Dấu Chân trên Cát
✍️ Mục lục: Dấu Chân trên Cát
Chương VI:
Một buổi chiều tôi đang đọc sách thì Horemheb đẩy cửa bước vào:
– Này Sinuhe, hôm nay tao sẽ đưa mày đến một nơi mà mày sẽ không bao giờ quên được.
– Nơi nào thế?
Horemheb mim cười bí mật:
– Tao được thăng quan tiến chức là nhờ mày, nên hôm nay tao đưa mày đi ăn mừng một bữa cho biết mùi đời.
Horemheb đưa tôi đến một biệt thự sang trọng nằm sát bờ sông Nile. Tuy đã từng qua lại hoàng cung mà tôi vẫn phải ngạc nhiên trước sự trang hoàng lộng lẫy của ngôi biệt thự này. Tôi đoán chủ nhân của nó hẳn phải là một bậc thân vương, đại thần vì thế đã sững sờ trước một thiếu nữ xinh đẹp, kiều diễm trong chiếc áo màu hồng nhạt với những nữ trang lạ lùng chưa từng thấy mà Horemheb cho biết đó mới chính là chủ nhân.
Cô ta ngồi trên chiếc ghế dài, quan sát mọi việc diễn ra chung quanh với một vẻ lạnh lùng, thản nhiên. Quanh đó còn có các thiếu nữ xinh đẹp khác đang tiếp đãi khách khứa mà tôi nhận ra một vài vị quan trong triều. Trên bàn tiệc bày đầy những sơn hào hải vị mà tôi chưa từng biết. Cuối phòng là một ban nhạc đang trình diễn những điệu nhạc kỳ lạ mà tôi chưa từng nghe.
Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, Horemheb bật cười:
– Nhạc của dân Babylon đó, man rợ và đầy kích động, mày không biết ư?
– Không, tao không biết gì về âm nhạc cả.
Horemheb là người quảng giao. Vừa đến nơi hắn đã đi vòng quanh các bàn tiệc thăm hỏi người này ít câu, chuyện trò với người khác vài thứ và liên tục uống rượu. Tôi rụt rè đi theo nhưng vì không biết uống rượu nên chỉ cười trừ. Khi chung tôi ngồi xuống bàn thì một nhóm thiếu nữ xinh đẹp đã ùa đến bao quanh.
Horemheb cười ha hả, chỉ vào tôi:
– Đây là Sinuhe, em kết nghĩa của ta. Mọi việc đã có ta lo, các cô hãy tiếp đãi hắn cho tử tế.
Nhóm thiếu nữ chỉ chờ có thế, đua nhau mời mọc tôi đủ điều nhưng tôi không quen nên lắc đầu từ chối lia lịa. Từ trước đến nay tôi tiếp xúc với phụ nữ qua việc chữa trị, săn sóc bệnh nhân nên gặp hoàn cảnh này, tôi đâm ra lúng túng, không biết đối đáp ra sao. Vì không biết phải làm gì nên tôi chỉ ừ ào cho qua chuyện, bất chấp mọi lời mời mọc chào đón. Horemheb đã bước qua bàn khác, cười đùa ầm ĩ với một số bạn hữu quen biết từ trước. Các món ăn sang trọng, thơm phức được mang đến cho tôi nhưng vốn là người quen sống thanh bần, dù các cô mời tiếp mãi mà tôi vẫn không nuốt trôi. Thấy tôi không ăn mà cũng chẳng uống bao nhiêu, các thiếu nữ tỏ ra chán nản, dần dần kéo nhau qua bàn khác, mặc tôi ngồi đó ngơ ngác nhìn quanh.
Tôi thấy nữ chủ nhân vẫn ngồi trên chiếc ghế dài, nét mặt lạnh lùng như băng trước sự ồn ào, náo nhiệt của căn phòng.
Tôi đang quan sát thì Malik, một đại quan trong triều từ bàn tiệc bước đến bên cạnh chủ nhân, đặt trước mặt cô một chuỗi ngọc sáng ngời và nói:
– Hãy cười lên đi em, hãy ban cho ta một cụ cười đi!
Nữ chủ nhân vẫn thản nhiên ngồi yên, sắc mặt lạnh
lùng. Malik quì xuống ôm lấy chiếc chân trần của cô này mơn trớn:
– Nàng hay ban cho ta một nụ cười, chỉ một nụ cười thôi cũng đủ làm ấm lòng ta nhiều lắm rồi.
Người thiếu nữ vẫn dửng dưng, bất chấp quan đại thần cứ lải nhải nói những câu thừa thãi. Sau cùng dường như khó chịu, cô khẽ phất tay. Một người nô lệ da đen thân hình cao lớn, bước đến lôi xốc quan đại thần ra chỗ khác. Tôi ngạc nhiên vì Malik có quyền uy rất lớn trong triều, chỉ một lệnh ban ra đã có thể làm rơi hàng trăm chiếc đầu, thế mà ông ta vẫn để cho một tên nô lệ kéo đi như vậy mà không có phản ứng gì.
Một người lái buôn Ba Tư, thân hình cao lớn, bước đến bên nữ chủ nhân với một túi vàng lớn:
– Ta không cần em cười nhưng ít ra em hãy nói với ta một câu, chỉ một câu mà thôi là số vàng này sẽ thuộc về em liền.
Thiếu nữ có vẻ giận, đôi mày có hơi nhíu lại và miệng hơi bĩu ra. Chỉ có thế thôi mà gã lái buôn đã sợ cuống lên:
– Xin lỗi, ta đã lỡ lời. Em không cần phải nói gì, chỉ nhìn ta cũng đủ…
Người thiếu nữ khẽ liếc nhìn gã lái buôn nhưng nét mặt cô vẫn lạnh lùng như băng giá. Gã lái buôn mừng rỡ quì mọp xuống bên cạnh cô nói lung tung những gì không rõ.
Một lần nữa, thiếu nữ lại phất tay và gã nô lệ da đen ở đâu bước tới lôi phắt gã này ra ngoài. Tôi ngạc nhiên không biết thiếu nữ này là ai mà có quyền hành lớn như vậy! Vì mải theo dõi gã nô lệ kéo người lái buôn Ba Tư ra cửa nên khi tôi quay lại thì thiếu nữ chủ nhân đã đi đâu mất. Trên chiếc ghế dài chỉ còn lại một chiếc khăn màu hồng nhạt. Không hiểu sao tôi cảm thấy trong lòng tự dưng trống trải, dường như vừa mất mát một thứ gì.
Ngay lúc đó, Horemheb ở đâu bước đến, hai tay ôm hai cô gái và cười ha hả:
– Này Sinuhe, mày có muốn ra vườn sau hái hoa với tao không?
Tự nhiên tôi cảm thấy khó chịu, không muốn đi đâu hết nên trả lời nhát gừng:
– Mày cứ việc ra vườn đi, tao ngồi chờ ở đây được rồi.
– Cái gì? Nếu mày muốn chờ tao thì… ít ra phải đến sáng.
– Tại sao?
Horemheb bật cười rồi hạ giọng nói nhỏ:
– Hôm nay tao hái đến hai bông hoa nên chắc lâu lắm…
Hai cô gái nghe hắn nói, bật cười khúc khích. Tôi khó chịu nhún vai:
– Không sao, tao chờ được.
Sau khi Horemheb bỏ đi rồi thì tôi mới thấy mình lầm.
Quanh bàn tiệc, người ta cười nói ồn ào nhưng tôi cảm thấy lạc lõng làm sao. Tôi muốn đứng dậy ra về nhưng hình như tâm hồn còn vương vấn một điều gì không giải thích được.
Tôi ngồi đó, bất chấp những người khách dập dìu qua lại, rồi như bị một điều gì kỳ lạ thúc đẩy tôi nâng ly rượu uống một hơi dài. Tiệc đã tàn. Những người khác dần dần bỏ đi đâu mất. Các thiếu nữ xinh đẹp cũng tản mát dần, chỉ còn tôi ngây ngô ngồi đó với một tâm trạng trống trải kỳ lạ. Đầu óc tôi trở nên hoang mang, không biết vì men rượu hay cái gì khác!
Bất chợt tôi ngửi thấy một mùi hương rất dịu dàng.
Thiếu nữ chủ nhân đang đứng trước mặt tôi. Cô đã thay đổi y phục, mặc một chiếc áo mỏng màu xanh nhạt. Cô hỏi:
– Anh là ai? Tại sao còn ngồi đây?
Giọng nói của cô thánh thót như thủy tinh khiến tôi cảm thấy chếnh choáng
– Tôi là Sinuhe, y sĩ cho hoàng đế Akhenaten…
Thiếu nữ nhíu mày như suy nghĩ rồi nhẹ nhàng hỏi:
– Phải chăng Sinuhe còn có nghĩa là “con người cô độc”?
– Cha tôi nói Sinuhe có nghĩa là “người sống một mình”.
Ông chọn tên này trong một cuốn cổ thư nói về sự biết sống một mình…
Tôi chưa nói hết thì thiếu nữ đã để tay lên môi ra hiệu cho tôi đừng nói rồi lắc đầu:
– Em không thích… cô độc.
Tự nhiên tôi thấy một cảm giác ấm áp kỳ lạ truyền đi khắp thân thể khiến tim tôi đập mạnh và miệng lưỡi trở nên khô ráo lạ thường. Thiếu nữ thì thầm:
– Anh ơi, em rất sợ sống một mình…
Chưa bao giờ tôi nghe câu nói nào tình tứ như thế. Tôi muốn lên tiếng nhưng không sao thốt nên lời. Thiếu nữ thản nhiên:
– Vì thế mỗi đêm em đều mở tiệc để tránh sự cô đơn nhưng… tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn, và rồi mọi người đều bỏ đi và em lại cô đơn…
Tôi run giọng nói không ra hơi:
– Nhưng… nhưng còn có tôi đây.
Thiếu nữ mỉm cười không nói nhưng tôi đã ngây ngất trước nụ cười hàm tiếu đó. Bất chợt tôi nghĩ đến quan đại thần Malik và gã lái buôn người Ba Tư. Cả hai đều sẵn sàng bỏ ra những số tiền rất lớn chỉ để đổi lấy nụ cười mỹ nhân.
Tôi đâm ra ngượng ngùng:
– Tôi chỉ là một y sĩ nghèo… không có gì để tặng cô hết.
– Nhưng em đâu đòi hỏi anh một thứ gì.
Tôi run giọng hỏi dồn:
– Thật… thật… không?
Thiếu nữ chăm chú nhìn tôi một lúc rồi thì thầm:
– Nefer này chưa bao giờ đòi hỏi ai một thứ gì hết.
Thì ra thiếu nữ tên là Nefer. Tôi say sưa nhắc lại tên nàng:
– Nefer… Nefer… Ôi! Cái tên tuyệt đẹp…
Thiếu nữ nhíu mày:
– Chỉ có cái tên đẹp thôi sao?
– Không… không đâu… Không những tên cô đã hay mà cô còn đẹp tuyệt vời nữa. Tôi chưa thấy ai đẹp hơn cô.
Thiếu mỉm cười có vẻ hài lòng:
– Anh khéo nói lắm. Người từng trải như anh chắc phải nói câu này nhiều lần rồi?
Tôi cảm thấy chếnh choáng như người say rượu:
– Không… không đâu… Đây là lần đầu. Tôi chưa hề khen ai hết.
– Thôi đi, đàn ông các anh lúc nào cũng thế…
Tôi thành thật:
– Nefer, tôi chưa hề quen biết ai như cô… Thật ra cô là người phụ nữ đầu tiên…
– Thế ư?
Tôi nói như mê sảng:
– Nefer, tôi không biết phải nói thế nào nữa. Nefer, cô đẹp tuyệt trần. Nhìn vào đôi mắt cô, tôi có thể quên đi tất cả mọi sự. Nhìn đôi môi của cô, tôi có thể làm tất cả mọi thứ cô muốn. Nefer, nếu được yêu thì dù chết tôi cũng sẵn sàng…
Nefer chăm chú quan sát tôi rồi nhẹ nhàng hỏi:
– Anh sẽ không hối hận chứ?
– Hối hận ư? Làm sao tôi có thể hối hận được nếu…
Nefer mỉm cười, nói thật chậm:
– Này Sinuhe, Con Người Cô Độc! Anh có thể ở đây với em cho qua đêm nay nhưng anh hãy suy nghĩ thật kỹ vì anh chỉ có thể đến với em một lần mà thôi.
Tôi giật mình hoảng hốt:
– Tại sao? Tại sao… chỉ một lần thôi?
Nefer nhìn tôi với vẻ thương hại:
– Khi đến với em, người nào cũng mang cho em một món quà. Phần anh cũng thế, món quà của anh là sự ngây thơ nhưng anh chỉ có thể cho em một lần mà thôi…
– Tại sao?
– Vì sau đó anh sẽ được đối xử như mọi người đàn ông khác, không hơn, không kém.
– Tại sao thế?
Nefer có vẻ ngạc nhiên, khuôn mặt của cô chợt đanh lại nhưng rồi cô bật cười:
– Sinuhe, anh thật ngây thơ! Không lẽ anh không biết em là ai sao? Anh hãy suy nghĩ cẩn thận vì em không muốn anh phải đau khổ sau này.
– Tôi không cần, tôi chỉ muốn…
Nefer mỉm cười nắm lấy tay tôi khiến tôi bủn rủn chân tay:
– Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?
Tôi cảm thấy tim mình đập mạnh như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực:
– Tôi… tôi đã suy nghĩ kỹ rồi…
° ° °
Nghe tiếng đập cửa, gã nô lệ da đen bước ra. Hắn nhìn tôi từ đầu xuống chân nhưng im lặng không nói gì. Tôi thu hết can đảm lên tiếng:
– Tôi… tôi muốn gặp cô Nefer.
– Ông là ai?
– Tôi là Sinuhe… Tôi… đã từng đến đây… mấy hôm trước.
Gã nô lệ lạnh lùng:
– Nếu thế hẳn ông biết quy luật nơi đây. Ông có mang quà gì cho chủ nhân của tôi không?
Tôi luống cuống:
– Tôi… tôi không có gì cả nhưng…
– Thế thì không được.
Gã đóng sập cửa lại một cách tàn nhẫn. Hiển nhiên không phải là người thông minh tôi cũng biết rõ tình trạng hiện tại của mình. Sau cái đêm thần tiên đó, tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng vẫn không thể quên Nefer được. Tôi đã đi qua đi lại trước cửa ngôi biệt thự này biết bao lần mà không dám vào. Tôi tự nhủ phải quên Nefer nhưng tôi vẫn không thể đừng nhớ tới ánh mắt và nụ cười nàng. Tôi đã tìm đủ mọi việc bận rộn để làm mong tìm quên nhưng hình ảnh Nefer vẫn ngự trị trong tim tôi.
Tôi tìm đến kể lể với Horemheb thì hắn bật cười:
– Trong trời đất thiếu gì đàn bà mà sao mày lại khổ vì một đứa như thế?
– Nefer không giống những người đàn bà khác.
Horemheb lắc đầu thương hại:
– Có lẽ mày cần gặp những phụ nữ khác rồi mày sẽ quên nó.
– Không, không bao giờ tao quên được Nefer.
Horemheb không phải là người thích nói nhiều. Thấy tôi buồn, hắn rủ tôi đi uống rượu nhưng dù uống đến say mèm, tôi vẫn không thể quên được Nefer. Vài hôm sau, Horemheb phải hộ tống Pharaoh đi Tel El Amarna nên tôi không còn ai để tâm sự nữa. Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi lại thất thểu tìm đến biệt thự của Nefer. Một lần nữa, gã nô lệ da đen mở cửa nhưng thấy tôi hắn bèn đóng sập cửa lại. Tuy thế tôi cũng thoáng thấy một người đàn ông đang ngồi sát bên
Nefer. Cơn giận ở đâu tràn đến, tôi chồm lên đẩy gã nô lệ qua một bên để xông vào trong nhà nhưng tôi không đi được xa. Nghe tiếng động, một toán gia nhân khác đã xúm đến đè chặt tôi xuống đất.
Trong cơn tuyệt vọng, tôi kêu lên:
– Nefer! Nefer! Sao cô nỡ đối xử với tôi như vậy?
Đám gia nhân bịt chặt miệng tôi lại và kéo thẳng tôi ra cửa nhưng bất ngờ thay, Nefer từ trong bước ra:
– Này Sinuhe, em đã nói rất rõ với anh rồi…
Tôi thều thào van xin:
– Tôi biết… tôi biết nhưng… tôi vẫn muốn gặp cô.
– Nếu muốn gặp em, anh cứ việc mang quà đến như những người khác.
– Nhưng tôi chỉ là một y sĩ nghèo, tài sản chỉ có hai bàn tay trắng.
Nefer nheo mắt nhìn tôi rồi lạnh lùng nói:
– Anh vẫn có một căn nhà… phải rồi, một phòng mạch.
Tôi giật mình như bị sét đánh trúng rồi lắp bắp nói không ra hơi:
– Nhưng… đó là… đó là nhà của… cha mẹ tôi…
– Em đã nói rồi, muốn gặp em anh phải mang quà đến.
– Phải chăng… nếu tôi biếu cô căn nhà đó thì cô sẽ…
Nefer nhăn mặt như không muốn nghe. Tự nhiên tôi cảm thấy hối hận hơn bao giờ hết:
– Nefer, cô hãy tha lỗi cho tôi… đáng lẽ tôi không nên nói
như thế.
– Em không bao giờ đòi hỏi anh một thứ gì.
– Đúng rồi! Đúng rồi!
Tôi vội vã trở về Thebes thu xếp văn tự, địa đồ mà cha tôi vẫn cất kỹ trong tủ. Tôi nhặt nhạnh thuốc men, dụng cụ hành nghề y khoa của cha tôi để lại, mang hết ra chợ bán lấy một số tiền. Trước khi Kepta kịp phản ứng, tôi đã tống cổ tên nô lệ Do Thái này ra đường, rồi trở lại Memphis. Tôi phủ phục dưới chân Nefer, đưa cho cô này tất cả giấy tờ, tiền bạc. Cũng như lần trước, sau một đêm ân ái, tôi lại thấy mình lang thang trước cửa ngôi biệt thự đó. Trong cơn tuyệt vọng, tôi cố gắng gõ cửa một lần nữa.
Gã nô lệ nhìn ngắm thân thể bạc nhược của tôi rồi lắc đầu:
– Ông không nên trở lại đây nữa.
– Nhưng tôi cần gặp cô Nefer.
– Chủ tôi không bao giờ tiếp những người như ông đâu.
– Xin chú hãy thương tôi, làm ơn cho tôi gặp Nefer.
– Không được.
Gã nô lệ đóng sập cửa lại. Tôi liều lĩnh đưa chân ra chận lại nên bị cánh cửa kẹp trúng làm máu phun ra có vòi. Tôi đau đớn rú lên nhưng gã nô lệ thản nhiên đẩy tôi ngã nhào ra thềm rồi khép chặt cửa. Tôi ôm chiếc chân đầy máu nằm gục trước cửa cho đến khi ngửi thấy mùi hương dịu dàng ở đâu thoảng đến.
Nefer đứng trước bực thềm nói vọng xuống:
– Này Sinuhe, em đã cảnh cáo anh từ trước rồi.
– Tôi biết… tôi biết nhưng… tôi vẫn muốn gặp cô.
– Nếu muốn gặp em, anh cứ việc mang quà đến như những người khác.
– Nhưng… nhưng quả thật tôi không còn gì để tặng cô nữa.
Nefer nhìn tôi chăm chú một lúc rồi thong thả nói:
– Sinuhe, em biết anh vẫn còn một thứ.
Tôi mừng rỡ kêu lớn:
– Cái gì? Tôi còn cái gì?
Nefer chỉ tay vào sợi dây đeo trên cổ mà hoàng đế Akhenaten đã tặng tôi:
– Người ta nói rằng trong thời gian ẩn tu ngoài sa mạc, Pharaoh đã tự tay quấn lấy cho mình chiếc dây này để đeo trên cổ. Tuy nó không có giá trị hiện vật những nó cũng là thứ mà anh có thể tặng cho em được.
Tôi run giọng:
– Đây là kỷ vật của Pharaoh, đâu thể mang ra đổi chác được. Nếu ngài biết được thì tôi chỉ có nước chết.
Nefer nhún vai thản nhiên:
– Em chỉ muốn thử lòng anh thôi và bây giờ em biết rõ tình yêu của anh đối với em như thế nào rồi. Này Sinuhe, chiều nay có một đại phú thương từ Syria đến, ông ta sẽ tặng em một vòng ngọc mà khi xưa hoàng đế xứ Hitites đã phải tốn bao công phu mới chiếm được nó. So với chiếc vòng đó thì…
Tôi đau đớn cởi sợi dây đeo trên cổ ra đưa cho Nefer:
– Đây, cô hãy cầm lấy. Tôi sẵn sàng cho cô tất cả những gì tôi có.
– Em không bao giờ đòi hỏi anh một thứ gì mà anh không muốn.
– Đúng rồi! Đúng rồi! Cô cứ việc cầm lấy đi.
Nefer nhận sợi dây đeo cổ rồi lắc đầu một cách thương hại:
– Sinuhe, anh quả đã yêu em một cách tuyệt đối.
Tôi thều thào:
– Nefer… Nefer… Tại sao cô không thể yêu tôi tuyệt đối như vậy?
Nefer im lặng nhìn tôi một lúc rồi ghé sát vào tai tôi thì thầm:
– “Này Sinuhe, nếu anh có thể hiểu được em. Nếu anh có thể hiểu được tâm trạng một người con gái chưa đầy mười hai tuổi đã bị bán làm nô lệ như thế nào. Trong nhiều năm, người ta đã bán em từ chủ này qua chủ khác như bán một con vật.
Em đã trải qua những giây phút nhục nhằn, tủi hổ và em đã tìm cái chết nhiều lần. Em đã từng yêu nhưng không được đáp lại. Em đã từng hiến tặng những gì em có nhưng chỉ nhận lại những phản bội, lường gạt. Em đã khóc hết nước mắt và sự đau khổ đã làm tâm hồn em chai đá. Em thề sẽ không bao giờ để ai làm chủ mình nữa. Em cương quyết sẽ không bao giờ yêu ai nữa.
Đối với em, tình yêu chỉ là một sự đổi chác, mua bán, được cái này thì mất cái khác. Em tự nhủ rằng người ta đã đối xử với mình ra sao thì mình sẽ đối xử như thế với người khác. Ngày trước em là một nô lệ, một thứ giải trí của đàn ông thì ngày nay đàn ông phải là nô lệ của em, phải là trò tiêu khiển của em. Ngày trước em đã bị mua đi bán lại như một con vật thì ngày nay những người đến với em đều phải tán gia bại sản, thân bại danh liệt. Như thế mới công bình, có phải không?
Này Sinuhe, em đã cảnh cáo anh từ trước nhưng anh không nghe. Đa số đàn ông chẳng bao giờ biết nghe hết.
Lòng tự hào đã khiến họ hành động như loài thiêu thân, tuy biết mà vẫn lao mình vào ánh đèn để cháy tan xác.
Này Sinuhe, em đã dạy anh một bài học vè đàn bà nhưng có lẽ anh chưa học được. Đã thế anh còn đòi một tình yêu tuyệt đối.
Này “Con Người Cô Độc”, trong đời này chẳng có gì là tuyệt đối cả. Tuyệt đối chỉ là trò chơi chữ nghĩa của những triết gia, học giả, hay những kẻ mơ mộng, vô công rỗi nghề mà thôi. Tuy nhiên vì anh đã muốn nên hôm nay em sẽ dạy cho anh một bài học về tình yêu tuyệt đối để không bao giờ anh có thể quên được…”
Trước khi tôi kịp phản ứng, Nefer đã đứng phắt dậy nói với gã nô lệ da đen:
– Kể từ nay, người này tuyệt đối không bao giờ được đặt chân đến đây nữa. Tôi ngạc nhiên kêu lớn:
– Ô hay! Tại sao lại như thế?
Nhưng cánh cửa to lớn đã đóng sập lại một cách phũ phàng.
Đời sống thường có những thay đổi bất ngờ. Người hôm trước là bạn, hôm sau có thể là thù, và người trước là kẻ thù thì sau có thể đổi thành bạn. Trường hợp của tôi cũng thế. Không bao giờ tôi ngờ tình bạn giữa tôi và Horemheb có thể thay đổi, chỉ vì một người đàn bà.
Sau nhiều ngày lang thang trước cửa nhà Nefer nhưng không được đáp ứng, tôi đành bắt chước Horemheb mượn hơi men để giải sầu. Chẳng mấy chốc tôi đã trở thành một kẻ lang thang trà đình tửu quán, say sưa và nói năng lảm nhảm. Hôm đó tôi tìm đến một quán rượu để giải khuây, mặc dù trong túi chẳng còn một đồng xu nào nữa. Người chủ quán đã biết tình trạng tài chánh của tôi nên chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ. Trong lúc tôi đang tìm cách thuyết phục hắn bán rượu chịu thì một gã lái buôn quần áo sang trọng, cùng một đoàn tùy tùng bước đến.
Gã này hỏi tôi:
– Tôi muốn đi tìm một người, phiền ông chỉ giùm.
– Tôi không biết, xin ông đi ra chỗ khác.
Gã lái buôn nhìn ngắm tôi từ đầu đến chân rồi thản nhiên:
– Tôi cần gặp một người bạn để thương lượng công việc buôn bán nhưng người ta nói rằng hắn đang ở biệt thự của cô Nefer, phiền ông chỉ giùm…
Vừa nghe đến đó tôi đã giật mình và trong thoáng giây, đầu óc tôi làm việc thật nhanh. Tôi trả lời ngay:
– Tôi biết chỗ nhưng rất khó tìm. Có lẽ tôi phải đưa ông đến đó mới được.
Gã lái buôn mừng rỡ cám ơn rối rít. Tôi đưa hắn đến biệt thự của Nefer. Khi cánh cửa vừa mở, tôi đã nhanh chân lẩn vào đoàn tùy tùng của hắn nên người giữ cửa không thấy.
Cảnh vật bên trong vẫn như xưa, những đoàn thiếu nữ xinh đẹp, những người lái buôn sang trọng, những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị cùng những điệu nhạc dồn dập kỳ lạ. Tôi không thấy Nefer trên chiếc ghế quen thuộc, có lẽ nàng đang bận tiếp khách. Vừa nghĩ đến đó, đầu óc tôi đã nóng ran lên, tôi phải cố gắng lắm mới bình tĩnh bước ra phía sau vườn.
Căn phòng của Nefer nằm sát khu vườn với những chậu hoa tươi bầy chung quanh. Tôi tiến đến nhìn vào cửa sổ và bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng mà không bao giờ tôi có thể quên được. Tôi thấy Nefer đang quấn quít trong vòng tay lực lưỡng của một người đàn ông có thân hình rắn chắc như một lực sĩ. Người đàn ông đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là Horemheb, người bạn chí thân của tôi.
Đầu óc tôi trở nên quay cuồng. Tôi cố trấn tĩnh nhưng tim tôi đập liên hồi. Tôi dụi mắt, tưởng mình đang mơ nhưng không, tôi đang tỉnh táo hơn bao giờ hết. Tại sao lại có thể như thế được? Trong thoáng chốc, cơn ghen ở đâu nổi lên khiến tôi không còn bình tĩnh nữa. Tôi gầm lên một tiếng, xông thẳng vào phòng. Horemheb giật mình buông Nefer ra nhưng trước khi hắn kịp đứng dậy, tôi đã xông đến chụp lấy cổ hắn. Horemheb là tay võ nghệ tuyệt luân, chỉ
một thoáng hắn đã thoát khỏi tay tôi:
– Cái gì thế Sinuhe?
– Thằng khốn nạn! Tao phải giết mày!
Tôi xông vào đấm đá túi bụi nhưng Horemheb đã xoay mình tránh được những quả đấm của tôi.
– Này Sinuhe, mày hãy bình tĩnh nghe tao nói đã…
– Thằng khốn kiếp! Đồ vong ân bội nghĩa! Tao phải giết mày…
Tôi điên cuồng chụp lấy cái ghế gần đó ném thẳng vào Horemheb nhưng hắn cũng tránh được.
– Khoan đã… Mày hãy nghe tao nói đây…
Nhưng tôi không còn nghe thấy gì hết. Cơn giận làm đầu óc tôi trở nên tê liệt. Tôi xông đến, tiện tay vớ được cái gì thì đập phá cái đó. Horemheb lắc đầu co cẳng chạy ra vườn rồi mất hút trong lùm cây rậm rập. Tôi quay qua Nefer:
– Con khốn nạn! Mày đã phụ lòng ta…
Khuôn mặt Nefer trở nên xanh xám, có lẽ cô vừa bực tức vừa ngạc nhiên nên không phản ứng gì được. Tôi gầm lên một tiếng lớn rồi xông đến nhưng Nefer đã quay mình chạy ra vườn. Được vài bước, cô trượt chân ngã nhào xuống đất.
Tôi nhảy đến chụp lấy chiếc cổ thon của Nefer bóp mạnh nhưng lúc đó đám gia nhân nghe tiếng động đã ùa đến. Gã nô lệ da đen đưa tay nhấc bổng tôi lên khỏi mặt đất. Một trận mưa đấm đá trút lên thân thể tôi nhưng tôi không còn thấy đau đớn mà vẫn tiếp tục gầm rú như một con thú điên.
° ° °
Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong một bụi cây ven đường, thân thể đầy máu. Lần đầu tiên trong đời, lòng tôi dâng lên một mối căm hờn kỳ lạ. Tôi nghĩ đến Nefer và nụ cười nửa lạnh lùng, nửa quyến rũ. Tôi nghĩ đến Horemheb và dáng dấp hiên ngang với nụ cười ngạo nghễ mà thấy trong lòng tràn lên một sự đau xót chưa từng thấy.
Trong cơn cuồng nộ, tôi thét lớn: “Tao thề sẽ giết cả hai đứa chúng mày!” Sau một lúc gào thét chửi rủa, tôi đứng dậy thu xếp hành trang trở về Thebes.
Khi tôi trở lại căn nhà cũ ở Thebes thì nó không còn là nhà của tôi nữa. Một người lạ mặt cho biết họ đã mua căn nhà này từ một gã lái buôn trên Memphis. Tôi đứng nhìn căn nhà thân yêu đã lọt vào tay người khác mà lòng đau như cắt. Sau cùng tôi đành kéo lê tấm thân tiều tụy đi trên đường phố mà chẳng biết mình đi đâu cho đến khi nghe tiếng gọi rối rít của Kepta:
– Ông chủ! Phải ông chủ đó không?
– Kepta! Ngươi đấy ư?
– Thưa y sĩ, chính tôi đây.
– Kepta, ta rất mừng đã gặp lại ngươi. Căn nhà của ta…
Kepta gật đầu than dài:
– Y sĩ ơi, tôi biết chuyện đó nhưng… ông bà… ông bà thân sinh của y sĩ…
Tôi hốt hoảng:
– Cái gì? Ngươi nói gì?
– Hôm trước ông bà thân sinh ra y sĩ đi xa trở về. Ôi chao, khó nói quá!
– Cha mẹ ta đã trở về hay sao? Người ở đâu?
Kepta im lặng nhìn tôi. Con mắt duy nhất của hắn đảo qua đảo lại về phía sau. Lúc đó tôi mới thấy Kepta đang kéo một chiếc xe nhỏ. Một cảm giác kỳ lạ nổi lên khiến tôi rùng mình sởn gai ốc. Tôi vội bước đến nhìn thì thấy trong xe có hai xác chết đã được bó chiếu cẩn thận. Tôi mở ra xem và thấy đó là xác cha mẹ tôi.
– Kepta! Tại sao lại như thế này?
– Còn làm sao nữa! Hai ông bà đi xa trở về thấy căn nhà hương hỏa đã bị bán mất. Hỏi thăm thì biết y sĩ mang tất cả dụng cụ hành nghề, thuốc men ra chợ bán để bao một cô gái nào đó trên Memphis. Khắp thành Thebes, người ta đã nói rất nhiều về y sĩ, nào là y sĩ bỏ nghề lương y để vào làm việc trong triều rồi theo các quan đi đến những chỗ ăn chơi xa xỉ. Nào là y sĩ tiêu tiền như nước, toàn giao thiệp với những thiếu nữ đến từ Babylon. Nghe nói y sĩ chỉ chữa cho người giàu, không thèm tiếp bệnh nhân nghèo. Ôi chao, đủ mọi lời đồn chẳng tốt đẹp gì. Nghe được thế, ông bà thân sinh ra y sĩ chỉ biết khóc. Bao hy vọng ở y sĩ đều tan thành mây khói nên ông bà đành đến đền thờ Amun-Ra cầu nguyện…
Tôi nắm chặt lấy vai Kepta hét lớn:
– Rồi sao nữa? Tại sao cha mẹ ta chết?
Kepta đưa tay chùi con mắt duy nhất:
– Còn sao nữa! Khi tuyệt vọng, người y sĩ nào chẳng biết sử dụng độc dược. Hôm sau các tu sĩ thấy xác hai người nằm đó nên định quăng xuống sông cho cá sấu ăn, nhưng thằng nô lệ này thấy tội nghiệp quá, xin lãnh về chôn cất.
Nếu y sĩ còn nghĩ đến công ơn dưỡng dục sinh thành thì hãy tẩm liệm hai cụ cho tử tế, thằng nô lệ này chỉ xin được hai tấm chiếu rách đó thôi…
Tôi đứng sững không nói được tiếng nào. Tất cả mọi sự đều sụp đổ tan tành. Cơn đau làm cho tôi không còn khóc được nữa. Tôi đứng nhìn xác cha mẹ mình mà trong đầu chỉ một ý nghĩ duy nhất là trả thù.
° ° °
Người Ai Cập tin rằng sau khi chết, thể xác tan rã nhưng sự sống vẫn tiếp diễn tại những cõi giới khác bên kia cửa tử, tùy theo sự phán xét của thần Osiris. Do đó chết không phải chấm dứt mà là sự thay đổi, chuyển hóa từ cõi này đến cõi khác, từ trạng thái này đến trạng thái kia mà thôi.
Truyền thống Ai Cập quan niệm rằng con người gồm có tám thể (Bodies), mỗi thể có một nhiệm vụ đặc biệt, tương ứng với những cõi giới khác nhau.
Thể thứ nhất là Xác (Khat), tương ứng với cõi trần và là “căn nhà” của những thể khác.
Thể thứ hai là Phách (Ka), có nhiệm vụ như cây cầu liên lạc giữa thể Xác với những thể kia. Thể Phách chứa đựng kiến thức của con người, nó có thể hoạt động riêng biệt và thường mang hình dáng của thể xác. Sau khi chết, thể Phách thường quanh quẩn trong mồ và có thể hưởng thụ những đồ vật cúng tế nên người Ai Cập gọi hương hoa, đồ vật chôn cất theo người chết là sở hữu của thể Phách.
Thể thứ ba là thể Vía (Khu), hiện hữu dưới trạng thái những chất hơi nên có thể thay đổi hình dạng thành các đốm sáng hay các hình ảnh mập mờ. Thể Vía chứa đựng tình cảm và tương ứng với cõi Trung giới.
Thể thứ tư là Hồn (Ba) hay là phần tinh thần của con người và tương ứng với cõi Thượng giới. Khi sống, Hồn cư ngụ trong trái tim, sau khi chết nó tiềm ẩn trong thể Phách một thời gian trước khi siêu thoát lên cõi Thượng giới.
Thể thứ năm là Sinh (Ab) hay sự sống. Thiếu thể này người ta không thể sống được vì nó liên hệ đến việc vận chuyển năng lượng vũ trụ đến các thể. Người Ai Cập coi Sinh như năng lực của Hồn vì nó là trung tâm liên lạc giữa các cõi giới.
Thể thứ sáu là Thân (Sakhem), một thể đặc biệt chỉ phát triển ở những người có đời sống tinh thần rất cao, đây công phu tu luyện. Đối với người thường, thể này không phát triển bao nhiêu. Chữ Sekhem còn có nghĩa là “đã hoàn toàn tự chủ” và thường được đồng hóa với chữ quyền năng. Thân thường được coi như tương ứng với cõi Thiên giới.
Thể thứ bảy là Ký (Khaibit), có nhiệm vụ lưu trữ, gìn giữ tất cả kinh nghiệm có tính cách tổng quan cũng như các ràng buộc giữa các cá nhân với nhau. Thể thứ tám là Danh (Ren), chỉ lưu trữ kinh nghiệm riêng biệt có tính cách cá nhân và định hướng cho sự phát triển riêng của từng cá nhân.
Người Ai Cập tin rằng đời sống ở cõi trần liên quan đến thể xác, nhưng sau khi thể xác chết đi, các thể kia phát động và con người tiếp tục sống ở những cõi giới tương ứng, tùy theo sự phán xét, định công luận tội của thần Osiris.
Trong cuộc phán xét này, thể Phách (Ka) và Danh (Ren) giữ vai trò quan trọng vì nó tiêu biểu cho cá tính, kinh nghiệm và danh tánh của cá nhân. Mất danh tánh, họ sẽ trở thành đồ vật vô tri như bàn ghế, gỗ đá; mất cá tính, họ sẽ trở thành loài vật hạ đẳng, không còn cá tính riêng biệt nữa mà có một cá tính chung, như loài kiến, loài ong hay loài sâu bọ.
Để tìm cách bảo vệ Phách và Danh, họ phát minh ra nghệ thuật ướp xác vì thể xác vốn là nơi các thể kia cư ngụ.
Các nghi thức ướp xác, tẩm liệm và chôn cất tại các ngôi mộ kiến trúc đặc biệt, liên hệ đến vị trí các bầu tinh tú, còn có một ẩn nghĩa huyền bí nên việc ướp xác đã được các giáo sĩ ấn định chỉ dành riêng cho vua chúa, một số rất ít người trong hoàng tộc, hay các giáo sĩ có chức tước quan trọng mà thôi. Vì mẹ tôi là một quận chúa và cha tôi là người có đời sống trong sạch, xứng đáng được an táng bên cạnh những vua chúa và quan lớn trong triều, nên tôi quyết định ướp xác và chôn cất cha mẹ tôi trong thung lũng dành riêng cho các gia đình hoàng tộc. Tôi bèn tìm đến trường Khoa Học Của Sự Chết để xin giúp đỡ.
Đó là nột hang đá nằm sâu trong vùng đồi núi hoang vu, rất ít ai dám bén mảng đến. Người ta kể rằng các giáo sĩ giao thiệp với cõi âm này có thể sai khiến các động lực vô hình vật chết những kẻ tò mò tìm đến như chơi. Ngay các vua chúa đầy oai phong cũng kiêng nể vùng này và chỉ sai nô lệ liên lạc với các giáo sĩ mỗi khi có việc chôn cất mà thôi.
Ombo, vị trưởng lão chỉ huy trường Khoa Học Của Sự Chết, là một người có khuôn mặt lạnh lùng như thây ma:
– Ngươi đến đây làm gì?
– Tôi muốn nhờ ông ướp xác cho cha mẹ tôi.
– Việc gì ngươi phải đích thân mang xác đến đây? Tại sao không gọi nô lệ?
– Tôi không có tiền mướn nô lệ.
– Nếu không có tiền mướn nô lệ thì làm sao ngươi có thể trả công ướp xác cho chúng ta được?
– Đúng thế, tôi không có đồng nào dính túi cả.
Ombo lạnh lùng lắc đầu:
– Ngươi hãy cút đi ngay. Ta không tiếp những kẻ nghèo kiết xác như ngươi.
– Nhưng tôi sẵn sàng làm việc ở đây để trả thay tiền công.
Gã giáo sĩ có khuôn mặt như thây ma cười nhạt:
– Thằng ngu xuẩn kia! Ngay những nô lệ nghèo đói nhất cũng chẳng dám đến đây làm việc. Chỉ những tù nhân lãnh án tử hình, những kẻ không còn một hy vọng gì trên đời này nữa, mới làm những việc này. Ngươi nên biết chúng ta chuyên mổ xẻ xác chết, làm việc với ma, giao du với quỉ, khiến mọi người chỉ mới nghe nói đã sợ hãi mất hồn rồi…
– Tôi đã chán mọi sự trên đời rồi nên không còn sợ hãi một điều gì nữa.
– Ha ha ha… Thì ra ngươi là một kẻ tuyệt vọng, nhưng ngươi có thể làm gì?
– Tôi là y sĩ giải phẫu xuất thân từ Abydos. Tôi có thể mổ xác khéo hơn tất cả những nhân viên thiện nghệ của ông.
Ombo ngạc nhiên nhìn tôi không chớp mắt:
– Ta không ngờ một kẻ tốt nghiệp trường Khoa Học Của Sự Sống mà lại hết muốn sống! Phải chăng ngươi muốn đến đây để học về nghệ thuật chết? Được lắm, nếu ngươi làm việc tại đây trong vòng một năm thì chúng ta sẽ ướp xác cho cha mẹ ngươi.
Từ đó tôi trở thành kẻ chuyên mổ xác người. Đối với xã hội bên ngoài, tôi là kẻ đã chết, không ai biết tôi ở đâu hay làm gì nhưng với tôi, ngoài việc ướp xác, tôi đã dành thì giờ còn lại để duyệt xét lại các căn bản giá trị mà tôi vẫn tin tưởng khi xưa. Tôi nghĩ đến đời sống đầy những tranh dành, thù hận vừa qua và tự hỏi, phải chăng muốn sống còn, con người phải tranh đấu, giành giật như thế?
Tôi nghĩ đến Akhenaten với chủ trương cải cách của ông và tự hỏi liệu một Pharaoh nhiều lý tưởng như ông có thể giữ vững ngôi vị trong cái thế giới đầy những mưu mô phản trắc này?
Tôi nghĩ đến tình bạn giữa tôi và Horemheb, hiển nhiên hắn biết rõ cảm tình của tôi với Nefer nhưng tại sao hắn lại làm như thế? Một kẻ hào hoa như hắn thì thiếu gì phụ nữ, tại sao hắn phải tranh giành Nefer với tôi? Phải chăng danh vọng và quyền lực đã biến hắn thành một con người khác?
Tôi nghĩ đến lý tưởng phụng sự người nghèo của cha mẹ tôi rồi tự hỏi người ta đã đạt được gì khi lý tưởng chẳng còn chút giá trị gì trong cái thế giới điên đảo, quay cuồng hiện nay!
Tôi suy nghĩ về những điều mà tôi vẫn theo đuổi và tự hỏi nó sẽ giúp gì cho tôi trong phần đời còn lại? Ngày trước tôi là một thanh niên ngây thơ nhiều lý tưởng, nhưng sự đau khổ và lòng thù hận đã dần dần biến đổi tôi thành một
người khác.
° ° °
Thời gian lạnh lùng trôi qua. Đời sống trong hang đá đầy xác người không giản dị như tôi nghĩ. Ngay cả những tử tội, những kẻ không còn hy vọng gì trên đời cũng không chịu nổi công việc ghê rợn nơi đây. Nhiều kẻ sau một thời gian làm việc đã trở nên điên loạn; kẻ khác tìm cách trốn khỏi đây nhưng lòng thù hận đã nuôi sống tôi trong khung cảnh “địa ngục” này. Tôi thản nhiên làm việc, bất chấp mọi khó nhọc, và nhủ thầm sau khi chôn cất cha mẹ tôi xong, tôi sẽ trở về để rửa hận.
Một đêm nọ, tôi đang ngồi suy nghĩ vẩn vơ thì Ombo ở đâu bước đến:
– “Này Sinuhe, từ lâu nay chúng ta vẫn theo dõi ngươi.
Ta rất hài lòng thấy ngươi đã làm trọn vẹn những điều được giao phó. Không mấy ai có thể làm được như ngươi. Không những ngươi mổ xác đã giỏi mà còn ướp xác thiện nghệ nữa. Khả năng ướp xác, tẩm liệm của ngươi đáng được gọi là một công trình nghệ thuật. Chúng ta, những giáo sĩ của trường Khoa Học Của Sự Chết, đã quyết định mở cho ngươi một cánh cửa mà rất ít khi nào được mở.
Này Sinuhe, Khoa Học Của Sự Chết là một khoa học bí truyền, chúng ta kén chọn học trò rất kỹ nhưng chúng ta sẵn sàng thu nhận ngươi. Chúng ta cho phép ngươi học hỏi, nghiên cứu môn học này. Tuy ngươi đã từng học về Khoa Học Của Sự Sống, nhưng môn Khoa Học Của Sự Chết lại khác hẳn vì đối tượng của nó là cái thế giới bên kia, cái thế giới vô hình với các chủng loại lạ lùng và các kiến thức huyền bí rất ít ai biết. Đây là một đặc ân cho ngươi đó, vậy ngươi nghĩ sao?”
– Nhưng… nhưng tôi chưa biết gì về môn học này cả.
Ombo im lặng nhìn tôi một lúc rồi thong thả giải thích:
– “Này Sinuhe, đa số con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đều không ý thức gì về sự sống cũng như ý nghĩa thật sự của nó. Với họ, khoảng thời gian trước khi ra đời là một cái gì mơ hồ và diễn biến sau khi chết cũng là một cái gì không rõ rệt. Mặc dù con người bao gồm tám thể với những giác quan đặc biệt nhưng phần lớn chỉ biết sử dụng giác quan của thể Xác mà thôi nên họ đã mất đi cơ hội tìm hiểu thêm về những cõi giới khác. Họ không hề ý thức về cái khả năng siêu việt sẵn có, vẫn tiềm ẩn trong mọi cá nhân, mà chỉ biết sống một cách giới hạn, què quặt trong cái thế giới thu hẹp của cõi trần. Không những thế, họ còn sống một cách thờ ơ, mặc cho số phận lôi cuốn chứ không chịu tìm hiểu thêm về ý nghĩa của sự sống.
Tóm lại, con người chẳng biết trước khi sinh ra mình ở đâu, khi sống cũng chẳng ý thức mình sống với mục đích gì, và khi chết cũng chẳng biết mình đi về đâu.
Từ ngàn xưa, thánh Thoth đã dạy cho con người cách sống trọn vẹn bằng cách phát triển khả năng tự chủ để kiểm soát các thể kia và học hỏi, kinh nghiệm các cõi giới qua việc phát triển những giác quan đặc biệt. Vào thời hoàng kim, học trò của Thoth đã du hành khắp các cõi, di chuyển quanh vũ trụ và học hỏi rất nhiều. Nhờ thế, họ đã góp phần xây dựng một nền văn minh huy hoàng với những Kim Tự Tháp hùng vĩ, những đền đài nguy nga, những thạch trụ đặc biệt. Họ đã phát minh ra những bộ môn khoa học như Thiên văn, Kiến trúc, Toán học v.v…
Theo thời gian những lời dạy bảo của thánh sư Thoth đã được học trò của ông chia ra hai phần riêng biệt là Công Truyền hay Khoa Học Của Sự Sống, đề cập đến sự phát triển cá nhân và nghiên cứu các thể cấu tạo nên con người, và Bí Truyền hay Khoa Học Của Sự Chết, chuyên nghiên cứu các cõi giới và chủng loại vô hình. Vì tính cách công truyền nên Khoa Học Của Sự Sống lại được phân chia, sắp đặt thành các bộ môn khoa học thực tiễn như Y học, Dược học, Tâm học, Sinh học v.v… Các giáo sĩ của ngành này đã phổ thông hóa những căn bản giáo lý của Thoth thành những lý thuyết khoa học để giảng dạy cho học trò mặc dù tinh hoa của nó vẫn được cất kỹ và chỉ dạy riêng cho giới giáo sĩ mà thôi. Vì tính cách bí truyền, Khoa Học Của Sự Chết hoạt động giới hạn và thu nhận học trò rất cẩn thận nên ít ai biết gì về môn học vày. Phần lớn chỉ biết ngành này nghiên cứu các phương pháp chôn cất, tẩm liệm mặc dù đó chỉ là một phần rất nhỏ của ngành học này.”
Ombo nhìn tôi như quan sát rồi tiếp tục:
– “Này Sinuhe, sở dĩ môn phái của chúng ta kén chọn học trò rất kỹ vì kiến thức này có thể bị sử dụng với mục đích sai lầm, đưa đến những hậu quả ghê gớm. Trong lịch sử môn phái, đã có những người dùng kiến thức này vào các mục đích ích kỷ, hại nhân, sử dụng tà thuật, biến khoa học này thành một pháp môn phù thủy. Ngươi nên biết, khi xưa khoa ướp xác chỉ áp dụng cho những bậc thánh vương, những giáo sĩ có công phu tu hành rất cao để những luồng từ điện thiêng liêng phát xuất từ xác thân của các ngài được tồn tại lâu bền, ban rải ân huệ cho thế gian. Ngoài ra những xác ướp đó còn là những chứng tích để cho con cháu biết đến tổ tiên, biết đến công phu tu hành, dựng nước của tiền nhân mà noi gương.
Tuy nhiên vào khoảng nguyên đại thứ hai, đã có những rạn nứt trong hàng ngũ học trò của Thoth và đưa đến sự tranh chấp lớn lao mà người sau gọi là sự tranh chấp giữa hai phe Bạch đạo và Hắc đạo; hay Chánh và Tà. Các giáo sĩ thuộc phe Hắc đạo đã sử dụng các động lực vô hình hay âm binh để giúp họ phát triển và bành trướng ảnh hưởng. Vào thời buổi hôn ám, việc sử dụng tà thuật rất thịnh hành, đưa Ai Cập vào một giai đoạn hết sức đen tối, xấu xa.
Xã hội lúc đó bị phân hóa thành hai giai cấp: thống trị và bị trị. Kẻ thống trị sử dụng quyền năng, tà thuật và các lực lượng ma quái để kiểm soát, cai trị những kẻ khác. Kẻ bị trị thì sống khổ sở, bị áp bức, bóc lột, đánh đập như thú vật. Để duy trì ảnh hưởng tà môn này, các giáo sĩ ra lệnh cho ướp xác mình, biến nó thành một trung tâm thần lực của tà môn, hay nói một cách khác, sử dụng xác ướp đó như cây cầu liên lạc giữa cõi vô hình và hữu hình. Từ cõi âm, họ vẫn có thể ảnh hưởng đến những người sống, khuyến khích tiếp tục duy trì con đường tà muội mà họ đã khởi xướng. Vì lý do đó, Khoa Học Của Sự Chết đã bị mang tiếng rất nhiều mặc dù không phải giáo sĩ nào của môn phái này cũng tôn thờ ma quỉ hay làm những điều xằng bậy.
Để tránh những sai lầm đáng tiếc, những giáo sĩ còn sót lại đã đặt ra các tiêu chuẩn tuyển chọn học trò hết sức kỹ lưỡng và kiến thức của ngành này được giữ gìn cẩn thận hơn xưa. Chúng ta đã tỏ ra lạnh nhạt khi ngươi đến đây vì không muốn những kẻ lạ mặt, tò mò làm rộn sự nghiên cứu của chúng ta. Theo truyền thống, chúng ta sinh sống bằng việc ướp xác, chôn cất người chết, nhưng thật ra đây chỉ là một việc rất nhỏ, không đáng kể trong chương trình tu học và nghiên cứu của chúng ta.”
Ombo chỉ lên bầu trời với muôn ngàn tinh tú lấp lánh:
– “Này Sinuhe, hãy nhìn lên bầu trời! Ngươi đừng tưởng vùng không gian bao la vô tận kia trống rỗng mà lầm. Thực ra nó giống như một đại dương với biết bao cõi giới và muôn ngàn sinh vật. Nếu biển cả có các loài thủy tộc thì không
gian kia cũng có những sinh vật vô hình mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Nếu có loài cá sống ở biển, ở ao hồ hay sông rạch, thì không gian kia cũng có những chủng loại khác nhau cư trú trong các cõi giới riêng biệt. Nếu loài thủy tộc có các sinh hoạt riêng rẽ, có loài hiền lành có loài nguy hiểm thì không gian kia cũng có những loài vật sinh hoạt như thế, có loài hiền lành, có loài hung dữ và có loài còn thù nghịch với loài người nữa. Nếu có loài cá sống gần mặt nước, có loài cá sống ở dưới đáy sâu, có loài cá thích ẩn trong hang, có loài cá thích vượt sóng đi xa ngàn dặm thì trong không gian bao la kia cũng có những chủng loại thích hợp với các rung động thanh tao, nhẹ nhàng và có loài chỉ thích hợp với các rung động thô bạo, nặng nề. Có loài ít khi hoạt động và cũng có loài tích cực đi khắp đó đây.”
– Nhưng làm sao ông biết được những điều ấy?
Ombo thản nhiên:
– “Tùy ngươi, tin hay không tin cũng không sao vì chỉ khi nào chính ngươi phát triển khả năng “nhìn thấy” cõi vô hình như chúng ta thì ngươi mới có thể hiểu được điều ta nói.
Này Sinuhe, mọi sinh vật trong vũ trụ, vô hình cũng như hữu hình, đều sống trong những môi trường thích hợp riêng với nó. Loài cá sống và thở dưới nước, loài chim bay trên trời và loài người sống ở dưới đất. Ngoài ra còn có những loài sống trên những vùng núi rất cao, không khí rất loãng và có những loài sống dưới hang sâu, không khí dày đặc.
Đối với một số sinh vật thì sự sống tùy thuộc vào ánh sáng mặt trời, nhưng cũng có loài sự sống chỉ xảy ra trong bóng tối.
Tóm lại, sự sống trên trái đất này được phân phối thật khéo léo khiến cho mọi loài đều sinh hoạt thích ứng với mọi hoàn cảnh. Điều này có thể đưa đến một kết luận rằng trong thiên nhiên, không có một phần nào bỏ trống một cách vô ích. Mỗi loài, mỗi vật đều được cung ứng những hoàn cảnh đặc biệt và môi trường thích nghi, cần thiết cho sự sinh hoạt của chúng.”
– Phải chăng điều này cũng áp dụng cho cõi giới bên kia?
Ombo gật đầu:
– Đúng thế. Trong vũ trụ có nhiều cõi, hữu hình cũng như vô hình và định luật thiên nhiên đã định rằng cõi vô hình cũng phải có sự sống như cõi hữu hình. Do đó các chủng loại vô hình cũng được cung ứng những điều kiện sinh hoạt cần thiết, thích nghi riêng với chúng. Hiển nhiên cũng như cõi hữu hình, cõi vô hình có những môi trường riêng biệt và điều kiện sinh hoạt khác nhau. Nếu cõi hữu hình có hàng triệu sinh vật thì cõi vô hình cũng phải có hàng triệu sinh vật tương tự sống rải rác khắp nơi trong vũ trụ.
– Nhưng làm sao ông biết được các cõi này?
Ombo thản nhiên:
– Này Sinuhe, kiến thức là những điều đã được người xưa nghiên cứu và truyền lại cho hậu thế, nhưng nếu người sau không chịu nghiên cứu, học hỏi thêm thì đó chỉ là những tin tưởng suông mà thôi. Là kẻ nghiên cứu cõi vô hình, hiển nhiên chúng ta có khả năng đến tận nơi để học hỏi. Chúng ta biết khi sống con người đã không suy nghĩ, hành động giống như nhau thì khi chết họ cũng không thể đến cùng một nơi được. Tùy theo sự phán xét của Osiris, mỗi vong linh sẽ đến những cảnh giới và môi trường sinh hoạt thích hợp. Đó chính là định luật về sự tương quan giữa sự sống và sự chết. Khi sống ra sao thì khi chết cũng sẽ như thế. Khi sống lương thiện thì sẽ đến cõi giới lành và khi sống hung ác thì sẽ đến những cõi giới xấu xa. Nhờ nghiên cứu về các cõi giới vô hình và các chủng loại tại đây mà chúng ta hiểu rõ những ảnh hưởng của các cõi này đối với sinh hoạt của loài người như thế nào.
Tôi chăm chú nhìn vị giáo sư chỉ huy trường Khoa Học Của Sự Chết. Những điều ông ta nói tuy hợp lý nhưng tôi vẫn chưa tin được. Trí suy luận của tôi chưa thể chấp nhận những điều lạ lùng, vượt ngoài khả năng hiểu biết này.
– Theo như ông nói thì phải chăng có sự liên hệ mật thiết giữa cõi sống và cõi chết; hay cõi hữu hình và cõi vô hình?
– Dĩ nhiên là như thế.
– Nhưng tại sao tôi không nghe ai nói về những điều này?
Ombo lạnh lùng:
– Đa số con người vốn ngu dốt lại ngạo mạn. Họ chỉ tin tưởng vào các giác quan thô thiển của thể Xác chứ không biết cách phát triển các giác quan khác để học hỏi thêm. Vũ trụ là một môi trường mà trong đó sự sống biểu hiện chứ không phải là một khoảng không gian trống rỗng vô ích.
Nếu mỗi chiếc lá, mỗi giọt nước đều có các loại sâu bọ hay sinh vật sống bám vào trong đó thì làm sao vũ trụ bao la kia lại chỉ là một khoảng trống rỗng, không có sinh vật nào?
Không lẽ vũ trụ lại không bằng một giọt nước hay chiếc lá sao? Môn phái của chúng ta nghiên cứu sự chuyển hóa thay đổi của các thể qua những cõi giới trong vũ trụ và ảnh hưởng của các thể này đối với các sinh vật vô hình thuộc các cõi giới kia vì chúng và loài người có những tương quan rất đặc biệt.
– Các sinh vật vô hình này hoạt động ra sao?
– Sở dĩ ta gọi là “cõi vô hình” vì mắt, một giác quan của thể Xác không thể nhìn thấy được chúng, nhưng với những kẻ biết sử dụng giác quan của các thể kia thì chúng không “vô hình” chút nào. Trong vũ trụ có rất nhiều cõi giới, mỗi cõi có hàng triệu sinh vật, cấu tạo bằng những vật chất khác với vật chất của cõi trần. Có loài mong manh như sương khói, có loài nặng nề như đất đá. Có loài tốt lành, khôn ngoan và có loài gian manh, bất hảo. Có loài không thích gần loài người nhưng cũng có loài thù nghịch với loài người. Mỗi loài thích hợp với một cõi giới tùy theo những rung động riêng biệt của chúng. Một kẻ có kiến thức về các cõi này phải biết quan sát, học hỏi từ cõi thanh cao đến cỏi thấp hèn. Mỗi cõi đều có các sinh vật với những tôn ti trật tự riêng nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng của những định luật thiên nhiên.
– Nhưng biết đâu đó chỉ là một lý thuyết trừu tượng?
– Không, đây không phải là một lý thuyết. Các danh sư trong môn phái của chúng ta đã nghiên cứu các cõi này cả ngàn năm nay và chính bản thân ta cũng đích thân đến đó nghiên cứu. Môn học sở trường của ta là kiến thức về Tinh Linh của Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa).
– Tinh Linh (Madan) là cái gì?
– Đó là một loài sinh vật khác với loài người, có nhiệm vụ điều khiển, trông coi một nguyên tố (Đại) trong vũ trụ như Đất, Nước, Gió, Lửa. Chúng không có hình dáng nhất định mà cấu tạo bởi những yếu tố riêng nên có thể thay hình đổi dạng, biến hóa trong các cõi giới, khoác lấy những hình dáng vật chất, sử dụng các năng lực huyền bí, tạo ra các hiện tượng vật chất nếu cần. Một pháp sư có thể kêu gọi sự trợ giúp của các Tinh Linh này vào việc tạo ra các hiện tượng huyền bí…
– Việc kêu gọi này như thế nào?
– “Một trong những định luật quan trọng của vũ trụ là định luật về sự quân bình tuyệt đối. Ngươi nên biết rằng vũ trụ là một môi trường hết sức quân bình nên bất cứ một sự thay đổi nào cũng tạo ra những tác động ngược lại để tái lập trạng thái quân bình lúc đầu. Căn bản của yếu tố quân bình này gồm có bốn nguyên tố hay Tứ Đại. Nếu một trong những yếu tố này thay đổi thì nó sẽ làm mất đi sự quân bình và ảnh hưởng đến những yếu tố kia khiến chúng thay
đổi theo để tái lập sự quân bình. Sự thay đổi này sẽ tạo ra những hiện tượng vật chất trong thiên nhiên.
Thí dụ khi yếu tố Phong phát khởi thì nó sẽ tạo những áp lực trong môi trường vật chất mà ta gọi là gió. Một pháp sư của môn Khoa Học Của Sự Chết phải có kiến thức thật rõ rệt về các cõi giới bên kia cửa tử; phải nắm vững từng chi tiết về các điều kiện cần thiết của sự quân bình tuyệt đối cũng như các công thức liên quan đến bốn nguyên tố căn bản (Tứ Đại). Do đó vị pháp sư có thể triệu tập các Tinh Linh đến những nơi chốn cần thiết để tạo ra những hiện tượng vật chất. Y có thể hô phong hoán vũ bằng cách sai khiến các Tinh Linh chi phối yếu tố Phong và Thủy để tạo ra mưa gió hay sấm sét. Dĩ nhiên muốn sở hữu những kiến thức này, pháp sư phải học hỏi, rèn luyện và tuân theo các phương pháp tu luyện đặc biệt…”
– Như vậy ông sẵn sàng chỉ dạy cho tôi những kiến thức ấy?
Ombo im lặng nhìn tôi một lúc trước khi nói tiếp:
– “Trước khi học hỏi, ngươi cần một giai đoạn chuẩn bị rồi trải qua các thử thách mà rất ít ai có thể vượt qua. Chỉ khi nào vượt qua được các thử thách này, ngươi mới được truyền dạy các phương pháp bí truyền, nhờ thế giác quan của ngươi sẽ trở nên bén nhạy hơn, tinh thần của ngươi sẽ mạnh mẽ hơn, và có thể giao tiếp với các cõi giới vô hình mà không bị ảnh hưởng. Đây không phải là một quyền năng như nhiều người vẫn nghĩ, mà là một kiến thức đặc biệt để nghiên cứu vũ trụ qua các giác quan thần bí.
Này Sinuhe, chúng ta là những khoa học gia chứ không phải là thầy phù thủy. Đây là điều quan trọng mà ngươi phải ghi nhớ cho kỹ. Tất cả những sự kiện xảy ra trong thiên nhiên đều tuân theo những định luật riêng. Một khoa học gia nghiên cứu, học hỏi những định luật này để hiểu biết vũ trụ. Một thầy phù thủy dựa vào kiến thức này để làm một điều gì đó, thường có tính cách cá nhân, và đó là sự khác biệt giữa khoa học và tà môn. Cả hai đều biết rõ những nghi thức thỉnh cầu hay kêu gọi, và nắm vững các yếu tố căn bản chi phối thiên nhiên nhưng mục đích việc làm thì khác nhau rất xa.”
Ombo im lặng suy nghĩ một lúc rồi thong thả nói tiếp:
– Ngươi nên biết thế giới bên kia là một vùng cấm địa mà mỗi bước đi đều chứa đầy nguy hiểm. Một kẻ tò mò, vô ý có thể làm thức động những quyền năng mà y không thể kiềm chế. Một kẻ thiếu ý thức có thể làm khơi dậy các động lực bí mật mà chỉ các bậc đạo sư dày công tu luyện mới có thể kiểm soát và chỉ huy. Chỉ một lầm lẫn, bất cẩn nhỏ có thể làm xáo trộn trật tự thiên nhiên, gây ra các hậu quả lớn lao, không thể lường. Sự xáo trộn này sẽ tạo cơ hội cho những sinh vật bất hảo của các cõi giới bên kìa xâm nhập vào những kẻ táo bạo ấy, lợi dụng họ. Thiếu kiến thức về những sinh vật này, họ sẽ để cho chúng hướng dẫn sai lạc và sẽ trở nên nô lệ cho chúng.
– Điều ấy xảy ra như thế nào?
– Trong thiên nhiên có rất nhiều cõi giới khác nhau và các sinh vật tùy theo sự rung động mà thích hợp với một cõi nào đó. Các vong linh khi từ trần cũng tùy theo sự rung động của các thể mà danh từ huyền bí gọi là sự phán xét của Osiris, để thích hợp với cõi giới tương ứng. Tuy nhiên nếu người chết có một ý chí mạnh mẽ, nhất định không thích hợp với cảnh giới tương ứng thì y sẽ rơi vào trạng thái không sống mà cũng không chết. Đây là trạng thái mà các thể thanh cao bị tê liệt và các thể thấp như thể Phách hay thể Vía không tan rã mà quanh quẩn trong mồ, gần xác thân. Vào lúc tối trời, nó có thể xuất hiện quanh các nấm mồ mà người sống gọi là hồn ma. Tuy nhiên theo thời gian, sự luyến tiếc, ham muốn phai nhạt, tiêu hao đi thì các thể này cũng tan biến dần và đó là điều tự nhiên. Trường hợp đặc biệt là có những kẻ khi còn sống đã giao thiệp với các sinh vật cõi âm, làm nô lệ cho ma quỉ và các mãnh lực bất hảo để thực hiện các điều tà muội thì khi chết, họ sẽ trở thành một trung tâm liên lạc giữa cõi âm và cõi trần mà danh từ của chúng ta gọi là “sứ giả của cõi âm” hay một loài quỉ sống.
– Ông muốn nói đến một loài ác quỉ nào đó chăng?
– “Chính thế. Phần lớn họ là các giáo sĩ thực hành tà thuật, những người đi ngược với các định luật thiên nhiên.
Khi còn sống họ có nhiều tham vọng và thường chủ trương những tà thuyết ích kỷ hại nhân, lôi kéo nhân loại vào các con đường sa đọa, xấu xa. Họ sử dụng tà thuật, kêu gọi sự trợ giúp của các động lực bất hảo trong thiên nhiên nên có khả năng hấp dẫn, thôi miên rất mạnh. Họ có thể lôi cuốn hay sai bảo người khác theo mình làm những việc xấu xa, ghê gớm. Sau khi chết họ vẫn muốn duy trì ảnh hưởng nên tìm cách bảo vệ thể xác qua việc ướp xác để nhờ đó mà các thể của họ có chỗ cư ngụ, tiếp tục gây ảnh hưởng lên những người sống.
Ác quỉ hay sứ giả cõi âm là những người có đời sống song đôi: một cái xác ướp trong mồ và một thể vía hoạt động khắp nơi để tiếp tục ảnh hưởng lên đầu óc tín đồ hay những kẻ tin tưởng theo chủ thuyết của họ. Họ sẽ tiếp tục xúi giục con người thù ghét nhau, chia rẽ nhau, chém giết nhau và cổ súy chiến tranh vì những việc này sẽ gây thêm căm thù, oán ghét, bạo động là những lực làm gia tăng sức mạnh của họ. Ngoài ra, có chém giết là có đổ máu và tạo cơ hội cho họ rút lấy sinh lực từ máu của những người đó, hòng nuôi sống cái xác thân trong mồ cũng như các động lực bất hảo xuất phát từ các cõi giới ghê gớm bên kia.”
– Thế còn những sinh vật vô hình khác?
– “Có hàng trăm, hàng ngàn sinh vật khác nhau nhưng ta chuyên nghiên cứu về các giống Tinh Linh (Madan) nên có thể kể cho ngươi nghe về một vài loài như Tinh Linh hành Hỏa (Shudala Madan). Loài này thường sống gần chỗ chôn xác người hay nghĩa địa. Vì thuộc hành Hỏa nên chúng có thể giúp các pháp sư đi vào lửa mà không cháy, dẫm lên than hồng hay chế ngự được các đám cháy.
Tinh Linh hành Thổ (Shala Madan) thường sống dưới mặt đất. Chúng có thể giúp cho pháp sư làm một hạt giống mọc thành cây, đơm hoa kết trái chỉ trong khoảnh khắc.
Tinh Linh hành Thủy (Kumli Madan) thường sống quanh các nơi ẩm ướt, như suối hay sông ngòi và có thể làm mưa gió hay tiết lộ các điều sẽ xảy ra trong tương lai. Khoa Chiêm Thủy, bói toán kiết hung bằng cách nhìn xuống nước, thấy những hình ảnh lờ mờ hiện ra cũng là do sự phụ giúp của các Tinh Linh loài này.
Tinh Linh hành Phong (Poruthu Madan) là loài Tinh Linh có sức mạnh vô cùng, chúng có thể nhấc bổng người lên khỏi mặt đất hay giúp pháp sư dùng thuật khinh thân, đi nhanh như gió và khuất phục các thú dữ.
Ngoài ra còn có Tinh Linh Ảo giác (Diakka Madan), một loài sinh vật thích đóng trò, giả mạo thành những nhân vật này nọ. Vì không có trí thông minh nên chúng thường tìm cách bám víu vào ký ức của con người để tìm lạc thú trong đó. Chúng có thể biết được các sự kiện tiềm ẩn trong ký ức mà người ta đã quên mất từ lâu, mang ra làm điều giả trá, lừa phỉnh. Đối với chúng, lời cầu nguyện thiết tha hay lời đùa cợt đều không khác nhau vì chúng không đủ thông minh để biết đến sự công bình, lòng vị tha, bác ái. Chúng cũng không có quan niệm rõ rệt gì về tình yêu hay thù hận mà chỉ thích mang những ước ao thầm kín của con người ra hứa hẹn quàng xiên để tìm lấy thích thú nhất thời. Điều bất ngờ nhất là chính loài Tinh Linh này lại thường được nhiều người tin tưởng, thờ cúng như các thần linh địa phương.
Đó là sơ lược về các chủng loại vô hình mà ta đã nghiên cứu từ nhiều năm nay. Ta biết ngươi là kẻ ham chuộng kiến thức và có khả năng học hỏi nên ta sẵn sàng hướng dẫn ngươi về những điều ta biết.”
° ° °
Từ đó tôi bắt đầu học hỏi thêm về căn bản của môn Khoa Học Của Sự Chết với các giáo sĩ tại đây. Mặc dù việc học rất giới hạn nhưng tôi cũng biết rằng kiến thức của môn phái này được xây dựng trên những sự hiểu biết hết sức uyên bác về định luật thiên nhiên. Các bậc đạo trưởng ngày xưa trong phái này đã ra công nghiên cứu tường tận về đặc tính cũng như khả năng của mọi loài trong vũ trụ, từ khoáng vật, thực vật đến các sinh vật ở nhiều cõi giới cũng như sự tương quan của chúng trong vũ trụ. Là người ham học hỏi, tôi đã cố công trau dồi kiến thức căn bản này nhưng đôi khi tôi cũng không khỏi nghĩ về những vết thương lòng.
Một hôm trưởng lão Ombo đến gặp tôi:
– “Này Sinuhe, ngươi quả hết sức siêng năng, không phụ lòng dạy bảo của chúng ta. Hiện nay đã đến thời hạn một năm của ngươi. Chúng ta đã ướp xác và làm các nghi thức tẩm liệm cho cha mẹ người rồi nên ngươi có thể đem xác
song thân đi chôn cất cho đúng nguyện vọng khi xưa. Ta rất mừng vì chỉ một thời gian ngắn, ngươi đã nắm được căn bản môn phái chúng ta. Ngươi nên nhớ rằng kiến thức này vốn có tính cách thiêng liêng vì nó đưa đến việc tham dự vào những định luật tối cao, điều khiển tất cả mọi sự trong vũ trụ.
Kiến thức này vốn có từ ngàn xưa, có lẽ từ khi loài người xuất hiện trên trái đất nhưng trải qua thời gian, qua công phu nghiên cứu của các bậc đạo gia thời cổ mà nó được đúc kết thành một hệ thống khoa học cao siêu mặc dù căn bản của nó thật ra rất giản dị. Trong môn phái của chúng ta, ý chí là bí quyết của tất cả mọi sự. Ý chí là một cái gì tế nhị, khôn ngoan, vô hình nhưng mạnh mẽ, ngự trị trên tất cả mọi vật chất bất động, vô tri. Khi con người muốn cử động, một ý định phát ra, thế là chân tay của hắn lập tức cử động.
Cũng như thế, một kẻ biết tập trung ý chí sẽ có thể sai khiến người khác hay tạo ra hiện tượng vật chất nào đó.”
– Nhưng việc sai khiến chân tay cử động khác xa với việc tạo ra các hiện tượng vật chất hay sai khiến người khác chứ!
– “Không đâu! Mọi việc đều bắt nguồn từ việc sử dụng ý chí. Vấn đề khác nhau là sự tập trung và việc sử dụng một cách ý thức hay vô thức mà thôi. Nếu ta lấy một mảnh vải cọ xát vào miếng hổ phách, ta có thể làm miếng hổ phách thu hút các vật nhẹ và thanh hơn nó. Điều này phải giải thích thế nào? Phải chăng ta đã khích động các yếu tố tiềm ẩn bên trong miếng hổ phách khiến nó có thể thu hút các chất khác, thanh nhẹ hơn? Hiện tượng thu hút này là gì nếu không phải là sự hấp dẫn của các vật chất. Nếu quan sát hiện tượng thiên nhiên, ngươi sẽ thấy một con rắn có thể thôi miên một con ếch khiến nó sợ hãi đứng yên cho con rắn ăn thịt, một con cọp cũng có thể thôi miên một con nai và đó là những hành động hữu thức của ý chí hay kết quả của một tư tưởng được tập trung.
Một tư tưởng hay ý chí khi tập trung sẽ có sức mạnh không thể diễn tả, có thể làm những chuyện hết sức lạ lùng, bất ngờ. Dĩ nhiên chỉ những người công phu tu luyện mới làm được việc này vì hầu hết con người không biết gì về sức
mạnh của ý chí nên họ để đầu óc mông lung, thiếu tự chủ nên rất dễ bị ảnh hưởng hoặc sai khiến. Do đó căn bản đầu tiên của môn phái chúng ta là việc tập tánh tự chủ, làm chủ thân lẫn tâm, làm chủ tất cả mọi thể bằng sức mạnh của ý chí.”
Ombo im lặng nhìn tôi rồi nói tiếp:
– “Tất cả mọi vật trong thiên nhiên đều tiềm ẩn bên trong nó một sự sống thiêng liêng, dù nhỏ nhặt hay tế vi thể nào. Mỗi sinh vật có thể thay đổi hình hài, sắc tướng và trải qua những cõi giới vô hình cũng như hữu hình nhưng cái sự sống thiêng liêng này thì không bao giờ đổi thay cả. Vì cùng chung một sự sống nên các vật chất đều tương quan và thu hút lẫn nhau. Nếu ngươi theo dõi sự phát triển của muôn loài thì ngươi sẽ thấy cái nguyên lý của sự sống này phát triển mỗi lúc một tinh vi, phức rạp và hoàn hảo hơn.
Đối với cõi hữu hình, con người là sinh vật có tổ chức hoàn bị nhất vì trong mọi yếu tố vật chất cũng như tinh thần (ý chí) đều phát triển mạnh mẽ và trọn vẹn. Do đó khả năng kiểm soát của con người rất cao, y có thể sử dụng sức mạnh của ý chí để kiểm soát và làm chủ các yếu tố vật chất. Các bậc đạo trưởng trong môn phái chúng ta là những người đã làm chủ được tư tưởng của mình và thoát ly khỏi các kiềm tỏa của vật chất. Một ý chí quyết định là yếu tố khởi đầu của tất cả mọi tác động mầu nhiệm trong thiên nhiên.
Này Sinuhe, muốn bước vào con đường của môn phái chúng ta, ngươi cần nhớ kỹ nguyên tắc sau đây: Ngươi phải cương quyết giải tỏa ý chí ra khỏi vòng kiềm tỏa, vây hãm, lệ thuộc của các yếu tố vật chất và vận dụng ý chí để kiểm soát tất cả mọi hành động của mình.
Hôm nay là ngày huấn luyện cuối vì từ nay ngươi sẽ lên đường và sẽ gặp nhiều thử thách. Chỉ khi nào ngươi vượt qua được những thử thách này thì ngươi mới có thể trở lại đây học hỏi thêm về các kiến thức huyền bí của môn phái chúng ta.”
Ombo nhìn tôi chăm chú rất lâu rồi chỉ lên tường, nơi có hình vẽ một con rắn đang quấn quanh biểu tượng “Tau” (tượng trưng cho sự sống):
– “Này Sinuhe, trước khi ngươi lên đường, ta có vài lời nhắn nhủ riêng với ngươi. Hãy nhìn con rắn kia, nó tượng trưng cho các mãnh lực của vật chất mà bất cứ người nào trong môn phái này đều phải tìm cách tự giải thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của nó và điều khiển nó. Trước khi nhập môn, ngươi sẽ phải trải qua nhiều thử thách của con rắn ma quái ấy. Có lúc nó sẽ nói với ngươi: “Ta sẽ ban cho ngươi tất cả những gì ngươi muốn, nếu ngươi chịu khuất phục ta”.
Ngươi sẽ phải đáp lại bằng tất cả sức mạnh của ý chí rằng:
“Ta không bao giờ chịu khuất phục mày, mà chính mày sẽ phải nằm mọp dưới chân ta. Mày không thể cho ta một thứ gì cả, mà chính ta sẽ sai khiến mày làm những gì ta muốn vì ta là chủ của mày”. Nếu ngươi không thoát khỏi mãnh lực cám dỗ của con rắn ma quái đó, ngươi sẽ đi lạc vào tà đạo như bao người trước đã đi, và rồi ngươi sẽ không thể thoát ra khỏi ảnh hưởng ghê gớm của mãnh lực đó. Do đó ta khuyên ngươi hãy thận trọng…” Ombo đắm chìm trong im lặng. Lần đầu tiên tôi thấy khuôn mặt lạnh lùng như thây ma của ông một vẻ ưu ái khó tả. Ông rút trong túi ra một chiếc huy hiệu nhỏ:
– “Ta trao cho ngươi chiếc huy hiệu này. Nó là biểu hiệu của môn phái chúng ta. Nhờ nó mà ngươi có thể đến nơi chôn cất trong thung lũng mộ vua mà không người nào có thể đến đó được. Nhờ nó mà ngươi sẽ nhận được sự giúp đỡ đặc biệt của những huynh đệ trong môn phái chúng ta.
Này Sinuhe, kể từ nay ngươi sẽ bắt đầu một cuộc hành trình đầy gay go, nhiều thử thách nhưng ta tin rằng ngươi có thể vượt qua được. Từ nhiều thế kỷ nay, kể từ khi học trò của Thoth phân chia những lời dạy bảo của ông thành hai môn phái riêng biệt, mới có một trường hợp đặc biệt hãn hữu như thế này. Ta rất vui mừng vì ngươi là kẻ duy nhất đã thụ giáo kiến thức của phái Khoa Học Của Sự Sống, rồi lại có dịp học hỏi thêm về kiến thức của phái Khoa Học Của Sự Chết. Mặc dù ngươi chưa được chỉ dẫn tường tận về tinh hoa của cả hai môn phái, nhưng theo sự suy luận của ta, đây chỉ là vấn đề thời gian. Ta hy vọng ngươi sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách rồi tiếp tục học hỏi với các danh sư của môn Khoa Học Của Sự Sống, và sau đó đến đây học thêm các kiến thức huyền môn với chúng ta. Chúng ta tin rằng ngươi có một sứ mạng quan trọng là phục hồi toàn bộ kiến thức của Thoth để dạy bảo cho các thế hệ sau. Ta mong ngươi sẽ hoàn tất sứ mạng cao cả này, phục hồi nền minh triết thiêng liêng của Thoth, hướng dẫn nhân loại sống đúng với các định luật thiên nhiên. Biết đâu qua sự dạy bảo của ngươi mà tương lai nhân loại chẳng sáng sủa, tốt đẹp hơn.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet