Sách Tâm Linh

Ngọc Sáng trong Hoa Sen

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen

Chương II: Tứ Hải Giai Huynh Đệ

Tôi bước chân xuống tàu S.S. Katori Maru đi Hồng Kông mà không có sự chấp thuận của cha tôi. Vì lòng hăng say mạo hiểm hay vì một động lực nào đó không rõ, tôi liều lĩnh lên đường, bất chấp việc học còn dang dở, hành trang chỉ giản dị có mấy bộ quần áo và số tiền nhỏ của cô Jessie dúi cho. Tôi đã tiết kiệm mua vé hạng ba, ăn uống giản dị, sẵn sàng làm thêm mọi việc lặt vặt trên tàu để kiếm thêm tiền. Chiếc tàu cũ kỹ này cũng đã bước vào giai đoạn phế thải, đi đến đâu hư hỏng đến đấy, thủy thủ đoàn phải cố gắng lắm mới lèo lái nó vượt sóng gió đại dương đến được bờ bến an toàn. Càng gần đến châu Á, lòng tôi càng náo nức không yên. Nhiều đêm đứng trên boong tàu nhìn ngắm những vì sao lấp lánh, tôi có cảm giác rộn ràng như đứa con đi hoang đang trở về nhà. Khi tàu ghé Singapore, tôi không kiên nhẫn được nữa, ngực tôi như muốn nghẹt thở, cổ họng tôi khô rát, lòng nóng như lửa. Chỉ một thời gian ngắn nữa là tôi có thể đặt chân lên mảnh đất tôi hằng ao ước bấy lâu nay. Khi tàu đến Hồng Kông, tôi không chú ý gì đến những cảnh tượng ồn ào, náo nhiệt trên bến mà chỉ nóng lòng tìm chỗ mua vé xe lửa đi Quảng Đông. Đối với tôi, Hồng Kông chưa phải là Trung Hoa, chưa phải nơi tôi muốn biết. Ngồi trên xe lửa, tôi say sưa nhìn ngắm những ruộng lúa mênh mông, thả hồn theo đàn cò trắng bay lượn về cuối chân trời. Tôi thích thú quan sát những chiếc xe chở rơm, những đứa bé mục đồng, những người nông phu đang cày cấy. Những hình ảnh đó dường như gợi cho tôi một cái gì quen thuộc, một cái gì đầy thương yêu, một mối cảm xúc không thể diễn tả. Tôi lẩm bẩm “Rồi cũng có lúc đứa con đi hoang phải trở về nhà”.
Tuy nhiên Trung Hoa lúc đó so với Trung Hoa trong mộng của tôi khác nhau rất xa. Xa như ngày và đêm, như tối và sáng. Thực tế đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về sự mơ mộng này. Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã biết cha tôi nói đúng, người ta không thể làm gì nếu không có tiền trong túi. Người ta có thể coi thường tiền bạc khi trong túi xu hào rủng rỉnh; người ta có thể khinh rẻ vật chất khi vẫn có một mái nhà ấm cúng che chở, khi bao tử no đầy, nhưng người ta không thể thoải mái lúc trong túi không tiền, không thể ung dung lúc bao tử trống rỗng. Khi những hăng say bồng bột ban đầu tan biến, khi va chạm với thực tế phũ phàng, tôi mới ý thức được rằng xã hội Trung Hoa còn vất vả, chật vật hơn xã hội Phương Tây rất nhiều. Người dân tại đây còn bận rộn về sinh kế hơn cả những thương gia bận rộn nhất Luân Đôn. Không thấy ai nhàn hạ cưỡi trâu, thổi sáo như trong những bức họa cổ mà tôi đã thấy. Không ai ung dung mặc áo gấm thêu rồng thêu phượng như tranh ảnh trên báo chí. Hầu như nhà nào nhà nấy đều cửa đóng then cài chặt chẽ, làm gì có cảnh nhà không đóng cửa, đồ rơi không người nhặt như trong sách tôi thường đọc. Đến lúc đó tôi mới biết mình lầm và lầm rất lớn.
Khi những xúc động bàng hoàng lúc đầu từ từ chìm lắng, khi số tiền khiêm tốn mang theo hao hụt thấy rõ, tôi biết ngay nếu không có biện Pháp đối phó thích nghi thì tôi sẽ gặp khó khăn, khốn đốn ngay. Về sau, nghĩ lại việc làm ngây thơ dại dột lúc đó, tôi không khỏi cười thầm cái thói trẻ người non dạ, viển vông, không thực tế của mình.
Một điều may mắn cho tôi là mức sống tại đây so ra vẫn còn thấp hơn Luân Đôn nhiều. Mấy chục bảng Anh còn sót lại đủ cho tôi sống thêm ít tuần nữa. Lúc đầu chương trình du lịch của tôi không có mục phải kiếm tiền nuôi thân, nhưng hiển nhiên không cần phải là người thông minh mới biết rằng cái dự định đó hoàn toàn không thực tế.
Biết không thể kiếm được việc làm tại một nơi xa lạ, với khả năng ngôn ngữ bất đồng, tôi đành đáp xe lửa trở về Hồng Kông. Tôi tìm đến các tiệm buôn của người Anh để xin việc nhưng người ta tiếp đãi tôi vô cùng lạnh nhạt. Đa số tỏ ra nghi ngờ, không biết một kẻ “mạo hiểm” như tôi có mưu tính điều gì mờ ám không. Tôi tìm đến một tờ báo tiếng Anh để xin việc, nhưng dù có thiện chí, người chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm ký giả, kiêm luôn cả chức “thầy cò” cũng không thể mướn tôi. Ông chỉ hứa sẽ trả tiền theo bài nếu những bài viết của tôi ăn khách. Phần lớn độc giả người Anh xa xứ thường muốn biết về những việc xảy ra bên quê nhà, kể cả những việc không còn là thời sự. Tuy nhiên tôi là kẻ mơ mộng, nào có để ý gì đến những việc xảy ra tại Luân Đôn; ngay các biến cố chính trị lớn tôi còn không để ý huống chi các thời trang phụ nữ, các vấn đề xã hội mà độc giả tại đây muốn biết. Tôi chỉ có thể viết về trường Cambridge, về đời sống sinh viên, vốn không hấp dẫn bao nhiêu. Cụm từ “đại học Cambridge” khiến ông chủ bán báo nhíu mắt lại, theo ông đây là một đặc điểm có thể khai thác được. Ông đề nghị tôi nên mở lớp dạy Anh ngữ cho những sinh viên Trung Hoa đang chuẩn bị du học Anh Quốc. Một lớp được dạy bởi người xuất thân từ Cambridge chắc chắn phải đặc biệt rồi. Từ đó tôi trở thành giáo sư Anh ngữ cho các học sinh bản xứ.
Trở ngại đầu tiên của tôi là vấn đề ngôn ngữ bất đồng. Mặc dù người Anh có mặt tại Trung Hoa đã lâu nhưng ngoại trừ các khu phố chính, những nơi giao dịch, buôn bán với người ngoại quốc có một thiểu số biết nói tiếng Anh, đa số dân chúng địa phương đều sử dụng tiếng Quảng Đông hoặc tiếng phổ thông.
Ngay trong mấy hôm đầu, tôi đã biết nếu không nói tiếng xứ này, người ta không thể đi đâu hay làm gì được. Tôi tập trung nỗ lực học tiếng Quảng Đông. Với hai cuốn từ điển dày trong túi, tôi xông xáo khắp nơi, gặp ai cũng cố gắng bắt chuyện, học hỏi. Lúc đầu còn quanh quẩn trong các khu phố có người ngoại quốc nhưng dần dần tôi thích đi xa hơn giới hạn của các khu này. Nhờ thế chỉ vài tuần sau, tôi đã có thể nói chuyện, giao dịch một cách giới hạn, bằng tiếng Quảng Đông.
Để thích hợp với hoàn cảnh mới, tôi thay đổi cách phục sức,ăn mặc như người
bản xứ, và chọn một cái tên Trung Hoa: Phùng Minh Đạo, với hy vọng sẽ gặp được một con đường sáng tại đây. Thay vì thuê phòng khách sạn, tôi mướn một căn phòng nhỏ trong khu phố nghèo với giá năm bảng Anh một tháng. Với giá hai bảng Anh, tôi mướn một đứa nhỏ để sai vặt. A Hùng, đứa nhỏ tôi mướn, còn dọn dẹp, nấu nướng và giặt giũ nữa. Một điều đáng ghi nhận là nhân công tại Trung Hoa lúc đó rất rẻ. Với nạn nhân mãn hoành hành, thêm việc trộm cướp vì tình hình chính trị, kinh tế nội địa bất an, số người nghèo kéo về Hồng Kông kiếm việc rất đông. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đổi lấy cơm ngày hai bữa và một chỗ ngủ thoải mái. A Hùng cũng ở trong số người đó. Tuy chưa đầy mười ba tuổi, cậu bé đã rời nhà lên Hồng Kông kiếm việc nuôi thân và dành dụm để giúp gia đình tại Phúc Kiến.
Một hôm tôi thấy trong người khó chịu, cổ họng đau nhức, toàn thân nóng ran. Chỉ một lúc, hai mắt tôi đã hoa lên không nhìn thấy gì nữa, tôi choáng váng ngã vật xuống giường rồi thiếp đi luôn. Tôi không biết mình nằm như vậy bao lâu nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy A Hùng đang đứng bên giường, mặt mày lo âu thấy rõ. Tôi thều thào yêu cầu cậu đi gọi bác sĩ nhưng khi cậu đi rồi tôi mới chợt nhớ rằng mình đã hết sạch tiền. Số tiền dạy kèm tiếng Anh đã dùng để trả tiền nhà, lá thư viết cho cô Jessie để xin tiền chưa hoàn tất vẫn nằm trên bàn viết. Tôi lo lắng không biết phải làm sao và hy vọng không bác sĩ nào chịu đến thăm bệnh tại khu phố nghèo nàn, bẩn thỉu như thế này.
Khi A Hùng trở về, tôi ngạc nhiên khi thấy một người Trung Hoa gầy ốm, mặc áo lụa trắng, đầu đội mũ quả dưa theo hắn vào phòng. Người này thong thả đến bên giường quan sát tôi một lúc rồi nhẹ nhàng đưa tay bắt mạch. Không biết vì lý do gì, vừa thấy người này tôi có cảm giác như đã gặp ở đâu rồi. Tôi cố gắng lục soát trí nhớ nhưng đầu óc mơ hồ, nửa mê nửa tỉnh của tôi không thể tập trung được. Tôi lặng lẽ nhìn khuôn mặt điềm tĩnh, phảng phất vẻ nghiêm nghị, giống như khuôn mặt của các học giả phương Đông thường thấy qua các tranh vẽ. Khi người nọ nắm tay tôi bắt mạch thì tự nhiên đầu óc tự tôn của người Phương Tây trong tôi nổi lên. Làm sao một thanh niên Trung Hoa gầy gò, mặt mày tái nhợt thế kia lại có thể là một y sĩ được? Phải chăng A Hùng lười biếng không tìm đến những bác sĩ được huấn luyện từ đại học Y khoa mà đi mời một thầy lang địa phương? Tuy là người say mê văn hóa Trung Hoa, thán phục các bậc thánh hiền như Lão Tử, Khổng Tử, nhưng tôi không tin tưởng gì về Đông y cả. Tôi không thể tin những vị thuốc đen xì như hắc ín, những xác rắn, thằn lằn phơi khô treo trước cửa các dược phòng lại có công dụng y lý gì. Người thanh niên hỏi tôi vài câu về bệnh trạng nhưng dường như hỏi chỉ để hỏi mà thôi, có lẽanh ta đã biết trước câu trả lời của tôi như thế nào rồi. Anh ta rút ra một túi nhỏ đựng cuộn giấy, vài cây bút lông, một thỏi mực và một cái nghiên bằng đá. A Hùng nhanh nhẹn chạy vào bếp lấy ra một bát nước. Người thanh niên thong thả mài mực vào nghiên. Từ giường bệnh tôi cố gắng nhấc đầu lên quan sát nhưng chỉ thấy khuôn mặt hết sức điềm tĩnh của người thanh niên đang chăm chú thảo đơn thuốc. Khi anh trao cho A Hùng, tôi thấy thằng nhỏ có vẻ ngần ngại. Nó biết tôi đã hết sạch tiền từ mấy hôm nay rồi. Tôi bối rối không biết phải làm sao thì thấy A Hùng rút ra một cái ruột tượng mà nó vẫn cất kỹ phía sau tủ ra. Thằng bé đếm đủ mấy quan tiền rồi cầm đơn thuốc cắm đầu chạy ra khỏi nhà. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra ràn rụa. A Hùng mới giúp việc cho tôi một thời gian ngắn, chưa lãnh tiền công được bao nhiêu, và đang cố gắng dành dụm để gửi tiền về cho cha mẹ. Tuy nhiên hắn cũng biết tôi đang gặp khó khăn về tài chính, và sẵn sàng giúp đỡ. Tôi tự nhủ sẽ bồi hoàn cho hắn thật xứng đáng khi có dịp.
Trong khi chờ đợi A Hùng trở về, người thanh niên kéo ghế ngồi xuống cạnh giường nói chuyện. Tôi cho anh biết tuy là người Anh nhưng tôi đã chọn một cái tên Trung Hoa: Phùng Minh Đạo. Thanh niên xưng tên Tạ Hải, một Đông y sĩ cư ngụ tại đường Caine Road cách đó không xa. Tạ Hải cho biết anh xuất thân trong một gia đình y sĩ, cha anh đã hành nghề tại Bắc Kinh nhiều năm, và ông nội của anh đã có thời gian giữ chức Ngự Y trong triều. Đang nói chuyện, bỗng Tạ Hải nhìn thấy bàn thờ nhỏ của tôi kê ở cạnh tủ sách:
– Ông Phùng, hình như ông cũng là một Phật tử?
– Thưa vâng. Tôi đã là một Phật tử mấy năm nay rồi. Có lẽ ông nhìn thấy bàn
thờ Phật của tôi ở góc phòng?
– Chính thế. Tôi rất ngạc nhiên và sung sướng khi được biết giáo lý cao đẹp của đức Thế Tôn đã được truyền bá quatận bên Anh Quốc. Hay quá, hay quá…
Tôi vắn tắt kể cho Tạ Hải nghe việc tôi đã say mê đọc sách vở về Phật Giáo tại
Haileybury và Cambridge như thế nào. Tạ Hải chăm chú lắng nghe, mặt anh ta sáng lên một vẻ thích thú, bất chợtanh cúi xuống sát giường nói thật chậm:
– Ông Phùng, xin phép ông cho tôi hân hạnh được làm một việc rất nhỏ là chữa bệnh cho ông. Tuy mới quen biết nhưng dường như chúng ta đã quen nhau từ lâu rồi. Hơn nữa, chúng ta đều là anh em, đều là con của đấng cha lành, đức Phật Thích Ca, vàtôi không bao giờ tính tiền anh em trong nhà cả.
Nỗi lo lắng phải trả tiền chẩn bệnh của tôi bỗng tiêu tan như mây khói. Tôi cảm động không sao thốt nên lời, chỉ lắp bắp vài câu cám ơn.

Sau khi khỏi bệnh, tôi tìm đến phòng mạch của Tạ Hải để cám ơn. Sau câu chuyện xã giao, chúng tôi chuyển qua đề tài tôn giáo. Tạ Hải cho biết anh là một tín đồ Phật Giáo thuần thành, đã có cơ hội học hỏi với nhiều vị cao tăng nổi tiếng.
Chúng tôi đàm đạo rất tương đắc. Lúc ra về Tạ Hải rất thiết tha mời tôi trở lại.
Tình bạn của chúng tôi nảy nở từ đó, cứ vài hôm tôi lại tìm đến phòng mạch của Tạ Hải để đàm đạo, và chỉ vài tháng sau, tôi đã trở thành một người khách quen thuộc, một người ngồi thường trực trong căn phòng chẩn bệnh thiết kế lịch sự với những kệ sách lớn, với những đồ đạc bằng gỗ cẩm lai bóng lộn và những bức tranh vẽ chằng chịt các kinh mạch, huyệt đạo.
Tuy Caine Road là khu phố buôn bán sầm uất, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt nhưng phòng mạch của Tạ Hải lại có một không khí yên tĩnh, trang nghiêm khác thường. Muốn vào đó người ta phải đi ngang một khu vườn nhỏ với hòn non bộ, cây kiểng để ngăn bớt tiếng động bên ngoài. Tôi thường đến thăm Tạ Hải vào buổi xế chiều, khi số bệnh nhân đã thưa bớt, như thế chúng tôi có thể đàm đạo đến khuya mà không sợ ai quấy rầy. Dĩ nhiên đôi khi cũng có những người bệnh đến bất ngờ, làm gián đoạn câu chuyện của chúng tôi. Theo phong tục Phương Tây, việc khám bệnh thường có tính cách riêng tư giữa bệnh nhân và y sĩ, những người không liên hệ không được phép vào. Điều này không xảy ra tại đây, đa số người bệnh không phàn nàn, và Tạ Hải cũng không hề tỏ thái độ nào về sự hiện diện của tôi trong phòng khám bệnh. Thường thì người bệnh bước vào gật đầu chào Tạ Hải rồi bắt đầu tả bệnh trạng của mình, đôi khi cũng có người liếc nhìn về phía tôi nhưng chỉ thế thôi, không ai tỏ ra mất tự nhiên hay khó chịu về việc có sự hiện diện của một người lạ mặt.
Tạ Hải thường chẩn bệnh một cách nghiêm túc, đứng đắn, không để lộ tình cảm. Về sau tôi mới biết bản tính của anh vẫn thế, lúc nào cũng đạo mạo, nghiêm trang, tuy bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong rất tận tụy và có lương tâm.
Sau khi nghe người bệnh diễn tả bệnh trạng, Tạ Hải yêu cầu họ vén tay áo lên để bắt mạch. Việc chẩn bệnh diễn ra một cách hết sức yên lặng. Tạ Hải chăm chú lắng nghe một hồi lâu cho đến khi gật nhẹ đầu như đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Việc chẩn bệnh chỉ giản dị có thế, không mấy khi tôi thấy Tạ Hải làm gì khác hơn.
Sau khi bắt mạch, Tạ Hải thong thả giải thích cho bệnh nhân về bệnh trạng của họ trước khi kê đơn cho thuốc. Nhờ ngồi đó, tôi chứng kiến nhiều cách định bệnh lạ lùng mà một người Tây Phương chắc chắn không thể tin được. Làm sao chỉ sờ vào cổ tay bệnh nhân mà một y sĩ có thể biết được người đó đau gan, đau thận hay sưng phổi? Làm sao chỉ cần nhìn qua sắc diện bệnh nhân mà y sĩ có thể nói luôn về tình trạng dinh dưỡng hay những liên hệ về tâm sinh bệnh lý của họ?
Đôi khi Tạ Hải không đề cập gì đến bệnh trạng mà lại nói về những quan niệm trừu tượng như khí huyết, nóng lạnh, âm dương, ngũ hành, nghịch khí hay thuận khí. Việc chữa trị cũng không nhất định, có lúc anh ta kê đơn cho thuốc, khi lại bắt bệnh nhân thay đổi cách ăn uống, dinh dưỡng hay khuyên họ không nên lo lắng thái quá mà sinh đau lưng, nhức mỏi. Theo Tạ Hải, cơ thể con người khỏe mạnh lúc nào cũng quân bình, bệnh tật chỉ là những triệu chứng của sự mất quân bình trong cơ thể. Thay vì chữa trị từng cơ quan riêng biệt, đau đâu chữa đó như y khoa Phương Tây thì Tạ Hải chủ trương việc chữa trị phải có tính cách toàn diện để lập lại sự quân bình trong cơ thể. Tôi không biết bệnh nhân có hiểu gì về lời giải thích này hay không nhưng phần lớn tỏ ra hết sức tin tưởng vào tài chẩn bệnh cũng như chữa bệnh của anh ấy.
Ngày tháng cứ thế chầm chậm trôi, chẳng mấy chốc tôi đã sống tại đây gần một năm. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu không quen Tạ Hải và một số bằng hữu của anh ta thì đời sống của tôi sẽ như thế nào? Trong thời gian đầu, cuộc sống của tôi rất túng thiếu, số tiền kiếm được qua việc kèm sinh ngữ chỉ vừa đủ để trả chi phí nhưng không đủ để đi du lịch, thăm viếng các danh lam thắng cảnh như ý muốn.
Mãi về sau, khi đã quen biết nhiều, giao thiệp rộng, cuộc sống dần dần trở nên dễ chịu hơn. Ở Phương Tây, việc làm thường được xây dựng trên cơ sở bằng cấp, khả năng chuyên môn; nhưng tại Trung Hoa, tất cả tùy thuộc vào tiếng tăm và quen biết. Dù có khả năng, bằng cấp, học vấn gì chăng nữa nhưng thiếu quen biết thì vẫn bị coi là “người ngoài” và không ai giao dịch, làm ăn buôn bán với những người đó cả. Chỉ khi nào được sự với thiệu bảo đảm của một ai đó thì mọi việc mới tiến triển được. Lúc đầu mở lớp dạy sinh ngữ, tôi gặp nhiều khó khăn vì không ai giới thiệu, chỉ có vài học sinh tò mò muốn học thử mà thôi. Về sau khi quen biết rộng, chỉ cần vài người có uy tín trong vùng lên tiếng thì số học sinh ghi danh đã gia tăng rõ rệt. Thay vì mở một lớp tôi đã phải mở đến hai, ba lớp mà vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu, nhưng đó là chuyện về sau.
Ngoài việc đàm đạo về Phật học với Tạ Hải và với các bạn của anh, tôi còn có dịp tham gia một thú giải trí hết sức tao nhã: làm thơ vịnh cảnh. Chúng tôi thường họp nhau tại nhà một người nào đó, cũng có khi trên một con thuyền thả trôi theo dòng, uống trà thưởng trăng rồi xướng họa với nhau những vần thơ ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên. Tuy khả năng sinh ngữ còn kém nhưng nhờ Tạ Hải ngồi cạnh giải thích nên tôi cũng hiểu được phần nào ý nghĩa những bài thơ này.
Đôi khi người ta cũng ép tôi phải họa theo, và tôi chỉ biết đỏ mặt tía tai lắc đầu lia lịa. Tuy nhiên sau một thời gian ngồi chầu rìa, tôi cũng ê a một vài câu họa. Dĩ nhiên mọi người cười ầm lên thích thú rồi xúm vào khuyến khích. Một người bạn của Tạ Hải dạy tôi cách gieo vần họa điệu, giảng giải cho tôi về niêm luật thơ phú nên ít lâu sau tôi bắt đầu sáng tác được vài vần thơ xướng họa với mọi người. Hầu hết những người này đều thuộc dòng dõi học giả, quan lại, trung thành với triều đình, đã lánh nạn ra Hồng Kông sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911. Chính nhờ họ mà tôi học hỏi được nhiều về nghệ thuật sống của người phương Đông. Mùa thu đầu tiên trôi qua với nhiều kỷ niệm đẹp và mùa đông cũng đến một cách nhẹ nhàng. Khí hậu nơi đây tuy không lạnh như Luân Đôn nhưng cũng đủ làm người ta co ro trong nhà, ít ai ra khỏi cửa. Tôi cũng tận dụng thời gian này để học thêm tiếng Trung Hoa, tập đọc các sách phổ thông như Tam Quốc Chí, Tây Du và Phong Thần.
Một ngày đầu xuân, tiết trời hơi lạnh, tôi quyết định đến thăm Tạ Hải. Như lệ thường, tôi khoác chiếc áo nỉ may theo kiểu Trung Hoa, và theo thói quen cài thêm một bông hoa nhỏ lên ngực. Vừa bước vào phòng khám bệnh, tôi cảm thấy có một sự gì khác thường. Căn phòng đầy người, đa số là đàn ông lớn tuổi ăn mặc lịch sự. Chỉ cần nhìn sơ qua những bộ quần áo bằng gấm thượng hạng, tôi biết họ thuộc giai cấp quyền quý, nếu không phải bậc trưởng giả thì cũng đại phú gia. Tất cả quây quần bên một ông lão, khuôn mặt hồng hào quắc thước ngồi trên chiếc trường kỷ kê giữa phòng. Điều ngạc nhiên hơn nữa là có một số người còn ngồi luôn cả xuống đất, sát cạnh chân ông lão. Không như người Ấn Độ hay Thái Lan thường ngồi xổm dưới đất, người Trung Hoa đã biết sử dụng ghế từ lâu, rất ít ai ngồi bệt xuống đất, nhất là trong các buổi họp quan trọng, với quần áo lịch sự như vậy. Tôi đang bỡ ngỡ chưa biết phải làm gì thì Tạ Hải ở đâu bước lại. Anh ta nắm lấy áo tôi kéo thẳng về phía ông lão và nói khẽ:
– Ông Phùng, cẩn thận đấy nhé, nhớ khấu đầu đúng ba lần.
Đã quen với cách chào cung kính của người Trung Hoa, tôi biết khấu đầu ba lần là một nghi thức bày tỏ sự kính trọng đặc biệt nhưng tôi vẫn chưa biết người khách lạ kia là ai. Tạ Hải trịnh trọng lên tiếng:
– Thưa trưởng lão, con xin giới thiệu một bằng hữu đến từ phương xa, một Phật tử người Anh, Phùng Minh Đạo tiên sinh.
Nói xong anh lấy khuỷu tay huých nhẹ vào hông tôi để ra hiệu. Tôi lật đật quỳ xuống đất, khấu đầu đúng ba lần. Trong lúc làm lễ, tôi liếc thấy ông lão mặc một bộ quần áo rất lạ, khác hẳn các y phục thông thường. Đó là một chiếc áo choàng màu tím thẫm, có những đường chỉ viền quanh. Ông còn quấn một sợi dây dài ngang hông bằng lụa vàng óng ánh với những tuarất dài. Ông lão mỉm cười:
– Một Phật tử… từ nước Anh ư? Lành thay! Lành thay!
Tôi nghe giọng ông lão lơ lớ, không giống như giọng người Trung Hoa. Tuy ông nói tiếng phổ thông khá rõ nhưng tôi nghe sao vẫn như giọng một người ngoại quốc.
– Thưa vâng, tôi là một Phật tử nước Anh.
Ông lão mỉm cười giơ tay vỗ nhẹ vai tôi rồi chỉ xuống đất, như có ý bảo tôi hãy ngồi xuống đó.
– Lành thay, một Phật tử từ phương xa đến. Phải chăng anh muốn hỏi tôi một vài điều về Phật Pháp hay có vấn đề gì muốn nói riêng với tôi nữa?
Có lẽ vì bỡ ngỡ nên tôi trả lời như một cái máy:
– Thưa trưởng lão…vâng… vâng…
– Được lắm, anh cứ hỏi đi. Người Tây Tạng chúng tôi không có thói úp mở loanh quanh đâu. Muốn gì cứ việc nói đi… Tôi giật mình. Câu nói “người Tây Tạng chúng tôi” dường như có một mãnh lực kỳ lạ nào đó khiến đầu óc của tôi trở nên hoang mang. Như vậy ông lão là người Tây Tạng, phải chăng đó là một vị Hóa Thân, hay Phật sống mà tôi vẫn nghe sách vở đề cập? Tôi đã đọc khá nhiều sách về Phật Giáo Tây Tạng nhưng không có mấy cảm tình với phái này. Theo tôi, đây là một hình thức tín ngưỡng đã bị pha trộn nhiều Pháp thuật phù thủy, mê tín dị đoan, khác xa với giáo lý cao đẹp của Đức Phật. Tôi nghe nói tu sĩ phái này sử dụng bùa ngải, Pháp thuật và thường giao du với cõi vô hình nên theo tôi Phật Giáo Tây Tạng đã mang một sắc
thái hoang đường, kỳ lạ, huyền bí, hư hư thực thực. Nếu ông lão này là người Tây Tạng thì phải chăng ông là một kẻ luyện phép phù thủy? Tuy nhiên tôi không thấy ông có vẻ ghê gớm của một người luyện tà thuật. Trái lại ông có nét mặt hiền lành, phúc hậu, lúc nào cũng tươi cười thân thiện. Hơn nữa tôi thấy không khí
trong phòng có vẻ trang nghiêm, đứng đắn chứ không có vẻ gì kỳ lạ khác thường.
Tôi đã từng chứng kiến một vài cảnh lên đồng trong các đền miếu với những người dân quê mê tín, nhưng nhìn quanh cử tọa, tôi thấy họ không phải là loại bình dân thất học hay những người nhẹ dạ dễ tin. Chỉ cần liếc qua cách ăn mặc và cử chỉ, tôi biết họ tiêu biểu cho hạng thượng lưu trí thức trong xã hội.
Đang mải miết suy nghĩ bỗng nhiên tôi sực nhớ đến bộ y phục của mình.
Trong lúc ai cũng mặc quần áo lịch sự thì tôi lại khoác một tấm áo đã cũ. Tệ hơn nữa tôi còn cài một bông hoa trên túi áo, trông trơ trẽn khôi hài làm sao! Nếu ông lão kia là người có địa vị quan trọng thì không biết ông nghĩ sao về kẻ ăn mặc bê bối với bông hoa kỳ cục cài trên ngực áo như thế này? Tự nhiên tôi đâm ra hối hận đã cài bông hoa như vậy. Mặt tôi nóng ran, tay chân ngượng nghịu không biết phải làm gì. Bất ngờ ông lão mỉm cười nói khẽ với tôi:
– Có sao đâu, hoa ở đâu cũng đẹp hết.
Tôi giật thót mình. Tại sao ông lão này lại nói như vậy? Làm sao ông biết tôi đang bối rối vì bông hoatrên ngực áo? Tôi chưa biết làm gì thì ông đã nói tiếp:
– Này anh bạn trẻ, hoa tượng trưng cho sự tinh khiết, mỹ lệ, hay sự tốt đẹp vẹn
toàn, vì lẽ đó chúng ta thường đem hoa cúng Phật kia mà, như vậy có gì mà anh phải bối rối? Hình như anh chưachuẩn bị sẵn câu hỏi nào thì phải?
Tôi có cảm tưởng ông lão này đang thử thách tôi. Nếu đặt câu hỏi thì có khác gì đem kiến thức nhỏ bé về Phật học của mình ra trình cho người khác. Dĩ nhiên tôi đâu muốn “múarìu qua mắt thợ” nên khéo léo thoái thác:
– Thưa trưởng lão, tôi không nói thạo tiếng phổ thông… Có lẽ tôi phải nhờ người nào khác phiên dịch giùm. Kiến thức về Phật học của tôi còn thấp kém lắm, nói rachỉ sợ ngài cười.
Ông lão có vẻ ngạc nhiên:
– Này anh bạn, đừng tỏ ra mất tự nhiên như thế. Trở ngại ngôn ngữ đâu phải là lý do khiến anh bỏ qua một cơ hội tốt đẹp. Tôi trông anh có vẻ ngượng nghịu làm sao, phải chăng việc này xảy ra bất ngờ? Thôi được, có lẽ anh cần bình tĩnh lại đã rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau. Tôi cũng muốn biết một Phật tử từ Anh Quốc đến có những thắc mắc gì về Phật học.
Ông khẽ phất tay ra ý tiễn khách. Tôi cúi rạp người xuống chào và lùi ra khỏi đám người đang quây quần cạnh ông lão. Ra đến hành lang tôi thấy A Lục, một đứa cháu của Tạ Hải đang đứng gần đó.
– Này Lục huynh đệ,anh đang làm gì ở đây vậy?
– Phùng tiên sinh đừng mất thời giờ vô ích. Ông nên suy nghĩ về những thắc mắc mà ông sẽ hỏi ngài.
– Những vị khách đó làai vậy?
– Ông không biết ư? Đó là một Lạt ma nổi tiếng cư ngụ tại Bắc Kinh. Hiện nay ngài lên đường trở về Tây Tạng. Thay vì đi đường bộ thì ngài sử dụng đường thủy từ Hồng Kông đi Calcutta. Thời gian gần đây đường bộ không an ninh, đi đường thủy nhanh chóng vàtiện lợi hơn…
Một ông lão đứng gần đó nghe vậy bèn xen vào:
– A Lục nói không đúng. Trưởng lão cư ngụ tại Tân Cương chứ không phải Bắc Kinh. Tuy là người Tây Tạng nhưng ngài có rất nhiều học trò người  Trung Hoa, có lẽ đến cả trăm, cả ngàn cũng không chừng vì ngài đã sống tại đây hai mươi lăm năm rồi. Hiện nay công việc hoằng Pháp đã xong, ngài lên đường trở về xứ.
Tên ngài là Dorje Rinpoche nhưng người Trung Hoa gọi ngài là Kim Cương trưởng lão…
Ông lão còn nói thêm một hồi nhưng vì không thạo tiếng phổ thông nên tôi không hiểu mấy. Tôi quay qua định nhờ A Lục thông dịch thì hắn đã bỏ đi đâu
mất. Tôi đành lặng yên đứng trong một góc khuất quan sát đám đông đang xúm xít trong phòng khách của Tạ Hải. Một lúc sau, lấy lại bình tĩnh, tôi sắp đặt trong óc năm câu hỏi như sau:
1. Đức Phật đã dạy rằng nghi thức hành lễ chỉ là hình thức bên ngoài, là chướng ngại cho việc giải thoát (một trong Tứ chướng: Nghiệp chướng, Báo chướng, Phiền não chướng và Sở tri chướng), nhưng tại sao một số môn phái,
nhất là Mật Tông, lại chú trọng rất nhiều đến các nghi thức hành lễ như vậy?
2. Có phương Pháp Thiền định giản dị dành cho người mới bước chân vào đường đạo không? Làm sao có thể bước chân vào con đường Thiền, Tịnh hay Mật?
3. Tại sao các xứ như Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan chỉ thờ một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca, trong khi Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa lại thờ nhiều vị Phật khác nhau?
4. Các đấng Bồ Tát có thực sự giúp gì cho chúng ta không? Liệu chúng ta phải
trông cậy vào sự giúp đỡ của các đấng Bồ Tát hay phải nỗ lực tự giúp mình như Phật Giáo nguyên thủy vẫn đề xướng?
5. Nhiều học giả Phương Tây cho rằng Phật Giáo Tây Tạng chỉ là một biến thái của Phật Giáo, một thứ huyền thuật đội lốt Phật Giáo với những thần linh kỳ lạ hay các cõi giới vô hình. Theo ngài thì điều này ra sao?
Đó là những câu hỏi mà tôi vẫn thắc mắc từ trước nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tôi biết câu hỏi thứ năm có phần sỗ sàng, bất kính với một tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng nhưng tôi thiết nghĩ đây là cơ hội hãn hữu để tôi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này.
Trời đã về chiều, số người tụ họp trong phòng khách của Tạ Hải đã ra về hết, chỉ còn riêng tôi vẫn đứng ở góc nhà. Tôi thầm nghĩ có lẽ quá bận rộn nên Kim Cương trưởng lão đã quên tôi rồi, nhưng khi người khách cuối cùng vừa quỳ xuống làm lễ từ biệt thì ngài đã quay về phía tôi.

– Này anh bạn trẻ, có lẽ anh đã chờ lâu và đói bụng rồi. Anh hãy trở lại đây sau bữa ăn tối. Tạ Hải đang đợi anh ở nhà. Tối nay Lý tiên sinh sẽ thông dịch cho anh. Như anh biết, tôi không nói được tiếng Quảng Đông và anh cũng không thông thạo tiếng phổ thông.
Một lần nữa tôi lại giật mình. Quả thật trong lúc đứng chờ tôi có nghĩ đến việc
ăn uống. Từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng và tôi đã nghe vài người trong bọn nói về bữa cơm thịnh soạn tại nhà riêng của Tạ Hải. Tôi lật đật quỳ xuống vái chào nhưng vị trưởng lão không để ý đến tôi, ông co chân xếp bằng trên chiếc trường kỷ, hai mắt từ từ nhắm lại như một pho tượng. Ra đến cửa, tôi thấy A Lục đang chờ sẵn:
– Phùng tiên sinh, chúng tôi đang đợi ông để cùng ăn tối.
Chúng tôi đi bộ về nhà của thân phụ Tạ Hải cách đó không xa. Khi đến nơi mọi người đã khởi sự ăn uống, quanh bàn tiếng người chuyện trò ồn ào như pháo tết. Đã quen với không khí nơi đây nên tôi không hề khách sáo, tự nhiên cầm bát đũalên ăn uống ngon lành.
Sau bữa ăn, tôi trở lại đường Caine Road một mình vì Tạ Hải và A Lục còn bận rộn. Bước vào phòng khách, tôi thấy Kim Cương trưởng lão vẫn ngồi xếp bằng trên chiếc trường kỷ như một pho tượng. Nếu không có Lý tiên sinh bước ra đón, có lẽ tôi đã ngại ngùng không dám bước vào. Lý tiên sinh làm chủ một tiệm buôn lớn tại khu Bloomsbury nên nói tiếng Anh rất lưu loát. Chúng tôi bước vào làm lễ ra mắt một lần nữa. Tôi định lên tiếng thì Kim Cương trưởng lão đã lên tiếng trước, Lý tiên sinh nhanh nhẹn thông dịch:
– Này anh bạn trẻ, điều anh thắc mắc thật ra rất giản dị chứ không có gì phức tạp đâu. Chân lý Đức Phật đã dạy chúng ta cũng rất giản dị và có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh chứ không phải điều gì phức tạp khó áp dụng. Tôi muốn anh hiểu thật rõ điều này vì anh là Phật tử Tây Phương đầu tiên mà tôi gặp. Do
đó, tôi muốn nói chuyện riêng với anh. Tôi định lên tiếng cảm ơn về thịnh tình đặc biệt này nhưng Kim Cương trưởng lão đãlắc đầu:
– Khoan đã, anh hãy lắng nghe rồi đặt câu hỏi sau. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ nhất về các nghi thức như một chướng ngại…
Một lần nữa, tôi giật thót mình. Tôi chưa lên tiếng mà sao tu sĩ này biết trước câu hỏi của tôi? Phải chăng đó là sự tình cờ ngẫu nhiên hay còn có một cái gì khác? Nhưng tôi đâu hề thố lộ điều này với ai? Dù đàm đạo với Tạ Hải rất thường nhưng tôi chưa hề đặt vấn đề này với anh ta. Có lẽ nhìn thấy vẻ bối rối của tôi, vị trưởng lão mỉm cười một cách kỳ lạ:
– Đức Phật Thích Ca thường nhắc nhở các đệ tử của ngài rằng, nghi thức có thể trở thành một chướng ngại cho việc giải thoát nếu người ta cứ chấp nhặt vào những hình thức mà quên đi mục đích chính của việc tu hành…
Tự nhiên tôi hoang mang. Làm sao ông có thể hiểu rõ tư tưởng của tôi? Phải chăng đó là phép Tha Tâm Thông, một quyền năng mà các Lạt ma Tây Tạng thường sử dụng? May thay đầu óc tôi chỉ xáo trộn trong vài giây vì Kim Cương trưởng lão đã tiếp tục:
– Dĩ nhiên một nghi thức được làm với cái tâm không chân thật, chỉ là hình thức trống rỗng bề ngoài, không ích lợi gì thì hiển nhiên là chướng ngại cho việc giải thoát. Tu hành, đọc kinh, trì chú mà không chịu học, không chịu hiểu, không sử dụng đến trí tuệ mà chỉ đọc tụng làu làu, chẳng hiểu ý nghĩa lời kinh, chẳng thực hành được điều trong kinh dạy, như một cái túi đựng đầy sách, chẳng dùng được vào việc gì. Dĩ nhiên nó là chướng ngại cho việc tu hành. Tuy nhiên nếu một nghi thức được thực hành với một cái tâm chân thật khi hành động, cử chỉ đều trang nghiêm, ý thức và được kèm thêm những câu chú hết sức linh nghiệm thì làm sao có thể gọi là chướng ngại? Khi thân, khẩu, ý đều thanh tịnh, khi người hành lễ ý thức rõ rệt từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động của họ cũng như mục đích sâu xa của những nghi quỹ hành lễ thì làm sao điều này có thể gọi là chướng ngại?
– Này anh bạn trẻ, nếu một người leo núi cần có dây thừng thật chắc, móc sắt thật bền thì đường tu cũng thế. Người ta cần có định lực thật vững, xen vào những nghi quỹ nhất định và điều chính yếu là tâm lúc nào cũng không rời mục đích duy nhất là giải hóa khỏi luân hồi sinh tử để đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Mật Tông hay thần chú là những phương tiện giúp người tu trừ khử Phiền não chướng và Sở tri chướng, có năng lực bảo vệ các chủng tử tốt, làm tăng trưởng các chủng tử thiện trong tâm, ngăn giữ các chủng tử xấu hoạt động. Dĩ nhiên có nhiều kẻ thiếu trí tuệ, lười biếng và hay ỷ lại đã thực hành các nghi thức trên như mục đích mà quên rằng đó chỉ là phương tiện. Họ như kẻ đi lạc trong bão tuyết, có bản đồ không biết xem, hiển nhiên không thể đến đích được. Tiếc thay một số học giả Phương Tây khi tiếp xúc với những tu sĩ như vậy đã vội vã kết luận rằng truyền thống Phật Giáo Tây Tạng là mê tín dị đoan, chỉ chú trọng về hình thức, nghi thức hành lễ chứ không có giá trị gì. Tôi biết đã có một số kinh điển Phật Giáo được phiên dịch ra ngoại ngữ, nhưng nếu như vậy thì tại sao các học giả Phương Tây lại không biết phân biệt đâu là giá trị và đâu là vô giá trị?
Tôi im lặng lắng nghe, lời giải thích giản dị của vị trưởng lão đã giải đáp ngay
thắc mắc đầu tiên của tôi. Kim Cương trưởng lão nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười:
– Này anh bạn trẻ, bây giờ chúng ta bàn về câu hỏi thứ hai của anh về phương
Pháp Thiền. Trên nguyên tắc, Thiền Tông vốn giản dị về tính chất phóng khoáng
không chấp nhặt vào văn tự. Tuy nhiên muốn bước chân vào cửa Thiền người ta
cần phải có một cái “chìa khóa”. Thiếu cái “chìa khóa” này thì việc tu hành sẽ không mang lại kết quả gì hết. Điều này cũng giống như một người đứng bên ngoài nhìn vào căn nhà Thiền nhưng không có chìa khóa thì không thể mở cửa bước vào được. Do đó có nhiều người tu Thiền hoài mà vẫn không có kết quả chỉ vì thiếu cái “chìa khóa” này…
Không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật Kim Cương trưởng lão đã đọc rõ mọi tư tưởng thầm kín của tôi. Phải chăng trong lúc bận rộn tiếp xúc với những người khác, ông vẫn để ý theo dõi và đọc được tư tưởng của tôi? Hoặc ông có thể đọc được những thắc mắc của tôi lưu trữ trong tiềm thức? Tuy nhiên điều này không còn quan trọng nữa vì tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi lời giải đáp giản dị và chân thành của ông. Kim Cương trưởng lão tiếp tục:
– Này anh bạn trẻ, trước khi bước chân vào căn nhà Thiền, anh cần biết làm chủ cái tâm của anh. Điều này cũng ví như một người cưỡi ngựa. Trước khi có thể ung dung đi từ nơi này qua nơi khác, họ cần biết cách điều khiển con ngựa bất kham, bắt nó phải quy phục mình. Muốn thế anh cần có một vị thầy đã có kinh nghiệm về Thiền hướng dẫn. Khi anh đã sẵn sàng bước chân vào con đường này, nhân duyên sẽ hướng dẫn anh đến gặp vị thầy đó. Theo tôi biết, có lẽ anh sẽ gặp nhiều thầy chứ không nhất thiết chỉ một người đâu. Tuy nhiên dù Thiền quán vào các công án, hơi thở, hình ảnh, màu sắc, theo Bắc Tông hay Nam Tông, anh cần nhớ rằng đó chỉ là những phương tiện, những mũi tên cùng nhắm vào một mục tiêu. Mục đích chính vẫn là xalìasinh tử, đạt đến Niết Bàn. Bất cứ phương Pháp nào không có mục đích rõ ràng như vậy thì không phải là con đường Đức Phật đã đặt ra. Đây là điểm chính yếu để phân biệt giữatinh hoacủa Phật Giáo vàcác tôn giáo khác mà anh phải nhớ cho kỹ.
Chìa khóa căn bản để bước vào con đường Thiền là quan niệm về lý “Không”. Anh phải biết rằng vũ trụ vạn vật mà anh vẫn cho là “Có” vốn thật là “Không”.
Danh từ “Không” ở đây không có nghĩa là không có gì hết, mà là “Không có thực” hay là huyễn hóa. Mọi cái có hình có tướng, giống như thật, đều không có thực, mà do nhân duyên hợp thành. Có sinh ắt có diệt, có thành ắt có hoại, không có gì thường trụ vững bền cả. Ngay cả thân thể của chúng ta đây cũng do tứ đại hợp thành, mọi quan niệm hay sự hiểu biết của chúng ta cũng đều do ngũ uẩn tạo nên. Phải ý thức rằng ngũ uẩn vốn không có tự tánh, vốn là không. Nếu anh không nắm thật vững được cái chìa khóa hay lý “Không” này thì tu Thiền khó có được kết quả. Chỉ khi biết thật rõ rằng tất cả đều “Không” thì mới không sinh tâm quyến luyến, không sinh tâm ràng buộc, và như thế mới vượt ra khỏi các chướng ngại, sống ung dung tự tại và chỉ khi đó việc tu Thiền mới có kết quả (Định).
Tóm lại tu Thiền rất dễ mà cũng rất khó vì đòi hỏi người tu phải có trí tuệ. Trí tuệ là căn bản tất yếu của phương Pháp Thiền. Bất cứ một phương Pháp Thiền nào không đòi hỏi việc sử dụng đến trí tuệ thì không phải là phương Pháp Thiền mà Đức Phật đã chỉ dạy.
Đến khi đó tôi mới biết sự có mặt của Lý tiên sinh quả thật hữu ích. Ông đã tận tâm phiên dịch một cách chu đáo, rõ rệt, không ngập ngừng, bối rối. Khả năng Anh ngữ và kiến thức về Phật học của ông vượt xa Tạ Hải và những người mà tôi quen từ trước.
Kim Cương trưởng lão ngưng lại một lúc như để cho tôi có thời gian ghi nhận những điều mà ông nói rồi mới tiếp tục:
– Này anh bạn trẻ, Thiền, Tịnh, Mật đều là những con đường khác nhau, phương tiện khác nhau, dẫn đến mục đích chung là Niết Bàn giải thoát. Bề ngoài tuy khác, hình thức tuy khác nhưng mục đích vẫn chỉ là một. Tịnh độ Tông hay niệm Phật là phương Pháp tập trung tư tưởng để trì niệm hồng danh chư Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não, không còn điên đảo thì sẽ sáng suốt, mà sáng suốt thì đâu còn khổ đau nữa.
Mật Tông cũng như thế, thay vì niệm hồng danh chư Phật thì người tu sử dụng thần chú, mật ngữ của chư Phật để đạt đến trạng thái nhất tâm. Nhờ biết phối hợp âm thanh (chú) với cử chỉ (ấn quyết) và tâm lý (Tam Ma Địa) mà Thân, Khẩu, Ý (Tam Mật) được thanh tịnh, dứt sạch các vọng niệm. Khi không còn vọng niệm, đạt đến trạng thái như như bất động thì đâu còn phiền não nữa. Cũng như thế, Thiền là phương Pháp sử dụng trí tuệ nhìn thẳng vào thực tánh của mọi vật, hiểu biết rằng tất cả vốn không có thật, mà chỉ do nhân duyên hợp thành. Đã là huyễn hay là giả thì đâu còn gì để quyến luyến, để lo lắng, để loạn động nữa.
Khi tâm không loạn động thì sẽ đắc Định, có Định thì dứt sạch được phiền não, đâu còn đau khổ nữa. Tóm lại, hình thức tuy khác nhưng cả ba phương Pháp đều chú trọng đến trạng thái nhất tâm để tiêu trừ vọng niệm, dứt sạch mọi phiền não.
Mục đích của tu hành là gì nếu không phải là dứt sạch phiền não, chấm dứt khổ đau, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử?
Tôi cúi rạp người xuống thán phục lời giải thích rõ ràng, giản dị của vị trưởng lão Tây Tạng. Mọi thắc mắc từ trước đến nay của tôi về các Pháp môn như Thiền, Tịnh và Mật đã được giải đáp trọn vẹn.
Kim Cương trưởng lão tiếp tục:
– Cũng như thế, sự khác biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông trong việc thờ một hay nhiều vị Phật xuất phát từ hai quan niệm khác nhau. Nam Tông cho rằng chỉ có một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca, vì căn cứ trên những sự kiện lịch sử.
Trong khi đó, Bắc Tông quan niệm ngoài Đức Phật Thích Ca còn có hằng hà sa số chư Phật Giáo hóa chúng sinh ở các cõi khác nữa. Quan niệm này dựa trên các kinh điển mà Đức Phật Thích Ca đã nói. Tùy sở thích hay tâm nguyện của chúng sinh mà mỗi người tin theo một quan niệm, điều này thật ra không quan trọng vì điểm chính yếu vẫn là việc tu học, hành trì. Dù theo Bắc Tông hay Nam Tông, dù tin rằng có một hay nhiều Phật, nếu cứ siêng năng chăm chỉ tu hành theo lời Phật dạy thì không có gì khác biệt cả. Hình thức tuy khác nhưng mục đích vẫn là một. Có hàng trăm, hàng ngàn con đường cùng đưa đến mục đích, đường nào cũng tốt, đường nào cũng hay nhưng điều chính yếu vẫn là phải tự cất bước mà đi, tự nỗ lực để đạt đến mục đích giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Những thắc mắc của anh về hình ảnh ma quỷ, các thần linh hung dữ thường được đề cập trong truyền thống Tây Tạng cũng không có gì lạ lùng, huyền hoặc nếu anh biết rằng chúng chỉ tượng trưng cho những trạng thái tâm thức biểu hiện. Tất cả đều do tâm tạo, đều xuất phát từ tâm, ngay cả tôi và anh cũng chỉ là những sản phẩm của tâm thức mà thôi. Có thể hiện nay anh chưa hiểu rõ nhưng một ngày kiaanh sẽ hiểu điều tôi nói.
Trong cái Thế Giới của hiện tượng và giác quan thì có tốt, có xấu, có thiện, có ác, cũng như có ngày, có đêm, có sáng và có tối, nhưng tất cả chỉ là những quan niệm phát xuất từ tâm phân biệt. Chính vì phân biệt mà người ta dễ có thành kiến; chính vì không nghiên cứu kỹ, thiếu sự tìm hiểu sâu xa mà một số người đã vội vã cho rằng Phật Giáo Tây Tạng là một biến thái, một sự thay đổi, một sự pha trộn các chân lý cao đẹp với những điều huyền hoặc, mê tín dị đoan. Trong khi đó, cũng vì thành kiến mà một số tu sĩ Tây Tạng lại cho rằng vì được gìn giữ, bảo tồn hàng ngàn năm nay nên truyền thống tôn giáo của họ mới “nguyên thủy” không bị phatrộn so với các truyền thống khác. Vậy quan niệm nào đúng đây?
Nếu tìm hiểu thấu đáo, mở rộng tầm hiểu biết, giữ tâm bình thản, không phân iệt, anh sẽ thấy chân lý như vầng trăng sáng lúc nào cũng ban phát ánh sáng khắp nơi. Tại sao chúng ta không chiêm ngưỡng vầng trăng tuyệt diệu đó mà lại mất công phân biệt ánh trăng trong giếng nước với ánh trăng trong ao hồ? Việc các đấng Bồ Tát cứu giúp chúng sinh cũng thế. Các ngài thường hóa hiện thành muôn hình vạn trạng cứu độ chúng sinh mà chúng ta không biết đấy thôi. Anh có thể coi các ngài như thật, hiện hữu qua một hình tướng chi đó, hoặc coi đó như một trạng thái của tâm thức, một biểu hiện tượng trưng cho một lý tưởng nào đó cũng không sai. Có nhiều cách giải thích cho một sự thật tùy theo trình độ và căn cơ của mỗi người. Chân lý giống như mặt trời chỉ có một nhưng ánh sáng lại chiếu khắp mọi nơi, tùy tâm trạng mỗi người mà họ thấy những màu sắc khác nhau, người thấy màu cam, kẻ thấy màu vàng, màu đỏ… Do đó với một số người, các đấng Bồ Tát hoàn toàn có thật, “thật” như bông hoa cài trên túi áo làm anh bối rối buổi sáng hôm nay vậy. Anh có thể cho rằng họ mê tín, nhưng lòng thành kính tin tưởng của họ sẽ là động năng giúp họ tiến rất xa.
Lời dạy của Đức Phật giống như ánh sáng rực rỡ của một ngọn đèn điện, khi nút điện được bật lên thì ánh sáng chiếu khắp mọi nơi, ánh sáng đâu hề rọi sáng riêng cho nhà bác học hiểu rõ đặc tính của dòng điện hay riêng cho người dân quê thất học tưởng đâu đèn sáng là phép lạ của thần linh. Ánh sáng không hề phân biệt mà phân phối đồng đều cho tất cả, từ nhà bác học thông thái đến người dân quê chất phác. Chính vì vọng tưởng che lấp nên chúng sinh mù quáng không nhìn thấy ánh sáng rực rỡ này mà cứ chạy theo các ảo ảnh khác nên mới đắm chìm trong luân hồi sinh tử.
Này anh bạn trẻ, chúng sinh nào cũng có Phật tính, cũng có khả năng giác ngộ, khả năng tự giải thoát, nhưng vì mải miết chạy theo vọng tưởng nên mới sinh tâm phân biệt quan niệm này hay môn phái nọ. Hiểu như vậy, anh phải biết kiên nhẫn, khoan dung, độ lượng, vì chỉ có hiểu biết anh mói chấp nhận đươc những quan niệm không giống như quan niệm của anh.
Kim Cương trưởng lão cười lớn rồi kết luận:
– Này anh bạn trẻ, anh cần phát triển trí tuệ và mở rộng lòng thương đến tất cả
muôn loài. Một ngày nào đó anh sẽ kinh nghiệm được rằng tuy chúng ta có khác nhưng thật ra chúng ta vẫn là một. Toàn thể vũ trụ chính là anh và anh cũng chính là toàn thể vũ trụ. Tất cả đều là một và một cũng là tất cả. Nếu anh chê cười tôi, thật ra anh đang chê cười chính mình. Nếu anh ngắt một cành hoa, anh đã tự đánh gẫy chân mình đó.
Kim Cương trưởng lão giơ tay ra xoa nhẹ lên đầu tôi như khuyến khích. Tôi sung sướng ngẩng lên toan nói vài câu cảm ơn nhưng vị trưởng lão Tây Tạng đã hu tay về, hai mắt nhắm lại, nghiêm trang trong tư thế liên hoa, tay bắt ấn quyết, miệng khẽ mỉm cười.
Tôi thấy không cần khách sáo nói thêm gì nữa vì ngôn ngữ không thể diễn tả tâm trạng của tôi khi đó. Tôi chân thành quỳ xuống khấu đầu đúng ba lần. Lý tiên sinh cũng quỳ xuống cung kính làm lễ cáo từ rồi kéo tôi bước ra cửa. Đến mảnh vườn nhỏ trước phòng mạch, tôi thấy Tạ Hải và vài người nữa đang đứng chờ, nhưng lúc đó trong người tôi đang tràn ngập một cảm giác kỳ lạ, lâng lâng như người say. Tôi ậm ừ nói vài câu xã giao mà chẳng hiểu mình đang nói gì. Có lẽ thấy tôi xúc động, Tạ Hải đưa tôi ra cửa, vẫy một chiếc xe kéo, yêu cầu phu xe đưa tôi về nhà. Ngồi trên chiếc xe kéo chạy ngang các khu phố chính, nơi các xe bán hàng khuya tụ họp, nơi khách đi chơi đêm về quây quần ăn uống mà tâm hồn tôi vẫn lâng lâng như ở đâu. Có lẽ trí óc tôi vẫn còn chấn động bởi dư âm của buổi gặp gỡ bất ngờ này.
Theo chương trình dự định, Kim Cương trưởng lão sẽ rời Hồng Kông vào ngày hôm sau nhưng trước sự khẩn khoản của một số người, ông đồng ý hoãn lại ngày lên đường vài tuần để có thể chỉ dẫn thêm cho các Phật tử tại đây.
Khi tin này được loan báo, Lý tiên sinh quyết định đóng hẳn cửa tiệm tại Bloomsbury để có dịp gần cận, học hỏi thêm với ngài. Tạ Hải cũng dán một thông cáo lớn trước cửa, yêu cầu bệnh nhân chỉ đến trước buổi trưa, sau khi đã hẹn giờ giấc nhất định. Từ đó trong căn nhà nhỏ thuê riêng cho Kim Cương trưởng lão, lúc nào cũng có một số người kéo đến tham vấn, học hỏi. Dĩ nhiên tôi cũng có mặt nhưng vì khả năng Hoa ngữ còn kém không thể theo dõi các buổi đối đáp bằng tiếng phổ thông nên tôi chỉ ngồi ở góc phòng chăm chú quan sát Kim Cương trưởng lão chỉ dạy cho mọi người. Có thể vì không theo dõi các lời đối thoại mà tôi lại chứng kiến được những nét độc đáo của vị trưởng lão Tây Tạng này.
Khác với những tu sĩ mà tôi đã gặp, Kim Cương trưởng lão lúc nào cũng tỏ ra iềm tĩnh, khoan thai, khuôn mặt luôn luôn rạng rỡ với một nụ cười. Ngài thường ngồi xếp bằng trên chiếc trường kỷ, ngày cũng như đêm. Tuy Tạ Hải đã thu xếp riêng cho ngài một căn phòng với giường ngủ, chăn đệm mới tinh nhưng hình như ngài không bao giờ nằm thì phải. Lúc nào tôi cũng thấy ngài ngồi đó, nghiêm trang như một pho tượng, đắm mình trong trạng thái Thiền định. Ngài nhập định rất nhanh. Khi không phải tiếp xúc với tín đồ, ngài chỉ nhắm mắt, hai tay bắt ấn quyết là nhập định rồi. Cũng như thế, khi có chuyện gì cần thì khuôn mặt nghiêm trang của ngài chợt thay đổi, môi điểm một nụ cười và sẵn sàng lắng nghe những câu hỏi của tín đồ. Ngài ăn rất ít, chậm rãi, khoan thai và ý thức. Mỗi khi xúc một bát cơm, ngài thường lẩm bẩm một câu chú. Khi uống nước ngài cũng trịnh trọng bưng ly nước bằng cả hai tay một cách thành kính. Lúc đó tôi cho như thế là kỳ lạ nhưng về sau mới biết đó là một nghi thức đặc biệt của Mật Tông, giữ trang nghiêm trong mọi cử chỉ và luôn luôn hồi hướng công đức cho mọi chúng sinh. Trong những người lui tới học hỏi với ngài chỉ có Lý tiên sinh là siêng năng gần cận bên ngài nhiều nhất. Nhiều năm sau Lý tiên sinh tiết lộ cho tôi rằng việc gần gũi tiếp xúc với một bậc thiện tri thức như vậy rất lợi ích vì ngoài
việc học hỏi những điều ngài chỉ dạy, ông còn học thêm được cả cử chỉ, hành
động của ngài nữa. Điều ông gọi là “Thân giáo” này cũng là một bí quyết đặc biệt của Mật Tông Tây Tạng.
Cũng trong thời gian đó tôi tìm được việc kèm Anh ngữ tại nhà một đại thương gia trong vùng. Mặc dù ông tự xưng là Trương đại nhân nhưng mọi người đều gọi ông là Trương Hồ Ly vì bản tính xảo quyệt, xu thời của ông. Khi xưa Trương đại nhân giao thiệp mật thiết với các quan lại trong triều nhưng khi cuộc cách mạng Tân Hợi bùng nổ, ông lại ủng hộ Viên Thế Khải. Khi họ Viên xưng đế, ông được bổ nhiệm một chức vụ chi đó. Lúc nhóm quân phiệt nổi lên phản đối đế chế, lật đổ Viên Thế Khải, ông lại ủng hộ các tướng lĩnh và được bổ nhiệm vào quốc hội Trung Hoa. Ông đã khuynh đảo Quốc hội, sử dụng tiền bạc hối lộ, mua quan bán chức và vận động Quốc hội dồn phiếu cho phe này hay nhóm nọ. Ông dính líu vào việc âm mưu mua phiếu cho phe nhóm Tào Côn, khi nhóm này thất bại ông bị vạ vây nên đành phải lánh nạn ra Hồng Kông. Thất vọng với các thế lực quốc gia, ông xoay ra giao thiệp với người ngoại quốc, kết thân với các nhà ngoại giao Bồ Đào Nha, Pháp và Anh. Ông nuôi mộng gửi con cái qua Anh du học, hy vọng khi thành tài sẽ được người Anh đưa về nước làm vua. Do đó ông tìm người huấn luyện Anh ngữ cấp tốc cho các con trước khi gửi chúng đi du học. Thay vì gửi các con đến lớp học, ông yêu cầu tôi đến tận biệt thự của ông ở Cửu Long để kèm. Lúc đầu tôi ngần ngại vì đường xa, phải di chuyển mất nhiều thì giờ nhưng vì ông hứa trả một món tiền lớn nên tôi đành nhận lời.
Cũng vì thế, tôi không có mặt thường xuyên trong các buổi học hỏi với Kim Cương trưởng lão.
Đúng vào hôm tôi khởi sự kèm Anh ngữ tại Trương gia trang thì Kim Cương trưởng lão tập hợp những người vẫn thân cận học hỏi với ngài và tuyên bố:
– Ba năm nữa, cũng vào ngày này ta sẽ từ bỏ xác thân, do đó ta sẽ không gặp lại hoặc hướng dẫn thêm cho các ông trong kiếp này được. Thời gian không còn bao lâu, ta cần trở về Tây Tạng thu xếp công việc ngay. Tuy nhiên ta thấy các ông đều là những người mộ đạo, có sự tin hiểu sâu rộng, có lòng làm những việc lợi tha nên ta quyết định làm lễ Quán Đảnh (Abhisekha) một số người. Theo phong tục Tây Tạng, thời gian thử thách để lựa người nhận phép Quán Đảnh thường rất lâu, có khi kéo dài nhiều năm và đòi hỏi một sự chuẩn bị hết sức đặc biệt. Vì cơ duyên đặc biệt với các ông nên ta chọn riêng một số người để điểm đạo truyền Pháp.
Khi đó Tạ Hải nghĩ rằng Kim Cương trưởng lão đã quên tôi, hoặc cho rằng tôi
không xứng đáng nên vội vã lên tiếng xin ngài thu nhận cả tôi nữa. Kim Cương trưởng lão trả lời:
– Tạ y sĩ quả có lòng tốt nhưng ông khỏi lo, ta đã quyết định thâu nhận cả Phùng tiên sinh trong số những người đó rồi. Tuy là người Tây Phương nhưng ông đã có duyên với ta từ trước. Ta chỉ ngại vì xuất thân trong một truyền thống khác, ông ta không có đủ kiên nhẫn và bền chí để hoàn thành những điều chỉ dẫn của ta. Do đó ta cần ít nhất hai người bảo đảm sẽ hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích ông tathực hành đúng theo những điều ta dạy bảo.
Một người chú họ xa của Tạ Hải là Dương Tú Tài, nghe vậy vội lên tiếng xin bảo đảm cho tôi. Bình thường Dương Tú Tài vẫn không ưa người Phương Tây, ông thường chê trách họ làm việc hấp tấp, thiếu kiên nhẫn, không trọng sự thành tín mà chỉ thấy lợi là đâm đầu vào. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu vì sao một người không ưa Tây Phương như ông lại lên tiếng đảm bảo cho tôi như vậy.
Hôm đó vừa từ nhà riêng của Trương đại nhân trở về, tôi gặp Tạ Hải và Dương Tú Tài chờ sẵn ở cửa với tin mừng này. Có lẽ mệt mỏi vì chuyến đi xa nên tôi trả lời một cách hờ hững:
– Hiển nhiên đó là một tin mừng nhưng tôi thấy việc điểm đạo truyền Pháp đó đâu có gì đáng quan trọng hóa như vậy…
Dương Tú Tài giật mình lalớn:
– Cái gì? Một việc trọng đại như vậy màtiểu huynh đệ coi thường ư?
– Tôi đã đọc sách vở nói về nghi thức này nhưng tôi vẫn không tin nó có gì đặc biệt hơn các nghi thức khác, thí dụ như quy y Tam Bảo chẳng hạn. Có lẽ nó chỉ là một hình thức mà người đời sau đã thêu dệt thêm những điều huyền bí rồi gọi là mật truyền. Đức Phật há chẳng nói ra rằng những điều cần nói ra thì ngài đã truyền dạy cho các đệ tử hết rồi sao? Làm gì có việc mật truyền riêng cho một số người…
Dương Tú Tài không dằn nổi cơn giận, ông chỉ tay vào mặt tôi nói như quát:
– Dĩ nhiên ngài đâu giữ lại điều gì nhưng sao ngươi ngu quá đi, không lẽ ngài lại truyền tất cả mọi điều cho tất cả mọi người. Hãy lấy một ví dụ cụ thể, không lẽ một học giả cao thâm của Hàn lâm viện Luân Đôn như Sir James Jeans lại mang những kiến thức khoa học uyên bác nhất ra dạy cho đám trẻ đánh giày, bán báo thất học ngoài chợ sao? Hiển nhiên chân lý tối thượng đòi hỏi một trình độ, một căn cơ đặc biệt mà chỉ một số rất ít người quán triệt được thôi. Kẻ ngu dốt làm sao biết được và dù có nghe thì họ vẫn coi đó là vô giá trị.
Tự nhiên tôi khó chịu:
– Làm sao chúng ta biết đó là những chân lý tối thượng hay mật truyền? Biết đâu đó chỉ là những điều thêm bớt của kẻ đời sau rồi phóng đại lên rằng Đức Phật đã nói như thế?
Dương Tú Tài giận quá không nói được nữa, mặt ông xám lại, hơi thở hổn hển, mấy lần ông định lên tiếng nhưng lại ngưng. Sau cùng ông lắc đầu chán nản rồi quay lưng bỏ đi. Thấy vậy, Tạ Hải vội can thiệp:
– Này Phùng tiên sinh, Dương thúc thúc nói rất đúng. Điều Đức Phật chứng ngộ thì bao la rộng lớn như rừng nhưng điều ngài nói ra chỉ như một nắm lá trên tay vì ngài biết căn cơ chúng sinh tầm thường làm sao có thể hiểu được những diệu lý cao siêu mầu nhiệm. Đã thế những điều được ghi chép trên kinh điển cũng chỉ là một phần vì ngoài ra còn có những phần khác không được ghi lại hoặc chỉ truyền riêng cho một số người. Phùng tiên sinh há không nhớ tích Niêm Hoa Vi Tiếu hay sao? Phải chăng những diệu lý cao siêu không thể ghi chép bằng văn tự vì ngôn ngữ không thể diễn tả được những ý nghĩa nhiệm mầu nên Đức Phật đã dĩ tâm truyền tâm riêng cho tổ Ma Ha Ca Diếp? Phùng tiên sinh không nhớ đặc điểm của Thiền Tông là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” hay sao? Là người Tây Phương, tôn trọng khoa học thực nghiệm, có óc phân tích, dĩ nhiên tiên sinh nghi ngờ cũng phải nhưng lịch sử đã ghi nhận biết bao bậc tổ, bậc thánh nhờ tu học kinh điển và thực hành Thiền định mà ngộ đạo, giải thoát. Nếu có sự ngụy tạo hay thêm thắt của kẻ đời sau thì làm sao lại có người chứng đắc như vậy?
Tôi thầm cám ơn Tạ Hải đã bình tĩnh nhắc nhở tôi những điều mà tôi không nghĩ ra. Lúc nào cũng thế, người y sĩ trẻ này luôn luôn tỏ ra khoan thai, điềm đạm, lý luận một cách ôn tồn. Tôi định lên tiếng xin lỗi Dương Tú Tài nhưng ông này đã bỏ đi xarồi. Tạ Hải nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười:
– Có thể bạn vẫn còn bán tín bán nghi nhưng tôi mong bạn hãy coi đây như một cơ hội đặc biệt, một nhân duyên hiếm có. Tôi lấy tình bạn giữa chúng ta khuyên bạn nên nhận lời thọ lãnh lễ Quán Đảnh, tôi tin sau này bạn sẽ không hối hận đâu.
– Được lắm. Nếu bạn đã nói thế thì tôi cũng vui lòng nhận lời. Mặc dù chưa hoàn toàn tin tưởng nhưng tôi sẵn sàng nghe lời khuyên bảo khôn ngoan của bạn.
Thật ra tôi thấy các nghi thức của Phật Giáo Tây Tạng có gì huyền bí, hư hư thực thực không như các Tông Phái khác nên ngần ngại. Tuy thế, bạn biết nhiều hơn tôi, và tôi tin ở sự xét đoán không mấy khi sai lầm của bạn. Khi nào lễ Quán Đảnh sẽ được cử hành? Tôi phải chuẩn bị như thế nào?
Tạ Hải cảm kích vỗ nhẹ lên vai tôi mấy cái. Là một nhà nho nghiêm túc, ít khi
nào anh biểu lộ tình cảm của mình nhưng lần này anh đã không giấu được nỗi vui mừng.

Theo Tạ Hải, Quán Đảnh là một nghi lễ đặc biệt của Mật Tông. Theo nghĩa thông thường, đó là việc nhận một người vào dòng tu nhưng nó cũng có nghĩa là tạo một phương tiện dẫn độ để người thọ lãnh có thể nhận được những năng lực gia trì của Phật, Bồ Tát và các vị tổ Mật Tông. Có nhiều cấp bậc Quán Đảnh khác nhau tùy theo nghi thức và quyết định của vị thầy làm lễ. Kim Cương trưởng lão cho biết ông sẽ thực hành một nghi thức đặc biệt nhằm mục đích tạo “duyên” với các đệ tử. Danh từ “duyên” ở đây có nghĩa là gieo những hạt giống tốt, chủng tử tốt vào tâm thức đệ tử, nếu họ tu hành đúng như lời chỉ dạy thì các “duyên” đó sẽ phát khởi, giúp họ phát huy trí tuệ vàtiến bộ trên đường tu học.
Khi người tachưa hoàn toàn tin tưởng ở một điều gì, người tathường dễ quên nó. Trong khi những người được lựa chọn thọ lãnh lễ Quán Đảnh cố gắng chuẩn bị, sửa soạn thì tôi lại bận rộn với việc kèm học cho lũ con Trương đại nhân.
Đến ngày làm lễ Quán Đảnh, tôi bận việc tại Trương gia trang nên đến muộn.
Khi đến nơi, buổi lễ đã được cử hành một lúc rồi. Tôi rón rén bước vào căn phòng rộng lớn đã được thu xếp để làm nơi hành lễ. Một bàn thờ khá lớn được dựng lên giữa phòng, trên đó có để một bức tranh lớn vẽ hình Đức Phật Thích Ca, quanh bàn thờ có bảy bát nước nhỏ bằng bạc, bảy ngọn đèn dầu và bảy chiếc dĩa đựng những chiếc bánh bằng bột. Cách thức trang trí bàn thờ rất lạ, khác hẳn cách bày biện của người Trung Hoa. Kim Cương trưởng lão ngồi xếp bằng trước bàn thờ. Ông đội một chiếc nón hình tám cánh hoa sen lớn và khoác một bộ lễ phục màu đỏ thêu những ký hiệu bằng kim tuyến. A Lục chờ tôi ở cửa với một chiếc áo choàng lớn, tay rộng thùng thình như cánh bướm, có lẽ đó là một loại y phục của các quan trong triều mặc trong các buổi đại lễ thì phải. Tôi lúng túng khoác mãi vẫn không xong nên A Lục lại phải giúp tôi. Hắn chỉ cho tôi thấy những người được chọn đang ngồi xếp bằng dưới đất theo thứ tự ấn định. Tôi kéo vạt áo thụng, quỳ xuống đất khấu đầu đúng ba lần trước khi rón rén ngồi vào chỗ của mình. Kim Cương trưởng lão lâm râm đọc kinh, thỉnh thoảng ông lại đưa tay gõ một chiếc chuông nhỏ bên cạnh. Tôi không biết buổi lễ đã kéo dài được bao lâu và sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa. Trong giây phút nghiêm trọng này hình như người ta không còn ý niệm gì về thời gian. Tôi để ý thấy tất cả mọi người đều ngồi yên lặng, trang nghiêm khác thường. Lúc đầu ngồi chưa quen nên tôi còn khó chịu, tay chân ngọ nguậy nhưng sau một lúc tôi cũng bị lôi cuốn vào âm thanh lên bổng xuống trầm của những bài thần chú, những tiếng chuông mõ và Pháp khí trong buổi lễ.
Bài chú dài lê thê rồi cũng chấm dứt. Tiếng chuông mõ dừng lại. Kim Cương trưởng lão gật đầu ra hiệu cho một người tiến về phía ngài. Người này lật đật bước lên trước bàn thờ và quỳ mọp xuống. Kim Cương trưởng lão bắt đầu nghi thức truyền Pháp riêng cho từng người… Cứ thế từng người rồi từng người được ngài gọi lên cho đến lượt tôi. Tôi quỳ trước mặt ngài và tự hỏi nếu không có người thông dịch thì làm sao tôi có thể hiểu được những điều ngài mật truyền cho riêng tôi? Kim Cương trưởng lão giơ tay lên bắt ấn quyết, cánh tay của ngài hoa một vòng trên không trung rồi đặt nhẹ lên đỉnh đầu tôi. Tôi đã chứng kiến nghi thức này khi ngài thực hành với những người trước đó nên không lấy làm lạ, nhưng khi trước những người nhận lễ Quán Đảnh đều quay lưng về phía tôi nên tôi không theo dõi được những diễn tiến xảy ra. Hiển nhiên tôi không ngờ khi ngón tay của ngài chạm vào đầu thì tôi có cảm tưởng như có một luồng điện kỳ lạ truyền thẳng từ đỉnh đầu xuống cổ, chạy dọc theo xương sống trước khi tỏa khắp thân thể tôi. Phải nói nó là một luồng điện cao thế, một luồng sét thì đúng hơn vì nó xảy ra rất nhanh khiến toàn thân tôi bị chấn động mãnh liệt. Mắt tôi hoa lên, cả căn phòng dường như chuyển động, tai tôi ù đi như vừa nghe thấy một tiếng sấm. Chỉ trong khoảnh khắc, tôi như bị lôi cuốn vào một cảm giác kỳ lạ, tôi không nhớ đó là cảm giác sung sướng, lâng lâng, bay bổng hay ngụp lặn trong một cái gì có phần đau đớn như bị những mũi kim châm chích. Khi tôi lấy lại tự chủ thì nghi thức đó đã chấm dứt, Kim Cương trưởng lão phất tay ra hiệu cho tôi trở về chỗ cũ. Tôi cúi rạp người xuống khấu đầu đúng ba lần rồi “bò” về chỗ ngồi. Tôi ngồi đó nhưng toàn thân rung động mãnh liệt bởi cảm giác kỳ lạ vừa xảy ra. Đó là cảm giác gì? Tại sao tôi không thể phân biệt? Nó không phải là cảm giác khổ đau.
Nó không phải là một cảm xúc thuộc về tinh thần nhưng cũng không phải vật chất. Hình như chưa bao giờ tôi trải qua một cảm giác nào như vậy cả. Tôi ngồi yên lặng nhưng từ tâm hồn đến thể xác đều như tê liệt cho đến khi buổi lễ chấm dứt và mọi người từ từ đứng dậy. Tôi đứng lên theo nhưng người tôi như mất sức lực, gân cốt rời rã. Tôi ngã nhoài ra đất khiến mọi người chung quanh vội đỡ tôi dậy. Tôi bối rối cố gắng đứng lên nhưng một lần nữa tôi lại ngã nhào ra đất.
Tôi không biết ai đã dìu tôi đứng lên, giúp tôi dựa vách tường. Tai tôi nghe rõ những tiếng cười khúc khích, chế nhạo: “Người Phương Tây có cặp chân dài nhưng yếu xìu, mới ngồi xếp bằng ít lâu đã bị chuột rút”. Tôi định lên tiếng giải thích chân tôi không hề bị tê cứng vì ngồi lâu mà vì một lý do khác nhưng tôi thấy có nói racũng chẳng ai tin nên đành im lặng.
Lúc đó đối với tôi, sự kiện xảy ra trong buổi lễ Quán Đảnh này chỉ là một kinh nghiệm đặc biệt nhưng nhiều năm sau tôi mới hiểu rõ được tầm mức quan trọng của nó. Mặc dù nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trên đường học đạo của tôi nhưng khi đó tôi vẫn chưa đủ hiểu biết để ý thức về nó. Hôm sau tôi được Kim Cương trưởng lão gọi vào truyền riêng một số phương Pháp để thực hành.
Ngài nói một cách vắn tắt giản dị vì biết tôi không đủ khả năng Hoa ngữ để tiếp nhận hết. Chiều hôm sau, ngài lên tàu trở về Tây Tạng. Chúng tôi bịn rịn tiễn chân ngài ra tận bến và biết rằng đó là lần cuối chúng tôi gặp ngài trong kiếp này.
Đúng ba năm sau, ngài qua đời tại Tây Tạng như đãtiên đoán.
Sau buổi lễ Quán Đảnh, tôi tiếp tục thực hành những phương Pháp mà ngài chỉ dạy. Tạ Hải và Dương Tú Tài theo dõi và khuyến khích tôi rất nhiều, ngoài ra tôi cũng thường gặp gỡ Lý tiên sinh để nhờ ông này chỉ bảo thêm. Chính nhờ sự giải thích rành rẽ của Lý tiên sinh mà thành kiến của tôi về các “nghi thức huyền bí” được sáng tỏ dần dần, về sau tôi không còn nghi ngờ gì về những điều này nữa.
Theo sự giải thích của Lý tiên sinh thì tâm con người chia làm nhiều “thức”.
Thức tự nó vốn không có tự thể, tùy theo tác dụng mà chia làm những phần khác nhau tương ứng với ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) để nhận biết mọi sự vật.
Ngoài ra còn có Ý thức, Căn thức (Mạt Na thức) và Tàng thức (A Lại Da thức).
Tàng thức có thể ví như một kho chứa các hạt giống hay chủng tử. Mỗi cá nhân đều có một Tàng thức riêng biệt, lưu trữ những kinh nghiệm học hỏi từ kiếp sống này qua kiếp sống khác dưới dạng các hạt giống hay chủng tử. Nếu gặp điều kiện tốt hay thuận duyên, các hạt giống này sẽ nảy mầm, phát triển, biểu lộ thành cá tính, khả năng của con người. Dĩ nhiên không gặp điều kiện thì các hạt giống này sẽ bất động. Theo Lý tiên sinh thì trong buổi lễ Quán Đảnh, Kim Cương trưởng lão đã gieo vào Tàng thức của mỗi người chúng tôi một ít hạt giống hay chủng tử thiện, giống như một người gieo hạt giống xuống thửa ruộng. Sau đó ông mật truyền cho chúng tôi những bài thần chú, những phương Pháp, nghi quỹ hành trì để phát triển các chủng tử đó. Điều này có thể tạm ví như công phu vun bón, tưới nước cho các hạt giống nảy mầm, phát triển. Dĩ nhiên công phu tu tập để triển khai các hạt giống này hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực tu tập cá nhân chứ không phải tự nhiên mà được.
Lý tiên sinh cho biết, trong Tàng thức có nhiều hạt giống xấu cũng như tốt, do cá nhân tạo ra trong quá khứ, tùy điều kiện mà các hạt giống này nẩy nở. Điều này cũng ví như miếng đất trồng hoa nhưng cũng lẫn vào các hạt giống cỏ dại. Khi tưới nước, hạt giống cả hoa lẫn cỏ cùng nẩy mầm, phát triển. Nếu người làm vườn năng săn sóc, biết nhổ cỏ dại thì vườn sẽ bớt cỏ nhiều hoa. Ngược lại, nếu không săn sóc thì cỏ sẽ lấn át hoa và thay vì vườn hoa, nó sẽ thành một vườn đầy cỏ dại. Các hạt giống mà Kim Cương trưởng lão gieo vào Tàng thức chúng tôi có thể ví như những cây hoarất đẹp, có công năng làm đẹp vườn hoa nhưng dĩ nhiên chúng tôi vẫn phải thực hành các nghi thức mật truyền hay chăm lo tưới nước, bón phân và nhổ cỏ dại thì vườn hoa mới đẹp được.
Phải thành thực nói rằng tôi đã ít nhiều thất vọng khi biết mình còn phải nỗ lực rất nhiều trước khi có thể thấy được kết quả. Tuy không tin tưởng mấy về các nghi thức này nhưng trong đáy lòng tôi vẫn thầm hy vọng biết đâu nhờ phương Pháp điểm đạo huyền bí này mà tâm thức tôi sẽ được nâng lên một bình diện nào đó, hoặc có thể được khai ngộ ngay. Dĩ nhiên đó là một ảo vọng xuất phát từ tánh tham lam, lòng mong cầu và tánh thiếu kiên nhẫn thường thấy nơi những người Tây Phương. Kim Cương trưởng lão quả đã không lầm khi lo ngại rằng tôi không đủ kiên nhẫn thực hành theo lời chỉ dạy của ngài. Đó cũng là lý do ngài cần hai người bảo đảm sẽ hướng dẫn, khuyến khích và giúp đỡ tôi.
Sau này khi ngẫm lại các sự kiện đã xảy ra, tôi xin thú nhận rằng tâm trạng của tôi khi đó cũng giống như một cậu bé học trò cắp sách đến trường, nó biết nếu không chăm chỉ học hành để chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến thì không thể thi đậu và lên lớp được. Tuy biết thế nhưng nó vẫn lười biếng, không cố gắng và thường tìm đủ mọi lý do “chính đáng” nào đó để trì hoãn việc học. Nếu một học sinh “hy vọng” rằng nó có thể nhồi nhét cả một học trình trong vòng vài hôm trước kỳ thi mà vẫn trúng tuyển thì hẳn cũng có người tin rằng việc tu hành có thể hoãn lại cho đến khi tuổi già bóng xế, khi người ta đã hưởng thụ mọi thứ rồi tu cũng không muộn. Có lẽ như thế nên cuộc đời luôn luôn có những biến động để thúc giục, để thức tỉnh mọi người rằng người ta không thể thực sự sung sướng, thoải mái, ung dung tự tại khi còn trôi nổi trong vòng luân hồi sinh tử.

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *