Sách Tâm Linh

Đường Mây trên Đất Hoa

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa

Phụ lục: Hạnh Nghiệp của Hòa thượng Hư Vân

Hạnh nghiệp tu hành của Hòa thượng Hư Vân có thể tóm lược thành mười hạnh như sau:
1/ Hạnh thanh tịnh
Lúc thiếu thời, cha cưới hai cô vợ họ Điền và họ Đàm cho ngài, nhưng ngài không nhiễm dục lạc với họ.
Trên thuyền đi từ Ninh Ba đến Hàng Châu, bị nữ sắc cám dỗ mà ngài vẫn an nhiên tự tại.
2/ Hạnh khổ hạnh
Tại hang sâu núi thẳm, ngài lạy Vạn Phật Bảo Sám trong ba năm liền. Sau đó, ngài vân du hành cước từ núi này sang núi khác. Đói thì ăn đọt tùng lá dại, khát thì uống nước suối.
3/ Hạnh hiếu thảo
Ngài thực hành tam bộ nhất bái từ núi Phổ Đà (đông nam Trung Quốc) đến núi Ngũ Đài (đông bắc Trung Quốc) trong ba năm liền để báo đền ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngài trùng tu và xây cất rất nhiều tự viện chùa chiền để báo đền ơn Tam Bảo.
4/ Hạnh nhẫn nhục
Lần nọ, ngài bị té xuống sông, lặn hụp cả ngày đêm. Sau được ngư phủ vớt lên đem về chùa cứu sống. Tỉnh lại, ngài trở về chùa Cao Mân, được hòa thượng trụ trì giao cho chức vụ, nhưng lại từ chối. Chiếu theo quy luật của chùa, khi đã được giao chức vị mà lại từ chối tức là khinh khi đại chúng, phải bị ăn đòn. Dầu bị đánh mà ngài vẫn không một lời trách móc.
Tại núi Vân Môn, bị hơn mười gã công an lực lưỡng dùng gậy sắt,
đánh đập tàn nhẫn, chết đi sống lại cả bao nhiêu lần mà ngài vẫn chịu đựng, kham nhẫn.
5/ Hạnh thiền định
Đêm nọ, đang ngồi thiền, tâm ngài chợt bừng sáng, thấy rõ sự vật xung quanh trong ban đêm giống như ban ngày.
Tối nọ, khi thầy thị giả hộ thất dâng chén trà cho ngài dùng, vừa đưa đến tay thì chén trà chợt rơi xuống đất. Nghe tiếng chén nước bể, ngài liền đốn ngộ, căn nghi đều đứt đoạn.
Trong am thất tại núi Chung Nam, vào mùa đông, đang lúc nấu khoai, đột nhiên ngài nhập thiền định gần một tháng. Đến khi có các vị khách tăng viếng thăm, họ liền đánh khánh, khiến ngài xuất định.
Tại thủ đô Xiêm La, lúc đang giảng kinh, ngài chợt nhập định hơn cả một tuần lễ, khiến Quốc vương, quần thần và dân chúng xứ này đều lần lượt đến lễ bái.
6/ Hạnh hỷ xả
Ngài từ bỏ hết tất cả chức vụ tại núi Cổ Sơn để vào rừng thiền định.
Sau khi trùng tu kiến lập lại các ngôi tự viện như chùa Ngưỡng Dương, Vân Lâu, Nam Hoa, Vân Môn, ngài đều giao lại cho chư đệ tử quán xuyến. Nơi chùa Vân Cư, khi đã trùng tu lại khang trang rồi mà ngài cứ vẫn thích ở am tranh nhỏ.
Khi ngài chủ trì pháp hội Thủy Lục ở Thượng Hải, có hơn bốn mươi ngàn người thọ giới quy y với ngài. Sau khi pháp hội viên mãn, tín chúng cúng dường ngài rất nhiều tiền, nhưng ngài đều gởi số tiền này đến các tự viện danh tiếng trong nước để lo việc sửa sang, kiến thiết.
7/ Hạnh từ bi
Khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, năm 1949, lúc ấy ngài đang hoằng pháp tại Hồng Kông. Các môn đệ thỉnh ngài nên ở lại đó để an ổn tu hành, nhưng ngài khước từ vì muốn ở lại Trung Hoa lục địa để hỗ trợ và dạy dỗ tăng ni.
8/ Hạnh khác thường
Trước am Bồn Vu, núi Kê Túc, có một tảng đá mà hơn trăm người chẳng di chuyển nổi trong ba ngày liền. Ngài cầu nguyện chư Hộ pháp Già Lam Thánh Chúng, cùng tụng niệm kinh chú, rồi dẫn mười vị tăng ra, di chuyển được tảng đá.
Khi đi ngang qua huyện Đằng Xung, bỗng đâu có một con bò chạy đến, quỳ xuống lạy ngài. Chạy đằng sau là gã đồ tể, định bắt bò về làm thịt. Ngài thấy vậy, nên thuyết tam quy y và năm giới cấm cho bò cùng khuyên răn gã đồ tể, khiến gã này bỏ nghề sát sanh hại vật, làm ăn lương thiện.
Sau khi thỉnh Đại Tạng kinh về chùa Chúc Thánh, núi Kê Túc, ngài giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khi ấy, trước sân chùa, có cây Cổ Lật, ngàn năm nở hoa một lần, đột nhiên hoa Ưu Đàm Bát La trên cây, nở rộ khắp. Trên đường thỉnh tượng Phật ngọc từ Miến Điện trở về Trung Quốc, những người đi theo định kiếm chuyện làm khó dễ, ngài liền tự mình nâng bổng tảng đá nặng cả mười người khiêng. Năm nọ, tại tỉnh Vân Nam, trời hạn hán, dân chúng bị bệnh dịch nên chết rất nhiều. Được ông tỉnh trưởng họ Đường thỉnh cầu, ngài lập đàn tràng cầu tuyết rơi. Qua ba ngày, mưa tuyết rơi dữ dội, không còn hạn
hán và bệnh dịch nữa.
Trong kỳ truyền giới tại chùa Côn Minh và Vân Lâu, hai cây mai ngàn năm tự nhiên nở hoa rộ khắp. Sau chùa, cây cỏ trong vườn đột nhiên nở ra hoa sen màu xanh. Trong mỗi búp hoa có những nhụy hoa trông giống như tượng Phật đứng.
Trong kỳ truyền giới tại chùa Nam Hoa, có một con hổ đi đến. Ngài bước ra, truyền tam quy y và năm giới cấm cho nó.
9/ Hạnh phương tiện
Khi chính phủ Dân Quốc mới thành lập, ngài khéo hòa giải chiến tranh giữa Trung Quốc và Tây Tạng.
Ngài hòa giải cho loạn binh và quân Chính phủ, cùng giải vây cứu sống quan tri huyện ở Tân Châu.
10/ Hạnh vô úy
Sau khi Liên hội Phật giáo Trung Quốc được thành lập, có một số tăng sĩ bại hoại, yêu cầu hủy bỏ luật Tứ Phần, kinh Phạm Võng, Bá rượng Thanh Quy, tăng ni được quyền lập gia đình, ăn thịt uống rượu v.v…, ngài đều cực lực bác bỏ những điều tổn hại đến tăng đoàn và cơ đồ Phật giáo này.
Tại chùa Vân Cư, ngài dạy đại chúng vừa lo kiến thiết chùa chiền, vừa lo khai khẩn đất hoang để trồng trọt, sinh sống.
Trước khi viên tịch, ngài dạy đại chúng: “Chánh niệm chánh tâm, trưởng dưỡng tinh thần đại vô úy, độ nhân độ thế. Cần tu giới – định – huệ, tiêu diệt tham sân si”.


Bài ca túi da
Hòa thượng Hư Vân viết bài ca này vào năm mười chín tuổi để lại cho hai người vợ và bỏ nhà ra đi xuất gia tu đạo. Cuộc hôn nhân do ép buộc và ngài không bao giờ gần gũi họ. Về sau, do cảm động về đạo đức của ngài, hai người vợ này đã xuất gia trở thành Tỳ kheo ni.
Bài ca túi da 1, túi da hề!
Trước thuở kiếp không 2, chẳng sắc danh 3,
1. Thân người được ví như cái túi da, ý nói chỉ là hữu hạn.
2. Kiếp không: Đây là một trong bốn kiếp mà thế giới trải qua. Đó là các kiếp thành, kiếp trụ, kiếp hoại, kiếp không, rồi một chu kỳ khác, thành – trụ – hoại – không lại bắt đầu. Đây là thời kỳ thế giới chưa hình thành, vạn vật chưa được sinh ra.
3. Chẳng có hình sắc, chẳng có tên gọi.
Quá Phật Uy – Âm 4 thành ngăn ngại.
4. Phật Uy – Âm: Uy – Âm Pháp Vương là tên chung của vô lượng vị Phật lần lượt xuất hiện theo chu kỳ các đại kiếp. Mỗi lần Phật Uy – Âm trụ thì kiếp đó không có các khổ nạn như nghèo khó, đói kém, ôn dịch, thiên tai v.v…
Ba trăm sáu chục dây gân kết,
Tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông.
Phân tam tài, hợp tứ đại,
Đội trời đạp đất bao khí thế!
Biết nhân quả, biện thời thế,
Quán sát cổ kim chỗ tối tăm.
Bởi gốc mê lầm chấp hư huyễn,
Lụy cha mẹ, luyến vợ con,
Theo vô minh kết thành oan nghiệt.
Bài ca túi da, túi da hề!
Uống rượu ăn thịt, loạn tâm tánh.
Chạy theo dục lạc, thân bại hoại.
Làm quan ỷ thế hiếp đáp dân
Nghề buôn khôn khéo thành gian dối
Phú quý kiêu sa được mấy hồi.
Nghèo khó hiểm nguy phút chốc tới.
Phân biệt ta người, thiếu bình đẳng,
Hại vật, sinh linh, coi cỏ rác.
Nghĩ suy thường nhật tham, sân, si
Đường tà chìm nổi thành tự hoại
Giết hại, trộm cắp, tà dâm, dối
Nghiệp ác mặc tình, tùy sở thích
Ngạo mạn thân hữu phân yêu ghét.
Rủa trời đất, khinh miệt quỷ thần
Chuyện sanh tử mê mờ tai hại
Ra khỏi thân trâu, vào thai ngựa
Đổi hình hài nào ai thương xót
Chẳng tu phước, tạo nhiều bất thiện
Sống cuồng, chết uổng, mãi trôi lăn
Ba nẻo ác, này địa ngục,
Này quỷ, này thú, khổ tột cùng.
Thánh hiền xưa, từng nhắc nhở
Sớm tối chuông ngân động tâm can.
Ác thiện, quả báo phân định rõ,
Cảnh tỉnh thế gian lìa ngũ trược.
Bài ca túi da, túi da hề!
Đã mang hình chẳng vì hình lụy,
Coi đời huyễn, giả danh, đối đãi
Sớm hồi tâm an nhiên tự tại
Chẳng ham danh, chẳng ham lợi
Lìa gia đình, bỏ đời dục lạc
Dứt mọi tình luyến ái vợ con
Vào cửa không, theo Phật giới,
Tìm minh sư, cầu khẩu quyết,
Tham thiền nhập định siêu ba cõi.
Âm thanh, sắc tướng, tắt mọi duyên
Thôi hết đua tranh đời thế tục.
Hàng phục sáu căn bặt nghĩ suy.
Chẳng ta, chẳng người, chẳng phiền não.
Khác người trần than đời chóng vánh.
Áo cốt che thân, ăn khi đói.
Tạm nương nhờ, gìn giữ sắc thân.
Bỏ tài sản, khinh thân mạng
Như đàm, dãi, nhổ không do dự.
Giữ tịnh giới không sơ sót,
Ngọc trắng băng trong, bốn oai nghi 5.
5. Bốn oai nghi: Đi như gió thoảng (gió nhẹ thoảng qua không làm mặt nước gợn sóng); lập như thông (lúc đứng thì thẳng như cây tùng); tọa như chung (lúc ngồi dáng vững chãi như một quả chuông); ngọa như cung (lúc nằm giống như một cây cung).
Mắng không giận, đánh không hận
Nhẫn điều khó nhẫn chẳng bận lòng
Mặc nắng mưa, không gián đoạn
Thủy chung một niệm A Di Đà.
Không hôn trầm, không tán loạn
Xanh như tùng bá giữa trời đông.
Chẳng nghi Phật, không nghi pháp
Thấy, nghe, biết tận điều chân thực.
Xuyên thủng bìa, thấu da trâu 6
6. “Xuyên thủng bìa” và “thấu da trâu” là hai ý đối nhau. “Xuyên thủng bìa” là quán chiếu qua thân, soi chiếu bên trong; “thấu da trâu” có thể hiểu là quán chiếu qua thân mà thấu suốt bản tâm thanh tịnh sẵn có bên trong, cũng có thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ là phá thủng màn vô minh, thấy được chân lý.
Một tâm trong sáng hiện tròn đầy.
Ấy về nguồn! Ấy là giải thoát!
Ấy là thiên chơn, gốc nguyên sơ.
Chẳng phải trống không, chẳng không có.
Thấu lộ linh cơ bao mầu nhiệm.
Đạt cảnh giới đó chẳng oan uổng.
Xong rồi! Nhân gieo nay đã trổ
Mới xứng hùng danh đại trượng phu
Đủ mười danh hiệu Thầy Vạn Đời.
Ô hay! Cũng xác này hư huyễn
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
Thiện ác rõ bày không lầm lẫn.
Cớ sao y giả chẳng nương chân?
Từ thái cực, phân lưỡng nghi
Tâm linh hoạt bát, chuyển càn khôn.
Kiếp xưa tu nay thành vua chúa.
Giàu có sang hèn bởi túc nhân
Đã có sinh, ắt là có tử.
Than thở chi, ai nấy đều hay.
Tiền cho vợ, lộc cho con
Tham sân làm hỏng đời mai hậu.
Đuổi theo danh, cầu được lợi
Uổng phí thời gian mười chín năm.
Muôn ngàn vạn thứ chuyện trái ý,
Đọa đày người thế lắm gian truân.
Cảnh già tới, mắt mờ tóc bạc
Uổng một đời điều thiện chẳng hay.
Ngày lại tháng, tháng lại năm
Luyến tiếc chẳng nguôi năm tháng qua.
Dám hỏi người đời ai sống mãi?
Chi bằng nương tựa bóng từ vân.
Hoặc tại danh sơn, nơi thắng địa
Tiêu dao tự tại bước nhàn du.
Vô thường chớp nhoáng chi đáng kể,
Nghiền ngẫm đôi câu được dặn dò,
Niệm Di Đà, dứt sanh tử.
Khinh 7 khoái trong lòng chẳng giống ai.
7. Khinh: nghĩa là nhẹ.
Học tham thiền, vững tông chỉ
Tinh thần vô hạn chỉ bấy nhiêu.
Trà thanh, cơm đạm, tâm an tịnh
Một niềm vui pháp trọn đêm ngày.
Chẳng ta, chẳng người, chẳng này nọ
Thân, oán, khen, chê, coi bình đẳng.
Không chướng ngại, không xấu hổ.
Phật Tổ một lòng há chuyện chơi?
Thế tôn cắt ái lên núi tuyết,
Quán Âm lìa nhà làm con Phật.
Đời Nghiêu Thuấn có Hứa, Sào
Nghe chuyện nhường ngôi vội rửa tai.
Trương Tử Phòng, Lưu Thành Ý
Cũng bỏ công danh du sơn thủy.
Huống nay mạt kiếp, nhiều gian khổ
Thấy người xưa sao không tỉnh ngộ?
Theo vô minh, tạo thập ác.
Phí tâm cơ rước về tai họa.
Nào nạn đao binh, nào ôn dịch,
Nạn đói chưa hết đến chiến tranh.
Càng quái đản càng nhiều yêu nghiệt.
Động đất, sóng thần, núi lở sụt.
Rủi lâm cảnh huống biết làm sao!
Kiếp xưa tạo ác là như vậy.
Chẳng cho xứng ý lạc đường mê
Gặp khi hoạn nạn khởi tâm lành.
Khởi tâm lành,
Bước vào cửa không, lễ Pháp Vương
Sám hối nghiệp tội tăng thêm phước.
Bái minh sư, cầu ấn chứng
Thoát vòng sanh tử minh tâm tánh,
Khám phá vô thường lại là thường
Đường tu, trong pháp lại có pháp.
Hiền thánh khuyên đời để chữ lại
Ba tạng kinh điển tôn quý thay!
Mấy lời tâm huyết, phơi gan ruột
Dám mong người thế 9 giữ đường ngay.
9. Người thế: người ở thế gian.
Xin đừng coi nhẹ, nên ghi nhớ!
Hết lòng tu, kiến tánh có ngày.
Tu gấp gáp, năng tinh tấn
Gieo giống Bồ Đề là chánh nhân.
Sinh về chín phẩm, Phật chứng giám
Di Đà tiếp dẫn đến Tây phương.
Túi da bỏ lại, siêu thượng thừa.
Bài ca túi da! Xin lắng nghe!

 Video: Trich đoạn 

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Đường Mây trên Đất Hoa 👉  Xem lại

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *