Sách Tâm Linh

Lời tiên tri Núi Andes

✍️ Mục lục: Lời tiên tri Núi Andes – Mặc Khải thứ 10

Chương 1: 

Tôi tiến đến mép vách đá cheo leo và nhìn về hướng Bắc Dưới mắt tôi là một cảnh quan tuyệt đẹp. Nằm gọn trong khối núi Appalaches là một thung lũng dài khoảng mười kilômét và ngang tám kilômét. Một dòng nước quanh co qua những đồng cỏ và khu rừng già, với những cây xanh cao đến vài chục mét.
Tôi nhìn bản đồ. Mọi chi tiết của thung lùng rất khớp với hình vẽ: mép vực thẳm nơi tôi đang đứng, con đường đi xuống, dòng sông, và xa hơn là những dãy núi đâm ngang. Hẳn đây là cảnh quan mà Charlène đã vẽ trên một mẩu giấy mà người ta tìm thấy trên bàn của cô. Tại sao Charlène đã phác hoạ cảnh này? Và tại sao nàng biến mất?
Như vậy là Charlène đã mất tích hơn một tháng, và trung tâm nghiên cứu, nơi tuyển dụng Charlène, đã không nhận được tin gì của nàng. Khi Frank Simons, một đồng nghiệp của Charlène, gọi diện cho tôi, giọng nói của anh có vẻ lo âu.
Anh giải thích:
– Charlène thường biến mất, nhưng chưa lần nào lâu thế. Cô ấy có hẹn với các thân chủ, vậy mà đã thất hứa, một điều chưa từng xảy ra. Hẳn có điều gì đó không ổn.
Tôi hỏi:
– Sao anh biết số điện thoại của tôi?
Ở bàn giấy của Charlène, Simons đã tìm thấy lá thư mà tôi viết cho Charlène cách nay vài tháng, kể về chuyến du hành và những trải nghiệm của tôi tại Peru. Cạnh lá thư đó, trên một mẩu giấy, cô ghi vội tên và điện thoại của tôi.
Simons nói:
– Tôi đang gọi cho những người mà Charlène quen. Cho đến nay, chẳng ai biết lý do khiến Charlène mất tích. Anh là một trong số những người bạn thân của cô ấy. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã liên lạc với anh.
– Từ bốn tháng nay, chúng tôi đã không liên lạc với nhau.
Khi nói câu đó, tôi nhận ra rằng thời gian trôi quá nhanh. Một thời gian ngắn sau khi nhận được thư của Charlène đã để lại cho tôi một lời nhắn trên hộp thư thoại của tôi, và cho biết rất phấn khởi bởi những mặc khải cùng sự lan toả một cách nhanh chóng những lời hướng dẫn đó.
Tôi nhớ mình đã nhiều lần nghe thông báo này, nhưng cảm thấy chưa sẵn sàng để nói chuyện Charlène, tôi quyết định gọi cho nàng sau. Nếu không, tôi đã nhớ lại mọi chi tiết của Bản Sách Cổ Chép Tay và cung cấp cho nàng những giải thích. Tôi cần đôi chút thời gian để suy nghĩ và rút ra những bài học.
Thật ra, tôi vẫn chưa nắm rõ ý nghĩa của một số phần của Lời Tiên Tri.
Hẳn nhiên, tôi đã biết cách kết nối với năng lượng Tâm linh bên trong mình, điều đã giúp tôi rất nhiều, bởi những dự án của tôi với Marjorie đã thất bại, và giờ đây tôi phải trải qua những thời khắc cô đơn. Và, hơn lúc nào hết, giờ đây tôi chú ý nhiều đến những ý tưởng trực giác và những giấc mơ, đến sự ngập tràn ánh sáng của một căn phòng hoặc một cảnh quan. Nhưng, đồng thời tính chất lẻ tẻ của những trùng hợp ngẫu nhiên làm tôi thất vọng.
Chẳng hạn, tôi cảm thấy mình có khả năng nhận biết những vấn đề chủ yếu của đời mình, và thông thường, tôi có một trực giác khá rõ về điều tôi phải làm để tìm được lời đáp. Tuy vậy, sau bước mở đầu, thường thì không có sự kiện quan trọng nào xảy ra. Tôi chẳng nhận được một thông điệp nào, cũng như chẳng thấy một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào.
Điều đó đặc biệt đúng khi trực giác gợi ý tôi đến gặp một người mà tôi mới quen, hoặc một người mà tôi đã thường xuyên cộng tác. Đôi khi, tôi và người ấy tìm thấy một mối quan tâm chung, nhưng thường thì trực giác của tôi chẳng dẫn đưa về đâu. Dẫu tôi đã dồn mọi nỗ lực để phóng chiếu năng lượng, người kia vẫn không ưa tôi hoặc, tệ hơn, sự gặp mặt bắt đầu với vẻ hứa hẹn, rồi tình huống trở nên không thể kiểm soát, và cuối cùng tôi ra khỏi đó, cực kỳ bối rối và bực tức.
Những thất bại như thế không làm tôi chán nản, nhưng tôi nhận ra rằng tôi đang thiếu sót một điều gì đó khi áp dụng những mặc khải vào trường hạn. Ở Peru, tôi đã bị lôi cuốn vào một động thái tập thể, và thường hành động một cách tự phát. Khi trở về quê nhà, trong môi trường quen thuộc của mình, được bao quanh bởi những người rất hay hoài nghi, tôi dường như đã mất hy vọng hoặc mất niềm tin rằng, những trực giác của tôi sẽ đưa tôi đến một nơi nào đó. Có vẻ như tôi đã quên một số kiến thức cần thiết… hoặc cũng có thể tôi hoàn toàn không biết chúng.
Đồng nghiệp của Charlène nói với tôi:
– Giờ đây, tôi không biết phải làm gì. Charlène có một bà chị ở New York, nhưng tôi không biết địa chỉ. Anh có thể liên lạc với bà ấy chứ? Liệu bà ấy, hoặc bất cứ ai có thế cho tôi biết Charlène hiện ở đâu không?
– Rất tiếc, tôi không có cách nào để giúp anh. Charlène và tôi vừa gặp lại nhau. Tôi không biết gia đình cũng như bạn bè hiện nay của cô ấy.
– Thế thì tôi phải nhờ cảnh sát tìm, trừ khi anh có ý kiến nào khác.
– Đúng, anh có lý. Anh có manh mối về sự mất tích của Charlène?
– Chỉ có một bức vẽ lạ về một nơi mà tôi không biết.
Cuối ngày, Simons gửi cho tôi những ghi chú mà anh tìm thấy ở bàn giấy của Charlène, kể cả sơ đồ vẽ vội, chưa hoàn chỉnh với những đường nét, con số, và những dấu hiệu mơ hồ ở rìa. Tôi đối chiếu dữ liệu được ghi trên bức vẽ của Charlène với những con số trong cuốn Atlas Hoa Kỳ.
Tôi phát hiện nơi đã được vẽ ra, đúng như tôi đã ngờ. Một hình ảnh chính xác của Charlène hiện ra trong tâm trí, và đó cũng là hình ảnh ở Peru khi tôi nghe nói đến sự tồn tại của mặc khải thứ mười. Phải chăng sự biến mất cửa Charlène có liên quan, cách này hay cách khác, đến Bản Sách Cổ Chép Tay?
Một cơn gió thoảng lướt qua mặt tôi và tôi nhìn xuống thung lũng dưới chân mình. Ở tận cùng phía trái của hướng Tây, tôi thấy một dãy nhà. Đó hẳn là thị trấn mà Charlène đã ghi trên bản đồ. Tôi nhét tờ giấy vào túi áo và quay trở về con đường.
Đó là một thị trấn nhỏ khoảng hai ngàn dân, như được ghi trên tấm biển cắm ở lề đường. Dọc theo con đường duy nhất, song song với dòng sông, là những cửa hàng. Tôi thấy có một motel gần lối vào khu rừng bảo tồn quốc gia, và tôi lái xe vào bãi đỗ, trước một nhà hàng. Cùng lúc, tôi thấy có nhiều người đi vào nhà hàng và tôi đặc biệt để ý đến một người đàn ông cao lớn, tóc đen nhánh, da rám nắng, xách theo một cái túi to tướng. Khi biết mình bị nhìn, ông ta nhìn chằm chằm vào tôi.
Tôi ra khỏi xe và, do linh cảm, tôi quyết định vào quán ăn trước khi đặt phòng ở khách sạn. Quán hầu như vắng khách – ngoài vài người ở quầy bar và nhóm nhỏ vừa vào trước tôi. Hầu hết đều không để ý đến tôi, nhưng mắt tôi vẫn tiếp tục đảo quanh phòng. Một lần nữa, tôi lại gặp ánh mắt ban nãy; ông ta đang đi về phía cuối quán ăn. Ông ta mỉm cười, nhìn tôi một lúc rồi biến mất qua cánh cửa dẫn ra cánh đồng.
Tôi đi theo. Ông đang ở cách tôi vài mét, nghiêng người trên túi xách.
Mặc quần bò, áo sơ mi cao bồi, mang ủng, ông ta trạc ngũ tuần. Phía sau ông, mặt trời lúc chiều rọi những bóng dài lên những cây cổ thụ và đồng cỏ; không xa, dòng sông trôi, tiếp tục cuộc du hành của nó ngang qua thung lũng.
Ngước mắt nhìn tôi, ông mỉm cười hỏi:
– Cậu cũng là một khách hành hương?
Tôi đáp:
– Tôi tìm một cô bạn. Trực giác mách bảo tôi rằng ông có thể giúp tôi.
Ông ta gật đầu, chăm chú nhìn tôi, rồi bước đến gần và tự giới thiệu:
– Tôi là David Lone Eagle, hậu duệ của những người Indian đầu tiên sống tại thung lũng này.
Như tôi đã đoán, lối mở chuyện của ông có vẻ thừa. Tôi nhận thấy trên khuôn mặt của ông có một vệt sẹo nhỏ chạy từ mày đến cằm, nhưng không phạm vào mắt.
Ông hỏi:
– Cậu dùng cà phê nhé? Quầy bar ở đó có loại rượu Perrier tuyệt vời.
Nhưng cà phê thì không ngon.
Ông hất hàm về phía con sông, nơi có một cái lều nhỏ được dựng ở giữa ba cây dương lớn. Có khoảng vài chục người đang di chuyển, một số trong họ đi dọc theo con đường mòn ngang qua cây cầu dẫn vào khu rừng. Nơi này có vẻ yên bình. Người đàn ông bật cái bếp gas nhỏ, đổ nước vào xoong, rồi đặt trên lửa. Cuối cùng, ông hỏi tôi:
– Cô bạn cậu tên gì?
– Charlène Billings.
Ông lặng im và nhìn thẳng vào mắt tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Có một hình ảnh rất rõ về ông, vào một thời điếm khác, xuất hiện trong tâm trí tôi. Trong hình ảnh đó, ông ta trẻ hơn bây giờ nhiều, mặc quần da hoẵng và đang ngồi bên đống lửa. Có nhiều người ngồi quanh ông, những người Indian và hai người da trắng là một phụ nữ và một người đàn ông vạm vỡ. Cuộc tranh luận càng lúc càng gay gắt. Một số chủ trương chiến tranh, số khác chủ trương hoà giải. David lên tiếng và chế giễu những người muốn ký kết hoà ước. Ông nói, “Tại sao họ có thể khờ khạo đến thế, sau khi đã không ít lần bị phản bội?”.
Người đàn bà da trắng có vẻ hiểu ý ông, nhưng muốn ông hãy nghe hết lời trình bày. Bà giải thích, “Nếu huy động mọi năng lực Tâm linh, thì ta có thể tránh phải giao tranh, và thung lũng sẽ được bảo vệ một cách hữu hiệu”. David dứt khoát không chấp nhận đề nghị đó. Cùng với các chiến hữu, ông lên ngựa và ra đi. Hầu hết những người Indian đều theo ông.
David nói, đột ngột cắt ngang thị kiến của tôi:
– Trực giác của cậu không đánh lừa cậu. Tôi đã nhận thấy điều đó.
– Tôi thấy lo lắng. Không ai được tin Charlène. Tôi muốn biết cô ấy có ổn không và tôi có chuyện cần phải nói với cô ấy.
David mỉm cười hỏi:
– Nói về mặc khải thứ mười ư?
– Làm sao ông biết chuyện đó?
– Chỉ là ước đoán. Trong thung lũng này, hầu hết các khách tham quan không chỉ quan tâm đến vẻ đẹp của khu rừng không thôi. Họ đến đây để tìm hiểu về Lời Tiên Tri Núi Andes và nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy mặc khải thứ mười ở nơi nào đó tại đây. Một số người còn cho rằng đã tìm thấy nó.
Ông quay mặt đi và cho cà phê vào nước sôi. Qua giọng nói của ông, tôi có cảm tưởng ông đang thăm dò tôi.
Tôi hỏi:
– Charlène đang ở đâu?
Ông chỉ tay về hướng Đông:
– Trong rừng. Tôi chưa từng trò chuyện với cô ấy, nhưng một hôm, ở quán ăn, tôi đã nghe người ta nói đến tên cô ấy và từ đó, tôi đã nhiều lần gặp cô ấy thoáng qua. Lần cuối tôi gặp cô ấy là cách nay vài hôm. Cô ấy đã một mình thực hiện chuyến dã ngoại tại thung lũng. Tôi thấy cô ấy có mang theo những vật dụng cần thiết. Theo tôi thì giờ đây cô ấy còn ở trong thung lũng.
Tôi nhìn về hướng David đã chỉ. Thung lũng có vẻ mênh mông, trải dài bất tận. Tôi hỏi:
– Theo ông thì cô ấy có thể đi đâu?
– Có thể là về phía hẻm vực Sipsey. Ở đó có một cánh cửa.
– Cửa gì?
David mỉm cười bí ẩn:
– Những cánh cửa thuộc chiều kích không gian khác.
Tôi nghiêng người về phía David và nhớ đến những trải nghiệm ở khu phế tích Celestine:
– Ai biết điều đó?
– Không mấy ai. Cho đến lúc này, đó chỉ là một tin đồn, những mẩu thông tin nho nhỏ, những trực giác. Chưa ai thực sự trông thấy Bản Sách Cổ Chép Tay. Hầu hết những người đến đây để tìm hiểu mặc khải thứ mười đều có cảm giác được hướng dẫn một cách ăn khớp, đồng bộ. Họ đã thực tâm áp dụng chín mặc khải vào cuộc sống của họ, nhưng họ than rằng, trong một thời gian, những trùng hợp đã đẩy họ về một hướng nhất định, rồi đột ngột ngưng hẳn. Tất cả chúng ta đều hiện diện ở đây, có phải thế không? Mặc khải thứ mười phải dẫn đưa chúng ta đến một nhận thức toàn bộ – nhận thức những trùng hợp huyền bí, phát triển Tâm linh, sự biến mất của mặc khải thứ chín – tất cả từ một quan điểm cao hơn, hầu như chúng ta có thể hiểu những lý do của sự biến đổi và tham gia một cách tích cực.
Tôi hỏi:
– Làm thế nào ông biết điều đó?
Một tia tức giận loé lên trong đôi mắt của David:
– Tôi biết điều đó!
Trong một lúc, khuôn mặt ông giữ vẻ nghiêm khắc, rồi sau đó lại trở nên nồng nhiệt. Ông nghiêng người, rót cà phê vào hai tách, rồi đưa cho tôi một tách. Ông nói tiếp:
– Trong hàng ngàn năm, tổ tiên tôi đã sinh sống quanh thung lũng này. Đối với họ, khu rừng là một nơi linh thiêng, nằm lưng chừng giữa thượng giới và thế giới trung gian là Trái Đất, nơi chúng ta đang sống. Họ ăn chay và đến đây để tìm kiếm những thị kiến hầu khám phá năng lực đặc biệt của họ, hiểu biết phương thức điều trị những thương tổn tâm hồn, và để tìm thấy con đường của đời họ.
Ông của tôi đã kể cho tôi nghe chuyện một thầy pháp, từ một bộ tộc xa xăm, đã đến đây để dạy người dân chúng tôi cách thức nhằm đạt đến điều được gọi là “trạng thái thanh tịnh”. Thầy đã khuyên tổ tiên chúng tôi hãy xuất phát từ nơi này và đi cho đến khi nhận thấy được những dấu hiệu của một hoặc nhiều con vật. Sau đó, tiếp tục tiến bước cho đến khi thấy sự linh thiêng của thượng giới. Nếu xứng đáng, tức là đã loại bỏ mọi xúc cảm của hạ giới, có thể họ sẽ được phép bước vào cửa thiêng và gặp lại tổ tiên của họ. Và lúc đó, họ sẽ không chỉ thấy lại thị kiến của mình, mà còn có thể thấy thị kiến của cả nhân loại.
Dĩ nhiên, tất cả điều đó đã chấm dứt kể từ khi người da trắng đến.
Ông tôi đã không còn nhớ cách thức tiến hành việc này và tôi cũng thế. Vì vậy, chúng tôi phải ước đoán mò mẫm, như mọi người.
Tôi hỏi:
– Ông cũng đang tìm kiếm mặc khải thứ mười ư?
– Đương nhiên…! Nhưng đến nay, tôi có cảm tưởng mình đang tự chịu khổ hạnh để được tha thứ (giọng nói của ông lại trở nên chua chát, và có vẻ như ông đang nói với chính mình hơn là với tôi). Mỗi khi tôi cố tiến bước, thì một phần trong tôi không thể quên mối thù hận và phẫn nộ đối với những hành động tàn sát và chiếm đoạt mà dân tộc tôi là nạn nhân. Nhưng thù hận đó vẫn không nguôi. Làm thế nào người ta có thể cướp đoạt đất đai của chúng tôi, làm đảo lộn và huỷ diệt lối sống của chúng tôi? Tại sao người ta được phép làm một điều như vậy?
– Quả là đáng tiếc, – tôi nói.
Ông ta cúi đầu:
– Tôi tin cậu. Nhưng sự hối tiếc đó chẳng thay đổi được gì. Cứ mỗi lần nghĩ đến cách thức mà thung lũng này bị tàn phá, thì sự phẫn nộ lại dâng lên trong tôi. Cậu thấy vết sẹo này chứ? – Ông nói tiếp và chỉ vào mặt mình.
– Ngày hôm đó, tôi đâu muốn đánh nhau. Những tay cao bồi ở Texas gây hấn khi chúng đã say khướt. Lẽ ra tôi nên nhịn, nhưng sự phẫn nộ đã thôi thúc tôi làm vậy. Tôi hỏi:
– Có phải phần lớn thung lũng này là thuộc nhà nước?
– Chỉ phân nửa thôi, ở phía bắc dòng sông, nhưng chính quyền thường xuyên dọa bán nó hay tiến hành những dự án đô thị hóa.
– Còn nửa kia? Ai sở hữu?
– Trong một thời gian dài, nó là đất tư, nhưng giờ đây một công ty đa quốc gia, có trụ sở ở nước ngoài đang tìm cách mua lại nó. Chúng tôi không biết đằng sau công ty đó là ai, nhưng họ đã đề nghị những món tiền rất lớn với các chủ đất hiện nay.
Ông hướng mắt sang nơi khác một lúc, rồi nói tiếp:
– Có điều làm tôi day dứt: Tôi ước chi lịch sử của ba thế kỷ đã qua không như thế. Tôi không chấp nhận việc người châu Âu đã biến xứ sở này thành thuộc địa mà không cần biết đến những dân tộc đã sinh sống ở đây từ trước khi họ xuất hiện. Tôi ước chi lịch sử đi theo một dòng chảy khác, nếu có thể tôi sẽ bằng cách này hay cách khác thay đổi quá khứ. Lối sống của chúng tôi có giá trị riêng. Chúng tôi biết tầm quan trọng của ký ức. Đó là thông điệp mà người châu Âu hẳn đã nhận được từ dân tộc chúng tôi nếu họ chịu lắng nghe.
Trong khi ông nói, tôi lại một lần nữa chiêm bao giữa ban ngày. Tôi thấy hai người – một người Indian và một người đàn bà da trắng – nói chuyện với nhau bên dòng sông, ở bìa một khu rừng. Sau một lúc, có nhiều người Indian tụ tập quanh hai người đó để nghe họ nói.
Người phụ nữ da trắng khẳng định:
– Chúng tôi có thể chữa lành nỗi đau đó.
Người Indian nói:
– Chúng tôi chưa hiểu rõ vấn đề. (Mặt gã lộ vẻ kính trọng). Hầu hết các tộc trưởng của chúng tôi đã ra đi.
– Tại sao vậy? Hãy nghĩ đến những quan điểm đã trao đổi giữa tôi và anh. Chính anh đã tin tưởng khi nói rằng chúng ta có thể chữa lành nỗi đau đó.
– Đúng. Nhưng đức tin là một xác quyết, một nhận thức rõ ràng về cách thức mà các sự việc sẽ phải là. Tổ tiên chúng tôi biết điều đó, nhưng thế hệ chúng tôi ít người đạt được sự hiểu biết như họ.
Người đàn bà nói, giọng nài nỉ:
– Có lẽ giờ đây chúng ta có thể đạt được.
Những thị kiến của tôi bị cắt ngang bởi hình ảnh các nhân viên Cục Thủy Lâm đang tiến về phía một người có tuổi đi trên cầu. Ông ta mặc quần hẹp ống, áo cổ cồn và bước đi hơi khập khiễng.
David hỏi:
– Cậu có thấy ông ta?
– Thấy. Có chuyện gì vậy?
– Từ hai tuần nay, tôi thấy ông ta xuất hiện ở những vùng quanh đây.
Tên ông ta là Feyman. (David nghiêng người về phía tôi; lần đầu tiên, David tỏ ra tin tưởng tôi). Có điều gì đó lạ lùng đang xảy ra. Từ nhiều tuần nay, các nhân viên kiểm lâm hình như muốn kiểm tra bất kỳ ai đi vào thung lũng. Trước đó, họ không làm như thế, và hôm qua có người cho tôi biết là họ đã hoàn toàn đóng cửa lối vào ở phía Đông. Trong khu vực hoang vu này, có những nơi cách xa lộ gần nhất đến mười sáu kilômét.
Rất ít người dám đi xa đến thế, vậy mà… Một số người đã nghe thấy những âm thanh lạ xuất phát từ hướng ấy…
– Loại âm thanh gì?
– Những âm thanh lạ lùng. Hầu như, người ta không thể hiểu đó là loại âm thanh gì.
Đột nhiên, David đứng dậy và gấp lều một cách vội vã.
Tôi hỏi:
– Ông làm gì vậy?
– Không thể ở đây nữa. Tôi phải vào thung lũng.
Sau vài phút, David dừng tay và lại nhìn tôi. Ông nói:
– Có một điều cậu nên biết. Tôi đã nhiều lần gặp người tên là Feyman đi với cô bạn của cậu.
– Quan hệ của họ thế nào?
– Họ trò chuyện một cách thân thiết, nhưng theo tôi thì có gì đó không bình thường.
Một lần nữa, David cúi người thu xếp hành lý. Tôi lặng lẽ nhìn ông một lúc, tự hỏi mình nên làm gì lúc này, nhưng tôi cảm thấy David có lý trong vấn đề Charlène: nàng hẳn đang ở một nơi nào đó trong thung lũng.
Tôi nói:
– Tôi đi lấy balô của mình. Tôi có thể đi theo ông?
Có vẻ khó xử, David đáp vội:
– Không. Mỗi người chúng ta phải tự khám phá. Tôi không thể giúp cậu lúc này.
– Ông có thể cho tôi biết hẻm vực đó ở đâu không?
– Hãy men theo dòng sông khoảng ba kilômét. Cậu sẽ đến một con suối nhỏ đổ xuống từ phía Bắc. Hãy đi dọc theo nó một kilômét rưỡi, và nó sẽ dẫn cậu đến lối vào hẻm vực Sipsey.
Tôi gật đầu và chuẩn bị ra đi thì ông nắm lấy cánh tay tôi:
– Này, cậu sẽ chỉ tìm thấy cô bạn nếu cậu nâng năng lượng của mình lên một mức cao hơn. Một số vị trí trong thung lũng sẽ giúp cậu.
– Có phải đó là những cánh cửa thuộc chiều kích không gian khác?
– Đúng, có thể cậu sẽ khám phá nội dung của mặc khải thứ mười.
Nhưng để tìm thấy những nơi đó, cậu phải hiểu nội dung thực sự những trực giác của cậu, và biết gìn giữ những hình ảnh tâm trí. Hãy quan sát các con thú và cậu sẽ bắt đầu nhớ ra điều đã khiến cậu đến thung lũng này… nhớ ra lý do đã khiến chúng ta hiện diện ở đây. Nhưng, hãy thận trọng. Đừng để ai trông thấy cậu vào rừng. (David trầm ngâm một lúc).
Một người bạn của tôi là Curtis Webber đã đi vào thung lũng. Nếu gặp ông ấy, hãy nói rằng cậu đã nói chuyện với tôi và tôi sẽ gặp ông ta ở nơi đó.
David mỉm cười và tiếp tục gấp lều.
Tôi muốn David xác định những ý nghĩ của ông về trực giác và về tín hiệu do những con thú phát ra, nhưng ông né tránh ánh mắt của tôi và tiếp tục tập trung vào việc chuẩn bị ra đi.
Tôi nói:
– Cám ơn ông.
David đưa tay chào từ biệt.
Tôi nhẹ nhàng đóng cửa phòng và rời khỏi khách sạn bằng những bước chậm rãi, dưới ánh trăng. Không khí mát lạnh và sự căng thẳng làm tôi rùng mình. Tôi thầm nghĩ, tại sao mình dấn thân vào cuộc phiêu lưu này? Tôi không có một chứng cứ nào cho thấy Charlène vẫn còn ở thung lũng, cũng như những nghi ngờ của David là có cơ sở. Tuy vậy, trực giác mách bảo tôi rằng đã có một điều gì đó lạ lùng xảy ra. Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc: liệu tôi có nên đến gặp cảnh sát trưởng địa phương? Nhưng tôi sẽ nói gì với ông ta? Một cô bạn của tôi đã mất tích; dĩ nhiên không ai bắt buộc cô ấy phải vào rừng, nhưng có lẽ cô ấy đang gặp nguy hiểm? Nói ra tất cả điều đó trên cơ sở một bức phác hoạ tìm thấy trong một bàn giấy cách xa nơi này hàng trăm kilômét ư? Để tìm kiếm một người mất tích trong vùng hoang vu rộng lớn, cần phải huy động hàng trăm người, và tôi biết nhà chức trách sẽ không tiến hành một cuộc tìm kiếm như thế nếu không có những thông tin chính xác.
Tôi dừng lại và nhìn trăng non đang lên trên những hàng cây. Tôi dự tính sẽ vượt sông ở phía đông, thật xa trạm kiểm lâm, và sau đó theo lối đi chính dẫn vào thung lũng. Ánh tráng sẽ soi đường cho tôi.
Tôi ngang qua phía sau quán cà phê của khách sạn, và đi về nơi mà David đã dựng lều. Nơi này đã được dọn một cách chu đáo. Để xoá mọi dấu vết về sự hiện diện của mình, David đã rải lá vàng và lá thông lên đó.
Trước khi đến nơi đã xác định vị trí, tôi phải vượt qua khoảng năm mươi mét trống trải, không xa căn nhà lụp xụp của toán kiểm lâm, mà tôi có thể thấy rõ. Qua ô kính cúa căn nhà đó, tôi thấy hai nhân viên kiểm lâm đang trò chuyện. Rồi một trong hai người đứng dậy và gọi điện thoại.
Tôi xóc balô lên vai và lom khom tiến đến bờ sông cát trắng. Cuối cùng, tôi bước xuống dòng sông, chân dẫm trên những viên đá cuội trơn trượt.
Quanh tôi là bản giao hưởng côn trùng. Tôi liếc nhìn về phía các nhân viên kiểm lâm; họ vẫn tiếp tục trò chuyện và không hay biết gì. Dòng sông không quá rộng. Nơi sâu nhất, nước có vẻ chảy xiết và mặt nước ở trên đầu tôi, nhưng chỉ vài giây sau, tôi đã sang bờ bên kia, ở giữa một khóm thông.
Tôi thận trọng tiến bước, hầu tìm thấy con đường dẫn vào thung lũng.
Ở phía Đông, con đường mòn mất hút trong bóng tối. Trong khi tôi nhìn chăm chăm về hướng đó, thì những nghi ngờ bỗng tràn ngập tâm trí. Những âm thanh đã khiến David phải bận tâm là những âm thanh gì? Bất ngờ nào được dành cho tôi ở những nơi đang chìm trong bóng tối dày đặc đó?
Tôi xua đi nỗi sợ. Tôi biết mình phải đi tiếp, nhưng do thận trọng, tôi chỉ đi trên lối mòn trong ít phút, rồi rời khỏi nó để tiến vào một vùng cây cối rậm rạp. Tôi dựng lều và chui vào ngủ qua đêm. Tôi thầm nghĩ, tốt hơn nên chờ đến sáng rồi hãy tiếp tục đi.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy vào lúc bình minh và nghĩ đến lời David đã khuyên là hãy chú ý đến trực giác của mình và gìn giữ chúng. Tôi nhớ đến mặc khải thứ bảy, nhấn mạnh đến lôgic ngầm ẩn của sự đồng bộ, ăn khớp. Quả thật, mỗi người chúng ta, một khi đã hiểu rõ cơ chế điều khiển, thì có thể xác định những câu hỏi chính ở giai đoạn hiện tại của đời mình – những vấn đề có liên quan đến nghề nghiệp, bạn bè, đến nơi mà mình phải sống, những quyết định mà mình phải chọn. Nếu ta chăm chú theo dõi, thì bản năng, trực giác của ta sẽ chỉ cho ta phương hướng và những quyết định đáng mong đợi, những người mà ta phải tiếp xúc để tìm thấy lời giải đáp.
Sau đó, dĩ nhiên, có một trùng hợp xảy ra: nó sẽ cho thấy lý do khiến ta bị thúc đẩy phải đi theo con đường đó, nó sẽ cung cấp những thông tin mới hữu ích, và giúp ta ứng dụng vào cuộc sống. Nhưng làm thế nào để gìn giữ trực giác?
Tôi vén cửa lều và nhìn ra ngoài. Chẳng thấy gì bất thường, tôi ra khỏi lều. Trong không khí mát lạnh buổi sáng, tôi đi xuống sông rửa mặt, sau đó thu dọn đồ đạc và đi về phía đông trong khi nhấm nháp một thanh muesli và cố lẩn sau những đại thụ ven sông. Vượt qua khoảng năm kilômét, tôi cảm thấy bồn chồn và có một nỗi sợ mơ hồ. Bất chợt thấy mệt, tôi ngồi xuống, tựa người vào một thân cây, trong khi cố tập trung vào cảnh vật xung quanh và gia tăng nội lực của mình. Trời xanh không bóng mây, những tia nắng nhảy múa qua những tán cây và trên mặt đất quanh tôi. Tôi để ý đến một loài cây nhỏ trổ hoa vàng cách tôi vài mét và để cho vẻ đẹp của nó thâm nhập vào mình. Đắm chìm trong ánh mặt trời, những bông hoa trở nên rực rỡ hơn, và màu xanh của những chiếc lá cũng lộng lẫy hơn. Tôi ngửi thấy hương thơm của hoa cùng với hơi ẩm của lớp mùn và lá.
Cùng lúc, tôi nghe thấy tiếng bầy quạ trên cây. Những tiêng kêu của chúng khiến tôi kinh ngạc, nhưng lạ lùng là tôi không biết đích xác nơi phát ra những tiếng kêu đó. Trong khi tập trung lắng nghe, tôi có sự nhận thức đầy đủ về hàng chục âm thanh khác nhau đang tạo nên bản hợp tấu ban mai này: tiếng chim trên những cành cây phía trên tôi, tiếng vo vo của một con ong đất giữa những khóm dã cúc mọc ven sông, tiếng nước vỗ bập bềnh quanh các mỏm đá… Và tiếp đến là một âm thanh vo vo khác, rất nhỏ và lạc điệu.
Tôi đứng dậy, nhìn quanh. Âm thanh đó từ đâu đến?
Tôi khoác ba lô và đi về hướng đông. Tiếng lá xào xạc dưới chân tôi; vì vậy, tôi phải thường xuyên dừng bước hầu có thể tiếp tục nghe thấy tiếng vo vo. Âm thanh đó vẫn không dứt. Sau khi đến bìa rừng, tôi đi vào một cánh đồng đầy cây đan sâm và hoa dại đủ màu sắc, cao đến đầu gối. Khi gần đến cuối cánh đồng, tôi thấy những bụi dâu dại gần một thân cây bị bật rễ. vẻ đẹp của chúng làm tôi sững sờ và tôi bước đến gần để xem; chúng trĩu nặng đầy quả.
Lúc đó, tôi có cảm giác của sự đã-thấy. Cảnh tượng có vẻ thân quen, như thể tôi đã từng đến thung lũng này và từng ăn những trái dâu dại này. Làm thế nào điều đó có thể xảy ra? Tôi ngồi trên thân cây và chậm rãi thưởng thức những quả dâu chín mọng. Vào lúc dó, chợt xuất hiện trong tâm trí tôi hình ảnh của một hồ nước trong như thuỷ tinh với hậu cảnh là nhiều thác nước bậc thang và, cũng thế, tôi thấy cảnh quan này rất thân quen. Một lần nữa, tôi có cảm giác sợ hãi.
Đột nhiên, có một con thú vùng vẫy, thoát khỏi những bụi gai, làm tôi giật mình. Nó chạy về hướng bắc rồi đột ngột dừng lại. Do bị cây đan sâm che khuất tầm nhìn nên tôi không thể thấy rõ con vật; tôi không biết nó là loài gì, nhưng có thể lần theo những dấu vết của nó trên cỏ. Khoảng vài phút sau, nó quay trở lại rất nhanh, dừng một lúc rồi lao về hướng Bắc, và lại dừng sau khi chạy được một quãng. Tôi nghĩ đó là một con thỏ rừng, tuy động thái của nó rất lạ lùng.
Trong khoảng năm phút, tôi quan sát nơi đã thoáng thấy con vật lần cuối, rồi chậm rãi đi về hướng đó. Khi tôi còn cách con vật vài bước, nó phóng nhanh về hướng bắc. Trước khi nó mất hút, tôi có thể thấy cái đuôi màu trắng và hai cẳng sau của con thỏ rừng.
Tôi mỉm cười và tiếp tục đi về hướng đông, dọc theo con đường mòn.
Đến cuối khoảng rừng thưa, tôi tiến vào một khu rừng rậm. Có một con suối nhỏ; chảy về từ phía trái để đổ vào dòng sông. Đây hẳn là điểm định vị mà David đã chỉ cho tôi. Giờ đây tôi phải tiến về hướng Bắc.
Khổ nỗi, không hề có đường mòn ở hướng này; ngoài ra, dọc theo con suối, có nhiều cây nhỏ rậm rạp và những bụi gai đan xen nhau tạo thành một hàng rào không thể vượt qua. Không thể băng ngang ngả này; tôi phải quay trở lại để đến cánh đồng mà lúc nãy tôi đã vượt qua để tìm một lối đi nhằm tránh chướng ngại.
Dọc theo bìa những hàng cây, tôi cố tìm một lối đi giữa thảm thực vật dày đặc dưới tán cây lớn. Rất đỗi ngạc nhiên, tôi trông thấy lối mòn mà con thỏ rừng đã để lại trong đám đan sâm; tôi theo lối mòn đó cho đến khi lại nhìn thấy con suối nhỏ. Ở đây, thảm thực vật có vẻ ít rậm rạp hơn, và tôi có thể rẽ một lối đi đến vùng có những cây đại thụ, trong khi vẫn men theo con suối, thẳng về phía bắc.
Sau khi vượt khoảng một kilômét rưỡi, tôi thấy sừng sững ở phía xa là một dãy núi đá đâm ngang, vây lấy con suối. Tôi tiếp tục tiến về phía trước và nhận ra rằng hình thế hiểm trở đó tạo nên thành vách của một hẻm vực và hình như chỉ có duy nhất một lối vào.
Khi đến nơi, tôi ngồi xuống cạnh một cây óc chó và quan sát cảnh vật xung quanh. Phía trước tôi khoảng một trăm mét, ở hai bên con suối, là những bức tường bằng đá vôi thẳng đứng, cao như những toà nhà; xa hơn đôi chút, những bức tường đó nghiêng ra phía ngoài để hình thành một hẻm vực lớn có dạng cái bát bề rộng khoảng ba kilômét, dài sáu kilômét. Tôi lại nghĩ đến tiếng vo vo và cố lắng tai nghe trong vài phút, nhưng âm thanh đó hình như đã dứt.
Cuối cùng, tôi lấy từ balô ra cái bếp gas nhỏ và bật lên. Tôi đổ nước từ biđông vào xoong, cho vào đó một gói rau củ khô, rồi đặt xoong lên bếp lửa. Trong vài phút, tôi nhìn những cuộn khói bay lên và tan biến bởi một ngọn gió nhẹ. Trong lúc mộng mơ đó, tôi lại thấy cái ao và những thác nước, nhưng lần này tôi hoà nhập vào cảnh tượng. Và ở đó tôi đi gặp một người. Tôi xua đi hình ảnh trong tâm trí. Điều gì đã xảy ra? Những hình ảnh càng lúc càng trở nên rõ ràng. Trước tiên là hình ảnh của David ở một thời điểm khác; giờ đây là hình ảnh của những thác nước.
Cảm nhận có một chuyển động trong hẻm vực, tôi liếc nhanh về phía con suối và sau đó ở bên kia, nơi có một cây một đại thụ cách suối không xa. Đại thụ đã trụi lá và giờ đây kín cả quạ; có nhiều con bay xuống mặt đất. Tôi có cảm tưởng chúng chính là những con quạ mà tôi đã gặp trước đây. Rồi chúng đột ngột bay lên, lượn vòng ngoạn mục bên trên ngọn cây.
Một lần nữa tôi lại nghe tiếng kêu của chúng, nhưng như lúc nãy, âm vang của những tiếng kêu không tương ứng với khoảng cách; giờ đây, chúng có vẻ gần hơn nhiều.
Nước sôi sực và khói bốc lên khiến tôi phải chú ý đến cái bếp. Món rau củ của tôi đang sôi trào. Một tay tôi cầm cái xoong, tay kia hạ lửa. Khi món ăn bớt sôi, tôi lại đặt xoong lên bếp và nhìn cái cây trụi lá. Đàn quạ đã bay đi.
Tôi nuốt vội món rau củ, rửa chén bát, cho mọi thứ vào balô và tiến vào hẻm vực. Sau khi vượt qua những tường thành đá vôi dốc đứng, tôi thấy màu sắc của cảnh vật trở nên rực rỡ hơn. Cánh đồng đan sâm giờ có màu nâu ánh vàng, khá lạ lùng và tôi nhận thấy nó được điểm xuyết bởi nhiều hoa dại – vàng trắng và vàng cam. Thổi về từ những ngọn đồi phía đông, cơn gió thoảng mang theo hương thơm của loài đỗ quyên hoang dã.
Trong khi men theo con suối chảy về hướng bắc, tôi vẫn để mắt đến cây đại thụ ở phía trái tôi, nơi những con quạ đã lượn quanh. Khi đại thụ đã hoàn toàn ở phía sau tôi, tôi nhận thấy con suối đột ngột rộng ra. Tôi rẽ vào một lối đi qua những cây liễu và lau sậy rồi thấy mình đã đến trước một hồ nước. Hồ này không chỉ tiếp nước cho con suối mà tôi đã men theo khi nãy, mà còn tiếp nước cho con suối thứ hai, tách khỏi con suối thứ nhất, để chảy về hướng đông nam. Tôi thầm nghĩ, phải chăng chính cái hồ này đã xuất hiện trong thị kiến của tôi? Không, bởi nó không có những thác nước. Một ngạc nhiên khác đã chờ tôi: ở cuối hồ, suối nước hoàn toàn biến mất. Vậy, nước xuất phát từ đâu? Tôi bất chợt phát hiện rằng, cái hồ cũng như con suối mà tôi đã men theo đều được tiếp nước bởi một suối ngầm tuôn trào ở ngay nơi này.
Ở phía trái, cách mười lăm mét trước mặt tôi, có một gò đất với ba cây bạch phong – một nơi thích hợp để thiền định. Tôi bước đến đó và ngồi xuống, tựa lưng vào một thân cây. Ở nơi này, tôi có thể trông thấy cây đại thụ nơi có những con quạ cùng với nguồn nước ở bên tay phải. Giờ đây, tôi phải đi theo hướng nào? Tôi có nguy cơ lang thang trong rừng nhiều ngày mà không gặp Charlène. Và những hình ảnh trong tâm trí sẽ mang đến cho tôi những chỉ dẫn gì?
Tôi nhắm mắt và cố gợi lại thị kiến trước đây về cái hồ và những thác nước, nhưng dẫu cố đến mấy, tôi vẫn không thể thấy lại những chi tiết chính xác. Cuối cùng, tôi từ bỏ nỗ lực và một lần nữa ngắm cỏ xanh, những bông hoa dại và cây bạch phong. Tôi hít thở sâu và lại thấy cây đại thụ cùng bầy quạ.
Tôi khoác balô và đi về phía đó. Ngay tức khắc, hình ảnh cái hồ và những thác nước ngang qua tâm trí tôi. Lần này, tôi cố nhớ lại toàn bộ cảnh tượng. Hồ trải rộng trên một diện tích lớn và từ đó nước đổ xuống thành những thác nhỏ dốc đứng. Nếu hai thác nhỏ nhất đổ xuống từ độ cao khoảng năm mét, thì thác cuối cùng đổ xuống từ độ cao gấp đôi. Một lần nữa, từ hình ảnh trong tâm trí, tôi thấy mình đi gặp một ai đó.
Tiếng xe ở phía trái khiến tôi phải dừng bước. Tôi quì xuống để ẩn mình sau những bụi cây. Chiếc Jeep màu xám đang băng ngang qua khoảng rừng trông theo hướng đông nam. Tôi biết kiểm lâm không cho phép ô tô tư nhân đi vào vùng này, vì vậy tôi nghĩ chiếc Jeep hẳn phải có gắn phù hiệu của Cục Thuỷ Lâm. Nhưng, lạ thay, tôi chẳng thấy. Khi cách tôi năm mươi mét, chiếc Jeep dừng lại. Qua những cành lá, tôi thấy chỉ có một người trong xe đang dùng ống nhòm quan sát, vì vậy tôi phải nằm bẹp xuống để tránh bị phát hiện. Người đó là ai?
Chiếc Jeep lại chuyển động và nhanh chóng biến mất trong rừng. Tôi ngồi dậy, cố một lần nữa lắng nghe tiếng vo vo. Chẳng nghe thấy gì. Liệu tôi có nên quay về thành phố? Liệu có nên chọn một cách khác để tìm Charlène? Tôi do dự, nhưng tự thâm tâm, tôi biết câu trả lời: tôi không có quyền chọn lựa. Tôi nhắm mắt, nhớ đến lời David khuyên tôi hãy giữ cho trực giác sinh động, và sau đó tôi nhớ đến toàn bộ hình ảnh cái hồ và những thác nước. Tôi đứng dậy, và một lần nữa đến bên gốc đại thụ và bầy quạ trong khi cố giữ trong ký ức mọi chi tiết của cảnh tượng.
Đột nhiên có tiếng kêu đinh tai của một loài chim khác, lần này là một con chim cắt, đang bay nhanh về hướng bắc. Vì nó bay qua ở phía sau cây xanh, nên tôi không thể biết nó lớn đến mức nào. Tôi bước nhanh trong khi cố dõi theo nó.
Sự xuất hiện của con chim cắt làm gia tăng năng lượng trong tôi và, kể cả khi nó đã mất hút ở chân trời, tôi vẫn tiếp tục tiến theo hướng của nó.
Tôi đi trong gần nửa giờ. Ở đỉnh của ngọn đồi nhỏ thứ ba, tôi đột ngột dừng lại khi nghe thấy, ở xa, tiếng nước: Một dòng sông ư? Không, một thác nước.
Thận trọng, tôi đi xuống sườn dốc và băng qua một khe lũng sâu. Nơi này, một lần nữa, gợi lên trong tôi cảm giác đã-thấy. Tôi đi lên gò đất gần đó và khi lên đến đỉnh, tôi thấy cái hồ và những thác nước y hệt những gì trong thị kiến, nhưng quang cảnh thật đẹp và lớn hơn nhiều. Riêng hồ cũng đã trên một trăm mẫu và nằm trong một cái nôi gồm những khối đá lớn và những lớp địa chất lộ thiên.
Ở cuối hồ là một màn sương khói và những giọt nước nhỏ tung toé mọi hướng; từ hai thác nước nhỏ cao hơn phía trên miệng vực, nước đổ xuống, tung bọt trắng xoá.
Trong khi ngắm cảnh đẹp, ấn tượng đã – thấy trong tôi được củng cố thêm. Những âm thanh, màu sắc, cảnh quan trên đồi… tất cả đều có vẻ cực kỳ thân quen. Tôi đã từng đến đây. Nhưng vào lúc nào?
Tôi đi về phía hồ và quan sát xung quanh. Tôi bước đến bên hồ và nếm thử vị nước của nó, rồi nước của dòng thác; tôi leo lên những tảng đá để sờ vào thân cây. Tôi muốn tan loãng trong cảnh đẹp của nơi này. Cuối cùng, tôi nằm dài trên một mặt đá phẳng nhìn xuống hồ; những tia nắng ve vuốt khuôn mặt khi một ấn tượng quen thuộc khác lướt qua – hơi ấm của con người và một sự quan tâm mà từ nhiều tháng nay tôi không được cảm nhận. Thật vậy, cho đến lúc đó, tôi đã quên mất cảm giác chính xác ấy và tính chất của nó, tuy giờ đây điều đó là hoàn toàn có thể nhận biết. Tôi mở mắt và đột ngột xoay người; giờ đây, tôi biết mình sẽ gặp ai. 

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Lời tiên tri Núi Andes – Mặc Khải thứ 10 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *