Sách Tâm LinhNewsSlide

Nhìn thấu Thuyết Tiến Hóa

✍️ Mục lục: Nhìn thấu Thuyết Tiến Hóa

Chương 5: Khoa học về luân hồi và cận tử tiết lộ bản chất của sinh mệnh

Mục lục
1. Giới thiệu nghiên cứu về trải nghiệm cận tử
1.1 Trải nghiệm cận tử là gì?
1.2 Sơ lược lịch sử nghiên cứu trải nghiệm cận tử
1.3 Nghiên cứu y học cổ điển về trải nghiệm cận tử

2. Mười hiện tượng chính của trải nghiệm cận tử
2.1 Hiện tượng 1: Suy nghĩ rõ ràng, có trật tự
2.2 Hiện tượng 2: Hồn rời khỏi xác, quan sát chính xác
2.3 Hiện tượng 3: Người mù có thể nhìn, thị giác siêu thường
2.4 Hiện tượng 4: Trải nghiệm của trẻ nhỏ siêu việt tâm trí
2.5 Hiện tượng 5: Vượt qua các dân tộc và văn hóa
2.6 Hiện tượng 6: Toàn cảnh cuộc đời, nhìn lại cực nhanh
2.7 Hiện tượng 7: Gặp lại cố nhân ở thời không khác
2.8 Hiện tượng 8: Gặp Chúa và hành trình lên Thiên đường
2.9 Hiện tượng 9: Cuộc sống thăng hoa, tăng cường cảm giác sứ mệnh
2.10 Hiện tượng 10: Chuyên gia y tế cũng có trải nghiệm tương tự

3. Những kết luận chính của nghiên cứu về trải nghiệm cận tử
3.1 Linh hồn vẫn tồn tại sau khi chết và có thể rời khỏi cơ thể
3.2 Trải nghiệm cận tử là trải nghiệm chân thực của linh hồn ở một không gian khác
3.3 Trải nghiệm cận tử cho thấy thuyết tiến hóa và thuyết vô thần là sai lầm

4. Giới thiệu về hiện tượng luân hồi chuyển thế
4.1 Bé gái 9 tuổi Ấn Độ nhận ra người thân nơi đất khách
4.2 Luân hồi chuyển thế bắt nguồn từ văn hóa truyền thống
4.3 Những người tiên phong nghiên cứu về luân hồi ở phương Tây

5. Những trường hợp đầu thai điển hình
5.1 Cuộc sống quá khứ và hiện tại của phi công quân sự người Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến
5.2 Tín đồ Cơ Đốc ở Sri Lanka tái sinh thành Phật tử
5.3 Hai chị em người Anh qua đời cùng ngày chuyển sinh thành cặp song sinh
5.4 Hiện tượng “người tái sinh” ở Hồ Nam

6. Sáu bằng chứng chính chứng minh sự luân hồi chuyển thế
6.1 Hầu hết các nhân vật trong tiền kiếp đều có thể xác minh được
6.2 Vết bớt tương ứng với vết thương ở kiếp trước
6.3 Dị tật bẩm sinh tương ứng với tổn thương ở kiếp trước
6.4 Tính cách và hành vi giống với kiếp trước
6.5 Đối tượng sợ hãi tương ứng với tổn thương ở kiếp trước
6.6 Hiện tượng tái sinh trải rộng trên các nền văn hóa dân tộc

7. Nghiên cứu về luân hồi thông qua thôi miên hồi quy
7.1 Cuộc sống quá khứ và hiện tại của bệnh nhân của bác sĩ Weiss
7.2 Nghiên cứu thống kê của Tiến sĩ Wambach
7.3 Nghiên cứu của Tiến sĩ Newton về thế giới tâm linh

8. Khoa học cận tử hé lộ bản chất của sinh mệnh và phủ nhận thuyết tiến hóa
8.1 Khảo sát dư luận về hiện tượng cận tử và luân hồi
8.2 Nghiên cứu về cận tử và luân hồi tiết lộ nguồn gốc và bản chất của con người
8.3 Nghiên cứu về cận tử và luân hồi một lần nữa bác bỏ thuyết tiến hóa


⭐️Trong chương 4, bằng cách liệt kê một số lượng lớn các sự kiện và nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã chứng minh tinh thần con người là một loại vật chất. Mặc dù mắt người không thể nhìn thấy tinh thần, nhưng tinh thần là một vật chất tồn tại hết sức xác thực, là một phần quan trọng không thể tách rời của cơ thể con người.

Tinh thần có thể được đo thấy, di truyền và được cơ thể ghi nhớ; ngay cả khi cấy ghép nội tạng, tinh thần cũng có thể được chuyển dịch cùng. Những biểu hiện khác nhau của tinh thần con người, bao gồm cảm xúc, tính cách và quan niệm đạo đức, đều có tác động đến sức khỏe của cơ thể.

Một trong những sai lầm trí mạng của giả thuyết tiến hóa là việc bỏ qua sự tồn tại của tinh thần con người. Điều này đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến y sinh học của nhân loại trong hàng trăm năm qua, dẫn đến việc người ta thường cho rằng khi thân xác tử vong thì con người đã chết rồi. Thế nhưng, nguồn gốc và sự tồn tại của sinh mệnh con người phức tạp hơn rất nhiều so với những vật chất đơn giản mà mắt thường nhìn thấy được.

Vào những năm 1950, nhà sinh lý học thần kinh người Úc Sir John Carew Eccles (1903-1997), người đạt giải Nobel về Sinh lý học và Y học, đã cho rằng con người có “linh hồn,” sau khi con người tử vong thì tinh thần và linh hồn sẽ không chết. Nếu đúng là như vậy, sau khi thân xác con người tử vong, thì tinh thần và linh hồn đã đi đâu?

Sau khi nhà tâm lý học người Mỹ Raymond A. Moody mô tả một số lượng lớn các trường hợp có thật về trải nghiệm cận tử trong cuốn sách “Life After Life” (tạm dịch: Kiếp sau) vào năm 1975, một nhóm các khoa học gia phương Tây đã dám vượt qua những giới hạn của tiền nhân và bắt đầu nghiên cứu về Trải nghiệm cận tử (Near Death Experience, NDE) để khám phá bản chất của sinh mệnh.

Năm 2001, tập san y khoa uy tín “The Lancet” đã công bố một bài viết nói rằng sau khi một người đàn ông 44 tuổi ở Arnhem, Hà Lan tỉnh dậy, ông đã khiến mọi người kinh ngạc khi mô tả lại cảnh tượng mình được cứu trong tình trạng hôn mê. Làm sao ông ấy làm được điều đó?

Năm 2014, tập san y khoa nổi tiếng “Resuscitation” đã đưa tin về một trường hợp đáng kinh ngạc. Sau khi một người đàn ông Mỹ bị ngừng tim và được hồi sức, ông nói rằng trong lúc ngừng tim, ông đã nhìn thấy cơ thể mình từ trên trần nhà.

Cô bé Vicky bị tổn thương dây thần kinh thị giác sau khi sinh non và bị mù hoàn toàn, không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, thậm chí ngay cả khái niệm về ánh sáng cũng không có. Thế nhưng, cô bé đã bất ngờ nhìn thấy ánh sáng trong hai trải nghiệm cận tử, nhìn thấy thân thể của mình và các nhân viên y tế ở không gian Trái Đất, và còn nhìn thấy những người thân đã mất của mình ở không gian khác.

Việc linh hồn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại sau khi thân thể tử vong đã là một sự thực được công nhận. Các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử cho chúng ta biết rằng một số linh hồn có thể lập tức quay trở lại Trái Đất và trở thành những người có trải nghiệm cận tử. Còn những linh hồn không trở lại Trái Đất thì sẽ đi đâu? Đây chính là phương hướng nghiên cứu của luân hồi chuyển thế (Reincarnation).

Shanti Devi là một bé gái sinh ra ở Delhi, Ấn Độ vào năm 1926. Từ năm 4 tuổi, cô bé đã bắt đầu kể những câu chuyện về cuộc hôn nhân và gia đình của mình tại Mathura, Ấn Độ ở kiếp trước. Khi nhóm điều tra đưa Shanti đến Mathura lúc cô bé 9 tuổi, cô bé có thể nhận ra không chút do dự người chồng cũ Kedar, đồng thời mô tả cuộc sống gia đình của họ một cách chi tiết đến kinh ngạc.

Có rất nhiều bằng chứng khoa học về sự tồn tại của tinh thần và linh hồn con người sau khi cơ thể con người tử vong, đủ để tích lũy thành một chuyên ngành khoa học – Khoa học về luân hồi và cận tử.

⭐️1. Giới thiệu nghiên cứu về trải nghiệm cận tử

Ngày 15/12/2001, tập san y khoa có uy tín trên thế giới “The Lancet” đã công bố một nghiên cứu mô tả trường hợp có thật như sau: [386]

Vào một đêm khuya nọ, một người đàn ông 44 tuổi ở Arnhem, Hà Lan đã hôn mê và được chở đi bằng xe cứu thương. Sau khi người đàn ông này được đưa vào bộ phận chăm sóc mạch vành, các nhân viên y tế đã hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, khử rung tim và các biện pháp cấp cứu khác. Khi họ đang chuẩn bị đặt nội khí quản cho ông thì phát hiện người đàn ông này có răng giả trong miệng. Y tá A trong phòng chăm sóc đặc biệt đã tháo răng giả của người đàn ông và đặt nó lên xe đẩy. Khoảng một tiếng rưỡi sau, nhịp tim và huyết áp của người đàn ông đã khôi phục, nhưng ông vẫn bất tỉnh.

Hơn một tuần sau, người đàn ông được chuyển về phòng bệnh phổ thông. Y tá B ở phòng bệnh phổ thông không tìm thấy răng giả của ông. Khi ông nhìn thấy y tá A của phòng chăm sóc đặc biệt, ông liền chỉ vào y tá A và nói với y tá B rằng: “Cô Y tá đó biết răng giả của tôi ở đâu.” Y tá A nghe vậy thì rất ngạc nhiên, vì cô nhớ rằng khi cô lấy răng giả ra, bệnh nhân đã hôn mê sâu. Theo lẽ thường thì ông ấy không thể nhìn thấy y tá làm gì mới phải. Người đàn ông kể chi tiết hơn rằng: “Cô đã ở đó khi tôi nhập viện. Cô đã lấy răng giả của tôi ra khỏi miệng tôi và đặt nó vào chiếc xe đẩy đó. Trên chiếc xe có đặt tất cả những chiếc bình này và có một ngăn trượt bên dưới, cô đặt răng giả của tôi ở đó.”

Sau khi hỏi han thêm, y tá A phát hiện người bệnh nhân được chẩn đoán là “hôn mê” này, vậy mà đã nhìn thấy “thân thể của mình” nằm trên giường từ “phía trên.” Ông ấy có thể mô tả chính xác và chi tiết phòng chăm sóc đặc biệt nơi ông được cấp cứu, hình dáng của các nhân viên y tế có mặt cũng như cách các bác sĩ và y tá bận rộn hô hấp nhân tạo cho ông.

1.1 Trải nghiệm cận tử là gì?

Trên đây là một trường hợp điển hình của trải nghiệm cận tử. Trải nghiệm cận tử (Near-death Experience, NDE) thông thường là chỉ một trải nghiệm đặc biệt được kể lại bởi những người cận kề tử vong và may mắn sống sót. [387]

Y sinh học thường định nghĩa tử vong là tình trạng ngừng thở, ngừng tim, mất mạch và giãn đồng tử. Ngày nay, cộng đồng y tế phần nhiều sử dụng tiêu chí chết não để xác định tử vong của con người [388].

Trong cuốn Bách khoa toàn thư Britannica có đưa ra một định nghĩa khá mơ hồ về “tử vong”, đó là “sự chấm dứt hoàn toàn các quá trình quan trọng diễn ra ở mọi sinh vật sống,” đồng thời lưu ý rằng “định nghĩa chính xác của nó vẫn còn gây tranh cãi.” Kỳ thực, sự thiếu chắc chắn về định nghĩa này phản ánh rằng sự hiểu biết của khoa học hiện đại về bản chất của các hiện tượng sống vẫn còn chưa đầy đủ và chưa toàn diện. [389]

Trải nghiệm cận tử đã sớm có từ thời cổ đại. Do các kỹ thuật sơ cứu hiện đại đã cải thiện tỷ lệ sống sót, vậy nên các trường hợp cận tử đã xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Tiến sĩ Van Lommel, tác giả của nghiên cứu trên “The Lancet” nói trên, cho biết 18% số người may mắn sống sót sau cơn ngừng tim đã kể lại trải nghiệm đặc biệt này, tức trải nghiệm cận tử.

Theo bản cập nhật mới nhất của Bách khoa toàn thư Britannica vào ngày 09/06/2023, có khoảng một phần ba số người cận kề cái chết cho biết họ đã trải qua trải nghiệm cận tử, điều này đã được xem là một hiện tượng phổ biến trong y học. Sự khác biệt giữa hai tỷ lệ này không chỉ liên quan đến dữ liệu báo cáo ở các năm khác nhau mà còn liên quan đến các đối tượng khác nhau được thảo luận.

Hoàn cảnh dẫn tới trải nghiệm cận tử mà mọi người mô tả bao gồm: ngừng tim (tử vong lâm sàng) do nhồi máu cơ tim; mất máu sau sinh; sốc do biến chứng chu phẫu (perioperative); sốc nhiễm trùng hoặc sốc phản vệ; sốc điện; hôn mê do chấn thương sọ não; xuất huyết não hoặc nhồi máu não; tự tử chưa thành; đuối nước hoặc ngạt thở; tạm ngừng hô hấp; tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn leo núi hoặc tai nạn trên biển v.v.

1.2 Sơ lược lịch sử nghiên cứu trải nghiệm cận tử

Năm 1892, nhà địa chất người Thụy Sĩ Albert Heim (1849-1937) đã được xem là người đầu tiên mô tả về trải nghiệm cận tử. Bản thân ông Heim đã có một trải nghiệm cận tử ấn tượng khi bị ngã lúc đang leo núi, khiến ông bắt đầu thu thập trải nghiệm của những người có trải nghiệm cận tử khác. Kết luận chính mà ông rút ra từ những trường hợp thu thập được là, linh hồn của những người có trải nghiệm cận tử không hề thực sự cảm thấy đau đớn. Ông đã gửi thông điệp này đến những người thường xuyên đau buồn khi nghĩ đến nỗi đau mà những người thân yêu đã khuất của họ phải trải qua. [390]

Carl Gustav Jung (1875-1961), người sáng lập ngành tâm lý học phân tích và là nhà phân tâm học người Thụy Sĩ từng viết rằng: “Những gì xảy ra sau khi chết ngoạn mục đến mức trí tưởng tượng và cảm xúc của chúng ta rất khó hình thành một quan niệm phù hợp.” [392]

Kể từ đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử cũng như việc các bài viết, báo cáo và các cuốn sách liên quan được xuất bản, trải nghiệm cận tử đã ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều khoa học gia, được khoa học hiện đại xếp vào loại siêu tâm lý học (Parapsychology).

Năm 1972, Tiến sĩ Karlis Osis (1917-1997), nhà nghiên cứu tâm lý cao cấp tại Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần Hoa Kỳ đã cùng Tiến sĩ Erlendur Haraldsson (1931-2020), nhà tâm lý học người Iceland, phỏng vấn hơn một ngàn bác sĩ và y tá chứng kiến trải nghiệm cận tử. Họ đã hợp tác xuất bản cuốn “At the Hour of Death” (tạm dịch: Thời khắc tử vong). Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên về trải nghiệm cận tử. [393]

Tiến sĩ Raymond Moody là người có chuyên ngành y khoa tại Đại học Georgia và bằng Tiến sĩ triết học tại Đại học Virginia. Vào năm 1975, ông đã xuất bản cuốn “Life After Life”, ông là người đầu tiên đề ra thuật ngữ “Trải nghiệm cận tử. Vì vậy, ông được mệnh danh là “Cha đẻ của trải nghiệm cận tử.” Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu mang tính đột phá của Moody về trải nghiệm cận tử của hơn một trăm người đã trải qua “chết lâm sàng” và hồi sinh. Trong cuốn sách, ông đã đưa ra 11 yếu tố của một “trải nghiệm cận tử lý tưởng hoặc hoàn chỉnh.” [394]

Năm 1978, Tiến sĩ Bruce Greyson và Tiến sĩ Raymond Moody cùng cộng sự đã thành lập viện nghiên cứu về trải nghiệm cận tử đầu tiên trên thế giới tại Hoa Kỳ, lấy tên là “Hội Nghiên cứu Khoa học về Trải nghiệm Cận tử” (Association for the Scientific Study of Near-Death Phenomena). Đến năm 1981, nó được đổi tên thành “Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế” (International Association for Near-death Studies, IANDS), đánh dấu cho công cuộc nghiên cứu về trải nghiệm cận tử đã bước vào giai đoạn nghiên cứu học thuật có tổ chức và có quy mô. [395]

Một cuộc thăm dò của Gallup ở Hoa Kỳ trong khoảng từ năm 1980 đến năm 1981 cho thấy có khoảng 5% người Mỹ trưởng thành, hay 8 triệu người Mỹ, từng trải qua trải nghiệm cận tử. [396]

Từ năm 1982 đến năm 1987, Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế đã bắt đầu thành lập một tập san học thuật trực thuộc mang tên “Anabiosis: The Journal for Near Death Studies,” là một tập san được bình duyệt. Đến năm 1988, nó được đổi tên thành “Tạp chí Nghiên cứu Cận tử” (Journal of Near-Death Studies). [397]

Năm 1998, Jeffrey Long, bác sĩ xạ trị ung thư ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, khi đang trong quá trình đào tạo chuyên môn cho bác sĩ nội trú xạ trị ung thư đã tình cờ đọc được một bài viết về trải nghiệm cận tử của một bệnh nhân ngừng tim đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA). Những phát hiện này khiến bác sĩ Long ngạc nhiên. Ông đã được truyền cảm hứng để thành lập trang web nghiên cứu trải nghiệm cận tử lớn nhất thế giới và Quỹ nghiên cứu trải nghiệm cận tử (NDERF) [398]. Cho đến hiện nay, trang web này đã tích lũy được hơn 5,200 trường hợp trải nghiệm cận tử, khiến nó trở thành một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất về trải nghiệm cận tử trên thế giới.

Năm 2010, bác sĩ Long đã xuất bản cuốn “Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences” (tạm dịch: “Bằng chứng về thế giới bên kia: Khoa học về trải nghiệm cận tử”) [399], lần đầu tiên tóm tắt một cách có hệ thống 9 bằng chứng lớn cho thấy trải nghiệm cận tử thực sự tồn tại. Bác sĩ Long đã thu thập và phân tích một số lượng lớn các trường hợp cận tử thông qua trang web do ông sáng lập, đồng thời xuất bản bài viết “Bằng chứng về trải nghiệm cận tử” (Near-Death Experiences Evidence for Their Reality) trên tạp chí Missouri Medicine hồi tháng 09/2014, tiến một bước bổ sung thêm cho 9 bằng chứng trên. [400]

Năm 2022, Tiến sĩ Sam Parnia cùng các nhà lãnh đạo từ nhiều chuyên ngành đã đăng bài viết “Hướng dẫn và tiêu chuẩn nghiên cứu về tử vong và những trải nghiệm nhớ lại tử vong” (Guidelines and standards for the study of death and recalled experiences of death) trên tạp chí Biên niên sử của Học viện Khoa học New York (Annals of the New York Academy of Sciences). Đây là sự đồng thuận về y học đầu tiên trong giới y tế chủ lưu chính thức thừa nhận sự tồn tại của hiện tượng cận tử. [401]

Tiến sĩ Sam Parnia là Trưởng khoa nghiên cứu hồi sức và chăm sóc tích cực tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York. Mười tám tác giả của bài viết là các chuyên gia từ nhiều ngành y tế, bao gồm khoa học thần kinh, chăm sóc tích cực, tâm thần học, tâm lý học, khoa học xã hội và nhân văn. Họ đến từ các tổ chức học thuật hàng đầu thế giới, bao gồm Đại học Harvard, Đại học Baylor, Đại học California tại Riverside, Đại học Virginia, Đại học Virginia Commonwealth, Đại học Y Wisconsin, Đại học Southampton và Đại học Nhà vua Luân Đôn (King’s College London).

Các tác giả đã thừa nhận sự tồn tại của trải nghiệm cận tử và lập luận rằng trải nghiệm của những người có trải nghiệm cận tử khác với ảo giác, ảo tưởng hoặc tác dụng do thuốc gây ảo giác tạo ra. Hơn nữa, trải nghiệm cận tử cũng tuân theo một khuôn mẫu chung, như minh họa trong hình bên dưới.

Nhìn thấu ‘Thuyết tiến hóa’ (Chương 5): Khoa học về luân hồi và cận tử tiết lộ bản chất của sinh mệnh (P.1)
Những quy luật chung của trải nghiệm cận tử. (Ảnh: Epoch Times)

Sự chú ý đến trải nghiệm cận tử không chỉ giới hạn ở phương Tây. Từ những năm 1970, Trung Quốc cũng đã xuất hiện các nghiên cứu liên quan, các cuốn sách giới thiệu về trải nghiệm cận tử cũng được phát hành và bán công khai, chẳng hạn như:

Năm 1992, Tạp chí Thần kinh học Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát về trải nghiệm cận tử của những người sống sót sau trận động đất Đường Sơn năm 1976 [402].

Tháng 10/1998, Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân Thiểm Tây đã phát hành cuốn sách “Cánh cửa tử thần: Những câu chuyện có thật về trải nghiệm cận tử” (Death’s Door: True Stories of Near-Death Experiences) của nhà văn Mỹ Jean Ritchie [404].

Tháng 1 năm 1999, Nhà xuất bản Ngoại ngữ đã xuất bản cuốn “Ấn tượng thiên đàng – Truyện kể lại của 100 người thoát chết,” trong đó bao gồm trải nghiệm do những người đã trải qua trải nghiệm cận tử kể lại, lời chứng của người thân, bằng chứng gián tiếp từ bác sĩ và hồ sơ máy móc. [405]

1.3 Nghiên cứu y học cổ điển về trải nghiệm cận tử

Mặc dù trải nghiệm cận tử được báo cáo trong các nghiên cứu khác nhau là khác nhau, nhưng nội dung tổng thể thì đều giống nhau trên toàn thế giới, không giới hạn ở độ tuổi, giới tính, chủng tộc, bối cảnh văn hóa và thời đại.

Ở đây, chúng tôi sẽ liệt kê ba nghiên cứu y học cổ điển về trải nghiệm cận tử trải dài qua các thời kỳ, sự kiện (ngừng tim, thiên tai, v.v.) và quốc gia (Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc).

1.3.1 The Lancet: Nghiên cứu về bệnh nhân bị ngừng tim ở Hà Lan

Năm 2001, Pim van Lommel, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Rijnstate ở Arnhem, Hà Lan cùng cộng sự đã công bố một nghiên cứu lâm sàng tiền cứu độc đáo trên tập san y khoa uy tín “The Lancet” [406]. Đối tượng của nghiên cứu là 344 bệnh nhân bị bệnh tim đã được hồi sinh thành công sau khi ngừng tim tại 10 bệnh viện ở Hà Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 18% (62 bệnh nhân) cho biết đã trải qua trải nghiệm cận tử.

Trong số 62 người báo cáo trải nghiệm cận tử, có 50% người ý thức được mình đã chết, 56% có cảm xúc tích cực, 24% có trải nghiệm ngoài cơ thể, 31% đi qua đường hầm, 23% giao tiếp với ánh sáng, 23% quan sát thấy màu sắc, 29% quan sát thấy thiên cảnh, 32% gặp người đã khuất và 13% nhìn lại cuộc đời.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng, mặc dù tất cả bệnh nhân đều trải qua cái chết lâm sàng nhưng chỉ có 18% báo cáo về trải nghiệm cận tử. Hơn nữa, không có mối tương quan rõ ràng giữa mức độ nghiêm trọng của bệnh tình và sự xuất hiện hoặc độ sâu của trải nghiệm cận tử. Nếu trải nghiệm cận tử là do thiếu oxy lên não thì hầu hết bệnh nhân đều sẽ trải qua, nhưng thực tế không phải vậy. Do đó, trải nghiệm cận tử không thể được giải thích là ảo giác do thiếu oxy lên não ngay trước khi tử vong. Tương tự như vậy, thuốc của bệnh nhân cũng không liên quan đến việc trải nghiệm cận tử xuất hiện. Nỗi sợ hãi cũng không có mối liên hệ rõ ràng với trải nghiệm cận tử.

Tóm lại, trải nghiệm cận tử là những trải nghiệm có thật và không thể giải thích được bằng các yếu tố sinh lý hoặc tâm lý.

1.3.2 Resuscitation: Nghiên cứu về bệnh nhân bị ngừng tim ở Mỹ

Ông Sam Parnia là Trưởng khoa nghiên cứu hồi sức và chăm sóc tích cực tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực hồi sức cho bệnh nhân ngừng tim, đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân cận kề cái chết.

Năm 2014, ông Parnia đã công bố một nghiên cứu quan sát đa trung tâm kéo dài 4 năm trên tập san y khoa nổi tiếng thế giới “Resuscitation” với tựa đề “Nhận thức – Nhận thức trong quá trình cấp cứu ngừng tim – Một nghiên cứu tiền cứu” (AWARE – AWAreness during REsuscitation – A prospective study). [407] Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trong 2,060 trường hợp ngừng tim, có 101 trường hợp đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, và 9% trong số 101 người đó đã trải qua trải nghiệm cận tử.

Có hai người (2%) mô tả họ có thị giác và thính giác rõ ràng, có thể nhớ lại chính xác quá trình cấp cứu mà họ “đã nhìn thấy” và “nghe thấy,” các chi tiết trong ký ức của họ đã được chứng thực, đủ để chứng minh những cảnh tượng họ nhìn thấy là có thật.

Trong một trường hợp, sau khi tim ngừng đập 20 đến 30 giây, khi chức năng não lẽ ra đã mất đi, nhưng bệnh nhân vẫn duy trì ý thức tỉnh táo. Đây là một thực tế quan trọng cần lưu ý. Nghiên cứu tiền cứu này đã chứng minh rằng ý thức và trí nhớ vẫn tồn tại ở những người bị ngừng tim.

1.3.3 Nghiên cứu về những người sống sót sau trận động đất Đường Sơn

Năm 1987, các học giả Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra khoa học về trải nghiệm cận tử của 81 người sống sót sau trận động đất Đường Sơn, và đã công bố trên Tạp chí Thần kinh học Trung Quốc vào năm 1992. [408]

Trong 81 người được điều tra, có 43 nam và 38 nữ, độ tuổi vào thời điểm xảy ra sự việc là từ 12 đến 60 tuổi, trung bình là 31 tuổi. Hầu hết họ đều cận kề cái chết do sập nhà và bị thương nặng, nhưng đã may mắn sống sót sau khi được giải cứu. Có 76 người bị liệt suốt đời, trong đó có 54 người bị liệt hoàn toàn và 22 người bị liệt không hoàn toàn.

Đại đa số họ vẫn còn nhớ rõ trải nghiệm cận tử của mình vào 11 năm trước. Trong 81 người được điều tra có tới 40 loại trải nghiệm cận tử, trong đó 68% cho biết cơ thể họ có cảm giác kỳ lạ, 65% cho biết họ có suy nghĩ đặc biệt rõ ràng, 63% cho biết bị mất cảm xúc, 43% cho biết một phần cơ thể rời khỏi thân thể và 40% có cảm giác không trọng lượng.

Ngoài ra còn có cảm giác thế giới bị hủy diệt, cảm giác bị phán xét, cảm giác đột ngột tỉnh ngộ, cảm giác dung hòa với vũ trụ, cảm giác thời gian tăng tốc, cảm giác thời gian chậm lại hoặc dừng lại, tầm nhìn mang tính tiên đoán, thể nghiệm về mùi bất thường, cảm giác bị kéo hoặc đẩy, v.v.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe hay trình độ học vấn trước trận động đất ra sao, họ đều có những trải nghiệm tương tự nhau.

Kết quả của ba nghiên cứu y khoa mà chúng tôi liệt kê ở trên cho thấy, trải nghiệm cận tử mà một số người trải qua khi tim ngừng đập hoặc các tình huống cận kề cái chết là có thật. Trải nghiệm cận tử là một hiện tượng đáng được nghiên cứu sâu thêm, những lời giải thích khoa học cũng như ý nghĩa đằng sau chúng đáng được tiến thêm một bước nghiên cứu.

⭐️2. Mười hiện tượng chính của trải nghiệm cận tử

Trải nghiệm cận tử là một sự kiện chân thực, trong đó linh hồn có sự trải nghiệm ở một không gian khác, đó là một tình huống thực tế mà người ta tự mình trải qua. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, những trải nghiệm cận tử được mọi người kể lại đều có những đặc điểm chung. Trên khắp thế giới, ở mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, văn hóa, nền tảng tôn giáo và thế hệ, trải nghiệm cận tử đều có những điểm tương đồng khiến mọi người kinh ngạc.

Chúng tôi đã tóm tắt mười hiện tượng chính trong nghiên cứu về trải nghiệm cận tử như ở hình dưới đây.

Nhìn thấu ‘Thuyết tiến hóa’ (Chương 5): Khoa học về luân hồi và cận tử tiết lộ bản chất của sinh mệnh (P.1)
Mười hiện tượng chính của trải nghiệm cận tử. (Ảnh: Epoch Times)

2.1 Hiện tượng 1: Suy nghĩ rõ ràng, có trật tự

Trải nghiệm cận tử là hiện tượng thường xảy ra khi cơ thể bị tổn thương nặng, mất ý thức hoặc rơi vào trạng thái chết lâm sàng.

Ngay cả trong những trường hợp như gây mê toàn thân hoặc ngừng tim, những người có trải nghiệm cận tử vẫn có thể mô tả lại trải nghiệm của họ một cách chi tiết và hợp lý sau sự việc. Hiện tượng này đã lật đổ kiến ​​thức y học truyền thống, vì não không thể tạo ra tư duy có tổ chức và rõ ràng như vậy khi thiếu nguồn cung cấp máu hoặc ở trạng thái bất tỉnh sau khi gây mê. Từ đó có thể suy ra rằng, loại ý thức này không phải là do não tạo ra. [409]

Tiến sĩ Bruce Greyson, người đứng đầu nghiên cứu về trải nghiệm cận tử tại Đại học Virginia phát hiện, trong số 578 trường hợp trải nghiệm cận tử mà họ thu thập được, có 22% (127 trường hợp) xảy ra dưới trạng thái gây mê toàn thân. Trong những trường hợp này, người ta đã mô tả lại những hiện tượng như linh hồn ly thể, ánh sáng rực rỡ, nhìn thấy những người đã khuất v.v. [410]

Một người phụ nữ tên Cyndi đã có trải nghiệm cận tử trong quá trình phẫu thuật thay van tim dưới hình thức gây mê toàn thân: “Trong quá trình phẫu thuật, tôi cảm thấy như mình đã rời khỏi cơ thể và bay lên trên bàn mổ.” “Tôi có thể thấy bác sĩ đang cố gắng giúp tim của tôi đập. Thật kỳ lạ khi rời khỏi thân xác của mình như vậy.” [411]

Sau đó, Cindy đã hỏi bác sĩ rằng: “Trong khi phẫu thuật có thể mơ được không?” Bác sĩ trả lời “Không thể nào.” Cô nói: “Vậy thì chúng ta phải nói chuyện.” Thế là cô đã kể lại trải nghiệm cận tử như trên.

Quỹ Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1,122 người từng trải qua trải nghiệm cận tử. Câu hỏi là: Trong thời điểm cụ thể đó, mức độ minh mẫn và tỉnh táo của bạn có cao hơn bình thường không? 74% số người trải qua trải nghiệm cận tự cho biết lúc đó họ minh mẫn và tỉnh táo hơn; Với những người từng trải qua cảm giác cận tử khi được gây mê toàn thân, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, lên tới 83%. [412]

Y học không thể giải thích hiện tượng ý thức tỉnh táo và có tổ chức trong trải nghiệm cận tử. Điều này xác nhận thêm những gì chúng tôi đã đề cập ở Chương 4 rằng tinh thần con người có thể tồn tại độc lập với cơ thể vật chất và thể hiện ra sự độc lập tương đối. Khi tinh thần của chúng ta được giải thoát khỏi “xiềng xích” của thể xác, nó không những vẫn tồn tại, không mất đi các chức năng mà dường như còn có tư duy rõ ràng và có trật tự hơn.

2.2 Hiện tượng 2: Hồn rời khỏi xác, quan sát chính xác

Trải nghiệm “Hồn rời khỏi xác” (Out-of-Body Experience, OBE) thường được mô tả là trải nghiệm về sự tách biệt rõ ràng giữa linh hồn hoặc ý thức với cơ thể. Hiện tượng này là chỉ những người trải qua trải nghiệm cận tử có thể xác định rõ ràng nơi tử vong lâm sàng, phòng cấp cứu của bệnh viện, v.v. với độ chính xác rất cao khi linh hồn rời khỏi cơ thể.

Raymond A. Moody đã mô tả trạng thái của linh hồn ly thể một cách chi tiết: cảm giác có một “linh hồn” trôi nổi bên ngoài cơ thể mình, đặc điểm của nó là vô hình, không trọng lượng, thiếu cảm giác thực thể, có thể di chuyển ngay lập tức từ nơi này sang nơi khác mà không gặp trở ngại gì. Khả năng tư duy và thính giác của “linh hồn” được tăng cường đáng kể, đặc biệt là khả năng nắm bắt suy nghĩ.

Những linh hồn trong trải nghiệm cận tử thường có cảm giác bình yên và tĩnh lặng. Một người đàn ông bị thương khi tham gia quân ngũ tại Việt Nam cho biết ông cảm thấy “một loại cảm giác nhẹ nhõm, không có đau đớn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thư thái đến thế, tôi thấy thoải mái và mọi thứ đều ổn.”

Vì những người khác trong không gian thực không thể nghe hoặc nhìn thấy họ, nên những người ở trạng thái này đôi khi sẽ cảm thấy bị cô lập và cô đơn.

Nghiên cứu được công bố ở Trung Quốc vào năm 1992 cho thấy có 43% người sống sót sau trận động đất Đường Sơn đã trải qua “trải nghiệm linh hồn ly thể” [413]; Một nghiên cứu được bác sĩ Long công bố vào năm 2014 cho biết khoảng 45% những người có trải nghiệm cận tử mà ông phỏng vấn đã trải qua “trải nghiệm linh hồn ly thể” [414]. Những số liệu của hai nghiên cứu tại các thời kỳ khác nhau ở phương Đông và phương Tây này rất tương tự nhau.

Tiến sĩ Janice Holden đã xem xét các nghiên cứu trước đây và thấy rằng 92% trong số 89 trải nghiệm linh hồn ly thể đã được báo cáo là đúng. Bác sĩ Long đã phân tích báo cáo của 617 người có trải nghiệm cận tử, 46.5% trong số họ đã mô tả về trải nghiệm linh hồn ly thể. Trong số này, có 97.6% đã được xác minh là hoàn toàn đúng sự thật và không có nội dung tưởng tượng. [415]

Khi linh hồn rời khỏi cơ thể, nó thường ở phía trên cơ thể, có thể nhìn và nghe thấy những sự kiện đang diễn ra trong chiều không gian của chúng ta. Điều đáng ngạc nhiên là độ chính xác vô cùng cao khi quan sát của linh hồn trong thời gian trải nghiệm cận tử.

Trong trường hợp được báo cáo trên tạp chí “The Lancet” hồi năm 2001 ở trên, người đàn ông trong trạng thái “hôn mê” đã chứng kiến ​​các nhân viên y tế thực hiện hồi sức tim phổi cho mình khi đang trải qua trải nghiệm cận tử. Sau khi tỉnh dậy, ông đã mô tả chi tiết một y tá tháo răng giả của ông ấy ra như thế nào và đặt chúng ở đâu trong khi ông ấy bất tỉnh. [416]

Bài luận văn vào năm 2014 của tiến sĩ Parnia đã mô tả một bệnh nhân bất tỉnh; trong thời gian tim ngừng đập, linh hồn ông ấy đã lơ lửng trong không khí và nhìn thấy cơ thể của chính mình, một y tá và một người đàn ông hói đầu; ông ấy cũng có thể nghe thấy âm thanh. Toàn bộ cảnh tượng mà bệnh nhân quan sát, sau đó đã được nhân viên y tế xác nhận [417].

Ông ấy nhớ lại: “Ngay giây tiếp theo, tôi đã ở đó, nhìn xuống (thân thể) tôi, y tá và một người đàn ông hói đầu. Tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt của anh ấy, nhưng tôi có thể nhìn thấy lưng anh ấy. Anh ấy là một người khá béo … Anh ấy mặc một chiếc áo phẫu thuật màu xanh lam và đội một chiếc mũ màu xanh lam trên đầu, nhưng tôi có thể nói rằng anh ấy không có tóc.”

“Tôi đang ở trên trần nhà nhìn xuống.” “Tôi nhìn thấy một y tá mà trước đây tôi không quen biết, và sau sự việc, tôi xác thực đã nhìn thấy cô ấy. Tôi có thể nhìn thấy cơ thể mình, tôi có thể nhìn thấy mọi thứ. Tôi nhìn thấy một bác sĩ nhét thứ gì đó vào cổ họng tôi trong khi một người khác đo huyết áp cho tôi. Tôi nhìn thấy một y tá đang ấn ngực mình …Tôi nhìn thấy quá trình đo lượng oxy trong máu và lượng đường trong máu.”

“Tôi có thể nhớ rõ một giọng nói tự động rằng: ‘Sốc điện cho bệnh nhân, sốc điện cho bệnh nhân.’” “Tôi nghe thấy y tá nói: ‘Gọi 444, tim ngừng đập.’”

Theo kiến thức y học thông thường, bệnh nhân hôn mê không thể có được những khả năng này. Những trường hợp trên đã chứng minh rằng dù cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê nhưng linh hồn lơ lửng trên không lại không hề rơi vào tình trạng hôn mê mà vẫn giữ được ý thức, thính giác, thị giác và các khả năng khác.

Ví dụ, rất nhiều người được bác sĩ Moody phỏng vấn cho biết có thể nghe thấy các bác sĩ trong phòng phẫu thuật tuyên bố họ đã tử vong. Một người được tuyên bố đã tử vong thì cơ thể sẽ không thể nghe thấy âm thanh, vậy có lẽ chính là linh hồn đã nghe được.

2.3 Hiện tượng 3: Người mù có thể nhìn, thị giác siêu thường

Hiện tượng này bao gồm hai điều: thứ nhất, trong trải nghiệm cận tử, ngay cả một người mù cũng có thể có được thị lực bình thường hoặc thậm chí tốt hơn; thứ hai, khi người bình thường trải qua trải nghiệm cận tử, họ sẽ có thị giác siêu việt hơn mức bình thường.

Trải nghiệm cận tử cũng được báo cáo bởi những người mù hoặc khiếm thị. Liên quan đến trải nghiệm cận tử của người mù, các nhà khoa học chủ yếu quan tâm đến hai câu hỏi: Thứ nhất, trải nghiệm cận tử của họ có khác với trải nghiệm của người sáng mắt không? Thứ hai, người khiếm thị có thể nhìn khi trải qua trải nghiệm cận tử không? Nếu như có, vậy có thể xác nhận thông qua bằng chứng độc lập hoặc lời khai của các nhân chứng khác không? Nói cách khác, liệu có thể chứng minh được rằng những gì họ nhìn thấy không phải là ảo ảnh hay không?

Nghiên cứu lớn nhất về trải nghiệm cận tử của người mù đã được thực hiện vào năm 1997 bởi Tiến sĩ Kenneth Ring và Sharon Cooper thuộc Đại học Connecticut, Hoa Kỳ. Nghiên cứu của họ mang tên “Trải nghiệm cận tử và linh hồn ly thể ở người mù: Nghiên cứu về tầm nhìn rõ ràng mà không cần mắt” (Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind: A Study of Apparent Eyeless Vision), được xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu Cận tử [418]. Vào năm 2008, họ đã xuất bản cuốn sách “Thị giác tâm linh: Trải nghiệm cận tử và linh hồn ly thể ở người mù” (Mindsight: Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind) [419].

Những người được phỏng vấn trong cuộc khảo sát này là 31 người da trắng bị mù hoặc khiếm thị nặng, đã từng trải qua trải nghiệm cận tử hoặc linh hồn ly thể, họ gồm 20 nữ và 11 nam trong độ tuổi từ 22 đến 70 tuổi. Trong số họ, có 14 người bị mù bẩm sinh, 11 người bị mù sau 5 tuổi và 6 người còn lại là những người khiếm thị nặng, hầu hết trong số họ chỉ có thể nhìn thấy rất ít, mơ hồ hoặc rất khó phân biệt hình ảnh.

Trải nghiệm cận tử của những người mù này rất trực quan và phù hợp với trải nghiệm cận tử điển hình. Dưới đây là một ví dụ [420]:

Cô bé Vicki Umipeg sinh non khi mới được 22 tuần tuổi, chỉ nặng 3 pound. Sau đó, cân nặng của cô bé giảm xuống chỉ còn 1.875 pound (tương đương 844 gam). Vào những năm 1950, trẻ sinh non thường được đặt trong lồng ấp cung cấp oxy, nhưng nồng độ oxy quá cao đã gây tổn thương thần kinh thị giác và khiến cô bé bị mù hoàn toàn. Cô bé cho biết bản thân không có thể nghiệm về thị giác, không biết ánh sáng là gì cả. “Cháu không thể nhìn thấy gì cả. Không có ánh sáng, không có bóng tối, không có gì cả.”

Vicki đã hai lần trải qua trải nghiệm cận tử, lần thứ nhất là do viêm ruột thừa và viêm phúc mạc vào năm 12 tuổi, lần thứ hai là do tai nạn giao thông vào năm 22 tuổi. Vicki đã kể về hai trải nghiệm này trong một cuộc phỏng vấn ở tuổi 43, lần thứ hai thì rõ ràng hơn. Cô đã mô tả chi tiết về trải nghiệm cận tử thứ hai của mình:

Vào đầu năm 1973, Vicki lúc đó 22 tuổi, đã gặp phải một vụ tai nạn lớn ở Seattle và bị văng khỏi xe. Cô bị thương nặng, bao gồm gãy xương sọ, chấn thương sọ não, chấn thương ở cổ, lưng và một chân. Cô nhớ mình không còn ký ức gì khi ở trên xe cấp cứu, nhưng khi đến phòng cấp cứu, cô phát hiện linh hồn của mình đang lơ lửng trên trần nhà. Linh hồn của cô ở trạng thái phi vật chất và có hình dạng đặc biệt, như thể nó được “tạo ra từ ánh sáng.”

Linh hồn cô rời khỏi cơ thể và có tầm nhìn toàn cảnh. Cô nhìn thấy thân thể một người phụ nữ nằm trên bàn mổ kim loại, và hai nhân viên y tế một nam một nữ đang cứu cô ấy. Khi nhìn thấy chiếc nhẫn cưới vô cùng đặc biệt trên tay người phụ nữ, cô nhớ lại cảm giác sinh ra trước đây khi bản thân tiếp xúc với chiếc nhẫn trên tay và nhận ra rằng đó là chiếc nhẫn của chính mình; người phụ nữ đang nằm đó chính là cơ thể của cô. Đây là lần đầu tiên cô ấy nhìn thấy chính mình.

Cô thấy bản thân còn xuyên qua trần bệnh viện và lên tới nóc tòa nhà. Trong quá trình đi lên, cô cảm thấy phấn chấn và tận hưởng sự tự do di chuyển cũng như âm nhạc du dương tuyệt đẹp. Sau đó cô có cảm giác như mình bị hút vào đường hầm, hướng về phía ánh sáng. Lối ra của đường hầm tối om nhưng cô đang tiến về phía có ánh sáng. Khi đến lối ra của đường hầm, cô nghe thấy âm nhạc chuyển thành Thánh ca và cảm nhận được ánh sáng của tình yêu. Cô trượt ra khỏi đường hầm và nằm xuống bãi cỏ.

Xung quanh cô là cây cối, hoa lá và con người, thân thể ở trong ánh sáng. Ánh sáng là điều hiển nhiên và đang truyền tải tình yêu. Con người tràn đầy ánh sáng và cũng tản ra ánh sáng của tình yêu. “Mọi người đều được tạo ra từ ánh sáng, tôi cũng vậy. Tình yêu ở khắp mọi nơi, cỏ, chim và cây cối.”

Vicki sinh ra đã bị mù và chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng, cây cối, hoa lá hay con người. Thế nhưng, cô ấy đã nhìn thấy ánh sáng trong hai trải nghiệm cận tử duy nhất của mình, đồng thời cũng nhìn thấy cơ thể của chính mình và các nhân viên y tế, điều này chứng tỏ trải nghiệm cận tử đó là những cảm thụ chân thực.

Trong một cuộc khảo sát, Quỹ Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử đã hỏi 1,122 người có trải nghiệm cận tử rằng: “Thị lực của bạn có khác biệt gì (về bất kỳ khía cạnh nào, chẳng hạn như độ rõ nét, tầm nhìn, màu sắc, độ sáng, độ sâu, độ rắn chắc/trong suốt) so với tầm nhìn bình thường hay không?” Về vấn đề này, 722 người (64.3%) đã trả lời là “có.” Điều này cho thấy thị lực trong trải nghiệm cận tử rõ ràng là siêu thường. Dưới đây là một số câu trả lời của họ:

“Màu sắc vượt xa bất cứ màu gì tôi từng thấy.” “Mọi thứ trông sặc sỡ và sáng hơn bình thường.” “Thị lực của tôi đã được cải thiện rất nhiều. Tôi có thể nhìn thấy mọi thứ ở gần hoặc xa theo ý tôi muốn. Không có bất kỳ áp lực nào, gần giống như một máy ảnh zoom tự động.” “Tôi có tầm nhìn 360 độ, tôi có thể nhìn thấy trên, dưới, phải, trái, sau. Tôi có thể nhìn thấy mọi nơi cùng một lúc!”

Ông John Burke, một nhà văn người Mỹ, tác giả cuốn “Imagine Heaven” (tạm dịch: “Hãy tưởng tượng thiên đường”) xuất bản vào năm 2015, và từng làm kỹ sư, đã được chương trình “Mysteries of Life” (Những bí ẩn cuộc sống) của Đài truyền hình Tân Đường Nhân ở Anh phỏng vấn về những hình ảnh siêu thường được báo cáo bởi những người trải qua trải nghiệm cận tử mà ông đã nghiên cứu. Ông cho biết một số người trải qua trải nghiệm cận tử nói rằng: “Tôi có tầm nhìn giống như kính thiên văn và kính hiển vi cùng một lúc.” “Tôi có thể nhìn thấy mọi đường gân trên lá của mọi cái cây cách đó hàng dặm.”

Điều này cho thấy linh hồn khi tách khỏi cơ thể có khả năng thị giác phi thường hơn thể xác. Điều này không thể giải thích được bằng sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về chức năng của bộ não, đây là một loại năng lực đặc thù. Những trải nghiệm này cũng cho thấy các không gian khác là có thật, nơi đó có ánh sáng, cây cối, hoa lá và các sinh vật sống khác.

2.4 Hiện tượng 4: Trải nghiệm của trẻ nhỏ siêu việt tâm trí

Hiện tượng này có nghĩa là trải nghiệm cận tử mà trẻ nhỏ trải qua có thể vượt qua rất xa khả năng tư duy và trí lực của chúng.

Trẻ nhỏ rất ít có khả năng kiến lập tín ngưỡng vào tôn giáo và lý giải về tử vong, thậm chí không hiểu tử vong là gì. Trẻ nhỏ cũng ít có cơ hội nghe nói về trải nghiệm cận tử hoặc hiểu nó là gì. Tiến hành nghiên cứu về trải nghiệm cận tử ở trẻ nhỏ là việc có ý nghĩa đặc biệt.

Bác sĩ Long đã nghiên cứu 26 trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống (độ tuổi trung bình là 3.6) và 585 người từ 6 tuổi trở lên có trải nghiệm cận tử. Kết quả cho thấy trải nghiệm cận tử ở trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống không có khác biệt đáng kể gì so với ở trẻ lớn hơn hoặc người lớn. Trải nghiệm cận tử của trẻ em từ 5 tuổi trở xuống vượt quá khả năng tư duy, trí thông minh và hiểu biết của trẻ ở độ tuổi này. [422]

Khi Katie 3 tuổi, cô bé đã hít phải hạt điều và nó mắc kẹt trong khí quản của cô bé. Sự việc xảy ra khi cô bé đang đứng trong bếp. Do thiếu oxy, da của cô bé chuyển sang màu xanh và cô bé đã bất tỉnh. Ông nội của cô bé là một lính cứu hỏa, đã không thể giúp cô bé tỉnh lại, và tuyên bố cô bé đã mất.

Khoảng 30 phút sau khi nhận được cuộc gọi, xe cứu thương mới đến được hiện trường. Katie đã theo dõi toàn bộ quá trình này từ một vị trí bên ngoài cơ thể mình. Sau đó cô bé viết rằng:

“Khi cháu chết, cháu thoát ra khỏi cơ thể và nhìn thấy ông nội đang cấp cứu cho cháu. Cháu không có hứng thú với cơ thể của mình; thay vào đó, cháu bước ra khỏi phòng và hướng tới sự hiện diện mà cháu cảm thấy trong phòng khách. Cháu tiến về phía của sự hiện diện này, người đó đang ở trong một không gian sáng sủa, không phải đường hầm mà là một khu vực. Ở đây có sự bình yên, tình yêu, sự chấp nhận, an tĩnh và niềm vui bao la. Sự hiện diện này bao bọc lấy cháu, niềm vui của cháu thật không thể diễn tả được. Khi viết những dòng này, cháu vẫn còn cảm xúc này và nó vẫn khiến cháu cảm thấy hạnh phúc. Cảm giác đó thật tuyệt vời. Cháu không coi sự hiện diện này là Chúa (cháu còn quá nhỏ để hiểu khái niệm đó), nhưng cháu thực sự coi sự hiện diện này là thứ đã tạo ra cháu. Cháu không nghi ngờ gì về việc cháu là một sinh mệnh được tạo ra, một công lao thuộc về sự hiện diện này.”

“Khi cháu thức dậy vào ngày hôm sau, cháu chắc chắn về hai điều: (1) Có sự sống sau khi chết; (2) Cháu là một sinh mệnh được tạo ra.”

Cậu bé Paul 5 tuổi đã có trải nghiệm cận tử sau khi bị một chiếc xe van đụng phải khi băng qua đường:

“Cháu nhảy ra khỏi chiếc xe jeep, chạy qua đường để về nhà trước. Cháu nhớ có một cái gì đó ở bên cạnh cháu (sau này cháu mới biết đó là một chiếc xe van). Điều cháu thực sự nhớ được là sau khi cháu bước được một, hai bước trên đường, thì có điều gì đó đã xảy ra… Cháu cảm thấy mình như một trái bóng hydro lơ lửng trong không trung. Cháu đang đi lên trên. Cháu từ từ mở mắt và nhìn thấy thân thể mình nằm bên vệ đường. Cháu cảm thấy rất sợ hãi… Cháu cảm thấy động đậy không nổi, nhưng cháu đang đi lên và rồi cháu cảm thấy… có ai đó đang ôm cháu rất trìu mến (một loại tình yêu vô điều kiện). Cháu cố cử động cơ thể và ngước mắt lên xem ai đang ôm mình. Cháu nhìn thấy là Thánh Maria. Ngài mặc một chiếc đầm màu xanh hồng và đội vương miện… Cháu cảm thấy vô cùng thoải mái khi ở trong tay ngài ấy.” [423]

Nghiên cứu của Tiến sĩ Cherie Sutherland về trải nghiệm cận tử của trẻ em cho thấy tuổi tác không ảnh hưởng đến mức độ phức tạp của trải nghiệm cận tử. Ngay cả trẻ nhỏ chưa phát triển kỹ năng nói cũng có những trải nghiệm khá phức tạp.

Trải nghiệm cận tử của trẻ nhỏ rõ ràng vượt xa khả năng tư duy và trí thông minh ở độ tuổi của chúng, hơn nữa rất giống với những trẻ lớn hơn và người lớn. Điều này càng chứng tỏ rằng khả năng của linh hồn sau khi rời khỏi cơ thể không đến từ việc học tập hay kinh nghiệm có được.

2.5 Hiện tượng 5: Vượt qua các dân tộc và văn hóa

Hiện tượng này là chỉ những trải nghiệm cận tử có thể trải rộng khắp các quốc gia và nền văn hóa, nhưng vẫn sở hữu những đặc điểm chung.

Nếu bị ảnh hưởng ở mức độ rất lớn bởi niềm tin tôn giáo và văn hóa đã có từ trước, thì nội dung của trải nghiệm cận tử ở các nền văn hóa trên thế giới sẽ khác nhau một cách đáng kể. Tuy nhiên, các nghiên cứu về trải nghiệm cận tử trên khắp thế giới cho thấy nội dung của các trải nghiệm cận tử giống nhau một cách đáng kinh ngạc. [424]

Bác sĩ Long đã so sánh trải nghiệm cận tử ở các quốc gia không thuộc phương Tây (các khu vực trên thế giới không lấy truyền thống Do Thái hoặc Cơ đốc giáo làm chủ yếu) với các quốc gia phương Tây có tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Ông kết luận, tất cả các yếu tố của trải nghiệm cận tử xuất hiện ở phương Tây đều tồn tại trong trải nghiệm cận tử ở các quốc gia không thuộc phương Tây, và có nội dung tương tự.

Trải nghiệm cận tử là nhất quán, trải dài trên các nền văn hóa và dân tộc. Điều này càng chứng minh rằng trải nghiệm cận tử là một hiện tượng tồn tại phổ biến đối với tất cả nhân loại.

2.6 Hiện tượng 6: Toàn cảnh cuộc đời, nhìn lại cực nhanh

Hiện tượng này có nghĩa là người có trải nghiệm cận tử có thể nhìn thấy cuộc đời của chính họ hiện ra rất nhanh.

Những người có trải nghiệm cận tử thường được xem lại toàn bộ cuộc đời của họ trong một khoảng thời gian rất ngắn, được gọi là “nhìn lại cuộc đời” (Life Review) hay “nhìn lại toàn cảnh cuộc đời.” Nhìn lại cuộc đời có thể bao gồm việc hiểu được cảm giác và suy nghĩ của người khác trong khi tiếp xúc với họ. Nhận thức chưa từng được biết đến này về cảm xúc hoặc suy nghĩ của người khác thường gây ngạc nhiên cho những người có trải nghiệm cận tử.

Cô bé Vicki, người bị mù từ khi sinh ra, đã có trải nghiệm cận tử, trong đó cô bé nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình diễn ra trước khi cô trở lại thế gian.

Roger và một người bạn đang trở về từ thành phố Quebec, Canada thì chiếc xe của họ bị mất lái và va chạm trực diện với một chiếc xe khác. Roger cảm thấy mình lập tức rời khỏi cơ thể và nhìn thấy những gì đang xảy ra xung quanh hiện trường vụ tai nạn từ trên cao. Khi miêu tả khung cảnh đó, Roger kể lại: “Sau đó, tôi bước vào một nơi tối tăm, xung quanh chẳng có gì cả nhưng tôi không hề sợ hãi. Ở đó thực sự rất yên bình. Rồi tôi bắt đầu thấy toàn bộ cuộc đời mình diễn ra trước mắt như một bộ phim trên màn ảnh, từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành. Nó quá chân thực! Tôi đã xem chính mình, nhưng nó hay hơn xem phim 3D vì tôi cũng có thể cảm nhận được cảm giác của những người mà tôi đã tiếp xúc trong nhiều năm. Tôi có thể cảm nhận được những cảm xúc tốt và xấu mà tôi khiến họ trải qua.” [425]

Hiện tượng nhìn lại cuộc đời mà Tiến sĩ Moody thu thập được thường là một cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời được triển hiện cho người có trải nghiệm cận tử theo trình tự thời gian bởi “sự sống” (The being of life) ở một không gian khác, nó giống như một bộ phim lập thể được chiếu rất nhanh. “Sự sống” truyền cảm hứng cho những người cận tử suy ngẫm lại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học cách yêu thương người khác và trau dồi kiến ​​thức. Những người từng trải qua trải nghiệm cận tử nói rằng họ cảm thấy như thể họ đã thực sự trải qua những hồi tưởng ký ức này, chứ không chỉ là nhìn thấy chúng.

Trong số những người may mắn sống sót và có trải nghiệm cận tử sau trận động đất ở Đường Sơn, có 50% đã trải qua cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời mình. Trong số 617 trải nghiệm cận tử được Quỹ Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử thu thập, có 14% đã trải qua quá trình nhìn lại cuộc đời. Nhìn lại cuộc đời có thể bao gồm cả những chi tiết bị lãng quên từ những năm đầu đời, những người có trải nghiệm cận tử sau này đã xác nhận những chi tiết này thực sự đã xảy ra. Trí nhớ của người bình thường chúng ta là có tính thời gian, thời gian trôi qua càng lâu, trí nhớ sẽ càng mờ đi. Nếu nó đơn thuần là trí nhớ và hồi ức của não bộ thì rất có thể sẽ không chính xác, xuất hiện sai lệch, thậm chí sau lệch rất lớn. Thế nhưng, việc nhớ lại cuộc đời trong trải nghiệm cận tử thường được mô tả là một cảm giác rất thực tế, bao gồm nhận thức mới về các sự kiện đã bị lãng quên từ lâu cũng như những suy nghĩ và cảm xúc đối với người khác tại những tiếp xúc trong quá khứ.

Cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời trong trải nghiệm cận tử gần giống như đang xem “bộ phim 3D về cuộc đời” của chính mình trong một không gian đặc thù. Trải nghiệm sống động này phản ánh khả năng phi thường mà tinh thần (linh hồn) của chúng ta có được sau khi tách khỏi thể xác, tương tự như công năng “túc mệnh thông” được nhắc đến trong văn hóa truyền thống. Thời gian ở không gian khác này trôi qua nhanh hơn so với không gian của con người, có thể xem lại cuộc đời của con người trong một thời gian rất ngắn.

2.7 Hiện tượng 7: Gặp lại cố nhân ở thời không khác

Hiện tượng này có nghĩa là những người trải qua trải nghiệm cận tử có thể gặp lại người thân và bằng hữu đã khuất ở một thời không khác.

Tiến sĩ Moody phát hiện, sau khi linh hồn rời khỏi thể xác, những người có trải nghiệm cận tử thường có cảm giác du hành rất nhanh qua một đường hầm hoặc không gian tối tăm. Những người được Tiến sĩ Moody phỏng vấn mô tả không gian này như một cái hang, một cái giếng, một cái máng, một bức tường, một đường hầm, một cái phễu, chân không, một khoảng trống, một cống thoát nước, một thung lũng, một con kênh và một vật thể hình trụ.

Khi du hành qua không gian tối tăm, có rất nhiều người nghe thấy những âm thanh dị thường, có lúc khó chịu, có lúc lại dễ chịu. Những âm thanh này có thể được mô tả như tiếng vo vo chói tai, tiếng ầm ầm cực lớn, tiếng lách tách trong trẻo, tiếng nổ lớn, tiếng va chạm, thậm chí có thể là tiếng chuông ngọt ngào, tiếng chuông gió Nhật Bản hay tiếng nhạc mỹ diệu.

Những người được Tiến sĩ Moody phỏng vấn thường chia sẻ rằng họ đã đi đến một loại biên giới hoặc giới hạn nào đó ở một chiều không gian khác mà họ giải thích là “một vùng nước, sương mù, một cánh cửa, một hàng rào hoặc chỉ là một đường thẳng.” Họ từng thử vượt qua ranh giới này, nhưng lại thấy mình đã trở lại nhục thân và sống lại. Những trải nghiệm này cho thấy các chiều không gian khác cũng có ranh giới.

Khi tiến sâu hơn vào hành trình trải nghiệm cận tử của mình, người ta thường gặp lại người thân và bằng hữu đã qua đời. Cô Cyndi mô tả trải nghiệm cận tử của mình như sau: “Tôi nhìn thấy bố tôi ngồi ở cuối bàn. Ông đang ngẩng đầu lên nhìn tôi, điều này thực sự làm tôi ngạc nhiên, bởi vì ông ấy đã qua đời được gần một năm.” [426]

Vicki, cô bé bị mù từ khi mới sinh đã từng gặp 5 người mà cô bé quen biết trong trải nghiệm cận tử, trong đó có hai người bạn học ở trường mù lần lượt qua đời ở tuổi 11 và 6 năm trước. Họ đều bị mù và thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng, nhưng trong không gian đó họ lại thông minh, xinh đẹp, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống; ba người khác là cha mẹ và bà của Vicki, những người đã chăm sóc cho Vicki trong thời thơ ấu, họ đều đưa tay ra ôm lấy Vicki. Trong cuộc gặp gỡ, Vicki đã giao tiếp với họ bằng phương pháp không cần dùng đến ngôn ngữ.

Brian sinh ra đã bị điếc hoàn toàn, trải nghiệm cận tử của anh cũng rất đáng chú ý:

“Tôi đã ở gần ranh giới. Lúc đó tôi 10 tuổi, đã hiểu mà không cần bất kỳ lời giải thích nào, rằng một khi tôi vượt qua ranh giới, tôi sẽ không bao giờ có thể quay lại được, chỉ thế thôi. Tôi rất hào hứng với việc du hành thời gian. Tôi vốn muốn vượt qua ranh giới nhưng những người thân yêu đã khuất của tôi ở bên kia ranh giới đã thu hút sự chú ý của tôi. Họ đang nói chuyện bằng thần giao cách cảm, điều này khiến tôi chú ý. Tôi sinh ra đã bị điếc nặng nhưng gia đình tôi đều nghe được bình thường, họ đều hiểu ngôn ngữ ký hiệu! Tôi có thể giao tiếp thông qua phương thức thần giao cách cảm với khoảng 20 người thân đã qua đời.” [427]

Nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử cho thấy 96% những người gặp được trong trải nghiệm cận tử đều là những người đã qua đời [428]. Điều này càng chứng tỏ rằng sau khi cơ thể con người tử vong, linh hồn không chết mà vẫn tồn tại ở một không gian khác trong vũ trụ. Vì vậy, những gì mà người có trải nghiệm cận tử trải qua chính là khung cảnh thực sự của linh hồn ở một vũ trụ, thời gian và không gian khác, điều này đã trực tiếp chứng minh sự tồn tại của các không gian khác. Vật lý học ngày nay cũng cho rằng có tồn tại những không gian khác ngoài không gian chúng ta đang sống.

2.8 Hiện tượng 8: Gặp Chúa và hành trình lên Thiên đường

Hiện tượng này là chỉ việc nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự tồn tại của các vị Thần hoặc những sinh vật có trí tuệ cao cấp khác.

Tiến sĩ Moody cho biết rất nhiều người có trải nghiệm cận tử mô tả về việc gặp được một sinh mệnh tỏa ra ánh sáng, hay “tồn tại ánh sáng,” đó là một thứ ánh sáng rực rỡ không thể diễn tả được và không làm đau mắt. Hầu hết mọi người coi ánh sáng này như một sinh mệnh cao cấp với tình yêu và sự ấm áp. Sinh mệnh cao cấp này khiến họ cảm thấy một sức hút không thể cưỡng lại, hoặc cảm thấy hoàn toàn thư thái, như thể họ chìm đắm vào ánh sáng của sinh mệnh này.

Những tín đồ Cơ Đốc xem họ là Chúa Jesus, những người Do Thái gọi họ là Thiên Sứ, còn những người không theo tôn giáo mô tả họ đơn giản là “những sinh mệnh ánh sáng.”

Là một bác sĩ và nhà khoa học, bác sĩ Long đã nghiên cứu ​​hơn 200 trường hợp trải nghiệm cận tử gặp gỡ Chúa do Tổ chức Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử thu thập. Để khám phá sâu hơn sự thật về “Chúa” trong trải nghiệm cận tử và phân tích trực tiếp quá trình gặp gỡ Chúa trong trải nghiệm cận tử của họ, bác sĩ Long đã thực hiện một nghiên cứu như thế này.

Từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2014, bác sĩ Long đã tiến hành nghiên cứu 420 trường hợp trải nghiệm cận tử được thu thập. Những trải nghiệm cận tử này đến từ các bác sĩ, khoa học gia, chuyên gia và mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Kết quả của nghiên cứu này đã được trình bày chi tiết trong cuốn sách “Chúa và Thế giới bên kia” (God and the Afterlife). [429]

Trước khi trải qua trải nghiệm cận tử, có 39% số người tin rằng “Chúa chắc chắn tồn tại”; sau khi trải qua trải nghiệm cận tử, số người tin rằng “Chúa chắc chắn tồn tại” lên tới 72.6%. Những người trải qua trải nghiệm cận tử không chỉ ý thức được sự tồn tại của Chúa mà còn tin rằng đức tin của họ đối với Chúa là đúng.

Bác sĩ Long cũng đã xem xét cẩn thận 277 trải nghiệm cận tử mô tả những cuộc gặp gỡ với Chúa, và nhận thấy sự nhất quán một cách đáng chú ý trong những mô tả của họ.

Mặc dù có sự khác biệt đáng kể trong phương thức cảm thụ của mọi người, nhưng bác sĩ Long nhận thấy rất nhiều ghi chép đều mô tả “vị thần tối cao vô thượng” này theo những cách rất giống nhau: Một tồn tại tối cao tỏa ra tình yêu và ân sủng, hơn nữa hình tượng còn có sự nhất quán một cách đáng kinh ngạc.

Bác sĩ Long đã tóm tắt những yếu tố cơ bản khi miêu tả về “vị thần tối cao vô thượng” này trong những trải nghiệm cận tử như sau:

2.8.1 Lòng từ bi của Thần: tình yêu vị tha và vô điều kiện

Những người trải qua trải nghiệm cận tử thường cho biết họ cảm nhận được tình yêu vị tha từ Chúa, một tình yêu được mô tả là bao la, vô điều kiện và hoàn toàn tiếp nhận họ. Ví dụ như sau:

“Tôi cảm nhận được sự hiện diện của tình yêu thuần khiết. Rất khó để diễn tả bằng lời. Mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa: Chúa tồn tại, Chúa chính là tình yêu, chúng ta là tình yêu và tình yêu đã tạo ra vạn vật. Mọi thứ đều là tình yêu thuần khiết, Chúa là tình yêu, mọi thứ đều tồn tại nhờ tình yêu vô điều kiện này. Tôi được bao quanh bởi tình yêu thuần khiết. Lúc đầu tôi cảm thấy lạnh và đau khổ, nhưng sau đó tôi cảm thấy ấm áp và dễ chịu. Tôi chỉ biết rằng Chúa tồn tại, Chúa là tình yêu thuần khiết và chúng ta là một phần trong đó.”

“Tôi cảm thấy Chúa như một đấng toàn năng – hình thức cao nhất của tình yêu hoàn chỉnh, trọn vẹn và vô điều kiện! Tôi được bao quanh bởi tình yêu vô điều kiện của Chúa, tình yêu này lớn hơn rất nhiều so với tình yêu của con người. Tôi biết Chúa có thật và yêu thương tôi vô điều kiện, Ngài tồn tại, Ngài có thật và Ngài chính là tình yêu.”

“Không ai có thể đạt được thứ tình yêu như tôi đã cảm nhận được trong ánh sáng đó. Nó bao tận mọi thứ, bao trùm tất cả.”

“Tôi hiểu rằng tình yêu ở khắp mọi nơi, và tình yêu là có thật. Tất cả những điều tiêu cực như hận thù, đau đớn, tổn thương v.v. đều là giả tạo, đều là những suy nghĩ tiêu cực do chính chúng ta tạo ra.”

2.8.2 Ánh sáng của Chúa: ánh sáng thánh khiết siêu việt trần tục

Khi những người có trải nghiệm cận tử nhìn thấy Chúa, Ngài thường đi kèm với một loại ánh sáng siêu nhiên. Chúng ta đã quen với sự hiện diện của ánh sáng trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ánh sáng của Chúa vượt xa những gì chúng ta quen thuộc. Ánh sáng và tình yêu của Chúa thường gắn bó mật thiết với nhau.

Cô bé bị mù bẩm sinh Vicki đã từng hai lần gặp được Chúa Jesus trong trải nghiệm cận tử, ánh sáng của Ngài vượt xa bất kỳ ai mà cô bé từng gặp. Chúa Jesus dịu dàng chào đón cô bé, Ngài giao tiếp với cô bé bằng thần giao cách cảm. Khi cô bé nhìn lại bức tranh toàn cảnh về cuộc đời mình, Chúa Jesus đã ở bên cạnh nhẹ nhàng nhận xét để giúp cô bé hiểu được ý nghĩa và hậu quả của những hành động của mình.

Những trải nghiệm tương tự khác bao gồm:

“Tôi không thể tìm được từ nào để diễn tả nó. ‘Ánh sáng’? Nó còn hơn cả ánh sáng. Nó rất lớn! Nó lung linh, là một biển mây trần đầy ấm áp và tình thương. Giống như tôi yêu cả thế giới và mọi người đều yêu tôi! Cảm giác đó tuyệt vời đến nỗi tôi không muốn quay trở lại thực tại.”

“Sự tồn tại của Chúa và Thiên đường đã được xác minh. Đó là sự thật – ánh sáng và sự hiện diện. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa ở khắp mọi nơi và đan xen vào vạn vật. Quyền năng của Chúa không có ranh giới. Tôi cảm thấy được tiếp nhận, tha thứ và yêu thương vô điều kiện.”

“Ánh sáng mà tôi cảm nhận được là tối cao – tình yêu vô tận, vô điều kiện, bao la, một sức mạnh mang lại cảm giác vĩnh cửu, mạnh mẽ và sáng tạo, nó đã đáp ứng được định nghĩa của tôi về Chúa.”

2.8.3 Không gian của Chúa: “Thiên đường” đẹp đẽ phi thường

Nghiên cứu của bác sĩ Long còn phát hiện, những cuộc gặp gỡ với Chúa thường diễn ra trong một không gian vũ trụ được mô tả là “Thiên đường,” nơi có thể chứa đựng rất nhiều yếu tố phổ biến khác nhau trên Trái Đất, chẳng hạn như núi, thung lũng, rừng, suối, hồ, sông và chỗ ở. Thông thường, những nơi này được mô tả là có vẻ ngoài siêu thường (thường là khác biệt về màu sắc, độ sáng hoặc tỷ lệ). Ở đây còn có thể có những thành phố rộng lớn, và vẻ đẹp của không gian này vượt xa bất kỳ nơi nào trên Trái Đất.

Thông thường, nơi này gắn liền với cảm giác bình yên, yêu thương và kết nối. Người ta sẽ nghe thấy một bản nhạc mỹ diệu hoặc “khó mà diễn tả.” Đôi khi sẽ có các vị Thần hoặc Thiên thần xuất hiện; người ta thường mô tả được trực tiếp tiếp cận kiến ​​thức thông qua cảm ứng tâm linh với “những sinh vật ánh sáng.”

Vicki bị mù từ khi sinh ra và không biết gì về toán học và khoa học, nhưng trong trải nghiệm cận tử, cô bé đột nhiên hiểu được phép tính vi tích phân và hành tinh được hình thành như thế nào. Cô bé đã tìm thấy đáp án cho các câu hỏi về khoa học, toán học, cuộc sống, hành tinh, Chúa và mọi thứ khác, cảm thấy được bao quanh bởi một dòng kiến ​​thức và hiểu được những ngôn ngữ mà cô bé chưa từng biết trước đây. [430]

Nghiên cứu của bác sĩ Long phát hiện, đối với hàng triệu người trên thế giới có thể đã từng trải qua trải nghiệm cận tử, Thiên đường là một nơi rất chân thực, là một điểm đến có thật. Bởi vì có rất nhiều người mô tả nó một cách nhất quán, bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì, vậy nên những mô tả của họ xứng đáng được tôn trọng và nghiên cứu cẩn thận.

Những mô tả khác về nơi mà những người có trải nghiệm cận tử gọi là Thiên đường bao gồm:

“Tôi không ở Trái Đất. Tôi chỉ nhìn thấy mây và ánh sáng.”

“Tôi bước vào một căn phòng đẹp và sáng đến nỗi tôi bị lóa mắt bởi ánh sáng rực rỡ.”

“Nơi tôi ở thật đẹp, mới mẻ và tràn đầy hạnh phúc, không giống bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất.”

“Đó là một Thiên đường, một khu rừng xinh đẹp.”

2.8.4 Biểu hiện của Chúa: những cái tên và hình ảnh khác nhau

Các vị Thần được nhìn thấy trong trải nghiệm cận tử đều là những sinh vật trí tuệ cao cấp tồn tại ở không gian khác. Do nền tảng văn hóa hoặc tín ngưỡng khác nhau, nên các vị Thần được những người trải nghiệm cận tử mô tả cũng có tên và hình ảnh khác nhau.

Ví dụ, cô bé bị mù từ khi sinh ra Vicki đã nhìn thấy Chúa Jesus trong trải nghiệm cận tử [431]; cậu bé Paul 5 tuổi thì mô tả đã nhìn thấy Thánh Maria [432].

Các nhà nghiên cứu trải nghiệm cận tử phát hiện, từ “Thượng Đế” trên Trái Đất không đủ để bao hàm các vị Thần mà những người có trải nghiệm cận tử nhìn thấy. Những “sinh mệnh có trí tuệ cao cấp” ở các không gian khác mà những người trải nghiệm cận tử gặp phải rất có khả năng là những “vị Thần” trong các tôn giáo và văn hóa khác nhau. [433]

2.8.5 Khải thị của Chúa: tiên đoán tương lai và khuyến khích con người làm việc thiện

Khi Jennifer 11 tuổi, cô bé đã gặp phải một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Cô bé đã nhìn thấy “cơ thể yếu ớt và vô hồn” của mình nằm dưới đất. Một linh hồn (spiritual being) đã nói với cô bé rằng cô bé cần quay lại hiện trường vụ tai nạn để giúp đỡ người lái xe đã bất tỉnh. Dưới đây mô tả của cô bé về trải nghiệm này [434]:

“Sau đó, giọng nói đó nói: ‘Mũi của ông ấy đã bị cắt rời khỏi mặt, bạn cần quay lại giúp ông ấy, ông ấy mất rất nhiều máu.’ Jennifer nói: ‘Không, hãy để người khác làm việc đó. Không có sự giúp đỡ của tôi, ông ấy cũng sẽ ổn thôi. Tôi không muốn quay lại đó. Không!’ Giọng nói đó nói, ‘Tôi sẽ cho bạn biết phải làm gì. Bạn cần nhặt chiếc mũi đã rơi xuống sàn xe của ông ấy lên, nó ở cạnh chân bạn và chân phải của ông ấy. Đặt mũi của ông ấy lên mặt và ấn mạnh để cầm máu. Chỉ là máu mà thôi, đừng sợ. Tôi luôn luôn ở bên bạn.’ ‘Sau đó, Jennifer, bạn hãy chỉ dẫn ông ấy đi về phía bên phải đường, một chiếc xe hơi sẽ chạy tới. Hãy bảo người đó đưa bạn đến bệnh viện gần nhất. Giữ ông ấy bình tĩnh và hướng dẫn ông ấy đến bệnh viện nơi bạn sinh ra. Bạn biết đường đi và mọi thứ sẽ ổn thôi. Bạn phải làm điều này, hiểu chứ?’”

Sau khi Jennifer trở lại cơ thể, mọi chuyện đã diễn ra đúng như lời linh hồn đó nói với cô bé. Một chiếc xe đã tới và đưa họ đến bệnh viện nơi cô bé sinh ra. Cuối cùng, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp ghép da để gắn lại mũi cho người tài xế bị thương, và hầu như không để lại sẹo sau ca phẫu thuật. Toàn bộ sự việc khiến các bác sĩ cấp cứu khó mà tin nổi.

Mặc dù linh hồn hướng dẫn Jennifer quay trở lại để cứu người không được cô bé trực tiếp gọi là “Thần,” nhưng cũng sở hữu trí tuệ và tầm nhìn về các sự việc cao hơn so với người bình thường. Đây được cho là một “sinh mệnh cao cấp” tồn tại ở một không gian khác.

Điều đáng nói ở đây là không phải lúc nào những người có trải nghiệm cận tử cũng gặp được “Chúa” và “Thiên đường.” Một số người trải nghiệm cận tử sử dụng ma túy hoặc rượu đã mô tả cảnh tượng họ nhìn thấy là “ma quỷ” và “địa ngục.” [435]

2.9 Hiện tượng 9: Cuộc sống thăng hoa, tăng cường cảm giác sứ mệnh

Hiện tượng này là chỉ trải nghiệm cận tử có ảnh hưởng tích cực đến cách nhìn của mọi người về cuộc sống, nâng cao ý thức về cảm giác sứ mệnh, niềm tin và giảm bớt nỗi sợ hãi về tử vong.

Một trong những thay đổi phổ biến nhất được mô tả bởi những người từng trải qua trải nghiệm cận tử là sự thay đổi về nhân sinh quan, tín ngưỡng và các giá trị quan. Trong trải nghiệm cận tử, cô bé bị mù từ khi sinh ra Vicki đã gặp được một sinh mệnh cao cấp bảo rằng cô bé phải “quay trở lại và học hỏi nhiều hơn để yêu thương, tha thứ và chỉ dẫn cho người khác.”

Một số người được Tiến sĩ Moody phỏng vấn nói rằng họ được “sinh mệnh ánh sáng” cho phép quay trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh tồn của chính họ hoặc có một số sứ mệnh nào đó mà họ phải hoàn thành.

Sau khi trở về, những người có trải nghiệm cận tử cảm thấy những thứ họ từng cho là quan trọng (chẳng hạn như của cải vật chất, v.v.) không còn quan trọng nữa; họ xem ý nghĩa của cuộc sống là giá trị tinh thần và sự cho đi đầy yêu thương. Họ trở nên đồng cảm hơn, ít chạy theo vật chất và tập trung hơn vào việc giúp đỡ người khác, tăng trưởng thiện tâm và sự đồng cảm, cũng như suy nghĩ về cách để sống một cuộc sống thanh tỉnh và có ý nghĩa.

Những thay đổi về niềm tin và giá trị quan sau trải nghiệm cận tử thường được gọi là tác dụng muộn (late effect). Nhận thức về tác dụng muộn của trải nghiệm cận tử nhìn chung đến từ nghiên cứu tiền cứu về trải nghiệm cận tử do Tiến sĩ Van Lommel ở Hà Lan công bố trên tạp chí “The Lancet.” Ông đã chia những người sống sót sau cơn ngừng tim thành những người có trải qua trải nghiệm cận tử và những người không có, đồng thời đánh giá tác dụng muộn ở cả hai nhóm sau 2 năm và 8 năm.

Ông phát hiện, những người có trải nghiệm cận tử sau cơn ngừng tim sẽ ít sợ chết hơn, họ có niềm tin hơn vào thế giới bên kia, quan tâm hơn đến ý nghĩa cuộc sống, chấp nhận người khác, yêu thương và đồng cảm hơn. Có thể phải mất nhiều năm sau trải nghiệm cận tử thì tác dụng muộn mới bộc lộ ra hoàn toàn. [436]

Quỹ Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử từng thực hiện một cuộc khảo sát, họ hỏi những người có trải nghiệm cận tử rằng: “Trải nghiệm của tôi đã trực tiếp dẫn đến…” Trong số 278 người được phỏng vấn, tỷ lệ câu trả lời cho câu hỏi này như sau: 152 người có những thay đổi lớn trong cuộc sống, chiếm 54.7%, 68 người có những thay đổi vừa phải, chiếm 24.5%; 28 người có những thay đổi nhỏ, chiếm 10.1%; 14 người không có thay đổi gì trong cuộc sống, chiếm 5.0%; 16 người chưa rõ, chiếm 5.8%. Nói cách khác, có 79% số người đã thay đổi cuộc sống một cách đáng kể.

Con người là một thể thống nhất của thể xác và tinh thần (linh hồn) với tinh thần làm chủ đạo. Nếu không có một sự kiện thực sự ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần của con người thì con người sẽ không thể phát sinh một sự thay đổi lớn như vậy. Hiệu ứng này càng chứng minh rằng trải nghiệm cận tử là sự kiện có thật mà con người đã trải qua.

Trong cuốn “Chúa và kiếp sau” (God and the Afterlife), dựa trên phân tích đối với 3,000 trường hợp trải nghiệm cận tử, bác sĩ Long còn chỉ ra rằng vì gặp được Chúa hoặc nhận được khải thị từ Chúa trong trải nghiệm cận tử, những người có trải nghiệm cận tử thường được cho biết rằng họ vẫn còn những việc quan trọng phải làm trong cuộc sống và cần phải quay trở lại cuộc sống hiện tại. Sau khi sống lại, quan điểm của họ về cuộc sống và thế giới đã thay đổi rất nhiều. [437]

Vào ngày 01/09/2002, nhà văn người Mỹ Ned Dougherty đã xuất bản cuốn “Fast Lane to Heaven: A Life-After-Death” (tạm dịch: “Con đường nhanh đến thiên đường: Cuộc sống sau khi chết). Trong cuốn sách, ông đã kể lại một trải nghiệm đặc biệt vào đêm ngày 02/07/1984. Lúc đó, ông đang cùng bạn bè từ thành phố Quebec trở về thì xe bị mất lái và va chạm trực diện với một chiếc xe khác. Dougherty đã lập tức rời khỏi cơ thể và nhìn thấy những diễn biến xung quanh hiện trường vụ tai nạn từ trên cao. [438]

Trải nghiệm này đã khiến ông có được nhận thức về thế giới bên kia, đồng thời khải thị cho ông một phương hướng mới trong cuộc sống. Ông đã chia sẻ góc nhìn của mình, mô tả tình yêu cũng như những trải nghiệm kỳ lạ đến từ ánh sáng. Dougherty tin rằng việc khởi tử hoàn sinh là một trải nghiệm có sức biến đổi mạnh mẽ, ông cảm thấy có một sứ mệnh khi lần nữa quay về nhân gian. Trong cuốn sách, ông đã kêu gọi mọi người làm việc thiện và tránh xa việc ác, đồng thời chia sẻ một số trải nghiệm gặp mặt của mình với Chúa.

Cô Anita Moorjani là một phụ nữ người Mỹ gốc Ấn từng cận kề cái chết vì bệnh ung thư hạch. Tình trạng của cô trong một đoạn thời gian đã xấu đi đáng kể, và cuối cùng cô rơi vào trạng thái hôn mê. Trong trạng thái cận kề cái chết này, cô đã có được những hiểu biết sâu sắc về mục đích cuộc đời và ý nghĩa tồn tại của mình. Sau đó, cô đã trở lại nhân gian và hồi phục một cách kỳ diệu, cô đã trải qua sự biến đổi cả về thể chất lẫn tinh thần trong quá trình hồi phục.

Cô đã chia sẻ trải nghiệm này trong cuốn sách “Chết để là chính tôi: Hành trình của tôi từ bệnh ung thư, đến cận kề cái chết, đến sự chữa lành thực sự” (Dying to Be Me: My Journey from Cancer, to Near Death, to True Healing), trong đó ghi lại trải nghiệm phi thường này một cách chi tiết, đồng thời thảo luận ý nghĩa sâu xa hơn về cuộc sống, cái chết và sự chữa lành. [439]

Trong lời nói đầu của cuốn sách, cô Moorjani viết: “Tôi tin rằng những sự thật vĩ đại nhất của vũ trụ không nằm ở bên ngoài, trong việc nghiên cứu các ngôi sao và hành tinh. Chúng nằm sâu bên trong chúng ta, trong sự tráng lệ của trái tim, khối óc và tâm hồn. Cho đến khi chúng ta hiểu được điều gì ở bên trong chúng ta, chúng ta sẽ không thể hiểu được điều gì ở bên ngoài.”

2.10 Hiện tượng 10: Chuyên gia y tế cũng có trải nghiệm tương tự

Hiện tượng này là chỉ những người từng trải qua trải nghiệm cận tử bao gồm đủ loại người, từ người bình thường đến các chuyên gia y tế có trình độ học vấn cao. Rất nhiều người đã viết sách ghi lại trải nghiệm cận tử của họ. Những người có trình độ học vấn cao hơn, đặc biệt là bác sĩ, cũng có loại trải nghiệm này.

Trình độ văn hóa càng cao thì tư duy logic càng mạnh. Do nền tảng giáo dục khoa học thực nghiệm mà họ được dạy trái ngược với trải nghiệm cận tử của họ, vậy nên một khi nhận ra sự tồn tại chân thực của trải nghiệm cận tử, những người chịu ảnh hưởng bởi khoa học thực nghiệm thường sẽ bị xung kích lớn. Điều này cho thấy trải nghiệm cận tử là một sự kiện hoàn toàn có thật, một khi đã tự mình trải nghiệm nó thì ngay cả những người chịu nhận sự giáo dục của khoa học thực nghiệm cũng rất khó phủ nhận.

2.10.1 “Hành trình lên thiên đường” của bác sĩ khoa ngoại thần kinh Alexander

Bác sĩ khoa ngoại thần kinh Eben Alexander III tốt nghiệp Đại học North Carolina tại Chapel Hill và nhận học vị bác sĩ tại Trường Y Đại học Duke vào năm 1980. Ông Alexander là một bác sĩ khoa ngoại thần kinh chuyên nghiệp với hơn 25 năm kinh nghiệm, trong đó có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Brigham & Women’s, Bệnh viện Nhi đồng và Trường Y Harvard ở Boston. Trong sự nghiệp chuyên môn và học thuật của mình, ông đã thực hiện hơn 4,000 ca phẫu thuật thần kinh, là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 150 chương và bài báo trên các tạp chí được bình duyệt, đồng thời là tác giả hoặc biên tập viên cho 5 cuốn sách về khoa ngoại phóng xạ và khoa ngoại thần kinh. Ông đã có 230 bài thuyết trình tại các hội nghị và trung tâm y tế trên toàn thế giới. [440]

Ông Alexander đã đích thân điều trị cho hàng trăm bệnh nhân có mức độ ý thức bị thay đổi nghiêm trọng, rất nhiều người trong số họ đã rơi vào tình trạng hôn mê do chấn thương, u não, vỡ phình động mạch, nhiễm trùng hoặc đột quỵ. [441]

Rạng sáng ngày 10/11/2008, ông Alexander đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu vì bệnh viêm màng não do vi khuẩn hiếm gặp, tình trạng của ông ngày càng trở nên nguy kịch. Thế nhưng bảy ngày sau, ông đã tỉnh dậy. Lúc này, ông có ký ức về một hành trình kỳ lạ.

Con trai cả của ông Alexander khuyên ông nên viết ra tất cả những chi tiết mà ông có thể nhớ được về cuộc hành trình của mình trước khi đọc bất cứ điều gì về trải nghiệm cận tử, vật lý học hay vũ trụ học. Sáu tuần sau, ông Alexander đã hoàn thành bản ghi chép ban đầu dài hơn 20,000 từ, sau đó ông đã viết cuốn sách có nhan đề “Proof of Heaven: A Neurosurgeon’s Journey into the Afterlife” (tạm dịch: “Bằng chứng về thiên đường: Hành trình sang thế giới bên kia của một bác sĩ khoa ngoại thần kinh”) [442]. Sau đó, ông bắt đầu đọc những cuốn sách liên quan và ngạc nhiên khi phát hiện rằng, giữa hành trình của mình và của những người khác được ghi lại trong hàng nghìn năm trên khắp thế giới có rất nhiều điểm tương đồng.

Ông Alexander kể lại rằng trong tuần mà ông hôn mê, khi cuộc sống đang dần trôi qua, hoạt động tư duy của ông lại vô cùng sôi động. Ông cảm thấy mình tái sinh thành một loại vật chất thô và nhầy nhụa như thạch, sau đó cưỡi trên cánh của một con bướm, được dẫn đường bởi “một người phụ nữ xinh đẹp có gò má cao và đôi mắt xanh thẳm” đến một “không gian rộng lớn và vô biên” nào đó.

Bác sĩ khoa ngoại thần kinh này mô tả thế giới đó có những đám mây trắng hồng khổng lồ và những vật thể trong suốt, lung linh bay vòng cung trên bầu trời, để lại những dải ruy băng phía sau. Ông xem thế giới đó là Thiên đường. Đồng thời, ông cũng mô tả cảm giác được Chúa yêu thương và sự đồng hành của các Thiên thần. [443]

2.10.2 Chuyến đi đến Thiên đường và trở lại của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Neal

Năm 1999, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ Mary C. Neal đã phải trải qua một vụ tai nạn đuối nước ở miền nam Chile, đó là quá trình đi từ bờ vực của sự sống đến cái chết rồi lại hồi sinh. Cô đã mô tả chi tiết trải nghiệm cận tử của mình trong cuốn sách “Đến thiên đường và trở về” (To Heaven and Back) được xuất bản vào năm 2011. Cuốn sách mô tả trải nghiệm cận tử của bản thân cô, nội dung chủ yếu bao gồm linh hồn rời khỏi thể xác, tiến vào vùng đất ánh sáng, gặp linh thể khác và nhìn lại cuộc đời, rất giống với trải nghiệm cận tử của những người khác. [444]

Bác sĩ Neal tốt nghiệp Trường Y Đại học California tại Los Angeles. Cô đã hoàn thành khóa đào tạo phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Nam California, đồng thời còn được đào tạo chuyên môn một năm rưỡi về phẫu thuật cột sống, sau đó cô đã trở thành chủ nhiệm khoa phẫu thuật cột sống tại Đại học Nam California. 5 năm sau, cô đã bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một bác sĩ tư nhân. [445]

Nhiều người có thể xem trải nghiệm của họ là những câu chuyện hấp dẫn để đọc. Kỳ thực, mọi người thử nghĩ xem, các bác sĩ và khoa học gia có trình độ học vấn cao như vậy lại dành sức lực để kể lại chi tiết những trải nghiệm của họ, lẽ nào chỉ để mang đến cho mọi người thêm một câu chuyện mới lạ thôi sao? Liệu họ, những người đã thành công và nổi tiếng, có bịa đặt ra một câu chuyện để làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp quý giá của mình hay không? Họ dám bước ra, là vì họ muốn dùng tư cách chuyên gia y tế của mình để thức tỉnh mọi người: Trải nghiệm cận tử không phải là sự tưởng tượng chủ quan, linh hồn thực sự tồn tại sau khi chết, các chiều không gian khác thực sự tồn tại, Chúa và Thiên đường cũng thế.

⭐️3. Những kết luận chính của nghiên cứu về trải nghiệm cận tử

Khoa học chân chính về nhân thể nên nghiên cứu về toàn bộ cơ thể con người, bao gồm cả thể xác và tinh thần (linh hồn). Thân xác có tuổi thọ, tinh thần cũng có “kỳ hạn.” Khi thân xác chúng ta tử vong chỉ có nghĩa là tuổi thọ đã hết, nhưng tinh thần không nhất định đã kết thúc.

Khoa học về trải nghiệm cận tử chính là nghiên cứu về trạng thái con người trải qua khi họ cận kề tử vong. Một số lượng lớn các báo cáo nghiên cứu chi tiết về trải nghiệm cận tử đã cho thấy rằng những gì con người nghe, nhìn và trải qua trong trải nghiệm cận tử không phải là tưởng tượng hay ảo giác, mà là trải nghiệm chân thực của tinh thần hay ý thức độc lập trong một không gian nhất định.

Một trong những tinh thần cốt lõi của khoa học là không ngừng đi khám phá sự thật với một tinh thần cởi mở. Dựa trên nghiên cứu về trải nghiệm cận tử được thực hiện bởi các khoa học gia trên khắp thế giới, chúng tôi đã tóm tắt lại mười hiện tượng chứng minh một cách không thể chối cãi rằng trải nghiệm cận tử là trải nghiệm có thật.

Bản chất của hiện tượng trải nghiệm cận tử là trải nghiệm của linh hồn con người ở một không gian khác. Nếu muốn hiểu về trải nghiệm cận tử, chúng ta cần thoát khỏi giới hạn “nhìn thấy mới tin” của khoa học thực nghiệm, tiếp nhận những nhận thức mới với thái độ tôn trọng sự thật và thực sự lý tính.

3.1 Linh hồn vẫn tồn tại sau khi chết và có thể rời khỏi cơ thể

Những nghiên cứu về trải nghiệm cận tử đã phát hiện linh hồn vẫn tồn tại sau khi một người tử vong. Vào lúc con người tử vong, linh hồn sẽ rời khỏi thể xác của chúng ta.

Nhà sinh lý học thần kinh người Úc Sir John Carew Eccles cho rằng con người có một “linh hồn” độc lập với bộ não, và “linh hồn” vẫn tồn tại sau khi con người tử vong.

Những người có suy nghĩ như vậy không chỉ có một. Roger Penrose, người đạt giải Nobel Vật lý năm 2020, Tiến sĩ từ Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, kiêm Giáo sư danh dự tại Đại học Oxford [446], cho rằng sau khi con người tử vong, linh hồn sẽ không biến mất, thông tin lượng tử trong nó sẽ không bị phá hủy, linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại ở “dạng lượng tử,” nó sẽ rời khỏi cơ thể và quay trở lại vũ trụ.

3.2 Trải nghiệm cận tử là trải nghiệm chân thực của linh hồn ở một không gian khác

Trải nghiệm cận tử là trải nghiệm chân thực của linh hồn ở một không gian khác. Đây là bằng chứng chứng tỏ những không gian khác có tồn tại, vật lý học hiện đại cũng có bằng chứng cho sự tồn tại của những không gian khác. Hiện nay vật lý học đã đưa ra các khái niệm về không gian đa chiều [447] và các vũ trụ song song [448]. Người ta cho rằng vũ trụ của chúng ta chỉ là một trong nhiều vũ trụ song song, mỗi vũ trụ có thể có các quy luật và tính chất vật lý khác nhau, giống như một mạng lưới đa vũ trụ và đa chiều vô tận; khi linh hồn của chúng ta rời khỏi cơ thể, nó sẽ đi vào những mạng lưới đa vũ trụ và đa chiều rộng lớn hơn này.

Các chiều không gian khác thực sự tồn tại đồng thời với thế giới mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường. Không gian khác là một không gian vô cùng rộng lớn, có ánh sáng, cây cối, hoa lá và các sinh vật sống khác, màu sắc sặc sỡ và tươi sáng hơn, ở đó có Thần và cũng có thể có những “người” đã khuất. Ngoài ra, khái niệm thời gian trong không gian khác cũng khác với thời gian trên Trái Đất của chúng ta, có thể nhanh chóng hoàn thành việc nhìn lại toàn cảnh cuộc đời trong thế giới này.

Trong trải nghiệm cận tử, sau khi linh hồn rời khỏi cơ thể, nó có thể thể hiện ra những khả năng phi thường như thị giác siêu thường, tầm nhìn toàn cảnh, công năng dao thị, v.v.; Hơn nữa, trí tuệ của con người ở các không gian khác rất rộng mở, dường như họ có thể ngay lập tức hiểu được rất nhiều bí ẩn thâm sâu và phức tạp của vũ trụ.

3.3 Trải nghiệm cận tử cho thấy thuyết tiến hóa và thuyết vô thần là sai lầm

Trải nghiệm cận tử cho thấy sau khi thể xác tử vong, tinh thần và linh hồn của con người vẫn bất diệt; tinh thần có thể thể hiện bản chất của sinh mệnh tốt hơn so với thân thể vật chất. Nếu muốn khám phá nguồn gốc của sinh mệnh và chủng loài, chúng ta phải bắt đầu từ tinh thần và linh hồn. Đây là lĩnh vực mà giả thuyết tiến hóa của Darwin không thể và sẽ không bao giờ chạm tới được.

Đối tượng nghiên cứu của khoa học trải nghiệm cận tử là linh hồn, nó đã vượt ra ngoài phạm vi nghiên cứu thông thường của khoa học thực nghiệm. Vậy nên, ý tưởng nghiên cứu và tầm nhìn khoa học phải đồng thời vượt qua những hạn chế của khoa học hiện tại thì mới có thể đạt được những tiến triển mang tính thực chất. Linh hồn nhìn thấy sự tồn tại của Chúa trong trải nghiệm cận tử, điều đó đã đủ để chứng minh rằng “thuyết vô thần” và “thuyết tiến hóa” là sai lầm.

Mặc dù một số người trong cộng đồng khoa học, vì bị ảnh hưởng bởi tư duy của thuyết tiến hóa và thuyết vô thần, họ luôn có thói quen muốn sử dụng các lý thuyết khoa học thực nghiệm để giải thích trải nghiệm cận tử, cố gắng tránh né sự tồn tại của các chiều không gian khác, sự tồn tại của các vị Thần và sự tồn tại của những khả năng đặc biệt của con người được bộc lộ qua trải nghiệm cận tử, nhưng dù có làm gì đi chăng nữa, họ cũng không thể xóa bỏ sự thật rằng những chuyện này thực sự tồn tại.

Nghiên cứu về trải nghiệm cận tử đã mở ra cánh cửa cho chúng ta khám phá thế giới của linh hồn. Những trường hợp về trải nghiệm cận tử cho chúng ta biết rằng một số linh hồn có thể quay trở lại thể xác, còn những linh hồn không trở lại thể xác thì đã đi đâu? Chúng tôi sẽ thảo luận về điều này trong bài viết tiếp theo.

✍️ Mục lục: Nhìn thấu Thuyết Tiến Hóa  👉  Xem tiếp


Tài liệu tham khảo:

  1. van Lommel, P., van Wees, R., Meyers, V., & Elfferich, I. (2001). Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands. Lancet (London, England), 358(9298), 2039–2045.https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8
  2. Britannica, The Editors of Encyclopaedia. “near-death experience”. Encyclopedia Britannica, 9 Jun. 2023, https://www.britannica.com/topic/near-death-experience. Accessed 31 July 2023.
  3. Britannica, The Editors of Encyclopaedia. “brain death”. Encyclopedia Britannica, 25 Jul. 2023, https://www.britannica.com/science/brain-death. Accessed 13 August 2023.
  4. Pallis, Christopher A.. “death”. Encyclopedia Britannica, 20 May. 2023, https://www.britannica.com/science/death. Accessed 1 August 2023.
  5. Nahm, M. (2016). Albert Heim (1849–1937): The Multifaceted Geologist Who Influenced Research Into Near-death Experiences and Suggestion Therapy. EXPLORE, 12(4), 256-258.https://doi.org/10.1016/j.explore.2016.04.007https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/j.explore.2016.04.007
  6. Carl Jung. Also known as: Carl Gustav Jung.Swiss psychologist. Written by Frieda Fordham, Michael S.M. Fordham, Fact-checked by The Editors of Encyclopaedia Britannica. Last Updated: Jul 22, 2023.https://www.britannica.com/biography/Carl-Jung
  7. Carl Jung Quotes.https://quotefancy.com/quote/782383/C-G-Jung-What-happens-after-death-is-so-unspeakably-glorious-that-our-imagination-and-our
  8. Erlendur Haraldsson, Karlis Osis. At the Hour of Death: A New Look at Evidence for Life After Death. Collector’s Library of the Unknown. 219 pages, Kindle Edition. Published on October 8, 2012 by White Crow Books. ISBN: 9781908733283.https://www.goodreads.com/book/show/18894208-at-the-hour-of-death
  9. Raymond A. Moody Jr., Elisabeth Kübler-Ross (Foreward), Melvin Morse (Preface). Life After Life: The Investigation of a Phenomenon – Survival of Bodily Death. 175 pages, First Published November 1, 1975. Republished on January 1, 2001 by Harpers, Paperback(2001). ISBN 9780062517395 (ISBN10: 0062517392)https://www.goodreads.com/book/show/59598.Life_After_Lifehttps://libgen.fun/book/index.php?md5=DD1B1CDF7F2F8D0448017A0DD285F380#
  10. IANDS FACT SHEET. Last Updated: Thursday, 16 March 2023 20:05. https://iands.org/about/about-iands27/fact-sheet.html. Accessed 2023-08-01.
  11. Gallup, G., and Proctor, W. (1982). Adventures in immortality: a look beyond the threshold of death. New York, McGraw Hill. https://digital.library.unt.edu/ark:/67531/metadc799071/m2/1/high_res_d/vol2-no2-160.pdf. Accessed 2023-08-01.
  12. JOURNAL OF NEAR-DEATH STUDIES. The Journal of Near-Death Studies (JNDS) is the only peer-reviewed scholarly journal (ISSN 0891-4494) dedicated exclusively to the field of near-death studies. https://www.iands.org/research/publications/journal-of-near-death-studies.html. Accessed 2023-08-01.
  13. Near Death Experience Research Foundation,NDERF. https://www.nderf.org/ Accessed 2023-08-09.
  14. Jeffrey Long, Paul Perry. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. Published January 19, 2010 by HarperOne. ISBN: 9780061452550 (ISBN10: 0061452556)https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  15. Long, J. (2014). Near-Death Experiences Evidence for Their Reality. Missouri Medicine, 111(5), 372-380.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6172100/
  16. Parnia, S., Post, S. G., Lee, M. T., Lyubomirsky, S., Aufderheide, T. P., Deakin, C. D., Greyson, B., Long, J., Gonzales, A. M., Huppert, E. L., Dickinson, A., Mayer, S., Locicero, B., Levin, J., Bossis, A., Worthington, E., Fenwick, P., & Shirazi, T. K. (2022). Guidelines and standards for the study of death and recalled experiences of death–a multidisciplinary consensus statement and proposed future directions. Annals of the New York Academy of Sciences, 1511(1), 5–21.https://doi.org/10.1111/nyas.14740
  17. 1976年唐山大地震罹难幸存者中濒死体验的研究。《中华神经精神科杂志》1992,25(4):222-225.https://rs.yiigle.com/CN11214619922504/705218.htm
  18. 打开生死之门;作者:琴‧芮特旭/Jean Ritchie;出版社:陕西人民教育出版社;原作名:Death’s Door;译者:徐和平;出版年:1998-10;页数:273;定价:16.00;装帧:平装;ISBN: 9787541816222。https://book.douban.com/subject/1066503/
  19. Jean Ritchie. Death’s Door: True Stories of Near Death Experiences. Format 320 pages, Paperback. Published on December 2, 1994 by Michael O’Mara Books. ISBN 9781854797353 (ISBN10: 1854797352).https://www.goodreads.com/book/show/28806179-death-s-door
  20. 天堂印象:100个死后生还者的口述故事;Author 杨敏;Compiled by 逢尘;外文出版社,1999;ISBN 7119023667, 9787119023663,392 pages。https://books.google.com/books/about/%E5%A4%A9%E5%A0%82%E5%8D%B0%E8%B1%A1.html?id=SrsUAAAACAAJhttps://issuu.com/xiuxiuebook/docs/_____________100___________________
  21. van Lommel, P., van Wees, R., Meyers, V., & Elfferich, I. (2001). Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands. Lancet (London, England), 358(9298), 2039–2045.https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8
  22. Parnia, S., Spearpoint, K., de Vos, G., Fenwick, P., Goldberg, D., Yang, J., Zhu, J., Baker, K., Killingback, H., McLean, P., Wood, M., Zafari, A. M., Dickert, N., Beisteiner, R., Sterz, F., Berger, M., Warlow, C., Bullock, S., Lovett, S., McPara, R. M., … Schoenfeld, E. R. (2014). AWARE-AWAreness during REsuscitation-a prospective study. Resuscitation, 85(12), 1799–1805.https://doi.org/10.1016/j.resuscitation.2014.09.004
  23. 1976年唐山大地震罹难幸存者中濒死体验的研究。《中华神经精神科杂志》1992,25(4):222-225.https://rs.yiigle.com/CN11214619922504/705218.htm
  24. John, E. R., Prichep, L. S., Kox, W., Valdés-Sosa, P., Bosch-Bayard, J., Aubert, E., Tom, M., di Michele, F., & Gugino, L. D. (2001). Invariant reversible QEEG effects of anesthetics. Consciousness and cognition, 10(2), 165–183. https://doi.org/10.1006/ccog.2001.0507https://sci-hub.st/10.1006/ccog.2001.0507
  25. Greyson B, Kelly EW, Kelly EF. Explanatory models for near-death experiences. In: Holden JM, Greyson B, James D, editors. The Handbook of Near-Death Experiences: Thirty Years of Investigation. Santa Barbara, CA: Praeger/ABC-CLIO; 2009. p. 226. https://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=i5JxDwAAQBAJ&oi=fnd&pg=PP1&ots=RNt5cH47tG&sig=fuvtqfchZiLmWvqIX0LllZ2j9BM#v=onepage&q&f=false Accessed on August 3, 2023.
  26. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 98.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  27. Long, J. (2014). Near-Death Experiences Evidence for Their Reality. Missouri Medicine, 111(5), 372-380.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6172100/
  28. 1976年唐山大地震罹难幸存者中濒死体验的研究。《中华神经精神科杂志》1992,25(4):222-225.https://rs.yiigle.com/CN11214619922504/705218.htm
  29. Long, J. (2014). Near-Death Experiences Evidence for Their Reality. Missouri Medicine, 111(5), 372-380.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6172100/
  30. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. pp. 74–78.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  31. van Lommel, P., van Wees, R., Meyers, V., & Elfferich, I. (2001). Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands. Lancet (London, England), 358(9298), 2039–2045.https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8
  32. Parnia, S., Spearpoint, K., de Vos, G., Fenwick, P., Goldberg, D., Yang, J., Zhu, J., Baker, K., Killingback, H., McLean, P., Wood, M., Zafari, A. M., Dickert, N., Beisteiner, R., Sterz, F., Berger, M., Warlow, C., Bullock, S., Lovett, S., McPara, R. M., … Schoenfeld, E. R. (2014). AWARE-AWAreness during REsuscitation-a prospective study. Resuscitation, 85(12), 1799–1805.https://www.resuscitationjournal.com/article/S0300-9572(14)00739-4/fulltexthttps://sci-hub.st/https://www.resuscitationjournal.com/article/S0300-9572(14)00739-4/fulltext
  33. Kenneth Ring and Sharon W. Cooper. Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind: A Study of Apparent Eyeless Vision. Journal of Near-Death Studies 1997; 16: 101-147.https://api.semanticscholar.org/CorpusID:39039808
  34. Ring K, Cooper S. Mindsight: Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind. Palo Alto, CA: William James Center for Consciousness Studies, Institute of Transpersonal Psychology; 1999.https://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=4Is1OBhADfYC&oi=fnd&pg=PT39&ots=e4M0zXo-g7&sig=YcXbhYrlYLETnwaksmUUFwTohho#v=onepage&q&f=false
  35. Kenneth Ring and Sharon W. Cooper. Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind: A Study of Apparent Eyeless Vision. Journal of Near-Death Studies 1997; 16: 101-147.https://api.semanticscholar.org/CorpusID:39039808
  36. NDEs Reflect Biblical Accounts of Heaven: Pastor | Mysteries of Life (S1, E2). By NTD Original. Mysteries of Life. April 1, 2023. https://www.ntd.com/ndes-reflect-biblical-accounts-of-heaven-pastor-mysteries-of-life-s1e2_909992.html From 3’15 to 3’55.
  37. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 143-150.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  38. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 143-150.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  39. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 166.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  40. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 111. https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  41. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 98.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  42. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 133.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  43. Long, J. (2014). Near-Death Experiences Evidence for Their Reality. Missouri Medicine, 111(5), 372-380.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6172100/
  44. Jeffrey Long, Paul Perry. God and the Afterlife: The Groundbreaking New Evidence for God and Near-Death Experience. First edition. | New York, NY: HarperOne,[2016].https://www.breathebook.info/d/201102
  45. Kenneth Ring and Sharon W. Cooper. Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind: A Study of Apparent Eyeless Vision. Journal of Near-Death Studies 1997; 16: 101-147.https://api.semanticscholar.org/CorpusID:39039808
  46. Kenneth Ring and Sharon W. Cooper. Near-Death and Out-of-Body Experiences in the Blind: A Study of Apparent Eyeless Vision. Journal of Near-Death Studies 1997; 16: 101-147.https://api.semanticscholar.org/CorpusID:39039808
  47. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 143-150.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  48. Jeffrey Long, Paul Perry. God and the Afterlife: The Groundbreaking New Evidence for God and Near-Death Experience. First edition. | New York, NY: HarperOne,[2016].https://www.breathebook.info/d/201102
  49. Long J, Perry P. Evidence of the Afterlife: The Science of Near-Death Experiences. New York, NY: HarperCollins; 2010. p. 143-150.https://www.difa3iat.com/wp-content/uploads/2014/08/Jeffrey_Long_Paul_Perry_Evidence_of_the_AfterliBookZZ.org_.pdf
  50. Jeffrey Long, Paul Perry. God and the Afterlife: The Groundbreaking New Evidence for God and Near-Death Experience. First edition. | New York, NY: HarperOne,[2016].https://www.breathebook.info/d/201102
  51. van Lommel, P., van Wees, R., Meyers, V., & Elfferich, I. (2001). Near-death experience in survivors of cardiac arrest: a prospective study in the Netherlands. Lancet (London, England), 358(9298), 2039–2045.https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8; https://sci-hub.st/https://doi.org/10.1016/S0140-6736(01)07100-8
  52. Jeffrey Long, Paul Perry. God and the Afterlife: The Groundbreaking New Evidence for God and Near-Death Experience.https://www.breathebook.info/d/201102
  53. Ned Dougherty (Author). Fast Lane to Heaven: A Life-After-Death Journey Paperback – September 1, 2002. Publisher: Hampton Roads Publishing; Revised edition (September 1, 2002). Language: English. Paperback: 304 pages. ISBN-10: 1571743367.https://www.amazon.com/Fast-Lane-Heaven-Life-After-Death-Journey/dp/1571743367http://library.lol/main/303E52E0A19D851C705FE0FB952B70B1
  54. Anita Moorjani (Author). Dying To Be Me: My Journey from Cancer, to Near Death, to True Healing Paperback – September 1, 2014. Publisher: Hay House; 1st edition (September 1, 2014). English. 216 pages. ISBN-10: 1401937535ISBN-13: 978-1401937539.https://cloudflare-ipfs.com/ipfs/bafykbzaceb7223v63pq6ity4bdinkquajg4nxazs3udnq5mnygh3z74lxckn4?filename=Anita%20Moorjani%20-%20Dying%20to%20be%20me%20_%20my%20journey%20from%20cancer%2C%20to%20near%20death%2C%20to%20true%20healing-Hay%20House%20%20%282012%29.pdf
  55. Eben Alexander. EBEN ALEXANDER III MD.http://ebenalexander.com/about/.
  56. LESLIE KAUFMAN. 《神经外科医生讲述濒死经历》 2012年12月19日https://cn.nytimes.com/culture/20121219/c19afterworld/zh-hant/
  57. Alexander, Eben. Proof of heaven: a neurosurgeon’s journey into the afterlife. 2013. Waterville, Maine: Thorndike Press, a part of Gale, Cengage Learning. ISBN: 9781410458803.https://libgen.fun/book/index.php?md5=C3BEC4A7B9F86001202724A2A9099219
  58. Alexander, Eben. Proof of heaven: a neurosurgeon’s journey into the afterlife. 2013. Waterville, Maine: Thorndike Press, a part of Gale, Cengage Learning. ISBN: 9781410458803.https://libgen.fun/book/index.php?md5=C3BEC4A7B9F86001202724A2A9099219
  59. Neal, Mary C. To heaven and back: a doctor’s extraordinary account of her death, heaven, angels, and life again: a true story. Publisher: The Doubleday Religious Publishing Group; Waterbrook Press. City: Colorado Springs, Colorado. Year: 2011, 2012. Edition: 1st Waterbrook Press edition. Language: English. Pages: 222. SBN: 9780307731715, 0307731715, 978-0-9848192-1-8, 0984819215,http://library.lol/main/31D546F52E21276DD0D56F2CC3C5ECD7https://libgen.fun/book/index.php?md5=31D546F52E21276DD0D56F2CC3C5ECD7
  60. My Story. https://www.drmaryneal.com/about
  61. MLA style: Roger Penrose – Facts – 2020. NobelPrize.org. Nobel Prize Outreach AB 2023. Mon. 31 Jul 2023.https://www.nobelprize.org/prizes/physics/2020/penrose/facts/
  62. George F. R. Ellis. Does the Multiverse Really Exist? Proof of parallel universes radically different from our own may still lie beyond the domain of science. Scientific Americian. December 1, 2015.https://www.scientificamerican.com/article/does-the-multiverse-really-exist1/
  63. Alexander Vilenkin, Max Tegmark. The Case for Parallel Universes. Why the multiverse, crazy as it sounds, is a solid scientific idea. Scientific Americian. July 19, 2011.https://www.scientificamerican.com/article/multiverse-the-case-for-parallel-universe/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *