Sách Tâm Linh

Trở về từ Xứ Tuyết

✍️ Mục lục: Trở về từ Xứ Tuyết

Chương VII:

Một câu hỏi mà nhiều người thường thắc mắc về những người đã được Điểm đạo là các quyền năng thần thông của họ như Thần nhãn, Thiên nhĩ. Vì đa số mọi người thường hiểu lầm về các quyền năng này nên tôi
thấy cần phải giải thích rõ ràng để những người đi trên đường đạo có một
quan niệm đứng đắn, tránh những phiền phức và nguy hiểm về sau. Theo
sự học hỏi của tôi với các hiền triết trên Tuyết Sơn thì danh từ “Quyền
năng” (Power) chỉ là những “Khả năng” (Ability) hay “Giác quan”
(Senses) mà hiện nay ít người có được chứ không phải một cái gì ghê
gớm như người đời đã thêu dệt. Tất cả mọi người đều có các khả năng
này nhưng chúng còn tiềm ẩn, chưa phát triển một cách tự nhiên.
Như tôi đã nói, con người là một linh hồn tự biểu lộ ở nhiều cõi giới
khác nhau qua những thể (Bodies) thích nghi với các cõi ấy. Nếu muốn
tiếp xúc với các hiện tượng ở cõi trần, con người cần một thể xác cấu tạo
bằng vật chất của cõi trần và thể xác này có những giác quan (senses)
giúp họ tiếp xúc với cõi ấy. Điều mọi người cho là “thần thông” chỉ là
việc sử dụng những giác quan của các thể để tiếp xúc với các hiện tượng
xảy ra trong cõi giới đó. Nếu chúng ta sử dụng giác quan của thể xác như
Tai, Mắt, Mũi, Lưỡi, Chân, Tay thì chúng ta có thể nghe, nhìn, nếm, sờ
mó mọi thứ trong cõi trần (Hạ giới). Cũng như thế, muốn tiếp xúc với
những sự kiện xảy ra bên cõi Trung giới (cõi giới bên kia cửa Tử) thì con
người cần sử dụng các giác quan của thể Vía, cấu tạo bằng các nguyên tử
của cõi Trung giới vì ở cõi này, các giác quan của thể xác trở nên vô
dụng vì nó có sự rung động khác với các rung động của cõi này. Muốn
tiếp xúc với các cõi cao hơn, chúng ta phải sử dụng các giác quan của
những thể thanh cao hơn, thí dụ như nếu chúng ta sử dụng giác quan của
thể Trí thì chúng ta có thể nhìn, nghe những sự việc trên cõi Thượng
giới… Tóm lại, trong vũ trụ không hề có hiện tượng “quyền năng thần
thông” ghê gớm như con người tưởng tượng ra mà chỉ có việc sử dụng hững giác quan còn tiềm ẩn để đón nhận các rung động của những cõi
giới khác nhau mà thôi.
Nhiều người không tin có những cõi giới khác với cõi trần và đòi hỏi
một sự giải thích hợp lý hơn. Khoa học Vật lý (Physics) đã chứng minh
rằng có nhiều hiện tượng trong thiên nhiên mà giác quan của chúng ta
không thể nhận được. Thí dụ, mắt người chỉ có thể nhìn thấy một số màu
sắc giới hạn và có những màu mà mắt thường không thể nhìn thấy nhưng
qua các dụng cụ khoa học, người ta biết rằng còn có màu hồng ngoại hay
tử ngoại… Cũng như thế, tai người chỉ có thể nghe được một số âm thanh
giới hạn trong băng tần nào đó nhưng qua các dụng cụ khoa học, người
ta đã chứng minh rằng còn có những âm thanh khác như siêu âm (Ultra
Sound) hiện hữu. Nên nhớ các giác quan của con người rất giới hạn và
có những sự kiện xảy ra trong cõi trần mà chúng ta còn chưa nhận biết
được huống chi các hiện tượng xảy ra tại cõi khác. Khoa học hoàn toàn
đặt căn bản nghiên cứu qua các giác quan và lý luận của bộ óc vật chất
nên đã phủ nhận tất cả những gì mà giác quan con người không thể nhận
biết. Do đó nền khoa học còn thiếu sót và cần được bổ túc.
Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng mọi sự kiện xảy ra chỉ là
những dao động (Vibration) của vật chất và có rất nhiều dao động ở
ngoài vòng cảm xúc của giác quan. Tùy theo sự dao động của âm thanh
lọt vào tai mà chúng ta phân biệt được âm thanh trầm bổng nhưng có
nhiều dao động mà thính giác không biết được vì nó nằm ngoài giới hạn
của cảm xúc nên không để lại một ấn tượng nào trong tâm thức chúng ta.
Tuy nhiên, không nhìn thấy, không nghe được, không chạm được không
có nghĩa là các dao động đó không xảy ra. Do đó một người biết cách
luyện tập để có thể cộng hưởng với những dao động tế nhị, nằm ngoài
giới hạn cảm xúc thông thường thì họ có thể nghe được nhiều hơn, nhìn
thấy nhiều hơn.
Trên nguyên tắc, mục đích của cuộc đời là học hỏi để sống thuận
theo những định luật vũ trụ nên việc sử dụng những giác quan còn tiềm ẩn rất hữu ích vì con người sẽ nhìn thấy nhiều hơn, nghe được nhiều hơn,
hiểu biết và học được nhiều hơn vì đối tượng học hỏi của họ sẽ mở rộng
chứ không thu hẹp trong cõi trần nữa. Tuy nhiên, sự khai mở những giác
quan này phải hoàn toàn dựa trên sự phát triển cá nhân một cách tự nhiên
vì tùy theo mức tiến hóa và hiểu biết mà con người sử dụng những giác
quan cần thiết này để học hỏi. Nếu chưa đạt đến mức tiến hóa đó thì sự
khai mở các giác quan sẽ có hại nhiều hơn là có lợi. Thí dụ, một học sinh
bậc tiểu học khó có thể hiểu biết tường tận các điều giảng dạy dành cho
đại học. Nếu có nghe thấy cũng khó lòng diễn tả nó một cách chính xác
được. Do đó, vì lý do bất ngờ nào mà họ khai mở các giác quan còn tiềm
ẩn này thì quả là một tai họa lớn lao, vì mức tiến hóa và hiểu biết của họ
chưa đủ để họ có thể phân biệt mọi sự một cách tường tận. Họ chỉ cảm
nhận nó qua sự hiểu biết còn giới hạn của họ vào trình độ tiến hóa lúc đó
mà thôi. Sự thiếu hiểu biết này là nguồn gốc của mọi nguy hiểm, vì họ
không có một tiêu chuẩn gì để xét đoán về những điều mà họ nhìn thấy,
do đó, họ có thể diễn tả hay sử dụng nó một cách sai lầm, không đúng
với sự thật. Hãy tự hỏi vài trăm năm trước, nếu ai nhìn thấy tia tử ngoại
hay hồng ngoại thì họ phải giải thích như thế nào? Làm sao họ có thể
diễn tả những điều mà hầu hết mọi người đều không nhìn thấy? Họ sẽ
giải thích ra sao về hiện tượng một âm thanh có thể truyền xa hàng ngàn
dặm mà tai người thường không thể nghe thấy như trường hợp của máy
vô tuyến truyền thanh hiện nay? Hiển nhiên dù cố gắng giải thích đến
đâu họ vẫn bị người đời cho là điên khùng.
Thể xác con người là kết quả của những động lực mầu nhiệm trong
thiên nhiên, chi phối bởi các định luật như Luân hồi, Nhân quả và Tiến
hóa. Nếu một người vừa sinh ra đã có các năng khiếu đặc biệt thì có thể
trong tiền kiếp họ đã từng được học hỏi về những điều đó. Một người
giỏi âm nhạc vì đã được học hỏi về âm nhạc trong tiền kiếp như trường
hợp các thần đồng âm nhạc. Cũng như thế, một người có khả năng Thần
nhãn có thể đã từng tu tập trong các đạo viện thời cổ. Nên nhớ khả năng
Thần nhãn có rất nhiều hạng, cao thấp khác nhau, từ các tu sĩ đạo hạnh trong các đền thờ chân chính đến các thầy phù thủy chữa bệnh trong các
bộ lạc còn mông muội. Việc gì sẽ xảy ra cho họ và đời sống của họ sẽ ra
sao còn tùy thuộc vào những người mà họ tiếp xúc do hoàn cảnh và
nghiệp quả. Nếu khi trước họ đã phát hạnh nguyện cao thượng thì cơ
duyên sẽ dẫn dắt họ tiếp xúc với những thầy hiền, bạn tốt để họ tiếp tục
tu học và sử dụng khả năng này vào các việc tốt lành và trở thành người
hữu dụng. Nếu họ không ý thức về các nguyên lý căn bản của quyền
năng, rồi được người đời xưng tụng như một bậc thầy, một vị thần linh
nào đó thì họ dễ đi vào con đường tà muội, trở thành những thầy phù
thủy hạ cấp, các thầy bói xem quá khứ, vị lai hay những người lên đồng
nhập cốt ăn nói quàng xiên.
Các hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết việc phát triển các giác quan
trước khi được Điểm đạo hay kiểm soát được Bản ngã không ích lợi gì vì
đó chỉ là những sức mạnh thấp thỏi của Bản ngã, một chướng ngại trên
đường đạo. Hầu hết những người đi trên đường tinh thần đều dễ sa ngã
vì các quyền năng này. Nguy hiểm đầu tiên của người phát triển quyền
năng là sự kiêu căng, ngạo mạn và sự phát triển Bản ngã. Mặc dù các
giác quan này sẽ khai triển khi nhân loại đạt đến một trình độ tiến hóa
cao trong tương lai, nhưng hiện nay số người khai mở được giác quan
này còn rất ít nên nhiều người đã lầm tưởng rằng họ đã được các đấng
thiêng liêng chọn lựa để trở thành một “thần linh” hay “giáo chủ” nào
đó. Vì chưa kiểm soát được Bản ngã nên khi được người đời ca tụng,
Bản ngã của họ được thổi phồng lên, vô tình để cho những tham vọng cá
nhân chi phối rồi đi lạc vào con đường tà muội.
Kinh điển Ấn giáo ghi nhận lời khuyên của Krishna với học trò là
Arjuna như sau:
“Con chớ ham muốn những thần thông bậc thấp trước khi giải thoát
ra khỏi các ảo ảnh của bản ngã. Những kẻ có quyền năng hay dễ bị các
sinh vật vô hình, các loài ma quái, các vong linh bất hảo cám dỗ khiến
họ trở nên kiêu căng, ngạo mạn, dễ lầm đường lạc lối. Khi đó, thay vì lo phát triển tâm linh, sống thuận với lẽ phải, họ lại bị sự kiêu ngạo lôi
cuốn, xưng thần xưng thánh rồi dẫn dắt người khác đi vào ma đạo,
chống lại luật trời. Sự lạm dụng quyền năng sẽ tạo nghiệp quả rất nặng,
do đó, quyền năng là một chướng ngại rất lớn nếu con chưa khắc phục
được Bản ngã”.
Quy tắc chân chính và an toàn nhất đối với người đi trên đường đạo
là không tu tập thần thông, không ham muốn những quyền năng thấp đó.
Dù đã phát triển khả năng này thì hãy coi đó như một giác quan thông
thường, đừng coi trọng nó và cũng đừng lạm dụng nó vào bất cứ việc gì.
Quyền năng duy nhất mà người đi trên đường tinh thần nên ao ước là
làm sao sống một cách khiêm tốn, trong sạch và hết lòng phụng sự nhân
loại bằng một tâm hồn tràn đầy thương yêu. Khi hoàn toàn kiểm soát
được Bản ngã và khi Bản ngã hợp nhất với Chân ngã thì những giác
quan bậc cao sẽ phát triển và khi đó không còn sự lầm lạc vô minh và
đây mới là con đường chân chính nhất. Lịch sử đã cho thấy châu Atlantis
đã bị nhận chìm xuống biển cũng chỉ vì sự lạm dụng quyền năng của một
nhóm đạo sĩ lợi kỷ hại nhân, chỉ lo cho quyền lợi phe phái riêng và cản
trở sự tiến hóa tâm linh của những sinh vật khác.
Một người hiểu biết về các định luật vũ trụ như Nhân quả, Luân hồi,
Tiến hóa không thể lạm dụng quyền năng vì biết rằng gây nhân nào sẽ
gặt quả đó. Một người hiểu biết về các cõi giới vô hình cũng như giác
quan còn tiềm ẩn trong con người phải thấy rằng tất cả chỉ là một tiến
trình tự nhiên của luật Tiến hóa chứ không phải sự tập luyện một cách
“phản thiên nhiên” để đạt mục đích ích kỷ nào đó. Những kẻ cố gắng
luyện thần thông để thỏa mãn tham vọng riêng là những người đang đi
trên con đường nguy hiểm và đáng sợ nhất. Vì không có sự chỉ dẫn đúng
đắn của một vị hiền triết, vì thiếu hiểu biết nên họ dễ lầm lạc về những
điều họ thấy và trở thành nạn nhân của những động lực ma quái trong
thiên nhiên.

Trong cõi giới bên kia cửa tử, có nhiều vong linh bất hảo và các loại
ma quỷ vô hình thường tìm cách ảnh hưởng những kẻ dại dột này. Vì
thiếu sáng suốt phân minh nên một vài hình ảnh mơ hồ, một vài câu nói
vu vơ bỗng trở thành những chân lý cao siêu, những lời mách bảo của
thần linh khiến cho người đó có thể trịnh trọng tuyên bố những điều sai
lạc, láo khoét và dẫn dụ những kẻ nhẹ dạ, hiếu kỳ đi vào con đường tà
muội. Hầu hết những kẻ luyện thần thông đều mong muốn những gì mà
cuộc đời không đem lại cho họ như địa vị, danh vọng, tiền bạc, các thú
vui nhục dục. Vì không có đời sống tinh khiết cao thượng mà chỉ thèm
muốn các thú vui vật chất nên họ đã vô tình thu hút các ảnh hưởng xấu
xa nhất trong cõi vô hình vì quy tắc “đồng thanh tương ứng, đồng khí
tương cầu”. Khi những ảnh hưởng ma quái này nhập vào họ, khiến họ sở
hữu một vài quyền năng hạng thấp như có thể đọc được tư tưởng, sai
khiến và thôi miên kẻ khác thì họ vô tình đã để cho các động lực này sử
dụng thể xác. Lúc đó, họ không còn tự chủ nữa mà chỉ là cái xác không
hồn, một thứ quỷ sống đội lốt người, một loài quỷ nhập tràng, một loài
yêu ma của nhục dục. Nhờ những quyền năng hạ cấp này, họ tự xưng là
thần thánh hay giáo chủ để lung lạc nhân tâm, lôi kéo những kẻ hiếu kỳ
muốn tìm đường tắt để thỏa mãn các tham vọng cá nhân. Nên nhớ khi
bắt đầu luyện thần thông, đầu óc của họ đã bị chi phối bởi các tham vọng
nên khi được các động lực ma quái hỗ trợ, họ sẽ tìm cách thỏa mãn các
ao ước ban đầu. Hầu hết các loại đạo sĩ hay giáo chủ này đều kêu gọi
những kẻ tin theo họ phải giúp họ thỏa mãn các tham vọng này qua việc
dâng hiến tài sản vật chất, xưng tụng họ hoặc thỏa mãn các đòi hỏi nhục
dục của họ. Đây là một sự kiện thông thường, đã xảy ra nhiều lần trong
lịch sử của các nền văn minh cổ. Khi một người mất niềm tin vào các
đấng thiêng liêng, để cho các thú vui vật chất cám dỗ thì các loại phù
thủy này sẽ xuất hiện để lung lạc và sai khiến những kẻ hiếu kỳ, nhẹ dạ.
Hiển nhiên những điều này đều đi ngược lại cơ chế tiến hóa của Thượng
Đế đã sắp đặt cho nhân loại và những kẻ vi phạm luật vũ trụ sẽ phải trả
một giá rất đắt cho sự dại dột này.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi việc đều được hành
động một cách nhanh chóng, vội vàng và xu hướng chung là chỉ làm một
cách lướt qua trên bề mặt chứ không chịu đào sâu vào sự việc. Do đó
phần đông đều nhìn mọi việc một cách dửng dưng, không chịu tìm hiểu
sâu xa nên không có căn bản vững chắc. Họ dễ tin, dễ bị lôi cuốn bởi các
luận cứ mơ hồ, dễ bị cám dỗ bởi các hiện tượng sôi nổi đang được quảng
cáo rầm rộ. Do đó các hiện tượng “phá sản tâm linh” bằng sự xuất hiện
của các phù thủy, đạo sư xuất phát từ cõi âm cùng chủ nghĩa vô thần là
những đe dọa lớn cho nhân loại hiện nay. Hạnh phúc của nhân loại là sự
hiểu biết và sống theo các định luật vũ trụ mà Thượng Đế đã đặt ra, nếu
không tin tưởng ở Ngài, nhân loại sẽ suy vong.
Một số người than rằng các đấng giáo chủ đã xa cách chúng ta hàng
ngàn năm, điều các ngài chỉ dạy đã ít nhiều bị giải thích sai lạc và tệ hơn
nữa, những giáo sĩ lãnh nhiệm vụ dìu dắt đã không làm tròn sứ mạng
một cách đúng đắn. Hiển nhiên tôn giáo nào cũng có những kẻ lợi dụng
đức tin để làm việc ích kỷ nhưng người ta không thể trách cứ một tôn
giáo qua việc làm của một vài giáo sĩ không chân chính. Sự thật là,
những tôn giáo lớn, hiện diện cả ngàn năm nay, xây dựng trên những giá
trị thiêng liêng với công trình đóng góp của hàng ngàn giáo sĩ đã mang
lại lợi ích cho biết bao người trên thế giới. Sự chỉ trích tôn giáo, bất cứ
tôn giáo nào, đều là việc làm không đúng đắn, thiếu hiểu biết, và đôi khi
chỉ là cái cớ để bào chữa cho sự lười biếng, thiếu đức tin của mình. Có
kẻ nói rằng các giáo chủ đã qua đời từ lâu thì làm sao hướng dẫn được ai
nữa! Đây là một nhận xét rất ấu trĩ, vì những điều các ngài truyền dạy có
giá trị vượt thời gian, không thể xét đoán một cách hẹp hòi như thế được.
Sự chê bai tôn giáo chỉ là ngụy thuyết của những kẻ thiếu đức tin, đã lạc
lối còn cố tình lôi kéo những người khác đi theo. Họ là những kẻ tự bịt
mắt rồi than không tìm thấy gì, tự cột chân rồi than không thể đi được.
Một số khoa học gia còn lý luận rằng hầu hết những điều ghi nhận
trong kinh sách tôn giáo đều vô lý, mơ hồ và phản khoa học. Sở dĩ họ lập
luận như thế là vì không thể hoàn thành những điều đó trong phòng thí nghiệm, nhưng kinh sách không phải là những tài liệu khoa học với các
giả thuyết, mà là những xác quyết thâm sâu, người đọc phải suy gẫm để
tìm những ẩn nghĩa cao thâm trong đó. Tôn giáo phát sinh từ lòng sùng
kính chứ không phải từ lý luận, bàn cãi của một vài cá nhân có thẩm
quyền nhờ bằng cấp tốt nghiệp từ một đại học nào đó. Sự khiêm tốn
không phải là bước đầu của những người đến với tôn giáo mà còn phải là
bước đầu của những người nghiên cứu khoa học nữa. Khi một người tự
hào có thể biết được tất cả thì họ đã vô tình dựng một bức tường ngăn
cách giữa họ và mục đích của họ rồi. Một nhà khoa học đầy tự hào sẽ
khó lòng đi xa vì bộ óc giới hạn của ông sẽ không còn chỗ để ghi nhận
thêm điều gì mới lạ nữa.
Tôn giáo là mối liên lạc giữa cá nhân và Thượng Đế nhưng trải qua
nhiều thế kỷ, quan niệm về “Thượng Đế” vẫn là một đề tài được nói đến
rất nhiều nhưng không ai chịu chấp nhận quan niệm của ai. Ngày nay,
người ta vẫn tiếp tục tranh cãi về Thượng Đế theo quan niệm riêng của
họ. Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi
nền văn minh, mọi tôn giáo đều có một Thượng Đế riêng. Đối với bộ lạc
dã man, Thượng Đế là một hình ảnh được khắc lên vỏ cây, trên vách đá
với khuôn mặt kỳ dị. Khuôn mặt này chỉ là cách diễn tả quan niệm của
họ về một quyền năng tối thượng, siêu phàm, vì ý niệm về đấng tối cao
của họ là thế. Đối với một vài tôn giáo, Thượng Đế là một chân linh,
không danh tánh, không hình tướng hiện diện khắp nơi nhưng không tôn
giáo nào chịu chấp nhận Thượng Đế của tôn giáo khác. Danh từ Thượng
Đế đối với một cá nhân cũng thay đổi tùy sự hiểu biết và phát triển. Có
thể lúc đầu đó là một vị thần linh hữu hình, có khuôn mặt giống như
người hay giống một vị thần mà người ta có thể cầu nguyện, nhưng theo
thời gian, quan niệm này sẽ nhường chỗ cho một quan niệm khác về một
Thượng Đế vô hình, một quyền lực thấm nhuần toàn thể vũ trụ. Gần đây
các nhóm vô thần cho rằng
“Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng” và các nhà
khoa học duy vật cũng kết luận “Không thể có một Thượng Đế mà chỉ có định luật khoa học mà
thôi”.
Tất cả những quan niệm về Thượng Đế kể trên chỉ có tính cách tương
đối và bất toàn. Theo sự học hỏi của tôi với các hiền triết trên Tuyết Sơn
thì chỉ có một Thượng Đế mà thôi, nếu chúng ta quan niệm Ngài là Đấng
Sáng Tạo, thành lập vũ trụ. Hiển nhiên, ngoài ra còn có rất nhiều thánh
thần nhưng các vị này không phải là Thượng Đế. Thật ra, mỗi hình ảnh
bên ngoài chỉ có tính cách tượng trưng vì người ta chỉ có thể tìm thấy
Thượng Đế ở bên trong chứ không phải ở ngoại cảnh. Chỉ khi nào người
tìm và kẻ được tìm chan hòa trong sự duy nhất, vĩnh cửu thì sự hiểu biết
mới hoàn bị được. Sự phân biệt về Thượng Đế này hay Thượng Đế khác
chỉ là những tình cảm rối loạn của những kẻ cuồng tín thiếu hiểu biết.
Với những kẻ đó, Thượng Đế đã bị đóng khung trong cửa kín, then gài
và những ai không đồng ý với họ đều là kẻ thù. Thượng Đế không thể bị
giới hạn như thế, người ta không thể tìm thấy Ngài qua một hình thức
riêng biệt nào mà dưới mọi hình thức, không phải ở một chỗ riêng biệt
nào mà ở khắp mọi nơi; không ở riêng cho một tôn giáo, nghi thức, lòng
tin nào mà ở vô biên. Người đi trên đường đạo phải biết nhận thức rằng
con đường duy nhất dẫn dắt đến Thượng Đế không phải ở bên ngoài mà
nằm sâu trong tâm hồn mọi người. Người ta chỉ có thể tìm thấy Ngài khi
họ biết khiêm tốn quay vào bên trong.
Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh rằng vũ trụ rất rộng lớn
với hàng triệu hành tinh, hàng triệu dải Ngân Hà (Galaxies), hàng triệu
khối Tinh Vân (Nebulas) và cứ thế vô cùng tận. Hiển nhiên vũ trụ vô
biên phải có một Đấng Sáng Tạo vô biên. Do đó Đấng Sáng Tạo này
không thể thu hẹp trong một sắc tướng hay một nhân vật được mà phải là
một quyền lực, một định luật tối cao điều hành tất cả. Điều đáng tiếc là
khoa học có thể tin được những gì vô biên nhưng không thể chấp nhận
một Thượng Đế vô biên mà cố gắng giải thích nó bằng những ý niệm
khác vì không muốn chịu sự chi phối của tôn giáo. Phải chăng trong vũ trụ được sáng tạo này không còn chỗ nào dành cho Đấng Sáng Tạo nữa?
Trước đây ít lâu nhà Thiên văn học Lagrande 7
đã tuyên bố:
“Tôi đã quan sát khắp bầu trời bằng kính viễn vọng tối tân nhất
nhưng nào có thấy Thượng Đế hay Thiên Đàng! Đó chỉ là một quan
niệm ngu xuẩn của những thầy tu dốt nát” .
Theo tôi, nhà thông thái này chỉ cần bỏ ống kính viễn vọng đó xuống
và lắng lòng an tĩnh để khiêm tốn một chút thì chắc chắn ông sẽ thấy
được Ngài. Hiện nay, khoa học không thể đi xa hơn vì các nhà khoa học
đã từ chối những gì mà họ không thể chứng minh. Họ không cố gắng tìm
hiểu những sự kiện đang xảy ra mà khoa học chưa thể chứng minh trong
lúc này, do đó họ không thể đi xa hơn được. Theo tôi, sự dốt nát có thể
tha thứ nhưng sự cố gắng trầm mình trong sự dốt nát thì đáng trách vô
cùng.
BỔ SUNG CỦA DỊCH GIẢ8
Nhà vật lý Albert Einstein đã chứng minh nguồn gốc mọi vật
là một năng lượng duy nhất (Energy). Năng lượng này tiềm
tàng trong tất cả và có thể chuyển đổi (Transformation) trong
mọi vật chất. Điều này không khác quan niệm Thượng Đế là
một và hiện diện trong tất cả muôn loài. Nhưng năng lượng
uyên nguyên này căn bản từ đâu mà có? Theo Einstein, năng
lượng căn bản nhất chính là ánh sáng. Vật chất chẳng qua chỉ
là sự đông đặc của các năng lượng nghĩa là của ánh sáng.
Qua các cuộc thí nghiệm của Einstein tại Đại học Princeton,
người ta có thể biến ánh sáng thành vật chất và chuyển vật
chất thành ánh sáng. Cái vũ trụ kỳ diệu gồm những vật chất
cứng nhắc thu hút lẫn nhau của nhà bác học Newton, cha đẻ
của ngành khoa học đã bị Einstein phá tung vì bản chất thật
sự của vũ trụ đã “bốc thành hơi” vì được cấu tạo bởi những
yếu tố vi tế nhất: Ánh sáng. Các nhà khoa học đều cho rằng đây là một khám phá hy hữu
chưa từng có nhưng thực ra họ đang kiểm chứng một chân lý
cổ xưa nhất thế giới đã được truyền dạy bằng lời, được khắc
ghi trên vỏ cây, da cừu hay vách đá của các nền văn minh cổ:
Thượng Đế chính là ánh sáng. Kinh Thánh đã ghi: “Điều
được Thượng Đế sáng tạo đầu tiên là ánh sáng rồi mới đến
các vật khác”. Tuy nhiên lúc đó trước khi có vạn vật thì làm
sao Ngài tạo ra ánh sáng? Chỉ có một giải thích giản dị: Ngài
tạo ra ánh sáng từ chính nơi Ngài như một con nhện dệt tơ từ
chính thân thể của nó. Ngài tạo ra ánh sáng từ nơi Ngài thì
ánh sáng chính là Ngài và ánh sáng chính là Thượng Đế. Kinh
Upcinishad của Ấn giáo cũng ghi nhận: “Brahma hay Đấng
Sáng Tạo đã tạo ra ánh sáng và từ ánh sáng này phát sinh
muôn vật”. Các cuốn cổ thư Ai Cập cũng ghi nhận: “Thái
Dương (Ra) là chủ thể của vũ trụ và từ ánh sáng của Ra mà sự
tạo thiên lập địa mới xảy ra”, do đó trong tôn giáo Ai Cập,
ngôi Thái Dương (Ra) là biểu tượng của sự sống và sự sáng
tạo.
Ngành Vật lý Nguyên tử còn đi xa hơn nữa và chứng minh
rằng vạn vật đều có một căn bản chung là nguyên tử. Điều này
không khác quan niệm nhất nguyên về vũ trụ. Trước thế kỷ XX,
đó chỉ là niềm tin trừu tượng của tôn giáo nhưng ngày nay, nó
là một luận cứ khoa học vững chắc. Phải chăng nguyên tử là
“danh từ mới” của khoa học ngày nay để diễn tả những sự
kiện mà người xưa đã biết từ lâu? Nguyên tử được coi như
viên đá căn bản kiến tạo vũ trụ với những dương điện và âm
điện chuyển động trong một tiết điệu đặc biệt, hợp rồi tan, tan
rồi hợp như một hơi thở. Điều này có khác gì quan niệm về hơi
thở thiêng liêng của Thượng Đế? Nhà Vật lý học Karl Darroxv của Bell Lab nhờ quan sát các
diễn tiến của vật chất phát sinh và tan biến thành năng lượng
đã viết: “Ngoài sự tương phản giữa sự sống và sự chết, người
ta không thể tìm thấy một sự kiện nào đặc biệt tương đồng như
sự chuyển đổi từ vật chất ra ánh sáng. Các
Quang tử (Photon: đơn vị nhỏ nhất của ánh sáng) và Điện tử
(Electron: đơn vị nhỏ nhất của vật chất) tuy khác nhau nhưng
có thể tan biến đi để thay thế cho nhau. Khi bắt một Quang tử
đi vào một đơn vị vật chất, người ta thấy một điện tử âm và
dương nhảy vọt ra và động năng của cặp điện tử này là một
tổng số toán học có thể định trước. Do đó, người ta có thể kết
luận một quang tử tan ra để tạo thành một cặp điện tử hay ánh
sáng đã tạo ra vật chất. Cũng như thế, nếu phá tan cặp điện tử
này thì người ta sẽ thành một quang tử hay ánh sáng”. Quan
niệm một (Quang tử) sinh ra tất cả (cặp điện tử hay căn bản
vật chất) và tất cả (cặp điện tử) có thể biến thành một (hạt
quang tử) này không khác gì quan niệm “vạn vật đồng nhất
thể” hay “nhất bản tán vạn thù” của người xưa. Phải chăng
sự duy nhất của vạn vật không phải là một tin tưởng suông mà
có căn cứ vững chắc?
Tóm lại, ánh sáng và vật chất không bất biến nhưng cái năng
lượng chuyển đổi từ vật chất thành ánh sáng và từ ánh sáng
thành vật chất hay cái động năng thiêng liêng tiềm tàng kia
mới là vĩnh cửu. Thật ra từ ngàn xưa các đạo gia thời cổ đã
biết rõ điều này qua hiện tượng cọ xát một miếng da vào mảnh
hổ phách để sinh tĩnh điện. Sự cọ xát và thu hút của vật chất
đã được các thầy phù thủy biểu diễn cả ngàn năm nay nhưng
đến ngày nay khoa học mới bắt đầu chứng minh được qua các
lý thuyết về năng lượng.Nếu Thượng Đế là ánh sáng (năng
lượng) và tất cả mọi vật đều chỉ là sự đông đặc của năng lượng hay ánh sáng thì hiển nhiên tất cả đều bắt nguồn từ một
đấng duy nhất, vô sở bất tại. Như thế con người không thể lìa
xa Thượng Đế được. Tất cả vũ trụ này đều được xây dựng từ
Thượng Đế, tất cả mọi vật đều thấm nhuần sự sống ban rải từ
Thượng Đế và bất cứ lúc nào, chúng ta cũng ở bên Thượng Đế
vì Ngài là Vô Biên. Những kẻ vô thần không tin có Thượng Đế
hãy tự hỏi con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?

Các hiền triết trên Tuyết Sơn cho biết trong khi nhập định họ có thể
chứng kiến linh ảnh của Thượng Đế dưới hình thức ánh sáng và không
kinh nghiệm nào cao quý hơn thế. Các sách vở cổ xưa cũng ghi nhận các
đạo gia thường ngồi bất động để trầm mình trong một biển ánh sáng
quang minh rực rỡ, một tâm trạng an lạc, sáng suốt không bút mực nào
có thể tả được. Thánh Kinh cũng ghi nhận việc nhà tiên tri Moise nhìn
thấy một bụi cây bốc cháy rực rỡ và nhận được mặc khải của Thượng
Đế.
Nếu chúng ta nhận thức rằng Thượng Đế hiện diện trong tất cả và
những danh từ, hình ảnh, quan niệm về một đấng Thượng Đế hữu hình
nào đó chỉ có tính cách tương đối, tạm bợ, chúng ta có thể bỏ được quan
niệm về sự phân biệt và tránh đi vào những cực đoan hay cuồng tín.
Thay vì thờ cúng hay xin xỏ Ngài, chúng ta hãy cố gắng thay đổi chính
mình để hòa hợp với Ngài. Khi bỏ được bức màn vô minh, đầy phân biệt
của cái lý trí xuất phát từ Bản ngã và thay thế bằng sự khiêm tốn, trong
sạch của Chân ngã thì chúng ta sẽ hợp nhất với Ngài. Nếu mọi người đều
tìm được Thượng Đế vì Ngài hiện diện ở bên trong chứ không phải ngoại
cảnh thì họ sẽ hiểu rõ mọi sự kiện trong trời đất, vô hình cũng như hữu
hình, lớn cũng như bé và ý thức rằng có một định luật tối cao điều hành
tất cả. Sau khi tôn thờ đủ thứ thần linh, con người sẽ hiểu biết rằng chỉ
có một Thượng Đế duy nhất trong vạn vật. Sau khi tin tưởng vào một
Thượng Đế có tính cách cá nhân, riêng rẽ, con người sẽ hiểu rằng
Thượng Đế là vô biên, vô ngã và đại đồng.

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Trở về từ Xứ Tuyết 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *