Sách Thiền TôngBí Kíp Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

Một số câu hỏi

Vị Trưởng Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giải thích cho chúng tôi ý nghĩa thờ và trang trí của Chùa đã xong, chúng tôi hỏi thêm:

– Chúng tôi đi đây có tất cả là 15 vị, gồm: Thầy Phổ Chẫm, thầy Phổ Quang, ông Võ Quốc Đang, ông Võ Quốc Thái, ông Trương Quế Phong, ông Trần Ẩn Long, ông Trần Quốc An, tiến sỹ thần học Mai Đức Trung, sáu thành viên nữa và tôi.

Quý vị đi trong đoàn muốn hỏi Trưởng ban quản trị vài câu hỏi, không biết Trưởng ban có nhận lời không?

Trưởng ban vui vẻ nói:

– Quý vị ở phương xa khó nhọc đến đây, có thắc mắc gì cứ hỏi, xin quý vị hỏi trong phạm vi thiền và Thiền Tông học thôi, chứ đừng hỏi ngoài phạm vi này, chúng tôi hiểu biết đến đâu xin giải đáp đến đó.

Một vị đi trong đoàn hỏi về nguồn gốc Đạo Phật:
– Phật giáo, như trình bày của Trưởng ban, duy nhất là tu hành để Giác Ngộ và Giải Thoát, sao lại lập nhiều Pháp môn tu như vậy?

Trưởng Ban Quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu giải thích:
– Quý vị hỏi việc này rất phải, đây là quý vị hỏi về các Pháp môn tu và nguồn gốc của Đạo Phật rồi.

Ngày xưa, khi Đức Phật thành đạo, Ngài đi thuyết pháp đến 49 năm. Công thức tu của Đức Phật hết sức là đơn giản mà lại quá cao siêu. Cao siêu ở đây là ngược với tất cả cái hiểu bình thường của con Người, nên ban đầu Đức Phật nói cách tu có hình tướng bằng cách dụng công tu theo nhân duyên, vì là nhân duyên nên phải có kết quả của Vật lý, để cho những người thời đó ham mà tu hành. Việc giảng dạy này, Đức Phật nói rất nhiều trong các hệ kinh Trường A Hàm và Trường Bộ, mà chúng ta gọi là Pháp môn Nguyên thủy hay Tiểu Thừa.

Pháp môn Tiểu Thừa:

Pháp môn Nguyên thủy này, Đức Phật dạy quán, tưởng và cầu mong, tức dùng vật chất để làm hình tượng để quán từ vật nhỏ ra nhiều hay trùm khắp trong phòng. Căn bản Pháp môn tu này là tạo nhân duyên để có kết quả, vì là nhân duyên có kết quả nên phải theo qui luật Vật lý bình thường, nói theo Nhà Phật, gọi là dòng Luân hồi!

Đức Phật nói kinh hệ Tiểu Thừa này 15 năm. Khi các môn đồ của Đức Phật thông hiểu và thực hành được tất cả các pháp quán, tưởng nói trên, nên một số đông các vị về phương Nam nước Ấn Độ truyền bá, được truyền qua các nước: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và một phần miền Nam Việt Nam.

Pháp môn Trung thừa:

Khi Pháp môn Tiểu Thừa này mọi người tu đã thấu hiểu hết, nên 15 năm kế tiếp, Đức Phật đem Pháp môn này ra lý luận để tìm chỗ ưu việt nhất. Vì vậy, vị nào tu theo Pháp môn lý luận này họ nói rất hay, làm mê say nhiều người. Pháp môn này nhiều vị áp dụng dạy cho nhiều người cùng học, nên được người chung quanh tôn kính là “Bậc Thầy”. Trong Nhà Phật gọi là “Triết lý Phật Thích Ca”.
Pháp môn này nằm giữa Tiểu và Đại thừa nên gọi là Trung thừa.

Pháp môn Đại thừa:

Kế tiếp, Đức Phật dạy Pháp môn tu nghi, tìm và kiếm trong vạn vật, coi những gì bí ẩn trong vạn vật, từ nhỏ nhất như vi trần, hiện nay chúng ta gọi là điện tử, hoặc lớn như hành tinh, tất cả sự tìm kiếm này mọi người đều thông suốt, vì mênh mông và trùm khắp nên Pháp môn này gọi là Đại thừa. Cũng nhờ Pháp môn này mà Đức Phật biết trong Càn khôn Vũ Trụ này có Thái dương hệ, có Tiểu thiên Thế Giới, có Trung thiên Thế Giới, có Đại thiên Thế Giới, và Đức Phật thấy, biết trong cái mênh mông của Vũ Trụ này có hằng hà sa số Tam thiên đại thiên Thế Giới, V.V….

Đức Phật dạy tu các Pháp môn nói trên xong, có nhiều vị trình thưa với Đức Phật: “Ngoài 3 Pháp môn nói trên, Đức Thế Tôn có còn Pháp môn nào để người tu như chúng con được đến chỗ thật an vui tươi không?”

Vì nhiều người yêu cầu nên Đức Phật thêm 2 Pháp môn nữa là:
Pháp môn Tịnh độ.
Mật chú tông.

Pháp môn Thanh Tịnh thiền, tức Thiền Tông:

Tổng cộng, Đức Phật dạy tu có dụng công theo chiều Vật lý có 5 Pháp môn. Năm Pháp môn này tính chung là 45 năm. Như vậy, Đức Phật còn nơi Thế Giới này 4 năm nữa, nên sau cùng Ngài dạy Pháp môn tu “Thanh Tịnh thiền”, mà từ đời Tổ sư thứ hai là Tổ A Nan, gọi là Thiền Tông, tức Pháp môn này Đức Phật không dạy theo các kinh, mà chỉ dạy riêng cho Tổ Ma Ha Ca Diếp biết, và yêu cầu Tổ Ma Ha Ca Diếp truyển Pháp môn Thiền Tông này, riêng theo dòng thiền của nó. Vì vậy, Pháp môn Thiền Tông này không thể nào viết ra thành văn, truyền theo kinh điển được. Do vậy, mới có câu “Bất lập văn tự”, là xuất phát ở đoạn này.

Tổ Ma Ha Ca Diếp nói, Pháp môn Thiền Tông này là Pháp môn bất lập văn tự. Vì không lập văn tự, nên Pháp môn này không theo dòng kinh điển bình thường, mà phải truyền ngoài giáo lý, tức truyền ngoài kinh điển.

Truyền ngoài kinh điển sao Thầy lại biết?
Đó là câu hỏi của tiến sỹ thần học Mai Đức Trung, sanh năm 1939 tại thành phố Nam Định, hiện cư ngụ tại thành phố San Francisco, bang California, Hoa Kỳ hỏi.

Trưởng ban trả lời:
– Sở dĩ chúng tôi biết được là nhờ may mắn đọc được Huyền Ký của Đức Phật nói về “Dòng chảy của mạch nguồn Thiền Tông”, chúng tôi sẽ xuất bản quyển sách này 2 năm nữa.

Trưởng ban nói thêm:
Trên đây là 6 Pháp môn tu của Đức Thế Tôn dạy nơi Thế Giới này, các vị Tổ sư thiền gọi là “Lục diệu Pháp môn” của Đức Phật dạy tu.

Chúng tôi xin kể 6 Pháp môn tu ấy như sau:

Một: Pháp môn Nguyên thuỷ, được quý thầy tu thấy có kết quả theo chiều Vật lý, nên vội vã đem về phương Nam nước Ấn Độ và truyền qua các nước như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Hai: Pháp môn Trung thừa, Đức Phật và các vị Tổ sư thiền dạy trong hệ kinh Bát Nhã và Duy thức học.

Ba: Pháp môn Đại thừa gồm, các bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, Duyên Giác, Kim Cang, Lăng Già, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v… và được truyền qua các nước ở phương Bắc của nước Ấn Độ như: Népal, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và miền Bắc Việt Nam.

Bốn: Còn Pháp môn Tịnh độ, Đức Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang.

Năm: Pháp môn Mật chú tông, Đức Phật dạy lấy các câu thần chú trong các kinh, kinh nào có câu thần chú, thì lấy câu thần chú đó. Ví dụ: Kinh Thủ Lãng Nghiêm thì gọi là chú Thủ Lăng Nghiêm, kinh Đại Bi gọi là chú Đại Bi, kinh Dược Sư gọi là chú Dược Sư, v.v…

Sáu: Pháp môn Thanh Tịnh thiền, Pháp môn này Đức Phật dạy không sử dụng bất cứ thứ gì trong Vật lý trần gian này, mà phải sử dụng Ý trong Tánh Phật “tu”, để trở về quê hương cũ chân thật của chính mình.

Nói về các Pháp môn tu mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy nơi Thế Giới này. Phật giáo Việt Nam chúng ta có đại phúc hơn các nước bạn.

Vì sao có phúc hơn?
Vì Phật giáo Việt Nam chúng ta có đầy đủ 6 Pháp môn tu mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy nơi Thế Giới này.

Còn các nước phía Nam như nói ở trên, chỉ tu có 1 Pháp môn gọi là Nguyên thuỷ hay Tiểu Thừa mà thôi.

Các nước Bắc truyền chỉ biết được 1 Pháp môn gọi là Đại thừa, cũng gọi là Phát triển.

Nói về “Lục Diệu Pháp môn” mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hoá ở Thế Giới này, Phật giáo Việt Nam có đầy đủ ở các nơi, như:

Tiểu Thừa, các Chùa ờ miền Tây và một số nơi ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

Trung thừa, hiện Phật giáo Việt Nam có rất nhiều vị thầy dạy Pháp môn này rất nổi tiếng.

Đại thừa, hầu hết các Chùa ở Bắc, miền Trung và miền Nam đều có.

Tịnh độ tông, Pháp môn này hiện quý thầy giảng rất nhiều, còn Phật tử thì tu đông nhât.

Mật chú tông: Gốc, do hoà thượng Thiền Tâm lập ra ở Đại Ninh thuộc tỉnh Lâm Đồng, hiện Chùa ấy danh hiệu là Phương Liên, chính là trụ sở chánh ở Việt Nam.

Thiền Tông: Gốc chánh là ở Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.
Phật giáo Việt Nam chúng ta lớn phúc như vậy, nếu đem so sánh các nước bạn, thì Phật giáo nước Việt Nam chúng ta trội hơn tất cả.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ 👉  Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *