Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương I: Các Tu sĩ Huyền Môn
Năm 1914, Tây Tạng có sự biến. Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 phải lánh nạn qua Ấn Độ. Đây là một dịp may hiếm có để phỏng vấn và tiếp xúc với nhà lãnh đạo xứ này – tôi đã nghĩ như thế. Biết đâu trong cuộc tiếp xúc, tôi sẽ tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc về Phật học của tôi. Điều tôi không ngờ là tuy phải sống lưu vong nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn không chịu tiếp xúc với người ngoại quốc. Khi còn ở trong nước, cung điện của ngài được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt, chỉ những bậc Lạt Ma trưởng lão mới được ngài tiếp kiến. Hiện nay, tuy tạm trú tại Bhutan nhưng ngài cũng không chịu tiếp ai. Cho đến thời điểm đó, tôi vẫn là người phụ nữ ngoại quốc duy nhất được ngài tiếp kiến. Lý do tại sao ngài chịu tiếp tôi vẫn là một điều bí ẩn mà tôi không sao tìm được câu trả lời.
Buổi sáng hôm đó, tôi rời Darjeeling đến Kalimpong, nơi ngài tạm trú. Đó là một dinh thự rất lớn mà quốc vương xứ Bhutan dùng làm nơi nghỉ mát, và ông đã nhường lại để Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng. Hai hàng cờ quạt long trọng được gắn suốt lộ trình dài từ cổng trại đến dinh thự, hàng trăm cây cờ ghi câu thần chú “Om Mani Padme Hum” bay phần phật trong gió. Hai bên vệ đường là đoàn ngự lâm quân oai vệ đứng canh phòng làm gia tăng thêm vẻ uy nghiêm cho chốn này. Người ta nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ra lệnh giản hóa đến mức tối đa những đồ vật trưng bày, những nghi lễ cần thiết trong lúc ngài tị nạn. Nếu như vậy thì tại triều đình Tây Tạng, những nghi lễ này hẳn phải long trọng và oai nghiêm đến mức độ nào?
Tôi những tưởng cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài một khoảng thời gian, đủ để tôi có thể đặt nhiều câu hỏi giống như những cuộc phỏng vấn thông thường, nhưng tôi đã lầm. Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ tiếp tôi trong một thời gian rất ngắn. Ngài im lặng nghe tôi trình bày vài câu rồi nói ngay:
– Nếu bà muốn biết về Tây Tạng thì bà nên học ngôn ngữ xứ này.
Đó là một câu nói đơn giản, bình thường nhưng về sau tôi mới biết hiệu nghiệm của nó. Dường như ngài đã tiên đoán được cuộc hành trình của tôi vào xứ ngài và ngài đã gián tiếp chỉ đường cho tôi. Tuy nhiên, lúc đó tôi không chú trọng gì nhiều đến lời khuyên này. Tôi chỉ muốn có dịp quan sát, nghiên cứu để viết một thiên phóng sự về phong tục và văn hóa Tây Tạng mà thôi.
– Được lắm, nếu vậy tôi sẽ cho Dawasandup đi theo bà để thông dịch. Ông ấy sẽ đưa bà đến Gangtok[1]
… Chúc bà may mắn.
Ngài khẽ phất tay, một tiếng trống vang lên và buổi phỏng vấn chấm dứt trước khi tôi có thể nói thêm một câu gì khác.
Trước khi rời Kalimpong, tôi có dịp chứng kiến một nghi thức ban phúc lành của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Không giống như việc ban phúc lành của những vị giáo hoàng tại La Mã, thường giơ tay ban phúc chung cho hàng vạn người, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại ban phúc riêng cho từng người và áp dụng một nghi thức nhất định. Đối với những tăng sĩ tu hành đã lâu, các vị Lạt Ma trưởng lão thì ngài đặt hẳn hai bàn tay lên đầu người đó. Đối với những quan lại, tướng sĩ tùy tùng, sĩ quan chỉ huy quân đội thì ngài chỉ đặt một tay lên đầu người kia mà thôi, và tùy theo chức vị cao thấp mà ngài đặt cả bàn tay, vài ngón tay hoặc có khi chỉ một ngón tay. Sau cùng, đối với dân chúng, ngài cầm một lá cờ nhỏ đặt nhẹ lên đầu hoặc lên vai từng người một.
Dù gì thì đối với người Tây Tạng, nghi thức ban phúc lành này là hết sức quan trọng vì họ tin rằng sức mạnh huyền bí của Đạt Lai Lạt Ma sẽ truyền vào người họ và tạo ra sự an lành thuần khiết, cho họ nhiều lợi lạc. Hàng ngàn người đã sắp hàng từ sớm để chờ đến lượt được ban phúc lành. Không những thế, có rất nhiều người Ấn, người Hồi, người Sikkim, Bengal cư ngụ quanh vùng cũng sắp hàng chung với người Tây Tạng để nhận lễ ban phúc này.
Trong khi quan sát cuộc lễ, tôi bỗng thấy một tu sĩ tóc rối bù, quần áo rách rưới, trên vai đeo một cái túi lớn, thản nhiên nhìn cảnh tượng trên một cách khinh khỉnh. Tôi ngạc nhiên bèn hỏi Dawasandup thì ông này cho biết đó là một tu sĩ thuộc nhóm Naljorpa, một môn phái chuyên về huyền thuật. Thấy tôi có vẻ chú ý đến người nọ, Dawasandup vội chạy đến hỏi han rồi quay về cho biết:
– Ông ta người xứ Bhutan tu theo tôn chỉ phái Naljorpa. Tu sĩ phái này thường rày đây mai đó, không bao giờ cư ngụ ở nơi chốn nào nhất định.
Có khi họ tá túc ở một ngôi chùa, khi lại lánh mình trong các động đá hẻo lánh. Hiện nay vị này đang tạm trú tại một ngôi chùa nhỏ gần đây. Thái độ kỳ lạ của tu sĩ nọ khiến tôi thắc mắc mãi nên chiều hôm đó tôi bèn rủ Dawasandup đến ngôi chùa kia. Vừa vào đến chánh điện, chúng tôi đã thấy vị tu sĩ nọ đang dùng cơm ở một góc. Chúng tôi đến chào hỏi một cách lễ phép nhưng vị tu sĩ ấy không trả lời, có lẽ vì miệng còn đầy cơm hoặc có thể vì một lý do nào khác. Trong lúc tôi đang lúng túng chưa biết phải mở đầu như thế nào thì vị tu sĩ kia chăm chú nhìn tôi một cách kỳ lạ rồi lẩm bẩm vài câu làm Dawasandup phải nhăn mặt khó chịu.
– Ông ta nói gì vậy?
– Có lẽ bà không nên để ý đến những câu nói bất lịch sự như thế làm gì…
– Nhưng ông ta đã nói gì?
– Thưa bà, tôi không biết có nên thông dịch hay không?
– Tại sao lại không? Ông cứ dịch đi chứ.
Dawasandup tỏ ra ngần ngại một lúc rồi thông dịch:
– Ông ta nói rằng “Cái con mẹ ngu đần này đến đây làm gì?”.
Tôi không ngạc nhiên vì câu nói bất lịch sự đó. Từ lâu tôi vẫn nghe kể rằng nhiều vị thầy Á Đông đôi khi sử dụng những lời lẽ xấc xược, kỳ lạ đối với những người đến cầu đạo để thăm dò phản ứng của họ. Tôi nhờ Dawasandup thông dịch:
– Ông hãy hỏi dùm tôi tại sao sáng nay trong lễ ban phúc lành trang nghiêm như thế mà tu sĩ này có vẻ như khinh bỉ, coi thường.
Vừa nghe Dawasandup nói xong, tu sĩ bật cười:
– Toàn một đám ăn hại cứ tưởng như mình quan trọng lắm! Chẳng qua chỉ là một lũ giòi bọ bám vào cục phân thì quý hóa cái nỗi gì…
Hiển nhiên buổi nói chuyện đã đi vào một ngã rẽ bất ngờ, nhưng tôi đã chuẩn bị trước với những tu sĩ thuộc loại bất thường như vậy. Tôi bèn hỏi ngay:
– Nói như vậy thì liệu ngài có sạch sẽ hơn cái đống phân kia không?
Tu sĩ phá lên cười ngạo mạn:
– Kẻ nào càng né tránh nó bao nhiêu càng lún sâu vào nó bấy nhiêu. Phần ta thì cứ lăn lộn trong đám phân đó như một con lợn, ta ăn phân rồi tiêu hóa nó thành cát vàng, thành nước thánh. Lấy cứt chó biến thành những ngôi sao trên trời, đó mới là công phu hành đạo…
Dĩ nhiên cách ăn nói quái gở lạ lùng như vậy chỉ có thể thốt ra bởi những người đặc biệt, nhưng tôi hỏi lại:
– Những người dân quê hiền lành đến xin ban phúc lành thì có gì quá đáng đâu mà ngài lại có vẻ coi khinh họ thế? Họ chỉ là những người chất phác mong tìm được nguồn để nương tựa vào. Vị tu sĩ cắt ngang câu nói của tôi:
– Bà thì biết gì mà nói! Một người muốn ban phúc cho ai thì phải có quyền năng đó trước đã. Nếu ông Đạt Lai Lạt Ma đã sở hữu những quyền năng thực sự thì tại sao ông ta lại cần lực lượng để chống cự lại kẻ đối nghịch với mình? Tại sao ông ta không sử dụng cái quyền phép đó để tạo nên những màng lưới vô hình ngăn cản kẻ đối nghịch xâm phạm vào lãnh thổ của ông ta? Ta đây tuy chỉ là kẻ mới học đạo tầm thường nhưng đã có thể…
Tu sĩ không nói tiếp như cố ý để tôi tự đi đến kết luận về quyền năng của ông ta. Dĩ nhiên Dawasandup rất khó chịu khi nghe câu nói xấc xược đó vì ông rất kính trọng Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng ông cũng không dám lên tiếng phản đối vì sợ vị tu sĩ kỳ quái này. Thấy câu chuyện có vẻ căng thẳng và không đi đến đâu, tôi bèn đứng dậy ngỏ ý kiếu từ và theo thói quen thông thường, tôi đưa cho Dawasandup một ít tiền lẻ để cúng dường vị tăng sĩ kia. Vị tu sĩ tỏ ra khó chịu, ông ta từ chối không thèm nhận số tiền cúng dường của tôi. Thấy vậy, Dawasandup bèn đặt đại số tiền lên mặt bàn gần đó. Vị tu sĩ nhếch miệng cười, chỉ phất nhẹ tay áo thì Dawasandup đã bị hất tung lên đập mạnh thân người vào bức tường gần đó. Ông ta ôm ngực nhăn nhó trong khi vị tu sĩ kia thản nhiên đứng dậy bỏ đi. Tôi ngạc nhiên:
– Ông bị sao vậy?
– Thưa bà, tôi vừa bị đánh trúng ngực, bà không thấy sao?
– Cái gì? Ai đánh ông?
– Còn ai nữa! Vị tu sĩ kia chứ ai!
– Nhưng ông ta ngồi cách ông cả mấy thước kia mà, tôi đâu thấy ông ta đụng vào người ông đâu?
– Bà không biết đâu, có nói bà cũng chẳng thể hiểu được. Tôi không biết thế nào nữa…
– Có lẽ do ông ngồi lâu nên khi đứng lên thì bị xây xẩm mặt mày đấy thôi.
Tuy nhiên, Dawasandup cứ nhăn nhó và lắc đầu quầy quậy. Ông ta vạch áo ra và tôi thấy rõ trên ngực ông có vết tím bầm như bị vật gì đó đập trúng. Tôi hết sức ngạc nhiên về chuyện này. Rõ ràng Dawasandup đứng cách xa vị tu sĩ nọ cả mấy thước và tôi thì ngồi chính giữa, thế mà tại sao ông ta bị đánh tím cả ngực như thế kia? Phải chăng có một quyền năng nào đó có thể đả thương người như vậy? Hay biết đâu Dawasandup bị trúng gió bất thường?
Hôm sau, tôi và Dawasandup lên đường đi Gangtok. Đó là một con đường đèo nhỏ hẹp dẫn quanh rặng Tuyết Sơn. Ở trên độ cao lúc nào khí hậu cũng ẩm ướt, mây trắng vờn quanh miệng vực khiến người ta có cảm tưởng như đang đi trên mây. Một bầu không khí lạ lùng dường như bao phủ miền này khiến người đi qua cứ cảm thấy rờn rợn. Tây Tạng là nơi mà những tín ngưỡng cổ như Bon Pa, Pawos, Yabas với những pháp sư, phù thủy chuyên thực hành huyền thuật hoạt động mạnh mẽ. Dù Phật giáo được xem là tôn giáo chính nhưng tại những vùng hẻo lánh, huyền thuật vẫn được thực hành một cách công khai. Trước khi đến Gangtok, chúng tôi gặp một trận mưa đá rất lớn, những hạt mưa đá to bằng nắm tay ào ào trút xuống khiến chúng tôi phải tìm nơi ẩn tránh, chờ cơn mưa dứt mới tiếp tục.
Người Tây Tạng tin rằng những hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm chớp đều có liên quan đến quỷ thần. Mưa đá được xem như là vũ khí lợi hại mà các pháp sư sử dụng để ngăn cản khách hành hương đến gần hang động của họ. Ít lâu sau, Dawasandup kể với tôi rằng ông đã đến hỏi ý một pháp sư về trận mưa đá này. Phải chăng đó là triệu chứng bất thường, một điềm gở vì ông ta đã đưa một người ngoại quốc vào đây? Vị pháp sư cho biết các thần linh sẽ không gây khó dễ cho tôi nếu tôi chỉ đi ngang qua, nhưng nếu tôi có ý định sống luôn ở đó thì lại là chuyện khác. Sikkim là một quốc gia nhỏ bé nằm sát dưới chân rặng Tuyết Sơn[2].
Dân cư trong vùng hết sức nghèo nàn, đa số sống bằng nghề du mục và cày cấy. Mặc dù quốc gia này có khá nhiều chùa chiền, tu viện nhưng tôi đã thất vọng ít nhiều khi thăm viếng những nơi này. Phần lớn các tăng sĩ tại đây đều thất học, không biết đọc viết và không tỏ ra sốt sắng gì trong việc tu thân hay cầu giải thoát. Vì thất học, các tăng sĩ này chỉ học thuộc lòng một số kinh điển từ chương và chú trọng nhiều đến các nghi thức cúng lễ, ma chay, lấy lá số chiêm tinh, chữa bệnh bằng bùa phép, cầu đảo, lên đồng, đuổi tà ma yêu quái để giúp cho việc buôn bán thêm thịnh vượng v.v…
Dĩ nhiên những điều này hoàn toàn trái với giáo lý của Đức Phật nhưng người ta vẫn thực hành như là một tục lệ hơn là một nghi lễ tôn giáo. Trong các nghi thức cúng lễ thì ma chay được xem là quan trọng nhất. Mỗi khi có người chết, người thân thường mời các vị tăng đến nhà cầu nguyện, rồi sau đó phải thết đãi các vị này. Do nghèo đói, thiếu ăn nên đa số các tăng sĩ chỉ mong có dịp được đi độ đám. Trong dịp thăm viếng tu viện, tôi nghe thấy các tăng sĩ vui vẻ kháo nhau rằng “Hôm nay trong làng có người chết đấy”.
Người khác reo lên “Hay quá, như vậy hôm nay lại được ăn thịt rồi”. Theo đúng giới luật, các tăng sĩ phải kiêng sát sinh, cữ thịt cá nhưng nhiều người đã không tuân giữ được như vậy, dĩ nhiên họ thường nêu ra nhiều lý do biện minh cho chuyện này.
Tại các làng mạc hẻo lánh, các Lạt Ma thường phải cạnh tranh với các thầy phù thủy, pháp sư huyền thuật về mọi phương diện. Vì Phật giáo là quốc giáo nên về nguyên tắc, các Lạt Ma có nhiều uy thế và quyền hành, thế nhưng các pháp sư lại được dân chúng tin tưởng nhiều hơn trong lĩnh vực trừ tà, chữa bệnh. Khi thực hiện nghi lễ cầu nguyện cho người chết, các Lạt Ma luôn luôn chiếm ưu thế vì họ biết cách hướng dẫn linh hồn người chết qua cõi âm. Người Tây Tạng tin rằng khi chết, linh hồn sẽ rời thể xác qua một lỗ nhỏ trên đỉnh đầu. Nhưng không phải ai cũng chết một cách dễ dàng. Có nhiều người vì nghiệp nặng, cứ trằn trọc mãi mà không sao chết được, hoặc tuy thể xác đã chết nhưng hồn không thể chui ra khỏi thể xác nên người đó cứ ở trong tình trạng không sống mà cũng không chết. Muốn được siêu thoát, họ phải mời các Lạt Ma đến làm nghi thức hướng dẫn đặc biệt.
Hôm đó tôi đi dạo chơi phía sau một ngôi chùa cổ. Đang đi, tôi bỗng nghe thấy có tiếng kêu kỳ lạ ở đâu vọng lại. Tò mò, tôi rảo bước về hướng đó thì thấy hai vị Lạt Ma đang xếp bằng, đắm mình trong một trạng thái như thiền định. Một người phát ra tiếng kêu “Hik”, người kia im lặng vài giây rồi cũng phát ra tiếng kêu tương tự. Cứ thế họ thực hành cách phát âm này trong một lúc khá lâu. Họ tỏ ra hết sức cố gắng để phát âm cho đúng.
Một người đưa tay lên cổ, nhấn mạnh vào yết hầu như để phát âm cho đúng, khuôn mặt ông ta nhăn nhó có vẻ như đau đớn, rồi thổ ra một đống máu. Vị Lạt Ma kia lắc đầu nói câu gì đó mà tôi không nghe rõ, vị này bèn đứng dậy đi ra sau chùa. Đến khi đó tôi mới nhìn thấy một cọng rơm dài cắm trên đỉnh đầu vị tăng nọ.
Tại sao họ lại phát ra những âm thanh kỳ lạ như vậy? Họ đang tập luyện phương pháp gì? Tại sao trên đầu họ lại cắm một cọng rơm dài? Khi nghe tôi thuật lại chuyện này, Dawasandup thản nhiên cho biết đó là phương pháp hướng dẫn người chết. Âm thanh mà hai Lạt Ma đang tập phát âm có tác dụng khai mở cái lỗ nhỏ trên đỉnh đầu để linh hồn theo đó mà thoát ra ngoài. Sử dụng âm thanh là một bí thuật quan trọng được giảng dạy rất kỹ trong các tu viện Tây Tạng. Chỉ những Lạt Ma sau nhiều năm khổ luyện mới có thể phát âm thật chính xác. Về nguyên tắc, họ phải phát âm từ “hik” và sau đó là từ “phaat” thì mới đúng. Dĩ nhiên khi thực hành, họ không được phát âm từ “phaat” vì nếu làm như thế thì chính hồn của họ sẽ lìa khỏi xác ngay. Do đó, họ chỉ tập phát âm riêng từng từ mà thôi. Khi phát âm từ “kik”, một lỗ nhỏ trên đỉnh đầu sẽ được khai mở nên họ đã cắm vào đó một cọng rơm dài, tùy theo cường độ phát âm mà lỗ nhỏ này sẽ mở to ra hay khép lại. Tùy theo sự rung động của cọng rơm kia mà họ biết mình đã gần đạt đến mục đích hay chưa. Điều này thoáng nghe có vẻ vô lý nhưng nếu nghiệm kỹ nó cũng có lý phần nào. Nếu một âm thanh phát ra đúng cách, nó có thể làm vỡ một cái ly thủy tinh hay tạo những rung động trên mặt cát, thì biết đâu nó cũng có thể khai mở được một lỗ trên sọ người?
Dawasandup không chỉ là một người thông ngôn thuần túy mà còn là một môn sinh huyền thuật. Ông đã giúp đỡ nhiều học giả Tây phương nghiên cứu các tài liệu huyền bí và đã đích thân dịch bộ Tử Thư (Bardo Thodol) ra ngoại ngữ. Ông cho tôi biết ông chuyên nghiên cứu những cõi giới vô hình, thế giới bên kia cửa tử, giao thiệp với các vị nữ thần Dakini trong thiên giới, nhưng dĩ nhiên người ta không thể sinh nhai bằng việc nghiên cứu này nên ông đã xin vào trường quốc gia hành chính tại Darjeeling và trở thành một công chức. Dawasandup kể rằng khi còn trẻ, ông theo học với một vị Lạt Ma già ẩn cư trong động đá. Một hôm, có một môn đệ từ xa về thăm thầy và để tỏ lòng biết ơn, người kia đã trao cho thầy một gói bạc lớn để chi dùng. Một môn đệ khác nổi lòng tham, lợi dụng lúc không có ai ở gần thầy đã đâm vị Lạt Ma này một nhát xuyên tim để cướp gói bạc. Vị Lạt Ma già đau đớn nhưng cố gắng tập trung nghị lực để nhập thiền ngay vì khi nhập thiền người ta có thể quên được cảm giác đau đớn của thể xác. Khi những đệ tử khác trở về động, họ thấy vị Lạt Ma già đang nằm thiếp đi trên một vũng máu lớn, lưỡi dao còn cắm sâu vào ngực. Họ vội vã tìm cách cứu chữa nhưng vô hiệu vì lưỡi dao cắm quá sâu. Một lúc sau, vị Lạt Ma xuất thiền, các đệ tử xúm lại hỏi, ông mới kể lại sự tình. Mọi người nổi giận muốn đuổi theo kẻ phản thầy kia nhưng vị Lạt Ma già đã ngăn lại. Ông nói “Giờ đây hắn chưa thể đi xa được, nếu bị bắt lại thì chắc chắn sẽ có nhiều hậu quả không tốt. Phản thầy và sát nhân là tội rất nặng, nếu bị bắt y khó lòng thoát chết. Phần ta bị như thế này âu cũng là nghiệp quả gây ra từ trước và ta cam chịu. Tuy nhiên, ta cấm các con không được đuổi theo kẻ sát nhân kia. Ta hy vọng theo thời gian nó sẽ biết hối lỗi, cải tà quy chánh và trở thành một người tốt”. Nói xong, vị Lạt Ma nhắm mắt từ trần.
Dawasandup kết luận “Thầy tôi là một người cao thượng, người biết tha thứ cho kẻ thù nhưng tôi biết mình không theo được như thế. Sau khi thầy tôi qua đời, học trò mỗi người tản mát một nơi, kẻ làm ruộng, người đi buôn, còn tôi thì làm công chức”.
Dawasandup là một “con mọt sách”. Ông đọc rất nhiều và đọc bất cứ cái gì có thể đọc được. Ông đọc một cách say mê, quên tất cả mọi sự xung quanh. Khi vớ được một quyển sách nào thì việc gì cũng bỏ qua một bên, nếu thế giới có sập ông cũng không cần biết. Do đó, tuy làm công chức lâu năm nhưng ngạch trật của ông vẫn còn rất thấp. Dĩ nhiên ông không hài lòng chút nào nên thường mượn rượu để quên, nhưng càng uống ông càng bất mãn, càng bất mãn ông càng tức giận, và càng giận ông lại càng uống nhiều. Sau khi quen biết tôi một thời gian, Dawasandup được bổ nhiệm làm giáo sư dạy sinh ngữ cho một trường trung học tại Gangtok, nhưng ông dành nhiều thì giờ trong thư viện hơn là lớp học. Các học trò “rắn đầu biếng học” được dịp thường lêu lổng phá phách làng xóm hoặc đi thả diều trong giờ học. Dĩ nhiên cũng có khi Dawasandup “nổi cơn” rời khỏi thế giới sách vở của thư viện, trở về với lớp học và lúc đó ông trở thành hung thần của đám học trò. Ông thường bắt học trò xếp hàng dọc để khảo bài. Đứa nào không trả lời được bị xếp qua một bên để những đứa trả lời đúng cầm roi quất lia lịa, quất cho đến khi bật máu mới thôi. Nếu quất nhẹ thì Dawasandup đứng phía sau với một cây gậy khổng lồ sẵn sàng nhè đứa cầm roi mà đập. Trong buổi viếng thăm ông, tôi đã vô tình chứng kiến phương pháp giáo dục này. Tôi bèn can thiệp với chính quyền địa phương để đưa ông về làm một công việc ít “tai hại” hơn như việc soạn từ điển. Chỉ một thời gian ngắn ông đã hoàn tất cuốn từ điển Anh – Tạng đầu tiên của thế giới. Ông được mời làm giáo sư Tạng ngữ cho đại học Calcutta, nhưng tôi nghe kể rằng ông vẫn đối xử với các sinh viên tại đây giống như các học sinh trung học, nhưng đó là chuyện về sau.
* * *
Hoàng thái tử Sidkeong Namgyal xứ Sikkim thường được xem là một hóa thân đã đầu thai trở lại để hướng dẫn tinh thần cho dân chúng xứ này. Thật ra chính quyền Anh đã chọn ông trong số các hoàng tử để thay thế cho quốc vương Sikkim khi ông này băng hà. Từ nhỏ, Sidkeong đã được huấn luyện kỹ lưỡng về ngoại ngữ, khoa học và văn học Tây phương. Đến tuổi trưởng thành, ông được đưa vào đại học Oxford để học hỏi và huấn luyện thêm. Trước khi trở về nước, ông còn được đưa đi thăm thú các thuộc địa của Anh quốc để mở rộng nhãn quan.
Sidkeong không chỉ nói thông thạo tiếng Anh hơn cả tiếng mẹ đẻ mà ông còn nói được tiếng Ấn, tiếng Trung Hoa một cách trôi chảy. Ông đã xây cất một cung điện riêng trông giống như một biệt thự hai tầng tại ngoại ô thành phố Luân Đôn. Bên trong ông cho trang hoàng theo kiểu tân thời với sàn gỗ bóng loáng, cùng một cầu thang xoắn ốc, các phòng được trang trí bằng những đồ đạc, tranh ảnh đặt mua từ châu Âu. Tuy nhiên, ông cũng dành riêng một phòng làm nơi thờ phụng với nhiều tượng Phật và Bồ Tát.
Vì được giáo dục theo truyền thống Tây phương nên Sidkeong rất cởi mở, khi được biết về sự hiện diện của tôi tại đây, ông đã ra lệnh cho các tu viện phải giúp đỡ công trình nghiên cứu về Phật học của tôi. Thỉnh thoảng ông còn mời tôi vào cung điện đàm đạo nên chỉ ít lâu sau chúng tôi đã trở nên thân thiết. Sidkeong cho biết có hai hòa thượng nổi tiếng của Tây Tạng vừa xin tạm cư tại đây. Đây là một dịp may hãn hữu vì từ lâu tôi vẫn mong có dịp tiếp xúc và học hỏi về giáo lý bí truyền với các danh sư Tây Tạng.
Vị thứ nhất là Lạt Ma Kushog Chosdzed, một nhân vật quan trọng của phái Mũ Vàng. Ông xuất thân từ một gia đình quyền quý, nhiều thế lực tại Tây Tạng. Vị thứ hai là Lạt Ma Kushog Bermiag, trụ trì chùa Tolung Tserphug, một trưởng lão của phái Mũ Đỏ.
Nhiều người, nhất là những người châu Âu, đã cho rằng giáo lý của phái Mũ Vàng và Mũ Đỏ thường trái ngược và chống đối nhau. Đây là một quan niệm sai lầm do thiếu hiểu biết về tôn giáo xứ này. Tuy chủ trương và hệ thống tổ chức của hai phái có khác nhưng cả hai đều tuân theo một giáo lý chung của Đức Phật. Chẳng thế mà khi đến Sikkim, Lạt Ma Chosdzed tuy thuộc phái Mũ Vàng lại được bổ nhiệm làm sư trưởng chùa Enche, một tu viện của phái Mũ Đỏ. Chính mắt tôi vẫn thấy ông này chủ tọa những khóa lễ và chỉ dẫn giáo lý cho các tu sĩ tại đây.
Chosdzed là một học giả uyên thâm, có trí nhớ phi thường về các kinh điển và có thể trích dẫn, giảng giải gần như bất kỳ bộ kinh nào. Không biết có phải do xuất thân từ một gia đình quyền quý, thế lực còn lớn hơn cả quốc vương xứ Sikkim hay không mà ông rất ít tiếp xúc với các nhân vật trong chính quyền thường đến thăm quốc vương xứ này. Ngay cả những buổi lễ tôn giáo quan trọng được tổ chức trong cung điện, ông cũng thường vắng mặt. Khi cần, chính quốc vương phải thân hành ngự giá đến tận chùa Enche để hỏi ý kiến ông. Hàng ngày, Chosdzed chỉ chú trọng vào việc tụng kinh, thiền định, giảng dạy giáo lý cho các tu sĩ trong chùa. Tuy bận rộn nhưng ông vẫn dành ít thời giờ chỉ dẫn thêm cho tôi. Sở dĩ tôi được đặc ân đó vì ngay buổi tiếp xúc lần đầu, ông đã trắc nghiệm khả năng hiểu biết Phật học của tôi. Cũng giống như đa số người Tây Tạng, ông không tin một người da trắng như tôi lại có thể hiểu biết giáo lý cao đẹp của Đức Phật.
Lần đó, ông đã liên tiếp đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu tôi trả lời ngay mà không được suy nghĩ. Tôi đã trả lời các câu hỏi này một cách tường tận nên ông rất hài lòng, từ đó ông thường chỉ dẫn thêm cho tôi về truyền thống Phật học Tây Tạng.
Không nghiêm khắc như Chosdzed, Lạt Ma Bermiag thường tỏ ra vui vẻ, dễ chịu và thoải mái trong mọi hoàn cảnh. Đáp lời mời của quốc vương xứ Sikkim, ông đã sống luôn trong cung điện với tư cách cố vấn tôn giáo, về sau tôi còn biết thêm rằng Bermiag là một pháp sư tinh thông huyền thuật và có nhiều kiến thức về bộ môn khoa học này. Thông thường, mỗi buổi chiều ông đều ghé qua thư phòng của vị quốc vương xứ này để bàn luận những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tôi cũng thường được mời tham dự nên học hỏi được nhiều điều mà ít người châu Âu nào nghe nói đến.
Trong buổi trà đàm, Sidkeong luôn luôn ngồi trên một chiếc ghế nệm dày, một tay bưng chén trà, một tay cầm quạt phe phẩy. Lạt Ma Bermiag ngồi trên một cái ghế thấp hơn, ông hay lần tràng hạt, lâm râm niệm hồng danh chư Phật như không chú ý gì đến những câu chuyện nhưng thật ra ông rất tỉnh táo và ý thức tất cả mọi sự xảy ra xung quanh. Tôi được mời ngồi trên một tấm nệm dày gần đó và Dawasandup thì xếp bằng dưới đất để thông dịch.
Lạt Ma Chosdzed và Bermiag là hai vị thầy Tây Tạng đầu tiên đã mở cánh cửa từ lâu vẫn khép chặt cho tôi bước vào thế giới huyền bí của Mật Tông Tây Tạng. Vì một vị thuộc phái Mũ Vàng và vị kia thuộc phái Mũ Đỏ nên tôi tin rằng qua việc ghi nhận cả hai ý kiến, tôi có thể nhận xét một cách khách quan hơn về nền tôn giáo xứ này. Tôi xin ghi nhận một vài nét chính như sau:
Vì một lý do nào đó, tôn giáo Tây Tạng thường chú trọng rất nhiều về cõi giới bên kia cửa tử, hầu như câu chuyện nào cũng đều đề cập đến cõi giới này. Quan niệm thông thường cho rằng linh hồn con người vốn bất tử và di chuyển qua muôn ngàn kiếp sống luân hồi để học hỏi và thay đổi.
Điều này thực ra không đúng lắm vì Phật giáo không hề chủ trương có một cái gì trường tồn, bất biến như linh hồn. Nói cho đúng hơn thì họ tin rằng cái “sinh lực” hay “sự sống” tạo ra bởi trạng thái tâm và sinh lý của một sinh vật đều do nhân duyên tạo thành và do nghiệp dẫn dắt đi trong sáu nẻo luân hồi[3]
. Tất cả nhân duyên đều nương tựa vào nhau và tạo ra mọi sự, mọi vật; không vật gì có thể hiện hữu một cách riêng rẽ, rời bỏ nhân duyên này ra thì không còn gì nữa.
Vì bị vô minh che phủ, vì không hiểu rõ thực tướng của vạn vật mà con người tin rằng thế gian này là thực, là vĩnh cửu nên cứ khư khư bám víu lấy nó rồi từ đó sinh ra chấp ngã. Từ việc chấp rằng có một cái “ta” nên mới có sự phân biệt và là đầu mối tạo ra sự khổ não. Có nhiều lối giải thích khác nhau và nhiều lý thuyết về sự hiện diện của bản ngã nhưng tại Tây Tạng cũng như mọi nơi khác, chỉ những bậc đạo sư hay giới trí thức mới có thể hiểu rõ và giải thích tường tận những điều này. Phần lớn dân chúng đều tin tưởng một cách đơn giản rằng con người sau khi chết sẽ đầu thai trở lại dưới một hình thức nào đó tùy theo hành động trong cuộc sống hiện tại.
Các sách vở, kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa chỉ đề cập đến sự chết và cảnh giới bên kia cửa tử một cách sơ lược, nhưng Phật giáo Tây Tạng không những đã đi xa hơn mà còn giải thích tường tận từng chi tiết một. Thành ngữ Tây Tạng có câu “Kẻ nào ý thức được sự sống sẽ ý thức được cả sự chết”. Làm sao ý thức được sự sống? Người Tây Tạng đã có câu trả lời qua một thành ngữ khác “Biết cách ý thức sự sống là một công phu; và nếu nó là một công phu, người ta có thể tập luyện được”. Đây là điều mà người Tây Tạng hết sức chú trọng và có rất nhiều sách vở đề cập đến cái gọi là “công phu” này.
Cuốn Tử Thư ghi rằng một tu sĩ đi trên con đường huyền môn phải biết cách “sống cho ra sống và chết cho ra chết”, họ phải biết rõ những gì xảy ra ở thế giới bên kia và khi tu tập phải cố gắng trải nghiệm tình trạng này một cách rõ nét. Nhiều người cho rằng cõi chết và cõi sống xa cách nhau muôn trùng, nhưng quan điểm Tây Tạng lại cho rằng hai cõi này hết sức gần nhau, gần đến độ có thể giơ tay ra nắm bắt lấy nhau được. Cuốn Tử Thư nói rõ “Hai cõi chia cách bởi một tấm màn mỏng như sương khói và chỉ cần vén màn lên là có thể tiếp xúc được với nhau”. Nếu đã ý thức được sự sống từng giây phút, một tu sĩ cũng sẽ ý thức được sự chết như vậy. Ông ta sẽ trải nghiệm được từng tế bào đang chết dần trong thân thể, ý thức rằng thể xác đang tan rã, đang hư hoại và không thể sử dụng được nữa. Nhờ thế ông ta có thể đưa cái “mầm sống”, cái “năng lực”, hay nói một cách đơn giản hơn là “linh hồn”, đi qua thế giới bên kia một cách thản nhiên, ung dung tự tại.
Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được như thế, đa số mọi người vì không ý thức rõ rệt về sự sống nên họ cũng không biết gì nhiều về sự chết.
Họ không làm chủ được chính bản thân mình nên họ cũng không thể làm chủ được hoàn cảnh khi chết, nói theo kiểu Tây Tạng là họ thiếu “công phu” nên cần được giúp đỡ. Phật giáo Tây Tạng chú trọng đến việc hướng dẫn cho những người này bằng những nghi thức vô cùng đặc biệt, và đây là nét đặc thù của tôn giáo xứ này.
Một vị Lạt Ma được cử đến để săn sóc và hướng dẫn cho người sắp chết không bị hôn mê, lo sợ hay hoảng hốt lúc từ bỏ cõi trần. Ông dạy cho họ cách niệm hồng danh chư Phật để đầu óc tỉnh táo, không sợ hãi và giải thích cho họ biết về cảnh giới mà họ sắp bước vào. Ông cũng chỉ dẫn cho họ trải nghiệm về sự mất kiểm soát đối với từng bộ phận trong thân thể, ý thức rằng chân họ đã bắt đầu lạnh, tay đã bắt đầu tê, tai đã ù không còn nghe được nữa, mắt không còn nhìn thấy gì hay chỉ thấy những điểm sáng lung linh mờ ảo… Qua những lời chỉ dẫn và bằng một phương pháp xoa bóp đặc biệt, vị Lạt Ma này sẽ hướng dẫn linh hồn di chuyển từ từ lên phía đỉnh đầu. Nếu vì lý do nào khác mà linh hồn lại đi ngược xuống phía dưới thì quả là một sự bất hạnh, đó là điềm cho biết người chết sẽ không được tái sinh vào cõi Trời, cõi người mà đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh.
Nếu linh hồn chuyển hết được lên đầu thì vị Lạt Ma sẽ tập trung ý chí phát ra âm thanh “hik – phaat” để mở bí huyệt trên đỉnh đầu cho linh hồn bay ra ngoài. Dĩ nhiên với những bậc tu hành công phu thì họ không cần phải có sự trợ giúp bên ngoài nữa, họ có thể tập trung tư tưởng hướng dẫn cho linh hồn mình tập trung lên não rồi phát ra âm thanh “hik – phaat” để tự khai mở bí huyệt trên đỉnh đầu.
Sau khi rời khỏi thể xác, linh hồn bắt đầu một cuộc hành trình vào cảnh giới mới. Có người tin rằng cõi giới này hoàn toàn có thật và có những sinh vật cư ngụ tại đây tương tự như ở cõi trần. Một số người lại giải thích rằng cõi này thật ra chỉ là một ảo ảnh, một giấc mộng tạo ra do ảnh hưởng của những thay đổi, biến chuyển trong tâm thức con người. Cũng có người cho đó là những phản ứng hóa học cuối cùng xảy ra trong não người chết tạo thành một cảnh giới kỳ lạ mơ màng như sương khói. Một số đạo sư Tây Tạng cho rằng linh hồn sẽ nhìn thấy một luồng ánh sáng chói lọi, nếu biết hòa mình vào luồng sáng đó và nương theo tia sáng đi lên phía trên thì họ sẽ đạt đến những cảnh giới tốt đẹp, nếu tiếp tục đi lên nữa họ sẽ đến cõi Niết Bàn. Tuy nhiên, đa số con người khi thấy hiện tượng này lại đâm ra sợ hãi, hoảng hốt, không dám để cho mình tiêu dung vào nguồn ánh sáng đó mà lại tìm cách tránh né. Tóm lại, chính vì ý niệm về bản ngã còn quá mạnh nên họ mất đi cơ hội và phải trải qua nhiều kiếp luân hồi để học hỏi, để cởi bỏ cái bản ngã vốn là huyễn này cho đến khi ý thức tất cả đều là Không.
Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy tia sáng kia. Những kẻ hung dữ, có tâm trạng giận hờn, tiếc nuối, hoảng hốt, sợ hãi hay còn nhiều quyến luyến thường chỉ chú trọng đến bản thân mình, ít khi ý thức đến hoàn cảnh chung quanh nên không thấy gì hết.
Người không được hướng dẫn sẽ không ý thức rằng mình đã rời bỏ thân xác. Họ tưởng mình vẫn còn sống và tiếp tục liên lạc, nói chuyện với thân bằng quyến thuộc. Dĩ nhiên không ai trả lời họ cả nên họ có cảm tưởng như bị hắt hủi, bỏ rơi. Từ đó, họ đâm ra giận dữ, hoang mang, lo sợ và tùy tâm trạng của họ lúc đó mà họ có thể rơi vào vòng lầm lạc hay cạm bẫy của các sinh vật vô hình hiện diện ở giữa cõi sống và cõi chết. Đây là một điều tai hại vì có thể họ sẽ bị sai khiến bởi những mãnh lực vô hình, bị mua chuộc bởi các pháp sư, phù thủy để làm những chuyện tà muội, trái với luật tự nhiên và sẽ chịu quả báo rất nặng. Vì lý do đó, Phật giáo Tây Tạng chú trọng nhiều đến việc tụng kinh cầu nguyện để nhờ oai lực của những lời kinh này mà người chết có thể tỉnh táo, bớt hoảng hốt, lo sợ, rồi tìm cách di chuyển qua những cảnh giới tốt lành hơn và siêu thoát. Nếu người chết còn nghi ngờ không biết rõ tình trạng của mình ra sao, không chấp nhận rằng mình đã chết thì họ được hướng dẫn đến một bãi cát để đi trên cát, nếu không thấy có vết chân thì họ biết rằng mình đã chết. Có khi họ thấy vết chân trên cát nhưng vết chân đó lại nằm ngược, nghĩa là gót chân nằm ở phía trước, họ biết rằng đó chỉ là dấu vết của thể vía và điều này cũng có nghĩa là họ đã chết.
Thể vía liên hệ chặt chẽ với thể xác, làm trung gian giữa thể xác và các thể khác. Đôi khi thể này có thể tách rời khỏi thể xác đi đến một chốn nào đó để hoàn tất một chuyện gì đó. Hiện tượng xuất vía này xảy ra rất thường trong giấc ngủ một cách vô ý thức nhưng người ta cũng có thể tập luyện để xuất vía một cách ý thức. Nhiều người đã xuất vía đi đến những cảnh giới kỳ lạ và diễn tả lại trong những câu chuyện truyền khẩu hoặc sách vở huyền môn. Những người này thường gọi là “delog” hay kẻ du hành vào cõi bên kia. Những delog đã diễn tả cảm giác bay lơ lửng trên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua những vật đặc như núi, nhà cửa v.v… Họ có thể đến thăm thân nhân, tìm về một nơi chốn quen thuộc hay hoàn tất một tâm nguyện nào đấy, nhưng theo quan niệm Tây Tạng, điều này rất nguy hiểm.
Thể vía và thể xác luôn luôn được nối với nhau bởi một sợi dây từ khí, nếu sợi dây này đứt thì thể vía sẽ không nhập trở lại thể xác được nữa và dĩ nhiên người xuất vía sẽ chết. Trong cõi siêu hình, có nhiều động lực bất hảo chỉ rình chờ người ta xuất vía, làm đứt sợi dây từ khí này để nhập vào cướp lấy cái xác của kẻ xuất vía. Đó là hiện tượng “quỷ nhập tràng” (rolang) mà người Tây Tạng thường nói đến. Không phải chỉ những người xuất vía mới biến thành quỷ nhập tràng mà ngay cả những người vừa chết, thân thể chưa lạnh đôi khi cũng bị các động lực bất hảo nhập vào. Vì thế khi liệm xác, người Tây Tạng thường mặc ngược quần áo cho người chết và cột tay chân họ lại bằng những sợi dây thật chắc để đề phòng trường hợp này xảy ra. Tôi sẽ đề cập đến các loài ma quỷ này ở chương sau.
Tại Tây Tạng, đám tang thường kéo dài trong nhiều ngày. Trên cao nguyên thời tiết lạnh và khô nên xác chết không dễ bị hư hỏng, nhưng trong các thung lũng sâu hay những miền giáp biên giới Ấn Độ, khí hậu nóng nên chỉ vài ngày là xác chết đã lên mùi xú uế. Phong tục chôn cất của Tây Tạng do đó cũng thay đổi tùy theo vùng. Tại những miền mà cây cối không thể mọc được, nhiên liệu duy nhất là phân khô để đốt thì họ thường đem xác chết lên núi, đến những nơi hoang vu rồi cắt ra thành những mảnh nhỏ cho chim ăn. Ở những nơi khác thì họ đốt xác hoặc chôn cất.
Sau đám tang, vị Lạt Ma sẽ tiếp tục cầu nguyện và hành lễ trong bảy tuần liên tiếp. Một hình nộm bằng rơm hay gỗ được mang đến tượng trưng cho xác chết. Vị Lạt Ma lấy một mảnh giấy vẽ mặt người chết dán lên hình nộm rồi ngồi cạnh đó tiếp tục hướng dẫn. Sau bốn mươi chín ngày, ông đốt tấm giấy phủ mặt hình nộm đó như là một hình thức để người chết cắt đứt mọi liên lạc với người sống. Trong nghi lễ cuối cùng này, gia đình đều xúm quanh và bắt đầu nói những câu đã soạn sẵn mà người phương Tây có thể cho là ngô nghê, khôi hài như sau “Này anh kia, anh đã chết rồi, đã đi thật xa rồi. Anh không còn dính dáng gì đến cái nhà này nữa, hãy mau mau ăn bữa cơm cuối cùng rồi lên đường ngay, từ nay đừng có trở về đây nữa”. Có lần tôi đã nghe người ta nói “Này chị kia, chúng tôi cho chị biết rằng cái nhà của chị đã cháy thành than rồi, đồ đạc của chị đã bị tiêu hủy hết không còn gì nữa. Chồng chị đã đi lấy vợ khác, con chị bị người ta bán làm nô lệ, những người thân thiết đều bỏ làng đi xa cả rồi, chị không còn lý do gì quanh quẩn nơi đây nữa. Hãy mau mau đi thật xa…”. Dĩ nhiên đây chỉ là những câu nói để đánh lừa người chết vì sự thật thì căn nhà không hề cháy, gia đình vẫn sống ở đó chứ không hề đi đâu. Tôi không biết những câu nói đó có lừa được người chết hay không, hoặc đó chỉ là những yếu tố tâm lý đối với người sống để họ tin tưởng rằng người chết vì không còn quyến luyến sẽ được siêu thoát.
Theo cuốn Tử Thư thì người chết sẽ đi vào một thế giới có nhiều màu sắc và tùy theo tâm thức của họ mà những màu sắc này hiện ra xán lạn hay ảm đạm. Cũng như thế, họ sẽ nhìn thấy nhiều sinh vật hình thù kỳ dị, có sinh vật trông như thiên thần, có sinh vật trông gớm ghiếc như ác quỷ hoặc các cảnh giới kỳ lạ với lâu đài, dinh thự hay cảnh địa ngục ghê rợn.
Nếu biết niệm hồng danh chư Phật, giữ cho tâm tỉnh táo để nghe lời hướng dẫn của vị Lạt Ma thì họ có thể đi vào những con đường tốt đẹp để thọ sinh vào cõi trời hoặc vào kiếp người. Nếu hoảng hốt, quyến luyến thì họ sẽ không nghe được gì hết và thụ động để nghiệp lực dẫn dắt vào những nơi chốn xấu xa, bất lợi như cảnh địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh.
Cảnh địa ngục thường được người Tây Tạng đề cập như là một cảnh giới được cai trị bởi Diêm Vương (Shinje). Trước mặt vị này có đặt một tấm gương và một cái cân, người chết sẽ thấy được tất cả những hành động của mình khi còn sống qua tấm gương này, đồng thời hành vi của y được cân đo bằng những hòn sỏi đen hay trắng trên cái cân. Tùy theo sự nặng nhẹ của cái cân này mà Diêm Vương sẽ sai quỷ sứ đưa y đến những từng địa ngục khác nhau.
Ngoài cõi địa ngục còn có cõi ngạ quỷ và súc sinh. Theo người Tây Tạng, những cõi này còn thấp kém và khổ hơn địa ngục rất nhiều. Tại địa ngục, người ta còn học hỏi và hy vọng sẽ được đầu thai thành người, nhưng vào cõi ngạ quỷ và súc sinh thì chỉ nai lưng ra trả quả chứ không học được bao nhiêu. Vì thiếu ý thức nên họ cứ u mê trong một thời gian rất lâu. Lạt Ma Bermiag đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất ý nghĩa như sau:
Có một vị Lạt Ma trụ trì một ngôi chùa lớn tại Tây Tạng. Khi còn là một tăng sĩ thì vị này chăm chỉ tu hành, giữ giới luật nghiêm cẩn, nhưng từ khi nhận chức trụ trì thì ông đã thay đổi, trở nên lười biếng, không chịu công phu khuya sớm mà chỉ thích được các tín đồ cúng dường, xưng tụng.
Tuy trong chùa có nhiều kinh điển quý báu nhưng vị trụ trì chẳng liếc lấy một chữ. Tuy quanh vùng có nhiều bậc cao tăng đạo hạnh nhưng vị trụ trì chẳng chịu thân cận học hỏi. Sau một thời gian, ông mắc bệnh và qua đời.
Rặng Tuyết Sơn là nơi có nhiều tu sĩ nhập thất. Một trong những vị này là Lạt Ma Dugpa Kunleg đã ẩn mình trong động đá nhiều năm không màng gì đến việc thế sự. Hôm đó, tự nhiên ông rời bỏ hang động đi xuống dòng suối gần đấy và trông thấy một thiếu nữ đang múc nước. Ông không nói nửa lời, xông đến ôm chầm lấy cô này toan cưỡng bức. Thiếu nữ thì to lớn khỏe mạnh, Lạt Ma Dugpa thì già yếu hom hem. Cô này đã chống cự mãnh liệt, cào cấu ông ta một trận thâm tím mày mặt rồi chạy về làng kể cho bà mẹ.
Nghe con gái kể, bà mẹ lấy làm ngạc nhiên vì đa số trai tráng trong làng đều ngoan ngoãn thuần hậu, bà không thể nghi ngờ ai được, chỉ có những kẻ lạ mặt mới dám làm chuyện đồi bại đó thôi. Bà yêu cầu con gái tả lại hình dáng tên vô lại kia. Khi nghe kể, bà mẹ bỗng giật mình vì cô tả đúng hình dáng Lạt Ma Dugpa vẫn nhập thất tu thiền trên núi. Đã nhiều năm nay vị này không rời am thất, chỉ chuyên tâm tu hành thì tại sao hôm nay ông lại hạ sơn làm chuyện đồi bại như vậy. Tuy nhiên, bà biết rằng những bậc tu chứng đôi khi có những hành động mà một người thường không thể hiểu được. Các ngài đã đạt đến trạng thái tâm không phân biệt, đã phá chấp, vượt ra ngoài những thói thường, vậy nếu quả đúng là Lạt Ma Dugpa thì chắc phải có một nguyên nhân nào đó. Bà bèn nói với con gái rằng “Kẻ toan cưỡng dâm con chẳng phải ai xa lạ mà chính là Lạt Ma Dugpa, một vị tu chứng nổi tiếng miền này. Ngài là một bậc tu hành cao thượng mà khắp miền đều kính trọng. Bất cứ việc gì ngài làm cũng đều có lý do chính đáng.
Vậy con hãy tìm đến ngài, sẵn sàng chấp thuận mọi điều mà ngài sai bảo”. Cô gái trở lại bờ suối thì thấy Lạt Ma Dugpa đang tham thiền nhập định gần đó. Cô vội quỳ xuống xin lỗi vì đã chống cự lại nhưng Lạt Ma Dugpa cho biết “Con hỡi, sắc dục không có nghĩa lý gì đối với ta cả. Ta đang nhập định bỗng thấy vong linh vị Lạt Ma trụ trì một ngôi chùa lớn vừa đi qua. Vị này vốn lười biếng, chẳng chịu tu hành để giải thoát, sống nhờ các phẩm vật dâng cúng của tín đồ mà không chịu lo báo đáp, ăn thiếu Tam đề, uống không Ngũ quán[4], không ý thức gì đến sự vô thường ở cõi đời mà chỉ ham thích những gì xa hoa phù phiếm. Vì mắc nợ chồng chất, nghiệp chướng đầy rẫy nên phải trả quả nặng nề. Vong linh vị này đang vất vưởng nơi cõi Bardo và bị nghiệp lực dẫn dắt đi đầu thai. Vì lòng thương xót một kẻ tu hành ta mới rời động đá để cứu cho vị này được đầu thai vào kiếp người, bởi thế ta mới hành động lỗ mãng như vậy. Tiếc thay, nghiệp lực của vị đó quá nặng khiến con chạy thoát được. Sau khi con về làng thì có hai con lừa đang giao cấu gần đó và vị Lạt Ma đã nhập vào bào thai của con lừa cái. Từ nay và trong nhiều kiếp nữa, vị này sẽ mang thân súc sinh, lao động khổ cực, bị những người chủ hành hạ đánh đập để trả lại cái nợ hưởng thụ những phẩm vật cúng dường của tín đồ mà không chịu tu hành để báo đáp.
Con nên biết hưởng đồ cúng dường đâu phải việc tầm thường. Của thường trụ[5] có một cái giá rất cao, phí phạm là phải trả quả báo hết sức nặng nề.
Tuy ta rất thương xót nhưng cũng không thay đổi gì được”.
Người Tây Tạng tin rằng hầu hết những người chết đều không trở về. Họ có thể siêu thoát lên một cảnh giới nào đó hoặc đầu thai thành người, ngạ quỷ hay súc sinh. Tuy nhiên, vẫn có những người không siêu thoát, nghĩa là số phận chưa rõ rệt. Họ thường trở về tiếp xúc với người thân trong giấc mơ, hoặc tạo ra những hiện tượng kỳ lạ trong căn nhà họ sống như xô lệch bàn ghế, ném đá, rung chuông v.v… Trong trường hợp này, thân nhân phải nhờ các Lạt Ma đến cúng lễ, cầu siêu cho người chết hoặc các pháp sư huyền thuật giúp cho.
Đa số sách vở huyền thuật đều cho rằng nếu người chết trở về thì chắc chắn họ có nỗi oan ức, bực bội hoặc điều gì chưa hoàn tất nên không thể siêu thoát, do đó phải có sự tiếp xúc để nghe họ giãi bày tâm sự, giúp họ hoàn tất tâm nguyện thì họ mới siêu thoát được. Một người đồng (pawo) thường được triệu đến để cho vong linh tiếp xúc với người sống. Việc lên đồng tại Tây Tạng không giống như tại phương Tây, nghĩa là không cần phải tìm đến những nơi chốn đặc biệt, giữ yên lặng hay phải che ánh sáng.
Phần lớn những buổi lên đồng đều xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, dưới sự chứng kiến của đám đông. Người đồng bắt đầu ca hát, lắc lư theo nhịp điệu của kèn trống cho đến khi bị vong linh nhập vào. Nhiều lúc không phải vong linh của người chết nhập vào mà là một vong linh khác. Gia đình có người chết sẽ phải năn nỉ vong linh kia đi chỗ khác, nhường chỗ cho thân quyến của họ, có khi phải cúng kiếng, hoặc “hối lộ” bằng phẩm vật thì vong linh kia mới chịu đi.
Qua miệng đồng tử (pawo), người chết cũng tiết lộ ít nhiều về cảnh giới bên kia cửa tử. Một thanh niên vừa chết đã kể như sau “Tôi bị một vị ác thần bắt giam vào động đá, bắt tôi phải hầu hạ, cung phụng ông ta. Xin cứu vớt tôi, vì tôi ngu muội nghe theo lời dụ dỗ của vị này nên mới ra nông nỗi”. Gia đình nghe vậy khóc thương thảm thiết và dĩ nhiên cố gắng tìm cách cứu vớt con em họ nhưng đây là một việc không dễ. Họ có thể mời các Lạt Ma hay các pháp sư huyền thuật theo sự tin tưởng riêng của họ.
Một pháp sư được triệu đến để thương lượng với vị ác thần kia, dĩ nhiên với một cái giá tương xứng. Vị pháp sư ngậm bùa, bắt ấn, lắc lư một hồi rồi cho biết vị ác thần kia đòi cúng một con lợn để đổi lấy mạng của thanh niên nọ. Sau khi một con lợn được mang ra làm thịt, vị pháp sư bèn xuất vía qua cõi bên kia để thương lượng. Ông ta ngồi đó, vừa lắc lư vừa tả cảnh giới mà thể vía của ông đang chứng kiến. Dĩ nhiên ông còn phải vượt qua nhiều trở ngại, phải chiến thắng các loài quỷ đói muốn cướp lấy phẩm vật trao đổi này cho đến khi đến hang động của vị ác thần. Thông thường, vị ác thần không mấy khi giữ lời hứa, dù đã lấy được phẩm vật trao đổi vẫn không chịu tha cho thanh niên kia nên vị pháp sư còn phải tranh đấu, can thiệp một cách gay go. Cuộc so tài về pháp thuật bắt đầu… Nếu thắng, pháp sư sẽ tỉnh lại, tuyên bố đã cứu được thanh niên kia và đưa anh ta đến một cảnh giới tốt đẹp nào đó. Dĩ nhiên gia đình mừng rỡ mở tiệc ăn mừng, trọng đãi vị pháp sư rất hậu. Nhưng thường không mấy khi ông này thành công lần đầu nên ông phải kêu gọi thêm bạn bè đến giúp. Sau khi tỉnh lại, vị pháp sư cho biết ông sẽ phải đi đến những vùng xa xôi kêu gọi các pháp sư khác trợ giúp và việc giải cứu sẽ tạm hoãn một thời gian cho đến khi ông này trở lại và cuộc đấu tranh sẽ khởi sự lại từ đầu, cũng có khi gia đình nạn nhân sẽ phải thương lượng thêm vài con lợn nữa cho đến khi thành công.
Các Lạt Ma không tranh đấu với các động lực vô hình như vậy. Khi được mời đến, họ thiết lập đàn tràng, chuẩn bị những nghi thức đặc biệt mà trong đó tuyệt đối không có việc tế thần hay giết hại bất cứ một sinh vật nào. Có lẽ vì ảnh hưởng của Phật giáo mà việc tế thần dần dần biến mất trong phong tục và văn hóa Tây Tạng. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn giữa Phật giáo và các pháp sư Bon Pa từ nhiều thế kỷ trước. Các Lạt Ma tin rằng họ có thể đạt được mục đích bằng những nghi lễ cầu siêu đặc biệt, trong đó có hai yếu tố quan trọng là Tự lực và Tha lực.
Thay vì đối đầu với vị ác thần thì họ chú tâm chú nguyện để thức tỉnh hương linh, phá vỡ tấm màn vô minh hắc ám đang che phủ lấy y, nhờ thế người thanh niên này thức tỉnh, thần thức trở nên trong sáng, ý thức được mọi việc và tự giải thoát khỏi vòng kiềm tỏa của vị ác thần. Nhờ có định lực cao và sức chiêu cảm mạnh mẽ của đàn tràng, các câu kinh, thần chú của họ có đủ oai lực làm rung động thần thức của thanh niên kia (Tha lực), nhưng chính thanh niên ấy cũng phải tự mình sám hối, niệm Phật để tự giải thoát (Tự lực).
Sự khác biệt về phương pháp của các Lạt Ma và pháp sư huyền thuật còn bắt nguồn từ hai quan niệm khác nhau. Trong khi các pháp sư tin rằng cảnh giới bên kia cửa tử là có thực thì các Mạt Ma tin rằng mọi cảnh giới đều chỉ là những hiện tượng thuộc về tâm thức. Tùy theo tâm thức chúng sinh mà những cảnh giới này hiện ra với thiên thần, ác quỷ; và tùy theo định lực của người tu mà họ có thể cảnh tỉnh cho vong linh kia biết rằng vị ác thần đang giam giữ họ chỉ là một trạng thái của tâm thức, là huyễn. Bằng cách hướng dẫn tâm thức vong linh, họ có thể giúp cho vong linh thức tỉnh và siêu thoát.
Lạt Ma Bermiag kể cho tôi câu chuyện sau:
“Một đứa bé con một họa sĩ thường theo cha đến chùa. Họa sĩ đang hoàn tất những bức họa trên vách – vẽ cảnh địa ngục với Diêm Vương xử tội, quỷ sứ đứng hầu hai bên. Ít lâu sau đứa bé mắc bệnh qua đời. Vong linh nó đi vào cõi âm và gặp ngay một đàn quỷ sứ nhưng thay vì sợ hãi nó lại thấy những quỷ sứ này rất quen thuộc vì giống như bức vẽ của cha nó. Nó thích thú reo lên ‘Các ông là người mà cha tôi đã tạo ra trên vách phải không? Hay quá, tôi đang buồn đây, vậy các ông có muốn chơi thả diều với tôi không?’. Vì nó không sợ hãi, các quỷ sứ không thể làm gì được. Vì nó nghĩ quỷ sứ chỉ là bạn nên đám quỷ bỗng trở nên hiền khô, làm ra những con diều cho đứa bé chơi.”
Lần đó, tôi đã đặt câu hỏi với Lạt Ma Bermiag về tâm thức của những người không cùng tôn giáo, như người châu Âu chẳng hạn. Họ sẽ nhìn thấy gì khi bước vào thế giới bên kia? Lạt Ma Bermiag cho biết “Vì tất cả đều do tâm tạo, có lẽ họ sẽ nhìn thấy những cảnh giới tương đương với đức tin của họ. Nếu từ nhỏ họ đã được giáo dục về quan niệm thiên đường hay địa ngục thì họ sẽ thấy những cảnh tượng đó. Điều quan trọng không phải là những cảnh giới họ nhìn thấy, mà là trạng thái của họ lúc qua đời.
Nếu hốt hoảng, lo sợ thì họ sẽ phải trải qua một thời gian rất lâu trong những cõi tương ứng với tâm thức đó. Nếu tỉnh táo sáng suốt thì họ sẽ ý thức được nhiều điều lợi ích, vì những áp lực về thể xác, những phiền muộn tạo ra bởi cuộc sống đã chấm dứt, họ sẽ bình tĩnh hơn. Họ sẽ hồi tưởng lại những điều đã xảy ra trong kiếp sống rồi tự phân tích, tìm hiểu và ý thức rõ tại sao họ đã hành động như vậy. Từ sự ý thức này, họ sẽ có những quyết định và chính cái quyết định ấy là động năng hướng dẫn họ bước vào kiếp sống khác với mục đích rõ rệt hơn”.
Tình hình chính trị tại Tây Tạng càng ngày càng trở nên sôi động, các biến sự diễn ra khắp nơi. Càng ngày số tu sĩ qua tạm cư ở Sikkim càng đông nên tôi đã có dịp tiếp xúc và học hỏi với một số người thuộc nhiều môn phái khác nhau.
Một trong những người đó là hòa thượng Sakyong, vì ngài xuất thân từ làng Sakyong. Phong tục Tây Tạng không gọi tên họ các tu sĩ vì như thế là bất kính. Người dân miền này thường dùng tên các tu viện, làng mạc để chỉ các tu sĩ xuất thân từ đó. Không như những vị Lạt Ma mà tôi đã gặp trước đó, hòa thượng Sakyong tỏ ra cởi mở, vui vẻ hoạt bát chứ không quá nghiêm khắc hay dè dặt với người ngoại quốc. Từ trước đến nay tôi thường học hỏi giáo lý với những Lạt Ma xuất thân từ các tu viện, các đại học Phật giáo và đề tài trong những cuộc bàn luận thường xoay quanh những kinh điển, giáo điều. Hòa thượng Sakyong lại không chú trọng đến những điều đó. Ông nói “Kiến thức từ chương chỉ giúp cho những người mới bước chân vào con đường đạo để có căn bản vững chắc nhưng nó không phải là tất cả. Nếu người ta cứ tiếp tục bám víu vào từ chương thì nó sẽ trở thành chướng ngại cho việc tu hành. Sau khi học hỏi, người ta phải thực hành, phải trải nghiệm được thì mới thật sự là hiểu biết. Tất cả những điều người khác nói ra đều chỉ là kiến thức, kinh nghiệm của người khác. Sự giải thoát phải xuất phát từ chính mình chứ không thể là ân huệ từ bên ngoài mang đến”. Một hôm, chúng tôi đi ngang qua một dòng suối nhỏ, ông chỉ dòng nước và nói “Bà có thấy không, như dòng nước chảy không ngừng kia, đời người chẳng mấy chốc sẽ già chết, không lưu lại dấu vết gì. Mọi vật đều vô thường, song con người vẫn cứ nhởn nhơ không biết quay về tìm nơi nương tựa. Đã biết đến Phật pháp là một may mắn lớn, nhưng biết vẫn chưa đủ mà còn phải thực hành nữa. Nếu biết mà không hành thì cái biết đó chỉ là một mớ kiến thức từ chương vô ích. Thời gian thì trôi nhanh, sống chết mấy ai biết được, do đó cần phải chú tâm tu hành để tìm đường thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ đừng đợi khi tuổi già bóng xế, khi đầu óc không còn minh mẫn thì đã muộn mất rồi”.
Từ khi đến Sikkim, hòa thượng Sakyong đã ẩn tu mấy tháng liền trong một am thất nhỏ cho đến khi nhận lệnh của quốc vương xứ này đi đến các làng mạc quanh vùng thuyết pháp độ sinh. Tôi đã có dịp quan sát vị này thuyết pháp, nói là quan sát vì khi đó khả năng về Tạng ngữ của tôi còn kém, tôi không hiểu ngài nói gì nhưng cứ nhìn những người dân làng chăm chú lắng nghe thì chắc chắn lời nói của ngài phải có gì đó mới cuốn hút họ như vậy. Hòa thượng Sakyong thuộc phái Cổ Mật (Nyingmapa) nên tôi có dịp học hỏi về Mật Tông, một truyền thống Phật giáo dường như bí mật, rất ít được nói đến. Một hôm, sau buổi nói chuyện, hòa thượng Sakyong bất chợt hỏi tôi:
– Nếu đã muốn học hỏi về Phật giáo Tây Tạng thì tại sao bà không qua hẳn xứ này học hỏi với những vị thầy, những người đã chứng ngộ, đã có trải nghiệm tâm linh, những người có thể chỉ dạy cho bà một cách rốt ráo về Mật Tông?
– Nhưng làm sao tôi vào Tây Tạng được? Biên giới xứ này vẫn đóng chặt không cho phép người ngoại quốc đến kia mà!
– Có hàng trăm lối vào Tây Tạng, đâu phải chỉ đi qua những trạm kiểm soát trên những con lộ chính. Nếu đã có lòng thiết tha cầu đạo thì những ngăn trở địa dư đâu có nghĩa lý gì!
– Nhưng dù có vào được Tây Tạng, các trường đại học Phật giáo đâu có chịu thâu nhận người ngoại quốc!
– Đâu phải những bậc thầy đều xuất hiện trong các trường đại học, đâu phải các vị đại Lạt Ma đều sống tại Lhasa! Bà có thể gặp những vị này ở khắp nơi, trong dãy Tuyết Sơn, trên sa mạc miền Tsang Tsang, Utsang…
Bất cứ chỗ nào cũng có những bậc thiện tri thức để mình có thể học hỏi. Chỉ sợ bà không can đảm hay quyết tâm tìm đạo mà thôi.
Dĩ nhiên khi đó ý tưởng vào Tây Tạng chưa hình thành trong đầu tôi nhưng dù sao hòa thượng Sakyong đã gieo vào tâm thức tôi một ý tưởng mà về sau nó đã giúp tôi thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Một vị khác mà tôi có dịp tiếp xúc thường xuyên là hòa thượng Daling vì ông xuất thân từ miền Daling. Là một học giả uyên thâm, ông lúc nào cũng quần áo chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, ăn nói từ tốn; nhưng có lẽ vì thế ông lại có vẻ lạnh lùng, không thân mật như hòa thượng Sakyong.
Cũng như vị trước, sau khi đến xứ Sikkim, ông đã ẩn cư suốt mấy tháng liền trong một căn phòng nhỏ xây phía sau chùa. Ông không thích tiếp xúc với ai và chỉ tiếp tôi một cách miễn cưỡng khi có lệnh của quốc vương xứ này. Hôm đó, nhân lúc bàn luận về vấn đề giới luật, tôi đã chất vấn ông:
– Giới luật đã nói rõ không nên sát sinh, người tu phải kiêng thịt cá thì tại sao ông lại dùng những đồ này?
Hòa thượng Daling thản nhiên:
– Đa số mọi người đều ăn như loài thú, ăn để thỏa mãn nhu cầu xác thân, ăn mà không ý thức cử chỉ hay hành động của mình, không biết rõ nguyên nhân cũng như hậu quả của việc ăn uống nên họ cần tuân theo một kỷ luật, kiêng các vật thực do sự giết chóc mang đến. Tuy nhiên, có một phương pháp khác chú trọng đến những nguyên tố cấu tạo ra vật chất và tùy theo người thực hành phương pháp này mà họ có thể ăn tất cả mọi thứ, không phân biệt nữa. Dĩ nhiên phương pháp này có cái lợi cũng như cái hại của nó, và tùy theo công phu của người thực hành mà họ có thể kiểm soát được sự hấp thụ những nguyên tố này vào mình. Thân thể các loài thú, cũng như loài người, đều có những sinh lực thiêng liêng, nếu biết cách hấp thụ rồi chuyển hóa những sinh lực này, một người có thể chú nguyện cho các sinh vật đó được thoát kiếp thú để đầu thai thành kiếp người. Vấn đề là những sinh lực của con thú đó có làm gia tăng cái thú tính của người ăn nó không, hay đã được người này chuyển hóa thành một nguồn sinh lực khác để đi đầu thai là chìa khóa quan trọng của phương pháp này. Dĩ nhiên người ta có thể tự đánh lừa mình và ngụy biện rằng họ ăn thịt những con thú này là để giúp cho chúng thoát kiếp thú, nhưng nếu họ thiếu công phu hay khả năng hành đạo thì việc ăn thịt chỉ có hại, chỉ làm gia tăng những thú tính trong thể xác họ mà thôi. Dĩ nhiên họ là người chịu các hậu quả tai hại, ngoài việc phạm giới sát sinh, thân thể họ còn bị đắm nhiễm những động lực và nguyên tố bất hảo. Nói tóm lại, đây là một phương pháp nguy hiểm, một con dao hai lưỡi. Nó đòi hỏi công phu thực hành hết sức kỷ luật và một kiến thức thật rõ ràng về những nguyên tố cấu tạo vật chất.
Tôi yêu cầu ông giảng giải chi tiết thêm về phương pháp này thì ông lắc đầu từ chối:
– Tôi không thể giải thích trong vòng vài câu như bà muốn. Đây là một vấn đề phức tạp, khó khăn, không thể giải thích một cách đơn giản được. Hơn nữa, nó rất dễ tạo ra những ngộ nhận hoặc những biện giải sai lầm. Muốn quán triệt được nó, bà cần được một vị thầy chỉ dạy các căn bản trước khi có thể đi sâu vào vấn đề này.
Hầu hết trong những buổi tiếp xúc, các vị Lạt Ma thường tránh không trả lời trực tiếp bằng cách nói rằng người ta không thể hiểu vấn đề một cách thấu đáo nếu không có một vị thầy nào đó hướng dẫn cho. Có thể họ thành thật nhưng cũng có thể đó chỉ là một cách từ chối khéo léo khi họ không muốn hoặc không thể giải thích sâu xa hơn.
Một hôm, thái tử Sidkeong ghé thăm chúng tôi tại chùa Kewzing. Buổi nói chuyện xoay quanh đề tài về các danh sư Tây Tạng. Hòa thượng Daling kể cho chúng tôi nghe về sư phụ của ông, một vị đại Lạt Ma ẩn cư trong dãy Tuyết Sơn, người đã đạt những quyền năng siêu phàm, có thể biết rõ quá khứ vị lai.
Thái tử Sidkeong quay qua phía tôi, buột miệng:
– Tiếc quá! Phải chi tôi có thể gặp vị này, biết đâu ngài chẳng giúp tôi giải quyết những vấn đề đang làm tôi khó xử.
Tôi biết Sidkeong đang bận tâm về chuyện tình của ông ta. Là một hoàng tử, ông đã được vua cha thu xếp để lấy một vị công chúa, con một tiểu vương xứ khác. Là người theo Tây học, ông không thoải mái với cuộc hôn nhân được chỉ định này. Ngoài ra, ông đang bối rối vì đã tằng tịu với một cô gái và cô này đã có con với ông. Ông băn khoăn vì một ông hoàng không thể lấy thứ dân nhưng ông cũng không nỡ bỏ rơi cô này và bổn phận làm cha với đứa bé. Có lẽ mối bận tâm này quá lớn nên Sidkeong quay ra hòa thượng Daling khẩn khoản:
– Liệu có cách nào để tôi gặp được sư phụ của ông không? Một người biết rõ quá khứ vị lai chắc chắn sẽ giúp tôi rất nhiều.
Hòa thượng Daling lạnh lùng:
– Nhưng vấn đề đó có quan trọng không?
– Dĩ nhiên nó hết sức quan trọng.
– Được lắm, nếu ngài muốn.
Tôi nghĩ hòa thượng Daling sẽ gửi một lá thư hoặc sai một đệ tử nào đó lên đường chuyển thông điệp này cho sư phụ của ông, nhưng bất ngờ thay, vị hòa thượng này lại ngồi yên ngay ngắn nhắm mắt lại nhập định.
Thấy tôi có vẻ thắc mắc, hoàng tử Sidkeong nắm lấy tay áo tôi, ra hiệu cho tôi ngồi im. Trong thoáng chốc, khuôn mặt của hòa thượng Daling bỗng như đổi khác, mặt ông dường như nhăn nhúm đi, lưng còng hẳn xuống. Trông ông già hẳn đi như một ông lão ngoài tám mươi. Ông thở khò khè trong miệng một lúc rồi mới thốt lên một câu ngắn nhưng giọng nói khác hẳn giọng thường ngày của ông:
– Ngươi sẽ không phải quan tâm về câu hỏi này nữa đâu.
Nói xong ông nhắm mắt lại, những nét nhăn nhúm từ từ biến mất, khuôn mặt ông trở lại bình thường và một lúc sau ông tỉnh dậy ngơ ngác không biết gì về chuyện vừa xảy ra. Sidkeong lẩm bẩm ra chiều không hài lòng:
– Ta không hiểu y muốn nói gì? Một mối lo nhức ruột như vậy mà y bảo ta không nên quan tâm. Lúc đó tôi cũng bán tín bán nghi về hiện tượng lạ lùng đó. Phải chăng sư phụ của hòa thượng Daling đã nhập vào ông này và trả lời hoàng tử Sidkeong? Phải chăng người Tây Tạng đã có một phương pháp giao tiếp đặc biệt, người đệ tử có thể liên lạc với thầy của mình bất cứ lúc nào? Ý nghĩa câu nói đó ra sao? Sau này, khi biết rõ câu trả lời, tôi mới ý thức được quyền năng huyền bí của sư phụ hòa thượng Daling. Vài tháng trước khi hôn lễ được cử hành thì hoàng tử Sidkeong đã mắc bệnh và qua đời nhưng đó là chuyện về sau.
Sau một thời gian nghiên cứu học hỏi, tôi cảm thấy cần nghỉ ngơi ít hôm cho thoải mái. Tôi bèn thực hiện một cuộc du hành từ Gangtok đi Kampa Dzong, miền bắc xứ Sikkim. Vì đây chỉ là một chuyến nhàn du không mục đích nên tôi chỉ mang theo một ít hành lý gọn nhẹ và một vài người tùy tùng. Phong cảnh hai bên đường thật đẹp với những rừng thông xanh biếc rậm rì nằm sát những rặng núi phủ đầy tuyết trắng.
Hôm đó, tôi dừng chân tại một ngôi làng nhỏ nằm sát biên giới Tây Tạng, gọi là Lachen. Nói là làng chứ thực ra nó chỉ vỏn vẹn khoảng vài chục nóc nhà lụp xụp. Đa số dân cư quanh vùng đều sống du mục, rày đây mai đó nên rất ít ai dựng nhà mà chỉ sống trong những căn lều nhỏ dựng sơ sài ngoài đồng. Tuy thế, cũng có một ngôi chùa cổ kính tọa lạc trên ngọn đồi thấp gần đấy. Ngôi chùa không có gì đặc biệt, đường nét kiến trúc giản đơn cũng giống như hàng trăm ngôi chùa khác quanh rặng Tuyết Sơn. Tôi quyết định ghé vào chánh điện lễ Phật trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
Vừa hành lễ xong, toan bước ra bỗng nhiên tôi cảm thấy toàn thân rung động bởi một cảm giác kỳ lạ không thể diễn tả. Tôi thấy một vị Lạt Ma cao to đang đứng sừng sững trước cửa chánh điện. Gọi là Lạt Ma có lẽ cũng không đúng vì người nọ không mặc áo quần tu sĩ mà chỉ khoác một chiếc áo rộng thùng thình đã rách nhiều chỗ để lộ chiếc áo vàng mặc ở bên trong, cổ ông đeo một chuỗi tràng hạt rất dài thõng xuống gần bụng. Ông không cạo đầu mà lại để tóc dài kết lại thành từng búi trông bù xù như tổ quạ. Vì đứng ở phía trong chánh điện nhìn ra nên tôi không thấy rõ khuôn mặt người đó, nhưng tôi vẫn cảm tưởng như ông ta có một đôi mắt sáng quắc, oai nghi đến lạ lùng. Trong thoáng giây phút, tôi dường như mất hẳn tự chủ trước ánh nhìn của con người kỳ lạ kia, không hiểu sao tôi chỉ lí nhí vài câu xã giao rồi vội cúi đầu bước ra khỏi chánh điện. Dĩ nhiên dù có muốn tiếp xúc tôi cũng không thể làm gì hơn vì khi đó khả năng về Tạng ngữ của tôi còn rất kém. Đứa bé tùy tùng vừa thấy bóng tôi vội vã mang ngựa đến, nhưng bỗng nhiên nó lật đật quỳ mọp xuống đất khi vừa thấy bóng vị Lạt Ma kia. Tôi hết sức ngạc nhiên vì cử chỉ bất ngờ này. Thường ngày đứa bé vẫn nghịch ngợm, nào biết sợ ai, thế mà sao hôm nay nó lại tỏ ra kính trọng vị tu sĩ này như vậy?
– Vị tu sĩ đó là ai?
– Bà không biết ư? Đó là một vị sư trưởng nổi tiếng, thường được gọi là Gomchen.
– Gomchen là gì?
– Gomchen là những tu sĩ đã tu nhập thất nhiều năm, những người đã vượt qua được những thử thách lớn lao và có quyền năng phi thường có thể sai khiến quỷ thần.
Tôi nhớ đã có lần nghe Dawasandup nói về những ẩn sĩ nhập thất trong những động đá hoang vu, những người sở hữu nhiều kiến thức lạ lùng về huyền thuật. Lúc đó, tôi vẫn bán tín bán nghi về những điều Dawasandup nói, tôi có ý muốn gặp những người này để xem sao. Hôm nay, tôi có dịp diện kiến một trong những người đó thì Dawasandup lại không có mặt. Đứa bé dắt ngựa dĩ nhiên không đủ kiến thức để thông dịch những điều tôi muốn hỏi vị Lạt Ma kia. Tôi dừng lại phân vân một lúc rồi tiếp tục lên đường, nhưng đêm đó tôi đã ngủ một giấc đầy mộng mị, có một cái gì lạ lùng như ám ảnh đầu óc tôi, tôi cứ trằn trọc mãi mới thiếp đi được và tôi thấy mình bị bao vây bởi một bầy voi hung dữ với những cái vòi dài phát ra những tiếng kêu lạ lùng. Tôi giật mình tỉnh giấc, mồ hôi toát ra đầm đìa, tai tôi vẫn nghe vang vang đâu đây một âm thanh kỳ lạ. Tôi cố gắng trấn tĩnh và tự nhủ rằng đó chỉ là một giấc mơ, nhưng âm thanh vẫn phát ra đều đặn, trầm bổng; và tôi chợt ý thức rằng đó không phải là mơ, mà là âm thanh của một nhạc sĩ vô danh nào đó đang độc tấu giữa đêm khuya. Giữa chốn hoang vu lại có một người nào đó thổi sáo quả là một điều lạ lùng khó có thể giải thích.
Sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu đổ dốc xuống một thung lũng nhỏ, khí hậu trở nên ẩm ướt hơn, những cây thông xanh rì dần dần nhường chỗ cho những cây sơn lựu với những bông hoa đủ màu sắc, muôn hồng ngàn tía. Chúng tôi như bị tràn ngập trong một biển hoa màu sắc lạ lùng. Chúng tôi cứ thế di chuyển qua những hẻm núi gập ghềnh và trơn trượt cho đến khi trèo lên một đỉnh cao, gió lồng lộng thổi. Trước mặt chúng tôi là một cánh đồng lớn chạy dọc theo những rặng núi cao ngất. Đứa bé dẫn ngựa nói lớn:
– Đó là Tây Tạng.
Tôi đứng lặng yên nhìn cánh đồng lớn trước mặt và những dãy núi phủ đầy tuyết trắng. Có một cảm giác kỳ lạ nào đó như thôi thúc tôi tiến bước nhưng tôi đã dừng ngựa lại. Tôi không hề có ý định vào Tây Tạng.
Cho đến lúc đó, tôi vẫn không hề nghĩ rằng mình sẽ du hành vào đây và bỏ ra hơn mười hai năm tại nơi này.
Vài hôm sau, khí hậu tự nhiên thay đổi đột ngột, trời trở lạnh và nhóm tùy tùng bắt đầu phàn nàn về chuyến đi mà họ không biết rõ ngày về này. Phần tôi vẫn muốn du ngoạn dọc theo miền này thêm ít lâu nữa trước khi trở về Gangtok. Tôi thích sự thoải mái ngoài thiên nhiên, sự tĩnh lặng của những miền mà tôi đi qua, và tôi có thể kéo dài chuyến đi này cho đến cuối mùa hè; nhưng vừa đến Tsarong thì được tin nhóm người tại Lhasa đã an trú tại đó và lấy lại sự bình ổn ở thủ đô Lhasa. Tình hình lúc đó tại Trung Hoa cũng đang rối loạn bởi những cuộc nổi loạn trong nước của các tổ chức phản Thanh phục Minh nên triều đình xứ này đành rút quân về để giải quyết các vấn đề nội bộ. Họ đã ký kết một thỏa ước ngưng chiến với Tây Tạng để rút quân. Sau khi thỏa ước này được ký kết, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hạ lệnh nhổ trại rời Kalimpong để về Lhasa ngay. Trên đường, ngài sẽ phải đi qua đèo Jelap cách đây không xa nên tôi quyết định đến từ biệt ngài.
Cuộc tiếp xúc lần thứ hai không đến nỗi quá ngắn ngủi như lần trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ ra hài lòng với kiến thức về Phật giáo của tôi.
Chúng tôi nói chuyện khá lâu về nhiều vấn đề nhưng tôi thấy rõ mặc dù tiếp tôi nhưng đầu óc ngài đang bận tâm về những chuyện trong nước, nên khi một sĩ quan bước vào báo cáo tình hình, tôi vội vã xin cáo từ ngay. Tôi lưu lại Sikkim thêm ít hôm rồi trở về Ấn Độ. Điều tôi muốn học hỏi, nghiên cứu, tôi đã ghi nhận được một số điểm chính, đủ để viết một thiên phóng sự dài. Mục đích của tôi là phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi đã hoàn tất điều đó, tôi không có lý do gì lưu lại nơi đây nữa. Tôi dừng chân tại Benares để hoàn tất thiên phóng sự và gửi về Paris. Sau đó, tôi tiếp tục viếng thăm những đền đài, chùa chiền và thắng tích nơi đây. Tôi dự định sẽ du lịch châu Á một thời gian nữa trước khi trở về Pháp, nhưng chỉ vài tháng sau đã có nhiều biến chuyển bất ngờ xảy ra, những biến chuyển dường như tình cờ nhưng trên đời này làm gì có chuyện gọi là tình cờ được.
Cuối năm đó, tôi lại thấy mình đáp xe lửa trở lại Sikkim. Vị tiểu vương xứ này vừa qua đời, hoàng thái tử Sidkeong được cử lên thay thế. Vị tiểu vương trẻ không có thời giờ để tiếp tôi như trước. Ông đang bận rộn thi hành một số biện pháp cải cách xã hội. Là người chịu ảnh hưởng bởi nền giáo dục Tây phương, ông tin rằng muốn tiến bộ, Sikkim cần phải thay đổi theo đường lối khoa học và xây dựng trên một nền tảng kỹ nghệ như châu Âu. Do đó, ông ra lệnh cấp tốc mở các trường học, mời các giáo sư người Ấn mà ông cho rằng đã được hấp thụ nền văn minh của người Anh, đến truyền bá kiến thức. Mặt khác, ông khởi sự một chính sách bài trừ các tệ đoan, tập tục cổ hủ của xã hội, trong đó có vấn đề chia cách tôn giáo.
Tôi gặp lại Lạt Ma Bermiag, ông này cho biết Lạt Ma Kushog đã trở về Tây Tạng và ông cũng đang chuẩn bị hành trang để rời nơi đây, chức vị cố vấn tôn giáo của ông không còn cần thiết nữa. Tiểu vương Sidkeong đã có hàng chục cố vấn tôn giáo khác, từ các tu sĩ người Âu nóng lòng muốn truyền bá tôn giáo của họ, đến những đạo sĩ Ấn Độ theo chân các giáo sư người Ấn qua đây làm việc. Dawasandup cũng đã theo một phái đoàn ngoại giao Tây Tạng qua Ấn Độ dự các cuộc thương thảo ngoại giao nên lần trở lại này tôi đã gặp ngay một khó khăn lớn là thiếu người thông dịch.
Khác với chuyến đi trước, lần này tôi có linh cảm về một điều chẳng lành. Hình như có những động lực vô hình nào đó không muốn tôi bước chân trở lại nơi đây, đầu óc tôi cứ bị ám ảnh bởi một cái gì không rõ. Linh tính báo cho tôi biết tôi sẽ gặp một điều nguy hiểm nhưng tôi lại cho rằng có thể đó là do tình trạng sức khỏe của tôi lúc đó vì tôi đã bị cảm lạnh mấy lần trước khi lên đường vào Sikkim.
Thấy tôi không được khỏe, tiểu vương Sidkeong ngỏ ý mời tôi tạm ghé lại chùa Podang cách Gangtok không xa lắm vì miền này yên tĩnh, khí hậu ôn hòa và tôi có thể tĩnh dưỡng ít hôm cho khỏe hẳn. Vài hôm sau, ông thân hành ghé thăm tôi. Như lệ thường, chúng tôi ngồi trong một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện dùng trà và đàm đạo về những vấn đề thời sự.
Sidkeong có nhiều điều muốn nói và dĩ nhiên ông tìm thấy nơi tôi một người bạn sẵn sàng nghe ông thổ lộ tâm sự. Câu chuyện xoay quanh vấn đề cải cách tôn giáo mà vị quốc vương trẻ tuổi hy vọng các tập tục mê tín dị đoan có thể được bài trừ. Ông đã ra lệnh bắt giam những pháp sư, phù thủy, những tăng sĩ không giữ giới luật nghiêm cẩn, và phát động một phong trào thanh lọc hàng ngũ tu sĩ. Sidkeong kể cho tôi biết rằng ông đã mời được một tăng sĩ người Ấn tên Kali Kumar qua đây để hướng dẫn phong trào chấn hưng tôn giáo này. Cuộc đàm đạo chuyển qua nguyên nhân tại sao nền tôn giáo lại trở nên suy đồi, lồng vào đó là các hình thức mê tín dị đoan như hiện nay. Tôi thắc mắc:
– Thật không thể biết được vị tổ Mật Tông Padmasambhava đã truyền bá điều gì tại Tây Tạng nhưng tại đây những tăng sĩ tự nhận là đi theo con đường của vị này lại có những hành vi cử chỉ khác hẳn với những điều mà Đức Phật Thích Ca đã dạy bảo. Phần lớn không giữ gìn giới luật, nhiều người không những đã lập gia đình mà còn lấy đến hai ba người vợ, một số khác còn uống rượu say sưa, ăn thịt cá và sử dụng huyền thuật bừa bãi. Tôi không hiểu tại sao một giáo lý cao đẹp lại có thể biến tướng trở nên lạc hậu như vậy…
Tôi toan nói tiếp nhưng không biết vì lý do gì mà cổ họng tôi như nghẹn lại, và tôi ý thức ngay được sự hiện diện của một động lực vô hình nào đó trong căn phòng này. Mặc dù căn phòng hoàn toàn im lặng nhưng tôi nghe rõ một tiếng nói trầm trầm phát ra:
– Tất cả những gì các ngươi làm đều vô ích mà thôi.
Tôi ngạc nhiên không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu, biết đâu đó chỉ là sự tưởng tượng, một cảm nghĩ trong đầu tôi, nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe Sidkeong dõng dạc lên tiếng:
– Tại sao lại vô ích? Ta muốn làm gì mà chẳng được, ta là quốc vương xứ này kia mà?
– Ngươi không thể thành công vì toàn thể miền này thuộc về ta và ta mạnh hơn ngươi.
Thì ra Sidkeong cũng đã nghe được âm thanh kia. Ông lắc đầu cãi lại:
– Có thể phải mất một thời gian dài mới có thể thay đổi được đầu óc dân chúng miền này, nhưng việc cải tổ lại guồng máy tôn giáo suy đồi tại đây là việc sẽ xảy ra vì ta muốn thế. Những trò mê tín dị đoan cùng những loài ma quỷ bám víu vào những phẩm vật dâng cúng, các trò tế thần kia phải được bài trừ triệt để…
Tôi định lên tiếng nhưng cổ họng sao cứ nghẹn không thể thốt lên được. Tôi không ngờ Sidkeong lại cương quyết như vậy. Sau câu nói đó, âm thanh kia cũng không trả lời và tất cả đều chìm vào yên lặng. Chúng tôi ngồi im không ai thốt lên câu nào cho đến khi ánh mặt trời tắt hẳn bên song cửa sổ và bóng tối tràn ngập căn phòng. Cho đến nay tôi vẫn không thể giải thích hiện tượng kỳ lạ này. Phải chăng đó là một lời cảnh cáo hay một lời tiên tri? Sidkeong cũng không muốn nhắc gì đến câu chuyện này nữa. Khi trở về triều, ông ra lệnh cho các quan trong triều phải nỗ lực thúc đẩy việc canh tân đất nước, bài trừ các trò mê tín dị đoan, các hủ tục trong xã hội. Tôi thấy ông là người có lòng nhưng có lẽ không thực tế. Ông muốn làm nhiều chuyện trong cùng một lúc tại một quốc gia mà dân trí còn thấp kém.
Sự hiện diện của một số người ngoại quốc, nhất là các tu sĩ Ấn Độ, đã tạo ra sự bất mãn khắp nơi, một số người bắt đầu phàn nàn rằng vị vua mới có tinh thần vọng ngoại. Các tu sĩ từ Lạt Ma đến pháp sư huyền thuật đều bị đe dọa trong cuộc cải cách tôn giáo nên vì quyền lợi, họ đã đoàn kết thành một khối để chống lại việc này. Tóm lại, chỉ ít tháng sau khi lên cầm quyền, toàn thể xứ Sikkim đã lâm ngay vào một tình trạng rối loạn từ xã hội đến tôn giáo. Áp lực trong việc điều hành guồng máy quốc gia làm vị tiểu vương trẻ tuổi này trông già hẳn đi, mắt thâm quầng, trán bắt đầu có vết nhăn và tính tình nóng nảy hơn trước. Nhiều lúc ông đã phải tìm cách săn bắn, kinh lý các miền xa để nghỉ ngơi.
Một hôm, tiểu vương Sidkeong đi kinh lý vùng biên giới và ông có nhã ý mời tôi tháp tùng. Khi đi qua một khu rừng nhỏ, các quan hầu cận vốn biết tôi rất thích tiếp xúc với các tu sĩ nên báo cáo cho Sidkeong biết rằng có hai vị ẩn sĩ đang tu trong khu rừng đó. Họ nói rằng hai người này ẩn náu rất kỹ đến nỗi ngay cả dân chúng trong vùng cũng không biết họ trú ẩn nơi đâu. Hàng tháng, dân chúng chỉ cúng dường cho họ ít thực phẩm tại bìa rừng, đặt trên một tảng đá lớn và vài hôm sau nó biến mất. Dân chúng Sikkim, cũng như Tây Tạng, rất kính trọng những tu sĩ nhập thất, những ẩn sĩ nên không mấy ai làm phiền đến họ. Nghe tin này, Sidkeong bèn ra lệnh cho quân sĩ phải đem những người đó đến trình diện ông. Được lệnh, nhóm quân sĩ lập tức sục sạo khắp nơi và dĩ nhiên hai người nọ không thể thoát được màng lưới của hàng trăm quân sĩ bao vây chặt chẽ.
Thật khó có thể diễn tả được cảm tưởng của tôi khi nhìn thấy hai người được gọi là ẩn sĩ đó. Cả hai đều bẩn thỉu, quần áo rách rưới hơn cả những tên hành khất rách rưới nhất, tóc họ để dài rối bù đầy bụi bặm. Mặt mày họ lem luốc bẩn thỉu, chỉ có hai mắt sáng quắc trông như mắt những con thú dữ. Sidkeong ra lệnh mang ra hai túi lớn đựng đầy gạo, muối, vải vóc để tặng cho hai người này nhưng họ vẫn đứng im không thốt ra lời nào.
Một người hầu cận vội trình cho Sidkeong biết rằng những người này đều tu tịnh khẩu. Đang vui vẻ, tự nhiên tiểu vương Sidkeong nổi giận đùng đùng, ông quát lớn:
– Hai tên vô lễ thấy ta mà không chịu chào kính, lấy roi đập vào chân họ xem họ có thể đứng mãi được không? Nếu không nói thì ít ra họ cũng có thể quỳ lạy chứ!
Thấy tình hình căng thẳng, tôi vội vã can ngăn, xin tiểu vương Sidkeong tha cho hai người kia. Lúc đầu Sidkeong nhất định không chịu nhưng rồi ông dần dần nguôi giận khi nghe tôi nói rằng có lẽ đó chỉ là những người quê mùa, hủ lậu đâu biết gì đến nghi lễ triều đình. Mặt khác, tôi ra lệnh cho một kẻ tùy tùng đem ra hai bao đường cát trắng trong gói hành trang của tôi tặng hai vị tu sĩ nọ. Đường cát là một thứ vô cùng quý giá tại miền sơn cước hẻo lánh này và chỉ những nhà quý tộc, những người giàu có mới mua nổi.
Sidkeong hầm hầm ra lệnh:
– Đuổi cổ hai tên vô lại này đi. Quân sĩ vội tránh qua một bên. Thấy vậy, hai ẩn sĩ vội vã chụp lấy túi tặng phẩm co chân chạy nhưng một người dừng lại rút trong túi ra một vật gì đó, chạy đến dúi vào tay tôi trước khi bỏ đi. Đó là một lá bùa nhỏ khắc trên một mẩu xương mà về sau một đạo sĩ chuyên về huyền thuật nhận ra đó là một linh vật phù hộ, bảo vệ cho người đeo nó không bị các loài ma quỷ làm hại. Có lẽ người nọ biết tôi đã xin thả cho họ nên trả ơn chăng?
Chúng tôi tiếp tục đi dạo quanh miền biên giới một thời gian, nhưng rồi Sidkeong cũng phải trở về Gangtok trong khi tôi vẫn còn muốn tiếp tục cuộc hành trình lên miền bắc xứ Sikkim.
Trước khi từ giã, vị tiểu vương trẻ tuổi mỉm cười:
– Bà chớ có ham mê cảnh đẹp rồi đi mãi không chịu về đấy nhé, tôi cần bà ở bên cạnh để bàn luận thêm về chương trình cải cách của tôi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sidkeong. Ông vừa trở về cung điện ít lâu thì chết bất đắc kỳ tử. Có người nói ông bị đầu độc, người khác nói rằng chính sách của ông đã đụng chạm đến quyền lợi của các động lực vô hình nên bị vật chết… Thôi thì đủ các lời đồn đãi xuyên tạc về cái chết bí ẩn này.
Vị tiểu vương sau, em ruột của Sidkeong được cử lên thay anh đã cẩn thận lựa chọn một đường lối ôn hòa hơn. Các chính sách cải cách xã hội, tôn giáo bị hủy bỏ, không áp dụng; các tu sĩ ngoại quốc được lễ phép mời về nước và truyền thống lại được đề cao.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet