Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương IV: Các vị Tổ Mật Tông
Một trong những đặc điểm của nền văn minh Tây Tạng là việc sưu tầm mật lý và tầm sư học đạo. Truyền thống xứ này có rất nhiều giai thoại về các cuộc tầm sư học đạo đầy gian nan thử thách, nhưng trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách này, tôi chỉ ghi lại vài nét chính về các vị tổ Mật Tông như Tilopa, Naropa, Marpa và Milarepa.
Tilopa là một trong những vị tổ quan trọng của Mật Tông. Tuy ông sống tại Ấn Độ, không hề bước chân vào Tây Tạng nhưng người ta vẫn xem ông như là vị tổ của phái Kargyupa, một môn phái nổi tiếng xứ này. Theo truyền thuyết, Tilopa là một học giả uyên thâm, đã thắng nhiều cuộc tranh luận về tôn giáo tại Ấn Độ. Một hôm, ông đang nghiền ngẫm cuốn sách rất giá trị thì có một người đàn bà hành khất ốm yếu đi ngang. Bà lão liếc nhìn qua cuốn sách trên tay ông rồi nói “Đọc thì say mê đấy nhưng không biết có hiểu được chút gì hay không?”. Việc một bà lão hành khất nghèo hèn dám thách thức một bậc học giả nổi tiếng như ông là một chuyện rất lạ. Tipola chưa kịp phản ứng thì bà lão đã nhổ ngay một bãi đờm vào cuốn sách của ông và khinh bỉ “Một mớ từ chương vô dụng như thế mà ngươi cũng coi là quan trọng sao!”. Tilopa nổi giận, định dạy cho bà lão một bài học về phép lịch sự thì bà này đã lẩm bẩm một câu gì mà ông không nghe rõ rồi quay lưng bỏ đi. Điều bất ngờ là không hiểu sao cơn giận của ông bỗng nguội hẳn. Thay vì đuổi theo bà lão, ông ngồi thừ ra suy nghĩ. Lần đầu tiên ông cảm thấy hình như có điều gì đó không ổn trong việc học tập của mình. Ông không nhớ bà lão đã nói gì nhưng ông thắc mắc không hiểu tại sao đang nóng giận mà ông lại có thể nguội ngay như vậy. Phải chăng câu nói ấy đã khơi gợi được điều gì đó nơi ông? Nhưng ông đâu nghe thấy gì. Tại sao chỉ một câu nói mơ hồ không rõ như tiếng gió thoảng, tiếng lá cây rụng mà ông lại đâm ra nghi ngờ kiến thức của mình? Tilopa cứ thắc mắc về câu nói lạ lùng ấy mãi. Sau cùng ông nhất quyết lên đường đi tìm bà lão hành khất kia để hỏi cho ra lẽ.
Trải qua nhiều năm lang thang tìm kiếm khắp nơi, ông gặp bà lão hành khất đó trong một khu rừng vắng. Cuộc đối thoại giữa ông và bà lão rất thú vị. Ông đem hết sở học ra biện luận nhưng không sao đối đáp lại những câu chất vấn của bà lão. Một bậc học giả nổi tiếng hùng biện đã thắng nhiều cuộc tranh luận về tôn giáo mà nay lại đâm ra lúng túng trước biện tài vô ngại của một bà lão nghèo. Đến khi đó, ông mới vỡ lẽ rằng cá học theo văn tự, sách vở chỉ đem đến những hiểu biết hời hợt bên ngoài chứ không thể giải thích thấu đáo những vấn đề huyền bí, ẩn mật của sự việc.
Các lý luận chỉ là cái biết bề ngoài và tổng hợp những cái biết của người khác. Sự hiểu biết thật sự chỉ có thể có được khi người ta đã trải nghiệm được chúng như chúng là. Sau cùng, ông chấp nhận thua cuộc và quỳ xuống xin bà lão chỉ dạy thêm. Bà lão nói “Điều ta hiểu biết không có ở trong sách vở nào vì nó là thứ hiểu biết không giới hạn. So với những điều ngươi học hỏi qua sách vở từ chương vốn có giới hạn thì khác nhau rất xa. Ta xem căn cơ của ngươi có thể học hỏi được nhiều điều có ích, nhưng muốn quán triệt giáo pháp thượng thừa này thì ngươi phải tìm đến cõi giới của các thiên nữ Dakini mà học. Đây là một hành trình hết sức gian nan và nguy hiểm, có hàng ngàn thử thách chờ đợi. Không những ngươi phải vượt qua những thử thách này mà còn phải biết cách khắc phục chúng nữa. Nếu ngươi đã nhất quyết thì ta truyền cho ngươi một bí quyết: Phương pháp của ta là phải hoàn toàn làm chủ thân, khẩu và ý qua cách niệm chú, bắt ấn quyết và chuyên tâm nhập định. Ngươi phải giữ gìn điều này trong suốt cuộc hành trình, không được xao lãng. Nhờ gìn giữ ấn quyết mà thân nghiệp ngươi được tịnh, nhờ miệng niệm chân ngôn mà khẩu nghiệp ngươi được tịnh, và nhờ quán tưởng vào Tam Ma Địa mà ý nghiệp được tịnh, không bị các vọng tưởng lôi cuốn.”
Tilopa bèn xin thụ giáo với bà lão hành khất mà truyền thuyết Tây Tạng tin là hóa thân của Bồ Tát Dorjee Chang rồi lên đường tìm đến cảnh giới của các thiên nữ Dakini. Có nhiều người tin rằng cảnh giới này vốn có thật và nằm ở một vị trí địa dư khoảng Tây Bắc Ấn Độ, gần A Phú Hãn ngày nay[15].
Một số khác cho rằng cuộc hành trình đó chỉ là một giai đoạn biến hiện của tâm thức, một cuộc hành trình đi vào nội tâm. Một số người lại tin rằng đó là một cõi giới rất bí mật không thể đi đến bằng các phương tiện thông thường. Tilopa phải ẩn cư trong một hang cốc, nhập thiền để đi đến đó.
Truyền thuyết kể rằng Tilopa gặp rất nhiều thử thách, phải lội suối băng ngàn vượt qua những rặng núi tuyết lạnh lẽo cao ngất, những sa mạc nóng cháy bao la, chịu đói chịu khát, trải qua muôn vàn khó khăn và cạm bẫy mới đến nơi. Đó là một thành phố to lớn với những cung điện nguy nga, tường vách đều bằng vàng chói lọi và được canh giữ rất cẩn mật. Tilopa phải chiến đấu cam go lắm mới lọt được vào trong. Mặc dù thành phố có hàng ngàn cung điện bằng ngọc lưu ly đẹp đẽ nhưng nhờ biết chú tâm vào mục đích chính, không để các hình ảnh đẹp đẽ khác làm xao động, ông tìm đến một cung điện ở chính giữa nơi vị chúa của các Dakini cư ngụ.
Vị này mặc quần áo toàn bằng vàng bạc, với những hạt minh châu to lớn tỏa ánh sáng chói lọi. Vị thiên nữ mỉm cười hỏi tên họ của ông nhưng ông giữ yên lặng không trả lời và thản nhiên giao hợp với vị thiên nữ đó. Các truyền thuyết Tây Tạng thường sử dụng sự kiện giao hợp với các Dakini để ám chỉ sự hòa nhập với bản thể chân như, giai đoạn giác ngộ, đắc đạo, quán triệt được các chân lý bí truyền. Tilopa truyền dạy giáo lý này cho học trò là Naropa. Ông này truyền lại cho Marpa, một người Tây Tạng. Chính Marpa đã mang giáo lý bí truyền này về nước và khởi xướng dòng tu Kargyupa.
Giai thoại về cuộc tìm đạo của Naropa cũng đặc biệt lý thú và thường được nói đến rất nhiều. Naropa là một tu sĩ Brahmin[16] nổi tiếng học rộng tài cao. Vì xuất thân trong một dòng dõi cao quý, ông thường được các vua chúa mời đến tham khảo ý kiến. Ông có thể giải thích hết sức rành rọt về bất cứ đề tài nào, từ kinh tế đến chính trị, từ chiêm tinh đến huyền thuật nên ai ai cũng khâm phục tài học uyên bác của ông. Có một vị tiểu vương vì không phục đã mời ông đến tranh luận rồi bất đồng ý kiến nên sỉ nhục ông hết sức nặng lời. Quá tức giận, Naropa nhập thất, sử dụng khả năng huyền thuật của mình để trù vị tiểu vương kia. Phương pháp trù yểm drapoi dubthab mà ông thực hành hết sức ghê gớm. Không những ông trù cho vị tiểu vương kia thân bại danh liệt, dòng họ tuyệt tự, con cháu đều bị phong hủi, không ai dám nhìn, ông còn trù luôn cả những thần dân trong vương quốc đó nữa. Ông trù cho các sông ngòi đều cạn, ruộng đất cháy khô khiến dân chúng phải bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp. Naropa vẽ một lá bùa rồi đốt lên để phát động huyền thuật thì bất chợt một bà lão hiện ra cảnh cáo ông về những việc ông sắp làm. Bà lão không những cho ông biết rõ về hậu quả của việc sử dụng huyền thuật mà còn vạch rõ cho ông thấy luật Nhân – Quả, gây nhân nào sẽ gặt quả đó một cách rõ rệt. Lời nói chân thành của bà lão khiến ông động tâm, vội vã thu hồi huyền thuật, nhưng bà lão cho biết mặc dù hành động chưa thi hành nhưng tâm ông đã nảy sinh những vọng niệm không tốt thì cũng đã tạo ra những nhân xấu rồi. Naropa vội vã xin bà lão chỉ dạy cho ông phương pháp chuyển nghiệp, nhưng bà lão cho biết chỉ có đạo sư Mật Tông Tilopa mới có thể giúp ông được thôi.
Naropa bèn hủy bỏ nghi thức drapoi dubthab, lên đường đi tìm Tilopa. Khi đó, Tilopa đã là một đạo sư Mật Tông nổi tiếng nhưng hành tung vô định, nay đây mai đó, rất khó tìm nên Naropa phải mất một thời gian rất lâu mới gặp được ông này. Truyền thuyết kể rằng Naropa là rất tự hào về đẳng cấp Brahmin cao quý của mình, trong khi Tilopa sống theo nếp sống Avahutas của các tu sĩ ta bà lang thang khắp nơi, bất chấp các ước lệ thông thường của xã hội nên cuộc gặp gỡ giữa ông và Tilopa rất ư là thú vị.
Naropa gặp Tilopa trước một ngôi chùa cổ. Lúc đó, Tilopa chỉ quấn một cái khố rách, thân hình hết sức bẩn thỉu, ngồi chồm hổm đánh vẩy mấy con cá mà ông vừa câu được dưới sông. Dĩ nhiên Naropa không biết người hành khất kia là Tilopa nên khi thấy một người thuộc đẳng cấp hạ tiện ngồi chắn lối trước cửa chùa, ông bèn đứng tránh ra xa vì một người thuộc đẳng cấp Brahmin cao quý không bao giờ đứng gần một người hạ tiện, hoặc để cái bóng nhơ nhuốc của người đó đụng vào mình. Ngay lúc đó, các vị sư trong chùa bước ra, thấy Tilopa đang ăn cá, vứt xương bừa bãi xuống đất bèn lên tiếng quát mắng ông này đã làm ô uế nơi thờ phụng tôn nghiêm.
Tilopa cười ha hả “Ngươi hãy chỉ cho ta chỗ nào không tôn nghiêm để ta vứt đồ dơ vào đó!”. Các tăng sĩ không cãi được bèn xoay ra chỉ trích ông về tội sát sinh. Tilopa thản nhiên “Ai bảo ta sát sinh? Các ngươi hãy coi đây!”.
Ông chỉ khẽ vỗ tay, tức thì đống xương cá ngổn ngang dưới đất tự nhiên biến thành những con cá còn sống quẫy lung tung rồi chui xuống con sông gần đó.
Naropa giật mình tự hỏi không biết tên hành khất dơ bẩn đó có phải là vị đạo sĩ Mật Tông nổi tiếng mà ông đang đi tìm hay không. Trong thâm tâm, ông không tin một người thuộc đẳng cấp hạ tiện lại có thể tài giỏi như vậy nên ông chỉ đứng yên chứ không chịu bước đến thăm hỏi. Vì sự khác biệt đẳng cấp, ông bước lại nói chuyện với các vị tăng chứ không để ý gì đến tên hành khất kia nhưng trong lúc đàm đạo, các vị tăng xác nhận tên ăn mày đó chính là Tilopa, người mà ông muốn tìm. Naropa vội quay lại thì Tilopa đã bỏ đi mất rồi, ông vội vã đuổi theo. Naropa đi qua rất nhiều làng mạc, thành thị, gần như chỗ nào ông đến người ta cũng nói rằng Tilopa vừa ghé qua đó nhưng đã đi rồi. Đây là giai đoạn thử thách hết sức lý thú, thường được khai triển rộng để ca tụng công phu tầm sư học đạo khổ cực của Naropa, cũng như khả năng thần thông biến hóa của Tilopa.
Naropa ghé vào một tiệm ăn. Thay vì dọn những món ăn thanh đạm, người hầu bàn lại mang đến cho ông một hũ rượu lớn. Việc đem rượu cho một Brahmin là một điều cấm kỵ, một sự sỉ nhục rất lớn vì rượu là thức uống của những người thuộc đẳng cấp thấp hơn, một Brahmin cao quý không bao giờ uống rượu. Trong lúc Naropa đang nổi giận thì cả quán ăn lẫn người bán rượu đều biến mất, chỉ có một tràng cười dài của Tilopa vọng lại. Một lần khác, Naropa đi qua đò thì người lái đò yêu cầu ông giúp họ mổ thịt một con heo. Một Brahmin cao quý không bao giờ đụng tay vào việc bếp núc chứ đừng nói đến việc mổ thịt súc vật, nhất là mổ thịt một con heo, con vật nổi tiếng là dơ bẩn nhất theo phong tục xứ này. Dĩ nhiên đây cũng là một sỉ nhục rất lớn đối với Naropa, nhưng ông vừa nổi giận thì cả người lái đò lẫn con đò đều biến mất, chỉ có một tràng cười sảng khoái của Tilopa vọng lại… Có hàng trăm câu chuyện tương tự như vậy, và mỗi khi Naropa nổi giận thì hoàn cảnh xung quanh đều biến mất, chỉ có một tràng cười của Tilopa mà thôi.
Là một đạo sĩ chuyên về huyền thuật, Naropa thấy ngay những quyền năng của mình thật không thể sánh với Tilopa. Dĩ nhiên lòng ao ước được học hỏi với Tilopa càng ngày càng gia tăng nhưng ông vẫn không sao gặp được ông này. Lần nào ông tưởng có thể gặp Tilopa cũng đều hụt hẫng.
Những người trông giống Tilopa mà ông muốn cầu đạo chỉ là một cái bóng mờ, những người tầm thường mà ông không coi ra gì lại biến thành Tilopa thật với tràng cười đầy khoái trá. Trải qua nhiều kinh nghiệm chua cay, ông mới thấm thía và ý thức rằng Tilopa có thể hóa thân thành bất cứ con người hay sinh vật nào để thử thách ông nên ông bèn đổi thái độ. Thay vì phân biệt đẳng cấp này nọ, ông chuyển ý thức xem tất cả mọi người hay mọi sinh vật đều là Tilopa và kính trọng tất cả. Gặp ai ông cũng cung kính chắp tay đảnh lễ. Dĩ nhiên đây là một khó khăn cực lớn đối với một người có lòng kiêu hãnh như ông, một người thuộc đẳng cấp cao quý nhất thà chết chứ không bao giờ chịu nghiêng mình trước người nào thuộc đẳng cấp kém hơn mình. Tuy nhiên, với lòng khao khát cầu đạo giải thoát, Naropa đã tỏ ra cung kính với tất cả mọi người, từ những gã lái buôn tầm thường đến những người hốt phân bẩn thỉu, từ những kẻ mổ thịt súc vật tồi tệ đến cả những tên hành khất thuộc đẳng cấp hạ tiện. Lúc đầu, ông làm thế có lẽ chỉ để cầu đạo, nhưng về sau, nhờ cung kính như vậy mà ông học được bài học về tính khiêm tốn, diệt trừ các ngã chấp. Có người cho rằng nhờ thực hành phương pháp đó mà Naropa quán triệt được thực tính của mọi vật, thấy tất cả mọi người đều có Phật tính, và đây là điểm then chốt trong những mật pháp mà ông truyền dạy cho đệ tử sau này.
Một hôm, Naropa đi ngang qua một giàn hỏa thiêu người chết. Giàn hỏa hôi thối, mùi xú uế bốc ra nồng nặc. Naropa vừa bịt mũi vừa đi thì trông thấy một xác chết cháy đen đang nằm trên giàn hỏa. Vì lòng cung kính đối với tất cả sinh vật bất kể sống hay chết, ông bước lại chắp tay đảnh lễ, nhưng lần này ông bỗng nghe thấy tràng cười sảng khoái quen thuộc của Tilopa nổi lên. Ông vội vã chạy đến quỳ mọp xuống đất. Lần này, Tilopa không biến mất như những lần trước nữa. Naropa đặt bàn chân đen đủi của Tilopa lên đầu mình làm lễ bái sư nhưng Tilopa không thèm nói một lời; song Tilopa cũng không rút chân lại mà vẫn chấp nhận nghi thức bái sư của Naropa.
Trong nhiều năm, Naropa theo sát Tilopa như bóng với hình nhưng Tilopa vẫn không dạy bảo Naropa một điều gì mà chỉ đối đãi với ông một cách hết sức bất công, khi la mắng chửi rủa, lúc đánh đập tàn nhẫn nhưng Naropa vẫn một lòng một dạ kính ngưỡng thầy. Có nhiều giai thoại về sự đối xử khắc nghiệt của Tilopa đối với Naropa như sau:
Một hôm, Tilopa sai Naropa đi khất thực, ông này mang về được một hũ cà ri rất ngon. Tilopa ăn một hơi hết sạch cả hũ, không chừa lại cho Naropa chút gì. Ăn xong, Tilopa tỏ ra còn thèm, yêu cầu Naropa đi xin thêm vì ông ăn chưa đã. Naropa đến đúng căn nhà vừa cúng dường ông nhưng cả nhà đi vắng, chỉ còn nồi cà ri thơm phức để trên bếp. Chờ mãi không thấy ai, sợ thầy đói và sốt ruột, ông bèn múc đại một bát mang về.
Chẳng may chủ nhà bắt gặp, đánh ông một trận thừa sống thiếu chết. Naropa ôm thân thể thâm tím trở về ra mắt thầy nhưng Tipola thản nhiên trước sự bất hạnh của học trò, còn quát mắng “Cái gì? Có mỗi một việc nhỏ như thế mà mi cũng không hoàn tất được sao? Chắc hẳn mi tiếc vì đã thờ ta làm thầy chứ gì?”. Naropa thu hết tàn lực trả lời rằng thật là một hân hạnh lớn cho ông đã được Tilopa nhận làm đệ tử, dù ông có phải trải qua trăm ngàn thử thách như thế hay hy sinh cả cuộc đời còn lại ông cũng không hề hối hận.
Tilopa thu nhận đệ tử khắp nơi và thường ghé qua thăm hỏi, theo dõi việc tu hành của họ. Đối với các đệ tử khác, ông còn tỏ ra ôn tồn, thường gọi riêng từng người ra chỉ bảo thêm, nhưng với Naropa, ông không bao giờ hé môi nói một lời tử tế nào. Có lần đi khất thực về trễ, Naropa bị Tilopa trừng phạt bằng cách đâm những xiên nhọn vào da thịt, bắt ngồi đó rồi nhập định nhiều ngày, bỏ mặc Naropa ôm vết thương đau đớn bên cạnh. Khi xuất định, câu đầu tiên ông hỏi là Naropa có hối tiếc đã thờ ông làm thầy hay không. Naropa cương quyết nói rằng ông nhất định đi tìm đạo, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi dù phải trả bất cứ giá nào. Tilopa chỉ cười ha hả không nói gì rồi tiếp tục ra lệnh cho ông này thi hành thêm những việc hết sức kỳ cục như uống nước cống, lăn mình vào lửa, dẫm lên than hồng, treo mình trên cây… Có hàng trăm câu chuyện nói về việc chịu đựng phi thường của Naropa trước khi ông được Tilopa dạy cho một phương pháp quán định tầm thường mà những học trò sơ đẳng đều biết, nhưng Naropa vẫn chăm chỉ thực hành hết sức siêng năng. Sau nhiều năm theo sát bên thầy, một hôm, hai thầy trò đang ngồi nhập định trước đống lửa thì bất ngờ Tilopa rút đôi giày quất mạnh vào mặt Naropa khiến ông này tá hỏa tam tinh. Trong giây phút bất ngờ đó, ông hốt nhiên đại ngộ và ý thức được các mật lý của giáo phái thượng thừa. Ông quỳ mọp xuống lạy Tilopa nhưng ông này chỉ cười mà không nói gì.
Naropa trở thành một vị thánh tăng, danh tiếng lừng lẫy và được mời làm viện chủ trường đại học Nalanda. Ông thu nhận rất nhiều đệ tử nhưng không như Tilopa, ông đối xử với học trò hết sức tử tế, lúc nào cũng ôn tồn khuyên bảo, không bắt ai phải trải qua những thử thách như ông đã chịu. Trong số các đệ tử xuất sắc của ông có Marpa, một người Tây Tạng mà ông đặc biệt thương yêu. Sau một thời gian giảng dạy, lúc tuổi đã cao, Naropa tìm lên rặng Tuyết Sơn nhập thất suốt mười hai năm liền để nghiên cứu về các pháp môn tu quán chiếu như: phương pháp mở luồng hỏa hầu tam muội (tummo), hóa hiện các loại sắc thần, quán chiếu về các giấc mộng, quán tưởng về cảnh giới không hải tĩnh lặng, quán tưởng về các cảnh giới bên kia cửa tử và phương pháp chuyển thần thức.
Truyền thuyết Tây Tạng nói rằng ông đã mật truyền những pháp môn này riêng cho Marpa, và chính những phương pháp này đã làm rạng danh dòng tu Kargyupa. Về sau, người Tây Tạng đã xây cất một ngôi chùa lớn gần nơi ông nhập thất để kỷ niệm. Hàng năm, số người hành hương kéo đến đây rất đông và biến nó thành một thành phố có tên là Lamayuru (thành phố của vị đại Lạt Ma).
Marpa, một người Tây Tạng đã vượt Tuyết Sơn vào Ấn Độ học đạo và mang các giáo lý này về xứ truyền bá, lập ra dòng tu Kargyupa. Ông là một trong những dịch giả nổi tiếng nhất của Tây Tạng, đã phiên dịch rất nhiều kinh điển thu thập được tại Nalanda. Công trình phiên dịch và soạn thảo kinh văn của ông rất lớn nên người Tây Tạng đã gọi ông là “dịch giả Marpa”. Ông thu nhận một số đệ tử nhưng nổi tiếng nhất là Milarepa, mà những bài hát do Milarepa
sáng tác đã đi sâu vào lịch sử âm nhạc xứ này. Nếu Naropa là một người hiền lành, luôn luôn đối xử tử tế với học trò thì Marpa lại nổi tiếng là người nóng tính, hung dữ không thua gì Tilopa. Tuy nhiên, người ta phải hiểu sự nóng nảy, hung dữ của Marpa hay Tilopa không phải vô cớ hay không có nguyên nhân mà phải xem nó như một phương pháp dạy dỗ, một thủ thuật mà các vị thầy vận dụng nhằm khích động tâm tư của học trò để hướng dẫn họ đi vào đường ngay nẻo chính. Một câu quát, câu hét hay cử chỉ đánh đập của các vị thầy như Tilopa hay Marpa không phát xuất từ sự giận dữ, tham sân si mà từ cái tâm đã an tĩnh, từ trí tuệ sáng suốt đã nhìn thấu tâm tư và khả năng của học trò; họ dùng cách đó để khai tâm mở trí cho những người mà phương pháp giảng dạy bình thường có thể sẽ không hiệu quả.
Trong các truyền thuyết về các vị tổ Mật Tông thì truyền thuyết về Milarepa thường được nhắc đến nhiều nhất. Cuộc đời của ông này là một tấm gương hy sinh, nhẫn nại phi thường. Milarepa xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng chẳng may cha mất sớm, một người chú lợi dụng cơ hội đã sang đoạt tất cả gia tài và đối xử với Milarepa hết sức nghiệt ngã. Sau nhiều năm tháng chịu đựng, lòng thù hận dâng cao, Milarepa bỏ nhà theo các đạo sĩ luyện huyền thuật để cầu thần thông. Khi thành tài, ông thẳng tay trừng trị những người đã đối xử tệ bạc với ông. Ông đích thân giết liền mấy chục người và phá hoại mùa màng của dân chúng trong vùng bằng cách tạo ra những trận mưa đá, dông bão. Sau khi trả hận, lương tâm của ông trở nên bất an, lúc nào ông cũng bị ám ảnh bởi các tội lỗi đã tạo. Khi đó, ông nhận thấy con đường tu luyện huyền thuật để thỏa mãn bản ngã quả không phải là điều ông muốn theo đuổi. Milarepa bèn lên đường tầm sư học đạo với ý nguyện sẽ tìm được con đường giải thoát. Ông theo học với nhiều đạo sư nhưng không ai có thể giúp ông vì nghiệp của ông quá nặng, tu học pháp môn gì cũng không chuyển hóa được những tội đã tạo và đem lại sự an tĩnh như ông ao ước. Sau cùng, các vị thầy này khuyên ông nên đi tìm gặp đạo sư Marpa.
Marpa đã thử thách Milarepa nhiều lần, đối đãi với ông này rất tệ bạc, ví dụ như ông sai Milarepa xây cất một căn nhà bằng đá nhưng không được dùng các dụng cụ thông thường mà phải hoàn toàn làm bằng tay, từ việc vần những tảng đá to lớn trên núi xuống để làm nền nhà đến việc lợp mái, xây tường. Mỗi lần căn nhà sắp hoàn tất thì Marpa lại lắc đầu đổi ý, tỏ ra không ưng và bắt ông này phải xây lại từ đầu. Milarepa đã phải đào xới những tảng đá khổng lồ, khuân lên vai để mang đến chỗ xây cất. Da thịt ông bị đá cứa nát, mưng mủ nhưng Marpa vẫn thản nhiên khuyên ông này lấy một tấm nỉ lót vào vết thương rồi tiếp tục công việc xây cất. Sau nhiều lần phá đi làm lại và trải qua biết bao nhiêu thử thách khác, Marpa mới chấp nhận cho Milarepa làm lễ nhập môn và truyền cho ông này các bí pháp. Căn nhà Milarepa xây cất đến nay vẫn còn nguyên vẹn tại làng Lhobrag.
Milarepa nhập thất tu luyện. Với ý chí phi thường, ông thiền định năm này qua năm nọ, đói chỉ ăn rong rêu bám trên đá, khát chỉ uống những giọt nước đọng trên cành cây, da thịt của ông trở nên xanh tái, thân thể chỉ còn da bọc xương, râu tóc mọc dài như quái vật. Ông còn bị những người thợ săn, những kẻ hung dữ trêu chọc, đánh đập nhưng không hề phản ứng hay giận dữ mà chỉ cầu nguyện cho họ. Mỗi khi quán triệt được điều gì, ông thường làm thơ, soạn các bài hát. Khi chiếc nồi bằng đất của ông bị vỡ, ông soạn một bài hát ca tụng chiếc nồi đã dạy cho ông bài học về sự vô thường trên đời, vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên con người cần chú tâm tu học để thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Khi người khác nói với ông rằng đời sống tu hành khổ hạnh quá tệ thì ông lại sáng tác một bài hát khác đại ý nói rằng có ba đời sống hiện hữu còn tệ hại hơn nữa – đó là thế giới của địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh – thế mà tại sao nhiều người lại “cố gắng” sinh vào cõi giới đó.
Trong các đệ tử của Marpa, Milarepa là người luyện thành công pháp môn lửa tam muội. Ông chỉ quấn một tấm vải mỏng mà có thể chịu đựng được khí hậu hết sức khắc nghiệt, mình trần ngồi trên tuyết lạnh mà cũng không sao. Về sau, môn đồ của ông đều luyện lửa tam muội và thường quấn áo vải nên phái Kargyupa còn được gọi là môn phái “áo vải”.
Người Tây Tạng thường hay nói đến công phu tầm sư học đạo của Naropa, Milarepa cũng như những khó khăn mà họ phải trải qua như một tấm gương sáng. Một người châu Âu, dù có lòng khao khát chân lý đến đâu cũng khó có thể chịu đựng những thử thách dường như vô lý và khắc nghiệt như vậy. Nhiều người cho rằng dân Tây Tạng đã phóng đại những câu chuyện ấy để làm tăng vẻ huyền hoặc của các truyền thuyết hay đề cao những vị tổ của họ. Một số khác, nhất là các học giả người châu Âu, đã tỏ ra nghi ngờ những câu chuyện như thế. Theo sự hiểu biết của tôi thì đó là một sai lầm tai hại khi người ta xét đoán nó dưới quan niệm của một người xứ khác vì việc tầm sư học đạo một cách gian nan khắc nghiệt như vậy vẫn tiếp diễn cho đến nay. Vì nằm ở một vị trí địa dư đặc biệt, cách biệt với thế giới bên ngoài, phong tục tập quán và các truyền thống tại Tây Tạng không hề thay đổi suốt mấy trăm năm. Người xứ này rất kính ngưỡng các pháp môn mật truyền vì nó có giá trị rất cao, người ta phải trả những giá rất đắt, có khi bằng cả tính mạng của mình để học. Dân Tây Tạng quan niệm rằng những gì dễ dàng ai cũng có thể tìm được thì không có giá trị, nó chỉ là những hình thức bên ngoài, chỉ tạm thời giúp người ta nguôi ngoai được phần nào các đau khổ chứ không trừ được nguyên nhân gây ra những căn bệnh trầm kha của loài người. Muốn tuyệt bệnh phải uống thuốc đắng, phải chữa tận gốc và phải là người có tâm thành, có trí tuệ lớn lao thì mới xứng đáng được truyền dạy những diệu lý cao siêu này.
Những người đi cầu đạo ngày nay tại Tây Tạng vẫn phải trải qua những thử thách, khó khăn rất lớn. Khi còn sống ở Kumbum, tôi đã chứng kiến rất nhiều đứa nhỏ bị bắt quỳ nhịn đói từ ngày này qua ngày khác trước cửa tu viện chỉ để thử thách xem lòng cầu đạo của nó có đủ mạnh không. Những ai không có ý chí mãnh liệt, không có lòng khao khát phi thường thì khó lòng được nhận. Dù được thu nhận, những đứa trẻ này còn phải trải qua rất nhiều thử thách và làm những công việc hết sức nặng nhọc. Chúng phải dậy thật sớm lúc trời chưa sáng để gánh nước từ giếng đổ vào các chum vại quanh tu viện. Khí hậu Tây Tạng lạnh kinh hồn, thế mà cứ tảng sáng lúc mặt trời chưa mọc, hàng trăm đứa trẻ như vậy phải đi gánh nước giữa những làn gió lạnh thấu xương quả là một điều khó tưởng tượng được. Sau khi gánh nước, chúng còn phải lau chùi chánh điện, lau sao cho sàn gỗ bóng lên như gương thì mới được. Các vị giám tăng thường kiểm soát rất nghiêm ngặt, đứa nào cẩu thả sẽ bị phạt ngay. Nhẹ thì ăn roi hay quỳ hương, nặng thì bị đuổi ra khỏi tu viện. Nhiều người, nhất là những độc giả châu Âu, đã hỏi tôi tại sao người ta lại có thể đối xử quá khắc nghiệt đối với những đứa bé? Nhiều học giả còn lên án phương pháp “dã man” này, nhưng họ cần biết rằng mọi thử thách đều có tính tự nguyện. Bất cứ lúc nào không chịu đựng nổi, những đứa bé đó đều có quyền rời khỏi tu viện trở về nhà hoặc tùy theo khả năng mà xin làm những công việc nhẹ hơn. Dĩ nhiên nếu như thế nó chỉ dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn và được giao cho những công việc hợp với khả năng như quét tước, nấu ăn, dọn dẹp và chỉ được dạy dỗ những điều thông thường, giới hạn với những người mà trình độ và căn cơ chỉ đến thế. Nói một cách khác, những thử thách này cũng giống như những kỳ thi khảo hạch, chỉ nhằm mục đích loại bỏ một số đông, tuyển chọn riêng những người có căn cơ, trí tuệ, khả năng và sức chịu đựng. Càng tu lên cao, các thử thách càng lớn. Một bậc trưởng lão chắc chắn đã phải trải qua hàng trăm hàng nghìn thử thách mới lên được địa vị như vậy. Dù sao đây vẫn chỉ là những sự kiện xảy ra trong phạm vi an ninh của tu viện, trong một truyền thống có sẵn và người cầu đạo đã ít nhiều biết trước. Đối với những người theo con đường mật truyền thì họ còn phải đi tìm các vị thầy ẩn tu tại thâm sơn cùng cốc, chịu đựng những thử thách bất ngờ, những điều mà một người bình thường có thể xem là vô lý.
Không phải người cầu đạo nào cũng trải qua những thử thách lớn lao, phi thường như trường hợp của Milarepa hay Naropa, nhưng đa số đều vượt qua ít nhiều thử thách trước khi được thâu nhận. Sau đây là một vài trường hợp điển hình mà chính tôi đã được nghe kể.
Yeshes Gyatso là một tu sĩ tốt nghiệp từ một trường đại học Phật giáo nổi tiếng nhưng vẫn không hài lòng về kiến thức của mình. Ông nhập thất trong nhiều năm để suy ngẫm về những điều đã học nhưng vẫn không đạt được điều ông muốn tìm kiếm. Thấy vậy, một vị Lạt Ma trưởng lão khuyên ông nên tìm đến học hỏi với một vị đạo sĩ ẩn cư trên ngọn núi cách tu viện khoảng vài trăm dặm. Cuộc hành trình tuy không xa lắm nhưng cũng gian nan vì phải đi ngang một sa mạc lớn và leo lên một đỉnh núi cao.
Với lòng khao khát cầu đạo, Yeshes lên đường và trải qua nhiều khó khăn mới tìm đến được hang động của vị đạo sư kia. Yeshes quỳ trước cửa động, lên tiếng xin được thâu nhận nhưng vị đạo sư không trả lời. Trên nguyên tắc, trừ khi bị từ chối ngay, còn khi không được trả lời là còn hy vọng nên ông tìm một chỗ tạm trú gần đó rồi ngày nào cũng đến trước cửa động làm lễ xin được thâu nhận. Sau hai tuần lễ đến cửa động cầu xin nhưng không được đáp ứng, hôm đó tự nhiên vị đạo sư quát ầm lên và bắt Yeshes phải trở về tu viện ngay lập tức. Yeshes quỳ mọp xuống đất năn nỉ nhưng vị đạo sư kia không trả lời nên ông đành vâng lời trở về. Trên đường, ông gặp một trận bão tuyết lớn nên lạc lối, lang thang trong sa mạc mất mấy tuần lễ mới tìm về được tu viện. Mặc dù thể xác suy nhược nhưng lòng cầu đạo của ông vẫn không suy giảm. Ông thấy vị đạo sư chỉ bắt ông trở về tu viện ngay chứ có cấm ông trở lại cầu đạo nữa đâu nên sau khi nghỉ ngơi dưỡng sức ít lâu, ông lại lên đường trở lại đỉnh núi để xin được dạy bảo. Cũng như lần trước, ông gặp một trận bão tuyết lớn và lại lạc lối đi loanh quanh mất một thời gian. Người Tây Tạng tin rằng các sự kiện thiên nhiên này là do chính vị đạo sư gây nên để thử thách người cầu đạo. Một số khác lại cho rằng các loài ma quái đã tạo chướng ngại để làm nản lòng người tìm đạo vì thêm một người chứng ngộ là thêm một thiệt hại cho chúng. Sau một thời gian, Yeshes cũng tìm đến nơi nhưng ông vừa quỳ trước cửa hang chưa kịp lên tiếng thì vị đạo sư lại quát ầm lên và bắt ông trở về tu viện ngay. Cứ thế trong suốt hai năm liền, ông cứ đến xin học đạo, trải qua các trở ngại thiên nhiên như gặp bão cát, bão tuyết, lạc lối để khi đến nơi lại bị đuổi về tu viện nhưng ông vẫn tiếp tục trở lại cho đến một hôm vị đạo sư nói:
– Gã ngu xuẩn kia, tại sao mi không đi tìm các danh sư nổi tiếng tại Lhasa, các học giả uyên thâm tại Kalimpong khai ngộ cho? Một kẻ già nua, dốt nát và vô dụng như ta đây thì biết gì mà dạy. Ngươi có theo học với ta cũng chỉ phí công mà thôi.
Tuy nhiên, Yeshes vẫn hết sức thành khẩn xin vị đạo sư kia chỉ dạy cho. Cuối cùng vị đạo sư nói:
– Thôi được, nếu ngươi cứng đầu cứng cổ thì ta cũng chấp nhận chỉ dạy cho ngươi; nhưng ta muốn hỏi tại sao đã nghiên cứu kinh điển, đã nhập thất tọa thiền nhiều năm mà ngươi vẫn còn mù tịt? Ngươi có vấn đề gì thắc mắc không?
Yeshes đáp rằng ông chuyên tu tập thiền định, ngồi yên tập trung tư tưởng vào các câu chú, giữ cho thân khẩu ý không rối loạn mà sao vẫn chưa chứng được gì hết. Vừa nghe đến đó vị đạo sư mắng ngay:
– Ngươi quả thật tham lam cố chấp, còn cầu chứng đắc thì sao có thể chứng đắc được? Ngươi đọc kinh mà không biết ý của kinh, tâm ngươi tham lam như vậy thì quả là muốn nấu cát thành cơm, muôn năm không bao giờ được. Ngươi phải biết rằng còn thấy có phương pháp để tu, còn thấy có quả vị để chứng, còn thấy phải ngồi yên lặng tọa thiền là còn chấp nhặt vào những hình tướng bên ngoài, ngươi phải buông bỏ những cái chấp ngã đó mới được.
– Nhưng mọi sách vở đều chỉ dạy rất kỹ về những phương pháp tọa thiền, thở hít, quán niệm; và con đã nhập thất tu thiền như vậy trong nhiều năm, bây giờ phải bỏ hết thì bỏ làm sao?
– Đừng tưởng phải ngồi yên lặng xếp bằng và niệm chú mới là thiền, mà phải biết rằng đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, nói chuyện cũng là thiền hết. Điểm chính yếu là ngươi phải biết giữ sao cho tâm lúc nào cũng an nhiên tự tại, không để cho các vọng tưởng lôi cuốn, không để cho tham sân si chi phối, tự nhiên tùy thuận theo đời sống, giữ sao cho tâm không bị xao động là được. Không cần phải nhập thất tĩnh tu, không cần phải cố gắng thái quá để đạt đến một cái gì mới là thiền, mà trái lại ngươi phải biết sống tự nhiên như một người bình thường nhưng khi ăn biết rõ rằng mình đang ăn, khi uống biết mình đang uống, khi tham biết mình đang tham, khi giận biết mình đang giận. Gặp việc thuận ý không kiêu căng, việc nghịch ý không nản lòng, lúc nào cũng ý thức và biết giữ tâm bình thản, đó mới là thiền định. Ngươi hãy xuống chân núi sống chung với bọn mục đồng, sống cho thật tự nhiên, hàng ngày đốn củi, xách nước, chăn dê và thực hành điều ta chỉ dạy.
Yeshes làm đúng theo lời dạy bảo, xuống núi sống chung với bọn mục đồng một thời gian và tự nhiên quán triệt được những điều ông vẫn thắc mắc trong bao năm tu hành. Ông trở thành một Lạt Ma nổi tiếng giúp đỡ rất nhiều người. Tôi đã có dịp đàm đạo với ông nhiều lần và ông thường kể cho tôi về vị thầy này. Tôi đã tìm đến đỉnh núi nơi vị đó ẩn tu nhưng ngài đã đi đâu mất, chỉ còn chiếc hang đá thô sơ bỏ trống. Tôi đứng đó, trong lòng hết sức cảm khái và tiếc vì đã không có cơ hội được học hỏi với một vị thầy như vậy.
Không phải ai cũng tầm sư học đạo với một tâm thành và một mục đích tốt đẹp. Nhiều người đã có những mục đích khác nhưng khi đã chứng đắc thì họ thường thấy rằng cái mục đích ban đầu thật không nghĩa lý gì so với những điều họ đã trải nghiệm được. Sau đây là một trường hợp khác. Karma Dorjee xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Vì không thể nuôi một đàn con quá đông nên cha mẹ ông đã đem ông đến nhờ tu viện nuôi giùm. Vì gầy yếu, có tật ở chân, đi đứng khập khiễng, lại xuất thân nghèo kém nên thường bị bạn bè khinh thường, chế nhạo, bắt nạt, có khi đánh đập. Khi lớn lên, các trò chơi độc ác này cũng theo đó mà thay đổi.
Thay vì hiếp đáp hay hành hạ thì bạn bè lại bảo nhau tránh né, không tiếp xúc hay nói chuyện với ông. Sự im lặng khinh bỉ đó còn ghê gớm hơn cả roi gậy hay những lời nói bất nhã, nhưng chính những nghịch cảnh đó lại hun đúc cho Karma Dorjee một đức tính cương quyết và chịu đựng phi thường.
Ông quyết định rằng một ngày kia ông sẽ phải vượt cao hơn hẳn các bạn đồng môn khiến họ phải tâm phục khẩu phục mới thôi. Ông quyết định trở thành một tu sĩ chuyên về huyền thuật, có quyền năng chế ngự và sai khiến quỷ thần vì ông nghĩ chỉ có đạt được những quyền năng đó thì chúng bạn mới kính phục. Khi vừa đủ mười tám tuổi, Karma Dorjee đến xin vị trụ trì cho phép ông tu nhập thất trên ngọn núi gần đó. Một sự yêu cầu chính đáng như vậy thường được chấp nhận ngay.
Karma Dorjee tìm lên một động đá hoang vu, nỗ lực tu tập cách luyện lửa tam muội. Hàng tháng, các tăng sĩ trong tu viện thường mang vật thực tiếp tế cho những người tu nhập thất. Lúc nào họ cũng thấy ông chuyên tâm thiền định không hề xao lãng, có khi quên ăn quên ngủ. Sau một thời gian, ông có thể cởi trần ngồi giữa tuyết lạnh mà vẫn không hề hấn gì. Tóc ông mọc dài, rậm rạp như người rừng. Khi những người tiếp tế lương thực thấy ông cởi trần ngồi giữa tuyết lạnh thì họ hết sức sợ hãi và xôn xao bàn tán rằng ông đã trở thành cao thủ trong môn lửa tam muội này. Mặc dù đã nổi tiếng nhưng ông biết rằng việc ngồi trần giữa tuyết lạnh chưa đủ làm người khác phải kính phục nên sau hai năm tu tập, ông trở về chùa xin phép vị trụ trì cho ông lên đường tầm sư học đạo thêm.
Vì ông chỉ muốn tìm một pháp môn thật cao siêu, khác thường, hơn hẳn mọi người nên sau một thời gian dài lang thang khắp nơi mà vẫn chưa tìm được vị thầy nào xứng ý, sau cùng ông phải dùng đến phương pháp kêu gọi các chư thần hộ pháp giúp đỡ cho. Ông sắp đá thành một cái đàn tràng hình tròn rồi bắt ấn, niệm chú cầu xin các đấng linh thiêng giúp ông tìm được một vị thầy có thể chỉ dạy cho ông về những giáo pháp thượng thừa.
Sau bảy ngày bảy đêm thực hành phương pháp này, đến đêm cuối bỗng có một tiếng nổ lớn phát ra từ đỉnh núi, sườn núi tự nhiên xẻ làm đôi và nước lũ trên núi tràn xuống cuốn ông đi.
Khi tỉnh dậy, Karma Dorjee thấy mình đang đứng trước một am thất nhỏ nằm khuất trên một sườn núi cây cối xanh tươi. Đang ngơ ngác thì ông thấy một chú tiểu đang gánh nước dưới suối lên. Thấy một người mình trần, đầu tóc rậm dài, hình thù quái dị, chú tiểu hoảng hốt đổ cả gánh nước, nhưng ông đã vội trấn an:
– Đừng sợ, tôi là người chứ không phải quỷ quái gì đâu! Xin chú cho tôi biết đây là am thất của vị nào?
– Đây là am thất của thầy tôi, Lạt Ma Tobsgyais.
Tin rằng mình đã được thần linh ủng hộ đưa đến gặp đúng thầy, ông nói bằng một giọng kiêu ngạo:
– Phiền chú vào báo cho Lạt Ma Tobsgyais biết rằng các chư thiên hộ pháp đã đưa đến cho người một đệ tử.
Chú tiểu vội vã chạy vào báo tin. Lạt Ma Tobsgyais là một bậc học giả uyên thâm nhưng bản tính tĩnh mịch, chỉ thích ẩn mình nơi chốn hoang vu để thiền định và nghiên cứu kinh điển. Được đệ tử báo tin, ông bèn bước ra hỏi thăm. Karma Dorjee bèn kể chuyện mình khao khát muốn tu luyện phép thần thông nhưng không kiếm ra thầy nên phải sử dụng huyền thuật nhờ các chư thiên hộ pháp ủng hộ tìm cho một vị thầy xứng đáng. Nghe xong, Tobsgyais thản nhiên nói:
– Chỗ ngươi lập đàn tràng Kyilkhor cách đây cũng khá xa thế mà ngươi đến được đây quả cũng là sự lạ, nhưng tại sao người xuất gia lại chẳng mặc quần áo chi hết?
– Tại tôi đã luyện thành môn lửa tam muội nên chẳng cần đến quần áo nữa. Dù thời tiết lạnh lẽo thế nào cũng không ảnh hưởng gì đến thân thể tôi.
Lạt Ma Tobsgyais không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ ra lệnh:
– Được rồi, tiểu đồng mau đưa gã này xuống bếp, lấy một bộ quần áo ấm cho gã mặc à đốt lò sưởi vì hắn đã chịu lạnh suốt mấy năm nay rồi. Nói xong, ông quay lưng bỏ đi không hỏi thêm một câu gì nữa.
Dorjee lấy làm ngạc nhiên vì ông đâu cần y phục hay lò sưởi, cái ông muốn là học các pháp môn huyền bí thượng thừa kia, nhưng ông cũng tuân lời khoác đỡ cái áo bằng lông dê và đến ngồi cạnh lò sưởi. Chú tiểu dọn cơm cho ông ăn và cho biết Lạt Ma Tobsgyais đã chấp nhận cho ông trú ngụ tại đó.
Hơn một năm trôi qua, Dorjee ngày ngày theo chú tiểu xách nước, bổ củi, làm những công việc thông thường trong am thất nhưng không hề gặp lại Lạt Ma Tobsgyais vì ông này lúc nào cũng đóng cửa tĩnh tu. Thỉnh thoảng ông chỉ nghe tiếng vị Lạt Ma này đọc kinh giảng sách hay chỉ bảo thêm cho chú tiểu nhưng không bao giờ ông cho gọi Dorjee vào. Nhiều lần ông này đánh bạo yêu cầu chú tiểu nhắc Lạt Ma Tobsgyais về mục đích học đạo của mình nhưng chú tiểu nói rằng sau khi nghe nói, Lạt Ma Tobsgyais vẫn im lặng không nói gì. Cuộc sống cứ thế kéo dài nhiều năm khiến Dorjee đâm ra thất vọng, buồn chán và có lúc nghi ngờ cả việc mình được chư thiên hộ pháp đưa đến nơi này. Ông cho rằng có lẽ Lạt Ma Tobsgyais biết rõ gốc gác hạ tiện của mình nên khinh bỉ không thèm dạy dỗ. Nghĩ đến đó ông đau khổ vô cùng và có ý muốn từ bỏ nơi nay, nhưng ông nghĩ mình đã lang thang nhiều năm không tìm ra thầy, được đưa đến đây cũng là một nhân duyên hiếm có nên đành nán lòng chịu đựng. Ông nhủ thầm có lẽ Lạt Ma Tobsgyais đang thử thách mình nên cứ nán lòng chờ đợi.
Mùa đông năm đó có một vị hóa thân trụ trì một ngôi chùa gần đó ghé thăm Lạt Ma Tobsgyais. Ông này nhìn thấy một tăng sĩ để tóc dài, hình dáng dị thường, chỉ khoác một tấm áo mỏng đứng bổ củi nên hỏi:
– Tại sao nhà ngươi không sợ lạnh?
– Tại vì tôi đã luyện thành công môn lửa tam muội, tuyết lạnh thế nào cũng không ảnh hưởng gì đến tôi cả.
– Phép luyện lửa tam muội đâu phải dễ, luyện được như vậy là khá lắm rồi, nhưng ngươi làm gì ở đây?
Karma Dorjee vội vã kể lại sự tình, từ lúc còn nhỏ bị ngược đãi như thế nào, việc quyết tâm luyện lửa tam muội thành công và lòng khao khát được học hỏi những pháp môn thượng thừa để cho bạn bè kính phục ra sao.
Ông còn kể rõ việc mình lang thang khắp nơi tìm thầy học đạo nhưng không tìm được ai nên phải nhờ các chư thiên, hộ pháp giúp đỡ bằng cách lập đàn tràng và được nước lũ cuốn đến đây. Ông than thở rằng tuy được thâu nhận nhưng không hề được gặp Lạt Ma Tobsgyais hay được ngài dạy dỗ điều gì. Cuối cùng ông nhờ vị hóa thân thương xót mà nói giúp cho. Vị này ngạc nhiên:
– Ta quen biết Lạt Ma Tobsgyais đã lâu. Ngài là một vị cao tăng đã đắc đạo nhưng ưa tĩnh mịch, đâu có ý muốn thâu nhận đệ tử mà chỉ thích đóng cửa tĩnh tu. Nhưng nếu ngài đã thâu nhận ngươi thì chắc chắn ngài phải có một chủ ý chi đó. Ngươi muốn học hỏi điều gì với ngài?
– Tôi muốn cầu pháp thượng thừa như bay bổng trên không trung, hô phong hoán vũ, phát hào quang sáng chói khắp châu thân cho mọi người nể phục.
Vị hóa thân mỉm cười hứa sẽ nói lại với Lạt Ma Tobsgyais, nhưng trong suốt mấy tuần lễ ông ghé ở đó vẫn không thấy động tĩnh gì. Karma Dorjee đã hy vọng và thất vọng nhiều lần nên khi không thấy gì ông nghĩ rằng vị hóa thân đã quên không nói giúp cho mình nên buồn lắm. Khi vị hóa thân lên đường trở về, ông chẳng buồn đi tiễn mà chỉ tiếp tục ra sân bổ củi. Khi vừa đi ngang chỗ ông đứng, vị hóa thân dừng ngựa lại nói vắn tắt:
– Ta đã nói chuyện với Lạt Ma Tobsgyais về việc ngươi muốn học huyền thuật rồi, nhưng ngài nói rằng ngài không có các bộ kinh đó nên không dạy bảo cho ngươi được. Tuy nhiên, bên chùa của ta thì có rất nhiều sách vở huyền thuật nên ngài cho phép ngươi theo ta qua bên đó để học.
Karma Dorjee mừng rỡ đứng ngây người ra một lúc rồi mới vội vã chạy vào phủ phục trước am thất của Lạt Ma Tobsgyais vái lạy mấy lần rồi theo vị hóa thân kia lên đường.
Vị hóa thân đưa ông lên một đỉnh núi sau chùa nơi đó có xây cất một tịnh thất nhỏ:
– Đây chính là tịnh thất riêng của ta nhưng Lạt Ma Tobsgyais đã yêu cầu ta dành lại cho nhà ngươi. Ngài có đưa cho ta một danh sách những sách vở huyền thuật mà ngươi cần dùng. Ta đã cho người vào thư viện soạn riêng ra và mang đến đây cho ngươi. Ngươi cứ tuần tự mà nghiên cứu và tu học. Hàng ngày ta cho người đem vật thực tiếp tế cho ngươi, ngươi hãy cố gắng tu hành đừng để phụ lòng thầy ngươi.
Karma Dorjee hết sức cảm động. Lần đầu tiên trong đời, ông thấy mình được đối xử một cách tử tế. Ông bắt đầu nghiên cứu các bộ sách và tu tập. Ông trì giới, kết ấn, đọc chân ngôn một cách chí thành và nghiêm cẩn.
Chẳng bao lâu ông đã thuộc lòng cả bộ kinh và những câu thần chú. Thỉnh thoảng vị hóa thân cũng ghé qua theo dõi việc tu học của ông hoặc nói cho ông biết những điều mà Lạt Ma Tobsgyais nhắn nhủ. Ngày đêm Karma Dorjee thiền định một cách tinh tấn và dần dần thấu triệt được những lẽ huyền vi mà văn tự không thể diễn tả. Ít lâu sau Lạt Ma Tobsgyais đưa qua cho ông những bức bút thiếp để ông tập quán chiếu và ông nhận thấy rằng ngay cả những bức họa, những dòng chữ loằng ngoằng cũng ẩn nhiều ý nghĩa huyền bí. Cứ thế, ông mê mải tu tập cho đến một hôm Lạt Ma Tobsgyais đưa đến cho ông một thông điệp “Hãy buông hết đi” . Ông đọc đi đọc lại mãi vẫn không hiểu thầy muốn nói gì. Ông tựa cửa đứng nhìn xuống thung lũng phía dưới, nhìn những bóng người qua lại, nhìn áng mây bay, nhìn dòng nước biếc lững lờ. Đêm hôm đó ông bắt đầu tĩnh tọa nhưng không còn theo những lời chỉ dẫn trong sách nữa. Ông mê man trong thiền định, thân và tâm không còn vọng động và ông thấy mình như tách rời ra khỏi tất cả, bay bổng trong không trung nhìn xuống một đại dương tràn ngập ánh sáng chói lọi.
Trong nhiều năm ông cố gắng tu tập như thế, không còn biết đêm ngày cho đến một hôm ông thấy mình nhẹ nhõm như bay lên không trung.
Ông hít một hơi dài và nghĩ đến một đám mây, tự nhiên ông thấy mình ngồi trên đám mây đó bay đi khắp nơi. Ông liền tập trung tư tưởng hướng dẫn cho đám mây đó bay về hướng tu viện cũ. Từ trên cao nhìn xuống, ông thấy các bạn bè ngày trước đang sinh hoạt trong tu viện, ở đây một vài người đang quét nhà, kia một vài người đang lau chùi sàn chánh điện. Một số đang tụng kinh nhưng đầu óc họ lại nghĩ đến những điều đâu đâu. Một số khác tranh cãi về khẩu phần ăn trong nhà bếp. Ông cũng nhìn thấy những đứa trẻ mới gia nhập tu viện đang bị những người đi trước bắt nạt, hành hạ, ngược đãi. Trò “ma cũ bắt nạt ma mới” vẫn xảy ra như xưa. Tuy nhiên, vì một lý do gì không rõ, ông thấy người nào cũng có vẻ già nua, khắc khổ hẳn đi.
Ở trên cao nhìn xuống ông thấy họ dường như bé nhỏ tầm thường khiến ông đâm ra thương hại. Ông nghĩ rằng nếu mình từ trên mây đáp xuống trong hào quang rực rỡ thì không biết họ sẽ sửng sốt như thế nào và rồi tất cả sẽ phải quỳ mọp xuống đất bái phục vì ông đã đắc thần thông.
Nhưng khi nhìn kỹ các bạn cũ, ông lại thắc mắc không hiểu vì sao ai ai cũng có vẻ buồn chán, mệt mỏi? Tại sao ngày trước họ oai phong, hùng dũng biết bao mà ngày nay lại có vẻ tầm thường đến vậy? Bất chợt ông ý thức rằng những người đó chỉ biết cắm đầu làm những công việc sẵn có từ trước mà không hề thực sự biết mình làm gì, không hề biết tu biết học. Họ chỉ như một cái máy tụng kinh niệm Phật chứ không hề biết phát nguyện tìm đường giải thoát ra khỏi các hệ lụy của trần gian. Tuy sống trong tu viện nhưng họ vẫn tham lam, sân hận và si mê, vẫn đau khổ, vẫn có những thói thường nhỏ nhen của cuộc đời, vẫn tạo ra những nhân xấu và rồi phải chịu các quả báo về sau.
Nhìn nét mặt cau có của các bạn cũ, ông ý thức rằng họ gạt bỏ những thú vui trần gian để vào tu viện nhưng chưa có diễm phúc được nếm các thú vui thanh cao của đời sống tâm linh nên cứ lăng xăng kẹt ở giữa. Vì ngũ dục thì đã từ bỏ mà pháp vị thì chưa được nếm nên họ đâm ra cau có, khó chịu và đối xử với nhau một cách tệ bạc như ông đã từng trải qua. Tự nhiên ông thấy trong lòng nổi lên một niềm thương xót vô hạn. Ông nghĩ đến công phu tu hành của mình, đến vinh quang mà ông nghĩ sẽ được hưởng khi luyện thành các huyền thuật thượng thừa và thấy tất cả chỉ là những bọt nước, những bóng mờ, những phù du giả tạo. Công phu tu hành của ông thật không nghĩa lý gì nếu ông chỉ làm để thỏa mãn bản ngã. Bất chợt ông nghĩ đến thông điệp cuối cùng của Lạt Ma Tobsgyais “Hãy buông hết đi” và giật mình tỉnh ngộ.
Karma Dorjee thấy lòng mình thay đổi. Mọi ân oán từ trước đều tiêu tan. Ông không còn nghĩ gì đến sự kính phục của các bạn hay những lời mỉa mai, thách đố của họ đối với ông ngày trước. Khi tâm ông đã lặng yên thì ông chỉ thấy một tình thương bao la như biển cả mà thôi. Bất chợt, ông nghe một tiếng nổ lớn rồi thấy tu viện dưới chân mình bỗng chuyển động như trải qua một trận địa chấn, mặt đất tự nhiên nứt ra và một ngọn núi ở đâu bỗng nhô cao lên. Ông thấy cát bay, đá chạy, dông bão nổi lên đùng đùng, tất cả đều bị cuốn hút vào một vòng xoáy quay cuồng. Ông thấy vầng nhật nguyệt thay phiên nhau xuất hiện trên bầu trời chói lọi cả không trung và tất cả những hiện tượng hiện ra rồi lại tan rã, hợp rồi tan, tan rồi lại hợp, tiếp diễn không ngừng.
Dorjee trở về tịnh thất của mình. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như xưa. Cũng vẫn mấy kệ sách, lò than hồng, bình trà và tấm bồ đoàn cũ rách nơi ông thường tọa thiền. Quang cảnh chẳng có gì thay đổi, như hôm qua, hôm nay và nhiều năm trước đó khi ông mới đến đây. Ông bước ra cửa hang, vẫn những rặng núi mờ nhạt sau làn mây. Dưới chân núi, ngôi chùa của vị hóa thân vẫn nằm im sau hàng cây tươi mát. Tất cả vẫn y nguyên không thay đổi nhưng trông ra đều khác hết. Vẫn là núi, vẫn là rừng cây nhưng hôm nay ông lại nhìn nó dưới một nhãn quang khác hẳn. Karma Dorjee bình tĩnh nhóm lửa nấu một bình trà rồi rút ra một con dao nhỏ cắt luôn bộ tóc dài của mình ném vào đống lửa (đa số các tu sĩ luyện huyền thuật thường để tóc rất dài như một dấu hiệu nhận dạng). Sau khi uống trà, ông thu gom hành trang, đóng cửa tịnh thất và xuống núi tìm đến vị trụ trì:
– Tôi xin phép ngài được trở lại am thất của thầy tôi, Lạt Ma Tobsgyais, để tạ ơn ngài đã chỉ cho tôi một con đường sáng.
Vị hóa thân im lặng một lúc rồi ngậm ngùi đáp:
– Lạt Ma Tobsgyais đã viên tịch từ sáu tháng nay rồi, nhục thể của ngài đã được nhập tháp. Nếu muốn đến đó để thắp vài nén hương thì ông có thể lấy con ngựa của ta mà đi cho nhanh.
Karma Dorjee cúi đầu làm lễ cảm ơn vị hóa thân rồi lên đường trở lại am thất xưa. Đến nơi, ông quỳ mọp trước cửa am thất mà lòng vô cùng sảng khoái. Chú tiểu xưa kia nay đã thành một vị sư lớn tuổi, bước ra đưa cho ông tấm áo cà sa của Lạt Ma Tobsgyais và nói:
– Trước khi viên tịch, thầy có nói rằng sẽ có ngày huynh trở lại và khi đó hãy trao cho huynh tấm áo này làm tin.
Lạt Ma Karma Dorjee bùi ngùi tiếp nhận tấm áo cà sa của Lạt Ma Tobsgyais. Từ đó ông theo gót vị này tiếp tục công việc nghiên cứu và chú giải kinh điển. Trong dịp du hành qua miền bắc xứ này, tôi đã có dịp gặp Lạt Ma Karma Dorjee nhiều lần. Mặc dù khi đó ông đã ngoài 90 nhưng ông vẫn vui vẻ chỉ cho tôi những điều tôi còn thắc mắc về Phật học và kể cho tôi câu chuyện về thời niên thiếu của ông
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet