Sách Tâm Linh

Ngọc Sáng trong Hoa Sen

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen

Chương IV: Nhẹ Bước Tiêu Dao

Tạ Hải chăm chú theo dõi câu chuyện tôi kể về chuyến đi thăm Lan đảo rồi lắc đầu:
– Tôi thiết nghĩ một chuyến nghỉ hè sau những ngày làm lụng mệt mỏi là điều rất tốt, nhưng tại sao bạn không nghỉ ngơi cho thoải mái mà lại để cho mình bị lôi cuốn vào những chuyện phù phiếm không đâu! Bạn cho rằng việc nhảy từ trên cao xuống đất mà không hề hấn gì là chuyện hi hữu sao? Có bao giờ bạn tự hỏi các đạo sĩ tập luyện khinh công như thế để làm gì không? Chẳng lẽ ngày nào người ta cũng ngã xuống vực?
– Nhưng giữ được quân bình như thế cũng giỏi lắm chứ!
– Dĩ nhiên tôi không chê công phu đó nhưng tiếc cho đạo sĩ tu tập bao năm mà
vẫn không nắm được mục đích của đạo, cứ tốn công nhọc sức vào những điều
viển vông không đâu.
– Nhưng ông ta đãlàm gì viển vông?
Tạ Hải không trả lời, bước tới kệ sách rút lấy một cuốn sách dày đóng bìa da cẩn thận. Đó là một cuốn sách rất cổ in từ đời Tống rất quý. Anh cẩn thận giở từng trang rồi chỉ vào một dòng.
– Bạn hãy coi đây. Theo Lão Tử thì trong ngũ hành, kẻ tu đạo phải biết lấy yếu
tố nước làm căn bản. Nước luôn luôn nhượng bộ để chinh phục. Nước có thể làm tắt lửa hoặc nếu lửa mạnh thì nước sẽ chuyển thành hơi bốc đi nơi khác. Nước có thể cuốn trôi đất và nếu gặp đá cứng không cuốn trôi được thì nước bèn rẽ qua chỗ khác. Nước có thể làm sắt phải han gỉ, nước có thể bốc lên không trung làm không khí ẩm ướt khiến gió cũng phải ngưng. Tóm lại, nước là yếu tố có thể thắng tất cả những yếu tố khác. Nhưng tại sao nó thắng? Nó thắng vì bản tánh nó uyển chuyển, thích hợp với mọi hoàn cảnh. Khi gặp chỗ trống thì nó nhảy vào, gặp chỗ đầy thì rút ra; nó biết tìm chỗ nấp, tránh chỗ cao để gìn giữ trạng thái  quân bình trong vạn vật. Bạn không thấy sao, thể xác con người khi mới sinh thì mềm, khi chết thì cứng. Trong thiên nhiên, cây cỏ mới sinh thì mềm mại, đến khi chết thì khô héo. Tóm lại cứng mạnh là bản chất của sự chết và mềm yếu là của sự sống, càng cứng mạnh thì càng dễ gẫy, càng mềm thì càng không thể gẫy được.
Chữ mềm (nhu) có nghĩa là uyển chuyển, không cố định trong một hình thức nào mà luôn luôn thay đổi, thích hợp với mọi hoàn cảnh. Tâm hồn con người sống theo lẽ Đạo cũng vậy, phải biết thay đổi, biến hóa theo nhịp sống của thiên nhiên, không gò bó theo một định luật hay ước lệ nào, không cưỡng lại, không chống đối mà vẫn đạt được mục đích cuối cùng. Đó chính là bí quyết lấy nhu thắng cương, lấy nhược trị cường, lấy cái không tranh đua để tất thắng.
Bây giờ hãy xét đến việc cầu trường sinh trẻ mãi không già hay việc luyện khinh công nhảy từ trên cao xuống đất không hề hấn chi mà bạn cho là hết sức đặc biệt.
Này bạn, có sinh ắt có diệt, có sống ắt có chết, có trẻ ắt có già, đó chính là lẽ thường của thiên nhiên. Những kẻ tự xưng là sống thuận theo thiên nhiên nhưng kỳ thật lại cố gắng giữ cho mình không già qua phương Pháp dưỡng khí luyện thần, tu đạo luyện đơn chỉ là những kẻ đi ngược với thiên nhiên chứ đâu phải thuận. Tạo hóa sinh chim chóc biết bay, cá tôm biết lội, loài người biết đi, đó là lẽ thường nhưng tại sao con người lại muốn tập luyện để bay như chim, để lội như cá? Như thế đâu thể bảo là thuận thiên nhiên, hợp tạo hóa hay sống theo lẽ đạo được! Này bạn, xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, mùa xuân đâu có chiếm lấy vài tháng của mùa thu để kéo dài thêm đời sống cho nó mà sao con người lại cứ muốn kéo tuổi xuân mãi mãi? Phải chăng đó là mê đắm, là tham dục, là đi ngược thiên nhiên? Tóm lại họ chỉ dựa trên những lý luận mơ hồ rồi ngụy biện gọi đó là Đạo chứ đâu phải là đúng với điều mà Lão Tử gọi là Đạo. Nếu không biết phân biệt thật hay giả, cứ thấy cái gì kỳ lạ, cái gì huyền bí màu nhiệm, cái gì khác thường là cắm đầu tin theo thì bạn sẽ bị cái sức mạnh ma quái đó lôi cuốn đi mãi vào cái vòng luẩn quẩn, biết bao giờ có thể hồi tâm tỉnh ngộ được. Hơn nữa, bạn đã là tín đồ Phật Giáo; đạo Phật chủ trương mở mang trí tuệ để thấy được chân lý chứ đâu phải đi tìm những sự kỳ lạ, huyền hoặc hay cầu Pháp thuật thần thông. Khi có trí tuệ liền thấy được tất cả những điều trên đời đều chỉ là giả tưởng, điều không có thật. Mọi sự vật ở thế gian đều vô thường, dù cố gắng bảo tồn, duy trì thế nào chăng nữa, rốt cuộc chúng cũng hoại diệt, không thể thường hằng. Cứ giữ chặt lấy cái không có thật, cứ bám cứng vào cái huyễn ảo, nếu không phải si mê, cố chấp thì là gì?
Trước lý luận chính xác và rõ ràng của Tạ Hải, tôi đành bẽn lẽn cười trừ. Tạ Hải tiếp tục:
– Nếu biết thế, biết con đường phải đi, biết rằng mình đã may mắn có thầy chỉ dẫn thì lẽ ra bạn phải tập trung nỗ lực để cố gắng tu tập hành trì mới phải. Tại sao bạn còn để những việc phù phiếm như tu đạo luyện đơn, trường sinh bất tử hay trò khinh công mê hoặc nhân tâm đó lôi kéo? Bạn phải biết rằng thà tu theo đường chính mà ngàn năm không ngộ còn hơn tu theo đường tà để rồi hối hận không kịp. Bạn đã đọc nhiều sách, đã nghiên cứu, đã thực hành Thiền tập mà sao lại dễ tin như vậy? Phải chăng bạn chưa thực sự ý thức được mục đích con đường của mình, dễ bị lung lạc, dễ bị lôi cuốn? Tôi nghĩ có lẽ bạn cần chú ý hơn nữa về giới luật.
Quả thật như thế, mặc dù đã quy y ngũ giới nhưng tôi vẫn chưa nắm vững giới luật một cách rõ rệt. Tôi chưa có dịp thực hành những điều đã học để xem công phu tu học của mình như thế nào. Đúng thế, tôi dễ bị lung lạc, ham mê những gì kỳ lạ, khác thường. Ngay khi đó, câu nói của bà lão mù tại Đông Hải
thần miếu chợt vang lên: “Muốn đi xa, phải đi từ từ, phải thận trọng theo đường chính, tránh các ngả tắt dễ làm người ta lầm đường lạc lối”. Lúc đó tôi mới hiểu rõ lời cảnh cáo đó và nghĩ đến cái “linh ảnh” mà Tiểu Ngọc đã nhìn thấy. Khi kể chuyện cho Tạ Hải, tôi đã cố tình không nhắc đến hai yếu tố đó và đến lúc ấy tôi mới bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giới luật như căn bản giúp người mới bước vào đường tu tránh các cạm bẫy.
Một số người thường cho rằng giới luật là những cái gì cứng nhắc, gò bó, kiềm chế con người nhưng theo tôi, giới luật Phật Giáo không hề có tính cách đó. Khi mới thành lập tăng đoàn, Đức Phật không hề đặt ra giới luật. Khi số đệ tử của ngài gia tăng, với đủ các thành phần trong xã hội, với trình độ kiến thức khác nhau, ngài mới đặt ra giới luật như một căn bản để che chở giúp đỡ cho những người mới tu khỏi sa ngã. Nhờ biết trì giới họ có thể giữ tâm an tịnh, thoải mái không bị ngoại cảnh lôi cuốn lung lạc. Nhờ chuyên tâm tu tập mà họ đắc định.
Khi có định thì trí tuệ mới nảy sinh (Giới, Định, Tuệ). Khi đã có trí tuệ thì mới nhìn thấy rõ thực tướng của mọi vật, thấy được chân lý, hiểu lẽ vô thường, vô ngã.
Khi đã có trí tuệ thì giới luật không còn cần thiết nữa, ví như khi qua sông thì bỏ bè. Các đệ tử của Phật phát nguyện giữ giới vì biết rõ lợi ích của nó, biết đó chỉ là những hàng rào che chở bảo vệ, những chiếc bè đưa người qua sông, nhưng đó là phương tiện giúp người ta tiến bước trên đường dẫn đến mục đích tối hậu chứ không phải là những ràng buộc nghiêm khắc, những luật lệ gò bó trói buộc.
Vấn đề giới luật đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều nên ít lâu sau, khi nghe tin vị trụ trì ngôi Chùa gần đó làm lễ điểm hương cho một số Phật tử, tôi cũng xin tham dự. Đây là một buổi lễ dành riêng cho các Phật tử tại gia phát nguyện xin giữ thêm một số giới nữa ngoài năm giới căn bản. Chúng tôi quỳ trước bàn thờ tụng một bài kinh rất dài. Sau đó vị trụ trì ra hiệu cho mỗi người vén tay áo, đưa cánh tay ra. Ông thong thả bôi vào cánh tay một chút nước gì dinh dính như keo rồi điểm lên đó thứ tự ba hàng dọc song song, mỗi hàng bốn chấm từ cổ tay lên đến khuỷu tay, tổng cộng mười hai chấm tượng trưng cho mười hai giới mà chúng tôi nguyện sẽ tuân giữ. Trên mỗi chấm, ông đặt vào một mẩu nhang nhỏ rồi châm lửa đốt. Chúng tôi bắt đầu đọc tụng những bài thần chú, chuyên tâm vào từng câu, từng cách phát âm trong khi sức nóng của miếng nhang bắt đầu đốt cháy vào da thịt. Nhờ tập trung tư tưởng vào bài chú, tôi chỉ cảm thấy hơi đau trên cánh tay, nhưng khi nghi thức hành lễ chấm dứt, tôi mới thấy cánh tay đau nhức vô cùng. Vết bỏng ăn sâu vào da thịt tạo thành mười hai cái chấm nhỏ hằn trên cánh tay như chứng tích luôn luôn nhắc nhở tôi về những giới luật mà tôi đã nguyện xin tuân giữ.
Đối với các tăng sĩ, thay vì điểm hương trên cánh tay, họ lại điểm trên trán, do đó trên trán họ thường có những vết chấm rất rõ rệt. Tôi không biết phong tục này có từ khi nào nhưng nhờ thế mà tôi kinh nghiệm được một bài học về sức mạnh của tư tưởng. Tôi nghiệm rằng khi làm chủ được tư tưởng thì người ta có thể tránh được các cảm giác đau đớn về xác thịt. Tuy nhiên việc đau đớn vì các vết bỏng đó chỉ là việc nhỏ so với trường hợp của Tạ ngũ thúc sau đây.
Một hôm tôi cho Tạ Hải biết rằng tôi đã dành dụm đủ tiền để du lịch Trung Hoa. Mấy năm sống tại Hồng Kông đã giúp vốn liếng tiếng Hoa của tôi dồi dào hơn trước, có thể du lịch một mình. Tạ Hải gật đầu tỏ ý tán đồng:
– Hay lắm! Để tôi giới thiệu anh với người chú ruột của tôi ở Quảng Đông. Tạ ngũ thúc giao thiệp rộng, kiến thức nhiều, ông ấy có thể giúp đỡ và hướng dẫn
anh trong nhiều việc.
Vài hôm sau, tôi đáp xe lửa đi Quảng Đông. Vừa đến nhà ga Thạch Quán, người chú thứ năm của Tạ Hải đã ra đón tận nơi. Đó là một người đàn ông cao lớn mập mạp, khuôn mặt vui vẻ nhưng cử chỉ của ông lại rất nhẹ nhàng, ung dung. Ông nói năng chậm rãi, từ tốn và thân mật khiến tôi vừa gặp đã có cảm tình. Theo lời Tạ Hải, ngày trước ông là một phú thương, có nhiều nhà cửa, cơ sở thương mại. Cũng như những thương gia giàu có thời đó, ông có nhiều vợ. Cứ mỗi nơi thiết lập cơ sở thương mại là ông lại cưới một người vợ để trông coi công việc cho ông. Ngoài ra ông còn hút thuốc phiện nữa. Sau mấy chục năm đang sống thoải mái như vậy bỗng nhiên ông đổi tính, từ bỏ vợ con, giatài sự nghiệp về sống trong một căn nhà bé nhỏ khiêm tốn, suốt ngay chỉ tụng kinh tham Thiền.
Điều đặc biệt hơn cảlà ông đã bỏ luôn cảthói hút thuốc phiện nữa.
Hôm đó, sau bữa cơm tối, tôi đặt câu hỏi:
– Xin Ngũ thúc cho biết vì lý do gì thúc thúc bỏ được tật nghiện thuốc phiện?
Phải chăng lòng tin vào Phật Pháp củathúc thúc rất mạnh?
Tạ ngũ thúc bật cười:
– Không hẳn như thế! Bỏ thuốc phiện không dễ nhưng một khi đã biết rõ cái nguy hại của nó thì điều này có thể thực hiện được.
– Xin thúc thúc cho biết rõ hơn.
– Được lắm. Ta bỏ thuốc phiện hơn hai mươi năm nay rồi. Khi xưa ta hút rất nhiều, khoảng năm hay sáu cữ mỗi ngày, mà toàn những thứ hảo hạng cả. Khi ta biết đến Phật Pháp, biết được con đường thoát khổ thì ta cương quyết từ bỏ những thói xấu tai hại ngày trước. Lúc đó vợ con, thân quyến của ta hoảng sợ, kéo đến năn nỉ ta đừng bỏ thuốc một cách cấp tốc như vậy. Đã có bao nhiêu người  chết bất đắc kỳ tử, chết khổ sở, thân tàn ma dại hay điên loạn chỉ vì cai thuốc nhanh quá. Họ khuyên ta hãy giảm bớt liều lượng hoặc đến bệnh viện điều trị nhưng ta vẫn nhất quyết bỏ nó ngay.
– Tại sao thúc thúc lại làm như vậy?
– Này tiểu huynh đệ, thử tưởng tượng nếu anh đang ngồi bỗng thấy cái gì nhột
nhột dưới chân, anh thò tay xuống cầm lên xem và thấy đó là một con rắn độc thì anh sẽ làm gì? Liệu anh có từ từ thong thả đặt nó xuống đất không? Hay anh vung tay ném đó đi thật xa? Bỏ thuốc phiện cũng thế thôi. Đã biết cái độc hại của nó thì phải cai thuốc ngay chứ không thể bỏ dần dần. Biết bao kẻ đã cai thuốc rồi lại mắc vào. Ta sợ nếu bỏ từ từ thì không bỏ nổi, cứ giằng co mãi chả đi đến đâu.
Hơn nữa thuốc phiện làm hư hỏng trí óc, phá hoại cơ thể, mà khi đó ta bắt đầu tập tu Thiền, rất cần một bộ óc lành mạnh.
– Trên nguyên tắc tôi đồng ý phải bỏ thuốc, nhưng việc điều trị cần một thời gian chứ, đã bao người cai thuốc bị hành hạ, đau đớn, vật vã, có thể chết…
– Ta cũng suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Ta biết rằng tất cả đều do Tâm tạo. Một khi đã có sức mạnh của Tâm thì mọi việc khác chỉ là trò chơi. Vị thầy của ta đã dạy rõ Tâm là chủ, Tâm tạo tác ra tất cả mọi vật nên ta cũng muốn trắc nghiệm xem cái sức mạnh của Tâm này như thế nào!
– Như vậy thúc thúc có gặp trở ngại nào không?
– Có chứ. Cái đau đớn khổ sở vì bị thuốc hành đó quả vô cùng kinh khủng.
Khi vừa bỏ không hút thì thân thể ta run bần bật, nước mắt nước mũi trào ra, ăn không được, ngủ không được, đi tiêu chảy, đầu nhức như búa bổ, khắp các thớ thịt đau nhức từng cơn, chân tay không phục tùng mệnh lệnh của trí óc nữa mà cứ giựt giựt như người động kinh. Ta không thể đi đứng như thường mà phải bò lê trên đất, miệng đắng ngắt không thể nuốt thức ăn. Mặt mày hốc hác như thây ma nhưng ta cương quyết không phục tùng các dằn vặt và đòi hỏi của thể xác.
Mỗi khi thân thể đau đớn không thể chịu đựng thì ta nhất quyết bắt mình ngồi Thiền. Tuy chân tay đau buốt như bị trăm ngàn mũi kim châm chích nhưng ta vẫn khép nó vào kỷ luật. Ta tập trung tư tưởng, nhất tâm niệm Phật. Ta biết ngoài tâm của ta ra, ta không còn gì nữa vì thân xác ta đã kiệt quệ rồi, do đó ta tìm chỗ trú ẩn trong tâm. Ta quán rằng thân thể ta chỉ là một cái vỏ, một hình hài khô héo không phải là ta mà bấy lâu nay ta cứ tưởng nó là mình. Bấy lâu nay ta cứ chăm chăm lo lắng săn sóc nó mãi và trở thành nô lệ cho nó trong khi thực ra nó phải là nô lệ cho ta. Khi ý thức thật rõ điều đó rồi thì thể xác không còn chi phối được ta nữa. Dù đau đớn khó chịu thế nào ta cũng không thèm chú ý đến nó mà chỉ chú ý đến sự an lạc, thanh tịnh trong tâm quacông phu Thiền quán.
Dần dần nội tâm của ta trở nên phong phú hơn. Khi sức mạnh tư tưởng của ta trở nên dồi dào mãnh liệt, ta mới sử dụng nó để chữa trị cho thể xác. Mỗi khi miệng chua, ruột đau gan nhức thì ta quán tưởng đến những món ăn thật ngon, thật bổ dưỡng rồi tập trung tư tưởng quán rằng những thức ăn đó đang được dẫn dắt đi khắp châu thân, bồi bổ thân thể, chữa trị cho ta. Nhờ quán tưởng thế mà ta phục hồi được cơ quan tiêu hóa. Ta bắt đầu ăn uống được, miệng không còn đắng, ruột gan không còn khó chịu nữa. Theo thời gian ta ăn được nhiều hơn và chẳng bao lâu sức khỏe ta đã phục hồi. Lúc đầu ta không ngủ được nhưng ta không cần ngủ vì khi nhập Thiền, thân thể ta hoàn toàn được nghỉ ngơi một cách an tĩnh, thoải mái còn hơn cả những giấc ngủ thông thường rồi. Chính nhờ công phu Thiền tập chuyên cần mà hệ thần kinh của ta trở nên bình thường, chứng động kinh dần dần mất hẳn và sau cùng ta đã ngủ được một cách thoải mái, dễ dàng.
Cứ như thế, ta áp dụng phương Pháp Thiền tập, quán sát, đặt thể xác dưới sự kiểm soát và chữa trị của nội tâm. Vài tháng sau, toàn thân ta phục hồi, ăn được, ngủ được và hoàn toàn bình phục trước sự kinh ngạc của mọi người. Nếu không biết cách sử dụng sức mạnh tư tưởng, nếu không biết tìm cách an trú trong nội tâm thì chắc ta đã chết từ lâu rồi. Thật ra nhiều lần ta đã thấy mình cận kề cái chết, có lẽ chỉ một tơ tóc là ta đi luôn rồi, nhưng cái sức mạnh nội tâm tiềm tàng của ta đã làm chủ được tình trạng lúc đó. Cuối cùng ta đã thắng. Đây cũng là một kinh nghiệm vô cùng quý báu vì nhờ thế ta càng tin tưởng rằng Tâm là chủ của tất cả.
Hiện nay dù bị một cây kim đâm vào cánh tay hay bị phỏng lửa, ta cũng không cảm thấy đau đớn bao nhiêu. Sức mạnh nội tâm của ta đã hoàn toàn làm chủ được thể xác rồi.

– Nếu vậy hiện nay Ngũ thúc còn thèm thuốc phiện nữa không? Người ta nói rằng những người cai thuốc mỗi khi ngửi lại mùi thuốc phiện hay đi ngang qua nơi hút vẫn có cảm giác thèm muốn, có khi nước mắt nước mũi lại trào ra…
Tạ ngũ thúc cười lớn:
– Này tiểu huynh đệ, nếu anh biết rắn hổ mang rất độc, có thể cắn chết người thì anh có dám sờ vào nó không? Một khi đã hiểu biết thực sự chứ không phải đại khái, mơ hồ thì làm sao người ta có thể vướng mắc được. Một khi đã biết và sống với tâm trạng đó thì người ta có thể hành động một cách ung dung tự tại, không vướng mắc, không tham luyến, nhẹ nhàng thanh thản. Anh biết không, hiện nay ta vẫn giao du với các bạn hữu ngày trước, những người này vẫn hút thuốc phiện và ta thường nằm cạnh họ đàm đạo, có khi giúp họ tiêm thuốc mà lòng không thèm muốn chút nào nữa. Khi trước có lúc ta nghĩ mình có thể giết người để đổi lấy một cữ thuốc được, nhưng hiện nay thì khác. Thuốc phiện hay các chất ma túy không còn cám dỗ được ta nữa.
– Hiện nay Ngũ thúc sinh sống ra sao? Tôi nghe Tạ Hải kể rằng thúc thúc đã bỏ tất cả tài sản, cơ nghiệp, vợ con…
– Đúng thế. Khi xưa còn trẻ ta say mê buôn bán và gây dựng được một sự nghiệp khá lớn. Khi có tiền tài, địa vị, danh vọng, người ta dễ vướng vào tửu sắc.
Ta cũng không ra ngoài thông lệ đó nên có rất nhiều vợ. Việc làm ăn buôn bán tại các địa phương cần có người trông nom mà ta không thể quản lý hết nên nhất cử lưỡng tiện, ta lấy thật nhiều vợ, giao cho mỗi người cai quản trông nom một cơ sở thương mại. Ngoài các bà vợ chính thức, ta còn có nhiều nàng hầu cho đến khi biết Phật Pháp, ý thức được lòng tham cũng như nỗi đau khổ ta đã gây ra cho các bà vợ của ta. Hiển nhiên, vì không thể làm vui lòng tất cả nên chắc chắn có nhiều người phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Các con ta cũng thế. Ta không chăm lo, săn sóc cho chúng bao nhiêu vì quá bận rộn, chẳng biết mình có bao nhiêu con và tương lai chúng thế nào nữa. Nếu tiếp tục ta chỉ gây thêm khổ đau cho người này hay người khác. Nếu còn buôn bán thì chắc ta sẽ có thêm nhiều cơ sở thương mại và rồi vướng mắc mãi trong cái vòng luẩn quẩn, gây đau khổ cho người này hay người nọ.

Đôi khi ta nghĩ rằng chính sự thành công, giàu sang, có tài sản, sự nghiệp lại là một tai hại lớn vì ở trong hoàn cảnh giàu sang sung sướng đó, ít ai học được điều gì. Cuộc đời thì vô thường, trước có sau không, nay còn mai mất mà người ta cứ cố gắng vơ vét, tích lũy, làm nô lệ cho lòng tham, gây khổ đau cho nhiều người.
Muốn giải thoát phải có can đảm dứt bỏ, phải dũng cảm đoạn tuyệt với quá khứ, phải cương quyết tu tỉnh để sống cho đúng với ý nghĩacủasự sống.
Sau một thời gian suy nghĩ, ta tập hợp tất cả vợ con lại, kiểm điểm tài sản rồi chia đều cho mọi người. Ta thanh toán tất cả các món nợ với người và mang tất cả các giấy nợ người khác thiếu ta ra đốt. Ta nhất quyết đoạn tuyệt với quá khứ, không vay, không nợ và cũng không muốn bị ràng buộc vào bất cứ cái gì. Ta không giữ lại gì cho riêng ta. Ngay căn nhà nhỏ này cũng là của một người thân cho ta tạm trú. Khi đó ai cũng nghĩ rằng ta mất trí hoặc vì cai thuốc phiện nên đâm ra lẩm cẩm, nhưng ta vẫn cương quyết hành động như dự tính. Ta biết khi xưa, vì lo buôn bán làm giàu, thu thập tài sản tích lũy, chắc chắn ta đã tạo nhiều nghiệp xấu, gây đau khổ cho nhiều người, nếu không cương quyết ăn năn hối cải thì làm sao ta có thể nhẹ nghiệp mà tu cho được! Ta nghiệm rằng người có nhiều của giống như kẻ đeo đá mà nhảy xuống sông, không thể bơi lội được nên ta nhất định từ bỏ tất cả.
– Nhưng chắc hẳn Ngũ thúc phải gặp một biến cố gì đặc biệt lắm mới hành động như thế?
– Ta chỉ may mắn có duyên gặp được một vị thầy, nghe ngài thuyết Pháp rồi tỉnh ngộ.
– Xin Ngũ thúc kể rõ hơn.
– Hôm đó ta có việc phải đi ngang một làng nhỏ, gặp lúc trời đổ mưa nên phải vào tạm trú trong một cảnh Chùa. Từ trước đến hôm ấy ta chẳng bao giờ đi Chùa, lễ Phật hay tụng kinh. Muốn cầu xin việc gì đã có các bà vợ của ta lo rồi. Tuy nhiên lần đó ta vô tình nghe một vị sư già giảng kinh cho tăng sĩ trong Chùa.
Không hiểu vì sao ta lại say mê theo dõi và bất chợt ý thức được lẽ vô thường của cuộc đời. Ta đứng đó mà đầu óc rung động như người lên cơn sốt. Lần đầu tiên trong đời ta ý thức rất rõ các động năng đã thúc giục ta hành động và vì lý do gì ta đã làm thế. Sau buổi giảng, ta bước vào bái kiến vị sư già, xin ngài giải đáp thêm cho những thắc mắc của ta. Không những ngài chỉ cho ta rõ ngọn ngành mà còn hướng dẫn ta về phương Pháp tu hành nữa. Ta ở lại trong Chùa ba ngày học hỏi với ngài và cuộc đời ta thay đổi hẳn từ đó. Khi bước vào Chùa, ta đang là kẻ bận tâm lo lắng về những điều hơn lẽ thiệt, những món hoạnh tài thu được, những thủ đoạn phải thi hành, những người gặp phải, những toan tính với các vợ lớn, vợ nhỏ… Thế mà khi bước chân ra khỏi Chùa, ta chỉ thấy những dải mây hồng nhạt, thửa ruộng xanh ngắt, tiếng chim hót thánh thót, mùi hương đồng cỏ nội… Tâm hồn ta an tĩnh, trí óc ta thảnh thơi, bước chân ta ung dung tự tại, sảng khoái vô cùng. Ta hoàn toàn trở thành một người khác.
– Xin hỏi thúc thúc, vị sư đó tên gì và hiện nay ở đâu?
– Tên ngài là Hòa thượng Hư Vân, trụ trì Chùa Nam Hoa, phía bắc tỉnh Quảng Đông nhưng ngài thường rày đây mai đó, hành tung vô định. Ta gặp ngài tại một ngôi Chùa nhỏ cách đây không xa lúc ngài ghé qua giảng dạy cho chúng tăng ở đó.
– Hòa thượng Hư Vân? Phải chăng chính ngài là truyền nhân của dòng Thiền Huệ Năng?
– Phải rồi, chính là ngài.
Trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa, câu chuyện về ngài Huệ Năng, vị tổ thứ sáu thường được nhắc đến rất nhiều. Lục tổ Huệ Năng xuất thân ở đất Lĩnh Nam, một miền biên thùy hoang vu nằm ở cực nam Trung Hoa. Gia cảnh nghèo túng, cha mất sớm, từ nhỏ ngài đã phải vào rừng đốn củi chứ không được đi học.
Một hôm gánh củi ngang nhà kia nghe tiếng đọc kinh sang sảng, ngài bỗng giật mình tỉnh ngộ và hỏi chủ nhà: “Đó là kinh gì? Ai đã giảng kinh này vậy?”. Chủ nhà đáp: “Đó là kinh Kim Cang, ở vùng Hoàng Mai có ngài Hoằng Nhẫn thường giảng kinh này cho các đệ tử”. Nghe nói ngài vui mừng, bèn thu xếp công việc, xin phép mẹ già để lên đường tìm đến Hoàng Mai học đạo. Từ Lĩnh Nam đi Hoàng Mai rất xa, phải trải qua nhiều khó khăn trở ngại mới đến được. Sau mấy tháng trời ròng rã, ngài đến nơi gặp lúc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn vừa giảng kinh xong cho các đệ tử, bèn bước vào xin tham kiến. Nhìn thấy một người thân hình đen đủi xấu xí quần áo lam lũ rách rưới, Ngũ tổ bèn hỏi:
– Ngươi từ đâu đến?
– Con từ Lĩnh Nam đến.
– Đến để cầu việc gì?
– Con chỉ đến cầu làm Phật, không cầu việc chi khác. Nghe câu trả lời dõng dạc, tăng chúng đều giật mình nhưng Ngũ tổ nói tiếp:
– Ngươi ở đất Lĩnh Nam, một miền man di mọi rợ như thế thì sao làm Phật cho được?
– Khải bạch Hòa thượng, thân con tuy xấu xí quê mùa không giống với thân Hòa thượng nhưng Phật tánh nào có khác. Người tuy kẻ Nam người Bắc chứ Phật tánh nào có chia hai.
Ngũ tổ nghe nói biết ngay là người có căn cơ thượng thừa nhưng biết thời cơ chưa đến, sợ có thể bị tai họa nên quát:
– Ngươi không được nói xàm, đi ngay xuống bếp giã gạo bổ củi cho ta.
Huệ Năng bèn xuống nhà bếp làm các công việc phục dịch trong Chùa. Vì thân hình gầy yếu bé nhỏ mà chày giã gạo to lớn nặng nề nên ngài phải cột thêm mấy cục đá lớn
vào lưng cho đủ nặng để giã gạo. Tuy cực nhọc ngài vẫn chăm chỉ làm việc không hề than van. Ít lâu sau, biết thời cơ truyền Pháp đã đến, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn mới tụ họp các đệ tử lại và nói:
– Các ngươi chỉ biết tu học cầu phước chứ không chịu nỗ lực phát triển trí tuệ để thoát ly sinh tử. Tự tánh đã si mê như thế thì phước nào có thể cứu được. Bây giờ mỗi người trong các ngươi hãy tự làm một bài kệ trình bày kiến giải của mình.
Ta thấy bài nào phù hợp thì sẽ truyền y bát cho.
Các đệ tử bàn tán với nhau, cho rằng trong Chùa về khả năng tri thức thì không ai hơn được vị trưởng môn đại đệ tử là Thần Tú nên họ đều có ý nhường cho ông này đệ trình bài kệ. Về phần Thần Tú cũng biết vậy nhưng tự xét việc đệ trình một bài kệ như vậy có ngụ ý mong cầu nên cũng không thích. Do đó đợi lúc đêm khuya ông mới viết lên vách Chùa bài kệ như sau:

Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân như cội Bồ Đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ nên để bụi bám.

Khi tổ Hoằng Nhẫn đọc qua bài kệ này, ngài biết ngay người viết bài đó chưa thấy Tánh, tuy nhiên ngài vẫn khen:
– Này các đệ tử! Đây là một bài kệ rất hay. Nếu các ngươi cứ theo đó mà tu thì
sẽ khỏi đọa vào ác đạo.
Các đệ tử nghe vậy vội vã đua nhau ghi chép đọc tụng, có người đi xuống bếp
cũng ngâm nga đọc. Huệ Năng nghe được, bèn hỏi lai lịch bài kệ và ngỏ ý cũng muốn làm một bài kệ để họa lại nhưng vì không biết viết, phải nhờ người khác viết giùm. Bài kệ của ngài như sau:

Bồ Đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Bồ Đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Thì bụi bám vào đâu.

Mọi người thấy có bài kệ khác họa lại bài của Thần Tú thì kéo đến đọc rồi khen chê bàn tán xôn xao. Tổ Hoằng Nhẫn nghe ồn ào bước ra đọc, thầm nhận người viết bài này có kiến giải thâm sau, đã thấy được Tánh nhưng sợ nói ra e có kẻ đố kỵ, có thể ám hại nên ngài rút giầy ra bôi xóa bài kệ đó đi và nói:

– Kẻ viết bài kệ này chẳng hiểu biết chi hết, các ngươi chớ để ý làm chi mà hãy chú ý đến bài kệ trước kia.
Mọi người thấy vậy vội vã hùa nhau khen Thần Tú mà chê Huệ Năng. Ít hôm sau Ngũ tổ đến phòng Thần Tú hỏi:
– Phải chăng ngươi là kẻ làm bài kệ đầu?
– Bạch thầy quả đúng thế, nhưng con chỉ muốn xin ngài thẩm xét trình độ cho con chứ thực tâm không dám mong cầu ngôi tổ. Do đó con không đệ trình bài kệ mà chỉ mạo muội viết lên vách nhờ ngài giảng dạy cho.
Ngũ tổ nói ngay:
– Bài đó chưa được. Ta thấy ngươi mới chỉ là kẻ đứng ngoài cửa mà thôi, chưa
vào trong nhà Thiền được. Đem kiến giải đó mà cầu quả vị Vô Thượng Bồ Đề thì còn xa lắm.
Thần Tú nghe xong lạnh người, lòng đau như cắt, bèn chắp tay bái tạ. Sau đó ông buồn bã đóng cửa phòng mấy chục ngày, không chịu tiếp xúc với ai hết. Nói chuyện với Thần Tú xong, Ngũ tổ xuống bếp thấy Huệ Năng vẫn đeo đá giã gạo như thường, ngài thương cảm nói:
– Ngươi hành đạo phải gian khổ như thế ư? Ta biết căn tánh của ngươi lanh lợi
nhưng sợ có kẻ khác hại nên ta không muốn nói chuyện với ngươi. Ngươi có biết chăng?
– Bạch Hòa thượng, con biết như thế. Ngũ Tổ chỉ vào chiếc cối đá hỏi:
– Như vậy gạo giã đã trắng chưa? Huệ Năng trả lời:
– Gạo giã đã trắng nhưng chưa có người sàng.
Tổ Hoằng Nhẫn bèn giơ gậy gõ lên chiếc cối đá ba lần, Huệ Năng nghe hiểu ý đợi lúc đêm khuya, canh ba tìm đến phòng của Ngũ tổ. Hoằng Nhẫn lấy kinh Kim Cang ra đọc và giảng cho Huệ Năng nghe. Khi Ngũ tổ vừa giảng đến câu
“Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” thì Huệ Năng bừng tỉnh ngộ, bèn thốt lên:
– Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn tự đầy đủ, vốn bất sinh diệt, vốn sinh muôn Pháp.
Ngũ tổ vui mừng nói:
– Con thấy đúng đấy. Phật Pháp đời sau sẽ do con mà thịnh hành. Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sinh căn cơ lớn nhỏ có khác nên ngài mới tùy đó mà hướng dẫn và nói ra ba thừa, mười Pháp đốn tiệm, đó là giáo môn. Riêng chánh Pháp nhãn tạng vi diệu ngài truyền riêng cho tổ Ma Ha Ca Diếp, lần lượt truyền đến tổ thứ hai mươi tám là Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Đạt Ma qua Trung Hoa truyền đến đời ta là đời thứ năm, nay ta trao lại cho con.
Con ráng giữ gìn đừng để đứt tuyệt. Khi xưa tổ Đạt Ma là người Tây Trúc truyền Pháp cho tổ Huệ Khả, vẫn ngại đời không tin sự truyền thừa nên phải lấy y bát làm tín vật. Trải đến đời ta đã năm đời rồi, Tông môn của ta thiên hạ đều biết, chẳng ai nghi ngờ, do đó đến đời con thì nên ngưng lại, chỉ lấy tâm truyền tâm chứ không nên truyền trao y bát nữa để tránh sự tranh chấp đời sau.
Đêm đó Ngũ tổ đưa Huệ Năng ra khỏi Chùa, đến một con sông lớn ngài lấy đò
đưa Huệ Năng qua sông. Ngài nói:
– Để tachèo đò phụ giúp cho ngươi. Huệ Năng lắc đầu trả lời:
– Xin thầy hãy trở về. Khi mê thì thầy độ, khi ngộ con xin tự độ.
Nói xong Huệ Năng chèo đò qua thẳng bờ bên kia. Ngũ Tổ trở về Chùa đóng cửa không thượng đường thuyết Pháp. Tăng chúng nghi ngờ bèn kéo đến hỏi, ngài đáp:
– Pháp của ta đã đi về phương nam rồi. Tăng chúng vội hỏi:
– Vậy ai đã được Pháp đó?
– Ai có khả năng thì được (Năng giả đắc chi).
Tuy nhiên mọi người biết ngay là Huệ Năng đã được truyền Pháp nên vội vã đuổi theo. Phần lớn tăng chúng đều phục Thần Tú là bậc học rộng hiểu nhiều, kiến thức cao siêu xứng đáng được truyền y bát. Họ thấy Huệ Năng là kẻ quê mùa, thất học, không biết đọc biết viết nên không chịu phục, quyết giành y bát lại cho đại sư huynh. Vì thế Huệ Năng phải ẩn thân mấy chục năm trong miền rừng hoang núi thẳm không để lộ tung tích.
Đến năm 676 Tây lịch, biết thời cơ hoằng Pháp đã đến, ngài mới rời rừng núi đi Quảng Châu. Khi đi ngang qua Chùa Pháp Tánh, gặp lúc vị trụ trì giảng kinh Niết Bàn, ngài bèn dừng chân trước cửa để nghe. Gặp lúc hai nhà sư trẻ đứng ở cổng Chùa thấy cây cờ phướn treo trước cửa bị gió thổi bay qua bay lại, một người bèn nói: “Nhìn kìa, cây cờ lay động”. Kẻ kia cãi lại: “Đâu phải cờ động mà gió động”. Cứ thế cãi nhau không ai chịu nhường ai. Huệ Năng đứng đó bèn nói: “Chẳng phải cờ động, cũng không phải gió động, mà chính do tâm của hai ông đã động đấy thôi”.
Hai vị tăng nghe qua ngạc nhiên, bèn vào báo cho vị trụ trì là Hòa thượng Ấn Tông biết. Vị này bước ra hỏi và được Huệ Năng giảng giải rõ rệt về lý “tâm động” khiến vị trụ trì vô cùng thán phục, phải chắp tay thưa:
– Nghe kiến giải của ngài biết không phải là người thường. Tôi nghe nói y Pháp của Ngũ tổ đã đi về phương nam, vậy có phải là ngài chăng?
Huệ Năng gật đầu. Hòa thượng Ấn Tông vội gọi các đệ tử lại cầu xin ngài mang y bát ra để tất cả chiêm bái. Sau đó Ấn Tông lại xin Lục tổ thâu nhận làm đệ tử nhưng lúc đó Huệ Năng vẫn là cư sĩ, chưa xuất gia. Hòa thượng Ấn Tông bèn tụ họp các vị cao tăng, hòa thượng trong vùng, lập một giới đàn để làm lễ xuất gia cho Huệ Năng. Khi đào đất dựng đàn, tăng chúng đào được một tấm bia chôn cách đó mấy trăm năm, trên có ghi rõ “Sau này sẽ có một vị nhục thân Bồ Tát xuất gia thọ giới tại đây”.
Sau một thời gian dừng chân tại Chùa Pháp Tánh dạy dỗ tăng chúng, Huệ Năng lại lên đường xuống phương nam đến Chùa Bửu Lâm, miền Tào Khê để hoằng Pháp độ sinh. Số người theo ngài tu học rất đông, từ đó Thiền Tông Trung Hoa trở nên cực kỳ hưng thịnh. Ngài qua đời năm 713 Tây lịch, thọ 76 tuổi. Khi ra đi ngài chỉ ngồi xếp bằng và an nhiên thị tịch. Vua Đường Hiến Tông truy phong ngài là Đại Giám Thiền sư, đổi tên Chùa Bửu Lâm thành Nam Hoa tự. Trải qua hơn một ngàn năm, thân thể của ngài vẫn còn y nguyên, không hề hư hoại. Nghe Tạ ngũ thúc kể lại lịch sử Lục tổ Huệ Năng, nhất là về cái xác hơn ngàn năm không hư hoại, tôi lấy làm lạ và ngỏ ý muốn đến đó xem. Biết đâu tôi lại may mắn gặp được Hòa thượng Hư Vân tại đó. Tạ ngũ thúc bèn chỉ dẫn cho tôi cách thức lấy vé xe lửa đi Tào Khê.
Từ Thạch Quán đi Tào Khê không xa lắm, chỉ mất khoảng 6 giờ xe lửa. Ngồi trên xe tôi quan sát phong cảnh hai bên đường, những thửa ruộng phì nhiêu xanh ngắt chạy dài đến tận chân trời, những nông phu mặc quần áo đen đang bận rộn tát nước vào ruộng. Không hiểu sao tại Quảng Đông, đa số dân quê thường mặc màu đen trong khi phần lớn những nơi khác người ta đều mặc màu xanh cả. Gần đến Tào Khê, những thửa ruộng dần dần được thay thế bằng những vườn trồng cây ăn trái, khí hậu có vẻ mát mẻ hơn. Xe lửa dừng lại tại nhà ga Mã Bội, từ đây tôi còn phải đi bộ khoảng ba dặm nữa mới tới Chùa Nam Hoa. Dọc theo con đường đất ngoằn ngoèo bên cạnh con kinh đào nhỏ có nhiều người đang vét bùn trộn với trấu để làm gạch. Họ phơi gạch dọc ngang theo bờ kinh cho khô trước khi chở đến những lò gạch gần đó.
Nam Hoa tự là một ngôi Chùa khá lớn nằm ẩn giữa hai ngọn đồi. Phía sau Chùa là một rừng tùng bách xanh um, phong cảnh thiên nhiên u tịch. Con đường dẫn vào Chùa trồng rất nhiều trúc. Dọc bên đường có những bia đá nhưng tôi không biết trên đó ghi khắc gì vì các dòng chữ đều đã phai mờ cả.
Cách đây hơn một ngàn năm có một tăng sĩ người Ấn qua Trung Hoa hoằng Pháp. Khi đi ngang Tào Khê ông thấy phong cảnh thiên nhiên rất đẹp và yên tĩnh nên dừng lại xây một am thất nhỏ để tu. Theo thời gian, số người đến tu học với ông ngày một nhiều, biến am thất đơn sơ bé nhỏ đó thành một ngôi Chùa rộng lớn khang trang gọi là Bảo Lâm tự. Trước khi qua đời, vị
tăng xứ Ấn đã để lại một bài kệ ngụ ý rằng hơn một trăm năm sau sẽ có một vị nhục thân Bồ Tát đến đây truyền bá Giáo Pháp tối thượng của Đức Thích Ca. Đệ tử của ngài đông không thể đếm được, số người nhờ ngài khai ngộ mà chứng đắc còn nhiều hơn cả số cây tùng bách mọc quanh Chùa nữa. Quả nhiên hơn trăm năm sau, Lục tổ Huệ Năng đã về đây trú ngụ để hoằng dương Giáo Pháp, biến nơi này thành một Trung tâm Phật Giáo quan trọng trong lịch sử Trung Hoa.
Tôi đang bỡ ngỡ đứng trước cổng Chùa thì một vị tăng đã bước ra chào:
– Xin mời quý khách vào thăm Chùa và dùng trà giải khát.
– Xin hỏi ngài Hòa thượng Hư Vân hiện có ở đây không?
– Thầy chúng tôi vừa về đến Chùa hôm qua. Phải chăng quý khách từng quen biết với thầy chúng tôi?
– Không. Tôi từ Hồng Kông đến vãn cảnh Chùa, nhân dịp muốn nhờ Hòa thượng chỉ giáo cho ít điều.

– Nếu vậy xin mời quý khách vào Thiền đường, thầy tôi hiện đang ở đó.
Hòa thượng Hư Vân dáng người nhỏ nhắn, nét mặt hiền lành, trông không có gì đặc biệt hay khác thường. Thoạt nhìn ngài cũng giống như trăm ngàn cụ già
Trung Hoa người ta vẫn thường gặp, cũng gò má cao, khuôn mặt đầy những nếp nhăn và chòm râu ngắn, nhưng ngài có cặp mắt rất sáng như có thể nhìn thấu tâm can người đối diện. Có lẽ vì cặp mắt tinh anh đó mà tôi đâm ra luống cuống, nói năng không được bình tĩnh. Sau khi lắp bắp vài câu xã giao, tôi buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn:
– Bạch Hòa thượng, phải chăng Chùa này chuyên về tu Thiền?
– Đúng đấy. Đây là một Trung tâm của Thiền Tông Trung Hoa.
– Như vậy trong Chùa có thờ Phật A Di Đà hay có các thời khóa tụng niệm không?
Câu hỏi của tôi khiến Hòa thượng Hư Vân ngạc nhiên nhưng ngài cũng trả lời:
– Tại sao lại không? Chúng tôi vẫn thờ Phật A Di Đà và hàng ngày khuya sớm
đều có các khóa lễ.
– Nếu thế nơi đây đâu phải chuyên về tu Thiền!
– Tại sao như vậy? Chùa nào lại chẳng thờ Phật, chẳng có các thời khóa tụng kinh?
– Nhưng tôi nghe nói Thiền Tông chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn
tự kia mà?
Đến khi đó Hòa thượng Hư Vân mới hiểu ra. Ngài bật cười ha hả:
– Mấy trăm năm trước quả cũng có một số tu viện theo đường lối và chủ trương riêng, nhưng theo thời gian đã có sự thay đổi, hiện nay gần như không còn sự phân chia nữa. Hiển nhiên phải như thế rồi vì mọi đường lối chủ trương đều chỉ là phương tiện hình thức bên ngoài. Phải chăng khi nói đến chữ “ Thiền” , thí chủ muốn ám chỉ việc Thiền tập để trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật?
– Thưa đúng như vậy.
– Dĩ nhiên Phật tánh thì ai cũng có nhưng việc kiến tánh nào phải dễ. Ngay những người công phu ngày đêm không mỏi mệt cũng chưa chắc đã đạt được kết quả chứ đừng nói đến những người mà thời gian tu tập không chuyên cần cho lắm. Tuy là một Trung tâm về Thiền nhưng Nam Hoa tự không phải là nơi dành riêng cho người tu Thiền mà còn hướng dẫn cho tất cả mọi người, từ người thượng lưu trí thức đến kẻ bình dân hiền lành chất phác, từ những nông dân cư ngụ quanh vùng đến những khách hành hương lặn lội từ phương xa đến. Hiển nhiên đâu phải ai cũng có căn cơ lanh lợi hay ngộ tính cao để quán triệt những phương Pháp cao siêu tối thượng nên Chùa còn giảng dạy thêm các Pháp môn nữa như Tịnh Độ, niệm hồng danh Phật A Di Đà để cầu vãng sinh.
– Nhưng… nhưng như thế có mâu thuẫn không? Một Trung tâm về Thiền mà lại dạy về Tịnh Độ…?
Tôi chưa dứt lời thì Hòa thượng Hư Vân đã bật cười và cười mãi không thôi:
– Ha ha… thí chủ khéo nói lắm… mâu thuẫn ư? Làm gì có chuyện mâu thuẫn…
Không… không bao giờ… Mặc dù Đức Thích Ca giảng dạy tám vạn bốn ngàn
Pháp môn khác nhau nhưng tất cả vẫn chỉ là một con đường duy nhất, con đường thoát khổ. Tùy theo căn cơ mà mỗi chúng sinh thích hợp với một phương Pháp khác nhau…
– Nhưng… nhưng nếu đã tin rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc, có Phật A Di Đà và có lời nguyền tiếp dẫn của ngài thì tại sao Hòa thượng lại giảng dạy về Thiền?
– Tại sao lại không? Tịnh Độ và Thiền đâu có gì khác biệt.
– Nhưng… nhưng đó là hai Pháp môn hoàn toàn khác nhau.
– Phải chăng thí chủ muốn nói rằng Thiền chú trọng về tự lực trong khi Tịnh Độ chú trọng vào tha lực…
Vừa nghe đến đó tôi hấp tấp ngắt lời ngay:
– Đúng vậy, tự lực và tha lực làm sao giống nhau được. Ngay lúc đó tôi cảm thấy hình như các tăng sĩ ngồi quanh đều khó chịu vì cử chỉ bất kính của tôi. Một người lịch sự không bao giờ chất vấn hay ngắt lời một ai khác, hơn nữa trước mặt tôi không phải là một tu sĩ tầm thường mà là một vị tổ đức cao đạo trọng, được tôn kính khắp nơi. Tuy nhiên Hòa thượng Hư Vân vẫn thản nhiên, không chấp trách cử chỉ hấp tấp và thiếu lễ độ của tôi. Ngài còn mỉm cười một cách thích thú là đằng khác:
– Này thí chủ, tại sao lại mất công để ý đến sự khác biệt đó làm chi! Khi còn phân biệt, chấp trước thì có phải có trái, có trước có sau, có cái này và có cái kia nhưng khi đã vượt lên khỏi đối đãi nhị nguyên thì tất cả đều là một kia mà. Chắc hẳn thí chủ vẫn biết rằng thật ra tâm Phật và chúng sinh vốn không hai. Thí chủ có thể xem tâm như một cái gì ở bên trong hay bên ngoài nhưng trong hay ngoài đều không có nghĩa tuyệt đối mà chỉ là những gì tương đối nhị nguyên mà thôi.
Từ vô thủy đến nay tâm này vốn không sinh diệt, không hình tướng, không thuộc có không, không hề cũ mới. Chỉ vì chúng sinh cứ chấp vào tướng, đi tìm tâm ở bên ngoài nên Phật và chúng sinh mới xa cách muôn trùng vì ta và tha nhân là hai thực thể khác nhau. Này thí chủ, tổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích suốt chín năm để suy ngẫm gì? Phải chăng ngài ngẫm thấy tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Khi mê thì có chúng sinh, có Phật nhưng khi ngộ thì Phật và chúng sinh vốn nào khác. Chân tâm này vốn không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch. Khi làm chúng sinh tâm không tăng giảm, khi làm chư Phật tâm cũng không thêm bớt, do đó ngài vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau, phiền não, vượt khỏi vòng kiềm tỏa của bánh xe luân hồi, đạt đến Niết Bàn giải thoát.
– Nhưng… nhưng tổ Bồ Đề Đạt Ma đâu hề đề cập đến Phật A Di Đà hay Cõi Tây Phương Cực Lạc?
– Đúng thế, ngài không hề đề cập đến điều đó nhưng thí chủ hãy thử nghĩ lại coi, khi những dân quê hiền lành chất phác đến nghe ta nói Pháp, phải chăng ta sẽ giảng cho họ về thực tại vô ngã? Về tánh Không hay con đường Bất Nhị? Những điều này có nghĩa gì đối với họ? Phải chăng đó là những danh từ trừu tượng, trống rỗng, không thể hiểu và không có lợi ích gì? Nhưng nếu ta giảng cho họ về Đức Phật A Di Đà, về những hạnh nguyện tiếp dẫn của ngài, về cõi Tây Phương Cực Lạc thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sinh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh này khi làm ruộng, lúc nghỉ ngơi, khi gặt lúa, lúc lùa trâu về chuồng, họ trì niệm cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có chư Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ thực tại mầu nhiệm ngay. Dù người ta gọi đó là tha lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, gọi là Thiền, hoặc gọi là Nhất Tâm thì điều này có khác gì đâu? Cái khả năng giải thoát mà người ta cho rằng vốn ở bên ngoài (tha lực) thật ra vẫn ở bên trong (tự lực), lúc nào vẫn sẵn có kia mà!
Đến khi đó tôi bắt đầu hiểu ý ngài nhưng bản tính của người Âu vốn hấp tấp nên tôi buột miệng:
– À thì ra vậy! Điều tổ Bồ Đề Đạt Ma tìm được trong lúc ngồi Thiền, người dân quê chất phác tìm được trong khi niệm hồng danh Phật A Di Đà đều giống nhau.
Cả hai đều tìm được nhất tâm. Như thế tôi hiểu rồi…
Bất chợt Hòa thượng Hư Vân quát ngay:
– Không! Họ không tìm được điều gì cả vì tâm thanh tịnh vốn sẵn có kia mà, làm gì phải đi tìm ở đâu. Nếu lấy tâm đi tìm tâm thì làm sao thấy!
Câu trả lời của ngài khiến tôi giật mình định lên tiếng cải chính nhưng tôi lại thấy ngài đang mỉm cười như có vẻ hài lòng về một điều gì. Phải chăng ngài biết rằng tôi đã sử dụng chữ “tìm được” một cách nhầm lẫn. Quả thế, tôi đã sử dụng nhóm chữ này như một cái gì ở bên ngoài mà người ta có thể tìm thấy được trong khi đáng lẽ ra tôi phải dùng một nhóm từ khác như “quán chiếu thấy”. Tôi nói ngay:
– Đúng thế, nhưng đó chỉ là vấn đề danh từ thôi.
Thay vì gật đầu đồng ý, tự nhiên Hòa thượng Hư Vân lại thản nhiên quay ra nói với các tăng sĩ gần đó về một câu chuyện chẳng dính dáng gì đến đề tài ngài đang nói với tôi cả. Điều này làm tôi đâm ra hụt hẫng, chới với không biết phải làm gì. Tại sao ngài lại cắt ngang câu chuyện một cách bất ngờ như vậy? Ngay lúc đó dường như có một mãnh lực kỳ lạ gì thúc đẩy khiến tôi bừng tỉnh. Trong thoáng giây tôi suýt bật cười về sự ngu xuẩn của mình. Phải chăng hành động chấm dứt câu chuyện của ngài ngụ ý rằng: “Hiển nhiên, vì tất cả chỉ là vấn đề ngôn ngữ nên sự thật vốn không thể giải thích bằng lời”. Trong giây phút đó, mọi việc bỗng trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết, dù tôi có hùng biện hay sử dụng các danh từ chính xác như thế nào cũng không thể giải thích được điều tôi chưa hiểu hay quán triệt một cách thấu đáo. Đến khi đó tôi mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa câu “bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật”. Tôi thấy không cần phải dài dòng thêm nữa mà cúi rạp người xuống bái tạ và lui ra khỏi Thiền đường.
Hôm sau tôi được biết Hòa thượng Hư Vân đã rời Chùa đi hoằng Pháp từ sớm. Ngài vẫn thường đi như vậy, mặc dù đã hơn trăm tuổi nhưng ngài vẫn hăng hái hoạt động và ít khi có mặt tại Chùa Nam Hoa. Tuy là một vị tổ nổi tiếng, được trọng vọng và tôn kính khắp nơi nhưng ngài vẫn thường mặc một chiếc áo cũ, đeo tay nải, chống gậy trúc, đi bộ từ làng này qua làng khác để hoằng Pháp độ sinh.
Ngài đi một mình, không mang theo thị giả, không cờ quạt kiệu võng như một số tu sĩ nổi tiếng khác. Ngài đi một cách âm thầm, ung dung, thoải mái và thường ghé vào các ngôi Chùa hẻo lánh tại các làng mạc xa xôi để dạy bảo mọi người. Ngài ít khi nói trước là sẽ đến nơi nào mà cứ tùy thuận theo duyên của chúng sinh mà đến hướng dẫn.
– Tiếc quá, nếu biết ngài thường đi như vậy thì hôm qua tôi đã nói chuyện với ngài nhiều hơn.
– Thí chủ gặp sư phụ chúng tôi như vậy cũng là hiếm có rồi vì không mấy khi ngài có mặt ở Chùa. Đã mấy người có duyên gặp ngài và đàm đạo với ngài cả giờ như vậy!
Thấy tôi cứ lắc đầu tỏ vẻ than tiếc, vị tri khách nói:
– Trước khi đi, sư phụ chúng tôi có dặn phải hướng dẫn thí chủ đi thăm Chùa, vậy ngài có muốn đi đâu nữa không?
– Tôi nghe nói nhục thân của Lục tổ vẫn còn nguyên vẹn và được lưu trú nơi đây thì phải?
– Thưa đúng vậy. Nhục thân của Tổ sư chúng tôi vẫn được giữ nguyên trong căn phòng nhỏ của ngài xây phía sau Chùa. Sư phụ chúng tôi đã dặn nếu thí chủ muốn thì chúng tôi phải đưa thí chủ vào đó chiêm bái.
– Nếu được thế thì còn gì bằng.
Về sau tôi mới biết đó là một vinh dự hết sức đặc biệt vì không phải ai cũng được phép chiêm bái nhục thân của Lục tổ như vậy. Thông thường người ta chỉ cho phép quần chúng vào chiêm bái nhục thân ngài trong những dịp lễ lớn thôi.
Tại sao Hòa thượng Hư Vân lại đối xử đặc biệt với tôi như vậy? Mãi về sau khi gặp lại ngài tại Vân Nam tôi mới biết rõ chủ ý của ngài, nhưng đó là chuyện về sau.
Đó là một căn phòng nhỏ, trưng bày rất giản dị, không có đồ đạc gì đặc biệt ngoài một chiếc ngai lớn bằng gỗ, quanh có màn trướng bao bọc. Vị tri khách tăng nhẹ nhàng kéo tấm màn ra cho tôi quan sát. Tôi đứng sững trước một thân hình đen bóng ngồi xếp bằng trên chiếc ngai. Vị tri khách chỉ cho tôi xem một chiếc áo cà sa đặc biệt, thêu bằng những tơ lụa quý báu nhất được treo gần đó. Chiếc áo này là của một vị hoàng đế ban cho ngài, mặc dù được gìn giữ rất cẩn thận nhưng nó vẫn bị hư hại theo thời gian nên người ta phải đặt nó trong tủ kính.
Tôi đứng yên quan sát nhục thân vị tổ nổi tiếng của Thiền Tông Trung Hoa và tự hỏi tại sao thân ngài lại đen như gỗ mun vậy? Phải chăng người ta đã ướp lên đó một chất thuốc nào hay một thể xác trải qua ngàn năm đã biến thành màu đen như vậy? Tôi đã có dịp quan sát những xác ướp Ai Cập trong viện bảo tàng.
Các xác này thường được quấn vải liệm rất kỹ nhưng khi cởi các tấm vải đó ra, thể xác bên trong cũng hư hại ít nhiều. Phần lớn da thịt đều nát vụn ra từng mảnh, dù được ướp cẩn thận lắm thì nó cũng khô đét lại không còn ra hình thù gì. Sau khi khai quật, người ta phải đặt các xác ướp đó vào trong những phòng đặc biệt, có máy điều hòa không khí để chống lại sự tàn phá của thời gian. Hiện nay trước mặt tôi là một thể xác bằng xương bằng thịt ngồi ngay ngắn trên ngai, không hề quấn vải liệm, toàn thân nguyên vẹn không có dấu vết hư hại, đặc biệt hơn nữa căn phòng cũng không được xây cất riêng hay có máy điều hòa không khí. Tại sao một thể xác mong manh như thế kia lại có thể chống lại được sự tàn phá của thời gian?
Tại sao trải qua hơn ngàn năm mà thể xác vẫn không hư hại, bất chấp cái nóng và ẩm của khí hậu nhiệt đới? Phải chăng người ta đã ngụy tạo vào đó một pho tượng để thần thánh hóa ngài lên chăng? Tôi đưa ngọn đèn đến sát thân hình ngài để xem cho kỹ, tôi thấy rõ từng thớ thịt, từng đường gân, từng mẩu xương gồ lên trên thân thể gầy gò của ngài. Không thể được, không một công trình điêu khắc nào lại có thể hoàn hảo tuyệt mỹ như thế được. Tôi đã chiêm ngưỡng các pho tượng Hy Lạp, dù các nhà điêu khắc tài danh đã phô trương được những đường nét tuyệt mỹ nhưng người ta vẫn biết đó chỉ là những pho tượng. Trước mặt tôi hiện là một thể xác bằng xương bằng thịt với những đường nét tự nhiên không thể lầm lẫn. Thấy tôi cứ xem đi xem lại dường như không tin ở mắt mình, vị tri khách tăng bật cười:
– Chúng tôi vẫn còn giữ được các chứng tích, những văn kiện của đệ tử ngài viết cho nhau sau khi ngài thị tịch. Dĩ nhiên nếu có gì ám muội thì họ đã làm ầm lên rồi. Ngài là một vị tổ được tôn kính khắp Trung Hoa, từ vua chúa đến thứ dân ai nấy đều hết lòng ngưỡng mộ ngài thì làm gì có việc ngụy tạo mờ ám, có thể làm mất thanh danh ngài được! Nếu có kẻ nào đánh tráo nhục thân của ngài và đặt vào đó một pho tượng thì ắt người trong Chùa đã biết. Hiển nhiên triều đình sẽ điều tra và đã có giấy tờ, biên bản này nọ. Hơn nữa, Nam Hoa tự là một Trung tâm nổi tiếng về Thiền, lúc nào cũng có hơn một ngàn tăng chúng tu học với thanh quy trật tự đàng hoàng, đâu phải nơi ai muốn đến hay muốn đi lúc nào cũng được. Căn phòng này vốn là phòng riêng của ngài ngày xưa, nó được coi như một nơi hết sức linh thiêng, được giữ gìn cẩn thận, đâu thể nào có kẻ đột nhập đụng chạm đến nhục thân của ngài được!
Tôi cũng muốn tin như thế nhưng bản tính cố hữu của một người Âu là không thể tin điều gì nếu không có sự giải thích hợp lý. Hiển nhiên việc một xác người, dù đó là một vị tổ, cũng khó có thể còn nguyên vẹn suốt một ngàn năm như vậy được. Phải chăng người Trung Hoa đã biết nghệ thuật ướp xác như người Ai Cập và đã bôi lên thân thể ngài một chất thuốc đặc biệt nào đó? Nếu không thì đây quả là một phép lạ, một sự kiện độc đáo không tiền khoáng hậu
[3]
.
Khi trở về Thạch Quán, tôi đã đem chuyện này ra kể với Tạ ngũ thúc và kết luận:
– Thật là một phép lạ, trải qua hơn ngàn năm mà nhục thân của ngài vẫn y nguyên. Phải chăng sức mạnh nội tâm phong phú của ngài đã tỏa ra khiến da thịt
ngài trở nên rắn chắc như kim cương, không thể hư hoại? Phải chăng đó là bằng chứng xác nhận sức mạnh kỳ diệu của nội tâm?
– Đúng vậy. Phần lớn các Thiền sư đều ra đi không để lại dấu tích nhưng ta tin rằng sở dĩ Lục tổ làm thế vì biết bản tính chúng sinh dễ tin mà cũng dễ ngờ.
Nhiều người không tin một kẻ thất học, xuất thân từ miền biên thùy hoang vu lại có thể tu hành chứng đắc như vậy. Vào thời đó, số người theo Thần Tú rất đông, họ nhất định không chấp nhận việc tổ Hoằng Nhẫn truyền trao y bát cho Huệ Năng. Có lẽ ngài để lại nhục thân bất hoại như bằng chứng rằng cái kiến thức mà người ta có thể học được từ sách vở từ chương so với cái trí tuệ siêu tuyệt của người tu chứng đắc vốn khác nhau rất xa. Cái biết của kẻ phàm phu và biết của bậc thượng trí có thể ví như đom đóm mà so với trăng rằm vậy. Phải chăng đó cũng là một bằng chứng hùng hồn cho chúng ta thấy rõ sự thật rằng có tu ắt có chứng, có công phu ắt có ngày thành chánh quả.
Khi tôi thuật lại cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Hòa thượng Hư Vân, Tạ ngũ thúc dậm chân than lớn:
– Tiểu huynh đệ, tại sao anh có thể dại dột, ngây thơ như thế được? Anh mất công đi xa ngàn dặm để gặp Hòa thượng mà chỉ hỏi ngài vài câu ấm ớ, hỏi những điều mà một kẻ tầm thường như ta đây cũng có thể trả lời được. Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc! Tại sao anh bỏ lỡ cơ hội hiếm có như vậy?
Tôi sống tại Thạch Quán thêm mấy tháng nữa trước khi tiếp tục cuộc du lịch.
Thời gian sống tại đây giúp tôi có dịp quan sát thêm về những phong tục và văn hóa của xã hội Trung Hoa lúc đó.
Tạ ngũ thúc thường dậy rất sớm để ngồi Thiền. Sau đó ông đi tản bộ dọc theo những khu phố nhỏ quanh nhà như một cách tập thể dục rồi ghé vào một tiệm ăn ở cuối phố để dùng điểm tâm. Đây là một tiệm bán đồ chay vì cũng như Tạ Hải, Tạ ngũ thúc ăn chay trường. Điều này khác với một số người mà tôi quen biết vốn chỉ ăn chay kỳ, mỗi tháng vài ngày nhất định. Đa số cho rằng họ khó ăn chay trường vì còn phải giao dịch, tiếp xúc trong công việc buôn bán hàng ngày, nhưng dù chỉ giới hạn ăn chay vài ngày mỗi tháng thì số gia súc bị mổ thịt cũng giảm bớt đi ít nhiều rồi.
Đối với người Trung Hoa, mọi việc giao dịch hầu như đều gắn liền với việc ăn uống. Mọi quyết định quan trọng, các giao kèo ký kết, các hợp đồng thương lượng đều xảy ra trên bàn tiệc. Một thương gia đã nói với tôi: “Nếu không biết ăn uống thì không thể làm thương mại được”. Có lẽ vì thế mà ăn uống trở nên một việc hết sức quan trọng. Thay vì ăn để no bụng, người ta đã nâng nó lên hàng một nghệ thuật. Nếu nấu ăn là một nghệ thuật thì biết thưởng thức món ăn cũng là một nghệ thuật đặc biệt nữa. Các đầu bếp giỏi thường kén chọn người sành ăn mới trổ tài. Dĩ nhiên kẻ sành ăn cũng chịu khó tìm đến những nơi có đầu bếp khéo. Không phải cứ có tiền là được thưởng thức món ngon vật lạ, mà còn phải có sự quen biết liên hệ từ trước. Tạ ngũ thúc hiển nhiên là một người sành ăn uống và quen biết rộng. Dù ông ăn chay trường nhưng người ta vẫn luôn luôn nấu cho ông những món ăn hết sức cầu kỳ, đặc biệt không hề thấy trong thực đơn. Lần nào cũng thế, mỗi khi ông bước vào quán ăn thì từ chủ nhân đến đầu bếp đều lễ phép chạy ra thăm hỏi. Có khi họ vui vẻ nói chuyện cả giờ trước khi vào bếp chuẩn bị món ăn.
Dù có những khách ăn khác chờ đợi người đầu bếp cũng bất chấp, để cho những kẻ phụ bếp nấu vì đối với họ, Tạ ngũ thúc không những là một khách quý mà còn là người biết thưởng thức tài nghệ nấu ăn của họ nữa. Sự liên hệ đặc biệt giữa kẻ nấu và người thưởng thức món ăn là một điểm ít thấy tại các nền văn hóa khác.
Một bữa ăn thường kéo dài khoảng vài giờ vì ngoài việc ăn uống, thực khách còn bàn tán chuyện thời sự, thời tiết hay buôn bán nữa. Bắt đầu ngồi vào bàn, việc đầu tiên là phải có món trà khai vị. Tuy trà là thứ giải khát thông dụng nhưng trong các tiệm ăn hay trà đình đặc biệt thì người ta phải biết chọn các loại trà thích hợp. Có hàng trăm loại trà khác nhau và có hàng chục cách nấu hay uống trà. Tạ ngũ thúc thường uống trà Thủy Tiên hoặc Hắc Long, nhưng cũng có khi ông gọi trà hoa cúc hay trà mạn sen. Cách uống trà của ông cũng cầu kỳ lắm. Ông tráng đi tráng lại chiếc chén bằng nước sôi cho ấm, đặt chén vào một chiếc bát lớn ngâm cách thủy để giữ cho ấm. Nước trà phải sôi vừa tới và bốc khói thì ông mới hài lòng. Nhìn ông ung dung nhấp từng ngụm trà nhỏ như để tận hưởng mọi hương vị và nhìn nét mặt sung sướng của chủ nhân đích thân pha trà đứng bên cạnh thì người ta mới thấy sự liên hệ sâu xa của người làm và người thưởng thức, một sự tri kỷ đặc biệt không bút mực nào có thể giải thích.
Sau khi uống trà một lúc thì nhà bếp bắt đầu mang những món ăn ra. Phải nói
đó là những tuyệt tác vì không món nào giống món nào. Người đầu bếp biết cách pha trộn các hương vị đặc biệt, màu sắc và phân loại từng món như xào, chiên, hấp, tẩm bột rán… Họ không mang các món ra cùng một lúc mà theo thứ tự mang từng món một ra, gần như món nào cũng phải thật nóng, khói bốc nghi ngút và mùi thơm ngào ngạt. Người ta không những chỉ ăn vì khẩu vị mà còn phải ngửi thấy mùi thơm, nhìn thấy màu sắc, cách trình bày cũng như nghe tiếng mỡ sôi xèo xèo trên chảo nữa. Tóm lại, người đầu bếp khéo léo vận dụng mọi xảo thuật để kích thích giác quan người thưởng thức. Cho đến nay, dù đã du lịch khắp nơi trên Thế Giới, ăn uống đủ các món ngon vật lạ, tôi vẫn không thấy một nền văn hóa nào có thể sánh kịp Trung Hoa về nghệ thuậtăn uống.
Ngoài việc thưởng thức món ăn, các trà đình còn là nơi tụ họp bè bạn để nói chuyện gẫu nữa. Đa số có thói quen tụ họp tại một tiệm ăn nhất định, cứ đến giờ ra đó là gặp nhau ngay, không phải hẹn hò chi hết. Trà đình của Trung Hoa cũng giống như các Hội quán (club) của người Anh ở chỗ đa số thực khách đều thuộc phái nam, rất ít khi nào đàn bà con gái bén mảng đến. Có lẽ vì thế ngoài các câu chuyện thời sự, người ta còn mang cả những câu chuyện riêng tư ra nói một cách thân mật tự nhiên. Một hôm người ta đã hỏi tôi:
– Phùng tiên sinh,anh đã ngoài hai mươi batuổi rồi màsao chưachịu lấy vợ?
– Hai mươi ba đâu đã già mà phải cuống lên như vậy?
– Tiên sinh chẳng biết gì hết. Tuổi thanh xuân như vậy mà không biết hưởng thì còn đợi chừng nào?
Một người khác chêm vào:
– Có lẽ tiên sinh chưa chịu lấy vợ vì vẫn còn say mê thú thanh lâu hay kỹ viện
đấy thôi.
Tôi vội cải chính ngay rằng tôi không hề bén mảng đến những nơi đó nhưng mọi người đã phá lên cười trước cử chỉ luống cuống của tôi. Đối với phong tục Trung Hoa, việc viếng thăm thanh lâu, kỹ viện là một điều tự nhiên, bình thường không hề có tính cách tội lỗi hay xấu xa như quan niệm của người Âu. Dọc bờ sông có rất nhiều thanh lâu, kỹ viện hành nghề công khai. Để phân biệt, họ treo trước cửa một đèn lồng màu đỏ để khách khỏi đi lầm nhà. Ngoài ra còn có rất nhiều thuyền hoa đậu quanh bến sông, cũng treo đèn lồng như vậy để khách có thể vừa đi dạo sông vừa hưởng các thú mây mưatrăng gió.
Chiều hôm đó sau khi về nhà, Tạ ngũ thúc bất chợt lên tiếng hỏi:
– Này tiểu huynh đệ, tại sao anh chưachịu lấy vợ?
– Cái gì? Ngũ thúc mà cũng hỏi như vậy sao? Tôi không cảm thấy cần lập gia đình. Hơn nữa, tôi còn trẻ. Tôi không có tiền, số tiền dạy học chỉ vừa đủ ăn thì
làm sao có thể nuôi thêm ai nữa. Ngoài ratôi đâu muốn bị ràng buộc.
– Nhưng anh có nghĩ rằng kiêng sắc dục như thế thì tốt hay không?
– Ngũ thúc làm tôi ngạc nhiên. Dĩ nhiên tôi nghĩ kiêng cử việc liên hệ xác thịt là điều nên làm. Một người đã có nhiều vợ như Ngũ thúc thì hẳn biết giá trị của việc kiêng cử sắc dục là điều hay kia chứ. Ngoài ra trong năm giới của đức Phật còn có giới cấm tà dâm kia mà!
– Với một kẻ đã từng trải như ta đây thì biết sống một mình là điều rất tốt.
Ngày trước các bà vợ của ta tranh cãi suốt ngày, không ai chịu nhường ai khiến ta phải mất công hòa giải mãi. Hiển nhiên được sống ung dung thoải mái như hiện nay là điều tốt rồi nhưng với một người trẻ như anh thì khác chứ. Nếu anh không bị dục vọng đòi hỏi, thôi thúc thì không có gì đáng nói nữa, nhưng nếu kiêng sắc dục mà đầu óc vẫn bị ám ảnh bởi sắc dục thì là một điều hết sức nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả việc đi đến thanh lâu, kỹ viện nữa. Một người không biết cách kiểm soát sắc dục có thể trở nên điên loạn, do đó ta mới đặt vấn đề hôn nhân với anh. Hiển nhiên ta biết trong ngũ giới có giới cấm tà dâm, nhưng điều này chỉ cấm việc liên hệ xác thịt với xử nữ, với người đã có gia đình hoặc nếu việc liên hệ có thể gây tổn thương, đau khổ cho người khác. Phật Giáo không hề cấm việc liên hệ xác thịt nhưng đề cao việc kiểm soát và làm chủ lòng ham muốn. Sở dĩ ta khuyên anh nên cẩn thận vì sự chinh phục đối tượng của lòng ham muốn như các nhu cầu xác thịt rất khó, chỉ khi nào anh vượt lên trên để có thể làm chủ được lòng ham muốn thì mới có thể hy vọng thành công. Việc đặt ra một kỷ luật để kiềm chế mình không ích lợi gì đâu vì nó không thể thắng được bản năng tiềm tàng mạnh mẽ sẵn có. Vì lẽ đó ta chỉ muốn nhắc nhở anh rằng con đường trước mắt rất gay go, khó khăn chứ không dễ đâu!
Tôi cảm ơn Tạ ngũ thúc đã khuyên bảo nhưng xác nhận rằng tôi đang thích du lịch, chưa muốn bị ràng buộc vào đâu hết, nhưng tôi sẽ nhớ mãi lời khuyên bảo đầy ưu ái của ông. Thực ra tôi biết mình chưa thể lập gia đình trong lúc này.
Việc kết hôn với một phụ nữ người Âu sẽ khó mang lại hạnh phúc cho đôi bên vì sự khác biệt về tư tưởng, nếp sống và mục đích của cuộc đời. Việc kết hôn với một phụ nữ Á Đông là điều cha tôi không thể chấp nhận. Tôi đã làm cha tôi buồn phiền nhiều rồi và không muốn những ngày cuối đời của ông bị xáo trộn thêm nữa.
Tạ ngũ thúc nhìn tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng sau cùng ông kết luận bằng một câu mà tôi luôn luôn ghi nhớ:
– Được lắm, như thế cũng tốt thôi. “Có” cũng được mà “không” cũng chẳng sao, nhưng điều quan trọng là tuyệt đối đừng bao giờ để “nó” trở nên một vấn đề cả.


[3]
. Năm 1996, một phái đoàn Nhật Bản đã qua Trung Hoa khảo sát về hiện tượng này. Giáo sư Koshiro, Viện trưởng Viện Đại học Y khoa Washeda đã được phép dùng một cái khoan nhỏ đâm vào nhục thân Lục tổ, lấy ra một mẩu thịt đem về Nhật khảo sát. Kết quả cho thấy đó quả là một xác người chứ không phải một pho tượng, và không có bằng chứng gì rằng xác đó đã được ướp một chất thuốc nào. Theo giáo sư Koshiro thì vì lý do nào đó, thể xác đã hóa thạch một cách tự nhiên. Hiện nay nhục thân của Lục tổ được đặt trong một cái khám thờ bằng kính để cho quần chúng chiêm bái.

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *