Bí Kíp Thiền TôngSách Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2

✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2

VỊ THỨ 19

Ông Trần Trọng Quân, sanh năm 1924 (86 tuổi), tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cư ngụ tại thị xã Châu Đốc, hỏi 2 câu:
1- Đạo Phật là do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lập ra sao tôi thấy tượng Phật Chùa ở Việt Nam lại khác với Chùa ở Campuchia, xin Trưởng Ban cho chúng tôi biết tại sao có sự sai biệt này?
2- Đức Phật dạy đạo quá tuyệt như vậy, sao chúng tôi đến nhiều Chùa hỏi về Pháp môn tu Giải Thoát, không ai biết, đáng lẽ người lãnh đạo trong các Chùa phải học và biết thật rõ ràng, để giúp cho những ai muốn tu Giải Thoát họ biết, sao không nơi nào làm như vậy?

Trưởng Ban trả lời:
Câu 1: Đây là câu hỏi thuộc về sự sai biệt của Phật giáo ở các địa phương. Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật có dạy như sau:
– Ta là Phật đã thành, còn các ông là Phật sẽ thành.

Đức Phật dạy:
– Như ta là người nước Ấn Độ thành Phật, các Chùa thờ Như Lai phải tạc tượng giống như người nước Ấn Độ.
– Còn vào các đời sau, nước nào có người tu được thành Phật, thì phải tạc tượng giống như người ở nước đó.
Vì lời dạy của Đức Phật như nói trên, nên ông thấy hình tượng của những vị Phật thờ mỗi nước hiện nay không giống nhau là vậy.

Chúng tôi xin nói rõ các Pháp môn của Đức Phật dạy nơi Thế Giới này có đến 6 Pháp môn:

Năm Pháp môn đầu Đức Phật dạy sử dụng cái “Tưởng, Quán, Nghi, Lý luận, Tìm, Kiếm hay Niệm” của Tánh Người trong Vật lý để tu cho có thành tựu theo chiều Vật lý.

Còn một Pháp môn sau cùng Đức Phật dạy “Giải Thoát’. Pháp môn Giải Thoát này không sử dụng bất cứ thứ gì trong Vật lý, mà Như Lai dạy tu chỉ sử dụng có một chữ Thiền mà thôi. Pháp môn một chữ Thiền này Đức Phật gọi là “Nhất Tự Thiền”, tức Thiền một chữ.

Để ông rõ, chúng tôi xin lần lượt phân tích sáu Pháp môn tu của Đức Phật dạy, giúp cho ông hiểu rõ tu theo đạo Phật không sai. Tự ông biết cái gì là vô thường và cái gì là chân thường, thì mới tu Giải Thoát được:

Cái chân thường nó nằm trong Ý của Tánh Phật, gồm:
– Thứ nhất: Tánh Nghe, Đức Phật gọi là hằng Nghe.
– Thứ hai: Tánh Thấy, Đức Phật gọi là hằng Thấy.
– Thứ ba: Tánh Nói, Đức Phật gọi là hằng Pháp.
– Thứ tư: Tánh Biết, Đức Phật gọi là hằng Tri.
– Thứ năm: Sáng, trùm khắp, thường rung động, Đức Phật dạy gọi là Điện Từ Quang.

Năm thứ trên nó nằm gọn trong Tánh, mà Tánh nó trùm theo Phật, nên Đức Phật gọi chung là “Phật Tánh”. Ai tu muốn Giác Ngộ và Giải Thoát, phải hiểu tường tận như nói trên thì mới thành công được. Các thứ trên hiện nay, một ngàn người tu theo đạo Phật, chưa chắc có 1 người biết được.

Vì sao ít người biết được?
Vì loài Người ai cũng sống bị Vật lý bao phủ quá dày, mà lại ham muốn đem kiến thức của mình dạy lại cho người khác để tìm danh và tìm lợi.

1. Thiền Quán, Tưởng. Hiện nay, căn bản phái Tiểu thừa đang áp dụng.
2. Lý luận trong Vật lý: Hiện nay, những vị Giảng sư nói nhiều và thật hay là quý Ngài giảng Pháp môn lý luận này, để giúp cho nhiều người nghe và thích. Đức Phật gọi, Pháp môn này là Trung thừa.
3. Thiền Nghi, Tìm hay Kiếm: Những bí ẩn trong vạn vật, nhỏ như Nguyên tử, lớn lao như Hành tinh; Như Lai gọi là Pháp môn Đại thừa.
4. Niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà: Để nhìn thấy cái hình bóng ảo của Ngài; Đức Phật gọi Pháp môn này là Tịnh độ. Quý thầy sau này gọi là nước Cực Lạc, tức nước vui sướng tột cùng.
5. Niệm các câu Thần chú: Trong các kinh Như Lai dạy. Đây là thuật tích tụ điện từ Âm Dương nơi Trái Đất này vào cơ thể người tu. Khi tích tụ được nhiều, người tu sử dụng cái Tưởng của Tánh Người, cho vật chất để trước mặt bay đi, tức khắc vật chất đó tuân lệnh người tu ngay. Đức Phật gọi Pháp môn này là Mật chú tông. Vì vậy, ai tu Pháp môn này khi được thành công, khiến cho cát bay đá chạy cũng được.

Trên đây là 5 Pháp môn mà Đức Phật dạy suốt 45 năm, Như Lai sử dụng cái Tưởng Tánh Người của Ngài để dạy tu có kết quả theo chiều Vật lý.
Còn 4 năm sau cùng Như Lai dạy Pháp môn Thanh Tịnh Thiền, từ đời Tổ thứ 2 trở về sau gọi là Thiền Tông. Pháp môn này Như Lai không sử dụng bất cứ thứ gì trong Tánh Người, mà Như Lai dạy Pháp môn này bằng câu:

– Thiền Tông là “Nhất Tự Thiền”!
Vị nào tu theo Thiền Tông mà biết “Nhất Tự Thiền” thì mới “Tu Giải Thoát” được.
Tuy chỉ là “Thiền Một Chữ”, nhưng khó có ai biết được. Bởi vậy, có nhiều người đến hỏi những vị Giảng sư hoặc hòa thượng có danh lớn, hỏi “Thiền Một Chữ” là tu làm sao?

Như vị Hòa thượng ở tỉnh Đồng Nai trả lời:
– “Thiền Một Chữ” là tu “Phật”!
Vị Hòa thượng ở Cao nguyên Trung phần trả lời:
– “Thiền Một Chữ” là tu “Tâm”!
Vị Hòa thượng ở tính Tiền Giang trả lời:
– “Thiền Một Chữ” là tu “Tánh”!
Còn vị Tiến sỹ Giảng sư Phật học ở Tp. Hồ Chí Minh trả lời:
– “Thiền Một Chữ” là tu “Thân”!
Các vị trên, vị nào cũng có danh lớn cả, nhưng “Thiền Một Chữ” các Ngài mỗi vị trả lời một cách.
Vì sao các Ngài trả lời không đúng với nhau?

Xin thưa:
– Vì các Ngài không hiểu “Thiền Tông” là gì, nên các Ngài suy tưởng ra để giảng. Vì chỗ sử dụng Tâm Vật lý để giảng, vị nào nghĩ ra sao thì trả lời như vậy. Phần “Thiền Một Chữ” này, ông muốn biết hãy đến Chùa Thiền Tông Tân Diệu sẽ rõ.

Câu 2: Câu này ông hỏi thật khó cho chúng tôi, nhưng để ông thông, chúng tôi xin nói việc tổ chức của đạo Phật hồi Đức Phật còn tại thế Như Lai dạy cho những vị đạt được Thiền Quán, Tưởng trong Vật lý, các vị này về phương Nam nước Ấn Độ dạy nhiều người tu.

Đức Phật dạy các vị này:
1- Khi các ông lập Chùa ra để dạy Pháp môn tu của Như Lai dạy, các ông phải ghi thật rõ ràng là tu Pháp môn Nguyên thủy, các ông không được phép ghi một đàng hành một nẻo. Các vị này vâng lời Đức Phật dạy, họ thực hành rất nghiêm chỉnh. Do đó, các Chùa tu theo Nguyên thủy họ để rất rõ ràng, không dám làm sai lời của Đức Phật dạy.

2- Còn vào thời vua Võ Tắc Thiên trị vì nước Trung Hoa, nhà vua có quy định cho những vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo: Khi có vị nào muốn cất Chùa để truyền bá các Pháp môn tu của Đức Phật dạy, phải thực hiện đúng như sau:
– Bất cứ ai muốn cất Chùa cũng được, nhưng phải qua sự kiểm tra của những vị có trách nhiệm ở địa phương:

A- Tiền tài vật chất do đâu mà có.
B- Tu theo Pháp môn gì của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, phải có văn bản giải thích về Pháp môn tu của chính mình.
C- Không được cất Chùa để kinh doanh, hay cất Chùa làm bình phong để người khác đem tiền của cho mình xài. Chính quyền địa phương phải kiểm soát thật chặt chẽ việc cất Chùa này.

Nhà vua có công văn gởi các địa phương như sau:
– Các ông là chính quyền địa phương, là đại diện cho trẫm; trẫm đã hiểu thật rõ các Pháp môn tu của Như Lai dạy. Vậy, khi có vị nào muốn cất Chùa để tu, các ông phải yêu cầu vị đó phải giải trình về Pháp môn của mình tu. Lời giải trình ấy, phải trình lên tự trẫm xem xét, nếu trẫm bận, Trẫm nhờ những vị có trách nhiệm trong giáo hội xem xét giùm. Nếu vị nào cất Chùa để tu đúng với các Pháp môn tu của Đức Phật dạy, trẫm sẽ cấp phép xây dựng Chùa rất nhanh.

Trẫm cũng lưu ý các địa phương: Vị nào cất Chùa với các mục đích như dưới đây, các ông phải dẹp bỏ ngay, để không làm ô danh những Pháp môn mà Đức Phật dạy nơi Thế Giới này:

1- Cất Chùa để truyền bá mê tín.
2- Cất Chùa để làm bình phong, ngồi đó để người khác đem tiền hay vật chất đến cho mình xài.
3- Ông, bà nào nói mình tu chứng được cái này hay đạt được cái kia, ông, bà đó phải tự đi làm mà ăn.

Sự thật, Đức vua Võ Tắc Thiên đưa ra rất nhiều quy định, nhưng chúng tôi chỉ nêu vài quy định căn bản để ông hiểu.
Vì vậy, tất cả các Chùa ở nước Trung Hoa thời đó, vị nào tu, dù già hay trẻ đều phải lao động để có thức ăn để nuôi thân. Đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn nghe câu của Thiền Sư Bá Trượng dạy: “Một ngày không làm là một ngày không ăn”.

Trên đây là 2 quy định, 1 của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và 1 của vua Võ Tắc Thiên của nước Trung Hoa.
Còn hiện nay nếu ông thắc mắc gì, xin ông hỏi vị có trách nhiệm, chớ chúng tôi chỉ là người sưu tầm những Pháp môn tu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy thôi, xin ông thông cảm.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Quyển 04: Những câu hỏi Thiền Tông – Tập 2 👉 Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *