
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
✍️ Mục lục: Kinh Tứ Thập Nhị Chương
⭐Chương 20: Suy Ngã Bổn Không (Suy Ra Cái “Ta” Vốn Là Không)
✨Hán Văn: Phật ngôn: Đương niệm thân trung tứ đại, các tự hữu danh, đô vô ngã giả; ngã ký đô vô, kỳ như huyễn nhĩ.
✨Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: Nên nghĩ đến tứ đại trong thân, mỗi thứ tự nó có tên, không có cái nào là ‘ta’ cả. Cái ‘ta’ đã không có thì nó chỉ như huyễn như hóa mà thôi.
✨Lược giảng: Đại ý của chương thứ hai mươi là mọi người nên dùng tứ đại để quán xét thân người, ngõ hầu ý thức được thân này chỉ như huyễn như hóa, giả tạm, không thật.
Đức Phật dạy: Nên nghĩ đến tứ đại trong thân. Chúng ta nên ngẫm nghĩ về tứ đại trong thân mình. Thân thể của chúng ta vốn do bốn yếu tố là đất, nước, lửa, và gió (không khí) kết hợp với nhau mà hình thành. Trong thân chúng ta, những phần rắn chắc là thuộc về yếu tố đất (địa đại), ẩm ướt là thuộc về yếu tố nước (thủy đại), ấm áp là thuộc về yếu tố lửa (hỏa đại), hơi thở vô ra và sự chuyển động là thuộc về yếu tố gió hoặc chất khí (phong đại).
Mỗi thứ tự nó có tên. Mỗi một yếu tố trong tứ đại đều có tên của nó. Yếu tố nào thì có tên của yếu tố nấy. Tuy nhiên, không có cái nào là ‘ta’ hoặc ‘tôi’ cả. Nếu nói rằng cái thân này là tôi, thì quý vị hãy xét lại xem đầu thì có tên là đầu; chân có tên là chân; mắt có tên là mắt; tai có tên là tai; mũi có tên là mũi; lưỡi có tên là lưỡi; miệng có tên là miệng. Từ đầu tới chân, mỗi bộ phận trên cơ thể đều có tên của nó. Cơ phận nào thì có tên của cơ phận đó, vậy quý vị hãy nói đi, cái tôi nằm ở đâu? Chỗ nào được gọi là tôi? Chẳng có nơi nào gọi là tôi cả! Như vậy, đã không có một nơi nào tên tôi, thì tại sao quý vị lại chấp trước vào cái tôi? Tại sao lại quá coi trọng cái tôi như thế? Khắp cơ thể chẳng có cái gì tên tôi, chẳng có cái gì là tôi cả kia mà!
Cái ‘ta’ đã không có, thì nó chỉ như huyễn như hóa mà thôi. Vì không có cái tôi, nên xác thân này giống như một thứ ảo ảnh hoặc biến hóa tạm bợ, chứ không có thật. Bất luận là năng-quán (người quán tưởng) hay sở-quán (đối tượng quán tưởng), tất cả đều là hư vọng, đều là huyễn hóa. Nếu hiểu được đó là giả tạm, như huyễn như hóa, tất quý vị sẽ thấu triệt được đạo lý không-quán, giả-quán, và trung-quán. Khi đã lãnh hội được những đạo lý ấy, thì quý vị sẽ biết rằng thân người vốn là hư vọng, không thật!
Chú Thích:
– Tứ Đại: Bốn chất lớn trong thế giới tạm hiệp làm con người và vạn vật: 1) Địa (đất, chất cứng); 2) Thủy (nước, chất lỏng); 3) Hỏa (lửa, sức nóng); và 4) Phong (gió, chất khí, sự lay chuy ển).
– Tam quán (ba mỗi quán tưởng): 1) Không quán (xét ra sự vật đều không có thật tánh, thật tướng, mọi pháp vốn không); 2) Giả quán (xét rằng vạn vật, chư pháp đều biến hóa vô thường, đều là giả tạm cả); 3) Trung quán hay Trung-đạo quán (phải quán cho đắc lẽ Trung đạo chẳng phải không, chẳng phải giả. Đó là chỗ trọng yếu của đạo Phật vậy).
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet
✍️ Mục lục: Kinh Tứ Thập Nhị Chương 👉 Xem tiếp