Chùa Thiền TôngThiền Tông

Lễ đón nhận: Giấy phép Giải đáp Thiền Tông

✍️ Mục lục: Lễ đón nhận: Giấy phép Giải đáp Thiền Tông

Nguồn gốc Pháp môn Thiền Tông

Video: Trích đoạn

Phần báo cáo về nguồn gốc Pháp môn Thiền Tông do hai đại diện của Chùa Thiền Tông Tân Diệu là Thiền gia Ngọc Lâm và Thiền gia Thanh Toàn.

Mở đầu, vị đại diện Chùa giới thiệu sơ lược về ba danh gọi những người tu theo Pháp môn Thiền Tông, bao gồm: “Phật tử Thiền Tông”, là người này tự nguyện tu theo Pháp môn Thiền Tông và làm con của Phật; “Phật gia Thiền Tông”, là người tu theo Pháp môn Thiền Tông mà ở tại nhà; “Thiền Tông gia”, là người này tu theo Pháp môn Thiền Tông mà cũng ở tại nhà, nhưng họ nhiệt tình giúp cho nhiều người khác hiểu được Pháp môn Thiền Tông học.

Sau đây, chúng tôi xin trích nguyên văn phần báo cáo về nguồn gốc Pháp môn Thiền Tông như sau:

* Đầu tiên, Đức Phật gọi Pháp môn này là “Như Lai Thanh tịnh thiền”.

     Vì sao Đức Phật gọi như vậy? 

     – Vì Pháp môn này, người nào muốn tu tập, chỉ cần để tâm  tự nhiên thanh tịnh là phải.

     Tuy chỉ có đơn giản như vậy, nhưng không ai thực hành được.

     Vì sao?

     – Vì loài người ai cũng sống trong qui luật Nhân quả luân hồi của trái đất, do điện từ Âm Dương cuốn hút và kéo đi, nên khó mà để tâm tự nhiên thanh tịnh được! Cộng với tánh của mỗi con người ai cũng có 16 thứ tánh, mà 3 thứ tánh mạnh nhất là Tưởng, Tham và Sợ, nên tâm lúc nào cũng chạy theo 3 thứ này và 13 thứ nữa.

    Vì quá khó như vậy, nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không dạy Pháp môn Thiền Tông học này ở trong các kinh điển phổ thông, mà Đức Phật phải dạy ngoài các kinh điển thông thường. Danh từ chuyên môn của đạo Phật gọi là “Truyền ngoài giáo lý”. Nhờ các vị Tổ Thiền Tông truyền cho nhau, để khi nào loài người văn minh lên thật cao, Pháp môn Thiền Tông này mới được phổ biến ra.

     Sự việc này, trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật có Huyền Ký như sau:

    * Khi nào “Long Nữ thành Phật”, thì Pháp môn Thiền Tông học này mới được công khai nói ra.

   Trước đó, trong kinh Kim Cang Đức Phật cũng có dạy:

    * Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, 500 năm sau cùng, người nào nhận được tập Huyền Ký  của Như Lai truyền theo dòng Thiền Tông, thì người này phải công bố ra cho nhiều người cùng biết, nhưng cũng không được truyền theo hệ thống giáo lý phổ thông của đạo Phật.

    Đức Phật có dạy trong 2 quyển kinh nói trên như vậy, nên các vị Tổ Thiền Tông, gọi Pháp môn Thiền Tông học này là “Giáo ngoại biệt truyền”, tức truyền ngoài các kinh điển thông thường.

    Năm 1.958, Ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diêu chúng tôi được Thiền sư ni Đức Thảo giao Tập Huyền Ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền Tông và dạy chúng tôi 4 phần:

     Một: Khi nào giang sơn thống nhất, xin chính quyền cất ngôi Chùa Thiền Tông đúng nghĩa.

     Hai: Khi nào ngôi Chùa được hoàn thành, xin phép chính quyền trình Pháp môn Thiền Tông học này ra.

     Ba: Nhưng không khuyến khích ai tu theo Pháp môn Thiền Tông học này.

     Bốn: Khi nào chính quyền cho phép, phải mời Chư vị lãnh đạo Giáo hội chứng minh.

    Hôm nay, Ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu chúng tôi được chính quyền xã Tân Mỹ cho phép trình bày Pháp môn Thiền Tông học này, nên Ban quản trị chúng tôi kính tường trình lên Hòa thượng Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ, cùng quí vị trong Ban Trị sự, quí vị chính quyền huyện Đức Hòa cũng như xã Tân Mỹ, quí vị Báo chí, và tất cả quí vị hiện diện ở đây biết về Pháp môn Thiền Tông học này. 

    Trước khi trình bày rõ ràng Pháp môn Thiền Tông học này, chúng tôi xin Hòa thượng, quí vị trong Ban Trị sự và chính quyền các cấp cho phép Ban quản trị chúng tôi trình sơ qua 5 Pháp môn tu có dụng công, mà Đức Phật gọi là tu hành có thành tựu trong vật lý:

    Một: Tu Tiểu thừa: Cũng gọi là Nam truyền, hay Nam tông.

    Hai: Tu Trung thừa: Gọi là Lý luận Bát Nhã, cũng gọi là Triết lý Phật Thích Ca.

    Ba: Tu Đại thừaNghi, tìm hay kiếm trong vật chất.

    Bốn: Tu Tịnh Độ tôngNiệm Phật A Di Đà.

    Năm: Tu Mật chú tông: Niệm câu thần chú.

    Còn Pháp môn thứ 6 Đức Phật gọi là “Như Lai Thanh tịnh thiền”, đến đời Tổ thứ 2 trở đi gọi là “Thiền Tông”. 

    Pháp môn Thiền Tông học này thật là khó tu, 10.000 người tu, chưa chắc có 1 người tu được. Vì vậy, Đức Phật phải dạy riêng cho Tổ Ma Ha Ca Diếp, nhờ vị Tổ này truyền ngoài kinh điển, tức không dạy trong các Chùa, thiền viện hay tu viện, mà chỉ dạy 1 trong 2 nơi như sau:

     – Một là Chùa Thiền Tông.

     – Hai là Thiền Tông thất.

     Đức Phật có dạy rõ Pháp môn Thiền Tông học này như sau:

     – Pháp môn Thiền Tông học này phải đợi đến đời Mạt pháp trở đi, khi loài người văn minh lên thật cao, thì Pháp môn Thiền Tông học này mới được trình bày ra. Nhưng phải xin phép chính quyền và kính mời Giáo Hội Phật Giáo địa phương đến chứng minh.

    Chúng tôi xin trình rõ: Đầu tiên, Đức Phật dạy Pháp môn này có những phản ứng như sau:

   – Khi Đức Phật dạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong, Đức Phật mới nói với các vị Tỳ kheo và đại  chúng: 

    – Này các Tỳ kheo và đại chúng: Suốt 45 năm qua, Như Lai dạy các Tỳ kheo và đại chúng tu hành dụng công có thành tựu theo sự ham muốn của mỗi người, bằng 5 Pháp môn: Tiểu thừa – Trung thừa – Đại thừa – Niệm Phật và Niệm Chú. Nay Như Lai chỉ còn sống 4 năm nữa thôi, nhiệm vụ của một vị Đại toàn giác là dạy cho các Môn đồ biết 2 phần:

* GIÁC NGỘ và GIẢI THOÁT.

     * Vậy, Môn đồ nào muốn Giải thoát thì phải tu theo Pháp môn “Như Lai Thanh tịnh thiền”, đương nhiên phải bỏ 5 Pháp môn tu hành mà suốt 45 năm qua Như Lai đã dạy.

     Khi đó, tại hội của Đức Phật dạy đạo này các Tỳ kheo và đại chúng có trên 7 ngàn người. Các vị này không ai hỏi lý do, mà có nhiều người đứng lên nói với Đức Phật như sau:

     – Này Cồ Đàm, chẳng lẽ ông bị Ma ám rồi sao? Ông dạy chúng tôi tu suốt 45 năm qua, bây giờ bảo chúng tôi phải bỏ hết, ông có bị điên không vậy?

     – …

     Trong số này, có cả 10 đệ tử lớn của Đức Phật cũng hùa theo và nói như vậy.

     Các người này nói xong, họ đứng dậy bỏ đi trên 5 ngàn người, còn lại có 1.250 người, họ cũng nói Đức Phật là không bình thường.

     Tình thế như vậy, Đức Phật có nói: 

     – Này các Tỳ kheo và Môn đồ: Hoài bão của Như Lai dạy đạo là muốn giúp cho các người giải thoát ra ngoài sức hút Nhân quả luân hồi của trái đất cũng như Tam giới này. Nhưng vì các Ngươi không chịu từ bỏ thế giới này, mà ham được cái này, chứng được cái kia nên dính cứng vào đây. Vì vậy, khi Như Lai bảo các Ngươi từ bỏ những cái mà các ông tu hành được. Các Ngươi không hỏi lý do, mà nói Như Lai bị điên!

    Như Lai nói cho các Ngươi rõ:

    Trái đất này luân chuyển theo qui luật vật lý Âm Dương, nên sanh ra Nhân quả. Vì vậy, dù các Ngươi có dụng công tu hành đạt được cảnh giới nào đi chăng nữa, cũng còn nằm trong qui luật Nhân quả Luân hồi của trái đất này, chắc chắn không giải thoát được. Các Ngươi muốn ra ngoài sức hút của Vật lý điện từ Âm Dương của trái đất, duy nhất phải trở về Phật giới, thì mới không bị luân hồi nữa.

    Đức Phật nói tiếp:

    – Để chứng minh là có thế giới không Luân hồi, là nơi Mười phương chư Phật sống, người nào muốn nhìn thấy thế giới chư Phật sống thì ở lại đây, Như Lai sẽ tạo điều kiện cho các Ngươi thấy, còn người nào không muốn thấy, tự động đứng dậy ra đi.

    Đức Phật nói như vậy, 1.250 người có mặt không ai đứng dậy ra đi, mà ở lại thưa trình cùng Đức Phật rằng:

    – Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn ở lại để nhìn thấy thế giới Mười phương chư Phật.

    Đức Phật dạy:

    – Nếu các Ngươi muốn nhìn thấy thế giới Mười phương chư Phật, thì Như Lai sẽ bủa “Siêu đại thần lực thanh tịnh thiền”, để tạo những ống “Viễn vọng kính” nhìn ra được ngoài trái đất và Tam giới . Nếu trong các người, người nào trong vỏ bọc tánh Phật của mình có thật nhiều công đức, thì người đó mới thấy được thế giới chư Phật. Các Ngươi chỉ cần ngồi yên, để tâm tự nhiên thanh tịnh, không dụng công là được.

    Đức Phật vừa dạy xong, tất cả Tỳ kheo và đồ chúng, ai ai cũng nghiêm chỉnh vâng lời ngồi yên.

    Đức Phật liền bủa “Siêu đại Thần lực Như Lai Thanh tịnh thiền”. Trong giây lát, bầu trời tự nhiên sáng rực, gấp trăm lần ánh sáng bình thường của ban ngày nhưng rất mát dịu, bao trùm núi Linh Sơn, khắp trái đất và vượt ra ngoài Tam giới nữa.

    Trong ánh sáng này, có những tia sáng giống như những ống “Viễn vọng kính”, có lỗ nhìn xuyên qua được Tam giới, thấy được thế giới Mười phương chư Phật đang sống.

    Trong 1.250 người có mặt, duy nhất chỉ có ông Xá Lợi Phất nhìn thấy được thế giới chư Phật sống trong giây lát. Khi không còn nhìn thấy nữa, ông liền sụp xuống, quì lạy Đức Phật và trình thưa như sau:

     – Kính bạch Đức Thế Tôn, Như Lai là Đấng Đại Toàn giác, dạy mà chúng con không chịu nghe, còn nói Đức Thế Tôn bị Ma ám! Chúng con là những tên tội đồ ngỗ nghịch. Hôm nay, nhờ Đức Thế Tôn bủa “Siêu đại thần lực Như Lai Thanh tịnh thiền”, con nhìn thấy được Phật giới, con mới tin rằng: Nơi thế giới Mười phương chư Phật sống, không có sức hút của điện từ Âm Dương nên không có Luân hồi, còn ở trái đất này, dù chúng con có tu hành hay làm bất cứ thứ gì, cũng không thoát ra ngoài qui luật Luân hồi của trái đất này được.

    Ông vừa khóc, vừa luôn miệng nói và liên tục lạy Đức Phật.

    Đức Phật liền đưa tay đỡ đầu ông và dạy:

    – Này ông Xá Lợi Phất: Đã mang thân con người thì cũng phải sử dụng tánh người; tánh người nó là như vậy đó, thôi ông hãy đứng dậy đừng lạy Như Lai nữa.

    Nhờ ông Xá Lợi Phất nhìn thấy được Phật giới, ông thuật lại cho mọi người nghe, nên mọi người mới tin là có thế giới chư Phật, thế giới này không có luân hồi.

    Do đó, tất cả 1.250 vị có mặt đều cầu xin Đức Phật dạy Pháp môn “Như Lai Thanh tịnh thiền”.

    Sau 2 năm Đức Phật dạy Pháp môn Như Lai Thanh tịnh thiền, đến lúc Đức Phật phải kiểm thiền xem người nào “Kiến tánh”, để trao Pháp môn Như Lai Thanh tịnh thiền này lại cho vị này, để vị  này truyền Pháp môn Như Lai Thanh tịnh thiền lại cho hậu thế.

    Một buổi sáng mùa Xuân trên mặt bằng núi Linh Sơn, Đức Phật tập hợp đông đảo Đồ chúng để kiểm thiền, có tất cả là 1.250 vị tham dự.

    Đức Phật đưa lấy 1 cành hoa sen đang cắm trong bình đưa lên cho đại chúng xem. Đức Phật nhìn từ gần ra xa, từ trái sang phải, không ai biết Đức Phật muốn nói gì. Duy nhất chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp mỉm miệng cười.

    Đức Phật hỏi:

    – Mọi người không cười sao ông lại cười?

    Ông Ma Ha Ca Diếp trình với Đức Phật:

    – Kính bạch Đức Thế Tôn, nhờ Đức Thế Tôn tay cầm cành hoa sen đưa lên cho đại chúng xem, bỗng Phật nhãn của con mở ra, con nhìn thấy rõ ràng bằng tánh Phật thấy thanh tịnh, con mừng quá nên con cười.

    Đức Phật hỏi ông:

    – Ông thấy bằng tánh Phật thanh tịnh của ông như thế nào, vậy ông hãy trình lại cho Như Lai nghe xem có đúng không?

   Ông Ma Ha Ca Diếp không trình thấy như thế nào, mà ông trình với Đức Phật bằng bài kệ 44 câu:

      Sen xuân nở tại Linh Sơn
Thiền hoa thanh tịnh ơn trên Phật Đà
Ý Phật con đã nhận ra
Tánh Thấy, Ý thấy, được qua luân hồi.

Bao năm khổ hạnh con thôi
Sống với tánh Thấy luân hồi màng chi
          Hoa sen con nhận tức thì
Niết bàn thanh tịnh tìm chi mệt người.

Phật ôi, Con đã ngộ rồi
Thấy trong thanh tịnh là nơi quê nhà
          Phật tánh con đã nhận ra
Khi thấy, Ý thấy vượt xa muôn trùng.

          Tánh Thấy hết sức lạ lùng
Muôn đời ngàn kiếp lạ lùng mới hay
          Thiền Thanh Đức Phật chỉ bày
Hôm nay thật sự nhận ngay Tánh mình.

Nhận được, con chỉ lặng thinh
Nở ra nụ cười vui lắm Phật ôi
          Trước kia Phật dạy con “Thôi”
Mà thôi không được luân hồi con đi.

          Hoa sen con thấy tức thì
Tự nhiên dứt hết không chi nói lời
          Nụ cười thay thế chữ “Thôi”
Để trình Đức Phật đôi môi thay lời.

          Linh Sơn con đã rõ lời
Thiền Thanh con biết luân hồi dứt ngay
          Trước huynh đệ con trình bày
Môn thiền Thanh tịnh khó ai nhận liền.

          Mấy ngàn người bỏ tu riêng
Dụng công tìm kiếm khắp miền sơn lâm
          Nhờ con lặng lẽ âm thầm
Bất ngờ nhận được không lầm chuyển luân.

          Hôm nay, thật sự con mừng
Mừng vì sinh tử đã dừng với con
          Linh Sơn con quyết lòng son
Giữ môn thiền học thường còn thế gian.

          Hễ ai muốn hết gian nan
Chỉ cần Thanh tịnh mới sang quê nhà
          Lòng con xin nói hết ra
Cám ơn Đức Phật con xa luân hồi.

          Thiền Thanh kỳ diệu Phật ôi!
Chỉ cần thanh tịnh luân hồi bỏ con
          Con nay kính nguyện lòng son
Truyền môn thiền học, được còn mai sau.

    Ngài Ma Ha Ca Diếp trình lên Đức Thế Tôn bài kệ 44 câu mà Ngài đã đạt được “Bí mật Thiền Tông” nhân Ngài nhìn thấy cành hoa sen trên tay của Đức Phật bằng tánh thấy thanh tịnh Phật tánh.

    Đức Phật nói với các vị Tỳ kheo và đại chúng:

    – Này các vị Tỳ kheo và đại chúng, hôm nay Như Lai kiểm thiền Thanh tịnh bằng cành hoa sen, 1.250 các ông, duy nhất chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra được chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, đây là Pháp môn mầu nhiệm mà Như Lai dạy nơi thế giới này.

    Như Lai dạy rõ Pháp môn Thanh tịnh thiền này được lưu truyền như sau:

    1- Việc truyền thiền Thanh tịnh này, đúng 15 ngày sau Như Lai sẽ hành lễ truyền thiền Thanh tịnh này cho ông Ma Ha Ca Diếp, để thay Như Lai dạy Pháp môn thiền Thanh tịnh này, sau khi Như Lai diệt độ.

    2- Ông A Nan Đà và các đệ tử lớn của Như Lai cũng như đại chúng, thiết lập bàn hương và phẩm vật, để Như Lai hành lễ truyền thiền Thanh tịnh, trước sự chứng minh của Mười Phương Chư Phật, các riêng các ông hãy tựu hội về cho đầy đủ.

    Vì sao các ông phải tựu hội?

    – Vì đây là buổi lễ truyền thiền Thanh tịnh đầu tiên, đồng nghĩa dòng chảy của “Mạch nguồn thiền Thanh tịnh” của Như Lai dạy đã khởi đầu tại đây.

    Như Lai Huyền Ký Mạch nguồn thiền Thanh tịnh này tiếp theo là 35 đời Tổ nữa, được phân chia như sau:

    – Ở nước Ấn Độ này có 28 đời Tổ.

    – Nước lớn ở phương Đông có 5 đời Tổ.

    – Còn nước nhỏ phương Đông, cũng gọi là nước Rồng có 3 đời Tổ.

    Đến đây Mạch nguồn thiền Thanh tịnh bị quên lãng, mãi đến đời Mạt Thượng pháp, ở tại đất Rồng mới có người nhận lại được, người này cho Pháp môn thiền Thanh tịnh này phổ biến đi khắp Năm châu.

    Đức Phật nhìn ông Ma Ha Ca Diếp và dạy:

    – Ông Ma Ha Ca Diếp, khi ông sắp tịch diệt, ông hãy truyền Pháp môn Thanh tịnh thiền này lại cho ông A Nan Đà để làm Tổ Thiền đời thứ hai.

    Đức Phật dạy tiếp ông Ma Ha Ca Diếp:

    – Như Lai dạy ông như sau: Khi ông A Nan Đà nhận Tổ vị thứ hai, phải đổi danh là “Thiền Tông”.

    Vì sao phải đổi danh như vậy?

     Vì Pháp môn Thanh tịnh thiền này, bắt đầu khởi dòng thiền của nó, tức nó được truyền theo “Tông pháp thiền” rõ ràng. Lần đầu tiên, Như Lai truyền thiền Thanh tịnh, người dự bao nhiêu cũng được, nhưng  khi ông Ma Ha Ca Diếp truyền Thiền Tông lại cho ông A Nan Đà, chỉ có ông A Nan Đà, ông Xá Lợi Phất và các đệ tử lớn của Như Lai dự thôi.

    Vì sao chỉ có ông Xá Lợi Phất và các đệ tử lớn cũng như những cư sĩ hiểu được thiền Thanh tịnh mới dự?

    Vì ông Xá Lợi Phất đã được “Nhìn thấy được Bể tánh Thanh tịnh là nơi Mười phương chư Phật sống”, đồng nghĩa ông này đã vượt hơn cả “Bí mật Thiền Tông”, nhưng vì ông Xá Lợi Phất chưa nhanh bằng ông Ma Ha Ca Diếp, hơn nữa, ông Xá Lợi Phất đến ngày ông A Nan Đà nhận Tổ vị thứ hai, ông Xá Lợi Phất đã trên 90 tuổi rồi, còn các đệ tử lớn và những vị cư sỹ các vị này đã hiều được căn bản của Pháp môn thiền Thanh tịnh. Nếu nói theo Thanh tịnh thiền, các người này chỉ giác ngộ “Yếu chỉ Thiền Tông” thôi.

     Vậy, ngày trăng tròn tháng 2 này, Như Lai sẽ chánh thức hành lễ truyền Thanh tịnh thiền cho ông Ma Ha Ca Diếp. Vậy, các ông mỗi người một việc, lo buổi lễ này cho thật chu đáo, ai lo việc gì cố gắng cho tốt.

    Đức Phật vừa nói xong, tất cả giải tán và lo công việc của mình.

    Sáng ngày trăng tròn tháng 2, ban sáng, ánh sáng mặt trời nắng gắt chói chang, nhưng khi mặt trời vừa nhô lên đến lưng chừng núi, cũng là lúc Đức Phật và đệ tử của Ngài cũng như tất cả Ưu bà tắc và Ưu bà di tập họp đông đủ. Bất ngờ, trên không trung mây ngũ sắc bao quanh núi Linh Sơn, làm bầu trời sáng rực và mát diệu.

    Buổi lễ truyền “Bí mật Thanh tịnh thiền” đầu tiên được tiến hành.

    *Đức Phật lấy gốc tích này đặt cho quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa có ý nghĩa như sau:

    – Diệu Pháp, là Pháp môn mầu nhiệm.

    – Liên Hoa, là cành hoa sen.

    * Nhờ cành hoa sen mà ông Ma Ha Ca Diếp “Kiến tánh”, cũng gọi là “Ngộ thiền”.

     – Pháp môn Thiền Tông học này được truyền đi suốt 33 đời Tổ, chúng tôi có ghi đầy đủ trong quyển “Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị Tổ Thiền Tông Ấn Độ – Trung Hoa và Việt Nam”, do Nhà Xuất bản Tôn Giáo thuộc văn phòng Thủ tướng Chính phủ cấp phép xuất bản 2 lần vào năm 2013 và 2015, mà chúng tôi có kèm theo bản Báo cáo.

    Chúng tôi xin nêu 3 sự kiện quan trọng nhất của Pháp môn Thiền Tông này:

    – Lần thứ nhất: Vào năm 712, tại Chùa Thiền Tông Quốc Ân, huyện Tân Châu, tỉnh Quảng Châu, nước Trung Hoa xưa. Vị Tổ Thiền Tông đời thứ 33 là Tổ Huệ Năng có xin phép vua Võ Tắc Thiên công bố Tập Huyền Ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền Tông.

    Mục đích chính của Đức Phật dạy trong tập Huyền Ký là Pháp môn Thiền Tông.

    Như Lai dạy rõ ràng từ: Vi trần, Con người, Trái đất, Tam giới, Phật giới, Càn khôn vũ trụ, Luân hồi và Giải thoát, V.v…

    – Lần thứ hai: Vào năm 1.150, vua Trần Thái Tông, là ông nội của vua Trần Nhân Tông, được sứ Trung Hoa tặng cho ông Tập Huyền Ký của Đức Lục Tổ Huệ Năng công bố ra năm 712, tại Chùa Quốc Ân, huyện Tân Châu, thuộc tỉnh Quảng Châu nước Trung Hoa. Ông đọc, nhưng không biết gì, nên trao lại cho cháu ông Trần Quốc Trung, danh hiệu là Tuệ Trung Thượng Sỹ, ông Trần Quốc Trung đọc cũng không ngộ được gì. Sau đó, ông trao lại cho vua Trần Nhân tông, khi vua Trần Nhân Tông đọc, vua có thắc mắc nên hỏi Tuệ Trung Thượng Sỹ như sau:

    – Trong Tập Huyền Ký này, Đức Phật dạy căn bản là gì?

    Tuy Tuệ Trung Thượng Sỹ không ngộ được Thiền, nhưng ông cũng hiểu căn bản Tập Huyền Ký của Đức Phật dạy, nên  ông có nói với cháu là vua Trần Nhân Tông như sau:

    – Ý của Đức Phật dạy trong Tập Huyền Ký: Người nào tu theo đạo Phật muốn Giải thoát thì phải “Kiến tánh”. Ai muốn Kiến tánh thì phải quay lại chính mình.

   Vua Trần Nhân Tông nghe cậu nói như vậy. Ba ngày sau, lúc 9 giờ tối, bỗng vua “Đại giác ngộ” lời của Tuệ Trung Thương Sỹ nói. Nhờ vậy, vua đọc toàn Tập Huyền Ký hiểu rất rõ những gì mà Đức Phật dạy trong Tập Huyền Ký này. Cả triều đình ai cũng suy tôn ông là “Tổ Thiền Tông đời thứ 34”.  

   Vào năm 1.229, ông nhường ngôi vua cho con là Trần Anh Tông, lên núi Trúc Lâm Yên Tử, thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay, lập ra “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” và tự đặt danh hiệu cho mình là “Điều Ngự Giác Hoàng”.  

     – Lần thứ ba: Vào năm 1.958, Thiền sư ni Đức Thảo là Viện chủ Chùa Thiền Tông Tân Diệu trao cho tôi tập Huyền Ký của Đức Lục Tổ Huệ Năng cho công bố ra năm 712 do vua Võ Tắc Thiên cấp phép công bố, được dịch từ tiếng Trung Hoa sang tiếng Việt Nam.

    Thiền sư ni Đức Thảo có dạy tôi như sau:

    – Pháp môn Thiền Tông học này không dạy cho ai tu được, mà con phải đợi đến khi quê hương thống nhất, đất nước thật sự yên bình, thì con tìm cách xây dựng lại ngôi Chùa Thiền Tông Tân Diệu này đúng phong cách Thiền Tông.

    – Con phổ biến Pháp môn Thiền Tông học này bằng sách đến khi nào con trình bày ra hết những lời của Đức Phật dạy trong Tập Huyền Ký.

    – Sau đó, con xin phép chính quyền và Giáo hội Phật giáo nói rõ Pháp môn Thiền Tông học này ra, là con đã hoàn thành nhiệm vụ, còn việc có ai tu theo Pháp môn này hay không, là chuyện của người ta.

    Tuy Thiền sư ni Đức Thảo dạy như vậy, nhưng chúng tôi chưa thực hiện được.  

    Hôm nay, Chùa Thiền Tông Tân Diệu chúng tôi được phép chính quyền xã Tân Mỹ cho phép chúng tôi trả lời những câu hỏi Thiền Tông này, chúng tôi hết sức vui mừng và cám ơn.

    Chúng tôi cũng xin trình bày rõ 2 phần về Pháp môn Thiền Tông học này:

    1-  Pháp môn Thiền Tông học này khó có ai tu hành được.

    2- Hôm nay, chúng tôi không thể nào nói hết những lời Đức Phật dạy được.

    Vì vậy, Ban quản trị Chùa Thiền Tông Tân Diệu chúng tôi xin dừng Báo cáo lại đây.

    – Kính chúc Hòa thượng Trưởng ban Trị sự, cùng Chư Tôn Đức trong Ban trị sự.

    – Kính chúc quí vị Lãnh đạo huyện Đức Hòa và xã Tân Mỹ.  

    – Kính chúc quí vị Báo chí và toàn thể quí vị dự lễ được khoẻ mạnh.

0003722-19-09_compressed

Đại diện Chùa Thiền Tông Tân Diệu: Thiền gia Thanh Toàn (trái) và Thiền gia Ngọc Lâm (phải) trình bày nguồn gốc Pháp môn Thiền Tông

Nguồn Internet

✍️ Mục lục: Lễ đón nhận: Giấy phép Giải đáp Thiền Tông 👉  Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *