
Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương VI: Lý thuyết và Thực hành
Trên nguyên tắc, truyền thống tôn giáo Tây Tạng được phân chia thành hai khuynh hướng: khuynh hướng công truyền chủ trương tu sĩ phải sống trong tu viện, tuân theo giới luật, học hỏi kinh điển như một phương tiện để giải thoát; khuynh hướng mật truyền phóng khoáng hơn, không chịu giới hạn vào các điều kiện và kỷ luật của tu viện mà chủ trương rằng người ta phải tìm vào những nơi chốn hoang vu để hồi quang phản chiếu theo những phương pháp bí mật như một phương tiện để giải thoát.
Mặc dù mục đích của hai khuynh hướng không khác nhau nhưng phương tiện thì có vẻ như hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược. Đối với người Tây Tạng, dường như không hề có sự phân cách rõ rệt nào giữa hai khuynh hướng cả. Một số tu sĩ sau khi sống trong các tu viện, học hỏi những kinh điển, giáo điều, lại rời bỏ nếp sống này, tìm lên những vùng hoang vu và tu theo những phương pháp bí mật. Một số tu sĩ khác, sau nhiều năm sống trong các hang đá để nghiên cứu mật lý lại tìm về các tu viện để học hỏi thêm các kinh điển công truyền. Trong suốt lịch sử Tây Tạng, người ta không hề thấy có sự tranh chấp nào giữa hai khuynh hướng mặc dù vẫn có những cuộc tranh luận về phương pháp cũng như kỹ thuật.
Các tu sĩ sống cuộc đời đạo hạnh trong các tu viện, tuân theo giới luật, đều nhận định rằng lối sống này chỉ là một giai đoạn trên con đường tu thân cầu giải thoát chứ không phải là lối sống duy nhất. Các tu sĩ theo truyền thống mật truyền, sống trong những vùng hoang vu cô tịch cũng không bài bác lối sống trong tu viện. Họ nhận định rằng giới luật tuy quan trọng nhưng nó chỉ có tính cách tương đối chứ không phải là một kỷ luật, một thứ luật pháp mà người ta phải triệt để tuân theo. Tùy ý thức và trình độ của mỗi cá nhân mà họ tự lựa chọn một khuynh hướng thích hợp và tuân giữ các quy tắc riêng.
Tuy nhiên, cả hai khuynh hướng đều đồng ý rằng khuynh hướng thứ nhất ít nguy hiểm hơn. Một đời sống đạo hạnh, hành trì giới luật nghiêm cẩn, tuân theo các kỷ luật của tu viện, tụng kinh, trì chú, thiền định, quán tưởng là những phương pháp nhằm mục đích thanh lọc bản thân tuy chậm mà chắc, và theo thời gian họ sẽ được giải thoát. Khuynh hướng mật truyền hay “con đường tắt”, thường được xem là hết sức nguy hiểm, không phải ai cũng có thể theo đuổi.
Các danh sư Tây Tạng thường nói rằng “Có nhiều cách để leo lên một đỉnh núi, người ta có thể đi vòng quanh núi, theo những con đường mòn để đi lên đến đỉnh, hoặc cũng có thể trèo thẳng lên đỉnh bằng một sợi dây dài, không phải đi vòng quanh núi làm gì cho mất công. Dĩ nhiên chỉ những tay leo núi thiện nghệ, có sức khỏe, liều lĩnh và can đảm mới có thể đi theo lối sau. Không những thế, đi theo lối này còn phải tùy theo phương tiện là sợi dây có bền bỉ chắc chắn hay không. Một sợi dây không tốt khi bị cứa vào đá, sẽ mòn rồi đứt và người leo núi sẽ ngã xuống vực sâu. Khi leo núi, người ta còn phải biết chú tâm vào cái mục tiêu tối hậu là đỉnh núi, nếu khi leo mà còn quay đầu nhìn chỗ này chỗ nọ thì dễ bị chóng mặt, bủn rủn chân tay, dễ sẩy tay ngã. Do đó, đây là con đường nguy hiểm hơn; đi theo đường mòn tuy chậm và mất công nhưng nếu cứ lần bước theo những lối đi đã vạch sẵn thì cũng đến được mục đích mà ít gặp nguy hiểm. Tu theo các pháp môn mật truyền rất khó vì nó đòi hỏi người theo phải cương quyết và có ý chí rất mạnh, nếu yếu ớt, do dự, không dũng mãnh thì dễ gặp nguy hiểm, có thể nguy hại đến tính mạng hoặc sa vào những đường đọa lạc”.
Một điểm rất quan trọng cần được nhấn mạnh là cả hai khuynh hướng đều đề cao sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân. Dù theo con đường nào, khuynh hướng nào, chính cá nhân đó phải nỗ lực chứ không thể ỷ lại vào một sức mạnh nào hay trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Phần mở đầu bộ kinh Kanguyr ghi rõ rằng “Đức Phật chỉ là người soi đường, mọi chúng sinh đều phải cất bước lên đường, phải trông cậy vào sức hành trì, khả năng và sự kiên nhẫn của chính mình để tiến bước”. Các vị tổ hay đạo sư (guru) chỉ là những người đi trước, những người dẫn đạo, những người giúp đỡ, hướng dẫn trong một giai đoạn ngắn, chứ không phải là những người có thể cứu giúp hay đưa ai đến mục đích tối hậu là giải thoát. Trong khi đi trên đường đạo, yếu tố tự lực và tha lực luôn luôn đi đôi với nhau. Phải có tự lực – nghĩa là phải tự cất bước, nỗ lực đi – thì mới có yếu tố tha lực – nghĩa là sự giúp đỡ của những người khác (như các vị tổ, vị thầy). Có thể hiểu như vầy, khi đi mà vấp ngã thì người bạn đồng hành có thể nâng đỡ, dìu dắt nhưng không ai có thể cõng mình leo lên núi.
Trong khi các tu sĩ sống trong tu viện phải tuân theo những kỷ luật, truyền thống và phải trải qua những kỳ thi mới được gọi là Lạt Ma (Lama), Đại đức (Gelong), Hòa thượng (Rinpoche) hay Trưởng lão (Grand Lama); người đi trên con đường bí mật không trải qua những giai đoạn này mà tùy theo trình độ để được điểm đạo ở một cấp bậc nào đó. Vì việc điểm đạo chỉ có thầy và trò biết với nhau, không ai có thể kiểm chứng nên việc tự phong cho mình các cấp bậc, chức tước đã xảy ra rất nhiều. Tôi đã gặp rất nhiều pháp sư, phù thủy tuyên bố rằng họ đã được điểm đạo ở những cấp bậc rất cao. Vì “con đường tắt” có tính cách bí mật, không dựa vào những giới luật, tín điều hay sách vở nên người ta có thể giảng giải, dạy dỗ tùy theo trình độ hiểu biết của mình. Dĩ nhiên nó dễ bị hiểu lầm và thường bị lợi dụng vì không phải người nào cũng nhắm vào mục tiêu tối hậu là giải thoát. Một số pháp sư, phù thủy chỉ xem đây như là một phương tiện kiếm sống, một nghề nghiệp. Nhờ thu lượm được những kiến thức đặc biệt mà họ có thể hành nghề, thu nạp đệ tử, hay để đạt những mục đích có tính lợi kỷ. Do đó người ta phải biết chọn thầy, nếu gặp những người có mục đích tà muội thì có thể sa đọa vào những nẻo tối tăm không sao thoát được. Điều này có thể ví như khi leo núi mà không gặp người dẫn đường giỏi hướng dẫn thì cứ lần mò trong những thung lũng, hang hốc tối tăm, không thể leo đến đỉnh được.
Tóm lại, vai trò của người thầy hết sức quan trọng, vì người ta không thể đi vào con đường này nếu không có thầy hướng dẫn. Việc chọn lựa một vị thầy là yếu tố hết sức quan trọng, không những nó quyết định số phận của người đệ tử trong kiếp sống này mà còn cả những kiếp sống tương lai, nghĩa là cả sau khi chết nữa, vì hành động nào cũng là cái nhân, nghĩa là sẽ có hệ quả, tốt hoặc xấu, lành hoặc dữ. Việc hành trì một phương p áp nào đó cũng không khác, nghĩa là sẽ tạo ra hệ quả bất lợi nếu nó vi phạm những định luật tự nhiên, bất biến.
Phần lớn các vị thầy thường quan sát và thử thách học trò rất kỹ trước khi truyền dạy các pháp môn bí truyền. Vì việc huấn luyện đòi hỏi một nỗ lực phi thường của vị thầy nên đa số thu nhận rất ít học trò. Tôi đã có dịp tiếp xúc với các danh sư Tây Tạng, nhiều vị có những quyền năng đặc biệt hay đã đạt những trình độ rất cao nhưng tôi chưa thấy ai thu nhận nhiều học trò cả. Điều này có thể giải thích qua phương pháp dạy dỗ – khuynh hướng công truyền dạy dỗ học trò qua sách vở, lớp học, kỳ thi khảo sát, nên có thể thu nhận nhiều người. Đa số đều được dạy dỗ như nhau, tùy theo căn cơ riêng mà mỗi người thu nhận ít hay nhiều. Khuynh hướng bí truyền có tính cách cá nhân, đòi hỏi vị thầy phải theo dõi từng học trò để tìm cách hướng dẫn, chỉ bảo, tùy căn cơ mỗi người. Các vị thầy Mật Tông ít khi nào giảng dạy học trò cùng một lúc mà thường giao cho mỗi người một việc, một đề tài riêng biệt để suy ngẫm. Tùy theo kết quả của việc đó mà vị thầy thẩm xét trình độ của từng học trò, rồi chỉ dẫn. Khuynh hướng này đòi hỏi phải có kỷ luật tự giác và tinh thần cầu đạo hết sức quyết tâm. Nhiều người sống cả năm với thầy mà không hề được dạy bảo một điều gì, nhiều khi còn bị thầy la mắng, đánh đập là chuyện thường. Một số học giả người châu Âu đã nghi ngờ việc dạy dỗ mà họ cho là vô lý này. Một số chất vấn khả năng tri thức của các vị thầy mà họ cho rằng “chẳng làm gì hết”, chỉ ngồi lim dim cả ngày, chờ học trò cơm nước, hầu hạ. Họ không biết rằng vị thầy không dạy dỗ bằng lời nói hay sách vở mà bằng chính bản thân hay nếp sống của mình. Học trò phải vận dụng khả năng khi sống gần thầy để quan sát, tìm hiểu, suy ngẫm, để tập trung tinh thần vào những đề mục; quán tưởng, vào các bí quyết mà thầy truyền trao trong vòng bí mật. Khi trò vận dụng công phu như vậy thì thầy cũng phải hạ thủ công phu để tìm hiểu xem học trò tiến bộ đến đâu, có chỗ nào thắc mắc để chỉ dẫn thêm.
Khi học trò đã đạt đến một trình độ nào đó, các vị thầy thường khuyên học trò tìm vào những nơi hoang vắng hoặc nhập thất (tsams khams) tĩnh tu. “Tsams” theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là một giới hạn, một nơi để trú ẩn. Đối với những bậc tu cao thì “tsams” có thể là một nơi chốn để họ trụ tâm vào, một cảnh giới, một chỗ nào đó trong tâm chứ không nhất thiết là một địa điểm nào. Đối với một số người khác, nó có thể là một căn phòng kín, một căn nhà nằm tách biệt hoặc một động đá hoang vu.
Khi được chỉ định nhập thất theo nghĩa thông thường thì người tu phải sống trong một căn phòng riêng, ngăn cách với thế giới bên ngoài để tụng kinh, trì chú, nhập định hay thực hành một phương pháp tu hành nào đó. Trong thời gian này, họ không được tiếp xúc với ai, ngoại trừ một số người đã được chỉ định từ trước. Tuy thế, những người này cũng không được phép vào trong căn phòng đó mà chỉ được tiếp xúc với người nhập thất bên ngoài cánh cửa đóng kín hoặc sau một bức rèm. Một số người tu nhập thất thường phát nguyện tịnh khẩu, nghĩa là không nói mà chỉ viết lên giấy những điều họ muốn. Phần lớn đều đóng tất cả cửa sổ và dán lên đó một miếng giấy dầy để không nhìn thấy những gì bên ngoài có thể làm xao lãng việc tập trung tư tưởng của họ. Đa số các phòng dành riêng cho việc tu nhập thất đều không có cửa sổ, được xây dưới lòng đất, tại những nơi hẻo lánh, khuất nẻo trong các tu viện hoặc trên những vùng hoang vắng nhưng không quá xa tu viện. Những căn phòng này được xây cất hết sức kín đáo, cửa vào được làm bằng những tấm ván rất dày để ánh sáng và tiếng động bên ngoài không lọt vào. Người ta chỉ khoét một lỗ nhỏ vừa đủ để đưa thực phẩm vào. Phần lớn những người tu nhập thất ăn uống rất giản đơn, chỉ một mẩu bánh và một chén nước, đủ để sống mà thôi. Nếu vì lý do gì đó không được cung cấp vật thực thì họ đành nhịn đói chứ không thể liên lạc hay kêu gọi người bên ngoài. Thông thường, người tu nhập thất chỉ phát nguyện tu trong một thời gian nhất định, vài tháng hay một năm là nhiều. Chỉ các bậc trưởng lão, những người thực hành các pháp môn đặc biệt mới kéo dài thời gian nhập thất đến ba năm, ba tháng và ba ngày. Dĩ nhiên cũng có người phát nguyện tu vài chục năm hay trọn đời trong những căn phòng đóng kín, nhưng số này không nhiều.
Tôi đã có dịp quan sát những căn phòng đó, đa số đều tối tăm, ẩm thấp, không hợp điều kiện vệ sinh tối thiểu. Tôi tự hỏi không biết họ đã thu được những gì trong cuộc sống bưng kín đó? Có người kể rằng khi sống lâu trong bóng tối, họ lại thấy căn phòng đó tỏa ra một thứ ánh sáng rất kỳ lạ soi rõ tất cả mọi vật, một thứ ánh sáng “phát xuất từ bên trong” với những phong cảnh kỳ lạ mà nhiều người cho là những “cảnh giới của nội tâm”.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng luồng ánh sáng đó phát xuất từ những lỗ hổng nhỏ bằng đầu kim được khoét trên vách để ánh sáng lọt vào khiến người tu nhập thất quen dần với ánh sáng trước khi họ được lệnh rời thất ra ngoài.
Không phải ai cũng tu nhập thất như vậy, nhiều người được lệnh vào rừng sâu núi thẳm tu trong các hang động và sống tự túc, nghĩa là phải sống bằng các thực phẩm dự trữ mang theo. Trong thời gian này, họ không được phép tiếp xúc với ai hoặc nếu có ai đi ngang qua thì họ cũng không được phép nói chuyện.
Một số người đã hỏi tôi về việc ngồi yên trong một căn phòng tối hoặc một hang đá hoang vu để làm gì. Dĩ nhiên họ không ngồi một cách thụ động mà phải vận dụng công phu để suy ngẫm, để trì tụng những bài thần chú, để kiểm soát tư tưởng v.v… Từ “tham thiền” hay “nhập định” thường được sử dụng một cách bừa bãi nên nhiều người đã đề cập đến nó mà không nhận định nó như thế nào.
Theo ý kiến của tôi thì tất cả mọi người, trong một giây phút nào đó đều ở trong một trạng thái gọi là thiền định, và trạng thái này đều đến với chúng ta khi chúng ta không nghĩ đến nó. Đó chính là cái linh năng tự phát lộ khi tâm hồn chúng ta hoàn toàn an tĩnh, không bị bận rộn, bị lôi cuốn bởi dục vọng thể xác, bởi các xúc cảm đến từ bên ngoài. Dĩ nhiên trạng thái này khó thực hiện nhưng khi đã đạt được nó, chúng ta sẽ không còn phụ thuộc vào ngoại cảnh. Đó là cái giây phút mà người ta sống thực trong hiện tại, một thứ hiện tại vĩnh cửu, không còn quá khứ cũng như tương lai.
Có nhiều phương pháp để đạt mục đích này. Một trong những phương pháp đó là “sự kháng cự tối thiểu”, nghĩa là không nhất quyết phải đạt được một cảm giác nào, phải cầu mong một thứ gì mà tự nhiên trấn tĩnh tâm hồn, mở rộng cõi lòng như mở rộng một trang sách, bình thản.
Vì sự thoải mái là điều cần thiết khi tĩnh tâm nên các danh sư Tây Tạng khuyên người ta không nên cố gắng thái quá, tư thế cần tự nhiên.
Người phương Đông có thể ngồi kiết già một cách dễ dàng, nhưng người phương Tây cần tập luyện một thời gian cho quen. Trong khi nhập định, người ta không thể áp dụng một phương pháp chung. Mỗi người phải tự chọn một phương pháp nào đó thích hợp với mình, do đó không một phương pháp nào được xem là đúng nhất hay chính xác nhất. Một số người tưởng rằng khi mình đã đạt được một vài ấn chứng gì đó thì người khác cũng sẽ đạt được như vậy qua phương pháp mà mình đã áp dụng. Theo các danh sư Tây Tạng, điều này không đúng vì cá nhân mỗi người một khác, không thể có những trải nghiệm giống nhau. Bước đầu khi tập là phải giữ sao cho tâm trí yên lặng. Đây là một điều rất khó vì người ta đã quen để cho cái trí lao xao náo động từ lâu rồi. Việc khắc phục và hướng dẫn tâm trí rất khó, đòi hỏi một tinh thần kiên nhẫn, can đảm và cương quyết. Không ai có thể kiểm soát tư tưởng trong vài ngày hoặc vài tháng mà được. Đa số người phương Tây có thói quen để lý trí và tình cảm náo động từ khi còn nhỏ. Họ đã quá quen với những thói xấu đó nên mỗi lần có gì kích động là tâm trí họ phản ứng ngay, hoặc chấp nhận, hoặc xua đuổi, hoặc liên tiếp nảy sinh hàng trăm ý nghĩ khác nhau. Điều này đã trở thành thói quen, kiểu phản ứng tự nhiên của cơ thể. Người Tây Tạng quen sống thầm lặng với thiên nhiên, họ chủ trị tình cảm và tư tưởng qua những bài chú phổ thông mà họ đã được dạy dỗ từ nhỏ nên họ có thể tiến bộ nhanh hơn trong việc khắc phục và tập trung tư tưởng.
Quen sống với các kích thích của ngoại cảnh mà phải quay về với nội tâm dĩ nhiên là một điều rất khó. Nhiều người chỉ muốn tìm cái gì thật dễ, thật nhanh, thật đơn giản mà đạt kết quả tốt đẹp tối đa nên dễ trở thành nạn nhân của các pháp sư, phù thủy hứa hẹn những điều mà họ mong muốn, dĩ nhiên với một giá biểu bằng tiền bạc, tài sản, thân xác trong kiếp này hoặc có khi cả sau khi chết nữa.
Người Tây phương quen náo nhiệt chắc chắn không thể hiểu được thú vui thầm kín của những người lánh mình trong chốn cô tịch hoang vu.
Trong cảnh yên tĩnh của núi rừng, người tu tha hồ thiền định, quán tưởng, di dưỡng tinh thần hoặc nghiên cứu kinh sách. Một người bình thường khi thấy những hang động hẻo lánh, am thất xây cất sơ sài, sẽ cho rằng người tu dại dột, lựa chọn một lối sống lặng lẽ, chán chường, nhưng với người đã quyết chí cầu giải thoát thì lại khác. Tuy sống trong cảnh tịch mịch lặng lẽ nhưng họ không bao giờ rỗi rảnh. Vì mải mê thiền định mà họ quên cả thời gian, không biết đêm ngày. Vì mải tìm tòi, suy nghiệm những lẽ huyền vi mà họ không thấy buồn chán hay lẻ loi. Nhiều người khi bước vào động đá, đưa tay kéo tấm liếp che cửa hang lại là lòng họ đã rộn lên một niềm an lạc tuyệt vời. Nhiều người đứng trên đỉnh núi nhìn tuyết rơi lấp kín lối đi, lấy làm thoải mái vì trong mùa đông giá rét sẽ chẳng còn ai đến làm rộn họ nữa.
Những người ẩn mình tĩnh tu thực hành nhiều phương pháp khác nhau, tùy công phu hành trì cá nhân mà chứng đắc. Một người bình thường khó có thể biết được khả năng hay hành động của các bậc tu chứng này. Với người tu thì chứng đắc không phải là một nhãn hiệu, một điều gì để đạt đến, để sở đắc, vì nếu còn thấy có quả vị để chứng, còn thấy có danh hiệu để xưng thì còn chấp trước, mà đã chấp vào những hư danh như vậy thì đâu thể gọi là chứng đắc được nữa. Do đó, những người chứng đắc thường giả ngây giả dại, không thích tiếp xúc với ai để không quấy động sự thanh tu của họ. Trong khi những người chưa hề chứng đắc gì hết thì lại khoa trương ầm ĩ về các đạo quả mà họ đã đạt được. Phần lớn các pháp sư, phù thủy, thầy pháp… đều thuộc loại sau. Sở dĩ họ làm như vậy cũng vì lý do nghề nghiệp. Càng quảng cáo khoa trương càng có nhiều tín đồ đến nhờ họ trừ tà, chữa bệnh, ban phép lành, phát bùa ngải v.v… Một trong những tiêu chuẩn để phân biệt các bậc tu đạo hạnh với những thành phần giả mạo bịp đời này là việc xem xét các danh hiệu, tước vị mà họ tự khoác lên mình. Trong thời gian du hành qua Tây Tạng, tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều bậc tu chứng, những người tiêu biểu cho truyền thống tâm linh xứ này. Tôi ghi nhận phương pháp tu hành của họ như sau:
Phần lớn những vị ẩn tu thường hành trì phương pháp niệm hồng danh chư Phật. Họ có thể tụng niệm bằng lời, bằng tâm, hoặc kèm theo các nghi thức lễ bái. Họ hết lòng trì niệm đêm ngày không biết mệt, cho đến khi nhất tâm bất loạn. Trước bàn thờ, họ thành tâm quỳ lạy hàng ngàn lần mỗi ngày. Cách lễ lạy của họ rất công phu và thành kính, rạp đầu sát đất, duỗi thẳng tay chân. Nhiều người lạy đến nỗi trán nổi lên một cái bướu lớn rồi lâu ngày thành chai. Nhờ sự thành kính và công phu hành lễ mà họ đắc định và trí huệ phát sinh. Một vị ẩn tu cho biết pháp môn niệm Phật tuy giản đơn nhưng rất rộng sâu, không thể nghĩ bàn. Điều quan trọng nhất là sự chí thành tha thiết thì mới có được lợi ích. Nếu trễ nãi, biếng lười hay nghi ngờ không biết quy kính thì không những công phu đã vô ích mà còn tạo những quả không tốt về sau. Khi tôi đặt câu hỏi tại sao lại phải lễ lạy quá nhiều như thế, vị này trả lời rằng đến như Đức Di Lặc tuy sắp thành Phật mà ngày đêm còn phải sáu thời lễ lạy, cầu hết sạch vô minh, huống chi hàng phàm phu nghiệp lực sâu dày thì biết thế nào cho đủ.
Ngoài danh hiệu chư Phật, nhiều người còn chí tâm niệm thần chú. Câu thần chú phổ biến nhất là “Om Mani Padme Hum”, dịch sát nghĩa là “ngọc sáng trong hoa sen”. Một số học giả Tây phương thiếu kiến thức về văn hóa và tín ngưỡng xứ này, cho rằng câu chú không có nghĩa gì, hoặc có người như linh mục Huc và Gabel cho rằng chữ “Om” có nghĩa là “Amen”.
Nếu nghiên cứu kho tàng kinh sách Tây Tạng thì có đến cả trăm cuốn sách luận về câu chú này, đó là chưa kể sách vở của Ấn Độ cũng có đến hàng ngàn cuốn sách bàn luận về công năng của chữ “Om”.
Trên nguyên tắc, thần chú không được phiên dịch hay giải thích.
Nguyên tắc trì chú là phải chí tâm thành ý làm sao cho tâm mình khế hợp được với chân tâm của chư Phật mà được cảm ứng. Tuy nhiên câu thần chú sáu chữ “Om Mani Padme Hum” quá thông dụng, lại có công năng vô cùng màu nhiệm nên đã được nhiều người luận giải. Theo chỗ tôi biết thì có lẽ đây là một trong số rất ít thần chú được giải thích, phiên dịch. Các danh sư Tây Tạng cho biết câu thần chú này có rất nhiều nghĩa lý mầu nhiệm bí mật, không ai có thể hiểu hết được nên người ta chỉ có thể giải thích theo sự hiểu biết riêng của họ mà thôi.
Một số người cho rằng “Om” là huyền âm sáng tạo không thể giải thích hay nghĩ bàn. Người khác lại nói rằng âm thanh của chữ “Om” là những tiếng kêu cầu cứu của chúng sinh đang đau khổ, chính vì vậy mà chư Bồ Tát, chư Phật thương xót nên xuất hiện, đem giáo pháp ra truyền dạy để cứu vớt chúng sinh. “Mani” có nghĩa là ngọc quý hay trí tuệ, “Padme” có nghĩa là hoa sen hay từ bi. Muốn thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau phải biết phát triển trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ mới đem lại sự hiểu biết một cách chính xác. Có nhìn rõ ràng mọi vật thì mới biết đâu là thật, đâu là giả, để biết tìm đường giải thoát. Nhưng có trí tuệ vẫn chưa đủ mà phải phát triển cả lòng từ bi nữa, vì thiếu từ bi thì người tu đâm ra khô khan, khắc khổ, chán ngán thế gian, khởi tâm phân biệt rồi bị vướng mắc. Viên ngọc sáng cần có bông sen đỡ lấy, che chở thì mới vươn lên khỏi vũng bùn và chiếu sáng khắp nơi được. Do đó, từ bi và trí tuệ là hai đức tính cần phải có. “Hum” có nghĩa là phát lòng cao thượng hay phát nguyện cương quyết phát triển hai đức tính nói trên để được thoát khỏi luân hồi sinh tử. Thấy sự đau khổ của thế gian, người tu phải biết tu hành, phát triển trí tuệ và từ bi để giải thoát cho mình và cho người khác Có người không theo ý nghĩa mà phân biệt rằng sáu chữ đó tượng trưng cho sáu nẻo luân hồi. “Om” tương ứng với cõi trời, “Ma” với A Tu La, “Ni” với người, “Pad” với súc sinh, “Me” với ngạ quỷ, và “Hum” với địa ngục. Nhờ trì tụng sáu chữ thần chú đó mà người ta luôn luôn ý thức được sáu nẻo luân hồi để mà tránh. Muốn tránh không sinh vào sáu nẻo này thì không gì tốt hơn là trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để được sinh sang cõi Tây phương Cực lạc. Do đó, ngoài việc trì tụng câu chú này, họ còn trì tụng thêm hồng danh Đức A Di Đà nữa.
Người khác lại giải thích rằng “Padme” tượng trưng cho thế giới vô minh hay địa ngục (Samsara), “Mani” tượng trưng cho cõi Niết Bàn (Nirvana). Cũng như viên ngọc quý nằm trong đóa sen thì Niết Bàn thật ra không ở đâu xa mà chính là thế giới vô minh này. Khi còn mê đắm thì nó là cõi vô minh nhưng khi tỉnh ngộ thì nó là Niết Bàn. Muốn chuyển mê khai ngộ không gì quý hơn là giữ gìn giới hạnh, trì tụng câu chú này vì nó là bài chú linh thiêng nhất, có công năng mầu nhiệm nhất. Hành trì bài chú này đến mức nhất tâm bất loạn thì chắc chắn sẽ được giải thoát. Ngoài việc trì tụng thần chú hay danh hiệu chư Phật, một số tu sĩ còn chuyên tâm thiền định, thở hít theo các phương pháp khí công. Họ hít vào rất sâu, đưa hơi thở xuống bụng rồi dùng sức mạnh ý chí dẫn nó đi khắp thân. Nhờ biết quán tưởng vào hơi thở mà họ đạt được nhiều công phu đặc biệt khác thường. Đa số những tu sĩ tôi gặp đều có thân hình khỏe mạnh, cường tráng, mặt mũi tươi tỉnh hồng hào, cử chỉ lúc nào cũng trang nghiêm.
Tuy nhiên, người Tây Tạng phân biệt rất rõ phương pháp khí công và công phu thiền định. Khí công chỉ là một phương pháp để định tâm, và dụng công định tâm mới là mục đích chính của thiền định. Theo các tu sĩ này thì “hơi thở chỉ là một con ngựa tốt, nhưng tâm con người mới là kẻ cưỡi ngựa”. Một khi kiểm soát được tâm thì mới có định, mà chỉ có định rồi thì trí huệ mới phát sinh.
Một số tu sĩ còn tập luyện theo phương pháp “kyilkhor” hay lập đàn kết ấn. Có nhiều cách lập đàn khác nhau, mỗi người tùy trình độ, căn cơ mà lập đàn tu tập. Đa số người tu theo lối này phải có thầy hướng dẫn, phải trải qua các cuộc điểm đạo đặc biệt, và phải có tha lực tiếp dẫn thì mới mong thành công. Kyilkhor là một quan niệm rất khó giải thích, nó có thể là một bức tranh vẽ trên giấy, trên lụa hoặc khắc trên đá. Đôi khi nó còn là những hòn đá được sắp xếp thành một hình tròn hoặc là những lá cờ, nhang đèn sắp đặt theo phương hướng, vị trí nhất định. Có khi người ta còn vẽ lên cả sàn nhà, vách tường, vách đá nữa. Cách thiết lập đàn tràng hết sức chi tiết và tỉ mỉ, mọi cử chỉ đều phải kèm theo một câu thần chú, khi vẽ phải tập trung tư tưởng vào từng nét, từng màu sắc, từng chi tiết, không được sai trật vì đàn tràng tự nó đã có những thần lực tối linh, có thể chiêu cảm những tha lực tiếp dẫn. Một đàn tràng thiết lập cẩu thả sẽ không có công hiệu gì hết, do đó việc lập đàn là cả một công phu, đòi hỏi phải có thầy chỉ dẫn và một thời gian tu tập rất lâu.
Tôi đã có dịp quan sát những hình vẽ này. Thông thường họ đều vẽ những cảnh giới của chư Phật. Trung tâm bức tranh vẽ một vị Phật hay Bồ Tát với những chi tiết, màu sắc nhất định. Chi tiết này thường lấy ra từ những bộ kinh hoặc được vị thầy hướng dẫn truyền trao cho. Người tu phải biết cách vẽ làm sao cho nhập tâm, vẽ sao để khi nhắm mắt lại thì cái hình ảnh thế giới đó vẫn hiện ra rõ rệt trước mặt với từng chi tiết thì mới là đúng.
Trước khi bước vào đàn, người tu phải biết cách kết giới, tuân theo các nghi quỹ như trong kinh chỉ dạy. Họ phải giữ gìn thời khóa nhất định không được sai trật. Sau đó, họ tập trung tinh thần vào bức vẽ, miệng niệm chân ngôn, tay bắt ấn quyết và quán tưởng vào cái thế giới ấy. Theo ý tôi, có lẽ những bức vẽ chỉ là đối tượng để họ tập trung tư tưởng, giữ cho tâm ý tương thông, nhất tâm bất loạn. Đối với những người đã có định thì không cần phải có những bức vẽ hay đàn tràng nữa. Họ chỉ cần tạo trong tâm một đàn tràng, một hình ảnh, rồi chú tâm vào đấy. Mặc dù bức vẽ có rất nhiều chi tiết với trời, thần, quỷ, vật, Bồ Tát hoặc Thiên Long Bát Bộ, nhưng chính giữa luôn luôn là một vị Phật. Phương pháp quán tưởng vào bức vẽ thường bắt đầu bằng việc chú tâm vào hình ảnh nơi trung tâm, rồi chuyển dần dần qua những hình ảnh kế bên, cứ thế lan rộng toàn bức vẽ. Khi đã đi hết một vòng, họ lại quán tưởng rằng các hình ảnh kia dần dần hòa nhập vào trung tâm cho đến cuối cùng chỉ còn hình ảnh một vị Phật mà thôi. Sau cùng, chính cái hình ảnh ở trung tâm này cũng tan biến dần, lúc đầu từ hai chân, lên đến mình và cuối cùng tất cả đều tiêu dung hết. Có người quán tưởng vào một đóa sen, đóa sen từ dưới bùn nhô lên, nở rộng. Trên mỗi cánh hoa có một vị Bồ Tát, chính giữa đài sen có một vị Phật. Hoa sen cứ thế nở rộng lan dần khắp nơi với hằng hà sa số Bồ Tát, lan tràn khắp mười phương. Sau đó hoa sen từ từ thu nhỏ lại, các cánh hoa cụp vào chỉ còn một vị Phật đứng trên hoa sen hào quang sáng chói. Cuối cùng hoa sen từ từ tan biến chỉ còn điểm sáng uyên nguyên, điểm sáng này cũng tan biến chỉ còn diệu âm vang vọng khắp nơi.
Không phải ai cũng quán tưởng về cảnh giới chư Phật hoặc các bông sen. Có người quán tưởng về sự vô thường, vô ngã hoặc phong cảnh xung quanh, một dòng suối, một cái cây v.v… Một vị Lạt Ma cho biết ông quan sát cánh rừng trước cửa hang thật kỹ, nhớ rõ từng cái cây, từng ngọn cỏ, từng hòn đá, từ lúc bình minh cho đến buổi hoàng hôn. Sau đó, ông giữ nguyên hình ảnh đó trong tâm làm đề mục quán tưởng. Ngày ngày ông nghiệm lại từng chi tiết của cảnh rừng đó, từng cái cây, từng cành lá. Lúc buổi sáng thì cánh rừng ra sao, lúc chiều tối thì hình ảnh đó như thế nào, cứ thế cho đến khi hình ảnh đó thật đúng như bên ngoài. Sau khi trắc nghiệm để biết rõ rằng ông có thể ghi nhận “bức tranh trong tâm” thật đúng với hình ảnh bên ngoài, ông bèn khởi sự quán tưởng rằng nếu một cái lá rơi rụng thì hình ảnh đó ra sao, nếu cành cây gãy đi thì hình ảnh sẽ trở nên thế nào. Cứ thế loại suy dần dần những đối tượng của bức tranh trong tâm cho đến khi cánh rừng đó từ từ biến mất chỉ còn một bãi đất hoang, rồi ông quán tưởng nếu những tảng đá, những gò đất cũng mất đi thì còn lại gì, cho đến khi cái hình ảnh đó hoàn toàn biến mất không còn lại gì nữa. Nguyên lý của phương pháp quán tưởng này là tập trung suy nghĩ để nghiệm rằng “tất cả đều do tâm tạo”.
Có người chọn một cái cây như đề mục để quán tưởng. Họ tập trung quan sát thật kỹ thân cây, rễ cây, cành lá, hoa quả v.v… Họ quán tưởng rằng họ chính là cái cây đó, quán làm sao để họ trải nghiệm được sự sống của cây, cảm thấy nhựa cây từ rễ truyền lên cành, dẫn đi đến các mạch lá, hấp thu ánh sáng mặt trời v.v… Sau khi đã “trở thành cái cây”, họ quán ngược lại về hình ảnh người đang ngồi trước cái cây đó như một đối tượng, thân hình người đó ra sao, mặt mũi thế nào, sự sống di chuyển theo những làn hơi thở dẫn đi ra sao v.v… Cứ thế họ chuyển đi từ đối tượng này qua đối tượng khác để thấy rằng không có sự gì là “thật” cả, mà tất cả chỉ là “huyễn”.
Có hàng trăm phương pháp tu hành, tụng kinh, trì chú, thiền định, quán tưởng khác nhau nhưng dù theo phương pháp nào, nguyên tắc chung là làm sao giữ cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh để tiêu trừ vọng tưởng, đồng thời dùng năng lực của thần chú hay danh hiệu chư Phật, để phá tan nghiệp lực hầu giải thoát.
Như tôi đã trình bày, “con đường tắt” là một con đường nguy hiểm.
Phải là người có tâm thành cương quyết, dũng cảm và có trí tuệ như thế nào thì mới mong thành công. Dĩ nhiên vẫn có những người vào rừng núi ở ẩn, tuân theo các phương pháp kể trên nhưng thiếu trí tuệ nên thường bị chướng ngại. Thí dụ như phương pháp tu quán chiếu, sử dụng tất cả trí tuệ của mình đạt được trong lúc định tâm để chiếu soi vào một đề mục hay một hình ảnh nào đó. Nhưng nếu tâm chưa định, trí tuệ chưa có thì không quán chiếu được. Nếu cứ quán chiếu thì chỉ là một hình thức tưởng tượng, một hình thức tự kỷ ám thị, không đúng với nguyên tắc của pháp môn này. Dân tộc Tây Tạng vốn có óc khôi hài nên đã có rất nhiều chuyện kể về những loại người “đi đường tắt” ấy như sau:
Có một thanh niên đến cầu đạo với một vị Lạt Ma ẩn tu. Vị thầy dạy anh đọc kinh thì anh nói là dài quá không thuộc nổi, dạy trì chú anh cũng nói là rắc rối quá không đọc được. Cho đề mục quán tưởng thì đề mục gì anh cũng không hiểu. Sau cùng vị thầy bèn hỏi “Anh làm nghề gì?”. Thanh niên cho biết anh làm nghề chăn bò. Vị thầy bèn nói “Thế thì cứ quán tưởng đến những con bò là được”. Thanh niên tìm đến một động đá, ngày đêm quán tưởng đến con bò. Sau một thời gian, vị thầy đến thăm trò. Nghe tiếng thầy gọi, anh lật đật chui từ trong hang ra, nhưng vì tập trung tinh thần vào những con bò nhiều quá nên anh tưởng mình là một con bò. Cửa hang hẹp chỉ vừa vặn một người chui lọt chứ “một con bò” thì không thể chui qua được. Anh kêu la “Thầy ơi, con không ra được! Cửa hang chật quá làm vướng cặp sừng của con rồi!”.
Một người khác đến học đạo với một vị thầy. Vị này dạy trò phải biết cung kính, lễ phép, nhớ ơn thầy, lúc nào cũng ghi khắc hình ảnh thầy trên đầu. Anh này tìm đến một động đá ngày đêm tu luyện theo đúng phương pháp “chữ đâu nghĩa đó”, quán tưởng rằng vị thầy đang ngồi trên đầu mình. Hôm đó ra suối múc nước bị trượt chân té ngã, anh la lên “Khổ rồi, tôi đánh rớt thầy tôi xuống suối mất rồi!”. Đôi khi người ta còn kể thêm rằng vài năm sau anh đến thăm thầy, thấy anh đi đứng khó khăn, cổ rụt hẳn xuống, lom khom mãi mới đi được một bước; vị thầy hỏi vì sao. Anh trả lời “Tại thầy nặng quá, cứ ngồi hoài trên đầu tôi thì làm sao tôi đi nhanh được!”.
Một vị pháp sư dạy học trò lúc nào cũng phải trì niệm tên tuổi của ông và quán tưởng rằng ông đang ngồi trong đầu của họ thì ông mới ban phép lành cho họ được. Trong số học trò có một thiếu nữ rất khôn ngoan, đa số các nhân vật khôn ngoan trong truyền thuyết Tây Tạng đều là những thiếu nữ. Khi vị pháp sư gọi học trò đến thẩm xét trình độ tu luyện của họ, ông hỏi “Các ngươi có nhắc đến tên tuổi ta hàng ngày và luôn luôn ghi khắc hình ảnh của ta trong đầu óc các ngươi không?”. Khi đến cô học trò nọ thì cô này trả lời “Lúc đầu tôi để ông trong đầu nhưng ông ăn nhiều, người mập quá làm tôi bị nhức đầu, về sau tôi bèn bỏ ông xuống đất và chui vào ngồi trong đầu ông”.
Những người sống du mục, rày đây mai đó, rất thích quây quần bên đống lửa, nghe các bô lão kể các giai thoại về Milarepa, Naropa, hoặc các câu chuyện khôi hài như trên.
Một số người đã thắc mắc về các cảnh giới mà những người khi thiền định thường hay thấy. Các vị pháp sư, phù thủy cũng thường đề cập đến những cõi giới đặc biệt mà họ có thể xuất hồn, xuất vía đến đó nhưng các danh sư Tây Tạng mà tôi đã gặp lại tỏ ra rất dè dặt. Họ cho rằng người ta đã phóng đại nó lên, có một nói thành một trăm, vẽ vời ra những cảnh không đúng với sự thật.
Một trưởng lão cho biết nói không đúng sự thật là vi phạm giới vọng ngữ, một tội rất nặng, còn hơn tội trộm cắp, uống rượu hay tà dâm. Vị này cho rằng việc đề cập những cảnh giới kỳ lạ, mầu nhiệm có thể làm cho người khác sinh nghi, không tin hoặc là dựa vào đó để dèm xiểm, phá hoại Phật pháp. Do đó, người tu hành chân chính phải biết giữ im lặng, từ chối không đề cập đến những điều này. Một vị ẩn tu khác cho biết dù có thấy bất kỳ cảnh giới nào chăng nữa cũng phải biết giữ sao cho tâm không vọng động, gặp Phật hiện ra cũng không vui mừng, gặp ma đi đến cũng không sợ hãi, vì các tướng hữu vi đều không có thật. Một vị khác nói rằng “Có hay không có những cõi giới đó, cũng như tin hay không tin thì cũng chẳng giúp ta tiến thêm bước nào trên đường tu học”.
Chỉ trừ một số rất ít có đủ nghị lực, can đảm tìm hẳn vào nơi hoang vắng tu hành mà không trải qua một thời kỳ rèn luyện nào. Đa số thường bắt đầu việc tu hành trong tu viện trước khi được phép nhập thất ẩn tu. Tôi đã có dịp quan sát những người này thực hành ngồi yên lặng, nhập thiền tĩnh tâm. Để tránh tình trạng ngủ gật, họ thường đội trên đầu một cây đèn nhỏ bằng sáp. Nếu ngồi yên, cây đèn sẽ không đổ. Còn ngoài ra, bất cứ một cử động nào cũng có thể làm cây đèn mất thăng bằng và rơi ngay xuống đất.
Mỗi sáng, một vị Lạt Ma sẽ đi kiểm soát chỗ ngồi xem ai có vết sáp rơi rớt xung quanh không và ai còn giữ được cây đèn đã cháy hết sáp trên đầu. Một hôm, vị này thấy một môn sinh ngồi thiền nhưng không đội đèn mà để cây đèn bên cạnh. Anh này nói rằng “Con đội đèn cả đêm cho đến khi nó cháy hết sáp mới đặt xuống đây”. Vị Lạt Ma lắc đầu quát “Một khi đã nhập thiền rồi thì làm sao mi biết cây đèn hết sáp mà đặt xuống đất?”.
Một số tu viện thay thế cây đèn bằng một ly nước đầy. Nếu áo người nào bị ướt là họ đã ngồi không ngay ngắn, hoặc cử động trong lúc hành thiền. Vị Lạt Ma trông coi thiền đường cho biết việc ngồi yên tập trung tư tưởng rất quan trọng. Nêu đầu óc vọng động, suy nghĩ mông lung thì lập tức thân thể sẽ bị ảnh hưởng và rung động theo ngay. Người ta có thể xét đoán công phu tập trung suy nghĩ qua các cử chỉ nhỏ nhặt này. Tôi đã nghe kể về một cuộc thử thách trình độ dựa trên tiêu chuẩn này như sau:
Môn sinh được lệnh đến thăm một trưởng lão trong tu viện. Vị này không tiếp họ ngay mà bắt họ phải ngồi chờ trước cửa. Trong khi chờ đợi, họ được yêu cầu đội ly nước đầy trên đầu như lúc hành thiền. Người nào không kiên nhẫn ngồi lâu để tâm vọng động thì ly nước sẽ đổ ngay. Người nào vượt qua thử thách, ngồi yên mà ly nước không đổ thì vị trưởng lão cho gọi nhà bếp mang thức ăn đi ngang. Người đầu bếp sẽ cố tình để cho anh này nhìn thấy những món ăn trình bày hấp dẫn với hương vị thơm lừng.
Người nào còn động tâm thì ly nước cũng đổ tràn ra ngay. Nếu vượt qua được thử thách này, vị trưởng lão sẽ cho một vài đệ tử của ông giả bộ đi ngang, lên tiếng khen người này có công phu tu hành tuyệt diệu, có định lực vững vàng. Nếu nghe lời khen tặng mà nổi tâm vọng động thì ly nước cũng sẽ đổ ngay. Thử thách cuối cùng là vị trưởng lão để cho một vài thiếu nữ tô son điểm phấn giả vờ đi lễ, đứng gần đó nói những chuyện phong tình khiêu khích. Nếu người này không tập trung suy nghĩ được nữa thì ly nước cũng sẽ đổ. Chỉ những người vẫn ngồi yên lặng, mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi nhưng lòng không vọng động thì mới được vị trưởng lão gọi vào chứng nhận cho.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet