Bí Kíp Thiền TôngSách Thiền TôngTinh hoa Đạo Phật

Quyển 05: Khai thị Thiền Tông

✍️ Mục lục: Khai thị Thiền Tông

Ngài Ca Chiên Diên lại thưa hỏi tiếp:

– Kính bạch Đức Thế Tôn; vì sao đời Mạt Thượng pháp mà lại có rất nhiều người nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai?

Đức Phật dạy Ngài Ca Chiên Diên:

Vì vào thời Mạt Thượng pháp, trí khôn loài Người rất cao, như:
– Nhiều bệnh ngặt nghèo họ chữa trị rất dễ dàng.

Đi lại của họ:
– Trên không: Như chim.
– Dưới nước: Như cá.
– Trên mặt đất: Di chuyển nhanh gấp mấy chục lần những loài chạy nhanh hiện nay.
– Khí cụ đấu tranh: Họ chế ra những khí cụ giết người hằng loạt. Một cái ấn nút, có thể giết chết cả vạn người!

Đức Phật dạy thêm:

– Vì đầu óc họ quá thông minh, nên họ có cái nhìn hết sức thực tế và khoa học. Những Đạo giáo hiện nay nơi cõi Ta bà này đến lúc đó không còn thích hợp nữa, kể cả các giáo pháp của Như Lai dạy các ông tu lúc ban đầu. Duy nhất, chỉ còn Pháp môn Thanh Tịnh Thiền là phù hợp với loài Người vào thời kỳ ấy mà thôi.

Vì sao Thanh Tịnh Thiền còn phù hợp?
Vì Thanh Tịnh Thiền là chân thật trong Càn khôn Vũ Trụ này, vì nó là tự nhiên như vậy, không bị cuốn hút của Vật lý Trần gian, nên không nhân mà cũng không quả. Vì vậy, được gọi là Chân Như tức là cái Như Như chân thật.

Ngài Ca Chiên Diên lại trình thưa và hỏi tiếp:

– Kính bạch Đức Thế Tôn: Như vậy môn Thanh Tịnh Thiền của Như Lai dạy sau cùng nơi núi Linh Sơn, đến thời Mạt Thượng pháp có còn chăng?

Đức Phật dạy:

– Này ông Ca Chiên Diên: Đến đời Mạt Thượng pháp, ở tại “Đất Rồng” có một người xuất gia và một người tại gia, hai người này nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai.

Người xuất gia có duyên lớn, nên vị ấy phổ biến Nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai rất rộng rãi, cất nhiều Chùa mang phong cách Thiền Tông, nhưng số người nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh không có là bao.

Vì sao vậy?
Vì những người nghe Mạch nguồn Thiền họ cũng đến nghe, họ nghe vì tính hiếu kỳ, chứ không phải đến nghe để nhận ra Phật tánh của chính họ, có một số lớn người đến không phải để tìm hiểu Giác Ngộ và Giải Thoát, mà đến nghe để khoe mình là đệ tử của vị thầy ấy. Do đó, Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai dạy họ không thể nào nhận được.

Còn người tại gia: Có duyên nhỏ, người này cũng nhận được Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai có phần sâu sắc và rõ ràng hơn. Người này tuy không xuất gia, tự mình xây lên một ngôi Chùa mang phong cách Thiền, dám đề hiệu là Thiền Tông, tức nói thẳng đến chỗ sâu mầu Pháp môn Thiền Thanh Tịnh mà Như Lai dạy nơi núi Linh Sơn. Người này bị sự chống đối dữ dội của không biết bao nhiêu người khác, nhưng sau cùng người này cũng được toại nguyện.

Đặc biệt, người tại gia này, dám bỏ ra một số tiền lớn của mình để xây dựng lên một tiểu Linh đài, lấy danh hiệu là Thiền Tông Phật đài. Trên đỉnh Thiền Tông ây, thiết kế một Linh Sơn Hội Thượng Phật, mô tả lại nơi núi Linh Sơn mà Như Lai dạy nơi kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Người này phổ biến Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai bằng văn viết, nên dễ len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn của nhiều người. Vị ấy biết: Nếu phổ biến ở các Chùa thì ít người nhận.

Vì sao vậy?
Vì vào đời Mạt Thượng pháp, các Chùa không tu theo lời dạy của Như Lai, mà tu theo lời nguyền của Ma Vương. Do đó, ở Chùa Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai dạy không phát huy được. Người tu theo Đạo của Như Lai, không làm theo lời dạy của Như Lai để vượt ra ngoài Tam Giới để vào chỗ vô sanh, họ đem mê tín dị đoan vào nơi Chùa chiền để mê hoặc người khác. Do đó, những người tu trong Chùa họ lo bày chuyện này, làm chuyện nọ, cốt yếu là làm sao có nhiều người đến cúng tiền cho họ là được. Còn các Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, bị những người trong Chùa mê hoặc nên họ cũng tin và làm theo. Hơn nữa, vào thời kỳ đó, người tu theo Đạo của Như Lai họ thích địa vị trong xã hội hơn, còn ý sâu mầu của Đạo Giải Thoát họ lại không thích. Vì vậy, họ biến Chùa chiền làm nơi kinh doanh để kiếm tiền.

Biết được như vậy, người tại gia quyết định phổ biến Mạch nguồn Thiền bằng văn viết, vì văn viết mới len lỏi vào được nhiều lớp người không thích đến Chùa.

Vì vậy, người giàu sang đọc được, người nghèo khổ đọc được, người chức trọng quyền cao đọc được, kể cả người không tin Đạo Phật cũng đọc được. Nói tóm lại, dù ở đẳng cấp nào trong xã hội cũng đọc được, cộng với người ấy viết văn một cách rất dễ hiểu, ai chịu khó nghiền ngẫm chắc chắn nhận ra ý sâu mầu mà Như Lai dạy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Sau đây là bảy dòng văn chỉ thẳng Phật tánh của Như Lai dạy trên núi Linh Sơn, sau này được các vị Tổ Thiền Tông lập lại, người này cũng nhận ra.
Bảy dòng văn ấy như sau:

– Chánh pháp nhãn tạng.
– Niết Bàn diệu tâm.
– Pháp môn mầu nhiệm.
– Không qua văn tự.
– Truyền ngoài giáo lý.
– Chỉ thẳng tâm Người.
– Thấy Tánh thành Phật.

Nhờ người này, Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh của Như Lai sẽ chảy khắp nơi ở cõi Ta bà này. Số người nếm được mùi vị tuyệt diệu của Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh không thể nào đếm hết được. Nhờ đó, những người thực hành được: Tâm Thanh Tịnh, rỗng lặng, hằng tri, vượt ra ngoài Tam Giới rất nhiều.

Ngài Ca Chiên Diên lại trình thưa hỏi tiếp:

– Kính bạch Đức Thế Tôn: Mạch nguồn Thanh Tịnh Thiền chảy vào những nước lớn ở phương Đông, sao các nước lớn không nhận được mà phải đợi chảy đến “Nước Rồng” mới có người nhận, “Nước Rồng” là nước nhỏ ở phương Nam chẳng lẽ lại có duyên lớn như vậy sao?

Đức Phật dạy:

– Này ông Ca Chiên Diên: Như các ông thấy đó, giáo pháp Như Lai dạy ở cõi Ta bà này, căn bản có 3 Pháp môn tu, để đáp ứng cho 5 hạng người như sau.

Một: Thiền quán, tưởng: Dành riêng cho những người thích hiện tượng lạ.
Hai: Thiền nghi, tìm: Dành riêng cho những người thích tìm kiếm những bí ẩn trong vạn vật.
Ba: Thiền Thanh Tịnh: Dành riêng cho những ai muốn Giác Ngộ Giải Thoát, trở về “Quê hương cũ” của chính mình.

Ngoài ra, Như Lai có dạy ẩn ý cho những ai thích huyền bí trong cõi này: bằng cách niệm Mật chú. Người tu niệm Mật chú này, khi thực hành, sẽ có những hiện tượng rất kỳ đặc, do Vật lý Trần gian này hiển hiện ra!

Như Lai nói rõ: Những hiện tượng này là những thứ dành riêng cho những người ham thích linh thiêng! Vì những hiện tượng ấy là cái bóng do người tu tưởng tượng ra đó mà thôi!

Như Lai có nói đến cảnh giới Đức Phật A Di Đà: Cảnh giới này dành riêng cho những người ham muốn cảnh đẹp, thích đi chu du nhiều nơi, nên Như Lai nói cảnh ấy rất xa. Mục đích của Như Lai là muốn cho những người tu niệm Phật, niệm cho đến khi nào vô niệm là thấy cảnh giới Đức Phật A Di Đà. Vì thích cảnh giới ấy, nên họ niệm đến khi vô niệm. Họ đâu biết rằng: Khi họ niệm được vô niệm, tức khắc, họ được “Rơi vào Bể tánh Thanh Tịnh Phật tánh”, cũng có nghĩa là họ về đến “Quê xưa”. Tới đây họ mới biết mình được Như Lai dùng phương tiện độ họ.

Đây là căn bản suốt đời Như Lai dạy ở cõi Ta bà này. Như các ông biết: Các người đầu tiên đến học với Như Lai, Như Lai mới dạy vài Pháp môn Thiền quán tưởng, họ quán tưởng được thành tựu vội truyền bá Pháp môn đó. Do vậy, không nắm hết lời dạy của Như Lai, nên Mạch nguồn Thiền Thanh Tịnh họ không thể nào họ biết được.

Ngài Ca Chiên Diên hết sức vui mừng đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.

Video (Trích đoạn)

✍️ Mục lục: Khai thị Thiền Tông 👉  Xem tiếp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *