Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ
✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ
7- Ông Trần Quốc An có hỏi:
– Tôi có nhìn thấy trong tủ của Chùa có cuốn “những chuyện niệm Phật thấy Phật vãng sanh”. Tôi có vài thắc mắc như sau, xin trưởng ban giải thích giùm, tôi vô cùng cảm ơn
Thắc mắc một: Tu niệm Phật thấy Đức Phật A Di Đà như trong quyển sách nêu trên có đúng sự thật như vậy không?
Thắc mắc hai: Khi tu được quả vị Bồ Tát rồi, sẽ đi về đâu? Sao trong sách viết là Bồ Tát đi về nước Cực Lạc?
Thắc mắc ba:
– Tu theo Thiền Tông khi viên mãn sẽ đi về đâu?
Vị Trưởng ban trả lời:
– Chúng tôi không dám đáp những lời hỏi của ông. Chúng tôi chỉ nêu câu chuyện của Tổ Ưu Ba Cúc Đa, là vị Tổ sư Thiền Tông đời thứ tư ở nước Ấn Độ. Khi Ngài giảng thiền ở hội của Ngài. Trong hội của Ngài, có vua ma Ba Tuần biến hiện làm người thường đến nghe Ngài giảng thiền. Vua ma Ba Tuần đã ngộ được “Yếu chỉ Thiền Tông”. Vua ma Ba Tuần xin quy y với Tổ và đem 500 môn đồ của mình cũng xin quy y với Tổ.
Một hôm, Tổ nói với vua ma Ba Tuần: “Ta sanh ra đời không gặp được Đức Phật; khi Đức Phật đang giáo hóa ở Thế Giới này, ông đã từng theo phá Đức Phật. Nay ông đã Giác Ngộ được “Yếu chỉ Thiền Tông”, ông cố gắng sống với Phật Tánh của chính mình, đừng làm ma làm quỷ biến hình hiện tướng, mê hoặc người khác mà phải bị đi trong sáu nẻo Luân hồi không biết đâu là ngày cùng”.
Tổ Ưu Ba Cúc Đa nói tiếp với vua ma Ba Tuần: “Tuy nhiên, vì lòng kính trọng Đức Phật, ta có lời yêu cầu ông hãy giúp ta xem lại hình ảnh Đức Phật ngày trước được không?”
Vua ma Ba Tuần trình thưa với Tổ: “Việc con tái hiện lại cảnh Đức Phật và giáo đoàn đối với con thật không khó”.
Tổ bảo:
– Vậy ông tái hiện lại cảnh Đức Phật và giáo đoàn di hành ngày trước để ta xem đi.
Vua ma Ba Tuần trình thưa với Tổ:
– Thầy hứa với con một điều, khi thầy thấy Đức Phật và giáo đoàn di hành qua trước mặt thầy, thầy đừng đảnh lễ thì con mới dám thực hiện, nếu thầy đảnh lễ con sẽ bị tổn phước rất lớn.
Tổ Ưu Ba Cúc Đa hứa với vua ma Ba Tuần là Ngài sẽ không đảnh lễ khi thấy giáo đoàn và Đức Phật di hành qua.
Vua ma Ba Tuần và đoàn tùy tùng của Ngài đi vào rừng. Một lát sau, từ mé rừng xuất hiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và giáo đoàn 1.250 vị, ăn mặc rất nghiêm trang, Đức Phật có ánh hào quang sáng rực, lần lượt đi ra, tỏa mùi thơm kỳ diệu không thể nào diễn tả được, Đức Phật và giáo đoàn di hành qua trước mắt Tổ. Bất giác, Tổ cuối đầu đảnh lễ, vua ma Ba Tuần liền biến mất…
Tổ Ưu Ba Cúc Đa dạy đại chúng: “Ta là Tổ rồi đó, mà chưa làm chủ đượcc vọng tưởng của chính mình huống chi các ông. Các ông cẩn thận khi tu niệm Phật, các ông lấy lời dạy sau đây của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì chắc chắn tu không lạc đường tà mê:
– Nhược kiến tướng, phi tướng, tức kiến Như Lai.
Tạm dịch:
– Nếu thấy tướng mà không phải tướng là thấy được Như Lai, tức là Phật.
Hay câu:
– Nếu lấy sắc mà cầu ta.
– Nếu lấy âm thanh mà cầu ta.
– Người ấy hành đạo tà.
– Không thấy Như Lai mà chỉ thấy ma.
Căn cứ vào các lời dạy của Đức Phật và của Tổ sư Thiền Tông, ông sẽ hiểu tu như thế nào là đúng, thế nào là sai.
Thắc mắc thứ hai: Đã đến quả vị Bồ Tát rồi mà còn niệm Phật để nhờ Đức Phật A Di Đà rước về nước Cực Lạc của Ngài, hiểu như vậy là chưa nghiên cứu kỹ lời dạy của Đức Phật.
Tu theo hạnh Bồ Tát là tu Giác Ngộ từng phần, Giác Ngộ đầu là sơ địa Bồ Tát, rồi nhị địa… đến thứ mười là thập địa, qua đẳng giác diệu giác rồi đến quả Phật. Tu hạnh Bồ Tát là tu từ phàm đến Phật chứ không nhờ ai giúp đỡ cả.
Còn nước Cực Lạc là nước an vui tột cùng. Ông nghĩ sao, khi người tu theo Đạo Phật mà còn ham vui, mà ham vui tột độ nữa, thì người đó là người gì?
Đến quả Phật, là nhập vào Niết bàn (chữ Niết bàn nghĩa là vô sanh, không còn sanh tử nữa). Còn về nước Cực Lạc là về nước hữu sanh. Bởi vậy, Đức Phật A Di Đà bảo những người ở Thế Giới này: “Ai muốn về nước của Ngài học đạo vô sanh, hãy niệm danh hiệu ta, mà phải nhất tâm bất loạn, từ một ngày cho đến năm ba bảy ngày, người đó sẽ được ta rước về nước của ta ở, ta sẽ dạy cho phương pháp tu để được vô sanh”.
Thắc mắc thứ ba: Tu theo Thiền Tông khi viên mãn sẽ đến chỗ vô sanh, tức trở về nguồn cội của chính mình. Nếu nói về đâu, người hỏi không hiểu được quả vị Phật.
Tôi nêu một câu chuyện ngày xưa cũng có vị Tỳ kheo hỏi Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế tôn, những vị tu hành được viên mãn rồi sẽ đi về đâu?
Đức Phật dạy:
– Ta nói, nếu các vị đó đi về đâu, thì các ngươi không hiểu, Ta lấy ví dụ sau đây để các ông suy xét sẽ hiểu là sẽ đi về đâu:
Như không khí ở trong bình, khi bình bị vỡ ra không khí sẽ đi về đâu.
Hay nước trong ly, khi đổ nước xuống sông hay biển, nước ấy sẽ đi về đâu.
Nguyên lý này, nếu các ông hiểu tu hạnh Bồ Tát khi đến được quả Phật các ông sẽ hiểu đi về đâu.
Một vị đi trong đoàn nói:
– Thú thật, chúng tôi đi viếng nhiều Chùa, cũng đem những việc nêu trên để hỏi, nhưng không phải trả lời như ở đây. Ở đây, quý vị trả lời thật tình chúng tôi không chê vào đâu được, vì quý vị trả lời rất khoa học. Cách nay hơn một tháng, chúng tôi có mấy người bạn ở châu Âu, cũng về Việt Nam tìm hiểu Đạo Phật, nhưng các nơi mà họ đến, họ hỏi về cốt tủy của Đạo Phật, họ đều thất vọng.
Để trọn vẹn ước muốn của chúng tôi, xin Trưởng ban vui lòng giải đáp thêm cho chúng tôi vài câu hỏi nữa: “Tu theo Đạo Phật có mấy hạng người? Xin Trưởng ban sẵn giải thích, để chúng tôi nắm được, về các hạng người và cách tu của họ”.
Trưởng ban trả lời:
– Kính thưa vị đã hỏi chúng tôi và quý vị đi trong đoàn, để quý vị hiểu, chúng tôi xin sắp xếp và các việc làm của các vị ấy như sau:
– Giảng sư: Tức thầy phụ trách giảng Đạo Phật, cũng gọi là pháp sư, hay giáo thọ sư.
– Luật sư Phật học: Vị thầy dạy luật lễ trong Nhà Phật.
– Thiền sư: Chuyên về tu thiền, cao hơn là Tổ sư thiền.
– Thiền Gia: Có hai hạng Thiền Gia:
– Một là, Thiền Gia chuyên nghiên cứu về cách tu thiền của Nhà Phật mà không thực hành.
– Còn hạng Thiền Gia thứ hai: Cũng chuyên nghiên cứu các cách tu thiền của Nhà Phật mà có thực hành.
– Nói rõ hơn, Thiền Gia bề ngoài không ai nhận ra hành vi hay tông tích của họ, họ cũng như bao nhiêu người khác. Bởi vậy trong Nhà Phật có câu:
– Ai ai cũng mũi dọc mày ngang.
– Lòng Phàm lòng Thánh khác xa ngàn trùng!
– Cư sĩ: Nói chung cho tất cả ai tu theo Đạo Phật mà không xuất gia, tu tại nhà, không luận là nam hay nữ.
Chúng tôi xin dẫn giải từng hạng người một để quý vị hiểu:
– Giảng Sư: Vị thầy dạy đạo trong các lớp học của Phật giáo, hay các đạo tràng tại các Chùa. Các Ngài học kinh thuộc lòng từng câu, rành rọt từng chữ, không một câu nào mà không giải thích được, các Ngài thường dẫn chứng rất hay. Đặc biệt, các giảng sư còn giảng giải thêm phần chiết tự nữa.
Ví dụ: Có ai hỏi thế nào là Phật?
Giảng sư nói một hơi rất dài, rất hay, Phật là giác, giác tha, giác hạnh viên mãn… Rồi chiết tự chữ Phật ra chữ Hán, chữ Nôm kể cả chữ Pãli… dẫn người hỏi vào rừng giáo lý, làm người nghe hết sức phấn khởi; nếu giảng sư có bằng tiến sỹ nữa, người nghe khen ngợi hết lời.
– Luật Sư Phật học: Các Ngài thông làu các kinh điển Nhà Phật, họ chế ra rất nhiều các phương tiện, đặt ra rất nhiều các nghi thức và sắp xếp một cách hết sức hoàn thiện, từng chi tiết một, để người tu học có đầy đủ lễ nghi tu hành, từ cái ăn, cái mặc, cách đi, cách đứng, nhất nhất đều đúng theo sự sắp xếp của quý Ngài.
Có nhiều vị muốn làm phong phú thêm các nghi lễ cho người sống hay đã chết, các vị đem vào Đạo Phật các luật lễ của các tôn giáo khác như:
– Khổng giáo.
– Lão giáo.
– Có khi các vị còn đưa vào luật lễ của Tiên đạo nữa.
– Thiền sư: Thiền sư là vị thông hiểu và thực hành 3 Pháp môn tu như sau:
– Thiền quán, tưởng, cầu mong của phái Tiểu Thừa.
– Thiền nghi, tìm, kiếm của phái Đại thừa.
– Thiền Tông: Môn thiền chỉ dành riêng cho quý vị Tổ sư Thiền Tông, có nhiệm vụ dẫn mạch nguồn Thiền Tông đi theo dòng Thiền Tông thôi. Nhờ Pháp môn tu Thiền Tông này, mà vào thời Đức Lục Tổ Huệ Năng, có rất nhiều vị Giác Ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông”; nhiều nhất là những vị tu tại gia.
Hai Pháp môn Tiểu và Đại thừa chúng tôi thấy có vài vị thực hành được, như vậy họ không được phép gọi là Thiền sư, mà chỉ gọi là người tu theo thiền Tiểu hay Đại thừa mà thôi; còn Pháp môn Thiền Tông, hiện chúng tôi chưa thấy có ai biết, chứ nói chi đến việc thực hành.
Nhưng, hiện giờ có rất nhiều vị tự xưng mình là Thiền sư. Nếu căn cứ như lời Đức Phật dạy, hiện tại chưa thấy có ai đủ tiêu chuẩn cả; nhưng hiện nay nghe rất nhiều vị tự phong mình là Thiền sư, các vị này chỉ lạm dụng danh từ thôi, mục đích chánh của họ là tập trung nhiều người để thu lợi.
Bởi vậy, cách đây hơn 800 năm (1.203), vào thời Thiền sư Thường Chiếu, cũng có nhiều vị thầy tự xưng mình là Thiền sư. Khi Thiền sư Thường Chiêu đến hỏi chỗ chân thật của Pháp môn Thiền Tông, các vị tự xưng mình là Thiền sư họ không trả lời được chỗ chân thật mà Đức Thế Tôn dạy trong Pháp môn Thiền Tông. Thiền sư Thường Chiếu muốn ngăn chặn các vị lạm dụng danh từ Thiền sư, sợ các vị này bị quả báo nặng nề, nên Ngài có dạy như sau:
– Pháp môn Thiền Tông học, là Pháp môn mà Như Lai truyền theo dòng chảy riêng của mạch nguồn Thiền Tông, nếu quý vị nhận được mạch nguồn Thiền Tông, thì mới hiểu năm Pháp môn tu của Như Lai dạy trước, quý vị tự nhiên trở thành là một Thiền sư. Còn quý vị không biết Pháp môn Thiền Tông, mà tự xứng mình là Thiền sư, quý vị đã vi phạm luật Nhân – Quả nơi Thế Giới này rất nặng nề rồi vậy!
Các vị đã đạt được “Bí mật Thiền Tông”, họ có nói châm biếm như sau: “Một con chó lớn sủa láo, một bầy chó nhỏ sủa theo!”
Vậy, xin các vị đừng dính phải vào câu nói châm biếm đó.
Thiền sư Thường Chiếu dạy rõ thêm: “Ở nước Trung Hoa, cũng có nhiều vị lạm dụng danh hiệu Thiền sư này”.
– Tổ sư thiền: Đây là những vị thầy dẫn mạch nguồn Thiền Tông chảy theo dòng chảy riêng của nó
– Thiền Gia có hai hạng:
Hạng thứ nhất: Các Ngài chuyên nguyên cứu các loại thiền của Phật giáo, cũng như các thiền của đạo khác, nhưng không thực nghiệm. Vì vậy, các vị này rất thông suốt các kinh điển và hiếu tất cả các môn thiền, nhưng các vị chỉ hiểu lý thuyết, ai hỏi đến đâu các Ngài dẫn giải một cách rành mạch, làm cho người hỏi hết sức thán phục.
Hạng thứ hai: Các vị này cũng nghiên cứu kinh điển và thông suốt như các vị Thiền Gia thứ nhất, nhưng đặc biệt, các vị này có thực nghiệm và hành thiền. Thường các vị Thiền Gia thực nghiệm và hành thiền, các vị này dễ ngộ đạo hơn Luật sư và Giảng sư Phật học. Các vị này được xếp ngang bằng với các vị Tổ sư thiền, còn nếu xếp như hồi Đức Phật còn tại thế, Thiền Gia hạng hai này được xếp ngang cùng với Ngài Duy Ma Cật.
Vì sao các vị này được xếp cao như vậy?
– Vì các vị này giải mã được tất cả các Pháp môn tu của Nhà Phật, và cũng giải mã được tất cả các Pháp môn tu của những đạo khác.
Vì sao họ hiểu cao sâu như vậy?
Vì các vị này họ nắm được nguyên lý các Pháp môn tu nơi Vật lý Thế Giới này; nếu xếp theo hệ thống Thiền Tông, vị này đạt được “Bí mật Thiền Tông” hay có thể cao hơn nữa.
Vì chỗ cao sâu đó, những vị là Thiền sư thuần túy, không thể nào so sánh với các Ngài được.
Các vị Thiền Gia hạng hai này, có đầy đủ khả năng giúp cho người khác Giác Ngộ đạo thiền một cách hết sức dễ đàng, với một điều kiện: Vị nào muốn nhờ các Ngài chỉ dạy để được Giác Ngộ, vị đứng ra thưa hỏi đó, phải mong muốn mãnh liệt thì vị này mới chỉ dạy cho, chớ người bình thường hay mê tín dị đoan, hoặc bị dính vào Vật lý quá nhiều, thì không thể nào lãnh hội được.
Video (Trích đoạn)
✍️ Mục lục: Quyển 01: Tu theo Pháp môn nào của Đạo Phật dễ Giác Ngộ 👉 Xem tiếp