Sách Tâm Linh

Dấu Chân trên Cát

✍️ Mục lục: Dấu Chân trên Cát

Chương II:

Trường y khoa Abydos hay trường dạy về “Khoa Học Của Sự Sống” là một tu viện nên các giáo sư giảng dạy đều là tu sĩ. Vì là tu viện nên kỷ luật của trường rất nghiêm khắc.
Theo truyền thống, học sinh năm thứ nhất phải phục vụ, hầu hạ những học sinh lớp trên một cách tuyệt đối, để được dạy bảo những kiến thức căn bản cần thiết. Đây cũng là dịp để học sinh lớp trên có dịp quan sát, xem xét khả năng những học sinh mới nhập học và tuyển lựa ra những người xứng đáng. Chỉ khi nào vượt qua kỳ khảo hạch gắt gao của các bậc đàn anh này thì học sinh mới được trực tiếp đến học với các tu sĩ về kiến thức y học.
Người Ai Cập rất quí trọng kiến thức, truyền thống xứ này cho kiến thức là những thứ có giá trị rất lớn, được gìn giữ cẩn thận và chỉ một số rất ít, được tuyển chọn kỹ lưỡng, mới được truyền dạy các kiến thức này.
Khi nhập học, học sinh được chia ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng vài người, và giao cho một học sinh lớp trên trông coi. Học sinh này có trách nhiệm dạy dỗ, hướng dẫn đàn em của mình các kiến thức căn bản để chuẩn bị
cho kỳ thi tuyển lúc cuối năm. Có vượt qua kỳ thi này, học sinh mới được chính thức thâu nhận vào trường Khoa Học Của Sự Sống. Sau đó việc huấn luyện còn kéo dài nhiều năm với những kỳ thi và thử thách gắt gao trước khi học sinh tốt nghiệp thành y sĩ.
Ngay từ hôm đầu, tôi và hai đứa mới nhập học đã được xếp vào một nhóm, đặt dưới quyền chỉ huy của một học sinh lớp trên tên là Kareb. Ba đứa chúng tôi quì trước mặt Kareb để nhận chỉ thị:
– “Tao cần một đứa dọn dẹp căn phòng. Khi tao ra khỏi phòng, nó sẽ phải vào lau chùi thật sạch. Nếu tao trở về mà căn phòng bừa bộn, nó sẽ ăn đòn. Nhẹ thì mười roi, nặng thì năm chục roi. Nếu vi phạm ba lần tao sẽ báo cáo đuổi nó ra khỏi trường.
Tao cũng cần một đứa giặt giũ quần áo, lau chùi giày dép, hễ quần áo bẩn nó phải giặt lập tức. Nếu tao thấy bẩn thì nó sẽ bị trừng phạt.
Ngoài ra tao cũng cần một đứa làm thư ký, thu xếp tài liệu và soạn thảo các hồ sơ cho tao…”
Kareb ngưng nói đưa mắt nhìn ba đứa chúng tôi như dò xét. Thấy vậy, một thằng trong bọn vội rút trong người ra một chiếc túi nhỏ:
– Xin đàn anh nhận cho em chút lễ vật ra mắt này.
Kareb thản nhiên mở chiếc túi ra coi. Đó là một số tiền vàng trị giá bằng năm con ngựa. Hắn có vẻ hài lòng, nhét ngay túi tiền vào áo.
Thằng thứ hai cũng vội vã mang ra một hộp nhỏ đựng những dụng cụ y khoa bằng vàng chói lọi. Kareb hài lòng thâu nhận lễ vật rồi đưa mắt nhìn tôi.
Tôi lúng túng không biết phải xử trí ra sao vì gia cảnh nghèo, hành trang chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo cũ và ít xu lẻ mẹ tôi đưa cho để ăn uống dọc đường. Không thấy tôi nói gì, Kareb mỉm cười nhắc khẽ:
– Này Sinuhe, tao chắc mày phải có một món quà ra mắt đặc biệt lắm?
Không biết phải làm gì hơn, tôi đành đưa chiếc túi nhỏ đựng ít đồng xu ra. Kareb mở chiếc túi ra xem. Khuôn mặt hắn bỗng sa sầm xuống:
– Này Sinuhe, tao chắc mày không đùa đấy chứ?
Tôi lắp bắp:
– Không… đó là tất cả những gì tôi có.

Kareb vung tay ném thẳng chiếc túi vào mặt tôi rồi rít lên:
– Tao không ngờ có một đứa đàn em không biết điều như thế này! Mày nghĩ rằng với mấy chục xu lẻ đó mà mày sẽ được tao dạy bảo các kiến thức về y khoa hay sao?
– Nhưng… nhưng…
Kareb giận dữ quát lớn:
– “Không! Không bao giờ! Những kẻ bần tiện như mày sẽ không bao giờ được dạy dỗ một điều gì hết. Tao không hiểu sao lại bị giao phó trách nhiệm hướng dẫn một thằng nghèo mạt rệp như mày!
Được lắm! Đã thế thì mày sẽ là thằng dọn dẹp, lau chùi căn phòng và kiêm luôn cả việc giặt quần áo cho tao nữa.
Mày sẽ làm việc này cho đến khi nào tao thấy công phu của mày tương xứng với những món quà kia thì mày mới có quyền đến lớp học.”
– Tại sao như thế?
Kareb rít lên:
– Một thằng mới nhập học như mày mà dám chất vấn tao hay sao? Mày nên biết rằng trong năm đầu, chúng mày thuộc quyền sở hữu của tao. Tao có quyền đánh đập hoặc đuổi mày ra khỏi trường. Tương lai của mày hoàn toàn tùy thuộc vào sự báo cáo của tao lên các tu sĩ. Nếu tao nói rằng mày không có khả năng hay không thích hợp với nghề y sĩ thì mày sẽ bị đuổi ra khỏi trường ngay.
– Nhưng… tại sao?
Kareb không giữ được bình tĩnh, hét lớn:
– “Đồ ngu! Mày có biết mấy năm nay tao đã khổ sở như thế nào không? Tao đã phải hầu hạ các bậc đàn anh, đã phải tốn kém biết bao tiền bạc, công sức mới được địa vị như ngày nay.
Bây giờ đến lượt tao được hưởng sự sung sướng, thế mà vẫn có đứa ngu si cho rằng chỉ cần bỏ ra vài xu là được tao truyền dạy các kiến thức quí báu như vàng này!”
Tôi định biện bạch thêm nhưng may thay lúc đó tôi nhớ đến lời khuyên của cha tôi: “Con cần phải kiên nhẫn và chịu đựng. Nếu không thì không thể đi xa được”, tôi bèn im lặng không nói gì nữa.
Kareb chăm chú nhìn tôi nhưng thấy tôi không phản ứng gì, hắn hậm hực:
– Thằng nghèo kiết xác kia, từ nay mày sẽ là nô lệ của tao.
Từ đó tôi trở nên kẻ hầu cho Kareb. Hắn đối xử với tôi vô cùng tàn nhẫn, chỉ một sơ hở hắn đã thẳng tay trừng trị tôi bằng chiếc roi da mà hắn mang theo mình. Thời gian trôi qua, thấm thoát tôi đã sống tại Abydos gần một năm. Một
năm với những đau khổ, nhục nhằn; với những vết roi ngang dọc trên mình nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng, hy vọng sẽ được dạy bảo các kiến thức cần thiết. Tuy nhiên tôi không hề được chỉ dẫn một điều gì trong khi hai thằng bạn
cùng nhóm thỉnh thoảng còn được dạy dỗ ít nhiều.
Một hôm tôi nghe nói đã sắp đến kỳ thi tuyển nên hỏi Kareb:
– Chỉ còn ít lâu nữa sẽ đến kỳ thi, em muốn biết phải học hỏi những gì để còn chuẩn bị.
– Mày nói sao?
– Chỉ còn vài tháng nữa…
Kareb nổi giận quát ầm lên:

– Mày dám đòi hỏi hay sao? Số mạng và tương lai của mày hoàn toàn tùy thuộc vào tao. Nếu thấy mày xứng đáng thì tao sẽ dạy cho mày, nếu mày không có khả năng thì nhà trường sẽ đuổi mày ra…
– Nhưng làm sao người ta có thể biết được khả năng của em khi em không biết rõ về chương trình học hay được dạy dỗ điều gì?
Kareb bật cười:
– Thằng ngu dốt kia, nếu tao không dạy cho mày thì không ai có thể chỉ dạy cho mày hết.
– Nhưng… khi nào anh sẽ dạy em?
– Tao là người quyết định số phận của mày. Luật lệ ở đây đã ghi rõ rằng học sinh lớp trên sẽ quan sát, nhận xét khả năng của những học sinh lớp dưới. Nếu xét thấy không có khả năng thì phải báo cáo để trục xuất nó ra khỏi trường.
Tự nhiên tôi có cảm tưởng rằng Kareb sẽ không dạy dỗ gì cho tôi hết. Tôi bèn thu hết can đảm đặt câu hỏi:
– Phải chăng nếu anh không dạy thì em không thể vượt qua kỳ thi tuyển và như thế em sẽ bị đuổi ra khỏi trường.
– Đúng thế.
– Mặc dù… em đã tận lực hầu hạ anh?
Kareb ôm bụng cười sằng sặc:
– Đúng thế. Số phận của mày tùy thuộc vào sự quyết định của tao. Này Sinuhe, dù mày có tận lực hầu hạ tao thêm mười năm nữa, tao cũng chẳng dạy gì cho mày vì tao không ưa những đứa thích hỏi những câu lẩm cẩm như mày.
Tôi đứng yên, mồ hôi toát ra như tắm. Không lẽ tương lai của tôi lại sụp đổ chỉ vì thằng đàn anh này hay sao? Tôi nhớ lại những lời hứa hẹn, những trận đòn, những lúc hầu hạ, dọn dẹp lau chùi căn phòng cho hắn. Thì ra hắn chỉ lợi dụng truyền thống “ma cũ bắt nạt ma mới” và sự ngây thơ của tôi mà thôi.
Cơn giận ở đâu kéo đến khiến tôi quên cả lời khuyên của cha tôi, quên kỷ luật khắt khe của nhà trường. Tôi gầm lên một tiếng rồi vung tay đấm mạnh vào khuôn mặt khả ố của Kareb. Trong lúc bất ngờ, thằng này trúng đòn ngã nhào xuống đất nhưng hai đứa bạn cùng nhóm đã vội vã nhảy vào can thiệp.
Chỉ trong thoáng giây, tôi đã bị đè nghiến xuống đất.
Kareb hầm hầm rút chiếc roi da treo gần đó và cứ thế liên tiếp quất xuống người tôi. Đây không phải là lần đầu tôi bị đánh nhưng không hiểu sao, lần này tôi không cảm thấy đau đớn nữa mà đầu óc chỉ sôi sục một ý nghĩ lạ lùng, một điều từ trước đến nay chưa bao giờ tôi nghĩ đến.
Sau khi đánh đập một trận cho hả giận, Kareb ra lệnh trói gô tôi vào cột nhà rồi hầm hầm dắt hai đứa kia ra khỏi phòng. Tôi biết hắn sẽ báo cáo lên các tu sĩ, hiển nhiên hai đứa kia sẽ làm chứng cho hắn và với kỷ luật hết sức nghiêm
khắc của tu viện, chắc chắn tôi sẽ bị trục xuất ngay. Trong cơn đau đớn cùng cực, tôi gục xuống thiếp đi cho đến khi tỉnh dậy thì trời bên ngoài đã sáng.
Tôi vùng vẫy muốn thoát ra, nhưng sợi dây trói chặt quá khiến tôi không sao cựa quậy gì được. Vì cố gắng nên các vết thương trên mình trở nên đau đớn vô cùng. Tôi cảm thấy khát nước, muốn lên tiếng nhưng không sao nói được, cổ họng tôi khô ran và đau buốt nên tôi đành chịu đựng, chờ Kareb trở về.
Trời đã về chiều mà Kareb vẫn chưa trở lại. Phải chăng hắn lại đi uống rượu như thường lệ? Mỗi khi giận dữ điều gì, hắn thường đi uống rượu và khi say lại trút cơn thịnh nộ lên đầu tôi.
Mãi đến khuya Kareb mới về. Thay vì giận dữ, hắn vội vã cởi trói rồi dìu tôi nằm xuống giường của hắn. Hai thằng học sinh kia mang đến một chậu nước nóng để lau chùi các vết thương cho tôi.
Kareb run rẩy nói:
– Thưa… bạn… Sinuhe, xin… bạn… đừng giận chúng tôi.
– ?
– Xin bạn hãy nghỉ ngơi tĩnh dưỡng… Khi nào khỏe…
chúng ta sẽ bắt đầu duyệt qua các kiến thức cần thiết…
– ?
– Bạn đừng lo, với tài trí thông minh của bạn thì… vài tháng cũng đủ rồi. Tôi sẽ hết lòng hướng dẫn cho bạn. Tôi sẽ báo cáo lên các tu sĩ rằng không một ai tài giỏi hơn, xứng đáng hơn và có đầy đủ khả năng để trở thành y sĩ hơn bạn.
Tôi ngạc nhiên muốn lên tiếng nhưng cổ họng đau quá không nói gì được. Kareb thấy tôi yên lặng, nghĩ rằng tôi vẫn còn giận nên quì sát xuống bên giường:
– Xin bạn hãy nghĩ lại… chúng tôi có mắt mà như mù… không biết bạn là người… có thế lực… Xin bạn bỏ qua cho…
Dưới ánh nến leo lét, tôi thấy rõ khuôn mặt của Kareb sưng vù và đầy máu. Tôi quay qua nhìn hai thằng học sinh đang lau chùi những vết thương cho tôi, đứa nào cũng áo quần lem luốc, mặt mày đầy máu.
– Tại sao? Chuyện gì xảy ra thế này?
Ngay lúc đó một người to lớn ở đâu bước vào, lạnh lùng lên tiếng:
– Ba thằng khốn nạn kia! Nếu Sinuhe có làm sao thì tao sẽ thiến cả ba đứa chúng mày.
Tôi nhận ra ngay Horemheb. Xa nhau gần một năm Horemheb đã thay đổi khá nhiều, trông hắn lực lưỡng khỏe mạnh hơn xưa. Ba thằng học trò vội quì mọp xuống đất.
Horemheb giận dữ:
– Tao không ngờ lại có những đứa tồi tệ như vậy!
Tôi muốn ngồi dậy nhưng không sao nhấc mình lên được. Horemheb cúi xuống đỡ tôi lên nhưng nhìn thấy thân thể đầy máu me của tôi, hắn nổi giận tung chân đá mạnh vào Kareb:
– Tội của mày đáng bị thiến lắm!
Thằng đàn anh oai phong lẫm liệt khi xưa quì mọp dưới đất không dám lên tiếng. Horemheb quay qua phía tôi:
– Này Sinuhe, xa nhau đã lâu nên tao đi thăm mày, không ngờ lại có chuyện như thế này. Nếu mày có mệnh hệ gì thì tao sẽ đốt cháy cả ngôi trường này.
Thì ra trên đường đi thăm tôi, Horemheb ghé vào một quán rượu và gặp Kareb cùng hai thằng học sinh kia cũng đang uống rượu tại đó. Trong lúc say sưa, chúng vô tình nhắc đến tên tôi khiến Horemheb chú ý. Hắn bèn giả say để hỏi sự tình và sau khi biết rõ mọi sự, hắn đã dạy cho chúng một bài học đích đáng.
Từ đó tôi không phải hầu hạ Kareb nữa mà lại được hắn săn sóc cẩn thận. Thằng đàn anh này đã mang tất cả kiến thức của hắn ra chỉ bảo cho tôi. Hai đứa bạn học trò cũng hầu hạ, săn sóc tôi tận tình. Cuối năm đó, tôi trúng tuyển
vào trường Khoa Học Của Sự Sống. Horemheb lưu lại Abydos một thời gian chờ đến khi biết tôi thi đậu mới trở về Thebes.
Trường “Khoa Học Của Sự Sống” là một đạo viện gồm nhiều dãy nhà bao quanh một ngôi đền rất lớn có hai cánh cửa bằng đá luôn luôn khép chặt. Chúng tôi được dạy rất kỹ rằng đó là một nơi chốn linh thiêng, chỉ những bậc đạo trưởng mới được vào trong đó mà thôi. Trước cửa ngôi đền là một pho tượng thần Osiris rất lớn, nơi các buổi tế lễ quan trọng được cử hành. Ngày hôm đó, những học sinh trúng tuyển được đưa đến trước thần Osiris làm nghi thức nhập môn.
Sau buổi lễ, một vị đạo trưởng tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ, bước ra nói:
– “Ta là đạo trưởng Akhanuxem, một trong những người trông coi ngôi trường này. Hôm nay là ngày đầu nhập học nên ta có mấy lời muốn nói với các con.
Này các học sinh của trường Khoa Học Của Sự Sống, các con cần biết rằng phương pháp chữa trị là một nghệ thuật có tính cách thiêng liêng. Vì là một nghệ thuật thiêng liêng nên việc chữa trị phải bao gồm cả phần thể xác lẫn phần linh hồn. Không một người nào có thể gọi là khỏe mạnh nếu tâm hồn của họ què quặt, yếu đau.
Vì tính chất tổng quan toàn diện này, nên phương pháp chữa trị đòi hỏi một sự cố gắng, học hỏi không ngừng. Do đó các con cần phải cố gắng, chuyên cần…”
Vị đạo trưởng già đưa mắt nhìn các học sinh đứng quanh rồi nói tiếp:
– “Các con sẽ được truyền dạy những kiến thức đặc biệt, những kiến thức vẫn được giữ kín từ bao thế kỷ nay, và chỉ truyền dạy cho một thiểu số những kẻ xứng đáng mà thôi.
Từ nay các con sẽ được học hỏi những phương pháp chữa trị, những vị thuốc bí truyền, cũng như những khoa học mà ít ai biết đến.
Kiến thức của chúng ta dựa trên những sự nghiên cứu và kinh nghiệm của những vị thầy đã khổ công tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên bên ngoài cũng như những chỗ sâu kín nhất của bên trong tâm hồn con người.
Này các con, khoa học của sự sống chính là phương pháp biết sống thuận theo thiên nhiên, biết rung động cùng nhịp với sự tuần hoàn của thiên nhiên, và biết sống hòa hợp với các sinh vật khác trong thiên nhiên. Khi con người không biết sống thuận theo thiên nhiên, không biết rung động đồng nhịp với sự tuần hoàn của thiên nhiên, thì sẽ phát sinh ra các phản ứng không tự nhiên hay bất bình thường.
Chính các phản ứng này sẽ tạo ra các sự rung động không tốt lên cơ thể, và từ đó bệnh tật phát sinh.
Dựa trên qui tắc căn bản này, chúng ta đã sắp đặt và phân chia bệnh tật ra nhiều loại khác nhau. Tùy theo cách phân loại bệnh tật mà cách chữa trị cũng thay đổi theo, từ việc sử dụng dược chất, đến việc giải phẫu, hay sử dụng các năng lực từ điện.
Ngoài khả năng chuyên môn thông thường, một y sĩ còn phải học hỏi thêm kiến thức về thiên nhiên và biết sống theo các kỷ luật đặc biệt để phát triển khả năng định bệnh một cách chính xác. Tùy theo khả năng định bệnh mà các
con sẽ được thu xếp để học hỏi các nghệ thuật chữa trị khác.
Do đó tuy cũng là y sĩ nhưng cách thức chữa trị của mỗi người sẽ không giống nhau.”
° ° °
Từ đó chúng tôi bắt đầu học hỏi những kiến thức chuyên môn về Khoa Học Của Sự Sống. Ngoài việc mổ xẻ, nghiên cứu các cơ quan trong thân thể, chương trình học còn chú trọng đến việc dinh dưỡng, phương pháp hô hấp, sự vận động như: thư giãn, xoa bóp… cũng như công dụng của các dược chất đối với thân thể con người. Vì đã từng phụ giúp cha tôi từ nhỏ, tôi rất quen thuộc với các phương pháp này nên chỉ một thời gian ngắn, tôi đã trở nên một học sinh xuất sắc nhất trường Hôm đó tôi đang đi dạo ngoài sân thì gặp đạo trưởng Akhanuxem đi đến. Ông đứng lại nói với tôi:
– Ta rất hài lòng về việc học của con. Con là một trong những học sinh mà ta hy vọng là sẽ làm rạng danh trung tâm Abydos này.
– Thưa đạo trưởng, đó là nhờ công ơn dạy dỗ của các giáo sư…
Đạo trưởng Akhanuxem vuốt râu cười rồi lắc đầu:
– Con không cần phải khiêm tốn như thế. Ta đã để ý đến con từ lâu và vẫn theo dõi việc học của con. Con là một học sinh thông minh, hiếu học, có óc cầu tiến, lúc nào cũng muốn tìm tòi hiểu biết thêm.
Ông nhìn tôi một lúc rồi nói:
– Đó là điều tốt. Ta rất thích những học sinh hiếu học như thế. Từ nay nếu có gì thắc mắc, con có thể đến hỏi ta, và ta sẵn sàng giúp con.
Đây là một cơ hội hiếm có vì đạo trưởng Akhanuxem là người có kiến thức uyên bác nhất trường. Được ông chỉ dạy không những là một đặc ân mà còn bảo đảm cho việc sưu tầm, học hỏi các kiến thức về “Khoa Học Của Sự Sống” nữa.
Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lên tiếng hỏi ngay:
– Thưa đạo trưởng, phải chăng “Khoa Học Của Sự Sống” chú trọng đến việc nghiên cứu các nguyên nhân gây nên bệnh tật vì đã biết nguyên nhân thì có thể tìm được cách chữa trị?
– Đúng thế, đó là nguyên tắc căn bản. Chúng ta tin rằng bệnh tật chỉ là phản ứng của cơ thể đối với những thái độ sống hay các hành động ngược với thiên nhiên vì sống thuận theo thiên nhiên không thể có bệnh. Phản ứng của cơ thể này có thể xảy ra trên phương diện vật chất hay tinh thần, do đó mới có các bệnh thuộc về thân và bệnh thuộc về tâm.
– Như thế… phải chăng tất cả bệnh tật đều do hành động trái với các định luật thiên nhiên?
Đạo trưởng Akhanuxem cười lớn:
– Không hẳn thế đâu. Có những bệnh gây ra do tai nạn như té gẫy tay, trẹo chân hoặc ăn uống thiếu dinh dưỡng, và những bệnh này không hẳn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa nào khác. Ngoài ra còn có những bệnh bẩm sinh, hiển nhiên một đứa trẻ sơ sinh đâu đã biết sống thuận hay nghịch với thiên nhiên.
– Nhưng nếu một đứa bé vừa sinh ra đã có bệnh thì nguyên nhân từ đâu đến?
Đạo trưởng Akhanuxem vuốt râu gật gù:
– Theo sự hiểu biết của ta thì các bệnh bẩm sinh xảy ra do những nguyên nhân từ trước, vượt ngoài tầm nghiên cứu của “Khoa Học Của Sự Sống”. Nó là những kiến thức thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát từ ký ức của một kiếp sống khác. Đó là đối tượng của “Khoa Học Của Sự Chết”.
– Làm sao người ta có thể hiểu biết về những kiến thức này?
Đạo trưởng Akhanuxem bật cười:
– Con quả là người có nhiều thắc mắc. Chỉ những giáo sĩ chuyên nghiên cứu cõi âm, những người lãnh việc tống táng, ướp xác mới biết về những kiến thức này. Đối tượng của họ là sự kiện ở thế giới bên kia cửa tử. Là y sĩ, con chỉ nên quan tâm đến sự kiện xảy ra trong đời sống hiện tại mà thôi.
– Nhưng… nếu thế không lẽ chúng ta phải bó tay trước những bệnh tật phát xuất từ những nguyên nhân ngoài sự hiểu biết của chúng ta hay sao?

Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc như suy nghĩ rồi lên tiếng:
– “Này Sinuhe, con thật là người ham hiểu biết. Rất ít ai đặt câu hỏi như thế với ta. Hiển nhiên có những định luật bất biến của vũ trụ mà chúng ta được học hỏi mặc dù nó vượt ngoài phạm vi nghiên cứu của chúng ta.
Nếu con biết nhìn đời sống này như một phần nhỏ của một hành trình kéo dài rất lâu, qua các cõi giới, các kiếp sống khác nhau, thì con sẽ thấy việc sống ngược với các định luật thiên nhiên có thể gây ra những hậu quả, không hẳn xảy ra trong kiếp này, mà có thể ảnh hưởng đến những kiếp sống khác nữa. Bệnh bẩm sinh có thể bắt nguồn từ các hành động trái ngược với luật thiên nhiên từ một kiếp sống trước…”
– Như thế… Phải chăng có những yếu tố nhất định nào đó chi phối đời sống hiện tại hay sao?
– Hiển nhiên phải như thế rồi.
– Nếu thế làm sao một y sĩ có thể chữa trị các bệnh này khi nguyên nhân của nó bắt nguồn từ những điều xảy ra trong quá khứ?
Đạo trưởng Akhanuxem gật đầu, vuốt chùm râu bạc:
– “Đây là một vấn đề phức tạp, không thể giải thích vắn tắt được nhưng vấn đế chính vẫn là việc chẩn bệnh và tìm hiểu nguyên nhân, dù nguyên nhân này nằm ngoài đối tượng nghiên cứu. Nếu biết được nguyên nhân thì sẽ tìm được cách chữa.
Có nhiều cách chẩn bệnh và chữa trị khác nhau, nhưng phương pháp thông thường như giải phẫu, xoa nắn, hay sử dụng dược chất chỉ là một phần trong Khoa Học Của Sự Sống mà thôi.”
– Như thế phải chăng còn có những phần khác nữa?

Đạo trưởng Akhanuxem tỏ ra dè dặt:
– Đúng thế. Điều chúng ta biết thì nhiều nhưng điều chúng ta truyền dạy cho học sinh thì giới hạn vì có phần chỉ được truyền dạy trong phạm vi thu hẹp mà thôi.
– Tại sao?
Đạo trưởng Akhanuxem mỉm cười:
– Này Sinuhe, kiến thức là một kho tàng vô giá, không phải những điều có thể mang ra truyền dạy bừa bãi. Nếu không cẩn thận, người ta có thể lạm dụng các kiến thức đặc biệt này vào mục đích ích kỷ, sằng bậy.
– Nếu vậy, phần thuộc phạm vi bí truyền này như thế nào?
Đạo trưởng Akhanuxem do dự một lúc rồi ngập ngừng giải thích:
– “Hãy lấy thí dụ như môn Cơ Thể Học mà hiện nay con đang theo học. Kiến thức về Cơ Thể Học của chúng ta không giới hạn vào thể xác hay thể hữu hình, mà còn mở rộng đến những thể vô hình nữa.
Nếu con biết rằng con người không phải chỉ có một thể xác này mà còn sở hữu rất nhiều các thể khác nữa. Trước khi triệu chứng bệnh tật phát sinh trên thể xác hay thể hữu hình, nó đã phát sinh trên những thể vô hình rồi.
Do đó, thay vì chẩn bệnh qua việc quan sát triệu chứng trên thể xác bệnh nhân, người sở hữu kiến thức bí truyền có thể chẩn bệnh qua việc xem xét các rung động trên những thể vô hình. Nói một cách khác, họ có thể biết căn bệnh đó trước khi nó phát xuất…”
Tôi giật mình kêu lớn:
– Nếu thế… tại sao những kiến thức hữu dụng to tát như vậy lại được giữ bí mật?

– “Kiến thức về những thể vô hình đòi hỏi một công phu tu tập đặc biệt, không mấy ai có đủ khả năng và kiên nhẫn để học. Nó có những ưu điểm cũng như khuyết điểm mà ta khó giải thích cho người chưa có kiến thức về huyền môn
như con.
Này Sinuhe, nếu con có khả năng chẩn bệnh đó thì con sẽ phải thuyết phục bệnh nhân thế nào khi triệu chứng bệnh đó chưa hề phát ra? Mấy ai tin là con nói đúng hay bằng lòng để con chữa trị một căn bệnh còn đang tiềm ẩn?”
Tôi im lặng, điều này quả là tôi chưa hề nghĩ đến. Đạo trưởng Akhanuxem nói tiếp:
– “Này Sinuhe, trong thiên nhiên không có bệnh tật nào lại phát sinh ra một cách nhanh chóng bất ngờ cả đâu. Tất cả đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nào đó. Các nguyên nhân này âm thầm ảnh hưởng lên thân thể bệnh nhân mà họ không hề hay biết đó thôi. Một khi nó bột phát thì đó là giai đoạn cuối rồi.
Phần lớn con người không biết sống một cách ý thức nên họ không biết được những đổi thay âm thầm đang diễn ra trong thân thể họ. Họ chỉ cảm thấy hậu quả của bệnh tật
khi nó đã ăn sâu vào thể xác chứ đâu biết gì khi nó chỉ là những rung động bất bình thường trên các thể vô hình khác.”
– Nếu vậy làm sao người ta có thể chữa bệnh khi nó chưa phát ra?
Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc rồi trả lời:
– “Có một cách chữa bệnh khác với các phương pháp điều trị thông thường. Đó là phương pháp sử dụng năng lượng (energy).
Nếu bệnh tật chỉ là những rối loạn do các hành động đi ngược với luật thiên nhiên gây ra, thì người ta có thể sử dụng năng lượng để tái tạo trật tự này. Khi các thể vô hình được quân bình thì các ảnh hưởng chi phối lên thể xác cũng chấm dứt. Do đó thay vì chữa các triệu chứng xảy ra trên thể xác, người ta sẽ tập trung việc chữa trị trên các thể vô hình.
Con nên biết rằng trong phương pháp này, sự liên hệ giữa người chữa trị cũng như kẻ được chữa trị hết sức quan trọng. Thật ra không hề có việc người này chữa cho người kia mà cả hai đều là những yếu tố của một tiến trình chữa trị chi phối bởi những động năng mầu nhiệm, chứ không phải những năng lượng có tính cách cá nhân.”
– Tại sao nó không có tính cách cá nhân?
– Vì năng lượng tự nó không có tính cách cá nhân. Người ta không thể tạo ra nó hay hủy hoại nó được.
– Như vậy muốn học phương pháp sử dụng năng lượng này con phải làm gì?
Đạo trưởng Akhanuxem mỉm cười:
– “Trước hết con phải học hỏi các kiến thức về thiên nhiên, vũ trụ và sự liên quan giữa con người và vũ trụ. Khi đã có kiến thức về sự tuần hoàn của vũ trụ thì con sẽ hiểu rằng mọi đổi thay trong vũ trụ không phải do ngẫu nhiên mà do một quyền năng cao cả điều hành tất cả mọi vật. Mọi năng lượng trong vũ trụ này đều xuất từ quyền năng cao cả đó mà ra.
Con sẽ học phương pháp sử dụng các năng lượng phát xuất từ quyền năng đó vào mục đích chữa bênh. Muốn thế, con phải sống theo những kỷ luật và quy tắc nhất định. Con phải biết khiêm tốn, không tự xem mình là quan trọng và phải biết hoàn toàn dẹp bỏ bản ngã. Trong phương pháp này không thể có một bản ngã riêng tư được.”
– Tại sao?

– “Vì trong phương pháp sử dụng năng lượng, người y sĩ chỉ đóng vai trò trung gian mà thôi. Họ chỉ là một khí cụ chứ không phải một tác nhân chính. Nếu họ nắm vai chủ động thì năng lượng phát xuất từ chính họ sẽ chuyển qua bệnh nhân chứ không phải năng lượng phát xuất từ quyền năng cao cả kia, và như thế việc chữa trị sẽ chuyển qua một vấn đề khác.
Trong tiến trình chữa trị có sự trao đổi năng lượng giữa hai bên, khi năng lượng từ cá nhân y sĩ chuyển qua bệnh nhân thì năng lượng từ bệnh nhân cũng sẽ chuyển qua y sĩ.
Hậu quả của việc này là chính y sĩ sẽ vô tình nhiễm phải căn bệnh kia mà không hay biết.
Cũng vì lý do này, phương pháp chữa bệnh bằng năng lượng được giữ bí mật, không truyền cho các y sĩ mà chỉ dành riêng cho một số giáo sĩ.”
Tôi ngạc nhiên:
– Tại sao? Tại sao… chỉ giáo sĩ mới được học phương pháp này?
– Vì các giáo sĩ có những lời thề nguyện thiêng liêng, cương quyết bước vào một đời sống tôn giáo với những sự thanh lọc, với những kỷ luật tự giác để không còn bản ngã riêng tư.
– Nếu vậy một người như con không thể học phương pháp này?
Đạo trưởng Akhanuxem gật đầu:
– Đúng thế, trừ khi con phát nguyện trở nên một giáo sĩ như ta.
Tôi đâm ra bất mãn:
– Vậy bệnh nhân đi kiếm y sĩ làm chi cho mất công. Cứ đến thẳng các giáo sĩ chuyên về phương pháp chữa bệnh này có hơn không?

Đạo trưởng Akhanuxem lắc đầu:
– “Này Sinuhe, có những việc không giản dị như con nghĩ đâu. Con chớ nên vội vàng kết luận khi chưa hiểu rõ. Mỗi người đều có một sứ mạng riêng phù hợp với những ước nguyện riêng. Một y sĩ có những chức năng của một y sĩ và một giáo sĩ cũng có những nhiệm vụ của một giáo sĩ.
Kiến thức là một kho tàng quí báu nhưng đôi khi nó cũng là một con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng cẩn thận, nó có thể đem đến những hậu quả tai hại.”
Lúc đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của đạo sĩ Akhanuxem nên chua chát:
– Phải chăng ngài muốn nói khi các y sĩ bó tay thì bệnh nhân chỉ có cách tìm đến các giáo sĩ? Ngoài ra đâu còn cách nào khác, phải không?
Đạo trưởng Akhanuxem lắc đầu:
– “Không hẳn thế! Trong việc chữa trị bằng năng lượng, một khí cụ trung gian không hẳn đã cần thiết. Nếu một bệnh nhân biết mở rộng tâm hồn trước quyền năng cao cả, biết giao trọn đời mình cho quyền năng cao cả, biết phục thiện và thay đổi lối sống, từ thể xác đến tinh thần, thì sự chữa trị trực tiếp có thể xảy ra, và đó là sự chữa bệnh bằng niềm tin.”
Đạo trưởng Akhanuxem im lặng một lúc như đắm chìm trong một ý nghĩ nào đó. Sau cùng ông nhìn tôi như muốn nói gì thêm nhưng không hiểu sao ông chỉ đưa tay ra vỗ nhẹ lên vai tôi như khuyến khích rồi đi thẳng vào căn phòng nhỏ của ông gần đó.
Buổi nói chuyện ngắn ngủi này đã khơi dậy lòng ham muốn hiểu biết của tôi về những phương pháp bí truyền tại đây. Là người nhiều thắc mắc và thích tìm hiểu, tôi mong có dịp học hỏi những phương pháp chữa bệnh này nhưng tôi không có ý định trở nên một giáo sĩ mà chỉ muốn theo gương cha tôi, làm y sĩ phục vụ người nghèo mà thôi.
Cuối năm đó, Horemheb đến thăm tôi. Chúng tôi tâm sự với nhau rất tương đắc, và tôi vô tình kể cho hắn nghe về những phương pháp chữa bệnh bí truyền này.
Horemheb lắc đầu cười nhạt:
– Mấy thằng giáo sĩ quỷ quyệt chỉ lừa được những đứa ngây thơ như mày thôi chứ chẳng thể lừa được tao.
– Mày nói gì?
Horemheb mỉm cười:
– Tao không ưa trò “mỡ nhử miệng mèo” như thế. Nếu quả là có những phương pháp bí mật thì tại sao họ nói ra cho mày biết làm gì? Phải chăng họ muốn khuyến khích mày trở nên một giáo sĩ như họ? Theo tao, đó chỉ là những lời hứa hẹn viễn vông, hão huyền để dụ dỗ những đứa ngây thơ, dễ tin như mày.
– Nhưng… nhưng đạo trưởng Akhanuxem là người… rất đứng đắn…
Horemheb bật cười lớn:
– Một người đứng đắn thì đã sao? Theo mày, một người đứng đắn không biết dụ dỗ hay sao? Thôi được, nếu các giáo sĩ có phương pháp cất giữ bí mật thì mày có muốn coi không?
– Dĩ nhiên rồi, mày biết tao rất ham học hỏi…
– Tốt lắm! Nếu biết họ giấu tài liệu bí mật đó ở đâu thì tao sẽ tìm ra cho mày coi chơi, biết đâu mày chẳng giỏi hơn tụi giáo sĩ kia.
Lúc đó có lẽ vì lòng ham muốn thôi thúc nên tôi chỉ ngay vào ngôi đền lớn, có hai cánh cửa bằng đá lúc nào cũng khép chặt:

– Tao chắc họ cất giấu trong đó vì chỉ các bậc đạo trưởng mới được vào trong ngôi đền này mà thôi.
Horemheb sung sướng reo lên:
– Thế ư? Tưởng gì chứ nếu họ cất giấu trong đó thì tao có thể lấy ra dễ dàng. Đối với tao, việc trèo tường khoét vách chỉ là trò trẻ.
– Nhưng… kỷ luật nhà trường rất nghiêm khắc, nếu có chuyện gì…
Horemheb vỗ mạnh lên vai tôi:
– Điều đó chẳng ăn nhập gì tới tao cả. Mày là học sinh chứ tao có phải là học sinh đâu mà sợ vi phạm kỷ luật. Bất chấp sự khuyên can của tôi, Horemheb quyết tâm đột nhập ngôi đền cấm. Tôi biết tính hắn đã quyết thì không thể can ngăn nhưng đêm đó khi hắn ra đi, tôi thấy hồi hộp, vừa lo sợ, vừa mừng nên cứ đứng ngồi không yên.
Gần sáng Horemheb trở về với vẻ thất vọng:
– Tao chắc mày lầm rồi. Trong ngôi đền đó chẳng có tài liệu, sách vở gì hết.
– Mày nói sao?
– Đó chỉ là một ngôi đền trống rỗng.
– Tại sao lại như thế được? Ngôi đền đó luôn luôn được canh giữ cẩn thận, không ai được phép vào ngoại trừ những vị đạo trưởng…
Horemheb trầm ngâm:
– Tao đã lục soát khắp nơi nhưng không thấy gì. Trong đền hoàn toàn trống trơn không có đồ đạc gì hết mà chỉ có một cỗ quan tài bằng đá.
– Cái gì? Một cỗ quan tài bằng đá?

– Đúng thế, một cỗ quan tài lớn bằng đá nhưng lại không có nắp đậy, bên trong trống rỗng, chẳng có một thây ma nào hết.
– Horemheb, mày không đùa đấy chứ?
Horemheb nghiêm trang lắc đầu:
– Tao đã xem xét cẩn thận, ngoài cỗ quan tài rỗng đó ra, trong đền cũng không có các đồ vật tẩm liệm hay bàn ghế, đồ đạc gì hết. Thật kỳ lạ! Một ngôi đền không có hình tượng thần linh, ngay cả trên vách cũng trống trơn, không có hình vẽ hay dấu hiệu chi hết. Nếu cất giấu tài liệu bí mật thì chắc họ giấu ở chỗ nào khác…
– Nhưng… nhưng biết đâu chẳng có những chỗ cất giấu bí mật?
Horemheb lắc đầu:
– Tao đã xem xét kỹ từng phiến đá dưới sàn, từng vách tường để tìm kiếm nhưng không thấy một dấu vết khả nghi nào. Nếu không tin, đêm mai tao sẽ đưa mày vào đó xem cho biết.
Tôi không phải là người thích mạo hiểm nhưng câu chuyện Horemheb kể về ngôi đền và cỗ quan tài đã kích thích óc tò mò của tôi rất nhiều. Sau một lúc đắn đo, tôi quyết định cùng Horemheb lẻn vào ngôi đền để xem xét thực hư.
Đó là một đêm không trăng, trời tối đen như mực.
Horemheb dẫn tôi đi về phía đền cấm. Thỉnh thoảng hắn lại ra hiệu cho tôi núp vào một chỗ khi gặp những toán nô lệ canh phòng đi ngang. Ngôi đền cấm tọa lạc giữa một khoảng sân rộng, chung quanh có người canh gác cẩn thận nhưng Horemheb đã nghiên cứu từ trước. Hắn biết rõ đường đi nước bước của nhóm người canh gác này nên chúng tôi vào sát ngôi đền mà không gặp khó khăn nào.

Horemheb quả là tay “nhà nghề”, chỉ thoáng cái hắn đã leo lên nóc đền, nhẹ nhàng như một con mèo, rồi thả dây xuống cho tôi leo lên. Chúng tôi lần theo những hàng cột đá chống giữ nóc đền rồi chui vào chỗ thông hơi trên nóc. Từ đây, chúng tôi có thể quan sát phía bên trong ngôi đền.
Mặc dù bên trong rất tối, chỉ có vài ngọn đèn nhỏ nhưng đúng như lời Horemheb nói, đó là một căn phòng lớn, không có đồ đạc hay hình tượng thần linh như những ngôi đền khác. Dưới ánh đèn lờ mờ, tôi thấy giữa phòng có một cỗ quan tài lớn bằng đá.
Horemheb nói nhỏ:
– Để tao thả dây xuống cho mày xuống đó xem xét.
Chúng tôi đang chuẩn bị trèo xuống thì đột nhiên có tiếng động. Cánh cửa chính được mở ra, và một nhóm tu sĩ ở đâu bước vào. Dưới ánh sáng của những ngọn đuốc, các vị đạo trưởng mặc y phục hành lễ rất long trọng. Đi đầu là đạo trưởng Akhanuxem khoác áo thụng, hai tay trịnh trọng nâng một cái khay lớn. Theo sau ông là bốn vị trưởng lão, mỗi người cầm một tích trượng chạm trổ những hình ảnh thần linh. Kế tiếp là một người cao lớn mặc quần áo trắng, đầu quấn một cái khăn lớn phủ kín mặt nên tôi không nhận ra y là ai. Sau cùng là sáu vị đạo trưởng bưng những chiếc khay đồng trên để các dụng cụ hành lễ.
Họ thong thả đi đến trước cỗ quan tài đá rồi đứng quây chung quanh đó và khởi sự các nghi thức dâng hương. Việc các đạo trưởng hành lễ giữa đêm khuya không có gì lạ vì trong tu viện vẫn có những khóa lễ ngày cũng như đêm, nhưng tại sao họ không hành lễ trước bàn thờ các thần linh mà lại dâng hương trước cỗ quan tài bằng đá như vậy?
Chúng tôi im lặng theo dõi các nghi thức long trọng, kéo dài rất lâu này.
Sau cùng Horemheb nói khẽ:

– Tao thấy chẳng có gì đáng xem, chúng ta nên rời đây kẻo trời sắp sáng rồi.
Tôi gật đầu đồng ý và định leo ra nhưng lúc đó khóa lễ cũng vừa chấm dứt. Giữa làn khói hương nghi ngút, đạo trưởng Akhanuxem trịnh trọng bước đến bên người mặc áo trắng, giơ hai tay đặt lên trán người kia như làm một nghi thức gì đó. Người này thong thả bước vào nằm trong cỗ quan tài.
Horemheb giật mình buột miệng nói:
– Thằng khùng kia chui vào quan tài làm gì vậy?
May mắn là lúc đó đạo trưởng Akhanuxem và bốn vị trưởng lão đồng loạt giơ hai tay lên trời, đọc thần chú nên không ai nghe thấy. Đó là một bài thần chú hết sức lạ lùng, âm thanh kỳ lạ khác hẳn những bài thần chú mà tôi thường nghe trong các khóa lễ. Sau một lúc đọc thần chú và làm các nghi lễ, đạo trưởng Akhanuxem phất tay, ra hiệu cho các giáo sĩ đi vòng quanh cỗ quan tài rồi sắp thành hàng một, từ từ tiến ra cửa. Đạo trưởng Akhanuxem đi sau cùng,
đi đến đâu ông tắt đèn đến đó, chỉ chừa lại một ngọn đèn rất nhỏ, đặt trên đầu cỗ quan tài mà thôi. Cánh cửa đá từ từ đóng, để lại bóng tối dầy đặc mênh mông phía trong ngôi đền.
Horemheb quay qua tôi, nói nhỏ:
– Bây giờ chúng ta trở về phòng.
Lúc đó không hiểu sao tính tò mò của tôi nổi lên:
– Tao muốn xem xét cái thằng nằm trong cỗ quan tài kia đã.
Đến lượt Horemheb ngạc nhiên:
– Cái gì? Mày muốn gì?

– Tại sao các giáo sĩ lại để người kia nằm trong quan tài như vậy? Tại sao họ lại tắt hết đèn đuốc? Hắn nằm trong đó làm gì? Liệu hắn còn sống hay đã chết?
Horemheb lắc đầu:
– Có lẽ đó là một nghi thức quái đản gì đó của bọn giáo sĩ nhưng tìm hiểu điều này đâu phải mục đích của chúng ta.
Tôi biết Horemheb là người chỉ thích làm những việc có mục đích rõ rệt nên nói khích:
– Tao chắc mày sợ rồi… Có lẽ chuyện kỳ quái này đã làm mày sợ hãi…
– Cái gì, thằng Horemheb này mà sợ ư?
– Nếu không sợ thì mày hãy để tao leo xuống đó xem xét.
Chúng tôi rón rén leo xuống đất và tiến thẳng về cỗ quan tài. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, người kia vẫn nằm yên bất động. Khuôn mặt y được phủ bằng một tấm khăn mỏng nên chúng tôi không biết hắn đang tỉnh hay mê.
Chúng tôi đứng yên lặng trong bóng tối quan sát rất lâu nhưng y vẫn nằm bất động, tấm màn mỏng phủ trên mặt cũng không hề rung động, hình như y không thở nữa thì phải. Không lẽ y đã chết?
Chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh gì, Horemheb đánh bạo đưa tay nhấc tấm khăn mỏng đó lên để lộ ra khuôn mặt của một thanh niên còn trẻ, có gò má cao và đôi lông mày rất rậm. Người thanh niên vẫn nằm yên không nhúc nhích, như một pho tượng. Horemheb đưa tay để gần lên mũi y và thấy gã này không thở nữa.
Hắn giật mình nói khẽ:
– Hình như thằng nầy đã chết rồi!

Tôi ngạc nhiên. Không lẽ người này có thể chết một cách dễ dàng như vậy sao? Tôi vội đưa tay bắt mạch thì thấy rõ tim hắn cũng đã ngưng đập mặc dù cơ thể hắn vẫn còn hơi ấm.
Horemheb nói nhỏ vào tai tôi:
– Mày thỏa mãn rồi chứ?
– Tại sao hắn lại chết như vậy?
– Mày thắc mắc làm gì cho mệt, hay mau đi khỏi nơi đây kẻo trời sắp sáng rồi.
Tôi còn đang chần chừ chưa quyết định thì Horemheb đã kéo xốc tôi đi. Chúng tôi leo lên nóc đền và theo lối cũ trở về.
Khi về đến phòng tôi vẫn thắc mắc:
– Thật lạ lùng! Rõ ràng người thanh niên kia tự nguyện chui vào nằm trong quan tài rồi không hiểu sao lại tắt thở.
Chắc phải có một sự kiện bí mật nào đó.
– Hắn sống hay chết thì ăn nhập gì đến việc tìm tài liệu bí mật của các giáo sĩ?
– Nhưng đây là một sự kiện kỳ quái, phải chi tao có thể khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân của cái chết.
Biết đâu…
Horemheb bật cười:
– Mày thắc mắc nhiều quá chỉ khổ thân thôi. Chúng ta có một mục đích là tìm kiếm những tài liệu mật thì chỉ để hết nỗ lực vào việc đó mà thôi. Việc khác hãy để qua một bên.
Tôi biết tính Horemheb rất thực tế, trái ngược với tôi là kẻ nhiều mơ mộng, hay thắc mắc viễn vông nhưng tôi không thể quên được sự kiện lạ lùng mà tôi chứng kiến ở ngôi đền cấm cũng như khuôn mặt kỳ lạ của người thanh niên nằm trong cỗ quan tài đá kia. Hình như có một cảm giác gì đó kỳ lạ, thân mật giữa tôi và cái tử thi đó mà tôi không thể diễn tả. Nhiều đêm tôi đã giật mình thức giấc rồi mất ngủ vì bị khuôn mặt người đó ám ảnh. Là một y sĩ, tôi đã từng khám nghiệm và mổ tử thi, đã nhìn thấy hàng trăm khuôn mặt người chết nhưng tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi khuôn mặt đó? Tại sao chỉ nhìn thoáng qua khuôn mặt người chết trong một khung cảnh tranh tối tranh sáng mà người ta có thể bị ám ảnh mạnh như thế được?
Mấy tuần lễ sau, dù cố công tìm kiếm nhưng chúng tôi không tìm ra manh mối gì về những tài liệu bí mật mà chúng tôi nghĩ vẫn được cất giữ tại một nơi chốn nào đó trong khuôn viên tu viện. Ít hôm sau, Horemheb trở về Thebes, còn tôi tiếp tục việc học về “Khoa Học Của Sự Sống”.
Thời gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc tôi đã hoàn tất chương trình huấn luyện tại Abydos. Tôi thi đỗ thủ khoa và chính thức trở nên một y sĩ như cha tôi. Năm đó tôi vừa tròn hai mươi ba tuổi.

 Video: Trích đoạn

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Dấu Chân trên Cát 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *