Sách Tâm Linh

Đường Mây trên Đất Hoa

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa

Thiền Thất Khai thị lần Thứ hai

Trong tuần lễ thứ hai tại chùa Ngọc Phật, Thượng Hải, năm 1953, Hòa thượng Hư Vân đã khai thị:

Ngày thứ nhất
Hư Vân ta đến chùa này chỉ làm rộn thêm thôi. Nay nhờ quý hòa thượng cùng chư vị ban thủ ân cần ưu đãi, ta thật rất tri ân. Hôm nay, quý ngài lại yêu cầu ta ra làm chủ thất nữa. Danh này ta thật không dám nhận. Nơi đây, lão pháp sư Ứng Từ, là vị tuổi cao hạnh lớn. Đáng lẽ đại chúng phải theo sự chỉ dạy của ngài mới thật hợp lý. Đồng thời, trong chùa có rất nhiều vị pháp sư, đều là các bậc cao tăng thạc đức 1. Ta chỉ là bọt bèo trên nước, thật rất vô dụng. Nay tuổi càng cao, khách khí 2 càng nặng nề.
1. Thạc đức: có đức lớn, hay tài đức đáng nể trọng.
2. Khách khí: ở đây có nghĩa là phong thái.
Ngay cả pháp thế gian, cũng không luận là tuổi nhiều hay ít. Xưa kia, trong những lần thi khảo hạch tại kinh đô, không kể tuổi tác lớn nhỏ, mọi người phải tôn kính và gọi vị chủ khảo là thầy. Đạo Phật cũng thế, như Bồ Tát Văn Thù, đã chứng quả vị Phật trong đời quá khứ, cũng từng dạy dỗ mười sáu vị thái tử. Phật A Di Đà là vị thái tử thứ nhất. Phật Thích Ca cũng là đệ tử của ngài. Đến khi Phật Thích Ca thành Phật, Bồ Tát Văn Thù lại xuống phụ trợ. Thế nên, đạo Phật rất bình đẳng, không có cao thấp. Qua câu chuyện này, ta muốn nhắc nhở chư vị rằng chớ nên hiểu lầm về tuổi tác.
Tham thiền học đạo, chúng ta phải tôn kính quy chế, pháp thức. Chư vị phát khởi đạo tâm, ngồi thiền nghe kinh, thật rất khó được. Ai ai cũng không quản mưa gió khổ nhọc, bận rộn làm ăn buôn bán ngày đêm mà tự nguyện đến đây, tham gia thiền thất, chứng minh rằng mọi người đều có đạo tâm, thích tịnh tĩnh, chán phiền não.
Ta và chư vị xưa nay, vốn đồng một tâm, chỉ khác mê ngộ. Tất cả chúng sanh, ngày đêm bận rộn, không phút rảnh rỗi. Suy nghĩ cặn kẽ, thật là vô ích. Ở thế gian, có người ngày đêm bôn ba, nghĩ tưởng ngu si, tham đắm ăn mặc, ca múa hát xướng, lại chỉ mong con cháu được phú quý vinh hoa mãi mãi. Khi quỷ vô thường đến, vẫn còn lo giữ vợ con, tài sản. Những người như thế, thật quá si mê. Lại có người, biết chút ít về lý nhân quả, thiện ác, thích tạo công lập đức, chỉ muốn cúng dường trai tăng, đắp tô tượng Phật, sửa chữa chùa chiền v.v… Nhưng những việc đó, chỉ là phước đức hữu lậu 3. Họ không hiểu ý nghĩa cao siêu của công đức vô lậu, nên không muốn tu hành. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói:
“Nếu có người ngồi thiền trong một khoảnh khắc, thì công đức nhiều hơn xây hằng sa bảo tháp”.
3. Hữu lậu: “lậu” có nghĩa là tươm chảy ra của uế nhiễm khiến bị si mê lầm lạc; “hữu lậu” là còn uế nhiễm, dính mắc, tức còn phiền não.
Ngồi thiền khiến thân tâm an lạc, đưa mình trở về tự tánh trong sáng tròn đầy, có thể giúp chúng ta thoát cảnh trần lao khổ nhọc và cắt đứt dòng sanh tử luân hồi. Trong một khoảnh khắc, nếu luôn hồi quang phản chiếu 4, thanh tịnh thân tâm, tuy chưa ngộ đạo, nhưng đã trồng nhân lành trở về Phật tánh. Đến ngày sắp thành tựu, công phu nếu đắc lực, trong một sát na, có thể thành Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm, tôn giả A Nan bạch Phật: “Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân”, tức là không cần phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp 5 mà vẫn đắc được pháp thân.
4. Hồi quang phản chiếu: là quay vào soi sáng bên trong mình. Đó là
cách để người hành thiền giữ tâm không tán loạn, thấy được bản tâm
thanh tịnh.
5. A-tăng-kỳ (asaṃkhyeya): tương đương với 10.140, có nghĩa là rất nhiều, không thể đếm được. Trong kinh Phật, từ này thường được dùng kèm với một chữ số ở trước để chỉ vô lượng kiếp, ví dụ: bốn a-tăng-kỳ kiếp.
Chúng ta, lăn lộn trong trần lao, vui buồn giận tức, lúc được lúc mất, chìm trong năm món dục lạc, cầu mong thọ dụng phước báo. Nay đến thiền đường, cùng nhau sống trong yên lặng, tịch tĩnh, thấy những việc chưa từng thấy, nghe những việc chưa từng nghe, sáu căn thu nhiếp vào trong, như các căn của rùa, cảnh giới thuận nghịch gì cũng không dao động. Đấy là tu pháp vô vi, cũng là pháp vô lậu. Nếu lấy vàng bạc và bảy loại châu báu để xây cất bảo tháp nhiều như số cát sông Hằng, thì vẫn không bằng công đức ngồi thiền tĩnh tọa trong một giây phút.
Sáu căn rút vào, như rùa thường thu nhiếp các căn khi gặp loài hải cẩu. Hải cẩu thích ăn thịt rùa, nên thường tìm bắt. Rùa biết hải cẩu muốn ăn thịt mình, nên rút bốn chân, đầu và đuôi vào thân. Khi đó, hải cẩu không thể bắt được. Rùa liền thoát nạn.
Ở thế gian, không có tiền mua quần áo thức ăn, thì chắc phải chết.
Nhưng nếu có tiền thì tiêu xài xa hoa, đắm trong sắc dục, không thể xả bỏ, như hải cẩu cắn được đầu rùa. Nếu biết tai hại, thì phải lo thu nhiếp sáu căn, hồi quang phản chiếu. Khi ấy, mới mong sống lại từ trong cái chết.
Hai ngày trước, ta có nói về pháp trong tông môn, vốn là chánh pháp nhãn tạng, là tâm pháp của Như Lai, là nền tảng cắt đứt dòng sanh tử luân hồi.
Bàn về tông môn, tuy khiến nhiều người khởi tâm tín giải 6, nhưng đa số đều hiểu trên cành lá văn chương từ ngữ, khó được khai ngộ hoàn toàn. Nếu muốn dùng pháp môn này để cắt đứt dòng sanh tử thì phải trải qua quá trình tu chứng7, thật rất khó khăn.
6. Khởi tâm tín giải: tin và mong muốn lý giải, hiểu tận cùng giáo lý thâm sâu.
7. Tu chứng: là tu tập công phu để chứng ngộ thật sự, không chỉ hiểu đạo. Theo đạo Phật, người tu chứng và giác ngộ thật sự thì không chấp vào sự chứng đắc.
Xưa nay, khi nghe giảng kinh thuyết pháp và bàn về chỉ thú tông môn, thì người hiển hiện thần thông, lập địa triệt ngộ8 không ít. Trong tông môn, ngoài chư vị Tỳ kheo đạt được tai mắt9 không thể nghĩ bàn, lại có rất nhiều nhân tài trong giới ni chúng.
8. Lập địa triệt ngộ: “lập địa” là ngay lập tức; “lập địa triệt ngộ” nghĩa là ngay lập tức giác ngộ hoàn toàn.
9. Tai mắt: là sự thông tỏ, tinh tường.
Xưa kia, Quán Khê10, vốn là đồ đệ của ngài Lâm Tế, sau bao năm dụng công vẫn chưa đại triệt đại ngộ, nên đi tham phương cầu đạo, đến chỗ ni sư Mạt Sơn11. Khi đến chùa, thị giả của Mạt Sơn hỏi: “Bạch Thượng tọa! Ngài vì Phật pháp hay vì du ngoạn mà đến đây?”.
10. Thiền sư Quán Khê Nhàn: là một cao tăng thuộc hàng Tổ của tông Lâm Tế. Ngài nổi tiếng là người có tinh thần cầu đạo.
11. Ni sư Mạt Sơn: là cách gọi tắt ni sư Liễu Nhiên tu ở Mạt Sơn. Ni sư Liễu Nhiên là môn đệ của Thiền sư Đại Ngu, cũng là một trong hai vị nữ thiền sư lỗi lạc của Trung Hoa.
Đáp: “Ta đến vì Phật pháp”.
Sau đó, Mạt Sơn ra hỏi: “Vì Phật pháp mà đến. Vậy hãy theo phép tắc mà đánh trống thăng tòa”.
Nói xong, Mạt Sơn bước lên tòa. Ngài Quán Khê chỉ chắp tay xá.
Mạt Sơn lại hỏi: “Hôm nay Thượng tọa vừa rời chỗ nào?”.
Quán Khê đáp: “Nơi ngã ba đường”.
Mạt Sơn hỏi: “Sao không che lại?”.
Quán Khê không đáp được, mới bắt đầu lễ bái, rồi hỏi: “Mạt Sơn là vật gì?”.
Mạt Sơn đáp: “Không để lộ đỉnh đầu”. Hỏi: “Chủ Mạt Sơn là ai?”.
Đáp: “Ngoài tướng nam nữ”. Hỏi: “Sao chẳng biến mất?”.
Đáp: “Chẳng phải thần. Chẳng phải quỷ. Biến hóa cái gì?”.

Quán Khê không lời đối đáp, nên ở lại, làm vườn trong ba năm. Sau khi đại triệt đại ngộ, Quán Khê thượng đường bảo: “Ta ở tại ông già Lâm Tế đắc được phân nửa. Ở tại bà già Mạt Sơn được phân nửa. Cộng lại thành một thìa. Ăn mãi cho đến hôm nay vẫn còn no”.
Chúng ta thấy rằng ngài Quán Khê vừa là đồ đệ của Lâm Tế vừa là pháp tử của Mạt Sơn. Điều này chứng tỏ là trong ni chúng cũng có nhân tài cái thế 12, tai mắt hơn người. Hiện tại có rất nhiều ni chúng. Sao không thấy tai mắt nào lộ mặt, thị hiện chánh pháp?
12. Cái thế: bậc anh tài, tài giỏi hơn người.
Đấy mới thấy Phật pháp rất bình đẳng. Mọi người phải nên nỗ lực tinh tấn, chớ khiến thối đọa, làm che mờ tự tánh thanh tịnh, bỏ mất nhân duyên kiến tánh. Cổ nhân nói: “Một trăm năm, ba mươi sáu ngàn ngày mà không khi nào biết xả thân nơi bờ tịch tĩnh”.
Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, trôi lăn trong vòng sanh tử. Vì không dám xả bỏ thân tâm để tu học pháp thanh tịnh, nên bị luân hồi, không thể giải thoát. Thế nên, mọi người phải cố gắng xả bỏ tất cả để ngồi trên bờ tịch tĩnh. Hy vọng mọi người đồng chứng vô sinh pháp nhẫn.


Ngày thứ hai
Đây là ngày thứ hai của thiền thất lần thứ hai. Trong thời gian ngắn ngủi, chư vị đến tham gia thiền thất ngày một tăng. Ai ai cũng chán phiền não, thích tịch tĩnh, quả là người ở vùng Thượng Hải thiện tâm rất thuần thục, phước đức rất sâu dày.
Xưa nay, thế gian khổ nhiều vui ít. Thời giờ trôi qua mau chóng. Vài thập niên vụt qua trong chớp mắt. Ngay cả Bành Tổ sống đến tám trăm uổi mà theo nhãn quan Phật giáo thì rất ngắn ngủi. Lệ thường, con người sống đến bảy, tám mươi tuổi là nhiều. Nay biết duyên đời mong manh, như huyễn như hóa13, lưu chuyển không dừng, nên mới đến đây tu hành. Thật là thiện căn sâu dày. Nhưng pháp tu hành, quý tại lâu dài.
Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát đã từng trải qua bao kiếp tu hành gian nan khổ sở mới thành công được. Kinh Lăng Nghiêm, chương Quán Thế Âm Bồ Tát viên thông: “Nhớ khi xưa, hằng sa vô số kiếp, có Phật ra đời, hiệu là Quán Thế Âm14. Nơi Đức Phật đó, con phát tâm Bồ Đề, được ngài dạy tu pháp văn – tư – tu 15, nhập Tam Ma Địa 16”.
13. Như huyễn như hóa: do duyên sinh nên chỉ là giả tạm, nghĩa là có
sinh có diệt, vô thường.
14. Theo Phật giáo Đại thừa, trong vô lượng kiếp trước, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì nguyện lực đại bi, ngài mới hiện thân làm Bồ Tát, thường trụ thế giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh. Thủ Lăng Nghiêm kinh, chương Quán Thế Âm Bồ Tát viên thông đề cập nhiều về hạnh tu của Quán Thế Âm Bồ Tát.
15. Văn – tư – tu (từ gốc tiếng Phạn): là ba loại hiểu biết – “văn” là sự hiểu biết dựa trên học hỏi, “tư” là sự hiểu biết dựa trên suy tư, và “tu” là sự hiểu biết dựa trên tu tập.
16. Tam Ma Địa (hay Tam Muội): là pháp tu thiền định.
Chứng minh rằng Quán Thế Âm Bồ Tát không phải chỉ tu trong một ngày, hai ngày mà thành thục. Ngài cũng công khai chỉ dẫn phương pháp dụng công tu hành. Trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, giữa hai mươi lăm vị thánh, ngài là vị tu hạnh viên thông bậc nhất. Pháp dụng công của ngài là từ văn – tư – tu, đắc được nhĩ căn viên thông 17, nhập Tam Ma Địa. Ngài Quán Thế Âm lại nói thêm: “Nơi trong tánh nghe, nhập lưu vong sở 18”.
17.Nhĩ căn viên thông: chỉ mức độ giác ngộ mà tất cả âm thanh nghe thấy đều là pháp vi diệu. Quán Thế Âm Bồ Tát chứng ngộ điều này, nên tên của ngài được gọi là Quán Thế Âm.
18. Nhập lưu vong sở: “nhập lưu” là vào dòng, tức hòa nhập vào; “vong sở” là quên sở, là không chỗ trụ; “nhập lưu vong sở” là khái niệm trích từ lời dạy “Nơi trong tánh nghe, nhập lưu vong sở” của Quán Thế Âm Bồ Tát trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, có nghĩa là sự lắng nghe (nhĩ căn) hướng vào bên trong, với tâm thanh tịnh và không trụ ở pháp nào, tức là không khởi bất cứ động niệm nào, dứt bặt căn nguyên của vọng niệm; bằng cách này, người tu luôn nghe bằng tánh giác, tức bản tâm thanh tịnh hay Phật tánh.
Phương pháp này dùng tai nghe lại tự tánh của mình, không cho sáu căn chạy theo sáu trần, phải nhiếp chúng vào pháp tánh. Lại bảo: “Năng nhập và sở nhập đều tịch tĩnh19. Hai tướng động tịnh, rõ ràng không sinh khởi. Tăng tiến dần dần như thế, cái nghe và cái bị nghe đều diệt mất”.
19. Năng nhập và sở nhập đều tịch tĩnh: “Năng” là nhận thức bằng giác quan; “sở” là nơi, chỗ, tức đối tượng để nhận biết (ví dụ: mắt trông thấy sắc, thì mắt là “năng”, và sắc là “sở”). “Năng nhập và sở nhập đều tịch tĩnh” tức là cả giác quan (sáu căn) và nhận thức đều thanh tịnh, nên tâm không khởi, không vọng động.
Tức là bảo chúng ta khi dụng công, phải nghe lại chính mình, đừng để gián đoạn. Dụng công tu hành tăng tiến, từ từ đắc được: “Cái giác và cái bị giác đều không20. Giác và không đều viên tịch, tròn đầy. Cái không và cái bị không đều tịch diệt. Sinh diệt đều diệt mất thì tịch diệt hiện tiền”.
20. Cái biết và đối tượng được nhận biết (năng và sở) chỉ là sự hiện hữu tương quan do duyên sinh, có sinh có diệt.
Muốn đạt đến cảnh giới này, phải do công phu tu hành, nghe lại tự tánh của mình. Tất cả mọi sinh diệt đều diệt hết thì tâm cuồng loạn chợt ngưng. Khi ngưng thì tâm Bồ Đề hay chân tâm thanh tịnh liền hiển hiện.
Ngài Quán Thế Âm đạt đến cảnh giới đó. Ngài nói: “Đột nhiên, vượt ngoài pháp thế gian và pháp xuất thế gian21. Mười phương đều tròn đầy trong sáng. Khi ấy đạt được hai việc thù thắng. Thứ nhất, trên hợp với bổn tâm diệu giác 22 của mười phương chư Phật, cùng đồng nhất lực từ bi. Thứ hai, dưới hợp với tất cả sáu loài chúng sanh, cùng đồng nhất bi ngưỡng 23”.

21. Ý nói vượt ra khỏi, không còn sự dính chấp hay sinh khởi nào, kể
cả việc tầm cầu giải thoát.
22. Bổn tâm diệu giác: chỉ tâm Bồ Đề, hay sự hiểu biết toàn triệt của chư Phật, còn gọi là Phật tánh hay tánh giác.
23. Bi ngưỡng: “bi” là lòng thương yêu bình đẳng không phân biệt với tất cả các pháp, xuất phát từ trí huệ; “ngưỡng” là mong muốn hướng tới sự tỉnh thức và giác ngộ để giải thoát cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát với chúng sanh “đồng nhất bi ngưỡng” có nghĩa là Bồ Tát có cùng tâm bi ngưỡng với chúng sanh, luôn cảm ứng với bi ngưỡng của chúng sanh.
Hôm nay, chúng ta tu hành, học Phật pháp. Đầu tiên phải tự mình công phu cho thuần thục. Phải độ tận hết mọi chúng sanh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến 24, chứng đạt đến chân tâm diệu giác thanh tịnh xưa nay thì sau này mới thượng hành, hạ hóa 25. Như ba mươi hai ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, tùy theo chủng loại mà hóa độ. Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện nơi thế gian, hoặc làm đồng nam, đồng nữ 26, hoặc làm cư sĩ, tể quan 27, v.v… Người đời không biết Bồ Tát Quán Thế Âm, vốn đã thành Phật trong đời quá khứ, không còn tướng nhân ngã, nam nữ.
Ngài tùy theo căn cơ chúng sanh mà ứng hiện. Thế nên, mỗi khi nghe đến danh hiệu ngài Quán Thế Âm thì chúng ta liền khởi tâm ái kính. Đời quá khứ, chúng ta vốn đã từng niệm danh hiệu ngài, nên trong ruộng thức thứ tám 28, hạt giống lành vẫn luôn khởi mãi. Kinh nói: “Tai vừa nghe tiếng thì hạt giống đạo lưu giữ mãi mãi”.
24. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến: là sáu căn nguyên, hay tập khí của phiền não (tham: tham ái; sân: nóng giận do chấp ngã hay tri kiến; si: mê mờ; mạn: tự mãn do chấp ngã; nghi: nghi hoặc do chấp trước hay vọng niệm; ác kiến: cái thấy hay nhận thức sai lạc do mê lầm). Muốn đoạn diệt những tập khí này, người tu phải có một quyết tâm mạnh mẽ, luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được.
25. Thượng hành, hạ hóa: nói một cách đầy đủ là “Thượng hành Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Đây là hạnh nguyện của Phật giáo Đại thừa – trước là tu hành theo Phật pháp, sau là nhờ vào những thành tựu tu tập mà cứu độ chúng sanh.
26. Đồng nam, đồng nữ: thanh niên, thiếu nữ.
27 Tể quan: vị quan đứng đầu một địa phương.
28 T.hức thứ tám: là loại nhận thức thuần khiết, đã loại bỏ được những chấp ngã (của thức thứ bảy) và tri kiến sai lầm (của thức thứ sáu).
Thức thứ tám chỉ nhận thức đối tượng, không còn phê phán hay phân biệt tốt xấu, tuy nhiên vẫn còn những hạt giống tập khí từ trong vô lượng kiếp, tàng ẩn ở tầng thâm sâu, khó nhận biết cần phải quán chiếu, soi rọi.
Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh thì thức được gọi là trí (jnana).
Hôm nay, chúng ta phải y theo pháp tối thượng thừa 29 đã tu đã chứng của chư Phật, chư Bồ Tát. Pháp môn hiện tại là phải hiểu rõ bổn tâm diệu giác, tức là thấy tánh thành Phật30. Nếu không rõ tâm địa thì không thể thành Phật được. Nếu muốn hiểu rõ tâm địa thì đầu tiên phải hành theo thiện đạo, tức con đường lành. Từ sáng đến tối, các việc ác chớ làm, phải phụng hành các việc thiện, khiến phước đức được tăng trưởng.
29. Pháp tối thượng thừa: là giáo pháp bao quát tất cả các pháp (bất cứ thứ gì cũng nằm trong nó), là giáo pháp triệt ngộ, tức đi tới tận cùng chân tánh của mọi sự vật, hiện tượng.
30. Thấy tánh thành Phật: ý nói giác ngộ là thấy tánh, là nhìn thấy chân tánh của tất cả các pháp.
Lại nữa, đề khởi câu thoại đầu trong một khoảnh khắc, nếu một niệm không sinh, thì lập tức thành Phật. Chư vị phải tận dụng thời gian. Chớ dụng tâm tán loạn. Cố gắng để khởi thoại đầu cho hay.


Ngày thứ ba
Hôm nay là ngày thứ ba của thiền thất thứ hai. Người dụng công thuần thục, trong động và tịnh, đều kiểm soát được tâm mình. Sao lại để tâm phân biệt thiền thất thứ nhất, thứ hai hoặc hai ngày, ba ngày!
Người sơ phát tâm, phải nỗ lực tinh tấn, chớ nên để tâm ngu mê ám độn, làm uổng phí thời giờ. Nay ta lại nói thêm một ví dụ cho chư vị mới phát tâm Bồ Đề nghe. Hy vọng chư vị hiểu rõ.
Trong thiền đường các nơi, có thờ một vị Bồ Tát Thánh tăng, vốn là anh em họ với Phật Thích Ca, tức tôn giả Kiều Trần Như. Khi Đức Thế Tôn vừa xuất gia, vua Tịnh Phạn phái ba vị thuộc hệ tộc bên cha và hai vị thuộc hệ tộc bên mẹ, đến núi Tuyết Sơn trợ giúp. Tôn giả Kiều Trần Như là một trong hai người thuộc hệ tộc bên mẹ của Phật. Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, ngài liền đến vườn Lộc Uyển, thuyết pháp Bốn Thánh Đế 31. Tôn giả là vị ngộ đạo đầu tiên hết. Đồng thời, tôn giả cũng là vị đệ tử xuất gia đầu tiên trong các chư đại đệ tử của Phật. Do đó, chúng ta gọi ngài là vị Thánh tăng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Khi ta vừa thành đạo, nơi vườn Lộc Uyển, ta chuyển bánh xe diệu pháp 32, vì ông A Nhã Kiều Trần Như cùng bốn chúng. Do khách trần phiền não làm mê mờ, nên chúng sanh không thể chứng được quả Bồ Đề hay quả vị A La Hán. Nay, các ông, do nhân duyên gì mà được khai ngộ, chứng quả vị Thánh?”.
31. Bốn Thánh Đế, hay Tứ Diệu Đế: là bốn chân lý cao cả của đạo Phật – Khổ, Tập, Diệt, Đạo. 1. Khổ đế (Dukkha): về khái niệm khổ; 2. Tập đế (Samudaya): về nguồn gốc hay căn nguyên của khổ; 3. Diệt đế (Nirodha): về sự chấm dứt khổ; 4. Đạo đế (Magga): về con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ.
32. Chuyển bánh xe diệu pháp: còn gọi là chuyển pháp luân. Bài kinh đầu tiên Đức Phật Thích Ca thuyết giảng ở vườn Lộc Uyển sau khi thành đạo được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân, nói về Tứ Diệu Đế. Pháp luân tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật.
Nơi đây, Phật hỏi chư đại đệ tử, nhờ dụng công, tu hành pháp môn gì mà chứng được quả vị Thánh. Vì đã liễu giải 33, ngộ đạo, tôn giả Kiều Trần Như từ nơi chỗ ngồi, đứng dậy bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Con nay là trưởng lão trong đại chúng, độc đắc giải danh34, tức nhân liễu ngộ hai chữ khách trần35 mà chứng quả”.
33. Liễu giải: là giãi bày đầy đủ và trọn vẹn nghĩa lý thâm sâu của đạo.
34. Giải danh: “danh” là những gì thuộc về hình tướng hay biểu hiện của sự vật, hiện tượng; “giải danh” là hiểu rõ được thật tánh của danh tướng hay hình tướng.
35. Liễu ngộ hai chữ khách trần: thấu suốt được thật tánh của khách trần.
Nói xong, tôn giả lại giải thích: “Bạch Đức Thế Tôn! Ví như hành khách ghé ngang quán trọ, hoặc ngủ qua đêm, hoặc ở lại ăn cơm, ăn ngủ xong, liền mang hành lý đi tiếp, không muốn ở lại. Nếu thật là chủ nhân thì không muốn đi. Vì vậy, con suy nghĩ như vầy: ‘Không ở là hành khách, mà ở lại là chủ’. Cũng như giọt sương, khi mặt trời lên, ánh nắng chiếu vào, trong giọt sương tỏa ra ánh sáng, có chiếu những hạt bụi. Các hạt bụi vốn dao động, còn hư không thì an nhiên không động. Con lại suy nghĩ: ‘Vắng lặng gọi là hư không. Dao động là gọi là khách trần, bụi bặm, cũng gọi là hành khách’”.
Tôn giả giải thích rõ hai chữ khách và chủ. Đấy chỉ là ví dụ, dạy chúng ta biết phương pháp tu hành. Nói cách khác, chân tâm của chúng ta là chủ nhân, vốn không dao động. Vọng tưởng vốn dao động, tức là khách. Vọng tưởng được ví như bụi bặm, rất vi tế, nhỏ nhít. Bụi bặm bay trong hư không. Khi có ánh nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ thì mới thấy được chúng. Bình thường, khi tâm động đậy, vọng tưởng khởi lên, chúng ta rất khó biết. Đến lúc ngồi tĩnh tọa tu hành, dụng công thì mới thấy rõ mình có quá nhiều tạp niệm. Nếu công phu không đắc lực thì không thể kiềm chế được tạp niệm, không thể ngộ đạo, mãi lăn lộn trong biển sanh tử. Đời nay tên Trương. Đời sau tên Lý. Như hành khách ngủ tạm nơi quán trọ, không thể ở lại lâu dài. Trụ được mà không động thì gọi là ông chủ. Ông chủ ví như hư không, chứa bao bụi bặm. Nói chung, hư không là tịch nhiên không động. Cũng như chủ nhân của quán trọ, mãi mãi ở lại, không đi nơi khác.
Giảng về danh tướng, trần nghĩa là trần sa cát bụi, tức phiền não. Khi đạt đến quả vị Bồ Tát thì mới cắt đứt được. Vọng tức là vọng hoặc 36.
Hoặc có tám mươi tám loại kiến hoặc37. Tư hoặc có tám mươi mốt phẩm 38. Kiến hoặc do năm loại độn sử 39 tạo ra. Người tu hành, đầu tiên phải cắt đứt kiến hoặc thì mới chứng nhập quả Tu Đà Hoàn. Nhưng bước đường công phu này rất là gian nan. Đoạn trừ kiến hoặc như lội ngược dòng bốn mươi dặm. Vì vậy, chúng ta phải dụng công mạnh mẽ, thâm sâu. Tư hoặc đoạn dứt thì mới chứng quả A La Hán. Cách dụng công này thuộc về tiệm thứ, tức tu từ từ.
36. Vọng hoặc: vọng tưởng, hay vọng niệm mê lầm.
37. Kiến hoặc: là loại mê lầm do tri kiến.
38. Tư hoặc: là loại mê lầm sinh khởi ngấm ngầm, chậm chạp, nhưng mãnh liệt, phải hành trì tinh tấn mới dứt trừ được.
39. Năm loại độn sử: là năm món phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi), hay còn gọi là triền cái.
Hiện tại, chúng ta chỉ cần khởi câu thoại đầu, giữ trạng thái thanh cao thoát tục, không bị che mờ. Khi vung đao lên, kiến hoặc hay tư hoặc liền bị chặt đứt. Lúc ấy, trời xanh không dính mắc mây hồng. Ánh dương lơ lửng trong hư không. Ánh sáng tự tánh tự nhiên hiển lộ.
Tôn giả Kiều Trần Như đã ngộ được đạo lý, nhận rõ ông chủ thật của mình.
Do đó, bước đầu tiên dụng công của chúng ta là phải nhận rõ khách trần. Khách trần là động. Chủ nhân thì bất động. Nếu không nhận ra khách chủ thì không thể biết chỗ dụng công, uổng phí thời giờ.
Hy vọng mọi người lưu tâm tham khán.


Ngày thứ tư

“Phật pháp cao siêu rất nhiệm mầu.
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.”

Trở lại chùa Ngọc Phật đả thiền thất, thật là nhân duyên thù thắng.
Chư vị cư sĩ nam nữ khắp nơi đến tham gia, trồng nhân chân chánh thành
Phật. Thật là hy hữu khó được.
Phật Thích Ca thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Kinh nói: “Nếu người tâm tán loạn, đang khi ở trong tháp miếu40, xưng ‘Nam mô Phật’ một lần, thì đều thành Phật đạo”.
40. Khi ở trong tháp miếu: ý nói ở trong cảnh chùa thanh tịnh.
Người người trên thế gian, sống trong vài thập niên, không biết tỉnh giác, chỉ để ngày tháng trôi qua vô ích. Khi sống, nếu có tiền thì xài hoang phí trong rượu chè, sắc dục. Kẻ không tiền thì bị miếng cơm manh áo hành hạ, khiến phải bôn ba khổ nhọc làm lụng, hiếm khi được an nhàn tự tại. Thật khổ không thể tả. Nhưng những người này, nếu có một lần nào đến chùa lễ Phật, thấy cảnh trang nghiêm thanh tịnh mà sinh tâm vui vẻ, hoặc thấy tượng Phật, tượng Bồ Tát mà tùy hỷ xưng niệm thánh hiệu, thì sẽ thành Phật đạo.
Bình thường, mắt chúng ta ngắm trăng hoa gió tuyết, tai nghe ca ngâm hát xướng, miệng tham hương vị thơm ngon, hay bị nhiễm tư hoặc.
Khi đó, tâm bị tán loạn, tức là tâm sanh tử, không vọng. Nay đến chùa chiền, xưng một danh hiệu Phật, đó là trở về tâm giác ngộ, thanh tịnh, là gieo hạt giống Bồ Đề sẽ được thành Phật. Chữ Phật, tiếng Phạn gọi là Phật Đà. Tiếng Hoa gọi là giác giả. Giác giả tức là không ngu mê. Tự tánh thanh tịnh tức là tâm giác ngộ.
Chúng ta, hôm nay, không vì danh lợi mà đến, chính do lực của tâm giác ngộ thúc đẩy. Nhưng, cũng có nhiều người, khi nghe đến danh từ đả thất thì sinh tâm sợ hãi, mà không biết ý nghĩa là gì. Lại nếu dùng tâm tò mò, lăng xăng, lộn xộn mà đến đây thì không thể nào dụng công chín chắn được.
Nay đã đến đây, như người leo núi châu báu, đừng mang tay không về. Phải phát tâm vô thượng, ngồi cho được một cây hương, trồng nhân chân chánh thành Phật, thì tương lai ai ai cũng đều thành Phật.
Xưa kia, đệ tử Phật là Tu Bạt Đà La, vốn cô độc bần cùng, không nơi nương tựa, tâm tư thường ưu sầu phiền muộn, nên muốn theo Phật xuất gia. Ngày nọ, ông đến nơi Đức Thế Tôn đang ở, gặp lúc ngài vừa mới ra ngoài. Chư đại đệ tử A La Hán, quán sát nhân duyên trong tám mươi ngàn kiếp, thấy ông chưa từng gieo trồng căn lành, nên không dám thu nhận, mà bảo hãy trở về nhà. Lúc đó, tâm tư ông lại thêm ưu sầu buồn bực, tự biết nghiệp chướng nặng nề, nên đi ra ngoài thành, định nhảy xuống sông tự tử. Không ngờ lúc ấy, Đức Thế Tôn tiến đến, hỏi rõ nguyên nhân. Ông thuật lại tường tận. Phật liền thâu nhận ông làm đồ đệ.
Trở về chùa, trong bảy ngày tu tập, ông chứng được quả A La Hán. Chư đại đệ tử, không biết rõ chuyện nên hỏi Đức Phật. Phật đáp: “Các ông chỉ biết việc trong vòng tám mươi ngàn kiếp trở lại thôi. Hơn tám mươi ngàn kiếp thuở xưa, ông Tu Bạt Đà La đây đã từng trồng căn lành. Bấy giờ, ông cũng rất nghèo khổ, thường hái củi sinh sống. Ngày nọ, đang lúc lượm củi, ông gặp hổ trên núi, không biết chạy trốn nơi đâu, liền leo lên cây lánh nạn. Hổ thấy ông leo lên cây, liền đi vòng quanh, cắn gốc cây, khi cây gần ngã, ông run sợ vô cùng vì không ai tới cứu. Khi đó, ông chợt nghĩ đến chư Phật đại giác, đầy đủ tâm lực từ bi, luôn cứu hộ chúng sanh khổ não, nên xưng: ‘Nam mô Phật! Xin Ngài thương xót, mau đến cứu con!’. Hổ nghe tiếng ‘Nam mô Phật’, nên liền bỏ đi, chưa hại gì được ông. Do trồng nhân lành chân chánh, nên nay đã thành thục, chứng được đạo quả”.
Chư đại đệ tử nghe xong liền hiểu rõ, tâm rất vui mừng, tán thán việc chưa từng có.

Chúng ta hôm nay gặp được duyên lành, đến đây ngồi thiền tĩnh tọa, vun bồi nghiệp thiện nhiều hơn ông Tu Bạt Đà La rồi. Vậy, chớ cho là trò chơi trẻ nít. Nếu vì nhộn nhịp mà đến thì thật phí uổng thời gian.


Ngày thứ năm
Người có tín tâm, thâm sâu đầy đủ, nơi thiền đường luôn nỗ lực dụng công. Chư thượng tọa chuyên môn tham thiền thì đương nhiên công phu thuần thục. Nhưng khi đã thuần thục rồi, phải biết dụng công tương ưng 41, xoay về cội nguồn, sự lý viên dung, động tịnh không ngại, đừng ngồi chết lì ra, đừng lạc vào hôn trầm mê muội, hay đắm thích cảnh giới thanh tịnh. Nếu tham đắm cảnh giới thanh tịnh, không biết trợ công hỗ tương 42, ví như cá mắc cạn trong băng tuyết, không hy vọng nhảy ra cửa của loài rồng, thật rất vô dụng. Người sơ phát tâm dụng công tu hành, phải nhớ nỗi thống khổ của sanh tử, mà khởi tâm hổ thẹn và xả bỏ muôn duyên, thì mới mong có chút định lực. Nếu không thể xả bỏ thân tâm thì sanh tử quyết định không thể cắt đứt. Từ vô thủy đến nay, chúng ta mê lầm trong thất tình lục dục 43, mãi lẩn quẩn trong âm thanh sắc tướng, không biết chân tâm thường trụ 44, nên phải trầm luân, lặn hụp trong biển khổ. Nay chúng ta đều biết rõ mọi việc trên thế gian đều là khổ não, nên phải tận tình xả bỏ, quyết định tu hành thành Phật.
41. Dụng công tương ưng: dụng công tu tập, quán chiếu mọi sự vật theo một chân lý để thấy biết như chân lý đó (chẳng hạn tương ưng tánh Không là quán chiếu mọi sự vật theo tánh Không).
42 T.rợ công hỗ tương: xem cảnh giới thanh tịnh là phương tiện, trợ duyên cho việc tu tập.
43 .Thất tình lục dục: bảy thứ tình cảm biểu lộ ra bên ngoài (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục) và sáu điều ham muốn khó sửa đổi của con người (sắc dục, hình mạo dục, uy nghi tư thái dục, ngữ ngôn âm thanh dục, tế hoạt dục, nhân tượng dục).

44. Không biết chân tâm thường trụ: không thấy được thật tánh của tâm là thanh tịnh, tịch diệt, không có hết thảy vọng niệm hay sinh khởi.


Ngày thứ sáu
Lần tham gia đả thất này, theo ta nhận thấy thì nam nữ sơ phát tâm 45 chiếm đa số, nên quy củ phép tắc đều không hiểu. Vì vậy, mỗi động tác đi đứng nằm ngồi, đều làm phiền những người đang ngồi thiền. Nhưng, ngài trụ trì rất từ bi, giúp đỡ chúng ta mau thành tựu đạo nghiệp. Quý thầy ban thủ cũng phát đạo tâm vô thượng 46, lãnh đạo dẫn dắt, khiến chúng ta tu trì đúng như pháp. Đấy là cơ hội khó gặp trong muôn kiếp.
Chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn tham khán tu hành.
45. Sơ phát tâm: mới bắt đầu tu tập.
46. Phát đạo tâm vô thượng: là phát tâm tu đến chỗ giác ngộ Phật pháp, là pháp môn bao trùm tất cả các pháp.
Bên trong, luôn đề khởi câu thoại đầu “Ai đang niệm Phật”, hay “A Di Đà Phật”. Chớ khởi tâm tạp loạn, tham lam, sân hận, si mê. Phải khiến pháp tánh chân như được hiển lộ.
Bên ngoài, phải giữ giới không giết hại, cố gắng phóng sinh, đem mười việc ác chuyển thành mười việc lành. Chớ ăn thịt uống rượu, say sưa từ sáng đến tối, tạo bao nghiệp tội. Nghiệp ác nếu tạo quá nhiều thì nhất định sẽ đọa địa ngục. Nếu vun bồi nhiều nghiệp lành thì phước lợi sẽ tự đến. Nên nhớ rằng hạt giống Phật chỉ khởi lên khi duyên lành đầy đủ. Chư cổ đức thường dạy: “Các việc ác chớ làm. Hãy làm tất cả việc thiện”.
Nếu xem lại nhân duyên mà vua Lưu Ly giết hại dòng họ Thích Ca thuở xưa 47, thì chư vị sẽ hiểu rõ hơn.
47. Đó là câu chuyện vua Lưu Ly lúc còn là thái tử, con vua Ba Tư Nặc, bị người trong dòng họ Thích Ca nói lời nhục mạ nên khi làm vua đã báo thù bằng cách giết hại cả dòng họ Thích Ca của Đức Phật Thích Ca. Câu chuyện hàm chứa thông điệp là không gì có thể thắng được nghiệp.
Gần đây, trên thế giới luôn bị thiên tai hoạn nạn. Nghiệp sát hại nặng nề, đều do quả báo xấu đã tạo thuở xưa. Chúng ta phải luôn khuyên người thế tục nên giữ giới không sát hại, phải ăn chay niệm Phật. Đó chính là chúng ta tự giúp mình tránh quả báo xấu trong nẻo luân hồi.
Chư vị hãy nên tin tưởng thực hành, trồng nhân lành thì sẽ thành tựu Phật quả.


Ngày thứ bảy
Này chư vị.
“Đời phù du như mộng
Huyễn chất không bền chắc
Nếu không nương Phật từ
Làm sao siêu thăng được?”

Trong cuộc sống như huyễn như mộng, chúng ta điên điên đảo đảo, không biết sự cao siêu của đạo Phật, không nghĩ đến việc thoát ra khỏi sanh tử. Thăng trầm trong nghiệp lành nghiệp ác, nên tùy theo chúng mà thọ quả báo. Vì vậy, người thế gian, làm lành thì ít, mà tạo nghiệp ác lại nhiều. Bố thí thì ít. Tham tiền thì nhiều. Trôi lăn trong sáu đường. Khổ sở muôn trùng. Có người vừa được sinh ra liền chết, hoặc sống vài tuổi rồi chết, hay chết khi tuổi cao. Như thế, không thể tự chủ được. Nay nương nhờ oai lực từ bi của chư Phật, mới biết được cách thức tu hành để thoát ra khỏi biển khổ sanh tử, đạt đến bờ giác.
Từ bi nghĩa là thấy tất cả chúng sanh, bị bao thống khổ, nên chư Phật khởi tâm thương xót cứu hộ, khiến chúng sanh xa rời khổ nhọc, đạt được an lạc.
Hỷ xả tức là thấy chúng sanh tạo bao công đức, hoặc phát khởi tâm lành, nên đều khen ngợi vui theo. Đối với tất cả mọi cầu nguyện của chúng sanh, chư Phật đều tùy theo tâm thành mà gia hộ cho.
Lúc Đức Thế Tôn còn tu hành tại nhân địa, ngài hành hạnh Bồ Tát xả đầu não xương tủy. Vì vậy, ngài thường bảo: “Trong cõi tam thiên đại thiên thế giới, không có hạt bụi nào mà không phải là thân thể xương tủy của ta thí xả”.
Nay, chư vị nên nỗ lực, giữ chặt câu thoại đầu, đừng để thời gian trôi qua uổng phí.

 Video: Trich đoạn 

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *