Bí Kíp Thiền TôngSách Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 05: Khai thị Thiền Tông

✍️ Mục lục: Khai thị Thiền Tông

Ngài A Nan Đà:

Từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Đức Phật, quỳ gối, trịch vai áo bên phải, chắp tay, bạch cùng Đức Phật rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, sư huynh Ma Ha Ca Diếp là Tổ đời thứ nhất, còn thứ hai là con. Vậy, chúng con truyền bá như thế nào, kính xin Đức Thế Tôn dạy con?

Đức Phật dạy Ngài A Nan Đà:

– Này Tôn giả A Nan: Sau khi Như Lai diệt độ, việc truyền Thanh Tịnh Thiền, Như Lai dạy ở cõi Ta bà này nơi mặt bằng trên núi Linh Sơn. Như Lai đã truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp, sau ông Ma Ha Ca Diếp sẽ truyền lại cho ông, Pháp môn này rất mầu nhiệm, không viết ra thành văn, nên không truyền theo kinh điển thông thường được.

Như Lai đã căn dặn ông Ma Ha Ca Diếp: Sau này, ông tịch, sẽ truyền lại cho A Nan làm Tổ thứ hai, sẵn đây Như Lai căn dặn ông: Nhớ truyền mãi đừng cho đoạn dứt. Như Lai Huyền Ký cho các ông và đại chúng biết: Người làm Tổ sau cùng ở nước Ấn này là một vị Thái tử như ta, vua cha và hoàng hậu tu theo Đạo Bà La Môn, khi ông ấy nghe được lời dạy của Tổ trước, ông nhận được Mạch nguồn Thanh Tịnh Thiền và vượt biển về phương Đông truyền bá. Ông vào nước đầu tiên, Nhà vua không biết Mạch nguồn Thiền là gì, nên Nhà vua không nhận, vị Tổ ấy đành tiếp lên phương Bắc, đến một ngôi Chùa, ngồi đó suốt 9 năm trong hang đá. Sau đó có một người kiên cường gan dạ đến dâng một phần thân thể để nhận Mạch nguồn Thiền. Như vậy, Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai chảy về phương Đông đã có người tiếp nhận.

Vừa trao Mạch nguồn Thiền xong, vị Tổ ấy nói rộng về Thiền Thanh Tịnh ở nơi công cộng. Giáo pháp Thanh Tịnh Thiền này nếu đem so sánh với những giáo pháp mà Như Lai dạy trước, người nghe giáo pháp Thanh Tịnh Thiền này, cho là tà Đạo, nên đầu độc Tổ ấy đến 6 lần, lần sau cùng vị Tổ ấy phải từ bỏ xác thân!

Như Lai nhắc lại cho các ông nhớ:
– Các ông tu theo các Pháp môn ban đầu của Như Lai dạy, nếu người nào tu được thành tựu và an trú trong Niết Bàn trước này, thì Niết Bàn trước đó, nếu đem so sánh Niết Bàn Thanh Tịnh Thiền này, thì Niết Bàn trước chỉ là 1 giờ hay 1 ngày mà thôi.

Khi Như Lai đem so sánh 2 Niết Bàn, ông Xá Lợi Phất cho Như Lai bị Ma ám, tất cả các người có mặt cũng nghi như thế, nên có trên 5.000 người bỏ đi. Như Lai liền dùng Thanh Tịnh Thiền cực mạnh, để giữ một số người ở lại, và nói:
Số người các ông còn ở lại đây, nếu người nào muốn được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh mà Mười Phương Chư Phật đang sống”, thì Tâm các ông phải tự nhiên Thanh Tịnh, rỗng lặng và hằng tri, nếu không “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh” được, thì ít ra các ông cũng cảm nhận được kỳ diệu của Thanh Tịnh Thiền.

Khi Đức Phật vừa dứt lời, Ngài liền bủa Thanh Tịnh Thiền cực mạnh, làm cho quả núi Linh Sơn và một vùng rộng lớn xung quanh núi, không biết xa là bao nhiêu. Khí hậu mát mẽ, bầu trời không nắng mà sáng, cây, cỏ, hoa, lá tươi hẳn lên, làm cho những người có mặt tại núi Linh Sơn và xung quanh núi, ai ai cũng cảm nhận được sự kỳ diệu của Thanh Tịnh Thiền mà Đức Phật bủa ra. Trong 1.250 người có mặt, duy nhất chỉ có Ngài Xá Lợi Phất được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh mà Mười phương chư Phật đang sinh sống”.

Khi Ngài Xá Lợi Phất được trở lại Thế Giới loài Người, có trình với Đức Phật những gì mà Ngài thấy và biết ở trong “Bể tánh Thanh Tịnh”. Đức Phật xác nhận là phải. Nhờ Đức Phật xác nhận đúng, nên Ngài Xá Lợi Phất có trình thưa với Đức Phật như sau:

– Con xin sám hối với Đức Thế Tôn: Trước đây con nghi ngờ Đức Thế Tôn bị Ma ám. Nhờ siêu đại thần lực Thanh Tịnh Thiền của Như Lai trợ giúp, nên con được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”. Con đã thấy biết thật rõ ràng những gì trong “Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh mà Mười phương chư Phật đang sinh sống”. Hôm nay, thật sự con là người thấy nghe biết và tu đúng theo lời của Đức Phật dạy, con mới biết mình là một Phật tử (con Phật) chân chánh.

Đức Phật mới nói với ông Xá Lợi Phất:

Này ông Xá Lợi Phất, giờ này Như Lai công nhận ông là một Phật tử chân chánh. Ông nên đem lời chân thật của Như Lai dạy hôm nay, sau này có ai muốn tu để được vào “Bể tánh Thanh Tịnh”, ông nên thật lòng dạy lại cho họ. Còn người tu ham mê Thần quyền, cầu lạy Thần linh, những người thích làm tôi tớ cho người khác, cũng có nghĩa là họ muốn đi mãi mãi trong 6 nẻo Luân hồi. Những người này: Một lời không nói, một câu cũng không chỉ. Vì sao Như Lai căn dặn kỹ như vậy? Vì những người này, nghiệp thức của họ đã chứa đầy trong Tàng thức của họ, từ nhiều đời nhiều kiếp, không ai tài nào cạy ra được! Như Lai có thần thông phép mầu đầy đủ mà còn không giúp được họ, huống chi là các ông. Thôi, các ông cứ để tự nhiên họ đi trong lục Đạo Luân hồi, chừng nào họ chán, họ tự đi tìm đến các ông, các ông không cần phải lo.

Như Lai nói trở lại vị Thái tử nói Pháp môn Thiền Thanh Tịnh nơi công cộng. Vị này bị các người tu theo lời dạy của Như Lai ban đầu, đầu độc chết! Vì sao các người tu lại có lòng ác như vậy? Vì những người này giống như các ông khi nghe Như Lai nói về Thanh Tịnh Thiền vậy. Các vị này cũng tưởng rằng vị Tổ này bị Ma ám nên tìm cách giết vị ấy!

Ông A Nan Đà hỏi thêm Đức Phật:

-Như vậy Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này vào đời Mạt pháp khó mà lưu truyền cho nhiều người hiểu, có phải như vậy không, kính thưa Đức Thế Tôn?

Đức Phật dạy ông A Nan Đà:

– Này ông A Nan Đà: Vì chỗ khó khăn đó, vào đời Mạt Thượng pháp, những người nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai dạy, họ không dám phổ biến trong các Chùa, mà chỉ tìm cách cho Mạch nguồn Thiền len lỏi vào những người thật sự muốn tu tập Giải Thoát, không kể người trong Chùa hay ngoài đời gì. Những người vào đời Mạt Thượng pháp, họ thấy trong các Chùa thờ Như Lai, nhưng lại không thấy có giáo pháp của Như Lai dạy, mà chỉ có giáo lý dạy người đi trong lục Đạo Luân hồi mà thôi!

Vì chỗ đó, vào đời Mạt Thượng pháp, ai biết Pháp môn tu Thanh Tịnh Thiền này, họ đành phổ biến qua văn viết, để len lỏi vào những người muốn tu Giải Thoát, chớ không dám đem vào Chùa.

Vì sao không dám đem vào Chùa?
Vì nếu đem vào Chùa, các vị chủ trương lập Chùa để kiếm tiền, thì hỏng việc làm của họ. Vì vậy, người đem giáo pháp Thanh Tịnh Thiền này vào Chùa sẽ bị những người tu kiếm tiền làm khó dễ, cũng có thể làm hại đến tánh mạng nữa!
Kính bạch Đức Thế Tôn: Như vậy người tu tại gia, phổ biến Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này có bị gì không?

Đức Phật dạy ông A Nan Đà:

– Vào đời Mạt Thượng pháp: Có người tu tại gia họ tiếp nhận được Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này. Họ biết rằng: Ở Thế gian này không gì sánh được, nên họ cho Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh âm thầm chảy đi nhiều nơi, nhưng không lưu lại dấu vết. Nhờ đó mà Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai dạy, nhiều người nhận được. Cũng nhờ vậy mà các Châu trên trái đất này, nơi nào cũng biết Pháp môn Thanh Tịnh Thiền này. Có lúc người tại gia cũng bị người khác chỉ trích nặng nề, nhưng không sao.

Như Lai nói rõ:
– Vào đời Mạt Thượng pháp: Bất cứ ai nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh, sẽ có chư Thiên hộ trì. Do đó, khi họ phổ biến Mạch nguồn Thiền, được nhiều vị Phật phân thân đến chứng minh.

Đức Phật dạy thêm:
– Mạch Nguồn Thiền Thanh Tịnh này, khi đã chấm dứt nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này, phải đợi đến khi Ngài A Dật Đa thành Phật, Nguồn Thiền Thanh Tịnh này mới được phổ biến nơi Thế Giới này lại. Các ông tính xem: Khi Thanh Tịnh Thiền không còn ở Thế Giới này nữa, thời gian Nguồn Thiền Thanh Tịnh này sống lại là bao lâu?

Mọi người có mặt, tất cả đều khóc và thưa:
– Chúng con không thể nào tính được!

Đức Phật dạy rõ:
– Như vậy, các ông nên giữ lấy Mạch nguồn Thiền này, nó là quý nhất, mà Trần gian này không gì sánh được!
Tất cả những người có mặt đều khóc lần thứ hai!

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Khai thị Thiền Tông 👉  Xem tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *