Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương V: Các Bộ môn Huyền thuật khác
Ngoài những bộ môn huyền thuật mà tôi đã đề cập ở chương trước, còn có nhiều phương pháp tu luyện lạ lùng, vượt xa tầm hiểu biết của một người bình thường mà tôi đã đích thân chứng kiến như sau:
Khinh công (lunggom) là một phương pháp phối hợp sự định tâm và hô hấp để nhằm vào mục đích là di chuyển thật nhanh trên đường trường.
Người luyện khinh công có thể đi rất nhanh, chạy một lúc cả trăm cây số mà không cần nghỉ ngơi hay ăn uống chi cả. Tôi đã nghe nói đến phương pháp này từ lâu nhưng không lấy gì làm tin tưởng cho lắm. Tôi vẫn nghĩ rằng một người dù mạnh khỏe đến đâu cũng chỉ có thể chạy nhanh hơn người thường ở một mức độ nào đó thôi. Việc một người chạy nhanh hơn ngựa, di chuyển cả trăm cây số, bất chấp địa thế bằng phẳng hay những mỏm đá cheo leo chỉ có thể xảy ra trong trí tưởng của một dân tộc bán khai, không có căn bản về khoa học như dân Tây Tạng, về sau tôi mới biết rằng mình đã lầm.
Khinh công được đề cập rất nhiều trong các truyền thuyết Tây Tạng. Cuốn tiểu sử của Milarepa cũng kể rằng khi ông này theo học nghệ thuật tạo các trận mưa đá với một đạo sĩ huyền môn thì một người bạn của ông cũng theo học về khinh công. Người này không những chạy nhanh hơn ngựa mà còn có thể leo lên những vách núi dựng đứng nhanh hơn cả loài vượn. Khi Milarepa bị dân làng săn đuổi, chính người bạn này đã giả dạng ông rồi thách thức mọi người đuổi theo mà không ai có thể đuổi kịp. Sau đó Milarepa cũng luyện phương pháp này và có thể di chuyển qua những vùng rừng núi hoang vu trong vài giờ, trong khi một người bình thường phải mất cả tháng. Ông nói rằng nhờ biết cách “kiểm soát và mang hơi thở vào bên trong” mà ông có thể đi nhanh như vậy.
Tôi đã thấy nhiều người tập luyện về khinh công nhưng chưa thấy ai thành công cho đến khi gặp một nhà sư sử dụng khinh công tại bình nguyên Chang Thang, phía bắc Tây Tạng. Hôm đó, chúng tôi đang cưỡi ngựa thong thả trên một cánh đồng cỏ rộng bao la thì thấy một chấm đen di chuyển trước mắt. Tôi rút ống nhòm ra quan sát và ngạc nhiên khi thấy đó là một nhà sư đang đi bộ. Bình nguyên Chang Thang rất rộng lớn, nếu không có người hướng đạo thông thuộc đường thì rất dễ lạc. Ngay cả những đoàn thương nhân còn bị lạc, thế mà giữa chốn hoang vu bao la này lại có một người một mình đi bộ thì quả hết sức lạ lùng.
Một người tùy tùng của tôi cho rằng có lẽ người đó thuộc một đoàn thương nhân bị cướp chặn đánh nên lạc đoàn, bơ vơ một mình trên đồng vắng. Tôi cũng nghĩ như thế nên thúc ngựa tiến về phía người đó, hy vọng có thể giúp đỡ – như đưa họ đến một làng mạc gần đó. Khi đến gần tôi mới thấy người đó di chuyển với một vận tốc rất nhanh, hai chân cứ thoăn thoắt lướt qua những lùm cây ngọn cỏ. Đến lúc đó người tùy tùng của tôi mới kêu lớn:
– Đó là một đạo sĩ khinh công.
Vừa nghe thấy vậy tôi giật mình rút ống nhòm ra quan sát thật kỹ. Quả thế, người đó đang lao đi với một vận tốc rất nhanh, vun vút trên cánh đồng cỏ. Quả là dịp may hiếm có được chứng kiến một bộ môn mà tôi đã nghe nói đến nhiều lần nhưng vẫn còn bán tín bán nghi. Càng đến gần, tôi càng thấy lời đồn quả không sai chút nào. Đó là một nhà sư mặc y phục màu đỏ, thân hình lực lưỡng, trên vai đeo một cái túi lớn. Ông ta ngửa mặt nhìn lên trời, hai mắt chăm chú như tập trung vào một điểm nào đó trên không. Hai chân ông thoăn thoắt bước đi đều đặn. Hình như ông đi mà chân không đụng đất, thân hình cứ vun vút lao tới trước. Tôi muốn đến gần để chụp một tấm ảnh nên giục ngựa xông đến chặn đường, nhưng người tùy tùng của tôi đã ngăn lại:
– Khoan đã. Xin bà đừng chặn đường hay nói gì với ông ta vì ông ta có thể chết tức khắc. Trong lúc di chuyển như vậy, ông ta phải tập trung tư tưởng vào hơi thở, nếu loạn động hơi thở dù một chỉ một giây khắc, ông ta sẽ bị tẩu hỏa nhập ma và chết ngay.
Tôi ngần ngừ nhưng nghĩ người tùy tùng của tôi có thể có lý nên dừng ngựa lại. Về sau, tôi được giải thích rằng khi di chuyển, người sử dụng khinh công đã áp dụng một công phu giống như nhập định, tập trung tư tưởng vào những bài thần chú hay khẩu quyết về hơi thở.
Nếu bất thình lình hơi thở bị tán loạn, họ sẽ gặp nguy hiểm ngay, nếu không chết thì nội tạng cũng bị thương tổn rất nặng.
Khi người đó đi ngang chỗ chúng tôi đứng, tôi thấy rõ khuôn mặt ông ta có vẻ hết lạnh lùng, thản nhiên như không có cảm xúc nào. Hai mắt ông ta nhìn lên trên trời như đang tập trung vào một vì tinh tú nào đó. Thân thể ông nhẹ như một trái banh cao su, mỗi lần bước đi thì cả thân hình đều như bay bổng và lướt trên không trung. Một tay ông nắm chặt lấy vạt áo choàng, tay kia xách một chiếc túi bằng vải nâu. Gió thổi làm tà áo phất phới để lộ con dao phurba ngắn đeo bên hông. Toàn thân ông di chuyển hết sức nhịp nhàng, mỗi cử chỉ đều ăn rập với nhau. Đoàn tùy tùng của tôi vội vã bỏ ngựa quỳ mọp cả xuống đất nhưng ông này dường như không hề chú ý đến chúng tôi mà vẫn tiếp tục đi. Chỉ một thoáng giây sau ông đã vượt qua chỗ chúng tôi một khoảng cách rất xa. Tôi lập tức giục ngựa chạy theo, hy vọng có thể nói chuyện khi ông ta dừng chân nghỉ ngơi. Mặc dù ngựa phi nước đại nhưng khoảng cách giữa chúng tôi và vị sư khinh công mỗi lúc một xa. Con tuấn mã đã sải hết vó, thở hồng hộc trong khi vị sư kia vẫn thản nhiên, chân bước nhẹ nhàng đều đặn, thế mà chúng tôi vẫn không sao bắt kịp, khoảng ba cây số sau thì ông chỉ còn là một cái chấm đen mờ mất hút nơi chân trời xa thẳm.
Phải mất hơn một tuần lễ chúng tôi mới đến Thebgyai, một ngôi làng nằm trên trục giao thông giữa Tsang và Utsang. Khi tôi kể cho người xã trưởng về việc gặp một nhà sư đi bộ trên bình nguyên Chang Tang thì ông này xác nhận đã thấy một nhà sư hình dáng tương tự đi ngang qua làng đó khoảng năm hôm trước. Nếu đúng như vậy, có lẽ nhà sư đó phải đi cả ngày lẫn đêm, không ngưng nghỉ mới có thể đến Thebgyai nhanh đến vậy.
Người xã trưởng đoán rằng có lẽ nhà sư đó đi về Shalu Gompa, một tu viện
nổi tiếng về phương pháp huấn luyện khinh công tại xứ Tsang. Lịch sử tu
viện này cũng rất đặc biệt mà tôi đã được nghe kể như sau:
Vào khoảng thế kỷ 11, các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng thường có hai khuynh hướng: một số nghiêng về lý thuyết, nghiên cứu từ chương kinh điển để lý luận và giảng dạy, chỉ học chứ ít chịu tu thân; một nhóm khác lại thích tu học các giáo lý mật truyền, thường tìm vào rừng sâu núi thẳm ẩn tu.
Có hai vị Lạt Ma nổi tiếng tiêu biểu cho hai khuynh hướng trên là Yungton Dorjee Pal và Buston.
Lạt Ma Yungton là truyền nhân của ông Tu Bồ Đề (Subhuti), một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca chuyên tu về lý Không. Lạt Ma Yungton nổi tiếng về huyền thuật và các phương pháp bí truyền mà chỉ những người quán triệt sâu xa về lý Không mới có thể đạt được.
Lạt Ma Buston là một học giả uyên bác xuất thân từ đại học Shigatse, ông đã phiên dịch rất nhiều kinh điển từ tiếng Phạn ra Tạng ngữ, đồng thời cũng là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử giá trị. Ngày nay, hầu hết các công trình nghiên cứu về sử liệu của Tây Tạng đều ít nhiều dựa trên các tài liệu của ông này.
Theo truyền thuyết, khi đó có một loài ác quỷ hết sức hung dữ, thường xuất hiện tác oai tác quái, giết hại dân lành nên Lạt Ma Yungton quyết định lập một đàn tràng để trừ yêu. Nguyên tắc của đàn tràng dubthab này là đặt quỷ vương dưới sự kiểm soát của vị Lạt Ma chủ đàn, bắt quỷ vương phải hứa sẽ không giết hại bất cứ sinh mạng nào trong thời gian 12 năm, nếu quỷ vương chấp thuận thì sẽ được hưởng các đồ vật cúng lễ, hàng ngày được hương khói thờ phụng. Việc thực hiện đàn tràng đòi hỏi vị Lạt Ma chủ đàn phải là người đạo hạnh thâm sâu và cao tay ấn vì việc tranh đấu với các động lực vô hình không phải dễ dàng. Đối với các bậc học giả chú trọng về lý thuyết từ chương thì việc thiết lập đàn tràng trừ yêu chỉ là một hình thức mê tín dị đoan, và một cơ hội để họ có dịp chỉ trích khuynh hướng huyền thuật của nhóm kia. Một số học giả, trong đó có cả Lạt Ma Buston, đã kéo đến tu viện Shalu nơi Lạt Ma Yungton lập đàn để “xem xét” nghi thức trừ yêu quái này.
Lạt Ma Buston và các tăng sĩ ngồi quan sát được một lúc thì Lạt Ma Yungton lẩm bẩm đọc chú triệu quỷ vương về. Giữa làn khói hương nghi ngút, chúa quỷ Shinjed thình lình xuất hiện dưới một hình dạng ghê gớm, há miệng nhe răng, gầm rú dữ dội. Trông thấy thái độ hốt hoảng của những người đến chứng kiến, Lạt Ma Yungton tuyên bố:
– Chúa quỷ Shinjed chê những lễ vật mà ta dâng cúng và đòi phải có bộ óc của một vị Lạt Ma tu hành công phu nhiều năm thì mới chịu. Vậy trong các ông có người nào chịu hy sinh thân mạng mình hiến cho loài quỷ để mang lại lợi ích cho chúng sinh không?
Nghe như vậy, các Lạt Ma học giả vội từ chối ngay, họ viện đủ lý lẽ như chưa đủ công phu tu hành, phải sống để hướng dẫn tín đồ, dạy dỗ các tăng sĩ v.v… Lạt Ma Yungton cười lớn:
– Thì ra công phu tu tập thiên kinh vạn quyển của các ông chỉ như thế thôi, các ông đọc kinh sách lầu thông, có thể trích dẫn từng câu văn, hay lý luận về việc chẻ sợi tóc ra làm tư nhưng đến khi thực hành thì lại không áp dụng được việc gì lợi ích cho chúng sinh.
Các vị Lạt Ma bèn nhao nhao phản đối và chất vấn tại sao Lạt Ma Yungton không lấy chính bộ óc của mình hiến cho chúa quỷ mà lại kêu gọi người khác. Lạt Ma Yungton chấp nhận ngay lời đề nghị đó:
– Được lắm, để ta lấy bộ óc của ta hiến cho chúa quỷ, nhưng dám hỏi trong các ông có ai dám lấy búa bổ sọ ta ra dâng cho quỷ hay không?
Các vị Lạt Ma học giả cũng từ chối, viện lẽ họ giữ giới không sát sinh, dĩ nhiên không thể bổ sọ người khác hay dính dáng vào những việc đó được. Yungton bèn quát lớn:
– Nếu không muốn dính dáng thì các ngươi đứng đó làm gì? Mau cút đi chỗ khác!
Trong khi các vị Lạt Ma kéo nhau bỏ đi thì Lạt Ma Buston suy luận rằng Yungton quả là người biết các phương pháp trừ yêu quái, diệt tà ma.
Nếu ông này hy sinh thân mình cho quỷ thì đâu còn ai biết cách trừ quỷ nữa. Vì phương pháp này chỉ hiệu nghiệm trong vòng 12 năm, sau đó dĩ nhiên loài quỷ sẽ tiếp tục tác oai tác quái thì lấy ai trừ quỷ đây? Lòng từ bi thương xót chúng sinh nổi lên khiến ông thành tâm phát nguyện “Nếu chúa quỷ đòi phải có bộ óc của một vị Lạt Ma để ngưng không giết hại chúng sinh trong vòng 12 năm thì tôi sẵn sàng hy sinh thân thể mình vị lợi ích của muôn loài chúng sinh”. Ông bèn bước vào giữa đàn tình nguyện dâng hiến bộ óc của mình. Lạt Ma Yungton khen ngợi:
– Hay lắm, ít ra cũng có một người biết phát tâm từ bi như thế, nhưng thật ra ta chỉ thử thách các ngươi thôi. Việc thực hành nghi thức hôm nay đã xong rồi, chúa quỷ hứa sẽ không giết hại bất cứ một sinh mạng nào nữa. Hiện nay ta chỉ cần một người thay ta tiếp tục truyền thống lập đàn trừ yêu quái cho mai hậu, một người đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn cho dòng tu của ta. Ông có dám đảm nhận trách nhiệm này không?
Lạt Ma Buston hăng hái nhận lãnh trách nhiệm Lạt Ma Yungton giao phó. Ông này liền phất tay áo, tức thì có mười hai đám mây trắng bay thẳng vào miệng của chúa quỷ Shinjed và quỷ vương liền biến mất.
Theo truyền thuyết, chúa quỷ Shinjed đã phân thân ra làm mười hai phần, mỗi phần được cất giữ tại một tu viện đã được chỉ định trước rải rác khắp Tây Tạng. Mỗi khi đến ngày thiết lập đàn tràng, các tăng sĩ của tu viện Shalu hoặc các tu viện trực thuộc tu viện này, như Samding hay Nyangto Kyi Phug. Phải đến tận các địa điểm đó để mang những phần này về rồi mới bắt đầu các nghi thức. Những người lãnh trách nhiệm mang các phần này về Shalu được gọi là Maheketang. Mahe là tên của con trâu rừng, mà chúa quỷ Shinjed được cất giữ trong 12 cái sừng trâu Mahe được thờ phụng và lưu giữ tại các địa điểm khác nhau. Vì những địa điểm này nằm rải rác và cách nhau rất xa nên các Maheketang đã được huấn luyện một phương pháp di chuyển đặc biệt –khinh công – để di chuyển cho nhanh.
Có rất nhiều truyền thuyết khác nhau về phương pháp huấn luyện đặc biệt này. Một số giả thuyết nói rằng các Maheketang phải nhập thất trong thời gian ba năm và ba ngày theo một phương pháp quán tưởng hết sức đặc biệt và hít thở theo những nghi thức nhất định: Người luyện khinh công ngồi xếp bằng trên một tấm thảm và bắt đầu hít vào thật chậm rãi, dồn hơi thở xuống bụng rồi tung người nhảy vọt lên cao trong khi vẫn giữ nguyên tư thế xếp bằng. Việc một người xếp bằng có thể nhảy lên cao dường như là vô lý vì không thể sử dụng những bắp thịt tay chân được, nhưng người Tây Tạng nói rõ rằng khinh công không phải là một phương pháp huấn luyện bắp thịt mà là một phương pháp quán tưởng làm giảm trọng lượng của thân thể khiến cho thân thể trở nên nhẹ bẫng. Chỉ khi nào thân thể thật nhẹ có thể lơ lửng trên không thì người ta mới bắt đầu điều khiển tư tưởng vào việc di chuyển.
Việc kiểm nghiệm khả năng khinh công còn lạ lùng hơn nữa. Tôi nghe kể rằng người ta đào một chiếc hố sâu khoảng ba thước, trên miệng hố để một tấm gỗ có khoét một lỗ hổng vừa cho một người chui lọt. Người luyện khinh công ngồi dưới đáy hố và phải làm sao tìm cách nhảy ra khỏi hố qua lỗ hổng đó mà vẫn giữ nguyên tư thế xếp bằng. Dĩ nhiên độc giả có thể tin hay không tin, phần tôi cũng không lấy gì làm tin tưởng cho lắm vì chưa được tận mắt chứng kiến mà chỉ nghe kể lại.
Tuy nhiên, những người kể cho tôi đều quả quyết rằng việc huấn luyện và kiểm nghiệm này hoàn toàn có thật và diễn ra rất thường trong các tu viện chuyên huấn luyện khinh công. Tôi không hiểu tại sao việc nhập thất, ngồi yên bất động trong một hang động tối tăm lại có thể khiến cho người ta trở nên nhẹ bẫng, mất trọng lượng để di chuyển thật nhanh như thế được? Điều này hiển nhiên không thể giải thích bằng các lý luận khoa học thông thường. Các giới hạn về thể chất như bắp thịt, máu huyết không thể giúp người ta đi xa mà không nghỉ như vậy được. Các tu sĩ mà tôi gặp đều cho biết khinh công là một công phu đặc biệt, hoàn toàn chú trọng đến việc sử dụng tâm chứ không phải thân, nghĩa là không hề huấn luyện các bắp thịt. Tôi không biết phải giải thích hiện tượng này như thế nào nhưng chỉ ghi nhận thêm rằng truyền thống lập đàn tràng trừ yêu tại Shalu là một buổi lễ quan trọng được cử hành hết sức trọng thể. Các tăng sĩ phi hành hay Maheketang khởi sự cuộc hành trình vào ngày 11 tháng 9 từ Shalu đi Lhasa, đến Samye và bốn tu viện gần đó rồi đi Shigatse, chạy vòng qua bình nguyên Chang Tang để viếng thăm các tu viện nhỏ tại đây và phải trở lại Shalu trước ngày 25 tháng 9 để kịp buổi lễ. Việc một người chạy mấy ngàn cây số trong thời gian khoảng hơn hai mươi ngày quả là một điều khó tưởng tượng, nhưng nó vẫn thường xảy ra cứ mười hai năm một lần dưới sự chứng kiến của hàng ngàn dân chúng quanh vùng.
Lần thứ hai tôi gặp một đạo sĩ khinh công là tại miền nam Tây Tạng, gần biên giới tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Hôm đó, chúng tôi đi ngang một khu rừng lớn thì thấy một người hình dáng kỳ dị, tóc tai bù xù, quấn quanh người bằng những sợi xích sắt rất lớn. Người này ngồi trên một tảng đá, dường như đang suy nghĩ chi đó nên có lẽ không thấy chúng tôi ở trong rừng bước ra. Khi ý thức được sự hiện diện của chúng tôi, ông ta xoay mình một cái, thân hình đã nhảy vọt lên không khoảng ba thước rồi lao luôn vào đám cây rậm rạp trước mắt. Sự việc chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng chúng tôi vẫn còn nghe tiếng xích sắt chạm vào nhau khua rổn rảng xa dần.
Yongden kêu lên:
– Đó là một đạo sĩ khinh công. Tôi đã từng gặp những người như vậy. Họ phải đeo xiềng xích lên người cho nặng vì nếu không thì thân thể của họ cứ nảy tâng tâng, không thể đi đứng được.
Lần thứ ba tôi gặp một đạo sĩ khinh công là tại làng Ga, thuộc xứ Kham. Không như hai lần trước, lần này tôi có dịp quan sát và tiếp xúc với người đó trong một thời gian khá lâu. Phái đoàn của chúng tôi đang vượt qua một thung lũng hẹp nằm giữa hai rặng núi lớn thì gặp một đám người quần áo rách rưới đang khuân một cái rương nhỏ đi ngang. Vì đây là trục giao thông chính rất đông người qua lại nên việc một người đi bộ một mình không làm tôi ngạc nhiên. Có thể họ là tín đồ hành hương, hoặc kẻ hành khất lang thang từ làng này qua làng nọ, đôi khi bám theo các đoàn thương nhân để xin chút cơm thừa canh cặn. Người này vừa thấy phái đoàn chúng tôi liền tháp tùng và đi sát vào đám phu khuân vác chuyên chở đồ đạc gần cuối đoàn.
Khoảng xế chiều, chúng tôi đến trước một ngọn đèo khá cao, đường sá gập ghềnh rất khó đi. Vì những con trâu chuyên chở đồ đạc di chuyển quá chậm nên chúng tôi giục lừa lên trên đỉnh đèo trước. Thông thường mỗi khi người trưởng đoàn dừng chân nghỉ ngơi ở đâu thì những người phụ trách cơm nước phải nhóm bếp nấu trà hay làm các món ăn ngay. Lần này cũng thế, trong khi chờ đợi nhóm người vận chuyển đồ đạc lên đến nơi, nhóm nấu nướng đã phân công nhau nấu trà và sửa soạn món ăn.
Chúng tôi vừa nhấm nháp ly trà nóng vừa đứng quan sát đám trâu chuyên chở các vật dụng đang chậm chạp leo dốc. Nhóm nấu nướng sửa soạn bữa ăn tối, mùi xào nấu thơm lừng tỏa lan khắp thung lũng. Bất ngờ tôi thấy gã hành khất vẫn bám theo chúng tôi đột nhiên tách rời đoàn phu khuân vác, di chuyển vội vã trên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi. Có lẽ y không ngờ chúng tôi đang quan sát nên cứ tiếp tục lao mình vun vút trên con đường đèo trơn trượt đầy những tảng đá nhọn hoắt. Bước đi của y giống hệt như động tác của tu sĩ mà chúng tôi đã gặp trên bình nguyên Chang Thang, nghĩa là chỉ nhấc nhẹ chân mà thân hình cứ vun vút lao về phía trước. Hai chân của y hình như không chạm đất và thân hình cứ lơ lửng trên không trung. Không thể lầm được, y đúng là một đạo sĩ khinh công.
Tôi bèn bước ra chờ y trên đỉnh đèo. Mặc dù đang vun vút lao về phía trước với một vận tốc rất nhanh nhưng khi đến trước mặt tôi thì y đã dừng ngay lại. Tôi thấy rõ khuôn mặt người đó lạnh lùng gần như không có cảm giác, hai mắt trợn ngược chăm chú nhìn lên trời. Y đứng yên lặng một lúc như người mất hồn rồi mới tỉnh lại. Trước sự chất vấn của tôi và Yongden, y đành thú nhận y là một đạo sĩ khinh công. Thầy y là một vị Lạt Ma xuất thân từ tu viện Shalu nhưng sau một thời gian hướng dẫn, ông thấy y không đủ khả năng nên từ chối không dạy dỗ thêm và bỏ đi nơi khác. Tuy không còn thầy dạy dỗ nhưng y cứ theo những phương pháp căn bản mà tập luyện và sau một thời gian khổ luyện y đã thành công. Tuy nói như thế nhưng nét mặt của y lại tỏ ra buồn rầu khắc khoải về một điều gì đó mà y không thể nói. Y khéo léo tránh né không đề cập đến phương pháp tu luyện mà chỉ nói rằng thời gian tập luyện kéo dài rất lâu chứ không phải chỉ một vài năm như nhiều người vẫn nói. Y cũng không chịu nói gì thêm về phương pháp khí công làm thân thể nhẹ bẫng mà chỉ nói rằng thở hít là một yếu tố rất quan trọng, người tập phải thực hành ngày cũng như đêm. Y xác nhận rằng có những bài chú, khẩu quyết mà người tập phải tâm niệm thực hành nhưng nhất định không nói thêm gì nữa. Dĩ nhiên điều này không làm tôi ngạc nhiên vì các đạo sĩ huyền thuật thường không bao giờ chịu tiết lộ các bí quyết môn phái.
Về sau, Yongden kể thêm cho tôi rằng đêm hôm đó y đã tâm sự với những người trong đoàn rằng vì không được chỉ dạy một cách đứng đắn, chưa học hết phương pháp kiểm soát hơi thở và các khẩu quyết có công dụng nhiếp tâm nên khinh công đã trở thành một tai họa cho y, y không thể kiểm soát khả năng này. Khi gia nhập theo đoàn người của tôi, y thấy mọi người di chuyển quá chậm nên đâm ra bực bội, khó chịu. Chuyện này làm cho tâm thức của y mất quân bình, một điều tối kỵ của khinh công. Khi thấy chúng tôi đã lên đến đỉnh núi, ngửi thấy mùi đồ ăn xào nấu thơm lừng, cơn đói hành hạ y từ mấy hôm nay hối thúc y mau chân cất bước. Y sợ nếu đi chậm thì khi đến nơi sẽ chẳng còn gì để ăn nữa nên mất đi khả năng tự chủ, cố gắng rảo bước cho nhanh. Một khi tâm của y đã loạn thì y không còn làm chủ được khả năng khinh công nữa, do đó y đã thi triển quyền năng này một cách vô ý thức nên bị chúng tôi phát giác.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi thức giấc thì gã hành khất này đã đi đâu mất tích. Có lẽ hắn đã sử dụng khinh công để ra đi một cách âm thầm không cho ai hay biết sau khi đã được ăn một bữa no bụng. Có thể hắn không muốn tông tích bị bại lộ hay sợ bị chúng tôi chất vấn thêm nữa chăng?
Tóm lại, khinh công là một phương pháp tu luyện bí mật được cất giữ cẩn thận. Nguyên lý của nó ra sao vẫn còn là một điều bí mật, nhưng tôi xác nhận rằng tôi đã chứng kiến môn này tận mắt và sau nhiều năm sống tại đây tôi cũng thu thập thêm được một vài chi tiết như sau:
Trước khi được thu nhận, các môn đồ phải trải qua một giai đoạn thử thách thì mới được chỉ dạy phương pháp khinh công. Sau một thời gian tập luyện gắt gao và phải trải qua nhiều thử thách nữa, họ mới được truyền dạy phần thứ hai của phương pháp này, chỉ đến lúc đó mới được chính thức làm lễ nhập môn và được điểm đạo truyền pháp. Khi đó, họ mới được truyền dạy những bài chú khẩu truyền đặc biệt, cùng một phương pháp quán tưởng nhằm tập trung thân và tâm làm một. Người luyện phải tập trung tư tưởng vào bài chú và phải đọc làm sao để âm điệu của bài chú đó ăn nhịp với cách hít thở của họ. Sau khi thành công, họ sẽ tập cách đi đứng làm sao để mỗi cử chỉ đều phải hòa điệu với hơi thở và những câu thần chú đó. Khi tập thuần thục, họ chuyển qua cách đọc thầm, không phát ra tiếng nữa, cứ như thế cho đến khi tâm, ý và cử chỉ của người đó hoàn toàn hòa nhập với nhau thì họ sẽ bước vào một trạng thái xuất thần đặc biệt và có thể di chuyển một cách nhẹ nhàng trên không.
Lúc đầu khi chưa làm chủ được các bước đi, hay chưa ý thức tuyệt đối vào đường đi thì người luyện thường tìm đến những sa mạc bằng phẳng, ít chướng ngại để tập chạy. Có lẽ trên sa mạc hoang vu vắng lặng không có gì làm xao lãng tâm trí, người ta dễ tập trung tư tưởng hơn những nơi khác.
Trong khi chạy, người luyện không được nói hay để cho tâm thức bị xáo động, cặp mắt phải tập trung vào một điểm nào đó nhất định chứ không được nhìn bên này hay ngó bên kia. Một số người thường tập trung cặp mắt vào một tinh tú trên nền trời vì đây là một điểm cố định, nhiều người chạy suốt đêm nhưng đến ban ngày khi vì sao đó lặn mất liền ngưng chạy. Những người khác biết giữ hình ảnh ngôi sao đó trong tư tưởng nên có thể chạy vào cả ban ngày. Tóm lại, tập trung tư tưởng là một việc hết sức quan trọng trong khi thi triển môn khinh công. Mặc dù tâm trí đã tập trung vào một điểm nào đó nhưng nó vẫn có thể hướng dẫn người chạy tránh khỏi các chướng ngại và đủ sức đưa người chạy đến đích mà người đó đã vạch ra. Dĩ nhiên, một khi đã thành công thì các trở ngại về tự nhiên hay địa thế không còn là vấn đề nữa.
Tuy khinh công được nhắc đến rất nhiều trong các truyền thuyết nhưng đa số các vị Lạt Ma trưởng lão, các bậc cao tăng đắc đạo lại cố tình không đề cập gì đến quyền năng này; một số phủ nhận các quyền năng huyền thuật và cho rằng tôi đã “quan trọng hóa” nó. Một trưởng lão tại Samye đã khuyến cáo tôi đừng nên chú trọng đến những hiện tượng này vì “khinh công chỉ là một phần nhỏ của một phương pháp tu hành rất cao nhưng thói thường người ta chỉ thích đề cao cái gì lạ lùng, huyền hoặc chứ không chịu tìm hiểu mục đích của phương pháp này. Đôi khi chính những người luyện khinh công cũng vì quá ham mê cái phương tiện di chuyển này mà quên cả mục đích chính yếu của phương pháp tu, rồi bị lạc lõng và phí công sức vào những việc không đâu”. Khi tôi yêu cầu ông giải thích thêm thì ông ta đã kể một câu chuyện ngắn như sau:
Đức Phật Thích Ca và các đệ tử đi đến một con sông lớn. Trong lúc đang chờ đò để qua sông thì ngài thấy một đạo sĩ phi hành vượt sông bằng cách đi trên mặt nước. Ngài bèn hỏi vị đạo sĩ đã luyện phương pháp này như thế nào. Vị đạo sĩ hết sức hãnh diện cho biết rằng ông đã tu tập khổ cực trong hai mươi lăm năm liền mới có thể đi trên mặt nước như vậy. Đức Phật nói với các đệ tử “Tại sao người ta có thể phí công sức trong hai mươi lăm năm để làm cái việc mà một người bình thường chỉ cần bỏ ra hai xu mà cũng qua được bên kia sông?”.
Một môn huyền thuật khác cũng được nhắc đến rất nhiều là phép luyện lửa tam muội, hay nhiệt công. Hãy thử tưởng tượng giữa mùa đông giá rét, khi nhiệt độ xuống khoảng âm vài chục độ, ngồi trong một động đá cao khoảng vài ngàn thước mà chỉ mặc một cái áo mỏng, hoặc có khi để mình trần mà không hề hấn gì thì quả là sự lạ. Nhưng đa số các đạo sĩ Tây Tạng đều làm như vậy một cách hết sức tự nhiên, năm này qua năm khác, bất kể thời tiết giá lạnh vì họ biết phương pháp chuyển nhiệt, hay luyện lửa tam muội. Lửa tam muội ở đây là một ngọn lửa huyền bí, hay một năng lực bên trong mà chỉ những người luyện đạo đặc biệt mới biết đến công dụng của nó. Người Trung Hoa thường gọi nó là hỏa hầu, người Ấn Độ gọi nó là con rắn Kundalini hay hỏa xà; nhưng theo các sách vở huyền môn Tây Tạng thì lửa tam muội gồm có nhiều loại, tùy theo trình độ khác nhau.
Người Tây Tạng nghiên cứu rất thấu đáo phương pháp này và có khá nhiều sách ghi chép rất rõ về tính chất, công dụng, cũng như sự linh nghiệm của cách luyện ngọn lửa này. Đại khái như sau: Một người biết cách thở hít theo một phương pháp nhất định để kích động các bí huyệt trong thân thể thì lúc nào người ấy cũng cảm thấy ấm áp như được khoác một bộ áo dầy, mà người Tây Tạng gọi là “được mặc áo tiên”. Tuy nhiên, ngoài việc hô hấp, nếu còn biết cách nhập định, tĩnh tâm hay hướng dẫn tâm thức thì ngoài cảm giác ấm áp trong thân thể, người đó còn cảm thấy tâm thân dễ chịu, an lạc, thoải mái. Trình độ này được gọi là “sống trong tiên cảnh”. Một trình độ cao hơn nữa là khi người luyện biết cách hướng dẫn luồng lửa đó di chuyển theo các đường gân để lên đến đỉnh đầu thì họ sẽ phát triển được các quyền năng hết sức đặc biệt, và chứng ngộ được nhiều điểm phi thường mà thuật ngữ Tây Tạng gọi là “nhập tam muội”.
Cũng như phương pháp khinh công, cách luyện lửa tam muội là một phương pháp bí truyền, phải có thầy chỉ dẫn rõ rệt chứ không thể học theo sách vở được. Không những thế, vị thầy hướng dẫn cũng phải là người đã luyện thành công lửa tam muội, biết rất rõ các nguy hiểm trong quá trình hành trì hầu giúp học trò trên con đường tu học, vì một sai lầm nhỏ có thể làm cho người luyện hóa điên hoặc chết ngay. Ngoài ra, phương pháp này còn đòi hỏi người luyện phải có một thân thể cường tráng, khỏe mạnh thì mới khắc phục được những khó khăn về thể chất trong bước đầu. Người thân thể yếu đuối hay có bộ phổi không tốt thường dễ bị chết bất đắc kỳ tử khi tập các phương pháp liên quan đến khí công.
Cũng như mọi phương pháp bí truyền, người ta thường thêu dệt vào phương pháp này nhiều điều huyền hoặc, dường như vô lý nên thực hư cũng khó có thể kiểm chứng hết được. Tuy nhiên đằng sau những điều lạ lùng, khó tin này vẫn ẩn dấu một điều gì đó mà người ta phải biết cách gạn lọc để tìm ra những tinh hoa ở bên trong.
Nói đến lửa tam muội là phải nói đến môn phái Kargyupa và Milarepa – Milarepa là vị tổ đã luyện lửa tam muội đến mức thành công tối thượng; Milarepa thâu nhận rất nhiều đệ tử, trong đó có một vị tên là Rechung. Theo truyền thuyết thì Rechung đã được thầy truyền cho phương pháp luyện lửa tam muội ngay sau khi nhập môn. Nhờ thông minh dĩnh ngộ, ông đã luyện lửa tam muội đến mức thuần thục, vượt hẳn các bạn đồng môn. Tuy nhiên, Rechung xuất thân là một học giả, quen sống trong môi trường từ chương sách vở nên vẫn còn chấp ngã, chấp pháp, chuộng các hình thức bề ngoài. Có lần ông hỏi Milarepa rằng đã nổi tiếng như vậy tại sao không tìm đến một ngôi chùa thật lớn mà ở cho xứng đáng, sao cứ sống trong các hang động hẻo lánh tầm thường. Milarepa trả lời rằng đối với ông thì cung điện bằng ngọc lưu ly cũng chẳng khác gì một hang đá đầy rong rêu bẩn thỉu, nhưng Rechung vẫn chưa chấp nhận sự việc này. Một lần khác, ông đề nghị với thầy nên ra các nơi chốn thị thành thuyết pháp độ sinh và xây cất những ngôi chùa thật đồ sộ, uy nghi lộng lẫy nhưng Milarepa trả lời rằng đó là việc của những khác, không phải việc của ông.
Rechung nghe xong lấy làm buồn bực, khó chịu vì ông vẫn chưa quên được cái thế giới bên ngoài với những buổi tranh luận về giáo lý, các buổi đăng đàn thuyết pháp được cử tọa vỗ tay tán thưởng, y phục sang trọng của các vị trưởng lão mặc khi tham dự các buổi lễ lạc linh đình. Cuối cùng, Rechung rời bỏ miền thâm sơn cùng cốc mà trở lại với thế giới bên ngoài, bất chấp lời cảnh cáo của Milarepa rằng “Chưa cứu được mình thì chưa thể cứu độ cho ai hết!”.
Rechung đến Lhasa thuyết pháp và được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Khả năng ăn nói uyên bác của ông có sức hấp dẫn quần chúng rất cao nên chỉ một thời gian ngắn ông đã được mọi người xem là thánh tăng. Ông quên hẳn những lời chỉ dạy của thầy và cái thế giới êm đềm miền hoang sơn cùng cốc mà nghĩ rằng mình đang làm những việc tốt đẹp nhất của một tu sĩ. Ông đi khắp Tây Tạng giảng giải giáo lý, tranh luận và đánh bại tất cả những học giả uyên bác nhất. Danh tiếng của ông vang lừng. Ông được các vị vua chúa khắp nơi mời đến diễn thuyết.
Một vị tiểu vương quá say mê khả năng hùng biện của ông đã khoản đãi ông như thượng khách, xây cho ông một ngôi chùa to lớn, lộng lẫy và gả luôn cô con gái duy nhất cho ông[17].
Cuộc hôn nhân của Rechung là một chuỗi ngày đầy cay đắng. Người vợ của ông vừa hung dữ vừa thô tục. Bà thường ỷ thế giàu sang mà đàn áp ông trong mọi vấn đề. Nhà học giả uyên bác có tài ăn nói hấp dẫn bỗng trở nên ngọng nghịu, không thể đối đáp gì với người vợ được nữa. Bao sách vở của ông bà đem ra đốt hết; bạn bè của ông đến nhà bị bà cho gia nhân đánh đuổi. Bà cấm không cho ông đi đâu hay diễn thuyết gì nữa và bắt ông phải đem đầu óc lý luận ra để tính toán những lợi lạc vật chất. Tuy được mặc quần áo trưởng lão đẹp đẽ oai nghiêm, sống trong một ngôi chùa to lớn đẹp đẽ, được mọi người đề cao ca tụng đúng như ý ông mong cầu nhưng ông không hề sung sướng. Ông cắn răng chịu đựng cho đến một ngày kia, trong cuộc cãi vã, bà vợ nổi giận vác gươm ra chém ông. Rechung ôm vết thương mà chạy nhưng thay vì thấy máu chảy ra ông chỉ thấy một dòng nước trắng đục như sữa ướt đẫm cả vạt áo. Vì ông đã luyện thành công lửa tam muội, bao nhiêu máu huyết trong người đều biến thành tinh chất hết. Khi đó ông chợt tỉnh ngộ nhớ đến thầy mình là Milarepa và các bạn bè ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc. Ông lập tức từ bỏ tất cả để tìm về chốn cũ, chăm chỉ tu hành và về sau trở thành một đệ tử lớn của Milarepa. Chính ông đã ghi chép tiểu sử của vị tổ này thành một cuốn sách vẫn còn được truyền tụng đến ngày nay.
Theo các sách vở huyền môn Tây Tạng thì có rất nhiều phương pháp luyện lửa tam muội. Mỗi phương pháp lại chia ra làm nhiều trình độ từ thấp đến cao tùy theo công phu của người luyện tập. Phần lớn các phương pháp đều bắt đầu bằng cách tập luyện hơi thở trước khi tập kiểm soát tư tưởng. Môn sinh được tuyển lựa rất kỹ và phải trải qua nhiều thử thách mới được điểm đạo truyền pháp.
Thông thường, người luyện tập bắt đầu bằng cách tập ngồi làm sao cho thật vững vàng, thoải mái. Mặc dù đa số các phương pháp thiền định khuyên người tập ngồi theo tư thế kiết già (bắt chéo hai chân) hoặc bán già (bắt chéo một chân) nhưng các vị thầy về lửa tam muội cho rằng cách ngồi bán già không quân bình, làm thân thể xô lệch, sức âm bị thoát ra ngoài và chỉ chấp nhận cách ngồi kiết già vì nó duy trì được tư thế quân bình và vững chắc nhất. Sau khi đã tập ngồi cho quen không bị nhức mỏi chân thì bắt đầu tập thở sao cho thật đều, thật sâu trước khi chuyển qua luyện tập cách hít thở theo những phương pháp và nghi quỹ nhất định.
Người luyện ngồi trong tư thế kiết già, hai bàn tay đặt trên hai đầu gối, ngón cái, ngón út và ngón trỏ đưa ra, ngón giữa và ngón áp út thu vào lòng bàn tay. Thoạt đầu họ áp dụng một vài kỹ thuật hít thở để cho thông hai lỗ mũi, sau đó mới bắt đầu điều khí và tập trung tư tưởng vào luồng hơi thở. Mỗi khi thở ra, họ phải quán rằng họ đang xả bỏ ra ngoài các tính xấu (như tham lam, ích kỷ, sân hận, ngạo mạn, si mê, ngu muội…); mỗi khi hít vào, họ phải quán rằng họ đang thu nạp vào trong những điều tốt lành (như từ bi, hỉ xả, thanh tịnh, vô ngã, lợi tha…). Sau khi hít vào, họ dồn hơi xuống bụng và giữ hơi trong một khoảng thời gian ngắn trước khi từ từ thở ra. Cứ tập như thế cho đến khi cơ thể hoàn toàn buông xả, tâm trí dứt được các nỗi lo lắng ưu phiền, hoàn toàn thoải mái tự tại, thì mới được coi là đã thành công giai đoạn đầu. Đây là một giai đoạn quan trọng vì các vị thầy thường quyết định thu nhận học trò hay không dựa trên công phu hành trì trong giai đoạn này. Trong thời gian sống tại Samye, tôi đã chứng kiến một cuộc kiểm nghiệm như sau:
Lạt Ma Kyanga đã tập luyện các phương pháp khí công rất thuần thục. Để gia tăng đạo lực, ông còn nhập thất tu hành công phu, trong tăng chúng không ai có thể bì kịp. Người ta tin rằng ông sẽ được điểm đạo truyền pháp nhưng vị trưởng lão chuyên về lửa tam muội lại từ chối thâu nhận ông. Các vị thầy hướng dẫn nhiều lúc thường mập mờ không nói rõ lý do nên học trò đâm ra bối rối không biết phải làm thế nào. Cho rằng vị thầy chê mình không đủ công phu khuya sớm, Lạt Ma Kyanga lại nhập thất thêm một thời gian nữa cho đến khi ông hoàn toàn kiểm soát được hơi thở, để một tờ giấy trước mũi mà tờ giấy không lay động dù đi đứng chạy nhảy, thế nào mà nhịp thở vẫn điều hòa, không hề loạn động. Sau đó, ông lại đến xin được truyền pháp nhưng vị trưởng lão vẫn nhất quyết không thâu nhận mặc dù những người khác công phu tập luyện chẳng bằng ông lại được vị này điểm đạo truyền pháp. Điều này tạo ra nhiều lời bàn tán xầm xì trong tu viện về sự bất công của vị trưởng lão.
Phần lớn các vị thầy khi từ chối không cần nêu lý do nhưng có lẽ để tránh sự bất mãn cũng như thắc mắc, vị trưởng lão đã gọi Lạt Ma Kyanga đến bắt ngồi thiền trọn ngày trong một căn phòng để khảo sát công phu tu hành của ông này. Vì đây là một cuộc thử thách mang ý nghĩa kiểm nghiệm xem phản ứng của học trò như thế nào nên nó rất quan trọng. Điểm lạ lùng ở chỗ Lạt Ma Kyanga là người nổi tiếng về ngồi thiền, đã từng tu nhập thất nhiều năm, việc bắt tọa thiền trọn một ngày dường như là vô lý, nếu không muốn nói rằng đó chỉ là một việc làm lấy lệ trước áp lực của dư luận. Thấy lạ, tôi bèn tò mò đi xem sự thể thế nào.
Trước khi tọa thiền, Lạt Ma Kyanga yêu cầu vị trưởng lão nhắc lại điều kiện thử thách và vị này xác nhận rằng ông chỉ cần ngồi trong phòng đó đủ một ngày là được. Khi ông sắp bước vào phòng thì vị trưởng lão mới lấy ra một cái thúng chứa ba con rắn hổ mang to lớn quăng vào căn phòng đó và bảo ông cứ vào đó mà nhập định. Lạt Ma Kyanga ung dung bước vào phòng, không hề sợ hãi và tọa thiền trọn ngày. Hôm sau, ông đến trước vị trưởng lão xin được thâu nhận vì ông đã hoàn tất cuộc trắc nghiệm, nhưng lúc đó vị trưởng lão lại lắc đầu từ chối và giải thích “Làm sao một người như ngươi có thể đi xa hơn nữa được! Có rắn độc trong phòng lại không chịu đuổi chúng ra mà cứ ngu si đâm đầu vào đó để nhập định thì công phu tu hành của ngươi dù cao siêu thế nào cũng không có ích lợi gì hết. Ta vẫn biết ngươi chỉ chú trọng về kỹ thuật điều khí chứ không để ý gì đến việc điều ngự nội tâm, ngươi không xứng đáng để học hỏi những giáo pháp thượng thừa của môn lửa tam muội. Người luyện khí công thật giỏi nhưng chẳng hề quan tâm đến việc trừ khử các vọng niệm, dứt tuyệt tham sân si, tu hành như thế thì được ích gì?”.
Đến khi đó, Lạt Ma Kyanga mới vỡ lẽ rằng ba con rắn mà vị trưởng lão quăng vào trong phòng đó tượng trưng cho tham, sân, si mà ông đâu để ý, cứ tưởng ông này thử xem mình có gan dạ hay không và chỉ cần ngồi yên điều khí theo thời gian là được. Ông quỳ xuống vái lạy vị trưởng lão đã chỉ dẫn, cuộc thử thách chấm dứt và ông đã không vượt qua được. Dĩ nhiên không phải vị thầy nào cũng ôn tồn giải thích như thế, nhiều người cương quyết không chỉ dạy là xong, học trò không có quyền chất vấn vị thầy về quyết định của họ.
Nếu vượt qua các thử thách, được chấp nhận cho làm lễ điểm đạo truyền pháp, người luyện sẽ từ bỏ các bộ áo dày, chỉ khoác một tấm vải mỏng, từ đó họ không ngồi gần lửa và tìm đến những nơi thật thanh vắng, hoang vu, có độ cao khoảng bốn ngàn thước trở lên mới tốt vì không khí nơi đó trong sạch, ít bị ô nhiễm. Một cuốn sách về lửa tam muội ghi rất rõ “Không được tập luyện trong nhà cửa, xóm làng vì không khí nơi đó đã bị ô nhiễm bởi củi lửa nấu ăn, có những làn sóng rung động không tốt, có nhiều ngoại cảnh dễ làm xáo trộn tâm trí của người tập luyện”. Người luyện sẽ sống một mình tại nơi hoang vắng đó, theo các phương pháp đã được truyền dạy để tập luyện. Thỉnh thoảng vị thầy mới ghé qua thăm, hướng dẫn chỉ bảo thêm cho học trò. Truyền thống Tây Tạng tin rằng khi đã được thâu nhận và làm lễ điểm đạo truyền pháp thì vị thầy có thể tiếp xúc và giúp đỡ đệ tử bằng tư tưởng chứ không cần phải tiếp xúc trực tiếp.
Việc tập luyện thường được phân chia rất rõ rệt theo các thời khóa nhất định. Người luyện bắt đầu khởi công tập vào lúc trời vừa tảng sáng cho đến gần xế trưa. Dù khí hậu lạnh lẽo đến đâu, họ cũng chỉ khoác một tấm vải mỏng trên mình. Thoạt đầu, họ còn ngồi trên một tấm thảm hay ván gỗ, nhưng ít lâu sau họ phải ngồi trên mặt đất hay cả trên băng tuyết lạnh lẽo để tập luyện.
Phương pháp về lửa tam muội có phần nào khác nhau tùy theo môn phái hoặc các vị thầy, nhưng đại khái thường liên quan đến cách tu quán tưởng vào các chủng tự như sau: Người tập phải quán rằng giữa rốn có một bông sen bằng vàng, giữa đóa hoa có một mặt trời chói lọi tỏa ra những tia sáng thành hình chữ “Ram” (viết theo lối chữ Phạn). Phía trên chữ “Ram” là chữ “Ma” tượng trưng cho Bồ Tát Dorje Naldjorma. Phải quán làm sao để cho hình ảnh của Đức Bồ Tát xuất hiện trên chữ “Ma” này dần dần hiện ra thật rõ với từng chi tiết, rồi quán rằng mình đang hòa nhập vào các hình ảnh đó, không còn tách biệt nữa. Nên nhớ rằng các chủng tự không được xem như là những chữ viết mà tượng trưng cho những rung động của âm thanh huyền bí có những quyền năng hết sức đặc biệt. Ví dụ, chữ “Ram” có nghĩa là “lửa”, nhưng nó còn có mật nghĩa là “hạt giống của lửa” nữa. Một người tu Mật Tông nếu phát âm chữ “Ram” thật đúng thì âm thanh đó sẽ phát sinh ra lửa mà không cần phải có một nguyên liệu gì. Dĩ nhiên khi nào âm thanh đó tiêu dung đi thì lửa cũng sẽ tắt. Việc sử dụng âm thanh và quán các chủng tự là bí quyết của Mật Tông – rất khó giải thích, nhưng chìa khóa của Mật Tông là phát ra các âm thanh sao cho thật chính xác vì âm thanh vốn có khả năng sáng tạo cũng như hủy hoại. Một âm thanh đặc biệt có thể làm phát ra lửa, sinh ra gió, làm vỡ một cái ly thủy tinh, tạo ra những hình kỷ hà trên mặt cát, hoặc sinh ra các hiện tượng huyền bí.
Sau khi đã hòa nhập được vào hình ảnh của Bồ Tát Naldjorma, người luyện phải tập trung tư tưởng vào chữ “A” nơi rốn và chữ “Ha” trên đỉnh đầu, lúc đó một quả cầu lửa to cỡ nắm tay sẽ bắt đầu rực sáng ở chữ “A” nơi rốn. Từ đó, mỗi hơi thở sẽ giống như ống bễ quạt cho quả cầu lửa này cháy to hơn, mỗi lần luồng hơi được dồn xuống bụng thì nó sẽ kích thích cho quả cầu tỏa nhiệt một cách mạnh mẽ. Khi đó, người tập phải điều khí thật đều. Trong khi hít vào, giữ hơi lại và thở hơi ra đều phải nương theo các câu thần chú khẩu truyền mãi không dứt trong tâm, có như thế thì luồng lửa đó mới không tắt. Vì đã luyện thuần thục cách quán tưởng xả bỏ các tham sân si khi thở ra, thu nạp những điều cao thượng khi hít vào và giữ tâm thanh tịnh, bình thản, không còn vọng niệm nảy sinh mà người tập có thể đi xa hơn để hòa nhập vào các trạng thái cao hơn. Nếu đốt giai đoạn, cẩu thả khi luyện khí, không điều ngự được nội tâm thì đây là giai đoạn nguy hiểm vô cùng vì khi tâm không thanh tịnh, vọng niệm nảy sinh, luồng hơi nóng đó sẽ chạy loạn xạ, không chịu sự điều khiển của tâm nữa mà đi lệch vào các kinh mạch khác khiến người luyện có thể trở nên điên loạn, trở nên bất bình thường, bị tẩu hỏa nhập ma và chết bất đắc kỳ tử. Nếu bình tĩnh, tâm không vọng động thì người luyện có thể sử dụng tư tưởng để hướng dẫn luồng nhiệt khí di chuyển vào các đường kinh mạch (uma) để lên đến giữa thân mình.
Người Tây Tạng có những đồ hình kinh mạch khác hẳn các động mạch hay tĩnh mạch thường thấy trong khoa Cơ thể học. Các kinh mạch (tsa) này là những đường vận chuyển khí lực tâm linh, hoàn toàn không liên quan gì đến sự vận chuyển máu huyết thông thường. Mỗi buổi luyện tập được chia ra làm mười trạng thái như sau:
1. Lúc đầu, đường kinh mạch uma chỉ bằng khoảng một sợi chỉ hay sợi tóc.
2. Theo công phu, kinh mạch uma lớn dần bằng một ngón tay.
3. Kinh mạch uma lớn bằng cẳng tay
4. Kinh mạch uma choán trọn thân mình, toàn thân người tập trở
thành cái ống lửa.
5. Thân mình người luyện hoàn toàn biến mất, hòa tan vào một biển lửa vĩ đại bao phủ khắp thế giới.
Từ khi khởi sự hướng dẫn luồng lửa đó di chuyển vào kinh mạch uma cho đến khi nhập vào biển lửa thường mất ít nhất khoảng một giờ.
Những người tu luyện còn non tay thường chỉ lo hướng dẫn luồng lửa đó đi theo các lộ trình nhất định. Đối với các tay cao thủ thì họ lại áp dụng một cách hướng dẫn để kiểm soát luồng lửa đó di chuyển thật chậm trong từng trạng thái một để chắc chắn rằng mình có thể hoàn toàn kiểm soát được luồng lửa. Sau đó họ bắt đầu luyện ngược trở lại như sau:
6. Biển lửa mênh mông từ từ thu nhỏ lại, dịu bớt dần dần.
7. Biển lửa chỉ còn to bằng một cái ống lửa bao bọc toàn thân và hiện rõ thành kinh mạch uma.
8. Kinh mạch uma thu nhỏ bằng cỡ cẳng tay.
9. Kinh mạch uma chỉ còn lớn bằng một ngón tay.
10. Luồng hơi nóng từ từ tan dần, không còn thấy lửa nữa mà tất cả chỉ là một cõi hư vô vắng lặng, tịch diệt, không còn mình, không còn vật, không còn một cái gì khác mà tất cả chỉ là Không.
Trong giai đoạn này, người tập có thể trú lâu hay chóng trong trạng thái tĩnh lặng tùy theo đạo lực. Có người chỉ ở đó một thời gian rất ngắn rồi xả thiền ngay, nhưng có nhiều người có thể ở trong trạng thái đại định ngày này qua ngày khác.
Vị tổ Milarepa tu trên đỉnh Tuyết Sơn bị tuyết phủ lấp đường xuống núi đã nhập định trong suốt mùa đông. Sau đó, ông đã làm một bài trường thi ca tụng lửa tam muội mà đến nay vẫn còn được truyền tụng:
Đã chán mùi trần tục, ta tìm đến nơi yên tĩnh cửa đỉnh Lachi Kang để tọa thiền.
Phải chăng tạo hóa đã toan tính trước nên gửi gió bão hợp với thiên lôi đến phá quấy ta chơi.
Mưa tuyết vây bủa che kín mặt trời, thổi bay đi cả những vì tinh tú bé nhỏ.
Tuyết rơi hạt to hạt nhỏ suốt chín ngày đêm không dứt, cây cối đều đắp chăn màu trắng.
Khắp thiên nhiên đều đông cứng, ao rạch sông hồ cũng đều đóng băng.
Người không dám ra khỏi nhà, thú muông không dám ra khỏi tổ.
Riêng ta áo mỏng ngồi yên giữa trời, trên mình tuyết rơi nhưng chẳng thể bám được.
Gió lạnh thi nhau tấn công qua làn vải mỏng, mà ta vẫn chẳng hề chi.
Ta thản nhiên trong cơn thiền định vì lửa tam muội đủ sức dẹp tan những chướng ngại này.
Hiển nhiên là thời tiết thay đổi bất ngờ khiến Milarepa không thể trở về làng được. Thiếu lương thực, ông đành ngồi yên nhập định, sử dụng lửa tam muội để sưởi ấm thân thể cho qua mùa đông. Đây không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, nhiều nhà thám hiểm Âu Mỹ cũng ghi nhận đã thấy nhiều đạo sĩ mình trần ngồi giữa tuyết lạnh mà vẫn không hề chi.
Truyền thống môn phái của những người áo vải (Repa) còn đặt ra những cuộc thi về nhiệt công như sau:
Vào một đêm trời thật lạnh, các môn đồ phái này tụ tập trước một bờ sông. Họ ngồi xếp bằng, không mặc quần áo gì cả. Những người khác nhúng các tấm chăn bằng nỉ xuống nước lạnh rồi khoác lên mình họ. Gió lạnh khiến nước đông thành băng ngay, tấm chăn nỉ đã biến thành một chiếc áo choàng lạnh cóng. Người luyện lửa tam muội phải chuyển nhiệt làm sao cho cái chăn bị đông thành đá đó trở nên khô ráo, ấm áp, bao nhiêu băng phải tan ra nước hết. Khi tấm chăn đã khô, người ta lại nhúng xuống nước rồi đắp lên mình người đó, cứ như thế cho đến sáng sớm. Người nào làm khô nhiều tấm chăn nhất được coi như thắng cuộc. Tôi được biết có người đã làm khô hơn bốn chục tấm chăn trong vòng một đêm. Chỉ những người nào đủ sức làm khô được ít nhất ba tấm chăn trong một đêm thì mới xứng đáng được sử dụng từ “Repa” trong tên hiệu. Dĩ nhiên không phải người nào luyện lửa tam muội cũng lấy tên “Repa”, và không phải người nào để mình trần cũng là môn sinh của phái luyện lửa tam muội. Nhiều đạo sĩ Ấn Độ cũng để mình trần nhưng ám chỉ sự từ bỏ vật chất một cách tuyệt đối hoặc cương quyết tuyệt sở hữu chứ không phải họ đã luyện được cách chuyển nhiệt trong mình.
Đối với những người mới tập luyện, lúc thực hành thì thân thể trở nên ấm áp, sau đó thân thể lại lạnh trở lại ngay. Khi tập luyện đã thuần thục thì cơ thể lúc nào cũng ấm, nếu không muốn nói là nóng; nhiệt độ bên ngoài càng lạnh bao nhiêu thì thân thể tự động gia tăng sức ấm bấy nhiêu để giữ cho thân lúc nào cũng ấm áp, dễ chịu. Nhiều người luyện lửa tam muội không cần mặc quần áo nữa mà sống lõa thể, dĩ nhiên trong rừng hoang nú thẳm. Điều này không gây trở ngại cho ai, nhưng khi quân đội Anh xâm chiếm Tây Tạng, nhiều đạo sĩ luyện lửa tam muội đã bị người Anh mang ra xét xử vì tội “công xúc tu sỉ[18]” và bị nhốt vào ngục.
Người Âu Mỹ có thể chấp nhận phần nào việc thở hít làm điều hòa máu huyết khiến thân thể ấm lên. Họ cũng có thể chấp nhận việc tập trung tư tưởng như một hình thức tự kỷ ám thị khiến người ta cảm thấy ấm áp nhưng họ không thể chấp nhận nghi thức nhập môn (angkur) hay một năng lực gia trì của các vị tổ qua các nghi thức điểm đạo truyền pháp. Đây là một sự kiện huyền bí, không thể giải thích bằng các lý luận khoa học thông thường. Phải thú thật rằng lúc đầu tôi cũng không tin tưởng cho lắm, nhưng một sự kiện xảy ra đã làm thay đổi hẳn quan niệm của tôi như sau:
Trong thời gian sống tại tu viện Samye, tôi được biết có một trưởng lão đã luyện lửa tam muội đến mức rất cao nên tôi đã đến xin ngài chỉ dạy.
Dĩ nhiên ngài từ chối, nhưng tôi cứ năn nỉ mãi và sau cùng tỏ ra nghi ngờ việc điểm đạo truyền pháp cũng như sức gia trì của chư tổ qua những bài thần chú khẩu truyền. Không biết có phải ngài muốn tống khứ tôi đi cho rồi hay muốn dạy cho tôi một bài học nên ngài chỉ truyền cho tôi một bài chú rất ngắn, bảo tôi lên một con suối trên đỉnh núi tắm rửa rồi ngồi đó tĩnh tọa trong vòng một đêm. Lúc đó là mùa hè, khí hậu không đến nỗi gắt gao lắm nhưng trên độ cao hơn sáu ngàn thước thì nhiệt độ cũng khá lạnh. Tôi theo đúng lời khuyên tắm rửa trong cái hồ nước lạnh đó và lên bờ tĩnh tọa theo cách ngài chỉ dạy. Tôi không ý thức rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng chỉ biết rằng vừa ngồi được một lúc và chú tâm vào bài thần chú đó thì thân thể tôi tự nhiên nóng ran lên một cách lạ lùng. Một luồng hơi nóng phát xuất từ bụng đã di chuyển khắp thân thể khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu. Dĩ nhiên tôi chỉ trải nghiệm được như vậy thôi chứ không thấy gì khác vì tôi chưa hề được làm lễ nhập môn và cũng không biết gì về môn khí công cả. Tôi vẫn nửa tin nửa ngờ về sức mạnh của bài thần chú này, nhưng cũng tạm hài lòng rằng tôi đã không bị cảm lạnh sau khi tắm nước lạnh và tĩnh tọa ngoài trời suốt đêm.
Tám năm sau, tôi đã quên hẳn chuyện cũ thì một chuyện khác xảy ra khiến tôi bàng hoàng và đổi hẳn thái độ về sức mạnh gia trì của bài chú này.
Hôm đó, tôi đang đi bộ trên sườn núi tại Rakshi thì sẩy chân ngã lộn xuống suối. Dòng nước lạnh gần đóng thành băng khiến chân tay tôi tê cứng không sao cử động. Tôi cố gắng vùng vẫy mãi mới lội được vào bờ nhưng một tai họa khác đã ập đến – khí hậu lạnh đã làm bộ quần áo ướt sũng của tôi đóng thành đá. Vì đi dạo một mình, đoàn tùy tùng được lệnh nghỉ ngơi trong một ngôi làng gần đồi, trên mình chỉ có độc một bộ quần áo nên tôi không biết phải xoay sở làm sao. Tôi cố gắng tìm đường về làng nhưng thân thể cứ run lên vì lạnh, chỉ đi được vài bước răng tôi đã đánh vào nhau lập cập, chân tay tê cóng không thể đi thêm được nữa. Tôi cố gắng lắm mới lết được đến một hòn đá lớn bên vệ đường và nằm bẹp ở đó, không sao nhấc tay chân lên được. Tình trạng này mà kéo dài thêm nửa giờ thì chắc chắn tôi sẽ chết vì lạnh.
Đến lúc đó, tôi chợt nghĩ nếu mình biết nhiệt công hay lửa tam muội thì đâu đến nỗi. Tôi bèn khấn các chư tổ xin các ngài gia hộ cho tôi thoát khỏi sự khó khăn này rồi cố gắng ngồi xếp bằng thở hít và chú tâm vào bài chú khẩu truyền về lửa tam muội kia. Tuy đã lâu không trì tụng, tôi đã quên nó rồi nhưng không hiểu sao lần đó tôi lại nhớ rõ từng câu, từng chữ. Điều bất ngờ là nó vẫn linh nghiệm như xưa. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thân người tôi nóng ran lên, hơi ấm di chuyển toàn thân và chỉ chốc lát bộ quần áo đông cứng như đá bỗng bốc hơi như được hơ trên lửa. Khoảng nửa giờ sau nó đã hoàn toàn khô ráo đủ để tôi có thể tìm đường trở về làng.
Mặc dù sự kiện này có vẻ khó tin nhưng đó là lần thứ hai bài chú đã có công hiệu trong việc chuyển nhiệt đối với tôi. Đến nay, mặc dù không sử dụng bài chú đó nữa nhưng tôi có thể kết luận rằng theo sự hiểu biết và kinh nghiệm riêng của tôi thì các phương pháp khí công chỉ là kỹ thuật căn bản, điểm quan trọng của nhiệt công là sức gia trì của các vị tổ qua các bài chú và chính các bài chú này mới là động năng quan trọng nhất của môn nhiệt công hay lửa tam muội.
Ngoài nhiệt công và khinh công, một bộ môn huyền thuật khác cũng được nhắc đến rất nhiều là nghệ thuật chuyển di suy nghĩ hay thần giao cách cảm. Phần lớn các danh sư huyền thuật đều ít nói. Khi thâu nhận đệ tử, họ dạy dỗ rất ít bằng ngôn từ. Các môn sinh chỉ sống với thầy trong một thời gian rồi tìm vào những chốn hoang vu hẻo lánh để thực hành. Tuy thế, họ vẫn có thể liên lạc với thầy bằng suy nghĩ. Tuy tình nghĩa thầy trò sâu xa khắng khít nhưng người ta vẫn không nhất thiết phải ở gần sát bên nhau vì họ đã biết cách liên lạc bằng sự chuyển di suy nghĩ. Thông thường chỉ khi nào thật sự cần thiết, khoảng vài năm một lần thầy mới gặp trò để xem trò đã tiến bộ đến đâu hay để truyền dạy thêm cho học trò.
Quy tắc của phép chuyển di suy nghĩ cũng giống như các quy luật về vô tuyến truyền thanh, nghĩa là có hai phần: một phần phát ra và một phần nhận vào. Tuy nhiên, ở máy vô tuyến thì hai bên chỉ hiểu nhau qua lời nói, còn ở phép thần giao cách cảm thì hai bên hiểu nhau bằng suy nghĩ. Sự chuyển di suy nghĩ hay thần giao cách cảm đã được đề cập trong các tài liệu của châu Âu nhưng đa số đều diễn ra một cách tình cờ, bất ngờ và chỉ một lần rồi thôi. Tại Tây Tạng, sự kiện này xảy ra rất thường, rõ rệt và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Người Tây Tạng xem đây là một huyền thuật hay một bộ môn mà người ta có thể tập luyện được. Muốn tập, người ta cần huấn luyện khả năng tập trung để phát ra những luồng suy nghĩ và biết giữ sao cho đầu óc trở nên tinh nhạy để có thể đón nhận các luồng suy nghĩ tinh tế.
Thông thường, đầu óc con người luôn luôn bị dao động bởi các luồng suy nghĩ khác nhau. Ngay khi người ta đang làm một chuyện gì đó thì trong đầu cũng nảy sinh rất nhiều suy nghĩ khác biệt lao chao như ngọn đèn trước gió. Có thể vì những suy nghĩ này cũng chỉ hiện ra rồi biến mất, không để lại dấu vết gì nên người ta không ý thức đến chúng. Chính vì không làm chủ được mà người ta sống thụ động, không ý thức. Các sức mạnh tâm linh được tượng trưng bởi suy nghĩ, do đó bị hao tán và không tạo được ảnh hưởng gì quan trọng. Để tập trung suy nghĩ, ta phải biết cách loại bỏ những suy nghĩ không cần thiết, chỉ giữ trong tâm một suy nghĩ duy nhất mà thôi. Khi sức mạnh của suy nghĩ được tập trung, nó sẽ gia tăng cường độ và tạo ra những hiện tượng của tâm thức vô cùng đặc biệt. Việc tập luyện để kiểm soát suy nghĩ, tập trung nó vào một điểm duy nhất, chính là căn bản của hầu hết các bộ môn huyền thuật Tây Tạng. Tôi đã chứng kiến việc tập luyện nghệ thuật chuyển di suy nghĩ tại tu viện Kumbum như sau:
Thoạt đầu, học trò phải tập quan sát suy nghĩ của mình xem nó phát sinh và hoạt động như thế nào. Phải tập làm chủ suy nghĩ một cách hoàn toàn sao cho trong óc chỉ có một suy nghĩ duy nhất. Họ phải biết phân tích các luồng suy nghĩ chợt đến chợt đi trong chớp mắt phát xuất từ tâm mình và làm sao để kiểm soát được chúng. Chỉ khi đã hoàn toàn kiểm soát được suy nghĩ thì họ mới được phép ngồi chung phòng với thầy mà thiền định.
Thầy trò ngồi cách nhau khoảng một thước và tập trung suy nghĩ vào một đối tượng nào đó, có thể là một vật, một sự kiện… Sau khi xả thiền, trò phải kể lại cho thầy nghe mọi biến chuyển trong tâm thức của mình từ lúc nhập thiền cho đến khi xả thiền. Mọi ý tứ, suy nghĩ, nhận thức ra sao đều phải kể lại thật rõ ràng chi tiết. Vị thầy sẽ xem xét và so sánh với suy nghĩ của mình xem có đúng hay không. Nếu có sự trùng hợp thì họ bắt đầu liên lạc được với nhau bằng suy nghĩ rồi.
Sau một thời gian khi đầu óc đã tương thông thì thầy trò sẽ ngồi thiền tại các địa điểm xa nhau hơn. Thầy âm thầm truyền lệnh cho học trò, nếu trò hiểu được thì đáp lại hoặc thi hành những công việc mà thầy giao phó. Càng ngày thầy trò càng luyện tập ở cách nhau một khoảng xa hơn, lúc đầu vài cây số, về sau đến vài trăm cây số cho đến khi nào khoảng cách không gian không còn là trở ngại nữa. Việc tập luyện được xem là thành công khi thầy trò có thể truyền suy nghĩ cho nhau bất kỳ lúc nào và ở đâu.
Thời gian tập luyện có thể kéo dài từ vài năm đến trọn đời tùy theo khả năng của người luyện. Không ai biết rõ tỉ lệ giữa số người tập và số thành công là bao nhiêu, tuy nhiên theo như tôi được biết thì việc truyền đạt suy nghĩ đòi hỏi khả năng tập trung rất khó, nhưng việc chuẩn bị đầu óc tinh nhạy để đón nhận các luồng suy nghĩ này thì tương đối dễ hơn. Đa số học trò đều nhận được các thông điệp của thầy, nhưng không mấy người có thể gửi thông điệp cho thầy.
Người Tây Tạng tin rằng không phải chỉ những người đã được huấn luyện mới có thể gửi thông điệp cho nhau mà các tu sĩ, sau khi đã đạt đến một trình độ nào đó đều có thể liên lạc với nhau bằng suy nghĩ. Theo họ thì chuyển di suy nghĩ chỉ là sự tập trung suy nghĩ vào một mục đích nhất định, trong khi căn bản của hầu hết những phương pháp tu hành đều là kiểm soát suy nghĩ. Một khi đã kiểm soát được suy nghĩ thì dĩ nhiên người ta có thể tập trung nó vào bất cứ mục đích gì họ muốn.
Nếu giải thích theo khoa học thì suy nghĩ của con người chỉ là những làn sóng tâm thức phát ra với một cường độ rất yếu. Khi suy nghĩ được tập trung, làn sóng này được khuếch đại lên. Chuyển di suy nghĩ chỉ là một phương pháp khiến làn sóng đã được khuếch đại này rung động trên một “băng tần” nhất định để người khác có thể đón nhận được. Làm sao hai người có thể bắt được suy nghĩ của nhau? Làm sao họ biết “băng tần” nào để chuyển di suy nghĩ? Bí quyết của nó nằm ở những bài chú khẩu truyền hay những rung động âm thanh mà cả hai đều hết lòng trì tụng. Sự tương giao giữa những âm thanh này chính là cái mà khoa học ngày nay gọi là “băng tần”, những chu kỳ rung động của suy nghĩ. Nói cách khác, nguyên tắc của phép chuyển di suy nghĩ không khác với nguyên tắc hoạt động của vô tuyến truyền thanh ngày nay là bao nhiêu, thay vì sử dụng máy móc thì các đạo sĩ Tây Tạng đã sử dụng bộ óc của chính mình. Do đó cũng có thể kết luận rằng huyền thuật và khoa học thực nghiệm đều dựa trên những quy tắc hay định luật không khác nhau, một bên áp dụng những quy tắc này vào kỹ thuật hay dụng cụ bên ngoài, còn một bên thì sử dụng tiềm năng của bộ óc, vốn tinh tế và phong phú hơn nhiều, để cùng nhắm vào một mục đích chung.
Nhiều người đã hỏi tôi tại sao Tây Tạng lại có nhiều hiện tượng huyền bí khác hẳn những nơi chốn khác? Đây là một câu hỏi có nhiều cách trả lời tùy theo quan niệm mỗi người. Tôi tin rằng địa dư là một trong những yếu tố chính đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để huyền thuật có thể phát triển. Có lẽ do ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi hiểm trở nên xứ này đã gìn giữ được những truyền thống cổ xưa. Có lẽ vì nằm ở trên cao, dân cư thưa thớt so với cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ nên không gian xứ này lúc nào cũng hết sức yên tĩnh. Bất cứ ai đến đây cũng đều cảm nhận được sự tĩnh lặng mênh mông bao trùm lên mọi vật.
Trong thời gian sống tại đây, tiếng động ồn ào nhất mà tôi được nghe chỉ là tiếng thác nước hay tiếng rì rào của gió thổi qua những hàng cây. Phải chăng chính vì sự tĩnh lặng tuyệt đối này mà tư tưởng con người dễ tập trung, khuếch đại, giúp người ta có thể phát triển được các khả năng đặc biệt? Phải chăng cuộc sống tại những nơi phồn hoa đô hội với hàng triệu làn sóng suy nghĩ hỗn tạp đã tạo ra những rung động lộn xộn, huyên náo, đầy ô nhiễm, làm hao tán khả năng tập trung, phá hoại tâm trí con người? Phần lớn những người sống tại các đô thị đông đúc khó có thể làm chủ suy nghĩ của mình và luôn bị chi phối bởi số đông. Một khi đã không kiểm soát được suy nghĩ của mình, người ta dễ bị lôi cuốn vào cái đà sống quay cuồng, vào những rung động bất hảo như tham lam, ganh tị, sân hận, si mê và hậu quả là họ dễ mắc phải những căn bệnh thác loạn thần kinh, suy nhược cơ thể và hàng trăm căn bệnh lạ lùng khác.
Một khi suy nghĩ đã tập trung không còn hao tán hay bị lôi cuốn bởi các rung động khác thì đầu óc con người trở nên tinh nhạy, có thể bắt được mọi làn sóng rung động khác. Đây là nguyên tắc của một quyền năng cao hơn phép chuyển di suy nghĩ, gọi là “tha tâm thông” hay khả năng đọc suy nghĩ của người khác. Trong khi chuyển di suy nghĩ chỉ là việc phát ra hay ghi nhận những luồng suy nghĩ trên một “băng tần” nhất định thì tha tâm thông lại có thể ghi nhận mọi suy nghĩ trên khắp các “băng tần”. Tôi ghi lại đây một trường hợp đã xảy ra với chính tôi:
Lần đó, chúng tôi phải cải trang thành những kẻ hành khất để đi Lhasa vì nơi này không cho phép người ngoại quốc nào được thăm viếng.
Để tránh bị phát giác, chúng tôi đã đi bộ đến Lhasa như những người hành khất thật sự. Qua mấy ngày mấy đêm, ai nấy đều hết sức mệt mỏi. Vừa đói vừa lạnh, chúng tôi chỉ thèm có một chén trà nóng nhưng dĩ nhiên làm gì có củi lửa để nấu trà. Xế trưa hôm đó, chúng tôi gặp một nhóm người đang nghỉ ngơi bên vệ đường. Có lẽ họ đã ăn uống xong, đang chuẩn bị dọn dẹp hành trang để lên đường. Trưởng đoàn là một vị Lạt Ma già, khuôn mặt hiền từ đang ngồi lâm râm đọc kinh trong khi những người tùy tùng thu dọn đồ đạc chất lên ngựa. Có lẽ sự thèm muốn được uống trà đã hiện rõ trong tâm trí chúng tôi nên vị Lạt Ma già bỗng ngừng đọc kinh, thốt lên một câu nói ngắn “Thật tội nghiệp” rồi quay ra bảo người tùy tùng khơi lại bếp lửa để nấu cho chúng tôi một bình trà nóng. Khi bình trà đã sôi, khói bốc lên nghi ngút, ông gọi chúng tôi lại bảo đưa bát ra rồi rót cho mỗi người một chén trà lớn. Chúng tôi cung kính cảm ơn rồi uống trà, trong khi vị Lạt Ma tiếp tục đọc kinh và những người tùy tùng thu dọn hành lý để lên đường. Có lẽ những con ngựa vẫn còn muốn gặm cỏ, chưa chịu lên đường nên chúng cứ hí vang rồi vùng vằng chạy lảng ra xa, không chịu để cho người ta chất đồ đạc lên lưng. Những người tùy tùng phải khó nhọc lắm mới đuổi theo lôi về từng con một. Tôi vừa uống trà vừa ngồi xem những người tùy tùng đuổi bắt ngựa, bất chợt tôi nhìn thấy một bình đựng sữa tươi để gần đó. Tôi nghĩ thầm “Nếu có thêm được ít sữa nữa thì mới thật là tuyệt”. Dĩ nhiên sữa là một món quý, đời nào người ta lại bố thí cho những kẻ hành khất như chúng tôi. Như đọc được suy nghĩ của tôi, vị Lạt Ma bỗng ngưng đọc kinh, thốt lên “Tội nghiệp thay!”, rồi ông quay qua bảo một người tùy tùng đem cho chúng tôi mỗi người một bát sữa lớn. Thật khó có thể diễn tả cảm giác sung sướng của chúng tôi khi được uống bát sữa thơm pha với trà hôm đó.
Chúng tôi chắp tay cung kính cảm ơn vị Lạt Ma nhưng ông này chẳng hề quan tâm mà chỉ nhắm mắt lâm râm đọc kinh như không có chuyện gì xảy ra.
Vào một lần khác, chúng tôi đi dọc theo thung lũng Kansu, gần biên giới tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Đây là một lộ trình rất nguy hiểm do có nhiều băng cướp hoạt động, ví thế các đoàn thương nhân thường phải tụ tập thật đông, võ trang cẩn thận mới dám đi. Chúng tôi tập họp năm sáu đoàn lại thành một nhóm rồi lên đường. Trong số những người mới gia nhập đoàn có một pháp sư người Mông Cổ mặc quần áo màu đỏ, có thêu những dấu hiệu của môn phái huyền thuật Ngakpa. Đây là một môn phái hoạt động bí mật, rất ít ai biết nên tôi cho ngựa đi song song với ông này để đàm đạo.
Câu chuyện xoay quanh các vấn đề huyền thuật, vị pháp sư vui vẻ kể cho tôi nghe về môn phái của ông. Ông cho biết sẽ đến gặp sư phụ, một pháp sư nổi tiếng đang thiết lập đàn tràng trừ yêu trên đỉnh núi gần đó. Tôi ngỏ ý muốn đến quan sát nhưng ông này từ chối, viện lẽ trong khi thi hành những pháp thuật đặc biệt, không ai được phép quấy rầy. Trong lúc vui miệng, ông kể về những phép thuật thần thông, nghi thức lập đàn tràng, nghi quỹ đặc biệt của người Mông Cổ mà rất ít ai biết, điều này đã khơi gợi trí tò mò của tôi. Tôi nghĩ thầm đây quả là một dịp may hiếm có để quan sát huyền thuật của người Mông Cổ. Khi đến chân núi, nơi sư phụ ông này lập đàn tràng, tôi ra lệnh cho nhân viên tùy tùng giữ ông này lại để tôi lên đó xem xét việc lập đàn tràng như thế nào. Vị pháp sư biết tôi không có ác ý mà chỉ tò mò nên không thèm chống cự, chỉ cười lớn:
– Bà có giữ tôi lại đây cũng vô ích thôi. Tôi đã nói rằng thầy tôi không cho phép ai đến đó quan sát cả. Tôi đâu cần phải chạy trốn mới báo tin cho thầy tôi biết được. Tôi có thể gửi thông điệp bằng suy nghĩ kia mà.
Tôi không tin ông có quyền năng đó nên ra lệnh cứ tạm giữ ông ta ở đó rồi dắt theo vài người tùy tùng tìm đường lên núi. Vừa đi được một quãng, tôi thấy ngay một đoàn sáu người Mông Cổ mặc quần áo màu đỏ có thêu dấu hiệu của phái Ngakpa đã đứng chờ sẵn bên đường. Một người cung kính chào tôi và dâng lên một tấm khăn choàng màu đỏ:
– Thầy tôi biết bà có nhã ý muốn đến thăm nhưng ngài không thể tiếp bà được. Ngài sai chúng tôi đến dâng tặng bà một tấm khăn choàng để tỏ lòng kính trọng của ngài đối với bà. Ngài dạy rằng chỉ những đệ tử đã được điểm đạo truyền pháp mới được phép tham dự đàn tràng này, người khác xin đừng đến, dù chỉ đến để quan sát với một tấm lòng thành kính.
Tôi ngạc nhiên không biết phải làm gì nữa. Quả thật vị pháp sư kia biết phép chuyển di suy nghĩ và đã cầu cứu vị thầy. Thay vì nổi giận, vị này lại lấy lễ nghĩa đối xử với tôi nên tôi không thể làm gì khác. Tôi đành cung kính nhận tấm khăn choàng và ra hiệu đoàn người theo tôi xuống chân núi.
Tôi lấy ra một ít vật thực như gạo, muối, đường cát trao cho vị pháp sư nhờ ông chuyển lại cho sư phụ ông ta và luôn miệng xin lỗi nhưng ông ta chỉ cười:
– Bà đừng lo, thầy tôi đã biết trước việc này rồi. Trong lúc bà xuống núi, ngài đã đọc được suy nghĩ của bà, biết bà sẽ gửi tặng ngài những món đồ này nên ngài nhắn với tôi nhờ chuyển lời cảm ơn những món mà bà dâng tặng.
Tôi đành lễ phép chào từ biệt vị pháp sư và mừng cho ông có diễm phúc được học hỏi với một danh sư Mông Cổ như vậy.
Không phải người ta chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng suy nghĩ hay âm thanh mà đôi khi còn bằng những linh ảnh nữa. Khi sống tại tu viện Kumbum, tôi đã nghe một vị trưởng lão chuyên về khoa chiêm tinh kể lại một câu chuyện như sau:
Hôm đó, trong lúc ngồi thiền, ông thấy một hình ảnh hiện ra trước mặt: Một người bạn cũ đang đứng cạnh một thanh niên thân hình vạm vỡ.
Hình như hai người đang từ biệt nhau vì thanh niên này quỳ xuống vái lạy người bạn của ông mấy lần theo nghi thức từ biệt. Sau đó, người bạn ông ghé vào tai thanh niên kia nói mấy câu, anh này vội vã quỳ xuống đất vái lạy ba lần. Khi anh đứng lên, vị trưởng lão thấy rõ vạt áo trái của anh bị rách một mảng lớn rồi hình ảnh đó bỗng biến mất. Vài tháng sau, một thanh niên thân hình to lớn, giống như hình ảnh mà ông đã nhìn thấy, tìm đến ra mắt, dâng lên một phong thư của người bạn cũ nhờ ông dạy dỗ cho anh này về khoa chiêm tinh. Người thanh niên kể rằng khi từ biệt vị thầy cũ, ông này đã nói “Từ nay ngươi sẽ theo học với vị thầy mới của ngươi, hiện nay ông ấy đang quan sát ngươi đấy, vậy ngươi hãy quay về phía bắc nơi ông ấy trú ngụ để làm lễ bái sư đi”. Vị trưởng lão còn thấy rõ vạt áo trái của người thanh niên bị rách một mảng lớn y hệt như trong hình ảnh mà ông đã thấy khi xưa. Ông kết luận “Chúng ta là bạn học đồng môn, bạn ta tốt nghiệp phân khoa huyền học nên biết rất nhiều huyền thuật, trong khi ta chỉ chuyên nghiên cứu về khoa chiêm tinh, không biết một chút gì về các phép thuật đó cả. Vì đã hơn mấy chục năm không liên lạc với nhau, bạn ta sợ ta không tin một lá thư viết tay loằng ngoằng nên ông đã khiến ta nhìn thấy linh ảnh đó để làm tin”.
Trong thời gian sống tại Tây Tạng, tôi đã được nghe kể nhiều về những câu chuyện tương tự. Các đạo sĩ tu nhập thất thường liên lạc với nhau bằng suy nghĩ hoặc linh ảnh. Các vị thầy cũng theo dõi việc tu hành hoặc chỉ dẫn cho đệ tử bằng những thông điệp suy nghĩ. Người Tây Tạng đã nói về sự kiện này một cách thản nhiên như không có gì lạ xảy ra. Người châu Âu có thể cho rằng họ “không biết gì”, không có một chút căn bản nào về khoa học hay những định luật về vật lý, không biết đến những giới hạn của không gian, thời gian nên “tưởng tượng” ra như vậy. Phải chăng đằng sau những vẻ dốt nát, ngây thơ chất phác ấy vẫn ẩn dấu những kiến thức siêu việt lạ lùng mà khoa học ngày nay không hề biết và biết đâu họ chẳng mỉm cười trước thái độ khinh miệt, ngạo mạn của những nhà bác học thông thái Tây phương?
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet