Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2
VỊ THỨ 14
Thầy Trần Quốc An. Sanh năm 1931 (79 tuổi), tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Cư ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, hỏi một loạt 7 câu như muốn khoá miệng Trưởng Ban:
– Kính Trưởng Ban, tôi có duyên đọc được sách của Nguyễn Nhân viết do Thầy giảng giải về Thiền Tông học. Tôi như hoàn toàn bị đảo lộn những sự hiểu biết của tôi từ trước đến nay! Tôi có 7 thắc mắc như sau, xin Trưởng Ban vui lòng giải đáp, xin cám ơn:
– Tu theo Thiền Tông dễ dàng như vậy, tại sao không ai chịu tu?
– Tứ chúng mà trong kinh nói là gồm những ai?
– Lý do gì người ta không nhận ra lẽ thật?
– Trưởng Ban nói, Phật Tánh như, các Pháp như, Tứ Đại cũng như, đây là đảo lộn của tôi, xin Trưởng Ban giải thích rõ?
– Xin giải về sự cuốn hút của Vật lý Âm Dương?
– Đại định tam muội là định làm sao?
– Bảng hiệu Chùa đây ghi Chùa Tân Diệu, Thiền Tông Việt Nam. Sao tôi đi cả nước không thấy Chùa nào ghi Pháp môn tu của Chùa mình, mà chỉ có đây ghi, xin Trưởng Ban giải thích rõ, cám ơn?
Trưởng Ban đáp 7 câu hỏi của thầy Trần Quốc An:
Câu 1: Sở dĩ nhiều người tu hiện nay không được Giải Thoát là vì làm sai lời dạy của Đức Phật quá xa.
Câu 2: Hồi Đức Phật còn tại thế, chỉ có bốn chúng như sau:
A- Tỳ kheo Tăng (tu sĩ nam).
B- Tỳ kheo Ni (tu sĩ nữ).
C- Ưu bà tắc (cư sĩ nam).
D- Ưu bà di (cư sĩ nữ).
Sau này các vị lãnh đạo giáo hội Phật giáo phân chia như hiện nay chúng ta thấy.
Câu 3: Câu thứ 3 này, xin thầy nghe cho thật kỹ để biết lý do tại sao người tu không nhận lẽ thật ở nơi mình.
Người tu không chịu nhận lẽ thật có 3 lý do chánh như sau:
A- Vì họ quá tham! (Nói theo nhận xét của dân gian).
B- Vì họ quá ham muốn đủ thứ trên đời! (Nói theo các nhà Vật lý học).
C- Vì họ bị sự cuốn hút của Vật lý Âm Dương! (Nói theo Nhà Phật).
Trưởng Ban đáp phần A về tham:
– Tôi xin kể một câu chuyện ngụ ngôn nước Pháp – ở nước Pháp có dãy núi Anne, nơi dãy núi ấy có một quả núi tên là Mont Blanc. Ở vùng đó có người rất thông minh nhưng ông ta lại nghèo. Ông mới bày ra câu chuyện là trên đỉnh núi có rất nhiều vàng, bạc, châu báu, trái cây thì nhiều vô số. Nên ông ta làm ở dưới chân núi một cửa lên và một cửa xuống. Ở trước cửa lên núi ông đề một tấm bản: “Ai muốn lên núi để lấy vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu và trái cây ăn tự do, hãy mua tấm bản đồ của tôi bán có chỉ nơi chôn dấu kho báu, lên đó tha hồ mà lấy vàng bạc hay châu báu còn trái cây thì ăn thỏa thích”.
Người có học thức cao, hay những người hiểu về sự sống và lao động trên Trái Đất này. Họ biết ông này dở trò lường gạt. Còn người học thức kém mà có lòng tham vô bờ bến, nên nghe lời ông ta mua tấm bản đồ, rồi cứ ngày đêm trèo lên núi cho được để lấy vàng bạc châu báu…
Các người có lòng tham, họ vất vả trèo lên được đỉnh núi, không thấy bất cứ gì mà chỉ thấy tuyết trắng mênh mông. Họ mới biết mình bị ông thông thái lường gạt. Họ buồn rầu xuống núi, khi xuống đến cửa ra, họ thấy tấm bảng đề: “Tại mấy người quá tham lam, nên trí khôn bị mờ, chớ trên đời này làm gì có ai đem vàng cho không ai bao giờ!”
Các người bị lường gạt họ đi trình với chính quyền địa phương về sự lường gạt của ông thông thái này.
Ông thông thái được chính quyền mời đến, ông có trình với chính quyền mặt sau tấm biên nhận mua bản đồ, ông có ghi rõ: “Bản đồ đi tìm kho báu ai có phúc lớn sẽ tìm ra được, còn ai xui thì không tìm thấy, giống như mua vé số trật vậy!”
Chính quyền mới nói với những người đi tìm kho báu rằng:
– Các người khi mua tấm bản đồ đi tìm kho báu không chịu coi kỹ những lời ghi chú. Hôm nay, các người không tìm được là tại các người bị xui xẻo, phải chịu thôi, chớ đi kiện người ta làm sao được, ông bán bản đồ đi tìm kho báu, ông ta có ghi rõ ràng, tại các ông không chịu xem kỹ. Vì các ông, bà quá tham lam nên trí khôn của ông bà bị mờ đi, thì phải chịu. Người ở trên đời này, phải sống thực tế và khoa học, chớ để người lanh lợi lường gạt mình. Sở dĩ chúng tôi không bắt được ông ta, vì ông ta có nói rõ ràng khi ông bán tấm bản đồ.
Những người quá tham lam đành ra về và than rằng:
– Tại bọn mình quá ngu, mà lại quá tham, phải ráng chịu vậy!
Trưởng Ban đáp phần B về ham muốn đủ thứ:
– Vì quá ham muốn đủ thứ trên đời nên họ không thích trở về nguồn cội của chính họ, thì họ cần Phật Tánh làm gì.
– Vì họ quá tham lam mà lại quá sợ sệt, nên họ bị mờ trí khôn. Vì vậy, người nào nói đúng lòng tham của họ, là họ nghe theo, không cần suy xét có đúng hay sai.
Trưởng Ban đáp phần C là sự cuốn hút của Âm Dương:
– Theo Nhà Phật, con người có mặt ra đây là bởi Âm Dương cuốn hút. Vì vậy, tất cả những gì họ nghe hay thấy, đều là thấy nghe của Vật lý cả. Chúng tôi xin đưa dẫn chứng như sau để thầy biết lực hút của Âm Dương:
– Có ai nói điều gì không dính đến mình mà mình vẫn đưa mỏ vào để góp ý kiến!
– Do Âm Dương cuốn hút, Tưởng ấm vừa khởi, tức khắc Hành ấm chuyển động, Thọ ấm “nhảy ra”, rồi trùng trùng điệp điệp các thứ khác đổ ra, tạo thành một chuỗi dài. Đó là lực hút của Vật lý Âm Dương đó.
Câu 4: Câu này thầy bị đảo lộn là phải, vì từ trước đến nay thầy chưa hề đọc kinh Pháp Hoa, nếu thầy có đọc thầy công không thể nào hiểu nỗi thâm sâu của kinh này.
Trong kinh Pháp Hoa có câu:
– Chư Pháp trụ, Pháp dị, tướng Thế gian thường còn!
Trưởng Ban hỏi thầy An:
– Thầy giải giùm tôi “tướng Thế gian thường còn” là như thế nào?
Thầy Trần Quốc An nói:
– Câu này thật tình tôi mù hẳn.
Trưởng Ban nối tiếp:
– Thường các kinh nói Phật Tánh là thường, còn các tướng Thế gian là vô thường. Nhưng trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật nói các tướng của Thế gian là thường!
Vì sao Đức Phật dạy trước sau lại cố sai biệt?
Vì đây là chỗ Đức Phật dạy đến chỗ chân thật của Tứ Đại và Tánh Phật, nên Đức Phật nói tất cả Tứ Đại và Phật Tánh đều là như!
Tôi xin giải một trong Tứ Đại như sau:
– Như không khí, dù bất cứ ở đâu cũng là không khí, dù ở trong thân chúng ta, trong khe núi, hay ở trên không trung cũng là không khí. Vì vậy, Đức Phật gọi không khí là Như. Tất cả các Pháp kia cũng vậy.
– Phật Tánh là Như Như, còn Tánh Người là vô thường.
Câu 5: Về cuốn hút của Vật lý Âm Dương: Khi chúng ta vừa thấy, Tánh Thấy bị thu hút chúng ta thích hay không thích. Tánh Nghe và các Tánh khác cũng vậy, gọi là sức hút của Âm Dương.
Câu 6: Đại định Tam muội là định lớn mà ở trong chánh; người được đại định thật sự tâm lúc nào cũng phải Thanh Tịnh mà hằng tri, dù bất cứ hoàn cảnh thuận hay nghịch ngoài thân, các Tánh trong người họ vẫn không bị lay động và hằng biết; mới gọi là Đại định trong Tam muội.
Câu 7: Về ghi bảng hiệu Chùa và Pháp môn tu. Ngày xưa, khi Đức Phật sắp nhập Niết bàn, Ngài A Nan Đà có trình thưa hỏi với Đức Phật như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con và các người đời sau tu theo đạo của Đức Thế Tôn dạy, sau này có ai cất Chùa để thờ Đức Thế Tôn và tu tập, chúng con phải ghi bảng hiệu Chùa như thế nào để đúng với chánh Pháp, kính xin Đức Thế Tôn dạy chúng con?
Đức Phật dạy về bảng hiệu Chùa như sau:
– Dòng chữ trên ghi tên Chùa hiệu gì.
– Dòng chữ dưới ghi tu theo Pháp môn nào của Như Lai đã dạy.
– Địa chỉ nơi ngôi Chùa tọa lạc.
Vì sao phải ghi rõ ràng như vậy?
Vì Như Lai dạy nơi Thế Giới này có 6 Pháp môn tu, năm Pháp môn tu trong Vật lý và một tu không sử dụng Vật lý. Sở dĩ Như Lai dạy ghi rõ ràng như vậy là để ai muốn tu theo đạo của Như Lai dạy họ thích Pháp môn nào tùy ý. Tuyệt đối không được phép ghi lập lờ hay không ghi gì hết. Nếu ghi lập lờ hay không ghi gì hết các ông cất Chùa không phải để tu tập mà các ông tính chuyện kinh doanh để tìm lợi đưa người đến viếng Chùa vào đường mê tín dị đoan không phải tu theo đạo của Như Lai mà các ông tu theo lời nguyền của Ma vương đó. Nếu các ông bị cái bẫy của Ma vương rồi người trí thức họ sẽ chê cười như lai là ông thày dạy không thực tế và phản khoa học. Các ông thực hiện đúng phần này.
Ngài An Nan Đà nghe Đức Phật dạy, Ngài hết sức vui mừng lễ tạ Đức Thế Tôn rồi lui ra.
Video (Trích đoạn)
✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2 👉 Xem tiếp