
Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Lời kết
Tây Tạng là một xứ đặc biệt với nhiều truyền thống tôn giáo huyền bí và phương pháp tu luyện lạ lùng. Trong phần trên tôi đã trình bày các phương pháp mà tôi đích thân chứng kiến hoặc nghe các bậc trưởng lão kể lại. Cuốn sách nhỏ bé này là công trình nghiên cứu kéo dài hơn mười năm của tôi tại đây, dĩ nhiên nó còn thiếu sót. Muốn tìm hiểu về truyền thống Tây Tạng, người ta không thể thăm viếng vài người trong vài ba tháng hoặc vài ba năm mà tự hào cho rằng đã biết hết mọi điều về xứ này. Dù có sống tại đây trọn đời, người ta cũng chỉ biết được một phần nhỏ nào đó thôi, nhưng càng biết thì người ta sẽ càng thấy sự huyền nhiệm ở nơi đây càng dày đặc, mông lung, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người. Đúng như một tu sĩ xứ này đã nói với tôi “Càng học hỏi thì người ta sẽ càng thấy mình không biết gì hết”.
Cuộc du hành kéo dài hơn mười hai năm của tôi tại đây khởi đầu từ những nguyên nhân dường như tình cờ, nhưng vì một lý do mơ hồ nào đó, tôi vẫn nghĩ đã có một sự sắp đặt huyền bí từ trước. Tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma lại nhận lời tiếp tôi tại Kalimpong? Tại sao ngài khuyên tôi “Muốn hiểu biết về Tây Tạng, việc đầu tiên là phải học ngôn ngữ xứ này?”. Chính nhờ lời khuyên bảo sáng suốt này mà tôi mới tiếp xúc, học hỏi và giao thiệp được với những đạo sĩ, pháp sư, những bậc tu chứng tiêu biểu cho truyền thống tâm linh nơi đây.
Từ ngàn xưa, Tây Tạng vẫn nổi tiếng về truyền thống tâm linh huyền bí, khác hẳn những quốc gia khác. Người Ấn Độ và Trung Hoa đã có nhiều giai thoại nói về miền đất nằm tận trên mây này. Hầu như đa số các tu sĩ Ấn Độ đều có thời kỳ qua Tây Tạng học hỏi, tu luyện. Ngày nay người ta vẫn thấy rất nhiều người tìm đường qua Tây Tạng như bị thu hút bởi một mãnh lực nào đó. Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực. Nhiều người cho rằng chỉ tại nơi đây người ta mới trải nghiệm được những sự kiện mầu nhiệm, những hiện tượng siêu nhiên huyền bí vượt xa sức tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, người Tây Tạng không chấp nhận những sự kiện gọi là siêu nhiên huyền bí. Đối với họ, tất cả đều là những hiện tượng tự nhiên như trăm ngàn các hiện tượng khác. Tuyệt đối không gì có thể gọi là siêu nhiên hay phép lạ được. Tất cả mọi việc xảy ra, dù lạ lùng đến đâu cũng đều bắt nguồn từ tâm thức và có thể được giải thích qua trạng thái của tâm.
Một hiện tượng gọi là vô thức khi nó được gây ra bởi một hoặc nhiều người, hay nhiều thực thể mà họ không hề ý thức về việc làm của mình hay kết quả của nó. Một hiện tượng gọi là hữu thức thường là kết quả hay công phu của một người hay một thực thể với mục đích rõ rệt. Người Tây Tạng tin rằng nhiều hiện tượng được tạo ra bởi các thực thể vô hình (các sinh vật sống trong sáu nẻo luân hồi: Trời, A Tu La, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) mà giác quan thông thường của con người không thể nhận biết. Dù được tạo ra bởi bất cứ nguyên nhân nào thì nó đều là những hiện tượng tự nhiên, nghĩa là chịu sự chi phối của những định luật trong vũ trụ, chứ không hề có tính cách phản tự nhiên.
Có nhiều nguyên nhân xa gần khác nhau góp phần vào việc tạo ra một hiện tượng. Nguyên nhân chính là kết quả của tâm thức con người hay thực thể tạo tác ra nó. Khi một ý nghĩ nảy sinh, nó tạo ra một động lực trong vũ trụ, động lực này có thể mạnh hay yếu tùy cường độ của suy nghĩ. Nếu đủ sức mạnh, nó sẽ tạo thành một lực và thúc đẩy người ta hành động ngay.
Nếu không đủ sức mạnh, nó sẽ tiềm ẩn chờ đợi các yêu tố thuận tiện. Do đó, có những sự kiện bắt nguồn từ những hành động hay tư tưởng có sẵn từ trước, (có thể trong kiếp này hay tiền kiếp) mà đến khi đó mới đủ các yếu tố để phát động. Huyền thuật đối với người Tây Tạng chỉ là một khoa học nghiên cứu các sức mạnh của tâm thức để sử dụng nó vào một mục đích nhất định nào đó. Bí quyết của các môn huyền thuật đều chỉ là sự tập trung suy nghĩ để tạo ra sức mạnh. Sức mạnh ý nghĩ chính là cái động năng đã thúc đẩy, đã tạo ra mọi sự kiện. Vì ý nghĩ con người thường lộn xộn, hao tán, không tập trung nên nó rất yếu, chỉ hiện diện phất phơ một lúc rồi tan biến đi, không đủ sức mạnh để tạo ra chuyện gì hết. Một người biết cách làm chủ suy nghĩ của mình, biết cách tập trung suy nghĩ, biết cách sử dụng, thu góp các sức mạnh khác trong tự nhiên để hỗ trợ cho suy nghĩ của mình gia tăng cường độ, thì có thể tạo ra các quyền năng vô cùng đặc biệt.
Sức mạnh của ý nghĩ có thể tạo ra một thực thể có sự sống riêng biệt, có thể hành động tùy theo mệnh lệnh của người tạo ra chúng, đó là căn bản của các phương pháp luyện âm binh. Vì việc tạo một hình tư tưởng trừu tượng không dễ dàng nên nhiều người đã phải sử dụng một vật hữu hình nào đó làm trung gian, đó là căn bản của bùa phép, linh đơn, nước thánh, hay những linh vật hộ phù. Nguyên tắc là như vậy, nhưng sử dụng vào mục đích gì thì hoàn toàn tùy vào người tu luyện. Người ta có thể sử dụng bùa chú, linh đơn để chữa bệnh, để cứu nhân độ thế hay trù yểm, hãm hại một người nào đó.
Truyền thuyết Tây Tạng có rất nhiều giai thoại nói về việc các pháp sư hãm hại người khác bằng những con dao ngắn (phurba). Đây là một loại dao nhỏ rất thông dụng, thường được các đạo sĩ đem theo bên mình. Khi muốn hại ai, họ tập trung ý nghĩ vào lưỡi dao đó với mục đích sai khiến nó giết người. Có nhiều phương pháp luyện dao khác nhau tùy môn phái hay sự tin tưởng cá nhân, phần đông đều sử dụng những câu thần chú hay nghi thức cúng vái nhằm hỗ trợ luồng sức mạnh ý nghĩ của mình. Đôi khi họ còn kêu gọi thêm sự trợ giúp của các sinh vật từ cõi giới khác nữa, dĩ nhiên họ phải kèm theo các lễ vật hoặc thương lượng thêm. Họ tìm cách để lưỡi dao đó gần chỗ kẻ mà họ muốn giết hay lui tới, khi kẻ kia vô tình đụng vào lưỡi dao thì y sẽ bị một sức mạnh kỳ lạ nào đó thúc giục, xúi bẩy rồi chính tay y sử dụng lưỡi dao đó kết thúc tính mạng mình. Có người cho rằng chính lưỡi dao đó đã hóa thành một thực thể có sự sống và giết người. Kẻ khác cho rằng lưỡi dao chỉ là một vật có từ lực rất mạnh đã “thôi miên” người cầm lấy nó, xúi giục người này tìm lấy cái chết. Có người quả quyết rằng chính ma quỷ bị thu hút bởi lưỡi dao đó đã xô đẩy người kia ngã vào lưỡi dao. Dĩ nhiên không ai có thể đổ lỗi cho vị pháp sư giết người được vì kẻ thù của ông tự tìm lấy cái chết. Trong thế giới huyền môn cũng có những người cao tay ấn, nhìn lưỡi dao đã cảm nhận được sự rung động bất hảo trên lưỡi dao đó, hoặc biết ngay rằng lưỡi dao đó được sử dụng vào mục đích gì. Nếu là một pháp sư cao tay hơn, ông ta có thể sai khiến lưỡi dao đó quay trở về giết người đã tạo ra nó. Tóm lại, tùy theo sức mạnh của ý nghĩ mà người ta có thể sử dụng một vật, như lưỡi dao, cho một mục đích nào đó.
Một số đạo sĩ tin rằng Tây Tạng sở hữu một hấp lực đặc biệt, một mãnh lực từ điện thiêng liêng rất thuận lợi cho việc phát triển các quyền năng. Vì những lý do huyền bí nào đó, việc tập trung ý nghĩ tại đây thường có kết quả nhanh chóng, khả quan hơn những nơi khác. Có thể vì độ cao đặc biệt của nó, có thể vì dân cư thưa thớt, hoặc vì sự tĩnh lặng mênh mông hay những lý do nào khác mà bất cứ một suy nghĩ nào phát sinh cũng có thể gia tăng cường độ và trở thành một mãnh lực đặc biệt tạo ra các tâm thức lạ lùng. Tôi xin dẫn chứng như sau:
Một đoàn thương nhân đi ngang qua vùng cao nguyên, một cơn gió mạnh thổi qua làm bay chiếc nón che đầu của người trưởng đoàn. Chiếc nón lăn lóc theo chiều gió rồi tấp vào một bụi cây. Theo thời gian, nó bị nắng mưa làm bạc màu, bị gai đâm rách nát không còn ra hình thù gì nữa. Ít lâu sau, một đoàn thương nhân khác đi ngang chỗ đó, có lẽ vì trời đã chập choạng tối nên thay vì nhìn ra chiếc nón họ lại nhìn thấy một vật gì kỳ lạ đang động đậy trong bụi cây. Hoảng hốt, họ cắm đầu bỏ chạy, không dám nhìn kỹ xem nó là vật gì. Khi đến ngôi làng gần đấy, họ kể rằng đã nhìn thấy một “vật lạ” đang đứng trong bụi cây. Những thương nhân khác đi sau cũng xác nhận có một “cái gì đó” trong bụi cây, rồi họ quả quyết rằng bụi cây kia là chỗ trú ngụ của một loài yêu tinh. Có người cho rằng đấy là một loài quỷ khoáng dã thường hay hiện hình lúc đêm trăng. Lời đồn đãi càng ngày càng được nhiều người tin rồi trở thành một câu chuyện rõ ràng, mạch lạc, có đầu có đuôi hẳn hoi. Những luồng tư tưởng mơ hồ, rời rạc từ một “vật lạ” đến bụi cây biết cử động, rồi đồn đại thành các loài yêu ma, quỷ quái với các chi tiết rõ rệt đã tạo thành một niềm tin. Càng nhiều người tin tưởng, sức mạnh ý nghĩ về chiếc nón cũ nát càng gia tăng, sau cùng nó đã trở thành một sức mạnh thực sự, một “hình tư tưởng” mà ai đi ngang qua cũng đều “thấy” một loài quỷ đúng như lời đồn đại của dân làng.
Một người lái buôn Tây Tạng thường qua Ấn Độ buôn bán, lần nào lên đường bà mẹ cũng dặn anh ta cố gắng thỉnh cho bà một viên ngọc xá lợi của các vị thánh tăng xứ này. Vì mải lo nghĩ đến việc làm ăn buôn bán nên lần nào anh này cũng quên không thỉnh được gì cả. Sau nhiều lần nghe mẹ trách móc, hôm đó khi đi buôn về gần đến nhà, anh sực nhớ đến lời mẹ dặn và nảy ra một ý nghĩ táo bạo. Anh nhặt đại một mẩu xương vụn bên lề đường, gói vào một chiếc khăn thật đẹp. Khi về đến nhà, anh trao cho bà mẹ và nói rằng đó là mẩu xương của một vị thánh tăng Ấn Độ rất nổi tiếng. Bà mẹ mừng rỡ đặt mẩu xương đó vào một bảo tháp bằng vàng rồi dâng cho ngôi chùa trong làng. Vì lời đồn đại, dân chúng khắp nơi kéo đến chiêm ngưỡng mẩu xương đó và thờ cúng rất trang nghiêm. Thời gian sau, miếng xương đó tự nhiên phát ra hào quang sáng chói và tạo ra những hiện tượng hết sức mầu nhiệm.
Người Tây Tạng giải thích rằng chính sức mạnh ý nghĩ của quần chúng đã đem lại những phép lạ đó, dù là một mẩu xương tầm thường nhưng khi được thờ cúng trang nghiêm thì nó cũng có thể trở thành một báu vật linh thiêng như bất kỳ bảo vật quý giá nào. Người Tây Tạng cũng giải thích các hiện tượng lạ lùng khác dưới quan niệm sức mạnh của tư tưởng. Theo họ, việc đầu thai trở lại chỉ là một công phu tập trung tư tưởng trước khi chết để hướng dẫn cái nguồn năng lực trong người (linh hồn) đến một sự sống đang nảy mầm (bào thai). Đôi khi người ta cũng có thể sử dụng sức mạnh của tư tưởng để hướng dẫn năng lực trong mình nhập vào xác người vừa chết như trường hợp của Sankara sau đây:
Truyền thuyết Tây Tạng đã đề cập đến một cuộc tranh tài giữa hai đạo sĩ Sankara và Mandana như sau:
Sankara là một tu sĩ ẩn tu trên rặng Tuyết Sơn, trong khi Mandana là một pháp sư cai quản một tu viện rất lớn. Họ tranh luận suốt mấy tuần lễ liền, cuối cùng thì Mandana có phần yếu thế đã định nhận thua thì bà vợ của ông nhảy vào can thiệp. Bà này lý luận rằng, khi thành hôn, hai người đã trở thành một, như thế Sankara mới chỉ thắng được một nửa thôi. Muốn toàn thắng, ông còn phải tranh luận kiến thức với bà nữa. Là một người phụ nữ thông minh, bà biết rằng nếu chồng mình đã không thể thắng Sankara về kiến thức tôn giáo thì tranh luận đề tài này cũng chỉ rước lấy thất bại mà thôi nên bà đổi chiến thuật. Thay vì đưa ra những câu hỏi có tính cách tôn giáo, bà lại chất vấn ông này về nghệ thuật ái ân, điều mà một nhà tu giữ giới không lập gia đình như Sankara không thể trả lời được. Sankara im lặng suy nghĩ rồi cho biết vì ông chưa được học hỏi về việc đó nên không thể trả lời, nhưng điều này không có nghĩa là ông đã thua. Ông xin phép được về nhà học hỏi thêm một tháng rồi sẽ tranh luận tiếp. Bà vợ của Mandana chấp thuận đề nghị này vì nghĩ rằng thời gian quá ngắn, dù có đọc cả trăm cuốn sách chỉ dẫn thì ông cũng không thể qua mặt bà được.
Sankara trở về am thất, căn dặn học trò mấy điều cần thiết rồi nhập thiền ngay. Ông tập trung tư tưởng hướng dẫn nguồn năng lực trong mình đi đến Ba Tư, nơi vị vua xứ này vừa qua đời và nhập vào xác của vị này. Triều thần Ba Tư thấy vua sống lại, reo mừng và rước ông về cung điện. Tại đây, nhà vua cho triệu tập các bà vợ và cung nữ đến và bắt đầu học hỏi về nghệ thuật ái ân. Triều thần xứ này nhận thấy từ khi sống lại, nhà vua bỗng trở nên thông minh hơn xưa, ông cai trị hết sức công bình, nhân ái, ông còn thay đổi luật pháp trong nước và ban hành những biện pháp thích nghi để đem lại hạnh phúc cho toàn dân, khác hẳn vị hoàng đế khi trước. Các bà vợ và cung nữ cũng hết sức ngạc nhiên vì nhà vua tỏ ra nồng nàn, nhiệt thành trong việc chăn gối, khác hẳn khi xưa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu học hỏi này cũng đem lại cho Sankara nhiều say mê thích thú khiến một tu sĩ dầy công phu như ông cũng quên luôn cả mục đích ban đầu, không thiết gì đến việc trở lại đời sống đạo hạnh, thanh khiết như xưa nữa.
Khi thời hạn đã đến, các đệ tử thấy sư phụ nhập thất không ra nên họ phải tìm đến cung điện xứ Ba Tư xin yết kiến hoàng đế xứ này. Trước mặt nhà vua, họ đọc lên một bài chú mà ông đã dặn họ khi trước. Sankara bàng hoàng tỉnh ngộ, nhớ đến lời giao ước khi xưa, ông lập tức tập trung tư tưởng rút hết nguồn năng lực của mình ra khỏi thể xác nhà vua để chuyển về thể xác của mình. Sau đó, ông tìm đến nhà Mandana và tranh luận với bà vợ ông này. Trước sự ngạc nhiên của cả hai người, ông tỏ ra là người có kinh nghiệm và kiến thức rất lớn khiến vợ chồng Mandana phải nhận lời xin thua.
Việc sử dụng sức mạnh tư tưởng để hướng dẫn nguồn năng lực trong đầu thai hoặc nhập vào xác người khác là một phương pháp rất phổ biến trong huyền thuật Tây Tạng.
Việc hiện hình của một người hay thực thể nào đó cũng là một sự kiện thường được nhắc đến rất nhiều. Những hình ảnh hiện ra này không nhất thiết phải xảy ra ở những nơi hoang vu vắng vẻ, trong những đêm tối trời, hoặc trong các căn phòng đóng kín. Phần lớn việc hiện hình đều xảy ra vào ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật và đông người. Tôi đã chứng kiến một sự kiện như sau:
Có một họa sư nổi tiếng chuyên vẽ những cảnh âm ti, địa ngục trên vách tường các ngôi chùa. Hôm đó ông đến thăm tôi. Khi ông vừa bước vào phòng thì tôi nhìn thấy một bóng đen to lớn đi phía sau ông ta. Lúc đầu tôi tưởng đó là một con gấu lớn, loài gấu mà người ta vẫn nuôi để làm xiếc, nhưng khi bóng đen bước vào phòng thì tôi nhận ra đó chính là một loài quỷ mặt mày ghê gớm với đầy đủ nanh vuốt như các bức tranh vẽ trên tường. Khi bóng đen đến gần, tôi giơ tay ra chạm vào nó và cảm thấy như đang sờ vào một cái gì vừa lạnh lạnh vừa trơn trơn, bỗng dưng bóng đen biến mất. Thấy tôi cứ đứng sững, giơ hai tay trước mặt, vị họa sư ngạc nhiên lên tiếng hỏi thì tôi mới biết rằng ông không hề ý thức gì về hình ảnh xuất hiện phía sau ông ta. Ông thú nhận đang vẽ một bức tranh lớn về cảnh địa ngục, đối tượng chính của bức tranh là một quỷ vương hung dữ mà ông tập trung tư tưởng để hình dung ra nó trong suốt mấy tháng nay. Hiển nhiên khả năng tập trung tư tưởng của ông đã tạo ra một “hình tư tưởng” bên cạnh mình, nhưng vì đó chỉ là một hình ảnh thôi nên cái “hình tư tưởng” đó cũng chỉ xuất hiện một cách phất phơ chứ không làm hại ai cả.
Wangdu là một người hầu cận đã theo tôi khá lâu. Lần đó anh xin phép về thăm nhà khoảng ba tuần. Tôi đưa cho anh ít tiền mua thực phẩm và nhờ anh mướn thêm một số phu khuân vác hành lý cho phái đoàn. Sau hai tháng không thấy Wangdu trở lại, chúng tôi nghĩ anh này đã lấy trộm số tiền rồi trốn mất. Một đêm nọ tôi nằm mơ thấy Wangdu trở lại, anh mặc một chiếc áo bằng da cừu màu xám, đầu đội một chiếc nón lớn có cột một cục gù màu đỏ. Anh ta tỏ ra hối hận vì mải vui mà quên mất việc tôi giao phó.
Sáng hôm sau, một người tùy tùng chạy vào báo tin cho tôi biết rằng Wangdu đã trở lại. Tôi bước ra bên ngoài nhìn xuống, vì chỗ tôi đứng là đỉnh cao có thể nhìn rõ con đường mòn dẫn lên núi nên tôi thấy rõ Wangdu đang lầm lũi bước. Anh ăn mặc quần áo giống y hệt như trong giấc mơ với chiếc nón lớn cột một cục gù đỏ. Anh đi một mình không đem theo hành lý gì cả khiến tôi ngạc nhiên. Wangdu xăm xăm bước cho đến khi đi ngang qua một tảng đá lớn thì bỗng biến mất. Chúng tôi nghĩ rằng anh ta ngồi nghỉ tại đó nhưng mãi vẫn không thấy bước ra, tôi bèn sai mấy người tùy tùng chạy xuống tìm thì không ai thấy anh ta đâu hết. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tảng đá đó không lớn lắm và nằm chênh vênh giữa đường thì tại sao Wangdu lại biến mất được? Mãi cho đến chiều hôm đó, Wangdu trở lại với một nhóm phu khuân vác và lương thực đầy đủ. Anh ăn mặc y hệt như hình ảnh tôi đã thấy trong giấc mơ và sáng hôm đó. Wangdu giải thích rằng khi về nhà, anh mải vui nên quên mất lời giao ước với tôi. Khi nhớ lại thì đã trễ mất mấy tuần, anh vội vã mua sắm lương thực, mướn một nhóm phu khuân vác và lên đường ngay. Vì lương tâm cắn rứt, anh cứ nghĩ đến việc phải đi sao cho thật nhanh để gặp chúng tôi. Vì tư tưởng của anh cứ lẩn quẩn đến chuyện đó nên đã hóa thành sức mạnh, tạo ra hiện tượng khi tôi ngủ mơ gặp lại anh, và sau cùng tạo thành một hình bóng như chúng tôi nhìn thấy. Tôi đã kiểm chứng rất kỹ lời khai của anh ta. Nhóm phu khuân vác xác nhận rằng Wangdu cùng đi với họ và không hề rời phái đoàn nửa bước. Mặc dù họ vội vã ra đi nhưng Wangdu không thể nào đi nhanh hơn nửa ngày đường như vậy được. Cho đến nay, đây vẫn là một sự kiện đặc biệt trong số những kỷ niệm của tôi tại xứ này. Việc một người bình thường, không có công phu thiền định hay khả năng tập trung tư tưởng, có thể tạo ra được các hiện tượng như trên khiến cho tôi cũng phải tin rằng quả thật miền đất Tây Tạng vẫn có điều gì đó đặc biệt khác thường.
Nếu sự hiện thể có thể được giải thích một cách khoa học như việc sử dụng sức mạnh của ý chí để tập trung các nguyên tử vật chất lại, tạo thành một hình ảnh, một vật, thì sự giải thể cũng chỉ là việc sử dụng sức mạnh của tư tưởng để phân tán các nguyên tử vật chất ra. Người Tây Tạng tin rằng các đạo sĩ có quyền năng ý chí không những có thể tạo ra những sự vật hay đồ vật mà còn có thể làm những đồ vật biến mất nữa. Một số người có thể làm họ hiện hình ra hoặc biến mất một cách dễ dàng. Cũng như thế, khi chết, thay vì để cho thể xác tan rã dần, một số người đã sử dụng phương pháp giải thể khiến cho thân hình họ tan ra thành cát bụi ngay tức khắc.
Truyền thuyết Tây Tạng kể rằng Lạt Ma Reschung, môn đệ của vị hành giả mặc áo rách Milarepa, đã chọn lựa phương pháp trên. Sau khi trăn trối với các đồ đệ, ông ngồi xếp bằng và dùng lửa tam muội đốt tiêu thể xác ra tro.
Điều này có vẻ khó tin, nhưng một sự kiện tương tự đã xảy ra tại Shigatse, trước cặp mắt của hàng ngàn tín đồ tu viện Tashi Lhunpo. Tôi được chính mẫu thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma kể lại chuyện này trong khi tôi đến thăm ngài vào năm 1916.
Lạt Ma Kyongbu là một cố vấn tôn giáo cho Đức Ban Thiền Lạt Ma trong nhiều năm. Vì tuổi già, ngài từ chức, rút vào một am thất nhỏ tĩnh tu, không màng đến những việc trong tu viện nữa. Trong thời gian đó, tu viện đang xây ngôi chùa thờ Đức Di Lặc rất lớn, một cuộc lễ khánh thành long trọng được dự trù cử hành dưới sự chủ tọa của Đức Ban Thiền Lạt Ma. Tôi nghe kể rằng Đức Ban Thiền yêu cầu Lạt Ma Kyongbu đứng ra làm chủ khóa lễ nhưng ngài từ chối vì biết mình sẽ qua đời trước khi ngôi chùa hoàn tất. Đức Ban Thiền Lạt Ma khẩn khoản yêu cầu ngài tạm đình hoãn lại việc từ trần, cố gắng chủ tọa cho buổi lễ ngày hôm ấy. Đối với người phương Tây, việc biết trước giờ chết đã kỳ lạ, nhưng việc đình hoãn giờ chết còn lạ lùng hơn nữa. Lạt Ma Kyongbu đành nhận lời.
Trước sự hiện diện của hàng ngàn tăng sĩ trong buổi lễ khánh thành, Lạt Ma Kyongbu ung dung chống gậy đi thẳng lên trước pho tượng để chủ trì buổi lễ. Ngài thắp một cây nhang đưa lên trước trán, cung kính niệm hương để khai mạc khóa lễ. Sau khi hoàn tất các nghi thức cần thiết, ngài bèn ngồi xếp bằng niệm hồng danh chư Phật ba lần, sau đó người ta chỉ thấy bóng ngài thấp thoáng trước pho tượng rồi bỗng dưng biến mất, chỉ còn cây gậy đặt một bên. Tôi đã đích thân hỏi rất kỹ về hiện tượng giải thể này, mọi người đều xác nhận rằng ngài đã chủ tọa buổi lễ và sau cùng biến mất như thế nào. Có người cho rằng ngài đã dùng lửa tam muội đốt cháy thân thể ngay trước tượng Phật, người khác cho rằng ngài vẫn ngự trong thất và tạo ra một hình ảnh trông giống như ngài để chủ tọa buổi lễ mà thôi. Dù sao đi nữa thì việc biến mất trước cặp mắt chứng kiến của hàng ngàn người cũng là một việc lạ đáng được ghi nhận, và một lần nữa xác nhận những quyền năng lạ lùng của các tu sĩ xứ Tây Tạng.
Huyền thuật và khả năng thần thông vẫn là một đề tài được bàn cãi rất nhiều. Một số người tin rằng thần thông chỉ là những điều tự nhiên xảy ra khi người ta đạt đến một trình độ tu hành nào đó. Vì nó chỉ là một sản phẩm tự nhiên, người ta không nên cầu mong, ao ước vì mong cầu là một sự tham lam xuất phát từ bản ngã. Dĩ nhiên không phải ai cũng nghĩ như thế. Có những người luyện phép thần thông để thỏa mãn các tham vọng riêng, và thần thông hay quyền năng trở thành mục đích chính yếu. Nhờ cố gắng, công phu luyện tập, họ cũng sở đắc được những quyền năng khác thường, đó là trường hợp của các pháp sư, phù thủy. Đa số những người này đều tập luyện hơi thở hay khí công để mở các luân xa, tập tu thiền với một tâm trạng thụ động, kêu gọi các thực thể vô hình từ những cõi giới khác đến tiếp xúc với họ, có khi nhập vào họ nữa. Dĩ nhiên đây là những con đường nguy hiểm, xuất phát từ ảnh hưởng của nền tôn giáo cổ Bon Pa. Tôi đã thấy rất nhiều người tập luyện theo các phương pháp này rồi bị mắc các thứ bệnh quái dị, hết sức trầm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Gần như tu viện Tây Tạng nào cũng đều có dưỡng đường điều trị cho những kẻ muốn đi theo “con đường tắt”, những kẻ muốn tìm cách đốt giai đoạn hay những kẻ ham mê luyện thần công. Do đó, tuy các sách vở Tây Tạng nói nhiều về các quyền năng, các hiện tượng siêu nhiên huyền bí nhưng có lẽ người ta nên xem nó như là lời cảnh cáo hơn là một điều đáng được đề cao.
Những hiện tượng được ghi nhận trong cuốn sách này hoàn toàn khác lạ với quan điểm thông thường của người phương Tây. Vì mỗi người trong chúng ta đều là sản phẩm của thời đại mà chúng ta đang sống, mỗi người đều tự tạo cho mình một quan niệm riêng – được xây dựng trên nền tảng giáo dục và tập quán xã hội. Mỗi khi có một sự kiện gì xảy ra, người ta thường cố gắng giải thích, sắp xếp dựa trên quan niệm đó. Nếu có thể chấp nhận được thì người ta sẽ giải thích nó theo những nền tảng hợp lý nhất.
Nếu không thể giải thích hay chấp nhận thì người ta sẽ loại bỏ nó đi. Sự phủ nhận là điều mà tôi gọi là thành kiến, và chính thành kiến đã giới hạn sự hiểu biết của con người.
Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng là một đề tài lớn, việc ghi nhận của một cá nhân không thể đầy đủ và chắc chắn có nhiều thiếu sót. Tôi cho xuất bản cuốn sách nhỏ này không ngoài mục đích kêu gọi những bậc học giả, có khả năng chuyên môn vượt xa tác giả, hãy tìm hiểu và nghiên cứu thêm về những hiện tượng ghi nhận trong cuốn sách này. Theo ý kiến riêng của tôi thì việc khảo sát phải được xem như một ngành khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu một cách thận trọng theo tinh thần khoa học, loại bỏ những điều huyền hoặc, mê tín dị đoan và nhất là các thành kiến cố hữu. Tôi tin rằng việc tìm hiểu một cách đúng đắn, vô tư về các “hiện tượng lạ lùng” này sẽ mở ra một chân trời mới cho nhân loại vì “phép lạ” chỉ là “phép lạ” khi người ta chưa hiểu biết, chưa thể chứng minh hoặc giải thích rõ rệt. Tôi tin rằng một khi đã nghiên cứu thấu đáo, đã đạt tới một tầm mức hiểu biết đúng đắn, chính xác, và biết cách phát triển các khả năng phong phú sẵn có của con người, thì các hiện tượng vẫn được xem như là “phép lạ” cũng chỉ là một hiện tượng thông thường vẫn hằng hiện diện trong vũ trụ mà thôi.
– Paris, ngày 8/2/1929
[1]
Gangtok là thủ phủ và thành phố lớn nhất Sikkim, Ấn Độ ngày nay.
[2] Theo truyền thuyết, đại sư Phật giáo Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đến Sikkim vào thế kỷ 8, đưa Phật giáo vào đất nước này và báo hiệu một thời kỳ quân chủ ở Sikkim. Triều đại Namgyal của Sikkim được hình thành vào năm 1642. Trong 150 năm sau đó, vương quốc thường xuyên phải chịu các cuộc tấn công, và để mất lãnh thổ cho Nepal. Vào thế kỷ 19, Sikkim liên minh với Ấn Độ thuộc Anh, cuối cùng trở thành một nước được Anh bảo hộ. Năm 1975, một cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến việc bãi bỏ chế độ quân chủ tại Sikkim, và lãnh thổ này hợp nhất với Ấn Độ.
[3] Sáu nẻo luân hồi chính là cõi Trời (deva), cõi Thần (asura), cõi người (manussa), cõi súc sinh (tiracchānayoni), cõi ngạ quỷ (petta), cõi địa ngục (niraya).
[4]
Tam đề:
1.Một là không làm điều ác
2.Hai là siêng làm việc lành
3.Ba là giữ tâm ý thanh tịnh
Ngũ quán:
1.Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực
2.Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực không
3.Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen
4.Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói
5.Năm là tạm dùng vật thực để có sức khỏe hành đạo
Tam đề và ngũ quán là một phần nghi lễ, đặc biệt được ứng dụng trong giờ thọ trai bữa ngọ (giờ trưa) của chư Tăng – Ni, được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa giáo dục khá quan trọng đối với người tu xuất gia nói riêng và người Phật tử tại gia nói chung.
Thứ nhất, nhắc nhở cho con người nhận thức rõ căn bản của việc thọ thực đối với người tu là phương tiện duy trì thân mạng để làm lợi ích cho chúng sinh, để tiến đến cõi chân thường, bất sinh bất diệt.
Thứ hai, giáo dục người tu phải sống tỉnh giác, chánh niệm trong từng hơi thở, hành vi của chính mình và cảm nhận niềm hạnh phúc có mặt “tại đây và bây giờ”. Hạnh phúc đó xuất hiện trong mỗi cử chỉ, hành vi đời thường như ăn, mặc, học hành, tu tập… chứ không phải đi tìm kiếm ở một nơi nào đó trên trời xanh cao thẳm hay xa vời kiếp sau.
[5]
Những vật cung cấp cho chúng tăng thụ dụng.
[6]
1 bộ (foot) = 0,3048 mét.
[7]
Ngũ dục là năm sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh.
1. Sắc dục: ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt…
2. Thinh dục: ham muốn tiếng hay, dịu ngọt…
3. Hương dục: ham muốn mùi thơm ngạt ngào…
4. Vị dục: ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt…
5. Xúc dục: ham muốn sự đụng chạm mềm dịu…
Ngũ dục còn có năm thứ sau:
1. Tài dục: ham muốn của, vàng ngọc.
2. Sắc dục: tham sắc đẹp mỹ miều.
3. Danh dục: tham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt.
4. Thực dục: tham muốn thức ăn ngon nhiều.
5. Thùy dục: tham muốn ngủ nghỉ nhiều.
[8] Lạt Ma là một địa vị quan trọng dành cho những người đã đậu kỳ thi về Phật học. Lạt Ma không có nghĩa là tu sĩ (trappa), nhưng tất cả tu sĩ đều là Lạt Ma vì họ bắt buộc phải thi đậu kỳ thi này.
[9]
Thị thực nhập cảnh, hay visa.
[10]
Có thể nhìn thấy khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới rõ ràng như nhìn vật trong lòng bàn tay.
[11] Có thể nghe được mọi âm thanh từ cõi nhân gian cho đến tận ba ngàn đại thiên thế giới, luôn cả các âm thanh của cõi trời.
[12]
Có khả năng biết được tất cả những việc thiện cũng như ác đã tạo trong các đời trước.
[13]
Khoảng 15,24 mét.
[14]
Bảy cái lỗ trên mặt, gồm: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng.
[15]
Afghanistan.
[16] Theo truyền thống, xã hội Ấn Độ phân chia thành 4 đẳng cấp chính, cao nhất là Brahmin (giáo sĩ, người chú giải kinh sách, người dạy dỗ và truyền thụ), đứng sau lần lượt là Kshatriya (vua chúa, nhà lãnh đạo quân sự, chiến binh), Vaishya (thương nhân, chủ đất, thợ thuyền có tay nghề), Shudra (nông dân, thợ thuyền không có kỹ năng, đầy tớ).
Dưới cùng, nằm ngoài hệ thống đẳng cấp, là tầng lớp Dalit, có nghĩa là “bị áp bức”.
Các đẳng cấp trên xem người Dalit là “không đáng đụng tới”. Họ không muốn tiếp xúc, và không chạm vào bất cứ vật gì mà người Dalit đã chạm vào, vì cho rằng người Dalit làm mọi thứ “vấy bẩn”.
Những người “không đáng đụng tới” phải làm những công việc mà xã hội cho là dơ bẩn (thu dọn vệ sinh, chùi rửa cầu tiêu, đốt xác), và chỉ được sống ngoài rìa của làng. Họ không được phép vào đền thờ, tới gần nguồn nước của các đẳng cấp khác, hay dùng chung bát đũa.
Hiến Pháp của Ấn Độ độc lập năm 1950 đã chính thức loại bỏ việc phân chia đẳng cấp. Nhưng trên thực tế, trong tiềm thức và cung cách hành xử của người dân Ấn Độ, việc phân chia và kỳ thị đẳng cấp vẫn tiếp tục hiện diện và đè nặng trên cuộc sống của các đẳng cấp thấp kém hơn, đặc biệt là giai cấp cùng đinh.
[17] Việc này xảy ra trước phong trào chấn hưng Phật giáo của đại sư Tsong Khapa, khi đó các vị Lạt Ma còn được phép lập gia đình.
[18] Tội công xúc tu sỉ, còn gọi là công khai dâm ô, nằm trong các hành vi xâm phạm thuần phong mỹ tục khiến cho người khác xấu hổ, sượng sùng, e thẹn khi trông thấy
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet