Ngọc Sáng trong Hoa Sen
✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen
Chương VI: Ngũ Đài Sơn
Nếu miền nam Trung Hoa có những thửa ruộng xanh tươi chạy dài đến tận chân trời thì miền bắc lại có những dãy đồi chập chùng bát ngát và Vạn Lý Trường Thành. Đó là một bức tường khổng lồ, trông như con rắn chạy dọc từ Liêu Đông đến Cam Túc (gần Turkestan ngày nay). Thật khó có thể tưởng tượng từ năm 206 trước Tây lịch, người Trung Hoa đã xây cất một công trình kiến trúc vĩ đại như thế. Hiển nhiên vị hoàng đế lúc đó, Tần Thủy Hoàng, đã tốn không biết bao nhiêu tài sản và sức dân để xây dựng công trình này. Sử sách nói rằng hàng triệu người đã chết thảm, lòng oán than đã lên đến trời xanh. Tuy có công thống nhất Trung Hoa và mở mang bờ cõi nhưng người Trung Hoa vẫn chỉ coi Tần Thủy Hoàng như một bạo chúa, sử dụng bạo lực để củng cố quyền hành riêng của mình. Lịch sử Trung Hoa có nhiều bạo chúa nhưng không ai có thể sánh kịp ông vua này về mức độ tàn bạo, dã man và việc hoàn toàn tiêu hủy di sản tiền nhân qua chính sách “đốt sách, chôn nho”. Biết bao nhiêu tâm huyết và tinh hoacủa người xưa đã bị hủy hoại bởi ngọn lửa Tần.
Cách Vạn Lý Trường Thành không xa, có một công trình xây cất hết sức vĩ đại, được người dân Trung Hoa nhắc đến một cách hãnh diện: Công trình tạc tượng và điêu khắc vào núi đá ở thành phố Đại Đồng mà nổi tiếng nhất là động Vân Cương thuộc núi Ngũ Châu, hiện được coi như một kỳ quan của Thế Giới.
Theo sử sách, vua Ngụy Văn Đế rất sùng mộ đạo Phật, đã tuyển một số thợ giỏi cho công trình tạc tượng Phật lên núi đá. Vì tính chất vĩ đại của công trình này, nhiều thợ xin mang cả gia đình đến cư ngụ. Vua bèn cấp cho gia đình những người này ruộng nương để cày cấy, miễn thuế khóa, đặt ra nhiều đặc quyền để họ có thể hoàn tất công trình. Do sự biệt đãi hiếm có ấy, nhiều người từ khắp nơi cũng kéo đến xin làm. Theo tài liệu, có lúc đã có hơn 50.000 người cư ngụ và làm việc tại đây, biến miền biên thùy hoang vu này thành một thành phố trù phú có tên là Đại Đồng.
Trải qua các triều đại, vật đổi sao dời nhưng các vua chúa đời sau, từ nhà Tùy, nhà Đường đến nhà Tống thấy công trình tạc tượng tốt đẹp nên vẫn giữ nguyên.
Trong lịch sử Trung Hoa, Đại Đồng là thành phố duy nhất không hề trải qua một trận binh đao, dân chúng trong vùng lúc nào cũng được yên ổn làm ăn.
Những người thợ khắc đá cứ tiếp tục làm việc mà không bị gián đoạn bởi thời cuộc, cha truyền con nối từ đời này qua đời khác nên trải qua hàng ngàn năm, công trình điêu khắc tại đây cũng không còn thống nhất như lúc đầu mà là nhiều công trình khác nhau hợp lại. Mỗi nhóm thợ tự ý sáng tác những tác phẩm nghệ thuật riêng chứ không theo một kế hoạch chung. Theo tôi, có lẽ chương trình lúc đầu cũng không quá lớn lao như vậy, nhưng theo thời gian, những người thợ đã tự ý tìm môi trường sáng tác theo cảm xúc cá nhân hay phe nhóm. Một số tìm vào những hang động để tạc, số khác đắp những pho tượng lộ thiên khổng lồ dọc theo sườn núi và kết quả là tạo thành một kỳ quan vĩ đại không tiền khoáng hậu.
Có đến hơn hai trăm động đá, được xếp vào năm nhóm. Mỗi động có khoảng vài ngàn công trình điêu khắc, mỗi công trình lại có những đường nét, sự tích khác nhau.
Trong lịch sử nhân loại, có lẽ đây là một kế hoạch kiến trúc kéo dài lâu nhất và có những đặc thù hy hữu nhất. Hãy thử tưởng tượng mấy ngàn người thợ khắc đá ung dung làm việc từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ sau, chẳng cần biết đến triều đại nào đang cai trị, chẳng màng đến thế sự, mà chỉ đem hết tâm hồn phục vụ cho nghệ thuật và cho lý tưởng thanh cao. Trong các công trình kiến trúc của loài người, từ Vạn Lý Trường Thành đến các Kim Tự Tháp, công trình nào cũng làm đổ máu dân lành để hoàn tất giấc mộng điên cuồng của các bạo chúa. Riêng công trình tại núi Ngũ Châu thì khác hẳn, nó được đặt ra trên sự tự nguyện, trong một tinh thần nhân ái, qua những sắc phong của các bậc quân vương và kết quả là đã có hàng trăm ngàn tác phẩm điêu khắc trên đá tuyệt vời, không bút mực nào có thể tả xiết.
Vân Cương là một động lớn gồm nhiều động nhỏ hợp lại. Mỗi động lại có một
pho tượng Phật chính tại vị trí Trung tâm và nhiều công trình điêu khắc phụ rải rác chung quanh. Đa số các pho tượng chính đều rất lớn, thí dụ như pho tượng Phật ở động số 1 lớn đến nỗi tôi có thể đứng gọn trong lòng bàn tay của pho tượng một cách dễ dàng. Vì hang động thì hẹp mà các pho tượng lại quá lớn nên ít ai có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn công trình nghệ thuật vĩ đại này. Dù muốn người ta cũng chỉ có thể ghi nhận một phần của pho tượng vào phim ảnh chứ không thể chụp toàn thể vì diện tích chật hẹp và giới hạn của hang. Hầu hết các bức ảnh chụp tại đây đều ghi nhận các pho tượng phụ, tương đối nhỏ, chạm trổ gần cửa hang vì có đủ ánh sáng, ít ai có thể chụp được các pho tượng chính nằm sâu bên trong
[5]
. Vì hang động nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm điêu khắc nên không ai bước vào đây mà không bị một cảm giác kỳ lạ tràn ngập lôi cuốn. Người ta cảm tưởng như mình đang đứng trong một Thế Giới huyền ảo mông lung nào khác chứ không phải tại Trung Hoa. Đa số du khách chỉ thăm viếng một vài động chính chứ ít ai chịu bỏ thời giờ tìm đến những hang động nhỏ bé, hẻo lánh, nằm khuất nẻo ở trong sâu.
Sau khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật chính, tôi lần mò dọc theo những vách đá hẹp của các hang động phụ để xem xét các công trình nghệ thuật mà ít ai để ý đến. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn nến nhỏ, tôi khám phá ra nhiều công trình điêu khắc sơ sài trên vách, đa số đường nét còn vụng dại chứ không sắc sảo như các tác phẩm chính. Có lẽ đây là công trình của những người thợ phụ, người mới học nghề hay con cháu của những người thợ chính đã tìm đến đây để thực tập cho quen tay. Theo ý tôi, người ta phải mất ít nhất một tuần lễ mới có thể thưởng thức trọn vẹn các công trình điêu khắc tại động Vân Cương nhưng ngoài ra quanh Đại Đồng còn có nhiều hang động khác mà ít ai nói đến. Một nhà nghiên cứu thực sự phải bỏ ra vài tháng hay cả năm mới có thể xem hết được các công trình điêu khắc quanh đây được.
Từ Đại Đồng đi Ngũ Đài Sơn mất khoảng tám ngày đường bộ. Vì lý do an ninh, ít ai dám di chuyển một mình mà thường nhập với nhau thành một đoàn. Phái đoàn của chúng tôi gồm có bốn chục người. Ngoại trừ vị Lạt ma người Mông Cổ, một ông lão người Mãn Châu và tôi có đủ tiền thuê lừa để cưỡi, tất cả đều đi bộ, chỉ sử dụng lừa, ngựa hay lạc đà để chuyên chở hành lý mà thôi. Mặc dù trước đó không quen nhau nhưng khi đi khoảng nửa ngày, tất cả đều thân mật vui vẻ, nói chuyện như pháo ran. Một số vừa đi vừa kể những câu chuyện truyền khẩu của dân du mục hay các giai thoại cổ tích. Hiển nhiên cũng có người đã biết những chuyện này nên hễ người này mệt thì lại nhường cho người khác kể tiếp… cứ thế câu chuyện lại tiếp diễn, truyền từ miệng người này qua người khác. Đi khoảng vài giờ, đoàn người lại dừng chân để nấu trà và nghỉ ngơi. Một số thương khách mang theo thuốc phiện để hút, một số khác nhai lá cây nha phiến. Họ cho biết nếu không sử dụng những thứ này thì khó có thể chịu đựng những chuyến hành trình gian nan từ năm này qua năm khác được.
Sau khi đi được vài hôm, con lừa tôi cưỡi bỗng giở chứng hất tôi ngã xuống đất mấy lần. Ông già người Mãn Châu chạy đến xem rồi nói ngay:
– Con lừa này mắc bệnh rồi! Tôi chất vấn gãchăn lừa:
– Tại sao anh lại đem một con vật bệnh tật như thế này racho mướn?
– Tại vì tôi chỉ có mỗi con lừa này thôi!
– Bây giờ anh tính sao đây? Tôi không thể cưỡi lừa được nữa và dĩ nhiên phải đi bộ, như vậy tôi không thể trả tiền mướn lừacho anh được.
– Không sao đâu, để tôi xem…
Gã chăn lừa xem xét con vật một lúc rồi rút trong mình ra một cây kim dài đâm luôn vào mặt con vật. Tôi giận quá hétầm lên:
– Đồ trứng rùa! Sao anh lại làm như vậy?
– Tại sao lão gia dám gọi tôi làtrứng rùa?
– Mi không phải là đồ trứng rùathì là gì nữa đây!
– Không, tôi không phải làtrứng rùa!
“Trứng rùa” là câu chửi rất nặng đối với người Trung Hoa, hiển nhiên gã chăn ừa rất khó chịu về câu nói đó. Tôi không muốn cãi vã thêm, hầm hầm bỏ đi xuống cuối đoàn, không ngó ngàng gì đến gã nữa. Dĩ nhiên tối hôm đó, gã chăn lừa không đến dựng lều hay mang trà đến cho tôi như thường lệ nên tôi phải ngủ chung với vị Lạt ma người Mông Cổ. Tuy nhiên sáng hôm sau, khi ông già người Mãn Châu dắt con lừa lại cho tôi cưỡi, tôi thấy con vật có vẻ thoải mái, thuần hậu hơn trước. Đến khi đó tôi mới biết gã chăn lừa đã sử dụng cây kim nhọn đâm vào huyệt vị gần mũi để chữa bệnh chứ không phải hành hạ con vật như tôi đã nghĩ.
Tôi hối hận tìm đến gã chăn lừa xin lỗi, sau khi chính thức công nhận rằng gã không phải là “đồ trứng rùa” trước mặt mọi người. Gã chăn lừa vui vẻ khoe rằng gã đã học nghệ thuật này từ một vị lương y nổi tiếng. Theo gã, trên mình con lừa có hai mươi mốt huyệt vị chính, mỗi huyệt liên quan đến một số bộ phận trong cơ thể. Nếu biết dùng kim châm vào các huyệt vị để giải tỏa các luồng khí bị nghẽn, người ta có thể chữa được hầu hết các chứng bệnh thông thường.
Ngũ Đài Sơn là một rặng núi có năm ngọn núi chính nhô lên cao như những cái tháp. Đây là một dãy núi lớn đến hàng chục ngọn cao thấp khác nhau nhưng đặc biệt có năm ngọn cao hơn cả, sừng sững như năm cái đài nên được gọi là Ngũ Đài. Đúng như lời người khách tại Bắc Kinh đã tả, phong cảnh quanh đây tuyệt đẹp. Từ xa người ta đã thấy những đồi cỏ mênh mông xanh rì chạy dài đến tận chân trời. Đường lên núi quanh co, nhiều đoạn rất dốc, mọi người đều bỏ lừa đi bộ và phải khó nhọc lắm mới đi được. Đường xuyên sơn gập ghềnh, lúc lên cao khi xuống thấp, có những eo núi bị mây trắng phủ kín, gần như không nhìn thấy gì, có những thung lũng xanh tươi, đầy kỳ hoa dị thảo. Vì là mùa xuân, cây cối nở hoa thơm ngát, có những vùng được hoa phủ kín thung lũng như những tấm thảm muôn màu, đẹp tuyệt vời, không bút mực nào có thể tả xiết. Mặc dù rặng Ngũ Đài nằm trên một cao nguyên, khí hậu ôn đới, lạnh và khô, nhưng các dãy núi dựng đứng như tường thành đã cản mây từ biển thổi vào, bao hơi ẩm đều tích tụ và dồn xuống thung lũng quanh đó nên cây cối nơi đây rậm rạp, xanh tươi không thua kém gì các dãy núi thuộc khí hậu nhiệt đới ở phía nam Trung Hoa.
Tuy đã đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh nhưng thú thật, tôi không thấy nơi nào cảnh đẹp như nơi này. Theo chỗ tôi biết, rặng Ngũ Đài có đến hơn ba trăm tu viện lớn nhỏ nằm rải rác khắp nơi. Hầu hết các tu viện đều phản ánh đường nét kiến trúc đặc biệt của những sắc dân dựng lên nó. Tu viện của người Tây Tạng với những ngọn tháp nhọn, tu viện của người Trung Hoa với mái Chùa cong, chạm trổ rồng phượng, và tu viện của người Mông Cổ, kiến trúc đơn sơ nhưng mái lại dát vàng óng ánh…
Người trưởng phái đoàn cho biết, tất cả các tu viện Tây Tạng đều đặt dưới quyền điều khiển của một vị Lạt ma trưởng lão gọi là Kushog, quyền hành tương đương như một vị giám mục hoặc hồng y của Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên các Chùa Trung Hoa hay Mông Cổ thì hoàn toàn độc lập, không thuộc sự chi phối của ai cả. Trừ Phật Giáo Tây Tạng có một tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, Phật Giáo Trung Hoa hay Mông Cổ không hề được tổ chức thành các hệ thống như thế. Lạt ma Kushog cư trú tại một tu viện chính rất lớn gọi là Pusa Ting. Đó là một tu viện kiến trúc hết sức đặc biệt về đủ mọi phương diện. Từ xa người ta đã nhìn thấy những bức tường gạch màu đỏ, những bậc thang bằng đá trắng dẫn lên ngôi Chùa chính với mái ngói vàng rực rỡ không thua Cấm thành tại Bắc Kinh bao nhiêu. Trong những ngôi Chùa tại Ngũ Đài, Pusa Ting là ngôi Chùa lớn nhất, vĩ đại nhất và kiến trúc đặc biệt nhất
[6]
. Ngoài ngôi Chùa chính kiến trúc đồ sộ trang nghiêm, còn có hơn tám chục ngôi Chùa nhỏ vây quanh đó nữa. Diện tích Pusa Ting lớn đến nỗi phải mất hơn một tuần tôi mới có thể đi thăm viếng hết tu viện này. Có hàng chục chánh điện lớn nhỏ với các pho tượng bằng vàng khối đúc rất đẹp. Có những bức tường gạch lớn được quét vôi rồi vẽ các bức họa lên trên, đường nét sắc sảo trông như thật. Có những thư viện với rất nhiều sách vở, kinh điển hết sức quý giá. Tôi được đưa vào một trú phòng đặc biệt, dành cho các bậc thượng khách. Đó là một căn phòng rộng với đồ đạc bằng gỗ quý, ngay cả tấm thảm lót dưới sàn cũng là một công trình nghệ thuật đặc biệt: Về sau tôi được biết rằng từ nhiều thế kỷ trước, các đoàn khách thương thường mang phẩm vật đến
đây dâng cúng vào tu viện; các vua chúa nhà Mãn Thanh cũng đối xử hết sức đặc biệt với Lạt ma Kushog, cung cấp cho tu viện nhiều thứ đặc biệt để giữ tình hòa hảo giữa hai quốc gia Trung Hoa và Tây Tạng. Do đó tu viện Pusa Ting được trang hoàng bằng những đồ đạc đặc biệt lộng lẫy không khác cung điện của một vị vua là bao.
Lúc đầu tôi chỉ định ghé thăm Ngũ Đài Sơn khoảng vài tuần là nhiều nhưng chỉ ít lâu sau tôi được biết sinh viên đại học Bắc Kinh nhất định bãi khóa cho đến khi chính quyền thay đổi chính sách đối với người Nhật tại Liêu Đông. Hiển nhiên đây là một vấn đề hết sức nan giải vì khi đó quyền lực của người Nhật rất mạnh, đang đe dọa thôn tính Trung Hoa. Qua những bức thư liên lạc với nhà trường, ban giám đốc khuyên tôi không nên trở về Bắc Kinh vì tình hình càng ngày càng căng thẳng và bất an. Vài tháng sau, phong trào bài ngoại được khởi xướng, sự có mặt của một người ngoại quốc như tôi tại Bắc Kinh hoàn toàn bất lợi nên tôi đành phải lưu lại Ngũ Đài thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên số tiền dự trữ mang theo đã cạn dần, tôi phải liên lạc với bạn bè xa gần để nhờ giúp đỡ.
Thời gian cứ thế kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và sau cùng là vài năm. Hiển nhiên không bao giờ tôi nghĩ mình lại sống tại Ngũ Đài Sơn lâu đến thế nhưng tình hình Trung Hoa càng ngày càng đi đến chỗ rối loạn và bi đát. Các cuộc tranh chấp giữa Trung Hoa và Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc thành lập Mãn Châu quốc đã đưa đến nhiều chia rẽ trầm trọng trong nội bộ người Hoa.
Ít lâu sau quân Nhật thừa thế bắt đầu phong tỏa vùng biên giới, chiếm đóng các tỉnh đông bắc và điều tôi không ngờ rằng lần rời Bắc Kinh đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy thành phố này.
Cuộc sống tại Ngũ Đài Sơn rất lặng lẽ êm đềm vì tin tức thời sự bên ngoài không mấy khi lọt vào đây, có lẽ không ai để ý đến nó thì đúng hơn. Đời sống
trong tu viện trầm lắng và đều đặn với các khóa lễ, các thời khóa tu Thiền và học tập kinh điển, một nếp sống không thay đổi từ nhiều thế kỷ nay. Hầu hết khách hành hương đến và đi âm thầm, không ai đề cập hay nhắc nhở gì đến các biến cố đang xảy ra. Phải nói rằng nếu không có những bức thư của bạn hữu gửi từ Bắc Kinh đến thì có lẽ tôi cũng quên luôn thời cuộc bên ngoài rồi. Sau khi thăm viếng Pusa Ting, tôi khởi sự đi thăm những tu viện khác trong vùng. Tu viện đầu tiên tôi đến thăm là Mani Bhadra, một tu viện của người Mông Cổ cách đó không xa, nơi ông lão Mãn Châu đi cùng với tôi đang trú ngụ. Vừa gặp nhau, ông lão đã nói ngay:
– Phùng tiên sinh hãy tạm nghỉ nơi đây ít lâu để gặp một người bạn cũ.
– Bạn cũ? Nhưng tôi có quen ai đâu?
Ông lão Mãn Châu mỉm cười một cách bí mật:
– Cứ tạm ngủ ở đây qua đêm rồi tiên sinh sẽ biết. Sáng hôm sau đang say sưa ngủ thì tôi nghe một giọng cười sang sảng vọng đến. Mở mắt ra tôi đã thấy gã
Pháp sư Mông Cổ mà tôi quen tại Bắc Kinh đứng ở đầu giường.
– Này Phùng tiên sinh, tôi đã nói rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau mà.
Gã Pháp sư Mông Cổ cho biết hắn vừa đi Mông Cổ tuyển mộ thợ thuyền cho ngôi Chùa đang khởi công xây cất. Hắn đưa tôi đến xem ngôi Chùa và chỉ rõ cho tôi từng chi tiết mà hắn định sẽ cho xây. Thật khó có thể tưởng tượng trên một miếng đất hoang vu, cỏ còn mọc đầy mà hắn đi qua đi lại, nói vanh vách từng chi tiết về các phòng ốc, bậc thang, chỗ nào là chánh điện, chỗ nào là hậu liêu, từng cây cột kèo, từng bức tường đá,… Tôi nhìn thấy những người Mông Cổ cởi trần đang hì hục phát cỏ để đổ nền. Họ sử dụng những chiếc xe bằng gỗ thô sơ để vận tải gạch đá. Đa số những người này đều làm việc tự nguyện.
Họ làm một cách say sưa, vừa làm vừa ca hát. Tôi không thể tưởng tượng một công trình xây cất vĩ đại như vậy lại có thể hoàn tất mà không hề có đồ án kiến trúc nào. Đối với tôi, cho đến nay, đây vẫn là một hiện tượng huyền bí không thể giải thích. Vài hôm sau gã Pháp sư Mông Cổ lại lên đường đi quyên góp. Hắn ra chỉ thị cho những người thợ phải làm việc như thế nào trong lúc hắn vắng mặt. Vì lý do kỳ lạ nào đó, hắn biết rất rõ khi trở về, công việc sẽ hoàn tất đến đâu, tiến triển như thế nào. Một kiến trúc sư dù lành nghề thế nào cũng khó có thể ước lượng rõ rệt như thế được.
Phía sau Chùa Mani Bhadra có một giếng nhỏ gọi là giếng của đức Bồ Tát Phổ
Hiền (Samandadhadra). Những người hành hương thường đến đó lấy nước uống và nói rằng giếng đó rất mầu nhiệm, có thể chữa được nhiều thứ bệnh. Lúc đầu tôi không tin, nhưng sống tại đây một thời gian, tôi thấy quả thật Ngũ Đài Sơn là một nơi chốn linh thiêng với những hiện tượng đặc biệt không thể giải thích. Tôi đã chứng kiến nhiều người hành hương chân tay trầy xước vì đi bộ mà chỉ múc nước giếng đó đổ lên người ít lâu là chân tay lành lặn như thường. Ông lão Mãn Châu kể rằng có người bị bệnh phong hủi, tê liệt, nhờ uống nước giếng đó mà chữa khỏi. Tuy không đích thân chứng kiến nhưng tôi đã thấy khá nhiều nạng gỗ được chất ở một căn phòng gần đó như bằng chứng rằng đã có những người què dùng nạng nhờ được chữa khỏi nên không cần sử dụng những cây nạng đó nữa.
Trường hợp này cũng không khác phép lạ tại Lourdes [7] là bao nhiêu. Tôi còn nhớ rõ, trước khi rời Ngũ Đài, ông lão Mãn Châu đã cẩn thận múc lấy một bình nước nhỏ tại đây trao cho tôi cất giữ phòng sau này có dịp dùng đến. Thời gian sống tại đây giúp tôi có dịp nhận xét về những người dân du mục hiền lành chất phác. Mặc dù rất nghèo, không tài sản và cũng không một xu dính túi nhưng tâm hồn họ lại vô cùng phóng khoáng rộng rãi.
Người Trung Hoa vẫn coi thường người Mông Cổ như một giống dân man rợ, ngây thơ, dễ bị lừa. Tôi nhớ có lần một người Trung Hoa nói với tôi rằng người Mông Cổ rất dễ tin, nếu lấy một chiếc bát ăn cơm tầm thường và nói rằng đấy là một món đồ cổ vô giá từ thời Tiền Hán thì người Mông Cổ cũng tin ngay.
Có lẽ vì thế mà những người Mông Cổ khi vào Trung Nguyên thường hay bị lừa.
Khi sống tại Ngũ Đài Sơn, có dịp quan sát về họ, tôi thấy Mông Cổ là một giống dân có gia tài văn hóa rất cao. Số người Mông Cổ tình nguyện đến đây xây Chùa rất đông, nhiều người mang theo cả gia đình. Vì là dân du mục, đi đến đâu họ mang theo tài sản đến đó, mặc dù tài sản của họ chỉ giản dị có vài túp lều, mấy con lừa hay ngựa và một bầy dê hay cừu mà thôi. Trong lúc một vài người trong gia đình lo việc xây Chùa thì những người khác tiếp tục chăn dê ở những cánh đồng chung quanh. Thỉnh thoảng tôi và ông lão người Mãn Châu cũng thường ra sinh hoạt chung với họ. Hôm đó chúng tôi đang ngồi uống trà với một gia đình người Mông Cổ thì có một thanh niên lạ mặt, quần áo rách rưới tiều tụy ở đâu tìm đến.
Thanh niên cho biết anh đi từ Tân Cương đến đây chỉ để tìm gia đình này. Hiện nay anh rất nghèo túng, tài sản không có gì ngoài bộ quần áo rách nát che thân. Sở dĩ anh tìm đến gia đình này vì đời trước, ông nội của anh đã giúp đỡ họ, nay anh tìm đến để được giúp lại. Hai bên trao đổi với nhau những chi tiết về gia tộc và gia đình Mông Cổ xác nhận họ đã từng chịu ơn ông nội của người thanh niên kia.
Người chủ gia đình gọi con cháu đến ngồi quanh và ra lệnh:
– Cách đây mấy chục năm, gia súc của gia đình ta bị bệnh dịch chết sạch. Chúng ta rất nghèo khổ vì không có gia súc thì lấy gì mà ăn nên ta đã đến xin gia đình kia cho vài con dê để gây dựng lại tài sản. Hiện nay gia đình mà chúng ta thọ ơn lại gặp khó khăn, con cháu của họ cần giúp đỡ, vậy mỗi người trong gia tộc hãy đem ra một con dê để tặng cho người thanh niên này làm vốn gây dựng lại sự nghiệp.
Lập tức mọi người trong gia tộc đó đều mang đến một con dê hay cừu cho người thanh niên kia. Họ làm một cách tự nhiên như một việc rất thường, không có gì đáng suy nghĩ, tính toán, mặc dù tài sản của họ cũng chẳng nhiều gì, chỉ có vài con dê hay cừu mà thôi. Sáng hôm sau, người thanh niên lên đường trở lại Tân Cương với một bầy dê và cừu. Tôi hỏi ông lão người Mãn Châu:
– đã có bằng chứng xác nhận thanh niên nọ làcon cháu của gia đình kia đâu?
– Một người ngoài không thể biết hết mọi chi tiết trong một gia đình. Hơn nữa việc thi ơn và thọ ơn chỉ có người trong nhà mới biết, không bao giờ họ kể cho người ngoài. Đích thực thanh niên nọ phải làcon cháu của gia đình kia rồi.
– Nhưng biết đâu thanh niên kia không hề thiếu thốn mà chỉ giả bộ để xin thêm gia súc thì sao?
– Người Mông Cổ không bao giờ nói dối, họ nghĩ sao nói vậy. Tuyệt đối không bao giờ nói sai sự thật vì danh dự con người chính là ở lời nói và hành động. Một khi đã nói không đúng thì người đó đâu còn danh dự gì nữa.
– Nhưng đâu ai biết!
Ông lão Mãn Châu trợn mắt nhìn tôi:
– Làm sao người ta có thể sống thoải mái khi biết mình đã nói sai sự thật. Đâu cần phải ai biết, chính lương tâm mình là quan tòa công minh nhất. Làm sao mình có thể sống một cách đứng đắn khi đã không thành thật với chính mình? Ngoài các phong tục tập quán riêng biệt, người Tây Tạng và Mông Cổ còn áp dụng một lối hành lễ hết sức đặc biệt. Không như người Trung Hoa khi lễ xuống thường khom lưng, người Tây Tạng hành lễ rất cẩn thận. Mỗi khi vái xuống họ chắp tay vào nhau giơ cao lên khỏi đầu một cách thành kính, sau đó họ thu tay về đặt xuống trước ngực rồi thong thả quỳ xuống sàn, xoài hẳn người ra, nằm úp toàn thân xuống mặt đất, hai tay duỗi ra đằng trước. Đây là một cách hành lễ rất khó, đòi hỏi một công phu tập luyện và sức khỏe hết sức dẻo dai. Đa số những người hành hương đều lễ lên lễ xuống như vậy hàng trăm lần, có khi hàng ngàn lần. Tôi đã thử bắt chước cách hành lễ này nhưng chỉ vài chục lần là thân thể một thanh niên khỏe mạnh như tôi đã mỏi nhừ, không sao nhấc chân tay lên được nữa. Trong khi đó những người hành hương, đa số là những người đã lớn tuổi, thản nhiên vái lạy như không có chuyện gì xảy ra. Tại Trung tâm của tu viện Pusa Ting còn có một bảo tháp rất lớn mà những người hành hương thường đến đó hành lễ, phần lớn vừa đi quanh tháp vừa lễ cho đủ một ngàn tám chục lạy mới thôi.
Trong khi những người hành hương Tây Tạng, Mông Cổ chú trọng đến các nghi thức hành lễ thì những người hành hương Trung Hoa lại chú trọng đến các phẩm vật dâng cúng. Phần lớn người hành hương Trung Hoa là những phú
thương, trưởng giả giàu có với rất nhiều phẩm vật dâng cúng. Một phú thương đã dắt tôi đi khắp tu viện để chỉ cho tôi thấy công trình đóng góp và công đức của ông. Từ những bức hoành phi, câu đối đến những rồng phượng đến những pho tượng dát vàng. Ông tin tưởng rằng nhờ góp phần công đức như thế mà đời sống của ông ở kiếp sau sẽ được tốt đẹp hơn. Hiển nhiên việc kiến tạo những ngôi Chùa, tô tượng, đúc chuông là quý nhưng người ta không thể chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài này mà quên rằng tinh hoa của Phật Giáo đòi hỏi mỗi người phải tự tiến bước, tự tu học, tự quán xét thân tâm để thay đổi chính mình nhằm giải thoát mình ra khỏi luân hồi sinh tử.
Ngũ Đài Sơn thường được coi là nơi cư ngụ của đức Văn Thù (Manjusri), vị bồ tát tượng trưng cho trí tuệ. Hầu hết các Chùa Thiền, tu viện trong vùng đều dành riêng một nơi quan trọng để thờ ngài. Đa số các bức tượng đức Văn Thù đều tạc ngài như một tu sĩ, một tay cầm kiếm sắc, tay kia cầm hoa sen, cưỡi trên lưng một con sư tử chúa lông màu xanh. Hàng năm các Chùa đều tổ chức lễ vía đức Văn Thù rất trọng thể. Đặc biệt đối với người Mông Cổ, đức Văn Thù là một vị Bồ Tát được hết sức tôn kính cũng như đức Quán Thế Âm đối với người Tây Tạng hay Trung Hoa vậy. Do đó ngày vía đức Văn Thù còn là một ngày hội rất lớn của người Mông Cổ. Trong vòng mấy tuần lễ, số người Mông Cổ kéo về hành lễ rất đông. Hàng ngàn người cắm lều, tụ tập trước tu viện Pusa Ting. Đa số đàn ông đều mặc những bộ quần áo sang trọng, lịch sự, đắt tiền, với những đường thêu cực kỳ sặc sỡ và diêm dúa. Phụ nữ Mông Cổ không chú trọng nhiều về y phục như phái nam, mà đặc biệt săn sóc đến mái tóc của họ. Có đến hàng trăm kiểu tóc khác nhau, có kiểu uốn cong lên như sừng hươu, có người tết bím như đuôi ngựa và cài lên đó những chiếc lược bằng ngà, bằng vàng ngọc chạm trổ công phu. Cả hai phái nam cũng như nữ đều đeo trang sức lộng lẫy, những chiếc vòng ngọc, kiềng vàng, những xâu chuỗi bằng đá quý cũng như những chiếc nhẫn đeo đầy trên các ngón tay… Các tù trưởng, tộc trưởng oai vệ bên những đoàn tùy tùng gươm giáo sáng lòe xen lẫn những người chăn dê nghèo nàn bồng bế con cháu.
Tất cả đều tham dự các khóa lễ và thực hành những nghi thức một cách thành kính. Ngoài ra tôi còn thấy một số người hành hương cứ đi ba bước lại quỳ mọp xuống đất một lần (tam bộ nhất bái), mất nhiều năm mới đến được nơi đây để tham dự các khóa lễ. Thật khó có thể giải thích được tinh thần dũng mãnh, can đảm và ý chí cương quyết của những người hành hương như thế này. Một người Âu chắc sẽ bật cười cho rằng đó là những phong tục man di mọi rợ, một hủ tục mê tín dị đoan cần phải loại trừ. Tôi đã hỏi rất kỹ những người này, đa số đều phát tâm tự nguyện đi hành hương như vậy chứ không ai bắt ép họ cả.
– Nhưng tại sao ông lại phải làm như thế?
– Đó là một phương Pháp để làm tiêu bớt các nghiệp chướng từ vô thỉ.
– Nhưng vừa đi ba bước vừalạy xuống như vậy thì được lợi ích gì?
– Thứ nhất đó là một thử thách cho tinh thần cầu đạo, cầu giải thoát. Thứ hai, đó cũng là một cách làm chủ thân và tâm, mỗi bước đi phải xưng tán hồng danh một vị
Phật, mỗi khi quỳ xuống lại phải đọc một câu thần chú. Phải làm sao cho nhất tâm bất loạn thì mới giải được các nghiệp chướng tích lũy từ quá khứ và giúp chúng tôi mở mang trí tuệ.
– Tại sao lại có thể mở mang trí tuệ như thế được?
– Hãy bắt đầu bằng việc tẩy sạch thân và tâm bằng cách loại ra khỏi nó những thèm khát, những sự bất tịnh. Làm sao làm chủ hoàn toàn được thân và tâm.
Phương Pháp tam bộ nhất bái giúp tôi đạt được điều này. Sau đó tôi đến Ngũ Đài ngồi yên lặng quán tưởng trong những hang động thanh vắng để tất cả mọi căn thức cũng như tâm hồn mở rộng để đón nhận nguồn thần lực của đức Văn Thù rót vào.
Sau các khóa lễ còn có việc đàm luận về Phật Giáo Tây Tạng, các tăng sĩ tham dự xếp hàng dọc trước khán đài, những người muốn tranh luận thay phiên nhau ra chất vấn. Họ bước đến trước mặt vị tăng, múa tay múa chân theo nhịp điệu một dàn nhạc với những chiếc tù và lớn, thanh la, não bạt và trống thúc liên hồi.
Thoạt trông cứ tưởng những cử chỉ của họ là dư thừa nhưng về sau tôi thấy rõ rệt là có sự ăn khớp giữa những nhịp trống, tiếng tù và và các cử động của họ. Khi họ giơ tay lên, bàn tay xòe ra thì các nhạc khí đều dừng lại và người chất vấn bắt đầu đặt câu hỏi. Vì không biết tiếng Mông Cổ hay Tây Tạng nên tôi không hiểu họ nói gì nhưng đám đông thì say mê lắm, mỗi câu vấn đáp thường được quần chúng xuýt xoa
trầm trồ, và mỗi khi có người thắng cuộc họ vỗ tay la hét, cỗ vũ ầm ĩ. Cuộc tranh luận kéo dài suốt mấy ngày liền, và người thắng cuộc cũng được quần chúng khiêng lên vai chạy mấy vòng quanh sân Chùa.
Một trong những nghi lễ quan trọng của những ngày hội này là việc cúng dường diễn ra trong ngày cuối. Sau một buổi lễ hết sức long trọng, những người hành hương xếp hàng dài trước mặt vị chủ lễ Lạt ma Kushog. Họ đưa ra những túi đựng tiền bạc hoặc đồ trang sức như vòng ngọc, kiềng vàng để cúng vào tu viện. Một người bình thường chắc hắn sẽ phải chóa mắt trước tài sản lớn lao thu thập được trong những buổi lễ như thế. Sau lễ cúng dường, các tu sĩ mang ra một bình nước khá lớn. Họ thong thả đến trước mặt từng người, rót vào lòng bàn tay mỗi người một vài giọt nước. Những người này vội vã xoa lên đầu, lên trán họ một cách vô cùng cung kính và thành khẩn. Tôi được giải thích rằng nước đó tượng trưng cho phước báu, có giá trị tương đương với những phẩm vật mà họ dâng cúng. Có nghĩa là những gì họ dâng cúng hay trao tặng không hề mất đi mà luôn luôn trở lại với họ dưới một hình thức khác.
So sánh các Chùa chiền, tu viện trong rặng Ngũ Đài này, tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa Chùa chiền của người Tây Tạng, Mông Cổ và Trung Hoa. Hầu hết các tu viện của người Tây Tạng và Mông Cổ đều xây cất một cách to lớn, vĩ đại với những đồ đạc hết sức quý báu, sang trọng không thua kém gì cung điện của các vua chúa. Trong khi đó, tu viện Trung Hoa thường bé nhỏ hơn và đồ đạc cũng giản dị hơn nhiều. Điều này phản ánh rõ rệt hai quan niệm khác nhau. Đa số người Tây Tạng và Mông Cổ sống du mục, giản dị, nếu không nói là họ không để ý đến những tiện nghi vật chất bao nhiêu. Có lẽ vì thế nên quan niệm về giải thoát được họ giải thích là tìm sự giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, tìm cái đẹp ngay trong lối sống hằng ngày, do đó các tu viện tượng trưng cho chân lý, được xây cất một cách lộng lẫy, đẹp đẽ và các tu sĩ Tây Tạng, Mông Cổ thường mặc các y phục diêm dúa. Trong khi đó người Trung Hoa chú trọng nhiều đến các tiện nghi của đời sống, việc sở hữu và tích lũy tài sản đã trở thành một lối sống, một giá trị cần thiết nên quan niệm về giải thoát của họ được giải thích như sự từ bỏ các tiện nghi, các ràng buộc vật chất, do đó các Chùa chiền thường được xây cất một cách giản dị, sơ sài.
Ngoài những tu viện to lớn, lộng lẫy với hàng ngàn tu sĩ như Pusa Ting, Ngũ Đài Sơn còn có nhiều am thất của các tu sĩ sống ẩn dật đơn độc. Hầu hết những người này ít tiếp xúc với khách hành hương. Họ sống tự túc bằng cách trồng trọt hoặc trông nhờ vào sự giúp đỡ của các thí chủ. Đa số dựng am thất ở những nơi hoang vắng, ít người qua lại, có người sống hẳn trong các hang động thiên nhiên.
Trong thời gian sống tại Ngũ Đài Sơn, tôi đã tìm cách liên lạc với họ nhưng đa số đều từ chối không tiếp người lạ. Thỉnh thoảng cũng có người bằng lòng nói chuyện với tôi nhưng họ tỏ ra dè dặt không nói gì nhiều. Hầu hết những người sống ẩn dật này đều quan niệm rằng kiến thức thu thập được trong tu viện hay qua sách vở chỉ giúp người ta một căn bản giới hạn nào đó mà thôi. Muốn có kinh nghiệm tâm linh, người tu còn phải đi xa hơn nữa qua các công phu tu tập có tính cá nhân. Hầu hết các phương Pháp này đều chú trọng vào việc nghiên cứu, quán sát, Thiền định, quán tưởng về một đề tài nào đó, không phải chỉ trong vài ngày, vài tháng hay một thời khóa nhất định, mà nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ.
Qua việc tiếp xúc với những người này, tôi thấy họ thường khiêm tốn và phủ nhận rằng họ đã có kinh nghiệm tâm linh hoặc chứng đắc điều gì. Đôi khi không muốn bị quấy rầy, nhiều người còn tỏ ra khờ khạo, ngây thơ hoặc có những cử chỉ như điên khùng, nhưng theo sự nhận xét của tôi, phần lớn đều đã ít nhiều đạt được những trình độ tâm linh khá cao. Tôi ghi nhận lại đây buổi tiếp xúc với một ẩn sĩ sống trong mộtam thất nhỏ. Sau câu chuyện xã giao, vị ẩn sĩ đã hỏi tôi:
– Tiên sinh có thấy phong cảnh Ngũ Đài Sơn đẹp không?
– Hiển nhiên phong cảnh Ngũ Đài Sơn đẹp tuyệt vời rồi, nhưng so sánh với cảnh đẹp củacác cảnh giới khác thì sao?
Ẩn sĩ ngạc nhiên:
– Làm gì còn cảnh giới nào nữa?
– Tôi nghe nói khi chứng ngộ, không còn bị các vọng tưởng mê hoặc thì người
ta sẽ đến được các cảnh giới đẹp tuyệt vời…
– Ha ha ha… Tiên sinh lầm rồi! Làm gì có những cảnh giới như vậy! Đó là những lời đồn đãi vô căn cứ. Cảnh đẹp tuyệt vời là đây, ngay ở đây, trong giây
phút thực tại này.
– Nhưng… nhưng đây là cõi vô minh, đầy ảo vọng xấu xa với những ảo ảnh của nhị nguyên như đẹp và xấu, có và không, tốt và không tốt…
– Vậy ư? Thế sao tiên sinh không cho rằng việc có một cảnh giới nào khác biệt
với cảnh giới hiện tại cũng là một ảo vọng của tâm thức, cũng tùy thuộc vào đối đãi nhị nguyên?
– Nhưng nếu vậy thì cõi Niết Bàn ra sao?
– Này tiên sinh, hãy nhìn những rặng núi, những con suối chảy, những rừng cây xanh ngắt đẹp tuyệt vời kia. Khi biết nhìn mọi vật với một nhãn quan mới,
một nhãn quan không bị chi phối bởi tham, sân, si, bởi vọng tưởng thì cảnh đẹp kia chính là Niết Bàn đó! Niết Bàn không phải một nơi chốn nào khác biệt với thế gian, một cảnh giới nào mà người ta có thể tìm đến. Niết Bàn chính là đây. Vô minh chính là Niết Bàn. Thay vì phải tìm kiếm ở đâu xa hay phải đến một cõi giới nào đó, chúng ta hãy tìm nó ngay tại đây, hãy ý thức rằng chính vì vô minh mà chúng ta cứ mải miết tìm kiếm một cái gì ở đâu xa mà quên rằng điều chúng ta tìm kiếm vốn có sẵn nơi đây. Khi biết khai mở trí tuệ, biết nhìn mọi vật một cách đúng đắn thì chúng ta sẽ thấy rằng từ trước đến nay chúng ta đã tìm kiếm trong vọng tưởng, như người ngủ say đâu hay biết rằng mình đang mê ngủ. Phải chăng phong cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời đang nhắc nhở cho chúng ta rằng đừng mê vọng nữa, hãy ý thức rằng Niết Bàn chính là đây.
Ẩn sĩ nhìn tôi một lúc rồi nhẹ nhàng:
– Phùng tiên sinh, khi trở về đời sống quay cuồng điên đảo nơi chốn thị thành, ông có thể tập thói quen đặt lên bàn làm việc một bình hoa nhỏ để nhắc nhở chính mình về cái đẹp sẵn có lúc nào cũng chờ đợi giây phút tỉnh thức.
Tôi đã ghi nhận lời khuyên bảo quý báu này, và từ đó lúc nào trên bàn làm việc của tôi cũng luôn luôn có một bình hoa tươi.
Hiển nhiên không phải tu sĩ nào sống ở Ngũ Đài Sơn cũng đều là bậc chân tu, đạo hạnh. Có rất nhiều tu sĩ chỉ chú trọng đến các hình thức bề ngoài hoặc những vật phẩm dâng cúng của các tín đồ. Có thể vì thành kiến cá nhân qua việc giao tiếp với một số tu sĩ, tôi không mấy có cảm tình với những tu sĩ có danh xưng trọng vọng. Tôi thấy hình như những tu sĩ chức tước lớn, sống trong những tu viện sang trọng đều có một cái gì không được thánh thiện, trong sạch cho lắm. Tuy sống tại Pusa Ting nhưng tôi không có cảm tình với Lạt ma Kushog bao nhiêu.
Lần đầu gặp ngài, tôi tuân theo đúng các lễ nghi của người Tây Tạng, quỳ xuống dâng lên một cái khăn quàng và ngài đỡ lấy quàng nhẹ vào cổ tôi, sau đó chúng tôi trao đổi với nhau vài câu xã giao rồi ngài phất tay ra hiệu cho tôi lui ra để đến phiên người khác. Tôi đứng lên lui vào góc nhà theo dõi hàng trăm người được ngài đón tiếp một cách máy móc như vậy, vài câu nói xã giao, vài mẩu chuyện nhỏ rồi thôi. Không có gì đặc biệt khác thường. Càng quan sát tôi càng thấy có một cái gì giả tạo, gượng ép, máy móc và chú trọng đến bề ngoài nhiều quá. Các câu nói chỉ có tính cách xã giao, các lời khen tặng có vẻ hời hợt và luôn luôn kèm thêm những hứa hẹn viển vông không thực tế.
Không riêng gì Lạt ma Kushog mà vị Hoạt Phật người Mông Cổ sống tại tu viện gần đó cũng có tác phong bề ngoài như thế. Theo tôi, danh từ “Hoạt Phật” đã bị sử dụng bừa bãi và được giảng giải như là một vị Phật tái sinh. Theo đúng nghĩa, Phật là quả vị cao tột, là người đã chấm dứt sinh tử luân hồi, đâu còn tái sinh nữa, nhưng nhiều người vẫn cứ mập mờ sử dụng danh từ này với lý do riêng.
Theo tôi, có lẽ đó chỉ là một vị Hóa Thân mặc dù không có bằng chứng đích xác rằng đó là một vị Hóa Thân đúng với ý nghĩa cao đẹp nhất. Danh nghĩa “Hóa Thân” cũng bị lạm dụng nhiều vì tôi được biết đã có trường hợp các tu sĩ tự phong mình lên chức “Hóa Thân” hoặc tìm một đứa bé nào đó phong cho nó làm “Hóa Thân”, lợi dụng lòng sùng kính của tín đồ để trục lợi. Hôm đó tôi đến ngôi Chùa Mông Cổ thì gặp vị “Hoạt Phật” đang ngồi đánh bài với hai người Trung Hoa. Đó là một cậu bé trạc 18, 20 tuổi, khuôn mặt tròn như trăng rằm, đôi mắt nhỏ xíu và luôn luôn liếc ngang liếc dọc. Theo đúng lễ nghi, tôi quỳ xuống đất lạy ba lần. Vị “Hoạt Phật” không đáp lễ mà bật cười:
– Ha ha… Một Phật tử người da trắng… Tốt lắm, tốt lắm… Ngươi có muốn uống rượu không?
Vừa nói vị “Hoạt Phật” vừa chỉ vào chai rượu để gần đó nhưng thấy tôi vẫn đứng yên không nhúc nhích, cậu khoát tay:
– Rượu này của Phật, ngươi uống đi để lấy phước.
Tôi nói vài câu lễ phép để từ chối nhưng vị “Hoạt
Phật” lắc đầu thương hại:
– Một người da trắng mà không biết uống rượu! Kém quá! Kém quá! Thôi được, để ta uống giùm ngươi vậy!
Vừa nói vị “Hoạt Phật” vừa rót một chén lớn, uống cạn rồi tiếp tục ván bài đang chơi dở, không chú ý gì đến tôi đứng gần đó. Nhìn một người danh xưng
trọng vọng đang chúi mũi vào ván bài đen đỏ, tôi cảm thấy vừa thất vọng vừa khó chịu nên đành nói vài câu xã giao xin cáo từ. Cậu bé gật đầu xua tay:
– Được rồi, ngươi cứ lui ra đi để chúng ta còn làm những việc quan trọng.
Tôi phải cố gắng lắm mới khấu đầu đúng ba lần theo lễ nghi mặc dầu trong bụng vô cùng khó chịu về cử chỉ ngạo mạn, bất lịch sự kia. Có lẽ vì những kinh nghiệm không đẹp này nên tôi không thích gặp những tu sĩ danh xưng, chức tước mà chỉ muốn giao thiệp với những tu sĩ vô danh sống khiêm tốn trong các am thất nhỏ bé. Tiếc thay, những người này không chịu tiếp tôi và thường tỏ ra khó chịu khi tôi làm phiền sự thanh tu của họ.
Một hôm người ta rủ tôi đến thăm Hòa thượng Ninh Hải, một tu sĩ nổi tiếng đang trụ trì một tu viện gần đó. Tôi không hào hứng mấy về chuyến đi này vì hình ảnh các tu sĩ danh xưng trọng vọng, tước hiệu đầy người không gây cho tôi một tình cảm gì, nhưng nể nhóm người hành hương Trung Hoa, tôi đành phải đi theo. Hòa thượng Ninh Hải là một người gầy gò bé nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, đầy vết nhăn. Tuy là người Trung Hoa nhưng ngài ăn mặc giống như các Lạt ma Tây Tạng vì ngài tu theo Kim Cương Thừa. Hôm đó chúng tôi đến cúng vào lúc ngài vừa thuyết Pháp xong nên trông ngài có vẻ mệt. Ngài tiếp phái đoàn một cách lễ phép nhưng có phần hờ hững hay gượng ép. Ngài chỉ cho mọi người một vài nơi chốn để đến thăm, các đền đài để đến lễ, phát cho mỗi người một pho tượng nhỏ để làm quà rồi xua tay ra hiệu cho mọi người lui ra. Dĩ nhiên tôi không hào hứng gì trước những cử chỉ máy móc như vậy. Tuy nhiên ít lâu sau có dịp gặp lại ngài tại một ngôi Chùa nhỏ, ngài nhận ra tôi là người đã có mặt trong phái đoàn lần trước và hỏi thăm tôi một cách ân cần. Câu chuyện trở nên thân mật hơn.
Càng gần Hòa thượng, tôi càng thấy cái thành kiến trước của tôi về ngài càng sai lầm. Ít lâu sau tôi thường đến thăm ngài để học hỏi thêm về Kim Cương Thừa. Vì biết Hòa thượng đãtừng tu Thiền sau lại đổi quatu Mật nên tôi hỏi:
– Xin Hòa thượng cho biết vì sao một người xuất thân từ Thiền Tông (Đại Thừa) là giảng dạy về Mật Tông (Kim Cương Thừa) như vậy?
– Mặc dầu Đại Thừa và Kim Cương Thừa đều cùng truyền vào Trung Hoa một lúc nhưng tư tưởng Đại Thừa thích hợp với phong hóa nơi đây hơn nên dần dần được phổ biến mạnh mẽ và chiếm ưu thế, do đó ít ai chịu học hỏi thêm về
Kim Cương Thừa. Khi còn nhỏ ta chuyên tu Thiền nhưng vào tuổi trung niên có dịp sống tại Thanh Hải, ta gặp một vị thầy người Tây Tạng chỉ dẫn nên về sau ta chuyên tu về Mật Tông. Dù tu theo Pháp môn nào thì cũng đều là Giáo Pháp của Đức Thế Tôn cả, tùy theo căn cơ màlựachọn con đường thích hợp.
Biết tôi muốn tìm hiểu thêm về Kim Cương Thừa, ngài lấy ra một cây bút vừa vẽ vừa giải thích:
– Có nhiều cách giải thích khác nhau, để ta giải thích bằng biểu tượng cho dễ hiểu. Tất cả thế gian này có thể tượng trưng như một vòng xoáy mà Trung tâm điểm là chân lý tuyệt đối hay “không”, chung quanh đó là những xáo trộn luôn luôn thay đổi biến dịch hay “vô minh”. Có người phân biệt mức độ cao thấp của vòng xoáy này như những bậc thang tiến hóa dần về Trung tâm hay thoái hóa khi xa rời Trung tâm. Có người coi đó là một vòng tròn xoay chuyển không ngừng, không có khởi đầu mà cũng không có chấm dứt với Trung tâm là chân lý tuyệt đối không hề xoay chuyển. Mọi vật ở tại Trung tâm vốn không có tự tính hay “Không” nhưng vì vô hình mà đâm ra phân biệt và bị lôi cuốn vào vòng sinh tử luân hồi ở phía bên ngoài kia. Theo Dịch học thì chân lý tuyệt đối là ở Thái Cực hay Một, sau biến thành hai hay Lưỡng Nghi, rồi cứ thế sinh bốn, sinh tám, sinh sáu mươi bốn, v.v. Tất cả chỉ là những biểu tượng hàm chứa một sự thay đổi biến dịch không ngừng. Cũng như thế, Kim Cương Thừa sử dụng những biểu tượng hàm chứa một sự thay đổi biến dịch từ chân lý tuyệt đối ở Trung tâm như xanh, đỏ, vàng và xanh lục. Càng đi xa Trung tâm, ngọn lửa càng chập chùng biến thành đủ các màu sắc khác nhau, lúc màu này khi màu khác, trong khi gần Trung tâm ngọn lửa có màu sắc rõ rệt và ít thay đổi hơn. Vấn đề chính là làm sao ý thức được sự kiện này để quay về bản thể, trở về với cái chân lý tuyệt đối, với cái Trung tâm điểm kia. Đối với người tu Thiền thì phải công phu tập luyện làm sao để một người đang đứng từ bên ngoài có thể nhảy vọt vào Trung tâm, trong chớp mắt có thể đốn ngộ giải thoát. Hiển nhiên đã có người thành công trong việc này nhưng điều này không dễ. Phải là người có căn cơ thế nào mới có thể hoàn tất được điều trên. Trong khi đó, thay vì trực chỉ chân tâm, giải thoát tức khắc, các bậc thầy về Kim Cương Thừa đã nghiên cứu những động lực biến thiên chuyển hóa và sử dụng nó như phương tiện đưa người ta vào Trung tâm. Bí quyết của Kim Cương Thừa hay Mật Tông chính là sự hiểu biết rốt ráo về các động lực chuyển hóa và sử dụng chúng để giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của luân hồi. Vì các động lực này rất mãnh liệt và nguy hiểm nên phương Pháp này chỉ thích hợp với căn cơ một thiểu số người, do đó các vị thầy Kim Cương Thừa rất cẩn thận và chỉ truyền dạy nó trong phạm vi bí mật hay khẩu truyền. Việc sử dụng các mãnh lực này rất nguy hiểm nếu người ta không biết cách hoặc không luyện tập đến nơi đến chốn nên con đường tu Mật khó khăn và nguy hiểm hơn các con đường khác.
Hòa thượng Ninh Hải ngưng lại, ném cây bút xuống bàn rồi mỉm cười:
– Phùng tiên sinh có thấy không, chân lý chỉ có một nhưng con đường đưa đến
chân lý biến hóa không biết bao nhiêu mà kể! Cũng vì thế mà nhân loại có nhiều tôn giáo hay sự tin tưởng khác nhau. Ta đã sống tại Thanh Hải trong nhiều năm, đã có dịp tiếp xúc với các tu sĩ của nhiều tôn giáo, ta đã đàm đạo với các tu sĩ người Âu đi truyền giáo, các giáo sĩ người Hồi cũng như Do Thái, ta thấy đã có nhiều người đạt đến những trình độ tâm linh rất cao, phải chăng vì họ đã tiến gần đến cái Trung tâm hay chân lý tuyệt đối? Phải chăng cái mà ta gọi là “Trung tâm” hay chân lý tuyệt đối đó thường được các tôn giáo khác gọi bằng những danh từ khác nhau như “Thượng đế” hay “Thần linh”? Hiển nhiên danh từ không quan trọng và không đáng để ý nhiều vì nó thường gây nên sự phân biệt, chia rẽ. Biết bao nhiêu kẻ xưng là Phật tử nhưng còn xấu xa, tội lỗi hơn những người theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo nữa. Trong khi đó có những tu sĩ người Hồi nhưng sự hiểu biết và cách cư xử của họ có khác gì một bậc Bồ Tát đâu! Nhờ có dịp giao thiệp, tiếp xúc với nhiều tu sĩ của các tôn giáo khác nên quan niệm về chân lý của ta cũng phóng khoáng hơn trước nhiều. Thí dụ như người Mông Cổ coi đức Văn Thù như một vị thần, người Trung Hoa coi ngài như một vị Bồ Tát. Điều này đâu khác gì nhau. Tất cả chỉ là những danh xưng hay sự nhân cách hóa một chân lý tối cao nào đó. Cũng như thế, người Thiên Chúa giáo đã nhân cách hóa biểu tượng của chân lý như những vị thiên thần. Ngôn từ thật ra không có ý nghĩa gì cả vì mục đích của con đường đạo là giải thoát, là làm sao bước vào được cái Trung tâm hay hòa nhập vào cái chân lý tuyệt đối kia. Khi đã đạt đến một trình độ nào đó thì tất cả mọi danh xưng đều trở thành vô nghĩa. Khi đã bước vào được Trung tâm tĩnh lặng, đã ý thức được chân lý tuyệt đối thì người ta sẽ thấy tất cả những gì đang xoay chuyển bên ngoài đều chỉ là sự náo động vô ích mà thôi. Do đó ta khuyên tiên sinh hãy cố gắng giữ tâm bình thản, không chê bai, không phê phán mà ý thức rõ rệt rằng chỉ khi nào người ta có thể phá tan được sự kiềm tỏa của sinh tử luân hồi, của những động năng lôi kéo con người trong vòng thị phi thì khi đó người ta sẽ hiểu biết một cách thấu đáo mọi sự. Chỉ khi đó thôi người ta mới thực sự hiểu biết, trước khi đó mọi sự giải thích chỉ có tính cách tương đối và gượng ép. Sở dĩ ta tu theo Kim Cương Thừa vì các vị thầy phái này đã vạch rõ cho ta một bản đồ chỉ dẫn rõ ràng, từng chi tiết để đưa đến con đường giải thoát.
Hòa thượng Ninh Hải chăm chú nhìn tôi một lúc:
– Hình như tiên sinh đã từng tu theo Kim Cương Thừa? Tôi gật đầu và kể cho Hòa thượng về việc được Kim Cương trưởng lão thu nhận và chỉ dạy như thế nào. Hòa thượng Ninh Hải yên lặng lắng nghe một lúc rồi thở dài lắc đầu:
– Làm sao tiên sinh có thể sơ suất đến như thế được? Một cơ hội tốt đẹp hiếm có như thế mà tiên sinh lại bỏ qua! Tiên sinh nên biết việc gặp được một vị thầy như vậy quả là một nhân duyên lớn. Thật đáng tiếc! Thật đáng tiếc! Nhưng dù sao thì hạt giống mà Kim Cương trưởng lão đã gieo sẽ không mất đâu, tiên sinh chỉ cần chăm nom vun xới thì nó sẽ đâm chồi nảy lộc.
Sau khi ngừng lại nhìn tôi một lúc nữa, Hòa thượng Ninh Hải tiếp tục:
– Phùng tiên sinh có một nhân duyên hết sức hãn hữu nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao tiên sinh lại đến trễ trong buổi lễ điểm đạo quan trọng như vậy? Tôi không biết tiên sinh có ý thức được phần đầu buổi lễ đó quan trọng như thế nào không?
– Thưa không, xin Hòa thượng chỉ dẫn cho. Hòa thượng Ninh Hải nói ngay:
– Phần đầu chính làcái bản đồ chỉ dẫn màtiên sinh đang cần đó.
– Nhưng… nhưng tôi đã được ngài truyền riêng cho một câu thần chú.
– Đúng thế, đúng thế! Nhưng đó chỉ là cái chìa khóa để mở cửa mà thôi. Cửa đã mở nhưng thiếu bản đồ chỉ dẫn thì tiên sinh khó tiến xa được. Phải chăng chính vì thế mà từ đó đến nay tiên sinh cứ lang thang tìm kiếm mà không ý thức rõ rệt mình đang tìm kiếm gì? Phải chăng sau khi tu học theo phương Pháp của Kim Cương trưởng lão một thời gian, tiên sinh vẫn cảm thấy thiếu thốn, chưa nắm bắt được cái mà tiên sinh muốn biết nên tiên sinh cứ lang thang tìm kiếm?
Tôi thành thật lấy làm tiếc cho tiên sinh.
Thấy tôi choáng váng ngồi ngây người ra, Hòa thượng Ninh Hải lắc đầu:
– Tôi chưa thấy ai có một nhân duyên kỳ lạ như vậy! Âu đó cũng là nghiệp quả của tiên sinh mà thôi, nhưng rồi cũng có lúc tiên sinh sẽ hiểu được sự bí mật của màu xanh lục.
– Hòa thượng nói cái gì? Màu xanh lục?
– Đúng thế, màu xanh củacây cối, của khí hậu miền bắc.
– Xin ngài giải thích rõ hơn.
Hòa thượng Ninh Hải mỉm cười một cách bí mật:
– Hiển nhiên bây giờ tiên sinh chưa hiểu đâu, nhưng đến khi đủ duyên thì tiên sinh sẽ hiểu điều tôi nói.
Hòa thượng Ninh Hải đứng dậy bỏ đi, mặc tôi ngồi thừ ra đó một lúc khá lâu để suy nghĩ về công án lạ lùng mà biết bao năm sau tôi mới hiểu.
Trong thời gian sống tại Ngũ Đài Sơn, tôi thường rủ những người hành hương đi du ngoạn xem xét phong cảnh quanh vùng. Như tôi đã trình bày, Ngũ Đài là một rặng núi thiêng với nhiều sự kiện lạ lùng không thể giải thích. Lần đó chúng tôi đã đi lên tận trên đỉnh của rặng Ngũ Đài. Nói là đỉnh nhưng thật ra đó là năm đỉnh núi khác nhau, muốn đi viếng trọn cả năm đỉnh phải mất mấy tuần lễ. Vì thời gian đối với chúng tôi không phải là vấn đề quan trọng, không như những du khách hấp tấp đi một cách vội vã để xem cho thật nhiều, chúng tôi cứ thủng thỉnh đi từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác một cách ung dung nhàn nhã.
Hôm đó chúng tôi đi ngang một cái miếu thờ Long thần khá lớn. Tuy đa số người Trung Hoa đều theo Phật Giáo nhưng họ vẫn tôn trọng những vị thần linh và vẫn thường thờ cúng các thần sông, thần núi, thần cây, v.v. Có lẽ tục này đã có từ ngàn xưa, trước khi Phật Giáo du nhập. Theo thông lệ, mỗi khi đến vùng cai quản bởi một vị thần linh nào đó, người tathường ghé vào đền miếu làm lễ ra mắt vị thần để xin được che chở phù hộ. Nhóm người cùng đi với tôi vội vã mang nhang đèn vào miếu cúng vái. Tôi không tin các hình thức mê tín dị đoan này nên không vào miếu. Lý viên ngoại, một người có thân hình to lớn mập mạp, ngại mất công leo xuống lưng lừa, cũng không vào miếu làm lễ mà ngồi ngoài chuyện gẫu với tôi.
Sau khi rời miếu Long thần khoảng nửa dặm, chúng tôi đi ngang một hẻm núi
thì trời đổ mưa lớn, nước tuôn xối xả làm mọi người ai nấy đều tối tăm mặt mũi, không còn trông thấy gì nữa. Chúng tôi vội vã tìm vào một hốc núi để trú mưa.
Người hướng đạo cho biết: Mưa núi tuy thế nhưng không lâu, chỉ một lúc sau là tạnh ngay. Tuy nhiên ông ta đã lầm. Suốt hôm đó trời mưa dữ dội, đến đêm vẫn không dứt và ngày hôm sau mưa vẫn không chịu ngưng. Ngồi bó chân trong hốc núi lạnh lẽo, lúc đầu ai nấy còn nói chuyện bâng quơ chờ mưa tạnh nhưng về sau mưa càng lúc càng dữ dội, sấm chớp đùng đùng át cả tiếng mọi người. Sau cùng mọi người đều ngồi thừ ra nhìn nước hai bên sườn núi đổ xuống trắng xóa cả một vùng. Đến ngày thứ ba mưa vẫn không giảm. Mọi người nhăn nhó thở dài. Lý viên ngoại thì có vẻ áy náy, ngồi đứng không yên. Sau khi đi qua đi lại, thở vắn than dài một chặp, bỗng nhiên ông hét lớn, lao mình ra cửa hang và biến mất trong biển nước đang tuôn xối xả bên ngoài. Hiển nhiên không ai ngờ ông lại dại dột như vậy. Mọi người chồm dậy toan đuổi theo nhưng đã muộn. Sau một lúc xúc động, cả nhóm xúm lại bàn tán. Kẻ cho rằng Lý viên ngoại ngồi bó gối quá lâu nên hóa điên, kẻ khác bảo vì ông đã thất lễ với Long thần nên mới bị trừng phạt như vậy. Lời nhận xét sau xem ra có lý vì mọi người đều tin rằng chính Long thần đã tạo ra trận mưa này để cảnh cáo những kẻ đi qua vùng cai quản của ngài mà không tỏ thái độ kính trọng. Thấy vậy tôi bèn hỏi:
– Nếu vậy tôi cũng có lỗi vì tôi không làm lễ tại miếu thờ Long thần.
– Không đâu. Ông không có lỗi vì ông không tin tưởng vào Long thần.
– Tại sao như vậy?
– Nếu không tin tưởng thì không có lỗi. Các vị thần chỉ trừng phạt những kẻ tin ngài mà thôi.
– Tại sao?
– Các đấng thần linh không ảnh hưởng gì đến những kẻ không tin ngài mà chỉ
có thể trừng trị những kẻ có lòng tin ngài mà thôi.
Lối giải thích này tuy lạ lùng nhưng xét ra cũng có lý phần nào. Nếu quả như vậy thì các đấng thần linh mỗi ngày sẽ mất linh đi nhiều lắm vì càng ngày số người tin tưởng vào họ càng ít đi. Nếu uy quyền và ảnh hưởng của họ hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng của dân chúng thì có lẽ chẳng bao lâu nữa họ sẽ không còn có thể ban phúc, giáng họa gì cho ai nữa cả. Ngày hôm sau trời vẫn tiếp tục mưa nhưng đến trưa thì dịu dần và đến xế chiều thì tạnh hẳn. Chúng tôi đang thu xếp hành lý chuẩn bị lên đường thì Lý viên ngoại chạy về, tuy thân hình ướt sũng như chuột lụt nhưng nét mặt ông đầy vẻ tự tin, thoải mái. Ông reo lớn:
– Long thần đãchấp nhận lời tạlỗi của ta và đãchấm dứt cơn thịnh nộ.
Không ai biết ông đã làm gì nhưng đều đoán rằng ông đã lội mưa về tận miếu thờ Long thần để tạ tội. Sau trận mưa khủng khiếp đó, chúng tôi không gặp một sự khó khăn nào nữa.
Trên đường du lịch, chúng tôi có dịp thăm viếng nhiều ngôi Chùa, am thất nhỏ nằm ẩn khuất trong rừng. Có nhiều ngôi Chùa cổ bị bỏ hoang, cây cỏ mọc kín cả trong chánh điện. Có những ngôi Chùa đổ nát hoang tàn chỉ còn vài tăng sĩ già trú ngụ. Tại sao có những ngôi Chùa khang trang rộng lớn, tín đồ kéo đến rất đông trong khi cũng có những ngôi Chùa hoang tàn, đổ nát như vậy? Theo sự tìm hiểu của tôi thì khi xưa đã có những vị thầy đem học trò của mình lên núi tu hành. Họ xây cất được vài ngôi Chùa và được một số thí chủ lui tới cúng dường. Về sau, khi các vị thầy này qua đời, học trò không theo kịp thầy, không lôi cuốn được tín đồ nên số người lui tới kém dần. Thiếu người giúp đỡ tài trợ, ngôi Chùa không được tu sửa, lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát. Khi thế hệ học trò sau cùng qua đời thì những ngôi Chùa này thường bị bỏ hoang. Cũng có trường hợp khi vị thầy qua đời, các học trò không chịu nổi cảnh tu hành khổ hạnh nên tìm đến những ngôi Chùa có kỷ luật lỏng lẻo, đời sống dễ chịu hơn. Dĩ nhiên người ta không thể nhìn vào bề ngoài mà kết luận rằng ngôi Chùa đổ nát vì tu sĩ trụ trì kém tài đức hay thiếu người trợ giúp. Có nhiều tu sĩ không chú trọng đến hình thức bề ngoài, không muốn nhiều người lui tới làm rộn sự thanh tu của họ. Cũng như thế, người ta không thể cho rằng những ngôi Chùa to lớn xây cất đẹp đẽ huy hoàng đều có những tu sĩ đạo cao đức trọng trụ trì. Vì biết đa số tín đồ thường đi Chùa để cầu phước, để xin xỏ nhiều hơn tu hành nên một số tu sĩ đã bày ra những hình thức bề ngoài, hứa hẹn đủ thứ. Thay vì giảng dạy kinh điển đúng như Đức Phật chỉ dạy thì họ cố tình giảng sai lạc đi và khoác vào đó những hình thức mê tín dị đoan, những hứa hẹn hão huyền nhằm mục đích lợi dụng hay thu hút tín đồ.
Người Trung Hoa có câu thành ngữ rất đúng: “Thầy nào trò nấy”, ám chỉ thầy ra sao thì học trò cũng vậy. Một vị thầy chú trọng nhiều đến bề ngoài sẽ thu hút được những học trò, tín đồ chỉ chú trọng hình thức; và một vị thầy chân tu đạo hạnh sẽ tìm được những học trò có tâm thành học hỏi.
Trong cuộc du ngoạn, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số tu sĩ sống ẩn dật mà tôi xin trình bày một vài trường hợp tiêu biểu như sau: Lần đó chúng tôi dừng chân trước một cảnh Chùa nhỏ. Ngoài pho tượng Phật khiêm tốn, chúng tôi không thấy Chùa có các đồ Pháp khí hành lễ như chuông trống hay kinh điển gì.
Vị sư trụ trì giải thích: “Kinh sách xưacó giá trị vô cùng quý báu nhưng muốn giải thoát, người ta không thể hoàn toàn sống trong dĩ vãng hay Thế Giới của kinh điển được. Người ta cần đọc kinh, tìm hiểu lý lẽ trong đó nhưng ngoài ra cũng cần phải xét suy những gì hợp với sự thật và gạt bỏ đi những gì rườm rà phiền phức. Nói như thế không có nghĩa là tự cho mình là giỏi, nhưng chúng ta tôn trọng chân lý mà Đức Phật đã chỉ dạy trong tinh thần chứ không phải trong sách vở kinh điển.
Đọc quá nhiều kinh sách cũng là một chướng ngại cho sự tu hành vì tu là tìm sự giải thoát chứ không phải trói buộc trong những dòng chữ trong kinh”.
Lần khác chúng tôi gặp một tu sĩ sống trong một am thất nhỏ xây cạnh bờ suối. Đó là một ông lão đã già nhưng còn khỏe mạnh, sống một mình trong am thất với một kệ sách khá lớn. Ông lão cho biết khi xưa đã từng làm quan, sau chán cảnh công danh phú quý nên về ẩn tu nơi đây, dành trọn thì giờ tu học, suy ngẫm về việc dẹp bỏ bản ngã:
– Khi xưa ta đã làm quan, đã hưởng nhiều thú vui mà cuộc đời có thể mang lại
như ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa rộng lớn, suốt ngày hội họp bạn bè uống rượu,
nghe nhạc và bàn chuyện văn chương thi phú. Hiển nhiên tìm hạnh phúc là bản tánh của con người, nhưng khi đó ta đã tìm nó ở ngoại cảnh cho đến khi ta hiểu được rằng con người có thể hạnh phúc, an lạc mà không cần phải tùy thuộc vào ngoại vật như tiền bạc, danh vọng, địa vị. Người ta có thể ăn rau trái, uống nước suối, sống giản dị một cách an nhiên tự tại mà vẫn có hạnh phúc được. Thật ra hạnh phúc vốn ở bên trong chúng ta mà muốn được an nhiên tự tại, con người phải biết khai thông nguồn hạnh phúc này. Làm sao có thể khai thông nó? Trước hết người ta cần biết dẹp bỏ những chướng ngại hay những nguồn hạnh phúc giả tạo đến từ ngoại cảnh mà bản ngã đã thu thập từ bấy lâu nay. Bất cứ ai ăn ngon cũng thấy sung sướng, nhưng đó chỉ là cái sung sướng nhất thời vì bản ngã thúc giục ta đã ăn ngon thì phải tìm kiếm món ngon để tiếp tục ăn nữa. Nếu vì miếng ăn màloài thú tranh giành cấu xé lẫn nhau thì loài người cũng có khác gì? Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì cao hơn việc ăn uống một bậc, nhưng nó cũng đưa đến sự ưa thích và đã thích cái này thì phải chán ghét cái kia và rồi bản ngã dẫn dắt chúng ta đến sự phê phán, bè phái, phân biệt này nọ. Tóm lại, tất cả mọi hạnh phúc đến từ bên ngoài đều chỉ có tính tạm bợ, sau khi đã hưởng được nó rồi thì ta cứ phải đi tìm nó mãi và chính sự tìm kiếm này đã thúc đẩy con người trở nên tham lam, ích kỷ, sân hận. Suy xét cho cùng, tất cả đều do sự thúc giục của bản ngã, nên dẹp bỏ bản ngã chính là bước đầu trong việc giải thoát. Khi bản ngã có tiêu tan thì Phật tánh mới biểu hiện được. Hoa có tàn thì trái mới nở. Nếu cứ mải miết chăm lo cho hoa, giữ cho hoa không tàn thì làm sao có trái!
Bất chợt tu sĩ chăm chú nhìn tôi, hỏi:
– Phùng tiên sinh đã đọc truyện Tây du chưa?
Tây du ký là một truyện hết sức phổ thông mà từ người bình dân đến giới trí thức, từ đứa nhỏ mới cắp sách đến trường đến ông lão tám mươi đều say mê, tôi đã đọc nó nhiều lần nên gật đầu:
– Tôi còn lạ gì truyện Tây du.
– Tốt lắm, tiên sinh nghĩ sao về truyện đó?
– Có gì lạ đâu! Người ta đã dựa vào việc ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh bên Tây Trúc rồi tưởng tượng, thêm thắt ra những nhân vật khác như Tôn Ngộ Không, Sa Tăng và Trư Bát Giới giúp Huyền Trang chiến đấu với các loài yêu
quái…
Tu sĩ cười lớn rồi lắc đầu:
– Phùng tiên sinh chịu khó đọc kỹ lại cuốn sách đó đi. Một người như tiên sinh
thì phải tìm ra được các lý ẩn trong sách đó. Các nhân vật tưởng tượng đều tượng trưng cho một trạng thái của tâm, các loài yêu quái tượng trưng cho các chướng ngại…
Điều này làm tôi bỡ ngỡ. Từ trước tới nay tôi chỉ coi cuốn truyện này như một
loại sách tiêu khiển, giải trí cho qua thì giờ mà thôi. Tu sĩ bước ra kệ sách lấy cuốn Tây du ký đưacho tôi xem một đoạn gần cuối:
– Theo tiên sinh, đoạn này muốn nói gì?
Đó là chương kể khi ngài Huyền Trang đã đến Tây Phương, gần Chùa Lôi Âm,
nơi Đức Phật ngự. Bốn thầy trò đứng trước một con sông rộng sóng rất lớn. Cả bốn đang lo sợ không biết tìm cách nào qua sông thì thấy có một chiếc bè nhỏ đi đến bên, bèn vẫy tay gọi. Khi đò ghé vào bờ thì Tôn Ngộ Không biết người lái đò chính là Bảo Tràng Quang Vương Phật nhưng Huyền Trang thì không biết. Ông vừa bước xuống đò, thấy đò không có đáy thì kêu ầm lên nhưng Tôn Ngộ Không trấn an: “Thưa thầy, đò này tuy không đáy nhưng nó vững như bàn thạch, sóng to cũng không làm chìm nổi nó đâu”. Tuy nhiên Huyền Trang vẫn lo sợ không dám xuống. Tôn Ngộ Không bèn xô thầy ngã xuống thuyền và giục người chèo đò đẩy đò rời bến. Khi vừa đứng lên thì Huyền Trang thấy có một thây ma nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhìn kỹ thì thấy người đó giống mình như đúc bèn hoảng hốt hô hoán nhưng cả Tôn Ngộ Không lẫn người chèo đò đều lên tiếng chúc mừng: “Lành thay, lành thay! Chúc mừng ngài đã qua sông”.
Thấy tôi đọc đi đọc lại đoạn này mãi mà vẫn không hiểu, tu sĩ bật cười:
– Phùng tiên sinh thấy không? Ngài Huyền Trang thấy đò không đáy thì còn lo sợ. Vậy chiếc đò không đáy đó tượng trưng cho cái gì? Tại sao người chèo đò lại là một vị Phật tiếp dẫn? Phải chăng khi Huyền Trang vứt bỏ được bản ngã của mình đi, ví như thây ma chết trôi trên sông đó thì mới có một Huyền Trang khác đứng trên chiếc thuyền không đáy để về cõi Tây Phương? Do đó Tôn Ngộ Không và Tiếp Dẫn Độ Phu mới chúc mừng ông “đã qua sông”. Phải chăng khi bản ngã có tiêu tan đi thì Phật tánh mới hiện ra được? Phùng tiên sinh hãy chăm chỉ Thiền định và suy ngẫm về sự diệt ngã này, khi ngồi Thiền xác thân yên lặng thì trí óc cũng an tịnh. Khi thân bất động, tư tưởng có ngưng thì vọng niệm mới dứt. Khi tâm và thân yên tĩnh, bản ngã dần dần mờ nhạt đi thì Phật tánh mới biểu lộ và chỉ khi đó người ta mới có thể kinh nghiệm trạng thái an lạc thật sự được.
Đến khi đó tôi mới bắt đầu hiểu được những lý ẩn trong một cuốn truyện phổ thông mà trước đó tôi vẫn coi thường. Về sau tôi đã dành khá nhiều thì giờ đọc kỹ cuốn sách này vàrút tỉatrong đó nhiều bài học quý giá.
Chúng tôi thong thả đi dạo từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác, viếng thăm các am thất, Chùa chiền và sau cùng đến đỉnh phía nam hay đỉnh thứ năm của rặng Ngũ Đài. Đó là đỉnh cao nhất trong năm đỉnh, đường đi cũng trơn trượt, khó khăn nhất nên ít ai chịu lặn lội lên đỉnh này. Trên đỉnh có một ngôi Chùa nhỏ mà người ta thường nói đó là nơi đức Bồ Tát thường xuất hiện. Tại Ngũ Đài Sơn, danh từ Bồ Tát thường được dùng để chỉ đức Văn Thù. Khác với những ngôi Chùa chung quanh vùng thường xây dựa vào vách núi, ngôi Chùa này được xây cất chơ vơ ngay trên đỉnh. Sau Chùa có một ngọn tháp khá cao nhưng không phải tháp chuông vì lối kiến trúc của nó không giống như những tháp chuông thông thường. Có lẽ nó là một cái đài quan sát thì đúng hơn vì nó chỉ có một mảnh sân nhỏ trên nóc và một chiếc thang dài để leo lên. Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã xế chiều. Vị trụ trì đón chúng tôi vào chánh điện làm lễ. Chánh điện trưng bày giản dị với bức tượng đức Văn Thù khá lớn ngồi trên lưng sư tử. Không giống những nơi khác, tại đây tượng Văn Thù được tạc như một vị tướng, đội mũ, mặc giáp, một tay cầm hoa sen, một tay cầm gươm báu.
Sau buổi lễ, chúng tôi hỏi vị sư trụ trì:
– Tại sao nơi đây lại tạc tượng Bồ Tát như một vị tướng quân trong khi phần lớn các Chùa đều tạc ngài như một tăng sĩ?
– Bồ Tát nào phải người ẩn dật trong rừng cao núi thẳm, cũng không phải người xuất gia ở Chùa, mà là người sống chung đụng với mọi người, lẫn lộn ngoài xã hội để cứu độ chúng sinh. Có lúc làm quan, có khi làm tướng, cũng có thể dưới lốt người bần hàn, nghèo đói… Tuy sống trong cảnh khổ mà Bồ Tát vẫn giữ được tâm thanh tịnh, không bị ô nhiễm. Nhờ có trí tuệ, dứt sạch mọi tham lam, sân hận nên dù sống trong cảnh dục lạc mà Bồ Tát vẫn thản nhiên. Tay trái của ngài cầm bông sen tượng trưng cho sự đã dứt sạch mọi ô nhiễm, như hoa sen trong bùn mà không nhiễm bùn nhơ. Tay phải ngài cầm gươm sắc tượng trưng cho trí tuệ. Thanh gươm trí tuệ sắc bén chém tan mọi sự tham lam, sân hận, phiền não vô minh. Chiếc áo giáp ngài mặc tượng trưng cho sự nhẫn nhục nên mọi phiền não không xâm phạm được. Người tu hạnh Bồ Tát luôn luôn lấy nhẫn nhục làm hạnh đầu vì thiếu nhẫn nhục thì không thể thực hành Bồ Tát đạo.
– Chúng tôi nghe nói đức Bồ Tát thường xuất hiện tại đây?
– Đúng thế. Khoảng nửa khuya đêm rằm ngài thường xuất hiện. Quý vị đến thật đúng lúc, ngày mai là đêm rằm, thế nào ngài cũng hiện ra.
Thật khó có thể diễn tả cảm tưởng kỳ lạ của chúng tôi khi đó. Việc sẽ được nhìn thấy đức Bồ Tát làm chúng tôi nao nức không thể ngủ được. Hôm sau chúng tôi đi xem xét phong cảnh quanh Chùa. Ngôi Chùa rất nhỏ, bày trí giản dị không có gì đặc biệt khác thường. Số tăng sĩ tu tại đây có khoảng mươi người, đa số đều lớn tuổi, sống tự túc bằng cách trồng trọt. Suốt ngày hôm đó chúng tôi cứ nao nức mãi cho đến khoảng nửa khuya. Khi đang ngồi đàm đạo với vị trụ trì trong chánh điện thì một vị tăng cầm đèn lồng bước vào nói nhỏ:
– Bạch sư phụ, đức Bồ Tát vừa xuất hiện.
Chúng tôi vội vã theo chân vị tăng đó leo lên ngọn tháp sau Chùa. Một hiện tượng kỳ lạ diễn ra, hàng trăm quả cầu lửa đang bay lượn trên đỉnh những rặng núi chung quanh đó. Vì khoảng cách khá xa nên tôi không thể phỏng đoán kích thước hay vận tốc của chúng nhưng hiển nhiên chúng phải rất lớn. Những quả cầu lửa đó từ đâu đến? Tại sao chúng lại bay lượn một cách kỳ lạ như vậy? Giữa không trung, những quả cầu lửa di chuyển nhẹ nhàng, lúc xoay bên phải, khi xoay bên trái, có lúc lơ lửng, đổi từ màu sắc này qua màu sắc khác. Trong khi mọi người trong đoàn hành hương trợn mắt ra theo dõi thì các tăng sĩ thản nhiên ngồi xếp bằng cầu nguyện. Tôi đứng yên quan sát hiện tượng huyền bí kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ này cho đến khi chúng từ từ biến mất. Tôi không biết phải giải thích việc này như thế nào. Phải chăng đó là hiện tượng mà người ta không thể giải thích bằng lý luận khoa học? Dĩ nhiên tôi muốn tin rằng đó là sự biểu hiện của một quyền năng siêu phàm nào đó, một phép mầu của các đấng Bồ Tát như những người hành hương và những tăng sĩ nơi đây đã tin tưởng. Tuy nhiên đầu óc cố hữu của một người Âu không cho phép tôi chấp nhận dễ dàng như vậy.
Phải chăng đó là một hiện tượng thiên nhiên? Các nhà khoa học cho rằng khí methane tạo ra do phản ứng của các chất hữu cơ tan trong nước cũng có khi bốc cháy như vậy nhưng hiện tượng này chỉ có thể xảy ra trên mặt nước chứ đâu thể xảy ra trên một độ cao hàng ngàn dặm giữa không trung như vậy! Hơn nữa tôi đã chứng kiến hiện tượng này trên mặt hồ và quả quyết rằng nó khác hẳn những quả cầu lửa tại Ngũ Đài Sơn. Một đám lửa bập bùng trên mặtao và hàng trăm quả cầu lửa bay lượn trên không trung với muôn ngàn màu sắc chói lọi dĩ nhiên không giống nhau. Ngoài ra nếu nó là một hiện tượng thiên nhiên thì nó phải xảy ra một cách bất thường chứ đâu phải cứ đến đêm rằm là lại xuất hiện một cách đều đặn như vậy? Có lúc tôi nghi rằng người ta đã ngụy tạo ra như vậy, nhưng nếu là một sự kiện nhân tạo thì nó chỉ được tạo ra vì một mục đích nào đó. Nhưng tôi không thể tìm ra nguyên nhân hay động cơ nào thúc đẩy người ta làm như vậy. Nếu là hiện tượng nhân tạo thì phải có hàng trăm, hàng ngàn người cầm những bó đuốc cực kỳ lớn bay lượn trên không trung, dĩ nhiên con người không thể bay như chim được. Có lúc tôi nghĩ đó là những loại pháo bông. Từ ngàn xưa người Trung Hoa đã biết đến thuốc súng, nhưng nếu là pháo bông thì nó không thể nào cháy lâu như vậy được. Tôi đã xem đốt pháo bông nhiều lần. Pháo bông chỉ có thể cháy lâu lắm là vài phút thôi. Đằng này những quả cầu lửa bay lượn hàng giờ và thay đổi vị trí rất nhanh. Có lẽ một ngày nào đó các nhà khoa học sẽ giải thích hiện tượng này qua một lý thuyết mới lạ nào đó, nhưng tôi nghĩ thàchấp nhận nó là một sự kiện không thể giải thích còn hơn là cố gắng giải thích nó một cách mơ hồ, gượng ép.
Sau một thời gian sống tại Ngũ Đài Sơn, đã đến lúc tôi phải trở về. Mặc dù tình hình Bắc Kinh lúc đó không được sáng sủa nhưng tôi không thể kéo dài mãi cuộc sống ở đây như thế này được. Trước khi lên đường tôi đến giã từ các tăng sĩ quen biết. Hòa thượng Ninh Hải khuyên tôi:
– Hãy cố gắng tinh tấn tu hành, đừng để ý đến những chi tiết vụn vặt, đừng để cho những biến cố bên ngoài chi phối. Phải cương quyết ý thức rõ rệt mục đích của đời người là làm sao tìm đường thoát khỏi luân hồi sinh tử. Hãy cố gắng tu, học và biết rằng cả hai đều cần thiết trên con đường thoát khổ. Nếu chỉ chú trọng vào một thì dễ lầm lạc và bỏ qua một cơ hội hiếm có. Nếu chỉ chú trọng vào sách vở từ chương mà thiếu thực hành thì tất cả chỉ là một mớ kiến thức vô dụng; nhưng ngược lại, nếu chỉ thực hành mà thiếu học hỏi, không biết vận dụng trí tuệ thì cũng dễ lầm lạc và đi vào con đường mê tín, mù quáng. Đừng trông chờ vào một phép lạ nào hay một vị thầy nào mà hãy theo đúng lời chỉ dẫn của Đức Thế Tôn là phải biết tự thắp đuốc mà đi. Lần này chúng ta tạm chia tay nhau nhưng trước sau chúng tacũng sẽ gặp nhau.
Tôi quỳ mọp xuống làm lễ từ biệt nhưng khi vừa đứng dậy thì nghe ngài lẩm bẩm một câu lạ lùng:
– Chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhau nhưng ta sợ khi đó con sẽ không dám nói chuyện với ta nữa!
Tôi ngạc nhiên định lên tiếng hỏi nhưng hình như có một sức mạnh kỳ lạ nào đó bảo tôi hãy giữ yên lặng. Tôi nhìn ngài, và Hòa thượng cũng chăm chú nhìn tôi, trong ánh mắt ngài có một điều gì lạ lùng, vừa ưu ái vừa thương xót. Mãi về sau này tôi mới hiểu được lời tiên tri của Hòa thượng, nhưng đó là chuyện nhiều năm sau.
Đến ngày lên đường, tôi bước vào chánh điện trước bức tượng đức Văn Thù để làm lễ. Tim tôi dường như se lại vì một lý do kỳ lạ nào đó. Tôi có cảm tưởng rằng đây làlần cuối tôi quỳ trước chánh điện đẹp đẽ huy hoàng này. Tôi chăm chú nhìn từng nét khắc trên bàn thờ, từng nét chạm trổ công phu được hoàn tất từ trăm năm trước. Từng chân đèn, từng giá nến, từng bức hoành phi câu đối… tất cả đều mang một nét cổ kính đặc biệt, công trình tâm huyết của biết bao thế hệ ngày trước đã để lại đời sau. Không hiểu sao như có động năng gì thúc đẩy, tôi cứ quỳ mãi như muốn giữ trọn vẹn hình ảnh trang nghiêm của ngôi chánh điện này vào tâm cho đến khi người ta giục tôi lên đường. Tôi rời Ngũ Đài Sơn, không hề ngờ rằng ngay lúc đó quân Nhật đang vượt biên giới Liêu Đông, tràn vào Trung Hoa. Chỉ vài tháng sau, Ngũ Đài Sơn đã rơi vào tầm kiểm soát của quân đội Nhật và tu viện Pusa Ting đã bị cướp phá tan hoang. Nếu chậm lên đường, có thể tôi đã bị họ làm khó dễ. Tuy nhiên người Nhật chỉ cướp đi những đồ quý giá, những pho tượng bằng vàng, những đồ vật giá trị mà thôi. Ít lâu sau trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chính Hồng vệ binh Trung Hoa đã hủy hoại gia tài văn hóa quý báu mà cha ông họ để lại. Lấy cớ rằng Pusa Ting là một ngôi Chùa ngoại quốc, họ đã đặt mìn phá nát ngôi Chùa đẹp đẽ này và đốt cả thư viện, nơi chứa hàng trăm nghìn kinh điển lưu trữ cả mấy trăm năm nay.
Trên đường về Bắc Kinh, tôi theo chân một đoàn người hành hương, cầm đầu là một vị Lạt ma Mông Cổ. Vì tài chính eo hẹp, không thể mướn lừa cưỡi như xưa nên tôi đành khuân vác hành lý như mọi người. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu cha tôi nhìn thấy cảnh con mình quần áo rách rưới, khuân vác hành lý như thế này thì ông sẽ nghĩ sao? Chắc chắn một người Anh đầy tự hào như ông không thể chấp nhận việc con mình ăn mặc như một kẻ hành khất lang thang với đám người “man di mọi rợ” này được. Không riêng gì cha tôi mà có lẽ hầu hết mọi người Âu lúc đó cũng không thể tưởng tượng được cảnh “kỳ quặc” này. Dĩ nhiên tôi không hề thấy có sự khác biệt giữa tôi và những người Mông Cổ trong đoàn. Chúng tôi vừa đi vừa ca hát những bài mục ca, kể cho nhau những câu chuyện truyền khẩu, chia nhau từng miếng lương khô, từng bầu nước đựng trong những chiếc túi may bằng da dê. Mấy hôm đầu tôi còn đủ sức theo kịp đoàn người, nhưng vài hôm sau tôi thấy sức khỏe suy yếu hẳn đi. Dưới ánh sáng mặt trời chói chang, tôi bắt đầu thấy hai chân mình rã rời, không thể cất bước được nữa. Đầu tôi nhức như búa bổ, hai vai run lên. Một cảm giác kỳ lạ ở đâu đưa đến, trong thoáng giây tôi thấy mình đang đứng trong một khoảng không gian tối thăm thẳm…
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong lều của vị Lạt ma già người Mông Cổ. Tai tôi nghe văng vẳng tiếng tụng kinh và niệm chú. Tôi cố gắng mở mắt nhưng không sao mở được. Tôi chợt ý thức rằng mình vừa bị say nắng và bất tỉnh. Có tiếng người hỏi:
– Bạch trưởng lão, hắn đãtỉnh lại chưa?
– Hắn đã khárồi, có lẽ ngày mai chúng ta có thể lên đường.
– Nhưng… nhưng còn chuyện hung thần Yamanataka?
– Không sao đâu. Ta nghĩ hắn chỉ nói mê sảng thôi.
– Nhưng tại sao hắn lại nói tiếng Tây Tạng?
– Nói tiếng Mông Cổ hay Tây Tạng thì có gì lạ?
– Nhưng hắn là người ngoại quốc, tại sao hắn biết nói tiếng Tây Tạng?
– Hắn nói được tiếng Trung Hoa kia mà!
– Đúng thế, nhưng Lý viên ngoại nói rằng hắn chỉ biết tiếng Trung Hoa mà thôi, hắn không hề biết tiếng Tây Tạng.
– Biết đâu hắn cũng học được vài ba câu tiếng Tây Tạng. Trong thời gian sống ở Ngũ Đài, hắn cư ngụ tại Pusa Ting đấy thôi.
– Bạch trưởng lão, nói xã giao vài ba tiếng thì chúng con đều hiểu cả, nhưng đằng này hắn lại nói một tràng dài bằng tiếng Tây Tạng. Hắn còn nói đi nói lại những câu chú đặc biệt mà rất ít ai biết. Những câu chú đặc biệt của thần chết Yamanataka. Bạch trưởng lão, chuyện này không phải thường đâu!
– Thì ngươi đợi hắn tỉnh dậy mà hỏi. Theo ta, có lẽ lúc mê sảng hắn nói tầm bậy tầm bạrồi các ngươi hoảng hốt cho rằng hắn đọc thần chú chi đó.
– Không đâu. Mọi người đều nghe hắn nói rõ ràng, đúng vần điệu theo nguyên văn bài chú này.
– Ta không tin hắn biết bài chú này.
– Bạch trưởng lão, chúng con nghi ngờ có chuyện gì kỳ lạ.
– Được rồi, sáng mai ngươi hỏi hắn thì biết…
Sáng hôm sau, tôi vừa bước chân ra khỏi lều thì mọi người xúm lại:
– Phùng tiên sinh, ông biết nói tiếng Tây Tạng không?
– Không.
Nhìn những cặp mắt đầy nghi ngờ, tôi vội chữalại:
– Nhưng tôi có học vài bài thần chú phổ thông. Mọi người xầm xì bàn tán một hồi rồi lại hỏi:
– Nhưng bài chú Yamanataka đâu phải là một bài phổ thông?
– Bài chú Yamanataka? Không, tôi không biết gì về bài chú đó cả.
Mọi người nhìn tôi vừalo lắng vừasợ hãi nhưng vị Lạt ma Mông Cổ đã bước ra khoát tay ra hiệu:
– Thôi đủ rồi! Hãy thu xếp để lên đường ngay. Ta không muốn nghe ai nói đến việc này nữa.
Tuy nói thế nhưng ánh mắt vị Lạt ma cũng phảng phất một vẻ gì kỳ lạ. Suốt buổi hành trình thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn tôi và lẩm bẩm đọc kinh. Vài hôm sau, Lý viên ngoại kể rằng, trong lúc bất tỉnh tôi đã nói một tràng tiếng Tây Tạng.
– Tiếng Tây Tạng? Lý viên ngoại không lầm đấy chứ?
– Không đâu! Lúc Phùng tiên sinh ngã lăn ra đất, mọi người hô hoán và ta chạy ngay đến thì nghe tiên sinh lẩm bẩm nói mê sảng một hồi. Tiên sinh nói gì ta không rõ nhưng chắc chắn không phải tiếng Anh hay tiếng Trung Hoa.
Tôi không biết giải thích chuyện này như thế nào. Tại sao tôi lại nói tiếng Tây Tạng? Dù sống tại Pusa Ting nhưng tôi hoàn toàn sử dụng tiếng Trung Hoa, ngay cả khi học với Kim Cương trưởng lão. Cho đến khi đó tôi chưa hề tiếp xúc với người Tây Tạng nào hay nghe ai nói thứ tiếng này. Suốt mấy năm sau tôi vẫn thắc mắc về chuyện này mãi cho đến khi lên đỉnh Tashiding và học hỏi với Lạt ma Tangku.
Không hiểu sao trong chuyến hành trình này tôi lại nghĩ đến cha tôi nhiều như
vậy. Trong năm qua, phần vì mê mải kiếm sống, phần vì say mê du lịch nên tôi đã không mấy khi nghĩ đến cha tôi. Thời gian sống yên tĩnh tại Ngũ Đài đã khiến tôi suy nghĩ về việc này. Càng suy nghĩ, niềm hối hận càng dày vò tâm khảm. Tôi sợ rằng nếu không trở về xin người tha thứ thì tôi khó có thể sống vô tư như thế này mãi được. Tôi bèn quyết định trở về nước Anh.
Cha tôi rất mừng khi gặp lại tôi. Ông sẵn sàng tha thứ cho tôi về việc bỏ học trốn đi Trung Hoa. Thật ra ông vẫn theo dõi cuộc sống của tôi qua những lá thư tôi viết cho cô Jessie, nhưng là một người Anh chính gốc, ông vẫn giữ thái độ thản nhiên. Tôi sống lại Luân Đôn được mấy tháng, ngày nào cũng đi dạo với cha tôi vàtình cha con mỗi ngày một thêm khắng khít. Một hôm bất chợt cha tôi hỏi:
– Phải chăng đã đến lúc con muốn trở lại Trung Hoa?
Tôi giật mình. Quả thật cuộc sống tại Luân Đôn không làm tôi thoải mái và ý tưởng trở về Trung Hoa đã lẩn quẩn trong đầu óc tôi mấy ngày hôm đó. Cha tôi mỉm cười:
– Ta đã sắp đặt cho con một tài khoản trong ngân hàng tại Hồng Kông để con chi tiêu trong những năm tới. Con có thể trở lại Trung Hoa du lịch, học hỏi
nhưng hãy nhớ mỗi năm phải ghé về thăm nhà.
[5]
. Lúc đó nghệ thuật nhiếp ảnh còn thô sơ, chưa có các ống kính và đèn chiếu tối tân.
[6]
. Sau này, trong cuộc chiến Trung – Nhật, tu viện Pusa Ting đã bị quân đội Nhật cướp phá tan hoang, rồi bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
[7]
. Lourdes: Thành phố vùng tây nam nước Pháp. Năm 1858, sau khi có tin Đức Mẹ hiện ra trong một hang đá nhỏ bên bờ sông Pau chảy qua thành phố, Lourdes trở thành một trong các Trung tâm hành hương của tín đồ Công giáo khắp Thế Giới với lòng tin rằng phép lạ ở đây có thể chữa lành cho người bệnh và người tàn tật.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet