Lịch sử Phật Giáo Lào
✍️ Mục lục: Lịch sử Phật Giáo Lào
⭐️Phật Giáo trong Đời sống Văn hóa các Bộ tộc Lào hiện nay
✨TÓM TẮT
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là quốc gia có nền văn hóa hết sức đa dạng, nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ. Với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, người dân Lào đã tạo ra được những đặc trưng tiêu biểu văn hóa của mình như: ăn xôi, thổi khèn và ở nhà sàn. Dù có nhiều hình thức thờ thần linh tồn tại phổ biến và có liên quan trực tiếp đến đời sống của con người từ xa xưa, nhưng Phật Giáo ở Lào vẫn chiếm ưu thế, giữ vị trí quốc giáo, có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách dân tộc, nhân sinh của người Lào thông qua các giai đoạn lịch sử văn hóa các bộ tộc Lào.
✨1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là nước nằm sâu trong phần lục địa thuộc khu vực Đông Nam Á, với diện tích khoảng 236.800km2 . Lãnh thổ Lào chạy dài theo sông Mekong, có đường biên giới chung với 5 nước: phía Đông giáp Việt Nam, dài
1.957km; phía Tây có đường biên giới chung với Thái Lan, dài 1.730km; phía Bắc
giáp vùng đồi núi Vân Nam Trung Quốc dài 416km, phía Tây Bắc giáp Myanma, dài 230km; phía Nam giáp Campuchia, dài 492km (Nguyễn Xuân Tế, 2000, tr. 71).
Địa hình của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chủ yếu là đồi núi và cao nguyên. Từ vùng biên giới phía Đông Bắc (biên giới với Việt Nam và Trung Quốc) và Tây Bắc (biên giới với Myanma và Thái Lan) có hai dãy núi lớn chạy theo hướng Đông Bắc và hạ thấp dần xuống hình thành một chuỗi cao nguyên Hủa-phăn ở phía Đông-Bắc. Nằm giữa vùng núi phía Đông và Tây ở miền Bắc là cao nguyên Cánh đồng Chum, có độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mặt biển. Chính vị trí địa lý khép kín như vậy đã làm cho nước Lào có những hạn chế trong việc giao lưu với các nền văn hóa trong và ngoài theo luồng giao thông đường thủy.
Tìm hiểu văn hóa Phật Giáo là nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể của văn hóa Lào. Trải qua nhiều thế kỷ du nhập vào Lào, Phật Giáo đã được dân tộc hóa, địa phương hóa và quần chúng hóa. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định: Phật Giáo gần như đã trở thành một phong tục tập quán của người dân tộc Lào, một tôn giáo mang sắc thái Lào.
✨2. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HÓA LÀO
Lào là một trong những quốc gia có nền văn minh rất sớm và gắn liền với nền văn minh Đông Nam Á. Dân tộc Lào đã qua.
Trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, các bộ tộc Lào đã có một đời sống văn hóa khá cao mà thành tựu rõ nhất là văn hóa nông nghiệp lúa nước mà đặc trưng văn hóa dân tộc tiêu biểu như: ở nhà sàn, ăn cơm nếp, thổi khèn bè. Khi tiến hành khảo cổ, thông qua một số hiện vật đã khai quật được, có thể khẳng định: người Lào sinh sống tồn tại qua các thời kỳ đồ đá, đồng, sắt. Từ đầu Công nguyên, nhiều nhóm chủ thể văn hóa thuộc hệ Môn-Khơme đã sinh sống từ trước. “Lào từng là một phần của đế quốc Khmer” (Phan Thu Hiền, 2006, tr. 22).
Với các thành tựu của văn hóa bản địa, ngoài kỹ thuật trồng lúa, trồng cây, chăn nuôi, làm nhà sàn, còn có việc dùng các cây thuốc để chữa bệnh. Đây có thể nói là một trong những di sản văn hóa sáng tạo của các bộ tộc Lào, làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của một quốc gia lâu đời vùng Đông Nam Á.
Nhà sàn là một sáng tạo của cư dân các bộ tộc Lào. Người Lào rất coi trọng nhà. Văn hóa của gia đình trước hết là cái nhà. Cho đến nay, lối kiến trúc nhà truyền thống của người Lào đồng nhất giữa các miền, bao gồm những chi tiết đặc trưng như: hành lang nhà trong, sàn thoáng mát để bà con xóm làng tụ hợp trong những dịp thăm viếng và để trai gái có nơi vui chơi hát hò, thổi sáo, thổi khèn vào những buổi tối đẹp trời. Về vị trí, người Lào thích làm nhà cạnh ruộng, ruộng cạnh bản. Bà con họ hàng thường quây quần chung cư gần nhau trong bản làng. Ngày nay, quan niệm về nhà cửa của người Lào đã thay đổi nhiều, nhưng chất lượng đời sống gia đình vẫn được quyết định bởi vị trí của ngôi nhà, nơi có thể tiếp thu các tinh hoa của không gian thiên nhiên.
Về mặt xã hội, quan hệ gia đình ở Lào theo chế độ mẫu hệ. Địa vị quan trọng của người phụ nữ tạo nên những nét đặc trưng cơ bản xã hội cổ truyền của Lào. Vai trò của nữ giới được xem trọng hơn nam giới. Con cái chủ yếu theo nguồn gốc mẹ, mặc dù vẫn có sự phân công lao động theo giới tính. Cho đến ngày nay, một số bộ tộc Lào vẫn còn giữ tục lệ này. Ví dụ, sau lễ cưới người con trai phải sang nhà gái ở rể trong khoảng thời gian nhất định.
Các giá trị văn hóa gia đình tạo ra tình thương yêu, lòng nhân hậu và khoan dung rất nhân bản. Cùng với văn hóa gia đình là văn hóa làng. Trong cơ cấu tổ chức xã hội, làng giữ vai trò quan trọng. Trong làng, sư sãi và người già luôn được mọi người quý trọng. Có thể nói các quan hệ nhân văn trên địa bàn làng xã của người Lào được quy định bởi hai quan hệ với cùng một mục tiêu của nền kinh tế sinh thái. Đó là quan hệ tự nhiên trong sinh tồn để sản xuất và các quan hệ giao tiếp giữa con người với con người. Văn hóa gia đình, văn hóa làng-xã tạo nên diện mạo văn hóa của cả nước, cũng chính là một khâu quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước của Lào.
Về tôn giáo, dù Phật Giáo sớm chiếm ưu thế và trở thành quốc giáo, nhưng ở Lào vẫn tồn tại các hình thái tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ phụng tổ tiên và thờ thần (Dẫn theo Humphăn Rattanavông, 2001, tr. 90).
✨3. KHÔNG GIAN GIAO LƯU VÀ TIẾP BIẾN VĂN HÓA
Cùng với đạo Phật, đạo Bàlamôn đã sớm du nhập vào Lào. Theo một số sử gia, đạo Bàlamôn được truyền bá vào Lào khoảng thế kỷ VIII-XI thông qua người Khỏm và sau thế kỷ XII có thời kỳ nhất định phát triển ở Lào. Qua thời gian, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đạo Bàlamôn đã không thể tiếp tục phát triển được, dần dần phai mờ và nhường chỗ cho đạo Phật.
Một trong nhiều nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại của đạo Bàlamôn trên đất Lào, đó là vị trí quốc giáo của Phật Giáo.
Theo G. Coedès – một tác giả người Pháp có nhiều nghiên cứu về nước Lào, Phật Giáo du nhập vào vùng Tây Lào khoảng thế kỷ VIII do người Môn đầu tiên di cư từ La Vô đến vùng thượng Mêphing, nơi cư trú dân La Vạ. Tại đây, người Môn đã truyền Phật Giáo cho cư dân La Vạ và cũng chính người Môn đã lập nên vùng này thành hai đô thị. Lăm-phun và Lăm pang. Sau đó, Lăm-phun trở thành thủ phủ của Haripujaya (sau này là Xiêngmai-Lạnna, hiện nay thuộc về vùng Bắc Thái Lan).
Cũng qua nguồn tài liệu của G. Coedès, việc truyền Phật Giáo vào Lăm-phun và Lăm-pang với quy mô lớn, có tới 500 nhà sư am hiểu kinh Phật và mang theo nhiều kinh Phật từ Srilanka tới Xiêngmai-Lạnna.
Sau đó trong 500 nhà sư này một số ở lại, một số tiếp tục di đến những vùng lân cận truyền đạo như mượng Xiêng-Đông-XiêngThong (cổ đô Luổng pra bang) và các mượng khác ở Bắc Lào. Bởi vì, XiêngmaiLạnna và mượng Xiêng-Đông-XiêngThong của vương quốc Lào từ lâu vốn có mối quan hệ giao lưu với nhau do có đường giao thông thuận tiện. Hơn nữa, cả hai vùng này đều là địa bàn cư trú của dân cư bản địa là người La Vạ. Van Wusthoff(1) – người châu Âu đầu tiên đến Lào vào năm 1641, từng sống trong môi trường người dân sùng bái Phật kể rằng: số sư tăng ở đây còn đông hơn số binh lính của hoàng đế Đức, các sư Lào hãnh diện đức Phật của mình lớn hơn đức Phật ở Xiêm, ở Campuchia và ở các nước khác. Và họ còn hãnh diện không đâu có nhiều chùa tháp giàu có, nhiều sư tăng tài giỏi và Phật học phát triển ở Viêng-Chăn (Dẫn theo: Humphăn Rattanavông, 2001, tr. 96).
Các nhà sư Campuchia và Xiêm hàng năm đều đến đây và lưu lại từ 10 đến 12 năm để học tập. Ông còn cho biết thêm, sư nước ngoài thích sang Lào vì ở Lào họ được trọng vọng hơn và cũng được tự do hơn ở các nơi khác. Van Wusthoff còn xác nhận rằng, đạo Phật ở Lào được nâng đỡ, được tạo điều kiện phát triển một cách thuận lợi trong cảnh hòa bình, trong khi (Nguyễn Văn Vinh, 2005, tr. 164-165).
Đến thế kỷ XIII khi tộc người Lào Thái chinh phục xong toàn bộ phần đất Bắc Lào rộng lớn họ đã tiếp thu Phật Giáo hệ phái Thượng Tọa Bộ hay Therevada – Phật Giáo Nam tông và phát triển rộng khắp cả vùng Bắc và Trung Lào. Thời gian này, Phật Giáo Lào có quan hệ mật thiết với Phật Giáo Srilanka, Myanma, Thái Lan, Campuchia và Indonesia. Trong khi đó, từ phía Nam, Phật Giáo Lào cũng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Khmer vốn theo Thượng Tọa Bộ – Therevada đến thế kỷ XIII, Phật Giáo Đại thừa đã được truyền bá vào Lào. Thế kỷ XIV khi vua Phà Ngừm (1353) thống nhất toàn bộ lãnh thổ nước Lào, ông đã tiếp thu Phật Giáo Thượng Tọa Bộ từ Campuchia và phát triển trên khắp đất nước Lào (2).
Phật Giáo ở Lào không đơn thuần là một tôn giáo mà là sự hiện thân của văn hóa và lối sống của con người ở Lào. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định tại Lào tồn tại một Phật Giáo mang bản sắc Lào. Hiến pháp của vương quốc Lào trước đây quy định đạo Phật là quốc giáo, nhà vua là đấng tối cao của Phật Giáo.
Đến các nơi trị vì của vương quốc Lào trước đây người ta thường thấy khẩu hiệu: Tổ quốc, Phật Giáo và Nhà vua được đặt ở những vị trí quan trọng.
✨4. THỜI GIAN TIẾP BIẾN VĂN HÓA Phật Giáo
Hiện nay, Phật Giáo tại Lào tồn tại song song hai hệ phái là Phật Giáo Bắc tông và Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, trong đó hệ phái Phật Giáo Thượng Tọa Bộ – Therevada chiếm đa số. Theo con số thống kê, hiện nay ở Lào có hơn 20.000 tăng ni, khoảng 6.300 cơ sở thờ tự. Phật Giáo Thượng Tọa Bộ ở Lào phân chia thành 2 phái nhỏ là Đại tông phái truyền thống chiếm 94% số chùa, 90% số sư sãi.
Về địa vị con người trong xã hội, Phật Giáo nhấn mạnh giữa con người và con người là bình đẳng, tức là tất cả mọi người không cần biết mình xuất thân ở tầng lớp nào, đều có có quyền xuất gia học đạo, gia nhập tăng đoàn, và trong nội bộ tăng đoàn không kể chúng sinh là cao-thấp, nhất luật bình đẳng.
Về sinh mệnh con người Phật Giáo ở Lào cho rằng con người cũng là sinh vật tự nhiên, vốn trước là thể khí phát sáng, không có hình thái cố định của tính vật chất, sau đó vì đã ăn hương thổ và vật chất ở trên thế giới, cho nên dần dần hình thành vật chất thân thể thô kệch và đã có phân biệt màu da và tính khác nhau.
Về mặt lý tưởng của con người, Phật Giáo chủ trương phải tu dưỡng để diệt khổ, để tiến vào Niết bàn cảnh giới. Niết bàn là lý tưởng cảnh giới tối cao của Phật Giáo. Ý nghĩa cơ bản của Niết bàn là trừ diệt đau khổ phiền não, giải thoát tự tại. Để đạt đến Niết bàn, Phật Giáo nhấn mạnh tu luyện, trước sau đề xuất phương pháp và con đường tu luyện. Phương pháp này được thực hiện chủ yếu thông qua ba phương diện: giới, định, tuệ. Đó là ba học cơ bản của Phật Giáo mà tín đồ phải thực hiện.
Giới là chỉ giới luật, là tôn trọng giữ tiết tháo, đề phòng lỗi lầm về mặt tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi. Định tức là thiền định, bài trừ tạp niệm. Tuệ là trí tuệ, bài trừ những dục vọng và phiền não, chuyên tâm nghiên cứu Phật lý, đạt được trí tuệ tối cao Về mặt cuộc sống của con người, Phật Giáo nói đến đau khổ là chủ yếu là chỉ cái tinh thần bức bách. Cuộc sống con người trong vũ trụ để tiến hành định hướng ý nghĩa của nhân sinh, Phật Giáo coi trọng theo đuổi lý tưởng tối cao của nhân sinh.
Trong thế giới quan và nhân sinh quan Phật Giáo có một nền tảng triết học sâu sắc, phong phú. Phật Giáo khẳng định thế giới này là thế giới vật chất, các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ được tạo ra từ các phần tử bé nhỏ nhất của vũ trụ, gọi là bản thể, là thực thể của các sự vật, hiện tượng.
Chúng luôn luôn chuyển động và biến đổi, trong sự sống có cái chết, chết không phải là hết mà là điều kiện của một sự sinh thành mới, sinh và diệt là hai quá trình xảy ra đồng thời trong một sự vật hiện tượng, cũng như trong toàn thể vũ trụ.
Theo thời gian, Phật Giáo đi vào Lào và trải qua nhiều giai đoạn phát triển, có nhiều trường phái khác nhau. Giáo lý của Phật Giáo nêu lên con đường giải thoát khỏi vòng luân hồi và khổ ải của con người.
Điều này thích nghi với tâm tư, tình cảm vốn chân chất và mộc mạc của cư dân Lào, gắn bó keo sơn như hình với bóng với dân tộc Lào, để vừa hành đạo vừa đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Lào ngày càng phồn thịnh. Chính nhờ những yếu tố đó, Phật Giáo đã trở thành mốc son in đậm vào trong từng trang sử hào hùng của dân tộc Lào. Ngày 02/12/1975, đất nước Lào hoàn toàn giải phóng, nhân dân Lào bước vào một giai đoạn lịch sử mới, thời kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong thời kỳ này, các nhà sư Lào không chỉ hành đạo mà còn tham gia vào hoạt động xã hội nhập thế, cả trong giáo lý và trong hành động, để phù hợp với giai đoạn lịch sử mới của đất nước.
Điều này được thể hiện qua nhận định và cũng là lời kêu gọi của nguyên Chủ tịch nước Kayxỏn Phôm-Vi-Hẳn: “Dân tộc ta, từ thuở xa xưa đã từng góp phần quan trọng vào sự nghiệp phồn thịnh của đạo Phật. Các nhà tu hành, tăng lữ được sự kính trọng của nhân dân… Hưởng ứng sự khuyến khích của Đảng và nhà nước Lào, các nhà sư đã tích cực tham gia vào Mặt trận văn hóa-xã hội, tham gia việc xóa nạn mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giáo dục cho tín đồ có tinh thần tương trợ, thương yêu đoàn kết để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Nguyễn Văn Thoàn, 2007, tr. 93).
Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Đại hội lần thứ III đã khẳng định: Phật Giáo Lào là một thành viên của Mặt trận Dân tộc Lào thống nhất. Đại hội Đảng lần thứ V của Đảng đã tuyên dương công lao to lớn của giới Phật Giáo: “Phật Giáo và sư sãi có vai trò đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như là trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay” (Nhiều tác giả, 1994, tr. 137).
Với việc tham gia tích cực của lực lượng Phật Giáo vào Mặt trận Lào xây dựng và bảo vệ đất nước, các nhà sư càng có uy tín cao trong nhân dân. Mọi người cung kính Tam bảo, nghe lời giảng dạy của sư tăng một cách thành tâm và trân trọng giữ gìn giới luật. Đảng và Nhà nước Lào đã lợi xã hội khác” (Trần Công Hàm, 2001, tr. 22).
Hiện nay, mặc dù trong Hiến pháp Lào không ghi Phật Giáo là quốc giáo, nhưng trong thực tế, đạo Phật bao trùm hầu hết trong đời sống nhân dân các bộ tộc Lào và các nhà sư Lào ngày nay luôn được sự kính trọng sâu sắc của nhân dân.
Qua thời gian thăng trầm có thể nói rằng: đạo Phật đã đi sâu vào trong lòng xã hội Lào, ăn sâu vào tư tưởng, tình cảm của mọi người dân Lào. Phật Giáo đã góp phần gìn giữ những tinh hoa, những bản sắc độc đáo, những truyền thống quý báu của dân tộc Lào. Ngày nay, Phật Giáo vẫn là nhu cầu quan trọng trong đời sống sinh hoạt của nhân dân Lào, được nhân dân Lào trân trọng lưu giữ.
Người Lào cho rằng: ai chưa đi tu thì chưa đủ lẽ sống và họ chỉ trích những ai phụ chùa, khinh sư và không chịu lễ Phật.
Ngược dòng thời gian từ buổi đầu đặt chân đến đất nước Lào, đạo Phật sớm gắn bó keo sơn như hình với bóng với dân tộc Lào để vừa hành đạo vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Lào còn là các mượng cát cứ thì đạo Phật đã góp phần tạo tiền đề để xây dựng một quốc gia thống nhất. Khi quốc gia thống nhất được thiết lập, Phật Giáo trở thành cơ sở để củng cố quốc gia thống nhất về mặt tư tưởng. Giới sư sãi Phật Giáo trong mọi thời kỳ lịch sử đã luôn phát huy vai trò tích cực của mình đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng một quốc gia thống nhất, vun đắp sự đoàn kết trong nội bộ giai cấp cầm quyền, góp phần chọn lựa những người ngồi trên ngai vàng của vương quốc. Nhờ những nhân tố tích cực đó đã thúc đẩy xã hội Lào phát triển đến đỉnh cao và có đủ sức mạnh đánh bại các cuộc xâm lăng từ bên ngoài.
Ngày nay, Hiến pháp của nhà nước Lào quy định mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, cũng giống như xưa, những tôn giáo ngoại lai cũng không “hấp dẫn” được người Lào vốn có truyền thống theo Phật Giáo.
Trong lịch sử hơn bốn thế kỷ, nhân dân các bộ tộc Lào cũng đã tiến hành nhiều
cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm chiếm và thống trị của các triều đại phong kiến Myanmar, Xiêm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thông qua giao lưu và phát triển văn hóa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tiếp thu có chọn lọc
những yếu tố thích hợp của các nền văn hóa lớn trên thế giới, như văn hóa Ấn Độ và văn hóa phương Tây. Nhờ đó, văn hóa của các bộ tộc Lào đã tích lũy được vốn di sản phong phú. Ngày 02/12/1975 nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thống nhất mở ra kỷ nguyên mới cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tạo ra tư thế mới cho sự phát triển, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc quốc gia. Đó là: dân tộc, tiên tiến và đại chúng.
✨5. KẾT LUẬN
Phật Giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa xã hội của nhân dân các bộ tộc Lào. Để được vai trò quan trọng như vậy là vì ngay từ buổi đầu du nhập vào Lào, Phật Giáo đã khéo léo hòa quyện vào các tín ngưỡng truyền
thống của các bộ tộc Lào và với chủ thuyết nhân từ và bác ái của đức Phật đã bổ sung thêm cho những quan niệm đạo đức phôi thai của các bộ tộc Lào. Cho nên Phật Giáo đã nhanh chóng được nhân dân Lào tiếp nhận và đưa lên làm hệ tư tưởng chính thống.
Theo thời gian, các bộ tộc Lào từ buổi xa xưa đã tồn tại các hình thức tôn giáo sơ khai có liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống và tính mệnh con người, bên cạnh đó người Lào còn có tục thờ cúng tổ tiên và những người đầu tiên mở bản lập mượng. Trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước, đã có nhiều loại hình tôn giáo được truyền bá vào xứ sở bình yên này nhưng chỉ có Phật Giáo là tôn giáo được nhân dân Lào đón nhận một cách chân tình và ảnh hưởng sâu đậm đến mọi mặt của đời sống văn hóa-xã hội Lào đến ngày hôm nay.
✨CHÚ THÍCH
(1) Van Wusthoff là người Hà Lan, nhà buôn bán châu Âu đầu tiên đến Lào năm 1641-1643. (2) http://vi.wikipedia.org/wiki/ph%E1%BA%AD T-gi%C3%A1O#cite-note-4.
✨TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bòxẻngkham Vôngđala. 2001. Lịch sử văn học Lào (thời kỳ vương quốc Lào Lạn Xang). Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
2. Humphăn Rattanavông. 2001. Lào – Đất nước, con người và văn hóa. Nxb. Viêng Chăn.
3. Nguyễn Tấn Đắc. 2005. Văn hóa Đông Nam Á. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM.
4. Nguyễn Xuân Tế. 2000. Thể chế chính trị các nước ASEAN. TPHCM: Nxb. Đại học Mở-Bán công TPHCM.
5. Nguyễn Văn Thuần. 2007. Phật Giáo dưới góc nhìn văn hóa ở Lào. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Vinh. 2005. Văn học dân gian các bộ tộc Lào. Hà Nội: Nxb. Lao động.
7. Nhiều tác giả. 1994. Tìm hiểu lịch sử-văn hóa. Hà Nội: Nxb. Đại học Khoa học Xã hội Hà Nội.
8. Phan Thu Hiền. 2006. Đôi nét bản sắc văn hóa Lào qua quá trình bản địa hóa sử thi RRamayana trong Phra Lak Phra Lam. Kỷ yếu hội thảo Văn học Lào. TPHCM 12/2006.
9. Trần Công Hàm. 2001. Đảng Nhân dân cách mạng Lào và vấn đề tôn giáo. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Hà Nội
Nguồn Internet