Trở về từ Xứ Tuyết
✍️ Mục lục: Trở về từ Xứ Tuyết
Chương VI:
Trên con đường tinh thần, người đệ tử còn phải trải qua những cuộc Điểm đạo (Initiation). Đa số mọi người đều cho rằng đây là một kỳ thi, một cấp bậc hay kinh nghiệm có thể đạt đến và người được Điểm đạo có
trình độ tiến hóa cao hơn người thường. Theo sự hiểu biết của tôi, sự
quan trọng của các Điểm đạo không phải để đề cao một cá nhân đã đi
được một bước quan trọng trên mức thang tiến hóa mà là ở chỗ người đó
đã đạt đến trình độ để có thể tham gia vào công việc của một nhóm
người, gồm các thánh nhân, hiền triết đã hoàn toàn dâng hiến cuộc đời
cho việc phụng sự nhân loại.
Hiền triết Kuthumi đã nói với một đệ tử như sau:
“Này đệ tử, ta mừng cho con đã đạt được mục đích đầu tiên của
những hoài bão cao thượng. Kể từ nay, con phải chú ý đến những điều
kiện khe khắt hơn để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp mà danh từ Phật
giáo gọi là sự Nhập Lưu (Enter the Stream) và danh từ Thiên Chúa giáo
gọi là sự Cứu Chuộc. Từ dĩ vãng xa xăm, trải qua vô số kiếp sống, con
đã đi rất xa trên tiến trình học hỏi và có những cố gắng rất đáng kể. Để
bước vào giai đoạn sắp tới, con cần phải cố gắng hơn nữa, vì từ đây con
có thể gia nhập hàng ngũ của những người phát nguyện phụng sự nhân
loại. Đây là một cơ hội rất hiếm trong muôn ngàn kiếp sống, nên ta
khuyên con hãy dành mọi năng lực để chuẩn bị cho công việc phụng sự
vĩ đại này”.
Khi trở thành một phần tử của nhóm người phụng sự cao cả này,
người đệ tử sẽ được hợp nhất với một nguồn thần lực vĩ đại, một biển
tâm thức quang minh mà danh từ Phật giáo gọi là Bồ Đề Hải. Nếu khi
xưa họ chỉ có một vị thầy hướng dẫn, thì từ nay họ sẽ có hàng trăm vị
thầy hướng dẫn. Nếu khi trước họ hòa nhập mình vào tâm thức của vị
thầy hướng dẫn, thì từ nay họ có thể hòa nhập tâm thức của mình vào cái
biển tâm thức bao la của muôn ngàn chư thánh, hiền triết. Từ đó, tâm thức của họ sẽ rung động theo sự rung động cao cả của cái biển tâm thức
vĩ đại kia. Tâm hồn của họ sẽ mở rộng đến nỗi có thể thâu chứa mọi tư
tưởng thương yêu cao cả nhất trên thế gian. Sự mở rộng tâm thức này là
một kinh nghiệm đặc biệt, một sự hợp nhất thiêng liêng không bút mực
nào có thể diễn tả. Danh từ Phật giáo gọi là đạt đến tâm thức Bồ Đề,
danh từ Thiên Chúa giáo gọi là tâm thức Phục Sinh, sự bước vào một đời
sống cao quý hay trở lại tâm trạng hồn nhiên thuần phác như trẻ thơ. Vì
không còn sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng (Nhị Nguyên) mà hoàn
toàn hợp nhất với nguồn thần lực cao cả đó, nên họ có thể sử dụng nguồn
thần lực này để ban rải cho người khác một cách tự nhiên. Từ đó, họ sẽ
đi khắp thế gian như một thiên thần hay một vị sơ địa Bồ Tát để gieo rắc
ánh sáng chân lý và ban rải tình thương cho muôn loài. Các hiền triết
trên Tuyết Sơn cho biết tâm thức này là một kinh nghiệm quý giá về
trạng thái tâm vô phân biệt hay kinh nghiệm rằng tất cả đều là một (vạn
vật đồng nhất thể). Vì không còn sự phân biệt mà họ phát triển được tình
thương rộng lớn đến muôn loài chúng sinh.
Trong đời sống đầy tranh đua hiện nay, thật khó có thể diễn tả quan
niệm
“Tất cả đều là một” hay
“Mọi người đều là huynh đệ một nhà” vì sự chia rẽ và phân hóa đã
ăn sâu vào tiềm thức mọi người. Một hiền triết trên Tuyết Sơn đã nói:
“Thế giới của con người ngày nay là một sa mạc vật chất hư ảo với
những ích kỷ, tàn bạo, hung ác, tham lam, nhưng ngay cả những bãi sa
mạc khô cằn cũng có những ốc đảo xanh tươi, do đó, người đi trên
đường tinh thần phải làm sao để chính mình trở thành những ốc đảo đó,
làm sao để chính mình trở thành một niềm hy vọng cho người khác, một
nơi mà ai đến cũng được hưởng sự bình an, tươi mát. Họ phải học hỏi để
hiểu biết những định luật vũ trụ và thay đổi tâm thức, giải thoát khỏi mọi
thành kiến, oán thù hay ác ý để trở thành một dòng nước tươi mát cho
những lữ khách đang lầm đường lạc lối kia. Hiểu biết các định luật vũ trụ chỉ là bước đầu, người đi trên đường tinh thần phải biết sống theo
những định luật đó một cách chân thành để trở thành một phần của sự
sống tràn đầy thương yêu vì sống và thương yêu chỉ là một”.
Vị hiền triết này cảnh báo:
“Vì sống chính là thương yêu nên biết thương yêu chính là biết sống.
Những ai không biết thương yêu, không biết đối xử với người khác như
anh em một nhà, mà xem họ như kẻ thù thì chắc chắn sẽ gặp tai họa vì
gây nhân nào sẽ gặt quả đó. Những ai nhắm mắt làm ngơ hay đồng lõa
với kẻ sát nhân cũng chính là kẻ cho phép người khác hủy hoại thân thể
của chính mình. Những ai tìm cách hãm hại người khác cũng chính là kẻ
đang tự làm hại mình. Những phe nhóm nào âm mưu phá hoại một phe
nhóm khác tức là đang đi trên con đường phân hóa và tự hủy diệt vì luật
vũ trụ không bao giờ dung túng bất cứ hành động nào, dù lớn hay nhỏ,
nếu nó đi ngược lại với luật thiên nhiên”.
Theo sự học hỏi của tôi với các hiền triết trên Tuyết Sơn, mặc dù đã
có nhiều người được Điểm đạo với những mức độ khác nhau nhưng
không phải ai cũng phát nguyện ở lại thế gian để phụng sự nhân loại. Khi
sống trên Tuyết Sơn, tôi đã được chứng kiến một buổi lễ Điểm đạo như
sau:
Buổi lễ Điểm đạo diễn ra trong khu vườn phía sau nhà của hiền triết
Morya trong một bầu không khí hết sức trang nghiêm. Vị chủ tọa buổi lễ
ngồi trên một chiếc ghế đá đặt bên cạnh một gốc cổ thụ lớn, cành lá sum
sê. Các vị hiền triết ngồi theo thứ tự quanh đó. Không gian văng vẳng
một âm thanh êm dịu huyền bí mà về sau tôi được biết là phát xuất từ
tâm thức của người được Điểm đạo, hòa nhập với sự rung động của chư
vị thiên thần đến chứng kiến quanh đó gây ra.
Người thí sinh được hiền triết Kuthumi giới thiệu:
– Đây là thí sinh mà tôi xin được giới thiệu vào hàng ngũ chúng ta
– Đạo huynh có sẵn sàng bảo đảm rằng người này xứng đáng được
nhận hay không?
– Tôi xin bảo đảm.
Vị chủ lễ hỏi tiếp:
– Đạo huynh có sẵn sàng dìu dắt y tiếp tục trên con đường đạo hay
không?
– Tôi xin sẵn sàng.
Vị chủ lễ lên tiếng:
– Theo nghi thức cổ truyền, phải có hai hiền triết bảo đảm cho mỗi thí
sinh được Điểm đạo. Vậy có đạo huynh nào sẵn sàng ủng hộ sự thỉnh cầu
của thí sinh này không?
Hiền triết Morya lên tiếng:
– Tôi xin sẵn sàng ủng hộ và bảo đảm người này.
– Như vậy chư đạo huynh có bảo đảm rằng nếu được gia nhập hàng
ngũ của những người phụng sự nhân loại như chúng ta, thí sinh này sẽ sử
dụng những quyền năng thiêng liêng để phụng sự thiên cơ hay không?
Hiền triết Kuthumi lên tiếng:
– Trong nhiều kiếp sống, người này đã làm được rất nhiều việc quan
trọng đáng kể. Người này đã dành mọi hoạt động để giúp đỡ nhân loại,
đã quên mình và hoàn toàn dâng hiến đời mình trong việc phổ biến các
tư tưởng thương yêu, tốt lành để cải thiện xã hội. Trong kiếp sống gần
đây, người này đã kiên nhẫn chịu đựng nhiều thử thách, đã bền chí sửa
đổi những tệ đoan xã hội, nêu cao lý tưởng phụng sự Thượng Đế và gieo
rắc tình thương cao thượng đến nhiều người. Trong một kiếp làm tu sĩ,
người này đã có công truyền bá giáo lý của Đấng Cứu Thế, đề cao sự trong sạch, thanh bần, bác ái, vị tha và mang lại niềm tin cho rất nhiều
người. Vì những lý do này, tôi sẵn sàng ủng hộ cho y gia nhập hàng ngũ
chúng ta.
Vị chủ lễ gật đầu:
– Thí sinh này là một trong những linh hồn trẻ nhất được trình diện
để gia nhập hàng ngũ những người phụng sự nhân loại. Nếu thế, còn ai
sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn người này nữa không?
Một vị hiền triết khác có khuôn mặt rất trẻ bước ra, nói:
– Thưa đạo huynh, tùy khả năng mà tôi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ
người này.
– Lành thay! Nếu thế đạo huynh có sẵn sàng dành cho người này một
tình huynh đệ chân thành và sẵn sàng dìu dắt, hướng dẫn cho y không?
– Tôi xin sẵn sàng.
Vị chủ lễ quay qua thí sinh, nói:
– Chủ trương của nhóm huynh đệ chúng ta là thực hiện thiên cơ, góp
phần vào công cuộc tiến hóa chung của nhân loại. Con có cam kết rằng
từ nay trở đi, con sẽ dâng hiến trọn vẹn cuộc đời và tất cả sức lực của
con cho công cuộc phụng sự chung không? Liệu con có tuyệt đối quên
mình và hy sinh cho hạnh phúc chung của mọi sinh vật trên thế gian,
hoàn toàn sống một cuộc đời trong sạch, vị tha như lòng bác ái của
Thượng Đế hằng ban rải cho muôn loài hay không?
– Con xin hứa sẽ làm như thế với tất cả mọi khả năng của con.
Buổi lễ tiếp tục diễn ra với những lời khuyên bảo của các vị hiền
triết, những câu hỏi về kiến thức hoặc những trường hợp mà thí sinh cho
biết họ sẽ phải làm gì khi bị đặt vào hoàn cảnh đó. Trên đường phụng sự
nhân loại, các hiền triết thường làm việc chung với nhau bằng cách ban
phát các luồng thần lực từ cõi trên đến muôn loài sinh vật và hướng dẫn những người đang đi trên đường đạo. Họ làm việc này một cách tự nhiên
vì họ đã đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt, không còn thấy chủ thể hay
đối tượng, không thấy mình và muôn loài chúng sinh có sự sai khác. Con
đường tiến hóa của họ là con đường tiến hóa chung của nhân loại. Hạnh
phúc của họ là hạnh phúc chung của nhân loại. Sau cùng, vị chủ lễ nói
với người thí sinh:
– Ta rất vui mừng khi thấy một người trẻ như con mà đã biết đảm
nhận trách nhiệm nặng nề này. Sự trẻ trung và lòng nhiệt thành của con
chỉ là kết quả của công phu tu học trải qua hàng trăm kiếp trước đây. Con
hãy cố gắng tiến bước thêm nữa để xứng đáng là người phụng sự và
đừng để phụ lòng mong mỏi của các vị thầy đã hướng dẫn cho con từ
bao năm qua. Con cần ghi nhớ sự hợp nhất tuyệt đối giữa tất cả chúng ta,
những người phát nguyện phụng sự thế gian, để không bao giờ làm
thương tổn đến tình huynh đệ đại đồng này. Nhờ những cố gắng cao cả
khi trước mà con đạt đến trình độ hiện nay. Con đường trước mặt tuy còn
nhiều trở ngại nhưng ta tin rằng con có đủ sức mạnh để vượt qua. Nhờ
lòng thương yêu rộng lớn mà con sẽ góp phần không nhỏ trong cuộc
phụng sự thế gian sau này. Ta thấy con đã hội đủ điều kiện gia nhập vào
nhóm huynh đệ chúng ta và sẵn sàng chấp nhận lời thỉnh cầu của con.
Vị chủ lễ quay sang những hiền triết ngồi quanh đó và dõng dạc lên
tiếng:
– Kính thưa các đạo huynh, quý vị có bằng lòng chấp nhận người này
gia nhập hàng ngũ của chúng ta không?
Các vị hiền triết ngồi quanh đó đều lên tiếng:
– Chúng tôi đồng ý.
Vị chủ lễ đứng dậy quay mặt về hướng Shamballa và hô lớn:
– Nhân danh Thượng Đế, chúng con xin được phép nhận người này
vào hàng ngũ của những người phụng sự nhân loại.
Như để đáp lời vị chủ lễ, một luồng ánh sáng lạ lùng bỗng chói sáng
khắp nơi. Tất cả mọi người đều cúi rạp đầu xuống đảnh lễ. Luồng ánh
sáng lóe lên như một tia chớp từ trên cao chiếu xuống đỉnh đầu vị chủ lễ
rồi chuyển hướng chiếu thẳng vào trái tim của người được Điểm đạo.
Một luồng ánh sáng màu bạc phát xuất từ tâm thức của thí sinh cũng phát
ra bao quanh thân thể người này và hòa nhập với luồng ánh sáng kia. Vị
chủ lễ thong thả bước tới đặt hai tay lên đầu người thí sinh:
– Nhân danh Thượng Đế, ta thâu nhận con vào hàng ngũ những người
phụng sự nhân loại. Từ nay, con là một trong những người đã nhập lưu
và xuôi dòng. Ta ban ân huệ cho con và con hãy ban rải ân huệ này cho
những kẻ khác.
Buổi lễ kết thúc trong một bầu không khí trang nghiêm khi người thí
sinh bước ra nghiêng mình trước các hiền triết ngồi quanh đó. Từ nay,
người được Điểm đạo này sẽ có một mối liên lạc chặt chẽ với tất cả
những người phụng sự nhân loại khác. Bổn phận của họ là gieo rắc tình
thương khắp nơi, khuyến khích sự phát triển lòng bác ái của nhân loại
đến những chúng sinh khác. Sau khi được Điểm đạo lần thứ nhất, người
được Điểm đạo chính thức bước vào một giai đoạn tiến hóa đặc biệt của
những người phụng sự. Tùy theo sự cố gắng và khả năng để thực hiện
các hạnh nguyện cao cả mà họ sẽ trải qua các cuộc Điểm đạo kế tiếp để
tiếp tục tiến hóa lên những quả vị cao cả hơn.
Thời gian buổi lễ Điểm đạo có thể thay đổi ít nhiều tùy theo trường
hợp, có khi kéo dài suốt mấy ngày đêm. Tôi được biết vào thời cổ xưa,
có những buổi Điểm đạo kéo dài cả tuần lễ vì thí sinh phải thụ huấn thêm
một số kiến thức như kinh nghiệm về sự chết, về các cõi giới vô hình vì
nếu không, họ sẽ không thể hiểu được những giáo huấn đặc biệt thuộc về
các cõi giới trong vũ trụ.
Khi tôi kể cuộc lễ Điểm đạo trên Tuyết Sơn, một số người đã đặt câu
hỏi về những âm thanh trang nghiêm của buổi lễ mà tôi được biết là phát
xuất từ tâm thức của người được Điểm đạo hòa cùng âm thanh của các thiên thần đến chứng kiến. Có người hỏi tôi rằng phải chăng âm thanh đó
có thật hay chỉ là một sự tưởng tượng. Đây là điều rất khó giải thích vì
hầu hết mọi người đều muốn có một bằng chứng đích thực và muốn tôi
diễn tả những âm thanh tuyệt diệu đó. Tôi không phải là nhạc sĩ nên
không thể diễn tả nó một cách trung thực nhưng trong khi sống trên
Tuyết Sơn, tôi đã được học hỏi với một hiền triết xuất thân là một nghệ
sĩ và được vị này nói về nguồn gốc âm nhạc như sau:
Từ buổi hồng hoang, những người tiền sử mông muội chưa hoàn toàn
phát triển về cảm xúc như người ngày nay, thường bị những nỗi lo lắng
ám ảnh mà họ không biết chúng đến từ đâu hay ở nơi nào. Họ cần một
phương tiện nào đó để giãi bày những cảm xúc này nhưng khi đó ngôn
ngữ còn giới hạn, không thể diễn tả nên họ đành diễn đạt nó qua lời ca
tiếng hát. Linh tính của họ cho thấy khi cất tiếng hát, các nỗi đau khổ, lo
lắng sẽ được xoa dịu và họ tìm được sự bình an, thoải mái. Sau đó một
số người bắt đầu sử dụng lời ca, tiếng hát như một sự cầu xin các niềm
an vui, lạc phúc và từ đó nảy sinh ra ý niệm về những thần linh có thể
đáp lại lời thỉnh cầu của họ. Ngày nay nhiều người không đồng ý rằng
âm nhạc gợi cho ta ý niệm về sự sùng kính nhưng hàng ngàn năm trước,
âm nhạc chính là sự cầu nguyện của những dân tộc còn mông muội. Sự
ca hát trầm bổng bằng lời này đã nảy sinh ra ý niệm về nhịp điệu rồi đưa
đến sự phát minh các nhạc khí như trống, kèn, tù và.
Từ khi phát sinh ý niệm về một đấng thiêng liêng có thể giúp đỡ con
người thì quan niệm về đời sống của những người tiền sử cũng bắt đầu
thay đổi. Lòng sùng kính của họ gia tăng mãnh liệt và họ cho khắc hình
ảnh các đấng ấy lên cây, trên đá, trên vách hang động vì họ cần phải có
một hình ảnh cụ thể để tôn thờ chứ không thể suy niệm về một Đấng Tối
Cao vô hình được. Lúc đầu, hình ảnh này có thể là một cây cổ thụ, một
hòn đá, một con thú nhưng về sau nó được thay thế bằng hình ảnh con
người và quan niệm Thượng Đế đã được nhân cách hóa từ những hình vẽ
thô sơ này. Khi hình tượng được hoàn tất thì người tù trưởng bộ lạc đã cử
riêng ra một người phụ trách việc chăm sóc, tôn thờ Thượng Đế và vai trò giáo sĩ phát sinh từ đó. Những giáo sĩ hay thầy phù thủy bộ lạc đã
thay đổi, cải tiến lời ca, giọng hát đơn sơ thành những âm thanh với tiết
tấu rõ ràng hơn để lưu truyền từ đời này qua đời khác và từ đó âm nhạc
được phát hiện. Sự hòa hợp tiếng hát, tiếng vỗ tay và các nhạc khí đơn sơ
đã tạo ra hiện tượng lễ nhạc. Vì lễ nhạc bắt nguồn từ tính cách tôn giáo
nên các giáo sĩ đã giữ một địa vị rất quan trọng trong việc phát triển và
truyền bá âm nhạc.
Vào buổi sơ khai, lòng sùng kính của con người rất sâu đậm. Những
giáo sĩ, thầy phù thủy đều ít nhiều có những giao cảm đặc biệt và họ tin
rằng âm nhạc là lời cầu nguyện của con người và bình an là câu trả lời
của Thượng Đế. Từ đó những lời cầu nguyện đều được phổ nhạc và biến
thành những câu thần chú để đọc lên trong các buổi lễ tế. Ngày nay,
nhiều người không hiểu được sức mạnh của các câu thần chú và coi đó là
những điều mê tín dị đoan. Thật ra, sự phối hợp âm thanh với lòng sùng
kính qua những câu thần chú đã phát triển rất mạnh trong thời kỳ phôi
thai của nhân loại và trở thành những nghi thức quan trọng của các tôn
giáo thời cổ. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm được tài liệu của các giáo
sĩ Ai Cập ghi chép trên vách các ngôi đền như sau:
“Sự cầu nguyện phối hợp với âm thanh là trung tâm của tôn giáo, là
sinh lực của sự sùng kính, là mối dây liên lạc giữa con người và Thượng
Đế. Không có âm thanh, lòng tin chỉ là một lý thuyết và các nghi thức chỉ
là những hình thức rời rạc, vô hồn” . Hiển nhiên người xưa đã biết rõ
âm nhạc có tác động rất đặc biệt và có sức cảm hóa sâu xa mà ngày nay
ít ai để ý đến. Một điệu nhạc trang nghiêm có thể cảm hóa được những
người không tin tưởng mà những lý luận vững chắc cũng không thể
thuyết phục họ được. Cũng như thế, một điệu nhạc có tính cách hủy hoại,
phát xuất từ tâm thức bệnh hoạn cá nhân có thể ảnh hưởng đến cả một xã
hội hay trình độ văn minh nhân loại. Do đó theo luật Nhân quả, người
nhạc sĩ phải chịu trách nhiệm về công trình sáng tạo của mình. Âm thanh
có thể là mãnh lực sáng tạo, luồng sinh khí để khích động sự sùng tín
hay liên kết con người với các đấng thiêng liêng. Tuy nhiên, nó cũng có thể bị lạm dụng để thỏa mãn những cảm xúc thấp hèn, để kích thích dục
vọng và đưa đến sự hủy hoại, tàn phá tâm thức con người. Khi xưa, các
giáo sĩ của châu Atlantis đã sử dụng âm thanh để kêu gọi sự trợ lực của
các động năng ma quái trong thiên nhiên vào những việc có tính cách ích
kỷ, hại nhân đưa đến sự sụp đổ của một nền văn minh rất cao trên mặt
địa cầu. Khi châu Atlantis chìm xuống biển, một thời kỳ đen tối của khoa
học về âm thanh cũng biến mất.
Vai trò của các nhạc sĩ hay những người có sự rung cảm với thiên
nhiên rất quan trọng vì họ có thể góp phần xây dựng sự phát triển tâm
linh của nhân loại. Các đấng cao cả thường chuyển tư tưởng của các ngài
cho những ai có thể đón nhận và những nhạc sĩ thường là những người
rất nhạy cảm nên dễ dàng đón nhận những tư tưởng này. Và nếu họ có
một đời sống trong sạch, biết hướng tư tưởng của mình lên những lý
tưởng cao thượng thì họ có thể rung động với những tư tưởng thanh cao
này một cách dễ dàng. Vị hiền triết nghệ sĩ trên Tuyết Sơn cho biết ông
thường phóng ra những luồng tư tưởng để tạo hứng khởi tâm linh cho
một số nhạc sĩ, dĩ nhiên những người này không biết nguồn cảm hứng đó
đến từ đâu và cũng không biết gì về sứ mạng cao cả mà họ đang được
góp phần. Theo ông, âm nhạc cần thiết hiện nay là các loại nhạc có thể
giúp con người cảm thông được với vạn vật và tạo sự thân ái giữa con
người với thiên nhiên. Hiện nay, đa số mọi người đều sống một cách vội
vã trong xã hội máy móc, giả tạo nên đã mất đi mối liên hệ với thiên
nhiên; do đó vào cuối thế kỷ này, một thể điệu âm nhạc mới sẽ được phát
sinh để giúp những người có tâm hồn khô khan, chai đá “rung cảm”
trước khi họ có thể “thấy và hiểu” sự liên hệ của mọi sinh vật với thiên
nhiên và thể loại âm nhạc này sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển
tâm linh của nhân loại.
Theo vị hiền triết này, muốn hiểu biết về loại âm nhạc tương lai, con
người cần biết rõ về các tiết tấu hay nhịp điệu của vũ trụ. Để tạo lập vũ
trụ, Thượng Đế đã phải giới hạn sự hiện diện của Ngài vào những
nguyên tử vật chất hay phá vỡ cái “Nhất thể” để thay thế vào đó bằng sự “Vạn thù”, do đó Ngài hiện diện khắp nơi, từ cỏ cây, cầm thú đến nhân
loại. Sự thay đổi từ “Nhất thể” đến “Vạn thù” khởi sự bằng âm thanh
(Huyền Âm) và sau đó là những tiết tấu hay nhịp điệu của vũ trụ được
biểu hiện qua âm nhạc. Vì mọi vật đều phát xuất từ Thượng Đế (Nhất
thể) nên tất cả đều có tính chất thiêng liêng, nhưng khi phân tán ra thành
vạn vật (Vạn thù), các sinh vật đã quên mất nguồn gốc của mình. Cũng
như thế, con người không hề ý thức bản chất nơi mình mà chỉ lo chú
trọng đến ngoại cảnh và ngập sâu vào vật chất. Trải qua các kiếp sống
luân hồi, trải qua nhiều bài học mà họ kinh nghiệm được thực chất của
mình. Khi con người hiểu biết, quay về hòa hợp với nguồn gốc ban đầu
thì họ đã đi đúng với cơ tiến hóa và hoàn tất việc học hỏi.
Theo hiền triết, cơ tiến hóa gồm có hai phần: Từ Nhất thể tán ra Vạn
thù và từ Vạn thù quay về hợp nhất với Nhất thể và đó chính là nhịp điệu
của vũ trụ hay căn bản của luật Nhân quả, tác động và phản động. Chính
nhờ tiết điệu này, con người ý thức được quyền năng của Thượng Đế qua
hơi thở: Sự thở ra là sự sáng tạo vũ trụ, sự hít vào là sự phản bổn, hoàn
nguyên quay về với trạng thái an lạc, yên tĩnh lúc ban đầu. Tiết điệu này
chan hòa khắp nơi biểu hiện qua luật Tiến hóa, bắt đầu từ sự sáng tạo ra
vũ trụ rồi phân tán thành hàng triệu các dãy hành tinh rồi sau vũ trụ sẽ
tan vỡ, trở về để hòa nhập trong bản thể đồng nhất của Thượng Đế. Tiết
điệu này cũng xảy ra trên quả đất, biểu hiện qua hiện tượng ngày và đêm.
Vào buổi bình minh, toàn thế giới thức tỉnh, biến đổi từ sự đồng nhất của
đêm đến sự vạn thù của muôn loài hoạt động vào lúc ban ngày. Khi mặt
trời mọc, sự sống trỗi dậy sau một đêm an nghỉ; đến trưa, mọi hoạt động
phát triển cực độ; vào buổi chiều, các hoạt động bớt dần và trở nên an
tĩnh lúc màn đêm xuống. Cũng như thế, tiết điệu thiên nhiên thay đổi qua
hiện tượng thời tiết bốn mùa: Vào mùa Xuân, cây cỏ thức dậy đâm chồi
nảy lộc sau mùa Đông vắng lặng. Nó trổ lá, đơm hoa, phát triển cực
thịnh vào mùa Hè. Mùa Thu, cây cỏ úa tàn, bắt đầu thoái hóa, quay về
với sự đồng nhất rồi nghỉ ngơi, bình an trong sự duy nhất của vạn vật
vào mùa Đông. Tiết điệu này cũng chi phối đời sống con người, khi mới sinh ra còn trẻ gần gụi với nguồn gốc thiêng liêng nên còn duy trì sự hồn
nhiên thuần phác. Khi đời sống cá nhân phát triển, linh hồn con người
tách khỏi nguồn sống đồng nhất để lao vào đời sống như một cá thể, họ
thay đổi phát triển cho đến giai đoạn ngập sâu vào vật chất của Vạn thù.
Khi bước vào tuổi già, họ ý thức rõ hơn về tiết điệu của đời sống nên bớt
tham vọng và chuyển hướng để các thôi thúc vật chất không ảnh hưởng
được họ nữa. Sau cùng họ có khuynh hướng chấp nhận để quay về hợp
nhất với sự bình an lúc ban đầu.
Nhờ biết thế, người phương Đông đã chia kiếp người một trăm năm
ra làm bốn thời kỳ, thời kỳ đầu 25 năm để học hỏi, thời kỳ 25 năm sau để
kinh nghiệm, áp dụng việc học hỏi vào đời sống, thời kỳ 25 năm sau đó
để dừng lại, xả bỏ vật chất và lo trau dồi tâm linh và 25 năm sau cùng để
chuẩn bị cho sự trở về và cho đời sống mới. Kiếp sống con người chỉ là
một ngày của đời sống thực sự vì trong đời sống này, tiết điệu sáng tạo
của Thượng Đế hiện ra rõ ràng hơn hết. Linh hồn con người khi rời xa
Thượng Đế thì bắt đầu quên đi những gì cao quý, chỉ biết đắm mình vào
vật chất. Xuyên qua những kiếp sống luân hồi, với những bài học đau
khổ mà con người rút kinh nghiệm và học hỏi, sau đó nhờ hiểu biết mà
họ biết quay về với nguồn gốc cao quý để hòa hợp với Đấng Sáng Tạo.
Khi biết dừng lại để quay về là lúc con người bước chân vào cửa đạo, đi
trên con đường tinh thần mà trước sau gì ai cũng phải đi.
Vị hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết âm nhạc của kỷ nguyên sắp tới
sẽ phản ảnh những tiết điệu hiền hòa của sự sống này. Đó là tiếng hát của
các thiên thần ca tụng sự sáng tạo thiêng liêng, đó là bài thơ ca tụng nhịp
điệu điều hòa của vũ trụ vì mọi sinh vật, từ bé đến lớn, đều là những nốt
nhạc của một bản hòa tấu vĩ đại. Đó cũng là tiếng hát của Chúa Thánh
Thần vang lên khắp nơi mà những ai biết lắng nghe đều rung cảm được
vì có “cảm” sẽ có “thấy”. Trong kỷ nguyên hiện tại, sự phát triển của con
người đang đi đến chỗ cực đoan, ngập sâu trong vật chất nên âm nhạc
của con người thời đại này phản ảnh những rung động có tính cách cá
nhân. Đối tượng của âm nhạc hiện nay đều ít nhiều phát xuất từ tình cảm cá nhân và tùy tâm thức của nhạc sĩ mà nó dẫn dắt người nghe rung động
theo cảm xúc của người đó. Một nhạc sĩ tham lam, nghiện ngập sẽ ảnh
hưởng người nghe bước vào con đường nghiện ngập, tham lam; một
nhạc sĩ ghen tuông, giận dữ sẽ thúc đẩy người nghe giận dữ, ghen tuông.
Âm nhạc vào cuối thế kỷ này sẽ tràn đầy những cảm xúc có tính cách
hủy hoại, giận dữ, phản ảnh tâm trạng xã hội hoang mang, bất ổn và đưa
đến chỗ hủy hoại con người vì nó là giai đoạn cuối của chu trình từ Nhất
nguyên đến Vạn thù.
Âm nhạc của kỷ nguyên sắp đến sẽ phản ảnh chu trình từ Vạn thù
quay về Nhất nguyên. Nó sẽ giúp con người trở về rung cảm với nhịp
điệu của thiên nhiên, để ý thức tất cả đều là một. Âm nhạc này sẽ diễn
đạt sự tuần hoàn của vũ trụ hay hơi thở của Thượng Đế, do đó nó sẽ là
những âm thanh có sức rung động sâu xa, giúp người nghe rung cảm với
vạn vật. Đối tượng của nó sẽ không còn tính cách cá nhân mà chuyển
qua những rung động của thiên nhiên và vũ trụ. Một khi người ta nghe
được những âm thanh này rồi thì không còn gì là tốt, xấu, hay, dở nữa, vì
loại nhạc này chỉ có những tiết điệu cao thượng, kêu gọi sự rung động
sâu xa của tâm thức con người. Âm nhạc tương lai sẽ có nhiệm vụ nối lại
mối dây liên kết giữa con người và Thượng Đế qua nhịp điệu của trật tự
thiên nhiên. Nó không phải là loại nhạc có tính cách tôn giáo, ca tụng các
đấng thiêng liêng bằng cảm xúc cá nhân như trong quá khứ mà là một
loại âm thanh có sức cảm hóa hết sức mạnh mẽ.
Vị hiền triết cho biết trong thể nhạc mới này không còn sự phân biệt
hay dở, tốt xấu vì cái mà người ta cho rằng không hay chỉ là những
nghịch âm mà người ta chưa quen thưởng thức nhưng nó có vai trò quan
trọng trong thể loại âm nhạc mới mẻ này. Ông cho biết, con người phải
nghe được những âm thanh này trong lòng mình trước rồi sau đó mới
nghe được nó ở môi trường xung quanh. Nó là loại nhạc từ bên trong
phát ra chứ không phải là loại nhạc từ bên ngoài ảnh hưởng vào. Nó là
tiếng kêu gọi thầm kín của nội tâm, hòa hợp với những nhịp điệu cao cả
trong vũ trụ. Con người sẽ tận hưởng được sự kỳ diệu của những âm thanh này và nhận thức rằng ngay cả những nghịch âm trong thể loại
nhạc này cũng đều tan biến trong một âm thanh thiêng liêng và duy nhất.
Âm thanh của tương lai sẽ là sự phối hợp mật thiết giữa tất cả các âm
thanh trong vũ trụ và để quay về tan biến trong huyền âm cao cả của
Thượng Đế. Đó chính là tiết điệu của sự sống diệu kỳ trong vạn vật, phát
xuất từ Thượng Đế đã quay trở lại với Ngài. Vòng tròn của chu kỳ sáng
tạo đã khép lại và đó chính là cơ tiến hóa của chu kỳ vĩ đại mà Chúa
Thánh Thần đã biểu hiện như một hơi thở vô tận để sinh hóa muôn loài.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet