Ngọc Sáng trong Hoa Sen
✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen
Chương V: Bắc Kinh
Khi tôi đến Bắc Kinh thì thành phố này không còn là một Trung tâm quyền lực như trước nữa nhưng nó vẫn cố gắng bám víu vào quá khứ một cách tuyệt vọng. Cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) đã thay đổi hoàn toàn chính thể Trung Hoa, Hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, không còn quyền hành nhưng tại Bắc Kinh người ta vẫn nhắc đến ông vua này một cách kính trọng. Mặc dù chính quyền mới đã đưa ra nhiều công cuộc cải cách như lập nội các dân chủ, đặt ra quốc hội, ban hành nhiều sắc luật cải tổ guồng máy cai trị quốc gia nhưng càng cố gắng thay đổi bao nhiêu, người dân Bắc Kinh lại càng bám lấy truyền thống cũ bấy nhiêu. Họ vẫn trọng đãi các hoàng tộc, hoàng thân và vẫn có những buổi tế lễ quan trọng tại các lăng tẩm vua chúa nhà Mãn Thanh.
Dù trải qua nhiều biến động, Bắc Kinh vẫn giữ được vẻ đẹp đài các, kiêu sa với các cung điện, lăng tẩm kiến trúc lộng lẫy, huy hoàng. Rải rác quanh những đại lộ chính vẫn còn các bia đá ghi chú các chiến công hiển hách của vua chúa nhà Thanh, các cổng tam quan chạm trổ rồng phượng, các công viên trồng đủ các loại hoa nở theo thời tiết bốn mùa. Tuy nhiên người ta có thể thấy các dấu hiệu suy tàn đã bắt đầu, các cung điện lâu đài không được tu sửa, tường lở vôi, mái phủ rong rêu, các lớp sơn phết chạm trổ trên các cột đá đều bạc màu.
Sự thất vọng lớn nhất của tôi đối với Bắc Kinh là thái độ dửng dưng, lạnh lùng của người dân thành phố này đối với những người ngoại quốc như tôi. Dù sống tại đây một thời gian khá lâu nhưng tôi không sao tìm được những người bạn thân như Tạ Hải, Tạ ngũ thúc. Người dân Bắc Kinh rất bảo thủ, họ giới hạn việc giao thiệp trong phạm vi nhỏ hẹp nào đó thôi. Một người ngoại quốc dù thông thạo tiếng Trung Hoa, dù phục sức như người Trung Hoa vẫn là một người ngoài, và người ngoài thì không thể tin cậy và giao tiếp thân mật được. Cũng vì thế, sau một thời gian cố gắng chinh phục cảm tình của họ nhưng không thành
công, tôi đành quay ra kết bạn với những người châu Âu khác. Không như các thương cảng miền nam quy tụ rất đông thương gia, đại bản người ngoại quốc; phần lớn các thành phố miền bắc đều nghèo xơ xác, rất ít cơ sở thương mại hay Trung tâm kỹ nghệ. Đa số người ngoại quốc sống tại đây đều là những học giả hay giáo sĩ, người đến vì tò mò hay tìm hiểu văn hóa Trung Hoa, kẻ đến để bành trướng thế lực tôn giáo.
Tình trạng giao thời giữa cũ và mới và những đổi thay chính trị giữa các phe phái đã phá tan truyền thống tôn ti trật tự của xã hội khép kín này. Sự tranh chấp giữa các thế lực đã mở cửa cho những tư tưởng tiến bộ mới lạ tràn vào, ảnh hưởng lên giai cấp trí thức Trung Hoa. Đại học Bắc Kinh là môi trường mà tầm ảnh hưởng này tác dụng mạnh mẽ nhất. Một lớp sinh viên chịu ảnh hưởng văn minh Phương Tây đã xuất hiện, họ thường tụ họp tại các hội quán, câu lạc bộ và bàn tán sôi nổi về các chủ trương, lý thuyết, quan niệm chính trị, kinh tế khác nhau. Mặc dù có nhiệt huyết nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên phần lớn đều bị lợi dụng bởi các thế lực chính trị đương thời. Trong thời gian sống tại đây, tôi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, bãi khóa, tranh đấu đòi hỏi điều kiện này nọ.
Hầu hết đều được sự ủng hộ của các phe phái quân phiệt, đảng phái, hoặc các thế lực ngoại quốc.
Lúc đầu tôi định mở lớp dạy tiếng Anh như tại Hồng Kông nhưng ít lâu sau tôi đổi ý định và xin dạy tại đại học Bắc Kinh. Lương của giáo sư đại học giúp tôi thuê được một căn nhà nhỏ tại Tây thành. Tuy căn nhà đã cũ, tường vách không được sơn sửa từ lâu nhưng nó rất kín đáo, yên tĩnh, thích hợp với cuộc sống trầm mặc của tôi. Tôi mướn một cặp vợ chồng già trông nom nhà cửa và nấu ăn với giá mười sáu bảng Anh mỗi tháng. Lão Trương là một quản gia trung thành, giữ gìn nhà cửa tươm tất và đặc biệt là có tài chăm sóc cây cỏ trong vườn. Bà Trương nấu nướng ngon nhưng có thói hay kiểm soát mọi hoạt động của chồng. Cả hai vợ chồng đều ít nói, không làm phiền ai trừ khi thỉnh thoảng lão Trương trốn vợ vào sòng tài xỉu giải trí, khi về bị vợ vác chổi rượt chạy khắp sân.
Một hôm tôi đang đọc sách thì nghe tiếng cãi vã ồn ào trước cửa. Tôi bước ra xem thì thấy lão Trương đang xua đuổi một người Mông Cổ to lớn, râu tóc xồm xoàm.
– Chuyện gì vậy lão Trương?
– Thưa Phùng lão gia, thằng hành khất này to gan lớn mật, dám cả gan… Người Mông Cổ kia vội cãi lại:
– Nhưng tôi không phải là hành khất.
– Câm miệng đi, mày không phải hành khất thì đi xin tiền làm gì?
Tôi quan sát người “hành khất” mà lão Trương đang cố gắng xua đuổi. Đó là một người Mông Cổ to lớn, khoác chiếc áo hồ cừu cũ nát, dưới lớp áo đó là một bộ quần áo vá chằng chịt hàng trăm mảnh may bằng những thứ hàng rất diêm dúa nhưng bẩn thỉu như không hề được giặt. Người đó tỏ ra giận dữ, râu tóc dựng ngược lên như muốn ăn tươi nuốt sống lão Trương. Hắn quay qua tôi phân trần:
– Ta đi quyên tiền để xây cất một ngôi Chùa trên Ngũ Đài Sơn, nhưng gã người
làm của ngươi cứ cho rằng tachỉ là một kẻ hành khất.
– Thôi đi, đừng có lợi dụng danh nghĩa này nọ, lão gia đây đã bảy chục tuổi đầu rồi chứ đâu phải ngu dại gì nữa…
– Phải chăng ông từ Ngũ Đài Sơn đến?
– Chính thế. Ta đã đi suốt mấy tháng nay quyên góp tiền bạc để xây Chùa…
Lão Trương vội chen vào:
– Phùng lão giachớ tin những kẻ như vậy.
Gã Mông Cổ rút trong người ra một quyển sổ đóng bìa gấm rất đẹp, trong có ghi những dòng chữ Tây Tạng, Mông Cổ loằng ngoằng:
– Đây là danh sách những người hảo tâm đã đóng góp, ta ghi rõ vào sổ sách đàng hoàng…
Tôi im lặng lắng nghe gã Mông Cổ nói. Một người lặn lội hàng trăm dặm đi quyên góp như thế này chắc chắn không phải kẻ tầm thường. Hơn nữa cử chỉ của y không giống như những hành khất mà tôi đã gặp. Hắn nói rất rành mạch, rõ ràng, có đầu có đuôi hẳn hoi. Hắn còn vạch rõ kế hoạch xây Chùa như thế nào, có những tượng Phật ra sao, cách sắp đặt địa thế, phòng ốc, đường sá như một kiến trúc sư rành nghề. Một kẻ hành khất dù có tài bịa đặt đến đâu cũng không thể nói năng rành mạch như thế được.
– Như vậy ngôi Chùa đã được khởi công chưa?
– Chưa, chúng tôi còn đang quyên góp tiền bạc.
– Nhưng nếu chưa xây cất thì sao ông lại có thể tả rõ hình ảnh, cách cấu trúc, sắp đặt tinh vi đến thế?
– Tại vì tôi đã nhìn thấy nó trong một linh ảnh.
– Cái gì? Ông nhìn thấy trong một linh ảnh?
– Đúng thế. Do đó tôi mới đi quyên góp để xây cất nó. Tôi là một Pháp sư ở Ngoại Mông, cách đây vài năm tôi đã nhìn thấy một ngôi Chùa kiến trúc lộng lẫy trong một linh ảnh. Lúc đầu tôi nghĩ rằng đó chỉ là một giấc mơ nhưng càng ngày hình ảnh ngôi Chùa này càng hiện ra rõ rệt trong óc tôi với từng chi tiết một nên tôi nhất định phải đi kiếm nó. Dường như có một linh tính nào thôi thúc tôi tìm đường vào Trung Nguyên và vô tình đi ngang rặng Ngũ Đài Sơn. Tôi nhìn thấy rõ rệt địa thế mà ngôi Chùa trong linh ảnh tọa lạc nhưng dĩ nhiên đó chỉ là một cánh đồng còn hoang vu trơ trụi, không có gì cả. Đến lúc đó tôi ý thức rằng ngôi Chùa trong linh ảnh đó chưa hiện hữu và nhiệm vụ của tôi là phải góp phần kiến tạo nó nên tôi phát tâm đi quyên góp khắp nơi.
– Nhưng biết đâu đó chỉ là một giấc mộng? Người Mông Cổ phálên cười:
– Người ta có thể mộng mị vài lần nhưng làm sao hễ nhắm mắt lại là hình ảnh ngôi Chùa lại hiện ra với những chi tiết rõ rệt được? Đối với kẻ bình thường thì có thể đó là một ảo ảnh nhưng với tôi, một Pháp sư dày công tu luyện thì đâu có thể có chuyện đó. Tôi đã nhìn thấy từng chi tiết rõ rệt, từng viên gạch, từng phiến đá, từng phòng ốc hay những bức tranh vẽ trên vách Chùa nữa. Linh ảnh này luôn luôn hiện ra trước mắt tôi một cách rõ rệt, không sai trật mảy may nào, bất cứ lúc nào nhập định tôi cũng đều nhìn thấy nó. Tôi là một Pháp sư huyền thuật, có thể sai khiến quỷ thần, trừ tà, chữa bệnh, giao thiệp với cõi siêu hình chứ đâu phải một người thường. Không những tôi ý thức rõ việc tôi đang làm mà còn biết rằng một thời gian nữa ngôi Chùasẽ hoàn tất.
– Ông có vẻ tự tin quá.
– Dĩ nhiên. Không những tôi biết rõ mà các sinh linh cõi âm cũng xác nhận như thế.
Câu nói của gã Mông Cổ làm tôi giật mình. Tôi đã nghe nói đến những Pháp sư Tây Tạng, Mông Cổ tu luyện huyền thuật nhưng vẫn bán tín bán nghi về hiện tượng siêu hình. Nếu gã này đã tự nhận như thế thì tôi có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này rồi. Khi tôi ngỏ ý muốn biết về các môn huyền thuật, gã Mông Cổ sốt sắng gật đầu ngay và hẹn chiều hôm sau đến tìm gã tại một ngôi Chùa Tây Tạng ở phía bắc thành phố. Sau khi gã Mông Cỏ thu nhận món tiền của tôi và bỏ đi thì lão Trương cuống quýt gọi vợ mang vàng mã ra “đốt vía” trước cửa. Hai vợ chồng khuyên can tôi:
– Phùng lão gia, cái gã Mông Cổ đó không tin được đâu! Lão gia chớ giao thiệp với hạng người thờ ma cúng quỷ như vậy, nó có tà thuật thu hồn bắt vía để sai khiến người khác đó.
Bất chấp lời khuyến cáo của vợ chồng lão Trương, chiều hôm sau tôi gọi xe kéo đi Bắc thành. Cách đây khoảng trăm năm, Bắc thành là một phủ lớn của một thân vương người Mãn Thanh, nhưng vì dính dấp đến việc phản loạn chi đó đã bị vua Khang Hy bắt giết. Từ đó phủ này được sửa thành một ngôi Chùa dành cho các tu sĩ phương bắc như các Lạt ma Tây Tạng hay Pháp sư Mông Cổ trú ngụ. Vì là một vương phủ nên nó có tường rào bao bọc chung quanh, có vọng lâu canh gác, bên trong có nhiều nhà cửa, đường sá rất quanh co. Một đứa nhỏ khoảng mười hai, mười ba tuổi đã chờ sẵn tôi ở cổng. Nó dẫn tôi đi loanh quanh qua nhiều hành lang tối tăm mới đến căn phòng của gã Mông Cổ kia.
Đó là một căn phòng bày trí trơ trụi, chẳng có đồ đạc gì trừ một bàn thờ nhỏ kê sát vách trên để một bức tranh vẽ những phù hiệu loằng ngoằng chi đó. Gã Mông Cổ ngồi xếp bằng dưới đất trước một bình trà nóng. Hắn im lặng ra hiệu mời tôi dùng trà. Đó là loại trà Mông Cổ pha với sữa dê và trộn muối nên rất khó uống. Căn phòng rất tối, chỉ có một ngòn đèn dầu nhỏ đặt trên bàn thờ.
Tôi vừa nhấp vài ngụm trà thì một người trung niên bước vào, mang theo chiếc trống khá lớn. Đứa nhỏ hướng dẫn cũng lấy ra một chiếc cồng bằng đồng và cả hai bắt đầu trỗi nhạc. Gã Mông Cổ khởi sự niệm chú, giọng gã trầm hẳn xuống khác hẳn khi trước. Tiếng đọc chú của gã hòa lẫn với tiếng cồng, nhịp nhàng theo điệu hướng dẫn của chiếc trống một lúc khá lâu. Bất chợt âm thanh trở nên dồn dập hơn. Gã Mông Cổ ngưng đọc chú, khuôn mặt của y bỗng trở nên nhăn nhúm, vai y gù hẳn xuống, người y rung lên như bị động kinh. Mặc dù ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu không chiếu rõ nét mặt y nhưng không hiểu sao tôi bỗng có cảm tưởng rằng người đang ngồi trước mặt không còn là gã Mông Cổ nữa mà là một người khác. Tự nhiên tôi nổi gai ốc khắp mình và bắt đầu thấy sợ. Khi xưa, tôi đã chứng kiến việc lên đồng, nhập cốt của các thầy Pháp Trung Hoa. Những người này thường ăn mặc diêm dúa, tô son dồi phấn, nhún nhảy ca hát theo điệu nhạc. Họ lẩm nhẩm những lời tiên tri, sấm ký hoặc ban phát kẹo bánh cho dân chúng trong làng. Dù đó là trò bịp bợm hay có thật, dù người ta tin hay không nhưng chắc chắn không ai sợ hãi cả. Hiện nay trước mặt tôi là một hiện tượng khác hẳn, một sự thay hình đổi dạng diễn ra một cách lạ lùng. Không hiểu sao tôi từ từ thối lui cho đến khi lưng đụng vào vách tường, chân tay tê cứng, cổ họng tôi như muốn nghẹn lại. Tôi thầm nghĩ nếu là trò bịp thì gã Mông Cổ đã đóng kịch thật tài, nhưng hắn không thể đóng kịch được vì trước mắt tôi hiện nay không phải là một thân thể lực lưỡng to lớn nữa mà phảng phất một thể xác gầy gò, lờ mờ màu trắng đục. Mặc dù phòng kín không có gió, nhưng tôi vẫn cảm thấy trong không khí có một cái gì kỳ lạ, một sức mạnh hay một năng lực gì hiện diện thì phải.
Bất thình lình bình trà đang nằm trên đất bỗng bị một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút lên không trung, lửng lơ một lúc rồi rơi xuống đất, lăn vào góc nhà như bị ai đánh trúng. Ngọn đèn trên bàn thờ cứ chập chờn như muốn tắt nhưng giữa phòng lại có một thứ ánh sáng kỳ dị nào đó phát ra từ thân hình của gã Mông Cổ. Tôi cố gắng tự chủ nhưng chân tay cứ run lên vì sợ, tôi muốn đứng dậy chạy ra khỏi phòng nhưng không sao nhúc nhích được. Đột nhiên một âm thanh kỳ lạ không biết từ đâu bỗng vang lên:
– Yau Wen Shen Mo?
Đứa nhỏ quay quatôi thông dịch:
– Tiên sinh có điều gì muốn hỏi ngài không? Câu hỏi bất ngờ khiến tôi giật mình, luống cuống không biết phải trả lời như thế nào. Miệng tôi há ra nhưng không sao thốt nên lời, mắt tôi như bị thôi miên bởi hình ảnh kỳ lạ chập chờn trước mặt. Quả thế, đó là một người khác chứ không phải gã Pháp sư Mông Cổ mà tôi đã gặp. Khuôn mặt người này già nua, đầy vết nhăn, cặp mắt sáng quắc, chắc chắn phải trên trăm tuổi là ít. Đầu óc tôi hoang mang không thể tập trung mặc dù tôi cố tự thuyết phục rằng đây chỉ là một ảo ảnh mà thôi. Liệu gã Mông Cổ có thể biến thành người khác như truyện Dr. Jekyll and Mr. Hyde
[4] không? Đứa nhỏ tiếp tục yêu cầu tôi đặt câu hỏi, nhưng tôi không biết phải nói gì và tôi cũng không hề có ý định sẽ đặt câu hỏi. Gã trung niên cũng liếc mắt nhìn tôi chờ đợi. Thời gian như ngừng lại rất lâu cho đến khi tôi thu hết sức lực để lắc đầu. Gã trung niên hiểu ý tôi, nhấc chiếc trống lên gõ nhẹ bằng một nhịp chậm. Đứa nhỏ cũng bắt đầu gõ cồng theo. Không hiểu sao trước mắt tôi bóng người già nua kia cũng từ từ mờ nhạt đi nhưng tôi không sao quên được cặp mắt sáng quắc vẫn liếc nhìn dường như thắc mắc về thái độ của tôi.
Sau một tiếng cồng chát chúa, gã Mông Cổ chợt vươn người ngồi thẳng lên, thân hình hắn vẫn còn rung động như chưatỉnh sau một giấc ngủ dài.
– Phùng tiên sinh, ngài có hài lòng về câu trả lời không?
Tôi thu hết can đảm thú nhận rằng tôi không hề đặt một câu hỏi nào hết. Gã Mông Cổ nhìn tôi như tức giận.
Có thể hắn nghĩ đã mất công trổ tài mà không được hưởng ứng chăng? Tuy nhiên hắn không nói gì mà chỉ giơ tay ra hiệu cho đứa nhỏ nhặt bình trà dưới đất lên để pha một bình trà khác. Chúng tôi ngồi im không ai nói gì cho đến khi đứa
nhỏ mang bình trà đến.
– Xin mời Phùng tiên sinh dùng trà.
Sau khi uống đến chén tràthứ hai tôi mới có can đảm lên tiếng:
– Này anh bạn, phải chăng một cái gì đó đã nhập vào anh?
Gã Mông Cổ xác nhận:
– Đúng thế. Tôi đã để cho “ngài” sử dụng thể xác của tôi.
– Anh dùng chữ “ngài” như một đấng nào đó. Phải chăng đó là một người nhất định hay bất cứ ai cũng có thể nhập vào anh?
– Không đâu. Một người hiểu biết về cõi siêu hình không bao giờ để cho bất cứ một vong linh nào mượn thể xác được. Đó là điều cấm kỵ và nguy hiểm vô cùng.
– Vậy “ngài” làai?
– Đó là một vị Lạt ma sống tại Thanh Hải (Kokonor) nhưng ngài không bao giờ
tiết lộ danh tánh. Tôi tạm gọi ngài là Lạt ma Aiee (chữ Mông Cổ, aiee có nghĩa là vô danh).
Ngài đã mượn thể xác của tôi để trình bày một số sự kiện hay trả lời một điều gì đó. Khi cho ngài mượn thể xác, tôi ở trong trạng thái hôn mê, không biết gì cả.
Tôi không biết ngài nói gì và cũng không muốn biết nữa vì đó không phải là việc của tôi. Tuy nhiên tôi nghe kể rằng ngài không bao giờ nói gì về ngài mà chỉ trả lời những thắc mắc của người khác mà thôi. Tiếc rằng tiên sinh đã không chuẩn bị trước những câu hỏi nhưng không sao, nếu muốn, xin mời tiên sinh trở lại đây vào đêm mai. Tôi nghĩ Lạt ma Aiee có thể giúp tiên sinh giải quyết được nhiều thắc mắc.
Tuy biết đó là một cơ hội hiếm có để tìm hiểu về Thế Giới siêu hình nhưng không hiểu sao chuyện vừa xảy ra làm tôi ngần ngại. Tôi thấy mình chưa sẵn sàng để gặp một thực thể vô hình như vậy. Từ trước đến nay tôi vẫn mong ước có cơ hội tìm hiểu thêm về các bộ môn huyền thuật, nhưng lần này tôi cảm thấy có gì không được ổn.
– Tại sao ông lại làm “trung gian” như vậy?
– Đó là một ân huệ lớn, đâu phải ai cũng được ngài lựa chọn. Tôi là một Pháp sư huyền thuật. Công việc của tôi đòi hỏi một kiến thức về Thế Giới siêu hình và người ta không thể tìm hiểu Thế Giới này nếu không có người hướng dẫn. Lạt ma Aiee đã giúp đỡ tôi nên khi cần, tôi để ngài sử dụng thể xác.
– Xin ông nói rõ hơn về việc các sinh linh cõi vô hình xác nhận rằng ngôi Chùa
trong linh ảnh sẽ hoàn tất.
– Đúng thế. Tôi đã hỏi các sinh linh cõi vô hình về việc này và họ xác nhận rằng ngôi Chùa đó sẽ được xây cất như tôi đã thấy trong linh ảnh.
– Nhưng… nhưng biết đâu các sinh linh đó cũng lầm thì sao? Gã Mông Cổ bật cười:
– Không đâu. Người ta có thể lầm nhưng các sinh linh mà tôi quen biết thì không mấy khi lầm lẫn đâu.
– Tại sao ông lại cả quyết như vậy?
– Tại vì con người có lòng tham, có dục vọng, có lòng mong cầu ao ước. Các động lực này thường thúc đẩy người ta vào con đường lầm lạc. Dù một việc tốt như xây Chùa, đúc tượng, thỉnh kinh nhưng nếu làm với một tư tưởng không trong sạch, một tâm trạng mong cầu cái gì đó thì cũng mất đi rất nhiều ý nghĩa rồi.
Trong khi đó các sinh linh cõi vô hình mà tôi giao tiếp không thuộc Thế Giới này.
Họ không tham hay có lòng mong cầu như chúng ta nên có thể biết trước được nhiều điều. Vì không bị chi phối bởi dục vọng nên họ thấy mọi việc một cách chính xác hơn.
– Tại sao như vậy?
– Điều này cũng giản dị thôi. Khi làm bất cứ điều gì, người ta thường có một động năng hay nguyên nhân nào đó thúc đẩy. Dù nguyên nhân này đúng hay sai, tốt hay không tốt thì nó cũng tạo ra một thành kiến bao trùm lên mọi sự, khiến người trong cuộc ít khi nào sáng suốt. Một kẻ buôn bán lúc nào cũng chỉ nghĩ về vấn đề lời lỗ, chi thu. Một học giả lúc nào cũng chỉ tìm cách thu thập kiến thức và lý luận sao cho hợp lý. Do đó họ thường bị chính cái thành kiến kia chi phối nên khó có thể nhìn sự kiện một cách toàn diện và chính xác. Trong khi đó một người đứng ngoài, không bị thành kiến chi phối, có thể nhìn thấy sự việc một cách vô tư hoàn toàn hơn. Cũng như thế, trong vũ trụ có những xếp đặt huyền bí, những định luật thiên nhiên mà những người còn đắm nhiễm bởi dục vọng hay tham sân si không thể biết được. Vì thế tầm mắt của họ rất giới hạn, ví như người sống trong thung lũng, bốn bề là núi cao thì chỉ có thể nhìn thấy những gì đã xảy ra trong phạm vi của thung lũng đó mà thôi. Nhưng nếu họ leo lên được đỉnh núi thì không những họ có thể quan sát mọi việc trong thung lũng một cách rõ rệt, chính xác mà còn mở rộng tầm mắt ra khắp nơi nữa. Huyền thuật chính là môn học giúp người ta phóng rộng tầm mắt để hiểu biết các định luật bất biến của vũ trụ.
– Phải chăng huyền thuật là một tôn giáo?
– Không đâu. Huyền thuật là một khoa học, một sự tổng hợp kiến thức của nhiều người trong khi tôn giáo là một kinh nghiệm, một sự tin tưởng, một lối sống. Tôi là một Pháp sư huyền thuật, người nghiên cứu và có kiến thức về các định luật huyền bí nhưng đồng thời tôi cũng là một tín đồ Phật Giáo.
– Như vậy có sự mâu thuẫn gì không?
– Tại sao mâu thuẫn? Mục đích của Phật Giáo là phát triển trí tuệ để giải thoát trong khi mục tiêu của huyền thuật là phát triển kiến thức để có thể giải thích những định luật trong thiên nhiên. Bằng cách phối hợp huyền thuật với tôn giáo, người ta có thể giải thích được nhiều điều một cách hợp lý.
Chúng tôi đàm đạo thêm một lúc trước khi từ giã. Tôi đưa cho hắn một số tiền để cúng vào chương trình xây cất trên Ngũ Đài Sơn. Gã Mông Cổ cẩn thận mang cuốn sổ bìa gấm ra ghi chép và làm biên nhận nhưng tôi gạt đi và nói điều này không cần thiết. Gã Mông Cổ lắc đầu:
– Đây là một thủ tục cần thiết để chứng tỏ việc làm đứng đắn của tôi. Ngoài ra
chúng ta còn gặp nhau nữa kia mà.
Tôi không tin sẽ gặp lại người Mông Cổ này vì biết hắn còn bận rộn đi quyên góp khắp nơi, nhưng không ngờ chỉ vài năm sau, tôi lại gặp hắn trên Ngũ Đài
Sơn.
Lúc tôi trở về nhà thì đã quá nửa đêm, hai vợ chồng lão Trương đã chờ sẵn với một nồi cháo gừng nấu thật nóng để “trục tà”.
Tôi tiếp tục sống tại Bắc Kinh thêm một thời gian nữa, đời sống thoải mái dễ chịu vì số lương cao hơn xưa khá nhiều. Ngoài việc dạy học tôi có nhiều thì giờ để nghiên cứu, học hỏi thêm về văn hóa Trung Hoa. Tôi làm thơ và in hẳn mấy tập thơ Đường luật ký bút hiệu Trúc Phong cho các bạn hữu. Ngoài ra tôi còn vẽ tranh thủy mặc, viết bút thiếp theo thủ bút của các họa sư nổi danh. Thỉnh thoảng tôi cũng đi Chùa và có dịp tiếp xúc với các tăng sĩ tại đây. Tôi thường đàm đạo với Hòa thượng Đại Lương, vị trụ trì ngôi Chùa gần Đại học Bắc Kinh.
Hôm đó, trong lúc vui miệng tôi kể cho ngài nghe về gã Pháp sư Mông Cổ, Hòa thượng Đại Lương gật đầu:
– Hiển nhiên người Mông Cổ đó có quyền năng về huyền thuật nhưng tôi nghĩ vị Lạt ma sống tại Thanh Hải kia chỉ là một sản phẩm xuất phát từ tâm thức của hắn mà thôi.
– Tại sao như thế được? Tôi nhìn thấy rõ hắn biến hình đổi dạng thành người khác kia mà. Hắn nói rằng Lạt ma Aiee có thể trả lời những câu hỏi, tiên đoán
được nhiều điều người khác muốn biết.
– Đúng thế. Trên nguyên tắc thì ai cũng nghĩ rằng đã có một “thực thể vô hình” nào đó nhập vào y và trả lời những câu hỏi. Tuy nhiên nếu tiên sinh biết
rằng khi bước vào trạng thái xuất thần hay hôn mê đặc biệt nào đó, người ta có thể thu nhận được những tư tưởng thầm kín phát xuất từ tiềm thức của những người chung quanh. Nói một cách khác, khi hôn mê, gã Mông Cổ đó có thể đọc được tư tưởng người khác, biết được các ước mong thầm kín của họ, nhờ thế hắn có thể vẽ vời ra những chuyện tiên tri sấm ký mà người khác cho rằng rất đúng, rất chính xác. Tiềm ẩn trong tâm thức mỗi người là một Thế Giới nội tâm hết sức phức tạp với những mong ước thầm kín, những dục vọng, mong cầu hay những tư tưởng tế nhị mà đôi khi chính người đó cũng không hề hay biết. Nếu một người nào đó có thể vạch rõ những điều này thì hiển nhiên họ có thể thuyết phục người khác rồi. Tiên sinh có biết rằng những thầy bói, nhất là những người khiếm thị, thường có một trực giác khá bén nhạy về tâm lý kẻ khác? Mặc dù họ xưng là đã nghiên cứu sách vở này nọ nhưng thật ra họ chẳng biết gì về tương lai hay quá khứ, mà chỉ biết cách khêu gợi nguyện vọng thầm kín của thân chủ, nói cho thân chủ biết những điều thân chủ muốn nghe.
– Nhưng… việc thay hình đổi dạng đâu thể ngụy tạo được?
– Trong căn phòng tranh tối tranh sáng đó thì ai “nhìn gà” mà chẳng “hóa cuốc”, hơn nữa tiên sinh đang sợ hãi và khi hoảng hốt thì bất cứ điều gì cũng có thể khêu gợi trí tưởng tượng rất nhiều.
– Nhưng tôi thấy rõ hình ảnh một ông già có khuôn mặt nhăn nheo và cặp mắt rất sáng kia mà?
– Thôi được, nếu tiên sinh quả quyết thì cứ tạm cho là có một Lạt ma nào đó nhập vào gã Mông Cổ kia đi, nhưng có bao giờ tiên sinh tự hỏi nhập vào người khác để làm gì không? Nếu có một người có thần thông thì hiển nhiên họ không thể nhập vào người khác mỗi khi được người này gọi đến vì dễ gì một kẻ tầm thường lại có thể quấy rầy một kẻ có thần thông như vậy được! Làm gì có việc thường dân có thể triệu quan lớn đến mỗi khi cần!
– Nhưng… nhưng đó là bí mật của huyền thuật.
– Ha ha ha… Huyền thuật đâu phải trò chơi trẻ nít. Làm gì có việc một người khổ luyện thần thông rồi bị kẻ khác triệu đến bắt trả lời những câu hỏi ấm ớ, vu vơ? Bất cứ sự kiện gì cũng có cái lý của nó và lời giải thích này xét ra vô lý. Điều tiên sinh cần hỏi là việc nhập xác đó có mục đích gì? Nếu không tìm được câu trả lời chính xác và đúng đắn thì đó chỉ là một vọng tưởng mà thôi.
– Nhưng… tại sao ngài không nghĩ người ta làm thế để thuyết phục những kẻ còn bán tín bán nghi, những kẻ không tin cõi vô hình biết rằng cõi này thực sự
hiện hữu?
– Cái điều mơ hồ huyền hoặc đó chẳng thuyết phục được ai và chỉ tốn công vô
ích mà thôi. Thuyết phục để làm gì cơ chứ? Tại sao lại phải thuyết phục?
– Như vậy theo ngài thì cõi vô hình không có thật?
– Thật hay không thì điều này có nghĩa lý gì? Nếu một người không tin vào cõi vô hình thì có cố gắng giải thích thế nào họ cũng chẳng tin. Trái lại thì khi đã tin thì người khác có nói thế nào cũng chẳng thể thay đổi được sự tin tưởng của họ.
Nếu ta nói rằng Thế Giới chúng ta đang sống hiện nay chỉ là một phần của Thế Giới lớn hơn, rộng rãi hơn, trong đó có nhiều sinh vật khác nhau cư ngụ, dĩ nhiên có những sinh vật mà mắt chúng ta không thể thấy được thì tiên sinh có tin không?
Hiển nhiên đã có những giai thoại về thần thánh ma quỷ cũng như các sự mầu nhiệm nhưng đã bao giờ tiên sinh nghe thấy ai nói rằng họ đã trực tiếp gặp ma
quỷ, bị ma quỷ làm hại hay họ chỉ nghe người khác nói lại mà thôi? Dù Thế Giới vô hình hiện hữu, dù các sinh vật cõi vô hình có quyền năng độc đáo gì chăng nữa thì điều đó ăn nhằm gì đến đời sống hiện tại của chúng ta? Phải chăng những kẻ tin tưởng ở cõi vô hình chỉ là những người nhẹ dạ mê tín hay tò mò mà thôi? Phải
chăng họ đã mệt mỏi với đời sống hiện tại, thất vọng về Thế Giới này, cố gắng đi tìm một cái gì khác, một ảo vọng nào đó ở một cõi giới được xếp đặt theo trí tưởng tượng và lòng mong cầu của họ? Hãy lấy thí dụ như một kẻ buôn bán kia thường mang lễ vật đến cúng ở một ngôi Chùa nào đó. Nếu y buôn may bán đắt kiếm thật nhiều lợi nhuận thì y cho rằng ngôi Chùa đó thiêng, Phật Chùa đó đã chứng giám và giúp đỡ y. Những người ấy lúc đó rất tin tưởng vào chư Phật, chư Bồ Tát vì đối với họ, Phật và Bồ Tát chỉ là những động lực hỗ trợ cho lòng tham của họ mà thôi. Tuy nhiên nếu chẳng may y thất bại, buôn bán thua lỗ thì y sẽ đổi thái độ ngay. Y sẽ cho rằng Phật Chùa đó không còn thiêng nữa, Chùa đó không còn tốt nữa và hiển nhiên y sẽ hết lời phỉ báng những gì mà trước đó y đã tin tưởng. Tội nghiệp thay, Phật và Chùa đã trở thành những đối tượng biện minh cho lòng tham lam của con người. Những kẻ thiếu hiểu biết đó không biết rằng họ đang lặn ngụp trong bể tham, đang đọa lạc vì các hành động si mê, sân hận và sẽ bị lôi cuốn mãi trong vòng luân hồi, tái sinh thành loài súc sinh, ngạ quỷ để trả quả về các hành động đã gây ra.
– Tóm lại, theo ngài thì các cõi giới đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người?
– Không hẳn thế. Ta chỉ nói rằng cõi giới đó hiện hữu hay không tùy theo sự hiểu biết và tin tưởng của mỗi người. Đa số thường có các vọng tưởng về các Thế Giới khác vì họ không thoải mái với Thế Giới hiện tại mà họ đang sống.
– Như vậy các đạo sĩ luyện phép trường sinh bất tử, phủ nhận các Thế Giới khác mà chỉ tìm thú tiêu dao ở ngay hiện tại thì đúng hay sao? Họ tìm vào rừng hoang núi thẳm, gảy đàn, đánh cờ, ung dung với bầu rượu, túi thơ. Ngày cưỡi hạc vàng, đêm ngủ trên lưng kỳ lân như các truyền thuyết vẫn kể?
– Ha ha ha… Đó cũng chỉ là những vọng tưởng mà thôi. Người ta đã đem những ước mong thầm kín, những dục vọng dựng lên thành huyền thoại rồi gán ghép vào tư tưởng của Lão Tử hay Trang Tử.
Hãy cho rằng có những ông tiên đã thành công trong thuật trường sinh bất tử, sống từ thời hồng hoang đến nay, không ăn uống, làm lụng mà chỉ hưởng thụ sung sướng. Phùng tiên sinh hãy ngẫm lại đi, suốt ngày đánh cờ gảy đàn mãi cũng chán chứ! Đâu ai có thể đánh cờ cả ngàn năm được! Uống rượu hay làm thơ cũng
thế, phải có hứng hay có cảm xúc chứ đâu phải tự nhiên mà sáng tác được những vần thơ tuyệt tác! Hiển nhiên khi thiếu hứng thú hay cảm xúc thì họ sẽ đâm ra khó chịu, bực bội. Người ta đâu thể sống như cây cỏ hay gỗ đá được! Không lẽ ngày nào cũng uống mãi một thứ rượu? Không lẽ cứ ngồi trên lưng hạc bay hết núi này qua núi nọ? Một trăm năm là nhiều, vài trăm năm đã là quá dài, nhưng cả ngàn năm và kéo dài vô tận? Ha ha ha… đến khi đó họ sẽ thấy rằng kéo dài một đời sống vô vị như vậy quả là điều chịu không nổi. Cái đời sống mà ai ai cũng ao ước, cái đời sống ung dung nhàn tản, các trò tiêu khiển như uống rượu gảy đàn chỉ có thể kéo dài một lúc nào đó thôi chứ không thể mãi mãi thiên thu được. Đến khi đó họ sẽ thấy rằng thà trôi nổi trong luân hồi, thà cực khổ từ kiếp này qua kiếp nọ để học hỏi, để vươn lên, để hiểu biết, để phát triển trí tuệ, để nhìn thấy sự thật mới là mục đích của đời người chứ không phải chỉ kéo dài sự hưởng thụ một cách nhàm chán ê chề như các đạo sĩ tu đạo luyện đơn đề cập.
Vì biết Hòa thượng Đại Lương chuyên tu tịnh độ nên tôi xoay ra hỏi ngài về Pháp môn này:
– Có người hỏi Thiền khác với Tịnh vì một bên chú trọng vào tự lực và một bên chú trọng vào tha lực. Nhưng có vị lại nói rằng Thiền và Tịnh vốn chẳng khác nhau. Theo riêng ý ngài thì sao?
– Đức Phật ra đời mục đích chỉ cho chúng sinh thấy con đường thoát khổ. Tất cảtám vạn bốn ngàn Pháp môn của ngài đều nhắm vào mục đích duy nhất đó thôi nên dù theo Pháp môn nào thì cũng vẫn có thể quy vào một mối làcon đường giải thoát. Hiển nhiên tùy khả năng của chúng sinh mà mỗi người thích hợp với một Pháp môn nào đó, nhưng vào thời Mạt Pháp có nhiều chướng ngại, Pháp môn thích hợp nhất là Tịnh Độ.
– Tại sao thời Mạt Pháp lại có nhiều chướng ngại?
– Vào thời Chánh Pháp, khi Đức Phật còn tại thế đi thuyết Pháp độ sinh thì gần như ngàn người tu cả ngàn người đều ngộ. Vào thời Tượng Pháp, sau khi Đức Phật đã nhập diệt nhưng vẫn còn các đại đệ tử của ngài đích thân chỉ dạy thì
ngàn người tu cũng có đến trăm người ngộ. Đến thời kỳ Mạt Pháp các bậc thiện tri thức không còn bao nhiêu mà chúng sinh thì hung hăng khó dạy, nhiều tham lam sân hận; lại thêm tà đạo phát triển, phá hoại Giáo Pháp chân chính khiến tinh hoa Phật Pháp bị thất truyền hoặc bị hiểu sai lạc; đời người thì ngắn mà phiền não thì nhiều, chúng sinh bị lôi cuốn theo dục vọng, hành động theo sự chi phối của tham, sân, si nên tu hành khó có kết quả được. Do đó vào thời Mạt Pháp, ngàn kẻ tu chỉ vài người ngộ. Biết chúng sinh trong thời này thường u mê, thiếu sáng suốt nên Đức Phật đã truyền dạy Pháp môn Tịnh Độ, chỉ cách niệm Phật để cầu vãng sinh.
– Trên nguyên tắc thì như vậy nhưng tại sao tôi thấy nhiều người tu Tịnh Độ, lễ bái rất chuyên cần mà không đạt kết quả bao nhiêu. Nhiều người đi Chùa lễ Phật năm này qua năm khác màchứng nào vẫn tật nấy…
– Có lẽ vì họ không nắm vững được quy tắc căn bản của Tịnh Độ chí tâm, chí thành mà chỉ thực hành như một thói quen máy móc nên không được kết quả bao nhiêu.
– Xin ngài giải thích thêm về quy tắc căn bản này.
– Trước hết tiên sinh nên biết Tịnh Độ không những chú trọng đến tha lực mà còn đòi hỏi cảcông phu về nghị lực nữa. Quy tắc căn bản của Tịnh Độ là phải biết nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp cho thật thanh tịnh để lúc niệm Phật được nhất tâm, đó là phần tự lực. Khi nào hành lễ mà thấy tự tâm tha thiết mạnh mẽ, không hề có vọng tưởng thì có thể cảm thông được với chân tâm của chư Phật trong háp giới. Thật ra chư Phật và chúng sinh vốn nào có khác, đều cùng một bản thể nhưng vì chúng sinh chưa ý thức điều này, còn bị vô minh che phủ nên mới có sự phân biệt, xa cách. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã gây bao tội ác, dù công phu tu tập đến đâu cũng khó trong một đời mà giải trừ được hết nghiệp chướng nên phải nương nhờ oai lực lời kinh, cầu niệm Phật để tiêu trừ bớt nghiệp, giúp cho tín căn, tín lực giatăng mà được vãng sinh, đó là phần tha lực.
– Việc nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp để được nhất tâm là như thế nào?
– Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi hành lễ phải biết giữ sao cho mắt đừng nhìn ngang nhìn ngửa vì ngoại cảnh lọt vào mắt dễ làm cho tâm sinh loạn tưởng. Phải làm chủ con mắt, chỉ chăm chú nhìn lên tượng Phật hoặc giữ hình ảnh của Đức Phật trong tâm mà thôi. Nhiều người tuy miệng niệm Phật mà mắt vẫn nhìn quanh rồi tâm sinh vọng động, nghĩ ngợi lo lắng đủ thứ thì làm sao có thể nhất tâm bất loạn! Khi hành lễ phải biết chú tâm vào những câu kinh, tai phải nghe thật rõ từng câu, từng chữ, từng danh hiệu Phật. Niệm đến đâu phải biết đến đó, niệm một câu biết một câu, niệm mười câu biết mười câu chứ không lẫn lộn hoặc lầm lạc. Phải biết chuyên chú niệm Phật, đừng để cho tai nghe những tiếng động khác chung quanh mà làm cho tâm ý vọng động. Cũng tương tự như thế, phải hoàn toàn làm chủ các căn thức khác như mũi, lưỡi, thân, ý; không để cho chúng lọt ra ngoài sự kiểm soát của tâm. Khi cả sáu căn thức được thâu nhiếp lại, đặt dưới sự kiểm soát của tâm, không còn loạn tưởng, không còn vọng động thì đó chính là Chánh Niệm rồi. Chánh Niệm khi tu Tịnh Độ có khác gì An Tâm lúc tu Thiền đâu!
Ba nghiệp là Thân, Khẩu và Ý. Phải biết khắc phục Thân nghiệp, khi hành lễ phải giữ thân thể ngay ngắn, ngồi thẳng lưng, đứng lên ngồi xuống phải vững chắc đừng xiêu vẹo. Khi lạy xuống phải giữ cho đầu, hai tay, hai chân sát xuống đất (ngũ thể đầu địa) thật cung kính. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi công phu thực tập chuyên cần không khác công phu Thiền tọa của Thiền Tông bao nhiêu. Phải biết khắc phục Khẩu nghiệp bằng cách sử dụng miệng lưỡi để tán thán công đức Tam Bảo, đọc tụng kinh chú một cách thành kính, nghiêm trang, không ngừng nghỉ.
Phải tập thói quen chỉ dùng miệng lưỡi để nói những điều lành, lợi lạc cho muôn loài chúng sinh mà thôi. Trong lúc hành lễ, không được nói chuyện gì khác mà chỉ chuyên tâm niệm Phật. Phải biết khắc phục Ý nghiệp, phải tập trung tư tưởng, chí tâm chí thành, không vọng tưởng hay xin xỏ điều gì mà chỉ tha thiết mong vãng sinh về Cực Lạc. Thí chủ nên nhớ, các chướng nghiệp từ trước vẫn tích lũy trong tâm, khi lễ Phật, tâm yên tĩnh nó sẽ phát động, nảy sinh biết bao ý tưởng triền miên, hết điều này đến điều khác, ngăn trở công phu luyện tập. Trong ba nghiệp thì Ý nghiệp mạnh nhất, ít ai có thể kiểm soát được nên người hành lễ phải trông nhờ vào tha lực củachư Phật hộ trì cho. Thay vì để cho tâm điên đảo, vọng tưởng, nghĩ ngợi lung tung, người hành lễ phải chí tâm chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Oai lực của sáu chữ hồng danh rất lớn, bất khả tư nghị, nếu người tu nhất tâm trì tụng có thể khắc phục được Ý nghiệp. Khi ba nghiệp thanh tịnh, sáu căn thâu nhiếp được nhất tâm thì trí tuệ sẽ sáng suốt và chắc chắn được vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Tóm lại, Tịnh Độ bao gồm cả tự lực lẫn tha lực, tuy giản dị nhưng công năng vô cùng huyền diệu. Những người chưa hiểu thấu đáo, thấy giản dị mà coi thường thì bỏ qua một cơ hội hiếm có. Những người không nắm vững quy tắc căn bản của Tịnh Độ, không ý thức việc nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp thì dù có đọc tụng thiên kinh vạn quyển cũng chẳng ích lợi bao nhiêu. Nhiều người cho rằng tu Tịnh Độ chỉ trông nhờ vào tha lực tiếp dẫn mà thôi cũng là thiếu sót.
Thiếu tự lực thì không thể được nhất tâm, không nhất tâm thì làm sao thông cảm được với chân tâm của chư Phật. Một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ này nọ cũng là lạc với đường lối và tôn chỉ của Tịnh Độ. Khi thiếu tâm thành mà chỉ mong cầu này nọ là tham lam, mà đã tham lam thì làm sao có kết quả được! Người tu Tịnh Độ không cầu xin gì ngoài việc vãng sinh về cõi Tây Phương, tiên sinh phải nhớ rõ điều này.
– Nhưng có người cho rằng tu hành chỉ cầu tránh khỏi ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) là được rồi.
– Nói như thế là không có lòng tin, không hiểu Tịnh Độ. Hiển nhiên thời gian đọa sinh trong ba đường ác kéo dài rất lâu, chẳng ai muốn đến, nhưng dù sinh làm thân trời hay người thì đời sống cũng chỉ ngắn ngủi như thoáng giây, trôi nổi hết kiếp này qua kiếp khác, không quyết tâm cầu thoát sinh tử thì bao giờ giải thoát được!
Hòa thượng Đại Lương nhìn tôi một lúc rồi tiếp tục:
– Tiên sinh nghiên cứu nhiều Pháp môn như Thiền, Tịnh, Mật thì cứ xem con đường nào thích hợp mà theo, hoặc có thể áp dụng cả ba lối nhưng nếu thế cần lấy Tịnh làm chủ. Cả hai Pháp môn Thiền và Mật đều cần phải có thầy dìu dắt, hướng dẫn; nếu không có duyên gặp bậc thiện tri thức thì khó hiểu thấu đáo và tròn đạo quả. Trong khi đó, một người bình thường, không nghiên cứu kinh luận sâu xa, chỉ một lòng làm lành lánh dữ, một lòng niệm Phật cầu về Tây Phương, nhờ chí tâm chí thành mà có thể giao cảm được với sự nhiệm mầu nên được giải thoát. Xét như thế thì thấy Pháp môn này mầu nhiệm và hiệu nghiệm biết bao!
Là người nghiên cứu nhiều, tiên sinh cần tránh việc suy luận viển vông, mải mê phân biệt mà thiếu lòng thành tất khó có thể đạt được kết quả, đó là chưa kể việc dễ lầm đường lạc lối vào mê lộ của tà ma quỷ mị.
Ngoài ra không hẳn khi hành lễ mới giữ sáu căn, ba nghiệp cho thanh tịnh mà
tiên sinh cần phải luôn luôn ý thức và làm chủ nó trong mọi hoàn cảnh nữa. Phải làm sao để cử chỉ, lời nói đều trang nghiêm, thanh tịnh, giữ tâm sáng suốt để quán tưởng về cõi Tây Phương. Được thế thì có khác gì trạng thái ung dung tự tại của người tu Thiền đâu? Nói một cách khác, trong Tịnh bao gồm cả Thiền lẫn Mật, bao gồm cả tự lực lẫn tha lực, vừa ý thức về hành vi cử chỉ của mình, vừa tha thiết niệm hồng danh Phật để cầu vãng sinh. Đó chính là điểm then chốt mà tiên sinh cần phải để ý cho kỹ. Tiên sinh nên biết Pháp môn này do chính Đức Phật nói ra, chư Phật mười phương đều tán thán, các Bồ Tát đều thành kính tu trì. Đức Di Lạc chỉ còn một kiếp nữa sẽ thành Phật mà còn ngày đêm sáu thời hành lễ thì đủ hiểu tầm quan trọng vàcông năng của Pháp môn này như thế nào rồi.
Hòa thượng nhìn tôi mỉm cười:
– Hiển nhiên đó là quy tắc thực hành căn bản, không biết tiên sinh có làm đúng như vậy không?
Tự nhiên tôi đâm ra áy náy vì thời gian gần đây đã không tu tập chuyên cần cho lắm. Tôi ngập ngừng thú nhận:
– Từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ mình là một Phật tử chân chính. Một người Phương Tây như tôi mà quy y Tam Bảo không phải việc thường. Tôi cố gắng nghiêm trì giới luật, học hỏi với các bậc thiện tri thức… nhưng gần đây tôi thấy mình không được như xưa…
Hòa thượng Đại Lương nhấc bình trà châm thêm vào chén cho tôi rồi thong thả hỏi:
– Tiên sinh thấy thế nào? Tôi thú nhận:
– Khi xưa tôi tọa Thiền đều đặn, chăm chỉ lễ Phật mỗi ngày và dành nhiều thì giờ đọc sách vì tôi biết nếu không mài giũa thân và tâm thì người ta không thể đạt đến kết quả mong muốn. Khi sống tại Quảng Đông, tôi có nhiều bạn hữu hướng dẫn, khuyến khích, giúp đỡ trên phương diện tinh thần nên đời sống rất thoải mái… Khi dọn lên Bắc Kinh, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhưng tôi thấy mình cũng xao lãng nhiều hơn trong việc tu học. Tôi dành nhiều thời giờ làm thơ, vẽ tranh, theo bạn bè giải trí nhiều hơn tọaThiền…
Hòa thượng Đại Lương mỉm cười lắc đầu:
– Đối với một người còn trẻ như tiên sinh thì việc xao lãng đó cũng thường thôi.
– Nhưng tôi thấy mình nhiều tội lỗi…
– Tại sao như thế?
– Đáng lẽ ra tôi phải biết kiềm chế mình hơn, dù sao tôi cũng là người hiểu biết…
Hòa thượng Đại Lương cắt ngang:
– Khoan đã, tiên sinh đừng quá tự hào về mình. Tiên sinh thu thập được ít kiến thức nhờ du lịch, đọc sách vở, thân cận với những thiện tri thức rồi nghĩ rằng mình có kiến thức rộng, đã trở nên một người hiểu biết hay có giá trị chi chi đó.
Các bạn hữu càng kính trọng, khen ngợi tiên sinh bao nhiêu thì bản ngã của tiên sinh càng được dịp phát triển hơn lên bấy nhiêu. Tiên sinh nghĩ rằng mình phải hành động như thế này hay thế khác thì mới hơn người. Tiên sinh tự đặt cho mình một giá trị hão huyền, một kỷ luật khắt khe và khi không giữ được, tiên sinh đâm ra tự trách. Có lẽ vì xuất thân trong truyền thống Phương Tây nên tiên sinh đã chịu ảnh hưởng một “mặc cảm tội lỗi”, một thứ mặc cảm tế nhị, kín đáo nhưng rất mãnh liệt.
Hòa thượng Đại Lương dừng lại nhìn tôi như dò xem phản ứng, thấy tôi vẫn cúi mặt làm thinh, ông bèn tiếp tục:
– Theo thiển ý thì tiên sinh hãy cởi bỏ tất cả những mặc cảm đó đi. Hãy nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cho thoải mái và biết rằng người ta không thể sống trong một kỷ luật cứng nhắc như thế được. Đời sống không phải là sự lặp đi lặp lại một số việc, thực hành một vài nghi thức mà cho là đủ. Đời sống cũng không phải là khoác lên mình những giá trị này nọ hay những danh xưng hão huyền. Đời sống không phải là một cái khuôn đúc mà người ta đặt ra cho mình bằng cách này hay cách khác. Thật ra đời sống là một cái gì sống động, trôi nổi và thay đổi không ngừng.
Tiên sinh còn trẻ, hãy tận hưởng tất cả những vẻ đẹp mà đời sống mang lại một cách nghiêm cẩn, từ một bông hoa đẹp, một làn gió mát đến những hương thơm của cây cối trong vườn, nhưng đồng thời tiên sinh cũng phải ý thức được rằng cuộc đời vốn vô thường, nay còn mai mất, trước có sau không. Hãy sung sướng với hạnh phúc hiện có nhưng cũng nên biết rằng đằng sau những niềm vui đó vẫn ẩn hiện biết bao nỗi buồn. Tiên sinh hãy tự hỏi trong đời này có mấy điều như ý và bất như ý? Tại sao mới hôm qua còn trẻ mà nay tóc đã bạc như sương? Tại sao ngày hôm trước còn hăng say vui vẻ mà nay đã ra người thiên cổ? Tại sao người thân phải xa lìa mà người ghét lại thường gặp gỡ? Tại sao có người thân thể khỏe mạnh, có kẻ sinh ra đã tật nguyền? Việc ý thức rõ rệt những điều này hết sức quan trọng vì nó sẽ nhắc nhở cho tiên sinh về sự phù du, vô thường của kiếp người và thúc đẩy tiên sinh tiến bước trên đường giải thoát. Đừng khép mình vào một kỷ luật quá nghiêm khắc mà làm thui chột đi cái mầm sống thiêng liêng trong mình, nhưng cũng đừng vì quá ham vui mà quên rằng cuộc đời là bể khổ. Hãy sống một cách giản dị bình thường nhưng ý thức rõ rệt rằng mình đang thực sự sống.
– Nhưng nếu tôi không làm được vậy thì sao? Hòa thượng Đại Lương mỉm cười:
– Đừng quá bi quan như vậy, trước sau tiên sinh cũng làm được điều đó. Hãy kiên nhẫn và biết rằng tâm bình thường tức là đạo.
Sau khi đàm đạo thêm một lúc, tôi cáo từ ra về. Vừa đến cổng nhà, tôi nghe thấy tiếng kèn trống inh ỏi ở nhà kế bên vọng qua. Lão Trương mở cửa và báo cáo ngay:
– Phùng tiên sinh, gia đình lão Vệ bên cạnh bị yêu quái quấy phá mấy hôm nay nên phải nhờ thầy Pháp làm lễ trục tà.
Biết tính lão Trương nên tôi dọa:
– Tôi hy vọng loài yêu quái đó không bị gã thầy Pháp đuổi chạy qua nhà bên mình.
– Ấy chết, tiên sinh chớ nói gở như vậy, rủi con yêu nó nghe được thì sao!
Tôi định nói đùathêm mấy câu nữa nhưng thấy bà Trương đang đứng gần đó nên ngưng lại. Mặc dù không sợ ai nhưng bà lão rất kỵ các chuyện ma quái, liêu trai. Chỉ một câu nói bâng quơ có thể làm bà lão vá chổi rượt đánh chồng chạy khắp sân, mấtăn mất ngủ mấy ngày đêm liền.
Ngoài những di tích, thắng cảnh và các tiệm ăn, Bắc Kinh còn nổi tiếng về một nghệ thuật đặc biệt ít ai nói đến: tẩm quất. Suốt thời gian sống ở Bắc Kinh, tôi rất thích được tắm nước nóng và tẩm quất. Sau này khi du lịch qua Hy Lạp và Bắc Âu, tôi cũng có dịp thưởng thức nghệ thuật xoa nắn nổi tiếng của xứ này nhưng thấy rằng tất cả đều thua xa tẩm quất của người Trung Hoa. Tại các xứ khác, người ta chỉ giới hạn việc xoa nắn lên một số bắp thịt; riêng tại Bắc Kinh, người ta không chỉ xoa nắn mọi bắp thịt, khớp xương từ trên xuống dưới mà còn cả huyệt đạo và Trung tâm thần kinh nữa. Đã thế người ta không hề “nhẹ tay” chút nào.
Sau một lúc tẩm quất, người tôi “đau nhức” lên một cách thoải mái, dễ chịu như vừa lột xác, trút bỏ những mệt mỏi sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Dù là một thành phố huy hoàng, tráng lệ và tiện nghi nhưng Bắc Kinh vẫn là một thành phố thuộc miền bắc, nơi ngựa và lạc đà là gia súc chính thay vì trâu bò.
Vào mùa hè, nhiệt độ vẫn không nóng và ẩm như các thành phố miền nam, buổi tối ra đường người ta vẫn phải mặc áo ấm. Vào mùa xuân, dù khí hậu ấm áp, cây cỏ trổ hoa thơm ngát nhưng thỉnh thoảng vẫn có những làn gió lạnh thổi đến từ phương bắc mà người ta gọi là “gió bụi vàng” vì cuốn theo cát của sa mạc Gobi.
Do khí hậu lạnh nên việc tắm nước nóng và tẩm quất đã được đưa lên hàng nghệ thuật. Cũng như nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật tẩm quất đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để tạo cho khách hàng một sự thoải mái đặc biệt.
Bước vào tiệm tẩm quất, người ta đã ngửi thấy ngay mùi đặc biệt của các rễ cây, dược thảo pha trộn với nhau, bỏ trong những hồ nước nóng. Sau khi tắm rửa sạch sẽ và quấn một cái khố nhỏ, khách được đưa đến hồ nước nóng. Có ba loại hồ bơi với nhiệt độ và mùi vị khác nhau. Hồ nước đầu tiên vừa đủ nóng để khách có cảm tưởng dễ chịu. Sau khi ngâm mình trong hồ khoảng mười phút, khách được mời qua hồ thứ hai. Nhiệt độ hồ này nóng hơn nhiều, các loại cỏ thuốc ngâm trong hồ cũng có mùi khác. Sau khi ngâm mình khoảng nửa giờ, khách được mời qua hồ thứ ba. Đây là hồ có nhiệt độ rất nóng, nếu không cẩn thận, người ta có thể bị bỏng. Nhờ cơ thể đã quen với nhiệt độ của hai hồ kia nên người ta có thể chịu đựng được sức nóng của hồ này. Các loại cỏ thuốc ngâm trong hồ thứ ba có mùi vị rất hắc và nồng, ít ai có thể ngâm lâu được, thông thường chỉ năm mười phút là nhiều. Khi ngâm mình tại đây, người ta bắt đầu nghe được những tiếng “lắc cắc lục cục” do những khớp xương khô hoặc các miếng gỗ, miếng sắt mỏng cột vào nhau thành những xâu chuỗi, được các chuyên viên tẩm quất vung vẩy gần đó. Chỉ nghe những âm thanh đó, người ta có cảm tưởng xương cốt trong mình đang kêu lên như bắp rang rồi. Cho đến nay tôi vẫn không biết người ta làm vậy để làm chi, để kích thích thính giác chăng? Sau khi đã ngâm mình thật thoải mái, khách được đưa lên những tấm phản bằng gỗ để các chuyên viên hành nghề. Trong vòng nửa giờ, dưới bàn tay điêu luyện của những người này, mọi thớ thịt, mọi khớp xương đều như giãn ra, thoải mái không bút nào tả xiết. Tại đây, người ta thường xông một thứ hương liệu mùi rất thoải mái dễ chịu.
Người Trung Hoa quả biết khai thác khứu giác, thính giác và xúc giác triệt để trong nghệ thuật tẩm quất. Sau cùng khách được đưa đến một phòng ăn nhỏ để nghỉ ngơi, uống trà và dùng bánh ngọt. Hầu như lúc đó ai nấy đều hết sức thoải mái, vui vẻ, nói chuyện như pháo ran.
Cũng tại phòng này tôi đã chứng kiến nhiều việc bàn luận, thương lượng, ký kết giao kèo giữa những người khách với nhau. Tôi nghĩ không dân tộc nào trên Thế Giới lại thực tế như người Trung Hoa. Họ biết lợi dụng thời cơ thuận tiện để bàn luận việc thương mại. Tôi thiết nghĩ người Âu còn phải học hỏi nhiều nơi dân tộc này. Đa số người Âu thường bàn luận việc giao dịch thương mại trong những căn phòng bày trí trang nghiêm, khi mọi người đều căng thẳng, cứng nhắc.
Hiển nhiên điều này ảnh hưởng đến kết quả buổi bàn luận vì người ta phải tốn
công nhọc sức thuyết phục nhau, sử dụng các mánh khóe thủ đoạn để đem phần lợi về mình, do đó công việc thương lượng có tính cách như một cuộc đấu trí.
Trong khi đó người Trung Hoa thoải mái sau khi tắm nước nóng và tẩm quất, trên mình chỉ quấn một cái khố nhỏ, khề khà bên chén trà hay bình rượu hâm nóng, cạnh những đĩa đồ nhắm. Họ bàn chuyện thương mại với nhau một cách
thoải mái như bạn tri kỷ lâu ngày. Hôm đó tôi nghe hai người kể cho nhau nghe về cuộc du hành của họ trên Ngũ Đài Sơn. Một người hỏi tôi:
– Phùng tiên sinh đãthăm Ngũ Đài Sơn chưa?
– Chưa… nhưng nơi đó có gì lạ?
– Một Phật tử như ông mà chưa đến Ngũ Đài Sơn? Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc…
– Tại sao lại đáng tiếc?
– Phong cảnh Ngũ Đài Sơn đẹp tuyệt vời, thiên đàng hạ giới chắc cũng chỉ như thế thôi. Có hàng trăm ngôi Chùa, hàng ngàn tăng sĩ, toàn các bậc chân tu đạo hạnh cả. Có các Thiền sư cất am trong núi, các Lạt ma sống trong tu viện kiến trúc lạ lùng, các tu sĩ Mông Cổ hành lễ đặc biệt. Có những cánh đồng bao la bát ngát, toàn kỳ hoa dị thảo… Có những người hành hương từ khắp nơi đến, kẻ đi bằng xe ngựa, người bằng lạc đà, có người đi bộ, có người đi ba bước lại sụp xuống lạy (tam bộ nhất bái) vàcó người đi bằng hai đầu gối… Ngoài ra, biết bao hang động… những ngọn núi với cảnh đẹp lạ lùng không thể tả xiết…
Ông ta hào hứng nói một cách thích thú khiến tôi mải mê suýt quên cả giờ về.
Lòng nhiệt thành của ông khiến tôi quyết định nếu có dịp sẽ phải đến thăm Ngũ Đài Sơn một chuyến cho biết.
Dịp may đã đến. Vào cuối mùa xuân năm đó sinh viên biểu tình bãi khóa triền miên. Các cuộc tranh đấu nổi lên khắp trường, lan rộng ra khắp thành phố. Chính quyền thẳng tay đàn áp, số sinh viên bị bắt khá đông. Trước áp lực của chính quyền, ông viện trưởng đành phải đóng cửa trường, cho sinh viên nghỉ hè sớm. Lợi dụng cơ hội này, tôi liền thu xếp hành lý đáp xe lửa đi Ngũ Đài Sơn.
[4]
. Tác phẩm thuộc hàng kinh điển của nhà văn Robert Louis Stevenson (1850-1894) người Scotland, kể về cuộc chiến nội tâm của vị lương y Jekyll và nhân
cách ma quỷ Mr. Hyde sống trong ông.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet