ta thì Ai Cập đang bước vào một giai đoạn thoái hóa bởi những ảnh hưởng hắc ám nên việc phục hồi nền minh triết
của thời đại hoàng kim là điều không thể xảy ra được.
– Phải chăng Pharaoh Akhenaten không đồng ý với ông?
– “Đúng thế. Ông cho rằng đã đến lúc phải thay đổi toàn diện để đưa Ai Cập bước bào một thời kỳ mới. Hẳn ngươi cũng biết Akhenaten là một con người khác thường. Ông rất thông minh và có một cái nhìn bao quát, vượt xa những nhà thiên văn như ta. Ông cho rằng những kẻ như ta chỉ thấy những sự kiện xảy ra trong một giới hạn chứ không thấy rõ hoàn toàn tiến trình biến hóa của vạn vật.
Tuy cùng quan sát thiên văn nhưng sự nhận xét của ông về việc di chuyển và ảnh hưởng của các bầu tinh tú lại khác hẳn ta. Ông chủ trương phải vượt lên trên những giới hạn thông thường để hiểu được cái trật tự thiêng liêng của tạo hóa. Đây là điều mà ta không thể hiểu nổi…”
° ° °
Vài hôm sau tôi đang nghiên cứu học hỏi bỗng nhận được lệnh gọi phải trở về Memphis ngay vì thái hậu Taiya đang lâm bệnh nặng. Lệnh này do một tên nô lệ thân tín của công chúa Baketamon cầm đến nên tôi không nghi ngờ gì, vội vã lên đường ngay.
Đến Memphis thì trời đã về khuya. Thay vì đi bằng cửa chính, tên nô lệ đưa tôi vào cung qua một đường hầm bí mật được quân sĩ canh phòng rất cẩn thận. Căn phòng của thái hậu Taiya vắng vẻ, không có cung nữ hầu cận như mọi khi mà chỉ có công chúa Baketamon đang đứng chờ mà thôi. Thái hậu Taiya ngồi trên chiếc ghế bành quen thuộc, một tay bà cầm ly rượu lớn, tay kia đặt lên trên miếng chăn đan bằng loại sợi Phalon.
– Đã lâu lắm ta không gặp ngươi, nghe nói ngươi bị trừng phạt phải đi đến các đạo viện học hỏi thì phải…
Tôi vội bước đến chẩn bệnh nhưng không thấy bà có triệu chứng gì bất thường như lời ghi trên tờ giấy mà tên nô lệ cầm đến. Thái hậu Taiya bật cười:
– Ta cần gặp ngươi vì có việc muốn nói riêng với ngươi nên ra lệnh như thế đó.
– Thái hậu nói gì, thần không hiểu?
– “Ngươi không cần phải hiểu trong lúc này. Hẳn ngươi vẫn biết ta xuất thân là con nhà thuyền chài ở làng Phalon.
Năm xưa Pharaoh Amenophis đi dạo sông, thấy ta đang giăng lưới bắt cá nên gọi ta vào hầu. Ta tuy xấu xí chẳng thể so sánh với các phi tần cung nữ nhưng vì khỏe mạnh, ta làm Pharaoh vui lòng nên được đưa vào cung.
Chỉ vài hôm ta đã thấy cuộc sống huy hoàng lộng lẫy trong cung chỉ là một bãi chiến trường với các nhóm phi tần, cung nữ tranh giành ảnh hưởng để được ơn mưa móc của Pharaoh. Phần lớn những người này được tuyển chọn từ các gia đình quyền quí, những người trong hoàng tộc. Họ được nuôi dưỡng, huấn luyện từ nhỏ để trở thành phi tần, cung nữ nên ít ai biết gì về các thủ đoạn gian trá ngoài đời.
Họ chỉ biết ghen tuông, đố kỵ, nói xấu lẫn nhau mà thôi.
Phần ta là con gái dân giả nghèo hèn, va chạm thực tế đã nhiều, kinh nghiệm giang hồ nên chỉ một thời gian ngắn, ta đã mua chuộc hầu hết các nô lệ trong cung. Ta bành trướng thế lực qua việc giao thiệp với các giáo sĩ, nhất là các giáo sĩ thờ Amun và hứa hẹn cho họ rất nhiều quyền lợi.
Chẳng mấy chốc các phe phái phi tần, cung nữ trong cung đều bị ta thu dụng, những kẻ chống đối bị ta bỏ thuốc độc cho chết dần mòn, có kẻ bị tà thuật của các giáo sĩ làm cho điên loạn. Sau đó các quan trong triều từ nhỏ đến lớn ít nhiều đều bị ta mua chuộc.
Trong khi Pharaoh lo việc chinh chiến khắp nơi thì trong triều đình ta cũng bành trướng thế lực không kém. Năm sau ta có thai nhưng lúc đó hoàng hậu Ptelomy cũng đã có thai vài tháng trước. Dĩ nhiên là con của một phi tần, con ta không thể tranh ngôi vị với con của hoàng hậu được nên ta âm mưu tráo đứa con mới sinh của bà bằng xác một con mèo chết. Ta muốn giết đứa bé này nhưng trong cung dễ gì mà giấu xác một đứa bé nên ta đành mang nó bọc vào chiếc chăn mà ta đã tự tay đan lấy, rồi bỏ vào giỏ thả trôi trên sông như những đứa trẻ vô thừa nhận khác.
Này Sinuhe, đó là một ngày trăng tròn cách đây gần ba mươi năm… Sở dĩ ta làm thế vì nếu ai bắt gặp thì cũng nghĩ rằng nó chỉ là một giọt máu vô thừa nhận của một cô gái làng Phalon nào đó mà thôi…”
Thái hậu Taiya ngừng nói rồi nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi bàng hoàng, chân tay rụng rời, mồ hôi toát ra đầy áo, lắp bắp:
– Thái hậu… thái hậu… bà không đùa đấy… chứ…
– Không, ta không nói đùa đâu. Chiếc chăn lót nôi của ngươi được đan bằng sợi Phalon chỉ là một phần của chiếc chăn ta vẫn giữ bên mình này. Ta chắc ngươi nhận ra nó…
– Tôi… tôi… không tin.
Thái hậu Taiya nghiêm trang:
– Này Sinuhe, phải chăng ở đùi dưới của ngươi có một vết bầm rất sâu?
– Sao… tại sao bà biết?
– Ha ha ha, ta phải biết chứ vì chính tay ta đã làm dấu vào đó. Này Sinuhe, ngay từ khi gặp ngươi, nghe kể chuyện về thân thế mơ hồ của ngươi, ta đã biết ngươi chính là con của Hoàng hậu Ptelomy.
– Nếu thế… mẹ tôi… mẹ tôi hiện nay ra sao?
– Ha ha ha, như vậy hẳn ngươi đã nhận rằng ngươi chính là con của Hoàng hậu Ptelomy chứ gì? Hay lắm! Hay lắm!
Một hoàng hậu của Ai Cập lại đẻ ra một con mèo đen thì còn ra thể thống gì nữa. Các giáo sĩ bèn thưa với Pharaoh rằng chắc hẳn hoàng hậu có liên hệ với các loài ma quái nên mới đẻ ra một con mèo như thế. Pharaoh bèn ra lệnh thắt
cổ Ptelomy và đốt xác bà ra tro bụi ngay. Ít lâu sau, ta sinh hạ một hoàng nam và được phong là hoàng hậu. Năm sau ta còn sinh thêm một công chúa nữa, củng cố địa vị mình đến ngày nay. Này Sinuhe, ngươi có biết tại sao ta lại kể
chuyện này ra cho ngươi biết không?
– Tại sao?
– Vì ta muốn ngươi biết rằng trong mình ngươi có mang dòng máu thiêng liêng của hoàng gia.
– Để làm gì?
Ngay lúc đó có tiếng ồn ào xôn xao bên ngoài. Thái hậu Taiya bình tĩnh nói:
– Này Sinuhe, có những việc mà lúc này ngươi không thể hiểu đâu nhưng theo thời gian, ngươi sẽ hiểu.
– Khá lắm! Bây giờ Pharaoh mới biết quyền hành Ai Cập thực sự nằm trong ai hay sao? Phải đấy, chính ta là người nắm quyền chỉ huy Ai Cập trong bao năm nay. Cha của ngươi chỉ là một lão già mệt mỏi, bệnh hoạn vì chinh chiến; chính ta mới là người thực sự cai trị xứ này… Akhenaten phải biết, ta làm thế chỉ vì muốn giữ ngôi vị cho ngươi nhưng từ nhỏ ngươi chỉ là một đứa bé mơ mộng, không hợp với lòng mong đợi của ta. Baketamon còn xứng đáng hơn ngươi…
Akhenaten im lặng không nói gì nên thái hậu Taiya tiếp tục:
– Ngươi bỏ vào sa mạc rồi mất tích trong bao năm, ta tưởng ngươi đã chết nên muốn Baketamon tiếp nối công trình xây dựng của ta. Tiếc thay Smenkere lại tìm ra ngươi nên tình hình đổi khác. Từ khi lên ngôi Pharaoh, ngươi đã thay đổi mọi việc, làm xáo trộn triều chính, đảo lộn trật tự vẫn có từ trước đến nay và làm phiền lòng ta không ít. Đã thế ngươi còn liên kết với bọn Hitites và Nubia, đặt ra những thứ tôn giáo kỳ quái, tôn thờ chiếc đĩa tròn tượng trưng cho ngôi Thái Dương. Tại sao ngươi lại làm những việc kỳ quặc đó?
Akhenaten im lặng một lúc rồi thong thả đáp:
– Vì con đã tiếp xúc được với chân lý và từ đó cuộc đời con hoàn toàn đổi khác. Qua công phu tu tập, con biết được những chuyện đã xảy ra trong cung, những bí mật đằng sau những đẹp đẽ, mỹ lệ của triều đại văn minh, huy hoàng
này. Con đã ý thức rất rõ những tham vọng điên cuồng của những người chỉ huy, lãnh đạo quốc gia, những người đầy mưu mô xảo trá nên quyết định đã đến lúc phải thay đổi tận gốc rễ.
– Ngươi quả là một kẻ ngu xuẩn, thật uổng công ta và cha ngươi đã xây dựng cho ngươi… Akhenaten không trả lời chỉ cho gọi viên quan lo việc ghi chép:
– Đây là lệnh của ta, từ nay cung điện Memphis được niêm phong cẩn thận. Không ai được phép ra vào nơi đây nữa. Phần ta cũng sẽ không trở lại đây nữa. Từ nay việc triều chính sẽ đưa hết về Tel El Armarna.
Sau khi Akhenaten bước ra khỏi thì công chúa Baketamon mới giận dữ lên tiếng:
– Ngươi đã thấy chưa? Anh ta điên loạn mất rồi! Đã đến lúc chúng ta phải hành động gấp.
– Công chúa muốn gì?
– Còn gì nữa? Đã đến lúc ta phải tranh ngôi Pharaoh với anh ta. Ta đã chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi đang trố mắt kinh ngạc thì thái hậu Taiya đã lên tiếng:
– Hiển nhiên Baketamon không thể làm Pharaoh được, nhưng nếu ngươi và Baketamon làm lễ thành hôn thì ngươi sẽ trở thành Pharaoh của Ai Cập. Dù sao ngươi cũng có dòng máu hoàng tộc trong người.
– Cái gì kỳ lạ vậy?… Tại sao lại có thể có chuyện như thế được?
Baketamon tức giận:
– Hiện nay cờ đã đến tay mà ngươi không muốn phất hay sao? Chúng ta đã chuẩn bị từ lâu, vì biết ngươi có dòng máu thiêng liêng nên ta mới để ý đến ngươi. Này Sinuhe, một công chúa cành vàng lá ngọc như ta đâu thể lấy một kẻ tầm thường được.
Tự nhiên mọi việc trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết. Thì ra thế! Việc Horemheb quyến rũ Nefer cũng do lệnh của công chúa Baketamon. Nguyên nhân Thái hậu và Công chúa để ý đến tôi chỉ vì phát hiện ra tôi chính là người xứng đáng
thừa kế ngôi vị Pharaoh. Tôi đứng sững ra đó, đầu óc quay cuồng không biết phải phản ứng như thế nào.
Baketamon bật cười:
– Chúng ta đã tính toán từ lâu rồi nên để tâm theo dõi ngươi. Ngươi bỏ đi đâu mấy năm trời làm chúng ta lo muốn chết.
Ngay khi đó, tên nô lệ ở bên ngoài bước vào. Công chúa ra lệnh:
– Ngươi hãy chuẩn bị cẩn thận. Sau khi anh ta chết thì ngươi phải ra tay ngay không được chậm trễ. Phải giết Smenkere và Horemheb ngay để tránh hậu họa.
Tôi luống cuống nói không ra hơi:
– Công chúa… công chúa… dám giết… anh ruột ư?
– Này Sinuhe, khi xưa ta đã nói với ngươi rằng một người lãnh đạo phải có mưu lược và thủ đoạn. Phải dám làm những việc không ai dám làm, nếu cần giết người thì phải giết người, nếu cần hy sinh tất cả thì phải sẵn sàng hy sinh để đạt mục đích. Có như thế mới làm được việc lớn.
– Nhưng… nhưng công chúa làm thế nào để giết Pharaoh?
Baketamon thản nhiên:
– Ngươi sẽ làm việc đó cho ta.
– Cái gì?
– Anh ta vẫn tin tưởng ở ngươi. Hẳn ngươi cũng biết anh ta thường hay lên cơn động kinh vào những ngày trăng tròn, chỉ cần ngươi chữa sai đi một chút, gia tăng liều lượng thuốc làm sao cũng được. Sau đó thì ngôi vị Pharaoh sẽ về
tay ngươi… Thì ra tất cả đã có kế hoạch từ trước và tôi sẽ là người thi hành việc này. Tôi muốn đứng yên nhưng hai đầu gối run lên như muốn ngã.
Thái hậu Taiya nói:
– Ta biết Pharaoh đang chuẩn bị mở một trung tâm giáo dục tại Armarna và ngươi sẽ được giao phó trọng trách trông coi trung tâm này.
– Tại sao việc gì bà cũng biết vậy?
– Ha ha ha… Từ bao năm nay, có việc gì mà qua được mắt ta. Tuy ta chỉ ngồi trong cung mà vẫn nắm vững tình hình khắp nơi. Chúng ta có một lực lượng thám tử ở khắp mọi nơi nên chuyện gì mà ta chẳng biết.
Tôi rùng mình toát mồ hôi hột. Thì ra người đàn bà già yếu kia mới chính là người nắm quyền Ai Cập trong nhiều năm qua. Để duy trì quyền lực này, bà không ngần ngại làm tất cả mọi việc, kể cả việc âm mưu giết con mình vì nó không đi theo con đường quyền lực mà bà chủ xướng. Khi trước tôi vẫn nghe Horemheb nói đến một thế lực đối nghịch trong bóng tối nhưng không để ý vì còn bận tâm đến những việc khác. Tôi nhớ đến buổi thiết triều của Akhenaten và thái độ khó chịu của một số quan lại trước chủ trương cải cách của vị hoàng đế trẻ tuổi này.
Đối với phong tục Ai Cập, Pharaoh là người đã được các thần linh lựa chọn để cai trị xứ này. Pharaoh vừa là ngươi, vừa là thần, có quyền hành tối thượng và bất khả xâm phạm. Việc bất đồng ý kiến với Pharaoh là một trọng tội, có thể bị tử hình.
Đến nay tôi mới rõ sở dĩ một số quan lại dám chống đối vì họ có một thế lực khác ngầm ủng hộ và thế lực này không ai khác hơn là thái hậu Taiya, mẹ của Pharaoh. Thảo nào khi xưa lúc Hoàng đế Amenophis đời thứ ba vừa qua đời, hoàng thân Kira đã cho người vào cung ám sát thái hậu Taiya và công chúa Baketamon này. Hiển nhiên một người có âm mưu soán nghịch phải biết rõ những lực lượng đối lập để ra tay thanh toán ngay khi có dịp.
Tất cả mọi diễn tiến trong quá khứ tuần tự hiện lên trong óc tôi, từ cuộc thanh toán đẫm máu sau khi Hoàng đế Amenophis qua đời đến việc tìm kiếm cho ra vị thái tử nối ngôi đang ẩn tu ngoài sa mạc. Từ việc một Pharaoh trẻ, vừa lên ngôi đã thay đổi đường lối cai trị, không sử dụng những quan lại cũ mà đưa một người ngoài dòng họ như Smenkere lên địa vị tể tướng cho đến việc tuyển chọn một kẻ xa lạ như Horemheb vào địa vị chỉ huy Ngự lâm quân. Phải chăng Akhenaten đã biết rõ về cái quyền lực đứng sau ngôi vị Pharaoh này? Phải chăng ông đã ban hành những biện pháp cải tổ triều chính, tôn giáo, xã hội để đưa Ai Cập ra khỏi ảnh hưởng ma quái của vũng lầy quyền lực ấy? Tại sao một hoàng tử sống trong cung vàng điện ngọc như vậy lại không đi theo những vết xe cũ mà cương quyết thay đổi, cải tổ dù biết rằng sẽ va chạm mạnh với những sức mạnh quyền lực lớn lao trong nội bộ triều chính?
Tôi miên man suy nghĩ và thấy sợ hãi trước tham vọng điên cuồng của những kẻ ham mê quyền lực này. Để đạt địa vị, người đàn bà kia đã không ngần ngại làm những việc động trời như tráo con của Hoàng hậu Ptelomy để giành ngôi vị Pharaoh về cho con mình. Khi đứa con không chịu đi theo đường lối, chủ trương hay đáp ứng kỳ vọng của bà thì bà ta không ngần ngại âm mưu ám hại nó để đưa quyền lực vào tay đứa con khác…
Thấy tôi có vẻ đăm chiêu suy nghĩ, công chúa Baketamon vội lên tiếng:
– Chúng ta đã suy tính rồi, việc trông coi trung tâm giáo dục này là một cơ hội rất tốt vì ngươi sẽ có nhiều dịp tiếp xúc với anh ta. Khi thuận tiện, ngươi cứ việc ra tay. Sau đó ngươi có thể thành hôn với ta và đương nhiên trở thành Pharaoh. Thấy tôi không tỏ thái độ gì. Thái hậu Taiya nhìn tôi dò xét rồi nhẹ nhàng nói:
– Này Sinuhe, địa vị Pharaoh này vốn thuộc về ngươi, ta chỉ giúp ngươi đoạt lại nó thôi. Ngươi có muốn làm Pharaoh không?
– Tôi… tôi không biết.
Thái hậu Taiya bật cười nói với Baketamon:
– Thằng y sĩ này thành thật, dễ sai bảo. Mày cứ để cho nó làm Pharaoh rồi đứng sau lưng mà ra lệnh cho hắn… ha ha ha…
Đang cười, bất chợt bà sa sầm mặt xuống rồi nghiến răng:
– Sinuhe, hôm nay chúng ta đã nói rõ mọi việc với ngươi, vậy ngươi hãy quyết định ngay, hoặc ngươi theo chúng ta hoặc…
Bà ngừng nói như để tôi suy nghĩ rồi gằn giọng:
– Này, ngươi nên biết rằng người của chúng ta hoạt động và có mặt khắp nơi. Nếu phản phúc, ngươi sẽ không toàn tính mạng đâu.
Công chúa Baketamon cười nhạt, thêm vào:
– Không những thế, những người liên hệ với ngươi như con bé bán rượu ở Thebes cũng chẳng thể sống được.
Tôi giật mình kêu lớn:
– Cái gì… Cô nói gì?
Baketamon thản nhiên:
– Con bé bán rượu đã mua lại căn nhà cũ của cha mẹ ngươi hiện đang nằm trong tay ta và chỉ với một lệnh nhỏ là nó bị ném vào chuồng sư tử đói ngay. Này Sinuhe, chẳng một việc gì ngươi làm lại qua khỏi mắt chúng ta được. Kể từ ngày mẹ ta phát hiện ra ngươi là con của hoàng hậu Ptelomy thì chúng ta đã có kế hoạch và một khi chúng ta đã để ý đến ngươi thì làm sao ngươi có thể thoát ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta nữa!
Thái hậu Taiya chăm chú nhìn tôi:
– Sinuhe, hiện nay sinh mạng ngươi đang nằm trong tay ta. Nếu ngoan ngoãn tuân lệnh thì ngươi sẽ được đền bù xứng đáng, còn nếu không ngươi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa đâu!
Tôi mệt mỏi ngồi phịch xuống chiếc ghế gần đó, đầu óc căng thẳng. Thì ra họ đã có những dự tính từ trước và tôi chỉ là một con cờ trong bàn cờ đã bày sẵn. Tôi nghĩ đến Akhenaten và chủ trương thay đổi của ông cũng như lời cảnh cáo của quan Thiên Giám. Không lẽ số phận của vị vua trẻ tuổi này lại kết thúc bi đát như vậy sao? Tôi nghĩ đến ảnh hưởng của những vì tinh tú đang vận hành trong vũ trụ, phải chăng con người không thể cãi lại số phận đã định sẵn?
Tại sao một người đã nghiên cứu về Chiêm Tinh như Akhenaten lại bất cẩn, không để ý đến những chuyện này?
Không lẽ ông quá lạc quan và tin tưởng rằng con người có thể hoán cải số mạng chính mình? Tự nhiên tôi nhớ lại lời dặn dò ân cần của Smenkere về việc đừng dính dấp vào những chuyện thị phi và không khỏi hối hận đã không nghe theo lời khuyên của vị sĩ quan già.
Công chúa Baketamon chăm chú quan sát tôi một lúc rồi mới hỏi:
– Thế nào, ngươi nghĩ sao?
Tôi ngước mắt nhìn khuôn mặt lạnh lùng của thái hậu Taiya rồi lắc đầu:
– Tôi… tôi không thể làm chuyện này được.
– Cái gì? Ngươi muốn chết ư?
– Tôi… tôi… không thể làm thế được.
Thái hậu Taiya lắc đầu:
– Sinuhe, ngươi thật là một thằng ngu! Cơ hội đến tay mà không biết nắm, thật uổng công ta đã tính toán, xếp đặt. Được lắm, nếu ngươi muốn chết, ta cho chết ngay.
Tự nhiên tôi cảm thấy một bầu nhiệt huyết sôi sục trong lòng khiến tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi thản nhiên trả lời:
– Thưa Thái hậu, là người ai chẳng phải chết, tất cả chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Kẻ chết sớm, người chết muộn nhưng trước sau ai cũng chết. Tuy nhiên tôi vẫn có thể lựa chọn cái chết cho mình và tôi sẵn sàng chết trong danh dự thay vì trong nhục nhã, ê chề. Hiện nay số phận tôi đã nằm trong tay bà thì bà cứ việc ra tay đi…
Thái hậu Taiya cười gằn quăng ly rượu trong tay xuống đất:
– Được lắm! Ngươi đã muốn chết thì ta cho ngươi chết, nhưng ngươi không thể chết dễ dàng đâu!
Bà đập mạnh tay lên chiếc chuông nhỏ. Một gã nô lệ bước vào. Bà ra lệnh:
– Hãy ném nó xuống hầm sư tử đói, cùng với con bé bán rượu kia, nhưng hãy để nó chứng kiến việc sư tử xé xác con bé kia trước.
Công chúa Baketamon vội lên tiếng:
– Khoan đã, chúng ta còn cần đến hắn…
Thái hậu Taiya quắc mắt:
– Thằng y sĩ này không thể dùng được nữa. Ta sẽ có kế hoạch khác…
– Nhưng… nhưng hắn có dòng máu linh thiêng…
– Cái gì? Đã thế mà ngươi còn muốn lấy nó hay sao? Công chúa Baketamon lắc đầu:
– Nhưng con đâu thể lấy một thằng chồng dân giã, tầm thường được!
Thái hậu Taiya cười lớn:
– Baketamon con ơi, tuy con mang dòng máu thiêng của họ Amenophis nhưng thằng này là con của Ptelomy. Tao đã giết mẹ nó thì lẽ nào để nó sống và để việc này bị tiết lộ được! Nó phải chết.
° ° °
Bỗng nhiên một tiếng cười nhạt ở đâu vang lên:
– Này Taiya, bà không giết được Sinuhe đâu.
Thái hậu Taiya và công chúa Baketamon giật mình nhìn ra cửa. Viên sĩ quan già có khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ đã đứng đó từ lúc nào.
Thái hậu Taiya giận dữ:
– Smenkere, làm sao ngươi vào được đây?
Vị sĩ quan già thản nhiên:
– “Đối với thằng sĩ quan già này thì con đường hầm bí mật của Thái hậu chẳng có gì đáng gọi là bí mật. Này thái hậu Taiya, ta đã biết rõ âm mưu của bà từ lâu rồi nhưng chưa đủ bằng cớ cho đến khi bà ra lệnh giết nhóm giáo sĩ phái Amun. Khi Ptah công khai bầy tỏ thái độ chống đối Pharaoh thì ta biết ngay hắn chỉ là một con chốt thí trong bàn cờ bà bầy ra.
Hiển nhiên nếu không được bà hứa hẹn thì thằng giáo sĩ trưởng phái Amun đó đời nào dám thách thức Pharaoh giữa chốn triều đình như vậy! Rõ ràng sự chống đối của hắn có lý do chính đáng và cái chết của hắn sẽ gây mầm bất mãn trong giới giáo sĩ, mở đầu cho một cuộc nổi loạn, tranh chấp ôn giáo. Trong sự xáo trộn này sẽ có kẻ thắng và người bại. Nếu phe giáo sĩ thắng thì Pharaoh chẳng thể sống sót và bà sẽ tiếp tục là người nắm quyền chỉ huy xứ này. Ngược lại, nếu Pharaoh muốn bảo toàn ngôi vị, ông bắt buộc phải ra tay dẹp tan các phần tử nổi loạn và như thế bà vẫn chẳng mất gì vì vẫn là người đứng sau ngôi vị Pharaoh.
Này Taiya, bà tính toán đã hay nhưng bà quên rằng thằng sĩ quan già này cũng biết tính toán chẳng kém. Khi được biết bà ra lệnh giết Ptah và một số quan triều để đổ tội cho Pharaoh, ta đã cho người bắt giữ chúng trước và thay vào đó xác chết của một số nô lệ. Dĩ nhiên khi Ptah biết bà định lợi dụng cái chết của hắn để châm ngòi cho cuộc chiến tranh tôn giáo thì hắn phải khai hết mọi sự ra cho Pharaoh.
Các quan triều cũng thế. Khi biết rằng họ chỉ là những con vật hy sinh cho tham vọng của bà thì họ đã cũng khai tất cả.
Này thái hậu Taiya, tất cả những kẻ thân tín của bà đều đã bị Horemheb bắt giữ cả rồi, hiện nay quân sĩ của ta đang làm chủ tình hình. Pharaoh Akhenaten ra lệnh niêm phong cung điện Memphis, cấm không cho ai ra vào chỉ là một hình thức che chở cho mẹ và em gái không bị liên lụy mà thôi. Ông hy vọng bị giam lỏng như thế, bà sẽ không còn cơ hội tác oai tác quái nữa và có thể sống tại đây cho đến ngày cuối cuộc đời. Tuy nhiên thằng sĩ quan già này không tin một người như bà lại chịu yên thân chết già như thế nên ta đến để giúp bà ra đi đây.”
Thái hậu Taiya ngồi yên trên ghế bành, sắc mặt nhợt nhạt, không nói gì. Có lẽ biến cố xảy ra quá đột ngột khiến bà không kịp phản ứng hay kịp mưu tính việc gì khác. Công chúa Baketamon cũng hốt hoảng lùi lại, hai mắt láo liên như muốn tìm lối thoát.
Smenkere quay qua phía tôi, lên tiếng:
– Này Sinuhe, ta thật không ngờ ngươi lại chính là con của Hoàng hậu Ptolemy. Hay lắm! Hay lắm!… Ta không ngờ ngươi mang dòng máu thiêng trong huyết quản…
Thái hậu Taiya gượng cười:
– Smenkere, ta biết ngươi có nhiều tham vọng nhưng ta không tin ngươi lại trung thành với con ta như vậy…
Smenkere cười nhạt không nói gì, chỉ hất hàm ra lệnh. Gã nô lệ lặng lẽ nhấc một cái gối rồi bước đến bên cạnh Thái hậu Taiya. Có lẽ hắn sẽ chụp cái gối lên mặt bà để bà ngạt thở mà chết.
Công chúa Baketamon hoảng hốt:
– Ngươi… ngươi cũng theo phe… Smenkere hay sao?
Smenkere lạnh lùng:
– Này công chúa, dù là nô lệ nhưng chẳng ai muốn chết sớm. Công chúa nghĩ rằng với một ít vàng bạc, châu báu là công chúa có thể mua chuộc được tất cả mọi người hay sao?
Thái hậu Taiya quay qua nhìn tôi:
– Sinuhe, ta không muốn chết dưới tay thằng nô lệ này.
Ngươi hãy chế cho ta một liều thuốc độc.
Smenkere cười nhạt:
– Lúc nào Thái hậu cũng có sẵn thuốc độc bên mình, việc gì phải nhờ đến Sinuhe. Từ trước đến nay đã có bao nhiêu người bị Thái hậu đầu độc rồi…
Thái hậu Taiya thở dài nhặt chiếc ly rượu nằm dưới đất lên. Bà thong thả rót cho mình một ly rượu đầy rồi rút chiếc nhẫn đeo trên tay ra, xoay ngược nó lại để đổ vào ly rượu một ít bột màu trắng. Thì ra thuốc độc được giấu trong một ngăn nhỏ nằm dưới đáy chiếc nhẫn.
Bà nhếch miệng cười:
– Giỏi thật, việc gì ngươi cũng biết. Có lẽ ta đã đánh giá lầm về ngươi.
Smenkere đứng yên nhìn Thái hậu uống cạn ly rượu, khuôn mặt nhăn nheo của y không để lộ cảm xúc gì. Công chúa Baketamon hốt hoảng định bước đến nhưng bị gã nô lệ chặn lại.
Cô quát:
– Hãy tránh ra, ta muốn cùng chết với mẹ ta.
Smenkere lắc đầu, lạnh lùng nói:
– Công chúa chưa thể chết được.
– Ngươi muốn gì?
Smenkere chậm rãi:
– Hình như công chúa vẫn có ý định lấy chồng nên ta sẽ giúp công chúa hoàn tất ý nguyện…
Công chúa Baketamon giận dữ:
– Cái gì? Phải chăng ngươi muốn lấy ta?
Smenkere lắc đầu:
– Thằng sĩ quan này già rồi, đâu muốn lấy vợ nữa nhưng công chúa quả là một phần thưởng xứng đáng cho một người có công khác.
– Ngươi muốn nói đến Sinuhe ư?
Smenkere đưa mắt nhìn tôi rồi nói buông thõng:
– Không. Ta muốn gả cô cho Horemheb.
Công chúa Baketamon quát lớn:
– Ngươi dám gả ta cho thằng con nhà bán bánh ngoài chợ đó sao? Ta thà chết chứ không đời nào chịu lấy một kẻ hạ lưu, bần tiện; một thủ hạ như thế. Smenkere cười nhạt:
– Ta muốn biết giữa công chúa và Horemheb, ai sẽ trị được ai.
Công chúa Baketamon nổi giận xông đến nhưng đã bị gã nô lệ cao lớn túm chặt lại. Smenkere ra lệnh:
– Ngươi hãy mang công chúa vào phòng riêng cho ta.
Thái hậu Taiya im lặng nhìn tên nô lệ đưa công chúa đi khuất rồi gật đầu như vừa hiểu ra một điều gì:
– Thì ra thế! Smenkere, ngươi giỏi thật nhưng ta muốn biết ngươi sẽ đối xử với con trai ta như thế nào?
Smenkere lạnh lùng:
– Bà đoán được ý ta đấy nhưng muộn rồi…
Thái hậu Taiya thở dài:
– Này Smenkere, ta vẫn biết ngươi có tham vọng nhưng ta tưởng ngươi đã hài lòng với địa vị tể tướng rồi! Thật ta không ngờ ngươi lại muốn làm Pharaoh.
° ° °
Câu nói của Thái hậu Taiya làm tôi giật mình ngơ ngác nhìn Smenkere. Không lẽ ông này cũng muốn tranh giành ngôi vị Pharaoh? Như hiểu được thắc mắc của tôi, Thái hậu Taiya thong thả giải thích:
– “Này Sinuhe, một kẻ hiền lành như ngươi không thể đoán ra âm mưu của Smenkere đâu. Hắn lợi dụng tình thế “trai cò mổ nhau, ngư ông đắc lợi” để tranh đoạt ngôi vị Pharaoh đấy. Khi trước ta chưa nghĩ ra nhưng qua thái độ của hắn đối với Baketamon, ta hiểu ngay. Dù làm Tể tướng, quyền uy tột đỉnh nhưng hắn vẫn chỉ là vị quan, lấy quyền gì mà đòi gả công chúa cho người khác trừ phi hắn làm Pharaoh! Chỉ có Pharaoh mới có thể gả công chúa cho một kẻ tầm thường như Horemheb. Điều này cũng dễ hiểu, hiện nay chỉ còn hai lực lượng đáng kể là lực lượng quân sự của Smenkere và lực lượng Ngự lâm của Horemheb. Muốn Horemheb theo mình, hắn phải lấy lòng kẻ cầm đầu Ngự lâm quân và không phần thưởng nào xứng đáng hơn một công chúa cành vàng lá ngọc. Nếu lấy Baketamon, Horemheb sẽ đương nhiên trở nên người của dòng họ Amenophis và có triển vọng làm Pharaoh. Nếu Smenkere lên ngôi Pharaoh thì Horemheb sẽ hết lòng trung thành với hắn vì một lý do dễ hiểu là tuổi tác Smenkere đã cao lại không vợ con thì trước sau gì Horemheb cũng sẽ là kẻ thừa kế địa vị Pharaoh. Này Smenkere, liệu ta nói như vậy có đúng không?”
Smenkere im lặng không nói gì nhưng không trả lời tức là công nhận điều thái hậu Taiya nói là đúng. Tôi bàng hoàng trước sự nhận xét của người đàn bà già yếu sắp từ giã cõi đời này và tự hỏi không lẽ mọi người có thể tham lam, tàn bạo với nhau đến vậy hay sao?
Thái hậu Taiya bật cười, nói tiếp:
– Này Sinuhe, hiện nay ngươi là một ẩn số trong bài toán lạ lùng này đấy. Không ai ngờ ngươi lại mang dòng máu thiêng liêng của Hoàng đế Amenophis trong huyết quản và địa vị Pharaoh phải về tay ngươi mới đúng… Ha ha ha, ngươi hãy lo giữ mình vì Smenkere sẽ không để cho ngươi yên đâu!
– Tôi… tôi… không muốn làm Pharaoh.
Thái hậu Taiya quay qua nói với Smenkere nhưng giọng bà trở nên đứt quãng, có lẽ vì thuốc độc bắt đầu ngấm:
– Này Smenkere, ta chắc ngươi… sẽ mượn tay Sinuhe… để… giết con ta. Nếu ta biết trước… Nếu ta biết trước…
Smenkere im lặng quan sát Thái hậu Taiya đang từ từ gục xuống ghế. Tôi vội bước đến bắt mạch nhưng tim bà đã ngừng đập. Smenkere chăm chú nhìn tôi rồi nói:
– “Này Sinuhe, hẳn ngươi biết hiện nay Ai Cập đang lâm vào tình trạng rối loạn cùng cực. Việc tôn thờ Aten đã đưa đến việc tranh chấp tôn giáo giữa các giáo sĩ. Việc cải cách xã hội đã khiến giới quí tộc bất mãn, thêm vào đó việc bãi bỏ thuế khóa, bắt đinh, sưu tra đã đụng chạm đến quyền lợi của giới này rất nhiều. Việc giảm thiểu quân đội cũng đưa đến những mầm mống nổi loạn trong hàng ngũ sĩ quan.
Ta, một người Ai Cập, không thể để cho xứ này rơi vào tình trạng hỗn loạn đó được… Ta biết Akhenaten là người có lý tưởng nhưng cái lý tưởng này không phù hợp với tình thế hiện tại nữa. Việc kết thông gia với người Hitites và những hòa ước với người Nubia đã làm cho các nước chư hầu không còn thần phục Ai Cập nữa…
Ta, một người Ai Cập, không thể để những nước láng giềng này nhòm ngó nước ta.
Này Sinuhe, hiện này ngươi là kẻ có thể giúp ta khôi phục Ai Cập trở lại tình trạng huy hoàng như thuở xưa. Từ trước đến nay ta vẫn coi ngươi như con. Ta sẽ nhận ngươi làm con và ngươi sẽ làm Pharaoh. Phải rồi, ngươi xứng đáng nối ngôi ta làm Pharaoh… dù sao ngươi cũng mang dòng máu thiêng liêng…”
– Ông muốn tôi làm gì?
– Hiện nay Pharaoh đang chuẩn bị đi Amarna nhưng cái chết của Thái hậu Taiya sẽ làm ông xúc động có thể lên cơn động kinh. Ngươi hãy chữa trị cho ông ta và chỉ cần một xẩy tay, Akhenaten sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng. Mọi việc đã có ta và Horemheb lo liệu.
– Horemheb cũng dính dáng vào việc này sao?
– Dĩ nhiên rồi. Nếu ta và Horemheb không hợp tác chặt chẽ với nhau thì dễ gì thanh toán được phe nhóm của thái hậu Taiya. Tôi chăm chú nhìn Smenkere như không tin vào tai mình. Chỉ một đêm mà bao biến cố bất ngờ liên tiếp xảy ra và hơn lúc nào hết tôi nghĩ đến Akhenaten cùng chủ trương thay đổi cải cách của ông.
Tôi gật đầu:
– Được lắm, hãy đưa tôi đến gặp Akhenaten.
Smenkere chăm chú nhìn tôi như dò xét một lúc rồi gật đầu quay mình đi trước. Tôi thong thả theo sau. Dọc hai bên hành lang tôi thấy quân sĩ của Smenkere canh phòng hết sức cẩn thận. Chúng tôi ra khỏi cung điện thì thấy một nhóm lính Ngự lâm gươm giáo sáng ngời đang chờ sẵn.
Dưới ánh đuốc bập bùng, Horemheb mặc quân phục oai phong đang đứng chờ. Smenkere gật đầu ra hiệu cho Horemheb.
Hắn hội ý, vội bước đến xiết chặt tay tôi:
– Sinuhe, mày hãy giúp tao.
Tôi yên nhìn Smenkere và Horemheb dưới ánh đuốc bập bùng, và chợt nhận thấy cả hai đều đeo những thanh gươm hình thù kỳ lạ giống y hệt thanh gươm của người Hitites khi xưa. Không hiểu sao tôi cảm thấy lợm giọng buồn nôn…
Thì ra Smenkere và Horemheb đã không tuân lệnh Pharaoh mà vẫn tiếp tục theo đuổi việc thi đua võ trang với người Hitites. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến lời dặn của Akhenaten: “Võ khí được chế tạo với mục đích duy nhất là phục vụ chiến tranh. Võ khí càng sắc bén, người ta càng muốn gây chiến tranh để thử xem sức mạnh của võ khí đó ra sao. Nếu Ai Cập cho rèn kiếm bằng thứ kim loại mới này thì người Nubia cũng sẽ làm như thế và rồi người Palestine, người Syria, người Babylon. Nếu mọi quốc gia đều thi đua sản xuất võ khí thì nạn đao binh sẽ không thể tránh khỏi, rốt cuộc chỉ có bọn sản xuất võ khí là được lợi lạc. Theo ta thì sự phòng thủ hữu hiệu nhất là nâng cao dân trí, khai triển sự hiểu biết của mọi người, không riêng cho Ai Cập mà cho cả những quốc gia lân cận. Không một dân tộc khôn ngoan nào lại lựa chọn những người lãnh đạo hiếu chiến; và không một kẻ lãnh đạo nào dám gây chiến khi biết dân chúng đã có trình độ hiểu biết cao, không dễ gì hướng dẫn họ vào những cuộc chiến bằng các lập luận mơ hồ, viễn vông”.
Smenkere và Horemheb đưa tôi vào một căn phòng chung quanh có quân sĩ canh gác cẩn thận. Horemheb kéo ghế mời tôi ngồi rồi nghiêm trang nói:
– “Chắc mày cũng biết chúng ta vừa dẹp tan phe nhóm của thái hậu Taiya. Hiện nay Ai Cập đang bước vào một khúc quanh quan trọng của lịch sử. Thế hệ sau sẽ phán xét chúng ta qua những hành động của chúng ta ngày hôm nay.
Là người Ai Cập với truyền thống oai hùng, bách chiến bách thắng, chúng ta cần phải tô điểm cho lịch sử xứ này thêm rạng rỡ.
Từ bao năm nay, mọi Pharaoh đều nối tiếp nhau xây dựng Ai Cập thành một quốc gia hùng mạnh, khiến các nước chung quanh đều phải kính sợ. Tiếc thay Akhenaten lại yếu đuối, nhu nhược, không theo gương tiền nhân nên Ai Cập ngày càng suy yếu. Một Pharaoh Ai Cập không thể hòa hoãn với bọn Hitites phản phúc, bọn Nubia mọi rợ, để cho các quốc gia chung quanh không còn kính nể chúng ta.
Bên ngoài đã mất uy tín như thế mà bên trong Akhenaten lại để cho đám hát rong điên khùng, bọn thi sĩ càn rỡ chi phối, làm rối loạn nhân tâm khiến xã hội mất trật tự, không còn ra thể thống gì nữa.
Từ trước đến nay, việc tôn thờ thần linh như Amun vẫn là truyền thống sẵn có nhưng Akhenaten lại bầy ra một thứ tôn giáo mới, tôn thờ thần linh duy nhất là Aten, khiến cho các giáo sĩ đều bất mãn. Họ là trung gian với thần linh, chỉ lo cúng tế cầu xin, thì cứ để họ làm việc đó chứ đâu tai hại gì.
Đã chẳng theo truyền thống cũ, Akhenaten lại không cung cấp tiền bạc, phẩm vật dâng cúng cho giới giáo sĩ khiến cho thần linh nổi giận, gây thiên tai hoạn nạn. Ai Cập đã suy yếu vì trật tự xã hội đảo lộn, lại còn kiệt quệ hơn vì các thiên tai này.
Truyền thông từ xưa vẫn cho giới quí tộc được cai trị các vùng và thu thuế, miễn là họ qui phục triều đình.
Akhenaten tước bỏ quyền lợi thuế khóa, đất đai của họ làm gì để họ thêm bất mãn, gây mầm mống nội loạn khắp nơi.
Là người có trách nhiệm với quốc gia, tao không thể để cho tình trạng hỗn loạn này kéo dài mãi được. Tao không thể chấp nhận việc thay đổi luật pháp sẵn có khiến cho bọn nô lệ lộng hành. Tao không thể chấp nhận việc bãi bỏ thuế khóa khiến công khố khô kiệt. Tao không thể chấp nhận việc cắt giảm lực lượng quân sự khiến các nước chung quanh dòm ngó nước ta. Một Ai Cập hùng cường không thể có một Pharaoh điên khùng, nhu nhược thế được. Đã đến lúc Ai Cập cần một người lãnh đạo mới và mong mày hãy giúp chúng tao khôi phục Ai Cập trở lại tình trạng huy hoàng như trước.”
Thì ra Horemheb cũng bất mãn với chính sách cải tổ của Akhenaten nhưng có lẽ hắn và Smenkere chưa dám tỏ thái độ vì còn e dè lực lượng của Thái hậu Taiya. Hôm nay, khi đã diệt được phe nhóm này thì họ lợi dụng ngay cơ hội để củng cố quyền lực cho mình. Vì mải suy nghĩ nên tôi không trả lời khiến Horemheb sốt ruột:
– Thế nào? Mày nghĩ sao?
Tôi chăm chú nhìn Horemheb rồi hỏi:
– Hiện nay lực lượng quân sự đều đang nằm trong tay mày, việc gì phải cần đến một y sĩ như tao? Không lẽ một người như mày lại sợ Akhenaten sao?
Horemheb lắc đầu:
– Không phải thế! Chúng tao đều là thuộc hạ của Akhenaten, đã thề nguyện trung thành với ông nên… việc này… việc này… tao không thể…
– Thì ra mày sợ hậu thế phê phán nên phải nhờ tay tên y sĩ quèn như tao! Truyền thống Ai Cập không chấp nhận việc soán nghịch nên mỗi khi cần thiết, việc này thường được giao cho một y sĩ thân tín của Pharaoh, một người mà ông luôn tin tưởng. Nhưng nếu Akhenaten chết thì ai sẽ làm Pharaoh?
Horemheb không ngần ngại, nói ngay:
– Còn ai hơn Tể tướng Smenkere nữa? Ông đã là người của hoàng tộc, đã từng cầm quân chinh phạt Hitites và Nubia… Không ai xứng đáng hơn Smenkere.
Tôi nhìn Smenkere và Horemheb, chua chát:
– Thì ra tất cả đều đã được tính toán từ trước. Thái hậu Taiya âm mưu tranh ngôi vị Pharaoh cho Baketamon để duy trì quyền lực cho phe nhóm mình nhưng bà không ngờ các người lại ra tay trước. Tuy diệt được phe của Thái hậu Taiya nhưng mày vẫn không dám đụng tới Akhenaten vì không muốn gây ra một tiền lệ cho việc soán nghịch. Mày sợ rằng sau này sẽ có những kẻ noi gương đó mà hãm hại mày chứ gì? Ha ha ha… vì thế Akhenaten sẽ phải ra đi một cách nhẹ nhàng, một cách danh chính ngôn thuận như chết vì bệnh tật chẳng hạn. Do đó mày cần một y sĩ như tao…
Smenkere từ lâu vẫn im lặng, bỗng lên tiếng:
– Này Sinuhe, ngày xưa ta khuyên ngươi nên đi theo con đường tinh thần như cha mẹ người để tránh xa mọi phiền phức. Tiếc rằng ngươi chẳng nghe ta, cứ dính dấp vào những việc rắc rối. Dù muốn dù không, ngươi cũng đã ít nhiều tham dự vào việc này rồi, chẳng thể tránh né được đâu. Có lẽ ngươi nên trách số phận của ngươi đã định như thế mà thôi…
Tôi liếc nhìn Smenkere, phải chăng ông muốn ám chỉ thân thế tôi? Dĩ nhiên Horemheb chưa biết chuyện Thái hậu Taiya đã tiết lộ vì lúc đó chỉ có công chúa Baketamon và Smenkere ở đó. Tôi chưa kịp trả lời thì một tên nô lệ của
Smenkere từ bên ngoài vội vã bước vào:
– Kính thưa Tể tướng, Pharaoh vừa hay tin về cái chết của Thái hậu Taiya và ngài đã ra lệnh cho thi hành các nghi thức chôn cất…
Đối với phong tục Ai Cập, việc chôn cất để chuẩn bị cho đời sống bên kia cửa tử rất quan trọng nên các vua chúa đều có kế hoạch trù liệu cẩn thận ngay từ lúc mới lên ngôi.
Là vợ của Pharaoh Amenophis đời thứ ba, nghi thức chôn cất thái hậu Taiya đã được hoạch định từ trước nên chỉ cần có lệnh là các giáo sĩ theo kế hoạch thi hành ngay.
Smenkere gật đầu, hỏi:
– Pharaoh còn chỉ thị gì nữa không?
– Ngài cũng biết y sĩ Sinuhe được gọi về để săn sóc sức khỏe cho Thái hậu nên truyền cho gọi y sĩ vào cung ngay.
Smenkere và Horemheb giật mình biến sắc. Việc tôi được đưa về cung là chỉ thị riêng của công chúa Baketamon trong âm mưu tranh giành địa vị Pharaoh của Thái hậu Taiya. Sở dĩ Smenkere và Horemheb biết được vì họ đã có dự mưu và tương kế tựu kế, thanh toán phe nhóm của Thái hậu Taiya. Việc này được giữ bí mật, nhưng tại sao Akhenaten lại biết?
Smenkere nhíu mày suy nghĩ, nét mặt trở nên nhăn nhúm khác thường:
– Hừm… có lẽ… có lẽ… Baketamon đã tiết lộ. Con nhãi này giỏi thật!
Người nô lệ nói nhỏ:
– Hiện nay Pharaoh đang xúc động, bệnh tình có thể tái phát nên có lẽ ngài cho gọi Sinuhe vào để khám bệnh…
Smenkere nhìn tôi một lúc như suy nghĩ rồi gật đầu:
– Được lắm! Sinuhe hãy vào săn sóc cho Pharaoh và nhớ lời ta đã dặn.
Horemheb định lên tiếng nhưng Smenkere đã gạt đi:
– Sinuhe đã biết hắn phải làm gì.
Tôi theo gã nô lệ đi qua những hành lang dài dẫn vào nội cung. Ngày trước tôi đã qua lại nơi đây nhiều lần nhưng không hiểu sao lần này tôi cảm thấy cảnh vật chung quanh có vẻ lạnh lẽo khác thường. Đến cửa nội cung, tên nô lệ vì không được phép vào nên đứng lại ra dấu cho tôi đẩy cửa bước vào. Tôi vừa bước qua cánh cửa dầy thì đã thấy công chúa Baketamon chờ sẵn.
– Công chúa… Tại sao công chúa lại ở đây?
Công chúa Baketamon giơ tay lên miệng ra dấu cho tôi giữ im lặng rồi nói nhỏ:
– Ta vừa trốn thoát được nên vào báo cáo với Pharaoh biết về cái chết của mẹ ta. Hiện nay tình thế gấp rút lắm rồi, ngươi hãy làm ngay việc mẹ ta giao phó. Sau khi anh ta chết, chúng ta sẽ làm lễ thành hôn ngay và ngươi làm Pharaoh. Chúng ta sẽ kêu gọi lực lượng quân đội quanh vùng kéo về.
Tôi ngạc nhiên nhìn công chúa Baketamon và tự hỏi tại sao trong hoàn cảnh đen tối như thế mà cô vẫn không từ bỏ ý định tranh giành ngôi vị với anh ruột mình. Thấy tôi có vẻ do dự, công chúa Baketamon thì thầm:
– Này Sinuhe, ngươi mới xứng đáng làm Pharaoh. Trong mình ngươi có mang dòng máu thiêng của cha ta…
Tôi chưa kịp trả lời thì Hoàng hậu Nefertiti ở trong bước ra:
– Sinuhe đấy ư? Pharaoh cho gọi ngươi vào…
Tôi vội theo chân hoàng hậu đi vào căn phòng riêng của Pharaoh. Quang cảnh nơi đây đìu hiu vắng vẻ, khác hẳn cảnh tấp nập đông vui khi xưa, lúc tôi vào kể chuyện cho các cung nữ nghe. Akhenaten đang ngồi trên chiếc ghế quen thuộc đặt dưới biểu hiệu của Aten. Mặc dù nét mặt ông vẫn bình thản nhưng tôi có cảm tưởng như sắp có chuyện không lành xảy ra.
Vừa thấy tôi thì Pharaoh đã mỉm cười:
– Này Sinuhe, ta được tin ngươi đã đến săn sóc sức khỏe cho mẹ ta.
– Kính thưa Pharaoh… Kẻ này… kẻ này…
Akhenaten gật đầu buồn bã:
– Ta biết rồi… Ngươi không phải nói nhiều…
Tôi băn khoăn không hiểu Akhenaten đã biết những gì!
Dĩ nhiên ông biết về cái chết của Thái hậu Taiya nhưng không biết ông đã biết việc những người thân tín của ông đang lợi dụng cơ hội này để tranh ngôi vị với ông chưa?
Akhenaten ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế rồi thong thả lên tiếng:
– Chắc hẳn hiện nay ngươi đang có hàng trăm câu hỏi
trong đầu nhưng ngươi hãy bình tĩnh vì ta sẽ giải đáp cho ngươi những thắc mắc. Điều ta sắp nói đây rất quan trọng vì thời gian không còn bao lâu nữa. Này Sinuhe, ta đã biết trước những việc sắp xảy ra. Một kẻ nghiên cứu tường tận về khoa Thiên Văn như ta hẳn phải biết rõ những biến chuyển của tinh tú cũng như ảnh hưởng của nó đối với vận mệnh quốc gia…
Ông chỉ lên bầu trời đầy sao bên ngoài cửa sổ rồi tiếp:
– Quan Thiên Giám đã cảnh cáo ta từ trước nhưng điều ông nghiệm thấy và điều ta biết không giống nhau. Ông ta chỉ chú trọng đến ảnh hưởng của những tinh tú có liên quan đến Ai Cập, nhưng ta lại phóng tầm mắt nhìn xa hơn nữa vì ta quan tâm đến những biến chuyển của vũ trụ đối với số phận con người, không nhất thiết phải là người Ai Cập. Tôi buột miệng:
– Nhưng nếu đã biết trước, tại sao ngài không tránh?
Akhenaten lắc đầu nói như trách:
– Ngươi đã học hỏi về khoa Chiêm tinh thì hẳn phải biết rằng vạn vật trong vũ trụ đều thay đổi theo những định luật thiên nhiên nhất định. Vận mệnh quốc gia cũng như con người trong đó đều chịu ảnh hưởng sự vận hành của tinh tú.
Tuy nhiên các tinh tú tự nó không xấu hay tốt mà chỉ phản chiếu những ảnh hưởng xấu hay tốt phát xuất từ quốc gia hay con người sống trong đó mà thôi. Ai Cập đang bước vào giai đoạn đen tối vì hậu quả của những sai lầm do các Pharaoh đời trước gây ra. Thật ra các Pharaoh tự họ cũng không thể làm gì nhiều vì họ chỉ tiêu biểu cho những giá trị sai lầm về sự tương giao giữa Ai Cập và các quốc gia lân cận thôi.
– Tại sao lại thế?
Akhenaten im lặng một lúc như suy nghĩ rồi thong thả nói:
– “Vào thời hoàng kim, Ai Cập được hướng dẫn bởi các Pharaoh thánh thiện, những bậc minh sư thánh triết nên xứ này phát triển cực thịnh quanh châu thổ sông Nile. Vì biết sống theo những định luật thiên nhiên nên người Ai Cập phát triển được những kiến thức đặc biệt và xây dựng được một nền văn minh huy hoàng, tốt đẹp. Theo thời gian, khi người Ai Cập bắt đầu có phương tiện di chuyển, có thể vượt qua các bãi sa mạc bao la thì họ đã gặp những dân tộc khác mà trình độ văn minh thua Ai Cập rất xa. Thay vì giúp đỡ những người này thì các Pharaoh lại lợi dụng sự kém cỏi của các dân tộc ấy vào mục đích trục lợi, chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên.
Khi sự tương giao giữa người và người được đặt trên nền tảng của lòng tham lam, chiếm hữu, lợi dụng, tích lũy thì hiển nhiên phải có kẻ lợi lạc và người thiệt thòi. Sự thu hoạch các quyền lợi vật chất lớn lao để mang về Ai Cập đã làm đảo lộn nền tảng giá trị thông thường trong nước. Sự tôn trọng kiến thức tinh thần bị thay thế bằng các tài sản vật chất. Nền tảng tôn giáo xây dựng trên căn bản minh triết bị thay thế bằng các pháp môn phù thủy, lợi kỷ hại nhân. Người sống trong sạch bị coi thường, và kẻ lợi dụng bóc lột được coi là thức thời, hiểu biết. Khi các giá trị đạo đức, tâm linh suy đồi thì cơ cấu tổ chức xã hội mà trong đó luật kẻ mạnh được coi là một lối sống bình thường.
Chính sự mạnh được, yếu thua này đã sinh sản ra những bạo chúa hiếu chiến, những quan lại vô lương tâm, và những giáo sĩ chỉ biết lợi dụng để trục lợi. Những kẻ lãnh đạo quốc gia này đã đưa Ai Cập vào một thời buổi đen tối mà trong đó sự nghi kỵ, ngờ vực, oán thù, tranh chấp ngày càng gia tăng.
Các sử gia cho rằng những Pharaoh này đã làm cho Ai Cập trở nên một quốc gia giàu mạnh, nhưng ít ai tự hỏi những của cải phi nghĩa đó lấy được từ đâu và với một giá nào? Trên các lăng tẩm vua chúa đều khắc ghi những chiến công hiển hách, những cuộc xâm lăng đẫm máu, những số tài nguyên khổng lồ, và con số nô lệ bắt mang về nhưng theo ta, đó chỉ là những vết nhơ không thể rửa trong lịch sử Ai Cập.” Akhenaten ngưng nói như hồi tưởng về những việc đã qua rồi tiếp:
– “Này Sinuhe, một nguyên nhân khác đã đưa Ai Cập xuống hố thẳm là sự ỷ vào quyền lực của Pharaoh, lời xin xỏ thần linh của giới giáo sĩ, và sự cai trị của giới quí tộc. Chính sự ỷ lại vào những người lãnh đạo này cũng như uy quyền của họ là động lực đã làm suy thoái nền văn minh Ai Cập.
Khi dân chúng chỉ biết cắm đầu phục tùng thì họ không thể biết được tự do là gì, tự họ đã là nô lệ cho những quyền uy kia rồi thì còn nói gì đến văn minh hay sự hiểu biết nữa.
Đằng sau những quyền uy độc đoán chỉ có sự sợ hãi và lòng ích kỷ nên con người một khi đã nghĩ đến quyền lợi riêng đâu còn đếm xỉa gì đến ích lợi chung. Chính thái độ thụ động, cầu an này đã củng cố cho cái quyền lực độc đoán, thứ giáo điều phi nhân kia tiếp tục tái diễn từ đời này qua đời khác.
Chính vì thế nên ta chủ trương phải thay đổi toàn bộ cơ chế tổ chức, giảm quyền lực của các giáo sĩ, thu hẹp quyền lợi của giới quí tộc và phát triển một nền giáo dục khác hẳn đường lối giáo dục cũ. Ta đã phác họa với ngươi một sơ đồ giáo dục căn bản mà trong đó con người phải tự biết mình, phải tự biết cách chuyển hóa chính bản thân mình, trước khi bắt tay vào việc thay đổi căn bản giá trị phi nhân kia. Nếu đa số không muốn thay đổi tận gốc rễ, không muốn chấm dứt lối sống đầy thù hận, lợi dụng, tham lam kia một cách triệt để, mà chỉ đổi thay hời hợt bên ngoài thì sự đổi thay thực sự sẽ không bao giờ xảy ra.
Những cuộc cải cách nửa chừng này sẽ không thể chống lại cái quyền lực độc đoán của những kẻ lãnh đạo xảo quyệt kia được. Thời buổi huy hoàng không thể đến khi mọi người vẫn tiếp tục lẩn tránh các trách nhiệm hành động cá nhân mà cứ chờ đợi một lãnh tụ mới, một thời thế mới hay một đổi thay mới. Nếu tình trạng thụ động này tiếp tục thì con người sẽ mãi mãi trở thành nô lệ cho guồng máy cai trị độc đoán, tuy có tên gọi mới mẻ nhưng bản chất vẫn y nguyên như cũ.”
Akhenaten nhìn thẳng vào mặt tôi:
– Này Sinuhe, ta đã giao cho ngươi trách nhiệm đào tạo một thế hệ mới, một thế hệ không chịu ảnh hưởng của những giá trị phi nhân hiện nay. Ta đã cho xây cất một trung tâm giáo dục tại Tel El Amarna để đào luyện những người Ai Cập của tương lai nhưng tiếc thay, hiện nay mọi việc đã đổi khác…
Tôi ngạc nhiên:
– Pharaoh không muốn mở trường tại Amarna nữa sao?
– “Khi xưa ta xem thấy ảnh hưởng tinh tú đang thuận tiện để gieo mầm cho một nền văn minh mới, nhưng có lẽ vì chủ quan nên ta đã suy tính không đúng. Hiện nay ta suy nghiệm rằng ngày nào con người còn đồng hóa với một
quốc gia, một dân tộc, một xứ sở, một bộ lạc, hay một lý tưởng thì họ vẫn còn sự chia rẽ và bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán, căn bản giá trị có từ ngàn xưa. Lúc này người Ai Cập vẫn còn tự hào dân tộc, coi những dân tộc khác là thứ man di, mọi rợ; đã thế họ vẫn hãnh diện về thành quả bách chiến bách thắng trong quá khứ nên chưa sẵn sàng chấp nhận một nền giáo dục mới, một nền giáo dục mở rộng, đặt căn bản trên sự không phân biệt chủng tộc, giai cấp, quốc gia như ta muốn chủ trương.
Từ bao năm nay, người Ai Cập đã được các giáo sĩ dạy dỗ rằng họ là một dân tộc đặc biệt, một giống dân được thần linh chọn lựa, một dân tộc cao cả hơn những dân tộc khác. Cái tinh thần dân tộc, bộ lạc này đã làm mất đi giá trị chân thật của con người vì sự thật thì con người đáng tôn quí hơn quốc gia hay bất cứ một giá trị căn bản nào khác.
Nếu tất cả mọi quốc gia đều biết đặt căn bản giá trị trên sự tôn quí con người thì đâu còn sự chia rẽ, đâu còn hận thù, đâu còn sự khác biệt nữa. Tiếc thay tinh thần dân tộc, quốc gia, bộ lạc đã bị các nhà lãnh đạo xảo quyệt khai thác triệt để. Họ đề cao sự khác biệt giữa các dân tộc, tôn giáo, chủng tộc để tạo sự chia rẽ nhằm mục đích gia tăng quyền lực cũng như quyền lợi cho chính họ. Những kẻ này sở dĩ thành công vì họ biết cổ súy cho một truyền thống mà hầu hết mọi người đều ít nhiều hưởng ứng và sẵn sàng tham gia.”
– Như vậy ngài muốn gì?
Akhenaten im lặng như thả hồn vào một ý nghĩ xa xăm vào đó rồi nói:
– “Khi người Ai Cập còn tham lam quyền lợi, của cải vật chất và sự ham muốn này được nuôi dưỡng qua chủ nghĩa quốc gia, tinh thần bộ lạc thì thảm trạng của chiến tranh thật khó thể tránh. Hiện nay Ai Cập đang mạnh mẽ, hùng cường; người dân xứ này đang hưởng những quyền lợi tốt đẹp thì khó thể khuyên họ thay đổi. Chỉ khi nào Ai Cập bị xâm lăng, chà đạp và bị đặt dưới ách cai trị của nước ngoài; khi người dân nếm mùi đau khổ, mất tự do, mất quyền lợi, bị áp bức trong bất công, bị đàn áp bằng bạo lực, không phải trong vài chục năm hay trăm năm mà lâu hơn thế nữa, thì người Ai Cập mới học được bài học rằng sự tự hào dân tộc là một căn bệnh hết sức nguy hiểm và hậu quả của nó kéo dài rất lâu, có khi hàng thế kỷ…”
– Không lẽ tình trạng đen tối này kéo dài đến thế sao?
– “Này Sinuhe, quan niệm về quốc gia, dân tộc hay bộ lạc là một khối tư tưởng được hun đúc qua nhiều thế hệ, dễ gì có thể thay đổi một sớm một chiều. Hẳn ngươi cũng biết tiến trình đi lên để xây dựng thì lâu nhưng khi đi xuống để phá hủy thì nhanh chóng vô cùng. Thời đại hoàng kim thì ngắn nhưng thời đại hôn ám thì kéo dài.
Phong thổ Ai Cập vốn là sa mạc, được nuôi dưỡng bởi phù sa sông Nile mà trở nên phì nhiêu; tuy thế người dân xứ này cũng chỉ trồng trọt được sau mùa mưa mà thôi vì khi nước rút đi thì ruộng đất lại khô héo cằn cỗi. Qua thời tiết, phong thổ, nhịp điệu lên xuống của nước sông Nile mà từ xưa người Ai Cập đã biết được các biến chuyển của luật thiên nhiên rồi từ đó suy ra các qui luật bất biến của vũ trụ. Này Sinuhe, khoa địa lý Ai Cập đã định rằng tất cả những miền nào xây dựng trên mặt cát chỉ huy hoàng trong một thời gian rất ngắn rồi tàn lụi nhưng mấy ai chịu để ý đến điều ấy. Gặp thịnh thời, con người mải miết lo toan những tham vọng viễn vông mà đâu biết rằng những gì xây dựng trên mặt cát tàn lụi rất chóng.
Ngươi chưa sống trong sa mạc như ta nên chưa thể biết được những thay đổi thời tiết nơi đây. Vào mùa xuân, sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối đua nhau trổ hoa, toàn sa mạc sống dậy một cách lộng lẫy huy hoàng. Cây cỏ trong sa mạc đẹp lạ thường, phát triển nhanh, đơm bông kết trái trong vài ngày, rồi tàn lụi ngay dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời. Suốt năm, sa mạc chỉ huy hoàng trong vài tuần lễ ngắn ngủi đó thôi. Theo sự suy đoán của ta, có lẽ Ai Cập đang ở vào buổi huy hoàng này, nhưng nếu không biết rõ luật chu kỳ tuần hoàn thì người dân xứ này sẽ còn đau khổ và phải chịu đựng nhiều thử thách rất lâu.”
Akhenaten nhìn lên bầu trời đầy sao, thong thả giải thích:
– “Này Sinuhe, trải qua bao triều đại, người Ai Cập đã gây chiến với tất cả những quốc gia lân cận. Sự tham lam, hung hãn và ích kỷ cũng như hậu quả tàn khốc của chiến tranh đã tác động lên vũ trụ khiến cho ảnh hưởng của các tinh tú phải thay đổi.
Đêm qua ta quan sát thiên văn rất kỹ và thấy rằng ảnh hưởng thuận lợi của các bầu tinh tú sẽ không rọi xuống Amarna như ta nghĩ mà xê dịch lên một vị trí khác ở miền bắc. Ta thấy trải qua bao cuộc chiến tranh, nhân cách người Ai Cập đã bị hủy hoại, hư hỏng đến tận gốc rễ. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người ta tiếp tục cổ súy chiến tranh và phát triển những tập quán về bạo lực cho các thế hệ sau.
Horemheb chính là nạn nhân của việc này. Vì các Pharaoh đời trước đều chủ trương xâm lược, cướp bóc tài nguyên của các quốc gia khác, bắt người xứ đó về làm nô lệ, đàn áp bóc lột những người không cùng quốc gia, chủng tộc hay tín ngưỡng nên việc huấn luyện dân chúng Ai Cập trở nên những quân nhân thiện nghệ như Horemheb là việc hiển nhiên.
Tuy nhiên chính cái tập quán về bạo lực này đã dẫn dắt xã hội Ai Cập vào vòng thù hận, tranh chấp. Từ bao năm nay, người Ai Cập không ngừng xung đột và nếu không có chiến tranh với các nước khác thì họ lại tranh giành, cướp bóc lẫn nhau. Ngay như mẹ ta, Thái hậu Taiya, cũng là nạn nhân của sự thù hận đó. Bà xuất thân là dân chài lưới nghèo đói, thường bị bóc lột, áp bức nên khi được tuyển vào cung, bà đã sử dụng mọi thủ đoạn để củng cố quyền lực cá nhân và sẵn sàng đàn áp kẻ khác.
Xã hội Ai Cập hiện nay đặt căn bản trên sự ích kỷ, bạo động, tôn sùng sức mạnh chiến tranh, luật kẻ mạnh luôn luôn thắng và kẻ yếu chịu thiệt thòi. Đa số người Ai Cập đều có đủ các tính xấu như hung hăng, ích kỷ, bạo ngược, tàn
ác, thù hận… mà thiếu lòng nhân từ, bác ái, các đức tính căn bản để xây dựng một xã hội văn minh hơn. Người ta không thể thay đổi căn bản giá trị này cho đến khi họ trở nên nạn nhân của nó.
Này Sinuhe, những thiên tai liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây chỉ là ảnh hưởng tạo nên do uất khí đến từ các nạn nhân của sự đàn áp, bóc lột này. Trên phương diện cá nhân thì nạn nhân dường như bất lực, nhưng trên phương diện tư tưởng thì sự phẫn uất của số đông này đã tạo ra những luồng tư tưởng rất mạnh, có thể dời núi, lấp sông và ảnh hưởng đến cả vũ trụ. Nếu ngươi biết rằng vũ trụ vốn quân bình tuyệt đối; bất cứ điều gì làm xáo trộn nó thì nó sẽ tạo ra các khí lực để phục hồi sự quân bình này.
Khi vũ trụ bị xáo trộn, các vũ trụ tuyến thay đổi, ảnh hưởng của nó sẽ tạo ra những thiên tai như động đất, núi lửa, hạn hán, bão lụt… Nếu con người vẫn ngoan cố, không chịu thay đổi thì cường độ của các thiên tai sẽ tiếp tục gia tăng, mỗi ngày một mạnh và rồi việc cần xảy ra sẽ xảy ra để tái lập quân bình cho vũ trụ.
Đã được học hỏi về khoa thiên văn, hẳn ngươi đã được dạy bảo về những trận đại hồng thủy chôn vùi các lục địa khổng lồ xuống đáy đại dương. Tất cả thiên tai hư hạn hán, bão lụt chỉ là điềm báo trước của những thay đổi thiên nhiên ghê gớm hơn nếu con người không chịu đổi thay.
Một người nghiên cứu thiên văn phải biết theo dõi những ảnh hưởng của tinh tú này để kịp thời báo động cho con người biết rằng sự ngông cuồng của họ chỉ là một hạt cát trong sa mạc, so với sức mạnh thiên nhiên thì chẳng là gì cả! Con người không biết rằng nếu các tinh tú có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt trên mặt địa cầu thì con người cũng có thể ảnh hưởng đến các tinh tú qua lối sống hợp với thiên nhiên. Một sự tương quan hài hòa giữa con người và thiên
nhiên sẽ tái tạo sự quân bình trong vũ trụ và mở đầu cho một thời buổi hoàng kim tốt đẹp…”
Akhenaten ngưng lại một lúc như suy nghĩ rồi tiếp:
– “Khi ẩn cư ngoài sa mạc, ta đã suy nghĩ nhiều về việc này. Ta biết thật khó mà thay đổi những người mà đầu óc đã bị tiêm nhiễm các tư tưởng tham lam, sân hận, ích kỷ, hung hăng. Khi quyền lực là mục đích của đời sống thì hiển hiên bạo động sẽ là phương thức của xã hội. Giải pháp duy nhất cho tình trạng này là làm sao để cho mỗi cá nhân có thể làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn; làm sao để họ có thể chuyển hóa những thói quen trong quá khứ. Muốn như thế cần phải có một nền giáo dục mới xây dựng trên nền tảng minh triết của sự tự biết mình. Chỉ có sự tự biết mình mới đào tạo ra những con người hiểu biết và có từ tâm. Muốn xây dựng nền tảng của sự giáo dục mới này cần phải có những vị thầy tận tâm hướng dẫn học trò, không quản ngại khó khăn, trở lực. Đây phải là những người không những đã tự biết mình mà còn có khả năng truyền đạt sự hiểu biết đó cho học trò nữa.
Này Sinuhe, từ nhỏ ngươi đã được giáo dục cẩn thận bởi cha mẹ ngươi, những người đi trên con đường tinh thần, nên ít nhiều trong ngươi đã có những mầm thiện. Dù ngươi chưa có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời nhưng trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ngươi đã biết sử dụng trái tim thay vì bộ óc, để giải quyết vấn đề. Đó chính là lý do mà ta để ý đến ngươi…”
Akhenaten đặt nhẹ tay lên vai tôi, ân cần dặn dò:
– Ta trao cho ngươi nhiệm vụ thiết lập một nền giáo dục xây dựng trên căn bản của sự tự biết mình. Ngươi đã có dịp học hỏi những kiến thức chuyên môn với các danh sư Ai Cập và đã trải qua một số thử thách nên xứng đáng đảm nhiệm
việc này. Ta mong ngươi sẽ mang những hạt giống thiêng liêng này gieo trồng tại những miền đất lành, những nơi mà người dân xứng đáng nhận lãnh nó, để xây dựng một nền văn minh cho nhân loại. Ta biết con đường này còn nhiều thử thách nhưng ta tin rằng ngươi sẽ vượt qua được. Vấn đề hiện nay là ngươi có sẵn sàng nhận trách nhiệm lịch sử này không?
Tôi cung kính quì trước mặt Akhenaten:
– Pharaoh yên tâm, kẻ này sẵn sàng noi gương ngài để hoàn tất sứ mạng mà ngài giao phó.
Akhenaten gật đầu hài lòng rồi chỉ dấu hiệu Aten trên tường:
– “Này Sinuhe! Khi xưa ta thấy truyền thống tôn giáo cũ chỉ gây chia rẽ nên muốn thay đổi nó bằng một tôn giáo mới, một tôn giáo giúp con người trực tiếp đón nhận chân lý mà không cần phải qua sự trung gian của các giáo sĩ. Các giáo sĩ không thể hiểu được sự mỹ lệ, huy hoàng của chân lý vì đầu óc họ đã khô cằn bởi thành kiến của giáo điều truyền thống.
Giáo điều không phải là sự thật. Nó chỉ là phương tiện giúp người ta tìm đến sự thật mà thôi. Tiếc rằng theo thời gian, nó đã bị sửa đổi sai lạc thành những hình thức cúng tế, cầu xin, hối lộ và qui phục thần quyền.
Hiện nay đa số giáo sĩ không còn biết đến mục đích cao đẹp của tôn giáo nữa mà chỉ bám vào đó như một phương tiện sinh nhai mà thôi. Tuy nhiên ta đã đánh giá sai lầm phản ứng của mẹ ta, người đã xây dựng quyền lực qua sự ủng hộ của các giáo sĩ phái Amun. Nếu sử dụng bạo lực, dựa vào uy quyền của Pharaoh thì ta đã dẹp tan phe nhóm giáo sĩ Amun một cách dễ dàng, nhưng sự thay thế một quyền lực này bằng một uy quyền khác không phải là điều ta muốn.
Hiện nay dân Ai Cập thờ phụng hàng trăm thần linh, đi theo hàng chục giáo phái mà phái nào cũng khoe rằng giáo điều của họ mới hay, mới tốt và hứa hẹn những huy hoàng ở một cõi giới xa lạ viễn vông nào đó. Chân lý thật ra rất giản dị chứ đâu phức tạp như thế, nên ta muốn đưa hình ảnh vầng Thái Dương để giúp họ chiêm ngưỡng được điều mà ta gọi là Chân, Thiện, Mỹ. Đó là lý do ta không chịu thờ cúng thần quyền Amun và các thần linh khác mà chỉ đưa ra một hình ảnh độc nhất, tượng trưng cho chân lý, qua vầng hái Dương.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, ta nghiệm thấy rằng đầu óc người dân xứ này đã cằn cỗi, suy hoại quá hiều rồi, khó có thể đón nhận được điều ta muốn truyền ạy. Tuy ta đã cho xây cất các đền thờ trang nghiêm tại Tel Amarna và có một số khá đông người đến đó tu học nhưng ta không hy vọng nhiều ở những người này. Có lẽ sau khi ta qua đời, người ta sẽ không còn biết đến Aten là gì nữa mà có thể coi đó chỉ là một vị thần cũng như hàng trăm thần linh khác.
Này Sinuhe, chủ trương của ta là một tôn giáo không có giáo sĩ, không có giáo điều, không có nghi thức hay sách vở vì mục đích duy nhất của nó là sự yêu mến sự thật hay Chân Thiện Mỹ mà thôi. Do đó ta chủ trương mở trường dạy học, giáo dục con người, mở mang kiến thức, đề cao sự tự biết mình để xây dựng một xã hội mà tất cả mọi người trong đó đều biết yêu chuộng sự thật.
Chỉ có sự thật mới có thể giải phóng con người ra khỏi những thành kiến nhỏ hẹp, những tư tưởng tiêu cực, tham lam và nâng cao phẩm chất đích thực của con người. Tiếc rằng ta không còn nhiều thời gian để hoàn tất tâm nguyện này nhưng điều này không quan trọng gì vì hạt giống chân lý đã được trao truyền cho ngươi.
– Tại sao ngài lại có vẻ tiêu cực về thời gian như thế?
Akhenaten bật cười nói nhỏ:
– Vì ta biết rõ điều mà Smenkere và Horemheb đã giao phó cho ngươi…
Tôi giật mình kêu lớn:
– Pharaoh, tại sao… tại sao ngài… biết được… việc này?
Akhenaten thản nhiên:
– Hiển nhiên ta vẫn biết Smenkere và Horemheb đều có tham vọng cá nhân nhưng ta không thể trách họ được. Họ chỉ là nạn nhân của một truyền thống sai lầm mà tổ tiên ta đã tạo dựng nên. Chắc hẳn ngươi chưa quên việc quan Thiên Giám đề cập đến một ngôi sao vừa tắt khi Horemheb đến báo tin cho ta về cái chết của giáo sĩ trưởng phái Amun. Thật ra quan Thiên Giám đã nói tránh đi để Horemheb khỏi nghi ngờ vì Ptah không hề chết và ngôi sao đó ứng vào ta.
Khi đó chúng ta đã xem xét rất kỹ sự thay đổi của các bầu tinh tú và biết rằng tai ương của Ai Cập sắp xảy đến. Một Pharaoh đầy uy quyền như ta không thể thay đổi được những hậu quả sẽ xảy ra cho xứ này.
Tôi ngập ngừng:
– Nhưng nếu… biết trước, ít ra… ngài cũng…
Akhenaten lắc đầu:
– “Tuy ta có khả năng biết trước một vài điều nhưng không đủ để thay đổi số phận một quốc gia hay dân tộc. Ta biết rõ định mệnh của ta cũng như của Ai Cập vì trước khi lên ngôi Pharaoh, ta là một tu sĩ được điểm đạo vào dòng tu Osiris.
Này Sinuhe, cái đêm mà ngươi và Horemheb đột nhập thánh điện Abydos chính là buổi lễ điểm đạo của ta đó…”
Tôi sửng sốt kêu lớn:
– Thì ra… thì ra thế… Ngài nằm trong quan tài đá, toàn thân bất động và không còn hơi thở… Kẻ này… kẻ này… vẫn thắc mắc…
Akhenaten gật đầu xác nhận:
– “Chính thế! Đó là một nghi thức điểm đạo huyền bí mà kẻ đạo đồ phải kinh nghiệm về sự chết. Chỉ những kẻ hoàn toàn phá hủy được bản ngã mới có thể kinh nghiệm được sự chết một cách ung dung tự tại và chỉ có thế y mới xứng đáng trở nên một người của dòng tu Osiris. Câu chuyện Osiris bị phân thây làm nhiều mảnh, nhờ Isis đọc câu thần chú linh thiêng mà hồi sinh chỉ là một biểu tượng nói về sự điểm đạo huyền bí này. Đa số thường xem đó như một truyền thuyết hoang đường trong dân gian nhưng người đi trên đường đạo phải biết tìm ra những ẩn nghĩa của nó. Đúng thế, ta đã chết đi và sống lại. Ta đã kinh nghiệm được sự chết và hiểu được sức mạnh huyền bí của các định luật vũ trụ. Ta đã khai mở được một vài khả năng đặc biệt, nhờ thế ta biết được diễn tiến xảy ra khi cha ta qua đời. Ta thấy Ai Cập sắp bước vào một cuộc nội chiến bởi các phe phái trong hoàng tộc nên khi Smenkere đón ta về làm Pharaoh, ta đã không từ chối. Dù biết tương lai Ai Cập không sáng sủa do hậu quả của những việc xảy ra trong quá khứ nhưng ta vẫn muốn tận tâm tận lực vớt vát một phần nào. Đó là lý do ta cho thay đổi cái căn bản giá trị sai lầm mà các Pharaoh đời trước đã đặt ra mặc dù ta biết đây là một thử thách rất lớn.
Ta đã nghiên cứu rất kỹ các biến chuyển của tinh tú và tự biết thời gian không thuận tiện nhưng ta cũng không thể ngồi yên, mặc cho định mệnh an bài. Ta muốn gieo trồng những hạt giống tốt, dù biết xã hội Ai Cập đã cằn cỗi như cát sa mạc, không thuận tiện chút nào. Ta hy vọng chỉ cần vài hạt giống đâm chồi nảy lộc là ta mãn nguyện rồi.
Này Sinuhe, ta không phải là một kẻ mơ mộng như mọi người vẫn nghĩ. Một tu sĩ được điểm đạo không thể là kẻ thiếu thực tế được. Tuy ta biết trước một số việc có thể xảy ra trong tương lai nhưng ta cũng biết rằng tương lai sẽ đổi thay nếu có những động lực chuyển hóa mạnh mẽ. Do đó ta đặt ra những cơ chế tổ chức mới, ban hành những đạo luật mới.
Này Sinuhe, ta không phải là một người thích nghe các loại nhạc lạ lùng của đám hát rong như mọi người vẫn tưởng nhưng ta biết những nhóm hát rong đều là những nghệ sĩ chân chính, những ngươi yêu chuộng sự thật vì âm nhạc của họ phản ánh trung thực điều này. Nếu dân chúng biết nghe những bài hát ngợi ca cảnh đẹp thiên nhiên thay vì những bản nhạc xưng tụng thần linh thì họ đã tiến một bước xa trên con đường dẫn đến chân lý rồi. Đó là lý do ta không thích những điệu nhạc ca tụng sức mạnh Pharaoh nhạt nhẽo của đám nhạc công triều đình mặc dù ta biết họ bất mãn.
Sở dĩ ta gần gũi với giới thi sĩ và cho khắc những bài thơ của họ lên bia đá hơn là thân cận với các quan lại vì thi sĩ là người làm phong phú sự thật, không luồn cúi nịnh hót như các quan trong triều. Mỗi bài thơ là một nét đẹp tô điểm cho sự thật vì một thi sĩ chân chính có tâm hồn phong phú không thể nói gì khác hơn là ca tụng Chân-Thiện-Mỹ. Nếu mọi người đều biết làm thơ thì người ta sẽ không xa rời sự thật vì tâm hồn thi sĩ không cho phép họ nói đến sự giả dối.
Hiển nhiên đám nịnh thần cũng làm thơ nhưng kẻ có tâm hồn què quặt, tàn tật chẳng bao giờ có thể trở nên thi sĩ được mà chỉ là những con vẹt lông lá xanh đỏ lải nhải các điệp khúc vô hồn.”
Akhenaten im lặng một lúc lâu như thả hồn vào một nơi chốn nào đó rồi tiếp tục:
– Này Sinuhe, nhờ khả năng đặc biệt mà ta biết trước âm mưu soán nghịch tại xứ Hitites và đưa ra giải pháp để giải tỏa mối thù giữa hai dân tộc. Chỉ có tình thương và sự hiểu biết mới có thể xóa bỏ ân oán quá khứ và đưa đến việc kết tình hòa hiếu giữa hai quốc gia.
– Thì ra thế! Kẻ này vẫn thắc mắc không biết vì sao đang hôn mê bất tỉnh như thế mà ngài lại có thể đến địa điểm hẹn để cảnh cáo vua xứ Hitites về việc xảy ra bên xứ họ.
Akhenaten thở dài:
– “Tuy ta được điểm đạo lần thứ nhất và khai triển được một ít quyền năng nhưng ta đã thất bại trong việc thử thách của cuộc điểm đạo sau. Khi ẩn tu ngoài sa mạc, ta mắc một lỗi lầm khi thực hành phương pháp tu tập. Ta đã mất tự chủ nên xúc động trước vẻ đẹp huy hoàng của ánh sáng chân lý.
Chính vì mất tự chủ như thế nên ta mắc chứng động kinh, cứ lâu lâu lại hôn mê bất tỉnh. Ngày có hẹn với vua xứ Hitites, cơn động kinh lại xảy ra khiến ta hôn mê. Tuy thân thể ta hoàn toàn tê liệt nhưng thần trí ta vẫn tỉnh táo. Ta biết rằng nếu không có một giải pháp cấp thời thì Ai Cập và Hitites sẽ có chiến tranh. Với võ khí sắc bén đó, máu dân lành vô tội sẽ đổ, bao gia đình sẽ ly tán, bao thảm cảnh sẽ xảy ra. Ta không muốn như vậy, ít ra khi ta còn là Pharaoh, nên ta đã sử dụng tất cả sức mạnh và quyền năng để chiến thắng căn bệnh kia.
Tuy ta đến điểm hẹn và giải quyết được cuộc chiến đó nhưng ta cũng bị nội thương rất nặng. Ta đã lạm dụng quyền năng và phải trả một giá rất đắt cho việc này…”
Tôi hoảng hốt vội đưa tay chẩn mạch cho Pharaoh thì thấy mạch của ông đập rất yếu. Tôi nói:
– Xin Pharaoh để tên y sĩ này chữa bệnh cho ngài.
Akhenaten lắc đầu:
– Ngươi không chữa được đâu! Ta biết rõ thời gian không còn nhiều nữa nhưng ta vẫn có thể cầm cự mạng sống cho đến khi cần thiết. Này Sinuhe, ta biết Smenkere muốn ngươi giúp ta ra đi một cách yên lặng và ta sẽ không để cho hắn thất vọng đâu.
– Tại sao… tại sao ngài lại chấp nhận việc này? Không lẽ chúng ta không còn giải pháp nào nữa sao?
Akhenaten lắc đầu:
– “Này Sinuhe, đây là một thử thách cho ta. Nếu muốn sống, ắt ta phải sử dụng bạo động để đối phó với bạo động.
Điều này không khó lắm nhưng đây không phải là giải pháp vẹn toàn vì nó không thể phá vỡ được vết xe cũ của những lỗi lầm xưa.
Ta không trách Smenkere hay Horemheb vì họ chỉ là nạn nhân của cái giá trị sai lầm đã có từ lâu mà ta muốn thay đổi. Cả hai đều được nuôi dưỡng trong môi trường tham lam, ích kỷ và bạo động nên chỉ biết đến quyền lợi cá nhân và lý tưởng phe phái mà thôi. Cái mong ước có uy quyền kia bắt nguồn từ những khát vọng thầm kín cá nhân rồi được đồng hóa với một lý tưởng lớn lao hơn và tạo ra tinh thần phe phái, bộ lạc.
Sự ước mong trở nên một người hùng đã khiến Horemheb chối bỏ thân thế nghèo hèn để trở thành một quân nhân. Vì là người của nhóm này nên y phải bảo vệ quyền lợi của phe nhóm và không thể chấp nhận việc ta ra lệnh giảm thiểu lực lượng này. Mục tiêu của giai cấp quân nhân là đặt quyền lợi phe phái qua chiến tranh, nhưng y không hiểu rằng nếu Ai Cập tiếp tục duy trì lực lượng quân sự lớn mạnh thì các quốc gia khác cũng phải làm thế và rồi họ sẽ đua nhau sản xuất vũ khí bằng những thứ kim loại sắc bén.
Để thí nghiệm vũ khí, họ sẽ tạo chiến tranh và hết cuộc chiến này sẽ đến cuộc chiến khác, hết vũ khí này sẽ có vũ khí khác, rốt cuộc chỉ có đám Do Thái chuyên sản xuất vũ khí là được lợi. Bằng cách đề cao các giá trị quân sự, những người như Horemheb đã vô tình hủy diệt những thế hệ tương lai và tạo ra một xã hội đầy bạo động, bóc lột, tham lam và rồi sự chém giết lẫn nhau là điều không thể tránh.
Này Sinuhe, chiến tranh chỉ phản ảnh tư tưởng của đa số người trong xã hội. Khi mọi người xem việc bóc lột, tranh giành là lẽ thường thì việc chiếm đoạt của cải của một nước khác đâu có gì quá đáng! Người ta có thể ngụy biện việc
làm này qua các chiêu bài tốt đẹp nhưng chiến tranh vẫn là chiến tranh với những nỗi thống khổ và sự hủy diệt nhân cách. Khi người ta không kinh nghiệm được sự đau khổ của các nạn nhân chiến tranh thì người ta sẽ để cho chiến tranh tiếp tục và sự thiếu hiểu biết của mọi người sẽ tạo nên tình trạng dửng dưng, thản nhiên trước các thảm họa xẩy ra cho người khác. Theo thời gian, con người sẽ trở thành những cái xác vô hồn, có óc nhưng không tim và họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho việc này.
Hôm nay ta đã nói những điều cần phải nói cho ngươi rồi. Ta muốn mọi việc sẽ diễn ra một cách tốt đẹp vẹn toàn cho tất cả mọi người, kể cả Smenkere và Horemheb. Ta không muốn lịch sử phê phán họ là những kẻ soán nghịch và cũng không muốn họ phải ăn năn về những việc họ đã làm.”
– Nhưng… nhưng liệu không còn giải pháp nào khác sao?
Akhenaten mỉm cười:
– Ngươi đừng lo cho ta mà hãy lo cho mạng sống của chính ngươi. Nếu ta chết, liệu ngươi có thể sống được không? Từ ngàn xưa đã có biết bao Pharaoh chết trên giường bệnh và biết bao y sĩ bị qui tội bất tài, bị chôn sống trong nhà mồ. Nếu Smenkere đã mượn tay ngươi để thực hành ý đồ bất chánh thì lẽ nào y lại để cho ngươi sống được? Do đó ta đã có một giải pháp cho ngươi…
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet