Bí Kíp Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Lời dạy ban đầu của Đức Phật – Bụi Trần

Thiền Tông phổ biến tại Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được Nhà sưu tầm Thiền học Phật giáo là soạn giả Nguyễn Nhân góp nhặt lại, biên soạn và viết ra thành 12 quyển sách nói về Pháp môn tu Thiền Tông, được những người trong và ngoài nước đọc…

  Thiền Tông    Videos    Sách   Giải đáp   Album

✍️ Mục lục: Dòng chảy của Mạch nguồn Thiền Tông

⭐️ Giáo Lý Đạo Phật Thiền Tông 👉  Xem
⭐️ 36 Vị Tổ sư Thiền Tông (Ấn – Hoa – Việt)👉  Xem

⭐️ Lễ công bố Huyền Ký của Đức Phật 👉  Xem
⭐️ Kinh và Kệ 👉  Xem

Sự tích độ 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn cùng tu với Đức Phật

Khi nhận xong lời dạy, Ngài A Nan Đà có trình thưa hỏi Đức Phật thêm:

– Kính bạch Đức Thế Tôn: Thế Tôn vừa dạy cụ Thường Pháp Tín về tu Thanh Tịnh Thiền, cụ ấy đã Giác Ngộ được lời của Đức Thế Tôn dạy, chúng con sẽ biên tập lại những lời quý báu ấy, để có đủ trọn lời của Đức Thế Tôn dạy sau cùng và ban đầu, kính xin Đức Thế Tôn dạy lại những lời dạy ban đầu mà Đức Thế Tôn dạy 5 anh em ông Kiều Trần Như cũng như 4 người bạn đồng tu với ông ấy, kính xin Đức Thế Tôn dạy để con nhớ mà ghi chép lại.

Đức Phật nói với ông A Nan Đà và đại chúng:

Phần này, Như Lai nhờ ông A Nhã Kiều Trần Như thuật lại, nếu có gì thiếu sót Như Lai sẽ bổ túc thêm.

Đức Phật liền gọi ông A Nhã Kiều Trần Như thuật lại cơ duyên mà ông Kiều Trần Như được Đức Phật đầu tiên dạy Đạo, ông cùng 4 người em và 4 người bạn đồng tu Giác Ngộ được “Yếu chỉ Phật ngôn”. Ông A Nhã Kiều Trần Như kể lại cho ông A Nan Đà và đại chúng nghe dưới sự chứng kiến của Đức Thế Tôn, ông kể:

Đầu tiên, Đức Thế Tôn tu khổ hạnh cùng 5 anh em chúng tôi:

1. Tôi là A Nhã Kiều Trần Như.
2. Các em tôi là Kiều Trần Na.
3. Kiều Trần Nhi.
4. Kiều Trần Thi.
5. Kiều Trần Nga.

Bốn người bạn:

1. Ông Bạt đề hay Tiểu Hiền.
2. Ông Thực Lực hay Khởi Tín.
3. Ông Ma Nam hay Đại Danh.
4. Ông Át Bệ hay Mã Sư, cũng gọi là Mã Thắng.

Chín anh em tôi lúc đầu tu khổ hạnh với Đức Thế Tôn, sau Đức Thế Tôn bỏ 9 anh em chúng tôi đi tu Pháp môn khác. Chúng tôi tưởng rằng Đức Thế Tôn thối chí, bỏ tu. Do vậy, hai năm sau Đức Thế Tôn tìm đến chúng tôi nói là Ngài đã chứng được “Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, chúng tôi không tin. Đức Thế Tôn nói mấy lần mà anh em chúng tôi cũng không tin.

Sau cùng, Đức Thế Tôn gọi 9 anh em chúng tôi lại bảo:
– Các ông ở lại đây ít lâu, ta sẽ chứng minh cho các ông biết là ta đã chứng được Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Thế Tôn liền nhìn lên hư không và nói:
– Này Thần Kim Cương: Ta là Thái tử Tất Đạt Đa, trong hoàng triều thường gọi ta là Sĩ Đạt Ta. Từ nhiều kiếp trước, ta là môn đồ của Đức Phật Nhiên Đăng. Đức Phật Nhiên Đăng có thọ ký cho ta rằng: Sau này, ở cõi Ta bà, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hôm nay, ta tu Thanh Tịnh Thiền, đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chín người có mặt nơi đây là những người trợ giúp ta thành lập ra Giáo đoàn Đạo Giác Ngộ, tức Đạo Phật, để giáo hóa chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Đề này. Nguồn gốc của chúng sanh là ở nơi Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh. Vậy, Thần Kim Cương hãy giúp ta; vì ta nói mà bọn họ không tin.

Đức Thế Tôn vừa dứt lời, trên hư không, bỗng trời sáng rực, ánh sáng mát diệu,

Thần Kim Cương liền xuất hiện và có lời rằng:
– Này 5 anh em ông A Nhã Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu: Hôm nay, Thái tử Tất Đạt Đa tu Thanh Tịnh Thiền đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, các ông có bổn phận phụ giúp Thái tử thành lập ra Giáo đoàn Đạo Giác Ngộ để hoằng dương giáo hóa Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này, để giúp cho chúng sanh ở cõi Ta bà này. Khi Thái tử đã hoàn tất công việc của Ngài, cũng là lúc các ông viên mãn Công đức. Khi các ông được viên mãn Công đức rồi, thì các ông cũng được trở về Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh, là nơi Mười phương chư Phật sinh sống.

Vị Thần Kim Cương nói tiếp:
Hiện nay, Thái tử Tất Đạt Đa đã thành Phật nên được 10 danh hiệu như sau:

1. Ứng cúng: Được Người và Trời cúng dường.
2. Chánh biến tri: Cái biết chân chánh và tột cùng, có thể dùng thần thông minh họa.
3. Minh hạnh túc: Việc làm thật trong sáng và đầy đủ.
4. Thiện thệ: Thệ nguyện rằng: Luôn làm các điều lành.
5. Thế gian giải: Giải được tất cả các Pháp môn của Thế gian này đến chỗ chân thật.
6. Vô thượng sỹ: Dù cái học thức của Thế Giới này có cao bao nhiêu cũng thua cái hiểu biết của người Giác Ngộ.
7. Điều ngự trượng phu: Thu phục tất cả những người ở cõi Nhân gian này, dù là vua hay quan.
8. Thiên, Nhân, Sư: Làm Thầy tất cả các cõi Trời và tất cả các loài Người.
9. Phật: Giác Ngộ, sáng suốt hoàn toàn trùm khắp, không tối tăm bất cứ chỗ nào.
10. Thế Tôn: Tại Thế Giới này hay trong Tam Giới này, ai ai cũng tôn kính Ngài.

Vì vậy, Ngài được hiệu là:
– Giáo chủ trong cõi Ta bà này, tức không ai hơn Ngài được. Do đó, Thái tử Tất Đạt Đa bắt đầu là Pháp Vương Vô Thượng, mở đường giáo hóa chúng sanh khắp trong cõi Ta bà này để vượt ra ngoài Tam Giới bằng Pháp môn Thanh Tịnh Thiền.
Vậy, các ông hãy phụ giúp Ngài thành lập ra Giáo đoàn để giáo hóa chúng sanh.

Vừa nghe vị thần Kim Cương nói xong: Năm anh em chúng tôi và bốn người bạn đồng tu liền đảnh lễ Thái tử và gọi danh Thái tử Tất Đạt Đa là Thế Tôn. Các anh em chúng tôi và các người bạn cùng tu đồng ý giúp Thái tử Tất Đạt Đa thành lập ra Giáo đoàn, để xứng đáng là người đứng trong hàng ngũ Giáo đoàn, Đức Thế Tôn liền dạy anh em chúng tôi và 4 người bạn biết Pháp môn Thanh Tịnh Thiền. Để 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn nhận ra chỗ sâu mầu của Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này, nên Đức Thế Tôn dạy 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn đồng tu như sau:

Đức Thế Tôn dạy:

– Này các anh em ông Trần và 4 người bạn: Cồ Đàm ta đưa ra ví dụ về “Bụi trần” để 5 anh em ông và 4 người bạn hiểu, thì việc ngộ Đạo không khó.
Các ông muốn biết sự thật tại Thế Giới này, hay trong 1 Tam Giới, hoặc khắp trong Càn khôn Vũ Trụ này. Đầu tiên, các ông phải hiểu 2 phần như sau:

Một: Tổng thể thân xác của các ông là do 8 thứ duyên hợp lại gồm có:

1- Đất. 2- Nước. 3- Gió. 4- Lửa. 5- Tổng nghiệp. 6- Tánh Phật. 7- Tánh Người. 8- Điện từ Âm – Dương.

Hai: Trong thân của các ông tại sao có 2 Tánh:

Tánh Phật: gồm có: Thấy, Nghe, Nói, Biết.

Công dụng của 4 thứ này như sau:

Thấy: Lúc nào cũng thấy gọi là hằng Thấy.
Nghe: Lúc nào cũng nghe gọi là hằng Nghe.
Nói: Lúc nào cũng rung động, khi muốn phát ra tiếng là có tiếng gọi là hằng Pháp.
Biết: Lúc nào cũng biết 3 thứ trên gọi là hằng Tri.

Tánh Người gồm có 16 thứ:

1- Thọ. 2. Tưởng. 3- Hành. 4- Thức. 5- Tài. 6- sắc. 7- Danh. 8- Thực. 9- Thùy. 10- Tham. 11- Sân, 12- Si. 13- Mạn. 14- Nghi. 15- Ác. 16- Kiến.

Mười sáu thứ nói trên nó lại bị bao phủ lên 8 muôn 4 ngàn cái bong bóng cấu tạo bằng ảo giác của Điện từ Âm – Dương nữa. Tổng thể của một con người nó là như vậy.
Các thứ nói trên gộp lại thành là cái Ngã chấp, tức chấp có Ta hay chấp có Tôi.

Trong thân của một con người có Phật tánh. Cái Phật tánh này có cái Biết. Nhờ cái Biết này mà nhiều người muốn thoát ra ngoài cuốn hút của Vật lý Trần gian. Nhưng cái Biết nó lại nằm sâu trong vỏ bọc Tánh người, nên cái Biết này nó phải xuyên qua tánh Người. Do đó, tánh Biết của người này biết không đúng sự thật được. Đã vậy, còn bị các người sau đây lường gạt nữa:

Người lường gạt thứ nhất: Ai muốn Giải Thoát, họ sẽ giúp cho; nhưng trước tiên phải tin họ, nghe lời họ và làm con họ. Họ nói gì cũng phải nghe, không được làm sai, nếu làm sai phải bị nhốt vào ngục tối.

Người ăn theo thứ hai phụ họa thêm: Nếu ai làm con hay làm đệ tử của vị này. Trước tiên, phải đưa tiền họ cầu xin cho…

Vì lời bịa không đúng sự thật, nên người bịa và người tin, đều chịu chung Quy luật Nhân – Quả là vay trả với nhau, không khi nào thoát ra ngoài sức hút của Vật lý Trần gian này được.

Trước khi dạy các ông phương cách Giải Thoát, Như Lai kể lại 4 cái thắc mắc như sau:

Một: Như Lai từ đâu đến Thế Giới này?
Hai: Đến với Thế Giới này, rồi để bị: Sanh – Già – Bệnh – Chết?
Ba: Khi còn ở Thế Giới loài Người: Tranh giành – Hơn thua – Chém giết nhau – Sau cùng rồi cũng lìa bỏ tất cả?
Bốn: Sau khi chết rồi đi về đâu?

Bốn cái thắc mắc ấy, nên Như Lai xin vua cha đi tu để tìm ra cho được 4 phần thắc mắc này. Vua cha đồng ý nên Như Lai mới dụng công tu các phần như sau mong tìm ra các thắc mắc nói trên.

– Đầu tiên, Như Lai dụng công tu khổ hạnh. Ép cho thân thể, khổ đến cùng cực. Không có kết quả gì.
– Kế đến tọa Thiền: Quán, Tưởng: cho vật để trước mắt, một ra nhiều. Xem cho vui. Không biết đường Giải Thoát là gì.
– Tiếp theo tọa Thiền: Nghi, Tìm. Những hữu dụng trong vật chất. Biết rất nhiều. Nhưng cũng để cho vui.VV.v…

Nhưng, Như Lai không rõ 4 điều thắc mắc nói trên. Sau cùng, Như Lai để tâm Thanh Tịnh, Rỗng lặng và hằng Tri. Bỗng Như Lai thấy rất xa xăm. Khi Như Lai quan sát thấy cả một Tam Giới. Như Lai quan sát xa hơn nữa thấy không biết bao nhiêu là Tam Giới và nhiều thứ khác. Phần này Như Lai sẽ dạy rõ cho các ông biết, khi nào Như Lai gần nhập Niết Bàn, Như Lai sẽ nói trắng ra. Vì hôm nay, Như Lai chỉ dạy các ông nhận ra Phật tánh của mỗi người, để đủ tư cách đứng vào hàng ngũ Giáo đoàn Đạo Giải Thoát.

Vì sao Như Lai nhờ các ông? Vì trong quá khứ, các ông là người tu chung với Như Lai, nên hôm nay Như Lai nhờ các ông. Vậy, các ông hãy chú ý nghe lời của Như Lai dạy:

Đức Phật dạy cho 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu:

– Trong một Tam Giới có 6 đường Luân hồi. Trong 6 đường Luân hồi này Như Lai dạy gọn các ông như sau:

Trái đất này cấu tạo bằng 5 thứ: Đất. Nước. Gió. Lửa. Điện từ Âm – Dương.

Nơi Ngũ thú tạp cư, tức 5 loài sống chung, gồm:

Một: Loài Thần, cũng gọi là A Tu La.
Hai: loài Người.
Ba: Loài Ngạ quỷ.
Bốn: Loài Súc sanh.
Năm: Loài Địa ngục.

Các cõi Trời có đến 33 Hành tinh, cấu tạo bằng Điện từ Âm – Dương:

– Dục giới.
– Sắc giới.
– Vô sắc giới.

Nếu nói đủ: Trong 1 Tam Giới có đến 45 Hành tinh có sự sống. Phần này, Như Lai sau này mới dạy.

Hôm nay, Như Lai dạy các ông căn bản để nhận ra Phật tánh của mỗi người, để các ông xứng đáng là 1 thành viên trong Giáo đoàn của Như Lai. Như Lai dạy các ông căn bản sau đây để nhận ra cái gì là Phật tánh. Như Lai đưa ra ví dụ sau đây: Nếu các ông kiên trì, thật chú ý, cố gắng, nghe, sẽ biết cái nào Phật tánh và cái nào là tánh Người.

Khi các ông đã hiểu gọi là Giác Ngộ. Tiến xa hơn một bước nữa thấu triệt những gì mà Như Lai dạy, gọi là đạt được “Bí mật Thanh Tịnh Thiền”. Nếu trong các ông ai có đại duyên đại phúc được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh nơi Mười phương chư Phật sinh sống”, các ông được gọi là về đến quê xưa của mình. Nếu ai được vậy, chỉ là mới nhìn qua cửa Hải triều dương thôi, chứ chưa vào được.

Vì sao vậy? Vì ai muốn vào Bể tánh Thanh Tịnh nơi chư Phật sinh sống, người đó phải như sau:

Một: Hết duyên sống nơi Thế Giới này.
Hai: Phải có ít hoặc nhiều Công đức.

Vậy, các ông chú ý nghe: Như Lai dùng “Bụi trần” để ví dụ, các ông nhận ra cái nào thật và cái nào không thật, tự nhiên các ông biết.

Như buổi sáng hay xế chiều, ánh sáng của Mặt Trời chiếu qua khe cửa hay khe vách, các ông thấy ánh sáng chiếu qua các khe ấy, trong ánh sáng ấy có những hạt bụi bay lơ lửng.

Ánh sáng và hư không Như Lai tạm ví là “Phật tánh”, còn những hạt bụi ví là “Vọng tưởng tánh Người” của các ông.

Các ông nhìn rõ: Hai thứ này tuy ở chung một chỗ, nhưng thứ nào ra thứ nấy, không dính nhau, trong chuyên môn của người tu hành là “Vô trụ”.

Người sống trong Dục giới của địa cầu này phải biết rõ: Vận hành của Âm Dương và Nhân – Quả trong Tam Giới này, thì người tu mới dễ nhận ra lẽ thật, không dẹp bỏ hay nhận lấy bất cứ thứ gì, chỉ cần hiểu: Hai thứ “Phật tánh” và “Vọng tưởng tánh Người” không cho hai thứ dính nhau là người tu đã Giải Thoát rồi, tức không bị Vật lý Trần gian này cuốn lấy, chỉ có bao nhiêu đó là đủ.
Đức Phật liền nói bài kệ về ý nghĩa này như sau:

Phật tánh, không nay, không xưa.
Phật tánh không thêm, không bớt, không thừa.
Người thấy: Sanh tử, dây dưa.
Hai thứ không chạm chỗ xưa: Niết Bàn.

Vừa nghe Đức Thế Tôn nói xong bài kệ, 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn cùng tu liền òa khóc và đảnh lễ Đức Thế Tôn;

Đức Thế Tôn biết được chín người chúng tôi đã ngộ Đạo, liền nói tiếp bài kệ thứ 2:

Sự thật, lẽ thật ở ta.
Ngoài ta tìm lẽ thật ắt theo tà.
Theo tà phải đi theo trong lục Đạo.
Vào lục Đạo biết kiếp nào ra!

Vừa nghe Đức Thế Tôn dạy 2 bài kệ xong, tôi là A Nhã Kiều Trần Như, đại điện cho 8 người, liền làm bài kệ để trình chỗ sở ngộ của 9 chúng tôi:
Kệ rằng:

Lang thang muôn nẻo tìm cầu.
Triệu đời, tỷ kiếp, chuyện không đâu.
Hôm nay nghe được Cồ Đàm dạy.
Chúng tôi nhận được quý hơn Châu.

Ân đức này chúng tôi mãi ghi.
Tức khắc truyền đi chẳng khó chi.
Bỏ vọng, bỏ chơn là chính “Nó”
Mãi mê tìm kiếm thật ngu si.

Dụng công tìm chân thật làm chi.
Trực nhận chân Tâm, ngộ tức thì.
Trần kia xao xuyến phải lìa bỏ
Tánh kia tịnh, sáng, nhận ngay đi.

Cám ơn người bạn trước cùng tu
Chỉ chỗ thâm sâu thật tối mù.
Hôm nay chúng tôi thật sự biết
Nhận ra chân Tánh không cần tu.

Đức Thế Tôn nghe anh em chúng tôi trình bày kệ xong, biết anh em chúng tôi đã ngộ đến chỗ thâm sâu của Pháp môn Thanh Tịnh Thiền, nên ấn chứng rằng:

Đầu tiên Như Lai thuyết Đạo mầu.
Các ông triệt ngộ chỗ thâm sâu.
Như Lai mừng các ông thấu hiểu.
Ngọc châu Như Ý chẳng tìm đâu.

Nói xong bài kệ 4 câu, Đức Thế Tôn nói với 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn cùng tu trước:

– Hôm nay các ông đã triệt ngộ lời Như Lai dạy, vậy các ông hãy cùng Như Lai thành lập Giáo đoàn để truyền bá Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này. Trước, giúp cho chúng sanh ở cõi Ta bà này. Sau, giúp chúng sanh hậu thế biết cấu tạo của vạn vật cũng như Thế Giới này nói hẹp, còn nói rộng là khắp trong Càn khôn Vũ Trụ này, để mọi người không bị lầm mê nữa, nhờ đó mà chuyện Giác Ngộ và Giải Thoát rất dễ dàng. Vì sao dễ dàng? Vì khi người tu nhận ra lý chân thật trong Tam Giới này rồi, nếu muốn Giải Thoát để vượt ra ngoài Tam Giới, chỉ cần thực hiện đúng lời dạy của Như Lai, thì tức khắc Giải Thoát ngay!

Chín anh em chúng tôi vâng lời Đức Thế Tôn dạy, nên truyền bá Pháp môn Thanh Tịnh Thiền, chỉ trong 3 ngày mà Giáo đoàn của Đức Thế Tôn đã thu nhận trên 600 người. Còn khi Đức Thế Tôn dạy nhóm anh em chúng tôi, có trên 100 người có mặt chứng kiến Thần Kim Cương nói chuyện, tất cả các người này đều xin Đức Thế Tôn nhận làm đệ tử.

Thật may mắn thay!
Trong cõi Ta bà này, có một vị Thánh nhân ra đời để cứu vớt chúng sanh biết đường lối vượt ra ngoài Tam Giới để trở về nguồn cội của chính mình.

Thật hạnh phúc thay!
Trong Thế Giới này, có một Thánh nhân ra đời, dạy cho loài Người biết nẻo chánh để tu hành, không rơi vào đường tà mê.

Thật an lạc thay!
Trong cõi Nam Diêm Phù Đề này, có một vị Phật ra đời, để giúp loài Người tu tập Giác Ngộ và Giải Thoát.

Trên đây là 3 bài ca ngợi của 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn đồng tu, cám ơn Đức Thế Tôn và được Đức Thế Tôn chấp nhận những lời ấy, Giáo đoàn Phật giáo được thành lập, đứng đầu là Thái tử Tất Đạt Đa, được chúng tôi gọi là Đức Thế Tôn, và cũng từ đây danh xưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà Đức Phật Cổ Nhiên Đăng thọ ký cho Ngài từ thuở xa xưa nay đã thành hiện thực.

Đức Phật nghe ông A Nhã Kiều Trần Như thuật lại chuyện đầu tiên độ 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu.

Đức Phật liền nói:
– Đúng vậy, đúng vậy, ông A Nan Đà nên nhớ rõ để sau này trong hội kiết tập kinh điển, ông thuật lại cho trong hội nghe.

Ông A Nhã Kiều Trần Như nói tiếp:
– Khi Như Lai dạy 9 anh em chúng tôi ngộ Thanh Tịnh Thiền rồi. Đức Thế Tôn Phân công 9 anh em chúng tôi mỗi người một việc, để điều hành Giáo đoàn.

Vì Pháp môn Thanh Tịnh Thiền khó thực hành, nên Đức Thế Tôn khởi đầu dạy về “Tứ khổ” của chúng sanh, và đặt kinh này là kinh “Tứ Diệu Đế”, mà căn bản kinh Tứ Diệu Đế này: Khổ – Tập – Diệt – Đạo.

Nghe ông A Nhã Kiều Trần Như trình bày xong, ông A Nan Đà cám ơn Đức Phật và anh em ông A Nhã Kiều Trần Như rồi lui ra.

Video: Lời dạy ban đầu của Đức Phật – Bụi Trần Trích Q5: Khai thị Thiền Tông

⭐️ Lời dạy sau cùng của Đức Phật 👉  Xem

Nguồn Thiền Tông

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với KênhNhóm trên Telegram

      

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *