Đường Mây trong Cõi mộng
✍️ Mục lục: Đường Mây trong Cõi mộng
06: Pháp hội cầu Thái Tử
Năm ba mươi sáu tuổi, Ngài kiến lập pháp hội Vô Giá. Xưa kia, thầy Diệu Phong cũng phát nguyện lấy máu viết kinh Hoa Nghiêm như Ngài. Nay, Ngài cùng thầy Diệu Phong đồng phát nguyện kiến lập một đạo tràng viên mãn, gọi là pháp hội Vô Giá (được tổ chức vào mỗi năm, với mục đích ban phát của cải cho người nghèo. Ðây cũng là pháp hội sám hối. Ở Ấn Ðộ, pháp hội Vô Giá thường được nhà vua tổ chức để cúng dường thức ăn cho chư tăng và phân phát đồ đạc cho người nghèo). Trong quyển ‘Lịch Sử Văn Minh Ấn Ðộ’, trang 157, ông Nguyễn Hiến Lê viết: “…Huyền Trang, nhà sư đi thỉnh kinh nổi tiếng nhất của Trung Hoa, bảo rằng vua Harsha cứ năm năm lại tổ chức một đại lễ để bố thí. Ông mời đại diện tất cả tôn giáo, gọi tất cả những người nghèo khổ trong nước lại. Ông có thói quen, trong quốc khố còn chứa bao nhiêu tiền thuế dành dụm từ đại lễ lần trước (nghĩa là năm năm trước), lần này đem ra bố thí hết. Huyền Trang ngạc nhiên thấy biết bao nhiêu vàng bạc, tiền và nữ trang, tơ lụa gấm vóc chất đống trong một khoảng rộng, chung quanh có cả trăm cái lều chứa cả ngàn người. Ba ngày đầu cúng bái, tụng kinh; ngày thứ tư bắt đầu bố thí. Theo lời vị cao tăng đó – có vẻ không tưởng tượng nổi – hàng vạn tăng được cấp thức ăn uống, rồi được tặng mỗi người một viên ngọc trai, y phục, hoa, dầu thơm và trăm đồng tiền. Các tu sĩ Bà La Môn cũng được hậu tặng gần như vậy, rồi tới các tu sĩ Jain, rồi tới các giáo phái khác, sau cùng tới lượt các người nghèo không theo một tôn giáo nào, những trẻ mồ côi trong nước. Có khi bố thí tới ba bốn tháng mới hết. Sau cùng chính nhà vua Harsha cởi hết y phục rực rỡ, lột hết vàng bạc châu báu đeo trong mình để phân phát.”
Pháp hội này trở nên thịnh hành tại Tàu kể từ đời vua Lương Võ Ðế. Pháp hội Vô Giá thường bị hiểu lầm là pháp hội cúng Mông Sơn Thí Thực. Có thể pháp hội Vô Giá gần như giống pháp hội Thủy Lục, vì khi chuyển đổi để cầu nguyện Thái Tử thì pháp hội Vô Giá trở thành pháp hội Thủy Lục. Sau khi thầy Diệu Phong đi hóa duyên tiền bạc và lương thực đầy đủ, năm trăm đại đức danh tăng từ Bắc Kinh được thỉnh đến núi Ngũ Ðài. Những việc cần thiết đã được chuẩn bị, sắp đặt đầy đủ tại đạo tràng. Ngay khi đó, hoàng đế sai quan thỉnh các đạo sĩ tại núi Võ Ðang làm lễ cầu thái tử. Lý thái hậu cũng sai quan triều đình đến núi Ngũ Ðài, yêu cầu chư tăng làm lễ cầu Thái Tử.
Tại chùa, Ngài suy nghĩ rằng giữa những lễ nghi, làm Phật sự để cầu quốc thái dân an thì việc cầu Thái tử nối tiếp ngôi vua là quan trọng nhất. Thế nên, thay vì tổ chức pháp hội Vô Giá (pháp hội sám hối của các tỳ kheo và cũng là pháp hội bố thí thức ăn tiền bạc cho người nghèo) đã được xếp đặt hoàn tất, Ngài đổi ngược lại thành pháp hội cầu nguyện chư Phật ban cho hoàng đế một thái tử để nối ngôi.
Thầy Diệu Phong không hề hiểu ý Ngài. Lý thái hậu phái quan mật sử đến bàn chuyện với Ngài. Ðương thời, quyền hành đã nằm hết trong tay hoàng đế. Tuy là người của Lý thái hậu, nhưng quan mật sử lại không dám làm trái ý của hoàng đế vì sợ sau này sẽ liên lụy tánh mạng. Do đó, đến núi Ngũ Ðài, quan mật sử bàn với Ngài rằng hãy lập đàn tràng pháp hội cầu thái tử cho qua loa thôi, chớ nên tổ chức rườm rà. Ngài biết rõ hoàng đế không có ý ủng hộ Phật pháp, nên công việc hoằng dương chánh pháp sau này chắc sẽ bị cản trở.
Ngược lại, Lý thái hậu vốn là Phật tử thuần thành. Bà đã từng dựng chùa lập tháp tại hoàng cung, nên Ngài có ấn tượng tốt đối với bà. Vì vậy, Ngài nhất quyết không nghe lời phân bua của quan mật sử.
Ðương thời, thế lực Minh triều suy vi, nhân dân thường khởi nghĩa. Lúc pháp hội Vô Giá chưa khai mở, quân phiến loạn chống triều đình tại Giang Nam thường vào núi Ngũ Ðài. Trong triều nội, những quan lại ganh ghét Lý thái hậu và Ngài, lấy lý do đó để phản đối pháp hội Vô Giá. Song, vì Ngài hết sức kiên quyết, nên pháp hội Vô Giá vẫn được chuẩn bị. Năm đó, sửa chữa tháp viện hoàn tất xong, Ngài đặt kinh Hoa Nghiêm do chính Ngài viết bằng máu và bài phát nguyện để vào trong đó. Ngài góp nhặt tạng kinh Hoa Nghiêm Thế Giới Chuyển Luân và tất cả kinh điển dùng để tụng đọc trong chùa cùng những pháp khí trong dịp cử hành pháp hội, như pháp cụ, vật tế, pháp khí. Thầy Diệu Phong đang ở tại Bắc Kinh để cung thỉnh năm trăm vị danh tăng. Trong chín mươi ngày đêm Ngài không chợp mắt vì chuẩn bị những pháp khí, kinh điển cho pháp hội. Theo đúng thời hạn, đến tháng Mười, thầy Diệu Phong hướng dẫn hơn năm trăm vị cao tăng từ Bắc Kinh đến Ngũ Ðài.
Như thế, tập họp chúng tăng ở núi và ở kinh đô lại khoảng hơn một ngàn vị.
Ngài cung cấp chỗ ăn nơi ở đầy đủ, không thiếu thốn lộn xộn. Chư khách tăng lấy làm ngạc nhiên vì không biết những nơi ăn chỗ ở này từ đâu mà có đủ. Pháp hội Thủy-Lục-Không kéo dài liên tục trong bảy ngày đêm. Vào thời gian đó, tuy không ăn một hạt cơm mà chỉ uống nước, nhưng Ngài vẫn lo lắng chu toàn pháp hội. Mỗi ngày thay đổi hoán chuyển thức ăn cúng dường chư Phật chư Bồ Tát hơn năm trăm bàn mà không thiếu thốn sai chạy. Người đến xem và tham dự rất ngạc nhiên, nghĩ tưởng những đồ vật cúng dường như thế không biết từ đâu ra, chắc là do thần thông mà có. Tuy nhiên, Ngài biết rõ, mọi việc đều do chư Phật chư Bồ Tát gia hộ hết.
*Lời chú giải của Phước Chưng*:
Một bên, hoàng đế sai quan triều đến núi Võ Ðang để mời các đạo sĩ cầu Trịnh Quí Phi sanh thái tử. Một bên, Lý thái hậu gởi quan nội sử đến núi Ngũ Ðài, thỉnh tăng chúng làm lễ, cầu nguyện Vương Cung Phi sanh thái tử (Theo phong tục, dầu cung phi hay quý phi, ai sanh thái tử trước thì sẽ làm hoàng thái hậu sau này). Như thế, chứng minh hoàng đế và Lý thái hậu tin tưởng khác tôn giáo và khác sự mong cầu. Quan nội sử được Lý thái hậu sai đến núi Ngũ Ðài. Vì sợ liên lụy và không muốn làm nghịch lòng hoàng đế, ông ta không trung thành với Lý thái hậu, nên khuyên Ngài hãy làm lễ đơn sơ thôi. Ðối với Diệu Phong, thầy không hiểu vì lý do gì mà việc cầu thái tử lại xảy ra trong pháp hội Vô Giá. Ngài Hám Sơn giữ vững lập trường trong việc cầu thái tử, vị hoàng đế tương lai cho quốc gia, là quan trọng hơn hết. Cá nhân, trong chín mươi ngày đêm không chợp mắt, Ngài chuẩn bị sửa soạn kinh điển, pháp khí cho pháp hội. Trong bảy ngày của pháp hội, Ngài không ăn một hạt cơm nào, chỉ uống nước lã. Mọi Phật sự gồm có cúng dường hơn năm trăm bàn thức ăn mỗi ngày, không thể làm được nếu không có sự gia bị của chư Phật và trí huệ sáng suốt của Ngài. Sau này, khi việc rắc rối xảy ra tại triều đình, hoàng đế bảo: “Cả triều đình đều theo tăng sĩ. Riêng một mình ta, theo đạo sĩ.” (Câu này nói tóm gọn chuyện cầu thái tử tại núi Võ Ðang và núi Ngũ Ðài.)
Sau khi pháp hội Vô Giá hoàn tất, danh tiếng của Ngài vang lừng khắp nơi. Khách thập phương lũ lượt đến viếng núi Ngũ Ðài. Thấy thời cơ hoằng pháp đã đến, Ngài đăng đàn giảng kinh. Năm 1572, Ngài giảng Hoa Nghiêm Huyền Ðàm (do quốc sư Thanh Lương chú giải). Mỗi ngày, có hàng ngàn người đến nghe giảng kinh thuyết pháp. Con số này nhiều hơn số người tham dự pháp hội Vô Giá. Vì ngưỡng mộ danh đức của Ngài và núi Ngũ Ðài, tổng cộng có trên trăm ngàn tăng tục đến nghe thuyết pháp, khiến khí thế của đạo tràng Ngũ Ðài cực thạnh. Trong sử Phật giáo, ít có những pháp hội hy hữu này. Trong một trăm ngày, tăng chúng và cư sĩ nhóm họp đông đảo để nghe giảng kinh. Hằng ngày, phải cung cấp thức ăn cho hơn mười ngàn người đến nghe giảng kinh. Lúc thọ trai, mọi người rất theo thứ tự. Trong những buổi giảng kinh, không nghe những tiếng ồn náo. Mọi việc đều do Ngài xếp đặt và quản lý. Không ai biết làm sao Ngài tổ chức được như thế. Mọi khí lực Ngài đều dồn vào pháp hội giảng kinh. Sau khi pháp hội giảng kinh Hoa Nghiêm chấm dứt, mọi người đều trở về quê quán. Tiền tín thí cúng dường được hơn mười ngàn đồng. Số tiền này được sung vào công quỹ thường trụ để trang trải cho chi phí của pháp hội.
Năm đó, vào tháng Tám, Vương cung phi hạ sanh thái tử Chu Thường Lạc, tức vua Quang Tông sau này (Lý thái hậu rất cảm kích chư tăng tại núi Ngũ Ðài về việc tổ chức pháp hội cầu thái tử thành công viên mãn.) Theo sử triều Minh, sau khi hoàng đế đến khuê phòng, Vương cung phi liền mang thai, nhưng hoàng đế lại cố tình không chấp nhận. Lý thái hậu nhắc lại ngày giờ mà hoàng đế đến đó và khuyên ông hãy chấp nhận việc Vương cung phi mang thai. Vì thế, hoàng đế mới chính thức nhìn nhận Chu Thường Lạc vào tháng Tư âm lịch năm 1582.
Ngài đến chùa Trung Phong, phía tây Bắc Kinh, trông nom việc khắc bản Trung Phong Quảng Lục. Mùa đông, Ngài làm lễ Thủy Lục tại thạch thất.
Năm ba mươi tám tuổi, vào tháng giêng, đàn tràng Thủy Lục được chấm dứt. Do được nổi tiếng vì pháp hội cầu thái tử được kết quả như ý, nên danh tiếng núi Ngũ Ðài vang dội khắp nơi. Bên trong triều nội, ai ai cũng biết đến danh Ngài cùng núi Ngũ Ðài. Bên ngoài, quần chúng Phật tử cũng đều nghe danh Ngài. Tám năm trú tại núi Ngũ Ðài, Ngài tu hành, khai ngộ, thành thục, thậm chí đạt đến đỉnh cao danh vọng.
Biết rõ thanh danh thường làm chướng ngại cho việc tu hành, và nhận thấy rằng khó lòng ở dài lâu tại Ngũ Ðài, nên Ngài qua Ðông Hải ẩn cư. Từ đó, Ngài chính thức bỏ hiệu Trừng Ấn mà dùng pháp hiệu Hám Sơn. Chỉ mang một bình bát, Ngài cùng thầy Diệu Phong bắt đầu cuộc hành trình dài dẳng.
Thầy Diệu Phong đến Lô Nha, còn Ngài vì bị bịnh nên qua Chân Ðịnh, Chướng Thạch Nham để điều dưỡng. Khi đó, Ngài viết kệ:
“Vót núi dựa bầu trời,
Mặt trời bị che khuất
Vách núi cắt đường lộ
Chỉ còn cây thang bay.”
Khi xưa, chùa Báo Ân bị cháy, Ngài đã từng phát nguyện trùng hưng lại.
Trong tám năm trú tại Ngũ Ðài, Ngài có rất nhiều cơ hội để thực hiện. Vì sợ nếu đi chỗ xa xôi sẽ bỏ lỡ cơ hội, nên Ngài quyết định ẩn cư tại Ðông Hải.
Ngày tám tháng Tư, Ngài đến núi Lao Sơn. Trước khi chia tay, thầy Diệu Phong bảo đệ tử là Ðức Tông, đi theo Ngài làm thị giả vì sợ Ngài bịnh hoạn, không thể đi một mình. Ngài liền chấp thuận. Nơi đó, Ngài bắt đầu duyệt sớ sao kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương. Một hôm, Ngài duyệt đến phẩm Bồ Tát Trụ Xứ: “Nơi Ðông Hải có một chỗ gọi là động Na La Diên. Từ
xưa đến nay, chư Bồ Tát thường đến trụ nơi đó.”
Sớ sao kinh Hoa Nghiêm của quốc sư Thanh Lương viết: “Na La Diên là tiếng Phạn, dịch thành Kiên Lao, tức núi Lao Sơn tại Ðông Hải.”
Theo quyển Ngu Cống, Thanh Châu, Ðăng Lai Cảnh thì hang này nằm khoảng giữa Ðăng Châu và Lai Châu trong huyện Thanh Châu.
Vì có lòng mong muốn, Ngài tìm đến Lao Sơn (Xưa kia, Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Ðế, vì muốn tìm thuốc tiên, nên đã từng đến Lao Sơn. Ðường Huyền Tông cũng đã từng phái người đến tìm thuốc tiên. Ðồng thời, từ đời Tống, Nguyên về sau, Lao Sơn là danh sơn của Ðạo giáo. Những đạo sĩ trứ danh như Khưu Xứ Cơ, Trương Tam Phong đã từng đến đó tu đạo). Quả nhiên, Ngài tìm gặp không khó, nhưng không thể cư ngụ. Kế tiếp, Ngài đi vào núi, hướng về phía Nam, đến nơi thâm sơn cùng cốc; nơi đó, sau lưng là những dãy núi bao quanh, trước mặt là biển cả. Thật là một vùng đất kỳ dị tuyệt diệu, có thể không phải là chỗ của người thế gian. Vùng này có một ngôi chùa được gọi là chùa Quán Âm, nhưng nay chỉ còn nền móng.
Xem xét, Ngài khám phá rằng trong những năm đầu đời Nguyên (1280- 1341), bảy ông đạo sĩ, giả dạng dựa tên vua Thế Tổ, chuyển đổi chùa Phật giáo thành đền miếu Ðạo giáo. Lúc vua Thế Tổ trở về sau cuộc lưu đày, chư Tăng dâng sớ thỉnh cầu nên núi Lao Sơn được trả trở lại cho tăng sĩ. Núi Lao Sơn không ai lo chăm sóc vì bị bờ biển cách biệt. Do đó, ngôi chùa Quán Âm bị bỏ hoang phế. Vì thích chỗ ẩn cư tuyệt thế, Ngài quyết định ở lại. Ðầu tiên, Ngài dùng chiếu làm màn che bên dưới gốc cây. Bảy tháng sau, cư sĩ Trương Ðại Tâm cùng dân địa phương đến giúp Ngài xây một căn chòi lá. Ngài ở đó với tâm an lạc hơn một năm mà không vãng lai kết bạn với ai. Khi ấy, pháp sư Quế Phong, trụ trì chùa Linh Sơn ở Tức Mặc, là bậc pháp nhãn trong vùng, thường đến đàm đạo với Ngài.
*Lời bàn của Phước Chưng*:
Trú tại núi Ngũ Ðài và thường lui tới kinh thành, mục đích chính yếu của Ngài là tìm cách dựa vào sự giúp đỡ của hoàng triều để trùng hưng lại chùa Báo Ân. Làm mọi Phật sự tại núi Ngũ Ðài, Ngài đều nhắm vào mục đích đó.
Núi Ngũ Ðài trở nên danh tiếng vì pháp hội cầu Thái Tử cho triều đình được như ý. Hơn nữa, vì làm hoàng đế và các quan nội sử buồn bực, nên danh tiếng của núi lại càng vang xa thêm. Ðấy là lý do tại sao nơi này và những vùng kế cận Ngài Hám Sơn không thể ở lại được. Chỉ còn một cách giải quyết là Ngài phải đến vùng hẻo lánh, tức núi Lao Sơn ở Ðông Hải.
Năm Ngài ba mươi chín tuổi. Vào tháng chín, vì tri ân chư Phật ban cho một thái tử, qua pháp hội cầu nguyện Thủy Lục tại núi Ngũ Ðài mà chủ chốt là Ngài, thầy Diệu Phong và ngài Ðại Phương, nên Lý thái hậu thỉnh mời cả ba ngài lên Bắc Kinh thọ nhận tặng phẩm. Thầy Diệu Phong và Ðại Phương lên kinh đô để nhận lễ lộc. Tuy nhiên, Lý thái hậu không thể kiếm gặp Ngài. Do đó, thái hậu nhờ thầy Ðoan Yêm, trụ trì chùa Long Hoa, đi tìm Ngài. Biết Ngài đang trú tại bờ bể vùng Ðông Hải, nên thầy Ðoan Yêm chống gậy tìm đến thăm viếng. Thầy nói rõ việc Lý thái hậu muốn tưởng thưởng, nhưng Ngài tỏ lòng chân thành cám ơn, nói: “Nay mong nhờ Thánh ân, được sơn hải cằn cỗi này là đã mãn nguyện lắm rồi. Tôi không dám thọ lãnh phần thưởng.”
Thầy Ðoan Yêm chuyển lời thỉnh cầu của Ngài cho Lý thái hậu, nhưng bà không vui, nên quyết định xây một ngôi tự viện tại Tây Sơn, để thỉnh Ngài đến đó trụ trì. Một vị quan nội sử lại đến, ép thọ nhận nhưng Ngài từ chối. Quan nội sử trở về thuật lại việc Ngài đã quyết chí tu hành ở núi Lao Sơn cho Lý thái hậu nghe. Lý thái hậu bỏ qua việc này và vì nghe Ngài không có phòng xá để ở, nên cúng dường ba ngàn lạng vàng cho Ngài để sửa chữa chùa Quán Âm tại núi Lao Sơn. Khi quan triều đình mang vàng đến, Ngài liền từ chối, bảo: “Tôi có vài căn chòi lá, đủ để tu hành an ổn rồi. Sao còn tạo duyên chi nữa.” Quan sứ giả kiên quyết, bảo rằng không dám đem lời của Ngài thuật lại cho Lý thái hậu nghe. Ngài bảo: “Theo ý của bần tăng, năm nay dân chúng tỉnh Sơn Ðông đang bị đói khát vì thiên tai hoạn nạn. Sao không dùng danh nghĩa của Lý thái hậu để cứu tế dân nghèo đói, hầu mong Thánh Mẫu tích đức
dài lâu, khiến dân chúng kính phục?”
Những lời này khiến cho quan nội sử rất khâm phục tâm lượng của Ngài không đắm nhiễm danh lợi, chỉ an bần thủ đạo, khắc khổ tu hành. Vì vậy, sứ giả triều đình đến các phủ lý, dùng món tiền đó để cúng dường cho chư tăng, giúp đỡ cô nhi quả phụ, người già bịnh tật, và tù nhân, cùng cứu tế dân chúng đói khổ vì nạn hạn hán. Quyển sổ ghi chi phí tiền bạc bố thí cúng dường được đưa về tận tay Lý thái hậu. Xem qua, bà rất vui mừng và cảm động. Sau này, khi bị phán quan làm rắc rối về việc “lạm dụng tài sản triều đình”, Ngài liền bảo phán quan rằng hãy xem lại quyển sổ kiểm kê tài vật của triều đình. Khi tìm thấy chỉ có một phần tài sản triều đình được dùng vào việc cứu tế nạn đói, thì hoàng đế mới thấy rõ sự tố cáo giả dối của kẻ gian đối với Ngài.
*Lời bàn của Phước Chưng*:
Tiền “ngân khoản triều đình”, thật ra không được trả trực tiếp từ ngân quỹ triều đình. Số tiền này gồm có khoản tiền dành dụm từ tiền chi phí thức ăn cho Lý thái hậu và các cung phi trong triều đình. Những chi phí này được giảm bớt để cung cấp vào ngân khoản xây dựng, trùng tu lại chùa Báo Ân. Việc này không liên hệ gì với số vàng mà Lý thái hậu định cúng dường cho Ngài. Tựu chung đây chỉ là mưu kế của triều đình lập ra để bắt tội Ngài.
Người địa phương xưa nay chẳng biết đến Tam Bảo. Ngài sống ở vùng núi, nơi bộ tộc họ Hoàng là lớn nhất. Họ từ từ đến gần gũi thân cận Ngài. Bộ tộc này, khi đó có tên là ngoại đạo La Thanh (biến thái của Ðạo giáo). Họ là người Thành Dương, tức nơi sanh trưởng, trước khi đổ dồn về miền đông, tuyệt chẳng biết đến ngôi Tam Bảo (Phật Pháp Tăng). Ngài trú nơi đó, dần dần dùng phương tiện nhiếp thọ giáo hóa họ. Chẳng bao lâu, các vị sư trưởng của họ dẫn dắt họ đến quy y với Ngài. Từ đó, họ bắt đầu biết đến Phật Pháp.
Trong những năm đầu khai quốc của Minh triều, Minh Thái Tổ và Minh
Thành Tổ vì muốn chấn hưng Phật giáo, nên ra lệnh khắc ấn Ðại Tạng Kinh, nhưng sau này dần dần những bản kinh này hầu như bị thất lạc hết. Ðến đời Minh Thần Tông, Lý thái hậu ra lệnh cho in khắc lại Ðại Tạng Kinh, cộng thành năm mươi bộ. Khi in xong, Ðại Tạng Kinh được phân phát đến nhiều tự viện. Hoàng đế ra lịnh ban mười lăm bộ Ðại Tạng Kinh cho mười lăm ngôi tự viện danh tiếng trong toàn nước. Bốn bộ Ðại Tạng Kinh được gởi đến bốn vùng biên địa: Núi Lao Sơn ở Ðông Hải, núi Phổ Ðà ở Nam Hải, núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, núi Lô Nha ở miền Bắc.
Do nhớ nhân duyên (pháp hội cầu thái tử) ở núi Ngũ Ðài và vì Ngài liên tiếp từ chối đến Bắc Kinh để nhận lễ vật, Lý thái hậu gởi một bộ Ðại Tạng Kinh đến Ðông Hải. Vì Ngài không biết việc này nên khi Ðại Tạng Kinh được gởi đến, không có chỗ để chứa. Do đó, Ðại Tạng Kinh được giữ tại dinh phủ của quan huyện. Vì dùng danh nghĩa lập nơi cất chứa Ðại Tạng Kinh, Lý thái hậu ra lịnh cho xây cất chùa viện nơi đó, khiến Ngài không còn cách khước từ. Do thọ nhận ân huệ của Lý thái hậu, giúp đỡ kiến lập tự viện, và do không thể thái quá bỏ qua thế tình, nên Ngài tự thân vào kinh đô để cảm tạ ân của bà. Nhân dịp đó, Lý thái hậu cũng ra lịnh cho các cung phi cúng dường tiền xây chùa cất chứa Ðại Tạng Kinh. Bà ra lịnh đặt tên cho chùa tại Ðông Hải là Hải Ấn.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet