Trở về từ Xứ Tuyết
✍️ Mục lục: Trở về từ Xứ Tuyết
Chương III:
Từ khi biết suy tư, con người đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Tôi cũng
đặt câu hỏi này với hiền triết Kuthumi thì ngài cho biết: “ Đời sống là một môi trường để con người học hỏi, mỗi kiếp sống đều có mục đích là để kinh nghiệm những điều cần thiết và thay đổi để tiến hóa và trở nên hoàn hảo hơn ”.
Có người hỏi: “Chúng ta cần phải học những gì?”. Theo tôi được biết thì vũ trụ có những định luật quan trọng mà con người cần phải hiểu thật rõ ràng để sống thuận theo đó. Trong giai đoạn hiện tại, có ba định luật quan trọng chúng ta cần phải học đó là Luân hồi, Nhân quả và Tiến hóa. Trên nguyên tắc, người ta chia ra thành ba định luật cho dễ hiểu nhưng thật ra những định luật này liên quan với nhau hết sức chặt chẽ. Người ta không thể giải thích một định luật này mà không đề cập đến những định luật kia. Cũng như thế, người ta sẽ không thể chấp nhận một định luật này mà phủ nhận những định luật kia vì nếu thế, người ta sẽ không thể hiểu trọn vẹn được sự mầu nhiệm, hoàn hảo của các chân lý hằng có trong vũ trụ.
Nhân quả (Karma) là định luật đã được giảng dạy trong hầu hết giáo lý của các tôn giáo lớn. Nhân là hạt giống, là nguyên nhân; quả là trái, là kết quả. Luật Nhân quả dạy rằng nhân luôn luôn sinh quả và nhân nào sẽ tạo quả đó. Nhiều người cho rằng Nhân quả là lý thuyết của đạo Phật, nhưng thật ra đây là chân lý của vũ trụ mà tôn giáo nào cũng nói đến. Đức Phật nói: “Gieo nhân nào gặt quả đó”. Đức Krishna của Ấn giáo cũng nói: “Trồng đậu được ăn đậu và trồng khoai được ăn khoai; muốn ăn đậu chớ có trồng khoai”. Đấng Cứu Thế cũng nói: “Kẻ nào sử dụng gươm giáo sẽ chết vì gươm giáo”. Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng: “Mỗi động lực gây ra đều tạo một phản lực tương đồng và ngược chiều, động lực và phản lực không bao giờ tách rời nhau”. Danh từ Karma theo tiếng Ấn có nghĩa là hành động nhưng cũng bao hàm ý nghĩa phản động vì hành động và phản động không bao giờ tách rời nhau. Mỗi khi có hành động là có phản động, do đó mọi sự, mọi vật đều liên hệ với nhau hết sức chặt chẽ. Nhân quả là luật vũ trụ nên có tính cách bất di bất dịch chứ không như pháp luật của con người, thường thay đổi theo thời gian và không gian. Luật Nhân quả công bình tuyệt đối, nó không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa hay thứ dân trong khi với pháp luật của loài người, người hiền có thể bị xử oan ức, kẻ ác có thể thoát vòng pháp luật. Quy tắc của luật Nhân quả chặt chẽ đến nỗi không một việc gì xảy ra mà không bị chi phối bởi nó vì bất cứ một lời nói, hành động hay tư tưởng nào tạo ra cũng đều có những phản lực tác động lại. Kinh Pháp Cú có đề cập đến một đệ tử của Phật tên là Cakkhupala, tu hành siêng năng có đức hạnh rất cao nhưng lại mù mắt. Các đệ tử khác bèn hỏi Phật tại sao một người hiền lành, siêng năng tu hành như vậy lại chịu cảnh mù lòa thì Đức Phật giải thích rằng ở một tiền kiếp, ông này là y sĩ có tài, đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Một bệnh nhân đến xin chữa đã hứa rằng nếu hết bệnh anh sẽ đến làm công trong nhà y sĩ một thời gian nhưng khi hết bệnh, anh này lại thất hứa.
Y sĩ giận quá, sửa đổi liều thuốc chữa khiến cho bệnh nhân thất hứa kia bị mù.
Vì làm người khác mù mắt nên kiếp này Cakkhupala phải trả quả, vừa sinh ra đã bị đui mù.
Nhiều người không chấp nhận luật Nhân quả vì thấy có người hiền lành mà vẫn gặp đau khổ trong khi kẻ hung ác lại được hưởng sung sướng. Những người ấy chưa nắm vững quy tắc hiện hành của luật Nhân quả vì tiến trình từ hành động đến phản động hay từ nhân sang quả không hẳn phải xảy ra ngay tức khắc. Một nhân đã gieo trong quá khứ có thể sinh quả ở hiện tại hay tương lai, tùy theo sự sắp đặt mầu nhiệm của các yếu tố khác là:
1/ Hiện Báo: Gây nhân gì phải chịu hậu quả ngay trong kiếp hiện tại.
2/ Sinh Báo: Tuy gây nhân nhưng quả chưa chín mà sẽ xảy ra trong kiếp sau. 3/ Hậu Báo: Quả xảy ra vì nguyên nhân đã gây ra từ trước.
Do đó kẻ xấu xa đôi khi được hưởng tốt lành trong lúc này vì những nguyên nhân tốt đã, tạo từ trước (Hậu Báo) chứ không phải vì việc làm xấu xa hiện nay.
Cũng như thế, người hiền lành lại bị tai ách vì nguyên nhân xấu đã gây ra từ quá khứ chứ không phải vì làm điều lành hiện nay mới gặp đau khổ. Vì thiếu khả năng nhìn rõ mọi vật một cách toàn diện nên nhiều người đã xét đoán vội vã rồi kết luận rằng chẳng có trật tự, công bình gì hết mà chỉ có sự tranh giành, mạnh được yếu thua mà thôi. Vì không biết về luật Nhân quả nên nhiều người đã sống bừa bãi, tham lam ích kỷ, gây đau khổ cho người khác và chắc chắn sẽ phải gặt hái hậu quả về những việc họ đã làm.
Khi sinh ra đời, ai cũng mang theo mình một khối nhân đã tạo ra từ trước, tốt cũng như xấu, lành cũng như dữ, và trong đời sống hiện tại, con người tiếp tục gieo thêm nhiều nhân nữa. Có nhân ắt có quả, do đó khối quả mà họ phải trả sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian. Vì không ai có thể trả hết những quả này trong một kiếp nên khối nhân đã tạo đó trở thành động lực lôi kéo, dẫn dắt con người từ kiếp này qua kiếp khác, đó là sự Luân hồi (Reincarnation). Người ta thường gọi khối nhân này là “định mệnh” hay “nghiệp”, có nghĩa là “động lực thúc đẩy, tạo tác” nhưng Nghiệp không có tính cách cố định như nhiều người lầm tưởng.
Con người có tự do ý chí nên có thể thay đổi, hoán cải được định mệnh.
Hôm đó sau khi giảng dạy về luật Nhân quả, hiền triết Kuthumi đã chỉ xuống dòng suối và nói với học trò: “Này các con, định mệnh như dòng suối đang chảy xiết và con người như loài cá đang bơi lội trong đó. Đành rằng dòng nước chảy nhanh lôi cuốn những con cá đi nhưng vẫn có những con cá, nhờ cương quyết, có thể lội ngược dòng. Con người cũng thế, họ có thể thay đổi số mạng bằng những hành động thiện lành. Mặc dù cái nhân đã tạo khi xưa không bao giờ mất đi vì gây nhân nào gặt quả đó nhưng thời gian để quả xảy đến có thể thay đổi.
Đáng lẽ nó xảy ra trong lúc này thì ta có thể hoãn lại để quả trổ vào một lúc khác Người Tây Tạng có câu chuyện sau: Một thanh niên trên đường đi Lhassa dự thi, tìm đến một đạo sĩ huyền thuật để hỏi về tương lai. Đạo sĩ quan sát tướng mạo, xem chỉ tay và lấy số chiêm tinh rồi cho biết anh này sẽ chết trước khi đến Lhassa vì số phận đã định như thế. Bán tín bán nghi về lời tiên đoán ghê gớm đó nhưng thanh niên nọ vẫn tiếp tục lên đường. Hôm đó trời đổ tuyết rất nhiều, đang đi men theo khe núi chợt anh nghe tiếng cầu cứu trong một hang đá. Thì ra một đoàn thương buôn tránh tuyết đã chui vào hang nọ nhưng bị tuyết rơi lấp kín cửa hang. Thanh niên bèn đào tuyết, cứu được họ ra rồi tiếp tục lên đường đi Lhassa. Anh thi đậu kỳ thi Lạt Ma một cách vẻ vang. Trên đường về, anh ghé qua gặp vị đạo sĩ huyền thuật và chê trách ông này bất tài, đã tiên đoán sai. Đạo sĩ quả quyết đã nghiên cứu rất kỹ lá số tử vi của thanh niên nọ và cho biết nếu anh không chết thì ắt phải có một hành động phúc đức lớn lao nào mới thay đổi được số mạng của anh như thế. Thanh niên sực nhớ ra việc đã cứu thoát đoàn thương buôn bị chôn trong hang núi tuyết và công nhận vị đạo sĩ có lý. Đó chính là nguyên tắc hoán cải số mạng qua các hành động phúc đức, cứu giúp người khác. Nên nhớ luật Nhân quả không bao giờ thay đổi, đã gây nhân ắt phải gặt quả nhưng người ta vẫn có thể thay đổi thời gian mà hậu quả xảy ra qua những việc làm thiện lành.
Một phong tục khác của Tây Tạng cũng dựa trên nguyên tắc hoán cải số mạng này là mỗi khi trong nhà có người bị bệnh nặng, gia đình thân quyến thường hay làm phúc, phóng sinh chim cá, bố thí cho người nghèo và tránh mọi sự giết chóc với hy vọng hành động thiện lành đó sẽ làm giảm bớt tình trạng bệnh tật của người thân. Người phương Tây không thể chấp nhận điều này và coi đó là mê tín dị đoan. Họ quan niệm bệnh tật thuộc thẩm quyền của y giới và nếu y sĩ đã bó tay thì không ai có thể làm gì khác được.
Khi trở về Anh quốc, tôi có đề cập đến phong tục này trong một buổi thuyết giảng. Ít lâu sau, một người chủ công ty đánh cá đến gặp tôi và kể câu chuyện như sau: Ông này mắc bệnh ung thư, mọi việc chạy chữa đều vô hiệu. Bác sĩ cho biết ông chẳng còn sống được bao lâu nên ông làm chúc thư để lại gia sản cho người con trai duy nhất rồi cùng vợ đi dưỡng bệnh, chờ việc phải đến sẽ đến.
Cậu con trai của ông này có đi dự khóa giảng Thánh Kinh của tôi nên đã nghe kể về phong tục Tây Tạng kia. Cậu có một quyết định táo bạo là tạm thời đình chỉ công việc đánh cá hay sát sinh để mong cho người cha khỏi bệnh. Điều bất ngờ là sau khi việc đánh cá được hoãn lại, bệnh tình ông chủ hãng bỗng thuyên giảm và vài tháng sau, trước sự ngạc nhiên của các y sĩ, vết ung thư tự dưng biến mất.
Thấy vậy, cậu con trai quyết định bỏ nghề đánh cá, cho sửa đổi đoàn tàu đánh cá hơn ba chục chiếc thành những con tàu chuyên chở hàng hóa. Không những thế, cả gia đình đều phát nguyện ăn chay trường, không dùng thịt cá nữa. Tám năm sau, khi tôi viết cuốn sách này thì ông chủ hãng đánh cá kia vẫn còn sống, cả hai ông bà và cậu con trai vẫn thường tham dự các buổi thuyết giảng của tôi.
Nếu chúng ta tin rằng mọi động lực đều gây ra phản động lực; động lực là nhân mà phản lực là quả, thì chúng ta sẽ thấy trong vũ trụ, các động lực xảy ra từng giây, từng phút và các phản lực cũng xảy ra từng giây từng phút và toàn thể vũ trụ luôn luôn linh động, biến đổi một cách kỳ diệu. Do đó, không thể có sự hỗn độn, may rủi như nhiều người đã nghĩ mà tất cả đều được tạo lập trong một trật tự nhất định. Các bậc giáo chủ đều dạy rằng những điều trái với lẽ công bình là nguyên nhân của mọi khổ đau. Đức Phật đã dạy: “Nếu một người nói và hành động với tư tưởng xấu thì sự đau khổ sẽ đến với y như bánh xe lăn theo bước chân con bò đang kéo. Nếu một người nói và làm với tư tưởng tốt thì hạnh phúc sẽ theo y như bóng với hình”. Nếu đã biết gây nhân nào gặt quả đó thì ta có thể suy nghiệm thêm rằng trải qua vô số kiếp sống, con người đã gây biết bao nhiêu nhân và sẽ phải trả hết từng đó quả. Tuy nhiên, vì không hiểu biết nên khi trả quả, họ lại tiếp tục gây thêm nhân nữa nên cứ luẩn quẩn không sao thoát khỏi sự ràng buộc nhân quả và luân hồi này. Mục đích của đời người là học hỏi để hiểu biết và thay đổi tâm tính cho đến khi biết sống làm sao để không gây thêm nhân nhưng sẵn sàng trả hết quả, cho đến khi không còn quả để trả nữa thì sẽ giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Đây chính là giáo lý căn bản của đạo Phật, sống trong tỉnh thức, biết rõ từng tư tưởng, từng hành động để không tạo nghiệp và để phá tung màng lưới sinh tử.
Theo tôi, nếu luật Nhân quả được giảng dạy như căn bản của nền giáo dục thì thế giới ngày nay chắc chắn sẽ đổi khác. Sở dĩ con người có những hành động xấu xa, gian tham, trộm cắp, vơ vét, chém giết lẫn nhau vì họ nghĩ rằng các hành động đó sẽ gia tăng hạnh phúc cho họ. Họ đã lầm lẫn rất lớn vì những hành động như thế chỉ mang lại khổ đau, vì có vay ắt có trả, gieo gió ắt gặt bão, mỗi tác nhân đều phải gánh chịu những hậu quả mà họ gây ra. Nhiều người nghĩ rằng họ khôn ngoan, có thể trốn tránh được pháp luật nhưng mấy ai có thể tránh được luật trời?
Điều đáng tiếc là con người chỉ chú trọng đến việc trốn tránh luật pháp của con người mà không biết rằng còn có một định luật của vũ trụ, bất di bất dịch và không thể tránh. Nếu hiểu như thế thì mấy ai dám làm những việc sai trái như vậy!
Theo tôi, nếu tất cả mọi người đều được giáo dục cẩn thận luật Nhân quả thì các hoạt động gian tham, ích kỷ, hung ác đang đục khoét nền móng của mọi quốc gia và gây thảm cảnh bi thương cho nhân loại sẽ phải chấm dứt. Chúng sẽ được thay thế bằng các hành động vị tha, thương yêu vì ai chẳng muốn làm lành khi biết hành động đó sẽ đem lại cho họ niềm hạnh phúc và thúc đẩy sự tiến hóa của họ đến mục đích cao cả hơn.
Thế giới ngày nay đang trải qua một giai đoạn khó khăn với những vấn đề phức tạp, không thể giải quyết, vì căn bản điều hành xã hội hoàn toàn dựa trên lý luận của tri thức. Tri thức là sản phẩm của đầu óc con người, phát xuất từ căn bản vật chất vốn có giới hạn. Điều con người cần hiện nay là Trí Tuệ hay sự hiểu biết toàn vẹn phát xuất từ tâm linh. Tri thức và trí tuệ khác nhau rất xa nhưng ít ai phân biệt rõ. Tri thức có tính cách thu vào, kết nạp, phân biệt và chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian. Trí tuệ là giải thoát, cho ra, không phân biệt và vĩnh cửu nên không chịu ảnh hưởng của thời gian hay không gian.
Các phát minh khoa học kỹ thuật, mọi lý thuyết về kinh tế chính trị đều phát xuất từ căn bản tri thức – vật chất nên khó mà mang lại hạnh phúc thật sự cho nhân loại. Những sự kiện xây dựng trên địa hạt vật chất chỉ đem lại khoái cảm nhất thời những giá trị tương đối và thường bị chi phối bởi dục vọng. Dục vọng thôi thúc con người thu nạp vơ vét và tìm kiếm không ngừng, được cái này lại đòi thêm cái khác. Dục vọng dạy con người rằng càng nhiều càng tốt, càng sở hữu nhiều càng hạnh phúc thêm. Trong đời sống văn minh, nhu cầu của con người càng lúc càng nhiều hơn xưa, vì được kích thích bởi những phương pháp quảng cáo khéo léo để tạo sự tiêu thụ. Sự kích thích dục vọng này đã thúc đẩy con người trở thành ích kỷ, tham lam chỉ biết nghĩ đến mình thay vì người khác. Vì bản chất của dục vọng là hưởng thụ nên thế giới càng văn minh bao nhiêu, con người càng ích kỷ bấy nhiêu. Nền giáo dục đáng lẽ ra phải giúp con người biết mình, biết quay về với bản tính của mình, đã trở thành một nền giáo dục chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của con người. Hiển nhiên, trong sự hưởng thụ sẽ làm nảy sinh cảm giác tham lam, chia rẽ và đó chính là nguyên nhân của thảm trạng xã hội hiện nay. Người ta sẵn sàng làm đủ mọi việc, kể cả việc tranh giành, chém giết lẫn nhau chỉ vì nhu cầu hưởng thụ vật chất này.
Muốn thay đổi xã hội, người ta cần phải cải thiện toàn bộ căn bản của nền giáo dục hiện đại. Đã đến lúc con người cần phải được giáo dục về các giá trị tinh thần, các căn bản đạo đức, các quy luật trong vũ trụ mà các đấng giáo chủ đã chỉ dạy. Nhân quả là một định luật cần được giảng dạy rộng rãi để giúp con người ý thức rõ về những nguyên nhân cũng như hậu quả của những biến chuyển xã hội đã và đang xảy ra cho nhân loại. Sở dĩ các hiền triết trên Tuyết Sơn bằng lòng hướng dẫn cho tôi cũng không ngoài mục đích cảnh tỉnh nhân loại về các nguy cơ sắp xảy ra trong tương lai.
Nếu chúng ta tin rằng mục đích cuộc đời là để học hỏi, thay đổi để trở nên hoàn hảo hơn thì chúng ta sẽ thấy kiếp người ngắn ngủi, vỏn vẹn vài chục năm, không thể đủ để học những điều cần thiết. Do đó, con người phải đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác, để tiếp tục học hỏi cho đến khi trở nên toàn hảo và đó chính là sự Luân hồi (Reincarnation). Nhiều người cho rằng Luân hồi là lý thuyết của Phật giáo và Ấn giáo nhưng thật ra sự tin tưởng rằng có một linh hồn trường tồn tái sinh qua nhiều kiếp sống đã có từ lâu và được giảng dạy trong các tôn giáo thời cổ ở khắp nơi trên thế giới. Sách vở tài liệu của người Hy Lạp, Ba Tư đều đề cập đến sự hiện hữu của những kiếp sống khác nhau. Ngay trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều ẩn dụ về những kiếp sống luân hồi.
Một số người không chấp nhận luân hồi mà chủ trương đời người chỉ có một kiếp duy nhất vì chết là hết nên con người cần hưởng thụ tất cả mọi thứ mà cuộc đời có thể đem lại. Nếu đời người chỉ giới hạn trong một kiếp và mục đích của nó là để hưởng thụ thì tại sao chỉ có một số rất ít có điều kiện để thụ hưởng mà thôi? Tại sao lại có sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo? Tại sao có người khỏe mạnh tha hồ hưởng thụ vật chất khi người khác ốm đau bệnh tật chẳng hưởng được gì? Tại sao lại có sự bất công như vậy? Không ai có thể giải thích những điều trên một cách hữu lý nếu họ phủ nhận định luật Luân hồi.
Nhà khoa học Charles Darwin, người lập ra thuyết Tiến hóa thực nghiệm, đã lý luận như sau: “Sự tiến hóa hoàn toàn đặt căn bản trên sự sinh tồn của các loài vật mạnh nhất qua sự truyền giống”. Theo ông, thiên nhiên là một môi trường tranh đấu không ngừng và mạnh sống, yếu chết. Chỉ những con vật mạnh nhất mới sống sót, sinh con đẻ cái để truyền giống; loài người cũng thế, cha mẹ khỏe mạnh sẽ sinh sản ra những đứa con mạnh khỏe.
Hãy quan sát thiên nhiên, những con vật khỏe nhất, hung dữ nhất như loài cọp beo đâu giết hết được những sinh vật yếu đuối hơn như hươu nai. Luật vũ trụ định rằng loài nào phát triển theo trật tự riêng của loài đó, cọp beo hung dữ nhưng sinh sản chậm trong khi hươu nai yếu đuối nhưng sinh sản nhiều. Cũng thế, nếu quan sát kỹ các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy rõ một sự sắp đặt trật tự và mầu nhiệm vì mỗi loài, mỗi vật, từ sâu bọ bé nhỏ đến loài to lớn như cá voi đều tuân theo một trật tự tuyệt đối, không loài nào lấn át được loài nào.
Nhìn vào xã hội loài người, thuyết Tiến hóa thực nghiệm của Darwin còn lập luận chưa thuyết phục rằng vì sao cha mẹ khỏe mạnh có thể sinh con tật nguyền hay cha mẹ bình thường lại sinh con thông minh tuyệt thế. Điển hình là các thiên tài về âm nhạc như Mozart biết soạn nhạc khi vừa lên 4 tuổi, mặc dù không ai dạy mà ông vẫn sử dụng được rất nhiều nhạc khí khác nhau. Ông còn soạn những hòa tấu khúc phức tạp vượt xa những bậc thầy về âm nhạc lúc đó. Cha mẹ của ông chẳng phải nhạc sĩ tài ba và sau này các con của ông cũng không có ai trở thành nhạc sĩ. Nếu thuyết Tiến hóa của Darwin đúng thì những nhạc sĩ giỏi phải tiếp tục sản sinh ra nhạc sĩ tài ba nhưng sự thật thì con cháu của các thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Bach, Chopin đâu có ai trở thành thiên tài âm nhạc. Nếu không tin luân hồi thì chúng ta phải giải thích như thế nào về hiện tượng thần đồng như Mozart, Beethoven, hay Bach?
Nếu suy xét cẩn thận, chúng ta sẽ thấy quan niệm rằng đời sống là sự tranh đấu, mạnh được yếu thua, và chỉ có đấu tranh mới đưa nhân loại đến chỗ tiến bộ chỉ là lý thuyết đề xướng bởi những kẻ theo Chủ nghĩa Thực dân. Theo lý thuyết này kẻ mạnh sẽ thắng, làm bá chủ thiên hạ và lãnh đạo thế giới. Một quốc gia tiến bộ là quốc gia có sức mạnh quân sự để cai trị và bóc lột các quốc gia khác. Hiển nhiên, đứng vào địa vị của kẻ mạnh đàn áp người yếu thì lý luận này dễ nói nhưng không ai có thể chấp nhận lý thuyết này nếu đứng vào vị thế của nạn nhân bị bóc lột, của người bị lợi dụng, của quốc gia bị xâm lăng, đô hộ. Điều đáng tiếc là một lý thuyết phi nhân và phi lý như thế mà vẫn còn được giảng dạy trong học đường trong khi những định luật như Luân hồi, Nhân quả thì không được ai nói đến. Không những thế, hiện nay nhiều người vẫn còn tin tưởng ở thuyết Tiến hóa thực nghiệm này và tiếp tục cổ xướng cho nó nhưng trước sau họ sẽ phải học bài học mà họ cần phải học.
Nếu kiếp này họ là người thông thái, tự hào về sự thông minh của mình thì kiếp sau họ sẽ sinh ra là kẻ đần độn, ngu xuẩn, bị chế giễu, khinh thường để kinh nghiệm về những nỗi thất vọng ê chề của người kém may mắn. Nếu họ thích giết hại loài vật thì họ sẽ sinh ra trong kiếp thú, bị bắt giết, mổ thịt để học bài học về sự đau đớn, sợ hãi. Nếu kiếp này họ sử dụng quyền lực để đàn áp người khác thì kiếp sau họ sẽ trở thành nạn nhân của sự ngược đãi để nếm mùi đau khổ. Chỉ trong kinh nghiệm mà con người học hỏi và thay đổi tâm thức để sống theo những định luật vũ trụ. Con người có thể quyết định số phận của mình qua những cố gắng cá nhân, họ có thể tiến hay lùi, thay đổi hay không thay đổi, nhưng bánh xe tiến hóa vẫn quay đều và kẻ đi ngược luật vũ trụ sẽ phải học những bài học cần thiết. Thí dụ, một kẻ hung dữ chuyên cướp bóc, giết người không gớm tay, khi chết sẽ bước vào cõi giới bên kia cửa tử để ôn lại hành động của mình. Y sẽ gặp những người bị y giết và ý thức rằng chỉ có cái xác bị chết thôi nhưng người bị giết vẫn sống, và chắc chắn họ sẽ không đối xử tử tế gì với y. Từ đó y khởi tâm suy nghĩ về việc làm của mình. Hiển nhiên không mấy ai học được bài học này một cách dễ dàng nhưng trải qua nhiều kiếp sống, khi giết người, khi bị người khác giết, ân oán triền miên cho đến khi y học được bài học thực sự rằng: có vay ắt có trả, làm ác sẽ gặp ác, giết người sẽ bị người giết lại, giết người là sai lầm. Đến khi đó, trước sự chém giết, y sẽ chùn tay không dám làm nữa. Cái mà người ta gọi là lương tâm chính là cái ý thức về kinh nghiệm sẵn có từ trước. Một người biết sống với lương tâm, tức là người ta đã học được bài học cần phải học.
Các hiền triết trên Tuyết Sơn dạy rằng mỗi kiếp sống đều đem lại cho con người một số kinh nghiệm làm gia tăng sự hiểu biết của họ. Sau khi chết, con người bước vào trạng thái an nghỉ để rút tỉa kinh nghiệm vừa qua. Họ sẽ thấy rõ những lỗi lầm đã phạm, những điều tốt đã làm và tự duyệt xét về bài học mà họ cần phải học. Sau đó, qua sự sắp xếp nhiệm mầu của luật Nhân quả, Luân hồi, họ đầu thai vào một hoàn cảnh khác để học hỏi, kinh nghiệm thêm. Các định luật vũ trụ này giúp con người đúc kết kinh nghiệm thành cá tính riêng biệt hay trình độ tiến hóa cá nhân vì mỗi kiếp sống đều là một bài học cần thiết. Tính tình con người chẳng qua chỉ là tư tưởng của người đó được xây dựng trên những kinh nghiệm học hỏi từ trước. Do đó, con người chính là chủ nhân số phận của mình và sự tiến bộ nhanh hay chậm, hoàn toàn do chính họ quyết định. Có người lười biếng hay kiêu căng, không chịu thay đổi nhưng càng kéo dài con đường sinh tử, họ càng chịu trăm cay ngàn đắng để học hỏi. Trong khi đó một người hiểu biết, nhờ biết thay đổi để sống theo luật vũ trụ, đã nhẹ bước thang mây, ung dung tự tại để bước vào những cảnh giới phúc lạc, cao thượng.
Một số người không chấp nhận rằng con người có ý chí riêng mà cho rằng tất cả đều do thiên ý và giải thích thiên ý như một “Thượng Đế” nắm quyền định đoạt số phận và con người không thể thay đổi. Đây chỉ là quan niệm của đạo Do Thái thời thượng cổ. Các giáo sĩ Do Thái đã đưa ra hình ảnh Thượng Đế như một kẻ “độc tài”, luôn luôn nổi giận khi có kẻ nào làm trái ý, để dọa nạt tín đồ bắt họ phải tùng phục. Có thể khi đó loài người còn man rợ, hung hăng nên việc đưa ra một hình ảnh “Thượng Đế hung ác” để gieo rắc sợ hãi có thể làm họ bớt hung ác chăng? Tuy nhiên quan niệm này đã lỗi thời từ lâu, qua sự chỉ dạy của Đấng Cứu Thế, chúng ta thấy một “Thượng Đế” tùy cảm hứng mà ban cho người này điều kiện tốt đẹp và đày đọa người khác trong hoàn cảnh xấu xa, là điều không thể chấp nhận được. Đức Jesus đã dạy: “Thượng Đế là một người cha nhân từ, rất thương yêu chúng ta”. Nếu đã tin Ngài thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận quan niệm rằng con người chỉ là những nạn nhân hèn yếu, không có ý chí, hoàn toàn lệ thuộc vào sự trừng phạt của một “hung thần” như thế được! Con người sinh ra như thế nào hay trong hoàn cảnh nào hoàn toàn do những nguyên nhân từ trước, được quy định bởi những định luật Nhân quả, gây nhân nào gặt quả đó, chứ không phải do sự quyết định của một quyền năng nào.
Người cao thượng là một linh hồn đã tiến bộ, đã học hỏi và thay đổi, trải qua hàng ngàn kiếp sống. Người xấu xa là một linh hồn còn non nớt, chưa học hỏi được nhiều nên còn phải trải qua nhiều đắng cay, đau khổ để học bài học cần thiết. Sự khác biệt giữa con người với nhau chẳng qua chỉ là sự trưởng thành trong trình độ tiến hóa và hiểu biết mà thôi. Hãy tự hỏi nếu cuộc đời chỉ ngắn ngủi trong một kiếp thì việc hy sinh, giúp đỡ người khác có ích lợi gì? Một anh hùng hy sinh mạng sống cho đất nước sẽ có lợi gì, nếu không nói quốc gia đó sẽ thiệt hại mất một nhân tài? Những vị thánh tuẫn tiết vì đạo cũng thế, nếu chết là hết thì phải chăng nhân loại rất thiệt thòi vì mất đi những người cao thượng?
Theo luật Nhân quả và Luân hồi, việc làm đầy hy sinh của những người đó không hề vô nghĩa, vì nó sẽ trở thành bài học cho người khác, giúp người khác noi theo gương hy sinh của họ. Riêng về cá nhân họ, nhờ biết quên mình để phụng sự cho một lý tưởng sẽ giúp cho họ trở nên hoàn hảo tốt đẹp hơn vì trong tương lai họ sẽ trở lại để hướng dẫn nhân loại.
Cách đây ít lâu, một nhà tâm lý học đã lập thuyết về ảnh hưởng môi trường xung quanh đối với tính tình con người. Ông này cho rằng tâm hồn mọi người khi mới sinh ra đều giống nhau, ngây thơ như tờ giấy trắng mà người ta có thể hướng dẫn, giáo dục theo một chiều hướng nào đó. Các chuyên viên tâm lý đã phát minh ra những phương pháp giáo dục để uốn nắn trẻ thơ vào những khuôn mẫu nhất định. Tuy nhiên, những ai đã từng làm cha mẹ đều thấy rằng mỗi đứa bé đều có tính tình, tài năng đặc biệt, và không đứa nào giống đứa nào. Sự giáo dục chỉ có thể uốn nắn, sửa đổi phần nào nhưng không thế thắng bản tính tự nhiên sẵn có. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy có những đứa bé ngay từ khi còn nhỏ đã hung hăng mà trường học không thể giáo huấn và có những đứa trẻ dù sống trong hoàn cảnh xấu xa nhất vẫn trở thành những bậc thánh hiền. Chỉ có sự hiểu biết về định luật vũ trụ mới có thể giải thích rằng tùy theo sự tiến hóa cá nhân, trải qua muôn vạn kiếp sống luân hồi mà tính tình con người khác biệt nhau. Bất cứ một áp lực nào để nhồi nắn con người theo đường hướng riêng biệt đều không thể đem lại kết quả khả quan.
Có người đã hỏi: “Nếu có luân hồi, con người tiếp tục tái sinh trở lại trần gian thì tại sao dân số trên thế giới không cố định mà lại gia tăng?”. Theo các hiền triết trên Tuyết Sơn thì trong vô số linh hồn đang sống ở cõi giới bên kia cửa tử, chỉ một số nào đó, tùy hoàn cảnh và nghiệp quả, sẽ tái sinh xuống trần gian vào một thời điểm nhất định nào đó. Điều này cũng giống như dân số của thành phố thì cố định nhưng số người đi dạo chơi ngoài đường phố có khi tăng khi giảm tùy theo hoàn cảnh thời gian. Gặp ngày lễ, ngày hội, người ta kéo nhau ra đường đông hơn ngày thường.
Hoàn cảnh nhân loại trên thế giới cũng như thế, có những thời điểm đặc biệt mà một số linh hồn đến đầu thai vào một nơi nào với mục đích là để phá hoại hay giúp ích cho sự tiến bộ của xứ đó. Nói một cách khác, một quốc gia tiến bộ hay suy thoái là tùy theo người dân trong nước có trình độ hiểu biết và tiến hóa cao hay thấp. Những linh hồn kém tiến hóa, còn nhiều hung tính, dã man thường đầu thai vào những nơi chốn mà trình độ dân trí thấp kém, xã hội kém mở mang.
Ngược lại, một quốc gia trở nên hưng thịnh là nhờ những linh hồn có trình độ hiểu biết thâm sâu đến đầu thai vào để giúp đỡ và đem lại những điều tốt đẹp. Trong một buổi giảng dạy, hiền triết Kuthumi đã nói: “Các con nên để ý đến trình độ chung của mọi người và làm thế nào để giúp cho nhân loại khai tâm, mở trí hầu trở nên sáng suốt và biết rõ ràng về các định luật vũ trụ. Nếu một quốc gia đang ở trong tình trạng suy kém, mê muội thì các con cần tạo ra những hoàn cảnh thuận đó. Các con cần chú trọng đến sự giáo dục con người, cải thiện đời sống xã hội theo căn bản đạo đức, sắp đặt luật pháp quốc gia cho công minh vì khi dân trí đã phát triển thì các bậc cao cả sẽ đến đầu thai vào để giúp cho xứ sở đó tiến bộ thêm”.
Có người hỏi tôi: “Nếu có luân hồi, tại sao người ta lại không nhớ được các việc xảy ra trong kiếp trước?”. Hiển nhiên có biết bao sự việc trong đời sống hiện tại mà người ta còn không nhớ được huống chi những kiếp đã qua. Trong mỗi kiếp sống, chúng ta khoác lấy một thân xác vật chất để học hỏi và bộ óc được cấu tạo trong thân xác mới mẻ này chỉ ghi nhận được những gì xảy ra trong kiếp đó thôi chứ không thể biết được những gì thuộc về kiếp trước. Tuy nhiên, tất cả kinh nghiệm đều được lưu trữ trong tàng thức, vốn là một phần của Chân ngã chứ không có gì mất đi cả. Trong lúc được thôi miên, vài người đã nhớ được những ký ức xa xôi trong tiền kiếp. Một hành giả nhập định, quán chiếu nội tâm cũng có thể hồi tưởng được tiền kiếp.
Trong một buổi dạy đạo, hiền triết Kuthumi cho biết: “Hầu hết mọi nỗ lực của
con người thường hướng ra bên ngoài vì nó liên quan đến quyền lợi, dục vọng, ham muốn của con người nhưng khi họ biết quay vào bên trong, sử dụng mọi năng lực để đào sâu vào tâm thức cho đến khi không còn một ý nghĩ vẩn vơ về bên ngoài nào thì tâm thức của họ sẽ bắt liên lạc được với các thể tinh thần và họ có thể thấy rõ các sự kiện xảy ra từ tiền kiếp phơi diễn ra trước mặt họ như một cuốn phim”.
Tuy nhiên, việc nhớ lại tiền kiếp là một con dao hai lưỡi và tùy trình độ hiểu biết mà con người nên hay không nên khơi lại dĩ vãng này. Chúng ta không thể thay đổi những việc đã qua nhưng có thể thay đổi được việc đang và sẽ xảy ra trong tương lai. Dĩ vãng của ai cũng có những lầm lỡ, những điều đáng hổ thẹn và trải qua bao kiếp sống, con người đã gây biết bao lỗi lầm và việc hồi tưởng tiền kiếp sẽ không có lợi ích gì nếu nó làm cho đời sống hiện tại mất đi ý nghĩa. Hơn nữa, việc này còn dẫn đến liên hệ dĩ vãng của ta và những người khác. Chúng ta phải đối xử ra sao nếu người thân yêu của chúng ta trong kiếp này lại là kẻ thù của ta ngày trước? Luật vũ trụ định rằng đời sống là môi trường để học hỏi và sau đó con người bước vào cõi giới bên kia cửa tử để ôn lại những bài học cần thiết này.
Tùy theo kinh nghiệm và những liên hệ với nhau chi phối bởi luật Nhân quả và Luân hồi mà con người tái sinh vào một kiếp sống khác để học hỏi thêm. Do đó đã có một bức màn mầu nhiệm tạm thời che khuất dĩ vãng để tránh cho con người những bi phẫn và đau khổ vì đời sống là môi trường để học hỏi chứ không phải một nơi để trừng phạt. Những duyên nợ, ân oán và liên hệ sẽ được thu xếp và sắp đặt ở cõi giới bên kia cửa tử chứ không phải trong đời sống hiện tại.
Nhiều người không tin luân hồi mà cho rằng sau khi chết linh hồn con người sẽ lập tức lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Đây là một quan niệm không đúng vì nó hàm ý một sự thay đổi trọn vẹn sau khi từ trần: Hoặc là người đó bỏ hết thói hư tật xấu, trở thành một vị thánh rồi lên thiên đàng; hoặc người đó phải vất bỏ mọi tính tốt, khoác lên người mọi tội lỗi, trở thành một loài yêu ma quỷ quái để bị đày đọa xuống địa ngục. Thượng Đế nhân từ và bác ái không thể chơi trò “may rủi” như thế, vì sự thay đổi nào cũng phải diễn ra từ từ chứ không thể đột ngột như thế được. Sự thật là, lúc sống người ta ra sao thì khi chết bản tính họ cũng thế thôi, không hề đổi thay chi hết. Nếu khi còn sống họ ham ăn ham uống thì sau khi chết họ vẫn ham uống ham ăn. Nếu khi còn sống họ mến Chúa, thương người thì sau khi chết vẫn một lòng như thế. Chết chỉ là sự cởi bỏ chiếc áo vật chất chứ linh hồn nào thay đổi gì! Cõi trần hay cõi giới bên kia cửa tử cũng đều là những cõi giới trong vũ trụ và phải chịu sự chi phối của các định luật vũ trụ chứ không thể khác được.
Sự hiểu biết về luật Luân hồi rất hữu ích, nó giúp con người có thái độ bình tĩnh trước nghịch cảnh vì biết rằng mọi sự đều có nguyên nhân từ trước chứ không phải may rủi. Người hiểu Nhân quả, Luân hồi sẽ không ganh ghét những người có địa vị cao sang hơn mình, không khinh thường những người thua kém mình mà có một nhân sinh quan rộng lớn, quảng đại, khoan dung trước những biến chuyển thời cuộc.
Sau định luật Luân hồi và Nhân quả là luật Tiến hóa. Đây là một định luật quan trọng vì nó giải thích được nhiều sự việc và bổ túc cho sự bất toàn của nền khoa học ngày nay. Nếu quan sát xã hội, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều người, ở một trình độ nào đó, đã vượt xa chúng ta; trong khi lại có người thua kém chúng ta rất nhiều. Có khi nào chúng ta tự hỏi vì sao lại có những người thông minh xuất chúng, chỉ cần đọc lướt qua một cuốn sách đã nắm vững nội dung, trong khi chúng ta dù cố gắng nghiền ngẫm từ ngày này qua tháng nọ mà vẫn chẳng hiểu gì cả! Nếu sự thông minh chỉ là những phản ứng hóa học, điện học trong bộ óc như khoa học thực nghiệm đã giải thích thì tại sao con người lại khác nhau nhiều thế? Nếu con người chỉ là một bộ máy hữu cơ, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền như khoa Sinh vật học đề xướng thì tại sao anh em cùng cha mẹ mà tính tình lại khác nhau? Tại sao có người phát triển năng khiếu khoa học khi người khác lại thiên về lĩnh vực nghệ thuật? Nếu môi trường sinh sống quyết định tâm tính con người như khoa Tâm lý học đề xướng thì tại sao được nuôi dưỡng cùng hoàn cảnh gia đình lại có người thông minh xuất chúng và người khác ngây thơ, dại khờ? Tại sao trong hàng tỷ người sống trên địa cầu mà không ai giống ai? Chỉ có luật Tiến hóa mới giải thích được điều này: Mỗi người đều có một mức độ hiểu biết và tiến hóa khác nhau, do đó xã hội mới có những sự khác biệt như vậy.
Chúng ta thường coi những người có trình độ tiến hóa cao như các nhà bác học, các bậc anh hùng và hơn nữa là những vị hiền triết hay thánh nhân. Lịch sử mọi quốc gia đều chứa đựng công trình của những người này và nếu chịu khó nhìn lại các bài học lịch sử, chúng ta sẽ thấy quốc gia nào cũng có những vị anh hùng hy sinh cho đất nước; những bậc hào kiệt tranh đấu để bảo vệ giống nòi; những nhà bác học phát minh khám phá, nâng cao đời sống mọi người và những bậc hiền triết giảng dạy chân lý cao thượng hướng dẫn con người biết sống thuận thảo, thương yêu. Một sử gia đã kết luận rằng lịch sử của một quốc gia có thể tóm tắt bằng công trình của một số người xuất sắc, đã khắc phục những khó khăn, trở ngại để thực hiện những công trình lớn lao đem lại lợi ích cho tất cả.
Họ hoạt động trong mọi lĩnh vực từ nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, khoa học, xã hội đến triết học, tôn giáo và cải thiện xã hội, đưa quốc gia đến thịnh vượng, phú cường. Hiển nhiên so với đa số mọi người thì những người này đã vượt xa trình độ của người đương thời về sự hiểu biết trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Con đường tiến bộ của nhân loại có thể coi như một cái thang dài mà mỗi nấc thang là một mức độ tiến hóa, và ở mức nào cũng đã có người đạt đến đó rồi. Nếu chúng ta thẩm định giá trị những người phi thường này, xem họ đã vượt xa những người khác như thế nào thì chúng ta sẽ thấy đó là một con đường dài vô tận vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta và cái lý trí giới hạn của con người hiện nay khó có thể suy nghĩ cho được.
Trong lịch sử loài người, đã có những cá nhân phát triển hoàn hảo trên mọi phương diện và trở thành những con người siêu việt mà chúng ta gọi là các bậc giáo chủ, các thánh nhân, hiền triết. Sự hiện diện của những người này là bằng chứng rằng có một con đường tiến hóa tâm linh rõ rệt mà nếu tuân theo thì chúng ta cũng sẽ đạt đến mức độ huy hoàng, tốt đẹp đó. Đây chính là căn bản của luật Tiến hóa vì mọi vật, vô hình hay hữu hình, thấp hay cao, sang hay hèn, đều đang phát triển để hướng về một mục tiêu cao thượng. Tiến hóa chính là sự biểu lộ của sức sống tiềm ẩn trong tất cả mọi vật trong không gian và thời gian.
Hình hài tuy thay đổi nhưng tinh thần bên trong vẫn thường hằng vì nó chính là sự sống thiêng liêng, xuất phát từ nguồn sống cao cả, vô biên được biểu lộ qua muôn vàn hình thể trong vũ trụ. Con người thật sự là một trí thức trường tồn, nó chỉ khoác lấy thể xác vật chất để học hỏi mà thôi. Thể xác giống như chiếc áo được cấu tạo bằng nguyên tử vật chất, không thể tồn tại mà chỉ được sử dụng trong thời gian nào thôi. Trên tiến trình học hỏi, con người sẽ thay đổi tâm thức, từ thô thiển đến thanh cao cũng giống như học sinh đi học phải bắt đầu từ Tiểu học, Trung học trước khi tiến vào Đại học. Khi học xong bài học cần thiết thì họ đầu thai qua kiếp khác để học hỏi thêm và tiếp tục từ trình độ thấp đến cao, từ thô sơ đến tế vi, từ vô minh đến hiểu biết và chuyển đổi tâm tính, trả hết nghiệp quả, không tạo thêm nhân, rồi trở nên hoàn hảo để bước vào giai đoạn hợp nhất hay giải thoát.
Video: Trích đoạn
Nguồn Internet