Sách Thiền TôngBí Kíp Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ

3- Ông Nguyễn Quốc Đang đi theo đoàn viếng Chùa có hỏi:

– Tôi nghe Trưởng ban trả lời cho thầy vừa rồi, ‘thật tình tôi không muốn hỏi nữa. Nhưng nếu tôi không hỏi, thì lòng mình đã ôm ấp từ lâu mà không được giải thông, tôi rất khó chịu trong lòng, vì tôi đã viết sẵn vào giấy từ khi mới bước vào đây. Vậy, tôi cũng xin hỏi Trưởng ban mấy câu như sau:
– Tôi tu Mật chú tông được 15 năm, hiện nay khi tôi ngồi niệm Mật chú chốc lát, tôi thấy hình ảnh Đức Phật Tỳ Lô Xá Na dần dần xuất hiện trước mặt tôi, hình ảnh Ngài rất rõ.

Vậy xin hỏi:
Một: Tu theo Thiền Tông có linh ứng như vậy không?
Hai: Tu theo Thiền Tông thấy được hình tượng gì?
Ba: Tu theo Thiền Tông để được cái gì?
Bốn: Như Thầy vừa nói, truyền Thiền Tông và truyền Tâm ấn có giống nhau không?

Trưởng ban trả lời:
– Kính thưa ông Nguyễn Quốc Đang, chúng tôi nghe anh chị đi trong đoàn, nói về nghề nghiệp và học vị của ông, là bậc học cao hiểu rộng, thật tình chúng tôi muốn dội ngược, hơn nữa, ông lại tu Pháp môn Mật chú tông, mà học với một vị thầy mà chúng tôi rất quý kính, cũng khó cho chúng tôi trả lời các câu hỏi của ông.

Ông Nguyễn Quốc Đang an ủi:
– Thật tình chúng tôi có học vị thật cao, nhưng vì muốn tìm hiểu giáo pháp cao siêu của Phật giáo, nên chúng tôi mới đến đây, Trưởng ban cứ trả lời, nếu có điều gì hay, chúng tôi xin học hỏi, còn ngược lại, chúng ta cùng trao đổi về các môn học của Nhà Phật thôi, xin Trưởng ban đừng ngại.

Vị Trưởng ban nghe nói vậy cũng yên lòng, nên nói với tiến sỹ Nguyễn Quốc Đang:
– Trước khi trả lời ba câu hỏi của tiến sỹ, chúng tôi xin nói về cách tu Mật chú tông, mà các vị đạo cao đức trọng đã dạy cho chúng tôi:
– Chúng tôi có đi tìm hiểu cách tu Mật chú tông ở một nơi (xin miễn nêu tên và địa chỉ).

Chúng tôi có hỏi:
– Kính thưa thầy, chúng con muốn tu theo Mật chú tông, kính xin thầy chỉ dạy cho chúng con được không ạ?

Vị thầy ấy hỏi lại chúng tôi:
– Quý vị có biết ngồi thiền không?

Chúng tôi trả lời:
– Dạ, chúng con biết ngồi thiền, biết điều tâm, điều thân, điều hơi thở và xả thiền nữa.

Vị Thầy ấy nói với chúng tôi:
– Như vậy là tốt lắm, quý vị lấy một câu Mật chú nào trong kinh mà quý vị biết, cứ niệm liên tục, đến khi quý vị thấy tâm mình không còn một tạp niệm, quý vị tưởng đến Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, Đức Phật ấy dần dần sẽ hiện ra với quý vị, là quý vị đã thành công.

Chúng tôi hỏi tiếp:
– Kính thưa thầy, tu theo Mật chú tông thấy được Đức Phật Tỳ Lô Xá Na để làm gì?

Thầy ấy trả lời:
– Để nhờ Đức Phật Tỳ Lô Xá Na rước về bên nước của Ngài ở.

Chúng tôi hỏi tiếp:
– Kính bạch thầy, hình tượng Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, mà thầy thờ trong tháp, thầy lấy từ đâu ra?

Thầy ấy đáp:
– Tôi hành thiền và niệm Mật chú, định tâm thật sâu, tưởng đến Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, tôi thấy hình ảnh của Ngài hiện ra rất rõ ràng, khi xả niệm, xả thiền, tôi nhớ và vẽ lại, nhờ Nhà đắp tượng, đắp ra, như quý vị thấy đang thờ ở trong tháp đó.

Chúng tôi hỏi tiếp:
– Dạ thưa Thầy, chữ Tỳ Lô Xá Na Thầy có thể dịch ra tiếng Việt được không, để chúng con dễ hiểu?

Thầy ấy nhìn chúng tôi và đáp:
– Thôi, đã là Mật rồi còn giải nghĩa cái gì nữa.
Câu nói của thầy ấy làm chúng tôi hết dám hỏi.

Vì vậy, hiện giờ tại nơi ấy, mỗi lần chúng tôi đến và hỏi:
– Các vị ở đây tu gì?

Người già hay người trẻ đều đáp:
– Ở đây tu Mật tông.

Tu Mật tông để được gì?
– Thấy được Phật Tỳ Lô Xá Na.

Trưởng ban nói:
– Bây giờ chúng tôi xin trả lởi câu hỏi của tiến sỹ Nguyễn Quốc Đang:

Câu 1: Tu theo Mật chú tông không phải để tìm Phật Tỳ Lô Xá Na, mà để nhận ra Pháp thân Thanh Tịnh của chính mình, nói theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là để trở về Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh của chính mình.
Nếu nói Tỳ Lô Xá Na là Phật, vậy, ông hãy tìm hiểu chữ Tỳ Lô Xá Na coi nghĩa như thế nào?
Chữ này là chữ Phạn (Sanscrit), Trung Hoa dịch là trùm khắp, còn Việt Nam chúng ta dịch là ở khắp mọi nơi.
Muốn thành tựu một vị Phật là phải có ba thân. Như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài có ba thân:

Thân thứ nhất:
– Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na.
Chữ Pháp thân dịch ra rất nhiều nghĩa như: Phật Tánh, Chân như hay Chân Tánh, cũng gọi là Bản lai Diện mục, v.v…

Còn chữ Thanh Tịnh, vốn Pháp thân là Thanh Tịnh. Còn chữ Tỳ Lô Xá Na, như dịch ở trên, có ba cách gọi dưới đây thành một nghĩa:

Cách gọi thứ nhất:
– Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na.
Cách gọi thứ hai:
– Pháp thân Thanh Tịnh trùm khắp.
Cách gọi thứ ba:
– Pháp thân Thanh Tịnh ở khắp mọi nơi.

Thân thứ hai:
– Viên mãn báu thân: Từ Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na mà lưu xuất ra vô số trong sạch, sáng suốt, v.v… gọi là Viên mãn báu thân).

Thân thứ ba:
– Thiên Bá Ức Hóa thân: Cũng là Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na xuất ra quả báu muôn hạnh Lành, mới có thành tựu thân Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng ta đang thờ Ngài.

Còn Đức Phật A Di Đà cũng có ba thân như: 

Thân thứ nhất:
– Vô Lượng Thọ: Cái sống hoài của Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na.

Thân thứ hai:
Vô Lượng Quang: Cái sáng hoài của Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na.

Thân thứ ba:
– Vô Lượng Công đức: Việc làm vô lượng Công đức của Pháp thân Thanh Tịnh Tỳ Lô Xá Na, nên mới thành tựu được Đức Phật À Di Đà, mà chúng ta đang thờ Ngài.

Nếu nói chúng sanh: Như loài người, mà người Việt Nam cũng phải có ba thân như:

Thân thứ nhất:
– Pháp Thân Thanh Tịnh ở khắp mọi nơi; nhưng chúng ta không chấp nhận thân Thanh Tịnh, mà lại vọng tưởng ra chỗ này chỗ kia, tưởng tượng ra khắp nơi và đủ thứ trên đời. Tưởng tượng ra tên gì, nói tên đó, những người chung quanh nghe theo và chấp chặt cho là đúng. Người có óc tưởng tượng phong phú, họ đặt ra không biết bao nhiêu là khuôn phép trên đời, cốt yếu của các người này là vì danh, vì lợi, nên họ dạy cho những người ngu muội, là những người đụng đâu tin đó, những người có máu nô lệ, có máu sợ sệt, v.v… không dám suy xét bằng cái đầu khoa học, các người khác cũng như vậy. Như năm anh mù rờ voi, mỗi anh nói một cách, nhưng anh nào cũng cho mình là đúng cả.

Thân thứ hai:
– Quả báu viên mãn: Các Đức Phật thì viên mãn báu thân Thanh Tịnh và sáng suốt; còn chúng ta lại đầy đủ quả báu của sáu cõi lục đạo Luân hồi: Trời, A Tu La, Người, Ngạ Quỉ, Súc Sanh và Địa Ngục!

Thân thứ ba:
– Thiên Bá Ức Hóa thân: Thân chúng ta cũng đầy đủ như:

– Thân Trời: Thảnh thơi, vui vẻ, tao nhã, không bận bịu.
– Thân A Tu La: Nóng giận, nói phước họa cho người khác, hung hãng, mê hoặc người khác.
– Thân Người: Bình thản, không lường gạt ai, lấy công sức của chính mình để nuôi thân, biết người trên kẻ dưới, biết đâu chánh đâu tà, đâu họa đâu phước, tôn trọng luật pháp.
– Thân Ngạ Quỷ: Giành giựt, tham lam, quậy phá, xúi bảo người khác làm bậy.
– Thân Súc Sanh: Ham ăn, mê ngủ, lười biếng.
– Thân Địa Ngục: ủ dột, âu lo, khắc khổ, nói những chuyện khổ đau.
Như nói ở trên:

Chữ Tỳ Lô Xá Na là chữ Phạn.

– Trung Hoa dịch là trùm khắp.
– Còn tiếng Việt Nam dịch là ở khắp mọi nơi.

Pháp Thân Thanh Tịnh của mỗi con Người chúng ta nó không có tên. Đức Phật cũng như các vị Bồ Tát cũng như các vị Tổ Sư thiền tạm gọi như vậy thôi.
Các vị Thiền sư Trung Hoa, các vị Tổ sư Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam gọi là Pháp thân Thanh Tịnh ở khắp mọi nơi. Nếu đã là trùm khắp, hay ở khắp mọi nơi thì làm gì có hình tướng.

Vì vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy: “Nếu lấy sắc (hình tướng) cầu ta, người ấy hành đạo tà !”
Tiến sỹ là người học cao hiểu rộng, xin tiến sỹ tự tìm hiểu, chúng tôi chỉ xin phân tích, chứ không thể nói trắng ra được, xin tiến sỹ thông cảm.

Câu 2;
– Câu này tiến sỹ hỏi khó trả lời, nhưng để tiến sỹ nhận ra, chúng tôi lấy một câu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, nếu tiến sỹ nhận ra sẽ hiểu liền, còn bằng không nhận ra, chúng tôi xin chịu.

Phật dạy: “Nhược kiến tướng, phi tướng, tức kiến Như Lai.”

Chúng tôi xin tạm dịch: Nếu thấy tướng, mà không phải tướng, tức thấy Như Lai là Phật.

Tiến sỹ hỏi chúng tôi thấy được gì thì làm sao chúng tôi trả lời được, chẳng khác nào tiến sỹ hỏi chúng tôi: hơi nước trong nồi nước sôi, khi bốc hơi ra và tan trong không khí, hỏi khi hơi nước tan ra hình tướng như thế nào, thật tình chúng tôi xin đầu hàng và xin ngậm miệng.

Câu 3:
– Câu này quá dễ, tu theo Thiền Tông là để được trở về nguồn cội của chính mình, nói theo người bình dân là để thành Phật; còn theo lời dạy của Đức Phật là để trở về nguồn cội mình, là Bể Tánh Thanh Tịnh Phật Tánh của chính mình.
Câu này, nếu tiến sỹ đem hỏi những vị Thiền sư có diệu thuật, chắc chắn tiến sỹ sẽ hiểu ngay; còn chúng tôi chỉ xin trả lời bằng văn tự bình dân, vì vậy tiến sỹ khó nhận ra lắm.

Câu 4:
Truyền Thiền Tông, là truyền môn thiền học mà Đức Thế Tôn truyền riêng cho Ngài Ma Ha Ca Diếp, Pháp môn truyền này có những tín vật như:

– Áo choàng của Như Lai, khi Ngài đi ra ngoài thất.
– Bát ăn cơm của Như Lai, tự Ngài nắn bằng đất sét thật tốt.
– Gói Huyền Ký, trong đó có rất nhiều lời dạy của Đức Phật và bài kệ truyền Thiền Tông, theo dòng riêng của nó, để những vị Tổ sư thiền, căn cứ vào đó, truyền Thiền Tông cho nhau và biết được cốt tuỷ của Pháp môn Thiền Tông học này.

Còn truyền Tâm ấn không phải của Đức Phật dạy; mà của những vị thầy tưởng tượng ra để truyền cho đệ tử mình, khi người đệ tử hiểu y như vị thầy, thầy ấn tâm đệ tử mình giống như tâm của mình.

Phần truyền tâm ấn này, ở nước Trung Hoa, quý thầy họ truyền Tâm ấn tâm cho nhau rất nhiều, quý thầy ở Việt Nam, họ cũng “noi theo” quý thầy ở bên đó, cũng truyền Tâm ấn cho đệ tử mình.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ 👉  Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *