
Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
✍️ Mục lục: Huyền Thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng
Chương III: Huyền thuật và Ma thuật
Mặc dù Tây Tạng là một quốc gia sùng mộ đạo Phật nhưng đây cũng là nơi mà những tín ngưỡng cổ vẫn còn hoạt động rất mạnh. Như tôi đã đề cập ở phần trên, huyền thuật vẫn được truyền dạy và sử dụng rất nhiều. Tuy nó không liên quan gì đến Phật giáo, nhưng không ít Lạt Ma vẫn thực hành những môn này.
Theo định nghĩa, huyền thuật là một môn khoa học có đối tượng nghiên cứu hết sức rộng lớn. Huyền thuật tự nó vốn không xấu hay tốt, tùy theo người sử dụng vào những mục đích gì mà nó trở nên có hại hay có ích.
Trước khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, dân chúng xứ này theo một tôn giáo cổ gọi là Bon Pa. Đây là một tôn giáo thờ phụng thần quyền, kể cả những thiên thần hay ác quỷ. Vì được xây dựng trên căn bản huyền thuật nên tôn giáo này có nhiều phương pháp lạ lùng như bùa chú, thư phù. Tín đồ Bon Pa thường van vái cầu xin hay kêu gọi sự giúp đỡ của những năng lực bên ngoài để giúp họ đạt được mục đích cá nhân. Thông thường, một người chưa có trình độ hiểu biết đúng đắn sẽ dễ bị dục vọng sai khiến, nên những mục đích cá nhân này thường có tính vị kỷ nhiều hơn là vị tha, do đó huyền thuật dễ trở thành ma thuật. Tôi đã sưu tầm một số sự kiện xảy ra mà đích thân tôi chứng kiến hoặc nghe kể lại bởi những người có thể tin cậy. Dĩ nhiên việc tin hay không hoàn toàn tùy ở độc giả. Điều tôi muốn nêu lên ở những trang sau đây là khía cạnh huyền bí của những đạo sĩ, Lạt Ma chuyên sử dụng huyền thuật.
Có một vị Lạt Ma chuyên tu luyện huyền thuật tên là Chogs Tsang sống tại Tachienlu. Ông này nổi tiếng với tài tiên tri nên được vị quan cai trị miền này đối đãi rất trọng hậu. Một hôm, vị Lạt Ma ghé thăm và được viên quan mở tiệc thết đãi. Trong lúc ngà ngà say, vị Lạt Ma ngỏ ý muốn hỏi em gái một viên tùy tướng có mặt trong bàn tiệc làm vợ nhưng anh nhất định không chịu. Lạt Ma Chogs Tsang nổi giận đập vỡ chén rượu, chửi rủa thậm tệ và nói rằng chỉ nội trong hai ngày ông sẽ trù cho gã này chết. Dĩ nhiên mọi người đều nghĩ rằng đấy chỉ là lời nói trong lúc say rượu hoặc nóng giận mà thôi. Nhưng hai hôm sau viên tùy tướng đang khỏe mạnh bỗng hộc máu lăn ra chết. Gia đình viên tùy tướng sợ hãi vội nhờ vị quan đứng ra điều đình, bằng lòng gả cô gái cho vị Lạt Ma nhưng ông này từ chối, viện lẽ “câu chuyện tốt đẹp đó đã qua rồi”. Ít lâu sau, vào một đêm khuya, Lạt Ma Chogs Tsang gọi một đệ tử thắng ngựa cho ông đi gấp. Gã đệ tử này cằn nhằn vì đêm đã khuya mà sao thầy lại nổi hứng bất tử, nhưng Chogs Tsang nhất định bắt đệ tử theo mình ra bờ sông. Đó là một đêm không trăng trời tối đen như mực, nhưng giữa dòng sông có một cái gì đó tỏa ra một thứ ánh sáng lấp lánh kỳ lạ. Khi đến gần, gã đệ tử thấy đó là một cái xác người chết trôi nhưng cái xác này lại nằm thẳng và trôi ngược dòng. Lạt Ma Chogs Tsang sai đệ tử vớt cái xác đó lên và cắt cho ông một miếng thịt “Nhà ngươi cũng cắt lấy một miếng mà ăn đi. Đây là quà của một người bạn thân của ta từ Ấn Độ gửi qua đấy”. Dĩ nhiên gã đệ tử hoảng vía kinh hồn đâu dám ăn, anh ta chỉ lật đật cắt đại một miếng trao cho thầy rồi giả vờ ăn nhưng kỳ thực anh đút vội miếng thịt đó vào cái bao đeo trên lưng ngựa. Khi trở về tu viện, Lạt Ma Chogs Tsang mới bảo đệ tử “Ta tưởng ngươi khá nên mới chia sẻ cái phần thưởng quý báu đó với ngươi, nhưng không ngờ ngươi chỉ là một tên chết nhát không đáng hưởng món quà của ta”. Quá xấu hổ, gã đệ tử vội thò tay vào túi định lấy miếng thịt nhưng nó đã biến mất từ lúc nào rồi.
Khi nghe câu chuyện trên, tôi cũng bán tín bán nghi, nhưng người kể câu chuyện này là một vị Lạt Ma khả kính tu tại chùa Minigapar. Ông này cho biết dù tu hành công phu đến đâu, người ta vẫn có thể sa ngã, tuy cơn giận bốc lên chỉ như một que lửa nhỏ nhưng nó có thể đốt cháy rừng công đức mà người đó đã tích lũy trong bao nhiêu năm. Một khi tham sân si nổi lên, ai cũng có thể lầm lạc, nhưng đối với một người tu hành có quyền năng thì càng dễ đi lệch đường vào tà đạo lúc nào không hay. Có thể Lạt Ma Chogs Tsang là người tu hành khá nên mới có quyền năng tiên tri, biết trước những chuyện vị lai; nhưng khi lời cầu hôn bị từ chối, tự ái của ông bị chạm mạnh. Trong lúc cơn giận bốc cao, ông đã sử dụng quyền năng đó vào một việc không đúng đắn và từ đó đi lạc vào con đường của những người tu luyện ma thuật.
Tôi được một vị đạo sĩ thuộc môn phái Dzoschen cho biết, việc ăn xác người không có gì lạ lùng hay ghê gớm như người ta nghĩ. Với những người có đời sống tâm linh trong sạch thì thân thể họ được đắm nhiễm trong một trường điện an lành. Khi người đó chết đi, thể xác họ trở thành một thứ bảo bối hết sức quý báu với những đạo sĩ luyện ma thuật. Những đạo sĩ này tin rằng nhờ thu hút các từ điện quý báu của cái xác đó mà họ có thể gia tăng công lực cho chính mình. Tôi đã nghe nói các vị đạo sĩ thuộc phái Naljorpa thường tìm đến các vị chân tu đắc đạo để xin cái xác khi các vị chân tu này từ giã cõi đời. Tôi tự hỏi nếu những vị này không ưng thuận thì chuyện gì sẽ xảy ra? Một người đã đi vào con đường ma thuật hay tà đạo thì còn chuyện gì mà họ không dám làm? Có thể họ sẽ giết vị kia để cướp lấy cái xác không chừng. Mặc dù không nói ra hay xác nhận, nhưng các đạo sĩ luyện ma thuật không hề phủ nhận việc này.
Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều giai thoại về ma quỷ, yêu quái, phép thuật thần thông như Tây Tạng. Hầu như đi đến đâu tôi cũng được nghe kể về các hiện tượng siêu hình, về các sinh vật cõi vô hình như ma quỷ, tinh linh cư ngụ trong cây cối, hòn đá, núi sông, ao hồ… Nhiều người quả quyết rằng họ đã nhìn thấy, tiếp xúc hoặc có khi bị những sinh vật này đe dọa, tấn công dưới hình thức này hay hình thức khác.
Một trong những câu chuyện thường được đề cập là quỷ nhập tràng (rolang) hay xác chết biết đi. Người ta nói rằng từ xưa, trước khi Phật giáo truyền vào đây, Bon Pa đã có những nghi thức kêu gọi sinh vật cõi vô hình nhập vào xác chết khiến cái xác này “sống dậy”, chịu sự sai khiến của các pháp sư, phù thủy. Nghi thức này đến nay vẫn còn được thực hành một cách kín đáo trong các làng mạc hẻo lánh.
Một vị pháp sư thuộc phái Ngakpa đã kể cho tôi về việc luyện âm binh và sai khiến quỷ nhập tràng như sau: Vị pháp sư và cái xác vừa chết được đưa vào một căn phòng đóng kín, không cho ánh sáng lọt vào. Ông ta phải ôm chặt lấy xác chết, miệng gắn chặt vào miệng xác chết để truyền hơi. Ông tập trung tư tưởng lặp đi lặp lại những câu chú đặc biệt có công hiệu hấp dẫn những vong linh còn lẩn quất nơi cõi âm nhập vào cái xác vừa chết đó. Những vong linh không siêu thoát, còn nhiều tham vọng, thần trí còn hôn mê thường dễ bị cám dỗ bởi việc “được sống lại” này. Sau một thời gian, cái xác bắt đầu cử động, nhưng dĩ nhiên nó cố gắng để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của ông này. Cả hai vật nhau kịch liệt, có khi xác chết nhẩy chồm lên trần nhà hay lăn vào vách tường để hất vị pháp sư này ra nhưng ông ta vẫn cố gắng ôm chặt lấy xác chết, không để cho nó thoát ra ngoài. Sau một hồi tranh đấu dữ dội, cái xác bắt đầu le lưỡi ra thở và vị pháp sư nhân cơ hội này cắn đứt lấy cái lưỡi đó. Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng vì nếu không cắn đứt được cái lưỡi của xác chết thì nó sẽ chui vào cổ họng của ông này và như vậy ông sẽ bị cái vong linh đang nhập kia cướp mất thể xác.
Sau khi cắn đứt được cái lưỡi, xác sẽ bất động và hoàn toàn tuân phục sự sai khiến của pháp sư. Ông này phơi khô cái lưỡi bằng những phương pháp bí truyền và sử dụng nó như một lá bùa đặc biệt, mỗi khi cần việc gì, ông chỉ việc rút cái lưỡi đó ra niệm chú, tức thì cái xác đó dưới hình thức một âm binh sẽ phải thi hành. Nói cách khác, ông đã có được một tên nô lệ ngoan ngoãn đắc lực, hoàn toàn chịu sự sai khiến của ông.
Vị pháp sư đã kể một cách hết sức chi tiết về phương pháp kỳ lạ, nếu không nói là khó tin này. Ông tả rất rõ cảm tưởng của ông khi cái xác lạnh ngắt bỗng từ từ ấm lại, bắt đầu cử động và cố gắng thoát ra khỏi sự kiểm soát của ông. Ông cũng nói một cách chi tiết về cảm giác khi cái lưỡi của xác chết thè dài ra, chạm vào miệng ông, từ từ chui vào cổ họng của ông và sự căng thẳng khi ông dùng toàn bộ sức lực để cắn đứt cái lưỡi đó, vì nếu không ông sẽ trở thành nạn nhân của chính phương pháp này. Dĩ nhiên tôi không tin tưởng cho lắm và đòi xem bằng chứng. Vị pháp sư cẩn thận rút trong mình ra một cái túi nhỏ đựng một vật màu đen sì. Tôi quan sát kỹ nhưng vẫn không nhận ra đó là vật gì, có thể nó là một cái lưỡi nhưng lưỡi người hay lưỡi súc vật vẫn còn là một nghi vấn. Dù sao câu chuyện trên nếu có thật cũng hé màn cho người ta thấy rằng dù ở cõi sống hay cõi chết vẫn có những hạng người dễ tin, nhẹ dạ, nhiều tham vọng nên dễ mắc mưu những phù thủy cao tay ấn và phải chịu cảnh làm nô lệ cho họ trong một thời gian nhất định.
Người Tây Tạng rất tin những câu chuyện quỷ nhập tràng này. Họ tin rằng hiện tượng xác chết sống dậy vẫn có thể xảy ra nên khi tẩm liệm họ thường cột chặt chân tay xác chết bằng những sợi dây thừng ngũ sắc có buộc những lá bùa. Ngoài việc bị các pháp sư, phù thủy lợi dụng, xác chết có thể bị sống dậy tùy theo sự di chuyển của các tinh tú hay một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Nếu người chết qua đời vào một giờ thiêng thì họ có thể bị các vong linh bất hảo nhập vào, mượn thể xác để làm điều xằng bậy trong ít lâu.
Một vị tăng tại chùa Sepogon đã kể cho tôi câu chuyện sau: Khi còn là một chú tiểu, ông theo chân ba vị tăng trong chùa đi độ đám tại một làng nọ. Vì một chiêm tinh gia trong làng biết rằng người chết đã qua đời vào một giờ khắc bất lợi nên xác chết được làm lễ tẩm liệm và bó chặt lại bằng một mảnh vải khá dầy. Ngoài ra còn có những ngọn đèn được sắp đặt ở những vị trí đặc biệt để yểm không cho xác sống dậy. Ba vị tăng thay phiên nhau đọc kinh cầu nguyện cho đến khuya mới ngủ. Chú tiểu được lệnh canh giữ các ngọn đèn không để cho nó tắt. Có lẽ vì đường xa mệt mỏi nên sau một hồi canh gác, chú tiểu thiếp đi một lúc. Bất chợt chú nghe thấy một tiếng động nhỏ vang lên và giật mình tỉnh dậy. Chú nhìn thấy một con mèo đen ở đâu chạy ngang chân mình và có tiếng lịch kịch vang lên đâu đây. Vì ngọn đèn đã tắt ngúm nên chú không nhìn rõ lắm nhưng trong bóng tối lờ mờ, chú thấy hình như cái xác đang cử động và tiếng xé vải vang lên.
Hoảng sợ, chú vội vã chạy ra phòng ngoài, quên hẳn ba vị tăng đang ngủ trong phòng. Khi chạy ra đến cửa thì chú quá xúc động nên ngất đi. Sáng hôm sau, người ta thấy chú nằm gục trước cửa nhà quàn, ba vị tăng đã chết một cách lạ lùng, thất khiếu[14] đều rỉ máu. Cái xác vẫn còn nằm yên chỗ cũ nhưng tấm vải liệm đã bị xé rách toang.
Tôi đã nghe kể hàng trăm câu chuyện tương tự như vậy. Có người nói rằng sau khi giết người, cái xác trở lại chỗ cũ và hoàn toàn chết hẳn; nhưng kẻ khác lại quả quyết rằng cái xác đó đã thành quỷ, đêm đêm đội mồ sống dậy đi quấy phá dân làng hoặc lang thang tìm vào các vùng hẻo lánh để trở thành các loài hung thần hay quỷ khoáng dã.
Nếu một số pháp sư đã sử dụng cái lưỡi của thây ma như một loại bùa để sai khiến ma quỷ thì những người khác lại sử dụng một loại dao đặc biệt gọi là phurba như một đồ vật để sai khiến âm binh. Phurba thường là một con dao ngắn bằng đồng, thép hoặc xương người với những hình chạm trổ rất đặc biệt. Người Tây Tạng tin rằng quyền năng của một pháp sư nếu không có chỗ tập trung thì dễ hao tán nên họ đã sử dụng lưỡi dao thiêng như một dụng cụ để tập trung các sức mạnh huyền bí vào đó. Dĩ nhiên càng được sử dụng nhiều thì con dao thiêng đó càng gia tăng sức mạnh, sau một thời gian nó có thể có sự sống riêng. Người Tây Tạng có thể kể hàng trăm câu chuyện về lưỡi dao thiêng này, từ việc nó tự động bay đi giết người đến chuyện lưỡi dao giết luôn cả người luyện nó khi người này vi phạm các điều cấm kỵ lúc luyện dao. Dĩ nhiên những điều này đã được đồn đại và phóng đại lên rất nhiều nên thực hư khó có thể kiểm chứng, nhưng một trường hợp lạ lùng liên quan đến một lưỡi dao thiêng đã xảy ra với chính cá nhân tôi mà tôi thấy cần ghi lại đây.
Hôm đó, chúng tôi đang du hành trên miền bắc Tây Tạng gần biên giới Mông Cổ thì gặp một đoàn người cưỡi lạc đà đang mải miết đi một cách gấp rút. Khác với những đoàn thương nhân thông thường chuyên chở nhiều hành lý, nhóm người này chỉ hộ tống một cái rương nhỏ được quấn bằng những tấm lụa có màu sắc lạ lùng. Tôi được vị trưởng đoàn cho biết chiếc rương đó chứa đựng một lưỡi dao phurba rất đặc biệt của một pháp sư nổi tiếng. Vì ông này qua đời một cách bất ngờ, không kịp hủy con dao thiêng đó đi nên lưỡi dao không người sai khiến đã trở thành một đại họa cho cả làng. Ba vị Lạt Ma trong làng đụng vào con dao này đã lăn ra chết một cách bất ngờ, một người khác đứng gần đó xem cũng bị ngã gãy chân.
Dân làng lo sợ mang con dao này vào chùa cho vị trụ trì làm phép yểm. Khi vừa mang đến cổng chùa thì ngọn cờ phướn treo trước cửa bị gió thổi gãy, một điềm hết sức xui xẻo theo quan niệm của người dân xứ này. Vị trụ trì bèn nhốt con dao thiêng trong một cái rương gỗ sau khi đã dán quanh đó rất nhiều lá bùa, nhưng từ đó ngày nào cũng có những tiếng la rú, kêu gào từ trong chiếc rương phát ra khiến cả chùa không ai ngủ được. Sau một thời gian mất ngủ, các tăng sĩ phải đem chiếc rương này vào một hang đá hẻo lánh trên núi rồi lấp kín cửa hang, hy vọng con dao sẽ không tác oai tác quái nữa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đã có không biết bao nhiêu hiện tượng kỳ lạ xảy ra quanh vùng. Các gia súc như trâu, dê, cừu được nuôi quanh đó bỗng lăn ra chết một cách bất ngờ, cổ con nào cũng bị một vết chém ngắn và bao nhiêu máu đều bị hút sạch. Những người chăn dê hoảng sợ, phản đối với quan lại địa phương, họ còn dọa nếu không mang con dao đó đi chỗ khác thì họ sẽ nổi lửa đốt cháy cả chùa. Cuối cùng, các tăng sĩ đành thuê một đoàn người đem chiếc rương này đi thật xa để chôn trong sa mạc hẻo lánh xứ Mông Cổ. Thấy chuyện có vẻ ly kỳ, tôi bèn tò mò hỏi:
– Liệu tôi có thể xem con dao này được không?
– Không được đâu! Ai đụng vào nó thì sẽ gặp đại họa.
– Nhưng tôi chỉ muốn xem qua chốc lát thôi, có chuyện gì thì tôi sẽ
chịu kia mà.
Sau một lúc đắn đo, người trưởng đoàn gật đầu:
– Con dao này rất ghê gớm, bà có thể xem qua nhưng chớ gỡ
những lá bùa dán trên đó ra đấy.
– Dĩ nhiên rồi, ai gỡ những lá bùa dán trên đó ra làm chi. Tôi chỉ muốn xem qua cho biết thôi.
Đó là một con dao rất đẹp, cán ngà, chạm trổ rất cầu kỳ và tinh xảo, thoạt trông tôi đã thích ngay. Tôi có ý định xin họ nhường lại cho tôi con dao vì đằng nào họ cũng mang nó đi chôn nhưng vẫn ngập ngừng chưa biết phải nói thế nào. Vì lưỡi dao được bọc bởi những lá bùa nên tôi không có cơ hội quan sát kỹ những nét chạm trổ trên đó mà đành tiếc rẻ cất dao vào hộp.
Đêm đó, khi dừng chân cắm trại, lợi dụng lúc mọi người trong đoàn mải quây quần nấu nướng, tôi bèn lén rút con dao cất vào túi để mang đến một chỗ vắng xem xét cho kỹ. Tôi đi vòng ra sau một gò đất lớn, cách nơi ngả trại một quãng khá xa và rút con dao đó ra xem. Tôi thong thả gỡ lá bùa bọc lưỡi dao ra. Dưới ánh trăng mờ ảo, lưỡi thép xanh biếc lấp loáng trông thật đẹp, quả là một con dao hết sức quý.
Tôi mân mê xem xét lưỡi dao một hồi và suy nghĩ xem có cách nào thuyết phục những người kia để lại cho tôi con dao này thì bỗng một tiếng sột soạt nhẹ ở đâu vang lên. Tôi tiện tay cắm lưỡi dao xuống đất định quay ra xem xét thì thoáng thấy có một bóng người ở đâu xông đến trước mặt.
Người này không nói năng gì mà chỉ chụp lấy con dao đang cắm dưới đất.
Phải chăng y thấy con dao đẹp nên nổi lòng tham muốn cướp đoạt nó? Tôi bèn vung tay ra chụp lấy con dao, nhưng tôi có cảm tưởng hình như lưỡi dao vùng vẫy như có ý muốn thoát khỏi tay tôi. Tuy nhiên, tôi nắm con dao rất chặt, chặt đến nỗi những đường nét chạm trổ trên cán dao in hằn cả vào bàn tay tôi. Nói thì dài nhưng sự việc chỉ xảy ra trong thoáng giây. Tôi lăm lăm cầm chặt con dao trong tay sẵn sàng đối phó với kẻ lạ mặt kia, nhưng tự nhiên người kia bỗng thấp thoáng như ẩn như hiện rồi không thấy đâu nữa. Phải chăng hắn thấy tôi đã nắm được con dao nên bỏ chạy? Nhưng hắn là ai? Có phải là một kẻ nào trong đoàn người biết tôi mang dao ra đây xem nên đi theo để cướp đoạt con dao quý? Phải chăng hắn có ý định giết tôi rồi đổ lỗi cho con dao thiêng ấy đã tác quái? Tôi muốn biết hắn là ai và lén lút theo tôi ra đây làm gì. Tôi chạy vội về chỗ đoàn người đang cắm trại nhưng thấy tất cả vẫn thản nhiên ngồi quanh đống lửa lẩm bẩm đọc những bài chú một cách nghiêm chỉnh. Tôi bèn gọi một người trong phái đoàn của tôi ra hỏi:
– Này Yongden, lúc nãy có ai đi theo tôi không?
– Thưa không, tất cả đều ngồi quanh đây.
– Chắc chắn phải có người lén lút đi theo tôi vì hắn vừa bỏ chạy về hướng này mà!
– Bà không thấy cả đoàn đều căng thẳng vì sợ con dao thiêng đó tác quái sao? Mấy ai dám bỏ đi đâu một mình giữa lúc đêm khuya như thế này. Bà không thấy họ ngồi sát gần như ôm cứng lấy nhau và đọc kinh cầu nguyện hay sao?
Quả thế, tất cả đều ngồi sát cạnh nhau lẩm bẩm đọc kinh. Nếu một người bỏ đi thì ắt hẳn Yongden đã trông thấy. Nhưng như vậy người đó là ai? Tại sao giữa sa mạc hoang vu lại có một người kỳ lạ xuất hiện? Sau khi suy nghĩ một lúc mà vẫn không tìm được câu trả lời, tôi bèn kể lại câu chuyện cho nhóm người kia nghe. Người trưởng đoàn run giọng:
– Thưa bà, hình dáng người đó ra sao?
– Đó là một người mập mạp, mặc áo màu vàng thì phải…
Tôi tả lại hình dáng người muốn cướp dao nọ, cả đoàn người đều xanh mặt rú lên:
– Không phải kẻ trộm nào đâu, đó chính là vị pháp sư đã qua đời.
Ông ta đến để đòi lại con dao quý và có lẽ nếu đoạt lại được con dao đó thì ông ta đã giết bà rồi
– Làm gì có chuyện đó!
– Thưa bà, nếu không có phép lạ nào đó xảy ra thì con dao đã vụt thoát khỏi tay bà và như vậy thì mạng bà khó bảo toàn được. Có lẽ vì bà là một Gomchenma, một người đã tu nhập thất với Lachen Gomchen trên đỉnh Thangu, quyền lực của bà mạnh hơn nên vị pháp sư kia mới không hại bà được. Nếu vậy thì chúng tôi xin bà hãy giữ lấy con dao này vì chỉ có bà mới làm chủ được nó.
Mọi người quỳ mọp xuống xin tôi giữ lấy con dao. Tôi không từ chối vì ngay từ đầu tôi đã có ý muốn giữ lấy nó rồi, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn ra chiều khiêm tốn:
– Nhưng tôi đâu thể nhận một vật quý báu như thế này được.
– Thưa bà, chúng tôi đã khổ công mang nó đi xa để chôn trong sa mạc, nhưng đâu ai biết nó sẽ gây ra tai họa gì cho những người Mông Cổ.
Nếu bà đã làm chủ được nó thì xin bà giữ luôn đi cho tiện. Chúng tôi biết chắc vị pháp sư đó đã đến lấy con dao. Khi trước, những ai chạm đến con dao đều bị ông ta giết cả, nhưng lần này ông không thành công, và vì ông ta không thể làm chủ con dao đó nữa nên nó hiển nhiên thuộc về bà. Nói cách khác, chính con dao đó đã chọn cho nó một người chủ mới và chỉ bà mới xứng đáng làm chủ con dao mà thôi.
– Nhưng các ông hãy nghĩ kỹ đi, biết đâu…
– Không đâu, không ai cầm con dao đó lên mà không hề gì. Bà đã bóc những lá bùa dán trên đó ra rồi mà vẫn không sao thì quả là một chuyện hết sức lạ lùng. Xin bà nhận lãnh con dao này, may ra vì bà mà nó sẽ không hại người khác nữa.
Tôi không từ chối lời yêu cầu thành khẩn này, và cho đến nay tôi vẫn làm chủ con dao lạ lùng ấy. Theo chỗ tôi biết, nó không hề làm hại thêm người nào khác nữa.
Đối với người Tây Tạng, các sinh vật vô hình thường hiện diện khắp nơi, nhưng đa số tập trung ở những chỗ vắng vẻ, ít người qua lại. Vì Tây Tạng nằm ở vị trí hết sức hoang vu vắng vẻ nên hầu như tất cả ma quỷ, sinh vật vô hình trên thế giới đều kéo về đây. Trên nguyên tắc, các vị Lạt Ma có bổn phận phải hàng phục yêu ma và cải hóa cho chúng biết tìm về đường ngay nẻo chánh. Các vị pháp sư hay phù thủy thì khác, họ tìm cách sai khiến, lợi dụng chúng vào những mục đích có tính cách riêng tư. Đối với những người luyện huyền thuật thì ma quỷ chỉ là một trạng thái đặc biệt của tâm thức, một chướng ngại, thử thách mà họ phải tìm cách vượt qua. Không như những thầy thuộc các môn phái khác đã giải thích cặn kẽ hay bắt học trò nghiền ngẫm quán xét thật kỹ về những hiện tượng này, các vị thầy Tây Tạng chủ trương kinh nghiệm là bài học hay nhất. Họ không thích tốn công nhọc sức giải thích mà đặt luôn học trò vào những thử thách khác thường để họ thực sự trải nghiệm được điều mà họ phải học hỏi. Dĩ nhiên, thầy đã phũ phàng mạnh bạo như vậy thì chỉ những học trò đặc biệt mới có thể theo học được mà thôi.
Một số vị thầy đã thử thách học trò bằng cách sai họ tìm đến những nơi nổi tiếng có nhiều ma quỷ, bắt họ ngủ ở đó qua đêm để xem học trò có đủ can đảm hay không. Chỉ những người vượt qua được các khó khăn, chinh phục được sự sợ hãi thì mới xứng đáng được truyền dạy những điều quý báu. Dĩ nhiên không phải ai cũng vượt qua được thử thách này. Nhiều kẻ đã quá sợ mà hóa điên, có kẻ không chịu nổi khi màn đêm vừa buông xuống đã bỏ chạy một mạch về nhà, không dám cầu đạo nữa.
Để xem học trò có tuyệt đối tin tưởng vào quyền năng của mình hay không, nhiều vị thầy còn trói học trò vào những thân cây, nơi cư ngụ của các loài ma quái hung dữ để xem học trò phản ứng ra sao. Nếu học trò hoảng hốt sợ hãi thì tâm thức của họ hãy còn thấp kém, chưa đủ tin tưởng để học hỏi những điều đặc biệt. Chỉ những kẻ tâm hồn bình thản, sáng suốt mới được lựa chọn để truyền dạy những điều bí truyền mà thôi.
Thử tưởng tượng một người bị trói giữa rừng trong mấy ngày mấy đêm thì dù không có chuyện gì xảy ra, chỉ nội việc đói khát và hoảng hốt cũng đủ làm cho họ “nhìn thấy” biết bao hình ảnh khác thường rồi. Một tiếng lá cây rụng cũng có thể trở thành tiếng hú của loài ma. Đằng này, người đó còn được bảo rằng nơi anh ta bị trói chính là chỗ ma quỷ tụ tập để ăn thịt người thì sự hoảng hốt của anh ta có thể gia tăng đến mức nào!
Trước khi thử thách, vị thầy còn kể đủ thứ chuyện về các loài ma quỷ. Ông tả rõ từng hình ảnh quỷ mặt xanh nanh vàng, mắt sáng như ngọn đuốc, lưỡi thè dài như rắn và thích bổ sọ người hút óc… Hiển nhiên những thử thách như vậy đôi khi cũng mang lại những kết quả đáng thương.
Một vị Lạt Ma đã kể cho tôi một câu chuyện sau: Khi còn trẻ, anh này và một thiếu niên khác trong làng đã đến cầu đạo với một pháp sư. Ông này ra lệnh cho thiếu niên kia phải tìm đến một con suối trong rừng, tự cột mình vào thân cây nơi một loài quỷ dữ gọi là Thags Yang thường xuất hiện dưới lốt một con cọp trắng. Không những thế, thiếu niên kia phải tập trung tư tưởng nghĩ rằng mình là một con cừu non đang chờ đợi “tế thần” để chiêu dụ loài ma quái này đến. Để tự vệ, thiếu niên kia được truyền dạy một câu thần chú đặc biệt khiến cho loài quỷ không dám làm hại. Cuộc thử thách kéo dài ba ngày ba đêm nhưng đến ngày thứ tư mà thiếu niên kia vẫn không trở về. Vị pháp sư lo sợ vội sai anh này đến tìm xem sao. Khi đến nơi thì anh ta thấy người thiếu niên kia đã bị một con vật gì đó cắn nát bét trông rất kinh khủng, đầu một nơi mình một nẻo. Anh vội vã lượm xác bạn mình và chạy về báo tin cho thầy biết, nhưng khi về đến hang động thì ông thầy đã bỏ đi đâu biệt tích. Phải chăng ông thầy thấy chuyện không lành nên vội cao bay xa chạy chăng?
Theo tôi, việc tự cột mình vào thân cây bên bờ suối là một điều ngu xuẩn vì trong rừng rậm, cọp beo ác thú rất nhiều. Một kẻ bị trói không thể kháng cự đương nhiên trở thành món mồi béo bổ cho các loài thú dữ chứ chẳng phải ma quỷ nào hết. Tuy nhiên, mọi người trong làng đều tin rằng các loài quỷ dữ đã tìm đến và anh này vì quá hoảng hốt đã không niệm thần chú hộ thân và bị ma quỷ làm hại. Tuy thế, một phần lớn vẫn là lỗi của người thầy vì không một vị thầy nào lại đặt ra những thử thách khi học trò chưa sẵn sàng như vậy. Có người kết luận rằng chính vị thầy đó là con quỷ Thags Yang hóa thân thành người để chiêu dụ những kẻ khờ khạo, ham mê những điều huyền hoặc vào cạm bẫy của mình. Khi mang xác người, dĩ nhiên ông ta không thể ăn thịt ai, nhưng về đêm ông có thể biến thành loài quỷ Thags Yang, đội lốt cọp để thỏa mãn thú tính. Người Tây Tạng tin rằng những kẻ bị loài quỷ này ăn thịt sẽ trở thành nô lệ, chịu sự sai khiến của các loài quỷ dữ. Càng ăn thịt nhiều người bao nhiêu, loài quỷ này càng gia tăng sức mạnh và có nhiều quyền năng biến hóa bấy nhiêu. Dĩ nhiên nó sẽ tiếp tục xuất hiện dưới hình thức các pháp sư, đạo sĩ, hứa hẹn những điều thật hấp dẫn để chiêu dụ những con mồi ngu dại, những kẻ ham mê thần thông mà đầu óc thiếu sáng suốt.
Truyền thống Tây Tạng có nhiều giai thoại về các loài quỷ thường biến hóa thành các đạo sĩ ăn nói rất hấp dẫn để mê hoặc nhân tâm. Họ truyền dạy những câu thần chú bí mật để học trò tụng thuộc lòng, tin rằng nhờ thế sẽ được phép thần thông. Tuy nhiên, ý nghĩa của các câu “thần chú” đó chỉ là một lời phát nguyện làm nô lệ cho họ trong nhiều đời, nhiều kiếp, tuyệt đối cung phụng hầu hạ họ ở cõi đời này cũng như các cõi khác. Vì không mấy ai hiểu được ý nghĩa các câu thần chú nên những người khờ khạo cứ trì tụng ngày đêm, hy vọng sẽ đắc thần thông, nhưng họ có biết đâu rằng họ đang gieo rắc vào tư tưởng và tâm hồn mình những lời phát nguyện đi theo hầu hạ những phù thủy ma đạo này.
Trong việc tu học Mật Tông, định tâm là căn bản quan trọng vào bậc nhất. Nếu tâm không định thì việc tu hành, quán tưởng, thiền định không hể có kết quả. Nếu một người ngồi ở nơi chốn yên lành, không có các trở ngại làm xao lãng tâm trí thì họ có thể định tâm dễ dàng, do đó nhiều khi các bậc thầy phải bày ra các trò thử thách để xét xem trình độ định tâm của học trò ra sao. Thay vì sử dụng các thử thách thông thường, các vị thầy Tây Tạng đã lợi dụng ngay các hiện tượng siêu hình, các loài ma quỷ, các động lực siêu nhiên để thử thách học trò. Nếu đã có những lối thử thách kỳ lạ như vậy và những kẻ yếu bóng vía, không đủ can đảm, không thể vượt qua thì hiển nhiên phải có những trường hợp đặc biệt của những người có căn cơ, trải qua các thử thách vẫn không hề hấn gì. Phải chăng họ đã biết cách phủ nhận những hiện tượng ấy? Tôi đã đặt câu hỏi với các vị Lạt Ma và được trả lời rằng “Dĩ nhiên đã có những người vượt qua được những thử thách hết sức ghê gớm này, nhưng bài học mà họ phải rút tỉa trong thử thách kia là lòng không sợ hãi chứ không phải việc phủ nhận những sự kiện kia. Khi đạt đến một trạng thái tâm thức nào đó thì họ sẽ hiểu rằng ma quỷ vốn chỉ có thật đối với những ai tin rằng chúng hiện hữu. Không những chúng có thể biến hóa thành nhiều hình ảnh lạ lùng mà còn có thể giúp ích hay làm hại những người nào thờ phụng hay sợ hãi chúng. Người ta không thể phủ nhận suông các lý luận thông thường mà phải thực sự hiểu rõ các trạng thái của tâm thức. Sức mạnh của tư tưởng vốn là một năng lực hết sức lạ lùng và mạnh mẽ. Nếu được đặt trong các điều kiện thuận tiện, nó có thể tạo ra các hình ảnh như thật mà người ta gọi là ảo giác, gọi là ma quỷ thì cũng không sai”.
Ít lâu sau, tôi có dịp tiếp xúc với một Gomchen tại làng Ga tên là Kushog Wanchen, một người nổi tiếng về huyền thuật miền đông nam xứ Tây Tạng. Trong buổi nói chuyện về các hiện tượng siêu hình, ông này đã giải thích như sau:
– Phần lớn những kẻ không vượt qua được những thử thách đều chết vì sợ hãi chứ không phải vì các mãnh lực bên ngoài, vì cái hình ảnh mà họ nhìn thấy đó chẳng qua chỉ là một phóng ảnh của tâm thức trong chính họ mà thôi. Do đó, một kẻ không tin có ma quỷ sẽ không nhìn thấy ma quỷ bao giờ.
Thấy tôi gật đầu tỏ ý tán đồng, ông ta lại nở nụ cười kỳ lạ và nói tiếp:
– Tuy nhiên, nếu như vậy thì liệu một người không tin vào sự hiện hữu của loài cọp có thể thản nhiên đi trong rừng mà không sợ bị cọp làm hại hay không? Anh ta sẽ phản ứng ra sao khi đứng trước một con cọp dữ?
Phủ nhận sự hiện hữu của nó hay sao? Xác nhận ư? Người ta sẽ lý luận như thế nào? Nếu tất cả đều là trạng thái của tâm thì phải chăng con cọp đó không có thật? Nhưng nó đang gầm rú trước mặt mình kia mà, và như thế thì nó thực sự hiện hữu đấy chứ? Bà có thấy không, cái lý luận thông thường phát xuất từ những lý thuyết từ chương không thể giải thích những sự kiện này vì đó là một cái biết thiếu sót, chưa đủ. Dĩ nhiên, phóng ảnh là một trạng thái của tâm thức, dù cố ý hay vô tình nhưng cái tư tưởng được tạo ra này cũng có sức mạnh riêng của nó, và biết đâu nó cũng có một đời sống riêng?
Đó là sự bí mật của sức mạnh tư tưởng mà chỉ những người tu hành theo phương pháp bí truyền mới quán triệt được. Các lý luận thông thường không thể giải thích một cách thấu đáo. Người ta có thể nói một cách lý thuyết nhưng nếu không thực sự trải nghiệm được thì lý thuyết đó chỉ là một mớ từ chương vô dụng. Do đó, việc đọc sách vở nghiên cứu không giúp ích gì cho cái biết cần thiết dựa trên trải nghiệm thực sự. Bà cần biết rằng sức mạnh của tư tưởng hết sức tinh tế. Cái biết dựa trên lý trí chỉ là những tư tưởng thô thiển được sắp đặt lại thành hệ thống, nhưng nó không hề tinh tế, do đó nó không thể giải thích được những gì cao xa hơn. Ngoài ra, đâu phải chỉ chúng ta mới có thể tạo ra được các hình ảnh trong tâm thức mà còn biết bao nhiêu sinh vật khác với các tư tưởng và chiều hướng suy nghĩ hoàn toàn khác hẳn lối suy nghĩ thông thường của chúng ta. Hãy lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Nếu một người sống trong sa mạc khô cằn, không có ao hồ sông rạch thì quan niệm về các loài thủy tộc, như một con cá, là một sự kiện lạ lùng không thể tưởng tượng. Không bao giờ họ trông thấy một con cá nào bơi lội giữa sa mạc cả, phải không? Giả dụ nếu người ta đào một con sông dẫn nước vào sa mạc thì những con cá sẽ theo dòng nước bơi vào, và như vậy người ta sẽ nhìn thấy những con cá bơi lội trước mặt họ ngay giữa sa mạc. Cũng như thế, người ta không thể sử dụng lý luận thông thường, xác nhận hay phủ nhận các hiện tượng mà phải sử dụng một khả năng quan sát khác để đi sâu vào tâm thức. Họ phải theo dõi các làn sóng tâm thức từ thô thiển đến tinh tế tiềm ẩn sâu trong nội tâm để đi đến căn nguyên của tư tưởng, đi vào chỗ tột cùng và rốt ráo của tánh Không thì mới thực sự hiểu được các hiện tượng của tâm thức này. Nói cách khác, không những người ta phải đề phòng những “con cọp” mà họ đã phóng chiếu từ trong tâm thức mình, mà còn phải cẩn thận đối với những “con cọp” tạo bởi tư tưởng của người khác nữa. Thú thật là những lời giải thích trên không soi sáng cho tôi thêm được chút nào nhưng nó đã giúp tôi từ bỏ một thói quen cố hữu của người châu Âu là hay kết luận một cách vội vàng trước khi hiểu rõ sự việc. Quả thật, Tây Tạng có rất nhiều lối tu luyện lạ lùng, khó tin và khó hiểu, nhưng đằng sau những phương pháp kỳ lạ này luôn luôn ẩn giấu ít nhiều những điều thâm sâu vi diệu mà người nào không để ý sẽ không thể hiểu được.
Người ta không thể xem xét một cách hời hợt và đi đến kết luận ngay, mà phải suy ngẫm, quán xét và trải nghiệm nó một cách thấu đáo. Vì chỉ khi trải nghiệm được những điều này, người ta mới hiểu được; và chỉ khi hiểu được những ý nghĩa thâm sâu của nó thì người ta mới thấy cái hay, cái lạ đằng sau những điều gọi là kỳ quái ấy.
Nếu việc tự trói mình vào cây cối trong rừng hoang để kiểm nghiệm các phương pháp định tâm hay lòng không sợ hãi đã lạ lùng, thì một phương pháp tu luyện khác gọi là chod, hay dứt bỏ, còn lạ lùng hơn nữa.
Thay vì tìm vào rừng hoang núi thẳm, người tập luyện phương pháp này lại tìm đến nghĩa địa, nhà xác, nơi hỏa thiêu người chết hay những chỗ nổi tiếng có nhiều ma quỷ để tập luyện.
Chod không phải là phương pháp mà ai cũng có thể luyện tập.
Những kẻ non tay có thể chết vì sợ hãi, trở nên điên cuồng, hay khủng hoảng thần kinh vĩnh viễn. Có lẽ vì thế phương pháp này thường được giữ gìn hết sức bí mật và chỉ truyền dạy cho những đệ tử đã được huấn luyện cẩn thận. Không như phương pháp trước – người tập cố gắng định tâm bằng cách niệm chú, giữ tâm an tĩnh bất chấp ngoại cảnh – phương pháp này đòi hỏi người tập phải trực tiếp đối đầu với những quấy phá bên ngoài để chuyển hóa chúng. Chi tiết của phương pháp này rất khó giải thích. Người ta có thể định nghĩa nó là phương pháp quán tưởng hoặc phóng chiếu các hình ảnh, nhưng các hình ảnh này có thật hay không vẫn là đề tài bàn cãi của nhiều người. Nói một cách đơn giản, người ta có thể tạm thời ví dụ cho như là một vở kịch mà người thực hành là diễn viên độc nhất. Họ phải thuộc kỹ các câu độc thoại, cách đi đứng, nhảy múa, ca hát, tuân theo các nghi thức nhất định và sử dụng các loại nhạc khí như chuông, trống và một loại tù và làm bằng xương ống quyển của người chết, gọi là kangling.
Đây là “vở kịch” mà diễn viên phải diễn xuất hết sức nghiêm chỉnh, liên tục, không ngưng nghỉ từ đầu đến cuối. Điều bất ngờ và đặc biệt là trong lúc diễn xuất luôn luôn có những “diễn viên phụ” từ cõi nào đó xuất hiện trong “vở kịch” để thử thách. Có thể đó là các thiên nữ Dakini, quỷ khoáng dã, thần linh hay các loài ma đói khát, quỷ đầu trâu mặt ngựa cực kỳ hung dữ. Diễn viên hay người thực hành phải biết cách kiểm soát, quán tưởng để chuyển hóa những cảm xúc phát xuất từ bản ngã của họ và cuối cùng phải diệt trừ bản ngã qua việc hiến mình như sau:
Người luyện sử dụng các nhạc khí, bước theo những nghi thức đã được ấn định trước rồi ca hát, đọc chú kêu gọi các sinh vật vô hình khắp nơi kéo về. Vì địa điểm được chọn lựa thường là nghĩa địa, dàn hỏa thiêu, những nơi hoang vắng nổi tiếng có nhiều ma quỷ nên chỉ một lúc sau quanh đó đã đầy những sinh vật vô hình nhe nanh múa vuốt chầu chực, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống kẻ kêu gọi chúng đến. Qua những bài thần chú, người luyện bắt đầu gọi tên một vị nữ thần tượng trưng cho ý chí của họ. Vị này xuất hiện từ đỉnh đầu của người đó với thanh gươm sắc trên tay. Người luyện bèn quỳ xuống đất tình nguyện vươn cổ chịu chém. Vị nữ thần vung gươm chém đứt thủ cấp họ, máu phun thành vòi chảy xối xả. Các loài ma quỷ đói khát chầu chực xung quanh vội xông ngay đến tranh giành uống máu. Vị nữ thần tiếp tục vung gươm chặt nát thể xác đó ra làm nhiều mảnh cho các loài ma quỷ đói khát. Giữa những tiếng kêu gào man dại của loài ma quái trong bữa tiệc thịt người này, người luyện thu hết định lực phát nguyện “Từ vô thỉ ta đã lặn ngụp trong luân hồi sinh tử, gây bao tội lỗi chỉ vì cái ngã này dưới hình thức các xác nhân này nọ, hình hài này cũng như hình hài khác. Tất cả chỉ vì ngu muội, vì miếng cơm manh áo, vì tham sân si mà ta đã săn sóc nó, chăm lo cho nó, cố gắng giữ gìn nó và đã gây ra biết bao nhiêu tội ác chỉ vì nó. Hôm nay, ta nguyện chấm dứt nó bằng cách dâng hiến nó cho tất cả các loài ma quỷ đói khát, không nơi nương tựa. Xin các loài quỷ đói ăn thân xác ta, các loài ma khát uống máu huyết ta, các loài sinh vật lạnh lẽo được mặc bộ da của ta, các loài sinh vật không nơi nương tựa được nương nhờ trong bộ xương của ta, ta xin dâng hiến tất cả cho muôn loài chúng sinh…”.
Nghi thức hành lễ này tiếp tục cho đến khi cái thể xác đó không còn gì nữa. Khi “tiệc” đã tan, các loài ma quỷ biến mất, chỉ còn đống xương khô rữa nát trên mặt đất như một đống bùn, khi cái hình ảnh tượng trưng cho bản ngã đã tiêu dung đi hết thì người thực hành phải tập trung tư tưởng để phủ nhận sự kiện vừa xảy ra. Họ phải từ chối cái hành động “bố thí”, từ bỏ bản ngã một cách tuyệt đối kể trên vì tất cả đều chỉ là ảo tưởng, một hình ảnh của tâm thức biến hiện. Người thực hành phải quán tưởng rằng sự từ bỏ bản ngã, hiến mình vừa qua chỉ là một ảo vọng vì tất cả vốn là Không, mà đã là Không thì làm gì có bản ngã, làm gì có sự hiến sinh, làm gì có sự hiến mình. Tất cả những cái vừa xảy ra đều không thật. Khi đã nhận thức được tất cả đều là Không thì mọi hình tướng đều chỉ là huyễn, thân xác là huyễn, ma quỷ là huyễn và hành động hiến sinh vừa qua cũng là huyễn. Trong sự rỗng lặng hư vô đó, người luyện tập trung tư tưởng để quán tưởng về lý vô thường, vô ngã. Nghi thức sẽ chấm dứt bằng bài chú Bát Nhã mà người luyện sẽ tụng liên tục nhiều lần.
Những người luyện tập chod thường bỏ ra nhiều năm lang thang khắp các nghĩa địa Tây Tạng để thực hành, một số còn qua cả Ấn Độ hay Trung Hoa. Dĩ nhiên độc giả có thể tin hay không tin những sự kiện huyền hoặc kỳ lạ này, nhưng người ta không thể đọc qua vài chương sách mà có thể hiểu được những ẩn nghĩa đằng sau phương pháp trên. Chỉ khi nào thực hành và trải nghiệm được những điều đó thì người ta mới thấy sức mạnh huyền bí của nó. Chính tôi đã bỏ ra một thời gian thực hành phương pháp trên và tôi phải nói rằng nó quả là một phương pháp hết sức đặc biệt. Dĩ nhiên, muốn tập phương pháp này phải có một vị thầy, một người đã thành công trong việc dẹp bỏ bản ngã, quán triệt được tánh Không và ý thức rõ rệt về các biến chuyển của tâm thức để hướng dẫn vì nếu không, người luyện sẽ gặp các hậu quả hết sức tai hại. Tôi đã chứng kiến nhiều tu sĩ trở nên điên loạn khi luyện tập phương pháp này.
Năm đó, tôi dừng chân tại một bình nguyên ở miền bắc Tây Tạng, gần nơi một bộ lạc người Mông Cổ đang tạm trú. Mặc dù người Mông Cổ sống du mục, rày đây mai đó nhưng vào mùa hè, họ thường ngả trại tại các bình nguyên, chia gia súc làm nhiều nhóm nhỏ để chăn nuôi. Tôi được biết có một vị Lạt Ma người Mông Cổ tên là Rabjoms Gyatso cũng đang tĩnh tu gần đấy với hai đệ tử. Do chuyến hành trình từ Kumbum lên đây quá dài, nên tôi cho người và ngựa nghỉ ngơi ít lâu trước khi tiếp tục, đây cũng là cơ hội để tôi tiếp xúc và học hỏi với các vị Lạt Ma Mông Cổ. Theo phong tục xứ này, tôi phải cho người đến ngỏ ý trước xem ông ta có chịu tiếp hay không rồi mới đến, nhưng vì biết các tu sĩ tĩnh tu không mấy khi tiếp khách lạ nên tôi tự tiện tìm đến làm như mình không biết gì về tập quán nơi đây. Đó là một cái hang nhỏ nằm khuất dưới một gò đất cao, cửa hang có một bức tường đươc xếp bằng đá để ngăn cho gió không lùa vào. Tôi vừa đến trước cửa hang thì một thanh niên đầu tóc bù xù, quần áo rách rưới, mặt mày lem luốc bẩn thỉu ở đâu xông ra chặn đường. Gã này cương quyết từ chối không cho tôi được phép gặp vị Lạt Ma Mông Cổ, viện lẽ ông này đang tĩnh tu, không tiếp khách lạ. Mặc dù cố gắng thuyết phục, từ việc nói ngọt ngào đến cả việc đe dọa nhưng gã này vẫn khăng khăng từ chối, rốt cuộc tôi đành trở về lều chờ một cơ hội khác thuận tiện hơn.
Hàng ngày, gã đệ tử này thường ghé qua lều cùa những người Mông Cổ chăn dê mua sữa và vật thực. Nhìn thân hình gầy ốm, xanh xao và cặp mắt lạc thần của hắn, tôi đoán có lẽ hắn đã mắc bệnh chi đó nên ngỏ ý muốn khám bệnh để cho thuốc nhưng hắn nhất định phủ nhận tình trạng sức khỏe yếu kém của mình. Cho rằng hắn muốn giấu giếm một người ngoại quốc, tôi dặn những người tùy tùng của tôi dò hỏi cho ra lẽ nhưng đám người này lại chất vấn hắn kỹ quá khiến hắn đâm ra khó chịu và từ đó thường tìm cách tránh xa chúng tôi. Tại sao mỗi ngày thần sắc gã này lại sa sút thảm hại như vậy? Hàng ngày nhìn thấy cử chỉ hoảng hốt, cặp mắt lờ đờ lạc thần và thân hình gầy ốm xác xơ của gã này, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn nhưng chưa biết phải làm sao.
Tôi sống với bộ lạc Mông Cổ được ít hôm thì có một người chăn dê già bị ngã ngựa chết. Gia đình người này cử hành đám tang rất trọng thể, bạn bè khắp nơi kéo đến chia buồn. Họ cho mời vị pháp sư của bộ lạc sống cách đó khoảng hai ngày đường đến làm các nghi thức cúng tế. Trong khi chờ đợi, hai gã đệ tử của vị Lạt Ma kia cũng thường đến đọc kinh cầu siêu nhưng họ cố ý tránh xa không tiếp xúc với chúng tôi. Sau các nghi thức, xác chết được đưa đến một gò đất gần đó để cắt làm nhiều mảnh cho kên kên ăn. Tôi đã chứng kiến phương pháp điểu táng này nhiều lần nên không lấy làm lạ.
Đêm hôm đó, đang tham thiền tôi bỗng nghe những tiếng động từ xa vẳng lại, hình như có cả tiếng trống damaru, tù và kangling xen lẫn những lời niệm chú rì rầm. Tôi nhận ngay ra những bài chú của phương pháp chod. Nhưng ai đã thực hành phương pháp này giữa đêm khuya? Tôi rón rén nương theo âm thanh đó tiến về hướng nghĩa địa. Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi thấy một bóng đen quần áo rách rưới đang thì thầm đọc chú. Thì ra gã đệ tử ốm yếu của vị Lạt Ma Mông Cổ là người thực hành phương pháp này. Sau khi đã hoàn tất các nghi thức cần thiết, hắn cúi đầu trước đám xương thịt lầy nhầy của người chết rải rác trên mặt đất, quát lớn:
– Ta, kẻ không sợ hãi này, thách thức các loài ma quỷ đói khát hãy đến…
Hắn vừa nhảy múa vừa lên tiếng thách thức. Thỉnh thoảng hắn ngừng lại đập trống, hay rúc một hồi tù và dài.
– Ta cương quyết từ bỏ bản ngã, dẫm nát sự sợ hãi, các loài ma quái vô minh hãy đến đây…
Vầng trăng lờ mờ soi rõ những tấm vải có kẻ những câu thần chú, những hòn đá lớn được sắp xếp cẩn thận quanh đó thành một đàn tràng. Gã đệ tử rách rưới đứng lại tập trung tư tưởng quan sát những mảnh xương thịt vương vãi trên mặt đất như đang quán tưởng điều gì. Tôi định bỏ đi nhưng chợt nghe hắn run giọng:
– Ta đã làm nhiều lầm lỗi trong quá khứ vì cái xác thân này, và nay ta sẵn sàng trả nợ… Các loài ma quái hãy ăn thân xác này đi.
Sau đó, gã kêu rú lên một cách đau đớn như bị một vật gì cắn trúng.
Hắn cố gắng tiếp tục:
– Ăn thịt ta đi đồ ma quái, ta tình nguyện dâng hiến thân thể này cho các ngươi…
Gã vừa gõ chuông trống vừa lải nhải những câu nói nhưng nhịp điệu đã có phần rối loạn, không được đều đặn như trước. Điều này chứng tỏ tâm hồn hắn không được bình tĩnh. Phải chăng hắn đang gặp điều gì đó ghê gớm khác thường. Đến lúc đó, tôi mới ý thức tại sao chod là một phương pháp nguy hiểm. Khi không bình tĩnh, không còn làm chủ được mình nữa, người ta có thể bị lôi kéo vào chính cái nghi thức quán tưởng kỳ quái này; và càng thực hành thì càng bị chìm sâu vào cái thế giới huyền hoặc mông lung của thực và ảo, của các phóng ảnh trong tâm thức. Phải chăng lúc này gã đang trải nghiệm việc xác thân của mình bị các loài ma quỷ xâu xé, vì một vọng niệm nào đó mà bản ngã của hắn vào phút chót đã vùng lên, chống lại sự xâu xé đó chăng? Tiếng đọc chú của hắn dần dần đứt quãng, kèm theo là những tiếng rên rỉ hổn hển của một người hoảng hốt cực độ.
Thấy vậy, tôi bèn tiến lại phía hắn nhưng hắn không nhận ra tôi mà quát lớn:
– Này con quỷ đói kia, cứ việc uống máu ta đi. Ta không sợ ngươi đâu! Ăn cái thân xác đầy những ham muốn này đi…
– Tỉnh lại đi anh bạn, ta đây chứ có phải ma quái nào đâu! Ta là vị Gomchenma người ngoại quốc mà anh vẫn gặp đây. Nhưng gã vẫn không nghe thấy gì, cặp mắt gã trợn ngược lên nhìn tôi. Hơi thở của hắn trở nên dồn dập, cuống quýt:
– Xé xác này ra và ăn nó đi…
– Này anh bạn, tỉnh lại đi!
Nhưng gã vẫn kêu gào và lải nhải những câu nói vô nghĩa như đang ở trong một trạng thái mê cuồng nào đó. Tuy không muốn can thiệp vào việc riêng của gã nhưng tôi không nỡ bỏ đi. Tôi biết hắn đã bắt đầu điên loạn, và nếu không giúp hắn tỉnh lại, hắn có thể bị loạn thần kinh vĩnh viễn.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao gã này thường hoảng hốt, cử chỉ cuống quýt và cặp mắt lạc thần, thì ra hắn đã thực hành chod nhưng chưa đạt đến trạng hái ung dung tự tại, ý thức các sự kiện xảy ra xung quanh như nó là. Vì thế hắn cứ như người nửa mê nửa tỉnh, khật khùng và có những thái độ kỳ lạ.
Nhưng làm sao giúp cho hắn tỉnh lại đây? Tôi quyết định đến gặp ngay Lạt Ma Rabjoms Gyatso để báo động cho ông này biết về tình trạng gã đệ tử của ông. Nghĩ vậy, tôi vội vã cắm đầu chạy về phía hang động của ông này.
Lúc đó trời đã khuya rồi, không có ai canh gác trước cửa hang nữa nên tôi có thể bước vào động đá một cách dễ dàng. Dưới ánh nến leo lét, tôi thấy vị Lạt Ma đang ngồi xếp bằng dưới đất trước một cuốn sách lớn. Thấy động, ông ngước mắt nhìn tôi như dò hỏi. Tôi vội vã tự giới thiệu và kể vắn tắt về tình trạng của gã đệ tử rách rưới kia. Lạt Ma Rabjoms không tỏ vẻ gì hoảng hốt cả, chỉ nhếch môi cười nhạt:
– Vậy sao? Nghe như bà nói thì hình như bà cũng biết về phương pháp chod thì phải?
– Thưa vâng, tôi đã từng thực hành môn này.
Vị Lạt Ma im lặng không nói gì. Tôi sốt ruột:
– Thưa ngài, nếu ngài không can thiệp ngay thì đồ đệ của ngài có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, không chừng hắn sẽ trở nên điên loạn.
Hiện nay hắn tin rằng hắn đang bị ăn tươi nuốt sống bởi các động lực vô hình.
– Dĩ nhiên rồi, nhưng một ngày nào đó hắn sẽ ý thức rằng chính hắn là người đang ăn thịt hắn, các loài ma quái đói khát đó đều chỉ là những trạng thái phát xuất từ tâm thức hắn thôi…
– Nhưng… nhưng hiện nay thì hắn đâu biết như vậy!
Vị Lạt Ma thản nhiên:
– Vậy thì đã sao? Bà nói rằng bà đã được chỉ dạy cho phương pháp chod, như vậy vị thầy của bà có nói rõ về sự nguy hiểm và hậu quả xảy ra khi thực hành nó không? Ông ta có giải thích rằng khi thực hành mà thiếu trí tuệ có thể bị suy nhược sức khỏe, điên loạn hoặc chết không? Hiển nhiên đây đâu phải phương pháp mà ai cũng có thể làm! Xé bỏ bức màn vô minh đang che phủ trước mặt đâu phải dễ, diệt bỏ bản ngã đâu phải giản đơn như người ta nói trong sách vở. Người ta phải biết đâu là ảo vọng và đâu là sự thật. Diệt trừ các vọng tưởng, các phóng chiếu của tâm thức để giác ngộ là một điều hết sức quý báu nhưng đâu dễ dàng gì! Người ta thường phải trả một cái giá hết sức đắt, có khi bằng chính tính mạng của mình nữa. Nếu có một phương pháp dễ dàng nào đó thì có lẽ nó không phải là một phương pháp đúng đắn hay có giá trị rồi. Mật Tông có nhiều con đường và phương pháp khác nhau nhưng không phương pháp nào dễ dàng cả. Đệ tử của tôi đang học những bài học mà hắn cần phải học. Có thể hắn thành công, có thể hắn thất bại, nhưng đó là việc của hắn. Tôi nghĩ bà nên trở về đi, đừng can thiệp vào việc của chúng tôi nữa.
Biết có nói cũng không ích gì, tôi đành lủi thủi trở về lều. Vài hôm sau, gã đệ tử rách rưới đó tìm đến gặp tôi, cho biết thầy hắn bằng lòng tiếp tôi. Hắn vẫn giữ thái độ lạnh lùng, cặp mắt vẫn lờ đờ như người mất hồn và chỉ nói một cách hết sức vắn tắt. Có lẽ hắn không có ý thức gì về việc tôi đã can thiệp vào việc riêng của hắn. Lạt Ma Rabjoms không phải là một học giả như các Lạt Ma mà tôi tiếp xúc trước đó, nhưng ông có rất nhiều kiến thức về huyền thuật và tôi đã học hỏi nhiều điều với vị này.
Tôi còn nghe rất nhiều giai thoại về chod nhưng thấy không cần phải viết hết ra đây. Vì là một phương pháp tu hết sức bí mật nên các tu sĩ Tây Tạng thường phủ nhận sự hiện hữu của nó. Nếu bị chất vấn, họ chỉ nói một cách mơ hồ và yêu cầu người hỏi không nên tò mò hay can thiệp vào việc riêng của họ.
Theo nghiên cứu và tìm hiểu của tôi thì phương pháp chod phát xuất từ phái Dzogschen. Trong các môn phái Mật Tông, phái này được xem là có nhiều phương pháp kỳ lạ và bí mật nhất. Năm 1922, tôi có dịp ghé thăm tu viện chính của môn phái Dzogschen. Đó là một tu viện đục sâu trong lòng núi, tọa lạc tại một vùng hết sức sức hẻo lánh phía cực bắc xứ Tây Tạng.
Phong cảnh xung quanh hết sức hiu quạnh, toàn sỏi đá trơ trụi, không cây cỏ gì mọc được. Vị chưởng môn, Lạt Ma Padma Rigdzin là người có đầu óc cởi mở, vui vẻ và ăn nói hết sức thoải mái. Thoạt trông không ai có thể ngờ ông là người đứng đầu môn phái nổi tiếng nhất về huyền thuật của Tây Tạng. Ông hỏi tôi rất kỹ về những thành phố mà tôi đã đi qua. Ông tỏ ra thích thú khi nghe nói về những loài chim chóc miền nhiệt đới và cứ hỏi đi hỏi lại về màu sắc của các giống chim quý như công, trĩ mà ông chưa từng nghe nói đến. Trong thời gian viếng thăm tu viện này, tôi được biết có hơn hai trăm tu sĩ đang nhập thất sau khi thực hành thành công phương pháp chod. Lạt Ma Rigdzin cho biết chod gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu phải thực hành các nghi thức như tôi đã diễn tả, giai đoạn sau của phương pháp này không cần đến các hình thức hay điều kiện ngoài (như thăm viếng các nghĩa địa) nữa. Khi đã đạt đến mức này, người ta có thể thực hành hoàn toàn bằng tâm trong những căn phòng yên tĩnh, vắng lặng.
Để giúp tôi nắm được khái niệm về các phương pháp tu của Mật Tông, Lạt Ma Rigdzin cho biết con đường tu thường chia làm ba ngã chính:
Luật Tông, Thiền Tông và Mật Tông. Theo con đường Luật Tông, người tu phải học giới, trì giới, tụng kinh, niệm Phật để tiêu trừ vọng tưởng, phá bỏ màn vô minh để nhìn thấy thực tướng. Thiền Tông chủ trương mạnh bạo hơn, phóng khoáng hơn, vượt ra khỏi các ước lệ thông thường, đi thẳng vào thực tánh để đạt đến giác ngộ. Mật Tông lại còn mạnh bạo và phũ phàng hơn nữa vì đề cao việc khai mở trí tuệ, sử dụng tất cả các năng lực nội tại để chuyển hóa tâm – thân. Cả ba con đường đều có chung một mục đích, nhưng phương tiện thì khác nhau. Lạt Ma Rigdzin giải thích:
– Điều này có thể giải thích bằng Nghiệp. Khi con người mới sinh ra họ đã sở hữu những năng lực mạnh mẽ tiềm ẩn gọi là Nghiệp hay năng lực câu sinh vô minh. Nghiệp là thói quen có từ quá khứ, huân tập trong nhiều đời, nhiều kiếp. Các thói quen này có thể giúp ích hay gây trở ngại cho việc tiến tu, do đó điều quan trọng là người tu phải biết cách kiểm soát và chuyển hóa chúng. Vì các thói quen này có thể tốt đẹp như lòng thương yêu, vị tha hoặc xấu xa như tính tham lam, ích kỷ nên các phương pháp tu đều đề cao việc phát triển các đức hạnh tốt và bài trừ các bản năng thấp hèn hay lòng khao khát dục lạc. Tuy nhiên, các môn phái Mật Tông lại chủ trương sử dụng luôn tất cả các năng lực xấu cũng như tốt để giúp người ta đạt kết quả tối đa, do đó việc tu luyện này thường hết sức nguy hiểm và đòi hỏi các vị thầy hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ.
Ví dụ như trong các phương pháp tu tập thiền định, phương pháp tu sổ tức (đếm hơi thở ra vào) thường chú tâm vào việc quán xét hơi thở, đến khi nào tâm trí tập trung vào hơi thở, không còn tán loạn nữa thì coi như đã thành công được bước đầu; phương pháp tu quán tưởng thường hình dung hay tập trung tâm trí vào hình ảnh các vị Phật hay Bồ Tát, từ gương mặt các ngài xuống đến bàn chân cho đến khi nào nhắm mắt lại mà hình ảnh đó vẫn hiện ra rõ rệt trước mắt thì coi như đã thành công phần đầu. Một người bình thường thực hành sổ tức hay quán tưởng, tập trung tinh thần vào hơi thở hay một hình ảnh thường phải mất một thời gian rất lâu mới thuần thục. Đa số đếm được hơi thở ra thì quên hơi thở vào, quán được phần trên thì quên phần dưới vì tâm trí con người thường khó tập trung, dễ hao tán, náo động bởi các vọng niệm và chịu sự chi phối bởi các thói quen từ quá khứ. Thay vì bài trừ nó, các tông phái Mật Tông chủ trương sử dụng ngay những năng lực sẵn có này để đạt đến kết quả một cách nhanh hơn nên Mật Tông còn được gọi là “con đường tắt”. Thay vì quán tưởng đến một vị Phật, Bồ Tát hay đếm số hơi thở, người ta sử dụng ngay các đối tượng của lòng tham dục làm đề mục để quán tưởng. Tại sao như vậy? Vì đó là điều người ta vẫn ưa thích, dễ bị lôi cuốn vào. Dĩ nhiên đối tượng có khác nhưng sự tập trung tư tưởng thì vẫn giống như nhau. Các môn đồ Mật Tông thường sử dụng các âm thanh, màu sắc, hình ảnh nam nữ giao hợp làm đề mục để quán tưởng.
Nhiều tu viện Tây Tạng có vẽ các hình ảnh nam nữ giao hợp trên các bức vách để môn đồ lấy đó làm đối tượng tập trung tư tưởng. Dĩ nhiên điều này đã gây khó khăn cho các học giả châu Âu và tạo rất nhiều ngộ nhận cho những người nghiên cứu về Mật Tông. Phần lớn đã giải thích điều này qua quan niệm cá nhân hay phong tục tập quán của xã hội Âu Mỹ nên nó thường sai lạc, méo mó đi rất nhiều.
Lạt Ma Rigdzin nhấn mạnh rằng phương pháp tu quán tưởng về lòng tham dục này đòi hỏi người luyện phải sống ở một nơi hoang vu vắng lặng, phải nhập thất, không được tiếp xúc với ai nên không thể sống tại chốn thị thành có nhiều cám dỗ. Khi thực hành, trong lúc tâm trí tán loạn như ngựa không cương thì việc tập trung vào một đối tượng, dù đó là lòng tham dục, để cột chặt tư tưởng vào một chỗ, từ đa niệm đến nhất niệm là một phương pháp hết sức độc đáo và đặc biệt. Tuy nhiên, khi đã có thể kiểm soát được tư tưởng và tập trung ý chí thì vị thầy hướng dẫn còn phải biết cách sử dụng một thủ thuật đặc biệt khác để chuyển hóa tâm học trò từ nhất niệm đến chỗ vô niệm thì mới gọi là thành công. Khi đã nhìn thấy cái hình ảnh mà mình ưa thích, khi tâm đã tập trung được vào đó thì còn phải biết buông luôn cái hình ảnh đó đi để đạt đến chỗ vô cầu, vô niệm thì mới thực sự đến được mục tiêu. Một phương pháp thực hành thường được sử dụng sau khi học trò đã biết cách tập trung tư tưởng là cách quán thân bất tịnh. Vị thầy Tây Tạng thường đưa học trò đến các nghĩa địa, bắt học trò quan sát việc mổ xẻ tử thi, bắt họ ngồi đó quan sát các tử thi tiêu tan mục rã, thối tha, trương sình lên như thế nào thì học trò sẽ dứt bỏ liền tâm trạng tham mê dục lạc lúc ban đầu. Một khi thấy rõ sự ô uế, bất tịnh của các xác thân mà họ ưa thích, ý thức rõ rệt rằng thân thể là bất tịnh, là vô thường, tất cả các hiện tượng đều chỉ là huyễn, không có thật thì họ mới đạt đến mục tiêu. Khi trải nghiệm rõ rệt những điều trên, họ được thầy cho về nhập thất tĩnh tu và học hỏi các kiến thức khác thêm một thời gian nữa, rồi mới được phép xuống núi hành đạo.
Vì việc sử dụng các năng lực dục tính tiềm ẩn trong con người hết sức nguy hiểm nên nó đòi hỏi phải có một vị thầy cao tay ấn kiểm soát, hướng dẫn. Nghiệp lực là một sức mạnh hết sức lớn lao đã huấn tập từ đời này qua đời khác, không thể coi thường. Cái sức mạnh tiềm ẩn này hết sức mạnh mẽ và tinh, chỉ những vị thầy đã đắc đạo mới hiểu rõ và hướng dẫn học trò đi đúng đường. Dĩ nhiên nếu không được hướng dẫn đúng, học trò có thể trở nên điên loạn; thay vì giải thoát, họ lại bị chìm đắm trong luân hồi sinh tử nhiều hơn nữa bởi việc phát triển các khả năng dục tính một cách sai lạc này.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet