Thiền TôngTổ Sư

01_Tổ sư Thiền Tông đời Thứ nhất

Thiền Tông phổ biến tại Chùa Thiền Tông Tân Diệu, được Nhà sưu tầm Thiền học Phật giáo là soạn giả Nguyễn Nhân góp nhặt lại, biên soạn và viết ra thành 12 quyển sách nói về Pháp môn tu Thiền Tông, được những người trong và ngoài nước đọc…

  Thiền Tông    Videos    Sách   Giải đáp   Album

✍️ Mục lục: Dòng chảy của Mạch nguồn Thiền Tông

⭐️ Giáo Lý Đạo Phật Thiền Tông 👉  Xem
⭐️ 36 Vị Tổ sư Thiền Tông (Ấn – Hoa – Việt)👉  Xem

⭐️ Lễ công bố Huyền Ký của Đức Phật 👉  Xem
⭐️ Kinh và Kệ 👉  Xem

Ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) lớn hơn Đức Phật 1 tuổi, một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật. Con của ông Âm Trạch và bà Hương Chí, nước Ma Kiệt Đà.

Khi mẹ sinh ra Ngài có làn da toàn màu vàng sáng ánh. Khi 22 tuổi, cha mẹ bảo cưới vợ, Ngài không chịu, cha mẹ ép quá nên Ngài đặt điều kiện với cha mẹ như sau: Nếu cha mẹ tìm được cô gái nào có làn da như con thì con mới bằng lòng cưới vợ.  Cha mẹ Ngài liền cho đúc một pho tượng bằng vàng, đẩy đi khắp nơi tìm người con gái nào có làn da như tượng. Khi pho tượng đến thị trấn Hàn Thuật Trung, có gia đình ông Phương Thùy Ái và vợ là bà Liểu Ánh Phương có nàng con gái mới 20 tuổi, tên là Hàn Phương Nga, có làn da y như pho tượng nên Ngài đành phải chấp nhận cưới nàng.

Khi hai người cưới nhau, Ngài có nói với vợ: Thật tình tôi không muốn cưới vợ nên đặt điều kiện khó này, không ngờ tôi gặp được nàng. Vậy, tôi xin nàng cùng tôi làm bạn tri kỷ, không theo đời sống vợ chồng bình thường. Nàng Hàn Phương Ngađồng  ý, hai người sống chung với nhau được 2 năm, Ngài xin cha mẹ cho hai vợ chồng xuất gia, cha mẹ Ngài bằng lòng, hai người vào núi tu hạnh đầu đà, tức tu khổ hạnh.

Ngài xuất gia được một năm, một tối nọ, Ngài nằm mộng thấy có vị đầu tóc bạc bảo: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời, hiện ở tịnh xá Trúc Lâm, ông nên đến đó xin Đức Phật dạy Pháp môn tu giải thoát”. Ngày hôm sau, ông đến tịnh xá Trúc Lâm chí thành đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo:

Lành thay, này tỳ kheo Ma Ha Ca Diếp đến đây, Như Lai nhờ người cạo râu tóc cho ông. Khi Ngài được những vị trong Tăng đoàn cạo râu tóc xong, Đức Phật cho Ngài thọ giới tỳ kheo và mặc y cà sa, không bao lâu Ngài tu chứng được quả vị A La Hán. Vì Ngài tu khổ hạnh nên thân hình tiều tụy, ăn mặc rách rưới nên trong Tăng đoàn ai cũng chê cười Ngài.

Khi Đức Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong, Đức Phật đã 78 tuổi, còn
Ngài 79 tuổi. Thời cơ truyền ‘Bí mật Thiền Tông’ cho Tổ thứ nhất đã đến nên một buổi sáng mùa xuân trên mặt bằng rộng lớn núi Linh Sơn, Đức Phật tập hợp đông đảo đồ chúng, tay phải Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, Ngài ngó từ phải qua trái, từ gần ra xa, mọi người ai cũng ngơ ngác, riêng Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm miệng cười, Đức Phật hỏi Ngài Ma Ha Ca Diếp:

Tất cả mọi người không cười, sao ông lại cười?

Ngài Ma Ha Ca Diếp trình thưa với Đức Phật

Kính bạch Đức Thế Tôn, nhờ Đức Thế Tôn tay cầm cành hoa sen đưa lên nên con đã nhận ra tánh Thấy chân thật rõ ràng của con, con mừng quá nên con mỉm cười Đức Phật hỏi Ngài Ma Ha Ca Diếp Ông thấy như thế nào?

 Ngài Ma Ha Ca Diếp không trả lời thấy như thế nào mà trình thưa cùng Đức Phật bài kệ 44 câu:

Sen xuân nở tại Linh Sơn
Thiền hoa Thanh Tịnh ơn trên Phật Đà
Ý Phật con đã nhận ra
Tánh Thấy, y thấy được qua Luân hồi

Bao năm khổ hạnh con thôi
Sống với tánh Thấy, Luân hồi màng chi
Hoa sen con nhận tức thì
Niết bàn Thanh Tịnh tìm chi mệt người

Phật ơi, con đã ngộ rồi
Thấy trong Thanh Tịnh là nơi quê nhà
Phật tánh, con đã nhận ra
Khi thấy, Ý thấy vượt xa muôn trùng

Tánh Thấy hết sức lạ lùng
Muôn đời ngàn kiếp, lạ lùng mới hay
Thiền Thanh Đức Phật chỉ bày
Hôm nay thật sự, nhận ngay tánh mình

Nhận được con chỉ lặng thinh
Nở ra nụ cười vui lắm Phật ơi
Trước kia, Phật dạy con ‘Thôi’
Mà thôi không được, Luân hồi con đi

Hoa sen con thấy tức thì
Tự nhiên dứt hết, không chi nói lời
Nụ cười thay thế chữ ‘Thôi’
Để trình Đức Phật đôi môi thay lời

Linh Sơn, con đã rõ lời
Thiền Thanh con biết, Luân hồi dứt ngay
Trước huynh đệ, con trình bày
Môn Thiền Thanh Tịnh, khó ai nhận liền

Mấy ngàn người bỏ tu riêng
Dụng công tìm kiếm khắp miền sơn lâm
Nhờ con lặng lẽ âm thầm
Bất ngờ nhận được, không lầm chuyển luân

Hôm nay, thật sự con mừng
Mừng vì sinh tử đã dừng với con
Linh Sơn con quyết lòng son
Giữ môn Thiền học thường còn thế gian

Hễ ai muốn hết gian nan
Chỉ cần Thanh Tịnh, mới sang quê nhà
Lòng con xin nói hết ra
Cám ơn Đức Phật, con xa Luân hồi

Thiền Thanh kỳ diệu Phật ơi
Chỉ cần Thanh Tịnh, Luân hồi bỏ con
Con nay kính nguyện lòng son
Truyền môn Thiền học, được còn mai sau

 Đức Phật nói với các vị tỳ kheo và đại chúng:

Này các vị tỳ kheo và đại chúng, hôm nay Như Lai kiểm Thiền Thanh Tịnh bằng cành hoa sen, trong số 1.250 vị, duy nhất chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận được chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, đây là Pháp môn mầu nhiệm Như Lai dạy nơi Thế Giới này.

 Như Lai dạy rõ Pháp môn Thanh Tịnh Thiền được lưu truyền như sau:

1. Việc truyền Thiền Thanh Tịnh, đúng 15 ngày sau Như Lai sẽ truyền Thiền Thanh Tịnh cho ông Ma Ha Ca Diếp để thay Như Lai dạy Pháp môn Thiền Thanh Tịnh, sau khi Như Lai diệt độ.

2. Ông Ananda và các đệ tử lớn của Như Lai cũng như đại chúng, thiết lập bàn hương và phẩm vật để Như Lai làm lễ truyền Thiền Thanh Tịnh, trước sự chứng minh của Mười Phương Chư Phật, các ông hãy tụ hội về cho đầy đủ.

Vì sao các ông phải tựu hội?

Vì đây là buổi lễ truyền Thiền Thanh Tịnh đầu tiên, cũng đồng nghĩa dòng chảy của ‘Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh’ của Như Lai dạy đã khởi đầu tại đây. Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh này tiếp theo là 36 đời Tổ nữa, được phân chia như sau:

– Nước Ấn Độ có 28 đời Tổ

– Nước lớn ở phương Đông có 5 đời Tổ

– Nước nhỏ ở phương Đông, cũng gọi là đất Rồng có 3 đời Tổ

Đến đây, Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh bị quên lãng, mãi đến đời Mạt Thượng Pháp ở tại đất Rồng mới có người nhận lại được, người này cho Pháp môn Thanh Tịnh Thiền phổ biến đi khắp Năm châu.

3. Ông Ma Ha Ca Diếp, khi ông sắp tịch, ông hãy truyền Pháp môn Thanh Tịnh Thiền lại cho ông Ananda, để làm Tổ sư đời thứ hai. Như Lai dạy các ông như sau: Khi ông Ananda nhận Tổ vị thứ hai, phải đổi danh là Thiền Tông.

Vì sao phải đổi danh như vậy?

Vì Pháp môn Thanh Tịnh Thiền bắt đầu khởi dòng Thiền của nó, tức nó được truyền theo ‘Tông Pháp Thiền’ rõ ràng. Lần đầu tiên Như Lai truyền Thiền Thanh Tịnh, người dự bao nhiêu cũng được nhưng khi ông Ma Ha Ca Diếp truyền Thiền Tông lại cho ông Ananda, chỉ có ông Ananda, ông Xá Lợi Phất và các đệ tử lớn của Như Lai dự thôi.

Vì sao chỉ có ông Xá Lợi Phất, các đệ tử lớn cũng như các cư sĩ hiểu được Thiền Thanh Tịnh mới được dự?

Vì ông Xá Lợi Phất đã được ‘Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh’, đồng nghĩa ông đã vượt hơn cả ‘Bí mật Thiền Tông’ nhưng vì ông Xá Lợi Phất chưa nhanh bằng ông Ma Ha Ca Diếp, hơn nữa ông Xá Lợi Phất đến ngày ông Ananda nhận Tổ vị đời thứ hai, ông Xá Lợi Phất đã trên 90 tuổi rồi, còn các đệ tử lớn và những vị cư sĩ này đã hiểu được căn bản của Pháp môn Thiền Thanh Tịnh. Nếu nói theo Thanh Tịnh Thiền, các vị này chỉ giác ngộ ‘Yếu chỉ Thiền Tông’ thôi.

Vậy, ngày trăng tròn tháng 2 này, Như Lai sẽ chính thức hành lễ truyền Thanh Tịnh Thiền cho ông Ma Ha Ca Diếp. Vậy, các ông mỗi người lo một việc, lo buổi lễ này cho thật chu đáo, ai lo việc gì cố gắng cho tốt.

Đức Phật vừa nói xong, tất cả giải tán và lo công việc của mình

Sáng ngày trăng tròn tháng 2, buổi sáng, ánh sáng mặt trời nắng gắt chói chang nhưng khi mặt trời vừa nhô lên lưng chừng núi, cũng là lúc Đức Phật cùng các đệ tử của Ngài, cùng tất cả Ưu bà tắc, Ưu bà di tập hợp đông đủ. Bất ngờ, trên không trung mây ngũ sắc bao quanh núi Linh Sơn, làm bầu trời sáng rực và mát dịu.

 Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mặc áo choàng lấp lánh ánh hào quang, từ từ bước lên lễ đài và nói:

Kính lạy Đức Phật cổ Nhiên Đăng và Mười Phương Chư Phật đã thành Phật trước tôi. Hôm nay, tại mặt bằng rộng lớn núi Linh Sơn, cõi Ta Bà này.

Tôi là Bồ Tát Hộ Minh, từ cung trời Đâu Suất, xuống trần gian này làm con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, được Đức vua và Hoàng hậu đặt cho tên là thái tử Tất Đạt Đa, tôi tu đã đạt được đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, biết được 6 Pháp môn tu nơi Thế Giới Dục giới này.

Trong đó, có 5 Pháp môn tu theo Vật lý, có kết quả theo chiều Vật lý. Một Pháp môn tu phi Vật lý, tức tu để được giác ngộ và giải thoát ra khỏi Thế Giới Dục giới này.

Ông Ma Ha Ca Diếp là một trong mười đệ tử lớn của tôi, khi tôi kiểm Thiền ông đã đạt được ‘Bí mật Thiền Tông’. Vì vậy, hôm nay tại lễ đài trên núi Linh Sơn, cõi Nam Diêm Phù Đề này, trước sự chứng minh của Đức Phật cổ Nhiên Đăng là vị sư phụ đã thọ ký cho tôi, sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, cũng như Hằng hà sa số Chư Phật Mười Phương, tức những vị đã thành Phật trước tôi từ vô lượng kiếp trước.

Hôm nay, tôi đã hoàn thành dạy 6 Pháp môn tu mà các vị Phật xưa cũng đã dạy. Vì còn một thời gian ngắn nữa tôi sẽ nhập Niết bàn để trở về nguồn cội của chính mình. Cũng như các vị Phật trước, vị Phật nào trước khi rời Thế Giới Vật lý này, đều phải truyền Thiền Thanh Tịnh lại cho đệ tử nào đạt được ‘Bí mật Thiền Tông’ để người đó trở thành Tổ sư Thiền đời thứ nhất.

Hôm nay, nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này, khi tôi kiểm Thiền, ông Ma Ha Ca Diếp là người đầu tiên nhận được ‘Chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm’, là Pháp môn mầu nhiệm không truyền theo kinh điển thông thường, phải truyền theo dòng riêng của nó.

Do vậy, hôm nay tôi kính trình lên Đức Phật cổ Nhiên Đăng cũng như Chư Phật quá khứ Mười Phương. Ông Ma Ha Ca Diếp là người đã đạt ‘Bí mật Thiền Tông’, có làm bài kệ nói lên được chỗ chân thật những thứ trong Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh nên hôm nay tôi làm lễ truyền Thanh Tịnh Thiền này. Vậy, kính xin Đức Phật Nhiên Đăng và Mười Phương Chư Phật chứng minh cho tôi.

Trước khi hành đại lễ truyền Thiền Thanh Tịnh, tôi và những vị có mặt đồng

DÂNG HƯƠNG

Khói hương bay khắp bầu trời xanh
Rốt ráo chúng tôi bổn nguyện lành
Trên khói hương này Chư vị ngự
Tôi xin hành lễ truyền Thiền này

KHAI LỄ TRUYỀN THIỀN

Thiền hoa nở tại Linh Sơn
Thiền Thanh cao quý tuyệt hơn ngọc vàng
Trải qua khắp chốn gian nan
Đi qua khắp nước hiện an nơi này

Ông hãy nghe dạy của thầy
Tìm nhiều phương cách, Thiền đây lưu truyền
Hôm nay họ Ma có duyên
Nhận được nguồn Thiền, chỉ riêng một mình

Diếp, ông biết được lặng thinh
Chỉ mỉm miệng cười thay lời trình thôi
Như Lai, xác nhận phải rồi
Không theo Luân hồi, Vật lý phải xa

Tất cả những vị ngộ ra
Chính tâm Thanh Tịnh Ta đây lưu truyền
Hôm nay ông có đại duyên
Nhận được nguồn Thiền chánh pháp của Ta

Y theo lời dạy của Ta
Hể ai nhận được ý Ta dạy Thiền
Vị đó là người đủ duyên
Phải được truyền Thiền để làm lòng tin

Hôm nay, tại núi hiển linh
Chính thức truyền Thiền chứng nhận cho ông
Ông nên giữ lấy trong lòng
Truyền cho Nan Đà làm Tổ tiếp theo

Vượt qua bể khổ hiểm nghèo
Chỉ cần Thanh Tịnh, giàu nghèo màng chi
Ông phải cố gắng truyền đi
Nan Đà truyền lấy nhận thì dài lâu

Thiền Thanh không cần nguyện cầu
Chỉ cần Thanh Tịnh, bể dâu không màng
Tâm mình Thanh Tịnh bình an
Vượt qua bể khổ để về nhà xưa

Thiền Thanh không cần sớm trưa
Chỉ cần Thanh Tịnh, không ưa Niết bàn
Được vậy, là được bình an
Ta nay chỉ rõ có đàng này thôi

Ông nay đã hiểu được rồi
Ta cấp chứng nhận, ngộ rồi Thiền Thanh
Các ông không phải đua tranh
Pháp Thiền Thanh Tịnh, dành người ngộ ra

Hôm nay, Ta Phật Thích Ca
Chính thức truyền Thiền Ma Ha nhận Thiền
Ông phải cố gắng giữ riêng
Tâm ông Thanh Tịnh chỉ riêng từng người

Buổi lễ hôm nay tươi vui
Mười Phương Chư Phật tươi cười chúc vang
Thế Giới Vật lý bình an
Vì được an nhàn, nhờ pháp Thiền Thanh

Mười Phương Chư Phật bao quanh
Chúc mừng Ca Diếp là anh ngộ Thiền
Thiền Thanh Ta chỉ truyền riêng
Chính thức truyền Thiền chứng nhận cho ông

Đức Phật vừa đọc xong 52 câu kệ truyền Thiền cho ông Ma Ha Ca Diếp. Trên hư không, nhạc trời đồng loạt đánh lên, cùng lúc tiếng pháp của Mười Phương Chư Phật đồng nói vang trùm khắp:

Chúng tôi là các vị Phật xưa, chúc mừng cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nay đã truyền xong Pháp môn Thiền Thanh Tịnh cho ông Ma Ha Ca Diếp.

Các Ngài đồng vang nói:

Hạnh phúc thay! Thế Giới Nam Diêm Phù Đề này đã có người nhận được chánh pháp Thiền Thanh Tịnh

Hạnh phúc thay! Pháp môn Thiền Thanh Tịnh bắt đầu lưu hành nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này.

Hạnh phúc thay! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền xong Pháp môn Thanh Tịnh Thiền nơi Thế Giới Ta bà này.

✍️ Mục lục: Cuộc đời và Ngộ đạo của 36 Vị tổ sư Thiền Tông 👉  Xem tiếp

Nguồn Thiền Tông

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với KênhNhóm trên Telegram

      

   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *