Trở về từ Xứ Tuyết
✍️ Mục lục: Trở về từ Xứ Tuyết
Chương II:
Từ ngàn xưa đã có các bậc giáo chủ xuất hiện trong những thời điểm quan trọng để hướng dẫn nhân loại. Lịch sử đã ghi nhận những nền tôn giáo cổ với những giáo chủ mà ngày nay không mấy ai biết đến, vì những lời dạy bảo của họ chỉ còn sót lại trong các truyền thuyết mơ hồ. Hiện nay, người ta thường nói đến Đức Krishna của Ấn giáo, Đức Thích Ca của Phật giáo, Đức Jesus của Thiên Chúa giáo, vì các ngài gần với chúng ta hơn và những lời dạy bảo của các ngài vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, ngoài những đấng cao cả đó còn biết bao các thánh nhân, hiền triết khác, hoặc trực tiếp học hỏi với các đấng giáo chủ đó, hoặc gián tiếp qua sách vở của các ngài để lại, đang theo gương các ngài để hướng dẫn nhân loại. Một số những người này hoạt động âm thầm, chỉ thu nhận một vài học trò để dạy đạo, chứ không xuất đầu lộ diện hay tuyên bố cho người đời biết họ là ai. Họ là những người đang gìn giữ kho tàng tâm linh của nhân loại và sự có mặt của họ trên thế gian là bằng chứng xác đáng về giá trị của những chân lý trong vũ trụ mà chúng ta vô tình không để ý đến.
Trong đời sống hiện nay, kẻ có lòng tin thì ít mà người ngờ vực thì nhiều, đề cập đến sự hiện diện của các hiền triết ẩn danh này chỉ gây bàn cãi sôi nổi, không ích lợi gì nên dù biết, chẳng mấy ai muốn nói ra. Tuy nhiên đã đến lúc tôi thấy cần phải lên tiếng về những người này và lời dạy bảo của các ngài với mục đích phục hồi giá trị đạo đức tâm linh trong thời buổi xã hội quá chú trọng về vật chất và coi nhẹ những truyền thống tâm linh hiện nay. Nhân danh khoa học, một số người đã đề xướng những lý thuyết viển vông, gây đau khổ cho con người. Để cổ xúy cho trào lưu tiến bộ một cách cực đoan, những người đó đã phủ nhận các truyền thống tâm linh cao quý và thay thế bằng các học thuyết vô thần. Trong chuyến du hành lên Tuyết Sơn, tôi đã gặp một số hiền triết, những người có trình độ hiểu biết thâm sâu hơn chúng ta. Với lòng thành kính, tôi đã hỏi bằng cách nào mà các ngài đã đạt đến trình độ như thế thì các ngài đều trả lời rằng cách đây không lâu, các ngài cũng ở mức độ tiến hóa như chúng ta hiện nay và với công phu tu tập chuyên cần thì một ngày kia, chúng ta sẽ tiến tới mức độ như các ngài. Câu trả lời giản dị này là bằng chứng hùng hồn về kết quả của công phu tu tập tâm linh. Từ trước đến nay, nhiều người đã quan niệm sai lầm rằng các đấng cao cả phải là những siêu nhân xuất phát từ một chốn nào đó, khác hẳn chúng ta, chứ ít ai tin rằng các ngài đều là người như chúng ta, và với công phu tu tập, một ngày kia chúng ta có thể tiến tới trình độ như các ngài vậy.
Tất cả các hiền triết mà tôi gặp đều không có gì lạ thường cả. Ngoài diện mạo ung dung và cử chỉ điềm đạm, họ không khác người thường bao nhiêu nhưng một khi đã gặp thì ai cũng biết rằng họ đang đứng trước những con người phi thường bởi những rung động thanh cao phát ra từ các ngài. Phần lớn các vị này đều ít nói, có lẽ các ngài chỉ lên tiếng khi có một mục đích nhất định nào đó. Tuy nhiên hầu hết đều có hảo ý và sở hữu một tinh thần hài hước dồi dào; phải nói thêm rằng sự hài hước ở đây không có tính cách mua vui nhưng là một tấm lòng đầy thiện cảm, không đụng chạm đến người khác, mà chỉ để làm nhẹ bớt những nỗi băn khoăn, lo lắng của họ mà thôi.
Vì các hiền triết này ẩn cư trên Tuyết Sơn nên nhiều người cho rằng các ngài phải là người Ấn Độ hay Tây Tạng; nhưng điều này đều không đúng vì tôi đã gặp nhiều vị xuất thân từ phương Tây, da trắng, mắt xanh và có mái tóc vàng sẫm. Các ngài đến từ khắp nơi trên thế giới và hoạt động trên một phạm vi rộng lớn, vượt xa tầm hiểu biết của người thường, do đó chúng ta không thể kết luận các ngài có xuất xứ từ một chủng tộc hay quốc gia đặc biệt nào. Có người hỏi tôi tại sao các ngài lại sống trên Tuyết Sơn mà không ở một nơi khác? Nhiều vị đã từng tu tập tại các sa mạc miền Trung Đông, có vị sống trong rừng rậm Nam Mỹ nhưng có lẽ vì Tuyết Sơn có một tiềm lực thần bí và chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử nhân loại nên nhiều người đã tìm đến nơi đây ẩn tu. Điều này không có nghĩa là những nơi khác không có các nhân vật cao cả nhưng có lẽ vì truyền thống tầm sư học đạo và lòng sùng kính các bậc hiền giả của người châu Á mà các ngài đã đến ẩn tu tại đây nhiều hơn nơi khác. khả năng đặc biệt, vượt xa tầm hiểu biết của người thường. Các ngài suy xét mọi vật với quan niệm khác hẳn chúng ta, vì đầu óc các ngài không còn dấu vết gì của sự tham lam, ích kỷ, thường thấy ở đa số người đời. Để đạt đến trình độ này, các ngài đã phải công phu tu tập để loại trừ bản ngã thấp hèn, để có một đời sống cao thượng, không phải cho mình, mà cho tất cả. Các ngài đã đạt đến trình độ hoàn toàn làm chủ thân, khẩu, ý nên không còn sơ sót gì trong hành động, lời nói hay tư tưởng. Một đặc tính biểu hiện rõ nhất của các ngài là sự phát triển hoàn toàn về mọi phương diện. Hầu hết chúng ta đều bất toàn, không mấy ai đạt đến trình độ cao tột trong mọi lĩnh vực. Ngay cả những nhà bác học thông thái nhất cũng chỉ đạt đến một trình độ nào đó, tuy vượt xa người đương thời nhưng không thể gọi là hoàn hảo về mọi phương diện được. Tất cả chúng ta đều có sẵn mầm mống của một số đặc tính; nhưng mỗi người, tùy theo trình độ tiến hóa cá nhân mà các đặc tính này phát triển hay tiềm ẩn. Trái lại, các bậc hiền triết là những người đã phát triển hoàn toàn về mọi phương diện, và đặc biệt hơn nữa là trí tuệ của các ngài vượt xa người thường. Các ngài không sử dụng lý trí thông thường với những lý luận như chúng ta mà sử dụng một thứ trí tuệ siêu việt, có thể hiểu mọi việc một cách tổng quát, sáng suốt rõ ràng. Phần lớn các vị tôi gặp đều có hình dáng bên ngoài rất đẹp. Có thể vì các ngài biết sinh hoạt theo đúng phép dưỡng sinh, không lo lắng, ưu phiền nhưng cũng có thể vì nội tâm các ngài phong phú nên cái sức mạnh nội tại này đã biểu lộ khiến cho hình thể bề ngoài trở nên tốt đẹp hơn. Về sau tôi còn được biết thêm rằng các nghiệp quả xấu của các ngài đã chấm dứt từ lâu nên thể xác của các ngài đã biểu lộ trọn vẹn nguồn sống thiêng liêng vô tận.
Trong các hiền triết tôi đã gặp, đáng kể nhất là ba vị thầy mà tôi mang ơn rất lớn. Đó là hiền triết Morya, hiền triết Kuthumi và hiền triết Djwal Kul. Cả ba vị này đều sống trong một thung lũng nhỏ nằm khuất dưới các đỉnh núi bao la phủ đầy tuyết trắng. Hiền triết Morya và Kuthumi sống trong hai căn nhà ở hai bên sườn núi đối diện nhau, xung quanh có rừng thông xanh rì rào bao phủ và dưới đáy thung lũng có một khe suối, nước trong vắt chảy ngang. Gần đó là một cây cầu xây bằng đá bắc ngang qua suối và một ngôi chùa nhỏ mà thỉnh thoảng dân làng gần đó thường đến đốt hương cầu nguyện. Dọc theo bờ suối là một con đường mòn dài uốn khúc, khi ẩn khi hiện quanh những bụi sơn lựu trổ hoa màu sắc đẹp lạ thường. Vì thung lũng được những rặng núi rất cao bao bọc nên ít ai biết, cho những người Tây Tạng cư ngụ trong làng mạc gần đó thường qua lại lễ Phật tại ngôi chùa dưới đáy thung lũng hoặc một vài vị lạt ma chuyên về dược học, thảo mộc học, biết công dụng của những kỳ hoa dị thảo trong vùng nên tìm đến hái thuốc mà thôi.
Ngôi nhà của hiền triết Kuthumi chia làm hai phần, chính giữa có một hành lang. Bước qua cửa chính là một căn phòng khá lớn, ở giữa đặt một tấm thảm dày mà ngài thường dùng để ngồi thiền. Vì căn phòng có ba mặt là cửa sổ nên ngồi trong phòng, người ta có thể quan sát cảnh vật xung quanh một cách rõ ràng. Cuối phòng đặt một cây dương cầm rất cổ. Phía sau là những kệ sách đóng sát vào vách. Điều làm tôi ngạc nhiên là ngoài những cuốn sách rất cổ được ghi chép bằng tay, còn có một số sách vở cận đại của châu Âu nữa. Hiền triết Kuthumi là một nhà ngôn ngữ học uyên bác, không những nói và viết thông thạo các thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức mà còn có thể nói được nhiều thứ tiếng địa phương.
Trong nhà còn có một bà lão mà ngài gọi bằng chị và hai vợ chồng người lão bộc lo công việc cơm nước, vườn tược và dọn dẹp nhưng họ ít khi tham dự vào những buổi dạy đạo cho các đệ tử của ngài.
Hiền triết Kuthumi hiện thân là một người Bắc Ấn thuộc vùng Kashmir nên nước da trắng như người Âu, tóc dài xõa xuống hai vai, đôi mắt trong sáng đầy vẻ an lạc, râu tóc ngài màu nâu chiếu ánh vàng dưới ánh nắng mặt trời. Ngài có một cốt cách phi thường, khó diễn tả vì toàn thân ngài toát ra một luồng từ điện đầy bác ái khiến bất cứ ai đến gần cũng cảm thấy an lạc không sao kể xiết. Ngài thường ngồi yên lặng, đắm chìm trong trạng thái thiền định. Nếu không biết, người ta có thể nghĩ rằng ngài đang ngắm cảnh, nghe chim hót, hoặc lắng nghe tiếng nước suối róc rách chảy dưới khe; nhưng thật ra ngài đang hoạt động âm thầm bằng cách ban rải những luồng từ điện thanh cao đến muôn loài quanh đó.
Người phương Đông hiểu và kính trọng sự thiền định nên mỗi khi thấy ngài ngồi yên như thế, không ai dám quấy rầy. Người phương Tây hiển nhiên không dễ gì chấp nhận việc một ông thầy suốt ngày chỉ ngồi yên lặng, không nói năng gì như vậy. Đối với họ, một vị thầy giỏi phải là người nói năng lưu loát, hùng hồn, giảng dạy các lý luận cao xa cho học trò bằng những danh từ cao siêu, huyền diệu. Họ không thể hiểu được rằng các vị thầy phương Đông rất ít khi dạy bằng lời mà thường bằng chính bản thân, nếp sống và cách hành xử của họ. Phải chăng vì lý do này mà các vị hiền triết thường thích sống ở phương Đông hơn phương Tây?
Hằng ngày, đệ tử của ngài, hoặc từ trong các làng mạc quanh vùng, hoặc từ miền xa kéo về, đến ngồi ở hàng hiên trước nhà để nghe dạy bảo. Có khi ngài bước ra dạy họ một vài điều, nhưng cũng có khi ngài tiếp tục thiền định nhưng không ai lấy thế làm phiền. Họ sẵn sàng nhận lãnh một nụ cười, một cái nhìn khuyến khích từ ngài và cung kính ngồi yên để thọ lãnh luồng từ điện an lành toát ra từ vị thầy mà họ vô cùng kính mến. Một đôi khi ngài ăn cơm chung với họ, nhưng thường thì ngài dùng cơm một mình trong phòng. Tôi không rõ ngài có tuân theo quy luật của Phật giáo, chỉ dùng cơm trước giờ ngọ hay không, vì suốt trong thời gian sống tại đây, tôi không hề thấy ngài ăn cơm chiều bao giờ. Theo sự nhận xét của tôi, ngài không cần phải ăn mỗi ngày và nếu muốn thì ngài dặn người nhà làm một vài món giản đơn mà thôi. Có khi tôi thấy ngài nhịn ăn cả tháng, song cũng có lúc tôi thấy ngài ăn đều mỗi ngày. Bữa ăn của ngài rất thanh đạm, chỉ vài cái bánh nhỏ, một bát cháo hoặc một đĩa trái cây. Ngài ăn rất chậm, thong thả và luôn luôn thực hành những nghi thức nhất định, trước cũng như sau khi ăn.
Khi cần đi đâu, hiền triết Kuthumi thường cưỡi một con ngựa lông đỏ. Hình như cưỡi ngựa là môn thể dục chính của ngài. Ngài thường đến các làng mạc gần đó, thăm viếng vài ngôi chùa và đàm đạo với các vị sư trong vùng. Có khi hiền triết Morya cùng đi với ngài. Vị này thường cưỡi một con ngựa lông trắng rất đẹp.
Mặc dù hai ngài là những vị thầy cao cả nhất mà tôi được gặp nhưng có lẽ dân
làng quanh đó không biết gì nhiều về các ngài mà chỉ coi các ngài như những nhà quý tộc Tây Tạng rất khoan dung, hiền lành mà thôi.
Hiền triết Morya sống trong một căn nhà xây bằng gạch, có lối kiến trúc độc đáo với hàng hiên khá lớn trước cửa. Ngài có dáng dấp hiên ngang, một thân hình cân đối nảy nở, cặp mắt rất sáng, oai nghiêm, biểu lộ một uy quyền mà người nào nhìn thấy cũng phải kính nể. Tóc ngài đen sẫm xõa xuống tận vai với một bộ râu dài, chẽ ra làm hai phần. Ngài xuất thân là một vị tiểu vương xứ Rajputana thuộc Ấn Độ nên có nét oai nghi như một viên đại tướng. Ngài thường nói những câu ngắn gọn nhưng đầy uy lực khiến người xung quanh phải cung kính hết mực.
Hiền triết Djwal Kul thì sống trong một căn nhà đơn sơ, xây dựa vào một thân cổ thụ rất lớn. Ngài có thân hình nhỏ bé so với hiền triết Kuthumi hay Morya, tôi không rõ ngài là người Tây Tạng hay Ấn Độ. Ngài thường đi đây đó, hoằng pháp độ sinh khắp nơi nên ít khi có mặt trong thung lũng này.
Những vị hiền triết này đã đạt quả vị rất cao nên có thể kéo dài kiếp sống tại thế gian để trực tiếp hướng dẫn chúng sinh. Để thích ứng với mục đích phụng sự này, các ngài vốn là những linh hồn có tiến hóa rất cao, đã lựa chọn những thể xác lành mạnh, những gia đình với huyết thống đặc biệt và săn sóc thể xác rất cẩn thận từ khi nó còn là một mầm sống nằm trong bụng người mẹ. Cũng cần phải nói thêm rằng sự cấu tạo một thể xác là một tiến trình rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn đặc biệt và khi linh hồn chuyển kiếp đầu thai vào một thể xác thì xác thân này sẽ phải chịu ảnh hưởng các nghiệp quả của người đó. Tùy theo nghiệp quả mà thể xác dần dần thay đổi để trở nên thích hợp và phản ảnh phần bên trong, do đó một người biết xem tướng mạo có thể biết tiên đoán được phần nào số mạng của một người như lành dữ, hung cát, đoản mệnh hay thọ mệnh.
Hiển nhiên số mạng con người không bao giờ hoàn toàn nhất định mà thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố xung quanh, do đó người châu Á, nhất là người Tây Tạng đã biết phép hoán cải số mệnh rất đặc biệt. Theo phong tục xứ này, thời gian bảy năm đầu sau khi sinh ra, linh hồn ảnh hưởng rất nhiều đến thể xác và tiếp tục nhồi nắn, thay đổi hình hài cho thích hợp với nghiệp quả của nó. Đây cũng là lúc đứa bé chịu ảnh hưởng rất nhiều của cha mẹ và môi trường xung quanh, do đó cha mẹ có thể giúp đỡ đứa con qua những việc làm có tính cách hướng thiện vào lúc này. Mặc dù không ai biết rõ số phận cá nhân sẽ ra sao nhưng theo truyền thống, trong vòng bảy năm đầu, các gia đình Tây Tạng thường cố gắng bố thí, phóng sinh, cầu nguyện để hồi hướng công đức cho đứa con, tạo ra các thiện duyên, giúp ích cho sự phát triển tâm linh của đứa nhỏ. Có lẽ thế, phần lớn gia đình Tây Tạng nào cũng có khuynh hướng thiên về tâm linh và một phần năm dân số xứ này trở thành tu sĩ.
Theo truyền thống phương Đông, đứa trẻ sinh vào một gia đình là do những liên hệ từ trước chứ không phải ngẫu nhiên nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục cho đứa trẻ nên người là bổn phận hết sức cao quý của bậc làm cha mẹ. Trái lại, truyền thống phương Tây coi việc nuôi dạy con cái như một trách nhiệm mà họ phải làm trong thời gian nào đó. Do đó đa số đều chú trọng đến các điều kiện vật chất mà xao nhãng phần tinh thần. Họ sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn để mua quần áo, đồ chơi cho con cái nhưng ít ai dành thì giờ tìm hiểu xem chúng có khuynh hướng hay khả năng gì. Đa số đều cho rằng phần tinh thần là trách nhiệm của các giáo sĩ và giáo dục là trách nhiệm của các giáo sư. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm về phương diện vật chất như nuôi nấng, ăn mặc mà thôi.
Đây là một thiếu sót lớn, một sự thoái hóa trên phương diện tinh thần vì nó đã hạ thấp thiên chức cha mẹ xuống thành một thứ trách nhiệm trước pháp luật. Vì không chú trọng về luân lý đạo đức nên xã hội phương Tây càng ngày càng nảy sinh ra những con người hung dữ, nóng nảy, lúc nào cũng đòi hỏi đủ thứ. Một xã hội gồm những cá nhân ích kỷ, tham lam như thế sẽ không thể tiến bộ lâu dài được và nếu không có giải pháp cấp thời, trước sau nó cũng sẽ bị đào thải theo luật Tiến hóa chung. Điều này đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ, qua các nền văn minh cổ đã suy tàn mà ngày nay ít ai biết đến.
Đối với các vị hiền triết thì thể xác các ngài chỉ là sự biểu lộ của nguồn sống tiềm ẩn bên trong. Nhờ biết săn sóc nên các ngài có thể duy trì thể xác tráng kiện và sống lâu hơn người thường rất nhiều. Tôi đã gặp nhiều vị trông bề ngoài chỉ trạc tuổi trung niên nhưng sự thật thì đã sống trên một trăm tuổi và có vị đã sống đến hơn hai trăm năm. Một thể xác được cấu tạo để phản ảnh những phần thanh cao như thế rất nhạy cảm và phải được săn sóc cẩn thận, tránh các rung động nặng nề, xấu xa. Có lẽ vì thế các vị thánh nhân, hiền triết thường sống đời ẩn dật, ít khi đặt chân vào những nơi phồn hoa, đô hội. Hiển nhiên việc kéo dài đời sống này có mục đích cao cả chứ không phải sự tham sống, sợ chết như thường thấy ở đa số con người.
Theo sự hiểu biết của tôi, các vị hiền triết đã đạt đạo quả vị rất cao thì nhiều nhưng số người quyết định kéo dài đời sống, ở lại cõi trần một thời gian thì không bao nhiêu. Các ngài nhận lãnh sứ mạng đặc biệt là duy trì kho tàng tâm linh của nhân loại và truyền dạy sự hiểu biết của mình cho một số đệ tử đã được lựa chọn cẩn thận. Tùy căn cơ và trình độ mà các đệ tử này có thể lĩnh hội được nhiều hay ít. Lần đó một đệ tử cho biết cuộc đời của anh đã thay đổi hoàn toàn từ khi được học hỏi các điều cao thượng này thì hiền triết Kuthumi đã nói: “Ta chỉ mới hé mở cho con một phần nhỏ của kho tàng tâm linh thiêng liêng này mà thôi. Tùy theo sự cố gắng và tiến bộ của con mà ta sẽ chỉ dạy cho con thêm nhiều nữa. Những kẻ nào quyết tâm tiến đến gần chân lý thì đường đạo nhiệm mầu sẽ mở ra cho họ”.
Có người hỏi tôi làm cách nào để gặp được các vị thầy cao cả như thế: giữa thầy và trò phải có những nhân duyên với nhau từ trước và tùy theo hạnh nguyện của mỗi cá nhân. Người châu Á có câu: “Thầy nào trò nấy. Một vị thầy chân chính không có đệ tử bất lương, và kẻ tà muội không tìm đến các bậc hiền triết”. Muốn tìm một thầy chân chính thì trước hết chính người đó phải có con tim chân chính và lòng thiết tha cầu đạo chân thành. Người ta chỉ có thể đến với các bậc hiền triết bằng cách trở nên trong sạch, vị tha như các ngài. Họ phải biết thanh lọc bản ngã, quên mình để hiến dâng trọn vẹn cho việc chung như các bậc hiền triết đang làm thì sẽ gặp được các ngài. Điều này có thể giải thích bằng nguyên lý “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Những người cùng nguyện vọng, sở thích sẽ tìm gặp nhau.
Cũng như thế, những kẻ tham lam mong cầu quyền năng thần thông hay những điều huyền hoặc thì chắc chắn sẽ gặp các pháp sư, phù thủy chuyên tu luyện bùa chú, phép thần thông, các trò nhiễu hoặc nhân tâm. Những kẻ lười biếng, ỷ lại, chỉ muốn đạt kết quả mà không cần cố gắng nhiều chắc chắn sẽ gặp các vị thầy tà, bạn ác chuyên lừa bịp, hứa hẹn rất nhiều để trục lợi mà kết quả chẳng đi đến đâu.
Trên thế gian, kẻ ích kỷ tham lam và hiếu kỳ thì nhiều chứ người thành tâm khẩn thiết muốn phụng sự nhân loại lại chẳng có bao nhiêu, nên khi một người thành tâm phát các hạnh nguyện cao thượng thì chắc chắn sẽ cảm ứng đến các vị chân sư, hiền triết ngay. Các vị này sẽ tìm cách hướng dẫn và tạo cơ hội để họ có thể đến được với các ngài. Các hiền triết không quản ngại khó khăn để giúp đỡ một người nào nếu các ngài thấy nơi họ có những triển vọng hữu ích ở tương lai. Các ngài không thiên vị một ai mà chỉ nghĩ đến ích lợi chung và thẩm xét giá trị của từng người đối với công việc hữu ích mà họ muốn làm.
Phụng sự nhân loại là việc lớn, đòi hỏi sự quên mình và rèn luyện nhân cách nghiêm cẩn nên bất cứ ai khi phát nguyện cũng đều gặp thử thách bất ngờ để trắc nghiệm lòng chân thành và ý chí cương quyết của họ. Chỉ khi nào vượt qua những thử thách này thì họ mới được giao phó những việc làm hữu ích. Trên đường đạo, thử thách là một diễn trình rất quan trọng để lọc lựa những người thành tâm và kiên trì. Ước nguyện càng lớn, sự thử thách càng cao và chỉ những người vượt qua được những thử thách này mới xứng đáng được giao phó trách nhiệm cao cả. Do đó, một người hiểu biết không bao giờ dám lập hạnh nguyện quá lớn ngoài sức mình mà phải tự nhận biết khả năng của mình. Sự tự biết mình là căn bản chính trên con đường tinh thần vì những kẻ kiêu căng, tự phụ chỉ thích làm những việc to tát như vá biển lấp trời sẽ không bao giờ đi xa được mà thất bại ngay ở thử thách đầu tiên. Phụng sự nhân loại bắt đầu bằng việc quên mình để lo cho công cuộc chung. Chỉ khi nào có thể tự thanh lọc bản ngã, loại bỏ lòng ích kỷ thì mới có thể góp phần vào việc lớn được. Đây là những việc hết sức vĩ đại vì các đấng cao cả ảnh hưởng đến thế gian bằng những luồng thần lực rất lớn và nếu ta may mắn được dự phần vào việc đó thì hãy tưởng tượng tính cách vĩ đại của nguồn thần lực đó liên hệ đến công việc của ta như thế nào.
Có người hỏi tôi: “Như vậy tôi phải làm gì?”. Theo tôi, chúng ta hãy làm bất cứ việc gì có thể làm trong lúc này để giúp cho sự tiến bộ của nhân loại nói chung, nhưng phải làm với một tình thương rộng lớn, không phân biệt. Dù đó chỉ là một việc tầm thường, nhỏ mọn, nhưng nếu được làm với lòng chân thành để vun trồng các mầm thiện trong tâm thì nó cũng đem lại những lợi ích rất lớn. Một khi chúng ta đã có đầy đủ những đức tính cần thiết thì công việc quan trọng sẽ tự nhiên tìm đến. Tôi còn nhớ đã có lần đặt câu hỏi tương tự với hiền triết Kuthumi thì ngài trả lời: “Con phải tự tìm lấy những việc hữu ích để phụng sự nhân loại, giúp cho mọi người phát triển tình thương rộng lớn, loại bỏ lòng ích kỷ để khỏi rơi vào hố thẳm sa đọa của quá khứ. Nếu ta sai con làm một việc gì đó, ta chắc chắn con sẽ làm ngay, nhưng nếu thế, kết quả việc làm sẽ về tay ta, vì chính ta đã bảo con làm việc đó. Con chỉ được cái nhân tốt của sự biết tuân lời mà thôi. Ta khuyên con hãy tự mình hành động, thấy việc tốt thì làm, thấy việc xấu phải xa lánh. Con hãy hành động một cách tự nhiên, như ăn và ngủ, chứ đừng đắn đo suy nghĩ trước khi làm hầu đạt được kết quả gì đó”.
Tôi thiết nghĩ mọi người trong chúng ta đều có thể áp dụng câu trả lời đó cho chính mình. Chúng ta không nên chờ đợi một ai đó yêu cầu ta làm một việc gì, mà hãy tự tay mình bắt tay vào việc. Hiện nay trên thế giới không thiếu gì những công việc cần phải làm nhưng có lẽ nhiều người chỉ muốn làm những việc to tát lớn lao, đại khái như thành lập một tổ chức từ thiện, đọc diễn văn trước một cử tọa đông đảo, vận động để trở thành người lãnh đạo tổ chức chứ mấy ai chịu làm những việc nhỏ mọn, tầm thường như giúp đỡ người tàn tật, quét dọn lau chùi các nơi thờ phụng thiêng liêng. Thái độ của người đi trên đường đạo không thể như thế được vì họ cần ý thức rõ về hai yếu tố căn bản là “Phát triển nhân cách qua việc thanh lọc bản ngã và mở rộng lòng thương đến tất cả muôn loài một cách tự nhiên, không phân biệt”. Hiền triết Kuthumi nói: “Kẻ nào muốn làm việc với chúng ta phải biết từ bỏ cái thế giới riêng của họ để bước vào thế giới của chúng ta”. Nhiều người đã hiểu lầm và cho rằng họ phải từ bỏ các sinh hoạt hàng ngày để ẩn thân nơi chốn rừng sâu núi thẳm tu hành. Đây là một ngộ nhận rất lớn, vì theo tôi hiểu, phụng sự nhân loại không phải từ bỏ xã hội để lui về ẩn náu một nơi chốn nào, mà là từ bỏ cái thái độ của người thế gian, để áp dụng thái độ của một hiền triết đối với cuộc đời. Đa số mọi người nhìn sự việc xảy ra hàng ngày với quan niệm rằng những việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản thân và quyền lợi cá nhân của họ. Trong khi đó, một bậc hiền triết nhìn những sự việc đó với quan niệm rằng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào cho công cuộc tiến bộ chung của nhân loại. Bất cứ việc gì có tính cách giúp đỡ phát triển cho nhân loại đều đáng khuyến khích, và những gì làm ngăn trở việc này thì cần phải loại bỏ.
Hiển nhiên, đây là một tiêu chuẩn khác xa với những tiêu chuẩn hiện nay của thế gian là chỉ làm những gì có lợi cho cá nhân mình, cho gia đình mình, giúp mình thành công, đem lại cho mình danh vọng, địa vị, tài sản.
Một người đi trên đường đạo phải ý thức rõ điều này và rèn luyện nhân cách để loại bỏ lòng ích kỷ cá nhân và phát triển tình thương rộng lớn, không phân biệt. Chỉ khi nào chúng ta trở nên trong sạch, chân thành thì việc làm của chúng ta mới có thể gọi là chân thành, trong sạch được. Chỉ khi nào chúng ta không còn nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến quyền lợi chung thì việc làm của chúng ta mới có ý nghĩa thực sự và chỉ khi đó, tâm hồn chúng ta mới có thể hòa hợp, cảm thông với sự rung động cao thượng của các bậc hiền triết. Nếu chúng ta hành động, suy nghĩ cùng đường lối với các bậc hiền triết, chúng ta sẽ hiểu các ngài hơn; và càng hiểu rõ các ngài, tư tưởng của chúng ta càng trở nên giống tư tưởng các ngài. Đến lúc đó, chúng ta mới có thể tiến đến gần các ngài qua lời nói, tư tưởng, hành động và tạo những nhân duyên tốt để chúng ta có thể tiếp xúc, học hỏi trực tiếp với các ngài.
Cách đây không lâu, một người đã nói với tôi: “Tôi đã theo đúng lời ông khuyên, chân thành sửa đổi tính tình và làm được nhiều việc cao thượng nhưng sao vẫn chưa thấy dấu hiệu gì là các hiền triết sẽ đến gặp tôi. Tôi muốn trực tiếp học hỏi với các ngài nhưng sao chưa thấy gì cả!”. Tôi không biết gì về ông này hay việc làm của ông ta, nên chỉ khuyên ông cần khiêm tốn, và kiên nhẫn hơn vì đó là bước đầu của người đi trên đường đạo. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, chúng ta làm việc tốt vì đó là việc cần phải làm chứ không phải để đạt một cái gì, dù đó là việc được một hiền triết hướng dẫn. Sự mong cầu được ban thưởng đã khiến cho công việc tốt đẹp đó mất đi giá trị đích thực lúc ban đầu và hạ thấp nó xuống thành một hình thức đổi chác. Các hiền triết chắc chắn không làm công việc trao đổi hay buôn bán với chúng ta như thế. Trong thời buổi hiện nay, tôi thấy nhiều người còn kiêu căng, thích gán cho mình những thành tích lớn. Mỗi khi làm gì là họ quan trọng hóa nó lên để những người xung quanh phải thán phục. Tôi đã gặp nhiều người đến với tôn giáo như một hình thức giải trí, một nơi để cho họ khoe khoang sự thành công hay địa vị trong xã hội và đòi phải được đối xử đặc biệt hơn người. Khi không được thỏa mãn, họ quay ra nói xấu giáo hội, chê bai những người trong đó. Một người đi trên đường đạo phải biết khiêm tốn, chân thành và quán xét nội tâm để biết mình. Biết mình chính là điều căn bản quan trọng nhất trên tiến trình hướng về Chân Lý.
Trong đời sống ngày nay, nhiều người còn tỏ ra thiếu kiên nhẫn, muốn mọi việc phải xảy ra theo ý mình và ngay lập tức. Đây là hậu quả của những căng thẳng thần kinh do áp lực cuộc sống vội vã gây nên. Một người đi trên đường đạo cần biết thực hành những phương pháp làm thư giãn tâm cũng như thân qua việc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Người phương Đông biết rõ hiệu năng của sự nghỉ ngơi nên đã sáng tạo ra những phương pháp thư giãn rất hiệu quả. Tiếc thay, người phương Tây lại xem “thì giờ là tiền bạc” và đặt nặng tầm quan trọng của sự làm việc tối đa. Bản chất của người phương Tây là hiếu động, họ làm việc không ngừng, hết việc này đến việc khác, đầu óc luôn luôn toan tính kế hoạch này nọ.
Ngay cả lúc ngủ họ cũng không hề thực sự nghỉ ngơi mà vẫn suy nghĩ đủ thứ. Có lẽ vì thế xã hội phương Tây đã sản sinh ra đủ các bệnh thần kinh kỳ dị và càng ngày số người mắc bệnh này càng gia tăng. Nếp sống càng vội vã bao nhiêu thì xã hội càng bệnh hoạn, sa đọa bấy nhiêu. Một người mà thần kinh lúc nào cũng căng thẳng như thế sẽ không thể giao tiếp với những rung động thanh cao được. Điều này có thể giải thích qua nguyên lý “đồng thanh tương ứng”.
Những kẻ nóng nảy, vội vã không thể cảm thông được với người điềm đạm, ung dung.
Ngày nay nhiều người còn mắc một thói xấu khác là tính hay giận hờn. Điều này thường xảy ra tại những nơi chốn có tính cách xã hội hay tôn giáo. Tôi thấy nhiều người sẵn sàng bỏ công sức, tiền tài cho những việc tinh thần nhưng chỉ làm việc này theo ý kiến riêng của họ mà thôi. Họ đòi hỏi người khác phải tuân theo ý mình nhưng chính họ lại không chịu hòa mình với kẻ khác. Nếu suy xét cẩn thận, người ta thấy ngay đó chỉ là hình thức tế nhị của lòng thèm khát danh vọng. Đa số cho rằng chỉ riêng họ mới có thể đưa ra những ý kiến lớn lao hay đảm nhiệm các trách nhiệm cao cả này. Rất ít ai ý thức rằng động năng thúc đẩy họ làm việc đó không phải vì lòng thương yêu kẻ khác mà chỉ là sự thúc đẩy của lòng háo danh, thèm muốn chức tước. Có thể họ là những kẻ đã thất bại trên trường đời nên tìm đến các nơi chốn tinh thần để mưu cầu một chút danh vọng hão huyền chi đó. Thay vì lo tu tâm sửa tính thì họ lại lợi dụng các cơ sở tôn giáo như một nơi để họ phô trương bản ngã, để cho mọi người biết họ là ai. Dĩ nhiên họ sẽ gặp thử thách để học bài học về sự khiêm tốn nhưng phần lớn không mấy ai học hỏi được gì. Khi không được như ý, họ liền hờn giận, đổ lỗi cho những người xung quanh. Có kẻ bất mãn còn từ bỏ tôn giáo, đi tìm một tôn giáo khác để thỏa mãn những tham vọng riêng. Sự giận hờn này là một chướng ngại lớn trên đường tu tập tâm linh và cản trở việc gặp gỡ học hỏi với các vị thầy cao cả sau này.
Muốn tiếp xúc với các bậc hiền triết, người tu cần phải có một tinh thần cầu đạo vững chắc và sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh. Ngoài việc học hỏi, tu sửa nội tâm, người ấy còn phải chiến đấu để chống lại áp lực của dư luận bên ngoài. Danh từ Thiên Chúa giáo gọi là “sự cám dỗ”, nghĩa là những áp lực phát xuất từ thành kiến và điều kiện xã hội xung quanh. Trong thời văn minh hiện nay, hàng triệu con người chỉ nghĩ đến việc thụ hưởng các tiện nghi mà đời sống vật chất đem lại. Luồng tư tưởng ích kỷ này rất mạnh, có sức lôi cuốn hay chi phối những người có tâm hồn yếu đuối. Do đó người đi trên đường đạo cần phải có nghị lực vững vàng, phải can đảm, kiên tâm để vượt qua những cám dỗ vật chất này. Dù thất bại nhưng nếu giữ vững niềm tin, biết rút tỉa kinh nghiệm để học hỏi thì chắc chắn trước sau gì người ấy cũng sẽ vượt qua được những thử thách này.
Một thói xấu khác cũng thường thấy là thái độ lưng chừng, kinh tế nhất quyết. Kinh Thánh có nói đến trường hợp của Ananias và Saphira, cả hai đều muốn đi theo Đấng Cứu Thế, nhưng lại nghĩ rằng cần phải giữ lại một ít tiền của để phòng thân. Họ bàn với nhau nếu chẳng may có chuyện gì trục trặc thì lấy ai lo cho mình đây! Điều này cho thấy họ đã không hoàn toàn tin tưởng vào Đấng Cứu Thế và tệ hơn nữa, khi bị gạn hỏi thì họ chối quanh chứ không chịu thú nhận đã giữ lại ít tiền phòng thân mà quả quyết rằng họ đã từ bỏ tất cả. Hiện nay, nhiều người đi trên đường tinh thần cũng có thái độ tương tự, nghĩa là chân trong chân ngoài, không nhất quyết. Đa số không hoàn toàn xả bỏ tất cả cho lý tưởng thanh cao mà vẫn giữ lại một chút ít gì đó. Có người cất giấu tiền bạc, có người xả bỏ tài sản vật chất nhưng lại giữ những tư tưởng ích kỷ thầm kín mà vẫn cho rằng mình đã thực sự trong sạch. Họ nghĩ rằng không ai có thể biết những điều đó nhưng họ đã lầm vì các bậc cao cả không thể nào bị lường gạt được. Các ngài đã sáng suốt và sở hữu quyền năng có thể thấy được mọi việc hay tư tưởng người khác như mở một cuốn sách. Trên đường đạo không thể nào có việc trò lừa gạt thầy hay một sự mặc cả với các điều kiện như: “Tôi sẽ phụng sự nhân loại nếu tôi không phải giúp đỡ ông A hay bà B vì không thích họ”. “Tôi sẽ theo chân Đấng Cứu Thế nếu ngài đừng bắt tôi phải làm việc chung với cô C hay cậu X”. Đó là một thái độ không thể chấp nhận được vì nó hàm ý một điều kiện, một sự trao đổi, mua bán và các đấng cao cả không bao giờ làm việc bán buôn như vậy. Chỉ có hạng thầy pháp, thầy phù thủy không chân chính mới đưa điều kiện mua bán đổi chác như: “Nếu ngươi theo ta thì ta sẽ ban cho ngươi danh vọng tài sản” hay “Nếu ngươi cầu xin ta thì ta sẽ cứu cho ngươi khỏi tai họa”. Tiếc thay, cái hình thức hứa hẹn quàng xiên, buôn thần bán thánh này càng ngày càng thịnh hành trong xã hội điên đảo ngày nay. Đa số con người chỉ thích kiếm những gì làm thỏa mãn tham vọng của mình chứ mấy ai chịu từ bỏ tất cả để giúp đỡ người khác. Có lẽ vì thế mà các hiền triết thường ẩn mình trong rừng sâu núi thẳm và người cầu đạo phải khổ công tìm kiếm các ngài. Trong khi đó những kẻ lừa bịp thì quảng cáo rầm rộ khắp nơi rằng họ có quyền phép thần thông, có thể ban phước giáng họa và sẵn sàng thâu nhận học trò dưới một hình thức mua bán, đổi chác nào đó.
Một người đi trên đường đạo phải biết từ bỏ tất cả để dâng hiến cho lý tưởng thanh cao. Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì để mang lại hạnh phúc cho nhân loại, vì đó là việc nên làm chứ không phải vì để đạt được một điều gì. Trong một buổi nói chuyện, hiền triết Kuthumi đã khuyên: “Các con hãy hoàn toàn hiến dâng cho đời cả xác thân lẫn tâm hồn của các con, dâng hiến cho đời cái gì mà người ta không thể cho lại thì mới thực sự gọi là hiến dâng”. Sự quên mình và hiến dâng này rất khó vì đa số chúng ta thường có thói quen làm việc để được một cái gì như lời khen tụng hoặc quyền lợi nào đó. Rất ít ai dành hết tâm hồn cho việc giúp đời hơn là nghĩ đến bản thân mình. Dù cố gắng thanh lọc thân tâm, nhiều người vẫn còn lưu lại một chút tham lam nào đó trong tâm.
Vì thế họ sẽ gặp thử thách để thanh lọc các phần tử tế vi này và học thêm bài học cần thiết. Sở dĩ người đi trên đường tinh thần thường gặp nhiều thử thách vì đây là con đường gian nan mà chỉ những người kiên tâm bền chí mới khắc phục được nó để xứng đáng trở thành những bậc hiền triết.
Trong một buổi dạy đạo, hiền triết Kuthumi đã nói với một đệ tử trẻ tuổi vừa được thâu nhận như sau: “Con hãy nhận nơi đây lời chúc mừng của ta vì con là đệ tử mới nhất trong các đệ tử của ta. Ta biết việc quên mình để phụng sự nhân loại một cách tuyệt đối không dễ dàng gì. Con hãy sống như thế nào để trở thành một nguồn ân huệ cho kẻ khác. Khởi sự làm những việc tốt lành là điều rất hay nhưng trên đường tinh thần còn nhiều việc khác nữa. Con cần tu sửa nội tâm, kiểm soát tư tưởng không để cho nó dầy lên những gì tiêu cực, giận hờn. Con hãy sẵn sàng đón nhận những lời khuyên bảo cũng như chỉ trích của những người xung quanh và học lấy những bài học đó một cách hoan hỉ mà không cảm thấy cay đắng. Con cần trau dồi đức tính khiêm tốn và nhẫn nại. Khi có đầy đủ những đức tính này thì con sẽ trở thành một luồng vận hà ban rải những tư tưởng thanh cao tốt đẹp cho nhân loại, một chiến sĩ trong đạo binh ban rải tình thương của Đấng Cứu Thế. Để giúp con thực hiện điều này, ta nhận con làm đệ tử chính thức”.
Ngoài các đức tính trên, muốn được các hiền triết thâu nhận còn tùy thuộc vào những nguyên nhân từ trước. Trong số các bạn tôi có một người học lực uyên thâm, nguyện hiến dâng cuộc đời cho việc phụng sự nhân loại. Tôi thấy ông này có đầy đủ các đức tính để trở thành đệ tử của các hiền triết nhưng không thấy các ngài nhắc gì đến ông ta cả. Sợ rằng người bạn này bị bỏ quên nên một hôm tôi mạo muội nhắc đến tên ông ta với hiền triết Kuthumi thì ngài mỉm cười nói: “Này con, không một ai đi trên đường tinh thần mà bị bỏ rơi hết. Tuy nhiên người bạn của con vẫn còn một số nghiệp quả mà ông ta phải trả cho xong nên ta không thể chấp nhận lời đề nghị của con lúc này được, sở dĩ bạn con học lực uyên thâm vì ông ta đã từng được giáo dục cẩn thận trong tiền kiếp nhưng khi đó ông quá tự hào về khả năng hiểu biết của mình và khinh thường mọi người. Ông ta tuyên bố rằng ông sẽ vào nước Chúa trước các huynh đệ đồng môn. Vì lời tuyên bố ngông cuồng đó nên kiếp này ông phải gánh chịu hậu quả. Người bạn của con cần phải học bài học khiêm tốn một cách thấm thía rằng không ai có thể bước chân vào nước của Đấng Cứu Thế khi trong lòng còn tự hào về mình”.
Với kinh nghiệm này, tôi có thể xác định rằng chúng ta cần cố gắng sửa mình một cách thành khẩn, phát các hạnh nguyện vô ngã, lợi tha để chuẩn bị cho công cuộc chung và khi có đầy đủ nhân duyên thì việc được các đấng cao cả hướng dẫn chỉ là một điều tất nhiên mà thôi.
Trước khi được thâu nhận làm đệ tử chính thức, các vị thầy phương Đông thường thử thách học trò xem người đó có xứng đáng với công phu dạy dỗ của họ hay không. Do đó phần lớn học trò được đặt vào giai đoạn dự bị (probation) với những thử thách bất ngờ mà họ phải khắc phục. Người phương Tây khó có thể chấp nhận những thử thách như thế vì họ quan niệm trình độ học trò phải được khảo nghiệm qua những kỳ thi tuyển dựa trên những tiêu chuẩn nhất định.
Họ không phân biệt được rằng con đường tinh thần và khả năng thu tập kiến thức vốn khác nhau rất xa. Các vị thầy phương Đông không dạy kiến thức từ chương mà dạy kinh nghiệm sống qua chính bản thân họ. Chỉ khi sống gần các ngài, tôi mới ý thức rõ việc này. Tuy bên ngoài các ngài thường ngồi im lặng, bất động nhưng bên trong, các ngài hoạt động không ngừng để theo dõi hành vi, tư tưởng của học trò bằng cây cầu tâm thức giữa thầy và trò. Nhờ mối liên hệ mật thiết này mà các vị thầy có thể thấy rõ tư tưởng của học trò biến chuyển như thế nào để giúp đỡ cho họ. Các ngài hiểu rõ tâm trạng học trò lúc hoang mang, chán nản ra sao hoặc có tư tưởng sợ hãi, hoảng hốt như thế nào. Tôi cũng phải nói thêm rằng, một đệ tử đang còn ở trong giai đoạn dự bị không có gì tài giỏi hơn người mà chỉ có những tiềm năng xét ra hữu ích cho công cuộc chung và cần được thời gian thử thách. Tôi biết nhiều người rất nhiệt thành trong lý tưởng phụng sự, có khả năng tốt đẹp nhưng sau một thời gian hoạt động, họ lại mệt mỏi, chán chường rồi bỏ cuộc sớm. Do đó chỉ những người kiên gan, bền chí, vượt qua mọi thử thách và cương quyết đi đến cùng mới được các ngài chọn lựa làm đệ tử chính thức.
Nhiều người nghĩ rằng khi được thâu nhận làm đệ tử chính thức, họ phải từ bỏ
mọi việc thế gian để bước vào đời sống của một ẩn sĩ. Đây là điều không đúng vì các hiền triết tôi gặp không hề đòi hỏi việc này. Các ngài chỉ khuyến khích học trò theo đuổi những sinh hoạt bình thường của đời sống hàng ngày nhưng phải làm nó với một tâm trạng khác hẳn trước như chuyển hóa tư tưởng ích kỷ thành vị tha, chuyển hóa lòng oán hận thành tình thương rộng lớn; làm sao giúp đỡ mọi người mà không cầu mong một ân huệ gì cho mình. Người đi trên đường đạo không nhất thiết phải vào ẩn tu nơi rừng hoang núi thẳm hay tránh né đời sống xã hội mà phải ý thức rằng mình là một thành phần của xã hội. Thay vì chối bỏ hay tránh né nó thì họ phải tìm cách thay đổi chính mình. Đời sống đầy phức tạp của thế gian là một trường học với vô số thử thách, cám dỗ mà người đi trên đường đạo cần phải vượt qua. Vì các vị thầy thường xuyên theo dõi phản ứng và thái độ của học trò trước những thăng trầm của đời sống nên một học trò biết sửa đổi tính tình, giữ tâm bình thản trước mọi khía cạnh phức tạp của cuộc sống và không bao giờ mất niềm tin thì chắc chắn sẽ được các vị thầy giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiều.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet