Sách Tâm Linh

Ngọc Sáng trong Hoa Sen

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen

Chương VIII: Buổi Giao Thời

Từ trước đến nay tôi chỉ trình bày hình ảnh Trung Hoa qua các danh lam cổ tự và các tu sĩ Phật Giáo. Hiển nhiên sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu tôi không nói thêm về một khía cạnh khác của quốc gia này qua hình ảnh giới sĩ phu chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Người ta không thể nói đến văn minh Trung Hoa mà không đề cập đến đạo Khổng, nhưng đó là một đề tài lớn mà tôi sẽ viết riêng trong một cuốn sách khác, trong chương sách ngắn ngủi này tôi chỉ muốn nói về một kẻ sĩ trong buổi giao thời: Trần Phi Sơn.
Tôi quen Trần Phi Sơn khi làm việc tại lãnh sự quán Nam Kinh. Cũng như những người khác, ngoài các nhân viên ngoại giao Anh, cơ sở nào cũng mướn
thêm vài nhân viên người Trung Hoa nữa. Hôm đó tôi đang sử dụng điện thoại
trong văn phòng chính thì một nhân viên người Anh ở ngoài đẩy cửa bước vào.
Tôi vẫn yên vị nhưng các nhân viên Trung Hoa làm việc gần đó đều vội vã đứng dậy chào. Đây là một phong tục rất hay của người Trung Hoa. Mỗi khi có nhân viên cao cấp bước vào phòng làm việc họ đều đứng dậy để tỏ lòng kính trọng. Dĩ nhiên tôi không lấy làm lạ vì khi đi dạy học, mỗi khi tôi bước vào lớp, học trò đều đứng dậy chào như thế. Theo phép xã giao, khi được chào như vậy, một người lịch sự sẽ nghiêng mình ngỏ ý cám ơn rồi ra dấu cho những người kia ngồi xuống.
Tuy nhiên có lần đó người nhân viên ngoại giao trẻ tuổi đã cười sằng sặc rồi hống hách nói lớn:
– It’s allright, boy!
“Boy”, một danh từ ngụ ý khinh bỉ, coi thường vừa được thốt ra thì tôi thấy khuôn mặt một nhân viên người Trung Hoa lớn tuổi chợt đanh lại. Tuy nhiên chỉ thoáng giây sau ông đã lấy lại tự chủ, thản nhiên ngồi xuống làm việc tiếp. Vì ngồi đối diện ông nên tôi thấy rõ mọi sự và thầm khen người này có khả năng tự chủ rất cao. Tôi thấy ông đang thảo một bức thư bằng tiếng Trung Hoa với tuồng chữ viết rất đẹp. Một lúc sau khi tôi vừa đặt điện thoại xuống, ông lên tiếng khen tôi nói tiếng Trung Hoa rất sõi. Dĩ nhiên tôi cũng lễ phép đáp lại và khen ông có lối viết chữ thảo rất đặc biệt. Chúng tôi đàm đạo một lúc và thấy có nhiều điểm hợp nhau nên tôi mời ông đến dùng cơm tại một nhà hàng gần đó để nói chuyện tiếp. Vài hôm sau, Trần Phi Sơn, tên ông lão, cũng đáp lễ bằng cách mời tôi đến nhà ăn cơm tối.
Tôi được biết Trần Phi Sơn xuất thân trong một gia đình hoàng tộc nhưng đã bị thất sủng. Từ thời Càn Long, gia đình ông đã không được trọng dụng vì có những bất đồng chính kiến  với đường lối cai trị lúc đó. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi, để tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền mới, nhiều người thuộc hoàng tộc đã xoay ra làm việc với các sứ thần ngoại quốc và Trần Phi Sơn cũng xin làm thông dịch viên cho tòa Tổng lãnh sự Anh tại Bắc Kinh. Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, ông được cất nhắc lên chức trưởng phòng thông dịch và cố vấn văn hóa. Ông đã giúp đỡ nhiều nhân viên ngoại giao tại đây cho đến khi quân Nhật xâm lăng Bắc Kinh. Biết uy tín của ông, người Nhật đã mời ông giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ mới mà họ thành lập nhưng ông cương quyết từ chối.
Người Nhật nghi ngờ bèn bắt giam và tra tấn ông tàn nhẫn nhưng ông vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Sau cùng họ phải trảtự do cho ông. Ít lâu sau ông trốn về Nam Kinh và tiếp tục làm việc đắc lực cho Bộ Ngoại giao Anh cho đến lúc qua đời vào năm 1949. Trong chúc thư, ông hy vọng người Anh sẽ giúp đỡ gia đình ông khi ông không thể lo cho họ được nữa, tiếc thay lòng trung thành của ông đã không được Bộ Ngoại giao Anh đoái hoài. Đối với họ, ông chỉ là một nhân viên như mọi nhân viên khác, khi cần dùng đến khả năng của ông thì họ trọng dụng ông, nhưng khi ông già yếu, không tiếp tục làm việc được nữa thì họ tỏ ra hờ hững lạnh nhạt, không một chút thương xót. Khi ông qua đời, gia đình ông quá nghèo không thể lo cho ông một đám tang tươm tất, chính những học trò cũ của ông và một số nhân viên đồng sở người Trung Hoa đã gom góp tiền bạc để tổ chức đám tang cho ông trong khi tòa Lãnh sự cho rằng đó không phải là việc của họ. Ít lâu sau, khi Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền, vợ và các con ông đã đến xin tòa Lãnh sự giúp đỡ cho họ được định cư tại Anh nhưng một lần nữa, các  nhân viên ngoại giao tại đây đã từ chối lời yêu cầu này một cách tàn nhẫn. Tòa Lãnh sự viện lẽ mặc dù ông đã tận lực làm việc hơn ba mươi năm cho người Anh và có thể bị chính quyền mới nghi ngờ, nhưng dù sao ông cũng đã qua đời rồi.
Các nhân viên ngoại giao cho rằng gia đình ông sẽ không bị liên lụy hay nguy hiểm gì. Sự ngây thơ và thái độ thiếu tế nhị này đã mang lại một số hậu quả không hay cho gia đình những người Trung Hoa làm việc cho người ngoại quốc. May mắn thay, gia đình Trần Phi Sơn đã trốn chạy đến được Hồng Kông, nhưng đó là chuyện về sau.
Trần Phi Sơn là một trong những người được giáo dục theo truyền thống cũ.
Ông tin có trời, một định luật tối cao điều khiển vạn vật, mà con người phải biết sống thuận theo ý trời hay các định luật này qua cách cư xử và hành động. Hiển nhiên trong buổi giao thời, khi ảnh hưởng của văn hóa Âu Tây đang phát triển mạnh mẽ thì quan niệm này được coi như không còn thích hợp nữa.
Trong các đại học, hầu hết sinh viên Trung Hoa lúc đó đều hăng hái chỉ trích thái độ thụ động, nhu nhược của thế hệ cũ và đổ cho họ trách nhiệm đã đưa quốc gia vào tình trạng suy kém đến nỗi bị các cường quốc khác xâu xé. Đa số đều muốn dứt bỏ quá khứ để chạy theo những tư tưởng mới lạ của Âu Mỹ như khoa học, kỹ thuật. Những lớp người mới chủ trương thay đổi để theo kịp đà văn minh, tiến bộ của Thế Giới được nhắc đến một cách kính trọng, trong khi những kẻ thuộc thế hệ cũ như ông bị coi là “thủ cựu” và bị khinh miệt, coi thường. Đối với Trần Phi Sơn, xã hội sở dĩ tiến bộ hay có trật tự là do những cá nhân sống trong đó có tinh thần cầu tiến và kỷ luật tự giác. Một xã hội không thể tiến được khi những người sống trong đó thiếu tư cách, bổn phận hay trách nhiệm. Theo ông, người ta chỉ có thể thay đổi xã hội bằng phương Pháp duy nhất là tự biết mình, tự đổi thay mình để thích hợp với sự tiến bộ chung, sau đó lo cho gia đình mình, rồi mới có thể lo được cho những người khác hay quốc gia (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ).
Ông giáo dục con cái rất nghiêm và luôn luôn khuyên chúng phải biết cố gắng tự sửa mình một cách thành khẩn. Trong thời gian sống tại Nam Kinh, tôi thường đến thăm ông để học hỏi và đàm đạo về những tập tục của Trung Hoa, và ông đã tìm thấy nơi tôi một tri kỷ, một người muốn nghe, muốn tìm hiểu những chân giá trị củatruyền thống này.
Trần Phi Sơn thường dành nhiều thì giờ đọc sách, tập viết theo các kiểu chữ của các danh sư về bút thiếp. Thỉnh thoảng ông cũng làm thơ, vẽ tranh, đánh cờ và tập luyện võ nghệ. Tuy đã ngoài sáu mươi, mắt đã bắt đầu suy kém nhưng không lúc nào ông rời cuốn sách trên tay. Ông luôn luôn đọc đi đọc lại nhiều cuốn sách cũ mà ông kể rằng mỗi lần đọc, ông lại tìm thêm được nhiều ý tưởng thâm thúy mới lạ. Ông thường dậy rất sớm, tập vài động tác Thái cực quyền cho giãn gân cốt rồi ngồi uống trà, đọc sách cho đến khi tới giờ vào sở làm việc. Trong sở, ông làm việc rất chăm. Tuy có tuổi nhưng ông đã làm việc bằng ba hay bốn người khác. Một tay ông soạn thảo, phiên dịch các hồ sơ, công văn và thỉnh thoảng còn giúp các nhân viên khác sửa chữa hồ sơ làm việc của họ cho thật hoàn chỉnh. Tính ông điềm đạm ít nói nên trong sở ai cũng quý mến ông. Về sau có dịp xét lại giấy tờ, công văn của ông viết, tôi nhận thấy hầu như mọi công trình kế hoạch lớn củatòa Lãnh sự Anh tại Nam Kinh đều do chính ông soạn thảo hoặc đề xướng nhưng rất ít ai nhận thấy. Tuy sống trong một hoàn cảnh eo hẹp về tài chính nhưng lúc nào ông cũng tỏ ra biết an phận. Trong suốt thời gian quen biết, không bao giờ tôi thấy ông phàn nàn về một điều gì bất như ý cả. Trái lại, khi đó tôi có nhiều việc không vừa ý nên thường tìm đến ông để tâm sự. Có lần thấy tôi bất mãn về các nghi thức gò bó, thủ tục rườm rà của Bộ Ngoại giao, ông đã an ủi tôi bằng một câu trong kinh Dịch “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”. Tôi phản ứng ngay:
– Đó chỉ là một lý thuyết suông. Bao lâu nay tôi có thấy gì biến đổi hay hanh thông đâu?
– Phùng huynh đệ chớ nói như vậy. “Cùng tắc biến” không có nghĩa là sự thay đổi phải xảy ra ngay lập tức mà là một tiến trình diễn biến dần theo thời gian, cũng giống như một cái cây phải mất nhiều năm mới trổ hoa kết trái được. Mọi sự trong trời đất đâu phải xảy ra trong một sớm một chiều mà đều do những nguyên nhân sâu xatừ từ kết tụ lại.
Tuy sống thanh bạch nhưng mỗi khi tới dịp giỗ tết thì ông không ngần ngại phí tổn và thường tổ chức những buổi cúng tế một cách long trọng. Mỗi đầu năm, con cháu trong gia đình phải quây quần tụ họp làm lễ trước bàn thờ tổ tiên và nghe ông giảng dạy về truyền thống gia đình. Ông sống theo một nếp sống nhất định, từ cách nấu nướng ăn uống đến quần áo y phục. Mùa hè phải mặc màu gì, mùa đông phải mặc áo gì. Thức ăn hằng ngày dù thanh bạch cũng phải nấu ăn theo những cách thức nhất định như người xưa vẫn ăn. Thí dụ như vào những ngày đặc biệt, phải có món cháo trắng nấu với những hương liệu đặc biệt như tổ tiên ông vẫn làm. Một hôm tôi hỏi:
– Liệu các vị khuất mặt có trở về hưởng đồ cúng tế của con cháu hay không mà phải làm cỗ bàn phiền nhiễu như thế?
Trần Phi Sơn thản nhiên:
– Này Phùng huynh đệ, mấy ai có thể biết được điều này, nhưng dân tộc chúng tôi đã làm như vậy cả mấy ngàn năm rồi. Hiển nhiên người xưa khi đặt ra những luật lệ như vậy đều có những lý lẽ riêng. Thiếu lễ nghi thì loài người có khác gì cầm thú? Làm người phải biết rõ nguồn gốc của mình, phải biết các tiền nhân ngày trước đã khó khăn gian khổ thế nào mới gây dựng được cơ nghiệp cho chúng ta ngày nay. Cây có gốc, chim có tổ thì người cũng có Tông. Ngày đức Khổng Phu Tử còn sống, việc cúng tế thờ phụng tổ tiên đã là một phong tục cổ rồi. Biết kính trọng người xưa, biết thờ cúng tổ tiên, biết đến nguồn gốc chính là hợp với mệnh trời.
– Nhưng biết thế nào là mệnh trời?
– Không biết mình thì làm sao có thể biết được trời, mà không hiểu được trời thì làm sao có thể hiểu được người khác?
Danh từ “trời” (thiên) là một niệm ý hết sức trừu tượng thường gây ngộ nhận đối với các học giả Phương Tây. Một số học giả, nhất là các giáo sĩ, đã khó chịu vì cho rằng “trời” có nghĩa là vòm trời, một khái niệm vô tri giác thì làm sao lại được người Trung Hoa coi trọng như vậy? Có người đồng hóa chữ “trời” với một “Thượng đế” tối cao cai trị muôn loài và tự hỏi cái “tôn giáo thờ trời” đó xuất phát từ đâu? Theo Trần Phi Sơn thì danh từ “trời” là một quan niệm hết sức phức tạp, biến ảo, thay đổi tùy theo thời đại và có thể giải thích khác nhau tùy người sử dụng. Theo ông, “trời” có thể giải thích một cách giản dị như những  phong tục, truyền thống, cách xử thế hay những định luật mà con người cần phải tuân theo để thiết lập một trật tự tốt đẹp cho xã hội. Vào thời tiền sử, Trung Hoa chỉ là một tập hợp của những dân tộc dã man, ăn lông ở lỗ, không có một quan niệm rõ rệt về cách xử thế. Có lẽ để kìm hãm tính dã man, tránh cảnh đụng chạm xô xát khi con người bắt đầu biết sống thành bộ lạc mà các tù trưởng, các vị lãnh đạo khi đó đã đặt ra những khuôn khổ, tập tục, cách xử thế dưới một danh nghĩa gọi là “thiên đạo”. Từ đó trải qua hàng ngàn năm, danh từ này đã được thay đổi thành một ý niệm trừu tượng, khi thì được nhân cách hóa, lúc được tôn xưng như một triết lý, một tinh hoacủa nhiều nền minh triết thâu gồm lại.
Càng quen biết Trần Phi Sơn, tôi càng quý ông vì đức độ, kiến thức và cung cách xử sự ôn nhu, hòa nhã của ông. Một hôm nhân lúc thảo luận về quyển Tam Quốc Chí, tôi đánh bạo ngỏ ý muốn được kết nghĩa anh em với ông. Vừa nói xong tôi lại thấy ngại vì sợ ông từ chối. Tuy biết ông có cảm tình với tôi nhưng làm sao một người Trung Hoa xuất thân từ một gia đình quyền quý lại có thể kết nghĩa với một kẻ Tây Phương như tôi cho được! Tuy nhiên tôi không phải lo ngại lâu vì ông đã mỉm cười chấp nhận ngay lời đề nghị của tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi sửa soạn lễ vật đến đền thờ Quan Công ở phía nam thành phố để làm lễ kết nghĩa anh em. Trong sảnh đường mờ tối, dưới hàng nến lung linh mờ ảo, chúng tôi đã quỳ xuống thành khẩn kết nghĩa như hàng ngàn người trước đó đã làm lễ trích huyết ăn thề tại đây. Sau buổi lễ, chúng tôi trở về nhà ông để trình bày tự sự trước bàn thờ tổ tiên.
Trước bàn thờ khói hương nghi ngút, Trần Phi Sơn mở chiếc hộp sơn son thiếp vàng lấy ra một bộ gia phả và bắt đầu đọc cho tôi nghe tên tuổi của những người trong dòng họ cũng như những chức tước và thành quả mà họ đã đạt được. Tôi không có gia phả, ngay cả tên tục của ông nội tôi mà tôi còn không biết huống chi tên tuổi những người trong gia tộc mấy chục đời trước. Tôi chỉ nhớ mang máng hình như có lần cha tôi kể rằng ông nội tôi xuất thân từ miền Norfolk đã dọn đến Luân Đôn từ khi cha tôi còn rất nhỏ. Trong căn nhà rộng của cha tôi tại Luân Đôn chỉ có độc một tấm hình chụp ông nội tôi, một tấm hình rất cũ và mờ nhạt. Vì không mấy khi cha tôi nhắc nhở đến gia đình nên truyền thống gia tộc đối với tôi là một khái niệm hết sức xa vời. Nếu không quen với Trần Phi Sơn, có lẽ chẳng bao giờ tôi biết nghĩ đến nguồn gốc của mình. (Về sau khi trở về nước Anh, tôi đã truy tìm gốc gác dòng họ của mình và biết rằng vùng Hoveton, tỉnh Norfolk là nơi dòng họ tôi đã khởi nghiệp. Cuộc truy tìm giúp tôi đến nghĩa trang nhà thờ Norwich, nơi chôn rất nhiều hài cốt tổ tiên dòng họ Blofeld. Tôi lập một bàn thờ tổ tiên rất đẹp tại căn nhà ở Luân Đôn, tôi còn tìm được một số hình ảnh của ông nội, ông cố mình để bày trên đó. Từ đó hàng ngày tôi bày trái cây lên bàn thờ và thắp hương cúng vái rất cẩn thận). Sau buổi kết nghĩa đó, tôi gọi Trần Phi Sơn là “đại ca” và ông gọi tôi là “tiểu đệ”. Tôi được chấp nhận như một người trong gia đình của ông nên ngày nào tôi cũng đến sinh hoạt, học hỏi với ông một cách thoải mái.
Trong lúc tôi đang say mê học hỏi về những tinh hoa của nền văn minh cổ với các cuốn sách như Luận ngữ, kinh Dịch, kinh Xuân Thu thì đa số người Trung
Hoa lại hăng hái nghiên cứu những sách vở khoa học của văn minh Âu Mỹ. Hiển nhiên điều này đã tạo ra nhiều câu chuyện lý thú mà tôi chỉ xin ghi lại đây một chuyện nhỏ. Lần đó tôi có hẹn với một thiếu nữ người Trung Hoa tại một ngôi Chùa nhỏ. Đó là một sinh viên tượng trưng cho lớp thiếu nữ tân thời, bạo dạn, tự tin và chịu ảnh hưởng văn hóa Phương Tây. Trên đường đến nơi hẹn, cô phải đi ngang một hành lang dài với rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát và các bài vị hương linh ký thờ trong Chùa. Mặc dù giữa trưa nắng gay gắt, người thiếu nữ tên Linh đã phải cố gắng lắm mới dám đi ngang nơi đó. Nhìn thái độ run rẩy của cô ta, tôi ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao cô lại sợ hãi như vậy?
Linh nhìn tôi bẽn lẽn một lúc rồi nói nhỏ:
– Tôi sợ… ma.
– Cái gì? Cô không tin Đức Phật, Bồ Tát vàcác vị hộ Pháp hay sao?
– Nhưng… nhưng tôi vẫn sợ.
– Một người bạo dạn như cô màcũng sợ ma quỷ à?
– Chắc chắn rồi, ở chỗ tối tăm như vầy chắc chắn phải có… ma.
– Mọi ngày cô vẫn chế nhạo tôi là lạc hậu, viển vông về quá khứ, khác hẳn những người Tây Phương đầy tự tin nhưng sao lần này cô lại mất tự tin như vậy?
– Tại vì… chỗ này… ghê ghê làm sao?
– Nhưng thường ngày cô vẫn từ chối không tin những chuyện mê tín dị đoan, gạt bỏ truyền thống cũ mà chỉ tin những gì có thể kiểm chứng được trong phòng thí nghiệm, thế tại sao hôm nay cô lại sợ hãi một điều vô lý như ma quỷ?
– Tại vì… tại vì… chỗ này có bài vị người chết.
– Nhưng đó đều là những người trong làng, những thân quyến của cô, hình như có cả bài vị của phụ thân cô nữa kia mà?
– Người chết và người sống khác nhau chứ…
– Khác nhau chỗ nào?
– Người chết thành quỷ, thành ma… ghê lắm. Thôi, tôi không muốn nói nữa.
Tôi ngậm ngùi nhận thấy rằng chính nền khoa học thực nghiệm đã vô tình cắt đứt sợi dây liên lạc thân ái giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người ngày nay với truyền thống ngày trước và xô đẩy con người hiện tại vào tương lai, một thứ tương lai mờ mịt, không rõ rệt. Sự ngông cuồng và tự tin của một nền khoa học quá mới mẻ đã thúc đẩy con người vào một cuộc phiêu lưu không định hướng, vào một thời đại mà trong đó những người thiếu hiểu biết, không được che chở bởi một truyền thống văn hóa sẽ như con tàu bị đứt dây neo, trôi nổi trong bão tố, trôi giạt từ phương trời này qua phương trời khác, không biết đâu là bến bờ.
Phải chăng đó làthảm kịch củathế kỷ văn minh ngày nay? Người ta đã mất hết cội nguồn, sống vội vã trong xô đẩy của thời cuộc, lúc nào cũng lo sợ, bất an và không bao giờ có thể ý thức rõ rệt được ý nghĩa của cuộc sống. Mất đi truyền thống là mất đi chính mình. Mất đi cái di sản thiêng liêng quý báu chính là mất đi trật tự và những gì cần thiết để bảo vệ xã hội mà trong đó con người có thể sống thoải mái trong tinh thần tương thân tương ái. Đến khi đó tôi bắt đầu biết kính phục truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa. Tôi ý thức rõ một sợi dây liên lạc thân ái không hề gián đoạn từ thế hệ này đến thế hệ sau. Một truyền thống tốt đẹp được gìn giữ không đứt đoạn qua cuốn gia phả trong gian nhà thờ. Mỗi thế hệ đều có những quan niệm riêng về cách xử thế, về một nền tảng luân lý đạo đức và rút tỉa các bài học mà họ đã phải trả giá rất đắt để học. Tất cả được ghi chép và gìn giữ cẩn thận, trao truyền lại cho thế hệ sau để con cháu khỏi dẫm vào vết xe cũ của người xưa. Tiếc thay, con cháu không nhận thức được chân giá trị này và đã phải trả một giá rất đắt cho sự ngu dại đó.
Thế chiến thứ hai chấm dứt. Quân Nhật đầu hàng và tôi vội vã trở lại Hồng Kông để tìm Tạ Hải. Căn nhà ở khu Caine Road vẫn còn nguyên vẹn nhưng Tạ Hải không còn được như xưa. Trong thời gian quân Nhật chiếm đóng nơi đây, anh bị họ bắt giam vì đã cứu chữa cho một số người tình nghi chống lại người Nhật. Khi được thả ra thì anh chỉ còn là một con người tiều tụy, thân hình gầy còm, da bọc xương. Mặc dù Tạ Hải tỏ ra vui mừng khi gặp tôi nhưng nhìn khuôn mặt xanh mét, ánh mắt lờ đờ của anh, tôi ngại rằng anh khó có thể sống qua được vài tuần nữa. Chúng tôi ngồi nói chuyện trong căn phòng chẩn mạch của anh.
Căn phòng vẫn nguyên vẹn với những kệ sách, những bức đồ hình vẽ các huyệt đạo nhưng dường như không gian phảng phất một cái gì khác lạ. Tôi bùi ngùi nhớ lại mới hôm nào chúng tôi vừa quen nhau, khi đó tôi chỉ là một thanh niên mơ mộng, không thực tế, chưa kinh nghiệm và đang gặp khó khăn trong khi Tạ Hải đã là một Đông y sĩ nổi tiếng, một học giả thông thái quen biết nhiều, giao thiệp rộng. Hiện nay mọi sự đã đổi khác. Tôi là một nhân viên ngoại giao cao cấp đã đi khắp Trung Hoa và anh là một nạn nhân chiến cuộc, bệnh hoạn, thoi thóp sống những ngày cuối của cuộc đời. Một lần nữa tôi ý thức rõ rệt về tình trạng vô thường của kiếp người. Tại sao một người hiền lành, thánh thiện, thường giúp đỡ người khác như Tạ Hải lại phải chịu đựng những oan trái nặng nề như vậy?
Chúng tôi cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Tạ Hải không nói gì về mình hay những nỗi bất hạnh mà anh trải qua nhưng lại hỏi thăm xem tôi học hỏi tiến bộ đến đâu. Anh nhắc tôi phải chịu khó nghiên cứu, tìm các lý ẩn của kinh và thực hành những điều đã học. Anh nói đến hạnh nguyện Bồ Tát là quên mình để lo cho chúng sinh vì tất cả đều là một, đâu có chi khác biệt. Tôi kể cho anh nghe việc đã thay mặt anh đi hành hương tại núi Nga Mi. Khuôn mặt Tạ Hải trở nên rạng rỡ. Anh yêu cầu tôi kể rõ chi tiết chuyến đi và tỏ ra hoan hỉ về việc tôi đã thay anh hoàn tất những nghi thức của một người hành hương. Anh châm một nén nhang cắm lên bàn thờ và yêu cầu tôi cùng tụng bộ Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Chúng tôi vẫn thường tụng nghi thức này với nhau nên không có gì lạ nhưng lần này tôi linh cảm như đó làlần cuối cùng.
Sau phần hồi hướng công đức, hình như Tạ Hải muốn nói một điều gì nhưng đã quá mệt mỏi, anh phải gắng gượng mãi mới thều thào cho tôi biết rằng anh hy vọng tôi sẽ giúp anh phiên dịch các kinh điển Phật Giáo ra Anh ngữ để cho những người Phương Tây có thể biết đến những lời dạy bảo của Đức Thế Tôn. Lúc đó có lẽ vì xúc động nên tôi gật đầu mà không suy nghĩ nhiều. Vài hôm sau Tạ Hải từ giã cõi đời.
Sau khi đưa đám Tạ Hải, tôi cảm thấy như toàn Thế Giới bỗng sụp đổ, mọi sự dường như không còn một ý nghĩa nào hết. Buồn rầu, thất vọng và chán nản, tôi không còn tha thiết đến việc gì nữa. Đời sống tâm linh đã trở nên một cái gì xa vời vô nghĩa.
Tôi trở về Anh làm giấy giải ngũ và rời khỏi Bộ Ngoại giao. Tôi sống với cha tôi trong những ngày cuối của ông. Vài tháng sau khi ông qua đời, tôi tìm được việc làm tại Đại học Oxford. Vài năm sau tôi xin được một học bổng để nghiên cứu về thể thơ Đường luật và trở lại Trung Hoa nhưng khi đó quốc gia này đã suy tàn và kiệt quệ lắm rồi. Xã hội Trung Hoa đã khủng hoảng vì chiến tranh thì nay lại khủng hoảng hơn nữa vì các khó khăn nội bộ. Chính quyền phải đối đầu với tình trạng kinh tế suy kiệt, nạn thất nghiệp lan rộng khắp nơi và cuộc chiến trAnh Quốc – Cộng. Cuộc nội chiến ngày một lan rộng, tiếng súng tưởng đã dứt hẳn sau thế chiến lại bắt đâu vang rền khắp nơi. Tôi đến từ biệt Trần Phi Sơn. Khi đó ông đã già yếu lắm rồi. Tuy bị phong thấp không di chuyển được mấy nhưng ông cũng cố gắng tiễn tôi một quãng đường. Chúng tôi bịn rịn không muốn rời nhau.
Ông đưa tôi đến tận cửa rồi mệt mỏi ngồi bệt xuống thềm nhà mà nước mắt rưng rưng. Là người tự chủ và điềm đạm, ít khi nào ông để lộ tình cảm nhưng lần đó ông đã không giấu được cảm xúc. Tôi rời Nam Kinh được ít hôm thì nghe tin ông qua đời đúng lúc quân Cộng sản tiến vào thành phố này.
Khi những người thân yêu của tôi lần lượt qua đời thì Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến. Quân đội Cộng sản siết chặt vòng vây quanh các thành phố lớn. Họ chiếm Quảng Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông và dần dần kiểm soát toàn thể Trung Hoa. Những biến cố dồn dập này đã gây cho tôi một xúc động lớn. Tôi cảm thấy tất cả dường như sụp đổ. Những gì tôi tin tưởng bỗng trở nên vô nghĩa. Tôi không biết phải làm gì với cuộc đời còn lại! Lòng nhiệt thành với đời sống của tôi tự nhiên thay đổi thành một thái độ khủng hoảng và tuyệt vọng. Ngọn lửa tâm linh vẫn nung nấu trong tâm tôi đột nhiên tắt ngấm.
Tôi thấy những việc mà tôi vẫn thành kính thực hành từ trước như lễ bái, Thiền
tập, học kinh điển… bổng trở nên thừa thãi trước những quay cuồng của cuộc
đời. Khi chạy loạn từ Bắc Kinh xuống Vân Nam, trải qua nhiều biến động thập tử nhất sinh, tôi vẫn còn ý thức rõ rệt mục đích của đời sống. Dù đầu óc dao động mạnh, tôi vẫn còn có nơi nương tựa để tìm lại sự quân bình nhưng hiện nay tất cả đều trở nên vô nghĩa. Khi mất niềm tin, người ta thấy mình trôi nổi trong một cơn sốt lạ lùng kéo dài dường như vô tận. Một động năng kỳ lạ nào đó đã đẩy tôi vào hố thẳm mà tôi không thể cưỡng lại được. Tôi tự hỏi phải chăng những việc tâm linh cao thượng chỉ là một ảo tưởng? Phải chăng sự giải thoát khỏi các khổ đau chỉ là một ý niệm viển vông? Tại sao những người hiền lành như Trần Phi Sơn hay Tạ Hải lại gặp những nỗi bất hạnh? Tất cả mọi lý luận hay giải thích lúc đó đều trở nên vô nghĩa. Tôi nghĩ trước sau ai cũng phải chết nhưng trước khi chết hãy sống thoải mái, say sưa, hưởng thụ tất cả những gì có thể hưởng được.
Tôi sống vật vờ không định hướng như vậy trong một thời gian khá lâu cho đến khi gia đình của Trần Phi Sơn qua định cư tại Hồng Kông. Người Trung Hoa có liên hệ gia tộc rất rộng rãi. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dọn qua đây, gia đình này gia nhập vào hội của những người cùng mang họ Trần. Đây là một phong tục rất đặc biệt của người Trung Hoa, dù sống bất cứ nơi đâu họ cũng luôn luôn tìm cách kết hợp, giúp đỡ và liên lạc với nhau qua hình thức một hội ái hữu. Vì đã kết nghĩa với Trần Phi Sơn nên tôi được coi như người trong nhà, và đương nhiên là hội viên của Trần gia ái hữu hội. Cách sống buông thả, trụy lạc của tôi khiến nhiều người lo ngại. Một buổi họp gia tộc diễn ra. Người trưởng tộc quyết định rằng, đã đến lúc tôi phải lập gia đình. Ít lâu sau, gia đình họ Trần đã tìm cho tôi một người vợ thuộc giatộc này.

Cuộc hôn nhân giữa tôi và Trần Mỹ Phương tạm thời mang lại cho tôi một sự quân bình trong đời sống. Khi trước tôi không có ý định lập gia đình vì tôi nghĩ rằng mình không thể tìm thấy hạnh phúc với một thiếu nữ người Âu, nhưng tôi cũng không thể lập gia đình với một thiếu nữ Trung Hoa trong khi cha tôi còn sống. Dĩ nhiên hiện nay điều này không còn là một vấn đề nữa. Trong suốt ba năm liền chúng tôi sống êm đềm trong một căn nhà nhỏ tại Cửu Long. Ngoài việc dạy học mưu sinh, tôi không còn muốn chú ý gì đến cái Thế Giới đầy phiền phức bên ngoài nữa. Chúng tôi có với nhau hai mụn con, một trai một gái, và dành tất cả thời gian để chăm sóc chúng.
Mặc dù đời sống gia đình phẳng lặng nhưng thỉnh thoảng trong tâm hồn tôi lại lâng lâng một cảm giác lạ lùng không thể diễn tả. Một cái gì nhẹ nhàng như luồng gió mát giữa trưa hè nóng nực nhắc nhở cho tôi về những điều mà tôi đã
từng kinh nghiệm được. Khi đó dù bất kỳ ở đâu hay đang làm gì, tôi cũng thấy
mình ngây ngất trong một cảm giác kỳ lạ không thể diễn tả. Nhiều lúc người lái xe buýt lắc đầu thương hại người hành khách đãng trí là tôi quên cả trạm xuống. Đôi khi đám học trò bật cười khi giáo sư tự nhiên lắp bắp nói những câu không đâu vào đâu. Dĩ nhiên giây phút đó trôi quathì tôi lại trở về với đời sống bình thường.
Các sách vở tâm linh thường đề cập đến một giai đoạn đặc biệt khi người lữ hành đi trên đường đạo phải trải qua những giây phút mệt mỏi, chán chường, bị thử thách, đầy tuyệt vọng. Tôn giáo nào cũng nói đến một giai đoạn khi mọi sự tưởng chừng như chìm đắm vĩnh viễn trong đám mây mù dày đặc thì tự nhiên đám mây mù chợt tan biến và mặt trời hay chân lý hiện ra rực rỡ hơn bao giờ hết.
Cái kinh nghiệm lạ lùng này đã được triết gia Aldous Huxley tả rõ trong cuốn Perenial Philosophy và gọi đó là giai đoạn cuối của màn đêm trước buổi bình minh của giác ngộ. Giai đoạn mà người lữ hành đạt đến mục tiêu của cuộc hành trình, khi tâm thức được mở rộng hay nâng lên một bình diện mới, khác hẳn với đường lối suy tư thông thường. Các triết gia Hy Lạp đã sử dụng biểu tượng con chim phượng hoàng xuất hiện trong đám tro tàn khi đề cập đến giai đoạn lúc các quan niệm cũ tiêu tan hết và một ý thức mới nảy sinh, thăng hoa bay bổng. Tôi không nghĩ rằng giai đoạn cay đắng, chán chường tuyệt vọng mà tôi trải qua là giai đoạn cuối của màn đêm trước buổi bình minh của giác ngộ nhưng là một dấu hiệu báo trước rằng cuộc đời của tôi đang bước vào một giai đoạn mới.
Sau một thời gian làm việc tại Hồng Kông, tôi xin được một chân dạy tiếng Anh tại Thái Lan. Công việc thu xếp đã xong, chỉ còn chờ ngày lên đường. Hôm đó tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ sau vườn, lơ đãng nhìn lũ con nô đùa trong sân, bất chợt một cơn gió mát thổi qua mặt tôi. Trong giây phút đó tự nhiên tôi nảy ra ý nghĩ rằng đó là một hạt tuyết trắng ngần, bay từ dãy Hy Mã Lạp Sơn xuống. Vừa nghĩ đến đó tôi cảm thấy trong tâm dâng lên một cảm giác lạ lùng, một trạng thái an lạc không thể diễn tả và tự nhiên một tiếng nói thầm lặng, vô thanh từ đâu bỗng rót vào tai tôi: “Giai đoạn đen tối đã qua. Con sẽ thấy nó không phải là hậu quả của những việc con đã làm mà chỉ là một giai đoạn, một dấu hiệu báo trước về những điều tốt đẹp sắp xảy đến. Đừng vì quá bi quan mà quên rằng con người có khả năng tự giải thoát mình ra khỏi các phiền não khổ đau của đời sống. Đừng vì quá quan tâm đến những việc nhỏ mọn mà quên phóng tầm mắt lên những điều cao thượng. Đừng để cho những ánh đèn chập chờn của đô thị làm chóa mắt mà quên đi vẻ đẹp tuyệt vời của vầng trăng sáng. Hãy kiên nhẫn tiếp tục con đường đã đi và đặt niềm tin rằng con sẽ không đi con đường đó một mình.
Hãy tìm kiếm không ngừng rồi con sẽ tìm được điều con muốn tìm. Cơ hội sẽ
đến và chỉ đến khi đó con sẽ hiểu được điều ta muốn nói. Điều con muốn tìm con không thể tìm thấy tại Hồng Kông hay Thái Lan, nhưng con sẽ tìm được nó ở một nơi khác. Hãy để cho thời gian làm việc. Đừng tìm kiếm một cách vội vã và hãy để cho nội tâm phong phú củacon hướng dẫn”.
Tôi bàng hoàng một lúc khá lâu như vừa tìm lại được cái gì đã mất. Câu nói đó từ đâu xuất phát? Phải chăng đó là một lời tiên tri? Một sự hướng dẫn? Hay chỉ là một ý thức thầm kín trong đáy lòng bỗng bất chợt phát ra? Đã bao lâu nay tôi muốn tìm quên nhưng rồi tôi vẫn không thể quên được. Hình như tôi thấy trong người chợt đổi khác. Tâm trạng khủng hoảng tuyệt vọng vẫn đè nặng tâm tư tôi bỗng biến mất. Như người trút được gánh nặng, tôi bước đến trước bàn thờ trong nhà. Đã lâu lắm rồi tôi mới tìm lại được cử chỉ trang nghiêm thành kính của mình. Tôi nhẹ nhàng châm một nén nhang cắm lên bàn thờ và chợt ý thức rõ rệt mùi thơm của nhang trầm. Một lúc sau tôi thấy mình say sưa tụng lại câu thần chú mà khi xưa Kim Cương trưởng lão đã truyền dạy: “Namo Gurube, Namo Budhdhaya, Namo Dhamaya, Namo Sanghaya”.
Cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về cảm giác lạ lùng này. Nhiều bạn hữu hỏi rằng có thật tôi đã nghe được một tiếng nói như thế hay không? Dĩ nhiên tôi không thể phủ nhận hay xác nhận, nhưng tôi biết rõ ràng đó là một cảm giác vô cùng đặc biệt, lâng lâng, an lạc, nhẹ nhàng mà không ngòi bút nào có thể tả xiết. Ai đã trải qua kinh nghiệm ấy sẽ hiểu rằng nó chứa đựng một niềm an lạc cao quý nhất trong đời người.
*
Nếu các cung điện tại Bắc Kinh được trang trí lộng lẫy huy hoàng thì tại Thái Lan, kiến trúc lộng lẫy nhất không phải là các cung điện mà là các ngôi Chùa (Wat). Từ những màu sắc, cách chạm trổ, các cây cột kèo đều phản ánh một nét mỹ thuật đặc biệt không đâu có. Tôi đã viếng thăm những ngôi Chùa Mông Cổ lộng lẫy xây cất trên Ngũ Đài Sơn nhưng so với Chùa chiền Thái Lan thì những ngôi Chùa này thua kém xa về những chi tiết nghệ thuật. Từ những cây cột bằng gỗ mun đen bóng đến những pho tượng bằng vàng óng ánh; từ những mái ngói màu đỏ thắm đến các ngọn tháp nhọn cao vút… tất cả đều phản ánh một đường nét nghệ thuật độc đáo không đâu có. Người Thái đã biết sử dụng màu sắc một cách tuyệt hảo. Họ đã chọn những màu sắc đặc biệt của các loại ngọc quý như lam ngọc, hồng ngọc, hổ phách… để trang trí.
Từ nhiều thế kỷ nay, Phật Giáo đã trở thành quốc giáo, một truyền thống chi phối mạnh mẽ đối với đời sống người dân xứ này. Theo truyền thống, tất cả mọi người thuộc phái nam, không phân biệt vua chúa hay thứ dân, đều phải sống trong tu viện như một tăng sĩ trong một thời gian. Hình ảnh các tăng sĩ đi khất thực trên các đường sá, làng mạc đã trở nên một nét đặc thù quen thuộc. Vì các tăng sĩ đều đi khất thực nên Chùa chiền xứ Thái không hề có nhà bếp. Sau khi đi khất thực, các tăng sĩ mang thức ăn về Chùa và ăn ngay tại chánh điện. Tại Trung Hoa, chánh điện là nơi tôn kính trang nghiêm, được gìn giữ sạch sẽ, ít ai dám nói lớn hay có những cử chỉ thiếu trang nghiêm tại đây. Riêng tại Thái Lan, chánh điện vừalà nơi hành lễ vừalàchốn hội họp, người tathản nhiên ăn uống, cười nói một cách thoải mái. Người Thái Lan sống tự nhiên và luôn luôn cười, có lẽ vì thế mà Thái Lan được gọi là “xứ sở của những nụ cười”.
Trong thời gian sống tại đây, tôi thấy Thái Lan đang thay đổi. Tại các đô thị lớn như Bangkok, đời sống không còn an nhiên thoải mái như xưa mà bắt đầu
bận rộn quay cuồng. Hầu hết những nhà trí thức, lãnh đạo của Thái đều có khuynh hướng muốn canh tân xứ sở họ theo khuôn mẫu người Âu nên họ đã ban hành nhiều biện Pháp cải cách kinh tế, xã hội. Tại Đại học Bangkok, đa số sinh viên tỏ ra nghi ngờ truyền thống cũ và ít nhiều có tư tưởng vọng ngoại. Họ so sánh đời sống tại đây với các cường quốc Âu Mỹ. Họ thán phục các bộ môn khoa học kỹ thuật Phương Tây và nhiệt thành bắt chước đời sống của các thanh thiếu niên Âu Mỹ một cách lố bịch. Nhiều người đã nói với tôi rằng: “Phật Giáo tượng trưng cho những gì cổ hủ, lạc hậu, không thích hợp với trào lưu tiến hóa hiện nay”. Có người còn cho rằng Đức Phật Thích Ca chỉ là một nhân vật tưởng tượng. Vào các ngày lễ có tính cách tôn giáo, những lớp người trẻ này cũng đi Chùa, nhưng thay vì học tập kinh điển hoặc tìm hiểu về truyền thống Phật Giáo thì họ lại coi đó là những cơ hội để hẹn hò, gặp gỡ lẫn nhau.
Vì một lý do khó có thể giải thích, người ta đã cố tình phân biệt hai nền văn minh Phương Tây và phương Đông như hai chân trời cách biệt, nhưng nếu so sánh kỹ, người ta sẽ thấy ngày trước hai nền văn minh này vốn không khác nhau bao nhiêu. Bây giờ, nền văn minh Phương Tây đã thay đổi trong khi phương Đông vẫn còn giữ được những truyền thống ngày trước. Vì thay đổi, dẹp bỏ truyền thống để đuổi bắt theo những điều viển vông mà người ta gọi là văn minh, tiến bộ, người Âu đã lao mình vào một cuộc phiêu lưu chinh phục ngoại giới qua các lý thuyết, vũ khí, kỹ thuật. Càng chiếm đoạt được nhiều lợi lộc, lòng tham của họ càng gia tăng, và lòng tham lam càng gia tăng thì mục đích của cuộc phiêu lưu này càng có tính cách phi nhân, tàn bạo. Không mấy ai chịu đặt câu hỏi rằng, cuộc phiêu lưu này đã mang lại điều gì cho dân chúng Phương Tây? Điều đáng tiếc là những thế hệ trẻ của phương Đông cũng không hề đặt câu hỏi một cách đúng đắn về cuộc phiêu lưu này mà lại coi đó như những gì tốt đẹp mà họ phải đuổi bắt cho kịp.
Vì không biết tiếng Thái, việc nghiên cứu của tôi bị giới hạn rất nhiều, nhưng tôi nhận thấy truyền thống Phật Giáo Nam Tông tại Thái Lan quá chú trọng vào từ chương và chỉ giới hạn trong một số ít kinh điển bằng tiếng Pali. Các tăng sĩ bị chi phối trong truyền thống bảo thủ, khắt khe này nên đôi lúc khó có thể thích ứng với những đổi thay quá nhanh của thời cuộc bên ngoài. Một phần nữa, các tục lệ mê tín dị đoan của địa phương như cầu khấn, lên đồng nhập cốt, lấy lá số chiêm tinh, cúng sao giải hạn… đã ăn sâu vào đời sống các tu viện và trở thành một nguồn lợi về tài chính quan trọng cho các Chùa chiền. Người ta không còn coi Đức Phật Thích Ca như một vị thầy hướng dẫn mà biến ngài thành một vị thần linh, một đấng Thượng đế có thể ban phát các điều này nọ. Tôi đã nghe nhiều buổi diễn giảng mà trong đó các tăng sĩ đã cố tình giảng dạy sai lạc đi hoặc bóp méo những sự kiện lịch sử để thần thánh hóa ngài lên. Có lần tôi tham dự một buổi lễ quan trọng trong một ngôi Chùa tại Saraburi, chính giữa chánh điện có một tảng đá khá lớn in dấu một vết chân người, nhưng là một vết chân rất lớn như chân người khổng lồ. Các tăng sĩ nói rằng đó chính là vết chân của Đức Phật Thích Ca khi ngài qua thăm xứ này. Theo sự hiểu biết của tôi thì Đức Phật Thích Ca không hề du hành đến Thái Lan. Phạm vi hoạt động của ngài chỉ giới hạn tại miền bắc nước Ấn mà thôi. Các tăng sĩ quả quyết rằng ngài đã đến giảng dạy tại đây và để lại một vết chân làm tin.
– Các vị hãy nghĩ lại coi, làm gì có vết chân nào to lớn quá khổ, dài cả nửa thước như thế kia? Một người như thế hẳn phải là một người khổng lồ.
– Dĩ nhiên Đức Phật Thích Ca là một người khổng lồ. Một vị Phật ắt phải to lớn hơn người thường rồi.
– Nhưng điều này xét ra vô lý.
– Đức Phật có phép thần thông, ngài muốn biến chân ngài to nhỏ gì chẳng được. Ông là người Âu làm sao có thể biết về Đức Phật nhiều hơn chúng tôi được?
Dĩ nhiên mỗi khi gặp những cuộc tranh luận như thế tôi đều cười trừ, làm thinh vì biết không thể tranh luận gì với những người như vậy.

Tôi sống tại Thái Lan được năm năm liền. Đời sống một giáo sư đại học tương đối nhàn tản nên tôi có dịp đi thăm thú đó đây. Lần đó tôi cùng một nhóm giáo sư du ngoạn lên miền bắc xứ Thái. Trên đường chúng tôi có dịp đi ngang một ngôi Chùa xây cất đồ sộ nhưng vì lý do gì đó đã bị bỏ hoang, cây cối mọc kín chung quanh. Không hiểu sao cảnh vật nơi đây dường như có gì quen thuộc, một cái gì kỳ lạ khêu gợi trí tò mò của tôi. Tôi nảy ra ý định sẽ trở lại thăm viếng ngôi Chùa này một lần khác, nhưng rồi ngày tháng trôi qua, hình ảnh ngôi Chùa đó dần dần chìm sâu trong quên lãng.
Một ngày chủ nhật đẹp trời, đang ngồi trong phòng đọc sách bỗng nhiên tôi thấy lại hình ảnh ngôi Chùa đổ nát kia xuất hiện trong tâm khảm mình. Một hình ảnh lạ lùng và dường như có gì thôi thúc tôi đứng bật dậy chạy thẳng xuống nhà lấy xe đi lên miền bắc. Khoảng hai giờ sau tôi đến Nontaburi, một thị trấn nhỏ nằm ở ven sông Cửu Long. Từ đây tôi thuê một chiếc đò nhỏ đi lên phía thượng lưu. Khí trời mùa hạ nóng oi bức. Ngồi trên đò tôi phải che dù và luôn tay quạt cho bớt nóng. Chiếc đò nhẹ nhàng lướt đi, vượt qua những chiếc ghe lớn chở đầy gạo, củi hay những chiếc thuyền thảlưới dọc theo hai bên bờ sông.
Cuối cùng tôi cũng đến Wat Chalem. Tôi hấp tấp bước vào giữa mảnh sân lớn lát gạch. Cây cối xanh rì mọc lan khắp nơi, leo lên cả những bức tường thấp quanh Chùa. Một bầu không khí tĩnh lặng bao phủ. Tôi đến đây làm gì? Tôi tìm kiếm gì? Tôi phải đi đâu? Tôi ngơ ngác đứng giữa mảnh sân phủ đầy cỏ, quanh tôi muôn ngàn tiếng chim chóc ríu rít, tiếng côn trùng rỉ rả… Tôi ngồi xuống bậc thềm dẫn lên chánh điện. Một cảm giác an bình lạ lùng dường như xâm chiếm lấy tôi. Một cảm giác thoải mái mà phải chăng người ta chỉ có thể tìm thấy tại những nơi chốn đặc biệt như thế này? Tôi ngây người ngồi tại đó cho đến khi mặt trời từ từ khuất sau hàng cây rậm rạp. Tôi đã kinh nghiệm được gì? Tôi đã thấy gì? Dĩ nhiên tôi không thấy một điều gì lạ lùng cả. Tôi cũng không kinh nghiệm được một điều gì khác lạ nhưng chỉ thấy quanh tôi tràn ngập một màu xanh của cây cối, một thứ màu xanh lạ lùng bao phủ khiến tôi chìm ngập trong đó. Đáng lẽ ra tôi phải vào thăm chánh điện hay ít ra cũng đi thăm thú phong cảnh quanh Chùa, nhưng không hiểu sao tôi lại ngồi yên lặng, ngây người nhìn ngắm cảnh vật xung quanh cho đến khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Tôi đứng dậy ra về mà lòng vẫn ngây ngất một cảm giác kỳ lạ khó tả.
Chiều hôm đó khi trở về nhà, tôi thấy trong lòng rộn lên một niềm vui thầm kín, một cảm giác khác thường mà tôi không thể diễn tả. Tôi vui vẻ dùng cơm và tự nhiên thấy bát cơm hôm đó bỗng dưng ngon hơn mọi ngày. Tôi bước ra sân ngồi một mình với chén trà nóng trong tay, tự nhiên tôi thấy cảm giác chán nản, tuyệt vọng khi xưa dường như đã biến mất. Hình như vết thương trong tâm khảm tôi đã lành hẳn, gánh nặng mà tôi chất chứa trong lòng dường như không còn nữa và tôi đã uống trà trong một cử chỉ thành kính, trang nghiêm, tận hưởng từng vị ngọt của trà. Đến nay tôi vẫn không thể diễn tả được tâm trạng kỳ lạ của tôi ngày hôm đó. Tại sao tôi lại đến Wat Chalem? Tại sao tôi lại ngồi yên như vậy trong mấy giờ đồng hồ liền? Tôi biết chắc rằng mình đã không thấy gì hay kinh nghiệm được một điều gì, nhưng không hiểu sao hình như vẫn có một cái gì rộn ràng nảy nở trong tâm trí tôi, một cảm giác như người đi xa vừa trở về nhà. Tôi đứng dậy thắp một nén nhang trên bàn thờ và thành kính tụng kinh cho đến khuya. Đêm hôm đó tôi đã ngủ một giấc dài thoải mái. Ngày hôm sau tôi nhận được một bức điện tín của đài BBC Luân Đôn yêu cầu tôi làm một phóng sự kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca năm thứ 2500. Để làm phóng sự này, đài BBC sẵn sàng trảcho tôi một số tiền để tôi qua Ấn Độ.
Đối với tín đồ Phật Giáo, Phật đản là ngày lễ quan trọng được cử hành rất trọng thể nhưng đặc biệt lần kỷ niệm thứ 2500 này mọi quốc gia đều đua nhau tổ chức long trọng hơn nữa. Đài BBC đồng ý để tôi làm một phóng sự dài tường thuật chi tiết tại từng quốc gia Á châu. Đã từ lâu tôi mong có cơ hội được viếng thăm các quốc gia này cũng như các di tích lịch sử của Phật Giáo nên gặp cơ hội hiếm có, tôi lên đường ngay.
Quốc gia đầu tiên mà tôi ghé là Miến Điện, một quốc gia sùng mộ đạo Phật nằm ở phía bắc xứ Thái. So với Thái Lan thì Miến Điện là một nước nghèo đói, lạc hậu vì liên tiếp gặp hết chiến tranh này đến chiến tranh khác nên xã hội không phát triển bao nhiêu. Thay vì tổ chức các buổi họp linh đình rầm rộ như bên Thái Lan, hội Phật Giáo Miến Điện quyết định mừng lễ Phật đản 2500 dưới hình thức một buổi kết tập kinh điển rập khuôn theo những buổi kết tập kinh điển ngày trước. Theo chỗ tôi biết thì đây làlần kết tập kinh điển thứ sáu kể từ khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn.
Vì lần kết tập kinh điển đầu tiên được tổ chức trong một hang núi nên ban tổ chức Miến Điện cũng muốn buổi kết tập lần này được tổ chức trong một hang
núi. Tuy nhiên quanh Rangoon không có một ngọn núi nào nên ban tổ chức đã
phải cho đắp một ngọn núi giả rất lớn ở ngoại ô thành phố làm nơi hội họp. Công trình xây cất hết sức quy mô với rất nhiều người góp công và góp của.
Từ khi đồ án được công bố, rất đông người ở khắp nơi kéo về góp phần xây cất nơi kết tập kinh điển này. Họ không quản ngại khó nhọc mang các vật liệu, dụng cụ từ những vùng đồi núi xa xôi kéo về Rangoon. Thôi thì đủ các sắc dân, từ người Mường, người Mán, người Mèo đến người Trung Hoa, người Đại Lý. Họ đi bằng những phương tiện tự túc và làm việc mà không nhận thù lao. Một kỹ sư chỉ huy công trình xây cất cho biết, lúc đầu dự án cũng chỉ giản dị thôi, nhưng vì  số người khắp nơi kéo về nhiều quá, phần lớn đều là những thợ giỏi từ các làng mạc xa xôi với nhiều sáng kiến nên theo thời gian, công trình xây cất đã mang những sắc thái đặc biệt không hề có trong dự án lúc đầu. Tinh thần sùng mộ đạo Phật tại Miến Điện rất cao, gần như làng mạc nào cũng cử người đại diện, đa số là những thợ khéo nhất làng, đi góp phần công quả vào buổi kết tập kinh điển. Chương trình xây cất kéo dài gần một năm và chỉ hoàn tất trước buổi lễ khoảng vài tuần. Theo chỗ tôi nhận xét thì ngọn núi được đắp lên làm chỗ hội họp này bề ngoài xấu xí, không có gì đặc biệt, giống như nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, nhưng bên trong thì thật huy hoàng lộng lẫy đủ chỗ cho cả ngàn người.
Trước ngày khai mạc, rất nhiều tăng sĩ từ các quốc gia quanh vùng như Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Sri Lanka, v.v. kéo đến tham dự. Trên nguyên tắc, buổi kết tập kinh điển này là của giáo hội Phật Giáo Nam Tông (Theravada) nhưng tôi được biết cũng có nhiều kinh điển của Phật Giáo Bắc Tông được mang ra bàn thảo vì Miến Điện có một kho lưu trữ kinh điển của Phật Giáo rất lớn do vua Mindon Min sưu tầm để lại và được Hòa thượng U Khanti trông nom [8]
.
Buổi kết tập kinh điển dự trù kéo dài khoảng một năm và kết quả sẽ là bản tường trình danh sách các kinh điển mà hội đồng tăng sĩ đã duyệt qua. Nói về Tam Tạng kinh điển (Kinh, Luật và Luận) thì có đến hàng trăm ngàn bộ, khó ai có thể nghiên cứu hết nên trong buổi kết tập kinh điển lần này người ta chỉ giới hạn vào các kinh điển chính mà thôi. Tuy thế cũng có đến hàng ngàn bộ kinh được mang ra thẩm xét, nghiên cứu. Nói chung đó là những cuốn sách chỉ dẫn cho mọi người về con đường giải thoát của Giới, Định, Tuệ. Giới hay giới luật là những căn bản cần thiết dành cho bước đầu tu tập để đưa đến Định. Định là điều kiện thiết yếu dẫn đến Tuệ và Tuệ là phần cuối của con đường tu hay giải thoát.
Nói thì giản dị nhưng thật ra khó ai có thể phân biệt giới hạn giữa Giới, Định và Tuệ vì trong Giới cũng có Tuệ và trong Tuệ vốn có Định, v.v. Do đó hội đồng chỉ có thể tạm thời phân loại kinh điển dưới một hình thức sắp đặt tượng trưng nào đó thôi.
Vì không phải là tăng sĩ nên tôi không được phép tham dự buổi kết tập và công việc của một phóng viên cũng không cho phép tôi ở lại đây lâu nên tôi chỉ có dịp chứng kiến ngày khai mạc buổi lễ mà thôi. Nhìn hàng ngàn tăng sĩ nghiêm trang hành lễ, hàng trăm ngàn tín đồ xếp hàng quanh ngọn giả sơn thành kính tụng niệm, tự nhiên tôi thấy trong lòng bỗng dâng lên một cảm giác phấn khởi lạ lùng. Miến Điện là một quốc gia đã trải qua hai cuộc Thế chiến, phần lớn nhà cửa và đô thị đều ít nhiều bị bom đạn phá hủy, dân chúng chạy loạn, thất tán tứ phương, ruộng vườn hoang vu không người chăm sóc. Sau Thế chiến thứ hai, quốc gia này lại lâm vào một cuộc nội chiến với các phe phái tranh giành ảnh hưởng, quyền lực. Trước toàn cảnh xã hội rối loạn, luật Pháp không được tôn trọng, giặc cướp nổi lên khắp nơi, các nhà chuyên môn đã kết luận rằng một quốc gia nghèo đói, suy kiệt đủ mọi mặt như thế sẽ không thể phát triển hay hy vọng gì ở tương lai. Lúc đầu tôi cũng nghĩ như vậy nhưng sau khi chứng kiến tận mắt lễ Phật đản tại đây thì tôi lại nghĩ khác.
Tôi tin rằng với tiềm lực tôn giáo mạnh mẽ, với tinh thần hăng hái tự nguyện như thế kia thì chắc chắn quốc gia này sẽ phát triển mạnh mẽ vào một ngày không xa. Trong khi những quốc gia khác chỉ lo làm giàu về mặt vật chất, phát triển kinh tế kỹ nghệ rồi khi thịnh vượng lại lo sợ ngoại xâm, bao nhiêu của cải phải đổ ra mua vũ khí, bom đạn để tự vệ thì người dân xứ này đã biết giữ gìn, bảo trì truyền thống tôn giáo tốt đẹp. Phải chăng họ biết rằng tài sản của cải có thể mất đi nhưng truyền thống tôn giáo và những giá trị tinh thần mới thực sự là sức mạnh mà không ai có thể tước đoạt được? Hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được về buổi lễ này là một tấm bia đá lớn ghi lại lời dạy của Đức Phật đã được mang từ Mandala về để trước hội trường: “Lấy oán báo oán thì oán kia chập chùng không bao giờ hết. Hãy lấy ân báo oán, lấy tình thương xóa bỏ hận thù vì đó chính là chân lý”.
Tôi tự hỏi điều này đã được công bố từ mấy ngàn năm nay rồi mà sao đến nay
người ta vẫn chưa biết áp dụng? Phải chăng chính vì thế mà Thế Giới ngày nay vẫn trải qua các cuộc khủng hoảng chiến tranh, thù hận và nhân loại cứ mải miết sống trong những nỗi bất an, lo sợ phập phồng?
Sau khi rời Miến Điện, tôi qua Ấn Độ. Theo đúng truyền thống, lễ Phật đản được tổ chức vào ngày rằm tháng tư âm lịch, khoảng tháng năm dương lịch. Tuy nhiên tại Ấn Độ, đây là những tháng hè nóng nhất trong năm. Khí trời gay gắt, vừa nóng vừa ẩm lại không có gió nên không mấy ai có thể chịu nổi. Năm đó ban tổ chức quyết định dời lại ngày lễ đến cuối tháng mười, khi nhiệt độ tương đối ôn hòa dễ chịu hơn. Là một quốc gia đang phát triển, Ấn Độ đang trông cậy rất nhiều vào ngành du lịch. Nhà cầm quyền xứ này hy vọng rằng việc dời ngày tổ chức đến cuối năm có thể đem lại cho họ một nguồn ngoại tệ lớn nhờ số du khách ngoại quốc tham dự. Mặc dù không đồng ý với ban tổ chức nhưng tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để hành hương, chiêm bái các Phật tích vào dịp khách du lịch chưa kéo đến.
Là người không thích đám đông hay các nơi chốn ồn ào, náo nhiệt, tôi tận dụng cơ hội này để đi thăm các thắng tích, bất chấp thời tiết nóng nực. Tôi quan niệm rằng người ta không thể đi hành hương một cách thoải mái với các tiện nghi như lúc đi du lịch được. Hành hương không phải một chuyến đi giải trí mà là một cuộc hành trình của nội tâm khi đức tin là chìa khóa hướng dẫn cho mình. Tôi đã thấy những người hành hương Mông Cổ, Tây Tạng không quản đường xa, đi bộ hàng ngàn cây số đến các địa điểm linh thiêng hoặc có người cứ đi ba bước lại sụp xuống lạy một lần quanh rặng Ngũ Đài. Chỉ khi ra đi với một tinh thần dũng mãnh, cương quyết không quản ngại gian nan thử thách như thế thì chuyến đi mới có thể hữu ích được.
Cũng vì quan niệm rằng đây là một chuyến hành hương, tôi quyết định ăn uống thật giản dị, cố gắng giữ tâm ý cho thật trong sạch qua công phu Thiền quán.
Dĩ nhiên điều này không dễ vì tôi phải dứt bỏ những thói quen hằng ngày, nhất là thói quen đọc báo theo dõi tin tức thời sự. Việc để cho ngoại cảnh chi phối thường làm cho tâm tôi xáo trộn, lúc ngồi Thiền thường vẩn vơ nghĩ đến những chuyện thời sự viển vông. Phải mất một thời gian tôi mới bỏ được thói xấu theo dõi tin tức báo chí này. Mặc dù số người hành hương lên đến cả chục ngàn, nhưng phương tiện giao thông đến các thắng tích vẫn còn thô sơ lắm. Tôi đã phải đi xe lửa, xe đò, xe ngựa và nhiều khi phải lội bộ cả chục cây số băng qua những cánh đồng nóng như thiêu đốt mới đến nơi nhưng nghĩ cho cùng, thời gian hành hương này đã mang lại cho tôi nhiều bất ngờ thích thú.
Gần như ai cũng biết Đức Phật Thích Ca là một vị hoàng tử, con vua Tịnh Phạn cai trị thành Kapilavatsu, một nước nhỏ nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Ngài sinh ra tại vườn Lumbini (Lâm Ti Ni) cách thủ đô Kapilavatsu không xa. Theo truyền thuyết, vườn Lumbini là một khu rừng rất đẹp có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng trải qua mấy ngàn năm, quang cảnh nơi đây đã khác xưa rất nhiều. Khi tôi đến thì con đường chính dẫn đến Lumbini chưa tu sửa xong. Từ nhà ga xe lửa, tôi phải đi ngựa qua nhiều thửa ruộng lầy lội, nhiều con đường đất gồ ghề và nhiều thôn xóm nhỏ nghèo nàn mới đến nơi. Đó là một bãi đất trống hoang vu, cây cỏ thưa thớt trông xa như một bãi sa mạc. Nếu để ý người ta sẽ thấy ngay dấu tích của sự xói mòn vì đất tại đây khô và cứng như đá.
Nguyên nhân của sự xói mòn này là do dân chúng đã phá rừng, đốn cây để làm củi đốt. Khi các cây lớn bị đốn hết, lớp đất màu mỡ không được che chở bởi các bóng cây hoặc rễ cây. Đến mùa mưa, các trận mưa lớn đã cuốn đi các lớp màu mỡ này để chỉ còn trơ lại lớp đất cứng, thô mà thôi. Dưới khí hậu nóng cháy miền nhiệt đới, lớp đất thô này dần dần trở nên rắn chắc lại như đá khiến cây cối không thể mọc được nữa. Hiển nhiên khi không thể trồng trọt gì, những người sống tại đó sẽ phải bỏ đi và dần dần vùng đất đó biến thành sa mạc hoang vu. Đây là một thảm trạng lớn của những quốc gia mà sự canh tác, phá rừng không tuân theo một kế hoạch nào; nó đã đưa đến tình trạng phá hoại môi sinh này. Một khi lớp đất màu mỡ, căn bản chính của nông nghiệp, bị hư hoại thì đó là một sự hư hoại vĩnh viễn, không thể thay đổi được nữa.
Tại Lumbini tôi chỉ thấy có một ngôi Chùa được xây cấp tốc để chuẩn bị cho buổi lễ Phật đản vào cuối năm. Người ta đã mang từ đâu về mấy chục cây Vô Ưu (Sal Tree) để trồng quanh đó nhưng tôi ngậm ngùi khi thấy dưới ánh nắng chói chang, những cây này cũng bắt đầu khô héo rồi. Tôi thong thả bước đi dưới ánh nắng thiêu đốt và tự hỏi chắc phải có một nguyên nhân đặc biệt gì khiến người ta đi hàng ngàn cây số để đến một nơi trơ trụi, không có gì đáng xem như thế này.
Tôi tìm đến cây cột đá mà trước đó vua Asoka đã dựng lên để kỷ niệm nơi Đức Phật đản sanh. Cột đá này đã bị phá hoại khi người Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ, hiện nay nó chỉ còn trơ lại một đoạn ngắn và nếu không để ý thì người ta có thể coi đó như một phiến đátầm thường mà thôi.
Sau khi thăm viếng vườn Lumbini, tôi tìm đến thành Kapilavatsu nhưng đó cũng chỉ là một bãi đất hoang vu với vài bức tường đổ nát phủ đầy rong rêu. Nếu không có tấm bảng chỉ dẫn thì người ta khó có thể biết rằng trước đây 2500 năm, nơi đây đã từng có một vương quốc phồn thịnh, một Trung tâm thương mại có tiếng. Có đứng trước cảnh đổ nát điêu tàn này, người ta mới ý thức được rõ rệt tình trạng vô thường, nay còn mai mất, trước có sau không của kiếp người.
Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết hai ngàn năm nữa, các đô thị diễm lệ như Paris, Luân Đôn, New York sẽ ra sao? Liệu người sau có còn biết đến thủ đô Ánh sáng, tháp chuông nhàthờ Westminster hay cao ốc Empire State nữa không?
Sau Kapilavatsu, tôi ghé đến Bodhgaya – nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, một thắng cảnh nổi tiếng nhất trong những thắng tích của Phật Giáo. Trái với Lumbini hay Kapilavatsu, Bodhgaya là một nơi được gìn giữ cẩn thận và vì một phép lạ nào đó, đã thoát được sự phá hoại của đoàn quân viễn chinh Hồi giáo. Từ xa người ta đã thấy những bảo tháp hùng vĩ được dựng lên trông như những chiếc nón úp. Theo Hòa thượng Pháp Hiền, một nhà du lịch nổi tiếng của Trung Hoa (thế kỷ thứ 5) qua Tây Trúc thỉnh kinh thì lúc đó những ngọn tháp này đều được dát vàng và khảm ngọc quý. Dĩ nhiên ngày nay nó chỉ còn là những ngọn tháp bằng đá mà thôi nhưng người ta vẫn có thể tưởng tượng ra vẻ đẹp nguy nga hùng vĩ của nó ngày trước như thế nào.
Quanh Bodhgaya có rất nhiều Chùa chiền của các quốc gia xây cất, Chùa của người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Miến Điện cũng như Sri Lanka, v.v.
Ngoài ra còn có các nhà trọ Dharmasala do triệu phú Birla xây cất. Triệu phú Birla là người giàu nhất Ấn Độ, nổi tiếng không thua triệu phú Ford hay Rockefeller của Hoa Kỳ bao nhiêu. Ông đã cho xây cất rất nhiều nhà trọ quanh các thắng tích nổi danh để khách hành hương cư ngụ mà không phải trả tiền [9]
.
Trong thời gian sống tại Bodhgaya, tôi được biết có một vị sư Trung Hoa cũng
đang sống tại đây. Vị sư này đã đi bộ từ Quảng Đông đến, chuyến đi kéo dài gần hai năm nhưng khi đến đây ông gặp một trở ngại lớn là không nói được ngôn ngữ địa phương. Ông tạm trú trong ngôi Chùacủa người Tây Tạng, hằng ngày phụ các tăng sĩ tại đây làm các công việc tạp dịch nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên ông rất buồn vì không có ai để chia sẻ tâm sự. Thử tưởng tượng nỗi vui mừng của ông khi gặp một người nói thông thạo tiếng Trung Hoa như thế nào! Ông ta mừng đến phát khóc, rồi sung sướng kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của ông. Ông phát nguyện hành hương đến Ấn Độ nhưng gặp khó khăn vì chính quyền không cho phép, sau ông đành liều trốn đi, trải qua nhiều khó khăn vì không có giấy tờ thông hành. Ông suýt bị giết khi vượt biên giới Trung Hoa
– Miến Điện, bị giặc cướp bắt giam nhiều tháng vì tình nghi do thám cho chính quyền địa phương, bị sốt rét rừng tưởng đã bỏ thây tại Miến Điện, và trải qua nhiều gian nan lắm mới đến được đây. Sau khi hoàn tất tâm nguyện, ông biết không thể trở về Trung Hoa được nữa nên đành sống tại đây. Trở ngại lớn của ông là vấn đề ngôn ngữ.
Ông không phải là người có học, ngay chữ Trung Hoa ông cũng không viết rành chứ đừng nói đến việc học thêm ngoại ngữ. Gặp tôi ông mừng rỡ nói liên
tục và từ đó cứ theo tôi để nói chuyện mãi. Ông thân chinh khoản đãi tôi những bữa cơm chay nấu rất ngon. Lâu lắm tôi mới có dịp được ăn những bữa cơm ngon lành như vậy.
Vị sư Trung Hoa không phải là người duy nhất gặp khó khăn như vậy. Ít lâu sau tôi đã gặp một vị sư người Đức với hoàn cảnh tương tự. Vị sư này quyết định đi bộ từ Bắc Âu qua đây. May mắn hơn vị sư Trung Hoa, ông có giấy tờ thông hành hợp lệ nên không gặp khó khăn với các chính quyền địa phương, chuyến đi của ông cũng không đến nỗi gian nan vất vả cho đến khi vượt biên giới vào Ấn Độ. Là người ngoại quốc, ông đã gây sự chú ý của những tên hành khất. Chúng lợi dụng đêm tối đánh ông bất tỉnh để cướp hành lý. Mặc dù mất hết tiền bạc chỉ còn độc bộ quần áo trên người nhưng ông cũng quyết định tiếp tục cuộc hành hương. Vì không biết tiếng địa phương, ông đã gặp nhiều khó khăn như khi qua làng kia, dân chúng tưởng ông là đạo sĩ nên yêu cầu ông làm lễ ban phép lành cho họ. Khi ông từ chối, họ đã ném đá và đuổi ông ra khỏi làng. Vị sư này cho biết những thử thách, khó khăn đã nung đúc thêm ý chí cho ông và dù gặp nhiều khó khăn, ông vẫn nhất quyết phải đến Bodhgaya bằng mọi giá.
Mặc dù có nhiều cây cối nhưng khí hậu tại đây vẫn nóng một cách khủng khiếp. Từ sáng sớm cho đến chiều, nhiệt độ thường ở mức 49oC nên ít ai dám ra khỏi nhà trọ. Tôi thường cởi trần, nằm lăn ra sàn đọc sách hoặc cố gắng dỗ giấc ngủ đợi đến lúc hoàng hôn, khi nhiệt độ giảm bớt mới dám đi ra ngoài thăm viếng phong cảnh. Tại Bodhgaya có hai di tích đặc biệt được coi như linh thiêng nhất, đó là cây bồ đề (cây này được chiết ra từ cây bồ đề nguyên thủy) và nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo được đánh dấu bằng một bảo tháp khá lớn. Nhiều học giả người Âu cho rằng những nơi chốn này thật ra chỉ là tượng trưng thôi vì không mấy ai biết đích xác những nơi chốn kia nằm tại đâu, nhưng nói thế là không hiểu phong tục tập quán của người Ấn Độ. Vào thời đó, Đức Phật rất được các vua chúa quanh vùng kính trọng. Nhiều vị đã cho xây cất đạo tràng để ngài cư ngụ, thuyết Pháp. Phong tục Ấn Độ rất kính ngưỡng những nơi chốn cư ngụ của các bậc đạo sư vì họ tin rằng đó là những chốn linh thiêng, được bao bọc bởi những luồng điện lành nên họ đã đánh dấu hết sức cẩn thận. Hầu hết những công trình kỷ niệm này đã được xây cất trước khi Đức Phật nhập diệt hoặc sau đó không lâu bởi chính những đệ tử của ngài thì không có lý do nào họ lại làm việc một cách cẩu thả được.
Sau khi Phật nhập diệt khoảng hai thế kỷ, vua Asoka, một vị hoàng đế nổi tiếng, đã cho dựng những thạch trụ tại những nơi chốn ấy để khắc ghi công đức của ngài. Tôi không nghĩ một vị vua như Asoka lại cho dựng những cột trụ một cách tương đối lấy lệ nên tôi tin rằng đây là những vị trí hết sức chính xác. Tuy nhiên tôi cũng đồng ý với giáo sư Jean Hebert rằng, dù các vị trí đó đúng hay sai thì điều này cũng không quan trọng. Điều quan trọng là những nơi chốn đó đã khêu gợi được gì trong lòng những người hành hương. Trải qua hàng ngàn năm, với biết bao tư tưởng thành kính xuất phát từ những trái tim của người mộ đạo thì chắc chắn những nơi chốn đó đã được bao bọc bởi một bầu không khí trong sạch, thanh cao, tốt lành rồi. Hiển nhiên nơi này có thể đem lại nhiều lợi lạc cho những ai biết trau dồi tâm thức, biết mở rộng trái tim ra cho nguồn thấu lực cao cả quanh đó rót vào, rửa sạch các ưu phiền, nâng tâm thức lên một bình diện cao hơn. Chính vì thế ngày nào tôi cũng tìm đến bảo tháp nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo để cung kính đảnh lễ và ngồi ở đó suy ngẫm về những giáo lý cao đẹp mà Đức Phật đã chỉ dạy cho nhân loại.
Theo lịch sử, Đức Phật sau khi tu học với các bậc đạo sư nổi tiếng đương thời đã không thỏa mãn với sự giải thích của họ nên ngài tìm đến một gốc cây bồ đề, nhất định suy gẫm để tìm cho ra con đường giải thoát. Sau khi chứng đạo, ngài bèn tìm những người bạn trước đây cùng tu học với ngài để giảng dạy cho họ về những điều ngài đã chứng đắc. Bài thuyết Pháp đầu tiên của Đức Phật rất giản dị. Có lẽ hồi đó chưa có ai ghi chép nên những đệ tử phải vận dụng trí óc để ghi nhớ những lời dạy của ngài. Có lẽ vì thế, ngài thường nói những lời thật giản dị, dễ hiểu và lặp đi lặp lại nhiều lần để cho người nghe có thể nhớ rõ. Bài thuyết Pháp đầu tiên bắt đầu bằng lời dạy rằng chỉ có con đường Trung Đạo là an toàn nhất, và là con đường chân chính thực sự có thể giúp con người thoát khỏi luân hồi sinh tử. Nó ở chính giữa hai cực đoan: một bên lao mình vào những thú vui nhục thể, khoái lạc vật chất và dĩ nhiên không đưa con người đến đâu cả; và một bên là con đường khổ hạnh, hành xác, từ bỏ vật chất để đạt đến những điều không tưởng, mơ hồ và cũng không đưa con người đến đâu cả. Muốn hiểu thật rõ giáo lý Trung Đạo, cần phải nắm vững tinh hoa của Tứ Diệu Đế: đời là khổ (Khổ Đế), nguyên nhân của sự khổ (Tập đế), vấn đề diệt khổ (Diệt đế) và đạo giải thoát ra khỏi sự khổ (Đạo đế).
Nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng đạo Phật bi quan yếm thế vì đặt căn bản trên sự khổ đau, nhưng họ không biết rằng đây không phải là một lý thuyết mà là một nhận thức bắt nguồn từ sự nghiên cứu và quan sát kỹ lưỡng về cuộc đời. Người nghèo đói thiếu thốn dĩ nhiên là khổ rồi, nhưng người giàu có dư thừa cũng luôn luôn sống trong tình trạng sợ hãi, đau khổ vì sợ rằng họ có thể bị mất đi những cái mà họ đang có. Con người thường tranh đấu để chiếm đoạt những gì mà họ chưa có; phập phồng lo sợ không biết có chiếm hữu được những điều đó hay không; và khi đã chiếm được rồi thì lại lo âu sẽ mất đi điều ấy. Điều ấy có thể là danh vọng, tiền bạc địa vị, quyền thế, hay cũng có thể là một người khác như vợ con, họ hàng thân thích, hoặc sức khỏe và sau cùng là mạng sống. Khi ý thức rằng sự khổ đau vốn hiện hữu thì người ta cũng có thể biết rằng nguyên nhân của sự khổ đau đó
bắt nguồn từ lòng ham muốn. Muốn được bình an, ung dung tự tại, con người cần phải biết bỏ bớt đi lòng ham muốn, mong cầu. Có người không màng danh lợi nhưng vẫn thấy phiền muộn vào lúc tuổi già. Họ thầm mong có đầy đủ sức khỏe, đầu óc tráng kiện sáng suốt như hồi niên thiếu mà không nhận định rằng già và chết là những điều tất yếu, không ai có thể tránh khỏi. Dĩ nhiên phương Pháp duy nhất để có thái độ ung dung bình thản là biết chấp nhận, biết quên mình, biết bỏ qua những ham muốn vì biết rằng xác thân của mình đã làm tròn bổn phận và công việc của nó và sẽ phải được loại bỏ. Nhiều người cho rằng thái độ bình thản như thế là điều không thể đạt được. Tôi không tin như thế, vì nếu vậy thì không đời nào Đức Phật lại khuyên dạy các đệ tử của ngài phải tập lấy thái độ đó quacon đường thoát khổ hay Bát Chánh Đạo.
Sau khi sống tại Bodhgaya một thời gian để thu thập tài liệu cho bài phóng sự,
tôi lên đường đến Benares. Đây là một đô thị lớn nằm bên bờ sông Hằng, nhà cửa san sát và dân cư đông hơn tất cả mọi thành phố mà tôi đã đi qua. Từ Benares, tôi đi xe đò đến Sarnath. Trong những thắng tích thì Sarnath là nơi mà chính phủ Ấn Độ đã cho tu bổ cẩn thận nhất, có lẽ vì nó nằm gần một đô thị lớn, thuận tiện cho việc du lịch. Quanh Sarnath có những thảm cỏ xanh mướt, được tưới bón chăm chỉ; các đền đài được sơn sửa rất kỹ; các thạch trụ của vua Asoka được tu bổ cẩn thận và có hẳn một viện bảo tàng lớn chứa trữ rất nhiều di tích để du khách chiêm ngưỡng. Ngay vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật dừng chân thuyết Pháp ngày trước, cũng được chính quyền cho sửa sang đẹp đẽ với rất nhiều cây cối, hươu nai mang từ nơi khác đến. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng nơi đây đã bị thương mại hóa nhiều quá nên sau khi dừng chân vài hôm, tôi đáp xe đi Rajahgriha.
Trên đường đi Rajahgriha, tôi có ghé qua Nalanda, viện Đại học Phật Giáo nổi
danh đã đào tạo biết bao nhân tài lỗi lạc. Theo ngài Huyền Trang, một tu sĩ Trung Hoa đã qua Ấn Độ thỉnh kinh (thế kỷ 5) thì lúc đó học viện này có hơn ba mươi ngàn người theo học. Một số đến từ những xứ sở rất xa như Indonesia, Sumatra hay Afghanistan. Để được thu nhận, người đến xin học phải trải qua những kỳ thi khảo hạch rất khó, mười người dự thí chỉ có hai người trúng tuyển.
Ngoài các giảng đường rộng lớn có thể chứa hàng ngàn người, quanh học viện
còn có rất nhiều nhà cửa cho người theo học cư ngụ. Đồ đạc, vật dụng được chuyên chở bằng voi từ khắp nơi trong vương quốc Gupta [10] đến đây. Nếu như vậy thì Nalanda phải lớn hơn Đại học Oxford nhiều lần. Theo sự tính toán của tôi thì có lẽ Nalanda phải to gấp mười hai lần Đại học Oxford. Nhưng khi quân Hồi chiếm đóng Ấn Độ thì họ đã thiêu hủy học viện này. Ngày nay Nalanda chỉ còn là những thửa ruộng mênh mông mặc dù các nhà khảo cổ đã xới được khá nhiều di tích quanh đó. Cách đó không xa là một đại học Phật Giáo vừa được xây cất mang tên College of Pali Studies. Dĩ nhiên trường này không chỉ chuyên về ngôn ngữ Pali mà còn có rất nhiều kinh điển bằng các thứ tiếng khác như Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Ấn Độ, Sanskrit… Tôi gặp một số tu sĩ Thái Lan đang theo học tại đây. Biết tôi vừa từ Thái qua, họ nhất định giữ tôi ở lại để kể cho họ nghe về những việc xảy ra tại quê hương họ. Lúc đó báo chí còn ít, phương tiện truyền thông hiếm hoi nên tin tức từ quê nhà là những thứ rất quý, ai cũng muốn nghe.
Mặc dù tôi đã dành hơn một ngày nói về những điều mà họ muốn biết nhưng dường như họ vẫn chưa hài lòng. Hôm sau khi tôi tiếp tục cuộc hành trình, ba tu sĩ đãtháp tùng theo tôi để nghe kể tiếp những câu chuyện thời sự bên Thái Lan.
Rajahgriha là một đô thị nhỏ, vốn là thủ đô của nước Xá Vệ ngày trước. Cách đó không xa là đỉnh Linh Thứu, nơi Đức Phật giảng dạy những tinh hoa Đại Thừa cho các đệ tử của ngài. Các tu sĩ Thái Lan đưa tôi đến một hang động nhỏ, nơi Đức Phật cư ngụ khi ngài sống tại đây. Trên đường lên đỉnh Linh Thứu, tôi còn đến viếng một chiếc hang khác lớn hơn, nơi buổi kết tập kinh điển lần thứ nhất đã diễn ra cách đây gần 2500 năm. Đang đứng, tôi bỗng giật mình vì tiếng niệm Phật rất lớn của một vị sư người Nhật. Vị này vừa đi vừa gõ mõ, vừa niệm lớn: “Nam mô diệu Pháp Liên Hoa kinh”. Chúng tôi đứng lại chắp tay cung kính chào nhưng vị này dường như không để ý, vẫn tiếp tục vừa đi vừa niệm lớn, âm thanh vang vọng cả núi rừng…
Sau khi ghé thăm đỉnh Linh Thứu, chúng tôi dừng chân trước một dòng suối nước nóng mà tương truyền trước đây mấy ngàn năm Đức Phật và các đệ tử của ngài vẫn thường tắm tại đó. Chính phủ Ấn Độ đã cho xây hẳn mấy hồ tắm lớn có vòi phun nước dành cho du khách, người ta quảng cáo rằng tắm tại đây có thể chữa được bệnh nhưng tôi không tin như vậy. Nhìn tấm bảng quảng cáo và những du khách mặc quần áo sặc sỡ đang đứng chụp hình tôi thấy khó chịu, quả thật chính quyền xứ này đã khai thác du khách một cách triệt để. Ngay nơi chốn có tính cách thiêng liêng cũng không tránh được việc khai thác thương mại.
Quanh hồ tắm có khá đông hành khất tụ tập để xin tiền. Một gã hành khất đầu bù tóc rối đến trước mặt tôi:
– Thượng đế sẽ phù hộ cho ông, nếu ông giúp kẻ nghèo này một bữa ăn.
Tôi đưa cho hắn một đồng rupee, vị tăng sĩ Thái Lan đứng cạnh tôi mỉm cười với gã hành khất:
– Thượng đế nào sẽ phù hộ cho chúng tôi?
Gã hành khất nhe răng cười rồi chỉ tay vào ngực mình:
– Thượng đế này chứ ai nữa.
Chúng tôi bật cười sảng khoái trước sự khôi hài của gã hành khất. Quanh các đền đài, các thắng tích tôn giáo Ấn Độ có rất đông hành khất tụ tập kiếm ăn. Một số lớn sống nhờ lòng hảo tâm của tín đồ nhưng một số khác khôn hơn, đã lợi dụng sự ngây thơ, nhẹ dạ để rao truyền những điều huyễn hoặc, viển vông để trục lợi. Họ tự xưng là thầy bói, thầy tướng, chiêm tinh gia hoặc có khi xưng là tu sĩ đã đắc đạo có thể tiên đoán quá khứ vị lai, ban bùa phép cho tín đồ, dĩ nhiên với một giá biểu nào đó. Nhiều du khách người Âu không biết phân biệt những kẻ này với các tu sĩ chân chính nên thường có thành kiến sai lầm hay ác cảm với các tu sĩ phương Đông.
Sau khi rời Rajagriha, tôi đến Sravasti nơi Đức Phật đã dừng chân thuyết Pháp tại vườn của ông Ananthapindika (Cấp Cô Độc). Lịch sử chép rằng ông này là một vị thương gia giàu có rất hâm mộ Phật Pháp. Ông muốn tìm một nơi thật đẹp đẽ thanh tịnh để cúng dường Phật nhưng không sao tìm được. Chỗ thì quá ồn ào, náo nhiệt, nơi lại quá hoang vu không thuận tiện cho quần chúng đi lại.
Sau cùng ông thấy thái tử Jeta có một khu vườn nằm sát thủ đô Sravasti, vừa yên tĩnh vừa thuận tiện cho việc giao thông nên ngỏ ý muốn mua lại khu vườn đó.
Thái tử Jeta không muốn bán nhưng cũng không muốn làm mất lòng Ananthapindika nên đãthoái thác bằng cách đặt một điều kiện dường như vô lý:
– Khu vườn này đất quý như vàng, nếu ông có thể trải vàng ra khắp mặt đất thì
ta sẽ nhường lại cho ông với giá đó.
Anathapindika nhận lời ngay:
– Được lắm! Ngày mai tôi sẽ cho người mang vàng đến cho thái tử.
Quả nhiên ngày hôm sau, ông cho người mang vàng trải khắp khu vườn mấy chục mẫu đất này. Thái tử Jeta kinh ngạc vì không ai bỏ ra một tài sản lớn như vậy để mua một khu vườn trừ khi có một mục đích đặc biệt. Khi được hỏi, Anathapindika cho biết ông muốn dâng cúng vườn này cho Đức Phật để ngài có chỗ dừng chân giáo hóa dân thành Sravasti. Thái tử Jeta nghe nói cũng phát tâm muốn góp phần. Thái tử bèn nói:
– Nếu ông đã mua đất thì tôi xin cúng tất cả cây cối trong vườn này cho Đức Phật. Xin ông thưa lại với ngài rằng, khu vườn này là của ông nhưng cây cối trên đó là của Jeta dâng cúng.
Sau khi mua được mảnh vườn của thái tử Jeta, Ananthapindika đã cho xây một tu viện trên đó để Đức Phật cư ngụ. Hiển nhiên một mảnh vườn quý giá như vậy thì tu viện kia chắc hẳn cũng nguy nga lộng lẫy lắm, nhưng ngày nay mảnh vườn này chỉ còn là miếng đất trống hoang vu, với vài bức tường đổ nát, rêu phong phủ kín. Một lần nữa tôi ngậm ngùi đứng nhìn mảnh vườn nổi tiếng kia mà không khỏi nghĩ đến lẽ vô thường mà Đức Thế Tôn vẫn thường dạy: “Chân lý bất biến trong vũ trụ này thường là vô thường. Vạn vật luôn luôn thay đổi, không bao giờ thường trụ. Có lên ắt có xuống. Có thịnh ắt có suy, nay còn thì mai mất”.
Sau khi dừng chân tại Sravasti vài hôm để phỏng vấn một số tu sĩ cư ngụ tại đây, tôi lên đường đi Kusinara, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Không hiểu sao khi đến đây người ta tự nhiên thấy lòng bỗng chùng xuống, ai nấy đều cảm thấy có một nỗi buồn nhè nhẹ trong lòng. Có thể vì Kusinara là một thành phố nhỏ bé yên tĩnh nhưng cũng có thể vì không khí nơi đây có cái gì trầm mặc u buồn, không thể diễn tả. Tại nơi Đức Phật nhập diệt, người ta đã cho xây một bảo tháp khá lớn. Những người hành hương rón rén chắp tay đi quanh đó một cách yên lặng. Mặc dù khí hậu nơi đây rất nóng nhưng vào lúc hoàng hôn, khi nhiệt độ không quá gay gắt, tôi đến ngồi cạnh bảo tháp để cầu nguyện và không khỏi nghĩ đến hình ảnh một con người phi thường nằm giữa hai cây Vô Ưu, hoa trắng rơi đầy trên áo, ân cần dặn các học trò: “Này các con, vạn Pháp đều vô thường, có sinh ắt có diệt. Các con hãy tinh tấn tu hành để đạt đến giải thoát”.
Sau khi ghi nhận các chi tiết cho bài phóng sự tại Kusinara, tôi lên đường đi Lucknow và Ajanta. Khi đi ngang Ellora, tôi nghe nói tỉnh này có một tu sĩ Ấn Độ giáo rất nổi tiếng nên định ghé thăm, nhưng khi đến đạo viện của ông này thì một người đệ tử cho biết thầy họ đãrời đó để nhập thất trên Hy Mã Lạp Sơn rồi. Thấy tôi có vẻ thất vọng, người đệ tử cho biết cách đó khoảng mười dặm tại làng Almoracó một Lạt ma nổi tiếng đang sống tại đó:
– Có lẽ ông sẽ không thất vọng đâu vì sở học của vị Lạt ma này rất uyên bác.
Chính thầy tôi vẫn thường nói với học trò rằng vị này là một trong rất ít những
người đã chứng đắc được tinh hoa của Kim Cương Thừa. Hơn nữa, vị Lạt ma này là người Âu chứ không phải người Tây Tạng hay Ấn Độ.

– Một vị Lạt ma người Âu?
– Thưa đúng vậy, một người Âu như ông nhưng vị này đã thụ giáo với nhiều danh sư Tây Tạng. Hiện nay nhiều người Tây Tạng còn phải tìm đến học với vị này.
Tuy nghe vậy nhưng tôi vẫn không tin cho lắm. Tôi đã gặp nhiều học giả người Âu chuyên nghiên cứu triết lý, tôn giáo phương Đông, phần lớn đều có kiến thức rộng nhưng không mấy ai đã chứng đắc. Việc một người Âu trở thành Lạt ma, lại còn dạy dỗ cho những người Tây Tạng thoạt nghe có vẻ khó tin làm sao! Cũng vì thành kiến đó nên tôi đến Almora với một tâm trạng tò mò nhiều hơn là muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Hiển nhiên tôi đã lầm vì người đó không phải ai xa lạ mà chính là Anagarika Govinda, vị Lạt ma người Âu nổi tiếng đã du hành khắp Tây Tạng sưu tầm kinh điển vàtầm sư học đạo [11]
.
Lạt ma Govinda sống trong một căn nhà nhỏ nằm tận trên đỉnh núi. Từ làng Almora người ta còn phải đi bộ qua một rừng thông khá lớn mới đến nơi. Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ nằm khép mình bên một tảng đá rất lớn. Từ bên ngoài nhìn vào, người ta biết ngay chủ nhân phải là người có óc thẩm mỹ. Đường đi uốn quanh sườn núi dẫn đến trước nhà, hai bên trồng rất nhiều hoa, trước cửa là hai cây thông lớn uốn nghệ thuật. Bên trong nhà chỉ có một gian phòng rộng trang hoàng bằng nhiều tranh vẽ, đặc biệt có một bức vẽ một bông sen với những đám mây ngũ sắc rất lớn. Lạt ma Govinda không những là một tu sĩ uyên bác mà còn là một họa sĩ nữa. Ông mặc một bộ quần áo thụng màu nâu đỏ, đội chiếc mũ dày che kín hai tai. Mặt ông đầy nét nhàn, lông mày dài phủ xuống đôi mắt và một chòm râu bạc trắng như cước. Ông nói chuyện thong thả, chậm rãi và thường nghe nhiều hơn nói; nhưng khi nói ông có một giọng trầm trầm rất đặc biệt. Ông đi đứng nhẹ nhàng khoan thai, quanh ông dường như tỏa ra một luồng điện từ hòa, bình an không bút mực nào tả xiết. Ngồi cạnh ông, tôi thấy bao nhọc mệt của chuyến hành trình dường như tiêu tan, toàn thân thoải mái, dễ chịu và chỉ sau vài câu nói tôi đã có cảm tình ngay với ông.
Sau câu chuyện xã giao, ông đưa tôi đi quanh căn phòng, giải thích cho tôi về những bức tranh ông vẽ hoặc đã sưu tầm được. Có lẽ ông nghĩ một ký giả người Âu như tôi chắc không thích gì đến những câu chuyện về tôn giáo, triết lý nên ông chỉ nói về hội họa, màu sắc, và về sự khác biệt giữa nền hội họa của Ấn Độ và Tây Tạng. Sau cùng ông mời tôi uống trà, một loại trà pha theo kiểu Tây Tạng có vị khá mặn. Ông nói:
– Khi xưa tôi không quen uống trà như thế này nhưng khi sống tại tu viện Yi Gah Cholin tôi quen với cách pha trà của người Tây Tạng và rồi từ đó cứ thích
uống trà với sữa và muối.
Nhìn ông từ tốn nâng ấm trà lên, trịnh trọng rót nước vào chiếc chén, tôi thấy cử chỉ của ông bao hàm một cái gì đặc biệt oai nghiêm, sống động khác thường:
– Tôi đã quan sát nhiều người pha trà, kể cả những vị thầy về trà đạo của người Nhật, nhưng thật không thấy ai làm được như ngài.
– Thế sao?
– Các vị thầy về trà đạo thường tuân theo những quy tắc hay kỹ thuật nhất định, nhưng có lẽ vì thế mà phương Pháp của họ có vẻ như nặng phần trình diễn.
Cách pha trà của ngài khác hẳn, tự nhiên, ung dung và thoải mái… Dường như ngài chú tâm pha trà và chỉ làm đúng như thế thôi?
Lạt ma Govinda mỉm cười:
– Ông Blofeld, chắc hẳn ông tìm đến đây vì một lý do nào đó chứ không phải muốn tìm hiểu về hội họa hay cách pha trà?
Tôi trả lời rằng tuy làm một phóng sự về lễ Phật đản cho đài BBC nhưng tôi cũng muốn nhân cơ hội để hành hương, chiêm bái các Phật tích, tiếp xúc với các bậc đạo sư nổi tiếng để học hỏi thêm. Tôi đề nghị:
– Nếu có thể, mong ngài chỉ dẫn thêm cho tôi về
Kim Cương Thừa.
Lạt ma Govindachăm chú nhìn tôi rồi mỉm cười:
– Nhưng anh đã học hỏi rất nhiều về giáo lý của đấng Thế Tôn với các danh sư
Kim Cương Thừa rồi mà? Tại sao anh còn tiếp tục tìm kiếm chi nữa? Người ta
không thể đi tìm như thế mãi được mà phải biết đào sâu vào bên trong để biết mình thực sự muốn gì.
Câu nói của Lạt ma Govinda làm tôi giật mình. Trong suốt thời gian gặp gỡ ngắn ngủi, tôi không hề nói với ngài biết rằng tôi đã học hỏi về Kim Cương Thừa hay đã từng thụ giáo với ai. Tôi chỉ giới thiệu mình như một phóng viên của đài BBC mà thôi. Phải chăng Lạt ma Govinda có thể biết được tư tưởng của người khác? Lạt ma Govinda nói thật chậm rãi:
– Tại sao đã đến cửa màchưachịu vào, cứ quanh quẩn đi qua đi lại làm chi?
Câu nói của ngài dường như có một sức mạnh lạ lùng làm tôi cảm thấy bị chấn động mãnh liệt. Trải qua bao năm nay hình như tôi cứ phân vân lưỡng lự về một điều gì không rõ rệt. Quả thế, tôi như người đã đến cửa nhưng chưa chịu bước vào. Bất chợt tôi nghĩ đến lời tiên tri của Tiểu Ngọc tại Lan Đảo năm xưa và xúc động thật sự. Tôi vội quỳ mọp xuống mặt đất đảnh lễ:
– Xin ngài chỉ bảo hướng dẫn cho, quả thế, tôi đã mải miết tìm kiếm nhưng chưa thực sự biết mình muốn gì. Có lúc tôi tưởng đã thấy ánh sáng ở cuối chân trời nhưng rồi lại bị lôi kéo vào những chuyện không đâu và lạc hướng… Xin ngài từ bi chỉ dẫn cho tôi một con đường sáng.
Lạt ma Govindaim lặng một lúc rồi thong thả nói:
– Theo tôi, có lẽ anh quá chú trọng về kiến thức mà quên rằng Phật Pháp vốn không phải là một lý thuyết từ chương. Đạo Phật chú trọng đến vấn đề thực tế là giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Nếu chỉ muốn học các kiến văn thì biển học bao la, biết bao giờ mới có thể đọc cho hết. Dù trải qua trăm ngàn ức kiếp học hỏi cũng không ai có thể học hết được, do đó anh cần phải biết lập hạnh. Anh phải biết tìm lấy một hạnh nguyện hợp với mình rồi gắng sức chuyên cần thì việc tu hành mới có ích được. Tu hành mà không phát hạnh nguyện thì chỉ như người mù sờ voi, không thể nhìn thấy gì hết.
– Xin ngài hướng dẫn cho về phương Pháp lập hạnh.
– Tôi thấy anh đã có một kiến thức căn bản vững vàng, đã được nhiều danh sư chỉ dẫn nhưng anh tham quá, hết học phương Pháp này đến phương Pháp khác
mà không chịu chuyên nhất. Đã thế anh lại có thói quen của các bậc học giả là quá chú trọng vào lý thuyết, đọc kinh văn để thỏa mãn trình độ trí thức, để biện luận như một nhà bác học mà thiếu sự tu dưỡng thân tâm. Vì không có hạnh nguyện hướng dẫn, anh như người đi thuyền giữa biển không định hướng nên không thể đến đâu được, cứ trôi giạt từ chỗ này qua chỗ khác. Nói một cách khác, anh thiếu cái chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa bước vào Thế Giới của những người đi trên đường giải thoát. Thực ra cái chìa khóa này đã được trao truyền cho anh từ lâu rồi, nhưng anh không biết đến nó đấy thôi. Anh như người có kim cương trong túi áo mà không biết, cứ đi kiếm ngọc quý ở đâu đâu. Do đó anh đã không tìm thấy nó ở Trung Hoa, Thái Lan và những nơi anh đã đi qua vì anh chưa hiểu biết thực sự, anh tưởng rằng anh đã biết nhưng cái biết đó chỉ là một mớ kiến thức ngoài da, một thứ hiểu biết nông cạn của những học giả mà thôi. Nếu hiểu biết thực sự thì anh đã hành động chứ không lan man tìm kiếm mãi như vậy. Anh thấy không, các bậc thiện tri thức đã nhắc nhở anh nhiều lần nhưng anh đâu hề để ý. Không những anh chấp vào văn tự, vào kiến thức mà còn cố chấp vào những duyên may mà anh đã gặp. Theo tôi, đối với anh thuận duyên không phải là một điều giúp anh học hỏi được, có lẽ anh cần gặp những nghịch cảnh thì mới tiến tu được.
Tôi im lặng, từ bao lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng mình đang tiến bộ trên đường tu
học, cho đến lúc đó tôi mới biết rằng mình đã quálạc quan.
Lạt ma Govinda im lặng một lúc khá lâu như cố ý để cho tôi suy nghĩ rồi chỉ vào bức tranh hoa sen và những đám mây ngũ sắc trên vách:
– Từ bao năm nay, truyền thống Kim Cương Thừa vẫn được giữ gìn tại Tây Tạng một cách nghiêm cẩn và bí mật. Đó là một Pháp môn cao tột, đòi hỏi người thực hành phải có một căn cơ đặc biệt và lòng dũng mãnh cầu đạo phi thường.
Trên đường này, người đi sẽ gặp nhiều thử thách chỉ vì những người vượt qua được các thử thách mới xứng đáng được nếm Pháp vị của Kim Cương Thừa.
Đáng lẽ ra chúng sinh thời Mạt Pháp (Kali Yuga) không có duyên được học hỏi và biết đến tinh hoa của Pháp môn này. Nó không thích hợp với căn cơ của chúng sinh trong thời Mạt Pháp nhưng nhờ lòng từ bi của một bậc đại bồ tát mà Pháp môn này sẽ được truyền tụng ra ngoài vào cuối thế kỷ này… Đây là một cơ hội rất hiếm có vì sau khi những bộ kinh điển quý báu này đã làm tròn nhiệm vụ của nó thì Thế Giới sẽ bước vào một giai đoạn mà giáo lý cao tột của đấng Thế Tôn sẽ rơi vào quên lãng. Trong nhiều thế kỷ người ta sẽ không còn biết đến các chân lý tối thượng nữa, nhân loại sẽ sống trong tăm tối cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời.
Anh cần biết rằng cơ hội này rất đặc biệt và hiếm có. Vào cuối thế kỷ này sẽ có nhiều biến chuyển mạnh mẽ, tinh hoa Kim Cương Thừa từ lâu vẫn được cất giữ trong vòng bí mật sẽ được truyền dạy rộng rãi cho những ai muốn học, muốn nghe và muốn áp dụng để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Anh phải biết nắm lấy cơ hội này, đừng bỏ lỡ nữa.
Lạt ma Govinda thong thả kể cho tôi nghe về chuyến du hành của ngài trên dãy Tuyết Sơn, việc ngài được Hòa thượng Tomo Geshe thu nhận và lời thỉnh cầu của bông hoa sen xin cho tinh hoa của Kim Cương Thừa được truyền ra cho mọi chúng sinh.
[12]
. Ông kết luận:
– Anh đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và có dịp học hỏi nhiều Pháp môn khác nhau, nhưng tôi xem ra anh có duyên với Kim Cương Thừa hơn cả.
Tuy đã được truyền thụ các quy tắc căn bản nhưng anh vẫn thiếu một chi tiết quan trọng để mở cửa bước vào con đường của Mật Tông. Theo tôi thì anh phải tìm gặp người thừa kế sự nghiệp của Kim Cương trưởng lão, giúp anh tìm lại cái chìa khóa mà anh đã vô tình để mất. Chỉ khi nào anh nắm được cái chìa khóa này thì anh mới có thể tiến được, nếu không anh sẽ mãi mãi đứng bên ngoài. Kiếp người ngắn ngủi, liệu anh còn tiếp tục tìm kiếm đến bao giờ?
Tự nhiên tôi nghĩ đến lời tiên tri của Hòa thượng Ninh Hải về bí mật của màu xanh lục. Tôi có cảm tưởng như mọi sự đã được sắp xếp từ trước một cách kỳ lạ.
Tôi toan lên tiếng hỏi thì không hiểu sao Lạt ma Govinda đã giơ tay chỉ vào một bức tranh treo trên vách. Đó là một bức sơn thủy vẽ một đỉnh núi cao ngất, cây cối rậm rạp. Không như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa thường vẽ bằng mực tàu đen, bức tranh này được vẽ bằng một thứ mực màu xanh lục.


[8]
. Độc giả muốn biết về công trình của vua Mindon Min và Hòa thượng U Khanti, xin xem cuốn Đường mây qua xứ tuyết.
[9]
. Khi đó Ấn Độ không có các quán trọ tiện nghi như ngày nay.
[10]
. Vương quốc Gupta tồn tại từ năm 280 tới 550 ở phần lớn Bắc Ấn Độ, Đông Nam Pakistan, một phần của Gujarat và Rajasthan mà ngày nay là Tây Ấn Độ và Bangladesh.
[11]
. Xin đọc “Đường mây qua xứ tuyết”.
[12]
. Xin xem “Đường mây qua xứ tuyết”.

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Ngọc Sáng trong Hoa Sen 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *