Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương II: Đường vào Tây Tạng
Từ trước đến nay, tôi không hề có ý định viếng thăm Tây Tạng. Đối với một số người, xứ này là một miền hoang vu chứa đựng nhiều bí mật cần phải khám phá, nhưng đối với tôi, việc tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma và các bậc trưởng lão đã quá đủ rồi. Là một học giả, tôi cảm thấy thoải mái trong việc nghiên cứu các kinh điển, sách vở, mà những thứ này thì người ta không cần phải qua tận Tây Tạng mới có. Giáo sư Edouard Foucaux, người đã giảng dạy về Phật học cho tôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi trường đại học Pháp nhưng vẫn trở thành một học giả nổi tiếng kia mà. Tuy thế, trước khi lên đường trở về châu Âu, một nhân viên ngoại giao đã nói:
– Những chùa chiền, tu viện mà bà thấy tại Sikkim không thể so sánh với Tây Tạng. Đừng tưởng đã học hỏi chút ít về Phật giáo tại Sikkim mà bà có thể tự hào. So với truyền thống Tây Tạng thì Sikkim chỉ là một mẩu vụn rất nhỏ, không đáng kể.
– Nhưng làm sao tôi có thể vào được Tây Tạng? Xứ này vẫn cấm đoán người ngoại quốc, ngay như chính quyền Anh cũng đâu muốn cho ai vào đây.
– Nếu không được phép vào Tây Tạng thì ít ra bà cũng có thể ghé thăm tu viện Nyirna trong thung lũng Lonak. Mặc dù đây chỉ là một tu viện nhỏ nhưng ít nhất nó cũng là một tu viện Tây Tạng với đúng ý nghĩa của nó.
Thung lũng Lonak nằm sát biên giới Sikkim, người ta chỉ cần vượt qua đèo Nago là vào được đây. Bản thân tôi cũng tò mò muốn biết xem các tu viện Tây Tạng khác với Sikkim ra sao nên tôi bèn tháp tùng một đoàn thương nhân vào Tây Tạng. Nago là một ngọn đèo cao khoảng 18.000 bộ[6], đường đi rộng rãi, nhưng do không phải là trục giao thông chính nên sự canh gác có phần chểnh mảng. Các binh sĩ canh phòng chỉ khám xét qua loa hành lý chứ không để ý gì đến những người trong phái đoàn. Chúng tôi vượt qua một cây cầu khá lớn chênh vênh trên miệng vực trước khi đổ dốc xuống thung lũng Lonak. Nói đến thung lũng, người ta thường nghĩ đến một hẻm núi với cây cối rậm rạp, suối nước chảy xiết và nhiều loài thú; nhưng Lonak chỉ là một dải đất khô cằn trơ trụi chạy dài theo chân một dãy núi thấp. Phong cảnh nơi đây không có gì đặc biệt nếu không muốn nói là hết sức hoang vu, tiêu điều. Tu viện Nyirna được xây cất dưới chân một rặng đồi trọc, từ xa người ta đã nhìn thấy những căn nhà đổ nát, những đống gạch vụn, nếu không có một cột khói nhỏ mỏng manh bốc lên thì có lẽ người ta đã nghĩ tu viện này bị bỏ hoang.
Nyirna theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là tia sáng mặt trời. Người Tây Tạng tin rằng tu viện này được xây cất từ Ấn Độ và mang qua đây trên một tia nắng mặt trời nhờ vào phép thuật của vị tổ Mật Tông Padmasambhava.
Truyền thuyết còn nói rằng vị tổ này đã cất giấu quanh đó rất nhiều kinh điển hết sức cao siêu thâm diệu vì lúc đó người Tây Tạng chưa đủ trình độ để học hỏi những bộ kinh này. Khoảng thế kỷ thứ tám, khi vị tổ này đến Tây Tạng thì quốc gia này không lấy gì làm văn minh lắm so với Ấn Độ hay Trung Hoa. Không những dân trí đã thấp kém, lại thêm ảnh hưởng của các tôn giáo cổ như Bon Pa, Povos nên họ chưa thể lĩnh hội những tinh hoa của Phật giáo. Padmasambhava đã để lại những câu sấm ký rằng tùy theo dân trí và các duyên lành xứ này tạo được mà sẽ có những vị tổ hóa thân trở lại đây đem những pho kinh này ra truyền dạy cho người đời sau. Từ đó đến nay đã có một số kinh điển được khám phá và truyền bá bởi các danh sư Tây Tạng, nhưng người ta nói rằng những điều được truyền dạy chỉ là những mảnh vụn không đáng kể vì số kinh cất giấu tại đây còn nhiều mà người có thể lĩnh hội được vẫn còn quá ít. Cũng vì thế, hàng năm vẫn có nhiều tu sĩ tìm đến đây hy vọng sẽ kiếm ra những tài liệu bí mật chưa được khám phá. Truyền thuyết còn kể rằng quanh tu viện Nyirna còn có 108 ngôi chùa và 108 dòng suối linh thiêng. Những ngôi chùa này đều do các bậc thiện tri thức trụ trì và giảng dạy những pháp môn khác nhau. Dĩ nhiên không ai có thể nhìn thấy những tu viện hay suối nước này mà chỉ những bậc tổ, những bậc tu hành đã đắc thần thông, đã mở được thần nhãn mới có thể nhìn thấy và tìm đến để học đạo.
Tuy đấy chỉ là những truyền thuyết nhưng người Tây Tạng nào cũng quả quyết rằng đó là những điều có thật. Họ có thể kể hàng trăm câu chuyện về những người cầu đạo đến đây, vượt qua những thử thách để được thu nhận vào các ngôi chùa kể trên, hoặc những người nhờ được tắm rửa trong những dòng suối thiêng mà trí tuệ trở nên sáng suốt, thông suốt được nhiều điều cao siêu mầu nhiệm.
Ngày trước, Lonak là một trong những nơi chốn thiêng liêng mà tín đồ dòng tu Cổ Mật thường đến hành hương, nhưng theo thời gian miền này càng ngày càng trở nên hoang vắng. Một phần vì nó không nằm trên trục lộ giao thông chính, phần nữa vì tông phái Cổ Mật ngày càng suy yếu, những tinh hoa đều bị thất truyền trong khi các tông phái khác lại phát triển mạnh hơn nên tu viện Nyirna ngày nay đã đổ nát, hoang tàn, không được trùng tu và chỉ còn một số rất ít tu sĩ trú ngụ mà thôi. Vì tu viện đã sụp đổ gần hết nên tôi không thấy nó có gì đặc biệt, nhưng căn cứ trên những mảnh sân rộng lớn lót đá, những dãy nhà khổng lồ, tôi có thể hình dung vào thời thịnh vượng, tu viện này có thể chứa được hàng ngàn tu sĩ, vượt xa những tu viện tại Sikkim mà tôi từng thăm viếng.
Trong dịp viếng thăm thung lũng Lonak, tôi còn gặp một nhóm ni cô ẩn tu trong một hang núi hẻo lánh. Tôi hết sức ngạc nhiên vì cho dù thuộc phong tục hay tín ngưỡng nào, rất ít phụ nữ dám trú ngụ tại những miền hoang vắng như thế. Bước vào hang núi, tôi thấy một bàn thờ bằng đá trang hoàng bởi những bức tượng bằng đất sét nung sơn các màu sắc lạ lùng. Một ni cô đã giải thích:
– Mỗi màu sắc tượng trưng cho một cảnh giới khác nhau nhưng đó chỉ là những lối giải thích thông thường vì sự thật thì tất cả chỉ là huyễn, đều là những hiện tượng của tâm thức. Chính tâm đã tạo ra tất cả và chính tâm có thể hủy diệt tất cả.
– Sao bà biết rõ như vậy?
– Tại thầy tôi đã dạy như thế.
– Thầy của bà là ai?
– Ngài thường được gọi là vị Gomchen hồ Motetong.
– Ngài vẫn đến đây dạy các bà sao?
– Không, không bao giờ ngài đến đây.
Tôi muốn đi sâu vào vấn đề nhưng khả năng Tạng ngữ của tôi còn bị giới hạn, chưa diễn tả điều tôi muốn hỏi hay hiểu được điều những người khác muốn nói; ngoài ra, cách nói chuyện và diễn tả của người Tây Tạng thường hư hư thực thực, không phân biệt rõ rệt giữa những sự kiện thực sự xảy ra và những điều họ tin tưởng. Đôi khi họ nói về những truyền thuyết, huyền thoại cứ như là một việc vừa xảy ra hôm trước mà họ đích thân chứng kiến vậy. Theo tu sĩ này thì vị trụ trì tu viện Nyirna sống tại làng Tranglung cách đó vài chục dặm về phía bắc.
– Tại sao ngài lại sống tại Tranglung?
– Ngài sống tại đó với gia đình.
– Ngài có phải là một vị Lạt Ma?
– Không, ngài là một pháp sư (ngakpa), ngài có thể sử dụng phép thuật thần thông để chữa bệnh cũng như sai khiến quỷ thần. Ngài có thể tạo ra những trận mưa đá hay dông bão. Ngài là người có nhiều quyền năng cao siêu.
– Vậy sao? Thấy tôi có vẻ không tin, vị nữ tu kể thêm:
– Pháp sư Tranglung làm chủ nhiều thửa ruộng lớn và rất giàu có.
Cách đây mấy năm, ngài ra lệnh cho dân làng phải gặt lúa trong những thửa ruộng của ngài, một số nông dân không chịu vì họ còn phải gặt lúa ruộng của họ trước. Thời tiết tại đây rất bất thường, lúc mưa lúc nắng, có lúc có những trận mưa đá nên đến mùa gặt ai cũng lo gặt lúa cho sớm vì sợ mưa đá phá hoại mùa màng. Thấy vậy, ngài bèn sử dụng một huyền thuật gọi là duthab với những hình nhân nặn bằng bột rồi niệm chú vào đó. Ngài vừa dứt lời thì những hình nhân bằng bột lập tức cưỡi gió bay thẳng đến những trang trại mà người chủ đang gặt lúa của họ, tạo ra những trận mưa đá phá hoại mùa màng, trong khi ruộng của người dân gặt lúa cho ngài không hề bị hư hại gì cả. Từ đó dân làng đều đồng lòng quy phục ngài, không ai dám cãi lệnh ngài nữa.
Câu chuyện có vẻ lạ lùng, khó tin và khó kiểm chứng nhưng các tu sĩ này đã kể lại với một sự tin tưởng mãnh liệt nên tôi cũng mong có cơ hội tiếp xúc với viên pháp sư đã làm những hình nhân bằng bột sống dậy này xem hư thực ra sao. Tuy nhiên, Tranglung nằm sâu trong lãnh thổ Tây Tạng mà tôi thì chưa sẵn sàng làm một cuộc khám phá mạo hiểm. Tôi sợ cuộc viếng thăm bất hợp pháp này có thể gây khó khăn với chính quyền hai nước nên tôi chỉ để lại một ít lễ vật nhờ các tu sĩ tại đây trao lại cho vị pháp sư làng Tranglung rồi trở lại Sikkim. Tôi không ngờ chính nhờ các lễ vật nhỏ này mà về sau khi ghé Tranglung, tôi đã được vị pháp sư này đón tiếp nồng hậu.
Trên đường về Gangtok, tôi lại có dịp đi ngang Lachen. Như có một động năng kỳ lạ nào đó thôi thúc, tôi bỗng nảy ra ý định muốn tiếp xúc với con người kỳ lạ thường được gọi là Lachen Gomchen. Tôi nhủ thầm trước sau gì mình cũng trở về châu Âu, đây có thể là chuyến du hành cuối cùng tại miền này. Tôi đã học hỏi những gì mình muốn với các vị Lạt Ma trưởng lão nhưng tôi chưa biết gì về những người thường được gọi là Gomchen cả.
Tại sao họ không tu học tại những tu viện mà lại tìm vào miền hoang vu tu hành? Phải chăng họ có một phương pháp nào đó không giống những phương pháp thường được truyền dạy trong các tu viện? Không hiểu vì sao hình ảnh con người lạ lùng đứng sừng sững trước chánh điện chùa Lachen đã tạo một ấn tượng hết sức mạnh mẽ trong tâm khảm tôi. Hình như có một cái gì lạ lùng toát ra từ con người kỳ lạ này. Một cái gì huyền bí nhưng oai nghiêm mà tôi không hề thấy nơi các vị trưởng lão khác. Tôi đã được nghe nhiều người nói đến vị Lachen Gomchen này. Người ta đã nói về ông với một vẻ kính trọng pha lẫn sợ hãi. Họ nói ông là một người phi thường, người đã khai mở được những năng lực thượng thừa, người có thể sai khiến được ma quỷ. Dĩ nhiên một người đã nhập thất mấy chục năm trong một hang đá hoang vu chắc chắn phải sở hữu được những kiến thức khác thường và biết đâu tôi sẽ học hỏi thêm được điều gì đó?
Từ Nyirna đến Lachen, tôi đã thuê một con bò Yak để cưỡi, nhưng khi đến đây người chủ có ý muốn dắt bò về nên tôi cần phải thuê một con ngựa khác. Một dân làng đã mang đến một con ngựa to lớn. Ông cho biết con vật này vẫn thường chuyên chở lương thực lên đỉnh Thangu, nơi Lachen Gomchen ẩn tu nên nó rất quen đường xá. Tôi vui vẻ trèo thử lên yên ngựa thì bất chợt con vật nhảy nhổm lên rồi hất tôi ngã lăn quay xuống đất. Bình thường các giống ngựa sau khi giở chứng còn lồng lộn hí vang một hồi, nhưng đàng này sau khi hất tôi xuống đất, con ngựa lại trở nên hiền khô thong thả gặm cỏ như không hề có chuyện gì xảy ra. Người chủ ngựa hoảng hốt đỡ tôi dậy:
– Xin lỗi bà, tôi không hiểu sao con ngựa này lại giở chứng như vậy, nó vốn là một con vật rất thuần kia mà. Thấy tôi có vẻ không tin, gã chủ ngựa bèn chạy lại leo ngay lên lưng nó như để chứng tỏ rằng đó là một con ngựa đã thuần, nhưng lần này con ngựa cũng chồm lên hất ông ta ngã ngay xuống đất. Người ta vội chạy lại đỡ ông dậy và lôi con ngựa chứng đó vào chuồng. Gã chủ ngựa lắc đầu rên rỉ:
– Lạ quá! Bao lâu nay tôi vẫn cưỡi nó mà đâu có sao!
Tối hôm đó, vị lý trưởng trong làng và một nhóm thân hào nhân sĩ đã đến tận nhà trọ thăm tôi:
– Chúng tôi rất tiếc về chuyện không may xảy ra hôm nay. Người chủ ngựa không nói láo đâu, chúng tôi biết con ngựa này rất rõ, nó vốn là một con ngựa rất thuần và chưa bao giờ giở chứng như thế. Chuyện xảy ra hôm nay thật kỳ lạ, có lẽ đã có những động lực ma quái nào đó ngăn cản bà đến gặp Lachen Gomchen hay biết đâu ông này đã sai khiến ma quỷ làm như vậy không chừng.
– Tôi không tin ông ta làm chuyện đó.
– Thưa bà, chúng tôi đã bàn với nhau rất kỹ về việc này. Có lẽ bà không nên đi Thangu mà nên trở về Gangtok thì hơn, nếu không cưỡi ngựa được thì chúng tôi sẽ làm một cái cáng để khiêng. Bà không nên ở đây lâu vì nếu có chuyện gì không may xảy ra, triều đình sẽ cho người điều tra và làm phiền tất cả mọi người trong làng này
– Các ông không nên quá lo lắng. Tôi chịu trách nhiệm về việc làm của tôi.
Tuy nhiên, người lý trưởng cứ năn nỉ mãi, sau cùng tôi phải đứng dậy giơ tay tiễn khách thì họ mới chịu rút lui. Dĩ nhiên, tôi biết họ lo ngại cũng phải vì dù sao tôi cũng là thượng khách của vị quốc vương xứ này, nếu có điều gì sơ xuất thì họ sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
Không biết có phải những người dân làng đã dàn xếp hay không mà hôm sau, Lachen Gomchen sai đệ tử dắt một con lừa nhỏ xuống để đưa tôi lên núi. Đường lên đỉnh Thangu hết sức ngoằn ngoèo khó đi, phải vất vả lắm tôi mới lên đến nơi vị ẩn sĩ này trú ngụ. Khi đến đỉnh núi thì trời đã sụp tối, Lachen Gomchen sai người đưa tôi vào một căn nhà nhỏ xây dựa vào vách núi, cách hang động của ông khoảng nửa dặm để tạm trú.
Trời đã khuya nhưng không hiểu sao tôi cứ thao thức không ngủ được. Bốn bề hoàn toàn yên tĩnh không một tiếng động, chỉ có tiếng gió rì rào xuyên qua vách núi. Tôi bèn bước ra cửa hang đứng nhìn ngắm khoảng không trước mặt. Đêm đó không trăng, trời tối đen như mực, chỉ có vài ngôi sao tỏa ánh sáng yếu ớt xuống thung lũng phía dưới. Bất chợt tôi nghe thấy một tiếng nói vô thanh ở đâu vọng đến “Ngươi có thoải mái không? Ngươi nghĩ sao về đời sống của bậc ẩn sĩ?”. Ánh sáng của ngôi sao chợt nhấp nháy như muốn trêu cợt tôi. Tôi hít một hơi dài và nhủ thầm “Tôi rất thoải mái trong hoàn cảnh tĩnh mịch như thế này. Tôi vẫn thích sự hoang vu, cô tịch.
Sau một thời gian sống trong những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài, người ta cần có sự yên tĩnh như thế này để trở về với chính mình, trở về với sự bình an sẵn có nơi mình”. Ánh sáng của những ngôi sao bỗng trở nên chói lóa chứ không còn nhấp nháy như trước nữa. Ngay giây phút đó, bỗng nhiên tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, bao mệt nhọc của chuyến đi dường như tan biến hết. Tai tôi nghe văng vẳng đâu đó một tiếng hát từ xa vọng lại, một giọng hát thật hào sảng, trầm hùng “Nếu ta có thể sống mãi một cuộc đời cô tịch như thế này mà không bị cám dỗ bởi thế giới bên ngoài thì ta đã đạt được điều ta muốn”. Tôi nhận ra ngay đó là một bài hát nổi tiếng của Milarepa, một vị thánh của Tây Tạng. Trước khi nhập thất, ông đã hát bài đó như một lời nguyện, nếu không tìm được chân lý thì ông thà chết trong cô tịch chứ nhất định không trở lại với thế giới bên ngoài. Tự nhiên tôi cảm thấy hết sức phấn khởi như được an ủi bởi một động lực kỳ lạ nào đó. Tôi hít một hơi dài rồi trở lại căn nhà nhỏ, chỉ một thoáng sau tôi đã ngủ một giấc ngon lành.
Ngày hôm sau, tôi đến hang đá nơi Lachen Gomchen ẩn tu. Đó là một cái hang khá lớn, người ta đã xếp đá chặn ở cửa hang để gió khỏi lọt vào, lối đi cũng được bịt lại bằng một cánh cửa gỗ dầy rất kiên cố. Ngay sát lối vào là một căn phòng nhỏ dùng làm chỗ nấu bếp và chứa thực phẩm dự trữ, người ta còn phải men theo một hành lang dài và quanh co mới đến căn phòng của vị Gomchen. Căn phòng rất rộng nhưng đồ đạc chỉ vỏn vẹn vài cái ghế bằng gỗ, một cái tủ lớn chứa đầy sách vở, trên vách treo rất nhiều tranh ảnh có ý nghĩa tôn giáo, ở góc phòng là một bàn thờ bằng đá trên đặt nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát v.v… Tuy đồ đạc giản dị nhưng không hề thiếu tiện nghi. Nhiều người đồn rằng hang động của các vị Gomchen rất linh thiêng và có nhiều ma quỷ canh giữ, nhiều người đi săn lạc đường lên đỉnh Thangu, gần hang động này đã gặp nhiều hiện tượng kỳ dị nhưng tôi không thấy nơi đây có gì khác thường. Tôi chỉ thấy hang động đó sạch sẽ, tiện nghi chứ không có gì ghê gớm như người ta nói.
Mười bảy năm trước, Lachen Gomchen đã tìm đến nơi này sau nhiều năm lang thang cầu đạo trong dãy Tuyết Sơn. Ông đã tìm được một hang đá thích hợp và bắt đầu nhập thất. Được tin có một tu sĩ ẩn tu tại đó, dân làng đã đem thực phẩm đến cúng dường bằng cách để trước cửa hang, nhưng rất ít ai có dịp tiếp xúc với ông trong thời gian này. Mãi về sau, thỉnh thoảng ông mới ra khỏi hang xuống chùa Lachen giảng dạy Phật pháp cho dân chúng và thu nhận một vài đệ tử giúp việc. Một vài người phương Tây, như Csoma de Koros hoặc linh mục Huc và Gabet, đã từng sống trong những tu viện Tây Tạng, ghi nhận đời sống tại đây nhưng chưa một người nào may mắn được gần gũi với một bậc Gomchen như tôi. Có lẽ lúc đầu tôi chỉ muốn nghiên cứu lối sống, cách tu nhập thất của các vị ẩn sĩ, nhưng dần dần tôi cảm thấy người ta không thể quan sát một cách khách quan mà phải trải nghiệm nó, sống với nó, thở với nó thì mới hiểu được tại sao lại có những người từ bỏ cuộc sống thoải mái
trong các tu viện để tìm vào nơi hoang vắng nhập thất tĩnh tu. Hàng ngày tôi thường đến viếng thăm Lachen Gomchen. Chúng tôi đã đàm đạo về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng một hôm tôi bày tỏ ý kiến xin ông chỉ dẫn cho tôi về những phương pháp tu hành, Lachen Gomchen đã từ chối ngay, viện lẽ ông không đủ tài đức để dạy bảo cho ai hết. Ông nói rằng nếu tôi muốn học hỏi với một người dân quê dốt nát như ông thì chỉ phí thời giờ vô ích. Ông khuyên tôi nên tìm đến tu viện để học hỏi với các bậc Lạt Ma trưởng lão, nhưng tôi cứ khẩn khoản xin ông dạy dỗ. Sau cùng, Lachen Gomchen gật đầu:
– Được lắm, chỉ khi nào bà có thể tĩnh tu suốt ba năm liền trong hang đá kia thì ta sẽ chỉ dạy cho bà.
Tôi vội quỳ ngay xuống làm lễ bái sư nhưng ông lắc đầu:
– Tuy thế, ta cũng chỉ nhận dạy cho bà một ít phương pháp căn bản chứ không chính thức nhận bà vào dòng tu của ta. Ngoài ra, ta còn một điều kiện khác nữa là cấm bà không được trở lại Gangtok hoặc các vùng miền nam xứ Sikkim này nếu ta không cho phép.
Tuy ngạc nhiên nhưng tôi vẫn cương quyết gật đầu:
– Tôi xin giữ lời.
– Có thể bà không hiểu được ý của ta đâu, nhưng rồi một ngày nào đó bà sẽ biết rõ hơn. Bây giờ bà hãy trở về hang đá thử sống một cuộc đời tu sĩ xem bà có thực hành nổi hay không đã, rồi về sau sẽ hay.
Với sự trợ giúp của dân làng, tôi đã sắm sửa một ít vật dụng tối thiểu và bắt đầu việc nhập thất trong một hang đá gần đó. Người ta lấy gạch xếp quanh cửa hang để ngăn cho gió khỏi lọt vào. Cứ ít hôm những người hầu cận lại mang lương thực và nước uống lên tiếp tế cho tôi.
Lachen Gomchen khuyên tôi dành trọn thời gian đầu để thực hành các nghi thức sám hối. Ông nói:
– Pháp lực của chư Phật thì thật vĩ đại nhưng nghiệp lực của chúng sinh cũng sâu dầy không kém. Chính vì vậy mà chúng sinh cứ như người mù, người điếc không phân biệt thật hay giả, sáng hay tối, không nghe được diệu âm của chư Phật mà cứ u mê mặc cho ngũ dục[7] lôi kéo vào vòng quả báo thị phi. Trải qua vô lượng vô biên kiếp, con người đã gây ra biết bao tội lỗi mà không biết sám hối nên nghiệp chướng mỗi ngày một nặng. Muốn tiến trên đường đạo, việc đầu tiên là phải làm cho nhẹ nghiệp đi bằng cách sám hối. Nếu không biết sám hối, những tội lỗi đã làm dù có tu hành thế nào chăng nữa cũng không thể tiến xa được. Phải ý thức những điều mình đã gây ra, phải biết hổ thẹn và cương quyết ăn năn hối cải, nhất quyết không tái phạm nữa. Những kẻ kiêu căng hợm hĩnh cho rằng mình đã đủ thông minh, tài trí có thể tiến xa trên đường đạo mà không cần phải thực hành nghi thức sám hối thì chỉ là những kẻ dậm chân một chỗ mà cứ tưởng mình đang bay bổng trên mây, giống như đom đóm đòi so ánh sáng với mặt trời. Không những họ không thể tiến bộ mà còn làm thui chột các mầm thiện căn có sẵn trong tâm, gây cản trở việc tu hành không những trong kiếp này mà còn cả những kiếp tương lai nữa. Không biết sám hối thì càng tu chừng nào, các nghiệp chướng từ muôn kiếp càng tuôn về chừng đó, với đủ thứ nghịch duyên ngăn trở, thử hỏi sức người bé mọn làm sao đối phó nổ các trở ngại đó! Do đó, việc đầu tiên khi bước chân vào đường đạo là phải thực hành nghi thức sám hối trước khi tu tập các phương pháp khác.
Khi mùa đông đến, Lachen Gomchen khép chặt cửa hang để nhập thất trong mấy tháng liền. Phần tôi cũng thế, tôi cũng từ chối tiếp xúc với mọi người để chuyên tâm thực hành các nghi thức sám hối. Những người hầu cận được lệnh chỉ để thực phẩm trước cửa hang chứ tuyệt đối không được làm rộn đến sự tĩnh tu của tôi. Tôi không quan tâm gì đến thời tiết bên ngoài, đến những cơn gió lạnh kinh hồn, đến những lớp tuyết dày phủ kín cửa hang. Tôi chỉ ngồi quay mặt vào vách tập quán tưởng và trì tụng hồng danh chư Phật. Lachen Gomchen không dạy tôi những phương pháp gì khác lạ, mà ông nói rằng tôi cần sám hối, cần cởi bỏ những gút mắt trong nội tâm làm sao cho tâm hồn thật thoải mái, an tĩnh. Ông cũng không bắt tôi phải ngồi theo các tư thế hay thở hít theo những phương pháp nhất định nào.
Ông nói “Ngồi thiền cần thoải mái chứ không phải ngồi một cách cứng nhắc như có kẻ dí dao vào cổ, hít thở cần tự nhiên chứ không phải làm gì khác thường. Điều chính yếu là làm chủ tư tưởng, đào sâu vào nội tâm để cởi bỏ những nút thắt mà mình đã tự tạo ra cho chính mình. Tu là sửa đổi chính mình chứ không phải hoàn tất các nghi thức bên ngoài một cách máy móc. Chỉ khi mình đã hiểu được mình, ý thức được chính mình, cũng như các hành động tư tưởng của mình, một cách chân chính thì khi đó mình mới có thể phát tâm giúp đỡ những người khác”. Khác với những vị Lạt Ma tôi đã gặp trước đó, Lachen Gomchen không đặt nặng vấn đề nghi lễ giáo điều mà chỉ chú trọng đến tu tâm một cách phóng khoáng.
Mùa xuân năm đó, tuyết đã tan hết và khí hậu ấm áp dần. Tôi bước ra khỏi động đá. Khí trời vẫn ẩm ướt, sương mù còn bao phủ quanh đỉnh Thangu nhưng tôi ngửi thấy mùi hương của hoa sơn lựu đang phảng phất đâu đây. Có lẽ giờ này dưới chân núi hoa đã nở rồi. Tôi thong thả bước ra khỏi động đá, tiếng sỏi xào xạo dưới chân, tôi nghe rõ tiếng bước đi, từng nhịp thở của chính mình. Trong bầu không khí tĩnh mịch của buổi sớm tinh sương, tôi cảm thấy toàn thân như đổi mới, và rồi quang cảnh xung quanh dường như đều đổi mới. Tôi ý thức rõ ràng mọi sự xảy ra quanh mình – từng lớp mây vần vũ, tiếng gió thổi rì rào qua kẽ đá, hương thơm của hoa từ thung lũng thoảng lên, một tiếng chim kêu từ đâu vọng lại… Tôi ngây ngất trước hiện tượng kỳ diệu mà tôi đang trải nghiệm, tâm trí và giác quan của tôi dường như hoàn toàn thay đổi. Phải chăng nhờ sự quán chiếu nội tâm mà đầu óc tôi trở nên tinh nhạy hơn, hay cho đến lúc đó tôi mới bừng tỉnh và nhận thức được sự mầu nhiệm của sự sống?
Đối với lục địa Ấn Độ thì rặng Tuyết Sơn dựng đứng như một bức tường thành cản khí ẩm từ phía nam thổi lên khiến chúng tụ cả lại rồi biến thành những cơn mưa như trút nước xuống thung lũng bên dưới, do đó miền sát chân núi về phía Ấn Độ có những rừng cây rậm rạp, nhiều thung lũng với những loài kỳ hoa dị thảo; nhưng ở phía bên kia rặng Tuyết Sơn về phía Tây Tạng thì khí hậu lại hết sức khô ráo, các thung lũng đều trơ trụi, không cây cối, chỉ có những dải đất khô cằn như sa mạc hoặc những miền cao nguyên khô cằn, không cây cỏ nào mọc được. Có lẽ vì thế nên không có mấy loại thú sống tại đây, kể cả các loài chim. Thangu nằm giữa hai thái cực này, phía trên đỉnh thì khí hậu lạnh và khô, không cây cỏ nào mọc được nhưng đi xuống dưới thung lũng thì người ta bắt đầu thấy có những rừng thông cao ngất và trong khe núi, nơi khí hậu ấm áp thì sơn lựu mọc rất nhiều với những bông hoa đủ màu sắc và thơm vô cùng.
Mùa hè đến và đi một cách nhẹ nhàng, rồi một mùa đông nữa lại đến, những trận bão tuyết khiến cửa hang của tôi bị lấp kín suốt mấy tuần lễ liền, nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc tĩnh tu, quán tưởng, không màng gì đến những sự kiện xảy ra xung quanh. Nhiều người hỏi tôi đã học được gì trong những năm tháng sống trong cô tịch này. Tôi không thể giải thích được nhưng tôi biết rằng mình đã học rất nhiều và quan trọng nhất, tôi đã hiểu được chính mình, biết rõ về mình và biết cách sống thoải mái với chính mình. Vì Lachen Gomchen chỉ dạy tôi một cách sơ lược và khuyến khích việc tĩnh tâm quán tưởng mà không dựa trên một nguyên tắc hay giáo điều nào nên nhiều người tỏ ra nghi ngờ về sự tĩnh tu này. Theo vị Gomchen này thì trong yên tĩnh người ta mới có thể lắng nghe được những âm thanh huyền diệu, vì mọi âm thanh trên thế gian đều là những diệu âm của chư Phật, từ âm thanh của những con suối, tiếng gió thổi qua khe núi, tiếng chim kêu từ xa vọng lại… Chỉ cần tĩnh tâm lắng nghe thì sẽ hiểu được sự mầu nhiệm của tạo hóa. Mọi sự xảy ra quanh mình đều nói pháp cho mình nghe nhưng vì không ý thức được tánh nghe này nên con người có tai mà như điếc, có mắt mà như mù, cứ để cho dục vọng lôi cuốn, chỉ nghe cái gì mình muốn nghe, chỉ thấy cái gì mình muốn thấy và rồi cứ hành động theo quan niệm sai lầm đó. Nếu biết tĩnh tâm quan sát thì màu sắc của núi, của cây, của đá cũng đều là màu sắc của pháp thân chư Phật. Tiếng gió thổi, tiếng rì rào của cây cũng đều là tiếng chư Phật thuyết pháp và chỉ cần hiểu được điều này để sống theo đó thì người ta đã có thể tiến rất xa rồi.
Ngoài việc tu tập nội quán, tôi còn dành thời giờ để học ngôn ngữ Tây Tạng. Tôi tập đọc những cuốn sách nói về những bậc cao nhân, ẩn sĩ xứ này và tra cứu qua bản thảo cuốn từ điển Anh – Tạng của Dawasandup.
Thỉnh thoảng, Lachen Gomchen cũng ghé qua hang động của tôi để nghe tôi tập đọc. Ông sửa cách phát âm của tôi và thêm vào đó những sự kiện liên quan đến những nhân vật trong sách. Ông diễn tả một cách rõ ràng từng chi tiết như chính ông đã từng chứng kiến những chuyện đó, ông còn giải thích ý nghĩa những câu văn khó hiểu mà tác giả đã ghi thiếu hay không thể giải thích rõ ràng. Ông kể thêm cho tôi nhiều mâu thuẫn về những bậc kỳ nhân mà ông đã gặp, những bậc thiện tri thức mà ông đã có dịp học hỏi; vì thế, tuy không rời khỏi hang đá nhưng tôi dường như đã được mọc cánh để viếng thăm các bậc kỳ nhân, ẩn sĩ quanh miền. Theo thời gian, kiến thức của tôi về văn hóa, phong tục và ngôn ngữ Tây Tạng đã tiến bộ một cách rõ rệt.
Tôi không nhớ mình đã sống tại đây được bao lâu vì thời gian không còn là yếu tố quan trọng nữa, tuy nhiên tôi không bao giờ nghĩ rằng đỉnh Thangu này là nơi chốn tối hậu của mình. Tôi biết nó chỉ là một giai đoạn chuẩn bị cho một cái gì đó lớn hơn, vĩ đại hơn trong tương lai. Việc tu tập nội quán với Lachen Gomchen đã mở cho tôi một chân trời mới, một thế giới mới khác hẳn những điều mà tôi được dạy bảo từ trước. Tương lai của tôi sẽ như thế nào thì tôi chưa biết rõ, nhưng linh tính của tôi cho thấy có một điều quan trọng sẽ xảy ra, dường như có một sứ mệnh quan trọng nào đó đang chờ đợi tôi trong những ngày tháng sắp tới.
Một ngày đẹp trời, đứng trên đỉnh Thangu nhìn xuống con đường mòn nhỏ hẹp như một sợi chỉ dẫn lên núi, tôi bỗng thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc lạ thường. Trong suốt mấy năm sống trong cô tịch, không bị ngoại cảnh gây xáo trộn, tâm hồn tôi đã trở nên hết sức an lạc, một thứ an lạc kỳ diệu vô cùng, nhưng phải chăng tu hành là xa lánh tất cả để đắm mình trong trạng thái đó? Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Lachen Gomchen đã lên tiếng “Cái cảm giác an nhiên tự tại vì hoàn cảnh tĩnh lặng bên ngoài tạo ra chỉ giúp người ta lấy lại sự quân bình trong lúc đầu mà thôi. Mục đích của con đường đạo là làm sao có thể giữ được thái độ ung dung tự tại như thế trong mọi hoàn cảnh, từ chốn cô tịch vắng lặng cũng như trong những hoàn cảnh ồn ào náo nhiệt. Giữ sao cho tâm không rung động trước cảnh vui cũng như buồn, thuận duyên cũng như nghịch duyên, do đó đôi khi người tu phải chấp nhận thử thách, nghĩa là bước chân trở lại cái thế giới đầy phiền toái bên ngoài để xem khả năng chịu dựng và hành trì nhẫn nhục của mình thế nào”. Tôi có linh cảm như Lachen Gomchen đã tiên đoán được ngày tôi rời nơi đây. Đúng như thế, mấy hôm nay tôi đã suy nghĩ nhiều về việc trở lại với thế giới bên ngoài vì tôi không thể bắt những người tùy tùng sống mãi tại ngôi làng hẻo lánh như Lachen được. Vài hôm sau, tôi thu xếp hành trang để lên đường. Tuy nhiên, tôi chưa muốn về châu Âu ngay mà còn muốn viếng thăm một số tu viện Tây Tạng quanh vùng.
Khi xưa, tôi không muốn vi phạm luật lệ di trú, nhưng không hiểu sao hiện nay tôi lại cảm thấy có một động lực gì đó lôi cuốn tôi qua Tây Tạng. Phải chăng vì lời hứa với Lachen Gomchen là sẽ không đi về hướng nam (Sikkim) hay vì một hấp dẫn nào khác?
Cách đó không xa là thành phố Shigatse, nơi tu viện Tashi Lhunpo tọa lạc. Đây là một trong những tu viện quan trọng vào bậc nhất của Tây Tạng, nơi Đức Ban Thiền Lạt Ma cư ngụ. Đức Ban Thiền Lạt Ma thường được người Tây Tạng xem là hóa thân của Phật A Di Đà. Trên nguyên tắc, quyền hành của Đức Ban Thiền Lạt Ma quan trọng tương đương với Đức Đạt Lai Lạt Ma vì cả hai đều đứng đầu giáo hội. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực tôn giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma còn nắm quyền cai trị trong nước – từ hành pháp, lập pháp lẫn tư pháp – do đó quyền hành của ông có phần trội hơn.
Trên đường đi Tashi Lhunpo, tôi phải đi qua tu viện Nyirna, tại đây tôi gặp người con trai thứ ba của pháp sư Tranglung. Đó là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, mặt mày sáng sủa. Anh này đón tiếp tôi một cách nồng hậu, và khi biết tôi đã gửi tặng phẩm biếu cha anh, thanh niên này vui vẻ hướng dẫn tôi thăm phong cảnh quanh vùng và ngỏ ý mời tôi đi Tranglung cách đó khoảng nửa ngày đường.
Khi đến nơi thì trời đã chạng vạng tối. Đây là một ngôi làng trù phú sống bằng nghề nông, dân cư đông đúc, nhà cửa phần lớn đều xây bằng gạch khác hẳn những ngôi làng lụp xụp mà tôi thường thấy tại Sikkim. Pháp sư Tranglung sống trong một căn nhà lớn nhưng không có cửa sổ, trên trần chỉ đục một lỗ nhỏ vừa đủ cho ánh sáng lọt vào một cách lờ mờ. Ông ta vừa chữa bệnh vừa phân phát bùa chú, linh vật hộ phù cho một số dân làng. Ông lấy ra những viên thuốc đen sì to bằng hạt nhãn, hoặc pha trộn những chất đặc sệt chứa trong những chiếc hũ sành. Bùa chú là những tờ giấy xanh đỏ vẽ những hình thù kỳ dị, những nét chữ loằng ngoằng, hoặc những món đồ thoạt trông giống như đồ chơi trẻ nít.
Sau khi dân làng đã về hết, pháp sư Tranglung vui vẻ mời tôi dùng trà. Tôi rất muốn hỏi về phương pháp làm những hình nhân bằng bột sống dậy nhưng nghĩ rằng câu hỏi như vậy có phần nào sỗ sàng và bất kính đối với chủ nhân nên tạm thời không đặt vấn đề này ra. Được biết tôi đã từng tu nhập thất trên đỉnh Thangu, pháp sư Tranglung tiếp đãi tôi vô cùng trọng hậu và gọi tôi là “Gomchenma”. Ông ân cần mời tôi ở lại đó ít hôm để tham dự đám cưới người con trai lớn. Đây cũng là dịp tôi chứng kiến một phong tục đặc biệt của xứ này.
Tây Tạng là một quốc gia rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, các miền đều cách biệt nên tùy địa phương mà có những tục lệ khác nhau. Dân chúng miền Tranglung theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà làm chủ gia đình và có quyền lấy nhiều chồng một lúc. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều do cha mẹ quyết định ngay từ khi con cái còn nhỏ và trường hợp này đã xảy ra trong gia đình của pháp sư Tranglung. Ông này có bốn con trai đã hứa hôn cho gia đình một thiếu nữ trong vùng. Sau khi tham dự đám cưới của người con trai lớn và thiếu nữ này, tôi được biết cô ta còn lấy luôn cả ba người con trai kia nữa. Tôi không biết người con trai thứ hai nghĩ sao nhưng có lẽ anh không phản đối vì tôi không nghe pháp sư Tranglung nói gì. Ông này rất buồn bực vì người con thứ ba, thanh niên mà tôi đã gặp tại tu viện Nyirna, vì anh này nhất quyết không chấp nhận một cuộc hôn nhân chung. Điều rắc rối là người con dâu mới lại nhất định đòi người chồng thứ ba này phải thi hành bổn phận làm chồng cho đúng với luật lệ ấn định. Dĩ nhiên cô ta cũng có lý vì không những anh này trông hơn hẳn hai người anh về diện mạo mà còn hơn hẳn về địa vị xã hội. Trong khi hai người anh lớn chỉ làm ruộng thì người con thứ ba được cha cho ăn học, đã đậu bằng cấp Lạt Ma[8] tại một đại học Phật giáo. Không những thế, anh này còn được cha truyền thêm các môn huyền thuật, được điểm đạo vào dòng tu Naljorpa, được phép đội chiếc nón năm chòm và được đeo phù hiệu của các vị pháp sư chuyên luyện lửa tam muội (tummo).
Thông thường, nếu một thanh niên không chịu thi hành bổn phận làm chồng thì mọi việc sẽ được giải quyết trong phạm vi nội bộ gia đình. Dĩ nhiên trên phương diện luật pháp của làng, họ vẫn là vợ chồng chính thức.
Điều rắc rối là anh ta lại thích một thiếu nữ khác trong làng nên đã yêu cầu cô này đến ngỏ lời hỏi anh ta làm chồng một cách chính thức. Luật lệ Tây Tạng cho phép người chồng ly dị vợ để lấy một người khác, nhưng nếu làm thế anh ta không thể tiếp tục sống trong căn nhà cũ được nữa. Do đó, anh này thản nhiên tuyên bố với mọi người trong gia đình rằng anh sẵn sàng rời khỏi đây để đi theo thiếu nữ kia xây dựng tổ ấm; và để kiếm sống, anh sẽ hành nghề pháp sư. Đây là một điều bất ngờ vì nếu trở thành pháp sư, anh sẽ đụng chạm đến quyền lợi cũng như quyền lực của cha anh, pháp sư Tranglung, và hậu quả của việc này sẽ không biết đâu mà lường. Mặc dù không nói ra nhưng tôi có thể thấy rõ thái độ của vị pháp sư này, một phần ông bực bội vì danh dự gia đình bị thương tổn, nhưng phần nữa là tự ái của ông cũng bị đụng chạm rất nhiều. Một cuộc tranh chấp quyền lợi cũng như quyền lực giữa hai cha con chắc chắn không có lợi gì.
Bà vợ của pháp sư Tranglung là người lo lắng nhất. Bà than thở với tôi rằng con trẻ thời nay khó dạy bảo quá! Bà kể rằng vừa xong đám cưới, người con dâu mới đã ra oai bằng cách sai gia nhân đến đòi băm vằm thiếu nữ “giật chồng” kia ra làm trăm mảnh. Ngoài ra, cô ta đã mắng nhiếc cha mẹ chồng không tiếc lời vì tội không biết dạy con trai để nó ăn phải “bùa mê thuốc lú” của đứa con gái mất nết kia. Sau khi than thở một hồi, bà nhờ tôi, một Gomchenma can thiệp giùm. Nhận thấy giải pháp tốt đẹp nhất vẫn là “yên lặng là vàng”, tôi bèn lấy cớ rút lui vào căn phòng nhỏ mà vị pháp sư già đã dành riêng cho tôi. Sau một lúc tĩnh tâm, tôi chợt nghĩ đến thái độ kỳ lạ của người con trai thứ tư trong gia đình. Trong lúc cả gia đình đang bối rối trước cơn thịnh nộ của người con dâu mới, trong lúc vị pháp sư có thể làm những hình nhân bằng bột bay lên không trung cũng cuống quít lo lắng như ai thì cậu út yên lặng ngồi trước nhà chăm chú theo dõi một bóng hồng khác ở nhà bên cạnh, thỉnh thoảng hai người lại len lén trao cho nhau những nụ cười. Khi người con dâu làm mình làm mẩy với bố mẹ chồng, tố cáo ông bà này không giữ đúng lời hứa danh dự để cậu thứ ba thi hành bổn phận làm chồng với cô ta thì cậu út cứ ngồi cười nhạt như thể nói rằng việc rắc rối này chưa hẳn đã chấm dứt đâu.
Cũng vì lý do này, tôi không có dịp được học hỏi hay quan sát phép thuật của vị pháp sư làng Tranglung như ý muốn. Hôm sau, lấy cớ phải đi Shigatse, tôi lập tức lên đường ngay để tránh tham dự vào những phiền não rắc rối. Khi trước tôi vẫn nghĩ rằng Tây Tạng chỉ là một vùng hoang vu, nhưng khi càng đi sâu vào lãnh thổ này tôi biết mình đã lầm. Quanh những khe núi hay những thung lũng hẹp có rất nhiều làng mạc trù phú, nhà cửa xây cất khang trang rộng rãi khác hẳn các làng mạc xứ Sikkim. Dân cư tại đây cũng ăn mặc sạch sẽ và có một trình độ văn hóa cao hơn những nơi tôi đã đi qua. Mặc dù tấm thẻ bài của quốc vương Sikkim không có giá trị gì tại những nơi này; và toán tùy tùng của tôi, những sĩ quan hoàng gia xứ Sikkim, cũng không thể hống hách như khi còn ở xứ họ, nhưng chúng tôi đã được đón tiếp một cách nồng hậu vì những người dân miền này vô cùng hiếu khách. Sau nhiều ngày lặn lội qua những con đường mòn nhỏ hẹp và trải qua một cơn bão tuyết bất ngờ, chúng tôi nhìn thấy một tu viện lớn, đúng hơn là một thành phố rất lớn với thành quách bao bọc chung quanh như một lâu đài: Tashi Lhunpo. Theo luật lệ và nghi thức tại đây, tôi phải ghi tên họ, quê quán vào một tờ khai trước khi được diện kiến Đức Ban Thiền Lạt Ma và tôi đã viết chữ “Paris”. Cách đó không xa cũng có một ngôi làng tên là Phari. Vị Lạt Ma đón khách thắc mắc không biết có phải tôi đến từ làng Phari hay không!
Sau một hồi giải thích, ông này vẫn không thể tưởng tượng có một làng nào đó nằm ở phía tây, cách xa một đại dương có tên là Paris. Nếu lý lịch không phân minh thì người ta không thể cho phép tôi vào Tashi Lhunpo. Cuộc thẩm vấn lý lịch diễn ra một lúc không đi đến kết quả nào thì có một đoàn thương nhân ghé ngang. May mắn là thời gian sống tại Thangu đã khiến tôi trở thành đề tài cho những thương nhân quanh vùng. Khi biết tôi chính là người đàn bà ngoại quốc đã ẩn tu với Lachen Gomchen trên đỉnh Thangu thì vị Lạt Ma ấy lập tức đổi ngay thái độ. Ông vội vã cung kính mời tôi vào một khách điếm ở sát tu viện và chiều hôm đó, bà mẹ của Đức Ban Thiền Lạt Ma đã sai người mời tôi đến dùng trà.
Tashi Lhunpo là một tu viện khổng lồ với hàng ngàn căn nhà bao bọc xung quanh một ngôi chùa chính. Chưa bao giờ tôi thấy tu viện nào to lớn như thế! Không những vậy, nó còn được trang hoàng lộng lẫy không khác gì cung điện của một vị vua. Hàng trăm pho tượng Phật đúc bằng vàng khối, hàng ngàn tượng các vị Hộ Pháp, Bồ Tát, Thiên Long Bát Bộ bằng vàng, bằng ngọc quý, bằng đá, bằng gỗ trầm hương được trưng bày khắp nơi. Nơi nơi được tô điểm cực kỳ lộng lẫy, nếu không muốn nói là “nặng phần trình diễn”. Những du khách ngoại quốc chắc chắn sẽ phải khâm phục công trình kiến trúc đồ sộ này, nhưng vì đã quen sống giản dị trong cô tịch, tôi thấy nó có vẻ thiên về hình tướng mà thiếu chiều sâu, không thích hợp với một tôn giáo bình dị và thực tế như Phật giáo.
Đức Ban Thiền Lạt Ma đón tiếp tôi rất nồng hậu. Ngài vui vẻ hỏi về cuộc du hành của tôi cũng như thời gian tôi sống tại Sikkim. Ngài có kiến thức rộng và biết rõ Paris ở đâu. Ngài phát âm chữ “France (nước Pháp)” một cách chính xác và đề cập đến một vài nhân vật lịch sử của quê hương tôi. Câu chuyện chuyển qua vấn đề giáo lý và ngài rất hài lòng về những kiến thức Phật học mà tôi đã thu thập được. Ngài ngỏ ý sẵn sàng giúp tôi tìm hiểu thêm về Phật giáo Tây Tạng. Ngài hỏi “Tại sao bà không qua hẳn đây để nghiên cứu hay sống tại đây một thời gian? Tu viện nơi đây sẵn sàng mở rộng cửa cho bà học hỏi”. Dĩ nhiên ngài không biết gì về chính sách bế quan tỏa cảng của chính quyền Tây Tạng, cũng như thái độ thù nghịch đối với người ngoại quốc sau cuộc xâm lăng của người Anh. Vì chỉ giới hạn tầm hoạt động trên lĩnh vực tôn giáo, ngài không nắm vững những vấn đề như giấy thông hành, chiếu khán nhập cảnh[9] hay những thủ tục phiền phức tại biên giới.
Về sau, khi nghĩ lại chuyện này, tôi không khỏi trách mình đã vô tâm không nhờ ngài can thiệp cho tôi vào Tây Tạng. Tuy không nắm quyền nhưng ít ra ngài cũng có thể can thiệp hoặc vận động cho tôi tự do đi lại trong xứ này. Trong chuyến đi lần này, tôi không mang theo những tài liệu thu thập được khi trước để phối kiểm với những tài liệu được cất giữ ở nơi đây. Hầu hết hành lý của tôi vẫn còn nằm ở Calcutta, nhưng tôi không lấy đó làm tiếc vì tôi thấy mình đã thực sự thay đổi. Những kiến thức từ chương mà trước đây tôi vẫn coi trọng bỗng dưng trở nên tầm thường, không giá trị bao nhiêu. Nhờ chuyến đi này mà tầm mắt tôi mới thực sự mở rộng trước kho tàng tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng. Quả thật, người ta đã nói không sai.
So với Tây Tạng thì Sikkim chỉ là một mảnh vụn, một phần rất nhỏ, không đáng kể. Có bao điều để học hỏi, nghiên cứu mà tôi đã không ngờ đến; và có bao điều mà không sách vở nào ghi chép hết, người ta chỉ có thể tìm thấy qua những vị thầy, những bậc hiền triết ẩn mình trong rặng Tuyết Sơn.
Cũng vì thế mà về sau tôi đã trở lại Tây Tạng, lang thang suốt mười mấy năm để thu thập, học hỏi những tinh hoa còn sót lại ở nơi đây.
Trong thời gian sống tại Tashi Lhunpo, tôi đã đến thăm một ngôi chùa thờ Đức Di Lặc, vị Phật tương lai của thế giới, vừa được xây cất xong.
Đó là một ngôi chùa vĩ đại, cao bằng một ngôi nhà năm sáu tầng tại châu Âu. Ngay giữa chính điện có đặt một pho tượng Phật Di Lặc rất lớn. Pho tượng được đúc bằng vàng và đính bằng rất nhiều ngọc ngà châu báu. Đồ đạc trưng bày trong chính điện – từ chân đèn, giá nến – cũng đều được đúc bằng vàng hay các kim loại quý. Một người bình thường chắc chắn phải chóa mắt trước sự lộng lẫy huy hoàng này, nhưng các tăng sĩ lại xem đây là những điều rất bình thường. Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở, các tín đồ tự do ra vào hành lễ. Tôi thấy có rất nhiều người, nhất là những người giàu có đến từ xứ Tsang, đã cởi những chiếc vòng ngọc, kiềng vàng để dâng cúng vào quỹ Tam Bảo. Tôi cũng có dịp tiếp xúc với các vị Lạt Ma trưởng lão, những người có trọng trách dạy dỗ, giáo dục các tăng sĩ tại đây và học hỏi được nhiều điều lợi lạc mà tôi sẽ đề cập trong chương sau.
Trước khi rời nơi đây, Đức Ban Thiền Lạt Ma đã tặng cho tôi một số sách vở, kinh điển và một bộ y phục dành riêng cho các Lạt Ma trưởng lão.
Ngài còn cấp cho tôi một văn bằng tiến sĩ danh dự về Phật học của trường đại học Phật giáo nơi đây. Sau khi rời Tashi Lhunpo, tôi ghé qua tỉnh Narthang, một trung tâm ấn hành kinh sách của Tây Tạng cách đó không xa. Đây là một tu viện khá lớn, đục sâu vào vách núi, với những máy in được xếp đặt thứ tự và hàng ngàn bản khắc bằng gỗ. Kỹ thuật in tại đây tuy còn thô sơ so với châu Âu nhưng tôi được biết hàng năm tu viện này đã sản xuất một số lượng kinh sách không thua một nhà in lớn tại Pháp hay Anh là bao. Qua gian nhà chứa máy in là một thư viện lớn chứa đựng hàng ngàn kinh sách đủ loại, từ cũ đến mới. Đây là một kho tài liệu vô giá của Phật giáo Tây Tạng mà rất ít người được vào.
Sau khi viếng thăm Narthang, tôi còn ghé qua hang động của một vị Gomchen nổi tiếng vùng này. Đó là một hang đá lớn nằm sát hồ Motetong.
Vị Gomchen này đã ẩn tu tại đây nhiều năm. Vị thầy của ông và những vị tổ trước đó đều ẩn tu tại hang đá này, và đều mang danh hiệu Motetong Gomchen. Có lẽ vì thế nên hang đá chứa đựng khá nhiều đồ đạc quý giá mà các tín đồ đã dâng cúng, nhưng vị Gomchen này tỏ ra không chú ý gì đến những thứ đó. Ông cho biết ông được vị Gomchen trước thu nhận từ khi còn nhỏ và chưa hề rời khỏi nơi này. Ông không biết gì về Shigatse hay Lhasa, cũng như các đô thị gần đó. Ông cũng không biết gì nhiều về đời sống bên ngoài, và chỉ tiếp xúc một cách rất giới hạn với những tín đồ đến dâng cúng phẩm vật hay tiếp tế lương thực mà thôi. Không giống như hang động của Lachen Gomchen, hang của vị Gomchen này là một hang đá lộ thiên, nghĩa là đỉnh hang có những khe nứt và có ánh sáng lọt vào.
Motetong Gomchen thường ngồi trên một cái ghế đặc biệt gọi là gomti. Nói là ghế nhưng nó trông giống như một cái hộp gỗ vuông vức. Ông thường ngồi suốt ngày đêm trên chiếc ghế đó, lúc nào cũng đắm mình trong trạng thái thiền định. Ông cho biết đôi khi ông cũng lim dim ngủ nhưng không bao giờ nằm. Ông kể rằng thầy ông, vị Gomchen trước, đã dạy ông tham thiền là phải chuyên tâm vì nhiều người học đạo thường hay đổi ý, lúc thì tụng kinh, khi lại thiền định, có lúc nghiên cứu kinh điển, đàm luận về luân lý chứ không chịu chuyên nhất về một thứ nên mục tiêu vì thế rối loạn, khó đạt được mục đích. Khi tôi hỏi về việc ngồi trên chiếc ghế gomti suốt ngày mà không nằm thì ông nói “Lúc đầu mới ngồi thì lưng cũng mỏi, chân cũng đau nhưng dần dần thì quen. Nếu không chuyên tâm và biết làm chủ thể xác, vừa mỏi lưng đã đứng dậy vươn tay vươn chân thì thân thể sẽ vĩnh viễn không chịu sự kiểm soát của mình nữa. Và nếu không làm chủ được thể xác thì làm sao làm chủ được cái tâm vốn lúc nào cũng lao xao như ngựa bất kham!”.
Rời hồ Motetong, tôi đi dọc theo con đường chính dẫn đến biên giới Ấn Tạng. Viên sĩ quan người Anh chỉ huy miền này đã được báo cáo về sự đột nhập Tây Tạng bất hợp pháp của tôi từ lâu. Ông đã nhiều lần gửi thư ra lệnh cho tôi phải trở về Ấn Độ ngay tức khắc, nhưng dĩ nhiên tôi cứ tiếp tục du hành theo chương trình cho đến khi quyết định trở về đây. Vừa bước qua biên giới, tôi đã cảm nhận ngay một áp lực kỳ lạ đè nặng lên tâm thức mình.
Tôi ý thức ngay được những nét giận dữ hiện rõ trên khuôn mặt những sĩ quan người Anh. Cuộc tiếp xúc không lấy gì làm thoải mái này đã khiến tôi bối rối, khó chịu. Từ tâm trạng thoải mái, ung dung tự tại, tôi đã phải trở lại với những quay cuồng thực sự của đời sống văn minh. Những câu nói bất lịch sự đã làm tôi bực bội. Đầu óc nhạy cảm của tôi bị va chạm ngay vào thực tế phũ phàng và tôi thấy rằng công phu nhẫn nhục chịu đựng của tôi quả không lấy gì làm khả quan như tôi đã nghĩ. Tôi bị áp giải về Calcutta và bị trục xuất khỏi Ấn Độ ngay sau đó.
Rời Ấn Độ, tôi tìm đến Miến Điện để sống trong một ngôi chùa miền Kamatangs nhưng trạng thái hốt hoảng, bực bội cứ ám ảnh tôi. Chính quyền Anh tại đây cũng thường cho người theo dõi nên vài hôm sau tôi đã phải thu xếp qua Nhật Bản. Tôi đến thiền viện Tofoku-Ji mong có dịp tĩnh tâm để lấy lại sự quân bình cho tâm trí, nhưng tình hình xã hội nước này cũng đang có nhiều thay đổi, một người ngoại quốc như tôi thường bị dòm ngó nên chỉ vài hôm sau tôi lại phải rời Nhật để qua Triều Tiên. Chưa bao giờ đầu óc tôi lại hoảng hốt như lúc này. Cái cảm giác thoải mái khi còn ẩn tu tại Thangu đã dường như hoàn toàn tiêu tan.
Panya-an là một tu viện xây cất trên đỉnh một ngọn núi lớn, bốn bề là rừng cây rậm rạp. Tôi dừng trước cổng chùa trong một cơn mưa như trút, xin phép được nhận. Các tăng sĩ đang bận rộn sửa chữa con đường lầy lội trước chùa, một người ngẩng mặt lên nhìn tôi rồi gật đầu. Tôi được đưa vào một căn phòng rất nhỏ, không có đồ đạc mà chỉ có một chiếc chiếu nhỏ trải sơ sài trên sàn. Đối với tôi, căn phòng thô sơ đó còn đáng quý hơn tất cả những cung vàng điện ngọc lúc bấy giờ. Tôi đã tìm được chỗ tạm trú, nơi mà tôi có thể lấy lại sự quân bình cho tâm trí qua mấy ngày điên đảo vì những phiền phức thế gian.
Thiền viện Panya-an có một kỷ luật chặt chẽ, các tăng sĩ phải tham thiền tám giờ mỗi ngày, sau đó họ phải học Phật pháp và làm những công việc thông thường như dọn dẹp, lau chùi quanh chùa. Ngay từ 3 giờ sáng, tiếng chuông vang lên là tất cả đều phải tề tựu trong thiền đường để cùng tham thiền. Họ ngồi quay mặt vào vách, không ai được nói một lời, và nếu có ai lơ đãng ngủ quên là bị quất ngay một roi. Một vị tăng thường đi dạo quanh thiền đường với một cây roi dài để cảnh cáo những người ngủ gục.
Thực phẩm tại đây hết sức thanh đạm, chỉ có cơm trắng và một ít rau luộc, nhưng phần lớn toàn là cơm trắng. Có đến hơn vài trăm tăng sĩ đang tu tại đó nhưng lúc nào ngôi chùa cũng hết sức yên tĩnh, rất ít ai hé miệng nói câu nào mặc dù luật lệ tại đây không hề cấm người ta nói chuyện. Chính tại nơi này mà tôi đã tìm lại sự quân bình nội tâm, nhưng tôi lại khát khao được trở lại Tây Tạng. Hình ảnh rặng Tuyết Sơn hùng vĩ lại bắt đầu ám ảnh tôi. Suốt mấy năm qua tôi đã học hỏi rất nhiều nhưng còn biết bao điều khác nữa… câu nói của Lạt Ma Sakyong đã trở lại trong ký ức tôi “Có hàng trăm lối vào Tây Tạng, đâu phải chỉ đi qua những trạm kiểm soát trên những con lộ chính. Nếu đã có lòng thiết tha cầu đạo thì những ngăn trở địa dư đâu có nghĩa lý gì!”.
Không thể trở lại bằng các ngã thông thường, tôi bèn tìm đường qua Trung Hoa để vào Tây Tạng qua những ngả đường mà rất ít ai ngờ đến. Tôi đáp xe lửa xuyên Trung Hoa để đến biên giới Hoa Tạng. Tại đây, tôi tháp tùng theo những đoàn thương nhân, vượt những cao nguyên vùng tây bắc để vào xứ Amdo. Cuộc hành trình này đã đem lại cho tôi nhiều thích thú bất ngờ. Khác hẳn những con đường vắng vẻ của cuộc du hành lần trước, con đường ít ai ngờ đến này lại là một xa lộ rộng lớn với hàng trăm đoàn thương nhân buôn bán trao đổi hàng hóa tấp nập. Người Tây Tạng có câu nói “Ở đâu có người Trung Hoa, ở đó có sự buôn bán”, quả là hết sức có lý. Người ta buôn bán đủ mọi thứ, từ vải vóc tơ lụa đến da thú, từ những vật dụng thông thường đến những thứ như ngà voi, sừng dê. Trung Hoa đang trải qua một cuộc nội chiến, giặc cướp nổi lên khắp nơi và quan quân phải vất vả đánh dẹp. Tôi đã đi qua nhiều ngôi làng mà ngay tại đầu làng người ta treo hàng trăm thủ cấp của những tên cướp trong vùng như để cảnh cáo. Phần lớn các đoàn thương nhân đều tự vũ trang hoặc thuê người bảo vệ, nhưng nhiều lúc họ cũng không tránh khỏi sự tấn công của những băng cướp đông đến hàng trăm tên mai phục hai bên núi.
Để tránh nguy hiểm, tôi chỉ di chuyển trên những trục giao thông chính và chỉ dừng chân tại những thành phố lớn, nhưng các thành phố này cũng luôn bị tấn công. Khi đến một thành phố có tên là Tungchow, tôi đã chứng kiến một cuộc hãm thành. Hàng ngàn quân sĩ vũ trang gươm giáo xông vào cướp thành trong khi binh lính bên trên ném đá, bắn tên hay dội nước sôi xuống dưới. Tôi có cảm tưởng như đang đi lạc vào thời Trung cổ tại châu Âu. Rời Tungchow, chúng tôi đi suốt ngày đêm đến một bờ sông lớn, gọi mãi mới có đò nhưng đò vừa ra giữa sông là tiếng súng vang rền ở hai bên bờ, hai phe quân sĩ bên sông bắn nhau tới tấp bất chấp những con đò chơi vơi giữa dòng.
Tôi được mời dùng trà với quan tổng đốc thành Shenshi đúng lúc quân địch vây thành. Quan tổng đốc, một người biết nói tiếng Pháp, đã kể cho tôi về những phong tục, văn hóa xứ này. Ông đã dịch hẳn một bài thơ Đường ra tiếng Pháp cho tôi nghe trong khi đạn bắn rít bên tai và lửa cháy rực bốn bề. Làm sao một người có thể thản nhiên uống rượu, ngâm thơ giữa cảnh chiến tranh xáo trộn như vậy? Phải chăng họ đã quá quen với tình trạng loạn lạc này, hay đó là do công phu hàm dưỡng để có một tinh thần không sợ hãi, thản nhiên, làm chủ được chính mình của người phương Đông? Sau cùng thì tôi cũng rời khỏi vùng lửa đạn đó để bước vào lãnh thổ Tây Tạng.
Tu viện nổi tiếng nhất miền Amdo là Kumbum. Cũng như Tashi Lhunpo, Kumbum còn là một trường đại học, hay phải nói là một thành phố thì đúng hơn vì nó tọa lạc trên một diện tích rất lớn với hàng trăm ngôi chùa nhỏ và hàng ngàn nhà cửa xây cất quanh đó. Tuy nhiên, Kumbum được thiết kế một cách giản đơn chứ không lộng lẫy như Tashi Lhunpo. Mặc dù cũng có rất nhiều pho tượng Phật lớn nhỏ khắp nơi nhưng phần lớn những pho tượng này được tạc bằng đá hoặc gỗ rồi sơn son thếp vàng chứ không được đúc bằng vàng khối hay khảm ngọc như tại Tashi Lhunpo. Trông thì giản dị nhưng kiến trúc tại đây lại chú trọng về nghệ thuật nhiều hơn. Phần lớn những pho tượng này đều được tạc bởi những bậc thầy trong ngành điêu khắc với những đường nét sống động trông như thật. Ngoài các pho tượng, còn có rất nhiều tranh ảnh. Phải nói là đâu đâu cũng có những bức họa hoặc các bức bút thiếp viết những câu thần chú hết sức đặc biệt. Điều này phản ánh sự khác biệt về truyền thống cũng như chủ trương của hai tu viện.
Kumbum chính là “cái nôi” của giáo phái Mũ Vàng đã mở đầu cho truyền thống Đạt Lai Lạt Ma, trong khi Tashi Lhunpo là trung tâm của phái Mũ Đỏ đứng đầu là Đức Ban Thiền Lạt Ma.
Giảng đường chính của Kumbum là một căn nhà khổng lồ với những hàng cột gỗ to bằng ba người ôm. Trên tường có vẽ những tranh ảnh nghệ thuật hoặc viết những câu thần chú bằng một loại văn tự lạ lùng mà tôi không nhận ra đó là văn tự gì. Cuối giảng đường là một hành lang dài và hẹp chứa đựng xác ướp của các vị Lạt Ma trưởng lão. Dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn đèn dầu, những xác ướp mạ vàng này dường như toát ra một cái gì vừa huyền bí vừa linh thiêng khiến người đi ngang qua phải nín thở và rón rén như sợ một tiếng động nhỏ thôi cũng có thể đánh thức những xác ướp đó sống dậy.
Nhịp sống tu viện bắt đầu từ sáng sớm khi âm thanh trầm trầm, ngân nga như sóng biển của những chiếc tù và vang lên. Ngay sau đó, người ta có thể nghe thấy những tiếng cửa mở vội, tiếng chân người, hàng vạn cặp chân hối hả bước lên chánh điện để làm lễ. Khi đến cửa chánh điện, các tăng sĩ phải cởi bỏ giày dép rồi mới bước vào những chỗ đã được ấn định tùy theo cấp bậc cao thấp. Các bậc trưởng lão thì ngồi trên những chiếc ghế gỗ, trong khi những tăng sĩ bình thường đều xếp bằng dưới đất. Dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của hàng ngàn ngọn đèn dầu, những bộ tăng phục màu vàng, màu đỏ, màu nâu hay màu xám phân biệt rõ địa vị, ngôi thứ trong hàng tăng sĩ.
Vì Kumbum cũng là một trường học nên ngoài tu sĩ, còn có khá đông học viên đến học để sửa soạn thi các kỳ thi Lạt Ma. Người Tây Tạng phân biệt rõ “Lama” là người đã đậu những kỳ thi về Phật học và “Trappa” là một tu sĩ xuất gia. Vì đa số các tu sĩ xuất gia đều phải thi đậu các kỳ thi về Phật học nên họ cũng là Lạt Ma. Điều này đã gây rắc rối và lúng túng cho nhiều người chưa nắm vững những tên gọi hay phong tục xứ này.
Buổi lễ bắt đầu bằng âm thanh của cặp tù và rất lớn gọi là radong, rồi tiếng chuông, khánh, mõ đồng loạt trổi lên, sau đó mới đến tiếng tụng kinh, trì chú trầm trầm ngân nga vang lừng khắp chánh điện. Đa số những tu sĩ sơ cấp hay những học trò đều được thu xếp cho ngồi ở hàng cuối chỗ gần cửa ra vào. Phần lớn học trò đều là những thiếu niên tuổi từ 10 đến 14, cặp mắt còn ngái ngủ, mặt mày ngơ ngác nhưng họ cũng không dám lơ đễnh hay có những cử chỉ nghịch ngợm nào vì họ ý thức rất rõ kỷ luật của tu viện và sự hiện diện của những giám sát tăng (chostimpa). Không như những tu viện tại những quốc gia khác, tu viện Tây Tạng đều rất lớn nên các buổi lễ có rất đông người tham dự. Để bảo đảm kỷ luật trong buổi lễ, tu viện thường có những nhân viên giám sát. Tôi đã chứng kiến những người này làm việc như sau:
Hôm đó trong một buổi lễ, có ba vị tăng quay qua nhau giơ tay làm những dấu hiệu chi đó, có lẽ họ nghĩ rằng vì ngồi giữa đám đông không ai có thể thấy cử chỉ này. Nhưng họ đã lầm. Hai nhân viên giám sát đã kín đáo theo dõi cử chỉ của họ từ lâu và thong thả bước thẳng đến chỗ những vị tăng kia. Ba vị tăng bị bắt quả tang đành tiu nghỉu cúi đầu bước ra sân. Một vị giám sát tăng rút ở sau lưng ra một cây roi da với những chiếc nút lớn. Tôi nghe tiếng roi vung lên chát chúa ở phía ngoài. Một lúc sau, ba vị tăng nọ cúi đầu trở lại tiếp tục khóa lễ. Dĩ nhiên đó chỉ là những vi phạm nhỏ nhặt vì nếu vi phạm tội nặng hơn thì họ đã bị trừng phạt tại một nơi khác và không mấy khi được trở lại tham dự khóa lễ ngay như vậy.
Sau buổi lễ là giờ điểm tâm. Nói là điểm tâm nhưng thực ra các tăng sĩ chỉ được uống ít nước trà mà thôi. Trà Tây Tạng khác với những loại trà thông thường vì được pha chế với bơ và muối nên có vị mặn. Tùy theo sự sung túc của tu viện mà trà được pha chế khác nhau ít nhiều. Những tu viện lớn, giàu có thì trà được đun với nhiều bơ, đôi khi người ta có thể ngửi thấy mùi bơ sữa béo ngậy át cả mùi trà. Những tu viện nhỏ hay nghèo hơn thì bơ được tiết kiệm cho việc khác nên chỉ có ít nước sôi pha với muối rồi trộn chút trà cho có mùi mà thôi. Phần lớn các tu viện đều ăn uống hết sức kham khổ. Thức ăn chính là một loại bánh mì khô gọi là tsampa và các loại củ cải muối. Rất ít ai được ăn trái hay thức ăn tươi vì khí hậu xứ này quá lạnh, rau trái không mọc được nên thực phẩm toàn là các loại củ, hạt. Mỗi tăng sĩ đều sử dụng bình bát riêng mà họ mang theo bên mình, màu sắc và cách trang trí trên bình bát khác nhau tùy theo tu viện hoặc môn phái. Người chuyên môn có thể phân biệt rõ tu sĩ đó thuộc môn phái hay tu viện nào tùy theo những ký hiệu chạm trổ trên bình bát. Đa số các bình bát đều bằng gỗ, không ai được sử dụng bình bát bằng sành hoặc bằng kim loại. Các bậc trưởng lão thường sử dụng bình bát bằng thứ gỗ tầm thường, không chạm trổ gì để tượng trưng cho hạnh sống nghèo, từ bỏ tất cả của cải vật chất.
Trong khi đó, các tu sĩ mới nhập môn hoặc những học trò thường mang theo những bình bát bằng những loại gỗ quý, chạm trổ rất đẹp. Trên nguyên tắc, những tu sĩ sơ cấp, những học trò đều phải ăn uống kham khổ theo kỷ luật tu viện nhưng điều này ít khi được áp dụng nghiêm chỉnh. Tùy gia cảnh mà khẩu phần ăn của những người này có phần nào khác biệt so với những người khác vì họ được gia đình trợ giúp thêm. Bước chân vào trong bếp, người ta thấy ngay những túi đựng bơ, bột mì khổng lồ được gia đình những người này dâng cúng cho tu viện, nhưng thực ra được thu xếp để dành riêng cho con em họ. Dĩ nhiên chỉ những người làm việc trong bếp mới biết rõ nó thuộc của ai mà gia giảm khẩu phần vì họ cũng được chia phần trong đó. Những người xuất thân từ gia đình giàu có, quý tộc luôn luôn được các nhân viên nấu bếp “chia thêm” những gói nhỏ đựng bánh kẹo, bơ sữa hoặc đôi khi có cả thịt cừu. Với những món đồ này, họ có thể “đổi chác” hoặc “mua bán” nhiều thứ với những đứa trẻ không được may mắn như vậy. Nhiều người có thể nhờ bạn cùng lớp làm giùm những công việc vặt như quét dọn, lau chùi hoặc làm giùm luôn cả bài tập để họ có thể thoải mái nghiền ngẫm những cuốn truyện thần thoại được lén lút chuyển vào tu viện qua những ngả riêng. Dĩ nhiên, khi lớn lên thì những gói bánh kẹo không còn hấp dẫn nữa và việc đổi chác bằng tiền bạc đã diễn ra.
Tôi đã chứng kiến việc “hối lộ” bằng tiền bạc để xin xỏ những ân huệ đặc biệt của các nhân viên trong trường. Phần lớn các học viên xuất thân từ miền Mông Cổ đều thuộc những gia đình tù trưởng, tộc trưởng giàu có và họ thường “mua chuộc” mọi thứ bằng tiền bạc mà họ mang theo hoặc được gia đình tiếp tế. Đối với những người được ưu đãi này, đời sống ở tu viện chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời mà họ phải trải qua; vì sau khi tốt nghiệp, đạt được mảnh bằng Lạt Ma thì họ có thể trở về nhà, lập gia đình rồi được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó tùy theo ảnh hưởng của gia đình. Vì Lạt Ma là một địa vị hết sức quan trọng cho con đường tiến thân của những người này nên họ đã dùng đủ mọi cách để sở hữu cho kỳ được mảnh bằng ấy. Tuy nhiên, bên cạnh những vị Lạt Ma chuyên về từ chương, miệng nói như nước chảy mà trong lòng không hiểu mình nói gì, bên cạnh các tu sĩ lười biếng không chịu tu hành mà chỉ quan tâm đến những đồ vật dâng cúng của tín đồ, vẫn có những người đã vượt lên những điều tầm thường đó. Họ cam chịu những bất công để tập tính nhẫn nhục, chịu đựng kham khổ để rèn luyện tinh thần, tận dụng mọi thuận cảnh cũng như nghịch cảnh để hướng tâm thức lên những bình diện cao hơn. Sau một thời gian học hỏi những kiến thức căn bản, họ rời tu viện để tìm đến những nơi hoang vu tu nhập thất, chuẩn bị cho một nếp sống khác, nếp sống của những bậc tu chứng. Một số người khác sau khi thu thập được các kiến thức đặc biệt, đã mang những điều này ra thực hành như một nghề nghiệp chuyên môn – như hành nghề thầy cúng, pháp sư hay phù thủy.
Mặc dù Kumbum là tu viện chính của phái Mũ Vàng, nhưng cũng có rất nhiều tu sĩ thuộc phái Mũ Đỏ tu học tại đây. Tu sĩ phái Mũ Vàng không được phép lập gia đình, nhưng phái Mũ Đỏ cho phép tu sĩ được lấy vợ. Tuy nhiên, nếu đã lập gia đình thì tu sĩ không được phép ở trong tu viện mà phải sống bên ngoài.
Một đứa bé thường được gửi vào tu viện từ khi nó lên tám hoặc chín tuổi. Có thể vì cha mẹ nó muốn nó trở thành một tu sĩ, hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ gửi vài đứa cho tu viện nuôi giúp. Vì tu viện cũng là trường học nên có thể họ muốn con em nếu không thành tu sĩ thì cũng được hưởng một nền giáo dục tốt và có một nghề chuyên môn.
Thông thường, một đứa bé được đặt dưới sự hướng dẫn của một tăng sĩ quen biết gia đình. Gần như gia đình nào cũng có người đi tu, 1/4 dân số Tây Tạng đều là tu sĩ nên đây là một điều rất thường. Vị tu sĩ này sẽ hướng dẫn cho đứa nhỏ và trở thành vị thầy đầu tiên, đôi khi cũng là vị thầy duy nhất của đứa trẻ.
Một gia đình giàu có thuộc hàng quý tộc thường “thu xếp” để con em họ theo học với các tu sĩ nổi tiếng, hoặc được kèm riêng bởi những học giả chuyên môn về một ngành học nào đó. Đối với những đứa bé này thì đời sống trong tu viện không đến nỗi khắc khổ lắm so với những đứa trẻ khác, mặc dù tất cả đều phải tuân theo những kỷ luật chung. Với những đứa trẻ nghèo kém tầm thường thì chúng chỉ được thu nhận vào tu viện sau khi đã vượt qua những thử thách mà tu viện đặt ra. Những thử thách này có thể giản đơn như là bổ vài chục bó củi cho tu viện hay lau dọn tu viện liên tiếp trong vài ngày để xem đứa trẻ có thực tâm muốn gia nhập tu viện hay không. Vì không có tiền trả học phí hay có đồ vật gì dâng cúng, những đứa trẻ này phải mang sức lao động ra làm những công việc lặt vặt để đổi lấy những bài học ngắn của các tu sĩ lớn tuổi hơn. Dĩ nhiên không phải tu sĩ nào cũng là những bậc học giả; rất nhiều người không hề biết đọc hay viết mà chỉ thuộc lòng một số từ chương kinh điển nên học trò cũng chỉ được truyền dạy như vậy mà thôi. Đôi khi chúng còn không được dạy dỗ thêm gì ngoài việc làm lụng cực nhọc để đổi lấy một bảo đảm là có chỗ ăn ngủ.
Tu viện Tây Tạng không chỉ là một tu viện thuần túy mà còn là một xã hội thu nhỏ, một thành phố, một cơ sở giáo dục, nên ngoài việc đào tạo tu sĩ hay các bậc học giả, họ còn huấn luyện cả nghề nghiệp chuyên môn nữa. Muốn trở thành tu sĩ chính thức, một người phải vượt qua các thử thách đặc biệt và thi đậu kỳ thi Lạt Ma. Khi đó, đời sống của họ sẽ khác hẳn, họ sẽ được theo học các khóa huấn luyện riêng tùy khả năng và nếu muốn học cao hơn thì họ có thể xin nhập học tại các đại học lớn như Sera, Drepung, Ganden hoặc Kumbum.
Các đại học Tây Tạng thường được tổ chức với bốn phân khoa chính là Triết học (Tsen Nid), Huyền học (Gyud), Khoa học (Men) và Phật học (Do). Các môn học tổng quát thông thường như sinh ngữ, Tạng ngữ, kiến thức phổ thông được dạy như một chương trình chung cho mọi phân khoa. Mỗi năm đều có những kỳ thi tuyển rất khó khăn và chỉ những học sinh nào vượt qua những kỳ thi này mới được lên lớp. Những người không may mắn được khuyến khích nên đổi ngành học hoặc trở về nhà làm ruộng, chăn nuôi hoặc được huấn luyện một nghề khiêm tốn nào đó Ngoài những kỳ thi thông thường, phân khoa Triết học thường tổ chức những buổi diễn thuyết, tranh luận hàng năm. Đây là một phong tục đặc biệt, rất thịnh hành và thường lôi kéo rất đông người đến xem. Cuộc tranh luận đôi khi kéo dài nhiều ngày với những đề tài từ đơn giản đến phức tạp. Phần lớn những câu hỏi hay câu trả lời đều dựa trên những lý lẽ đã được đối đáp trước đó và được ghi chép lại rất cẩn thận.
Có lẽ vì thế mà những cuộc tranh luận này thường có tính từ chương hơn là thực tiễn. Người ta đã trích dẫn hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách khác nhau để biện bác, lý luận nhưng không phải người nào cũng lặp lại như con vẹt, mà trái lại vẫn có những bậc học giả với những lý lẽ uyên bác khác thường được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Buổi lễ kết thúc khi những người thắng cuộc được tất cả những người thua cuộc cõng trên vai chạy một vòng xung quanh hội trường trước tiếng reo hò vang dội của khán giả.
Phân khoa Huyền học là một phân khoa rất đặc biệt vì có lẽ Tây Tạng là quốc gia duy nhất có trường huấn luyện về ngành này. Chương trình học được tổ chức hết sức quy củ. Trong những năm đầu, tất cả sinh viên bắt buộc phải theo học trình ấn định rõ rệt nhưng đến những năm cuối thì họ có quyền lựa chọn những lớp nhiệm ý tùy theo khả năng hay sở thích riêng. Những lớp học này hoàn toàn được dạy theo lối khẩu truyền, học riêng với những vị thầy và diễn ra trong vòng bí mật. Không ai được phép tiết lộ những điều họ đã học hoặc bàn luận những chi tiết này với người khác. Dĩ nhiên học trò có thể tin hay không tin điều mà họ được truyền dạy và toàn quyền thực hành những điều này tùy theo ý muốn. Học trò lúc này được gọi là “Gyud Pas” và được mọi người hết sức kính trọng vì một Gyud Pas được xem là có khả năng tiếp xúc với các cõi giới vô hình, sử dụng huyền thuật, biết cách lập những đàn tràng cầu mưa, cầu nắng hay cầu khẩn các đấng thần linh ban phép lành cho dân chúng trong vùng. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ hàng phục yêu ma, trừ tà, trục linh và các việc liên hệ đến cõi giới siêu linh. Tôi được biết những Gyud Pas đều phải tuân theo các quy luật hết sức khắt khe, có những lời thề bí mật với các vị thầy trước khi họ có thể sử dụng những nghi thức này. Một trong những luật lệ căn bản của Huyền học là không bao giờ được thực hành những nghi thức hay pháp thuật cho mục đích cá nhân. Ngay như khi đau ốm, bệnh hoạn họ cũng phải nhờ các bạn đồng môn thực hành nghi thức cầu an, cúng sao giải hạn cho họ chứ tuyệt đối không được phép làm bất cứ điều gì cho cá nhân mình.
Người Tây Tạng thường nói đến những vấn đề siêu hình, những phép thuật thần thông, những cõi giới vô hình một cách tự nhiên. Họ tin rằng những hiện tượng này đều là những hiện tượng tự nhiên chứ không có gì đặc biệt khác thường. Sách vở Huyền môn Tây Tạng nói rõ rằng tất cả quyền năng đã có sẵn trong mỗi con người, nhưng vì không biết cách phát triển nên rất ít ai biết cách sử dụng nó một cách chính xác. Tuy nhiên, ít người biết sử dụng không có nghĩa là những điều đó khác thường hay trái tự nhiên. Huyền học Tây Tạng giải thích rằng con người là một thực thể phức tạp bao gồm nhiều thể khác nhau. Mỗi thể tương ứng với một cõi giới, ví dụ như thể xác tương ứng với cõi trần, thể vía tương ứng với cõi trung giới hay cõi chết v.v… Đối với cõi trung giới, thể xác con người trở nên vô dụng vì không thể sử dụng các giác quan thông thường của thể xác vào việc gì được. Phát triển quyền năng tức là tập sử dụng những giác quan có sẵn của các thể này. Một người bình thường chỉ biết sử dụng các giác quan của thể xác nên họ có thể nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ mó các vật thuộc cõi trần. Nếu biết khai triển và sử dụng các giác quan của thể vía thì họ sẽ ý thức được những sự kiện xảy ra tại cõi trung giới. Dĩ nhiên, càng biết bao nhiêu, họ càng có thể hành động thích nghi hơn bấy nhiêu. Các giác quan của thể vía hay các thể cao hơn giúp người ta trở nên tinh nhạy với các rung động của một thế giới lớn hơn thế giới mà chúng ta đang sống và biết được, nghe được, nhìn thấy được nhiều sự kiện khác mà giác quan của con người bình thường không thể thấy được. Vì họ có thể đọc tư tưởng của người khác, nhìn thấy những chuyện xảy ra trong quá khứ hay tương lai, nên người ta thường xem những người này có quyền năng Thần Nhãn[10] , Thiên Nhĩ[11] hay Túc Mạng Thông[12]
…
Việc phát triển các khả năng như thế hiển nhiên là hữu ích. Người khai mở được những quyền năng này sẽ sống trong một thế giới rộng lớn bao la hơn trước rất nhiều. Nói đúng hơn, họ sẽ nhận thức được rằng cõi mà họ đang sống được mở rộng và họ có đủ mọi khả năng mà từ trước đến nay họ không bao giờ ngờ đến. Họ có thể đọc được tư tưởng của người khác, thấy được quá khứ hay tương lai của những người này. Họ cũng có thể quan sát những cõi giới khác, thấy vong linh của người đã rời xác thân hay những vong linh đang lang thang tìm đường đầu thai. Họ có thể học hỏi, khảo cứu và ý thức được những khí lực tự nhiên đang luân chuyển trong vũ trụ, cùng những ảnh hưởng mà họ có thể kêu gọi và sử dụng nếu biết cách.
Dĩ nhiên, một sự khai triển các giác quan như thế cũng có những mặt trái của nó. Trong mọi cõi giới đều có những vật chất thanh cao cũng như thấp hèn, tốt cũng như xấu, và dĩ nhiên trong mỗi con người cũng có đầy đủ các loại vật chất đó. Nếu biết giữ đúng kỷ luật huyền môn, cương quyết thanh lọc thân tâm để loại bỏ những ảnh hưởng thấp hèn, xấu xa và chỉ thu nhận những ảnh hưởng thanh cao thì con người có thể tiến rất xa trên con đường hiểu biết. Đó là phần then chốt của Bon Pa, một tôn giáo cổ của người Tây Tạng ,nhưng Phật giáo không chấp nhận điều này mà cho rằng người tu còn phải vượt lên trên mọi giới hạn của các cõi giới, ngoài vòng ảo ảnh của bản ngã để vượt thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Phật giáo cho rằng sự phát triển hay tu theo những phương pháp mà mục đích là cầu thần thông thường có hại hơn là hữu ích vì mọi hành động, tư tưởng phát ra đều chịu ảnh hưởng của các định luật tự nhiên như luân hồi, nhân quả. Một người sử dụng quyền năng để thỏa mãn các tham vọng riêng tư là đi vào con đường hết sức nguy hiểm.
Nguy cơ đầu tiên của một người đã đắc thần thông là sự kiêu căng.
Vì số người sở hữu các quyền năng này rất ít nên những người này tưởng mình đã trở thành đấng này, vị nọ. Vì có thể đọc được tư tưởng người khác hay biết trước một vài vấn đề, họ thường được mọi người xung quanh xúm vào xưng tụng như những bậc thánh thần, đắc các đạo quả rất cao, do đó họ càng kiêu căng tự phụ và dễ sa ngã vào các cám dỗ của bàng môn tả đạo.
Một nguy cơ khác là khi họ nghĩ mình đã là một đấng cao cả và không thể lầm lạc thì họ trở nên thích hướng ngoại, dạy dỗ mọi người và thu thập tín đồ cho đông. Thiếu trí tuệ sáng suốt để phân biệt, xét đoán những điều mà họ chứng nghiệm được xem nó có đúng với sự thật không hoặc đó chỉ là một trạng thái của vô minh, họ đâm ra chỉ dạy một cách sai lạc các chân lý cao siêu trong kinh điển; phóng đại những sáo ngữ thành tín điều trọng đại hoặc vài câu nói vu vơ như là lời mách bảo của các thiên thần và hướng dẫn những người theo họ vào con đường tà muội.
Một nguy cơ khác nữa là trong các cõi vô hình luôn luôn có những vong linh bất hảo hay những pháp sư, phù thủy hắc đạo với những chủ trương và mục đích riêng. Thiếu sự hướng dẫn của một bậc thầy hay một lý tưởng cao cả, những người sở hữu thần thông dễ trở thành nạn nhân của những đạo sĩ hắc đạo này. Họ sẽ bị dẫn dụ vào những nẻo đường tà với những quyền năng ích kỷ hại nhân mà họ lầm tưởng là những ấn chứng rất lớn. Đôi khi họ nhận được những sức mạnh, những nguồn thần lực từ bên ngoài mà họ không biết rõ từ đâu đến để sử dụng vào những mục đích không rõ ràng và dần dần họ trở thành công cụ của sức mạnh, quyền năng ngoại giới của pháp sư, phù thủy hay sinh vật cõi giới vô hình. Cũng vì lý do đó, phân khoa Huyền học tuyển lựa học trò rất cẩn thận và bắt buộc học trò phải lập những lời thề đặc biệt với các vị thầy.
Vì tu viện Tây Tạng còn là một thành phố, một xã hội riêng biệt nên ngoài các công việc mang tính tâm linh, giáo dục, còn có nhiều hoạt động khác của những người hành nghề chuyên môn như nhạc sĩ, họa sĩ, y sĩ, thương gia, nhân viên an ninh hay cảnh sát… Đa số các nhạc sĩ và họa sĩ thường tập hợp thành những nhóm riêng làm việc cho tu viện trong các buổi lễ lớn hay cho những gia đình giàu có quanh vùng. Các y sĩ phải cạnh tranh với pháp sư, phù thủy khi chữa bệnh. Họ phải thuyết phục bệnh nhân rằng các bệnh trạng đó không phải do vong linh nào gây ra nên không cần đến các pháp sư, phù thủy. Các y sĩ đã thành danh thường sống quanh tu viện hay các thành phố lớn vì tại đây có đông bệnh nhân, nhưng các y sĩ vừa tốt nghiệp thường phải đến các làng mạc hẻo lánh hành nghề hoặc trở thành các y sĩ không ở tại một chỗ nào nhất định. Nghề thịnh hành và kiếm nhiều tiền nhất tại Tây Tạng là đi buôn. Vì những tăng sinh tốt nghiệp mảnh bằng Lạt Ma đều biết đọc và viết nên nhiều người đã tháp tùng theo các đoàn thương nhân để tính toán sổ sách, lập giao kèo và giúp họ trao đổi hàng hóa… Ngoài các nghề nghiệp chuyên môn kể trên còn có một nghề đặc biệt là nhân viên trật tự hay cảnh sát. Những người này thường được tuyển lựa từ những nhân viên lao động, đa số đều có thân hình to lớn, tính tình hung hăng. Họ được huấn luyện về võ thuật để giữ gìn trật tự và bảo vệ an ninh cho tu viện. Những người này thường bôi mặt bằng hắc ín hay lọ chảo cho thật đen và mặc những bộ quần áo rách nát như xơ mướp. Dù có được ban phát những bộ quần áo lành họ cũng xé cho rách đi rồi bôi cho thật bẩn thì mới đúng với truyền thống cảnh sát. Khác với những giám sát tăng (chostimpa) là những tu sĩ kiểm soát trật tự trong các buổi lễ mà tầm hoạt động bị giới hạn trong chánh điện hay giảng đường, những cảnh sát này không phải là tu sĩ, không phải tuân theo các giới luật. Họ có nhiệm vụ canh gác, kiểm soát an ninh cho toàn thể tu viện, chống nạn trộm cướp hay các đe dọa từ bên ngoài.
Tu viện Kumbum nổi tiếng là nhờ một cái cây gọi là “linh thụ của đại sư Tsong Khapa”. Tôi ghi nhận sau đây ít dòng phỏng theo tài liệu cất giữ tại tu viện này như sau:
“Đại sư Tsong Khapa, người sáng lập ra phái Mũ Vàng sinh tại Amdo, phía đông bắc xứ Tây Tạng, tại một nơi mà hiện nay là tu viện Kumbum. Ngay khi ngài vừa sinh ra, Lạt Ma Dubchen Karma Dorje, một tu sĩ nổi tiếng tại Tây Tạng, đã tiên đoán rằng cuộc đời của ngài sẽ hết sức đặc biệt và khuyên cha mẹ ngài phải giữ gìn nơi ngài hạ sinh cho được thanh sạch. Chẳng bao lâu sau, có một cái cây kỳ lạ mọc lên ở chỗ đó rồi một vị Lạt Ma ẩn tu nhiều năm trên rặng Tuyết Sơn đã đến lập chùa ngay bên cạnh chỗ cây đó mọc. Về sau chùa này phát triển thành tu viện Kumbum ngày nay. Từ nhỏ, Tsong Khapa đã tỏ ra thông minh khác thường, ngài theo học với nhiều danh sư của các tông phái khác nhau như Kargyupa,
Kadampa, Nyingmapa, Sakyapa nhưng vẫn không hài lòng về những điều đã học. Ngài bèn nhập thất tu thiền nhiều năm trong một hang động trên dãy Tuyết Sơn. Sau khi suy ngẫm về tinh hoa của các môn phái, ngài nhận thấy Phật giáo khi truyền vào Tây Tạng đã bị thay đổi và pha trộn với tôn giáo bản địa. Không những thế, các tu sĩ thường lười biếng, không chịu tu học mà chỉ chú trọng đến các nghi thức từ chương, các hình tướng bên ngoài; một số còn sử dụng huyền thuật bừa bãi. Tsong Khapa bèn hạ sơn và phát động một công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ngài nhấn mạnh đến giới luật, cương quyết bài trừ tệ nạn buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan. Vì ngài phải đi khắp nơi truyền đạo nên đã lâu không về thăm nhà. Bà mẹ ngài nhớ con bèn viết thư gọi ngài trở về, nhưng ngài thấy công việc còn bận rộn, về Amdo cũng không có ích gì nên viết một lá thư trao cho đệ tử mang về nhà cho mẹ. Trong bức thư, ngài kèm theo tấm ảnh của Đức Văn Thù Bồ Tát và một vị thánh của Tây Tạng là đức Demtchog. Khi vừa mở thư ra thì bà mẹ thấy một luồng ánh sáng lóe lên bay lượn trên không rồi chui luôn vào cái cây mọc nơi ngài hạ sanh. Tự nhiên cây linh này bỗng tỏa hào quang. Tất cả lá cây đều hiện rõ chân dung của Bồ Tát Văn Thù và Demtchog một cách rõ ràng như có người vẽ vào đó. Ngoài ra còn có câu thần chú “Om Mani Padme Hum” hiện rõ trên lá cây. Vì thế người ta mới gọi ngôi chùa này là tu viện Kumbum (chữ “kumbum” có nghĩa là ngôi
chùa có hàng trăm ngàn hình ảnh trên lá cây)”.
Trong cuốn Tây Tạng du ký, hai vị linh mục người Pháp là Huc và Gabet viết rằng họ đã xem xét cây linh này hết sức kỹ lưỡng và xác nhận rằng trên lá và thân cây đều hiện lên sáu chữ “Om Mani Padme Hum” một cách rõ rệt. Đây là những dòng chữ tự nó xuất hiện chứ không phải được người ta viết là vì ngay những đọt lá non vừa nhú lên đã có những dòng chữ đó rồi.
Amdo là một cao nguyên nằm trên độ cao hàng nghìn thước, gần như không cây cối nào có thể mọc được. Một cái cây mọc lên như vậy đã là chuyện hiếm có, vậy mà từ lá đến thân cây đều hiện lên hình ảnh Bồ Tát hay câu thần chú thì quả là một sự kiện vô cùng đặc biệt nên người ta đã xây cất một cái tháp lớn bao quanh cây đó. Phần lớn tháp ở Tây Tạng đều xây cất kín mít thì làm sao một cái cây có thể sống khi thiếu ánh sáng và không khí được? Người ta tự hỏi nếu tháp này được xây cất từ thế kỷ 16 thì phải chăng linh mục Huc và Gabet đã thấy một cái cây chết khô? Tuy nhiên, cả hai vị linh mục đã quả quyết rằng cây đó không những vẫn còn sống mà còn rất tươi tốt. Không những thế, số lá trên cây luôn luôn là một con số nhất định, mỗi khi một lá cây rụng thì lại có ngay một lá non khác mọc ra. Chuyện này hư thực ra sao? Tôi đã quan sát rất kỹ cái tháp chứa cây linh đó. Đó là một cái tháp cao khoảng 50 bộ[13], mái nhọn được thếp vàng trông rất nổi. Cửa tháp được khóa kín, chỉ một vài tăng sĩ được phép vào trong tháp quét dọn lau chùi mà thôi. Sau mỗi lần quét dọn, họ nhặt những lá cây rụng dưới đất ban phát cho những tín đồ hành hương. Tôi không có dịp xem xét những chiếc lá ấy nên không biết nó như thế nào, nhưng nhiều người châu Âu trong phái đoàn ngoại giao Anh và Pháp đã quả quyết rằng chính họ đã có dịp chiêm ngưỡng những chiếc lá còn xanh tươi với câu chú “Om Mani Padme Hum” hiện rõ trên đó. Các tài liệu, văn kiện ngoại giao của cả hai nước đều ghi nhận chi tiết về cây linh này. Đối với người Tây Tạng, hiện tượng này không có gì đặc biệt hay lạ lùng mà chỉ là một điều hết sức tự nhiên.
Ngoài các Lạt Ma, trưởng lão và nhân viên điều hành, tu viện Tây Tạng còn có sự hiện diện của một số người đặc biệt, được gọi là hóa thân (tulku).
Hóa thân là một truyền thống đặc biệt của Tây Tạng bắt nguồn từ những niềm tin sâu xa về vai trò của các vị Bồ Tát hóa thân trở lại để giúp đỡ chúng sinh. Theo lịch sử xứ này thì truyền thống hóa thân bắt đầu khi sư trưởng Gedun Trupa, đệ tử thừa kế của đại sư Tsong Khapa hứa sẽ trở lại để hướng dẫn cho các đệ tử phái Mũ Vàng thông qua các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Đến đời vị Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Lobsang Gyatso thì truyền thống này phát triển mạnh mẽ vì ngoài nhiệm vụ trưởng môn phái Mũ Vàng, ông này còn nắm quyền cai trị toàn xứ Tây Tạng nữa. Lobsang Gyatso vừa nắm quyền lãnh đạo tinh thần vừa nắm quyền lãnh đạo quốc gia, từ hành pháp, lập pháp đến tư pháp. Có lẽ vì trách nhiệm nặng nề, ông đã phong cho vị thầy có công dạy dỗ mình, một trưởng lão của phái Mũ Đỏ làm Ban Thiền Lạt Ma, chia quyền lãnh đạo tinh thần trong xứ với vị này. Các vị Ban Thiền Lạt Ma cũng tuyên bố rằng họ sẽ hóa thân trở lại để trông nom, hướng dẫn tinh thần cho dân chúng Tây Tạng và truyền thống hóa thân phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp nơi. Các vị trưởng lão, trụ trì tu viện cũng tuyên bố hóa thân trở lại để tiếp tục công việc mà họ chưa hoàn tất trong kiếp người ngắn ngủi, và từ đó các vị hóa thân đã nắm giữ một vai trò hết sức quan trọng trong tu viện Tây Tạng cho đến nay.
Không phải đến thế kỷ 15, dưới quyền lãnh đạo của các Đạt Lai Lạt Ma thì truyền thống hóa thân mới bắt đầu, mà thật ra việc này đã có từ trước nhưng ít được đề cập và các vị hóa thân cũng không tuyên bố gì nhiều. Ngay từ thế kỷ 11, một vị thánh nổi tiếng của Tây Tạng, vị hành giả mặc áo rách Milarepa thường gọi vị thầy của ông, Marpa, là hóa thân của Bồ Tát Dorjee Chang. Rất nhiều bài thơ, bài hát của Milarepa ca tụng công ơn dạy dỗ của sư phụ đã dùng lẫn lộn cả tên Marpa lẫn Dorjee Chang. Dĩ nhiên một đệ tử không bao giờ gọi sai tên sư phụ của mình, nhất là trong các bài thơ tán thán công đức như vậy, trừ khi ông tin tưởng rằng sư phụ của ông chính là hóa thân của một vị Đại Bồ Tát. Từ “tulku” thường bị định nghĩa một cách sai lạc, không chính xác bởi các nhà nghiên cứu châu Âu. Một số đã dịch “tulku” là Phật sống, hay
một người đã đắc quả vị Phật. Đây là một sai lầm rất lớn vì Phật là một quả vị cao tột, trong lịch sử chỉ có một người duy nhất, thái tử Tất Đạt Đa là chứng đắc được mà thôi. Một số học giả châu Âu cho rằng các vị hóa thân hay Phật sống chính là Đức Thích Ca đã đầu thai trở lại. Một người Tây Tạng, dù ngu dốt thất học đến đâu cũng không thể chấp nhận quan niệm sai lầm này vì Đức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn thì làm gì có chuyện đầu thai trở lại. “Niết bàn” là sự giải thoát vĩnh viễn khỏi luân hồi sinh tử và không đầu thai trở lại, dù dưới bất cứ hình thức nào. Một giả thuyết khác, cũng do người châu Âu đưa ra, là các vị hóa thân là do các vị Phật khác, không nhất thiết phải là Đức Phật Thích Ca đầu thai trở lại. Đây cũng là một quan niệm sai lầm vì một khi đã trở thành Phật nghĩa là chấm dứt, giải thoát vĩnh viễn, không thể có một vị đã thành Phật lại đầu thai trở lại thế gian để làm một vị “Phật sống” được.
Một số người đã đặt câu hỏi phải chăng chỉ có một vị Phật duy nhất? Theo kinh điển thì có rất nhiều vị Phật nhưng mỗi vị giáo hóa tại một nơi khác nhau. Tại cõi Ta Bà, hay thế giới hiện nay, chỉ có một vị Phật duy nhất là Phật Thích Ca mà thôi, tuyệt đối không thể có một vị Phật thứ hai nào nữa ra đời. Chỉ khi nào giáo lý của Đức Phật Thích Ca biến mất, không còn ai biết đến, kể cả những kinh điển, danh từ đều thất truyền thì lúc đó Đức Phật Di Lặc mới xuất hiện để dạy dỗ chúng sinh. Trước khi Đức Di Lặc ra đời, không thể có một vị Phật nào khác xuất hiện. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì không thể có hai Đức Phật cùng làm một việc trong cùng một khoảng thời gian, nếu Đức Phật thứ hai xuất hiện khi giáo lý hay kinh điển của Đức Phật thứ nhất vẫn còn lưu hành thì đó là một việc thừa hay sao?
Các tu viện Tây Tạng đã phân biệt hết sức rõ ràng khi họ thờ Đức Phật Thích Ca như vị Phật hiện tại và Đức Di Lặc như vị Phật tương lai. Theo kinh điển thì các vị Bồ Tát vì thương xót chúng sinh nên thường biến hóa thành vô số thân hình dạo khắp các nơi để hóa độ chúng sinh. Vì các ngài có thể phân chia hóa hiện ra làm vô số nên những vị hóa thân thường được giải thích như là hóa thân của các vị Bồ Tát.
Khi tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 tại Sikkim, tôi đã đặt nhiều câu hỏi với ngài về việc này. Lúc đầu ngài đã giải thích cho tôi nhưng thấy tôi không nắm vững vấn đề cho lắm, ngài cho phép tôi chép lại ra giấy để tránh những ngộ nhận sai lầm về sau. Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận rằng hóa thân chỉ là một trong trăm ngàn phương tiện phát sinh từ lòng đại từ đại bi của các vị Bồ Tát, vì thương xót chúng sinh nên đã biến hóa ra như vậy. Nếu phải sử dụng một phương tiện gì đó để độ cho chúng sinh thì các bậc Bồ Tát liền sử dụng ngay. Các ngài hóa thân thành người, thần, quỷ, vật, núi, sông, cây cỏ nếu đó là những cơ duyên thích hợp để giáo hóa chúng sinh, để cứu vớt chúng sinh, để cảnh tỉnh chúng sinh và giúp họ thoát khỏi phiền não. Quan niệm này đã được ghi chép khá rõ ràng trong các kinh điển Đại Thừa, nhưng nếu hiểu một cách đúng đắn hơn thì các vị hóa thân chỉ tượng trưng cho cái lý tưởng Bồ Tát, cho các đức tính cao cả nào đó của các vị Bồ Tát chứ không phải một vị Bồ Tát nào đã đầu thai vào thân hình của một con người. Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, có nghĩa là ngài chỉ tượng trưng cho cái lý tưởng từ bi, vị tha của vị Bồ Tát này. Đức Ban Thiền Lạt Ma là hóa thân của Đức Phật A Di Đà, có nghĩa là ngài chỉ tượng trưng cho oai lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà mà thôi. Dĩ nhiên hóa thân còn có nhiều ẩn nghĩa huyền bí, không thể giải thích nếu người ta chưa có một kiến thức rõ rệt về các cõi giới cũng như sự biến hiện của tâm thức nên nó chỉ được truyền dạy trong vòng bí mật giữa các vị trưởng lão và đệ tử cao cấp. Đối với quan niệm thông thường, người Tây Tạng tin rằng hóa thân là sự di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác của một người đã ý thức rõ rệt về việc làm của mình.
Mặc dù Phật giáo không công nhận sự hiện hữu của linh hồn, hoặc một cái gì trường tồn bất biến, nhưng đa số người Tây Tạng vẫn tin tưởng rằng có một bản thể di chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác – ví như một người cởi bỏ bộ quần áo cũ đi để thay thế bằng một bộ quần áo mới.
Nếu giải thích một cách đơn giản như thế thì tất cả mọi người đều là hóa thân của chính bản thể của họ, trôi nổi từ kiếp này qua kiếp khác. Sự khác nhau ở chỗ đa số mọi người không ý thức gì đến những chuyện xảy ra trong tiền kiếp, trong khi các vị hóa thân Tây Tạng có thể nhớ đến tiền kiếp và biết rõ mục đích cuộc đời hiện tại. Người Tây Tạng đã diễn tả điều này như sau: Người thiếu sự phát triển về tâm linh sẽ sống một cách hết sức thụ động, lang thang trôi dạt như bèo trên mặt nước, họ chỉ phản ứng lại với những sự đổi thay bên ngoài chứ không chủ động được cuộc sống của mình. Vì không có một mục đích hay hướng đi rõ rệt nên họ chỉ giống như kẻ lữ hành lang thang không định hướng, nếu nhìn thấy một hồ nước ở phía đông và vì khát nước, họ vội vã rảo bước về hướng đó. Khi đến gần hồ nước, họ lại nhìn thấy một túp lều ở phía bắc với một làn khói mong manh bốc lên. Họ nghĩ rằng nơi đó chắc chắn phải có đồ ăn nên thay vì bước đến hồ nước, họ lại đổi ý quay về hướng túp lều kia. Trên đường đi về phía túp lều, họ lại nhìn thấy một nhóm người đang vui vẻ nô đùa trên cánh đồng phía tây. Nghĩ rằng họ có thể tìm được một vài người bạn hoặc có thể tham dự cuộc vui ấy nên họ lại đổi ý nhắm hướng tây mà đi. Khi gần đến nơi đó, họ gặp một vài người khác cũng đang lang thang như họ. Những người này kể rằng có một thung lũng rất đẹp ở phía nam với cây cối xanh tươi, muông thú đầy rẫy, thế là họ lại bỏ ý định tìm đến cánh đồng phía tây để tháp tùng đoàn người kia đi về hướng nam. Cứ thế, họ dắt díu nhau đi và luôn luôn đổi hướng mỗi khi gặp một chuyện gì đó thích thú hơn. Vì thụ động như vậy, không bao giờ họ đến được nơi nào hay đạt được mục đích gì cao cả trong đời. Theo thời gian, dĩ nhiên họ sẽ bỏ mạng trước khi ý thức được ý nghĩa của cuộc sống. Vì nghiệp đã tạo ra trong thời gian lang thang, trôi nổi trong luân hồi, họ sẽ tiếp tục đầu thai trở lại để trả quả hoặc gieo nhân, và rồi cứ thế lang thang kiếp này qua kiếp khác trong sáu nẻo luân hồi, không bao giờ đạt được mục đích rõ rệt hay ý thức về ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Người có đời sống tâm linh phong phú cũng là người đang đi trong nẻo luân hồi nhưng đã có mục đích rõ rệt. Họ biết mình muốn đi đâu và có sẵn một bản đồ chỉ dẫn. Họ biết trước những mục tiêu ngắn hạn phải đạt, những cạm bẫy bên đường phải tránh. Họ tập trung tư tưởng vào mục đích cao cả trước mặt và luôn luôn tiến bước không ngừng. Đôi khi họ cũng vấp ngã, có khi họ bị cám dỗ hay lạc hướng nhưng họ luôn luôn đề cao cảnh giác để định hướng trở lại và quyết tâm tiến đến mục tiêu đã đề ra. Vì đời người quá ngắn, Thần Chết đã tấn công họ trước khi họ đạt được mục tiêu nhưng cái ý chí cương quyết tiếp tục con đường đã định giúp họ ý thức về giai đoạn tạm thời giữa các cõi sống. Thân thể họ có thể tan rã nhưng cái ý chí vẫn còn nguyên vẹn dưới trạng thái năng lực tâm linh, và cái năng lực này sẽ tiếp tục hướng dẫn họ chuyển kiếp đầu thai vào một cơ thể khác để hoàn tất tâm nguyện quá khứ. Đó là trường hợp của các vị hóa thân tại Tây Tạng.
Chi tiết việc này đã được ghi nhận rõ rệt trong cuốn Tử Thư. Đây là cuốn sách giải thích rõ rệt việc áp dụng, thực hành các phương pháp tu hành để chuẩn bị cho đời sống tại cõi Trung giới và cách tập trung các năng lực để đi đầu thai.
Một số người châu Âu cho rằng truyền thống hóa thân chỉ là một phong tục hay hình thức mê tín dị đoan, nhưng trong thời gian sống tại Tây Tạng, tôi đã chứng kiến những sự kiện hết sức lạ lùng, không thể gọi là mê tín dị đoan được.
Khi sống tại Kumbum, tôi ở gần ngôi chùa của một vị hóa thân tên là Lạt Ma Pegyai. Vị này qua đời đã hơn bảy năm nhưng người ta vẫn chưa tìm thấy đứa bé mà ngài sẽ hóa thân trở lại như lời chỉ dẫn của ngài trước khi viên tịch. Viên trị sự trông coi ngôi chùa cũng không có vẻ gì sốt sắng trong việc đi tìm hóa thân vị thầy quá cố của mình. Vì ngôi chùa này to lớn, có nhiều tín đồ nên các phẩm vật dâng cúng rất nhiều và thịnh soạn, đã thế chùa lại sở hữu một số ruộng đất gần đó với nhiều hoa màu nên viên trị sự sống rất ung dung, nhàn nhã. Một hôm, ông có việc phải đi xem xét ruộng đất, dừng chân tại một nhà trọ bên đường. Trong khi chờ đợi người hầu bàn dọn ăn thì ông rút bộ ống điếu ra nhồi thuốc và châm lửa hút. Đang sắp sửa hút bỗng một đứa bé khoảng năm sáu tuổi ở đâu bước đến giằng lấy tẩu thuốc và quát lớn “Tại sao ngươi dám sử dụng bộ tẩu của ta?”. Viên trị sự giật mình vì bộ tẩu đó vốn chẳng phải của ông mà là của sư phụ ông, Lạt Ma Pegyai. Dĩ nhiên ông không lấy trộm nhưng sẵn có bộ đồ hút của thầy để lại thì ông cứ tự tiện sử dụng mà thôi. Trong lúc ông đang bối rối thì đứa bé nghiêm nghị trách mắng “Nhà ngươi mau lau chùi sạch sẽ rồi trả lại tẩu thuốc cho ta ngay”. Nghe xong câu nói, viên trị sự vội vã quỳ mọp ngay xuống đất vì ông đã quá quen thuộc với những câu nói như vậy của Lạt Ma Pegyai.
Hôm sau, cả chùa tổ chức một buổi lễ long trọng để đón Lạt Ma Pegyai về chùa. Dĩ nhiên tôi cũng rất náo nức đi xem sự thể như thế nào. Vị hóa thân được phục sức như các bậc trưởng lão, oai vệ cưỡi ngựa về chùa, viên trị sự nắm cương dẫn đường. Vừa vào đến cổng chùa, đứa bé đã quát hỏi “Tại sao nhà ngươi lại rẽ qua bên trái để ra sân sau, ta nhớ cửa vào chánh điện nằm ở bên phải kia mà?”. Thật thế, sau khi Lạt Ma Pegyai qua đời, vì một lý do nào đó người ta đã bịt kín cửa chính và mở một cửa khác nằm ở bên trái ngôi chùa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đứa bé quả thật là Lạt Ma Pegyai đầu thai trở lại.
Khi vào đến phòng ăn, các sư sãi vội mang những bộ chén đũa bằng ngọc lên để mời vị hóa thân thọ trai nhưng đứa bé lắc đầu “Mang cho ta bộ chén bằng sứ Giang Tây kia”. Các sư sãi đều ngạc nhiên vì trong chùa làm gì có bộ chén nào như vậy. Vị hóa thân bèn tả rõ màu sắc các nét vẽ trên bộ chén đó nhưng mọi người vẫn ngơ ngác vì quả thật họ chưa từng trông thấy bộ chén đó bao giờ. Đến lúc đó vị hóa thân mới nói “Các ngươi cứ tìm cho kỹ đi. Lần đi qua Trung Hoa ta đã mua một bộ chén cất trong một cái rương gỗ để ở hậu liêu kia mà”. Mọi người vội vã đến đó tìm thì quả nhiên có một bộ chén bằng đồ sứ Trung Hoa gói ghém rất kỹ, chưa hề được sử dụng. Đến khi đó không ai còn nghi ngờ gì nữa, quả thật đứa bé chính là hóa thân của Lạt Ma Pegyai. Vào một lần khác, khi di chuyển từ biên giới Mông Cổ qua Tây Tạng, tôi đã tạm trú trong một lữ quán cách tỉnh Ansi khoảng vài chục dặm.
Vì đây là một trục giao thông chính nên có rất nhiều đoàn thương nhân ghé qua nghỉ ngơi. Trong lúc chờ đợi để mướn phòng, tôi thấy một đoàn thương nhân ăn mặc kiểu Mông Cổ đang có vẻ hân hoan về một chuyện gì đó, nét mặt người nào cũng vui sướng khác thường. Vì thấy tôi mặc áo tu sĩ nên nhóm khách này đã lễ phép nhường cho tôi một phòng nhỏ. Một thanh niên có nét mặt khôi ngô tuấn tú ăn mặc rách rưới đã hỏi tôi có phải là người Tây Tạng hay không. Khi thấy tôi gật đầu thì một vị Lạt Ma trưởng lão, ăn mặc sang trọng, có vẻ như là trưởng đoàn, đã lên tiếng chào hỏi tôi bằng tiếng Tây Tạng. Trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi, tôi biết ông này là một trưởng lão cao cấp của một bộ lạc Mông Cổ. Họ định đi Lhasa nhưng khi đến đây thì họ đổi ý, trở về Mông cổ. Tôi lấy làm lạ về thái độ này. Việc người Mông Cổ đi hành hương tại Lhasa thì rất thường nhưng chưa đến nơi đã đổi ý trở về là một điều bất thường, nếu không nói là kỳ lạ.
Sau khi vị Lạt Ma trở về phòng, tôi bèn hỏi mấy người trong quán thì mới biết lý do: người thanh niên có khuôn mặt khôi ngô kia tên là Miguyr, sinh trưởng tại miền Ngari. Từ nhỏ anh này cứ luôn luôn bị ám ảnh về những sa mạc rộng lớn, những bình nguyên thênh thang và những túp lều của người Mông Cổ. Ngari là một làng nhỏ bé nằm sâu dưới một thung lũng trong rặng Tuyết Sơn thì làm gì có sa mạc hay bình nguyên. Tuy nhiên, Miguyr cứ bị lôi cuốn mãnh liệt bởi hình ảnh lạ lùng đó nên một hôm anh nhất quyết đi tìm nó. Anh từ bỏ làng quê lang thang đây đó để đi tìm cái hình ảnh vẫn xuất hiện trong trí óc anh. Dĩ nhiên nhiều người cho rằng anh bị mất trí, nhưng anh vẫn không sờn lòng, nhất quyết ra đi mặc dầu chẳng biết mình đi đâu hay đến chỗ nào. Hôm đó, anh ta đi qua quán trọ, ghé vào xin ăn. Vừa bước vào cửa, nhìn thấy đoàn người được dẫn dắt bởi vị Lạt Ma Mông Cổ kia thì tự nhiên anh xây xẩm mặt mày và nhớ ra tiền kiếp của mình. Thì ra kiếp trước anh là một Lạt Ma trưởng lão của xứ Mông Cổ, vị Lạt Ma kia chính là học trò của anh. Anh bước đến trước mặt vị Lạt Ma Mông Cổ kia nhắc lại các kỷ niệm cũ và thầy trò đã nhận ra nhau.
Vị Lạt Ma già đến Lhasa lần này với mục đích nhờ chính quyền Tây Tạng giúp ông tìm ra hóa thân của vị thầy đã qua đời mấy chục năm mà không để lại dấu tích. Vị thầy này chỉ để lại một bài kệ hết sức bí hiểm không ai hiểu được nên người Mông Cổ không biết đâu để tìm. Họ hy vọng các trưởng lão tại Lhasa có thể chú giải bài kệ và tìm ra hóa thân của vị trưởng lão.
Không những Miguyr thuộc làu bài kệ mà còn chú giải nó một cách dễ dàng nên nhóm người Mông Cổ hết sức khâm phục và mừng rỡ. Vì đã tìm được hóa thân của vị trưởng lão, họ không cần phải đi Lhasa nữa mà nhắm hướng Mông Cổ để trở về.
Nhiều người quanh đó đã kết luận rằng chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã biết trước điều này nên sai khiến anh chàng Miguyr tìm đến quán trọ ấy, chứ đất Tây Tạng rộng mênh mông, dễ gì thầy trò có thể gặp nhau một cách dễ dàng như vậy, tôi được biết rằng vị Lạt Ma Mông Cổ đã lôi từ trong túi ra nhiều món đồ vật, trong đó chỉ có một số là của riêng vị Lạt Ma trưởng lão để thử và Miguyr đã chọn đúng các món đồ của mình từ kiếp trước. Tôi nhìn đoàn người vui vẻ tiến về hướng cánh đồng cát của sa mạc Gobi. Vị hóa thân sẽ tiếp tục sống trong ngôi chùa mà ông đã từng trụ trì trước đó để hoàn tất các tâm nguyện dang dở
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet